Buổi 5: Đại Kinh Thiết Lập Niệm – Thân Quán Niệm Xứ Và Ý Nghĩa Sampajañña

Bài Kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta – Đại Kinh Thiết Lập Niệm – Buổi 5

Hôm nay là ngày 1/10/2023, và lúc này là lúc an lành, Ngài Tam Tạng 10 theo sự thỉnh mời của BTC sẽ tiếp tục chia sẻ với chúng ta pháp thoại liên quan đến thiết lập niệm để giúp cho các hành giả nói chung, Phật tử Việt Nam ở Việt Nam cũng như nước ngoài có thêm sự hiểu biết về sự tu tập chánh niệm, để hỗ trợ cho sự tu tập cũng như hỗ trợ trong đời sống hàng ngày có sự an vui, lợi lạc thông qua sự tu tập chánh niệm.

https://www.youtube.com/live/KyG-GS06qY8?si=7q6SMSemvEn3yvLM

Để bắt đầu buổi pháp thoại chiều hôm nay, mời quý đại chúng cùng nhau niệm Phật với câu “Namo tassa…” 3 lần để cung kính đảnh lễ Đức Phật, là người đã tu tập và thuyết giảng bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này:
“Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa”

Như Ngài Tam Tạng đã giới thiệu với chúng ta, khi nói đến bài kinh này 1 cách tóm tắt nhất thì chỉ nói 1 từ, đó là “Chánh Niệm”, cho nên Đức Phật đã dạy rằng con đường chánh niệm là con đường duy nhất dẫn đến sự thanh tịnh cho chúng sinh… Nhưng vì nhiều đề mục khác nhau như chúng ta đã học, cơ bản có 4 đề mục để quan sát, đó là thân, thọ, tâm, pháp, cho nên chánh niệm cũng theo đó chia ra làm 4 phần là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Trong 4 đối tượng căn bản vừa trình bày, đối tượng thứ nhất là niệm thân – Kāya satipaṭṭhānā. Trong phần niệm thân này có tất cả 14 đề mục để hành giả thực hành, trong đó có đề mục niệm hơi thở ānāpānasati, đề mục quan sát tứ oai nghi iriyāpathā… Và Ngài Tam Tạng đã trình bày, giải thích cho chúng ta xong phần ānāpānāsati – thiết lập niệm trên đề mục hơi thở vào, hơi thở ra.

Sau phần niệm hơi thở, Đức Phật tiếp tục giảng về sự thiết lập niệm trên oai nghi đi, đứng, ngồi và nằm. Nên Đức Phật bắt đầu câu: ‘‘Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu gacchanto vā ‘gacchāmī’ti pajānāti, ṭhito vā ‘ṭhitomhī’ti pajānāti…”. Nghĩa là: “Lại nữa này các Tỳ Khưu, khi đang đi Tỳ Khưu biết rõ mình đang đi, khi đang đứng Tỳ Khưu biết rõ mình đang đứng, khi đang ngồi Tỳ Khưu biết rõ mình đang ngồi, khi đang nằm Tỳ Khưu biết rõ mình đang nằm, hoặc khi cơ thể làm gì Tỳ Khưu biết rõ cơ thể đúng như vậy.”

Trong câu pāḷi có từ “Puna caparaṃ” nghĩa là “lại nữa”, ở đây có ý nghĩa là khi đề cập 1 thứ rồi, sau đó đề cập đến cái thứ 2, cái thứ 3, và trong pāḷi thường dùng “Puna caparaṃ”.

Ở trong đoạn Kinh văn này có từ Bhikkhu nghĩa là Tỳ Khưu, như Ngài Tam Tạng đã giảng giải ở phần đầu bài kinh này, thì Tỳ Khưu ở đây là Đức Phật chỉ những người gần gũi với Ngài, những người thường dành nhiều thời gian tu tập pháp môn tu tập thiết lập niệm trong bài kinh này, nên Đức Phật mới dùng từ “này các Tỳ Khưu”, và Bhikkhu ở đây cũng có nghĩa khác là các hành giả tu tập phương pháp thiết lập niệm, tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ. Vì vậy trong đoạn này chúng ta cũng có thể dịch “này các Tỳ Khưu, hành giả khi đang đi biết rõ mình đang đi, khi hành giả đang đứng biết rõ hành giả đang đứng, khi hành giả đang ngồi biết rõ mình đang ngồi, khi hành giả đang nằm biết rõ hành giả đang nằm”, thì Bhikkhu đây là chỉ chung cho tất cả hành giả tu tập chánh niệm ở trên thân, thọ, tâm, pháp chứ không riêng gì các vị Tỳ Khưu ở trong Tăng Đoàn.

