Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Về Cách Báo Hiếu Của Đức Phật & Ý Nghĩa Bài Kinh Ngài Đã Thuyết Tế Độ Vua Cha

Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Về Cách Báo Hiếu Của Đức Phật & Ý Nghĩa Bài Kinh Ngài Đã Thuyết Tế Độ Vua Cha

 

  • 0:00 Tụng kinh Pali 
  • 4:18 Thọ trì tam quy và ngũ giới
  • 8:47 Tác bạch và đảnh lễ Phật
  • 13:26 Giảng giải về lịch sử Đức Phật lần đầu về thăm vua cha
  • 20:15 Giảng giải về 9 lần thỉnh mời Đức Phật về hoàng cung không có vị nào trở về 
  • 25:50 Giảng giải về lần thỉnh mời Đức Phật thứ 10 của Ngài Kāḷudāyī 
  • 36:15 Giảng giải về 7 người và vật cùng sinh với Đức Phật và những tích truyện liên quan
  • 1:11:47 Đức Phật nhận lời thỉnh cầu trở về hoàng cung của ngài Kāḷudāyī và hành trình trở về
  • 1:20:19 Giảng giải về hai loại hành trình của Đức Phật Turita jarika -hành trình nhanh và aturita jarika – hành trình chậm và tích truyện hóa độ ngài Angulimala
  • 1:32:39 Những tích truyện liên quan đến hành trình chậm, và những thuận duyên đem lại khi được cúng dường tới Đức Phật
  • 1:42:30 Hành trình Đức Phật trở về hoàng cung và sự dâng cúng tu viện Nigrodhārāma
  • 1:53:28 Giảng giải về văn tuệ sutamayañāṇa, tư tuệ – citamayañāṇa, tu tuệ – bhāvanāmayañāṇa và mối liên hệ giữa chúng
  • 2:05:17 Thực hành quan sát đề mục hơi thở 
  • 2:19:04 Lời chúc phúc của Ngài tam tạng
  • 2:22:25 Chia phước và hồi hướng

Hôm nay là ngày 20 tháng 3 năm 2022, vào buổi chiều lúc 3h30 giờ Việt Nam (3h giờ Myanmar) là thời gian chúng ta cùng nhau nghe Ngài Tam tạng 10 thuyết pháp để cho sự hiểu biết của chúng ta được thêm tăng trưởng và đặc biệt là cầu nguyện cho dịch bệnh được qua nhanh. Đồng thời cũng tạo duyên lành để cho chư Phật tử hiểu biết thêm và giáo pháp của Đức Thế Tôn, qua đó có thể tu tập và đạt đến giải thoát Niết bàn. Cho nên ban tổ chức đã thỉnh mời Ngài Tam tạng 10 ban bố cho chúng ta bài pháp thoại chiều hôm nay với đề tài: Lần đầu tiên Đức Phật trở về thăm vua cha để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. 

Và trước hết tất cả chúng ta cùng nhau niệm ân đức Phật là bậc đã giác ngộ và ban bố giáo pháp bất tử đến cho tất cả chúng sinh  

Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)

Chư Phật thường có câu mātāpitu guṇo ānando nghĩa là ân đức của cha mẹ là vô bờ bến, cho nên sau khi Đức Phật Gotama thành đạo không lâu, để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, Ngài trở về hoàng cung và trong chuyến đi này đặc biệt là để báo đáp công ơn dưỡng dục của phụ hoàng – tức là vua Suddhodana và cũng để báo đáp công ơn của thân bằng quyến thuộc. Cho nên qua bài pháp hôm nay Ngài tin rằng tất cả Phật tử chúng ta đều có tâm niệm rằng: Ngay cả Đức Phật còn phải báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta là những phàm nhân – điều đó cần phải làm hơn nữa để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, qua đó chúng ta có được sự lợi ích cho chính mình.

Ngay cả khi Ngài còn là một vị Bồ tát thực hành 30 phẩm hạnh ba la mật, mặc dù có những kiếp Ngài tái sinh làm súc sinh do nghiệp lực quá khứ như là Ngài có kiếp làm con chim, có kiếp Ngài làm con khỉ chúa, có kiếp ngài làm con voi chúa. Mặc dù với những kiếp làm súc sinh như vậy nhưng mà Ngài luôn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ

Và khi mà Ngài trở lại làm kiếp người cũng vậy, có một tích truyện tiền thân mà dường như rất nhiều người biết đến đó là câu chuyện tiền thân Suvannasāma. Trong suốt kiếp đó, Ngài không có lập gia đình, ở như vậy để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. 

Và sau khi Ngài thành Phật không lâu, tính từ ngày Đức Phật thành đạo cho đến thời gian Ngài về lại hoàng cung để thăm vua cha là 10 tháng. Cho nên thời gian mà Đức Phật chuẩn bị về thăm vua cha là ngày 15-2 tính theo âm lịch. Bởi vì tuần trước là không có nhằm vào ngày chủ nhật, cho nên hôm nay Ngài mới thuyết bài pháp này. Và như vậy tính cho đến hôm nay là hơn 10 tháng sau khi Đức Phật giác ngộ. 

Trong suốt thời gian Đức Phật thuyết những bài kinh như là Tirokuṭṭa, Dīghanakha mà Ngài Tam tạng đã thuyết trong những bài pháp thoại trước, thời gian Đức Phật thuyết bài kinh này cho ngài Sāriputta, cho ông Dīghanakha, cho vua Bimbisāra, là Ngài đang hoằng pháp tại kinh thành Rājagaha – Vương Xá. Và cũng trong các khoảng thời gian này, ở Kapilavatthu là nơi mà Đức Bồ tát sinh ra, và nơi ấy vua cha đang mong chờ sau khi biết con của mình đã trở thành bậc giác ngộ, đang ở kinh thành Rājagaha của đất nước Ma kiệt đà – Māgadha. Cho nên vua Suddhodana đã sai bảo những vị quan đại thần cùng những đoàn tùy tùng đi thỉnh Đức Phật trở về hoàng cung, và mỗi lần vua Suddhodana bảo một đoàn tùy tùng cùng một vị quan đại thần, những người tùy tùng là 1.000 người. Vua Suddhodana đã sai bảo 9 đoàn tùy tùng như vậy. Như vậy có tất cả 9.000 người tùy tùng với 9 vị quan đại thần đi về kinh thành Rājagaha để thỉnh mời Đức Phật về kinh thành Kapilavatthu

