Hướng Dẫn Thực Hành Thiền Vipassana 3 Bước Theo KINH ĐIỂN PALI | Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Giảng, Sư Thiện Đức Hỗ Trợ Dịch Tiếng Việt

Hôm nay Ngài tam tạng sẽ giảng tiếp về kết quả thiết thực của Sa môn hạnh mà đức Phật đã thuyết ở trong bài kinh Sa môn quả. Nói một cách gián tiếp, kết quả thiết thực này không chỉ dành riêng cho những bậc Sa môn, các bậc Tỳ khưu mà các Sa di, các cô tu nữ, các Phật tử và các thiền sinh cũng có kết quả tương tự như vậy nếu như thực sự tu tập và thực hành giáo pháp của đức Phật. Trong thời gian dịch bệnh, Ngài được biết rằng các phật tử Việt Nam cũng có nhiều thời gian do giãn cách. Vì lý do đó ban tổ chức, các thí chủ cúng dường zoom đã thỉnh mời Ngài có những bài pháp thoại đến các phật tử để hầu mong học hỏi và tu tập dưới sự hướng dẫn của ngài theo giáo pháp của đức Phật.

 

Nếu chúng ta thực sự thực hành những lời dạy của đức Phật như theo chỉ dẫn ở trong bài kinh Sa môn quả, trước hết thành tựu giới, thu thúc lục căn, sau đó có sự thu thúc với chánh niệm tỉnh giác, và thiểu dục tri túc đối với 4 món vật dụng hay vật dụng trong những đời sống hàng ngày chúng ta sẽ có được sự thanh tịnh tâm. Qua sự thanh tịnh tâm đó, chúng ta có thể tiến cao hơn, xa hơn trên con đường tu tập giáo pháp của đức Phật

Và trước hết chúng ta sẽ đảnh lễ đức Phật là một bậc pháp vương, bậc soi sáng con đường để cho chúng ta tu tập

Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhassa (03 lần)

Trong lúc vừa làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình, vừa tranh thủ thời gian để tu tập, ở tư gia của mình, những người thực hành giáo pháp của đức Phật có thể tranh thủ thời gian để tu tập một lúc nào đó trong ngày. Trước khi tu tập nên đối trước đức Phật để tưởng nhớ ân đức của đức Phật, sau đó nguyện thọ trì tam quy và ngũ giới một cách tóm tắt: Con xin nguyện thọ trì tam quy và ngũ giới ở nơi Tam bảo. Sau đó nhiếp tâm hướng đến hơi thở vào, hơi thở ra và quan sát hơi thở đi vào, hơi thở đi ra từ đầu đến cuối hơi thở. Thực tập như vậy một cách liên tục và miên mật, không bị phóng tâm, có thể dẫn tâm đến sự chứng đắc cận định. Và từ cận định có thể đạt đến an chỉ định appanā samādhi . Như hôm qua ngài đã trình bày, một người có thể tiến tới cận định và an chỉ định, người đó có khả năng ngăn chặn và nhiếp phục được năm triền cái hay là năm pháp chướng ngại đó là tham dục, sân hận, phóng tâm trạo cử, buồn chán buồn ngủ và nghi ngờ. Khi có thể nhiếp tâm và ngăn chặn được năm triền cái này, hành giả có thể đạt đến nhất thiền, sau đó là nhị thiền và kế đến là tam thiền. Và từ tam thiền hành giả tiếp tục tinh tấn, cũng thực hành trên đề mục như vậy – ở đây là đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, hành giả có thể đạt đến tứ thiền – là một tầng thiền không có hỷ, không có lạc, không có khổ mà chỉ có xả niệm thanh tịnh. Đó là một tầng thiền mà đức Phật Ngài ví dụ như một người lấy một chăn trắng chùm lên người, phủ hết kín cả người. Tương tự như vậy, xả niệm thanh tịnh có thể phủ kín toàn thân của người đó, của hành giả đó. Và ở đây đức Phật ngài dạy 4 tầng thiền theo phương pháp của tạng Kinh thì tầng thiền thứ tư là tầng thiền cao nhất ở trong thiền sắc giới. Còn theo Vi diệu pháp thì theo phương pháp là ngũ thiền. Ngũ thiền ở đây thì tầng thiền thứ nhất có thể chia ra làm hai. Do vậy trở thành năm

Ở đây chú giải lưu ý với chúng ta rằng, mặc dù đức Phật chỉ dạy đến tứ thiền sắc giới nhưng đã bao gồm 4 tầng thiền vô sắc giới ở trong này. Bởi vì, tính theo chi thiền tầng thiền thứ tư của sắc giới có xả và nhất tâm. Đối với bốn thiền vô sắc giới cũng có hai chi thiền này đó là xả và nhất tâm. Chính vì vậy đức Phật ngài không có nói về bốn thiền vô sắc nữa mà chỉ nói đến tầng thiền thứ tư của sắc giới mà thôi. Và bởi vì nếu như một người không có bốn thiền vô sắc giới, người đó không thể tu tập và đạt được các thần thông. Cho nên trong bài kinh này Ngài dạy đến tứ thiền sắc giới, sau đó Ngài giảng tiếp về các loại thần thông. Và nếu như không có bốn thiền vô sắc giới, người đó không thể đạt đến các loại thần thông như vậy được. Do đó chú giải lưu ý với chúng ta rằng ở đây đã bao gồm bốn tầng thiền vô sắc giới.

