Sức Mạnh Của 1 Vị Phật, Đức Phật Song Thông – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp 10/04/2022

0:00 Thọ trì tam quy và ngũ giới
4:16 Tác bạch và đảnh lễ Phật
8:23 Nhắc lại về 14 khía cạnh của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa – nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực
14:14 Giảng giải về khía cạnh thứ nhất āsaya xu hướng tâm lý và thứ hai là anusaya tùy miên, các phiền não ngủ ngầm của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa – nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực
33:40 Giảng giải về khía cạnh thứ ba carita tánh hạnh của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa
38:49 Giảng giải về khía cạnh thứ tư adhimutti sở thích, thứ năm apparajakkha ít ô nhiễm và thứ sáu mahārajakkha nhiều ô nhiễm của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa
44:16 Giảng giải về khía cạnh thứ bảy mudindriya căn cơ chậm và thứ tám tikkhindriya căn cơ nhanh của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa
46:41 Giảng giải về khía cạnh thứ chín dvākāra tâm có điều kiện xấu và thứ mười svākāra tâm đủ điều kiện tốt của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa
49:06 Giảng giải về khía cạnh thứ mười một duviññāpaya hiểu chậm và thứ mười hai suviññāpaya hiểu nhanh của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa
50:40 Giảng giải về khía cạnh thứ mười ba abhabba không thể chứng đạo của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa
58:59 Giảng giải về khía cạnh thứ mười bốn bhabba có thể chứng đạo của trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa
1:12:03 Giảng giải về trí tuệ thứ 7 trong Như lai thập lực jhāna- vimokkha – samādhi- samāpatti- ñāṇa Chư thiền giải thoát tam muội trí lực
1:21:01 Giảng giải về trí tuệ thứ 8, thứ 9 và thứ 10 trong Như lai thập lực pubbenivāsānussati-ñāṇa túc mạng minh, dibbacakkhu-ñāṇa – thiên nhãn thông và āsavakkhaya-ñāṇa lậu tận thông
1:27:04 Sự khác biệt giữa Như lai thập trí lực và Nhất thiết trí sabbaññuta-ñāṇa và sự phân chia mười trí tuệ theo khía cạnh có tầm, có tứ và không có tầm, không có tứ
1:45:56 Ba lần Đức vua Suddhodana đảnh lễ Đức Phật
1:59:32 Thực hành thiền
2:13:03 Chia phước và hồi hướng

 

Hôm nay là ngày 10 tháng 4 năm 2022, vào buổi chiều như thường lệ Ngài tam tạng thứ 10 sẽ ban bố cho chúng ta các bài pháp thoại với mục đích để cho các phật tử chúng ta có thêm sự hiểu biết về giáo pháp để có thể thực hành thiền định, thiền tuệ và thực hành những thiện pháp để mang lại lợi ích cho chính mình, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, đại dịch Covid sớm chấm dứt. Cho nên Ngài tam tạng được sự thỉnh mời của ban tổ chức đã có những bài pháp thoại, và hôm nay Ngài sẽ tiếp tục bài pháp thoại trong chuỗi pháp thoại khi Đức Phật về thăm cố hương để báo hiếu vua cha. Và chiều hôm nay Ngài sẽ tiếp tục giảng về đề tài Như Lai thập lực – 10 trí tuệ đặc biệt của một vị toàn giác.

Và để bắt đầu buổi pháp thoại hôm nay, tất cả đại chúng cùng nhau niệm Phật:

Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)

Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội cây bồ đề được 10 tháng, được sự thỉnh cầu của Đức vua Suddhodana thỉnh cầu Đức Thế Tôn trở về Kapilavatthu và được Đức Thế Tôn nhận lời mời cùng với Tăng đoàn, cứ mỗi ngày đi khoảng 2 yojana, cho nên trải qua 2 tháng cuối cùng đã đến kinh thành Kapilavatthu.

Khi đến kinh thành Kapilavatthu những người ở trong dòng tộc Thích ca Sakya họ không có sự cung kính, nhất là những người lớn tuổi, những người tự xem mình là chú là bác của Đức Phật, họ không có đảnh lễ, cung kính, cho nên Đức Thế Tôn đã sử dụng, đã trình diễn song thông để cho những người đó bớt đi sự ngã mạn và có thể nghe Đức Phật thuyết pháp.

Và Đức Phật cũng biểu diễn trí tuệ đặc biệt của Ngài, cho nên trong tuần trước Ngài tam tạng thứ 10 đã có trình bày về Như Lai thập lực và hôm nay Ngài sẽ tiếp tục trình bày về đề tài này.

Ở trong Như Lai thập lực, bài pháp thoại ở trong tuần trước, Ngài đã trình bày trí tuệ thứ sáu đó là indriyaparopariyatta-ñāṇa – nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực: Biết rõ căn cơ học đạo của tất cả các chúng sinh. Trong trí tuệ này bao gồm 14 khía cạnh khác nhau đó là:

  1. Thứ nhất là āsaya xu hướng tâm lý
  2. Thứ hai là anusaya tùy miên, các phiền não ngủ ngầm
  3. Thứ ba là carita tánh hạnh
  4. Thứ tư là adhimutti sở thích
  5. Thứ năm là apparajakkha ít ô nhiễm
  6. Thứ sáu mahārajakkha nhiều ô nhiễm
  7. Thứ bảy mudindriya căn cơ chậm
  8. Thứ tám tikkhindriya căn cơ nhanh
  9. Thứ chín dvākāra tâm có điều kiện xấu
  10. Thứ mười svākāra tâm đủ điều kiện tốt
  11. Mười một duviññāpaya hiểu chậm
  12. Mười hai suviññāpaya hiểu nhanh
  13. Mười ba abhabba không thể chứng đạo
  14. Mươi bốn bhabba có thể chứng đạo

Đây là 14 khía cạnh ở trong sự hiểu biết indriyaparopariyatta-ñāṇa – nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực.

