Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp Về Đạo Duyên Trong Duyên Hệ: Hai Đạo Lộ

Hôm nay 17/10/2021, theo như thường lệ hàng tuần, Ngài sẽ chia sẻ với chúng ta 1 bài pháp thoại. Để kỷ niệm, tưởng nhớ đến ngày Vi Diệu Pháp, ngày rằm tháng 9 âm lịch tới, nhằm ngày 20/10/2021 là ngày Vi Diệu Pháp trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, là ngày Đức Phật đã thuyết Vi Diệu Pháp hộ độ mẹ của Ngài ở trên cõi trời Đao Lợi Tāvatimsa. Hôm nay, Ngài sẽ chia sẻ với các Phật tử chúng ta bài Pháp liên quan đến Vi Diệu Pháp gọi là Đạo Duyên Magga-paccaya ở trong bộ Duyên hệ thuộc Tạng Vi Diệu Pháp về 2 Đạo Lộ. Như thường lệ, trước tiên Ngài sẽ chúc phúc cho tất cả chư Phật tử trong room cũng như thân quyến được sức khỏe, an vui với gia đình quyến thuộc, được nhiều thuận duyên trong cuộc sống và tu tập, Ngài sẽ tụng 1 bài đoạn kệ trong bài Kinh Ratana Sutta.

(Đạo Duyên Trong Duyên Hệ: Hai Đạo Lộ – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp, Sư Thiện Đức Dịch Việt)

 

Vi Diệu Pháp là 1 Tạng rất là khó, trong đó khó nhất là bộ Duyên Hệ, hôm nay Ngài sẽ chia sẻ cho chúng ta về đề tại Đạo Duyên ở trong Tạng Vi Diệu Pháp, đặc biệt là Đạo Lộ để chúng ta hiểu biết và tu tập. Và với bài Pháp ngày hôm nay Ngài chia sẻ với mục đích để chúng ta hiểu rõ, để chúng ta tu tập, biết rõ Đạo Lộ nào là an toàn, thiện lành và Đạo Lộ nào là nguy hiểm, không mang lại kết quả tốt.

Đạo Lộ theo trong Kinh Tạng thì có 2 Đạo lộ, là Đạo Lộ An Toàn (Khemā-magga) và Đạo Lộ Nguy Hiểm (Kummagga).

Dao Duyen Trong Duyen He 1

Hai Đạo Lộ trong Tạng Vi Diệu Pháp, đặc biệt trong bộ Lý Duyên Hệ có đề cập một Phật ngôn đó là “maggaṅgāni maggasampayuttākanaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhanananca rūpānaṃ maggapaccayena paccayo” có nghĩa là các chi phần của Đạo làm duyên cho các Pháp liên quan với Đạo, và các sắc pháp được sinh từ các Pháp đó thông qua Đạo Duyên.

Ở trong Lý Duyên Hệ, chúng ta cần biết rõ 3 yếu tố:

  1. Paccaya: Nhân
  2. Paccaya’uppanna: Quả
  3. Paccaya-satti: Nguyên lý vận hành của Nhân > Quả

Dao Duyen Trong Duyen He 2

Theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, vào mùa hạ thứ 7 Đức Phật đã nhập hạ ở cõi trời Tam Thập Tam (cõi trời Đao Lợi) để giáo hóa mẹ của Ngài vốn tái sinh ở cõi trời Tussita. Mỗi ngày Đức Phật thuyết Vi Diệu Pháp cho Chư Thiên ở các cõi trời đến nghe, và sau đó Ngài xuống cõi người để đi bát và thọ dụng vật thực. Khi Ngài xuống cõi người đi bát thọ dụng vật thực, Ngài đã phát nguyện và tạo ra 1 vị Phật gọi là Nimmita-Buddha (Vị Phật Hóa Thân) và vẫn thuyết pháp ở trên cõi trời Tam Thập Tam cho Chư Thiên và Phạm Thiên. Khi Đức Phật xuống cõi người để đi bát, thọ dụng vật thực, sau đó gặp Ngài Sāriputta để Ngài dạy lại Vi Diệu Pháp một cách tóm tắt, và Ngài Sāriputta dạy lại cho 500 đệ tử của mình, và tạng Vi Diệu Pháp bây giờ chúng ta đang có là Vi Diệu Pháp được Ngài Sāriputta nghe tóm tắt lại từ Đức Phật, sau đó Ngài dạy lại rộng hơn cho 500 vị đệ tử. Nên tạng Vi Diệu Pháp mà Đức Phật dạy trên cõi trời cho Chư Thiên, Phạm Thiên rất là rộng. Và Ngài truyền lại cho Ngài Sāriputta rất là tóm tắt, nhưng khi đến Ngài Sāriputta truyền lại cho 500 vị Tỳ khưu đệ tử thì Ngài truyền lại cỡ trung bình (không quá dài, cũng không quá ngắn) và tạng Vi Diệu Pháp hiện tại chúng ta đang có ở trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy bằng tiếng Pali là tạng Vi Diệu Pháp của Ngài Sāriputta truyền lại cho 500 vị đệ tử, không dài cũng không ngắn.

Dao Duyen Trong Duyen He 3

Tạng Vi Diệu Pháp như Ngài nói thì rất là khó, đặc biệt là phần Duyên Hệ. Trong Duyên Hệ, để 1 người có thể học hiểu Duyên Hệ Paṭṭhāna (có nghĩa là Nhân, Duyên, Quả và nguyên lý vận hành của Nhân, Duyên, Quả) thì người đó tối thiểu phải học Vi Diệu Pháp cơ bản (đặc biệt là quyển Vi Diệu Pháp – Thắng Pháp Tập Yếu Luận Abhidhammattha Sangaha) về tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết-bàn một cách tóm tắt. Khi hiểu biết cơ bản như vậy mới có thể học và hiểu nguyên lý Paṭṭhāna nên tương đối khó, nên khi 1 người chưa học Vi Diệu Pháp rất khó để hiểu Duyên Hệ, chính vì vậy hôm nay Ngài sẽ kết hợp để giải thích Đạo Duyên với Kinh Tạng. Ở trong Kinh Tạng, Đức Phật dạy 2 Đạo Lộ ở trong bài kinh Dvedhā-vitakka Sutta (kinh Song Tầm hay kinh Nhị Tầm) ở trong Trung Bộ Kinh. Và ở trong bộ kinh này, Đức Phật dạy 2 Đạo Lộ, đó là Đạo Lộ An Toàn (Khemā-magga) và Đạo Lộ Nguy Hiểm (Kummagga).

