VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP
CẮT ĐỨT —CHO QUẢ RIÊNG
Cách thứ ba đoạn nghiệp có thể làm nhiệm vụ là cắt đứt nghiệp yếu hơn, và tạo ra quả riêng của nó.
ÁCMADŪSĪ
Một ví dụ trong trường hợp này là Māra Dūsī (Ác ma Đu-si), trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Kakusandha (Câu-lưu-tôn Phật). Hai vị Thượng Thủ Thánh Văn của Đức Phật này là Tôn giả Vidhura và Tôn giả Sañjīva.
Một hôm, Tôn giả Sañjīva đang ngồi dưới một bóng cây và nhập diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti). Một số những người chăn bò, chăn dê, và những người nông dân đi ngang qua, nhìn thấy ngài ngồi dưới bóng cây, nghĩ rằng ngài đã chết.Vì thế chúng chất cỏ khô và củi quanh thân ngài, châm lửa đốt. Rồi chúng bỏ đi.
Chúng ta biết, khi một người nhập thiền diệt, không gì có thể làm hại người này được, kể cả những vật dụng cá nhân của họ cũng không bị hư hoại. Do đó sáng sớm ngày hôm sau, Tôn giả Sañjīva xuất thiền mà không bị tổn hại gì. Ngài giũ sạch y, và mang bát đi vào làng khất thực. Khi, cũng những người chăn bò, chăn dê và nông dân ấy, nhìn thấy ngài đi bát, họ nghĩ vị Tỳ kheo chết nay đã sống trở lại: tâm họ tràn đầy kinh ngạc và đức tin.
Lúc bấy giờ Māra có tên là Māra Dūsī. Giống như mọi Ác ma khác, ông không thích những vị Tỳ kheo giới đức như vậy, bởi vì ông không biết việc đến và đi (āgatiṁ vā gatiṁ vā) của các vị; không biết sau khi chết các vị sẽ tái sanh về đâu. Tại sao ông không biết? Bởi vì các bậc A-la-hán nhập Parinibbāna (Vô-Dư Niết-bàn) với thức (viññāṇa) không an trú (appatiṭṭhita) ở đâu cả. Vì lẽ các bậc Thánh A-la-hán đã dập tắt tham ái và vô minh, nên không còn tái sanh nữa.
Để cố ngăn chặn điều này, Ác-ma Dūsī đã tạo ra hình ảnh các vị Tỳ kheo với những hành vi cư xử xấu để cho các gia chủ Bà-la-môn nhìn thấy. Và Ác Ma khích động các bà-la-môn này chỉ trích, phỉ báng, chửi rủa, và gây khó chịu các vị Tỳ kheo giới đức. Ác-ma Dūsī nghĩ những cảm giác khó chịu lúc ấy sẽ khởi lên trong tâm các vị Tỳ kheo, phối hợp với ác ý, sân hận, bất mãn, chán nản, …, và điều này sẽ ngăn việc tu tập của các vị. Bằng cách đó, Ác-ma nghĩ rằng ông ta sẽ biết được sự đến và đi của các vị Tỳ kheo. Nhưng khi các Bà-la-môn gia chủ này chỉ trích, phỉ báng, chửi rủa, và gây khó chịu các vị Tỳ kheo, Đức Phật Kakusandha nói các vị Tỳ kheo hãy thực hành bốn Phạm trú (cattāro brahma vihāra), đó là hành thiền tâm từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā). Và ngài dạy các vị dùng bốn phạm trú này làm căn bản để hành thiền minh sát, nhằm đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Nghe lời Đức Phật, các vị Tỳ kheo đi vào rừng hoặc vào một nơi trống trải để hành thiền như đã được chỉ dẫn. Tình trạng đó khiến cho dự tính của Māra Dūsī thất bại: ông vẫn không biết được sự đến đi của các vị Tỳ kheo. Rồi ông lại khích động các Bà-la-môn gia chủ làm ngược lại, nghĩa là ông bảo họ hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới đức. Māra Dūsī nghĩ rằng làm như vậy những cảm giác dễ chịu sẽ khởi lên trong tâm các vị Tỳ kheo, phối hợp với sự thích thú, hài lòng, hãnh diện của tâm,…[222] và điều này sẽ cản trở việc thực hành của các vị. Nhưng một lần nữa, Đức Phật Kakusandha đã có cách chữa. Ngài khuyên các vị Tỳ kheo thay vì hành bốn phạm trú hãy hành bốn loại tưởng (saññā), đó là 1. tưởng bất tịnh (asubha-saññā); 2. tưởng vật thực bất tịnh (āhāre-paṭikūla-saññā); 3. tưởng nhàm chán đối với tất cả thế gian (sabba-loke an-abhirati-saññā); 3. tưởng vô thường (anicca-saññā). Một lần nữa, các vị Tỳ kheo cũng đi vô rừng,…và hành theo sự chỉ dẫn của Đức Phật, các vị dùng bốn đề mục thiền này để đề kháng tham, sân và si, rồi phát triển minh sát, và đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Dự định của Māra Dūsī một lần nữa thất bại: ông không thể biết được sự đến đi của các vị Tỳ kheo.