Khi Đức Phật thuyết đoạn kinh văn này, Ngài thuyết rất đơn giản và rõ ràng. Ngài dạy hành giả khi đang đi biết rõ mình đang đi, khi đang đứng biết rõ mình đang đứng, và Đức Phật chỉ giảng dạy vậy thôi. Nhưng có 1 số người không hiểu, nên các vị đó đã đến với các Đại đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ để hỏi ý nghĩa khi đang đi biết rõ mình đang đi là như thế nào, nên các ngài Đại đệ tử đó mới giải thích theo ý của Đức Phật, đồng thời cũng giải thích theo ý nghĩa của văn từ trong bài Kinh văn này, cho nên những lời giải thích đó được những người đến hỏi ghi nhớ, lan truyền qua những hành giả khác, và sau này được tập hợp lại, ghi chép lại trong những bộ sách gọi là Chú Giải.

Có những bộ Chú Giải xưa, rồi sau này các bộ này được ngài Phật Âm Buddhaghosa tập hợp lại, biên tập lại và trở thành bộ Chú Giải như chúng ta đang có trong thời đại bây giờ. Và bộ Chú Giải mà bây giờ chúng ta đang có, các nhà nghiên cứu, Chư Tăng tham khảo là do Ngài Buddhaghosa biên tập từ những bộ Chú Giải xưa. Và ở trong bộ Chú Giải có người đặt câu hỏi rằng nếu như khi đi biết rõ mình đang đi, khi đứng biết rõ mình đang đứng, thì những con vật như con chó ở nhà, con chó rừng, con mèo… thì nó cũng biết đang đi khi nó đang đi, khi đứng biết rõ mình đang đứng vậy.

Những con vật đó khác gì so với những hành giả đang tu tập thiền Tứ Niệm Xứ?

Để trả lời câu hỏi đó, trong Chú Giải giải thích rằng, dù những con vật đang đi biết rõ mình đang đi, nhưng ở trong tư tưởng của chúng thì không có được khái niệm là nó đang đi với ý niệm, với cái tôi, cái ta ở trong đó. Hoặc 1 người mà không tu tập Tứ Niệm Xứ thì khi đang đi cũng biết mình đang đi, nhưng biết rằng tôi đang đi, hay người nam đang đi, người nữ đang đi. Thì với quan niệm cái tôi, cái bản ngã người đó đi, đứng, nằm, ngồi… thì những con vật cũng vậy, cũng có ý niệm cái tôi, chấp thủ cái tôi, không giống như những hành giả đang tu tập Tứ Niệm Xứ khi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm mà biết mình đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm.

Cho nên, khi những chúng sinh không tu tập Tứ Niệm Xứ, khi chúng đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm thì đều có ý niệm bản ngã, ý niệm cái tôi, tôi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm mà không bỏ được ý niệm cái tôi đó, nên khác những người đang tu tập thiền Tứ Niệm Xứ. Khi mà có ý niệm cái tôi đó sẽ sinh ra những ý niệm cái tôi khác, tôi đang làm, tôi cảm nhận, tôi nếm… luôn luôn có ý niệm cái tôi (attasaññā), cái tưởng, cái ý niệm về cái tôi, cái ta trong hành động đi, đứng, nằm, ngồi và các hành động khác.

Bởi vì không bỏ được ý niệm cái tôi, cái ta trong những hành động đang thực hiện đó mà những hoạt động, những tư thế nằm ngồi cũng không trở thành đối tượng để phát triển chánh niệm, và sự nhận biết đó cũng không phải nhận biết có chánh niệm.
Còn đối với những hành giả tu tập thiền Tứ Niệm Xứ, thì khi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, thì không có ý niệm về cái tôi, cái ta đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm. Cái ý niệm về cái tôi, cái ta đang làm những hành động đó không có mặt.

Khi 1 hành giả tu tập thiền Tứ Niệm Xứ, đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm thì có 3 vấn đề đặt ra ở đây. Thứ nhất là ai đang đi, đi như thế nào, vì sao đi, vì sao đứng, vì sao ngồi, vì sao nằm.

Ai đang đi? Đối với 1 người chưa tu tập thiền Tứ Niệm Xứ khi hỏi ai đang đi, câu trả lời sẽ là tôi đang đi, chị đang đi, anh đang đi… Có người đang đi. Còn với người tu tập thiền Tứ Niệm Xứ sẽ trả lời ngoài danh sắc, pháp sắc ra, không có gì đang đi, nghĩa là chỉ có danh pháp, sắc pháp đang đi mà thôi.

