2 Nghiệp Lực, 1 Kiếp Sống: Khẩu Nghiệp, Ý Nghiệp & Hướng Dẫn Hành Thiền Ānāpāna, Thiền Tứ Đại, Thiền Vipassanā Đề Mục Quán Thọ – Ngài Tam Tạng 10 Bhadanta Sundara Tipiṭaka Sayadaw Thuyết, Sư Thiện Đức Dịch Việt 26/09/2021

Để bắt đầu thời pháp hôm nay và tiếp tục thời pháp ngày hôm qua, Ngài sẽ bắt đầu với thuật ngữ Pāli “Kammapaccayo” (nghiệp duyên) để tiếp tục giải thích về tiêu đề “2 nghiệp lực, 1 kiếp sống”.

Trước hết, mời tất cả đại chúng niệm Phật:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần)

 

Tất cả chúng sanh nói chung và con người nói riêng, hàng ngày đều tạo tác 3 nghiệp là nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý. Một người nếu có suy tư thiện lành, thực hiện những hành động bằng thân khẩu ý thì gọi là nghiệp thiện, mang lại nhiều may mắn, an lạc. Còn với suy nghĩ, tâm tư không thiện lành, bị ô nhiễm, làm những hành động thuộc thân, khẩu, ý thì là nghiệp bất thiện, mang lại điều bất hạnh.

Hôm qua Ngài đã nói khá nhiều về nghiệp thân. Hôm nay Ngài nói tiếp về nghiệp khẩu. Để bắt đầu bài pháp thoại này, Ngài sẽ bắt đầu với khẩu nghiệp bất thiện trước.

Khi nói về khẩu nghiệp bất thiện, không những con người tạo tác mà các loại thú cũng tạo tác khẩu nghiệp bất thiện. Ví dụ như 1 câu chuyện vào thời Đức Phật, có 1 người phú hộ tên là Todeyya, người phú hộ này rất giàu có, như là triệu phú trong thời đại này. Mặc dù giàu có nhưng theo tà kiến, không tin và hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp. Nên mặc dù sống gần Đức Phật và Thánh chúng gần trong thành Sāvatthi, nhưng không bao giờ cúng dường đến Đức Phật và Chư Tăng ngay cả 1 muỗng cơm, ông ta rất keo kiệt. Không những thế ông còn có cái nhìn không tốt về Đức Phật và Tăng Đoàn. Nên khi nghiệp lực đã mãn, ông ra đi với tâm dính mắc về của cải của mình; ông mất và đầu thai làm kiếp chó trong ngôi nhà mình. Một lần Đức Phật đi bát ngang qua nhà, và thấy nhân duyên đã đến, Đức Phật ghé đến nhà ông phú hộ này, thì người con phú hộ đang đi vắng, con chó – tức tiền kiếp là ông phú hộ thấy, chạy ra sủa. Khi nó sủa là do tâm bất thiện – tâm sân. Tâm sân đó tạo ra 1 yếu tố đất (cittaja paṭhavī rūpa), cùng với yếu tố đất (paṭhavī dhātu) vốn có ở cổ họng, tạo ra âm thanh làm cho 1 người biết được thông tin của tâm đó như thế nào (vacī viññatti – ngữ biểu tri). Ngữ biểu tri cùng với tâm bất thiện đó tạo ra khẩu nghiệp, khẩu nghiệp ở đây có gốc là tâm bất thiện nên tạo thành khẩu nghiệp bất thiện.

Và cũng như con chó, nó tạo khẩu nghiệp bất thiện thì những con vật khác cũng có thể tạo khẩu nghiệp bất thiện. Bây giờ Ngài sẽ nói về khẩu nghiệp bất thiện ở con người.

Bieu Do Paramatthadhamma

Vào thời gian khởi đầu của thế giới, con người trong thời gian ấy tuổi thọ rất là lâu. Mọi người thời bấy giờ giữ giới rất trong sạch, tâm tánh hiền lành. Vị vua đầu tiên ở trên thế gian tên là Sammata, sau đó đến đời vua thứ 10 tên là Upavara. Vị vua Upavara này khi còn là hoàng tử có 1 người bạn cùng nhau đi học ở 1 nơi khác để về trị vì đất nước. Trong thời gian học đã hứa với người bạn, khi ông ta lên làm vua sẽ để người bạn làm quân sư. Sau khi lên làm vua, vị quân sư của đời vua trước là anh của người bạn nhà vua hiện tại. Một ngày nọ, vị quân sư đến nói với nhà vua rằng bây giờ thần đã già rồi, thần muốn nhường địa vị này lại cho con trai. Vị quân sư này cũng có 1 người con trai, và trước khi vào rừng xuất gia nên không muốn làm quân sư nữa, nên muốn nhường lại cho người con trai, không nhường cho người em, trong khi vua đã đồng ý để người em lên làm quân sư. Khi đó, vị vua nhớ lại lời hứa với người bạn mình, muốn bạn mình lên làm quân sư nhưng không có cách nào khác, nên nhà vua nghĩ ra 1 cách đó là nhà vua sẽ nói dối rằng bạn của nhà vua là anh, còn vị quân sư là em. “Nếu nói bạn là anh cả còn anh của bạn là em thứ, thì bạn sẽ lên làm quân sư”, nhà vua nói. Vì phong tục thời bấy giờ là người anh trưởng làm chức vụ cao hơn người em. “Ta sẽ nói dối” nhà vua lại nói, và như vậy 2 người đồng ý với nhau, mặc dù người bạn có khuyên không nên làm vậy, nhưng vì nhà vua muốn giữ lời hứa trước kia nên vẫn làm.

