Đi Chùa Đi Lễ Chỉ Cần Làm Thêm 1 Điều Đơn Giản Này, Thân Quyến Đã Mất Sẽ Được An Vui Hơn – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết

Vào Dịp Tết Hoặc Những Khi Đi Chùa Đi Lễ Làm Phước Thiện Cúng Dường.. Quý Vị Chỉ Cần Làm Thêm 1 Điều Đơn Giản Này, Thân Quyến Đã Mất Sẽ Được An Vui Hơn, Đặc Biệt Những Hàng Thân Quyến Bị Tái Sinh Làm Ngạ Quỷ; Khóc Than Không Thể Giúp Được Người Thân Đã Chết, Đức Phật Dạy Cách Cúng Cho Người Chết Như Thế Nào? Ngài Tam Tạng 10 Thuyết, Sư Thiện Đức Hỗ Trợ Dịch Việt (Bản Text Được Bạn Đào Duy Thắng Tốc Ký)

  • 0:00 Bản dịch bài kinh Ngoài bức Tường, giới thiệu tiểu sử Ngài Tam Tạng 10
  • 10:06 Tác bạch và đảnh lễ Phật
  • 15:58 Giảng giải bài kệ số 7, số 8 của bài kinh Tirokuṭṭa
  • 27:16 Câu chuyện ngạ quỷ là tiền thân của mẹ Ngài Sāriputta và các loài ngạ quỷ được đề cập trong tạng Luật
  • 58:32 Giảng giải bài kệ số 9, số 10 của bài kinh Tirokuṭṭa
  • 1:07:40 Tích chuyện chàng thanh niên Mattakundali liên quan đến bài kệ số 10
  • 1:23:16 Giảng giải bài kệ số 11, số 12 của bài kinh Tirokuṭṭa
  • 1:37:20 Nguyên nhân khiến chúng sinh rơi vào bốn cõi khổ
  • 1:50:10 Kết quả của ba nhóm người thời Đức Phật Phussa và giới thiệu bài kinh liên quan Vedana sutta.
  • 1:53:21 Cách thực hành tách tà kiến ra khỏi tâm
  • 2:04:07 Thực hành thiền
  • 2:22:32 Lời chúc phúc từ Ngài Tam tạng

 

Hôm nay là ngày 23 tháng 1 năm 2022, ở xứ Trung Ấn vào thời Đức Phật, thời gian này là mùa lạnh, vào khoảng tháng 12 tính theo lịch Ấn Độ cũng giống như âm lịch của Việt Nam chúng ta. Ngày hôm nay Ngài tam tạng sẽ tiếp tục thuyết bài kinh Tirokuṭṭa bài kinh Ngoài bức tường để cho chúng ta hiểu biết thêm về giáo pháp của Đức Phật, qua đó chúng ta có thể thực hành đúng theo con đường của Đức Phật để có sự hạnh phúc an lạc, và biết được con đường đúng để tu tập giải thoát và chứng ngộ Niết bàn, có thể mang lại hạnh phúc an lại cho chính mình và cho những người xung quanh

Để bắt đầu bài pháp thoại hôm nay, tất cả đại chúng cùng nhau đảnh lễ Phật với câu niệm Phật bằng câu Pali 

Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhassa (03 lần)

Ở trong bài kinh Tirokuṭṭa Sutta, Đức Phật thuyết 12 câu kệ. Và tuần trước Ngài tam tạng đã thuyết đến bài kệ số 6. Hôm nay Ngài tam tạng sẽ tiếp tục thuyết bài kệ số 7 trở đi.

Ở phần cuối của câu kệ số 6 đó là Ito dinnena yāpenti, petā kālaṅkatā tahiṃ nghĩa là Các ngạ quỷ họ hàng. Chỉ sống nhờ bố thí. 

Đức Phật thuyết tiếp bài kệ số 7 

Unname udakaṃ vuṭṭhaṃ, yathā ninnaṃ pavattati;
Evameva ito dinnaṃ, petānaṃ upakappati.

Nghĩa Tiếng Việt

Như nước đổ xuống đồi, Chảy xuống tận vực sâu,
Bố thí tại chỗ này,Cung cấp loài ngạ quỷ.

Khi trời mưa xuống, nước mưa thường chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Cũng tương tự như vậy, khi loài người thực hành sự bố thí rồi hồi hướng cho các loài ngạ quỷ, các loài ngạ quỷ cũng có thể nhận được. Bởi vì các loài ngạ quỷ ở cảnh giới thấp hơn cảnh giới loài người, cho nên giống như việc nước chảy từ trên cao xuống chỗ thấp, sự bố thí của loài người có thể chảy xuống (hay hồi hướng) đến các loài ngạ quỷ.

Đức Phật lấy thêm một ví dụ khác. Cho nên Ngài đã thuyết câu kệ số 8 

Yathā vārivahā pūrā, paripūrenti sāgaraṃ;
Evameva ito dinnaṃ, petānaṃ upakappati.

Nghĩa Tiếng Việt

Như dòng sông tràn đầy, Đưa nước đổ xuống biển,
Bố thí tại chỗ này, Cung cấp loài ngạ quỷ.