Vào trong tuần trước khía cạnh āsaya Ngài tam tạng cũng đã có đề cập qua về xu hướng tâm lý, nghĩa đen của chữ āsaya có nghĩa là ā là sự trở về saya là cái căn của tâm, là nơi mà tâm phát sinh và nghỉ ngơi hadayavatthu – tâm vật. Sỡ dĩ khía cạnh này gọi là āsaya bởi vì Đức Phật dùng khả năng hiểu biết của mình có thể hiểu biết tâm lý của các chúng sanh khác và có thể hướng tâm trở về lại ở tâm vật của mình.

Và xu hướng tâm lý của chúng sinh ở đây liên quan đến tà kiến của các chúng sanh, những chúng sanh có tà kiến cố định hay không có tà kiến cố định và khả năng có thể chứng đắc Thánh đạo.

Và anusaya là khía cạnh thứ hai mà ở trong tuần trước Ngài tam tạng có đề cập và đưa ra một ví dụ là anusaya là những phiền não ngủ ngầm, chỉ khi nào có điều kiện thích hợp, những phiền não này mới có thể sinh khởi giống như lửa có thể phát sinh ra từ mồi lửa là nhờ có yếu tố lửa đang ngủ ngầm, đang cháy ngầm. Và chỉ khi nào cần đến lửa người ta mới dùng đến gió để có thể tác động vào cái mồi lửa khiến nó có thể cháy trở lại. Đối với những phiền não ngủ ngầm cũng như vậy, chỉ khi nào có những điều kiện thích hợp nó mới sinh khởi, bình thường nó tồn tại ở dạng ngủ ngầm. Những phiền não tùy miên này rất là khó để đoạn trừ, những cách thực hành giới luật như được đề cập ở trong tạng Luật thì có thể thu thúc được thân và khẩu, có thể đoạn trừ được những phiền não qua thân và khẩu, chứ chưa thể đoạn trừ được phiền não nó khởi sinh lên trong tâm, hay nó đang trong một cái dạng ngủ ngầm. Đối với những phương pháp thực hành thiền định ở trong tạng kinh cũng vậy, để đạt được các thiền chứng và thiền định thì cũng không thể đoạn trừ được những phiền não ngủ ngầm này. Để đoạn trừ phiền não ngủ ngầm này, hành giả phải thực hành tuệ minh sát Vipassana mới có thể đoạn trừ được sau khi phát triển những tầng thiền tuệ, những trí tuệ thiền tuệ, đạt đến Thánh đạo tuệ thì mới có thể đoạn trừ những phiền não tùy miên này.

Cho nên vì chưa có đoạn trừ những phiền não tùy miên, cho nên Đức Bồ tát khi thực hành Ba la mật, Ngài có thể chứng đắc các tầng thiền định và đạt được các loại thần thông, có thể đi ở trên hư không, có thể độn thổ giống như là lặn dưới nước,… nhưng những phiền não tùy miên vẫn còn đó thì không thể nào đạt được đạo quả và Niết bàn, nên ở trong một tích truyện có tên là ……… .một trong 500 tích truyện tiền thân của Đức Phật, mặc dù Ngài là một vị có thể chứng đắc các loại thần thông, năm loại thần thông thuộc về thế gian, nhưng mà vẫn chưa có thể đoạn trừ được những phiền não tùy miên này. Bởi vì tùy miên thứ nhất kāmarāga – dục tham vẫn chưa có thể đoạn trừ bởi Thánh đạo tuệ. Cho nên cũng có những tích truyện khi Đức Bồ tát là những vị Phạm thiên, và ở cảnh giới đó, do nhân duyên nào đó, vị Phạm thiên đó xuống cõi người, và khi xuống cõi người đã cải trang làm người thanh niên hay là một người già,.. và có một điều kiện nào đó xảy ra, dục tham vẫn có thể sinh khởi. Bởi vì dục tham nó vẫn còn đó, nó không có được đoạn trừ vĩnh viễn bởi Thánh đạo tuệ, cho nên khi có điều kiện thích hợp nó vẫn sinh khởi, mặc dù Ngài là một vị Phạm thiên, nhưng xuống cõi người thì vẫn có thể khiến cho dục tham nó sinh khởi khi tiếp xúc với những điều kiện ở cõi người.

Chính vì vậy mà khi Đức Bồ tát vào một kiếp nó là người thanh niên trong một gia đình, mặc dù từ khi nhỏ đến khi lớn lên thì tâm rất là trong sáng, thuần khiết, không có nghĩ đến sự hưởng thụ của thế gian. Cho nên dục tham nó không có điều kiện để nó sinh khởi. Nhưng đến khi tuổi trưởng thành, cha mẹ muốn Ngài lập gia đình và đã tìm mọi cách để khiến cho tâm Ngài thay đổi, đã đi tìm người con gái và thuyết phục Ngài lập gia đình với người đó với những lời nói, sự hứa khả, những điều kiện để làm cho dục tham nó sinh khởi, thế là ngài đã ở cùng với cô con gái đó, lập gia đình và sau đó Ngài mới đi vào ở núi Hy Mã Lạp Sơn. Cho nên dục tham vốn không có điều kiện thì nó không sinh khởi nhưng mà khi có điều kiện thì nó sẽ sinh khởi giống như mồi lửa vậy, khi không có gió thì nó vẫn tồn tại ở dạng lửa ngầm, nhưng khi có sự tác động của gió, lửa mới phát sinh.

Và khi ở trong một cái chòi bằng lá ở núi Hy Mã Lạp Sơn, người thanh niên khi đó là tiền kiếp của Đức Bồ tát đã cùng với vợ của mình sống ở trong đó. Một ngày nọ có vị đạo sĩ có thần thông bay ở trên hư không và đáp xuống chòi lá đó để khất thực, khi gặp vợ của Đức Bồ tát thì cũng khởi lên tâm tham và dẫn vợ của Đức Bồ tát đi ra khỏi chòi lá đó. Khi Đức Bồ tát ở trong rừng đi tìm trái cây trở về, Đức Bồ tát mới thấy như vậy và cầm một con dao rượt theo ông đạo sĩ. Với tâm sân, Đức Bồ tát đã đuổi theo ông đạo sĩ. Như vậy do dục tham nó sinh khởi, mà từ dục tham đó mới dẫn đến tâm sân, tâm sân là dạng ngủ ngầm, mặc dù trước đó nó không sinh khởi, trước đó thậm chí dục tham cũng không sinh khởi nhưng mà khi thấy người đạo sĩ dẫn vợ của mình đi, Đức Bồ tát đã khởi sinh lên tâm sân. Cho nên trước đó tâm sân chưa có nhưng do những điều kiện thích hợp tâm sân nó mới sinh khởi.