Khi được biết rằng nhà vua sẽ nói dối, tất cả người dân trong thành họ rất là tò mò, vì họ không biết nói dối là gì. Nên khi biết nhà vua sẽ nói dối trước công chúng, họ kéo nhau đến để lắng nghe nhà vua nói dối. Khi được biết rằng nhà vua sẽ nói dối, vị quân sư trước đây đã là 1 vị ẩn sĩ trong rừng, đắc được các loại thần thông nhờ tu tập, đã đến hoàng cung, khuyên nhà vua không nên nói dối; nếu không, tai họa sẽ ập đến nhà vua, nhưng nhà vua vẫn nhất quyết làm. Đến buổi đã định, nhà vua đứng trước hội chúng nói rằng người bạn vua là người anh trưởng, còn vị ẩn sĩ là người em kế. Sau khi nói như vậy thì tất cả thần lực, phước báu của nhà vua mất hết. Trước đó nhà vua được 4 vị thần hộ trì 4 góc, thân nhà vua tỏa mùi hương chiên đàn, miệng nhà vua tỏa hương sen. Mà khi nói dối như vậy thì 4 vị thần đã bỏ đi, miệng nhà vua trở nên hôi thối, thân nhà vua cũng không còn mùi hương nữa. Được khuyên lần thứ 2 nhà vua vẫn nói dối. Đến lần thứ 5, thứ 6 nhà vua vẫn nói dối thì bị hút xuống lòng đất.

Vì vậy khẩu nghiệp bất thiện, đặc biệt là lời nói dối cho quả rất là xấu. Quả xấu nặng hay nhẹ phụ thuộc vào người mà mình nói dối. Như người có giới đức, có ơn với mình như cha mẹ, thầy tổ thì lời nói dối đến những vị đó, những lời nói chia rẽ, cay độc có hậu quả rất là nặng. Vì thế, là người con Phật, ta nên để ý khẩu nghiệp, đặc biệt là đối với những người có công ơn, ân đức với mình.

Trên đây là khẩu nghiệp bất thiện. Còn đối với khẩu nghiệp thiện cũng có những quả rất là lớn. Đối với loài súc sinh, vào thời trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện, trong làng có 1 người nông dân nuôi bò làm ruộng, trong nhà có 1 con chó. Vào thời không có Phật Toàn Giác cũng có những vị xuất gia tu hành, đặc biệt là những vị ẩn sĩ gọi là Phật Độc Giác. Khu này thường có những vị Phật Độc Giác đến khất thực từ những dãy núi. Và có 1 vị Phật Độc Giác thường đến nhà người nông dân để khất thực, khi đó con chó trong nhà hay đi cùng Ngài và hay đi trước để dẫn đường Ngài, cũng như sủa đuổi các loài vật khác như rắn, chồn… Nên sau khi chết con chó sinh lên cõi trời Tam Thập Tam (Tāvatiṃsā), đặc biệt có tiếng nói rất là lớn. Nên khi trên đó có việc gì cần thông báo, như thông báo nghe Pháp, thì vị thiên này có giọng rất hay, rất lớn là người thông báo cho tất cả Chư thiên đến hội họp. Đây là quả báu do khẩu nghiệp thiện dẫn đường cho Đức Phật Độc Giác.

Tương tự như vậy, ở loài người thì khẩu nghiệp thiện cũng rất nhiều. Chẳng hạn như liên quan đến những bài pháp thoại này, thì Ngài và Sư có sự liên lạc với nhau qua điện thoại nói về Pháp, tất cả những lời nói đó là khẩu nghiệp thiện. Vào thời Đức Phật, các đệ tử của Ngài vâng lời Đức Phật, các vị ấy thuyết pháp… cũng là khẩu nghiệp thiện. Những giáo viên dạy học trò làm điều hay lẽ phải cũng là khẩu nghiệp thiện. Trong gia đình, con cái vâng lời cha mẹ, khi bố mẹ gọi thì dạ, vâng, cung kính, lễ phép với bố mẹ, người lớn, thì tất cả lời nói này là khẩu nghiệp thiện.