Vấn đề thứ 2, nguyên nhân gì dẫn đến sự đi, đứng, nằm, ngồi? Vấn đề này rất quan trọng, khi hỏi rằng vì sao, hay nguyên nhân gì dẫn đến sự đi, đứng, nằm, ngồi, thì với người tu tập thiền Tứ Niệm Xứ sẽ hiểu 3 nguyên nhân. Thứ nhất đó là tâm khởi lên, tâm đó muốn đi, và khi tâm muốn đi khởi lên sẽ tạo ra yếu tố gió (nguyên nhân 2). Và khi yếu tố gió tạo ra sẽ dẫn đến thân biểu sắc (kāyaviññatti), biểu hiện ra hành động của thân, thì thân biểu sắc là nguyên nhân thứ 3. Như vậy có 3 nguyên nhân ở trong hành động đi.
Vì vậy mà trong hành động đi, 1 hành giả nhận biết được tiến trình nhân quả ở trong hành động đi này.

Thứ nhất là tâm muốn đi dẫn đến yếu tố gió, sự chuyển động; và yếu tố gió, sự chuyển động biểu hiện qua thân dẫn đến sự đi. Thì đó là tiến trình đi mà thông qua sự biểu hiện của danh pháp, sắc pháp chứ không có người đi, không có 1 chúng sinh nào đi. Thì 1 hành giả cần hiểu tiến trình đi là như vậy.

Chúng ta cũng có thể hiểu tương tự đối với những oai nghi đứng, ngồi và nằm. Thì những oai nghi đứng, ngồi và nằm cũng có cơ bản 3 nguyên nhân như vậy: thứ nhất là tâm muốn ngồi, thứ 2 là tâm muốn ngồi đó tạo ra yếu tố gió, sự chuyển động, dẫn đến hành động ngồi, sau đó được biểu hiện qua thân biểu sắc.

Những tư thế còn lại cũng được hiểu như vậy, là tiến trình của 3 yếu tố này: tâm, gió, thân biểu sắc.

Để rõ ràng hơn 3 nguyên nhân này, trong Chú Giải có cho 1 ví dụ, đó là chiếc xe bò. Ngày xưa do khoa học kĩ thuật chưa phát triển, nên ví dụ về chiếc xe bò là rõ ràng đối với thời bấy giờ. Chiếc xe bò ở đây cũng có 3 yếu tố, thứ nhất là người đánh xe, thứ 2 là con bò kéo xe, thứ 3 là chiếc xe.

Đối với yếu tố thứ nhất – người đánh xe ở đây được ví giống như tâm. Khi tâm muốn đi, đứng, ngồi và nằm, thì cũng giống như người đánh xe muốn con bò đi như thế nào, nó đi nhanh hay chậm thì người đánh xe đều có thể thực hiện. Nên người đánh xe giống như tâm khởi lên muốn đi, đứng, nằm, ngồi trong tứ oai nghi vậy.

Yếu tố thứ 2 ở trong ví dụ này là con bò, con bò được ví như yếu tố gió. Chiếc xe bò được ví như thân biểu sắc. Con bò được ví như yếu tố gió là bởi khi tâm khởi lên yếu tố gió mới được tạo nên, cũng vậy, người đánh xe có sự điều khiển con bò, muốn con bò qua phải, qua trái, đi nhanh hay đi chậm, thì người lái xe đều điều khiển được con bò, nên con bò ví như yếu tố gió, còn người đánh xe được ví như tâm. Rồi thân biểu sắc được ví như chiếc xe, vì khi con bò kéo chiếc xe thì chiếc xe mới đi được. Cũng vậy khi yếu tố gió khởi sinh lên thì mới biểu hiện qua thân biểu sắc, khi đó mới biểu hiện qua những hành động của thân như đi, đứng, ngồi, nằm.

Chiếc xe tự nó không hoạt động được, mà phải được gắn vào con bò. Khi con bò được sai bảo bởi người đánh xe, con bò mới hoạt động và kéo chiếc xe đi. Tương tự vậy, thân không tự nó hoạt động được mà phải thông qua yếu tố gió được tạo ra bởi tâm, nên trong tiến trình này đối với chiếc xe, có con bò và người đánh xe làm nhân, chiếc xe mới đi tới, qua trái, qua phải được. Tương tự vậy, thân hoạt động đi, đứng, ngồi, nằm do yếu tố gió và tâm làm nhân. Khi 1 hành giả đang tu tập thiền Tứ Niệm Xứ, nhất là thiết lập niệm trên tứ oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm mà biết rõ tiến trình nhân quả này, đó là những biểu hiện đi đứng của thân là quả, còn yếu tố gió được tạo ra bởi tâm, thì tâm và yếu tố gió là nhân. Hành giả tu tập thiền Tứ Niệm Xứ biết rõ tiến trình nhân quả này, thì đây là 1 sự hiểu biết sâu sắc, không phải là sự hiểu biết của 1 người bình thường không có sự tu tập, cũng không phải sự hiểu biết của những con vật, mà là sự hiểu biết sâu sắc của những người tu tập, có chánh niệm, và khi chánh niệm được thiết lập mới có được sự hiểu biết này.