Nhưng đối với Đức Bồ tát mặc dù phiền não tùy miên nó sinh khởi nhưng mà không có bộc phát qua thân và khẩu cho nên Ngài đã không có phạm tội sát sinh hay là làm tổn thương đến ông đạo sĩ. Sau khi mang người vợ của mình trở về và sau đó Đức Bồ tát đã trả lại cho bên phía cha và mẹ của người vợ, Ngài trở lại núi Hy Mã Lạp Sơn và thực hành, cuối cùng đã đạt được các thiền chứng. Đối với Đức Bồ tát, Ngài không có bị phiền não tùy miên nó dẫn dắt, mặc dù nó sinh khởi ở trong tâm nhưng mà không bị nó dẫn dắt để biểu hiện qua hành động và lời nói, còn đối với một phàm nhân bình thường, thì sau khi phiền não tùy miên nó sinh khởi, nếu như không có sự thu thúc với chánh niệm, tỉnh giác thì những phiền não tùy miên đó có thể dẫn dắt người đó hành động xấu qua thân và khẩu.

Khía cạnh thứ ba ở trong trí tuệ này đó là carita – tạm dịch là tánh hạnh. Tánh hạnh ở đây bao gồm những thiện nghiệp ở dục giới, thiện nghiệp ở sắc giới và những thiện nghiệp ở vô sắc giới.

  • Thứ nhất là puññābhisaṅkhāra là bao gồm 8 tâm thiện dục giới và 5 tâm thiện ở sắc giới
  • Thứ hai là apuññābhisaṅkhāra nghĩa là bất thiện nghiệp
  • Thứ ba là những nghiệp bất động nghĩa là 4 thiền chứng của vô sắc giới.

Nói theo Vi diệu pháp thì có 21 tâm thiện trừ 4 tâm thiện thuộc về Thánh đạo thì còn 17 tâm thiện của Dục giới, sắc giới và vô sắc giới, kèm 12 tâm bất thiện. Tất cả những pháp này 17 thiện tâm hiệp thế và 12 bất thiện tâm gọi là saṅkhāra và ở đây có nghĩa là carita.

Theo chú giải thì 12 tâm bất thiện và 17 tâm thiện hiệp thế này gọi là carita. Cho nên carita ở đây được phân biệt theo 2 khía cạnh, thứ nhất là ducarita là những tánh hạnh bất thiện và sucarita là những tánh hạnh thiện. Sở dĩ gọi là tánh hạnh bởi vì nó được hành động và khi nó hành động xấu thì gọi là tánh hạnh bất thiện, khi hành động tốt thì gọi là tánh hạnh thiện. Và ở trong 1 chương thuộc bộ sách về Vi diệu pháp, trong Thắng pháp tập yếu luận, ở chương kammaṭṭhānācariya về các đề mục thiền thì carita được chia ra làm 6 loại gọi là tánh hạnh hay là đức tánh. Tánh hạnh của các chúng sanh được chia ra làm 6 loại.

Khía cạnh thứ tư ở trong trí tuệ này đó là sự hiểu biết về sở thích của các chúng sinh. Cái chữ adhimutti ở đây có nghĩa là sự tác ý một cách vi tế cho nên tạm dịch là sở thích. Cho nên khía cạnh thứ tư này nó cũng hơi giống với trí tuệ thứ năm đó là nānādhimuttikata-ñāṇa – Chủng chủng giải trí lực.

Khía cạnh thứ năm của trí tuệ này là sự hiểu biết về tâm của một chúng sinh có ít ô nhiễm phiền não hay là không. Chữ apparajakkha là một từ được hợp thành bởi ba chữ khác nhau. Thứ nhất là appa, thứ hai là raja, thứ ba là akkha. Chữ akkha nó cũng giống chữ akkhi có nghĩa là con mắt, raja nghĩa là bụi hay chất dơ, còn appa nghĩa là ít. Cho nên apparajakkha có nghĩa là người có ít bụi ở trong mắt, bụi ở đây có nghĩa là bụi phiền não. Vì vậy mà apparajakkha có nghĩa là chúng sinh có ít bụi phiền não ở trong tâm, nói cách khác là ít ô nhiễm bởi phiền não. Cho nên ở khía cạnh thứ năm này, Đức Phật Ngài biết rõ chúng sinh nào có ít ô nhiễm bởi bụi phiền não.

Và khía cạnh thứ sáu Ngài cũng biết rằng tâm của chúng sinh nào có nhiều bụi phiền não ở trong tâm.

Khía cạnh thứ bảy của trí tuệ này là mudindriya căn cơ chậm nghĩa là Đức Phật có trí tuệ có khả năng hiểu về căn cơ chậm hay là nhanh của chúng sinh. Mudindriya có nghĩa là mudā + indriya. Mudā có nghĩa là non, còn indriya có nghĩa là căn cơ, căn cơ ở đây chính là đức tin, tín tấn niệm định và tuệ. Một người có tín tấn niệm định và tuệ non yếu gọi là mudindriya. Cho nên ở đây có nghĩa là căn cơ chậm.