Thế rồi một hôm, khi Đức Phật Kakusandha đi khất thực cùng với Tôn giả Vidhura, một thượng thủ thanh văn của ngài. Māra Dūsī nhập vào một đứa bé trai. Đứa bé này nhặt một miếng mẻ sành và ném vào Tôn giả Vidhura. Miếng mẻ sành này làm loã đầu ngài và chảy máu. Ngay lúc ấy, Đức Phật Kakusandhi quay đầu lại với cái nhìn voi chúa của một vị Phật (nāgā-palotika). Ngài nói: ‘Māra Dūsī này thật không biết giới hạn (na vāyaṁ dūsī māro matta-m-aññāsi). Và lập tức Māra Dūsī chết tại chỗ ấy và tái sanh trong Đại Địa Ngục A-tỳ. Tại đó ông bị nấu sôi trong nhiều ngàn năm. Thậm chí ông còn bị tái sanh vào địa ngục khổ nhất trong các địa ngục (một địa ngục nhỏ gắn liền với Đại Điạ Ngục A-tỳ), nơi đây ông bị nấu vạc dầu trong mười ngàn năm, và ở đó ông là một chúng sanh với thân người đầu cá.
Nghiệp tấn công một vị Thượng Thủ Thanh Văn của Māra Dūsī đã cắt đứt thiện nghiệp vốn cho ông được tái sanh trong thiên giới. Và nó tạo ra quả riêng của nó, đó là tái sanh trong Đại Địa Ngục A-tỳ, thậm chí trong một địa ngục tồi tệ nhất trong số các địa ngục ở đó.
Chúng ta cần hiểu rằng việc tái sanh địa ngục của Māra Dūsī không phải do cái nhìn voi chúa của Đức Phật gây ra, hay do lời nói của ngài gây ra. Mà chính là do bất thiện nghiệp tấn công một vị Thượng Thủ Thanh Văn của Đức Phật gây ra mà thôi.530 Vận hành của nghiệp là như vậy.