Và để tiến trình này được rõ ràng hơn, Chú Giải cho đến 4 ví dụ. Ví dụ chiếc xe, con bò kéo là 1, ví dụ thứ 2 là chiếc thuyền ở trên sông, thứ 3 là cung tên, ví dụ thứ 4 là về con rối. Thì Chú Giải có 4 ví dụ để nói về tiến trình nhân, quả trong các hành động đi, đứng, nằm, ngồi.

Chiếc thuyền ở trên sông khi không có người lái sẽ trôi trên sông theo hướng gió, gió hướng nào thuyền trôi theo hướng đó. Vì ngày xưa các chiếc thuyền không được gắn máy mà do người chèo chống, nếu không có người chèo chống, thì thuyền sẽ phụ thuộc vào gió, trôi chỗ này chỗ kia, không định hướng.

Tương tự vậy, thân mà không có tâm sẽ không hoạt động, hoặc tâm hoạt động không có chánh niệm thì thân có thể hoạt động 1 cách ngẫu nhiên mà không có 1 chủ đích, hướng đi rõ ràng.

Tương tự vậy, 1 ví dụ khác về cung tên. Nếu cung tên có người bắn vào đích rõ ràng, thì cung tên mới được bắn ghim vào đích, còn nếu như không có người bắn và nhắm mục đích rõ ràng, thì cung tên đó sẽ bay không đúng hướng. Tương tự vậy, khi những hành động đi, đứng, ngồi, nằm không chánh niệm, không có tâm thì sẽ không được thực hiện, hoặc không có chánh niệm thì những hành động đó là ngẫu hứng, không có mục đích rõ ràng.

Ví dụ về con rối, sở dĩ con rối có thể hoạt động được là thông qua sợi dây và sự điều khiển của người múa rối. Vì vậy tiến trình của đi, đứng, ngồi, nằm cũng giống múa rối vậy, phải có tâm, yếu tố gió thì khi đó mới biểu hiện qua thân biểu sắc.

Cho nên, để hành giả hiểu rõ tiến trình sinh khởi, tiến trình biểu hiện qua thân, 4 hành động đi, đứng, ngồi, nằm được giải thích trong Chú Giải với 4 ví dụ trên.
Cho nên, trong quá trình tu tập với 4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm thì hành giả biết rõ mình đang đi, biết rõ tiến trình nhân quả của hành động đi, đứng, ngồi, nằm đó giống như những ví dụ và những nguyên nhân được trình bày trên. Khi hành giả đi có thể quan sát dở, bước, đạp. Khi hành giả quan sát những hành động đi đó với chánh niệm, hành giả cũng sẽ nhận biết được tiến trình nhân quả của hành động đi, đứng, ngồi, nằm đó.

Câu cuối cùng trong đoạn kinh văn đó là “vị Tỳ Khưu đang làm gì thì biết rõ mình đang làm như vậy”. Chú Giải giải thích, đây là câu tóm tắt của 4 hành động đi, đứng, ngồi, nằm ở phía trên. 1 câu để tóm tắt lại, diễn tả lại. Khi hành giả đang đi biết rõ mình đang đi, đang đứng biết rõ mình đang đứng, đang ngồi biết rõ mình đang ngồi, đang nằm biết rõ mình đang nằm, không lẫn lộn với 1 tư thế khác.

Liên quan đến câu kinh văn này, trong phụ Chú Giải có thêm 1 ý nữa, bổ sung cho Chú Giải. Khi cơ thể làm gì thì vị Tỳ Khưu biết cơ thể đang làm như vậy. Ở đây, ngoài 1 trong 4 tư thế được giải thích trong Chú Giải, phụ Chú Giải giải thích thêm, những cử chỉ, hành động đi theo tứ oai nghi, mỗi hành động như vậy có những hành động đi theo sau đó. Hoặc hành động của toàn thân khi hành giả đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, thì đây là câu giải thích bao gồm cả những hành động đi, đứng, ngồi, nằm, đồng thời những hành động theo sau, và đối tượng toàn thân liên quan đến đối tượng đi, đứng, ngồi, nằm. Tất cả những đối tượng này hành giả đều quan sát rõ.

