Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp | Diệu Năng Của Pháp – Pháp Xuất Thế Gian & Ý Nghĩa Tự Mình Nương Tựa Cho Chính Mình, Tự Làm Hòn Đảo Cho Chính Mình (19/09/2021)

Hôm nay là ngày thứ 2, Ngài sẽ giảng cho chúng ta về tiêu đề Diệu Năng Của Pháp. Hôm qua Ngài đã giảng về Diệu Năng Của Pháp thế gian, hôm nay Ngài sẽ giảng về Diệu Năng Của Pháp xuất thế gian. Đức Phật đã dạy 1 câu Phật ngôn “Dhammo have rakkhati dammacāriṃ” – “Pháp hộ trì người hành pháp”. Ngài sẽ giảng về câu kệ ngôn này để mình hiểu hơn, và hiểu ngày rằm tháng 8 trong Phật Giáo gọi là ngày Garudhamma, ngày mà dân chúng Guru đã thực hành những trọng Pháp đặc biệt là ngũ giới trong sạch như thế nào.

 

Như hôm qua Ngài đã giảng cho ta biết, Diệu Năng Của Pháp thì có 2 loại, thiện pháp thế gian và thiện pháp xuất thế gian. Hôm qua Ngài đã giảng về thiện pháp thế gian, hôm nay Ngài sẽ giảng về thiện pháp xuất thế gian. Trước hết Ngài sẽ tóm tắt nội dung khi nào thì chánh pháp được hưng thịnh và mang lại lợi lạc thế nào cho chúng sinh, và khi nào phi pháp hưng thịnh mang lại những bất hạnh cho chúng sinh.

Trong bài kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavati) ở Trung Bộ Kinh, bài cuối của bài kinh nói về tuổi thọ của con người khi ngày càng bị giảm thiểu, thì những thiện pháp cũng giảm theo, ít người thực hành. Khi đó, những bất thiện pháp hưng thịnh, khiến cho những tai ương là những kết quả của sự thực hành bất thiện đó xảy ra rất là nhiều. Khi đó những bất thiện pháp đạt đến đỉnh điểm, đến khi con người tuổi thọ còn 10 tuổi thì gần như chỉ còn ác pháp mà thôi, không còn nghe về thiện pháp nữa.

Trong trường hợp này, Ngài sẽ giải thích 1 chút về kiếp sống của trái đất. Có 2 loại, đó là giảm kiếp và tăng kiếp là thời gian tuổi thọ con người tăng lên và thời gian tuổi thọ con người giảm xuống.

Tuổi thọ con người khi mà tăng lên, gọi là thời gian tăng kiếp, nghĩa là tuổi thọ con người cứ 100 năm tăng thêm 1 tuổi, đến khi con người đạt đến tuổi thọ không thể đếm được gọi là a-tăng-kỳ, không thể đếm được là do số lượng quá lớn, không có số để đếm cho số năm đó, nên a-tăng-kỳ là số 1 và theo sau 140 số 0, đó là thời gian tuổi thọ con người cao nhất. Khi đó trên trái đất thức ăn rất phong phú, đất cũng ngọt như mật, con người chỉ dùng những thức ăn đó mà không cần nấu ăn gì cả. Khi tuổi thọ con người đạt a-tăng-kỳ năm thì sẽ tụt dần, cứ 100 năm tụt 1 tuổi, đến khi con người còn 10 tuổi thì ác pháp hưng thịnh, chúng sanh giết hại nhau, xem nhau như là kẻ thù. Lúc này gọi là giảm kiếp hay hoại kiếp. Thời gian con người từ thấp tăng lên a-tăng-kỳ năm gọi là tăng kiếp, thời gian giảm tuổi thọ còn 10 năm gọi là hoại kiếp hay giảm kiếp.

Và chúng ta đang ở trong giai đoạn giảm kiếp, vì Đức Phật trước chúng ta ở trong kiếp trái đất này là Đức Phật Kassappa, thời đó tuổi thọ 20.000 tuổi. Và thời Đức Phật Gotama lúc đó tuổi thọ 100 tuổi, cứ 100 năm giảm đi 1 tuổi, nên chúng ta cách Đức Phật Gotama hơn 2500 năm, nên tuổi thọ giờ giảm đi 25 tuổi, nên trong thời gian hiện tại chúng ta đang sống, tuổi thọ con người nói chung là từ 70-75 tuổi, có nước thì sống thọ hơn, nhưng có nước thì tuổi thọ ngắn hơn, nên tính trung bình là 70-75 tuổi, nên gọi là thời kỳ hoại kiếp, tuổi thọ con người giảm dần.

Như vậy, tuổi thọ con người khi mà trong 1 thời gian dài, con người sống lâu, vì thiện pháp nhiều, người ta thực hành nhiều thiện pháp nên thân tâm họ luôn an lạc, nên sức khỏe họ tốt. Khi đó con người có thể tỏa ra ánh sáng. Khi tuổi thọ con người từ cao giảm xuống thấp, nghĩa là khi ác pháp ở trong tâm chúng sanh ngày càng tăng trưởng, khiến cho họ có nhiều bệnh tật, da cũng không được tỏa sáng như ở thời tuổi thọ lâu dài. Liên quan tuổi thọ trái đất, Ngài sẽ có những bài giảng sau. Để chú trọng vào bài pháp hôm nay, Ngài sẽ trở lại giảng bài Chuyển Luân Thánh Vương.