Và 9 lần đều không có ai trở về để báo lại tin cho Đức vua Suddhodana, cho nên vua Suddhodana  mới cử đoàn tùy tùng thứ 10 có vị quan đại thần có vị quan đại thần tên là Kāḷudāyī là một trong bảy người và vật cùng sinh với Đức Bồ tát

Vì sao mà vua Suddhodana cử 9 lần 9 đoàn tùy tùng bao gồm 9.009 người đi thỉnh mời Đức Phật trở về hoàng cung nhưng không có người nào trở về. Bởi vì tất cả những người ở trong 9 đoàn tùy tùng khi đến kinh thành Rājagaha nghe Đức Phật thuyết pháp đều trở thành bậc A ra hán. Và vì sao mà họ không có trở về hoàng cung báo tin cho vua Suddhodana. Bởi vì tất cả những vị này sau khi trở thành những bậc Thánh A ra hán thì những cái phận sự của người đời bình thường thì họ không còn quan tâm nữa, cho nên đã không có thưa với Đức Phật và cũng không có mang tin thỉnh mời Đức Phật về báo cho nhà vua Suddhodana. 

Cho nên vào lần thứ 10 khi cử vị quan đại thần Kāḷudāyī cùng với đoàn tùy tùng để đi thỉnh cầu Đức Phật, nhà vua đã cẩn thận căn dặn lần này chắc chắn phải trở về để báo tin là đã thỉnh mời Đức Phật trở về hoàng cung để cho vua biết được. Và lần thứ 10 này cũng vậy, đoàn tùy tùng được dẫn đầu bởi vị quan đại thần Kāḷudāyī đã đi đến thành Rājagaha đã nghe Đức Phật thuyết pháp và đều trở thành bậc thánh A ra hán. Và đối với vị quan đại thần Kāḷudāyī này là một bậc Thánh A ra hán và đã xuất gia tỳ khưu ở trong giáo pháp của Đức Phật, vì Kāḷudāyī đã có những lời hứa khả với vua Suddhodana cho nên vẫn còn nhớ để bạch với Đức Phật thỉnh cầu Ngài trở về hoàng cung để thăm vua cha. Ngày mà Ngài Kāḷudāyī thỉnh cầu Đức Phật nhằm ngày rằm tháng 2 tính theo lịch Ấn Độ, và tính theo lịch Việt Nam hay là lịch âm của Miến Điện là ngày rằm tháng 2 là thời gian giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân. Nghĩa là ngày rằm tháng 2 theo lịch của Ấn Độ, theo lịch của Myanmar là ngày chấm dứt mùa lạnh hay là mùa đông và chuyển sang mùa xuân. Thực ra ở Myanmar hay Ấn Độ không hẳn là mùa xuân mà có pha thêm mùa hè nữa, không giống như mùa xuân ở Việt Nam mình. Thời gian này là thời gian cây cối hoa lá đều đâm trồi nảy lộc, là thời gian rất mát mẻ. Không những Ấn Độ mà thời gian này từ ngày rằm tháng 2 trở đi là thời gian ở Myanmar cây cối đâm trồi nảy lộc, và Ngài Tam tạng nói rằng ở trong chùa Ngài cũng vậy từ ngày rằm tháng 2 trở đi và có thể gọi là thời gian bây giờ, ở trong chùa cây cỏ hoa lá đâm chồi nảy lộc rất là nhiều

Và ngài Kāḷudāyī đã làm 60 bài kệ ca ngợi để tán thán thời tiết mát dịu, cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc để thỉnh cầu Đức Phật trở về hoàng cung cho nên cứ mỗi bài kệ như vậy, câu kệ phía sau đều nói rằng, lúc này, thời gian này samayo là thời gian thích hợp để Đức Thế tôn trở về quê hương của mình thăm viếng vua cha

Thực ra Ngài Kāḷudāyī đã nói tất cả 64 bài kệ để ca ngợi thời tiết, mùa màng, cây cỏ, hoa lá. Nhưng mà vì người ta thường nó để cho dễ nhớ mà người ta hay nói rằng Ngài Kāḷudāyī nói 60 bài kệ là nói theo số chẵn để cho dễ nhớ, nhưng thực ra Ngài Kāḷudāyī đã nói tất cả 64 bài kệ

Chúng ta có thể hỏi rằng vì sao 9 đoàn tùy tùng đầu tiên cũng là những bậc Thánh A ra hán mà các Ngài không có thỉnh cầu Đức Phật với những bài kệ giống như là Ngài Kāḷudāyī. Ở trong Buddhavamsa một quyển kinh nói về lịch sử của chư Phật thuộc Tiểu bộ kinh đã giải thích rằng bởi vì ngài Kāḷudāyī là một trong bảy người và vật cùng sinh với Đức Bồ tát trong cùng một lúc. Cho nên đó là sự đặc biệt đối với Ngài Kāḷudāyī

Có một danh từ đó là sahajāta thì bảy người và vật sinh cùng lúc với Đức Bồ tát gọi là satta sahajāta, saha là cùng, jāta nghĩa là sinh. Có nghĩa là cùng sinh một lúc với Đức Bồ tát. Và ở trong bộ duyên hệ Patthanā thuộc tạng Vi diệu pháp, nếu như ai có học Vi diệu pháp đặc biệt là có học phần duyên hệ, Đức Phật đề cập đến 24 duyên hệ. Trong 24 duyên hệ này có 1 duyên hệ được gọi sahajāta paccayo duyên cùng sinh . Ví dụ khi một người, một Phật tử tự mình phát nguyện thọ trì tam quy ngũ giới, hoặc tự mình đi mua hoa về cúng Phật hay là tự mình khởi tâm lên để tụng kinh, hành thiền,.. Có một tâm khởi sinh lên trong những người như vậy đó là tâm đại thiện. Tâm đại thiện này có 38 tâm sở cùng sinh lên. Cho lên 38 tâm sở cùng sinh lên với tâm đại thiện gọi là sahajāta

Và như vậy ở trong Vi diệu pháp khi nói đến sahajāta là những tâm sở cùng sinh lên với tâm trong cùng tiến trình tâm trong thời gian rất là ngắn và những pháp nó cùng sinh lên, cùng hỗ trợ với nhau gọi là sahajāta. Nhưng mà ở trong kinh khi nói đến sahajāta cùng sinh có nghĩa là cùng sinh một lúc trong khoảng thời gian. Ví dụ cùng sinh một ngày, cùng sinh một giờ cũng gọi là sahajāta – cùng sinh. 