Dao Duyen Trong Duyen He 4

Khi Đức Phật đang ngụ ở Kỳ Viên Tịnh Xá Jetavana gần kinh thành Savatti Xá Vệ, Đức Phật đã dạy Chư Tỳ Khưu rằng: “Này Chư Tỳ Khưu, khi ta còn là 1 vị Bồ Tát chưa thành Phật, chưa liễu ngộ 4 chân lý thì ta đã phân tích 2 loại suy tầm: (1) Bất thiện tầm (akusala-vitakka): dục, sân, hại; và (2) Thiện tầm (kusala-vitakka): ly dục, vô sân, vô hại.

Dao Duyen Trong Duyen He 5

Khi Đức Phật phân chia 2 loại suy tầm như vậy, Ngài thấy rằng loại suy tầm thứ nhất – dục, sân, hại – có thể mang lại đau khổ cho hiện tại và cho tương lai, còn nhóm Thiện tầm – ly dục, vô sân, vô hại – thì mang lại lợi ích cho hiện tại và an lạc cho tương lai.

Dao Duyen Trong Duyen He 6

Và Đức Phật dạy rằng, khi Như Lai phân tích 2 loại suy tầm như vậy, Như Lai đã từ bỏ, xả ly Bất thiện tầm. Và khi quan sát Thiện tầm, thì khiến tâm của Ngài dõng mãnh, tinh tấn, niệm an trú, thân khinh an, tâm định tĩnh. Ngài đã sử dụng đề mục thiền Anapana (hơi thở vào, hơi thở ra) để thiết lập và phát triển 4 tầng thiền. Với tầng thiền thứ 4 Ngài đã sử dụng để phát triển 3 loại trí tuệ gọi là Tam Minh (hay là Tam Trí) là:

  • Túc Mạng Trí (pubbenivās’ānussati-ñāṇa): nhớ nhiều đời nhiều kiếp quá khứ với các nét đại cương và chi tiết.
  • Sinh Tử Trí (Cut’ūpapāta-ñāṇa): thấy rõ sự sống, sự chết của chúng sinh; tuệ tri rằng chúng sinh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
  • Lậu Tận Trí (Āsavakhaya-ñāṇa): thấu hiểu Tứ Đế  (4 Chân Lý) và đoạn trừ tất cả lậu hoặc – đó là dục lậu (kam’āsava), hữu lậu (bhav’āsava), vô minh lậu (avijj’āsava)

Sau khi Đức Phật thuyết về Đạo Lộ thực hành của Ngài đạt đến Tam Minh, Ngài đưa ra 1 ví dụ, Ngài dạy rằng: này các Tỳ Khưu, giống như có 1 khu rừng rậm có hồ nước lớn, sâu và có đàn nai sống cạnh hồ 1 cách an toàn. Có 1 người xấu không muốn đàn nai an ổn, nên đến chặn lại con đường an toàn, và mở ra con đường nguy hiểm, đặt con mồi đực, con mồi cái để bẫy đàn nai. Và mỗi khi những con nai đến chặn người đặt bẫy đó, thì những con nai bị bắt đi, nên đàn nai mỗi ngày rơi vào khủng hoảng và hao mòn dần. 

Dao Duyen Trong Duyen He 7

Khi đó có 1 người tốt đi đến và muốn đàn nai được an ổn, đã mở con đường an toàn và chặn lại con đường nguy hiểm, đã bỏ đi con mồi đực, con mồi cái để cho đàn nai không gặp nguy hiểm, để đàn nai được an lạc, tăng trưởng và hưng thịnh.

Thuyết như vậy xong, Đức Phật Ngài ví dụ hồ nước lớn và sâu chỉ cho các dục, đàn nai lớn chỉ cho các loài hữu tình, người xấu là ác ma, là người không muốn các loài tu tập phát triển Giới, Định và Tuệ, Đạo Lộ nguy hiểm là Bát tà đạo (là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định), con mồi đực là hỷ tham hay là dục tham, con mồi cái chỉ cho vô minh. Còn người tốt chỉ cho Đức Phật, Đạo Lộ an toàn là Bát Chánh Đạo (chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định).

Dao Duyen Trong Duyen He 8

Vì vô minh che lấp, dục tham trói buộc nên chúng sinh say đắm, bị thu hút bởi các đối tượng như sắc, thanh, hương, vị, xúc khiến các chúng sinh đau khổ. Ở đây tham hay dục tham là tượng trưng, được so sánh như con mồi đực được nhử bởi 1 sợi dây ngắn. Vô minh được ví như con mồi cái được nhử bởi 1 sợi dây dài. Khi 1 người không có thực hành theo con đường an toàn (Bát Chánh Đạo) mà chọn con đường nguy hiểm (Bát tà đạo) thì sẽ dẫn đến con đường đau khổ cả hiện tại và trong tương lai.

Cho nên hai yếu tố phiền não là Dục Tham (Nandīrāga) và Vô Minh (Avijjā) khiến cho chúng sinh không thấy rõ điều gì là tốt, điều gì là xấu, không phân biệt rõ thiện và ác. Dục Tham đã trói buộc các chúng sinh đắm chìm trong luân hồi sinh tử.