Trong bài kinh này, sau khi Ngài giảng về bốn tầng thiền sắc giới, Ngài giảng tiếp về sáu loại thần thông. Ở đây chú giải lưu ý rằng, một hành giả tu tập thiền định rồi chuyển qua thiền tuệ, trước khi đạt được loại thần thông thứ sáu gọi là lậu tận thông āsavakkhaya ñāṇa – đây là loại thần thông thuộc về siêu thế giới lokuttara ñāṇa. Năm loại thần thông ở trước là những loại thần thông hiệp thế, còn loại thần thông thứ sáu là siêu thế. Để đạt được thần thông siêu thế – thần thông thứ sáu lậu tận thông, hành giả phải tiến hành thiền tuệ chứ không phải từ các loại thần thông hiệp thế rồi sau đó qua thần thông siêu thế liền. Cho nên trong bài kinh này, đức Phật Ngài có giảng về trí tuệ của thiền tuệ một cách tóm tắt mà thôi. Cho nên trong chú giải mới giải thích rộng ra để cho người đời sau hiểu đúng một cách chính xác

Theo tiến trình thực hành nói chung, những người theo cỗ xe thiền chỉ, trước hết đạt đến bốn thiền sắc giới, sau đó đạt đến bốn loại thiền vô sắc giới. Tiếp đó người đó phát triển các loại thần thông trí như biến hóa thần thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông. Đó là tiến trình một người thực hành theo cỗ xe thiền chỉ. Và để đạt đến thần thông thứ sáu đó là lậu tận thông hay lậu tận trí āsavakkhaya ñāṇa, người đó phải xuất ra khỏi các tầng thiền, quan sát, thẩm sát các loại sắc pháp và danh pháp thuộc chân đế, phát triển những loại trí tuệ thiền tuệ và cuối cùng đến Thánh đạo tuệ và thánh quả tuệ Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai rồi đến A ra hán là trí tuệ đoạn trừ tất cả các lậu hoặc. Đó là tiến trình phổ thông chung cho những hành giả thường thực hành theo pháp môn lấy thiền chỉ làm nền tảng

Và để tiến hành thiền tuệ, hành giả sau khi chứng đắc các tầng thiền rồi, xuất ra khỏi các tầng thiền và quan sát thân này. Theo Chánh tạng, trước hết là quan sát để thấy rõ thân này là sự hợp thành bởi tứ đại đất, nước, lửa, gió. Như vậy chúng ta cũng nên biết rằng đức Phật Ngài cũng hướng dẫn quan sát thân này để thấy rõ sự cấu tạo, hợp thành bởi tứ đại. Và qua sự quan sát, thấy rõ tứ đại ở trong thân của mình thì cũng có thể dẫn đến sự chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả. Ngoài ra đức Phật cũng dạy hành giả nên quan sát thân này do tinh cha, huyết mẹ hợp thành và sinh ra. Sau đó được nuôi lớn bởi những loại vật thực. Đồng thời cũng nên quan sát thân này luôn biến hoại, là một pháp có điều kiện mà hợp thành và luôn luôn sinh diệt. Đây là đặc tính chung của thân này

Nói một cách tóm tắt, Đức Phật Ngài dạy rằng thân này bao gồm tứ đại – đó là thuộc về sắc pháp, và nương náu trong thân tứ đại này là tâm thức. Và tâm thức thuộc về danh pháp. Trong thân này chỉ có danh pháp và sắc pháp. Nói một cách tổng quát, theo Vi diệu pháp khi nói đến tâm thức bao gồm cả tâm sở như là thọ, tưởng, hành,… Cho nên khi nói tóm tắt đức Phật chỉ nói về thân và tâm, còn nói rộng ra hơn bao gồm ngũ uẩn là sắc thọ tưởng hành thức

Theo nội dung ở trong bài kinh này, từ thiền chỉ chuyển qua thiền quán là đức Phật Ngài dạy cho những người lấy thiền chỉ làm nền tảng. Cho nên hành giả sau khi chứng đắc bốn tầng thiền sắc giới hay nói cách khác chứng đắc bát định (thường chúng ta hay nghe nói đến tứ thiền bát định, khi nói đến tứ thiền là bao gồm cả thiền vô sắc giới, khi nói đến bát định là chia ra bốn thiền sắc giới và bốn thiền vô sắc giới), hành giả thấy rất rõ thân này được cấu tạo, hợp thành bởi tứ đại. Nương náu trong tứ đại là tâm thức rất rõ ràng. Giống như một người có một viên ngọc, và lấy một sợi dây gắn vào, đeo vào viên ngọc đó. Khi gắn vào viên ngọc đó như vậy, người đó có thể đeo vào trong cổ mình, hay sử dụng vào mục đích nào đó. Người đó có thể thấy rất rõ ràng, đây là viên ngọc, đây là sợi dây. Cũng tương tự như vậy, một hành giả sau khi chứng đắc các tầng thiền định, xuất ra khỏi tầng thiền đó, quan sát tứ đại cũng như thức uẩn, hành giả sẽ thấy rõ đây là tứ đại, đây là thức uẩn, nó có sự liên kết với nhau như vậy.

Khi hành rõ thấy rõ sắc uẩn, thức uẩn hay nói cách khác thấy ngũ uẩn rõ ràng như vậy. Ngoài ngũ uẩn ra, ngoài thân và tâm này ra thì không có một thực thể nào cả. Thấy được như vậy thì hạnh giả được gọi là đạt đến diṭṭhi visuddhī – kiến thanh tịnh. Sau đó hành giả tiếp tục quan sát và thấy rõ rằng, để có ngũ uẩn này hay thân tâm này thì do nguyên nhân là tham ái và vô minh cũng như do sự có mặt của tinh cha huyết mẹ và những vật thực sử dụng hàng ngày mà có được thân này và tâm này theo đó cũng nương nhờ. Cho nên khi thấy rõ những nguyên nhân để dẫn đến thân tâm hay ngũ uẩn này, hành giả đạt đến kaṅkhāvitaraṇa visuddhī có nghĩa là đoạn nghi thanh tịnh – không còn nghi ngờ đối với thân và tâm này, không còn nghi ngờ đối với ngũ uẩn này.

Một người khi chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả Nhập lưu đoạn trừ được tà kiến đối với ngũ uẩn, cũng như đoạn trừ được sự nghi ngờ đối với ngũ uẩn. Đối với một hành giả mà đạt được kiến thanh tịnh và đoạn nghi thanh tịnh cũng có thể đoạn được tà kiến đối với ngũ uẩn và đoạn được nghi ngờ một cách nhất thời. Cho nên trong chú giải gọi người hành giả này là một tiểu Thánh Nhập lưu cūḷasotāpanna