Cho nên cùng sinh một lúc với Đức Bồ tát có 7 người và vật. Bảy người và vật cùng sinh một lúc với Đức Bồ tát đó là 

  • Ngài Kāḷudāyī – khi chưa xuất gia là vị quan đại thần ở trong hoàng cung và cũng là một người bạn với Đức Phật khi còn thời thơ ấu. 
  • Thứ hai là Ngài Ānanda – một người anh em cùng họ, anh em chú bác với Đức Phật, và sau đó cũng xuất gia
  • Thứ ba đó là công chúa Yasodharā
  • Thứ tư là một vị quan giữ ngựa tên là Channa
  • Thứ năm là con ngựa Kaṇḍaka mà tiếng Việt mình hay phiên âm là ngựa kiền chắc
  • Thứ sáu là cây bồ đề nơi mà Đức Phật giác ngộ
  • Thứ bảy là bốn kho vàng ở trong hoàng cung

Đó là bảy người và vật sinh cùng lúc với Đức Bồ tát nên gọi là sahajāta đồng sinh hay là cùng sinh. Trong 7 người và vật này có thể chia làm 2 nhóm hữu tình và vô tình. Hay nói cách khác là nhóm có thức tính là những chúng sinh và nhóm không có thức tính. Nhóm vô tình hay không có thức tính là cây bồ đề và 4 kho vàng ở trong hoàng cung.

Và nhóm còn gọi là nhóm hữu tình, là nhóm mà có thức tính đó là Ngài Kāḷudāyī, Ngài Ānanda, công chúa Yasodharā, vị quan Channa và sau này cũng trở thành vị tỳ khưu trong giáo pháp và con ngựa Kaṇḍaka. Đây là 5 người và vật thuộc nhóm hữu tình và tất cả những người này đều là những người bạn, những người thân cùng với Đức Bồ tát thực hành ba la mật trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ. 

Ở trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật Ngài có dạy 4 pháp khiến cho những người cùng có một cảnh giới tái sinh hay là cùng làm một công việc đặc biệt là một việc thiện nào đó, giống như là đối với những người đã từng làm vợ, làm chồng thì cũng có 4 pháp đó nó hỗ trợ. Hay là những người bạn cùng nhau thực hành thiện pháp cũng cần có 4 pháp đó hỗ trợ, hay là ngay cả việc thính pháp, giảng pháp trong một hội chúng cũng cần có 4 pháp để hỗ trợ. Nhờ 4 pháp này mà các chúng sinh cùng làm một công việc nào đó, cùng tái sinh vào cảnh giới nào đó đặc biệt là hoàn cảnh, những cảnh giới thiện lành. Bốn pháp đó là cùng giới, cùng tín, cùng thí và cùng trí tuệ sīla, saddhā, cāgā, paññā đó là 4 pháp mà phải có cùng nhau thì khi đó mới dẫn đến cùng hoàn cảnh tái sinh, cùng với một công việc hay cùng làm một thiện sự nào đó

Như trường hợp công chúa Yasodharā và Đức Bồ tát trong rất nhiều kiếp, nhiều kiếp đã cùng nhau thực hành ba la mật, và đặc biệt giờ chúng ta biết trong kiếp Bồ tát lần đầu tiên được vị Phật toàn giác thọ ký đó là Đức Phật Dīpankara – Phật Nhiên Đăng. Khi phát nguyện để trở thành vị Phật toàn giác, Đức Bồ tát khi đó có tên là Sumedha và công chú khi đó có tên là Sumitta. Và trong khi Đức Bồ tát Sumedha phát nguyện trở thành một vị Phật toàn giác, sau khi ngài đã làm thiện sự là đắp đường và nằm xuống đoạn đường chưa nằm xong để Đức Phật và chư Tăng đi qua. Khi mà Đức Bồ tát Sumedha phát nguyện có cầm những hoa sen và ngài cũng đưa cho cô Sumitta những đóa sen để cúng dường lên Đức Phật. Khi đó thì cô Sumitta cũng đã phát nguyện theo Đức Bồ tát để cùng nhau thực hành ba la mậtcho đến khi Đức bồ tát trở thành một vị Phật toàn giác. Trong thời gian đầu tiên đó, giữa hai người đã có một điểm chung, có cùng công việc thiện lành như vậy. Cho nên vào những kiếp sau, hai người đã cùng sinh ra một nơi, một trú xứ, một hoàn cảnh để cùng nhau thực hành ba la mật

Và chúng ta cần nhớ rằng khi đó giữa hai người họ không có phát nguyện vì tâm tham ái, dính mắc mà họ phát nguyện với một tâm trạng có đầy đủ đức tin và giới hạnh

Cho nên những người nữ phát nguyện để cùng nhau thực hành ba la mật cùng với một vị bồ tát, người phụ nữ đó đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hành ba la mật đặc biệt là thực hành bố thí. Bởi vì trong năm pháp đại thí mà một vị Bồ tát thực hành có một pháp đại thí đó là bố thí vợ của mình. Và nếu như người vợ không có chấp nhận để cho Đức bồ tát bố thí thì sự bố thí đó cũng không thành tựu. Cho nên yếu tố đại thí đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ một vị bồ tát thành tựu pháp hạnh bố thí ba la mật, những người – đặc biệc là người vợ phát nguyện cùng Đức bồ tát thực hành ba la mật đóng vai trò rất quan trọng

Cho nên vào kiếp gần như là kiếp cuối cùng của một vị bồ tát, đối với Đức Phật Gotama thì vào kiếp ngài là một vị Bồ tát có tên là Vessantara, ở tích truyện Vessantara thì sau khi Đức bồ tát bố thí ngai vàng, bố thí con voi chúa, bố thí một người con của mình rồi. Khi đó nếu không có một ông bà la môn đến để xin Đức phật người vợ thì Đức bồ tát vẫn khởi lên ý nếu như có ai đó đến xin vợ của mình thì Ngài cũng có thể bố thí.