Dao Duyen Trong Duyen He 9

Ở trong chú giải của bài kinh này đã giải thích rằng, khi chúng sinh bị che lấp bởi Vô Minh và trói buộc bởi Dục Tham thì không thể nào thoát ra được dòng luân hồi sinh tử, vì vậy yếu tố 8 chi phần Bát Chánh Đạo rất quan trọng để có thể loại trừ Vô Minh và Dục Tham, mới có thể khiến 1 chúng sinh giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Khi Dục Tham và Vô Minh che lấp và trói buộc tâm của chúng sinh, khiến chúng sinh tạo bất thiện nghiệp. Chúng ta có thể suy tư về ví dụ này, đó là 1 người trộm cắp tài sản của người khác, thì trước hết người đó nghĩ rằng để cho mình sử dụng, để người thân mình sử dụng… Điều đó nói lên yếu tố đầu tiên là atta-diṭṭhi ngã kiến chấp rằng ta, là của ta, để cho ta thừa hưởng. Và khi có ngã chấp thì Vô Minh cũng là yếu tố làm cho tâm của chúng sinh không thấy rõ điều đó là điều không tốt. Khi công việc trộm cắp thành công, có được của cải, tâm bị trói buộc, dính mắc vào của cải. Thế là vì Ngã Kiến, vì Vô Minh, vì Dục Tham khiến cho 1 chúng sinh bị đắm chìm trong luân hồi sinh tử. Trong cuộc sống cứ bị trôi lăn trong bất thiện nghiệp như vậy.

Dao Duyen Trong Duyen He 10

Chúng ta lấy 1 ví dụ khác, đó là 1 người uống rượu. Thì trước hết người đó muốn rằng ta muốn, ta thích rượu, ta muốn say, vì Vô Minh nên không thấy rõ sự độc hại của rượu, của chất say. Vì Dục Tham say đắm đối với loại rượu đó cho nên không từ bỏ được rượu mà người đó muốn uống, thế là người đó bị 3 phiền não là Ngã Kiến, Vô Minh, Dục Tham chi phối, dẫn đến tai hại cho mình, và người thân trong nhà.

Cho nên, những bất thiện được làm qua thân, khẩu và ý đều có sự dẫn dắt bởi Tà Kiến (micchā-diṭṭhi) và Ngã Kiến (atta-diṭṭhi), cho nên ở trong Tăng Chi Đức Phật dạy rằng: “ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ Khưu, do pháp ấy mà các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, các pháp bất thiện đã sanh được tăng trưởng quảng đại, như là tà kiến”. Chính vì Tà Kiến và Ngã Kiến khiến cho 1 chúng sinh luôn tạo tác, phát triển bất thiện pháp.

Dao Duyen Trong Duyen He 12

Và chúng ta cũng nên biết rằng, bao giờ Tà Kiến và Ngã Chấp chưa được đoạn trừ, thì dù sinh vào 1 cảnh giới nào, dù ở cõi Trời, Chư Thiên hay Phạm Thiên thì vẫn bị chi phối trong vòng sinh tử luân hồi.

Ở trong kinh điển có rất nhiều ví dụ để dẫn chứng cho yếu tố Tà Kiến và Ngã Kiến luôn chi phối đời sống của chúng sinh. Đề tài bài pháp Ngài chia sẻ liên quan đến sự báo hiếu đối với cha mẹ như trong phần trước, ở trong kinh điển Ngài lấy 1 ví dụ liên quan đến sự báo hiếu cha mẹ, đồng thời trình bày sự tai hại của Kiến Chấp, của Ngã Kiến như thế nào. Trong tích truyện tiền thân của Đức Phật, có một tích truyện vào thời Đức Phật Kassapa có 1 vị thanh niên tên là Mittavindaka vốn là tiền thân của 1 vị Tỳ-khưu khó dạy bảo; nên Đức Phật mới kể câu chuyện tiền thân của vị đó vào thời Đức Phật Kassapa.

Vào thời Đức Phật Kassapa có 1 gia đình giàu có, gia đình này có 1 người con trai tên là Mittavindaka. Người con trai này vốn không vâng lời cha mẹ, cha mẹ của người thanh niên này là 1 bậc Thánh Tu-đà-hoàn trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa. Vì muốn con mình tốt hơn, nên sau khi người cha mất đi, người mẹ mới bảo người thanh niên hãy đi đến chùa để nghe pháp, sau khi nghe pháp trở về sẽ được 1.000 đồng tiền. Khi chàng thanh niên này được mẹ hứa như vậy, mặc dù không muốn nghe pháp nhưng muốn được tiền nên đến chùa, nhưng không nghe pháp.

Khi chàng thanh niên đến chùa, thay vì nghe pháp thì chàng ngủ 1 đêm ở chùa rồi trở về nhà để nhận 1.000 đồng tiền vàng của mẹ. Khi có nhiều tiền rồi mới nghĩ sắm 1 chiếc thuyền để đi làm ăn trên biển. Sau khi mua 1 chiếc thuyền cậu ta mới thưa với mẹ rằng giờ con sẽ đi làm ăn xa trên biển, vì con đã sắm 1 chiếc thuyền rồi. Mẹ cậu ta mới nói rằng nhà mình không có thiếu tiền, con có thể sống ở nhà với số tài sản mà chúng ta đang có, đi làm ăn trên biển rất là nguy hiểm. Nhưng chàng thanh niên không nghe lời mẹ, người mẹ đã giữ tay chàng thanh niên nhưng chàng thanh niên đã xô khiến người mẹ té, và cậu ta bỏ đi. Khi làm ăn trên biển, 1 ngày nọ chiếc thuyền không di chuyển được nữa, theo truyền thống bấy giờ hễ gặp 1 nguy hiểm nào người ta sẽ rút thăm, và khi rút thăm cả 3 lần cậu ta đều rút trúng bảo rằng do cậu ta nên thuyền không có di chuyển, thế là mọi người đưa cậu ta 1 chiếc bè và nói rằng hãy đi đi, đừng vì mình mà người khác chịu chết. Khi đó cậu ta lênh đênh với chiếc bè trên biển cả.