Giống như nước ở các dòng sông chảy xuống biển làm đầy biển cả. Cũng tương tự như vậy, ở cõi người sau khi bố thí tạo phước có thể chảy xuống hay hồi hướng đến các loài ngạ quỷ. Khi nhìn vào những thân quyến của vua Bimbisāra chúng ta thấy rằng những loài ngạ quỷ đã trông chờ phước báu của nhà vua trong thời gian rất là lâu. Có thể nói là mấy chục ngàn năm không ăn không uống gì để trông chờ phước báu của vua Bimbisāra sẽ hồi hướng đến cho họ. Nhưng sau lần đầu tiên cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, vua Bimbisāra đã quên họ và không có hướng tâm hồi hướng đến cho họ khiến cho họ cảm thấy rất thất vọng. Sau lần bố thí cúng dường thứ hai vua Bimbisāra đã nhớ đến họ và hồi hướng phước báu đến cho họ thì họ đã nhận được. Cho nên sự bố thí cúng dường của vua Bimbisāra được ví giống như nước chảy từ trên cao xuống thấp, nước từ dòng sông chảy vào biển cả và lấp đầy biển cả. Phước bố thí cúng dường của vua Bimbisāra đã hướng đến loài ngạ quỷ và họ đã nhận phước đó. Nhờ nhận được phước mà vua Bimbisāra hồi hướng đến cho họ, họ nhận được nước uống, họ nhận được vật thực và họ nhận được quần áo, y phục. Cho nên Đức Phật Ngài đã thuyết hai bài kệ số 7 và số 8 để ví dụ phước bố thí cúng dường ở loài người có thể hồi hướng đến cho các loài ngạ quỷ giống như nước chảy từ trên cao xuống thấp và nước ở những dòng sông chảy ra biển cả.

Trong bài kinh này Đức Phật thuyết về sự bố thí cúng dường có thể hồi hướng đến các loài ngạ quỷ qua duyên sự của vua Bimbisāra. Còn trong một bộ sách có tên là Petavatthu tập hợp những câu chuyện về những loài ngạ quỷ có đề cập đến nhiều loại ngạ quỷ khác nhau và có một tích truyện liên quan đến ngài Sāriputta khi Ngài Sāriputta sống trong một khu rừng cùng với các ngài Moggalāna, Anuruddha Kappila. Ngoài ra trong kinh diễn tả rất là nhiều về các loài ngạ quỷ sống xung quanh núi Linh Thứu

Trong những tích truyện liên quan đến loài ngạ quỷ trong tập kinh Petavatthu có một câu chuyện liên quan đến mẹ của ngài Sāriputta. Khi ngài Sāriputta cùng với các ngài Moggalāna, Anuruddha, Kappila sống trong một khu rừng gần thành Rājagaha có một nữ ngạ quỷ, nữ ngạ quỷ này chính là mẹ của ngài Rājagaha trong năm kiếp trước, bà ta là một loài ngạ quỷ sống ăn uống trên đồ ăn thức uống của con người xung quanh đó thải ra. Nếu không có những thức ăn thức uống thừa thãi bị bỏ đi bà ta sẽ đi lượm đi ăn những thứ bất tịnh như nước dãi, nước miếng,.. của con người thải ra.

Vì sao nữ ngạ quỷ này bị như vậy. Vì trong 1 kiếp quá khứ tại thành Bārāṇasī người nữ ngạ quỷ này là một người vợ của một ông phú hộ. Ông phú hộ này rất có tín tâm và rất thích bố thí cúng dường, ông ta thường chuẩn bị những đồ ăn thuốc uống, các y phục để cúng dường đến các Sa môn, Bà la môn cũng như để giúp đỡ cho những ngườ khách đi đường. Vào một ngày nọ ông phú hộ này có việc đi xa, sau khi chuẩn bị những thức ăn đồ uống và y phục cần thiết, ông ta đã dặn vợ của mình rằng: Khi ta đi xa nàng hãy ở nhà để lo bố thí, cúng dường giúp ta. Người vợ thì ngược lại với người chồng, người vợ không có đức tin đối với nghiệp và quả của nghiệp, không có đức tin đối với bố thí cúng dường. Thường một người không có đức tin bố thí cúng dường, người đó đều có tâm bỏn xẻn, ganh tỵ, không muốn bố thí cúng dường. Vì vậy sau khi ông phú hộ đi vắng, có những người khách qua đường đến xin đồ ăn thức uống, bà ta đã buông lời mắng nhiếc cay nghiệt và bảo rằng: Đi ăn phân đi, đi uống máu đi hay có người đến xin chỗ ở thì bà ta đã chỉ những nơi rất dơ dáy để cho họ ở lại. Khi chư Tăng đến nhà của bà ta cũng vậy, bà ta cũng buông lời cay độc tương tự. Cho nên sau kiếp đó do nghiệp ác bà ta tạo ra đã cho quả tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ như hiện tại 