Và khi ông bà la môn có ý định đến Đức bồ tát Vessantara để xin vợ của ngài, vua trời Đế thích quan sát và biết rằng ông bà la môn này là người có tâm địa độc ác và xuất thân từ một gia đình mê tiền, cho nên vua trời Đế thích đã không có muốn ông bà la môn đến gần Đức bồ tát Vessantara để xin vợ của mình, vua trời Đế thích đã biến thành một người bà la môn đi đến gần Đức bồ tát Vessantara để xin bố thí vợ của ngài. Đó là sự trợ giúp của vua trời Đế thích để cho Đức bồ tát có thể thực hiện được một tronng năm đại thí khi ngài thực hành ba la mật bố thí

Đức bồ tát khi đó suy nghĩ rằng, nay ta đã bố thí con trai, bố thí con gái, bố thí ngai vàng, bây giờ ta nên bố thí vợ của mình để thành tựu pháp hạnh bố thí và Đức bồ tát Vessantara quay ra nói với người vợ của mình: Nay ta đã bố thí con trai con gái và hoàng cung, bố thí cung điện, bố thí ngai vàng. Để thành tựu pháp hạnh ba la mật, nay nàng hãy để cho ta bố thí nàng. Khi nghe Đức bồ tát Vessantara  nói như vậy, vợ của ngài cũng hiểu được ý của ngài và đồng lòng, hoan hỷ đồng ý để cho đức bồ tát đến ông bà la môn

Sau khi bố thí vợ của mình rồi, Đức bồ tát đã lấy một lá sen để bỏ nước vào như là một nghi thức hồi hướng và phát nguyện phước sau khi bố thí. Thời bấy giờ không giống như thời bây giờ, chúng ta hay lấy bình nước để rót nước vào, nhưng mà thời đó ở trong rừng Đức bồ tát chỉ có những lá sen, nên đã đổ nước vào những lá sen và ngài đã phát nguyện và nói lên lời tùy hỷ của mình sau khi bố thí người. Ngài nói rằng nay ta đã bố thí người vợ của mình, đã thành tựu, đã thực hiện pháp bố thí rất là khó để thực hiện. Khi giọt nước rơi xuống đất, Trái đất cũng dường như đồng cảm với tâm nguyện của Đức bồ tát đã rung chuyển

Và ở trong kinh cũng nói rằng sau khi Đức bồ tát Vessantara đã thành tựu sự bố thí người vợ của mình, vua trời Đế thích biết được điều đó, rằng đức bồ tát đã thành tựu pháp hạnh bố thí ba la mật, cho nên ông ta đã biến trở lại thành một vị vua trời, không phải là hình dáng của một vị bà la môn nữa và thưa với Đức bồ tát rằng: thưa ngài, ngài đã thành tựu pháp hạnh bố thí vợ của mình, bây giờ tôi không có cần vợ của ngài nữa, ngài hãy giữ lại vợi của mình, và đừng bố thí cho ai nữa cả. Vua trời Đế thích khiến cho Đức bồ tát hứa khả với lời nói đó sau đó quay sang nói với vợ của ngài rằng. Từ nay về sau, cô hãy ở đây để hỗ trợ, hái trái, hái hoa cúng dường đức bồ tát cho hết cuộc đời của mình. Sau đó Đức bồ tát đã trở về trú xứ của mình. 

Và trong khu rừng đức bồ tát Vessantara đang cư ngụ, có một người thợ săn đã ở gần đó để bảo vệ Đức bồ tát. Vào kiếp đó trong 7 người và vật sinh cùng lúc với Đức bồ tát, có vị quan đại thần tên là Channa – vị quan giữ ngựa. Vị quan giữ ngựa này chính là người thợ săn khi đức bồ tát đang ở trong khu rừng đó

Đây là những người và vật cùng sinh một lúc với Đức bồ tát, là những người có cùng niềm tin và có cùng một giới hạnh rất đặc biệt, không giống như người bình thường. Dù trải qua những cái hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi, dù trong hoàn cảnh nghèo túng hay giàu sang, niềm tin và giới hạnh trong sáng của họ không có bị lu mờ, dù trong hoàn cảnh khó khăn, họ không có vì sự khó khắn đó mà bỏ nhau, hay khi họ ở trong hoàn cảnh sung sướng, thuận lợi, không có vì sự sung sướng thuận lợi mà họ sinh tâm luyến ái, mà tất cả những người này đều hướng tâm đến sự thành tựu quả vị Phật chánh đẳng chánh giác của Đức bồ tát

Cho nên vì ở trong quá khứ nhiều đời, nhiều kiếp cùng giới cùng tín cùng thí và cùng trí tuệ như vậy mà ngài Kāḷudāyī nay là một bậc thánh A ra hán, ngài đã cảm thấy rất thân cận với Đức phật và có thể thưa trình lên Đức Phật để thỉnh Ngài về hoàng cung với 64 bài kệ như vậy

Khi ngài Kāḷudāyī thỉnh cầu Đức Phật với 64 bài kệ ca ngợi về thời tiết, mùa màng cây cỏ hoa lá như vâỵ, Đức Phật đã hỏi rằng này Kāḷudāyī vì sao mà ông nói lên những bài kệ ca ngợi thời tiết mùa màng cỏ cây hoa lá như vậy để thỉnh Như Lai về hoàng cung. Ngài Kāḷudāyī  mới bạch với Đức Phật rằng hiện nay vua cha là ngài Suddhodana đang tuổi già sức yếu cho nên con muốn thỉnh Đức thế tôn trở về hoàng cung để giáo hóa, độ cho vua cha cùng với thân quyến của mình. Và khi đó Đức Phật ngài dạy rằng nếu như vậy hãy đi thông báo chư Tăng để sau ngày rằm tất cả chúng ta cùng nhau trở về kinh thành Kapilavatthu