Và khía cạnh thứ tám là tikkhindriya. Tikkhindriya là chữ Pali được cấu tạo bởi tikkha + indriya. Tikkha có nghĩa là là già, là trưởng thành. Và indriya là người mà có căn cơ như là tín tấn niệm định tuệ trưởng thành. Cho nên tạm dịch là căn cơ nhanh. Đức Phật là người biết rõ căn cơ chậm hay căn cơ nhanh, căn cơ còn non yếu hay căn cơ trưởng thành của các chúng sinh.
Khía cạnh thứ chín của trí tuệ này là dvākāra tâm có điều kiện xấu. dvākāra là du + ākāra. Du có nghĩa là xấu, ākāra là điều kiện, là khía cạnh. Điều kiện ở đây là những yếu tố đã đề cập ở trên như là āsaya, anussaya, carita, apparajakkha,… Đối với chúng sinh có những điều kiện xấu, tức là chúng sinh đó có nhiều anusssaya, có tánh hạnh xấu bất thiện và có nhiều ô nhiễm ở trong tâm. Còn đối với khía cạnh thứ 10 đó là svākāra có nghĩa là su + ākāra. Su là tốt, là thiện, ākāra là điều kiện, thì có thể hiểu ngược lại giống như khía cạnh ở trên là dvākāra, svākāra có nghĩa là tâm có điều kiện tốt, có nghĩa là có ít phiền não tùy miên, có những tánh hạnh tốt, có ít bụi phiền não ở trong tâm. Đức Phật là người có khả năng có thể hiểu được tâm của các chúng sinh có điều kiện xấu hay điều kiện tốt như vậy.

Khía cạnh thứ 11 của trí tuệ này là duviññāpaya tạm dịch là hiểu chậm. Nghĩa là người mà có sự hiểu biết về Phật pháp rất là chậm chạp. Khía cạnh này cũng như là khía cạnh thứ 9 là dvākāra. Và khía cạnh thứ 12 là suviññāpaya tạm dịch là hiểu nhanh là người có sự hiểu nhanh về giáo pháp và có thể thấu hiểu được những trí tuệ đặc biệt trong giáo pháp của Đức Phật, và yếu tố này, khía cạnh này nó cũng như là khía cạnh thứ 10 svākāra. Đức Phật là người có khả năng tuệ hiểu biết được tâm của các chúng sinh, hiểu chậm hay là hiểu nhanh đối với sự thật, đối với chân lý Tứ Thánh đế.

Khía cạnh thứ 13 đó là abhabba. A có nghĩa là không, bhabba có nghĩa là khả năng. Abhabba có nghĩa là không có khả năng thấu hiểu được chân lý Tứ Thánh đế. Cho nên người nào không có khả năng thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế ngay trong kiếp này được gọi là abhabba.

Hạng người nào được gọi là người abhabba. Là người mà không có khả năng thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế.

Thứ nhất là tạo cực trọng nghiệp như là giết cha, giết me, giết bậc Thánh A ra hán, chia rẽ Tăng đoàn, làm Đức Phật bầm máu. Đó là những cực trọng nghiệp bất thiện, có thể ngăn cản người đó thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế.

Hạng người thứ hai không có khả năng thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế đó là hạng người có phiền não tà kiến cố định niyatamicchādiṭṭhi giống như các ngoại đạo sư mà đã được đề cập trong bài kinh Sa môn quả Sāmaññaphalasuttaṃ. Những vị ngoại đạo sư đó có tà kiến cố định, cho nên không thể nào thấu hiểu được chân lý Tứ Thánh đế ngay trong kiếp hiện tại. Có một số tà kiến không phải là tà kiến cố định, mà chỉ là những tà kiến bình thường. Với những người chỉ là tà kiến bình thường, không phải tà kiến cố định, có thể chứng ngộ được chân lý Tứ Thánh đế như trường hợp ông Dīghanakha, cháu của Ngài Sāriputta như chúng ta đã từng nghe bài pháp liên quan đến Dīghanakha, Dīghanakha là người đã từng có tà kiến nhưng mà tà kiến của ông ta thuộc tà kiến bình thường thôi, không phải tà kiến cố định, cho nên khi ông ta nghe Đức Phật thuyết bài kinh Dīghanakha sutta thì ông ta có khả năng thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế, chứng được Thánh đạo, Thánh quả Nhập lưu. Và trường hợp thứ hai là ông du sĩ Subhadda, ông cũng là người có tà kiến, nhưng không phải là tà kiến cố định, cho nên trước khi Đức Phật tịch diệt Niết bàn, ông đã xin vào gặp Đức Phật và được Đức Phật khai thị sau đó xin xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật và một thời gian không lâu ông đã trở thành một bậc thánh A ra hán trong giáo pháp của Đức Phật. Đối với tà kiến bình thường, không phải là tà kiến cố định, vẫn có thể thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế.

Hạng người thứ ba không có khả năng thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế là hạng người có sự nguy hiểm của vipāka. Vipāka là quả của sanh nghiệp, quả của sanh nghiệp ở đây chính là những chúng sinh được sinh ra với ahetuka nghĩa là với tâm vô nhân hay là duhetuka nghĩa là với tâm nhị nhân. Đối với những chúng sinh nào, những người nào sinh ra với tâm vô nhân hay là nhị nhân là một sự nguy hiểm và nó có thể cản trở sự thấu hiểu chân lý Tứ Thánh đế.

Và hạng người thứ tư mặc dù không phải sinh ra với tâm vô nhân hay là nhị nhân mà là người thiếu đức tin, thiếu sự tinh tấn và mong muốn thực hành giáo pháp. Những người này không thể nào thấu hiểu được chân lý Tứ Thánh đế.

Khía cạnh thứ 14 của trí tuệ này đó là bhabba nghĩa là Đức Phật có sự hiểu biết có trí tuệ có khả năng biết được những chúng sinh nào có khả năng thấu hiểu được chân lý Tứ Thánh đế. Những chúng sinh nào thấu hiểu được chân lý Tứ Thánh đế là những chúng sinh thoát khỏi được 4 yếu tố xấu đã được đề cập ở phần abhabba.

Như đã đề cập trí tuệ indriyaparopariyatta-ñāṇa – là trí tuệ các bậc có khả năng thấy biết được 14 khía cạnh khác nhau của một chúng sinh, các chúng sinh. Và ở trong 14 khía cạnh này, 2 khía cạnh đầu tiên đó là āsaya và anusaya cho nên ở trong chú giải trí tuệ này có thể gọi là āsaya-anusaya-ñāṇa bởi vì 2 khía cạnh này là đầu tiên trong 14 khía cạnh, cho nên lấy 2 khía cạnh đầu tiên làm tên đại diện cho trí tuệ này. Vì vậy mà trí tuệ indriyaparopariyatta-ñāṇa cũng có thể được gọi là āsaya-anusaya-ñāṇa
Khi Đức Phật còn tại thế, cứ vào mỗi buổi sáng – trước khi bình minh lên, Ngài dùng trí tuệ này để quan sát các chúng sinh: những chúng sinh nào Ngài có thể độ được, những chúng sinh nào không độ được. Sau khi quan sát như vậy, khi Ngài thấy có những chúng sinh cần phải độ thì dù xa đến bao nhiêu Ngài cũng đến đó để độ cho chúng sinh đó.