Và trong phụ Chú Giải có giải thích thêm 1 điểm nữa, ngoài 4 oai nghi chính (đi, đứng, ngồi, nằm) thì những oai nghi phụ khác, không gồm trong 4 oai nghi này, thì cũng được bao gồm trong câu này: khi cơ thể hành giả đang làm gì thì biết rõ cơ thể đang như vậy.

Trong đoạn Kinh văn tiếp theo: “Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati, bahiddhā vā kāye kāyānupassī viharati”. Thực ra câu này đã được đề cập ở trong phần chánh niệm hơi thở vào, hơi thở ra rồi. Câu này nghĩa là “hành giả sống, quan sát thân như là thân ở trong nội thân, thân như là thân ở ngoại thân. Kāya trong phần niệm hơi thở có nghĩa là thân của hơi thở, còn kāya trong phần niệm tứ oai nghi này, chúng ta cần hiểu kāya là thân đi, thân đứng, thân ngồi, thân nằm, hay hành động đi, hành động đứng, hành động ngồi, hành động nằm của thân. Đây là sự khác biệt của thân trong đoạn chánh niệm tứ oai nghi và chánh niệm hơi thở vào ra.

Câu kinh tiếp theo “Samudayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati” nghĩa là “hành giả sống, quan sát nguyên nhân ở trong thân. Ở trong đoạn kinh văn liên quan đến hơi thở vào ra, có những nguyên nhân làm khởi sinh lên hơi thở như đã trình bày. Còn ở đây nguyên nhân làm khởi sinh lên sắc thân là bao gồm vô minh (avijjā), hành (sankhārā), vật thực (ārāha). Vô minh, hành, vật thực là nguyên nhân tạo ra sắc thân.

Có 1 vấn đề được đặt ra, là khi hành giả đang đi, đứng, nằm, ngồi là những hành động được biểu hiện qua thân biểu sắc (kāyaviññatti). Ở trong Vi Diệu Pháp trình bày rằng thân biểu sắc là 1 trong 28 sắc pháp, tuy nhiên thân biểu sắc là những sắc pháp không có thật tánh, mà là những biểu hiện qua thân mà thôi. Cho nên, có 1 vấn đề được đặt ra là, nếu như thân biểu sắc không phải là sắc pháp có thật tánh, thì làm thế nào có thể làm đối tượng của hành giả đang thực hành thiền Tứ Niệm Xứ được? Đó là 1 vấn đề mà ở trong Chú Giải đã đặt ra.

Để trả lời vấn đề này, Ngài Đại trưởng lão Mahāsiva – tinh thông về Pháp học, Pháp hành được đề cập ở trong Chú Giải. Theo Ngài Mahāsiva thì 1 hành giả khi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, mặc dù thân biểu sắc là những sắc không có thực tánh, nhưng mà những yếu tố tạo ra thân biểu sắc là những sắc có thực tánh. Cho nên trong hành động đi, đứng, ngồi, nằm hành giả vẫn có thể thực hành được thiền quán.

Ở trong phần giải thích liên quan đến tứ oai nghi trong bài kinh Sa Môn Quả (Sāmajjaphalasutta), Ngài Mahāsiva cũng giải thích ở trong Chú Giải của bài kinh này rằng, hành giả không có quan sát các thân biểu sắc, bởi các thân biểu sắc là các sắc pháp không có thực tánh, nhưng mà những yếu tố tạo ra thân biểu sắc là yếu tố gió, thì hành giả vẫn có thể quan sát được, thiết lập chánh niệm trên yếu tố gió là sự chuyển động. Vị vậy hành giả có thể thực hành thiền vipassanā với tứ oai nghi thông qua yếu tố gió, tạo ra những oai nghi đó.

Trên đây liên quan đến sự giải thích ở trong Chú Giải để xác định những đối tượng của thiền vipassanā. Đối với đối tượng của thiền vipassanā là những đối tượng có thực tánh mới gọi là đối tượng của thiền vipassanā. Liên quan đến thiền chỉ (thiền định, samatha), đối với đề mục đi, đứng, nằm, ngồi, theo Chú Giải nếu như hành giả thực hành thì có thể đạt đến cận định.

Và như vậy, ở trong phần niệm thân, 2 phần đầu là niệm hơi thở và niệm tứ oai nghi Ngài Tam Tạng đã giải thích xong. Trong đoạn kinh văn cuối cùng của niệm tứ oai nghi giống niệm hơi thở, nên Ngài không giải thích nữa. Ngài sẽ qua phần thứ 3 của niệm thân, là phần sampajāna tỉnh giác với những oai nghi phụ khác.