Khoảng cách giữa kinh thành Kapilavatthu với kinh thành Rājagaha – thành Xá Vệ, khoảng chừng 60 yojana, mỗi yojana là khoảng 7 dặm theo đơn vị đo lường mà chúng ta biết bây giờ. Cứ mỗi yojana như vậy thì Đức Phật và tăng đoàn đi một ngày. Như vậy chúng ta có thể biết được rằng từ kinh thành Rājagaha tới kinh thành Kapilavatthu Đức Phật và Tăng đoàn sẽ đi trong vòng khoảng 2 tháng. Bắt đầu cuộc hành trình vào ngày 16-2 âm lịch, khi đến kinh thành Kapilavatthu có thể là ngày 16-4 âm lịch

Đoàn chư tăng đi theo Đức phật khoảng chừng 20 ngàn vị, trong 20 ngàn vị này như chúng ta đã biết có 10 ngàn vị là ở trong 10 đoàn tùy tùng mà Đức vua Suddhodana đã gửi đi để thỉnh mời Đức Phật, và 10 vị này đều là những bậc Thánh A ra hán xuất gia với Đức Phật theo nghi thức hãy đến đây và Đức Phật chỉ gọi đến đây là những vị đó trở thành vị tỳ khưu. 10 ngàn vị còn lại là ở kinh thành Rājagaha thuộc đất nước Magadha – Ma kiệt đà. Trong 10 ngàn vị này có 3 ngàn vị là trong nhóm đạo sĩ Uruvela-Kassapa mà Ngài đã thuyết ở trong những bài pháp thoại trước, ngoài ra có nhóm đệ tử của hai ngài đệ tử thượng thủ thanh văn của Đức Phật là Ngài Sāriputta và Ngài Moggalāna. Và trong suốt 2 tháng Đức Phật ngự ở kinh thành Rājagaha những vị thiện nam đã xin xuất gia trong giáo pháp của ngài là khoảng chừng mấy ngàn người nữa. Tổng cộng là 10 ngàn vị ở nước Magadha và 10 ngàn vị ở kinh thành Kapilavatthu mà Đức vua Suddhodana đã gửi đi để thỉnh mời Đức Phật nay đã trở thành những vị tỳ khưu A ra hán

Và cứ mỗi ngày Đức Phật và tăng đoàn đi khoảng 1 yojana như vậy. Và hôm nay là ngày 20, Đức Phật và Tăng đoàn đi về kinh thành Kapilavatthu vào ngày 16 và hôm nay là ngày 20, như vậy Đức Phật thời bây giờ đã đi được 4 ngày. Như vậy Đức Phật và tăng đoàn đã đi được đoạn đường 4 yojana

Ở trong bộ chú giải đầu tiên của quyển luật đầu tiên đó là pārājika atthagata có đề cập đến 2 loại hành trình, 2 cuộc hành trình của Đức Phật. Thứ nhất đó là Turita jarika đó là hành trình nhanh và aturita jarika đó là hành trình chậm. 

Khi nào là Đức Phật thực hiện hành trình nhanh Turita jarika. Khi Đức Phật muốn giáo hóa cho một chúng sinh khác, dù ở trong một cảnh giới khác, dù ở trong một thái dương hệ khác rất là xa, Đức Phật vẫn có thể đi đến đó chỉ trong một giây mà thôi, như là một lực sĩ duỗi tay ra mà co tay lại hay khi đang co tay lại rồi duỗi tay ra, trong thời gian rất là ngắn Đức Phật có thể đến đó để giáo hóa cho chúng sinh đó như trong trường hợp giáo hóa con rồng chúa Nandopananda hay là giáo hóa cho vị Phạm thiên tên là Baka ở cõi trời Phạm thiên, Đức Phật đã sử dụng hành trình nhanh Turita jarika để đến đó ở trong một khoảnh khắc rất là ngắn

Ở cõi người cũng vậy, khi Đức Phật muốn giáo hóa cho một người nào đó, Ngài cũng thỉnh thoảng vận dụng thần thông để đi đến. Ngài vẫn dùng hành trình nhanh để đi đến hóa độ cho người đó, như trường hợp hóa độ cho ngài Angulimala. Sau khi biết được rằng Angulimala là người đang tạo nhiều ác nghiệp, giết hại nhiều người ở trong một khu rừng để chặt đi ngón tay làm thành vòng hoa đeo với tà kiến cho rằng sau khi có được 1.000 lóng tay sẽ được vị thầy của mình trao truyền cho bí quyết. Và khi người mẹ của Angulimala đi đến khu rừng để can ngăn, Angulimala đã không nhận biết đó là mẹ của mình và đã đuổi theo bà để giết bà chặt lấy ngón tay, khi đó Đức Phật Ngài đã xuất hiện 

Đức Phật Ngài biết rằng nếu như Angulimala giết mẹ của mình thì phạm vào một trong năm cực trọng nghiệp và sẽ ngăn cản Angulimala có thể trở thành một vị Thánh giải thoát khỏi tử sinh luân hồi. Và nếu như người mẹ không có đến khu rừng đó, vua Kosala cũng cho lính đến bắt bà để làm mồi nhử Angulimala. Và ngay trong khoảnh khắc đó Đức Phật đã dùng thần thông của mình đi trước Angulimala để cho mẹ của Angulimala chạy nơi khác, Đức Phật chỉ cần bước từng bước chậm rãi, nhưng Angulimala vẫn không đuổi kịp

Và khi đó Angulimala đã không có đuổi theo mẹ của mình mà đuổi theo Đức Phật với ý rằng sẽ giết Đức Phật để chặt ngón tay đeo vào mình. Mặc dù Angulimala có sức mạnh phi thường có thể đuổi kịp voi, đuổi kịp ngựa, nhưng Angulimala vẫn không đuổi kịp Đức Phật dù Đức Phật đi rất chậm rãi. Khi đó Angulimala hỏi Đức Phật rằng ông sợ chết hay sao mà đi nhanh như vậy. Khi đó Đức Phật trả lời rằng ta không đi, ta không chạy chính ngươi mới là người đang chạy. Khi đó Angulimala mới nói rằng này sa môn ông đang nói láo hay soa, ta đang chạy nhanh như vậy nhưng vẫn không có đuổi kịp theo ông.