Đối với một vị Thanh văn đệ tử A ra hán của Đức Phật thì không có khả năng hiểu biết giống như Đức Phật. Nói cách khác là các vị Thánh đệ tử không có trí tuệ này giống như Đức Phật. Cho nên vào thời Đức Phật có một vị tên là Cūḷapanthaka. Vị này có người anh tên là Mahapanthaka. Trong suốt ba tháng hạ, Cūḷapanthaka đã đi xuất gia và ở cùng người anh của mình. Trong ba tháng đó ngài Mahapanthaka đã dạy Cūḷapanthaka rất nhiều, nhưng mà Cūḷapanthaka không có thuộc những điều mà anh của Cūḷapanthaka dạy. Chính vì vậy mà sau ba tháng, người anh thất vọng đã nói với người em rằng: Bây giờ e hãy đi về đi, em không có khả năng tu tập trong giáo pháp của Đức Thế tôn rồi, trí tuệ em kém quá. Trước khi hoàn tục, Đức Phật đã biết được Cūḷapanthaka là một người căn cơ như thế nào, cho nên Ngài đã ngự đến và hỏi Cūḷapanthaka là vì sao muốn học.

Cūḷapanthaka mới kể lại sự tình, Đức Phật Ngài mới khuyên Cūḷapanthaka không nên hoàn tục, Ngài đã khuyến khích, sách tấn Cūḷapanthaka ở lại để thực hành, để hành thiền. Và Đức Phật đã đưa cho một cái khăn trắng, hướng dẫn cách thực hành cho Cūḷapanthaka. Khi Đức Phật đưa cho một cái khăn trắng và bảo hãy đi lau cốc liêu. Sau khi lấy khăn từ Đức Phật, Cūḷapanthaka đã đi lau chùi cốc liêu, và sau một chốc lát nhìn thấy chiếc khăn đã bị dơ, bị đen đi. Khi đó Cūḷapanthaka đã quan sát lại thân và tâm và thấy rằng thân và tâm nó thay đổi vô thường giống chiếc khăn này vậy. Cách đây không lâu vốn rất là trắng, nhưng sau một hồi lau chùi nó trở lên dơ và đen như vậy, thân tâm nó cũng vô thường như vậy và qua sự quan sát không lâu như vậy, Cūḷapanthaka đã chứng đắc được Thánh đạo Thánh quả A ra hán.

Sở dĩ Cūḷapanthaka có thể thực hành và chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán một cách nhanh chóng như vậy là nhờ vào Đức Phật có trí tuệ Nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực này. Đức Phật Ngài đã thấy rằng trong kiếp quá khứ Cūḷapanthaka là một vị vua, một ngày nọ khi cưỡi một con voi trắng đi xung quanh kinh thành, thì một lúc sau mồ hôi đẫm ở trán. Nhà vua đã lấy ra một chiếc khăn và lau cái trán của mình, sau khi lau xong thì thấy chiếc khăn nó bị dơ bởi mồ hôi. Với sự quan sát, sự chú tâm vào chiếc khăn đó, trong một kiếp đó nhà vua cũng hiểu được phần nào về bản chất vô thường của chiếc khăn và của những thứ khác. Cho nên trong kiếp hiện tại, Cūḷapanthaka là người có trí nhớ rất kém, nhưng Đức Phật Ngài thấy rằng trong tiền kiếp có nhân duyên liên quan như vậy, nên Đức Phật mới đưa cho khăn trắng và bảo Cūḷapanthaka đi lau cốc liêu. Chính vì vậy mà Cūḷapanthaka có thể hiểu được giáo pháp, hiểu được bản chất vô thường của các pháp bên ngoài cũng như thân và tâm mình, chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán một cách nhanh như vậy.

Trí tuệ thứ 7 ở trong 10 trí tuệ đặc biệt của một vị Phật toàn giác đó là jhāna- vimokkha – samādhi- samāpatti- ñāṇa nghĩa là Chư thiền giải thoát tam muội trí lực là sự hiểu biết về tất cả những cách thiền định và thiền chứng.

Trong trí tuệ này có chữ Pali jhāna. Jhāna ở đây nghĩa là tầng thiền, vimokkha là sự giải thoát – sự giải thoát ở đây nó cũng có nghĩa là các thiền chứng, bao gồm 8 thiền chứng mà chúng ta thường hay nghe là tứ thiền bát định. vimokkha ở đây mang nghĩa là bát định – tám loại định; còn chữ samādhi cũng có nghĩa là định, định ở đây được chia ra làm ba: định có tầm và tứ, định có tứ mà không có tầm, định không có tầm và cũng không có tứ; samāpatti có nghĩa là sự thành tựu ở trong thiền chứng, bao gồm bốn tầng thiền sắc giới, bốn tầng thiền vô sắc giới và diệt thọ tưởng định. Chín loại thiền như vậy gọi là samāpatti. Thêm một chữ nữa đó là saṃkilesa. Saṃkilesa ở đây có nghĩa là phiền não và phiền não liên quan đến thiền chứng này đó là khi một người chứng đắc nhất thiền, tâm thỉnh thoảng hướng đến dục lạc thế gian. Hay là một người đắc đến nhị thiền, thỉnh thoảng nghĩ đến nhất thiền, … Tương tự như vậy những người đắc tam thiền, thỉnh thoảng nhớ nghĩ về nhị thiền. Sự nghĩ về những thiền hay những yếu tố phiền não thấp hơn gọi là saṃkilesa.

Thêm một từ Pali nữa là odanta có nghĩa là sự thanh tịnh, nghĩa là sự thanh tịnh liên quan đến thiền chứng. Đối với một người đắc nhất thiền thường là nghĩ về để đạt đến tầng thiền cao hơn đó là nhị thiền, một người chứng đắc nhị thiền tâm có xu hướng nghĩ về tam thiền và thực hành để đắc tam thiền. Tâm nghĩ về thiền chứng cao hơn đó gọi là odanta.