Trong bài kinh Cakkavati khi tuổi thọ con người 10 tuổi, ác pháp hưng thịnh, con người không giữ giới, không kính trọng cha mẹ, không cảm thấy sợ hãi và ghê sợ tội lỗi, mà họ còn có thể xem cha mẹ mình như người dưng, thậm chí như kẻ thù, ác pháp trong tâm chúng sinh lúc này rất lớn, họ giết hại lẫn nhau. Những thiện pháp gần như không còn tồn tại trong thế gian lúc này, trong từ điển cũng không có những danh từ như thiện pháp, chứ đừng nói đến việc thực hành thiện pháp.

Và cũng trong bài kinh này, Đức Phật giải thích rằng khi con người 10 tuổi, vì bất thiện pháp hưng thịnh như vậy khiến cho thời tiết cũng thay đổi, mặt trời mặt trăng cũng biến mất trong 1 thời gian khoảng 7 ngày, lúc đấy gần như không còn ánh sáng nữa, con người xem nhau như những con thú vật, họ chém giết lẫn nhau, chỉ có 1 số người rất ít, vì thiện nghiệp quá khứ nên họ được trú ẩn vào những hang động, những bụi cây và họ sống nhờ lượm trái cây, gặp nguồn nước trong hang động và có thể sống 1 thời gian đến khi mặt trời xuất hiện lại, nên họ có thể sống sót và nhìn thấy được nhau.

Và khi những người còn sống sót này, họ mới thảo luận nhau rằng chúng ta trước kia vì ác pháp rất là nhiều, giết hại lẫn nhau nên mọi người giờ chết hết, chỉ còn chúng ta sống sót. Nên giờ chúng ta không giết hại nhau nữa, họ đã đồng thuận nhau như vậy, nên những người con khi mới sinh ra đã biết giữ giới không sát sanh, nên đời con của họ tuổi thọ lên đến 20 tuổi.

Khi mà thế hệ thứ 2, họ có tuổi thọ 20 tuổi, những người đó cũng giữ giới không trộm cắp, nên những người con do họ sinh ra lớn lên, sống được 40 tuổi, cứ như vậy, đời con tăng 20 tuổi, đời cháu tăng 40 tuổi, đời chắt tăng 80 tuổi. Cứ 1 thế hệ vậy tăng gấp đôi. Nên nhờ sự giữ giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu bia và các chất say. nên tuổi thọ ngày càng tăng lên, thế hệ sau tăng gấp đôi thế hệ trước. Giai đoạn này tuổi thọ ngày càng tăng.

Và Đức Phật cũng biết và Ngài thuyết rằng, trong thời gian thiện pháp con người càng thực hành như vậy, cho đến khi tuổi thọ con người 500 tuổi, 1000 tuổi thì những thiện pháp như hiếu kính cha mẹ, giữ ngũ giới, biết hổ thẹn tội lỗi ngày càng hưng thịnh. Nên tuổi thọ càng ngày càng tăng cho đến a-tăng-kỳ năm.

Và cũng có thể nói rằng đó là Diệu năng của những Pháp thiện thế gian.

Ngai Tam Tang 10 Thuyet Phap 6

 

Và những pháp thế gian thì nó có tăng, có giảm, nên khi tuổi thọ tăng lên a-tăng-kỳ năm thì sau đó tuổi thọ con người giảm lại, do ác pháp tăng trưởng, giảm cho đến khi tuổi thọ còn 80.000 tuổi, khi đó Đức Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian, thành phố Bārāṇāsī sẽ đổi tên thành thành phố Ketumatī là kinh đô 1 vị vua bấy giờ trong ngày vị lai.

Và khi đó, vị vua trị vì của kinh đô Ketimani tên là Sankha, vị vua này đã tôn trọng những trọng Pháp ngũ giới, giữ gìn ngũ giới trong sạch, thường xuyên thực hành bát quan trai giới, làm việc thiện, hiếu kính mẹ cha. Nhờ các thiện pháp đó nhà vua có 1 bánh xe gọi là Thiên luân, là bánh xe mang lại nhiều lợi ích cho nhà vua.

Vị vua này nhờ có Thiên luân, nên vị vua này được gọi là vua Chuyển Luân Thánh Vương Cakkavati. Không những vị vua này thực hành những thiện pháp trong sạch trên, mà còn khuyến khích tất cả thần dân ngài thực hành những thiện pháp như Ngài, nên đã mang lại sự hưng thịnh, thịnh vượng trong quốc độ vị vua Chuyển Luân Thánh Vương này trị vì.

Nhờ vậy sức khỏe của mọi người trong quốc độ này rất tốt, dường như không có bệnh tật gì, chỉ có 3 loại bệnh: đói muốn ăn, thấy mệt thì ngủ, lúc già tóc bạc. Chỉ 3 bệnh này thôi không còn bị bệnh nào khác.

Và Đức Phật cũng tiên đoán rằng, khi tuổi thọ 80.000 tuổi và vị vua chuyển Luân Thánh Vương thì Đức Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian.