NGAI TAM TANG 10 VA SU THIEN DUC 1
Ngài Tam Tạng 10 Bhadanta Sundara thuyết Pháp, Sư Thiện Đức Kusalaguṇa Bhikkhu hỗ trợ dịch Việt

Còn đối với ý nghiệp, ý nghiệp cũng có 2 loại là ý nghiệp thiện và bất thiện. Ý nghiệp là những suy nghĩ ở trong tâm thôi, có sự cố ý cũng tạo ra ý nghiệp. Với ý nghiệp bất thiện cũng mang những hậu quả rất lớn. Như vị tỳ khưu Devadatta khi tu tập cũng chứng những tầng thiền và đắc thần thông. Nhờ thần thông đó khiến cho vị này trở nên cao ngạo, và suy nghĩ bây giờ ta đã có thần thông, cũng có thể bay, biến hóa, giờ ta cũng có thể lãnh đạo hội chúng, không cần Đức Phật nữa. Đây là ý nghiệp bất thiện, nên những suy nghĩ này đã làm cho các thần thông của ông không còn nữa.

Không chỉ ở cõi người, mà ở cõi trời cũng có thể tạo ý nghiệp bất thiện. Có những vị chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Catumahārājika), họ có những suy nghĩ bất thiện như ganh tị đối với 1 vị thiên khác. Trên cõi trời này họ có thể hội họp với nhau, nhìn thấy nhau, và 1 số vị thiên nhìn thấy các vị thiên khác đẹp đẽ hơn, có hào quang sáng hơn thì họ khởi lên tâm ganh tị, và tâm ganh tị đó có gốc là tâm sân. Chính tâm sân làm cho sự ganh tị sinh khởi, từ đó làm cho sắc thân của họ trở nên xấu xí, héo mòn, dẫn đến cái chết của vị thiên đó. Ở cõi người có những người sân hận cũng bị huyết áp cao, đột quỵ… là do cơn sân quá mạnh, nó làm đảo lộn tứ đại trong cơ thể, làm cho người đó bệnh tật và chết. Con người thì không có trường hợp ganh tị rồi cơ thể héo tàn và dẫn tới cái chết, nhưng trên cõi Tứ Đại Thiện Vương thì có. Đây là quả của ý nghiệp bất thiện.

Ngoài ra, ý nghiệp cũng có những dạng khác nữa. Như suy nghĩ hay nghi ngờ rằng thế giới này do 1 đấng tạo hóa tạo ra hay sao, hay thế giới này luôn thường còn, hoặc suy nghĩ rằng trên đời này không có gì là thiện ác hết, ai cũng như nhau. Suy nghĩ này trong Phật Giáo gọi là tà kiến, đây là 1 dạng ý nghiệp bất thiện.

Hay là suy nghĩ rằng ở đời làm gì có công ơn cha mẹ, họ cũng là người mình cũng là người làm gì có công ơn, và làm gì có kết quả tốt đẹp khi thể hiện sự tri ân, báo ơn. Chính vì thế tạo nên ý nghiệp bất thiện. Trong Phật Giáo gọi là tà kiến, thấy sai chấp lầm tạo nên ý nghiệp bất thiện.

Cho nên trong bộ Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật có khuyên rằng 1 người bình thường không nên suy nghĩ về quả của nghiệp, vì ranh giới về quả của nghiệp rất rộng lớn, rất khó hiểu, người bình thường không hiểu được dẫn đến 1 tâm nghi ngờ không cần thiết, làm cho tâm bất an. 

Có 1 câu chuyện vào thời Đức Phật, có 1 người không giàu cũng không nghèo lắm. Người này có 1 người con trai, người con trai bị bệnh. Mặc dù không giàu lắm nhưng cũng đủ tiền mời thầy thuốc đến chữa bệnh, nhưng ông ta không làm vậy mà tìm mọi cách để tự chữa cho người con trai, nhưng khả năng có hạn nên ông không chữa được. Bệnh người con trai ngày càng nặng.

Khi người thanh niên này nằm trên giường bệnh, Đức Phật cùng với Chư Tăng đang đi khất thực, và nhận thấy người thanh niên này nhân duyên đã đến, nên Ngài và Tăng Đoàn đi tới và tỏa ra ánh hào quang để người thanh niên này nhận biết được. Khi người thanh niên thấy ánh hào quang thì mới quay người ra ngoài đường, thấy Đức Phật, lúc này người thanh niên không còn đủ sức đứng dậy chắp tay đảnh lễ, nhưng trong thâm tâm người thanh niên này có 1 suy nghĩ rằng “Bạch Đức Thế Tôn, con vốn sinh ra trong 1 gia đình tà kiến, không có bố thí, trì giới, hôm nay con chỉ có thể cung kính Ngài ở trong tâm thôi”. Khi Đức Phật biết tâm ý của người thanh niên rồi, Ngài và Tăng đoàn đi qua nhà bên cạnh để khất thực. Và người thanh niên đã qua đời, lên trời làm 1 vị thiên nam rất nhiều tùy tùng, đây là nhờ ý nghiệp thiện, mặc dù người này không có cơ hội giữ giới, bố thí, hành thiền, nhưng nhờ ý nghiệp thiện trên mà được sinh thiên và có nhiều tùy tùng.

Như Ngài đã dạy chúng ta, nghiệp tức là tư tác, nên khi tư tác của chúng ta thiện lành thì sẽ có quả thiện lành. Khi tư tác không thiện lành thì quả không tốt đẹp. Đây là 1 quy luật mà chúng ta cần ghi nhớ.