VUA KALĀBU
Ví dụ khác là Vua Kalābu, một vị vua của xứ Bārāṇasi, nhiều đại kiếp trước thời Đức Phật của chúng ta. Ông có được năm uẩn của một con người là nhờ thiện nghiệp quá khứ. Và ông được làm vua cũng là nhờ thiện nghiệp quá khứ. Nhưng một hôm, ông nổi giận với đạo sĩ Khantivādī, người dạy pháp kham nhẫn (khanti) và là đức Bồ Tát của chúng ta. Để thử đức kham nhẫn của Đạo Sĩ Khantivādī, Vua Kalābu đã ra lệnh cắt mũi, rồi xẻo tai, và chặt đứt tay chân của Khantivādī. Những bất thiện nghiệp ấy đã chín mùi ngay trong lập tức, vì quả đất đã nứt ra và rút Kalābu xuống A-tỳ Địa Ngục. Như vậy, bất thiện nghiệp hiện tại đã cắt đứt thiện nghiệp vốn tạo ra năm uẩn của ông như Đức Vua Kalābu, và tạo ra quả riêng của nó, đó là năm uẩn của một chúng sanh trong địa ngục. Vì thế chúng ta có thể nói rằng nghiệp giết vị đạo sĩ vừa làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp và vừa làm nhiệm vụ như sanh nghiệp. Theo một cách khác, chúng ta cũng có thể nói rằng nghiệp giết vị đạo sĩ đã cắt đứt nghiệp tạo ra năm uẩn của ông ta như Vua Kalābu, và nghiệp đồng nhất khác tạo ra năm uẩn của ông ta như một chúng sanh trong A-tỳ Địa Ngục: đó là, đoạn nghiệp và sanh nghiệp có cùng tính đồng nhất (ek-attanaya). Bây giờ chúng ta sẽ bàn về nguyên tắc đồng nhất:
NGUYÊN TẮC ĐỒNG NHẤT
Theo nguyên tắc đồng nhất, chuỗi nghiệp tạo thành một hành động hoàn tất là như nhau, nghĩa là tất cả các tốc hành tâm khác đều có cùng một tính đồng nhất.
Chúng ta có thể hiểu được nguyên tác này nếu chúng ta nhìn vào tiến trình duyên sanh (paṭicca-samuppaada):
- Do vô minh, hành (sanh);
- Do hành, thức sanh;
- Do thức, danh và sắc sanh;
- Do danh sắc, lục nhập sanh.
Tiến trình này giống như tiến trình của một hạt giống trải qua những giai đoạn: mầm chồi, cây con, cây non, …, cuối cùng trở thành một cây già. Hạt giống, mầm chồi, cây con, cây non,…không giống như cây già, nhưng tính liên tục là như nhau, nghĩa là các giai đoạn khác nhau có cùng một tính đồng nhất.
Khi chúng ta hoàn tất thiện nghiệp bố thí (dāna), thiện nghiệp giữ giới, thiện nghiệp tu thiền chỉ và minh sát, thì theo nguyên tác đồng nhất, mỗi hành động như vậy được xem là một nghiệp. Cũng vậy, khi một người hoàn tất bất thiện nghiệp sát sanh, bất thiện nghiệp trộm cắp, bất thiện nghiệp tà dâm, bất thiện nghiệp nói dối, bất thiện nghiệp uống rượu, bia và các chất say,…mỗi hành động như vậy được xem như một nghiệp. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng một trong những hành động ấy chỉ bao gồm một tư (cetanā), vì trong quá trình của chỉ một trong những hành động ấy, nhiều tỷ tiến trình tâm bất thiện hoặc thiện đã sanh lên và diệt. Như chúng tôi đã giải thích trước đây, trong cõi dục (kām-āvacara-bhūmi) của chúng ta, chỉ một cái búng tay rất nhiều ngàn triệu tâm đã sanh lên và diệt: chúng bao gồm nhiều ngàn triệu tiến trình tâm (citta-vīthi). Mỗi trong các tiến trình tâm ấy có bảy tốc hành tâm (javana). Vì thế, khi chúng ta nói về một nghiệp, thực sự là chúng ta đang nói đến những chuỗi nghiệp nằm trong hành động đã hoàn tất, như hành động bố thí chẳng hạn. Nếu chúng ta xem xét những hành động theo cách này, chúng ta sẽ hiểu ra rằng một nghiệp có thể làm nhiệm vụ theo nhiều cách.
Trước khi bàn thêm về nguyên tắc đồng nhất, tôi xin tóm tắt lại những nhiệm vụ khác nhau mà nghiệp có thể thực hiện trước đã.
- Khi một nghiệp tạo ra danh sắc quả vào thời tục sanh và trong thời bình nhật, nó đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp (janaka-kamma).