Với 1 chiếc bè, lênh đênh trên biển cả, chàng thanh niên đến 1 hòn đảo, trên hòn đảo có những chúng sinh, đặc biệt là 1 loài ma nữ. Trên đảo đầu tiên có 4 ma nữ, và các ma chúng thời bấy giờ, loài ma chúng này thường sung sướng hưởng lạc 7 ngày rồi 7 ngày sau đó bị đau khổ giống như bị hành hạ ở cõi địa ngục. Chàng thanh niên đến hòn đảo ngày đầu tiên đã vui thú với các ma nữ, khi các ma nữ ở trong 1 tuần đau khổ thì họ bỏ đi, chàng thanh niên vì khát vọng của mình nên tiếp tục di chuyển trên biển cả, cứ vậy rồi đến 1 hòn đảo khác, và cứ hòn đảo sau thì số ma nữ gấp đôi. Đến 1 hòn đảo có 32 ma nữ, chàng thanh niên sau khi hưởng dục lạc với nhóm ma nữ đó, sau đó cũng bỏ đi rồi cuối cùng đến 1 hòn đảo gọi là Thiết vi địa ngục, nghĩa là 1 hòn đảo mà trong đó như là 1 địa ngục, xung quanh được rào chắn bởi các thanh sắt không thoát ra được, và các chúng sinh ở trong đó do ác nghiệp đã tạo nên bị hành hạ bởi 1 bánh xe sắt như dao ở trên đầu. Khi đến hòn đảo, bước lên hòn đảo gặp 1 chúng sinh bị đau khổ bởi 1 bánh xe sắc như lưỡi dao ở trên đầu, nhưng chàng thanh niên do nghiệp của mình đã tạo, thấy bánh xe đó như 1 vòng hoa sen rất là ưa thích, chàng thanh niên mới nói sao ông đội 1 hoa sen đẹp như vậy, hãy đưa hoa sen cho tôi, chúng sinh đó cảm thấy rất kỳ lạ và nghĩ rằng nghiệp của mình chịu đựng như vậy, đã đến lúc chấm dứt, nên chàng thanh niên này mới muốn thay thế mình đội bánh xe sắc như lưỡi dao. Chàng thanh niên kia mới đưa bánh xe sắc cho chàng thanh niên này đội lên đầu, khi đó cậu ta mới biết rằng bánh xe sắc đó đã hành hạ mình như thế nào.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng chàng thanh niên vì Ngã Kiến, Vô Minh và Dục Tham nên mới có kết quả như vậy. Ngã Kiến là cậu ta muốn mình phải làm được, cho thỏa chí của mình, thích gì thì làm đó, không nghe lời mẹ. Vô Minh là không hiểu công ơn của mẹ nên mới bỏ mẹ ra đi, không những thế còn xô mẹ ngã. Dục Tham là muốn thích thú trong công việc mình thích, và thích thú với dục lạc. Qua Ngã Kiến, Vô Minh, Dục Tham như vậy nên tham, sân, si cùng có mặt. Chàng thanh niên đã lựa chọn con đường nguy hiểm bao gồm Ngã Kiến, Vô Minh, Dục Tham và các phiền não khác, nên mới chịu đau khổ ở Thiết vi địa ngục, bị bánh xe sắc như lưỡi dao luôn ở trên đầu và hành hà. Vì nghiệp lực chi phối, nên mặc dù bị bánh xe đó khiến chàng thanh niên chết, nhưng chết đi rồi sống đầu thai lại, cứ thế bị bánh xe sắc hành hạ.

Và một câu chuyện khác, để chứng minh khi 1 người chọn con đường an toàn, cũng liên quan đến cha mẹ. Ở trong tích truyện tiền thân của Đức Phật, khi Ngài còn là 1 vị Bồ Tát ở trong quá khứ, Ngài sinh ra trong 1 gia đình không giàu có, sau khi cha mất, Đức Bồ Tát đi làm, mặc dù làm không ra nhiều tiền nhưng vẫn đủ nuôi mẹ.

Ở thành Varanasi (Ba La Nại) có 1 vị vua thường đi săn, 1 ngày nọ khi nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi săn ở trong rừng, nhà vua đã đi lạc 1 đoạn đường, tình cờ đến 1 gốc cây đa. Gốc cây đa đó có 1 Dạ xoa được phép ăn bất kỳ người, chúng sinh nào mà nằm trong bóng của cây đa đó. Khi nhà vua đến nghỉ ở cây đa, con Dạ xoa đó xuất hiện và muốn ăn nhà vua, khi đó nhà vua nói với con Dạ xoa rằng “xin ông đừng ăn ta, đổi lại mỗi ngày ta sẽ cho người mang cơm đến, ông có thể ăn cả cơm và người đó, xin ông hãy thả ta về để ta đền đáp như vậy”. Con Dạ xoa đã chấp nhận cho nhà vua về, sau khi nhà vua về ông đã thực hiện lời hứa của mình, là mỗi ngày cho người mang cơm đến và người đó là những phạm nhân ở trong các tù ngục. Và ngày qua ngày như vậy, đến khi không còn 1 tù nhân ở trong ngục, khi đó nhà vua đã không biết xử lý như thế nào và rất lo sợ.

Vì không còn tù nhân ở trong nhà tù để mang cơm đến cho Dạ xoa, khi đó có 1 đại vương hiến kế rằng nhà vua hãy treo giải thưởng 1.000 đồng tiền vàng cho ai có thể mang cơm đến cho Dạ xoa, khi đó Đức Bồ Tát nghe vậy mới nghĩ rằng mỗi ngày ta đi làm mà không đủ sống và chu cấp cho người mẹ mình, hay là ta lấy tiền thưởng để đưa cho người mẹ, mẹ có thể sống sung túc trong những ngày còn lại. Khi đó Đức Bồ Tát mới đến gặp nhà vua để xin nhận lãnh trách nhiệm và nhận số đồng tiền vàng đó, đưa cho mẹ mặc dù mẹ Bồ Tát đã ngăn cản, muốn sống như vậy không muốn mất con, xin con đừng đi, nhưng Đức Bồ Tát đã có cách để thuyết phục mẹ, và có cách để thuyết phục con Dạ xoa, nên nói “xin mẹ yên tâm, nếu như con không có về được thì mẹ có thể sống 1 cách sung túc trong quãng đời còn lại, nhưng xin mẹ yên tâm, con sẽ trở về”. Và sau khi nói với mẹ như vậy Đức Bồ Tát đến chỗ nhà vua mượn cái lọng, đôi giày của nhà vua để sử dụng mang cơm đến cho con Dạ xoa.