Nữ ngạ quỷ thấy Ngài Sāriputta đi trên đường và bà ta có thể nhớ được kiếp quá khứ của mình. Bà ta biết rằng Ngài Sāriputta cách đây năm kiếp là con của bà. Cho nên khi bà thấy Ngài Sāriputta đi vào trong một khu rừng để nghỉ ngơi, bà đã đi theo để xin phước từ Ngài. Khi đến gần chỗ ở của Ngài Sāriputta có một vị thọ thần đã ngăn cản lại không cho vào khi thấy bà là một ngạ quỷ rất xấu xí. Sau khi nghe bà kể lại về việc cách đây 5 kiếp bà là mẹ của ngài Sāriputta và bây giờ bà đã chịu đau khổ ở cảnh giới ngạ quỷ nên bà mới đến xin phước từ ngài Sāriputta. Khi vị thọ thần nghe được như vậy mới cho bà vào gặp Ngài Sāriputta

Khi vào gặp Ngài Sāriputta, nữ ngạ quỷ đã trình bày cách đây 5 kiếp bà là mẹ của Ngài. Ngài Sāriputta với trí tuệ của mình cũng biết được như vậy đã khởi tâm từ bi muốn bà thoát khỏi cảnh khổ của ngạ quỷ, Ngài Sāriputta cùng với Ngài Moggalāna đã đi vào thành đến chỗ vua Bimbisāra để khất thực và nhận những đồ ăn thức uống cùng với các y phục. Sau khi nhận những thứ cúng dường đó, Ngài Sāriputta đã đến cúng dường Tăng đoàn có Đức Phật dẫn đầu và hồi hướng phước đó đến cho nữ ngạ quỷ là mẹ của mình cách đây 5 kiếp. Giống như nước chảy từ trên cao xuống thấp, nước chảy từ dòng sông ra biển cả, sau khi Ngài Sāriputta làm phước cúng dường và hồi hướng phước đến cho nữ ngạ quỷ, ngay lập tức nữ ngạ quỷ đã nhận được đồ ăn thức uống và y phục giống như ở trên cõi trời và đã thoát khỏi kiếp ngạ quỷ

Câu chuyện trên đây là một trong những câu chuyện được trích trong tập kinh Petavatthu – tập hợp rất là nhiều câu chuyện liên quan đến ngạ quỷ. Trong Luật tạng, cuốn Pārājika cũng đề cập rất nhiều câu chuyện liên quan đến loài ngạ quỷ ở xung quanh núi Gijjhakūta (Linh Thứu). Vào một lần nọ Ngài Moggalāna đi từ trên núi Linh Thứu xuống và gặp một loài ngạ quỷ có hình dáng là một bộ xương và đang la rất thảm thiết vì đau khổ, Ngài Moggalāna mới mỉm cười. Đi sau Ngài Moggalāna có một vị tôn giả tên là Lakkhaṇa thấy Ngài Moggalāna mỉm cười như vậy mới hỏi vì sao tôn giả cười. Ngài Moggalāna mới kể rằng Ngài thấy loại ngạ quỷ chỉ là một bộ xương và đang chịu khổ đau khổ, đang la lối om sòm như thể làm rung cả ngọn núi Linh Thứu nhưng Ngài Lakkhaṇa không có nghe thấy tiếng gì chỉ có Ngài Moggalāna với thần thông của mình đã nghe và thấy loài ngạ quỷ chỉ là một bộ xương mà thôi. Đó là một câu chuyện về loại ngạ quỷ được đề cập trong bộ đầu tiên của Luật tạng

Ngài Moggalāna cũng nhìn thấy những loài ngạ quỷ khác ở xung quanh núi Linh Thứu. Có lần Ngài Moggalāna nhìn thấy một vị tỳ kheo ngạ quỷ bị sợi dây buộc ở nơi bụng, sợi dây đó đang cháy nhưng không có gỡ ra được. Một lần khác ngài nhìn thấy một tỳ kheo ngạ quỷ khác đang ôm bình bát và có đầy lửa ở trong bình bát nhưng không thể buông tay khỏi bình bát mà phải chịu nóng bởi bát lửa đang ôm trong tay. Những câu chuyện ngạ quỷ khác cũng được đề cập trong tạng luật rất nhiều. Sau khi nhìn thấy những loài ngạ quỷ đó ngài Moggalāna đã về bạch với Đức Phật và Đức Phật cũng xác nhận rằng Như Lai cũng thấy các ngạ quỷ đó. Đức Phật đã dạy rằng Như Lai không thấy những loài ngạ quỷ có thể giác ngộ và giải thoát được. 

Sau khi Đức Phật thuyết câu kệ số 8 ở trong bài kinh Tirokuṭṭa, ngài đã thuyết câu kệ số 9

Adāsi me akāsi me, ñātimittā sakhā ca me
Petānaṃ dakkhiṇaṃ dajjā, pubbe katamanussaraṃ.