- Khi một nghiệp làm cho sự chín mùi của quả (của) một sanh nghiệp bất thiện hay sanh nghiệp thiện nào đó dễ dàng hơn, và làm cho quả ấy kéo dài thêm, nó đã làm nhiệm vụ như trì nghiệp (upatthambhaka-kamma).
- Khi một nghiệp làm cho sự chín mùi của quả (của) một sanh nghiệp bất thiện hay sanh nghiệp thiện nào đó dễ dàng hơn, và làm cho quả ấy kéo dài thêm, nó đã làm nhiệm vụ như trì nghiệp (upatthambhaka-kamma).
- Khi một nghiệp cản trở quả của một sanh nghiệp bất thiện hay sanh nghiệp thiện, nó đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp (upapīḷaka-kamma).
- Khi một nghiệp thay thế, và cắt đứt quả của một sanh nghiệp bất thiện hay sanh nghiệp thiện, nó đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp (upaghātaka kamma).
Cả bốn nhiệm vụ này đều có thể được thực thi bởi một nghiệp, có nghĩa là, những nghiệp khác nhau có cùng tính đồng nhất có thể thực thi những nhiệm vụ khác nhau. Chẳng hạn, khi quý vị bố thí đến một người giới đức, lúc ấy nhiều tỷ tiến trình ý môn đã sanh lên và diệt trong tương tục danh và sắc của quý vị: trước khi quý vị bố thí, trong khi quý vị bố thí và sau khi quý vị bố thí. Trong mỗi tiến trình tâm ấy có bảy tốc hành tâm thiện: một số tốc hành tâm trong đó sẽ làm nhiệm vụ như sanh nghiệp; một số sẽ làm nhiệm vụ như trì nghiệp; một số sẽ làm nhiệm vụ như chướng nghiệp; một số sẽ làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp; và một số hoàn toàn không làm nhiệm vụ gì cả, bởi vì chúng sẽ vô hiệu lực.
TÔN GIẢ ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA
Một ví dụ điển hình về bốn nhiệm vụ hoạt động trong một tiến trình danh-sắc đồng nhất là Tôn giả Đề-bà-đạt-đa.
Một thiện nghiệp đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra sự tái sanh của ông trong một hoàng tộc. Thiện nghiệp đó cũng đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp và trì nghiệp để tạo ra hạnh phúc liên tục trong cuọc sống vương giả của ông, và sau đó như một vị Tỳ kheo. Nhưng về sau, khi làm Tỳ kheo bị Tăng Đoàn trục xuất vì những hành động ác của ông, ông đã đánh mất lòng tôn kính của mọi người và còn bị khinh miệt: lúc đó thiện nghiệp của ông đã bị cản trở bởi một bất thiện nghiệp làm nhiệm vụ như chướng nghiệp. Và do gây ra một sự chia rẽ trong Tăng, ông đã bị tái sanh trong địa ngục: trọng nghiệp bất thiện chia rẽ Tăng (phá hoà hợp Tăng) của ông đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp cắt đứt những sanh nghiệp thiện và trì nghiệp thiện vốn đã tạo ra và duy trì cuộc sống của ông như một con người.
Đây, không phải một nghiệp vừa làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp và sanh nghiệp. Mà khi Đề-bà-đạt-đa gây ra một sự chia rẽ trong Tăng, rất nhiều tỷ tiến trình ý môn bất thiện đã sanh khởi trong ông, mỗi tiến trình có bảy tốc hành tâm, điều đó có nghĩa là từ một hành động chia rẽ Tăng, hàng tỷ tỷ tốc hành tâm bất thiện đã sanh. Những tỷ tốc hành tâm bất thiện ấy đều có cùng tính đồng nhất, tuy vậy chúng lại thực thi những nhiệm vụ khác nhau: một nghiệp chia rẽ Tăng làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp để cắt đứt nghiệp vốn tạo ra tái sinh làm người của ông, và nghiệp chia rẽ Tăng khác làm nhiệm vụ như sanh báo nghiệp (nghiệp tạo ra quả tái sanh ngay kiếp kế) để tạo ra quả tái sanh trong địa ngục A-tỳ của ông. Những nghiệp ‘chia rẽ Tăng’ khác, cũng như những trọng nghiệp bất thiện khác từ hành động với ác ý làm chảy máu một vị Phật của ông, cộng với những bất thiện nghiệp khác có cùng tính đồng nhất sau đó đã làm nhiệm vụ như những trì nghiệp để tăng thêm khổ đau của ông trong địa ngục, và kéo dài sự khổ đau ấy cho đến kiếp hoại của quả đất.