 

Sau khi đến nhà vua nhận cái lọng và đôi giày, đồng thời mang cơm đến cho con Dạ xoa, khi đến gần cây đa nơi con Dạ xoa ở, Đức Bồ Tát mới nghĩ rằng, nếu như ta vào bóng của cái cây thì vào lãnh địa của con dạ xoa, nên ta sẽ mang đôi giày không đứng ở trên đất của con Dạ xoa, và che cái lọng sẽ không ở trong bóng của cây đa, nên con Dạ xoa không có quyền ăn thịt ta. Nên Đức Bồ Tát đến gần cây đưa cơm cho con Dạ xoa, thì con Dạ xoa thấy Bồ Tát rất khác thường so với những người kia, những người kia khi mang cơm đến thì con Dạ xoa khi đưa tay ra lấy cơm thì những người kia sợ bất tỉnh, thế là con Dạ xoa ăn cả cơm và người. Nhưng hôm nay Đức Bồ Tát với tâm từ của người mẹ, với trách nhiệm của mình đối với mẹ đã báo hiếu với mẹ, và với sự hiểu biết của Ngài, nên Ngài muốn con Dạ xoa trở nên thuần thiện, giữ ngũ giới, vì vậy Đức Bồ Tát không thấy sợ hãi. Sau khi đưa cơm con Dạ xoa, con Dạ xoa thắc mắc và hỏi Bồ Tát, Ngài đã giải thích vì sao Ngài không sợ hãi. Ngài đã giải thích vì Ngài đứng dưới cái lọng của Ngài chứ không đứng trong lãnh địa của Dạ xoa, đứng trên đôi giày chứ không đứng trên lãnh địa của Dạ xoa, nên Dạ xoa không có quyền ăn thịt. Và với những đức tính của Ngài, Ngài đã giải thích lợi ích của sự giữ giới, từ bỏ sát sinh, trộm cắp… Sau khi nghe xong con Dạ xoa đã có sự hiểu biết và quy thuận Đức Bồ Tát. Sau khi Đức Bồ Tát thuần phục con Dạ xoa, trở về hoàng cung được nhà vua tôn sùng, đã ban cho chức thống lãnh quân đội của nhà vua thời bấy giờ. Sau khi Đức Bồ Tát thuần hóa quỷ Dạ xoa và thuyết pháp cho Đức vua, cũng như quan đại thần và thần dân trong triều giữ ngũ giới, sau kiếp sống đó không những Ngài, nhà vua, các quan thần cùng thần dân sinh trong cõi trời vì những thiện nghiệp họ đã làm, thông qua sự thực hành và nghe theo lời dạy của Đức Bồ Tát.

Đức Bồ Tát đã chọn con đường an toàn, vì Ngài sử dụng chánh tri kiến của mình, để tự mình thực hành những thiện nghiệp, thiện pháp, và hướng dẫn cho người khác thực hành thiện nghiệp, thiện pháp. Đó là con đường an toàn (Khemā-magga). 

Qua 2 câu chuyện trên, đối với câu chuyện đầu tiên, chàng thanh niên Mittavindaka đã chọn con đường không an toàn, câu chuyện thứ 2 Đức Bồ Tát đã chọn con đường an toàn. 2 con đường này Ngài ví dụ nói 1 cách khác, là 1 con đường đi xuôi và 1 con đường đi ngược. Đối với con đường hay Đạo Lộ đi xuôi thì rất dễ dàng, con đường đi ngược thì khó khăn hơn. Như ở Myanmar có con sông bắt nguồn từ thượng nguồn ở trên các bang miền cao chảy xuống miền thấp, với dòng sông chảy từ trên thượng nguồn xuống thì nó rất là xuôi, với 1 người đi thuyền từ trên đó đi xuống thì không cần chèo chống gì cả, nhưng đồng thời cũng khá nguy hiểm. Ngài cũng tin rằng ở Việt Nam mình như là Hà Nội cũng có những dòng sông từ thượng nguồn đi xuống. Nếu từ thượng nguồn đi xuống thì cũng rất là dễ dàng, nếu có những con sông mà người đi thuyền chèo từ phía dưới chèo lên đi ngược dòng thì phải tốn rất nhiều công sức, là con đường ngược dòng. Với đạo lộ xuôi dòng rất dễ dàng, với 1 người bị chi phối bởi Ngã Kiến, Vô Minh, Dục Tham người đó có thể sát sinh, trộm cắp, làm những điều đó rất dễ dàng, nhưng kết quả mang lại không có tốt đẹp. Còn với những người đi ngược dòng, có thể làm những điều khó làm như hiếu thảo với mẹ cha, luôn cố gắng để tu tập giữ gìn ngũ giới, làm thiện nghiệp khác, thì khó khăn hơn những người xuôi theo dòng bởi những phiền não chi phối. Mặc dù ngược dòng nhưng kết quả mang lại tốt đẹp. Qua 2 câu chuyện này, thì là Phật tử sau khi có sự hiểu biết đúng đắn, chúng ta nên chọn con đường ngược dòng như là luôn hiếu kính mẹ cha, luôn cố gắng thực hành thiện pháp, giữ ngũ giới.