Trong bài kinh này, Đức Phật cũng tiên đoán, sau khi Đức Phật Metteyya xuất hiện tại quốc độ Ketumatī thì vị vua chuyển Luân Thánh Vương Sankha này là người luôn có 7 báu vật như bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngựa báu, tướng quân báu, đặc biệt là những tài sản vị này có được Ngài đã rất hào phóng bố thí cúng dường đến các bậc Samôn, Bà La Môn đặc biệt là tăng đoàn do Đức Phật dẫn đầu. Đức vua cũng đã xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật, trở thành 1 vị Arahan trong tăng đoàn của Đức Phật Metteyya.

Liên quan đến Diệu năng của những pháp thiện thế gian, Ngài đã giảng khá nhiều về giới. Bây giờ Ngài sẽ giảng thêm diệu năng pháp liên quan đến bố thí. Chư Thiên đã tạo nên những cung điện như thế nào nhờ pháp bố thí.

Vào thời Đức Phật quá khứ (trong kiếp trái đất này chúng ta có 5 vị Phật ra đời) là vị Đức Phật thứ 3 – Đức Phật Kassapa. Thời đó có 2 cha con làm nghề đốn củi trong rừng, có tín tâm vào Tam Bảo, đã tìm tre để làm cốc bằng tre cúng dường đến Chư Tăng thời Đức Phật.

Khi 2 cha con này cúng dường đến cốc bằng tre đến Chư Tăng thời bấy giờ, đặc biệt có 1 nhóm là bậc Arahan an cư kiết hạ ở đó. Trong thời gian này 2 cha con cúng dường nước, vật dụng và các món cần thiết đến các bậc Arahan. Ngoài ra họ còn nghe pháp, giữ giới, họ làm thiện pháp với 1 tín tâm hoan hỉ có đầy đủ 3 thời: trước khi làm – trong khi làm – sau khi làm, tâm hoan hỉ, có trí tuệ nên 2 người cha con này rất hoan hỉ khi hộ độ những bậc Arahan trong suốt mùa an cư.

Nhờ những thiện pháp này, có đầy đủ phẩm chất tốt đó là trước khi làm – trong khi làm – sau khi làm, làm với tín tâm và trí tuệ, nên họ tái sinh vào những cảnh giới Chư Thiên, Chư Thiên dục giới, cũng như tạo duyên cho họ tu tập thiền định, thiền tuệ để chứng đắc Đạo Quả. Những thiện pháp họ làm hỗ trợ họ rất nhiều trong khi tiến hành thiền định và thiền tuệ.

Sau kiếp đó, 2 người cha con này nhờ thiện nghiệp quá khứ nên tái sinh vào cõi trời Tam Thập Tam, ở nơi có đầy đủ những thứ họ từng cúng dường, và do họ cúng dường 1 chỗ bằng tre nên chỗ này có rất nhiều tre. Nên họ được biết đến như là những vị Chư Thiên đã cúng dường cốc liêu bằng tre đến Chư Tăng trong kiếp quá khứ.

Trong 2 người cha con đó, người con sau khi hết tuổi thọ ở cõi Tam Thập Tam đã sinh xuống cõi người trong thời gian trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện. Nhờ phước trước đó, người con này được ở trong 1 cung điện nguy nga do 1 Chư Thiên tạo ra. Và cũng nhờ những thiện pháp trong quá khứ, nên vào thời Đức Phật Gotama tại thế, người con này tái sinh vào 1 gia đình và gặp được giáo pháp, xuất gia trở thành 1 vị tỳ khưu, và đã trở thành 1 bậc Thánh Arahan trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Đức Phật cũng biết rằng, người cha sau khi hết tuổi thọ ở trên cõi trời Tam Thập Tam sẽ tái sinh vào cõi người, và sẽ là vị vua Chuyển Luân Thánh Vương Sankha ở trên. Vị vua này do trong tiền kiếp đã cúng dường cốc bằng tre và các thiện pháp trong thời Đức Phật Kassapa. Vị vua này cũng được ở trong 1 lâu đài được tạo ra do các vị Chư Thiên. Khi Đức Phật Metteyya tương lai xuất hiện, nhà vua thỉnh mời Đức Phật và Chư Tăng đến cung điện của mình để làm phước, nghe pháp. Và ngài cũng xuất gia trở thành 1 bậc Arahan trong thời Đức Phật Metteyya.

Những thiện pháp thế gian như giữ giới, bát quan trai giới, hành thiền, bố thí cúng dường, hiếu kính mẹ cha… Những pháp đó có diệu năng giúp chúng sinh tái sinh vào cảnh giới Chư Thiên hưởng an lạc vật chất ở cõi Chư Thiên, có được những lâu đài… Đối với những thiện pháp như là chứng đắc các tầng thiền thì có khả năng dẫn dắt tái sinh Phạm Thiên. Mặc dù sinh vào cõi trời dục giới Chư Thiên, hay sắc giới Phạm Thiên đi nữa thì hết tuổi thọ tái sinh vào cõi trời, hoặc cảnh giới nào nữa, có thể thực hành thiện pháp hoặc ác pháp. Nếu thực hành ác pháp thì tái sinh vào cảnh khổ. Nên Đức Phật dạy rằng những thiện pháp thế gian không chắc chắn, có thể lên Chư Thiên nhưng rồi vẫn có thể xuống súc sinh, cảnh khổ. Nên trong bài kinh Cakkavati Ngài đã dạy rằng hãy lấy Chánh pháp làm hòn đảo cho chính mình, thì đó là con đường để dẫn đến những thiện pháp xuất thế gian, giải thoát sinh tử luân hồi.