Bắt đầu đoạn kinh văn của phần tỉnh giác với các oai nghi phụ này cũng bằng cụm từ “Puna caparaṃ” lại nữa, này các Tỳ Khưu, và những như phía trên, lại nữa là 1 vấn đề có những vấn đề khác đã được đề cập, và đây là vấn đề tiếp theo, nên Puna caparaṃ ở đây nghĩa là lại nữa.

Đức Phật dạy rằng, “Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu abhikkante paṭikkante sampajānakārī hoti” “lại nữa này các Tỳ Khưu, hành giả tỉnh giác trong lúc đi tới, đi lui”.

Trong đoạn kinh văn này, cũng như trong phần tiêu đề chữ sampajāna hay trong đoạn kinh văn sampajānakārī hoti, thì sampajānakārī hoti = sam (tốt đẹp, trọn vẹn) + pa (đầy đủ) + jāna (sự biết rõ, nhận biết) + kāri (làm). Nên ta có thể hiểu 2 nghĩa, là hành giả biết rõ ràng và trọn vẹn khi đi tới, đi lui; nghĩa thứ 2 là hành giả cố gắng để biết rõ 1 cách trọn vẹn khi đi tới, đi lui. Có 2 nghĩa, thứ nhất là khi đi tới, đi lui cần nhận biết rõ ràng, trọn vẹn, và cố gắng để hiểu biết rõ ràng, trọn vẹn khi đi tới đi lui – nghĩa là sự nhận biết cần liên tục.

Hiểu biết rõ ràng, trọn vẹn khi làm bất kỳ hành động nào, được giải thích dựa vào Chú Giải cho những hành giả hiểu biết hơn. Khi hành giả làm bất kỳ điều gì cũng cần có sati (chánh niệm) và sampajāna (tỉnh giác). Đây là 2 yếu tố rất quan trọng khi hành giả thực hiện bất kỳ hành động nào.

Ở trong phần hiểu biết trọn vẹn những oai nghi phụ trong chánh văn, đề cập đến những phần như sau: đi tới, đi lui, nhìn trái, nhìn phải, co tay, duỗi tay, co chân, duỗi chân… Tất cả hành động này khi thực hiện, hành động thực hiện với chánh niệm, tỉnh giác.

Đức Phật cũng dạy những hành động trong đời sống hàng ngày của 1 vị Tỳ Khưu là khi mang bát, lấy y 2 lớp, mặc y vai trái… tất cả những hành động hàng ngày như vậy cũng cần có tỉnh giác.

Các hành động khác nữa, bao gồm khi ăn, khi nếm, cảm nhận, tất cả các hành động đó cũng cần tỉnh giác, có sự sáng suốt. Đức Phật còn dạy, khi hành giả đi tiểu tiện, đại tiện cũng cần có chánh niệm, tỉnh giác. Rồi đến những hành động phụ khác nữa là đứng, ngồi, nằm, nói chuyện, im lặng cũng cần có chánh niệm, tỉnh giác. Khi thực hiện những hành động đó cũng cần thực hiện với sự chánh niệm, tỉnh giác.

Ở trong phần niệm oai nghi phụ, hay phần hiểu biết trọn vẹn những oai nghi phụ được chia ra làm mấy đoạn, có đoạn thì 2 hành động, có đoạn 3 hành động, có đoạn thì nhiều hơn, và tổng cộng tất cả những hành động trong các đoạn này là 22 hành động. Tất cả hành động này là hành động trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Khi hành giả thực hiện bất kỳ hành động nào thì cũng phải thực hiện với chánh niệm, tỉnh giác.

Ở trong đoạn kinh văn này, có những đoạn tưởng như đồng nghĩa với nhau, ví dụ abhikkante paṭikkante – đi tới, đi lui; đoạn sau gate – khi đang đi, thì chúng ta cần lưu ý vì sao có sự lặp lại như vậy.

Và ở phần phía trên về niệm tứ oai nghi, cũng có phần đi “khi hành giả đang đi, biết rõ mình đang đi”.
Như vậy, chúng ta được biết là có 3 hành động đi ở trong 2 phần kinh văn ở phần niệm tứ oai nghi và niệm tỉnh giác, trọn vẹn với oai nghi phụ. Hành động đi ở phần tứ oai nghi là gacchanto vā (khi hành giả đang đi), rồi trong phần tỉnh giác, trọn vẹn với oai nghi phụ có abhikkante paṭikkante – đi tới, đi lui và gate – khi đang đi. Chúng ta cần hiểu như thế nào? Trong chú giải của bài kinh Sa môn quả có giải thích, để chúng ta biết rõ ý nghĩa của 3 hành động đi này. Nên trong phần chú giải của bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này không có giải thích, mà nói là hãy liên hệ với phần giải thích trong Chú giải của bài kinh Sa môn quả.