Đức Phật Ngài trực tiếp giảng trong bài kinh này, đối với một hành giả sau khi có được đoạn nghi thanh tịnh thì hành giả đó đã có một nền tảng trí tuệ thiền tuệ. Khi có được nền tảng của trí tuệ thiền tuệ rồi, đó là khả năng nhận biết được, thấy rõ được thân và tâm hay là danh pháp và sắc pháp, nói cách khác là thấy rõ ngũ uẩn cũng như nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh ngũ uẩn. Sau đó với tinh tấn, chánh niệm, hành giả tiếp tục quan sát và thấy rõ sự sinh diệt, sự hợp thành, sự cấu tạo và hoại diệt của danh pháp và sắc pháp. Và trong bài kinh này, đức Phật Ngài trực tiếp giảng về đặc tính vô thường, đặc tính tiêu hoại của danh pháp và sắc pháp

Là một phật tử, đặc biệt là một hành giả, chúng ta thường nghe từ vô thường anicca nhưng trong bài kinh này, đức Phật ngài đề cập đến 2 từ khác nữa mà hành giả chúng ta ít biết đến đó là bhedana tan vỡ và viddhadaṇḍa hoại diệt. Đây là hai danh từ diễn tả đặc tính của sắc pháp và danh pháp hay là thân và tâm, nó luôn luôn thay đổi vô thường, tan vỡ và hoại diệt. Để chúng ta có thể hiểu một cách trực tiếp những đặc tính này khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta quan sát cảm giác ở trên thân này, và khi đặc tính đất hay yếu tố đất nó thay đổi chúng ta sẽ cảm nhận được sự căng cứng hay tê buốt ở trên thân của mình. Sự căng cứng, sự khó chịu tê buốt như vậy là do yếu tố đất nó thay đổi. Và khi hành giả quan sát một cách liên tục có thể nhận biết được tính chất căng cứng, ê buốt nó luôn thay đổi, nó luôn tan vỡ và hoại diệt. Vì vậy đức Phật Ngài ví dụ tứ đại đất nước lửa gió nó giống như 4 con rắn, trước hết khi hành giả quan sát và thấy rõ sự căng cứng khi ngồi lâu, sự ê buốt khi ngồi lâu thì đó là biểu hiện bản chất thực của tứ đại và ở đây là yếu tố đất, nó được ví dụ như một con rắn luôn luôn làm khổ, luôn luôn làm cho hành giả cảm thấy khó chịu.

Yếu tố thứ hai của tứ đại đó là yếu tố nước. Yếu tố nước có đặc tính tan chảy và kết dính. Những vật gì, những thứ gì có đặc tính tan chảy hay kết dính thì yếu tố nước nó hiện hữu, nó chiếm đa số ở trong vật ấy. Đối với thân này có yếu tố nước, những vật gì mà tan chảy kết dính đều có yếu tố nước ở trong này. Yếu tố nước hay thủy đại, đức Phật ví dụ như một loài rắn mà Ngài dùng từ pali là bhuttimukha có nghĩa là một loài rắn được tìm thấy ở núi Hy mã lạp sơn. Khi một người mà bị loài rắn này cắn, vết thương người đó rỉ ra những chất độc, rỉ ra loại nước mà do chất độc đó tạo ra. Cũng tương tự như vậy, thủy đại ở trong thân này được ví như loài rắn bhuttimukha. Vì sao, vì khi ta ngồi thiền mồ hôi chảy ra hay khi ta bị bệnh, bị mụn nhọt thì mủ cũng chảy ra, hay là những vật gì chảy ra từ thân này làm cho ta khó chịu, cho nên những hiện tượng tan chảy kết dính ở trong thân này được ví như loài rắn bhuttimukha

Yếu tố thứ ba đó là yếu tố lửa hay là hỏa đại. Trong tứ đại yếu tố lửa hay hỏa đại có đặc tính nóng hay lạnh. Những vật gì, những thứ gì có đặc tính có yếu tố nóng hay lạnh thì đều có hỏa đại trong đó, có yếu tố lửa trong đó. Đức Phật ngài ví dụ hỏa đại giống như loài rắn tên là akhimukkha là một loài rắn mà khi cắn một người nào đó thì khiến cho người đó cảm thấy sốt, nóng và lạnh. Vào thời đức Phật cũng có một vị tỳ khưu cũng bị loài rắn này cắn, vị này không những cảm thấy nóng lạnh mà còn dẫn đến sự tử vong do yếu tố lửa ở trong người trở nên mạnh mẽ và nó thiêu đốt thân của vị đó luôn. Ở đây là một sự chết gọi là maraṇa sammuti nghĩa là sự chết theo tục đế, còn hành giả khi thực hành thiền quán có thể thấy rõ sự chết theo nghĩa chân đế, có nghĩa là hành giả thấy sự sinh diệt sự chết và sự sinh nó xảy ra trong từng khoảnh khắc, sát na. Cho nên khi hành giả có thể quan sát những yếu tố nóng lạnh ở trong thân của hành giả để thấy rõ sự sinh diệt, sự tan vỡ và hoại diệt, hành giả thấy được đặc tính vô thường và khổ của tứ đại. Và ở đây là hỏa đại

Yếu tố thứ tư của tứ đại đó là yếu tố gió hay phong đại. Yếu tố gió có đặc tính nâng đỡ và chuyển động, những vật gì, thứ gì có đặc tính nâng đỡ hay chuyển động thì vật đó có yếu tố gió nổi trội. Như trái đất của chúng ta theo như trong chú giải và phụ chú giải nói rằng được nâng đỡ bởi nước và gió ở phía dưới. Nhớ có gió cho nên mới có thể nâng đỡ Trái đất này, cũng tương tự như vậy giờ gió mà những quả bóng có thể bay lên cao. Khi chúng ta bơm không khí vào quả bóng có thể bay lên được là vì yếu tố gió nó nâng đỡ. Yếu tố gió này ở trong thân của hành giả cũng có rất là nhiều. Ở trong kinh có đề cập đến 6 loại gió: gió ở trong tay và chân – nhờ có gió mà tay chân có thể chuyển động được, có thể hoạt động được, nhờ có gió ở trong bụng mà hành giả có thể tiêu hóa, có thể hoạt động bình thường, hơi thở vào hơi thở ra cũng là một loại gió ở trong thân này. Đó là những loại gió ở trong thân này mà đức Phật gọi là phong đại luôn có đặc tính nâng đỡ và chuyển động. Đức Phật ngài ví dụ yếu tố gió hay phong đại này giống như một loài rắn có tên là satthamukha có nghĩa là loài rắn mà khi cắn một người nào đó, người đó có thể bị bong tróc da ra do yếu tố gió nó mạnh và nó có thể bung ra. Cũng tương tự như vậy những người bị đột quỵ là do yếu tố gió nó thay đổi, nó ngưng hoạt động, hay là có những căn bệnh khiến cho một người có thể cảm thấy đau buốt như là dao cắt là do yếu tố gió nó mãnh liệt, nó thay đổi trong cơ thể đến nỗi mà có thể cảm nhận như dao cắt vậy. Chính vì vậy đức Phật ngài ví dụ, yếu tố gió giống như loài rắn tên là satthamukha . Và cái chết đó nó chỉ là cái chết theo tục đế mà thôi, còn hành giả khi mà tu tập quan sát tứ đại đặc biệt là phong đại, hành giả thấy rõ sự sinh sự diệt, sự tan vỡ và sự hủy diệt, hủy hoại trong từng sát na gọi là khaṇika maraṇa là sự chết sự sinh của yếu tố phong đại trong từng sát na, trong từng khoảnh khắc. Và nếu thấy rõ được trong từng sát na, trong từng khoảnh khắc, trong từng chuyển động của cơ thể thì hành giả thấy rõ được đặc tính vô thường, tan vỡ và hoại diệt của phong đại