Thêm một từ Pali nữa đó là vuṭṭhāna. Vuṭṭhāna ở đây có nghĩa sự xuất thiền, nghĩa là một người đã đắc, đã chứng một tầng thiền nào, sau khi xuất ra khỏi tầng thiền đó, theo tiến trình tâm trước hết tâm bhavaṅga xuất hiện. Sự xuất thiền đó gọi là vuṭṭhāna. Chúng ta có thể ghi nhớ chữ vuṭṭhāna ở đây nó bao gồm cả xuất thiền và nhập thiền luôn. Khi một vị nhập vào tầng thiền nào đó, tâm được thoát khỏi ra triền cái gọi là nīvaraṇa và sau khi xuất thiền ra cũng gọi là vuṭṭhāna, cho nên vuṭṭhāna ở đây bao gồm cả xuất thiền và nhập thiền.

Tiếp theo là trí tuệ thứ tám, thứ chín và thứ mười. Đây là ba trí tuệ mà chúng ta cũng thỉnh thoảng nghe đến. Đó là ba trí tuệ mà Đức Phật chứng đạt trong đêm Ngài giác ngộ mà được trình bày ở trong nhiều kinh khác nhau. Trí tuệ thứ tám là túc mạng minh hay còn gọi là túc mạng vô lậu trí lực pubbenivāsānussati-ñāṇa nghĩa là biết rõ các tiền kiếp của chính mình và các chúng sinh khác và các chúng sinh khác.

Trí tuệ thứ chín là thiên nhãn vô ngại trí lực sattacutūpapāta-ñāṇa. Trí tuệ này cũng được gọi là dibbacakkhu-ñāṇa – thiên nhãn thông. Nghĩa là trí tuệ biết rõ sự hoại diệt và sư tái sinh của các chúng sinh.Và thứ mười là lậu đoạn tận trí lực āsavakkhaya-ñāṇa là trí tuệ biết rõ các lậu hoặc chấm dứt như thế nào.

Đây là ba trí tuệ được đề cập rất là nhiều trong các bài kinh, trong đêm Đức Phật trở thành bậc toàn giác ở dưới cội cây bồ đề. Ba trí tuệ này có thể tóm tắt với ba chữ thôi, đó là lấy chữ đầu tiên của mỗi trí tuệ, như là trí tuệ đầu tiên là pubbenivāsānussati-ñāṇa lấy chữ đầu là pu, trí tuệ thứ hai là di, trí tuệ thứ ba là ā đại diện cho āsavakkhaya-ñāṇa. Cho nên ở bên Myanmar khi mà nói đến ba trí tuệ này, người ta chỉ nói đến ba chữ thôi đó là pu, di và ā là người ta đã hiểu được ba trí tuệ này như thế nào rồi.
Khi nói đến ba trí tuệ này, cần sự giải thích rất dài, nhưng mà nói một cách tóm tắt trí tuệ túc mạng vô lậu trí lực là trí tuệ Đức Phật có thể nhớ lại được rất nhiều, nhiều tiền khiếp của mình và các chúng sinh khác, tối thiểu là kể từ khi Ngài phát nguyện trở thành vị Phật toàn giác và được Đức Phật Dīpankara thọ ký, rồi trải qua 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Trong thời gian này, Ngài có thể nhớ từng chi tiết trong mỗi kiếp sống của mình. Trí tuệ thứ hai đó là thiên nhãn vô ngại trí lực là sự hiểu biết về những nghiệp lực của các chúng sinh, các chúng sinh được sinh ra là bởi nghiệp nào, với nghiệp nào sẽ tái sinh vào cảnh giới nào. Sự hiểu biết như vậy gọi là thiên nhãn vô ngại trí lực sattacutūpapāta-ñāṇa, còn được gọi là dibbacakkhu-ñāṇa. Và trí tuệ thứ mười hay là trí tuệ thứ ba trong đêm Đức Phật thành đạo là āsavakkhaya-ñāṇa lậu đoạn tận trí lực, ở đây còn gọi là Thánh đạo A ra hán, ở đây có thể đoạn trừ được tất cả những lậu hoặc, những phiền não bất kỳ ở dạng nào ở trong tâm, những phiền não đó được đoạn trừ một cách vĩnh viễn.

Khi chúng ta học qua mười trí tuệ đặc biệt của Đức Phật còn gọi là Như Lai thập lực trí, chúng ta không thấy trí tuệ của một vị Phật toàn giác thường được gọi là sabbaññuta-ñāṇa nghĩa là trí tuệ thấy biết mọi sự Nhất thiết trí, chúng ta không thấy xuất hiện trí tuệ này trong mười trí tuệ cho nên có người cho rằng, thật ra mười trí tuệ này chỉ là một phần của Nhất thiết trí mà thôi, và các Ngài đại trưởng lão ở trong chú giải không có đồng ý như vậy. Cho nên Ngài tam tạng sẽ giải thích thêm để cho chúng ta hiểu
Trong chú giải giải thích sự khác biệt giữa Như lai thập trí lực và Nhất thiết trí sabbaññuta-ñāṇa như sau: Đối với Như lai thập trí lực này, mỗi trí tuệ có chức năng riêng của nó, và trí tuệ sabbaññuta-ñāṇa nhất thiết trí vừa có sự hiểu biết đối với Như lại thập trí lực và cũng có những chức năng khác nữa. Trong chú giải cũng giải thích rằng, mỗi trí tuệ ở trong Như lai thập trí lực chỉ biết chức năng của mình mà thôi, trí tuệ này không có biết chức năng của trí tuệ khác. Trong chú giải có liệt kê mười loại trí tuệ này với vài tên Pali hơi khác nhau một chút so với mười như lai thập trí lực đã được đề cập ở đây. Đối với nhất thiết trí sabbaññuta-ñāṇa thì chỉ biết mười Như lai thập trí mà thôi, mà không có thể thực hiện chức năng của từng trí tuệ ở trong Như lại thập trí lực.

