Buổi 4: Đại Kinh Thiết Lập Niệm – Phần Anapana Quán Hơi Thở Vào-Ra – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết

Bài Kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta – Đại Kinh Thiết Lập Niệm – Buổi 4

Hôm nay là ngày 24/9/2023, vào giờ lành này Ban Tổ Chức thỉnh mời Ngài Tam Tạng thứ 10 ban bố cho chư thiện nam, tín nữ, Phật tử thời pháp thoại liên quan đến bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta – Đại Kinh Thiết Lập Niệm để giúp cho quý hành giả có thêm kiến thức hiểu biết trong sự tu tập, và có 1 đời sống chánh niệm mang lại hạnh phúc, an lạc cho bản thân. Và trước hết, Ngài Tam Tạng 10 cầu chúc cho quý Phật tử và BTC có được nhiều sức khỏe và an lạc.
Đầu tiên, tất cả chúng ta hãy cùng niệm Phật 3 lần, Niệm Ân Đức Phật. Ngài là vị đã thực hành và tuyên thuyết bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này.

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa”

https://www.youtube.com/live/uHcDi__ol6g?si=MNNWz3pQrS3Oh1Q0

Vào buổi chủ nhật tuần trước, Ngài Tam Tạng đã giới thiệu về duyên khởi của bài kinh, cũng như đã giới thiệu về phần mở đầu, phần tóm tắt của bài kinh. Hôm nay Ngài tiếp tục giảng chi tiết về bài kinh để cho chúng ta hiểu hơn về nội dung của bài kinh.
Ở trong nội dung chi tiết này, bài kinh được bắt đầu bởi phần niệm thân. Và ở trong 14 phần niệm thân, Ngài Tam Tạng sẽ bắt đầu phần niệm thân đầu tiên, đó là ānāpāna – hơi thở vào và hơi thở ra.

Để bắt đầu phần giảng giải chi tiết về niệm thân, Đức Phật đã đặt câu hỏi: “Này các Tỳ Khưu, thế nào là hành giả, thế nào là vị Tỳ Khưu tu tập thân như là thân?”. Đức Phật đặt câu hỏi xong Ngài đã tự trả lời câu hỏi như sau: “Idha, bhikkhave, bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā…” “Này các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu đi đến khu rừng, đi đến gốc cây hoặc nơi thanh vắng…” – đó là 3 địa điểm (1) khu rừng, (2) gốc cây, (3) nơi thanh vắng thích hợp cho hành giả thực hành đề mục ānāpāna – hơi thở vào, hơi thở ra.

Ở trong 3 địa điểm này, địa điểm thứ 3 là suññāgāra là nơi thanh vắng. Ở đây chúng ta có thể hiểu, nếu nhà mà chúng ta đang ở nếu như thanh vắng thì cũng có thể gọi là suññāgāra, mặc dù trong Chú Giải giải thích nơi thanh vắng như hang núi, hang động… Nhưng vào thời này, nếu khu nhà chúng ta thanh vắng, không có tiếng ồn cũng được gọi là suññāgāra, nên chúng ta cũng có thể thực hành thiền ở ngôi nhà của mình.

Sau khi giới thiệu 3 nơi thích hợp, Đức Phật giải thích “nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya…” nghĩa là “Vị Tỳ Khưu ngồi với tư thế xếp bằng, giữ lưng thẳng đứng…”. Ở trong câu này, với hành giả nam hay nữ đều có thể ngồi với tư thế xếp bằng, tuy nhiên với hành giả nữ có thể ngồi với tư thế khác, là ngồi xếp 2 chân qua 1 bên, với điều kiện phải giữ lưng thẳng tự nhiên để có 1 tư thế thích hợp, và có thể ngồi lâu.

Và Đức Phật giải thích “parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā” nghĩa là sau khi hướng tâm đến đề mục thiền, hành giả hay vị Tỳ Khưu với chánh niệm vị ấy thở vào, với chánh niệm, vị ấy thở ra.

Ở đây, trong đoạn kinh này, trước khi Tỳ Khưu hay hành giả thực hành đề mục thiền của mình, Đức Phật đã giới thiệu 3 bước – đây là 3 bước chuẩn bị cho việc hành thiền với đề mục hành thiền hơi thở vào, hơi thở ra. Bước thứ nhất: chuẩn bị nơi thích hợp cho việc ngồi thiền. Thứ 2 là chuẩn bị thân, giữ cho lưng thẳng khi ngồi thiền. Bước thứ 3 là hướng sự chú ý, hướng sự chánh niệm đến đề mục thiền, đây là sự chuẩn bị tâm.