Đối với tứ đại này nó thuộc về vật chất, cho nên hành giả có thể thấy rõ một cách dễ dàng, nhất là khi hành giả có thể ngồi thiền 1 tiếng đồng hồ và quan sát tứ đại có thể thấy rõ ở trong tâm mình đặc tính của bốn đại này khi mà nó khởi sinh lên. Và đây là sự quan sát tương đối dễ hơn sự quan sát danh pháp. Đối với danh pháp, một hành giả khi có được tứ thiền bát định và sau đó xuất ra khỏi tứ thiền bát định, quan sát tâm và đặc biệt là chi thiền upekhā là xả và nhất tâm, hành giả có thể thấy một cách dễ dàng nhờ năng lực định. Khi có thể quan sát thấy rõ yếu tố xả và nhất tâm thì cũng có thể thấy rõ các yếu tâm nó khởi sinh lên cùng với yếu tố xả và nhất tâm này. 

Còn đối với những hành giả không có tứ thiền bát định, hành giả đó thay vì quan sát yếu tố chi thiền xả và nhất tâm thì có thể quan sát những tâm khác. Ví dụ khi chúng ta đang nghe pháp như thế này và nghe sư thông dịch từng câu từng chữ. Chẳng hạn như câu Namo tassa Bhagavato thì khi chúng ta nghe câu này, những âm thanh mà chúng ta nghe được là một tiến trình của các tâm nó đang sinh diệt. Khi chúng ta nghe Namo thì tâm nhận biết âm Na rồi sau đó một tâm khác nhận biết mo thì tâm nhận biết âm mo khởi sinh lên, tâm nhận biết âm Na phía trước nó không còn nữa. Và khi nhận biết âm tassa nó cũng như vậy, khi nghe tassa thì trước hết nghe từ tas rồi sau đó đến sa. Khi cái tâm nhận biết từ tas, âm tas là cái tâm nó đang sinh khởi, như vậy tâm nhận biết âm mo ở phía trước không còn nữa, và khi tâm nghe, nhận biết âm sa thì cái tâm nghe và nhận biết âm tas nó cũng không còn nữa. Và cứ như vậy, hành giả khi quan sát tâm của mình, và quan sát một cách liên tục và thấy rõ sự nhận biết nó khởi sinh lên, nó mất đi theo từng đối tượng nghe, đối tượng nhìn, đối tượng nếm ngửi và xúc chạm thì những tâm nó khởi sinh lên và nó mất đi cũng theo sự nhận biết thấy, nghe, ngửi, nếm đó. Và nếu như hành giả có thể thấy rõ sự sinh lên và mất đi thông qua sáu giác quan như vậy cũng có thể nói người đó, hành giả đó nhận biết được sự sinh sự diệt, sự tan vỡ, sự hoại diệt của danh pháp

Như vậy hành giả có thể thấy được đặc tính chung của thân và tâm, hay ngũ uẩn, hay danh pháp và sắc pháp. Với một hành giả có sự tinh tấn liên tục, có sự chánh niệm tỉnh giác liên tục cùng với ba la mật thực hành ở trong quá khứ tròn đủ, hành giả có thể đạt đến sự hiểu biết của thiền tuệ sau đó như là trí tuệ hiểu biết sinh diệt, trí tuệ hiểu biết diệt bhaṅga, trí tuệ nhàm chán cho đến trí tuệ thuận thứ và sau đó tâm Thánh đạo Thánh quả sinh khởi đoạn trừ phiền não ngủ ngầm ở trong tâm. Và đó là tiến trình thực hành phương pháp thiền tuệ. Nếu như hành giả có sự tinh tấn và ba la mật thì có thể đi trên con đường thiền tuệ một cách nhanh chóng. Và những trí tuệ của thiền tuệ nó sinh khởi mà hành giả có thể cảm nhận được: có khi nó sinh khởi rất là nhanh. Và qua trí tuệ của thiền tuệ hành giả đạt đến tâm Thánh đạo và Thánh quả

Khi hành giả đạt đến trí tuệ thuận thứ anuroma ở trong chuỗi trí tuệ của thiền tuệ. Thì sau đó trí tuệ gottaramutrí tuệ chuyển tánh, chuyển tập. Từ một người phàm chuyển qua một bậc Thánh sẽ một giai đoạn chuyển tánh, chuyển tập và từ pali gọi là gottaramu ñāṇa trí tuệ chuyển tánh, chuyển tập. Sau trí tuệ chuyển tính đến trí tuệ Thánh đạo. Khi tâm Thánh đạo nó khởi sinh làm 4 nhiệm vụ đó là: 

  • Thứ nhất đối với khổ đế thì thấy rõ
  • Đối với nhân sinh khổ được đoạn trừ
  • Đối với Niết bàn được giác ngộ
  • Đối với đạo đế được phát triển