Đức Phật của chúng ta khi còn là 1 vị Bồ Tát thực hành Ba-la-mật, trong nhiều đời nhiều kiếp Ngài đã từng hiếu kính mẹ cha, được trình bày rất nhiều trong kinh điển. Không những thế, sau khi thành Phật Ngài cũng hiếu kính mẹ cha, nên vào mùa hạ thứ 7, Ngài đã lên cõi trời Tam Thập Tam thuyết pháp hóa độ mẹ Ngài. Vì vậy, sau khi Đức Phật ở trên cõi trời Tham Thập Tam thuyết pháp hóa độ mẹ Ngài  rồi trở về cõi người, và sự kiện này xảy ra vào ngày rằm tháng 9. Năm nay là ngày 20/10, cách đây hơn 2500 năm theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy là ngày đặc biệt, sau khi Đức Phật thuyết tạng Vi Diệu Pháp, theo bản in của Myanmar là hơn 5200 trang, và bộ Vi Diệu Pháp cuối cùng mà Đức Phật thuyết là bộ Duyên Hệ Paṭṭhāna, theo ấn bản của Myanmar là hơn 2700 trang. Sau khi Ngài chấm dứt bộ Duyên Hệ, Ngài đã trở về cõi trời ngay rằm tháng 9, cũng là ngày Chư Tăng ra hạ. Nên ngày rằm tháng 9 theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy được ghi nhận là ngày Vi Diệu Pháp cách đây hơn 2500 năm. Khi Đức Phật ở trên trời thuyết xong tạng Vi Diệu Pháp, mẹ của Ngài khi đó là thiên nam tên là Santussita đã trở thành 1 bậc Thánh Tu-đà-hoàn, đã loại trừ được Tà Kiến và Ngã Kiến, không còn đọa vào 4 đường ác đạo nữa.

Cho nên, công ơn của cha mẹ rất lớn, đối với Đức Phật, 1 vị Phật Toàn Giác cao thượng, nhưng Ngài vẫn luôn quan tâm đến sự hiếu kính cha mẹ, đền ơn cha mẹ. Nên là 1 người, nhất là Phật tử, chúng ta phải báo hiếu với cha mẹ, học hỏi theo hạnh nguyện của Ngài. Nói đến công ơn của cha mẹ lớn chừng nào, trong kinh có những bài kinh như sau. Như chúng ta biết, trên đời có những thứ rất là lớn như trái đất, hư không, núi Tu Di, đại dương, đây là 4 vật ở trên đời mà rất là lớn. Khi so sánh với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mặc dù trái đất lớn như vậy nhưng so sánh với công ơn cha mẹ chỉ nhỏ bằng 1 ngón lá tre mà thôi; hư không bao la rộng lớn như vậy, nhưng so sánh với công ơn cha mẹ chỉ nhỏ như 1 lỗ kim mà thôi; núi Tu Di to lớn như vậy nhưng so sánh với công ơn cha mẹ chỉ nhỏ bằng sừng của con nghé mà thôi; nước đại dương bao la như vậy nhưng so sánh với công ơn cha mẹ chỉ giống như 1 hạt nước mưa mà thôi. Đấy là 4 ví dụ trong kinh điển về công ơn dưỡng dục của cha mẹ to lớn đến chừng nào.

Cho nên, trong kinh đã nói rằng, vì công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ to lớn như vậy, nên là 1 người con hiếu thảo, mỗi ngày phụng sự cha mẹ từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ suốt 100 năm, thậm chí cõng cha trên vai trái, cõng mẹ trên vai phải, chu cấp suốt 100 năm như vậy cũng chưa đền đáp được công dưỡng dục của cha mẹ.

Vì công ơn của cha mẹ to lớn như vậy, nên Đức Phật không thể báo đáp được với những vật chất thế gian có ở trên đời, nên Ngài mới báo hiếu với những pháp xuất thế gian, Ngài đã ngự đến cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẹ Ngài, để mẹ Ngài an trú trong Thánh Quả Thánh Đạo Tu-đà-hoàn. Đức Phật cũng báo hiếu cho bà nhũ mẫu Mahāpajāpatī Gotamī là 1 người đã thay mẹ Ngài nuôi dưỡng Ngài khôn lớn, sau khi mẹ Ngài sinh ra Ngài 7 ngày thì mất. Kể từ ngày thứ 8 trở đi sau khi Ngài sinh ra, bà nhũ mẫu Gotamī đã thay mẹ Ngài nuôi Ngài khôn lớn. Nên Đức Phật đã báo hiếu bà, giúp an trú bà trong Thánh Đạo Thánh Quả Arahan. Vì vậy, ở trong kinh khi bà Tỳ-kheo-ni Gotamī sắp nhập Niết-bàn, bà đã để lại rất nhiều bài kệ, trong đó Ngài Tam Tạng sẽ trích dẫn vài câu kệ để nói lên công ơn của bà và công ơn của Đức Phật đối với bà như thế nào.

Những bài kệ đó muốn nói rằng Đức Phật sau khi sinh ra, bà cũng sinh 1 người con trai tên là Nanda, mặc dù sau khi sinh Nanda được 3 ngày, bà đã giao lại cho 1 người khác nuôi, bà đã đích thân mình nuôi Đức Phật khi còn nhỏ, đã dùng sữa của mình nuôi Bồ Tát lớn chứ không cho con ruột mình. Nên bà đã thưa rằng “Thưa Bạch Đức Thế Tôn, sau khi Thế Tôn sinh ra, vì tình thương của con, con đã giao hoàng tử Nanda cho người khác, con đã lấy sữa của mình nuôi Đức Thế Tôn khi còn nhỏ, Đức Thế Tôn với con cũng như vậy, Ngài đã cho con uống loại sữa bất tử để cho con an trú trong giáo pháp”.

Tỳ-kheo-ni Gotamī tiếp tục thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, nhờ Ngài bảo vệ con nên con đã thoát khỏi phiền não, Ngài đã thật sự trả ơn cho con 1 cách xứng đáng nhất”. Từ mà bà Gotamī sử dụng là anano nghĩa rằng bầu sữa mẹ là 1 ẩn dụ nói lên công ơn sinh thành dưỡng dục, và đó là những bài kệ chứng minh rằng sự đền ơn, báo ơn của cha mẹ, không những bằng những của cải thế gian không đền ơn được, mà chỉ khi đền ơn với những pháp xuất thế gian mới có thể báo đáp hết công ơn cha mẹ. Nên chúng ta là người con Phật, không những đền ơn báo ơn cha mẹ với những của cải thế gian, mà theo khả năng của mình khuyến khích, hướng dẫn, giúp cha mẹ tiếp cận với những pháp thế gian, để có thể thực hành bố thí, giữ giới, hành thiền là những pháp đưa đến xuất thế gian, thì nếu 1 người con có thể làm được như vậy, vừa báo hiếu cha mẹ với những pháp thế gian, vừa những pháp xuất thế gian, thì theo Đức Phật và giáo pháp của Ngài, thì người con đó mới có thể đền đáp được hết công ơn dưỡng dục của cha mẹ.