SỰ GIẢI THÍCH CỦA ĐẠI TRƯỞNG LÃO LEDĪ
Ví dụ khác về chuỗi nghiệp có cùng tính đồng nhất thực thi cả bốn nhiệm vụ là sự giải thích của Đại Trưởng Lão Ledī Sayadaw về sự cố sát.
Ngài giải thích rằng khi một người đoạt mạng sống của người khác, những tư (cetanā) của hành động sát sanh ấy có đủ sức mạnh để làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, có nghĩa là chúng có đủ sức mạnh để tạo ra những kết quả trong quá trình của một kiếp sống (như hiện báo nghiệp), hay để tạo ra danh – sắc tục sanh của một chúng sanh trong địa ngục (như sanh báo nghiệp hoặc hậu báo nghiệp). Nhưng điều này sẽ chỉ xảy ra khi chúng gặp được những điều kiện thoả đáng để chín mùi. Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, những tư (cetanā) của hành động sát sanh này vẫn có thể (như sanh báo nghiệp hoặc hậu báo nghiệp) thực thi một trong ba nhiệm vụ khác:
- Chúng có thể củng cố (trì nghiệp) cho những quả của nghiệp bất thiện khác.
- Chúng có thể làm mất tác dụng (chướng nghiệp) những quả của thiện nghiệp.
- Chúng có thể cắt đứt (đoạn nghiệp) những thiện nghiệp.
Có thể nói tư (cetanā) của một hành động bất thiện hoặc thiện có thể thực thi một trong những nhiệm vụ này cho đến một trăm ngàn đại kiếp hoặc lâu hơn trong tương lai.
Đến đây, sau khi đã giải thích xong về nguyên tắc đồng nhất, chúng tôi sẽ giải thích tiếp việc một nghiệp có thể làm nhiệm vụ như những gì được gọi là đoạn nghiệp có tính đồng nhất (ekatta-naya-upaghātaka-kamma) như thế nào.
ĐOẠN NGHIỆP CÓ TÍNH ĐỒNG NHẤT
BA VỊ TỲ-KHEO
Đoạn nghiệp thiện mạnh mẽ và đầy năng lực không những có thể cắt đứt quả của bất thiện nghiệp yếu hơn, mà nó cũng còn cắt đứt quả của thiện nghiệp yếu hơn nữa. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là Thiên Tử Gopaka (Deva Gopaka) và ba vị Tỳ kheo.
Thiên Tử Gopaka là con của vua trời Đế Thích (Sakka). Trong một tiền kiếp Thiên Tử Gopaka là công chúa dòng Thích Ca tên là Gopīka, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Cô giữ ngũ giới trọn đời, và hằng ngày có ba vị Tỳ kheo đến nhà cô để khất thực, các vị cũng dạy Pháp cho cô. Kết quả là, dựa trên giới, và trí hiểu biết về Pháp, cô có thể hành thiền chỉ và thiền minh sát thành công đến độ cô trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu (Sot-Āpanna) sau đó. Do nhàm chán với kiếp sống người nữ của mình, cô đã hoàn thành nhiều thiện nghiệp với ước nguyện được tái sanh làm người nam. Vào lúc chết, cô được tái sanh lên cõi trời Đạo Lợi (Tāvatiṁsā) làm con trai của Vua Trời Đế Thích: tên của cô lúc này là Thiên Tử Gopaka.