Hay nói cách khác tâm Thánh đạo làm bốn chức năng, hiểu rõ khổ đế, đoạn trừ tham ái, lấy Niết bàn làm đối tượng và tám chi phần Bát Chánh đạo được phát triển. Đó là bốn chức năng của một tâm Thánh đạo tuệ. Nếu hành giả có đầy đủ ba la mật và tinh tấn liên tục có thể đạt đến 3 tầng Thánh đạo tuệ còn lại đó là Thánh đạo tuệ Nhất lai, Bất lai và A ra hán. Mỗi Thánh đạo tuệ như vậy đều thực hiện bốn chức năng đó là thấy rõ khổ để, đoạn trừ tập đế hay nhân sinh khổ hay tham ái, diệt đế lấy niết bàn làm đối tượng và đạo đế tám chi phần bát chánh đạo được phát triển. Khi hành giả có được bốn Thánh đạo tuệ này và mỗi Thánh đạo tuệ thực hiện 4 chức năng. Như vậy có tất cả 16 chức năng của Thánh đạo tuệ. Khi một hành giả có đủ 4 Thánh đạo tuệ với 16 chức năng thì trong kinh đức Phật ngài dạy rằng một người đã thực hiện những việc làm cần làm, hay đã làm những việc cần làm kataṃ karaṇīyaṃ. Và không còn việc nào để làm nữa, đã Thành tựu Thánh đạo tuệ A ra hán

Khi mà không còn những việc nào để làm nữa, hành giả đó đã đạt đến A ra hán Thánh đạo tuệ. Ở trong kinh, A ra hán Thánh đạo tuệ được gọi là tuệ lậu tận trí āsavakkhaya ñāṇa. Và đây là kết quả thiết thực hiện tại cao nhất. Ở trên kết quả hiện thực này, kết quả Thánh đạo tuệ A ra hán này không còn kết quả nào cao hơn nữa. Cho nên đức Phật ngài dạy rằng một người xuất gia trở thành bậc Sa môn tu tập đạt đến Thánh đạo tuệ A ra hán hay đạt đến lậu lận trí āsavakkhaya ñāṇa thì đã thành tựu Sa môn hạnh. Và ở đây Ngài tam tạng vừa mới giải thích theo tiến trình thực hành, còn trong kinh đức Phật Ngài giải thích theo tiến trình thuyết giảng. Cho nên ở phía trước sáu loại thần thông, đức Phật đề cập đến trí tuệ thiền tuệ một cách tóm tắt. 

Ở trong kinh đề cập đến những loại thần thông, những loại thần thông này khi giải thích thì rất là dài, chúng ta có thể tìm hiểu. Ở đây Ngài tam tạng chỉ nói tóm tắt về các loại thần thông này thường chúng ta hay nghe là lục thông, nhưng ở đây có tới thất thông nghĩa là 7 loại thần thông đó là:

  • Thứ nhất là manomayani loại thần thông do tâm nó tạo ra
  • Thứ hai là iddhividhā ñāṇa là biến hóa thần thông. Nó cũng là một loại trí nên có thể dịch là biến hóa thần thông trí
  • Thứ ba là dibbā sota ñāṇa là thiên nhĩ thông trí. Nghĩa là có thể nghe những âm thanh như là chư thiên, có khả năng nghe rất là nhạy bén và vi tế giống như các vị chư thiên và Phạm thiên
  • Thần thông thứ tư là tha tâm thông cetopariyañāṇā có thể biết được tâm của người khác
  • Thần thông thứ năm đó là pubbenivāsānussatiñāṇā có nghĩa là túc mạng trí. Là trí tuệ có thể thấy biết những kiếp trước của mình và của những chúng sinh khác
  • Thần thông thứ sáu là dibba cakkhuñāṇā nghĩa là thiên nhãn thông trí. Là sự hiểu biết rất là rõ, có thể nhìn thấy những vật vi tế từ rất xa giống như những vị chư thiên và phạm thiên. Sáu loại thần thông này gọi là thần thông hiệp thế
  • Thần thông thứ bảy là āsavakkhaya ñāṇa lậu tận trí là trí tuệ có thể đoạn trừ phiền não ngủ ngầm. Loại thần thông này là siêu thế lokuttara ñāṇa

Đây là 7 loại thần thông, và ở phía trước đức Phật đề cập đến Vipassana ñāṇa nghĩa là trí tuệ thiền tuệ. Chúng ta không thể gọi đây là 8 loại thần thông nhưng có thể gọi là 8 sự hiểu biết hay bát minh như ở trong bộ Pārājika thuộc Luật tạng và chú giải, thì xem trí tuệ thiền tuệ cũng như là một loại trí tuệ gọi là minh vissa và bảy loại thần thông này cũng được gọi là vissa là minh. Cho nên tất cả trí tuệ thiền tuệ và bảy loại thần thông này gọi chung lát bát minh

Tóm lại, bài kinh này để cho chúng ta hiểu được về kết quả của Sa môn hạnh hay tu tập Chánh pháp

  • Kết quả thứ nhất đó là một người nô bộc đi xuất gia, sau đó được sự cung kính, sự bảo vệ của các cư sĩ, nhà vua
  • Kết quả thứ hai là đối với một người nông dân sau khi xuất gia cũng được sự cung kính, sự hộ trì, sự bảo vệ của nhà vua, của các cư sĩ. Hai kết quả này thuộc về tục đế
  • Sau khi xuất gia người đó tinh tấn tu tập giới thành tựu, tu tập sự thu thúc thành tựu, và người đó cũng thành tựu sự thu thúc với chánh niệm tỉnh giác và thiểu dục tri túc dẫn đến sự chứng đắc bốn tầng thiền định. Đó là nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nhất thiền cũng là kết quả của sa môn hạnh, nhị thiền tam thiền tứ thiền cũng là kết quả của sa môn hạnh. Như vậy có 6 kết quả thiết thực của Sa môn hạnh và cộng với 8 loại trí tuệ gọi là bát minh như vừa mới đề cập từ trí tuệ thiền tuệ Vipassana ñāṇa cho đến āsavakkhaya ñāṇa là lậu tận trí. Bát minh cũng là những kết quả hiện thực hiện tại của Sa môn hạnh
  • Như vậy 6 kết quả phía trước + bát minh là có 14 kết quả thiết thực của Sa môn hạnh. Và kết quả thiết thực lậu tận trí āsavakkhaya ñāṇa là kết quả của Sa môn hạnh cao tột nhất, cao thượng nhất. Cho nên đức Phật ngài mới nói rằng đã làm những việc làm, đã thành tựu những việc được thành tựu