Dao Duyen Trong Duyen He 14

Tóm lại, có 2 Đạo Lộ là Đạo Lộ Nguy Hiểm (Kummagga) còn được gọi là Đạo Lộ Xuôi Dòng, dễ dàng thực hiện, dẫn đến đọa xứ, cõi khổ, Đạo Lộ này được dẫn dắt bởi Tà Kiến và Ngã Kiến, cùng với Vô Minh và Dục Tham. Đạo Lộ thứ 2 là Đạo Lộ An Toàn (Khemā-magga) còn gọi là Đạo Lộ Ngược dòng, khó thực hiện, có thể dẫn đến cõi người, cõi trời, hạnh phúc, an lạc, Đạo Lộ này được dẫn dắt bởi Chánh Tri Kiến.

Đạo Lộ Nguy Hiểm được dẫn dắt bởi Ngã Kiến, làm gì cũng nghĩ đến mình, đến ta, đến tôi của mình, ta phải làm cái này phải làm cái kia, ta sẽ hưởng… Với suy nghĩ cái ta như vậy, được bao quanh bởi Vô Minh, Ái Dục thì đạo lộ đó sẽ dẫn đến nơi nguy hiểm.

Ngã Kiến đó được loại trừ bởi pháp nào? Chỉ có thể loại trừ bởi Chánh Tri Kiến về sự hiểu biết về Danh Pháp, Sắc Pháp, khi có sự hiểu biết đầy đủ về Danh Pháp, Sắc Pháp thì nó sẽ bị đoạn trừ. Nó bị đoạn trừ bởi Chánh Tri Kiến của thiền tuệ, thấy rõ đặc tính của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của Danh Pháp, Sắc Pháp thì Ngã Kiến được đoạn trừ. Ngã Kiến cũng được đoạn trừ khi Chánh Tri Kiến về Thánh Đạo, Thánh Quả, 1 người chứng được Thánh Đạo, Thánh Quả thì Ngã Kiến được đoạn trừ. Nên Ngã Kiến chỉ được đoạn trừ bởi Chánh Tri Kiến.

Chánh Tri Kiến về Danh Pháp, Sắc Pháp rất là nhiều, và chúng ta có cần biết về Danh Pháp, Sắc Pháp đầy đủ, chi tiết hay không? Có thể chúng ta không cần hiểu hết về Danh Pháp, Sắc Pháp mới có được Chánh Tri Kiến về Danh Pháp, Sắc Pháp, hành giả có thể hiểu về Tứ Đại (Đất, Nước, Lửa, Gió) ở trong hành giả thì hành giả thấy rõ các yếu tố Tứ Đại và sự khởi sinh lên, sự mất đi của Tứ Đại, hành giả cũng có được tri kiến về Danh Pháp, Sắc Pháp, khi hành giả thực hành có thể thấy rõ yếu tố Đất, Nước, Lửa, Gió trong hành giả khởi sinh rồi mất rất là nhanh. Trong kinh ví dụ những Sắc Pháp sinh lên rồi biến hoại, Tứ Đại sinh lên rồi biến hoại nhanh như bọt nước, bọt nước nó xuất hiện rồi biến mất rất là nhanh. Các Sắc Pháp Tứ Đại ở trong mỗi hành giả cũng tương tự như vậy, nó khởi sinh không theo ý muốn của hành giả, nó khởi sinh rồi mất đi do những duyên, điều kiện liên quan với những sắc đó, Tứ Đại đó.

Đối với Danh Pháp tương tự như vậy, rất là nhiều, rất là rộng. Một hành giả có thể hiểu rõ các Danh Pháp nhiều hoặc ít tùy vào khả năng của mình. Như tuần trước Ngài Tam Tạng cũng giải thích rằng hành giả không cần biết hết, hiểu rõ hết các Danh Pháp mới được gọi là có sự hiểu biết về Danh Pháp một cách đúng đắn. Hành giả chỉ cần biết rõ cảm giác nó khởi sinh lên trong hành giả như thế nào, hành giả cũng có thể có sự hiểu biết về Danh Pháp. Cảm giác khởi sinh lên và mất đi rất là nhanh, trong kinh có 1 ví dụ, cảm giác giống như bọt nước mưa, mưa rơi xuống mặt nước làm sinh ra bọt nước mưa, nó sinh lên và bể đi. Tương tự vậy, cảm giác mà hành giả quan sát cũng sinh lên mất đi khi hành giả ngồi xếp bằng 2 chân chạm vào nhau, có cảm giác đau mỏi, hay khi hành giả ngồi lâu trên sàn nhà cũng thấy rõ cảm giác mỏi, ngứa, đau nhức… Tất cả cảm giác đau nhức này bây giờ sinh lên, bây giờ mất đi, cũng như bọt nước mưa không thể nắm lấy được, sinh lên rồi mất đi, nên Đức Phật dạy rằng là 1 hành giả, thì nên hiểu rõ các Danh Pháp, Sắc Pháp, ở đây là Tứ Đại và cảm giác trong hành giả.

Khi hành giả có thể quan sát được Sắc Pháp, Tứ Đại, cảm giác một cách rõ ràng, liên tục, nếu Ba-la-mật của hành giả đầy đủ thì có thể đạt đến Thánh Đạo, Thánh Quả, đoạn trừ được các Tà Kiến, Ngã Kiến và những quan kiến sai lầm đối với Ngũ Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Khi hành giả đạt đến Thánh Đạo, Thánh Quả Nhập Lưu, thì Đạo Lộ Nguy Hiểm (Đạo Lộ Xuôi Dòng) được đóng lại, cánh cửa đi vào 4 đường ác đạo được đóng lại, hành giả có Chánh Tri Kiến thật sự.