Ba vị Tỳ kheo cô thường đặt bát khi còn là công chúa Gopikā cũng là những người có giới đức: các vị đã hành giới của vị Tỳ kheo một cách trong sạch. Dựa trên giới các vị cũng hành thiền chỉ và thiền inh sát thành công, ngoại trừ việc họ không đắc một đạo quả nào. Tuy nhiên giới, định và tuệ của các vị trở thành thân y duyên (upanissaya-paccaya) mạnh mẽ cho sự chứng đạt một Thánh Đạo nếu có cơ hội.
Giới của họ trong sạch đến mức họ chắc chắn sẽ được tái sanh vào bất kỳ cảnh giới chư thiên nào họ muốn. Hơn nữa, vì đã đắc thiền, nên họ cũng có thể tái sanh vào một cõi Phạm Thiên tương ứng. Nhưng vào lúc chết, họ lại không tái sanh vào một trong những cõi Phạm Thiên, mà tái sanh như những chư thiên Càn-thát-bà (Gandhabba), làm nhạc công, và vũ công ở đó. Vì sao? Bởi vì họ đã từng là những chư thiên Càn-thát-bà trong nhiều kiếp quá khứ, điều này có nghĩa là họ có khuynh hướng về lối sống (chư thiên Càn-thát-bà) đó. Chúng ta biết, chư thiên Càn-thát-bà thuộc về cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātu-Mahā-Rājika), cõi chư thiên thấp nhất trong sáu cõi trời dục giới.
Một hôm, ba vị trời Càn-thát-bà này đến hội trường để giúp vui cho các vị chư thiên, trong đó có Thiên Tử Gopaka. Khi nhìn thấy ba vị này Gopaka nghĩ: ‘Các vị chư thiên này sáng chói và xinh đẹp quá. Không biết nghiệp quá khứ của họ là gì?’ ông thấy rằng họ đã từng là ba vị Tỳ kheo hàng ngày đến nhà ông khất thực! Quán xét thêm, ông cũng khám phá ra rằng giới, định và tuệ của các vị đã được thực hành rất cao. Vì thế ông nói: ‘Khi các vị nghe Pháp và thực hành Pháp, mắt và tai của các vị hướng về cái gì? Các vị là những Tỳ kheo đã được thực hành tăng thượng tam học dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, vậy mà giờ đây các vị lại phải tái sanh làm các chư thiên Càn-thát-bà, thấp kém hơn các vị chư thiên cõi Đạo Lợi. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó thật là không tốt đẹp.’
Nghe những lời quở trách, mà âm thanh của nó như một lời cảnh báo đối với ba vị chư thiên Càn-thát-bà này, hai vị trong họ đã nhớ lại được những pháp hành cao quý của mình, và cảm thấy hổ thẹn. Ngay lập tức, các vị phát triển thiền định và đạt đến sơ thiền, dựa trên thiền này các vị hành minh sát, trở thành Thánh Bất Lai (An-Āgāmi), và chết. Họ được tái sanh về cõi Phạm Phụ Thiên (Brahmā Purohita), một trong ba cõi sơ thiền. Còn lại vị thứ ba, do không biết hổ thẹn, nên vẫn làm chư thiên Càn-thát-bà như cũ.
Vậy thì giải thích những vận hành của nghiệp đối với hai vị Càn-thát-bà trở thành Thánh Bất Lai này là như thế nào? Trong tiền kiếp làm Tỳ kheo của họ, các vị đã hoàn thành thiện nghiệp tạo ra tái sanh trong cõi chư thiên như những nam Càn-thát-bà. Nhưng nghiệp đó đã bị cắt đứt bởi nghiệp sơ thiền mạnh hơn (đây là một trọng nghiệp), và với nghiệp này họ đã đạt đến Bất Lai Thánh Quả. Và đoạn nghiệp cho quả riêng của nó, là sự tái sanh trong cõi Phạm Phụ Thiên.