Ngài tam tạng nói rằng, giống như trong đời sống hàng ngày, người ta thường hay trưng ra những đồ quý giá nhất là trong những buổi lễ, buổi tiệc như là đám cưới, đám hỏi,.. người ta thường trưng bày ra đồ quý giá, những trang sức quý giá. Ở đây cũng vậy, đức Phật Ngài trình bày những kết quả thiết thực hiện tại của Sa môn hạnh một cách đầy đủ bởi vì bản thân người hỏi là vua Ajātasattu (A xà thế) là một người đã có sự giao thiệp, có sự kết bạn với những người bạn xấu, cũng như là một người thường hay bị những người theo ngoại đạo xúi giục, và một nguyên nhân nữa là vì vua Ajātasattu đã hỏi về kết quả của Sa môn hạnh, cho nên đức Phật Ngài đã giải thích về kết quả của Sa môn hạnh rất đầy đủ. Trong bài kinh này, đức Phật Ngài vì đề cập một cách đầy đủ như vậy cho nên trong trường hợp thực hành thì dành cho người samatha yānika là những người lấy thiền chỉ làm nền tảng để thực hành thiền quán. Ở trong Phật giáo có 2 sự thực hành gọi là yāna đó là cỗ xe, có 2 cỗ xe để hành giả chọn lựa. Thứ nhất là samatha yānika nghĩa là cỗ xe thiền chỉ. Những người theo cỗ xe thiền chỉ là những người tu tập thiền định trước, đạt các tầng thiền định như là nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền hay nói cách khác đạt đến tứ thiền bát định sau đó chuyển qua thực hành thiền quán, lấy nền tảng của thiền định để thực hành thiền quán sau khi xuất ra khỏi các tầng thiền, hành giả quan sát các chi thiền để tiến hành thiền tuệ. Đó là một cỗ xe. Cỗ xe thứ hai đó là vipassana yānika hay là sukkha vipassana nghĩa là thuần thiền tuệ. Còn vipassana yānika  là cỗ xe thiền tuệ nghĩa rằng hành giả chỉ thực hành thuần thiền tuệ mà thôi, không có thực hành thiền định đắc các tầng thiền sau đó rồi mới thực hành thiền quán. Để cho chúng ta hiểu thêm và dễ dàng hơn trong việc thực hành, Ngài giải thích về hai cỗ xe thực hành này đó là cỗ xe thiền chỉ và cỗ xe thiền quán.

Đối với cỗ xe thiền chỉ, chúng ta đã hiểu như được trình bày ở trong bài kinh này, còn đối với cỗ xe thiền quán hay là thuần thiền quán thì ở trong bộ kinh Saṃyuttanikāya Tương ưng chương nidānavagga ở trong bài kinh Susīma Sutta đức Phật Ngài giải thích liên quan đến cỗ xe thiền tuệ này. Vào thời đức Phật có một vị tỳ khưu trước kia là một người ngoại đạo, những người ngoại đạo họ đã đồng thuận rằng họ thấy các phật tử – những người theo đức Phật để thực hành theo giáo pháp càng ngày càng đông. Cho nên sự cung kính và lợi lộc của họ cũng giảm đi rất là nhiều, không biết cách nào để có thể kéo lại những người hồi xưa theo họ, bây giờ trở thành đệ tử của đức Phật, họ đã thảo luận với nhau và cuối cùng đi đến một sự đồng thuận là cho Susīma xuất gia ở trong giáo pháp của đức Phật để học những giáo pháp mà đức Phật dạy, sau đó trở về bên phía họ để kéo những người hồi xưa theo họ trở về lại. Với ý định như vậy, Susīma mới đến xin đức Phật xuất gia, đức Phật ngài quán thấy rằng mặc dù mục đích xuất gia của Susīma không có được chính đáng, nhưng với trí tuệ của đức Phật Ngài thấy rằng Susīma sau khi xuất gia sẽ từ từ học hỏi và sẽ thành tựu những kết quả thiết thực ở trong giáo pháp của Ngài, cho nên Ngài đã đồng ý và cho phép xuất gia. 

Sau khi xuất gia, tỳ khưu Susīma đã rất năng động trong việc học hỏi phật pháp. Theo thời của đức Phật có những vị đệ tử sau khi chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán đã đến trình bày đức Phật với một tâm hoan hỷ giống như những người con có được vật báu, của báu thì thường hay mang về để khoe với cha mẹ. Cũng tương tự như vậy, những đệ tử là những bậc Thánh mới chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán thường tới đức Phật để thưa trình với Ngài. Tỳ khưu Susīma thường hay lắng nghe buổi thuyết pháp và những buổi mà các vị tỳ khưu khác đến để trình pháp với đức Phật, cho nên thường hay nghe là những vị tỳ khưu đến để thưa với đức Phật rằng con đã chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán, con là một bậc Thánh A ra hán,… khiến cho vị tỳ khưu Susīma rất tò mò, cho nên sau khi những vị tỳ khưu đó trở về trú xứ của mình thì Susīma cũng đi theo và tìm cách để hỏi những vị tỳ khưu đó rằng quý ngài đã trình với đức Thế Tôn là đã trở thành những bậc Thánh A ra hán. Vậy thì các ngài có chứng đắc được các loại thần thông trí như là biến hoá thần thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông,  tha tâm thông,.. hay không. Khi được hỏi như vậy, các vị tỳ khưu mới trả lời một cách chân thật rằng chúng tôi không có những loại thần thông đó. Susīma mới hỏi rằng thế thì tại sao các ngài lại trình bày với đức Thế Tôn rằng mình đã chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả A ra hán mà không có những loại thần thông này. 