Trên đời, đối với những bậc Thánh nhân, việc thân cận với minh sư thiện hữu thì không cần thiết lắm. Còn với người thường như ta thì minh sư thiện hữu rất quan trọng, kể cả loài vật cũng cần minh sư thiện hữu. Trong Phật Giáo có 1 câu chuyện liên quan đến 2 con chim két con. Khi đó 2 con chim bị 1 cơn gió lớn thổi bay đi, 1 con rơi vào nhà tên tướng cướp, 1 con rơi vào cái cốc của 1 vị ẩn sĩ. Lớn lên trong 2 ngôi nhà này, bản chất 2 con chim khác nhau. Một hôm nhà vua đi vi hành qua nhà tướng cướp, thì con chim két trong nhà này thấy nhà vua có nhiều đồ trang sức, vàng bạc quý giá và nó kêu lên “có rất nhiều châu báu, ta hãy lấy đi, ta hãy cướp đi”. Khi nhà vua nghe vậy bèn đi nơi khác. Đến cốc của vị ẩn sĩ, con chim két mới nói “ghế đây, mời Đại Vương ngồi; nước đây, mời Đại Vương uống”. Điều đó nói lên rằng minh sư thiện hữu rất quan trọng, ảnh hưởng tâm tính mình rất nhiều, ngay cả loài vật cũng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt những đứa trẻ, người con còn trẻ thì sự gần gũi với cha mẹ, thầy cô giáo tốt là rất quan trọng. Vì khi gần gũi như vậy có ảnh hưởng thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ sống trong gia đình giáo dục tốt thì nó có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp rất thiện lành. Nên bên Myanmar con trai, con gái còn nhỏ thường được bố mẹ khuyến khích vào chùa tu gieo duyên, hoặc có những lớp học Phật pháp trong chùa họ cho con cái vào học. Thậm chí trong trường học cũng có những bài kinh Phật, như kinh Hạnh Phúc (Maṅgala-sutta)… Trước khi người ta chào cờ, người ta cũng thọ trì tam quy ngũ giới. Đây là văn hóa bên Myanmar, nhờ vậy mà những đứa bé bên đấy rất thiện lành ngay từ khi còn trẻ. Nên Ngài cũng khuyên, nếu mình có con nhỏ thì nên tập cho con mình dần với những lớp học Phật Pháp, như ở Việt Nam có những khóa tu mùa hè, gửi con vào đó để các em có những bài học thiện lành từ rất sớm, từ đó các em có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp thiện lành.

Nói về nghiệp, sự vận hành của nghiệp rất phức tạp. Nếu chúng ta không hiểu vấn đề 1 cách tường tận thì dễ bị băn khoăn. Như trên đời có những người suốt đời làm thiện nhưng cuộc đời họ không tốt đẹp lắm. Với những người này, mặc dù làm thiện và ai cũng biết, nhưng kết quả không như ý muốn, thật ra sự vận hành của nghiệp không phải ở đời này, mà do đời trước trổ quả, còn nghiệp đời này chưa có cơ hội trổ quả, nó chưa được rõ ràng lắm cho mình hiểu. Nên, có những người đời này làm việc thiện lành mà toàn gặp điều xấu, thực ra đây là do quả của đời trước chứ không phải do đời này, nghiệp đời này chưa cho quả, cuộc đời người đó vẫn đang gặt hái quả trong kiếp quá khứ. Nên trong bài kinh Subha-sutta thuộc Trường Bộ Kinh, Đức Phật có giải thích rõ về quả của nghiệp. Bài kinh này rất rộng, nếu có điều kiện Ngài sẽ có 1 bài giảng riêng, các bạn cũng có thể tự tìm hiểu. Tại sao con người khi sinh ra có người khỏe mạnh, có người bệnh tật, có người xinh đẹp, có người xấu xí…, thì các bạn có thể tự tìm hiểu bài kinh này.

Chính vì vậy, thiện nghiệp của bố thí, trì giới có khi không được chắc chắn, bảo đảm lắm. Như trường hợp vua Asoka, vua có công lớn với Phật Giáo, là người hộ độ cho cuộc kết Tam Tạng lần thứ 3, có công lớn trong việc hoằng dương Phật Pháp, đã xây dựng bao nhiêu chùa tháp, giếng nước cúng dường cho Tăng Đoàn. Nhưng quả của nghiệp trong đời này không có trổ, lúc lâm chung nhà vua có những suy nghĩ không thiện lành lắm, nên khi băng hà nhà vua tái sinh làm kiếp con trăn. Nên mặc dù kiếp này nhà vua rất nhiều công đức, chỉ có 1 suy nghĩ không thiện lành trước khi qua đời thôi, mà bị đọa xuống cõi súc sinh làm con trăn. Nên mới nói, những công đức như bố thí, trì giới là không chắc chắn. Vua Asoka sau kiếp con trăn thì có thể tái sinh vào cõi thiên. Nên bài giảng hôm qua, Ngài đã nói nghiệp chắc chắn nhất là Thánh Đạo, đặc biệt khi 1 hành giả chứng đắc Thánh Đạo Tu Đà Hoàn mới chắc chắn chấm dứt con đường xuống cảnh khổ. Ngay cả những người tu tập thiền định, sau khi chứng đắc các tầng thiền thì kiếp  sau chắc chắn lên cõi trời phạm thiên (nếu các tầng thiền đó không bị mất); nhưng hết kiếp đó, có thể xuống cõi người hay súc sinh nào đó. Cho nên, luân hồi khắp nơi, chỉ có thiện nghiệp Thánh Đạo mới có thể chắc chắn chấm dứt sinh tử luân hồi.