Lấy một ví dụ, trí tuệ thứ nhất ở trong Như lai thập trí lực đó là trí tuệ biết được tính khả thi và không khả thi ở trong một trường hợp nào đó. Trí tuệ này có thể làm được chức năng đó, nhưng mà Nhất thiết trí không làm được chức năng này mà đơn giản chỉ là biết mà thôi. Cũng tương tự như vậy, trí tuệ thứ sáu indriyaparopariyatta-ñāṇa là một sự hiểu biết đồng thời cũng có thể thực hiện được chức năng trong 14 khía cạnh của nó. Còn Nhất thiết trí sabbaññuta-ñāṇa chỉ biết về trí này thôi, chứ không có thực hiện được chức năng ở trong trí tuệ này.

Bây giờ Ngài tam tạng sẽ phân chia mười trí tuệ này theo khía cạnh có tầm, có tứ và không có tầm, không có tứ.

Thứ nhất đó là trí tuệ thứ tám Túc mạng vô lậu trí lực và trí tuệ thứ chín Thiên nhãn vô ngại trí lực là hai trí tuệ không có tầm avitakka và không có tứ avicāra. Vitakka và vicāra là hai tâm sở và chúng ta thường hay nghe liên quan đến năm chi thiền đó là tầm tứ hỷ lạc và nhất tâm. Đối với hai trí tuệ này là không có tầm và không có tứ avitakka, avicāra. Khi mà nói không có tầm, không có tứ có nghĩa là chỉ về những tầng thiền mà có hỷ lạc nhất tâm, nói cách khác là tam thiền, tứ thiền
Trí tuệ thứ mười lậu đoạn tận trí, tùy theo căn cơ của từng người, có người có trí tuệ này với tầm và tứ, có người có trí tuệ này không có tầm, không có tứ.

Bảy trí tuệ đầu tiên (từ trí tuệ thứ nhất đến trí tuệ thứ bảy) là trí tuệ vừa có tầm vừa có tứ
Còn khi phân chia mười trí tuệ này theo cảnh giới bao gồm dục giới sắc giới và siêu thế. Bảy trí tuệ đầu tiên (từ trí tuệ thứ nhất đến trí tuệ thứ bảy) là những trí tuệ thuộc về dục giới kāmāvacara, trí tuệ thứ tám và thứ chín thuộc về sắc giới rūpāvacara, còn trí tuệ thứ mười lậu đoạn tận trí lực āsavakkhaya-ñāṇa thuộc về siêu thế. Còn đối với nhất thiết trí sabbaññuta-ñāṇa thuộc về dục giới, còn gọi là hiệp thế lokya và trí tuệ có tầm và có tứ, savitakka-savicāra.

Trên đây là sự phân biệt giữa Như lai thập trí lực và với nhất thiết trí sabbaññuta-ñāṇa, nhất thiết trí là một loại trí tuệ khác với mười trí tuệ như lai thập trí lực, mỗi trí tuệ như vậy có chức năng khác nhau, không có giống nhau.

Khi nói đến trí tuệ, trong Pali có từ paññā hay là ñāṇa đều có nghĩa là trí tuệ và trí tuệ có nhiều loại khác nhau. Như ở ngoài đời học lớp 1 có sự hiểu biết liên quan đến lớp 1, nó khác sự hiểu biết với lớp 2, lớp 3, … hay đại học khác sau đại học là thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là những sự hiểu biết khác nhau theo cấp bậc khác nhau. Cũng tương tự như vậy Như lai thập trí lực là những trí tuệ khác nhau thực hiện những chức năng khác nhau. Nhất thiết trí sabbaññuta-ñāṇa khi quy về pháp chân đế, nó là tâm đại thiện thứ nhất ở trong tám tâm đại thiện, tâm đại thiện hợp với trí, cho nên nhất thiết trí được gọi là hiệp thế hay là thuộc về dục giới kāmāvacara và cũng là một trí tuệ có tầm savitakka, có tứ savicāra.

Trí tuệ sabbaññuta-ñāṇa nhất thiết trí như đã trình bày, nó là tâm đại thiện thứ nhất ñāna-sampayutta là tương ứng với trí. Vì sao nó trở thành nhất thiết trí trong lúc những chúng sinh bình thường cũng có tâm đại thiện này nhưng mà không phải là trí tuệ nhất thiết trí như là Đức Phật là bởi vì Đức Phật sau khi thực hành mười pháp hạnh ba la mật đầy đủ, mặc dù với tâm đại thiện dục giới thứ nhất này, nhưng trí tuệ ở trong tâm đại thiện này là trí tuệ nhất thiết trí không giống như một chúng sinh bình thường. Cho nên có thể hiểu rằng sở dĩ tâm đại thiện của Đức Phật mà có Nhất thiết trí này là nhờ thực hành ba la mật ở trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ đã tròn đủ mới có được trí này.

Ở trong bộ chú giải Buddhavamsa aṭṭhakathā là bộ chú giải nói về tiểu sử của Đức Phật có đề cập đến những loại trí tuệ này và Ngài tam tạng đã cố gắng tìm hiểu và trình bày để cho tất cả chúng ta có thêm sự hiểu biết. Mục đích Đức Phật trình diễn những trí tuệ đặc biệt nhất là sự trình diễn về song thông – loại thần thông đặc biệt để khiến cho những người khác bớt đi tính ngã mạn đồng thời cũng khởi sinh lên đức tin đối với Đức Phật sau đó họ có thể nghe Đức Phật thuyết pháp và có thể thấu hiểu được chân lý Tứ Thánh đế. Cho nên khi Đức Phật trình diễn song thông, trước hết ngày đã sử dụng đề mục màu trắng là là một trong mười đề mục biến sứ kasiṇa. Và sau khi Ngài dùng đề mục màu trắng để trình diễn song thông nghĩa là thân trên ra nước và thân dưới ra lửa, hay là thân trước ra lửa, thân sau ra nước,… Đây là loại thần thông rất đặc biệt mà chỉ có Đức Phật mới có mà thôi. Sau khi trình diễn song thông như vậy, những người thân quyến trong dòng họ Sakya mới thấy được năng lực siêu phàm của Đức Phật, cho nên tâm ngã mạn của họ không còn nữa, họ bắt đầu đảnh lễ Đức Phật và lắng nghe pháp. Đức vua Suddhodana cũng vậy sau khi thấy Đức Phật biểu diễn song thông, Đức vua Suddhodana đã đảnh lễ Đức Phật lần thứ ba. Lần này là lần thứ ba nhà vua đảnh lễ Đức Phật.