Và khi đó các vị tỳ khưu mới trả lời rằng là Paññāvimuttā kho mayaṃ, āvuso susimā Này hiền giả Susīma chúng tôi là những người giải thoát khỏi những phiền não thông qua trí tuệ. Và khi được trả lời như vậy tỳ khưu Susīma không có cảm thấy hài lòng và không có hiểu hết ý của các vị tỳ khưu kia, cho nên đã tìm tới đức Phật và hỏi đức Phật về điều đó. Đức Phật cũng trả lời tương tự như vậy, rằng những vị tỳ khưu đó là những người không có tu tập thiền định, những người đó chỉ tu tập thiền tuệ và trở thành những người giải thoát phiền não thông qua trí tuệ. Ở đây, trong bài kinh này, đức Phật ngài giải thích rất là dài, nếu giảng hết cũng phải mất 2-3 ngày cho nên Ngài chỉ giải thích một cách tóm tắt để chúng ta hiểu rằng: Mặc dù chúng ta không có điều kiện để thực hành thiền định, để chứng đắc các tầng thiền định như tứ thiền bát định, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hành vipassana và có thể đạt đến trí tuệ của Vipassana cũng như Thánh đạo, thánh quả tuệ giống như những vị tỳ khưu ở trong bài kinh Susīma này

Để trở lại ban đầu của bài kinh Sāmaññaphalasutta bài kinh Sa môn quả, đức Phật ngài giảng bài kinh này vào đêm rằm tháng 10, là một ngày và một đêm kết thúc của bốn tháng mùa mưa cũng như là kết thúc tháng 10 và kết thúc của một năm. Đó là thời gian rất đặc biệt – thời gian đức Phật thuyết bài kinh Sa môn quả. Sau khi thuyết bài kinh Sa môn quả này vị vua Ajātasattu đã khởi sinh lên tịnh tín đối với đức Phật và tăng đoàn cũng như những lời dạy của Ngài. Cho nên ngài tam tạng sẽ nói thêm một chút về vị vua Ajātasattu sau khi nghe bài kinh này

Vua Ajātasattu trước kia là một người đã đến các vị ngoại đạo sư và hỏi về những kết quả thiết thực của sự xuất gia hay là Sa môn hạnh, sau khi nghe những vị ngoại đạo sư đó trả lời, nhà vua đã cảm thấy không hài lòng, nhưng mà cũng không có nói gì bởi vì nhà vua muốn đi tìm kiếm sự hiểu biết về kết quả của Sa môn hạnh nhưng được trả lời điều khác, giống như một người đi tìm các loại dầu mà lấy cát để vắt ra thì không thể đạt được như mong muốn loại dầu mình tìm kiếm. Sau khi vua Ajātasattu nghe bài kinh Sa môn quả được đức Phật trình bày có tất cả 14 loại kết quả thiết thực của sự xuất gia hay là Sa môn hạnh. Và sau khi nghe kết quả thiết thực đó, nhà vua đã khởi sinh tín tâm và đã đưa ra 14 ví dụ tương ứng với 14 kết quả của Sa môn hạnh này cũng như xin đức Phật quy y trở thành vị cư sĩ nam ở trong giáo pháp của đức Phật. Ở trong chú giải giải thích về 7 loại quy y và 6 loại thiện nam ở trong giáo pháp của đức Phật. Nếu như giải thích hết những tiêu đề này thì có thể mất 2-3 ngày cho nên tạm thời ngài không có giải thích rộng hơn

Sau khi nhà vua trình bày những ví dụ cũng như những ý nguyện của mình trở thành một vị cư sĩ nam, đã sám hối với đức Phật về tội giết cha của mình và đức Phật đã dạy rằng: Việc xám hối là một việc của người có sự hiểu biết khi mà làm những lỗi lầm rồi và nhận biết sự lỗi lầm đó là dấu hiệu của một người có trí, được các bậc trí ca ngợi. Và khi nghe như vậy nhà vua mới cầu xin đức Phật hãy chứng minh sự xám hối cho nhà vua và đức Phật đã đồng ý. Sau đó nhà vua đã xin đức Phật để hồi cung và sau khi nhà vua vừa mới đi khỏi đức Phật gọi các vị tỳ khưu, có tất cả 1.250 vị và đức Phật nói rằng: Này các tỳ khưu, nếu như vua Ajātasattu không mang tội giết cha thì nhà vua có thể thành tựu Thánh đạo, thánh quả Nhập lưu nhưng vì chính bất thiện nghiệp giết cha đã ngăn cản tiến trình thành tựu Thánh đạo Thánh quả, cho nên nhà vua đã không thành tựu Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu

Nếu như vậy, sau khi nghe bài kinh Sa môn quả này nhà vua Ajātasattu không có kết quả nào hay sao. Thực ra nhà vua có những kết quả đáng ghi nhận đó là kết quả hiện tại và kết quả vào kiếp sau. Đối với kết quả hiện tại, sau khi nghe bài kinh này nhà vua trở về và mỗi đêm đều có thể ngủ yên giấc, không có mộng mị, không có sợ hãi giống như trước kia nữa. Đó là kết quả rất khả quan trong hiện tại. Và nhà vua cũng được nhiều người biết đến là một vị cư sĩ có tín tâm nhất ở trong giáo pháp của đức Phật, vị cư sĩ phàm tục, không phải là một bậc Thánh nhưng có tín tâm rất là sâu dày đối với Tam bảo, điển hình là khi nghe đức Phật nhập Niết bàn thì nhà vua đã trở thành người bất tỉnh nhân sự, không còn biết gì nữa, bởi vì rất kính trọng đức Phật. Sau khi đức Phật nhập Niết bàn ba tháng, nhà vua là người hộ trì lần kết tập tam tạng thứ nhất, có công rất là lớn để duy trì lời dạy của đức Phật. Đó là những kết quả trong hiện tại. Còn kết quả ở kiếp sau đó là nếu một người mang tội giết cha, là một trọng tội rất là lớn, kiếp sau chắc chắn đoạ vào Avici – A tỳ địa ngục nhưng nhờ nghe pháp bài kinh Sa môn quả này mà nhà vua sau đó thân hoại mạng chung, không có đoạ vào a tỳ địa ngục mà chỉ đoạ vào địa ngục gọi là lohakumbhī là một địa ngục xung quanh được bao bọc bởi sắt nóng mà thôi. Trong chú giải nói rằng, sau khi mãn quả ở cõi địa ngục đó, nhà vua Ajātasattu sẽ trở thành một vị Phật độc giác có tên là Jivitavisesa 