Đức Phật Ngài đã trả lời rằng này Angulimala ông đang đi ông đang chạy nghĩa là ông đang tạo những nghiệp xấu với những phiền não, ô nhiễm cũng giống như các chúng sinh đang tạo nghiệp, khi tái sinh vào các cõi dữ như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, khi thì tái sinh làm người. Tất cả chúng sinh đó đang đi, đang chạy, còn Như Lai đã không còn tạo nghiệp, không còn tham ái không còn si mê cho nên ta đã dừng lại rồi. Khi mà Angulimala nghe Đức Phật nói rằng ta đã dừng rồi, ông chưa dừng, Angulimala đã hiểu được ý của Đức Phật cho nên ngay khoảnh khắc đó Angulimala  đã bỏ kiếm, bỏ đao, quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật và xin xuất gia theo Đức Phật và khi đó Đức Phật đã chấp nhận

Đối với trường hợp Angulimala Đức Phật thấy rằng cần phải đến để giáo hóa, cho nên Ngài đã vận dụng thần thông, đã sử dụng hành trình ngắn nhất để có thể đến vào giáo hóa cho Angulimala. Và nếu như không có những trường hợp đặc biệt như vậy, không có những chúng sinh nào cần giáo hóa trong một thời gian ngắn, thời gian gấp gáp như vậy, Đức Phật sử dụng hành trình dài hơn, hành trình bình thường, không phải hành trình nhanh aturita jarika, Ngài vẫn đi bình thường với mục đích là để gieo duyên cho những người hữu duyên, những chúng sanh hữu duyên biết đến giáo pháp, thậm chí cho những dân làng ở trên đường, chỉ cần nghe một từ Đức Phật mà thôi, họ cũng đã gieo được duyên lành. Với mục đích như vậy, cho nên Đức Phật đi một cách bình thường, không có sử dụng hành trình nhanh giống như là giáo hóa Angulimala hay là Phạm thiên Baka 

Cho nên khi Đức Phật biết rằng trong quãng đường từ Rājagaha đến Kapilavatthu không có những chúng sinh nào đặc biệt cần giáo hóa nhanh, cho nên Đức Phật đã cùng với đoàn chư Tăng đi một cách bình thường, mỗi ngày 1 yojana để cho những người hữu duyên, chúng sinh hữu duyên kể cả những con vật như là con voi, con khỉ, con chim ở trên đường, trong những khu rừng cũng có thể gieo duyên, thấy Đức Phật và Tăng đoàn như trường hợp Ngài Sulun Sayadaw là vị đã sáng lập thiền viện mà bây giờ Ngài tam tạng 10 đang làm viện chủ, theo tiểu sử của ngài Sulun Sayadaw trong kiếp quá khứ Ngài là một con chim két trong thời đức phật Kassapa và nhờ thấy Đức Phật Kassapa con chim két này đã dùng miệng của mình gắp trái cây cúng dường trong bình bát của Đức Phật Kassapa, và nhờ những duyên lành đó, sau này Ngài Sulun Sayadaw đã có những thiện duyên trong sự tu tập giáo pháp của Đức Phật, và Ngài đã trở thành bậc Thánh A ra hán trong thời gian rất nhanh, mặc dù Ngài không phải là một người biết chữ, một người có học

Mặc dù những con vật không có những trí tuệ đặc biệt để hiểu được giáo pháp, nhưng có thể nhìn thấy những hình ảnh đặc biệt, nghe những âm thanh đặc biệt và nhờ những hình ảnh, âm thanh đó mà tạo duyên lành để cho những con vật đó tái sinh vào cảnh giới an lành khi chết với hình ảnh và âm thanh như vậy, Như trường hợp của nhóm 500 vị tỳ khưu đệ tử của của Ngài Sāriputta là những vị học vi diệu pháp từ ngài Sāriputta. Trong một tiền kiếp 500 vị tỳ khưu này là những con rơi ở trong hang động, Trong hang động đó có những vị tỳ khưu đọc tụng Paṭhana là bộ sách duyên hệ ở trong tạng Vi diệu pháp, nghe những âm thanh như là hetu paccayo – nhân duyên, aramaṇa paccayo – cảnh duyên,… Nhờ nghe những âm thanh như vậy cho nên sau kiếp đó những con dơi đã có thiện duyên lành để tái sinh vào những cảnh giới an vui và nhờ những nhân duyên đó mà trong kiếp Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian đã trở thành những vị tỳ khưu và học Abhidhamma từ ngài Sāriputta rất nhanh 

Ngài tam tạng nói rằng cho dù là con chim két hay là con dơi khi thấy những hình ảnh, những âm thanh mà có thể tạo ra những duyên lành thì có thể có những lợi ích như vậy, huống chi là chúng ta khi nghe thuyết pháp có thể hiểu được bằng tiếng Việt như là sư đang thông dịch, hay là có thể ngha âm thanh của ngài mặc dù không hiểu được nhưng là con ngườ chắc chắn có sự hiểu biết hơn những con vật rất là nhiều, thiện duyên và lợi ích theo đó cũng lớn hơn rất là nhiều đối với con dơi, con khỉ, hay con chim két,..