Đây là lần thứ ba Đức vua Suddhodan đảnh lễ Đức Phật vậy lần thứ nhất và lần thứ hai Đức vua đảnh lễ khi nào. Trong số chúng ta có lẽ cũng có người biết. Lần thứ nhất Đức vua đảnh lễ đó là lúc thái tử bồ tát diện kiến đạo sĩ Kāladevila là vào lúc Đức vua thỉnh đạo sĩ Kāladevila đến hoàng cung để thái tử bồ tát diện kiến khi đó còn rất là nhỏ. Giống như ở trong nhà khi mà đứa bé mới sinh ra, cha mẹ bồng ra để khoe với người thân và bảo làm cái này làm cái kia, đối với thái tử bồ tát cũng vậy khi diện kiến đạo sĩ Kāladevila, nhà vua mới bảo thái tử hãy đảnh lễ Kāladevila, thái tử lúc đó không những không đảnh lễ mà còn đưa chân của mình ngược lên ở trên đầu của đạo sĩ Kāladevila. Lúc đó trước sự ngạc nhiên của mọi người, Đức vua thấy như vậy cũng đã đảnh lễ con của mình khi còn rất nhỏ.

Lần thứ hai Đức vua Suddhodana đảnh lễ đức Bồ tát là lúc mà Ngài còn rất là nhỏ, nhà vua và các vị quan đại thần đi ra ngoài đồng làm lễ hạ điền và đưa Bồ tát đi theo, trong buổi lễ này người ta đã đặt đức Bồ tát dưới bóng mát của một gốc cây. Khi đó đức Bồ tát đã ngồi dạy và nhập thiền với đề mục ānāpānasati. Khi đó thái tử bồ tát mới chỉ là 01 tháng tuổi mà thôi. Mặc dù những bóng cây khác nó thay đổi tùy theo ánh nắng mặt trời, nhưng bóng cây ở nơi mà bồ tát đang ngự không có thay đổi. Khi nhà vua Suddhodana đi đến con của mình thấy như vậy, rất ngạc nhiên và Đức vua đã đảnh lễ con của mình. Lần đảnh lễ này là lần đảnh lễ thứ hai.

Và lần thứ ba là như chúng ta đã biết là khi Đức Thế tôn trở về hoàng cung lần đầu tiên. Vì những người thân quyến ở trong dòng họ Sakya có tâm ngã mạn, không có đảnh lễ Đức Phật, cho nên Ngài đã dùng song thôn khiến cho họ bớt đi tâm ngã mạn và đã đảnh lễ Đức Phật. Khi Đức vua Suddhodana thấy như vậy cũng đã đảnh lễ Đức Phật. Lần đảnh lễ này là lần đảnh lễ thứ ba ở trong đời.

Nhờ Đức Phật trình diễn song thông như vậy đã khiến cho những người thân quyến trong dòng tộc Sakya không còn ngã mạn nữa, Đức vua đã đảnh lễ và những thân quyến cũng đảnh lễ Đức Phật. Có nhiều ngã mạn khác nhau, có người thì ngã mạn về gia đình của mình, dòng tộc của mình. Có người ngã mạn đối với tài sản mình đang có; có người ngã mạn tự cao về sắc đẹp mình đang có. Đây là tâm ngã mạn có thể dẫn dắt các chúng sinh đọa vào bốn đường dữ là địa ngục ngã quỷ súc sinh và a tu la. Cho nên để bỏ đi những tâm ngã mạn này là điều rất cần thiết và quan trọng.

Và đối với Đức Phật, Ngài đã đoạn tận tất cả những phiền não bao gồm tâm ngã mạn này ở dưới cội cây Bồ đề vào đêm Ngài đã thực hành nền tảng chánh niệm đối với đề mục hơi thở vào, hơi thở ra sau đó Ngài phát triển định tâm và trí tuệ đạt đến ba loại trí tuệ đó là di dibbacakkhu-ñāṇa – thiên nhãn minh; pu pubbenivāsānussati-ñāṇa là túc mạng minh nhớ được những kiếp quá khứ và thứ ba là ā āsavakkhaya-ñāṇa lậu tận trí. Đây là ba trí tuệ di pu ā được Đức Phật chứng ngộ, chứng đạt trong đêm mà Ngài trở thành một vị Phật toàn giác ở dưới đại cội Bồ đề, lấy đề mục hơi thở vào, hơi thở ra làm nền tảng để phát triển định. Và bây giờ chúng ta cũng đã đến lúc thực hành đề mục này, chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra để phát triển định tâm. Và qua nền tảng định tâm, chúng ta mới có thể phát triển trí tuệ của thiền tuệ.

Và như mọi khi, chúng ta ngồi một cách thư giãn thoải mái, giữ lưng và cổ thẳng đứng, không gồng mình, thư giãn toàn thân, nhắm mắt ngậm miệng một cách thoải mái, thư giãn, chú ý đến hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc giữa hơi thở và lỗ mũi. Khi hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đi ra từ đầu đến cuối hơi thở tại điểm tiếp xúc ngay tại lỗ mũi. Thở một cách bình thường tự nhiên chỉ chú ý và quan sát hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc mà thôi.

Sau đây Ngài Tam tạng sẽ đọc một bài kinh ngắn để chúc phúc cho tất cả chúng ta, cầu cho tất cả ở trong zoom này cũng như là tất cả thiền sinh ở trên khắp thế giới tránh khỏi rủi ro tai hại, dịch bệnh được tiêu trừ, và đặc biệt là cầu chúc cho tất cả quý vị và gia đình có được thuận duyên ở trong cuộc sống, trong công việc, đồng thời thuận duyên trong sự thực hành thiền định và thiền tuệ để sớm chứng đắc Thánh đạo Thánh quả và Niết bàn.

Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn:
Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app