Cho nên Đức Phật dạy rằng: này các Tỳ kheo hãy nương tựa vào chính mình, hãy làm hòn đảo cho chính mình, đừng nương tựa vào nơi nào khác.

Ở trong câu Phật ngôn mà Đức Phật dạy hãy làm hòn đảo của chính mình, thì từ Pali là attadīpa. Thì atta thường hay thấy nghĩa là ngũ uẩn, cũng có nơi dịch là cái tôi, cái ta, bản ngã thường còn. Nhưng trong trường hợp này thì atta nghĩa là pháp thiện, đặc biệt là những pháp thiện dẫn đến sự giải thoát giác ngộ. Còn dīpa là hòn đảo. Sư cũng lưu ý thêm 1 điều, trong bản tiếng việt hay dịch là ngọn đèn, nhưng ở đây Ngài giảng là hòn đảo, là hòn đảo cho chính mình thì mình mới nương tựa được.

Cho nên từ dīpa, nghĩa là 1 nơi ở giữa dòng sông hay ngoài biển, là 1 nơi mà không bị nước tràn ngập thì gọi là dīpa, tiếng Việt dịch là hòn đảo, nơi không bị tràn ngập bởi nước, nước chỉ chảy bên phải bên trái xung quanh mà thôi, không bao giờ làm ngập hòn đảo. Cũng tương tự vậy, khi ta lấy hòn đảo làm nơi nương tựa cho chính mình, thì hãy lấy những pháp thiện thế gian và xuất thế gian làm nơi nương tựa cho mình. Vì khi trong tâm có những pháp thiện thế gian và xuất thế gian như phẩm chất tâm tốt, chánh kiến, chánh tư duy thì những phiền não không chi phối, tràn ngập trong tâm được. Nên nghĩa atta nghĩa cao nhất là Arahan Thánh Đạo, Arahan Thánh Quả, thì khi 1 người tu tập đạt đến Arahan Thánh Đạo, Arahan Thánh Quả  thì những phiền não tham sân si, hoài nghi, tà kiến không còn cơ hội xâm nhập vào trong tâm 1 bậc Thánh Arahan nữa, nên Đức Phật dạy hãy làm hòn đảo cho chính mình, hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa bất kỳ nơi nào khác.

Khi nói rằng, đừng nương tựa ở 1 nơi nào khác, đừng nương tựa ai khác, thì điều này được chứng minh nhất là trong thời dịch bệnh bây giờ. Ngài cũng được các Phật tử mời tụng kinh, hay các bài pháp ngắn đến những người thân nhân khi bị bệnh đang thở oxy, thì lúc đấy đúng là không thể nương tựa 1 ai khác, dù có bà con xung quanh, vật dụng y tế xung quanh, vì đó chỉ là bên ngoài, không thể giúp được, lúc đấy pháp thật sự quan trọng. Người nào tu tập pháp để tâm bình an khi đó, để khi hết tuổi thọ, mất đi thì chỉ có những thiện pháp giúp người này nhẹ nhàng ra đi, tái sinh vào những cảnh giới nhờ thiện pháp mà họ đã làm. Nên chỉ có pháp là nơi nương tựa vững chắc.

Khi 1 người mà lỡ dính vào 1 bệnh tật nào đó, như covid này chả hạn, thì người đó nếu như không có Pháp ở trong tâm, thì tâm họ sẽ có nhiều lo lắng phiền muộn, vì sự lo lắng này khiến cho tình trạng sức khỏe tồi tệ thêm. Nên đây là lý do mỗi người cần có Pháp ở trong tâm. Đặc biệt trong thời gian này, nếu chúng ta thường xuyên thực hành chánh niệm hơi thở vào hơi thở ra, thường xuyên giữ giới trong sạch, ngũ giới, bát quan trai giới thì nhờ những thiện pháp này. Đặc biệt mỗi khi chúng ta thực hành chánh niệm hơi thở vào ra, giữ ngũ giới, bát quan trai giới… thì chúng ta cũng có thể nguyện rằng xin nhờ năng lực này giúp cho bệnh tật không sinh khởi, bị tiêu trừ. Nhưng nếu vì 1 ác nghiệp nào trong quá khứ, hay vì do thất niệm lỡ dính vào bệnh tật thì nhờ những pháp chúng ta thực hành, đang có thì cũng giúp đỡ rất nhiều, giúp tâm không lo lắng, được an lạc. Nên khi lâm chung có Pháp nâng đỡ dẫn dắt vào những cảnh giới an vui.

Và khi Đức Phật dạy rằng, hãy nương tựa vào chính mình, hãy lấy thiện pháp thế gian và xuất thế gian làm hòn đảo cho mình, không nương tựa vào bên ngoài, vào người khác. Vậy thế nào là nương tựa vào chính mình, thế nào là lấy thiện pháp thế gian và xuất thế gian làm hòn đảo cho mình? Thì Ngài giảng về Tứ Niệm Xứ: niệm thân – niệm thọ – niệm tâm – niệm pháp.

Ngài cũng dạy rằng, này các Tỳ khưu, hãy lấy những tài sản của các bậc đi trước để làm tài sản cho chính mình. Hãy lấy đối tượng của các bậc tiền nhân, các bậc cha mình để làm đối tượng cho mình tu tập.