Và trở lại cuộc hành trình của Đức Phật và Tăng đoàn đến kinh thành Kapilavatthu trong 60 ngày, cứ mỗi ngày mỗi ngày như vậy, Ngài Kāḷudāyī đều đi trước dùng thần thông của mình đến kinh thành  Kapilavatthu, đến hoàng cung trước đức Phật và Tăng đoàn. Cứ mỗi ngày như vậy Ngài Kāḷudāyī đến thông báo cho đức vua cùng với các vị quan đại thần về hành trình của Đức Phật hôm nay Đức Phật đi đến đâu rồi, Ngài đang ở đâu. Khi đức vua Suddhodana và các vị quan đại thần nghe như vậy họ cảm thấy rất hoan hỷ và mong chờ Đức Phật đến hoàng cung

Cứ mỗi ngày mỗi ngày Ngài Kāḷudāyī đi đến hoàng cung tán thán công hạnh của Đức Phật, tán thán thần thông của Đức Phật đồng thời cũng cho biết hành trình của Đức Phật đã đi đến đâu, đã gặp những gì khiến cho nhà vua, thân quyến và những vị quan triều đình cảm thấy hoan hỷ

Sau khi đức vua cúng dường vật thực cho Ngài Kāḷudāyī xong, sau khi thọ thực xong nhà vua cùng với thân quyến ở trong hoàng cung đã xin bình bát đó đi rửa rồi bỏ vào những vật thực để dâng cúng đến Đức Phật và thưa với Ngài Kāḷudāyī rằng: Thưa Ngài, Ngài hãy mang vật thực này đi dâng đến Đức Thế tôn. Và môi ngày mỗi ngày như vậy trong suốt 60 ngày, Ngài Kāḷudāyī đã làm như vậy 

Mỗi ngày ngài Kāḷudāyī đã thông báo hành trình của Đức Phật đồng thời cũng ca ngợi tán thán ân đức của Đức Phật đã khiến cho Đức vua thân quyến cùng những vị quan ở trong triều khởi sinh tín tâm đối với tam bảo, đối với Đức Phật, đối với Pháp, đối với Tăng

Bởi vì Ngài Kāḷudāyī đã làm khởi lên tín tâm ở trong đức vua, ở trong thân quyến và trong những vị quan ở trong triều như vậy. Cho nên một ngày nọ trong thời gian sau này, Đức Phật đã tán thán ngài Kāḷudāyī là một vị tỳ khưu đệ tử thanh văn tối thượng về việc có thể mang lại niềm tin ở trong tam bảo cho những gia đình – đặc biệt là thân quyến của mình. Trong những vị tỳ khưu mà có khả năng làm khởi sinh lên tín tâm đối với Tam bảo, ngài Kāḷudāyī là tối thắng nhất

Và trải qua hành trình 60 ngày, cuối cùng Đức Phật và tăng đoàn cũng đã đi đến kinh thành Kapilavatthu. Và khi đến kinh thành Kapilavatthu Đức Phật và tăng đoàn được đức vua và những vị quan đại thần cúng dường một trú xứ có tên là Nigrodhārāma. Đó là một ngôi tự viện mà khi đức Phật và tăng đoàn ngự đến kinh thành Kapilavatthu sử dụng làm nơi trú ngụ cho Ngài và chư Tăng. Và Nigrodhārāma cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại, những ai có đi chiêm bái Thánh tích Ấn Độ và sang Nepal, đến thăm viếng thành Kapilavatthu thì hiện tại ở thành này vẫn còn một cái nơi mà trước kia là Nigrodhārāma, nhưng hiện tại chỉ còn những nền gạch mà thôi, chứ không có còn nguyên vẹn như trước kia nữa

Cái ngôi chùa tên là Nigrodhārāma giờ chỉ còn là nền gạch, đó cũng là theo sự vận hành của các pháp hữu vi mà thôi, cho nên Đức Phật mới dạy rằng Sabbe sankhara anicca – tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, trải qua hơn 2500 năm rồi cho nên ngôi chùa Nigrodhārāma giờ chỉ còn là nền gạch, những móng được xây bằng gạch mà thôi. Khi Đức Phật và tăng đoàn đến kinh thành Kapilavatthu vào ngày rằm tháng tư. Vào ngày 16-4 Đức Phật đã ngự đến hoàng cung với tâm nguyện là hóa độ cho vua cha của mình là Suddhodana. Đây là bài pháp tương đối dài nên ngài tam tạng sẽ để dành trong bài pháp thoại sau. Những gì chúng ta vừa nghe Ngài tam tạng thuyết là những trí tuệ, những kiến thức có được nhờ nghe sutamayañāṇa. Và sau đây chúng ta sẽ phát triển trí tuệ tu tập bhāvanāmayañāṇa 

Và ngài tam tạng nói rằng ngài tin rằng khi chúng ta được nghe bài pháp như thế này cũng nhờ sư đã đi học nhiều năm mới có thể biết được tiếng Miến và mới có thể thông dịch sang tiếng Việt, để cho mọi người có thể nghe và hiểu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Và khi mà nghe hiểu được như vậy sẽ có được trí tuệ nhờ nghe gọi là văn tuệ. Thông qua văn tuệ mới có được tư tuệ và tu tập. Tư tuệ là citamayañāṇa nghĩa là trí tuệ hay sự hiểu biết phát sinh nhờ suy tư còn bhāvanāmayañāṇa là trí tuệ hay sự hiểu biết được phát sinh nhờ sự tu tập, sự hành thiền, nhờ thiền định, thiền tuệ. Trí tuệ này được phát sinh là nhờ đã có một nền tảng văn tuệ, cho nên giữa ba trí tuệ này có sự liên quan đến nhau. Văn tuệ hỗ trợ cho tư tuệ, tư tuệ hỗ trợ cho tu tuệ.