Nghĩa Tiếng Việt

Người ấy đã cho ta, Đã làm việc vì ta,
Người ấy là quyến thuộc,Người ấy chính thân bằng
Hãy bố thí ngạ quỷ,Nhớ việc xưa chúng làm

Nội dung bài kệ này ý nói rằng các thân quyến nên nhớ nghĩ về thân bằng quyến thuộc của mình đã quá vãng để hồi hướng phước và giúp đỡ họ. Trong câu kệ này có 3 từ pali là ñāti, mittā và sakhā. Ñāti ở đây có nghĩa là thân bằng quyến thuộc, là những người quyến thuộc ở bên phía cha, bên phía mẹ. mittā là bạn bè, những người bạn cùng làm việc với mình, các đồng nghiệp,… sakhā cũng có nghĩa là bạn bè nhưng là bạn bè khi còn nhỏ. 

Với những thân quyến, bạn bè đồng nghiệp và bạn bè khi còn nhỏ, chúng ta nên nhớ nghĩ về họ bằng cách nhớ nghĩ về những gì họ làm cho mình, những gì họ nói và những gì chúng ta học được về họ. Rồi chúng ta nên hồi hướng chia sẻ những phước mà chúng ta đã làm đến cho họ. Đức Phật cũng dạy trong bài kinh Sigālovāda sutta nói về phận sự của những người con đối với cha mẹ của mình. Có 5 phận sự mà người con hiểu thảo cần làm đối với cha mẹ đó là :

  • Khi cha mẹ còn sống phải phụng dưỡng cha mẹ
  • Phải làm những công việc mà cha mẹ khuyến khích chúng ta làm
  • Hãy xứng đáng để thừa hưởng những gia tài cha mẹ để lại
  • Duy trì nòi giống 
  • Sau khi cha mẹ qua đời, hãy đi làm phước và hồi hướng tới cho cha mẹ

Làm được như vậy mới thật sự có ý nghĩa. Chứ không phải sau khi cha mẹ hay người thân qua đời chúng ta phải khóc phải thương phải tiếc nuối. Những hành động như vậy không nên làm. Cho nên bài kệ số 10 Đức Phật mới dạy rằng:

Na hi ruṇṇaṃ vā soko vā, yā caññā paridevanā;
Na taṃ petānamatthāya, evaṃ tiṭṭhanti ñātayo.

Nghĩa Tiếng Việt

Không khóc than, sầu muộn
Không thương tiếc cách gì
Giúp ích loài ngạ quỷ,
Quyến thuộc làm như vầy
Không lợi cho ngạ quỷ.

Chúng ta than khóc hay phiền muộn, nuối tiếc không có giúp ích gì cho quyến thuộc, mà hãy tạo phước và hồi hướng đến cho họ mới có thể giúp ích đến cho họ. Cho nên trong bài kệ này chữ ruṇṇaṃ có nghĩa là khóc than. Dù khóc than bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ làm cho thân thể mệt mỏi mà thôi, soko là sầu muộn tức là chỉ làm cho tâm đau khổ mà thôi; paridevanā có nghĩa là khóc la lên, chỉ làm cho miệng mệt mỏi mà thôi, chứ không có giúp ích gì cho hàng quyến thuộc cả

Trong bộ kinh Petavatthu cũng có đề cập đến một câu chuyện liên quan đến một người cha chỉ biết than khóc mà không có giúp ích gì cho người con trai. Có một ông phú hộ có người con trai tên là Mattakundali. Khi người con trai Mattakundali bị bệnh, vì tâm keo kiệt bủn xỉn cho nên thậm chí về việc lo thuốc thang cho con trai mình, người phú hộ cũng không có mua những loại thuốc để chữa bệnh một cách hữu hiệu cho con trai. Chính vì điều đó người con trai đã qua đời. Đối với Mattakundali do sinh ra trong một gia đình cha mẹ không có tín tâm đối với tam bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp cho nên không có làm phước thiện bố thí và phước thiện khác. Tuy nhiên khi nằm ở trên giường bệnh, lúc gần chết Mattakundali được Đức Phật phóng hào quang, và khi nhìn thấy hào quang của Đức Phật Mattakundali đã quay người lại và nhìn thấy Đức Phật. Thanh niên Mattakundali đã khởi lên tâm cung kính đảnh lễ Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn, con với tâm thành kính của mình, xin đảnh lễ Đức Thế tôn. Với tâm thành kính như vậy, thanh niên Mattakundali đã qua đời ngay khi đó và đã trở thành vị thiên nam. 