Ở trong Phật giáo, chúng ta là những Phật tử, là con của Đức Phật, Đức Phật là cha của chúng ta. Nên khi Ngài dạy hãy lấy đối tượng của cha mình, lấy tài sản của cha mình, ý là Đức Phật cũng lấy tứ niệm xứ làm đối tượng, làm của thừa kế. Nên khi Ngài dạy hãy lấy đối tượng của cha mình, của thừa kế của cha mình, nghĩa là Ngài dạy mình hãy thực hành Tứ Niệm Xứ.

Cho nên khi chúng ta lấy đối tượng của cha mình, thừa hưởng tài sản của cha mình nghĩa là chúng ta đi trên con đường của Đức Phật để dẫn đến sự giải thoát, thoát khỏi phiền não, sinh tử luân hồi. Nếu như chúng ta không lấy đối tượng của cha mình, tài sản thừa kế của cha mình mà lấy đối tượng khác, tài sản khác làm con đường thực hành thì có thể sẽ dẫn đến con đường của ma vương, của bất thiện, bất hạnh của 4 cảnh giới địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh – atula.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về tài sản và đối tượng của cha mình, tức là Đức Phật. Đức Phật sống trong cung điện với vợ đẹp, con ngoan, đầy đủ vật chất. Đến 29 tuổi, mặc dù sống trong nhung lụa như vậy nhưng vì lòng thương chúng sinh, Ngài đã từ bỏ tất cả để xuất gia, tìm con đường giải thoát, giác ngộ. Sau khi Ngài xuất gia, Ngài cạo bỏ râu tóc ở bên bờ sông Anoma, trong suốt 6 năm Ngài đã tinh tấn thực hành nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là phương pháp tu liên quan đến giới Ngài tu tập rất miên mật.

Sau khi tu tập 6 năm liên quan đến giới, giới của Ngài cũng đạt đến sự thanh tịnh nhưng kết quả không như ý muốn nên Ngài từ bỏ và đến 1 cội cây, bây giờ gọi là Bồ Đề Đạo Tràng bây giờ, Ngài đã tu tập pháp môn chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra, Ngài đã đạt đến tầng định thứ nhất, gọi là định thanh tịnh nhờ phương pháp tu tập chánh niệm hơi thở vào hơi thở ra.

Khi Ngài tu tập thiền Vipassana, Ngài lấy đối tượng danh sắc pháp sắc làm đối tượng, thấy rõ chỉ có danh pháp, sắc pháp, không có cái ta ở trong, Ngài thấy rõ nhân duyên làm khởi sanh danh sắc như thế nào. Khi đó tâm Ngài đạt đến sự thanh tịnh gọi là Đoạn nghi thanh tịnh.

Khi Ngài tu tập giới, định, tuệ như vậy thì sự tu tập đó chính là đối tượng, hay là nơi mà Đức Phật lui tới những đối tượng mà Đức Phật đã tu tập. Đến khi Đức Phật giác ngộ thành 1 vị Phật, Ngài thuyết giảng về pháp môn tu tập thiền Tứ Niệm Xứ trong suốt những thời gian sau đó, đây cũng là đối tượng nơi Ngài hay lui tới, và Ngài giảng cho những chúng sinh hữu duyên những đối tượng đó để dẫn đến sự giác ngộ.

Bốn pháp môn niệm xứ này được xem như là hòn đảo để cho chúng ta nương tựa. Nên Đức Phạt dạy về niệm thân – niệm thọ – niệm tâm – niệm pháp. Trong 4 pháp môn này thì niệm thân là nổi bật nhất. Vì như chúng ta biết, những pháp về tâm, danh pháp thì vi tế, những gì về vật chất thì rõ ràng hơn, nên đầu tiên Đức Phật dạy về pháp môn niệm thân.

Trong pháp môn niệm thân thì bao gồm có 14 phần, trong đó đầu tiên là hơi thở vào hơi thở ra, tứ oai nghi đi đứng ngồi nằm, những đề mục khác như vật thực, sinh hoạt hàng ngày, chánh niệm trong những động tác hàng ngày. Trong 14 đề mục về thân này thì dường như tất cả Đức Phật đều sử dụng đề mục hơi thở vào hơi thở ra làm nền tảng tu tập thiền định rồi qua thiền tuệ để chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Chúng ta thực hành đề mục nào đi nữa, trước khi thực hành chúng ta có 1 số công việc chuẩn bị để cho việc thực hành của mình được thuận lợi hơn. Thì những công việc chuẩn bị này rất là quan trọng để việc hành thiền tốt đẹp.

Cũng giống như chúng ta nghe Pháp, được biết là 15h30 Ngài sẽ giảng, thì trước đó chúng ta đã vào để chuẩn bị như xin thọ trì tam quy ngũ giới, và các công việc chuẩn bị khác. Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta đi làm cũng có 1 số việc phải chuẩn bị trước khi làm. Hành thiền cũng vậy cũng có những công việc chuẩn bị trước khi làm việc gì đó.