Ở đây chúng ta có một thắc mắc rằng sau khi nghe đức Phật thuyết bài kinh Sa môn quả mà không có chứng đắc Thánh đạo thánh quả Nhập lưu nhưng sau khi từ cõi địa ngục, hết mãn quả xấu ở địa ngục rồi thì lại trở thành một vị Phật độc giác. Đây là một thắc mắc mà chúng ta có thể đặt câu hỏi. Ở trong chú giải và phụ chú giải giải thích rằng một vị đã phát nguyện trở thành một vị Phật hoặc độc giác hoặc toàn giác hoặc là vị thượng thủ của vị Phật toàn giác giống như ngài Sariputta hay ngài Moggalana thì những vị đó khi phát nguyện không có được sự chứng nhận hay thọ ký từ một vị Phật toàn giác thì lời phát nguyện đó vẫn còn chưa có xác định mà chỉ khi nào vị Phật toàn giác đã thọ ký xác định thời gian cũng như là địa điểm và những điều kiện liên quan khác thì lời phát nguyện đó mới trở thành lời phát nguyện cố định, có nghĩa rằng là chắc chắn sẽ thành tựu ý nguyện đó. Đối với trường hợp vua Ajātasattu thì trước kia nhà vua cũng phát nguyện trở thành một vị Phật độc giác nhưng chưa được vị Phật toàn giác thọ ký xác định thời gian thành Phật, cho nên lời phát nguyện đó vẫn chưa cố định, và những người mà có những lời phát nguyện chưa cố định thì khi nghe một vị Phật toàn giác hay xuất gia trong giáo pháp của vị Phật toàn giác hay là nghe giáo pháp từ những bậc Thánh, những vị đồng phạm hạnh thì người đó có thể phát triển tám chi phần Thánh đạo và trở thành những bậc Thánh nếu như người đó có lời phát nguyện chưa cố định. Nhưng khi đã được một vị Phật cố định, xác định thời gian rõ ràng rồi thì dù nghe một vị Phật toàn giác thuyết pháp thì người đó cũng không có trở thành vị Thánh thanh văn bình thường, ví dụ khi một người phát nguyện trở thành vị Phật toàn giác hay độc giác mà đã được một vị Phật toàn giác thọ ký rồi thì khi nghe một vị Phật toàn giác thuyết pháp thì vị đó sẽ không có chứng đắc những tầng Thánh như là Nhập lưu, Nhất Lai, Bất Lai hay là A ra hán, trở thành những vị Thanh văn đệ tử của đức Phật. Và đối với vua Ajātasattu vì chưa có một vị Phật toàn giác nào xác định thời gian thành Phật độc giác cho nên khi nghe bài kinh Sāmaññaphalasutta thì có được một điều kiện, một nhân duyên rất là tốt để trở thành một vị Thánh Nhập lưu, nhưng do ác nghiệp giết cha của mình ngăn chặn lại cho nên nhà vua đã không có trở thành một vị Thánh Nhập lưu được. Và vì vậy, sau kiếp này nhà vua đoạ vào địa ngục lohakumbhī và hết kết quả xấu ở địa ngục đó sẽ trở thành một vị Phật độc giác giống như lời nguyện ban đầu

Qua bài kinh này chúng ta học ra được điều gì. Thứ nhất chúng ta không nên có những lỗi lầm đối với cha mẹ mà hãy luôn phụng sự, hiếu thuận với cha mẹ của mình. Thứ hai nữa là khi mà xác định sự tu tập của mình, phải có sự hiểu biết đúng đắn để chúng ta nương tựa vào những pháp môn cũng như người hướng dẫn chúng ta tu tập một cách đúng đắn chứ không giống như vị vua Ajātasattu trước kia. Và một điều nữa là sau khi chúng ta biết được chánh pháp và chúng ta phải tinh tấn thực hành. Và để tinh tấn thực hành như trong bài kinh đức Phật đã giảng thì ta phải phát triển giới là những điều kiện tiên quyết, thu thúc lục căn, chánh niệm tỉnh giác và biết đủ đối với những vật dụng cần thiết. Sau đó phát triển thiền định và thiền tuệ, và đề mục cơ bản là đề mục thiền hơi thở vào hơi thở ra làm nền tảng để cho hành giả có thể phát triển được thiền tuệ. Và bây giờ cũng đã đến lúc để chúng ta thực hành thiền toạ với đề mục hơi thở vào hơi thở ra. Và bây giờ chúng ta ngồi với lưng thẳng đứng, cổ thẳng đứng một cách tự nhiên, chú ý đến hơi thở vào hơi thở ra ở lỗ mũi và thực hành giống như ngài đã hướng dẫn trong những ngày trước. 

Sau đây Ngài sẽ đọc một bài kinh ngắn để chúc phúc đến cho tất cả các phật tử chúng ta ở trong thời pháp này cũng như thân quyến, và đến tất cả chúng sinh ở trên thế giới tránh khỏi những điều rủi ro tai hại, đại dịch sớm chấm dứt và cầu chúc cho tất cả quý vị luôn thuận duyên trong cuộc sống, luôn luôn an lạc ở trong gia đình của mình với người thân và thành tựu chứng ngộ được Niết bàn, đoạn trừ mọi phiền não trầm luân ở trong tam giới.

Và ngày rằm tới đây trong giáo pháp của đức Phật cũng là ngày khá đặc biệt, đó là sự kiện mà đức Phật đã giáo hoá những vị đệ tử đầu tiên đặc biệt là nhóm các vị ngoại đạo thờ lửa như là Uruvela Kassapa và những người tuỳ tùng. Sau khi đức Phật thuyết bài kinh Āditta Sutta bài kinh lửa thiêu đốt thì tất cả 1000 ngoại đạo đã trở thành những vị Thánh A ra hán và trở thành những vị tỳ khưu trong giáo pháp của đức Phật, cho nên ngài mới dạy rằng ngày rằm tới đây vào ngày thứ bảy chủ nhật, ngài sẽ thuyết sự kiện liên quan đến đức Phật đã giáo hoá, đã độ cho những người ngoại đạo này như là sự kiện trọng đại ở trong Phật giáo. Cho nên theo những sự kiện trọng đại đó, ngài sẽ tuỳ duyên thuyết pháp để chúng ta hiểu thêm về những sự kiện đó.

 

Bài pháp do Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng 10 Bhadanta Sundara thuyết giảng, Sư Thiện Đức (Tiến sĩ Phật học) hỗ trợ chuyển ngữ tiếng Việt, bản text được bạn Đào Duy Thắng tốc ký.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app