Con đường mà Đức Phật dạy là giúp chúng ta tái sinh cảnh giới an vui như cõi trời, cõi người và cuối cùng chấm dứt khổ sinh lão bệnh tử. Con đường Ngài dạy là con đường Giới – Định – Tuệ. Giới giúp 1 người huấn luyện thân, khẩu mình thiện lành. Ý nghiệp phải nhờ sự tu tập thiền định mới giúp ý nghiệp thiện lành. Sau khi có giới, có định, tam nghiệp, thân, khẩu, ý thiện lành rồi thì Đức Phật dạy Thiền Minh Sát Tuệ Vipassanā. Thì chỉ có Thiền Minh Sát Tuệ Vipassanā mới giúp ta chấm dứt tử sinh luân hồi, sanh già bệnh chết.

Chính vì vậy, Ngài khuyên chúng ta, nhất là với những người bận rộn công việc hàng ngày. Bởi công việc bận rộn, có thể ở nhà hay công ty, trong công việc có thể có lời nói không trung thực, lời nói vô ích không mang lại lợi ích, giới có thể không đứt nhưng bị ô nhiễm, bị lủng… Hoặc vì công việc làm ăn có thể phạm giới này giới kia, nhưng 1 người hiểu biết Phật Pháp sau 1 ngày làm việc, trở về nhà, công việc đã xong xuôi, không còn bận rộn, ta nên tranh thủ 1 ngày khoảng nửa tiếng đồng hồ vào buổi tối. Đầu tiên ở 1 nơi thích hợp, hoặc trước bàn thờ Phật ta tưởng nhớ đến Đức Phật, suy nghĩ về ngũ giới, có thể phát nguyện: con xin nguyện thọ trì tam quy và ngũ giới; khi có tác ý quy y Tam Bảo, tác ý giữ giới thì giúp giới mình được củng cố và trong sạch hơn. Giống như trải qua 1 ngày làm việc áo quần bị dơ, khi về nhà phải giặt giũ. Thì tương tự như vậy, tam nghiệp thân, khẩu, ý bị hoen ố phải làm sạch bằng cách thọ trì tam quy, ngũ giới như vậy.

Sau khi phát nguyện thọ trì tam quy và giữ ngũ giới như vậy, ta có thể thực hành phương pháp mà 3 đời Chư Phật đều thực hành là quan sát hơi thở vào ra như những ngày qua Ngài đã chỉ dạy. Sau khoảng 20-30p hành giả thực hành thiền hơi thở như vậy, sẽ nhận biết cảm giác, cảm thọ, có thể là đau nhức nơi chân, hay cảm thấy ở 1 nơi nào đó trên cơ thể có cảm giác khó chịu, ta không chú ý hơi thở nữa mà chuyển qua quan sát cảm giác cảm thọ đó ở trên thân, dù là cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Khi quan sát như vậy, nên nhận biết và tác ý rằng cảm giác này không phải là ta, không phải của ta, cũng không phải người đàn ông, đàn bà hay 1 chúng sinh nào cả, mà chỉ là 1 hiện tượng tâm lý mà thôi.

Nếu hành giả nào khi quan sát cảm thọ mà không thấy rõ ràng, hoặc thấy tâm không được an trú lắm thì có thể thực hành 1 đề mục khác. Bởi vì cảm thọ thuộc về tinh thần, thuộc về tâm, nên vi tế hơn sắc pháp. Sắc pháp là vật chất trong thân của mình, thì có tứ đại đất nước lửa gió. Đề mục quan sát tứ đại này bên Myanmar Ngài Ledi Sayadaw rất nổi tiếng ở đời vua Mindon cách đây khoảng 100 năm, Ngài rất lỗi lạc về cả pháp học và pháp hành. Ngài ấy cũng là thầy của những vị thầy của thiền sư Goenka, Ngài đã dạy về đề mục tứ đại này rất rõ. Giờ Ngài đây sẽ giải thích rõ hơn về đề mục tứ đại này để chúng ta có thể thực hành.