Cho nên, những công việc trước khi hành thiền, cơ bản có 3 công việc:

  • Niệm Phật: ở trong nhà mình trước bàn Phật, hay là trong phòng ngủ cũng được, chúng ta quay mặt về cái gối và chắp tay lên, chúng ta nghĩ về Đức Phật và niệm Phật trong tâm, nếu được có thể thầm đọc câu Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa – Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc Arahan Chánh Đẳng Chánh Giác.
  • Hướng tâm đến tất cả chúng sanh ở gần mình hay xa mình, tất cả chúng sinh không phân biệt, ta rải tâm từ cầu nguyện cho họ: nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi hận thù, thoát khỏi khổ thân, thoát khỏi khổ tâm, được thân tâm an lạc. Làm như vậy được gọi là rải tâm từ đến tất cả chúng sinh.
  • Tưởng nhớ đến Đức Phật, phát nguyện cúng dường ngũ uẩn (thân tâm mình) đến Đức Thế Tôn

Sau khi làm 3 việc này ta ngồi thiền, giữ lưng cổ thẳng, ngồi thoải mái, thư giãn. Chú ý đến hơi thở vào, hơi thở ra, chỉ quan sát ở điểm tiếp xúc của hơi thở và lỗ mũi, lúc này không suy nghĩ về bất cứ điều gì, tâm chỉ an trú trên hơi thở vào ra, hơi thở đi vào biết hơi thở đi vào, hơi thở đi ra biết hơi thở đi ra. An trú tâm như vậy trong 1 thời gian 1, 2 phút thì trong thời gian đó tâm được an tịnh, tâm đó gọi là tâm định tĩnh.

Đặc biệt trong thời gian này, khi thế giới đang thăng trầm với covid, nếu ra ngoài có sự lo âu, đi làm cũng lo âu không biết mình có bị lây nhiễm không, nên rất dễ làm cho tâm lo lo lắng, phiền muộn, những phiền não rất dễ xâm nhập tâm mình. Cho nên khi ta theo con đường của Đức Phật, lấy đối tượng của Đức Phật, lấy tài sản của Đức Phật làm tài sản của mình bằng cách chánh niệm trên hơi thở vào ra giúp tâm mình định tĩnh hơn, bình an hơn. Nhờ đó ta có thể thiền tuệ và chứng đắc những trí tuệ cao hơn như Thánh Đạo, Thánh Quả Tuệ.

Cũng giống như số người mà ở đoạn trước của bài pháp, khi tuổi thọ con người còn 10 tuổi đã xảy ra chiến tranh giết hại lẫn nhau, lúc đấy những người nhiều phước hơn đã thoát khỏi sự chết chóc, sau đó họ đã họp lại và hiểu ra vấn đề và sống tốt hơn, thoát khỏi những tai ương, chết chóc. Cũng vậy, ta phải tin rằng trong thời gian thăng trầm này, là người con Phật, tu tập trọng Pháp ngũ giới, chánh niệm hơi thở vào ra thì nhờ những phước thiện ta tu tập này, ta sẽ vượt qua những khó khăn mà mọi người đang gặp phải như bây giờ.

Khi chúng ta thực hành chánh niệm trên hơi thở vào ra, có người có thể ngồi trong 30p, có người có thể ngồi chú tâm hơi thở vào ra trong 1 tiếng đồng hồ. Trú tâm liên tục như vậy, hoặc nếu có phóng tâm thì hãy đưa tâm trở về hơi thở mà không chạy theo những đối tượng suy nghĩ đó. Thì nếu có thể an trú liên tục 30p, 60p như vậy gọi là định tâm. Có 3 loại định tâm: loại thứ nhất là định tâm trong khoảng khắc khaṇika samādhi là trong 1 thời gian ngắn, loại thứ 2 là cận định upacāra samādhi (tâm có thể an trú trên đề mục thiền trong 1 thời gian, có thể có 1 số hiện tượng xuất hiện như thấy độ bông gòn, thấy ánh sáng, làn khói trắng…. là những hiện tượng xuất hiện trong tâm), loại 3 là an chỉ định appanā samādhi (hành giả có thể nhập định trong đề mục theo thời gian mong muốn, hành giả an trú trong để mục ánh sáng như vậy trong 1 tiếng đồng hồ, 2 tiếng đồng hồ như mình mong muốn).

Trong 3 loại định này, chúng ta đều có thể tu tập hiệu quả từ 3 loại định này. Sau khi có sát na định chúng ta cũng có thể chuyển qua tu tập thiền quán. Hoặc sau khi có cận định ta chuyển qua thiền quán. Hoặc từ an chỉ định qua thiền quán. Trong 3 loại này thì an chỉ định là định cao nhất, nếu có định này thì tốt nhất, tuy nhiên nếu ta không đủ nhân duyên và không biết khi nào mới đạt được (có thể rất lâu, hoặc thậm chí khi mất mà vẫn chưa có), nên để không mất cơ hội tu tập thiền quán – pháp môn chỉ có trong Phật Giáo. Thì ta có thể tu tập thiền quán từ sát na định. Cho nên nếu ta có cơ hội ngồi thiền 30p thì ta có thể chia ra 1 nửa giờ đầu thiền định, nửa giờ sau ngồi thiền quán. Như vậy ta có thể tu tập cả thiền định và thiền quán.