Người cha của Mattakundali sau khi thấy con mình qua đời, đã làm hậu sự. Mỗi buổi sáng ông thường ra ngoài nghĩa trang khóc than người con đã chết: Bây giờ con đang ở đâu, sao con đi sớm như vậy,… Khi thiên nam Mattakundali thấy mỗi buổi sáng người cha của mình đều ra nghĩa trang khóc than như vậy. Một ngày nọ thiên nam Mattakundali đã đi đến trước nghĩa trang và khóc than, người cha thấy một người thanh niên đi đến nghĩa trang khóc than nhưng không biết khóc cái gì, nên ông mới đến lại gần và hỏi người thanh niên: Này người thanh niên ngươi khóc gì mà nhiều vậy. Người cha mới nói rằng bây giờ ngươi cần cái gì ta cũng có thể cho được vì ông ta nhìn thấy chàng thanh niên rất là giống với con trai của mình, nên ông rất muốn giúp đỡ. Khi hỏi chàng thanh niên cần cái gì, chàng thanh niên mới trả lời rằng tôi có một chiếc xe rất giá trị nhưng không có hai bánh xe, tôi muốn lấy mặt trăng và mặt trời làm hai bánh xe của mình. Nếu ông có thể cho tôi mặt trăng, mặt trời, tôi có thể nhận được. Người cha mới nói rằng ngươi muốn làm chuyện không thể làm được thì làm sao có thể làm được, cho nên khi ngươi chết ngươi cũng không có thể làm gì được. Người thanh niên vốn là Mattakundali mới trả lời rằng ở trên đời có những vật mắt thường có thể nhìn thấy được như mặt trăng mặt trời mà ông nói là dù có mong muốn suốt đời cũng không có được. Trong khi đó mỗi ngày ông đến đây ông khóc than một người con trai đã chôn ở dưới đất không nhìn thấy được, mong con trai mình sống lại. Khóc than như vậy việc làm nào không có ý nghĩa, việc làm nào vô bổ

Khi được người thanh niên hỏi như vậy, người cha mới nghĩ lại việc làm của mình đúng là việc làm vô bổ cho nên ông ta đã hỏi người thanh niên: Ngươi là ai, là một vị trời, là người hay là vị càn thát bà. Chàng thanh niên mới nói rằng tôi vốn là con của ông, khi tôi gần chết tôi đã nhìn thấy Đức Phật và đã khởi lên tín tâm sự cung kính đối với Đức Phật, cho nên sau khi thân hoại mạng chung, tôi đã tái sinh vào cảnh giới chư thiên, là một vị thiên nam. Bây giờ ông cũng nên đến gặp Đức Phật để nghe Phật thuyết pháp và khởi lên tín tâm đối với Đức Phật. Sau khi nói như vậy xong, người thanh niên vốn là thiên nam Mattakundali đã trở về trú xứ của mình ở trên cõi trời

Thực ra câu chuyện liên quan đến Mattakundali cũng được đề cập đến ở trong Vimānavatthupāḷi – những câu chuyện của chư thiên. Cho nên Mattakundali là một vị chư thiên ở trên cõi trời, nhưng vì liên quan đến người cha mà Mattakundali đã cải trang làm một người thanh niên để giúp đỡ người cha khi thấy người cha đến nghĩa trang mỗi buổi sáng và khóc than người con của mình đã chết, cho nên các Ngài kết tập Tam tạng đã kết tập câu chuyện Mattakundali ở trong bộ sách tên là Petavatthu. Cho nên ngài Tam tạng mới trích dẫn câu chuyện này để giải thích câu kệ số 10 mà Đức Phật thuyết ở trong bài kinh Tirokuṭṭa đó là Na hi ruṇṇaṃ vā soko vā…. Không khóc than sầu muộn, không thương tiếc cách gì mà có thể giúp đỡ các loài ngạ quỷ quyến thuộc. Làm như vậy không có lợi ích gì

Để phước thiện được thù thắng và có nhiều ý nghĩa đối với những người quá cố, Đức Phật đã thuyết câu kệ số 11 đó là 

Ayañca kho dakkhiṇā dinnā, saṅghamhi suppatiṭṭhitā;
Dīgharattaṃ hitāyassa, ṭhānaso upakappati.

Nghĩa Tiếng Việt 

Nhưng khi vật cúng dường. Khéo đặt vào chư Tăng
Ích lợi chúng lâu dài. Bây giờ, về sau nữa.

Cũng trong câu kệ số 11 này Dīgharattaṃ hitāyassa, ṭhānaso upakappati Ngài tam tạng lưu ý chúng ta từ ṭhānaso có nghĩa là ngay tại chỗ ấy, ngay khi ấy. Nghĩa là phước thiện chúng ta làm xong rồi hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc đặc biệt là các loài ngạ quỷ, ngay lập tức các loài ngạ quỷ đó có thể nhận được phước báu mà chúng ta chia đến cho họ.

Trong chú giải lấy một ví dụ, có một người có 1.000 đồng tiền vàng lấy cho một người khác, đặt vào tay người đó, người đó có được 1.000 đồng tiền vàng liền. Cũng tương tự như vậy, phước báu hồi hướng, chia sẻ đến cho loài ngạ quỷ, ngay khi đó loài ngạ quỷ nhận được liền.

Để tóm tắt lại 11 câu kệ ở phía trước, Đức Phật đã thuyết câu kệ số 12 đó là

So ñātidhammo ca ayaṃ nidassito, petāna pūjā ca katā uḷārā;
Balañca bhikkhūnamanuppadinnaṃ, tumhehi puññaṃ pasutaṃ anappakanti.

Nghĩa Tiếng Việt

Chánh pháp được giảng bày. Như vậy cho quyến thuộc
Kính trọng biết chừng nào. Đối với người đã khuất,
Chư Tăng được cúng dường. Cũng tăng thêm dõng mãnh,
Người tích tụ công đức. Thật to lớn biết bao.