Như vậy, ở trong Chú giải của bài kinh Sa môn quả giải thích rằng đi trong tứ oai nghi là đi 1 quãng đường dài như là đi từ thành phố này qua thành phố khác, nơi này qua nơi khác có khoảng cách xa. Hành động đi trong phần tỉnh giác, trọn vẹn với các oai nghi phụ, thì abhikkante liên quan đến đi trong 1 quãng đường ngắn mà thôi. Ví dụ 1 vị Sư trong chùa đi bát ra các làng lân cận, ở đây gọi là abhikkante. Hoặc đi từ chỗ ở này qua chỗ ở khác ở trong chùa cũng gọi là abhikkante. Tóm lại, hành động đi trong đoạn đầu của phần tỉnh giác trọn vẹn các oai nghi phụ là đi 1 quãng đường trung bình, không dài, không ngắn. Hành động đi gate được giải thích rằng đây là đi 1 quãng đường ngắn mà thôi. Ví dụ, trong chùa thì đi ở trong cốc, ở nhà thì đi trong nhà, quãng đường rất ngắn.

Đối với hành động đi trong tứ oai nghi là đi rất dài, còn đi trong phần tỉnh giác, trọn vẹn oai nghi phụ trong đoạn đầu là đi trong quãng đường trung bình, còn đi phần thứ 3 là đi rất ngắn. Tiếp theo, Chú Giải cũng giải thích từ sampajāna nghĩa là tỉnh giác. Chú giải của bài kinh này không giải thích, mà nói hãy liên hệ với phần giải thích trong Chú Giải bài kinh Sa môn quả. Và Ngài Tam Tạng sẽ giải thích cho chúng ta sampajāna (tỉnh giác), trong Chú Giải bài kinh Sa môn quả sampajāna có 4 nghĩa.

Thứ nhất là sātthakasampajañña nghĩa là tỉnh giác đối với điều có lợi ích (lợi ích tỉnh giác). Vì vậy mà trước khi thực hiện hành động đi, hành giả cũng cần có tỉnh giác, có hiểu biết rằng đi như vậy có lợi ích hay không. Đó là loại tỉnh giác thứ nhất.

Loại tỉnh giác thứ 2, là hiểu biết về những điều có thích hợp hay không thích hợp. Liên quan đến hành động đi, hành giả cũng cần biết đi như vậy có thật sự thích hợp hay không thích hợp, làm như vậy thích hợp hay không thích hợp. Nên loại thứ 2 gọi là tỉnh giác thích hợp (sappāyasampajañña).

Loại thứ 3 là đề mục tỉnh giác (gocarasampajañña). Gocara = go (con bò) + cara (nơi hay lui tới) à nơi con bò hay lui tới là những bãi cỏ, những hồ nước để cho nó ăn, nó uống. Gocara đây diễn tả đề mục hành thiền của 1 hành giả. Đối với 1 hành giả thường lui tới với đề mục thiền của mình, nghĩa là hành giả thường nghĩ đến, thường quan sát đề mục thiền của mình. Và sự quan sát, biết rõ đề mục của mình gọi là gocarasampajañña. Hành giả biết rõ đề mục mà hành giả đang quan sát.

Nghĩa thứ 4 của sampajāna là asammohasampajañña. Asammoha ở đây là bất si, không mê mờ. Sự hiểu biết rõ ràng đây là danh pháp, đây là sắc pháp, đây là yếu tố đất, đây là yếu tố gió… khi hành giả đang đi, đứng, ngồi, nằm. Hiểu biết rõ như vậy gọi là asammohasampajañña.

Trong Chú Giải giải thích rằng, trong phần kinh văn liên quan đến phần tỉnh giác trọn vẹn với các oai nghi phụ này thì có 7 phần, và như đã trình bày có tất cả 22 phần. Tất cả 22 hành động trong đoạn kinh văn này cũng cần áp dụng với 4 loại chánh niệm, tỉnh giác này, với mỗi hành động hành giả cũng cần hiểu rõ về lợi ích, sự thích hợp, về đối tượng đề mục, và hiểu rõ về các yếu tố danh pháp, sắc pháp. Tất cả 4 ý nghĩa của từ tỉnh giác này cũng cần áp dụng vào 22 hành động trong phần kinh văn này.