Khi chúng ta tu tập 1 thời thiền 30p hay 60p, thì 15p hay 30p đầu ta chánh niệm trên hơi thở để phát triển định tâm. Thời gian còn lại ta sẽ cảm nhận những cảm giác (cảm thọ) ở trên cơ thể mình, có thể là tê chân, ngứa chỗ này hoặc chỗ kia, thay vì để tâm quan sát hơi thở thì ta quan sát cảm giác đó. Khi quan sát cảm giác đó ta chỉ quan sát cảm giác khởi sinh 1 cách tự nhiên, mà không có 1 khái niệm là cảm thọ này của ta, cảm thọ này của người này người kia mà chỉ là đơn thuần nhận biết quan sát cảm thọ sinh khởi 1 cách tự nhiên, nó ra sao thì biết như vậy.

Những cảm giác, cảm thọ đó không phải muốn mà có, cũng không phải muốn mà nó mất đi. Nó sinh khởi phụ thuộc những điều kiện của nó. Trước hết phải có sự xúc chạm, sự xúc chạm của thân với vật bên ngoài, như khi ngồi trên ghế thì sự tiếp xúc của thân mình với chỗ ngồi thì có cảm giác. Hoặc sự tiếp xúc bộ phận này với bộ phận kia của mình cũng phát sinh cảm giác. Trong khi quan sát những cảm giác đó thì sự hiểu biết sẽ ngày càng rõ hơn nguyên nhân tại sao phát sinh cảm giác. Sự hiểu biết này khởi sinh 1 cách tự nhiên chứ không phải do chúng ta muốn để mà mong cầu sự việc đó, mà chỉ là sự hiểu biết nhờ quan sát liên tục các cảm thọ.

Khi hành giả tiếp tục quan sát những cảm giác sinh khởi liên tục như vậy, theo đó sự hiểu biết sẽ mạnh hơn, có thể thấy rõ tam tướng, tức là đặc tính của cảm giác đó chỉ là sự biến hoại vô thường, đồng thời vì thấy rõ cảm giác đó luôn thay đổi biến hoại nên gọi là khổ, vì là vô thường khổ nên cảm giác đó không có 1 cốt lõi nào cả, nó không phải là ta, của ta mà chỉ là những hiện tượng, điều kiện thay đổi thì cảm giác thay đổi, điều kiện liên quan mất đi thì cảm giác cũng mất đi. Nếu 1 hành giả không muốn hoặc do 1 nhân duyên nào đó không thể tu tập để có sự hiểu biết như vậy, thì nhất là những người còn trẻ nếu chỉ muốn có sự an lạc nội tâm, quân bình trong tâm thì có thể chánh niệm hơi thở, không suy nghĩ chuyện này chuyện kia thì tâm sẽ an lạc, tĩnh lặng hơn.

Hôm qua chúng ta nghe pháp và biết rằng, nhờ diệu năng của những pháp thiện thế gian khiến tâm mình an lạc, ít bệnh tật, nhiều sức khỏe hơn, thời tiết ôn hòa hơn, đó là nhờ thực hành những pháp thiện thế gian như giữ giới, bố thí, cung kính… Hôm nay chúng ta được nghe diệu năng của pháp xuất thế gian, đặc biệt trong bài kinh Chuyển Luân Thánh Vương, Đức Phật dạy về 4 niệm xứ là ở trên thân, thọ, tâm  pháp là những pháp môn có thể dẫn đến sự tăng trưởng của ngũ căn, của những pháp đến giác ngộ, đó là 37 phẩm trợ đạo: đức tin, tinh tấn, niệm, định, tuệ… Đây là những pháp có thể dẫn đến chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, diệt trừ những ô nhiễm, phiền não trong tâm.

Những diệu năng của pháp thiện thế gian, như là sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức khỏe, có trí tuệ. Thì trong 3 quả đầu tiên, thì sống lâu là nhờ sự tu tập của tứ thần túc, sắc đẹp nhờ tu tập giới, an vui là nhờ tu tập định. Đây là những thiện pháp thế gian giúp mang lại sống lâu, sắc đẹp, an vui. Quả thứ 4 là tài sản Bhoga, để có tài sản chúng ta tu tập Tứ vô lượng tâm. Thứ 5 Bala sức mạnh trí tuệ, ta phải tu tập Thiền Tứ Niệm Xứ. Sức mạnh ở đây là Arahan Thánh Đạo, Thánh Quả là kết quả cao nhất. Trong Chuyển Luân Đức Phật nói 5 quả này là 5 quả tối thượng nhất của những thiện pháp thế gian và xuất thế gian.

Sở dĩ gọi là Arahán Thánh Đạo, Thánh Quả, mà đặc biệt là Arahan Thánh Đạo là sức mạnh của trí tuệ vì khả năng của Arahan Thánh Đạo có thể diệt trừ tất cả các phiền não (1500 phiền não), sức mạnh này không ai vượt qua được, kể cả ma vương, và những người có sức mạnh nhất. Như trong kinh điển là bà Visākhā có công rất lớn hộ độ Chư Tăng, Đức Phật. Bà nổi tiếng có 1 sức mạnh phi phàm, mạnh hơn 5 con voi cộng lại. Có người muốn thử bà, cho 5 con voi uống rượu rồi cho ra đường lúc bà đang đi, bà chỉ cần 1 ngón tay chặn lại thì 5 con voi chạy đi chỗ khác. 1 người có sức mạnh như vậy hoặc hơn thế nữa cũng không thể nào vượt qua sức mạnh của Arahán Thánh Đạo.