Đối với 1 hành giả khi thực hành Thiền Minh Sát Tuệ phải phân biệt 2 sự thật: sự thật tương đối (paññatti – chế định) và sự thật tuyệt đối (paramattha – chân đế). Sự thật tương đối (chế định) là những tên gọi mà chúng ta gọi hàng ngày, hay những đề mục thiền định cũng là đề mục chế định. Như hơi thở trong thiền định thì 1 hành giả thấy 2 luồng gió đi vào đi ra, gọi là chế định, hay là đề mục thiền Kasiṇa (biến xứ) như 1 dĩa đất cũng là đề mục chế định. Về sự thật tuyệt đối (chân đế) là danh pháp, sắc pháp, vì nó có những đặc tính chân thật, đúng đắn, không phải qua tên gọi do mình đặt ra. Như 1 bình nung bằng đất (bình đất) thì đất là sự thật tuyệt đối, vì nó có tính chất cứng mềm khi ta chạm vào, ai cũng thấy như vậy – đây là sự thật tuyệt đối. Còn cái bình là sự thật tương đối thôi, vì từ xa xưa tên của nó được những người trước mình đặt như vậy, tên gọi đó là sự thật tương đối thôi, vì chỗ này gọi là bình đất nhưng ở chỗ khác gọi là tên khác, nó chỉ là sự thật tương đối để giao tiếp, trao đổi với nhau thôi.

Cho nên tên bình đất là nó được phát sinh dựa vào yếu tố đất của cái bình, thì khi dựa vào yếu tố đó, hình dáng đó người ta mới gọi tên là bình đất. Tương tự như vậy, dựa vào danh pháp (nāma), sắc pháp (rūpa) này mà có những cái tên như đàn ông, đàn bà, người này người kia… Dựa vào danh sắc này, thân tâm này mà có những tên gọi ông A, ông B, đàn ông, đàn bà… Đàn ông, đàn bà, ông A, ông B là sự thật tương đối, còn danh pháp, sắc pháp là sự thật tuyệt đối.

Cho nên, với 1 hành giả khi hành thiền, chúng ta không tìm sự thật tương đối, chỉ tìm sự thật tuyệt đối thôi. Vì sự thật tương đối nó không có thật, chỉ là tên gọi, là chế định. Khi hành thiền mình tìm sự thật tuyệt đối là danh pháp, sắc pháp. Để bắt đầu thì cái gì rõ ràng nhất là tứ đại – đất, nước, lửa, gió. Trong thân mình những gì cứng như tóc, lông, móng, răng, da… có tính chất cứng rắn là đất. Còn những vật thể có tính chất rò rỉ, chảy nước thì gọi là nước, ví dụ như máu, mồ hôi, nước mắt… Trong người cũng có sức nóng, như khi quan sát hơi thở thì thấy yếu tố nóng ấm ở chỗ tiếp xúc hơi thở với lỗ mũi, hay khi sờ lên trán thì thấy ấm, nóng. Nhiệt độ trong cơ thể gọi là yếu tố lửa. Yếu tố gió thì, hơi thở là gió, sự vận chuyển trong cơ thể mình cũng là gió, trong kinh nói có 6 loại gió trong cơ thể mình, trong đó có hơi thở của mình. Khi hành giả quan sát tứ đại sẽ thấy rõ những đặc tính của tứ đại này, đất thì thấy cứng mềm, nước thì thấy sự trôi chảy, rò rỉ; với lửa sẽ thấy nóng, mát, lạnh; với yếu tố gió thì thấy đặc tính chuyển động.

Ngai Tam Tang 10 Sundara

Ở trên đời, khi nhìn thấy 1 người thân thể không hoạt động được nữa là chết. 1 người sống lâu 100 tuổi khi không còn thở nữa cũng gọi là chết. Từ khởi nguyên của thế giới này, con người sống rất là lâu nhưng hết tuổi thọ thì họ chết, còn hiện tại tuổi thọ chỉ tầm 75 tuổi, có người thì sống hết tuổi thọ, có người sống quá tuổi thọ đó, nhưng cũng có người chưa đến 75 tuổi thì chết rồi. Sự chết này gọi là sammuti maraṇa, sự chết chế định. Một người không còn thở nữa thì người ta gọi là chết. Còn với người tu tập Thiền Minh Sát Tuệ thì thấy cái chết trong từng khoảnh khắc, khaṇika maraṇa. Khi hành giả quan sát liên tục những đặc tính của tứ đại đất nước lửa gió thì thấy rằng đất nó chấm dứt rồi yếu tố khác sinh khởi, có thể là đất hoặc nước, gió, lửa. Khi nhận biết như vậy, trí tuệ hành giả dần rõ ràng hơn, nhờ sự quan sát liên tục, thấy sự diệt của các yếu tố này liên tục. Nên thấy rõ cái chết trong từng khoảnh khắc, khaṇika maraṇa.

Ngài sẽ nói thêm 1 chút về khaṇika maraṇa, cái chết trong từng khoảnh khắc. Trong thời thiền, chúng ta sau khi quan sát hơi thở vào và hơi thở ra, rồi quan sát cảm thọ. Khi quan sát cảm thọ như vậy, có khi mình thấy độ cứng của sàn nhà với mông mình, khi thấy như vậy 1 yếu tố khác sinh khởi, ví dụ tâm hướng qua chuyển động của hơi thở, thì khi đó yếu tố đất không còn nữa, mà yếu tố chuyển động, hay gió đang sinh khởi. Khi quan sát yếu tố gió sinh khởi như vậy, có 1 tâm khác nó nhận biết yếu tố nóng xuất hiện ở 1 nơi nào đó trên cơ thể, thế thì yếu tố gió mất đi rồi; khi này cái tâm nhận biết yếu tố lửa. Khi nhận biết yếu tố lửa như vậy, thấy mồ hôi toát ra, tâm chuyển qua quan sát mồ hôi chảy ra, khi đó yếu tố lửa không còn nữa, nó đã biến mất. Khi đó yếu tố nước đang có mặt, là mồ hôi mà hành giả đang quan sát. Khi hành giả có sự quan sát liên tục, chánh niệm liên tục, sẽ thấy sự sinh diệt của các yếu tố đất nước lửa gió xảy ra liên tục, dù chỉ trong 1 thời thiền rất là ngắn.