Trong bài kệ này, có từ pali là ñātidhammo có nghĩa là thân bằng quyến thuộc, pháp mà thân bằng quyến thuộc có thể làm được là pháp bố thí cúng dường và hồi hướng phước bố thí cúng dường đó. Từ thứ hai đó là petāna pūjā ca katā uḷārā có nghĩa là đến cho các loài ngạ quỷ hay thân quyến đã quá vãng. Phước báu hồi hướng đến cho các loài ngạ quỷ, ngạ quỷ sẽ nhận được. 

Phần thứ ba ở trong bài kinh này là Balañca bhikkhūnamanuppadinnaṃ nghĩa là những sự cúng dường như là vật thực, y phục được cúng dường đến Chư Tăng cũng khiến cho chư Tăng được sức mạnh. Cho nên sự cúng dường vật thực, y phục đến chư Tăng cũng là cúng dường sức khoẻ, sức mạnh đến cho chư Tăng. Phần thứ tư của câu kệ là tumhehi puññaṃ pasutaṃ anappakanti nghĩa là sau khi tạo phước, và hồi hướng phước báu đến cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Dù thân bằng quyến thuộc đã quá vãng có nhận được hay không nhận được, những người tạo phước sẽ được công đức rất lớn. 

Cho nên câu kệ số 12 có 4 ý nghĩa

  • Thứ nhất những thân quyến tạo phước, làm những phận sự của mình
  • Thứ hai là sau khi tạo phước, thân quyến hồi hướng đến cho những thân bằng quyến thuộc đã quá vãng và những thân bằng quyến thuộc đã quá vãng sẽ nhận được phước báu đó
  • Thứ ba đó là sự cúng dường đến Chư Tăng mang lại lợi ích lớn
  • Thứ tư là sau khi làm phước và hồi hướng như vậy, những người làm phước và hồi hướng sẽ tạo công đức rất lớn

Và được biết rằng Đức Phật sau khi đến thành Rājagaha – thành Vương Xá, vào ngày thứ 2 Ngài đã thuyết bài kinh Tirokuṭṭa này và suốt 7 ngày sau đó Đức Phật cũng thuyết và giải thích về bài kinh này. Và cũng được biết rằng sau khi những người dân ở thành Rājagaha sau khi nghe Đức Phật thuyết về các loài ngạ quỷ, sự đau khổ của các loài ngạ quỷ họ đã cảm thấy kinh cảm và thực hành thiền Vipassana, đã chứng đắc được tầng thánh Nhập lưu. Có khoảng 84.000 ngàn người dân thành Rājagaha đã chứng quả tầng thánh Nhập lưu sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp suốt 1 tuần

Có bốn cảnh khổ đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la. Trong các cảnh giới này, các chúng sinh rất dễ đoạ vào cảnh giới ngạ quỷ bởi vị nếu như một người trước khi qua đời nếu họ dính mắc vào một vật gì đó hay một người nào đó hoặc là họ có một suy nghĩ bất thiện nào đó, rất dễ đoạ vào cảnh giới ngạ quỷ. Ở trong kinh cũng đề cập rất là nhiều câu chuyện liên quan đến sự tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ nó dễ hơn sinh vào những cảnh giới khác. 

Cũng được biết rằng, nếu như một người khi thân hoại mạng chung với tâm tham, tâm sân, tâm si và những tâm bất thiện khác, cũng rất là dễ đoạ vào một trong bốn cảnh giới đau khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và a tu la. Một chúng sinh đoạ vào 1 trong 4 bốn đường ác đạo là do tâm, đặc biệt là tâm bất thiện. Cho nên Đức Phật dạy rằng Cittena nīyati loko, cittena parikassati; Cittassa ekadhammassa, sabbeva vasamanvagū ở trong kinh Tương ưng. Nghĩa của bài kệ đó là Thế giới chúng sinh được dẫn dắn bởi tâm, được lôi kéo bởi tâm, các chúng sinh bị dẫn dắt và lôi kéo bởi một pháp đó là tâm. Cho nên với một tâm bất thiện các chúng sinh có thể đoạ vào bốn đường ác đạo, với một tâm thiện lành như là tâm bố thí cúng dường, tâm giữ giới, tâm hành thiền, một người một chúng sinh khi thân hoại mạng chung với những tâm đó, tâm đó sẽ dẫn dắt chúng sinh đó đến những cảnh giới an lành như cảnh giới chư thiên và phạm thiên

Khi nói tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm ngã mạn, tâm tà kiến,.. chính những pháp như là tham, sân, ngã mạn, tà kiến nó sinh khởi ở trong tâm. Cho nên tâm đó được gọi là tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm ngã mạn, tâm tà kiến,.. Bất kỳ chúng sinh nào khi chết với 1 trong những tâm đó có thể bị dẫn dắt tái sinh vào một trong 4 cảnh giới đau khổ, cho nên Đức Phật mới dạy rằng: Cittena nīyati loko nghĩa là thế giới chúng sinh bị dẫn dắt bởi tâm là vậy. Cho nên cũng vì tâm khiến cho một chúng sinh tái sinh vào một trong bốn cảnh giới đau khổ, cũng chính vì tâm khiến cho một chúng sinh có thể tái sinh vào cõi người, cõi chư thiên và cõi Phạm thiên. 