Sức mạnh của bà Visākhā như vậy, nhưng đây là sức mạnh của thân kāyabala. Còn sức mạnh của trí tuệ, khi bà được gả vào 1 gia đình theo đạo khác. Mặc dù những người trong gia đình theo đạo khác, có những quan điểm sai khác nhưng tâm bà vẫn không lay động. Nhờ năng lực của Thánh Đạo Tu Đà Hoàn bà đã có, bà đã giáo hóa được những người trong gia đình chồng mình. Đây gọi là sức mạnh trí tuệ ñāṇabala. Nên cả sức mạnh thân, tâm đều quan trọng. Mỗi người đều cần có 2 loại sức mạnh này.

Đúng theo như câu Phật ngôn: “pháp hộ trì người hành pháp”. Chúng ta thực hành những thiện pháp thế gian, xuất thế gian thì những thiện pháp này, sẽ đặc biệt mang lại sức mạnh của thân, sức mạnh của trí tuệ. Thì trong thời gian này với mỗi hành giả để có được sức mạnh của thân và trí tuệ. Cầu chúc cho tất cả Phật tử chúng ta với sự tu tập có được 2 loại sức mạnh để vượt qua bệnh tật. Đặc biệt là nhờ tu tập những thiện pháp xuất thế gian chứng đắc Thánh Đạo Thánh Quả chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới. 

Bây giờ Ngài khuyến khích các Phật tử cùng nhau chánh niệm trên hơi thở để có sức mạnh của thân, của trí tuệ. Và khi ta đang chánh niệm hơi thở vào ra là ta đang thừa hưởng tài sản của Đức Phật, đang đi trên con đường của Đức Phật đã đi. Ta bắt đầu ngồi thiền với tư thế thoải mãi, giữ thân cổ thẳng đứng, đặc biệt thư giãn, nhắm mắt, ngậm miệng, chú ý đến hơi thở ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, khi hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đi ra, chỉ quan sát hơi thở không suy nghĩ chuyện khác, nếu có đối tượng khác xuất hiện trong thân, tâm thì cũng bỏ qua, tiếp tục nhận biết quan sát hơi thở…

 

TIỂU SỬ NGÀI ĐẠI TRƯỞNG LÃO TAM TẠNG 10

Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp-3

 

Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Thứ 10 (Bhadanta Sundara – Sunlun Tipiṭaka Sayadaw, Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng, Bậc Gìn Giữ Kho Tàng Pháp Bảo), giảng dạy Dhamma và hướng dẫn thực hành thiền. Sư Thiện Đức (Kusalaguṇa Bhikkhu) hỗ trợ chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bản đánh chữ tốc ký được thực hiện bởi cận sự nam Vũ Thái Bình.

 

Bổ sung phần cuối buổi Pháp thoại:

Bài Kinh Ngài mới chúc phúc có nghĩa là: Không một ai có thể hãm hại được Đức Phật; Quý Ngài chỉ có thể tự mình tịch diệt Niết Bàn mà thôi. Thì đấy là một sự thật, do nhờ sự thật này, cầu chúc cho tất cả các Phật tử cũng như thân quyến, tất cả mọi người tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, thành tựu mọi hạnh phúc như ý muốn. Sādhu Sādhu Sādhu!

Những phước thiện mà chúng con đã làm, phước thiện chắp tay lễ bái, cung kính chư Tăng; phước thiện thọ trì Tam Quy, Ngũ giới; phước thiện nghe Pháp, phước thiện hành thiền và những phước thiện khác mà chúng con sẽ làm, nguyện sẽ là duyên lành, hỗ trợ chúng con thành tựu những quả phước thế gian như sống lâu, sắc tốt, an vui, sức khoẻ và có trí tuệ cũng như những quả phước xuất thế gian, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, đoạn tận khổ ưu, luân hồi trong tam giới.

Chúng con xin thành tâm, hồi hướng tất cả những phước thiện này, đến cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, thầy tổ bạn hữu, cùng tất cả thân quyến hiện tiền cũng như đã quá vãng, và cũng như đến tất cả chúng sinh, nhất là chư Thiên hộ trì mỗi chúng con, chư Thiên hộ trì tư gia của chúng con, chư Thiên hộ trì Phật Giáo, chư Thiên và Phạm Thiên ở trong tam giới, nguyện mong tất cả hoan hỉ những phần phước thiện này, để an lạc tiến hoá và lợi ích lâu dài, và cầu mong Quý vị hoan hỉ mách bảo cho tất cả thân quyến của chúng con quá vãng trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại, và đặc biệt đến tất cả những bệnh nhân tử vong vì Covid hay biết hoan hỉ và thọ nhận những phần phước thiện này rồi được thoát khỏi mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài. Và cầu mong Quý vị hoan hỉ hộ trì cho tất cả chúng con, và thân quyến của chúng con, tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, để thành tựu mọi hạnh phúc ở cõi người, hạnh phúc ở cõi trời và hạnh phúc cao thượng Niết Bàn cho được như ý nguyện. Cầu mong cho tất cả hoan hỉ những phước thiện này, đồng đều nhau cả thảy. Sādhu Sādhu Sādhu!

(Bản đánh chữ tốc ký phần bổ sung được thực hiện bởi cận sự nữ Sala Dung)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app