Với hành giả nào khi thực hành đề mục cảm thọ, hoặc là không nhận biết cảm thọ vì cảm thọ không rõ ràng, hoặc tâm bị tán loạn do 1 lý do nào đó, không quan sát được cảm thọ, thì có thể quan sát sự chuyển động hơi thở vào ra ở điểm tiếp xúc với mũi; sự chuyển động đó là yếu tố gió. Đó cũng là 1 trong những cách thực hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Tóm lại, đối với những hành giả trong 1 thời thiền 1 tiếng đồng hồ, thì thiền hơi thở 30p rồi chuyển qua Thiền Minh Sát Tuệ. Nếu với đề mục cảm giác rõ ràng thì hãy quan sát cảm giác, cảm thọ đó với 1 trong 3 phương diện vô thường, khổ, vô ngã. Còn nếu những cảm giác đó không rõ, hay không chú tâm quan sát được thì có thể thực hành thiền tứ đại, bắt đầu với đề mục gió, tức là sự chuyển động của hơi thở vào ra ở điểm tiếp xúc với mũi, và có thể di chuyển tâm mình đến những đề mục tứ đại khác nếu nó sinh khởi rõ ràng. Nếu có thể quan sát tứ đại đó và thấy rõ sự sinh diệt của chúng trong từng sát-na, thì hành giả có thể nói là trí tuệ ngày càng mạnh hơn, rõ ràng hơn. Hành giả khi có được giới, định và thiền minh sát như vậy, trong cuộc sống hàng ngày mặc dù trải qua khó khăn thăng trầm trong cuộc sống, hoặc gặp khổ thọ thì chỉ nhận biết rõ những cảm thọ đó thôi. Cũng như là chỉ bị trúng 1 mũi tên thôi, còn mũi tên thứ 2 hành giả sẽ tránh được, vì có sự hiểu biết về sự sinh diệt của tứ đại, của cảm thọ rồi, tâm hành giả được an trú hơn mà không bị đau khổ bởi mũi tên thứ nhất, đó là những cảm giác thường tình khi mà có cái thân này.

NGAI TAM TANG HUONG DAN THIEN
Ngài Tam Tạng 10 Hướng Dẫn Hành Thiền Quan Sát Hơi Thở Ānāpāna, Thiền Vipassanā Đề Mục Quán Tứ Đại & Quán Thọ

Sau đây, chúng ta như thường lệ sẽ có 1 thời thiền. Trước khi thời pháp bắt đầu, chúng ta đã xin thọ trì tam quy và ngũ giới. Giới mình đã trong sạch, thì khi chúng ta thiền sẽ giúp ta phát triển được định phần và tuệ phần. Như những ngày trước, chúng ta bắt đầu với đề mục hơi thở vào hơi thở ra. Nếu 1 thời thiền 10p chúng ta sẽ quan sát hơi thở 5-7 phút rồi chuyển qua quan sát cảm giác, cảm thọ, hoặc 1 đối tượng nào thuộc về tứ đại đất, nước, gió, lửa như Ngài mới trình bày. Có thể quan sát những đối tượng đó nếu nó khởi sinh rõ ràng, nó khiến tâm hướng về thì hãy quan sát đối tượng đó. Nếu quan sát được như vậy hành giả sẽ phát triển được tuệ phần. Để kết thúc thời pháp hôm nay, Ngài cầu chúc cho mọi người với sự thực hành như vậy, mọi người được thân khẩu ý thiện lành, và có được sức khỏe bình an, thuận duyên trong cuộc sống.

Hãy ngồi thoải mái thư giãn, nhắm mắt ngậm miệng, giữ lưng thẳng đứng nhưng không gồng mình. Để tâm trước mặt hướng đến hơi thở ở điểm tiếp xúc giữa hơi thở và lỗ mũi. Khi thở vào biết rõ hơi thở đang đi vào, khi thở ra biết rõ hơi thở đang đi ra. Khi quan sát như vậy, nếu có 1 đối tượng sinh khởi như âm thanh, cảm giác ở thân, suy nghĩ trong đầu, thì đừng quan tâm đối tượng đó mà quay lại quan sát hơi thở vào ra ở điểm tiếp xúc giữa hơi thở với lỗ mũi. Nếu như hơi thở không rõ ràng hoặc tâm không được an trú trên hơi thở, hành giả có thể đếm hơi thở vào, hơi thở ra. Vẫn quan sát hơi thở ở điểm tiếp xúc, đồng thời đếm 1 khi hít vào thở ra, đếm 2 khi hít vào thở ra, cho đến không quá 10 và không dưới 5. Có thể đếm đến 7, hoặc 8, để dễ nhớ ta nghĩ trong đầu 7 là tượng trưng cho Thất Giác Chi, 7 yếu tố giúp giác ngộ, hay số 8 là Bát Chánh Đạo, bởi chúng ta đang thực hành Bát Chánh Đạo. Quan sát và đếm hơi thở từ 1 đến 7 hoặc 8 như vậy, sau đó quay lại đếm từ 1. Được 1 lát khi tâm tương đối ổn định rồi thì ta có thể không cần đếm nữa, chỉ chú tâm quan sát hơi thở vào ra mà thôi. 