Chính vì vậy mà Đức Phật dạy rằng Cittassa ekadhammassa, sabbeva vasamanvagū nghĩa là tất cả các chúng sinh đều theo ý muốn của một pháp đó là tâm. 

Trong những tâm bất thiện như vừa mới kể, tâm tương ưng với tà kiến là tâm có thể dẫn dắt chúng sinh tái sinh vào một trong bốn cảnh khổ rất dễ dàng. Bởi vì còn tà kiến cho là của ta, ta thích, ta muốn, ta có. Với tà kiến, với quan niệm sai lệch, cái gì cũng là ta, cái gì cũng là của ta. Vì chính tâm tà kiến đó mà khiến cho các chúng sinh tạo ra những tâm bất thiện khác đó là tâm tham, tâm sân,… Cho nên chính một tâm có tà kiến rất dễ dẫn dắt khiến cho một chúng sinh đoạ vào một trong bốn cảnh khổ. Đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và a tu la 

Đối với những bậc Thánh Nhập lưu như bà Visākhā hay là ông Anāthapiṇḍika là những bậc Thánh Nhập lưu mặc dù vẫn có con có cháu nhưng họ đoạn trừ được tà kiến. Mặc dù ở trên phương diện tục đế, họ vẫn nghĩ là con của mình, họ vẫn nói là con của mình, cháu của mình, nhà của mình. Nhưng chỉ trên phương diện tục đế thôi không thể khiến cho họ tái sinh vào một trong bốn cảnh khổ. Chỉ có những tâm tà kiến thực sự mới có thể khiến các chúng sinh đoạ vào một trong bốn cảnh khổ. Cho nên những bậc Thánh như bà Visākhā hay là ông Anāthapiṇḍika không còn đoạ vào bốn đường ác đạo, không còn tái sinh vào bốn cảnh khổ nữa. 

Như vậy như Ngài tam tạng đã thuyết trong những bài pháp thoại ở phía trước khi ngài nói về ba nhóm người vào thời Đức Phật Phussa cách đây 92 đại kiếp Trái đất. Và trong ba nhóm người đó nhóm người thứ nhất là nhóm người của ba anh em đạo sĩ Kassapa nay là những bậc Thánh A ra hán; nhóm người thứ hai là nhóm người của quan nội vụ cùng những thân quyến, quan nội vụ nay là nhà vua Bimbisāra cũng trở thành bậc Thánh Nhập lưu ở trong giáo pháp của Đức Phật; những người thân quyến nay đã thoát khỏi cảnh ngạ quỷ nhờ sự chia phước hồi hướng của vua Bimbisāra. Nhóm người thứ ba là nhóm của quan thủ kho, nay là ông phú hộ Visākha và người vợ của mình tên là Dhammadinnā. Dhammadinnā là một vị thánh A ra hán và ông Visākha là một bậc Thánh Bất lai ở trong giáo pháp của Đức Phật. 

Tuần sau Ngài sẽ giảng về bài kinh Vedana Sutta là bài kinh liên quan đến nhóm người thứ ba này, tức là liên quan đến ông Visākha và bà Dhammadinnā về nhân duyên mà hai người này chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Bất lai và A ra hán ở trong giáo pháp của Đức Phật. 

Ngài tin rằng trong hội chúng của chúng ta không ai muốn là mình đi từ chỗ cao đến chỗ thấp. Thường những người chúng ta sống ở trên đời luôn có một tâm nguyện đó là đi từ thấp đến cao, ví dụ một người khi giàu có không ai muốn trở thành nghèo khó cả. Cũng tương tự như vậy, một người không ai muốn đi từ cảnh giới con người xuống cảnh giới đau khổ mà thường có tâm nguyện luôn tăng trưởng và đi lên. Đi lên hay đi xuống đều do tâm, cho nên chúng ta phải biết rằng để chỉ có đi lên mà không phải đi xuống phải biết cách để tách tà kiến ra khỏi tâm của mình. Với một tâm không có tà kiến, tâm đó mới có thể dẫn dắt chúng ta đi lên được. Cho nên chúng ta phải tinh tấn để tách tà kiến ra khỏi tâm của mình bằng cách thực hành Vipassana và chỉ khi nào chúng ta có thể tách được tà kiến ra khỏi tâm của mình, khi đó chúng ta mới có thể chắc chắn rằng chúng ta không có bị đoạ vào bốn cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và a tu la.