Như vậy, với hành động đầu tiên là đi tới abhikkante thì áp dụng 4 hình thức tỉnh giác này là chúng ta áp dụng như thế nào? Ngài Tam Tạng sẽ chia sẻ để chúng ta hiểu rõ hơn.

Đối với sự áp dụng 4 loại tỉnh giác trong mỗi hành động, Ngài Tam Tạng nói Ngài sẽ tiếp tục chia sẻ trong phần sau. Ngài nói với đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta cần áp dụng như thế nào để có lợi lạc trong sự tu tập cũng như đời sống hàng ngày. Ở nhà nếu chúng ta không đi đâu thì tư thế ngồi thường là tư thế chính, như khi đi làm chúng ta có thể áp dụng 4 loại chánh niệm tỉnh giác này. Ví dụ khi hành giả đi xe, đi bộ đến nơi làm việc, chúng ta đi và biết rõ chúng ta đang đi, tâm chánh niệm và tỉnh giác luôn sáng suốt biết rõ mình đang đi.

Có những việc có thể xảy ra, ví dụ thay vì không có chánh niệm tỉnh giác, gặp 1 người nào đó mình không thích, hay vì 1 nguyên nhân gì đó họ đụng chạm đến mình, nếu như mình không có chánh niệm tỉnh giác thì có thể to tiếng, qua lại với họ. Nhưng khi có chánh niệm, tỉnh giác khi đi, chúng ta biết rõ những hành động của mình, hành động đang đi, những cử chỉ của tay chân đang xảy ra, thì sự to tiếng qua lại với người kia, hay sự bực mình cũng không xuất hiện. Nên Đức Phật dạy trong đời sống hàng ngày hành giả cần luôn có chánh niệm tỉnh giác để biết những hành động mình đang làm. Qua đó những hành động sân, không thích mới không có cơ hội sinh khởi. Thì đó mới là lợi ích của việc áp dụng chánh niệm tỉnh giác vào đời sống hàng ngày, vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Ngài Tam Tạng nói rằng, ở trên cõi trời dục giới có 1 loại Chư thiên gọi là manopadosika, loại Chư thiên này rất dễ nổi sân. Khi họ nhìn 1 vật gì đó không có chánh niệm tỉnh giác, tâm sân có thể sinh khởi, nhưng vì sắc thân họ rất vi tế, trái tim rất vi tế, rất dễ tan vỡ, nên nổi sân như vậy có những vị Thiên của loại thiên này vỡ tim rồi chết. Vì họ không có sự tu tập chánh niệm tỉnh giác nên chết như vậy. Nên 1 hành giả tu tập chánh niệm tỉnh giác, nhìn tới, nhìn lui, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn phải, nhìn trái đều có chánh niệm tỉnh giác. Nhờ có chánh niệm tỉnh giác nên không có tâm sân sinh khởi.

Vì vậy trong đời sống hàng ngày, khi chúng ta đi chợ, đi làm hay bất kỳ hành động nào có sự chánh niệm tỉnh giác, thì những sự lỗi lầm sẽ được đoạn trừ, những phiền não không sinh khởi và hỗ trợ cho sự tu tập thiền định, thiền quán rất nhiều. Chính vì vậy Đức Phật đã dạy phần chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn những oai nghi phụ, những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày để giúp cho hành giả tránh những lỗi lầm, đoạn trừ được những phiền não ở trong tâm.

Đồng thời hỗ trợ cho việc tu tập thiền định, thiền tuệ với những đề mục khác. Chúng ta là hành giả cần luôn chánh niệm, tỉnh giác trong mỗi hành hành động dù rất nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, thì chúng ta mới đạt được những lợi ích thiết thực như mới kể.
Và bây giờ cũng đã đến lúc tất cả chúng ta cùng nhau thực hành 1 thời tọa thiền với đề mục hơi thở vào, hơi thở ra.

Sau đây Ngài Tam Tạng 10 sẽ tụng 1 bài kinh chúc phúc ngắn để chúc đến hội chúng trong zoom cũng như các nền tảng khác, để các hành giả thân tâm an lạc, tinh tấn tu tập, đặc biệt là tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ, mang lại lợi ích an vui, trí tuệ, đạt đến sự giác ngộ, giải thoát. Ngài sẽ cầu chúc cho tất cả quý Phật tử và thân quyến được an lạc, thành tựu ước nguyện chânh chính của mình.

(bản text do bạn hữu Vũ Thái Bình đánh chữ)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app