Quan sát hơi thở thấy tâm ổn định rồi, hoặc có những cảm giác đau nhức bắt đầu xuất hiện thì chuyển qua quan sát cảm giác, không quan sát hơi thở nữa, tức là chuyển qua thực hành Thiền Quán. Khi Thiền Quán ta thực hành như nãy Ngài giải thích, quan sát cảm giác nổi trội nhất trong cơ thể mình. 

NGAI TAM TANG CHUC PHUC
Ngài Tam Tạng 10 Tụng Kinh Chúc Phúc

Để kết thúc thời pháp và hành thiền hôm nay, Ngài sẽ đọc 1 bài kệ ngôn để chúc phúc cho tất cả chúng ta trong zoom và người Việt, cũng như mọi người trên thế giới để tất cả mọi người được nhiều hạnh phúc, an vui. Bài kệ này có nghĩa là: Đức Phật không thể nào bị 1 ai hãm hại, mà các Đức Phật tự mình tịch diệt Niết bàn; do chân ngôn này cầu chúc cho chúng ta được nhiều an lành.

Ngài cũng cầu chúc rằng, cũng như những diệu năng của Phật Pháp, sự thực hành của tất cả Phật tử, thực hành giới – định – tuệ rất quan trọng vì mang lại diệu năng cho thân, khẩu, ý mình được trong sạch. Ngài cầu mong tất cả mọi người tinh tấn và thuận duyên thực hành giới – định – tuệ. Sādhu, lành thay!

Ngai Tam Tang 351
Ảnh Ngài Tam Tạng 10 và 8 Vị Tam Tạng Khác Đến Việt Nam Năm 2019

Phát Nguyện và Hồi Hướng:

Những phước thiện mà chúng con đã làm – phước thiện chắp tay lễ bái, cung kính Chư Tăng; phước thiện thọ trì Tam Quy và Ngũ giới; phước thiện nghe Pháp, phước thiện hành thiền và những phước thiện khác mà chúng con đã làm, nguyện sẽ là duyên lành, hỗ trợ chúng con thành tựu những quả phước thế gian như sống lâu, sắc tốt, an vui, sức khoẻ và có trí tuệ, cũng như những quả phước xuất thế gian, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, đoạn tận khổ ưu, luân hồi trong tam giới.

IMG 6866
Ảnh Ngài Tam Tạng, Sư Thiện Đức cùng Tăng đoàn và các Phật tử đến thăm viếng 1 Thánh tích tại Sri Lanka

Chúng con xin thành tâm, hồi hướng tất cả những phước thiện này, đến cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, thầy tổ bạn hữu, cùng tất cả thân quyến hiện tiền cũng như đã quá vãng, và đến tất cả chúng sinh, nhất là Chư thiên hộ trì mỗi chúng con, Chư thiên hộ trì tư gia của chúng con, Chư thiên hộ trì Phật Giáo, Chư thiên và Phạm thiên ở trong tam giới, nguyện mong tất cả hoan hỉ những phần phước thiện này, để an lạc tiến hoá và lợi ích lâu dài, và cầu mong Quý vị hoan hỉ mách bảo cho tất cả thân quyến của chúng con đã quá vãng trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại, và đặc biệt đến tất cả những bệnh nhân tử vong vì Covid, hay biết, hoan hỉ và thọ nhận những phần phước thiện này rồi, được thoát khỏi mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài. Và cầu mong Quý vị hoan hỉ hộ trì cho tất cả chúng con cũng như thân quyến của chúng con, tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, để thành tựu mọi hạnh phúc ở cõi người, hạnh phúc ở cõi trời và hạnh phúc cao thượng Niết Bàn cho được như ý nguyện. Cầu mong tất cả hoan hỷ những phước thiện này, đồng đều nhau cả thảy. Sādhu Sādhu Sādhu! 

 

Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Thứ 10 (Bhadanta Sundara – Sunlun Tipiṭaka Sayadaw, Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng, Bậc Gìn Giữ Kho Tàng Pháp Bảo), giảng dạy Dhamma và hướng dẫn thực hành thiền. Sư Thiện Đức (Kusalaguṇa Bhikkhu) hỗ trợ chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bản đánh chữ tốc ký được thực hiện bởi cận sự nam Vũ Thái Bình.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app