Để kết thúc thời Pháp hôm nay, Ngài cầu chúc cho tất cả quý vị tự mình có thể hiếu kính cha mẹ với những pháp thế gian, và tự mình thực hành để có thể đạt được Chánh Tri Kiến, qua đó có thể báo hiếu cha mẹ với những pháp xuất thế gian, có khả năng hướng dẫn, chia sẻ cha mẹ mình hướng đến Đạo Lộ Giải Thoát. Làm được như vậy hành giả có thể đóng được Đạo Lộ Nguy Hiểm và mở ra Đạo Lộ An Toàn. Và Ngài cầu chúc cho quý vị có nhiều thuận duyên để hiếu kính cha mẹ để thực hành giáo pháp. Bây giờ để có Chánh Tri Kiến chúng ta bắt đầu thiền Anapana Satti, chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra.

Như những lần trước, chúng ta ngồi trên sàn nhà hay ghế thoải mãi, ngồi với tư thế lưng thẳng đứng, cổ thẳng đứng một cách tự nhiên, nhắm mắt, ngậm miệng, thư giãn toàn thân, hướng tâm chú ý đến hơi thở vào hơi thở ra ở chỗ tiếp xúc với lỗ mũi. Khi hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đi ra ở điểm tiếp xúc với mũi và hơi thở. Quan sát và biết rõ hơi thở từ đầu đến cuối hơi thở ở điểm tiếp xúc. Nếu có 1 đối tượng ở bên ngoài tác động qua 1 trong 6 giác quan như là nghe 1 âm thanh, cảm thấy nóng hay ngứa, hay là có những suy nghĩ, hình ảnh xuất hiện trong tâm thì đừng quan tâm những đối tượng đó mà chú ý vào hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi. Tiếp tục quan sát, biết rõ từ đầu đến cuối hơi thở ở điểm tiếp xúc một cách liên tục, không gián đoạn. Nếu hơi thở không rõ ràng khó nhận biết, hoặc tâm bị phân tán không quan sát được hơi thở thì hành giả có thể sử dụng phương pháp đếm hơi thở, hít vào thở ra đếm 1 ở cuối hơi thở ra, hít vào thở ra đếm 2 ở cuối hơi thở ra, cứ như vậy cho đến 7 hoặc 8, rồi quay lại đếm từ 1. Mặc dù đếm hơi thở nhưng tâm vẫn quan sát hơi thở ở điểm tiếp xúc của hơi thở và mũi, vừa quan sát vừa đếm khi hơi thở ra. Hít vào thở ra đếm 1, hít vào thở ra đếm 2… Khi thấy tâm mình ổn định rồi thì không cần đếm nữa, chỉ đơn giản quan sát hơi thở vào ra ở điểm tiếp xúc thôi.

Ngài đã thuyết xong bài pháp về báo hiếu cha mẹ, và 2 Đạo Lộ. Để chấm dứt thời pháp hôm nay, Ngài sẽ đọc tụng câu Phật ngôn để phát nguyện chúc phúc cho tất cả chúng ta có mặt trong room này, cũng những người Việt Nam, trên thế giới nói chung, cầu chúc cho tất cả tránh khỏi những điều rủi ro tai hại, chấm dứt bệnh tật nhất là covid, để tu tập mang lại lợi ích cho mình, cho tha nhân. Ý nghĩa câu Phật ngôn là khi Đức Phật bị Devadatta lăn tảng đá xuống để hại Ngài, nhưng không hại được mà chỉ làm bầm máu ở chân Ngài thôi, Đức Phật đã nói rằng: “Không ai có thể hãm hại được Như Lai, Chư Như Lai tự mình tịch diệt Niết bàn; do lời nói chân thật này cầu chúc cho quý vị được nhiều an vui, hạnh phúc, tránh khỏi những điều rủi ro, tai hại.”

Phát Nguyện và Hồi Hướng:

Những phước thiện mà chúng con đã làm – phước thiện chắp tay lễ bái, cung kính Chư Tăng; phước thiện thọ trì Tam Quy và Ngũ giới; phước thiện nghe Pháp, phước thiện hành thiền và những phước thiện khác mà chúng con đã làm, nguyện sẽ là duyên lành, hỗ trợ chúng con thành tựu những quả phước thế gian như sống lâu, sắc tốt, an vui, sức khoẻ và có trí tuệ, cũng như những quả phước xuất thế gian, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, đoạn tận khổ ưu, luân hồi trong tam giới. 

Chúng con xin thành tâm, hồi hướng tất cả những phước thiện này, đến cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, thầy tổ bạn hữu, cùng tất cả thân quyến hiện tiền cũng như đã quá vãng, và đến tất cả chúng sinh, nhất là Chư thiên hộ trì mỗi chúng con, Chư thiên hộ trì tư gia của chúng con, Chư thiên hộ trì Phật Giáo, Chư thiên và Phạm thiên ở trong tam giới, nguyện mong tất cả hoan hỉ những phần phước thiện này, để an lạc tiến hoá và lợi ích lâu dài, và cầu mong Quý vị hoan hỉ mách bảo cho tất cả thân quyến của chúng con đã quá vãng trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại, và đặc biệt đến tất cả những bệnh nhân tử vong vì Covid, hay biết, hoan hỉ và thọ nhận những phần phước thiện này rồi, được thoát khỏi mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài. Và cầu mong Quý vị hoan hỉ hộ trì cho tất cả chúng con cũng như thân quyến của chúng con, tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, để thành tựu mọi hạnh phúc ở cõi người, hạnh phúc ở cõi trời và hạnh phúc cao thượng Niết Bàn cho được như ý nguyện. Cầu mong tất cả hoan hỷ những phước thiện này, đồng đều nhau cả thảy. Sādhu Sādhu Sādhu!

 

Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp, Sư Thiện Đức Dịch Việt, bản text do Mr. Vũ Thái Bình tốc ký. 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app