Như vậy, theo nguyên tắc đồng nhất, thiện nghiệp sơ thiền của các vị đã làm nhiệm vụ vừa như một đoạn nghiệp và vừa như một sanh nghiệp. Chính xác hơn, trong khoảng thời gian rất ngắn các vị đắc sơ thiền ấy, các vị đã hoàn thành hàng tỷ nghiệp sơ thiền, và trong số những nghiệp ấy, một đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp, một nghiệp khác như sanh nghiệp, và hàng tỷ nghiệp còn lại trở thành vô hiệu nghiệp.
NGẠ QUỶ NANDAKA
Nếu một đoạn nghiệp thiện có thể cắt đứt sanh nghiệp thiện yếu hơn như thế nào, thì một đoạn nghiệp bất thiện cũng có thể cắt đứt sanh nghiệp bất thiện yếu hơn như vậy. Đoạn nghiệp thiện cũng có thể tạo ra quả riêng của nó, và những trì nghiệp bất thiện có tính đồng nhất khác có thể kéo dài thêm quả ấy. Một ví dụ điển hình là ngạ quỷ Nandaka.
Trong kiếp làm người trước, ông là tướng của đức Vua Piṅgala ở Suraṭṭha. Nandaka chấp chặt những gì Đức Phật gọi là Đại Tà Kiến (Mahā-Diṭṭhi). Theo Đại Tà Kiến này thì không có nhân hay duyên cho sự thanh tịnh của các chúng sanh (sự thanh tịnh không do tu tập mà thành); mà thời gian của mỗi chúng sanh trong Luân Hồi (Saṁsāra) là cố định, hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người đã được tiền định: ví như một cuộn chỉ cứ tháo ra cho đến khi không còn chỉ nữa như thế nào, thời gian của mỗi con người trong luân hồi (Saṁsāra) cũng cứ tháo ra cho đến một thời hạn nhất định thì họ huỷ diệt y như vậy. Như vậy, Đại Tà Kiến là một quan kiến không tưởng với những yếu tố vừa như một thường kiến, vừa như một đoạn kiến.[224] Vì lẽ vị tướng này chấp chặt quan kiến ấy, ông đã hoàn thành hàng tỷ bất thiện nghiệp trong suốt cuộc đời của ông. Chúng ta không biết vào lúc chết ông ta chấp giữ quan kiến này mãnh liệt như thế nào, nhưng theo Kinh Điển, ông ta đã bị tái sanh làm ngạ quỷ.
Tuy nhiên, Uttarā, con gái của vị tướng này lại giữ Chánh Kiến, vì cô là một bậc Thánh Nhập Lưu. Và sau cái chết của người cha, cô đã cúng dường vật thực đến một vị A-la-hán thường đi bát trong ngôi làng cô ở, và hồi hướng phước của nghiệp cúng dường ấy đến người cha đã quá cố của cô. Khi tác sự cúng dường hoàn thành, Nandaka không thể thốt lên lời Sādhu! (‘Lành thay!’). Mặc dù thiện nghiệp đó quá yếu để cắt đứt sanh nghiệp bất thiện vốn duy trì cuộc sống bất hạnh của ngạ quỷ, nó lại đủ mạnh để tạo ra những lạc thú của một vemānika (một loại chúng sanh giống như chư thiên). Nhưng nó cũng chỉ kéo dài sáu tháng, vì lúc đó một nghiệp tà kiến mạnh hơn (thuộc cùng tính đồng nhất như sanh nghiệp bất thiện vốn giữ ông trong ngạ quỷ giới) đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp bất thiện, và làm cho quả riêng của nó phát sanh, khiến cho ngạ quỷ Nandaka phải tái sanh vào A-tỳ Địa Ngục. Những nghiệp tà kiến khác lúc đó tác hành như trì nghiệp để làm cho sự sống của ông trong A-tỳ Địa Ngục kéo dài hơn.
Câu chuyện đó đã kết thúc phần giải thích của chúng tôi về đoạn nghiệp, và cũng kết thúc phần giải thích của chúng tôi về mười hai loại nghiệp mà Đức Phật thường dùng để giải thích những vận hành của nghiệp.