Để thoát khỏi tà kiến hay tách tà kiến ra khỏi tâm của mình, không phải là một điều đơn giản. Cho nên để tách tà kiến ra khỏi tâm, phải thực hành một cách có hệ thống, đầy đủ và liên tục. Cách thực hành đó là gì, phải thực hành giới, phải giữ giới trong sạch và khi giới trong sạch, phải thực hành định. Khi có giới có định phải có trí tuệ, hiểu biết đúng về thực tánh pháp của ngũ uẩn hay là danh pháp và sắc pháp. Chỉ có danh pháp và sắc pháp hay ngũ uẩn mà thôi, không có ta hay của ta. Với sự hiểu biết như vậy mới có thể tách khỏi tà kiến ra khỏi tâm của mình, tách khỏi sự chấp thủ ra khỏi tâm của mình. Và chỉ khi nào thấy được thực tánh pháp của danh pháp và sắc pháp. Chẳng hạn như chỉ thấy sự cứng, sự mềm của đất, hay sự chuyển động của gió, sự kết dính của nước,… mà không có cái gì cho rằng là ta, là của ta ở trong hiện tượng đang khởi sinh ở trong mỗi hành giả. Và phải thấy rõ đặc tinh riêng, đặc tính chung của ngũ uẩn hay danh pháp và sắc pháp mới có được kiến thanh tịnh và đoạn nghi thanh tịnh. Khi hành giả có được hai sự thanh tịnh này, hành giả mới có thể tách được tà kiến ra khỏi tâm của mình. Khi đó hành giả mới có thể chắc chắn mình đi trên con đường thoát khỏi đoạ vào bốn cảnh khổ

Khi hành giả thấy rõ đặc tính chung của ngũ uẩn hay danh pháp và sắc pháp. Đặc tính chung đó là vô thường, luôn thay đổi, biến hoại. Đặc tính chung thứ hai là khổ hay là bất toại nguyện của danh pháp và sắc pháp hay ngũ uẩn. Đặc tính chung thứ ba đó là vô ngã nghĩa là không làm chủ, không cõ lõi nào ở trong danh pháp và sắc pháp hay ngũ uẩn mà các pháp danh pháp và sắc pháp hay ngũ uẩn khởi sinh lên và mất đi tuỳ thuộc vào điều kiện liên quan của chúng. Hiểu được như vậy hành giả mới có thể hiểu được đặc tính chung của các pháp chân đế. Khi hiểu được đặc tính chung của các pháp chân đế, hành giả được gọi là cūḷasotāpanna hay tiểu Nhập lưu. Với một người có được sự hiểu biết về đặc tính chung của các pháp chân đế, người đó chắc chắn rằng vào kiếp tiếp theo không đoạ vào bốn đường ác đạo hay bốn cảnh khổ

Sau khi hành giả thấy được những đặc tính chung của danh pháp và sắc pháp rồi tiến hành thiền tuệ đạt đến 10 loại thiền tuệ tiếp theo và cuối cùng đạt đến Thánh đạo Nhập lưu, hành giả đó chắc chắn một điều rằng đã tách được tà kiến ra khỏi tâm. Khi đó tâm không còn ô nhiểm bởi tà kiến, bởi sự hiểu biết sai lệch về ngũ uẩn. Chỉ khi đó hành giả mới có thể chắc chắn thoát khỏi bốn đường ác đạo và chắc chắn không bao giờ đoạ vào cảnh giới ngạ quỷ nữa. Đó là một điều mà chúng ta là những Phật tử đang thực hành giáo pháp của Đức Phật, đang thực hành Bát chánh đạo hay Giới định và tuệ nên hoan hỷ và tinh tấn để thoát khỏi cảnh giới đau khổ bằng cách tách tà kiến ra khỏi tâm của mình.

Và bây giờ cũng đã đến lúc chúng ta thực hành. Sau khi chúng ta có giới hãy chú tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra để phát triển định. Và khi có định rồi chúng ta hướng tâm đến những cảm giác, cảm thọ khởi sinh lên ở trong thân và tâm để thấy rõ và quan sát sự khởi sinh và sự biến mất của những danh pháp và sắc pháp hay là những cảm thọ nó đang khởi sinh để phát triển trí tuệ. Qua trí tuệ hiểu biết chúng ta mới có thể đoạn trừ tà kiến, nói cách khác tách tà kiến ra khỏi tâm của mình

Như thường lệ, chúng ta ngồi một cách thoải mái, giữ tư thế thoải mái, lưng thẳng, cổ thẳng, không gồng mình, chú ý đến hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở và lỗ mũi. Chỉ quan sát và nhận biết hơi thở đi vào và đi ra ở điểm tiếp xúc ngay lỗ mũi mà thôi. Chúng ta thở một cách bình thường tự nhiên, chỉ cần quan sát và biết rõ hơi thở đi vào đi ra.

Và sau đây Ngài xin đại diện cho chư tăng, đại diện cho ban tổ chức đọc kinh  chúc phúc đến cho tất cả hội chúng của chúng ta để cầu nguyện cho tất cả mọi người được nhiều sức khoẻ, tránh khỏi bệnh tật và đặc biệt luôn tinh tấn thực hành giáo pháp của Đức Phật để có thể đạt đến Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu là điểm mốc rất quan trọng để  đóng lại cánh cửa đi vào bốn đường ác đạo

Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn

Buddasasanam ciram titthatu. (3 lần)

 

Bài pháp do Ngài Tam Tạng 10 thuyết ngày 23/1/2022, Sư Thiện Đức hỗ trợ dịch Việt, bản text do bạn Đào Duy Thắng tốc ký

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app