Cho nên đối với trí tuệ nhờ tu tập được phát sinh nhờ sự tu tập một phần, một phần kia là nhờ sự hỗ trợ bởi tư tuệ, cho nên trong câu chuyện mà Đức Phật giáo hóa cho Ngài Angulimala có một câu khi chúng ta nghe có thể hiểu được thì câu này rất có giá trị. Đó là câu ta đã dừng lại. Với câu này nếu như chúng ta có sự hiểu biết và áp dụng vào sự thực hành thì ta sẽ thấy rất là rõ. Ví dụ khi ta đang quan sát hơi thở, nghĩa là ta đang tập dừng lại sự tạo tác, tạo nghiệp. Thay vì để cho tâm phóng đi chỗ này chỗ kia, từ đối tượng này đến đối tượng khác với tham ái, dính mắc với chấp thủ thì tâm chỉ hướng đến hơi thở và quan sát hơi thở vào hơi thở ra, nhận biết rõ đặc tính của hơi thở là sự chuyển động thì ta đang tập dừng những cái tạo tác, những hành nghiệp mà có thể dẫn đến tái sinh 

Cho nên khi một hành giả có thể thấy rõ thế nào là danh pháp, thế nào là sắc pháp, thấy rõ đặc tính của danh pháp và sắc pháp đó là vô thường khổ vô ngã và phát triển trí tuệ sâu hơn ở trong những trí tuệ thiền tuệ và cuối cùng đạt đến thánh đạo thánh quả tuệ Nhập Lưu, khi đó đoạn trừ vĩnh viễn hoài nghi và tà kiến. Hành giả có thể nói là đã dừng lại, đã không đi đến 4 đường ác đạo nữa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a tu la. Con đường đi vào 4 cõi khổ này đã được đóng lại, và vị đó sẽ dừng lại, sẽ không đi đén 4 cảnh khổ này

Và hành giả tiếp tục phát triển trí tuệ thiền tuệ đạt đến Thánh đạo thánh quả Nhất lai, Thánh đạo Thánh quả Bất lai, khi đó có thể đoạn trừ được dục tham và sân. Và khi đã đoạn trừ dục tham và sân, không còn tái sinh vào 14 cõi dục giới nữa. Cho nên hành giả đó có thể nói là đã dừng lại, không đi đến 14 cảnh giới cõi Dục giới. Và hành giả đó tiếp tục tinh tấn phát triển trí tuệ thiền tuệ đạt đến Thánh đạo Thánh quả A ra hán đoạn diệt mọi phiền não, tham ái trầm luân trong tam giớ. Và vị đó không còn tái sinh vào bất kỳ cảnh giới nào trong 31 cảnh giới, có nghĩa không còn chi phối bởi sinh tử luân hồi nữa. Người đó có thể nói là đã dừng lại, không bước tới bất kỳ cảnh giới nào

Cho nên khi Angulimala nghe Đức Phật chỉ nói một câu thôi, ta đã dừng lại ngươi chưa dừng lại, Angulimala đã phát triển được trí tuệ thiền tuệ và đã đạt đến Thánh đạo Thánh quả A ra hán. Với một người như Angulimala là một sát nhân, đã sát hại không biết bao nhiêu là người, nhưng khi nghe Đức Phật nói một câu như vậy và hiểu được ý nghĩa của câu đó và phát triển trí tuệ thiền tuệ thì đã có thể dừng lại, không tái sinh không đi tới bất kỳ cảnh giới nào trong 31 cảnh giới. Còn chúng ta không có tệ như là Angulimala, không phải là sát nhân như Angulimala, mặc dù trong quá trình tử sinh luân hồi hoặc là trong kiếp này nếu có phạm lỗi lầm nào đó cũng không đến nỗi nặng như Angulimala cho nên sự thực hành của chúng ta có thể nói là không có khó khăn giống như Angulimala. Và vì không có tạo nghiệp đó cho nên cũng có đủ những thuận duyên để chúng ta có thể phát triển thiền định và thiền tuệ, dừng lại giống như Angulimala. Ngài Tam tạn cũng cầu chúc cho chúng ta sau khi nghe pháp, sau khi thực hành có thể dừng lại, không có tái sinh vào bất kỳ cảnh giới nào trong tam giới, trong tử sinh luân hồi

Và như thường lệ, chúng ta sẽ thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra. Chúng ta ngồi thoải mái, giữ lưng và cổ thẳng đứng, không có gồng mình. Chúng ta nhắm mắt và để hai tay ở trên hai đầu gối hoặc trên chân của mình, thư giãn thoải mái, hướng tâm đến hơi thở vào hơi thở ra ở lỗ mũi, quan sát hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc ở lỗ mũi đó để biết rõ hơi thở đi vào khi nó đang đi vào, hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đang đi ra. Biết rõ từ đầu đến cuối hơi thở tại điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi. Chúng ta chánh niệm quan sát và nhận biết như vậy, không có nghĩ về những chuyện quá khứ, dự định tương lai mà chỉ để tâm trong khoảnh khắc hiện tại, nhận biết quan sát hơi thở vào hơi thở ra. Nghe một âm thanh, nhận biết cảm giác nào trên thân, có suy nghĩ nào khởi lên đừng quan tâm chú ý đến những hiện tượng đó, đối tượng đó mà hãy hướng tâm quay trở về hơi thở vào hơi thở ra và nhận biết hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc ở lỗ mũi, không phản ứng, không chạy theo những đối tượng đó mà chỉ hướng tâm đến hơi thở vào hơi thở ra. Nếu không có sự tập trung, tâm bị phóng chỗ này chỗ kia nhiều thì có thể vừa quan sát hơi thở vừa đếm hơi thở. Khi hơi thở đi vào đi ra đếm 1 ở cuối hơi thở, đếm cho đến 8 rồi quay trở về đếm lại 1. Khi thấy tâm tương đối ổn định thì không cần phải đếm hơi thở nữa mà chỉ chú tâm và quan sát hơi thở ở lỗ mũi, hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đang đi vào, hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đang đi ra mà thôi. 

Sau đây Ngài Tam tạng sẽ đọc một bài kinh ngắn để phúc chúc, cầu nguyện cho thế giới sớm được chấm dứt đại dịch, và cầu chúc cho cho tất cả các Phật tử được tránh khỏi những điều rủi ro tai hại, tránh khỏi những tật bệnh và thành tựu những hạnh phúc an vui với người thân và gia đình, đặc biệt là có thể thực hành thiền định thiền tuệ, sớm chứng đắc đạo quả Niết bàn như ý nguyện

Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn

Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)

 

Bài Pháp được Ngài Tam Tạng 10 Bhadanta Sundara thuyết, Sư Thiện Đức dịch Việt và bạn Đào Duy Thắng tốc ký bản text.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app