Nếu dịch theo nghĩa đen cụm từ “parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā” “hành giả sau khi hướng sự chánh niệm đến đề mục thiền” – đó là 1 cách dịch. Trong cụm từ này, parimukhaṃ thường có nghĩa là trước mặt. Trước mặt ở đây có thể là khuôn mặt, cũng như là nơi gần khuôn mặt. Nhưng trong trường hợp này, Chú Giải giải thích “parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā” là hướng tâm đến đề mục thiền tại nơi gần lỗ mũi.
Sau đó Đức Phật dạy tiếp “So satova assasati, satova passasati” nghĩa là “với chánh niệm hành giả thở vào, với chánh niệm hành giả thở ra”. Câu này là 1 câu đầu tiên khi hành giả thực hành thiền ānāpāna – hơi thở vào hơi thở ra.

Tiếp theo, Đức Phật dạy “Dīghaṃ vā assasanto ‘dīghaṃ assasāmī’ti pajānāti, dīghaṃ vā passasanto ‘dīghaṃ passasāmī’ti pajānāti.” Nghĩa là “đang thở vào dài, vị đó biết rằng mình thở vào dài, đang thở ra dài, vị đó biết mình đang thở ra dài”. Đó là bước tiếp theo của thiền hơi thở vào, hơi thở ra.

Trong bước tiếp theo này, có 1 phần nữa đó là Rassaṃ vā assasanto ‘rassaṃ assasāmī’ti pajānāti, rassaṃ vā passasanto ‘rassaṃ passasāmī’ti pajānāti.” nghĩa là “đang thở vào ngắn vị đó biết rằng mình đang thở vào ngắn, đang thở ra ngắn vị đó biết rằng mình đang thở ra ngắn”.

Bước tiếp theo là bước thứ 3 trong quá trình thiền hơi thở, Đức Phật dạy “‘Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati” nghĩa là “vị Tỳ Khưu nhận biết toàn thân hơi thở, vị Tỳ Khưu thở vào, vị Tỳ Khưu nhận biết toàn thân hơi thở, vị Tỳ Khưu thở ra”. Nhận biết toàn thân ở đây nghĩa là nhận biết từ đầu đến cuối hơi thở, đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của hơi thở tại điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi.

Liên quan đến 3 bước đầu tiên này ở trong phần quán niệm hơi thở, Ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất) ở trong bộ Paṭisambhidāmagga (Vô Ngại Giải Đạo) thuộc Tiểu Bộ Kinh đã cho 1 ví dụ, Ngài ví dụ hành giả thiền hơi thở vào, hơi thở ra với 3 bước này giống như một người gác cổng. Người gác cổng không cần nhận biết người đã ra khỏi cổng là ai, hoặc cũng không cần nhận biết người chưa ra khỏi cổng là ai, người đó chỉ đứng ngay ở cổng thành quan sát, nhận biết những người đang đi vào, đang đi ra tại cổng thành mà thôi. Cũng vậy, hành giả khi thực hành thiền hơi thở vào, hơi thở ra thì chỉ cần đặt tâm của mình tại điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, ở xung quanh lỗ mũi hoặc ở phần gần, phía dưới 2 lỗ mũi một chút, đó là điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi. Hành giả chỉ cần đặt tâm tại điểm tiếp xúc đó và nhận biết, quan sát hơi thở đi vào, hơi thở đi ra mà thôi.

Và ở trong bộ Vô Ngại Giải Đạo này, cũng có 1 ví dụ tương tự khác để diễn tả hành giả đang tu tập quan sát hơi thở vào, hơi thở ra. Đó là hành giả được ví dụ như một người thợ cưa đang cưa một khúc gỗ, người thợ cưa nhìn vào chỗ nào? Người thợ cưa nhìn vào điểm tiếp xúc của lưỡi cưa với khúc gỗ mà không có nhìn vào ở phía đằng kia của lưỡi cưa, cũng không nhìn vào những răng của lưỡi cưa, chỉ nhìn vào chỗ tiếp xúc của cái cưa với khúc gỗ mà thôi, và người đó hoàn thành công việc của mình. Cũng tương tự như vậy, hành giả khi thực hành thiền hơi thở vào, hơi thở ra thì chỉ cần chú tâm ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, và hành giả quan sát hơi thở vào, hơi thở ra ở chỗ đó. Hành giả cũng có thể quan sát từ đầu đến cuối hơi thở ở điểm tiếp xúc đó. Công việc hành thiền chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra của hành giả có thể hoàn thành thông qua việc quan sát hơi thở bằng cách đặt tâm của mình ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi.

Sau đó Đức Phật dạy bước thứ 4 liên quan đến sự quan sát hơi thở vào, hơi thở ra “‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, ‘passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati.” Nghĩa là hành giả thực tập rằng “mình làm thân hơi thở được lắng dịu, mình sẽ thở vào, làm lắng dịu thân hơi thở, mình sẽ thở ra”.

Sở dĩ hành giả thực tập làm cho hơi thở vào, hơi thở ra được lắng dịu, ở đây không có nghĩa hành giả cố gắng để làm cho hơi thở phải lắng dịu xuống. Mà khi hơi thở được lắng dịu ở đây là do hành giả thực tập qua các bước ở phía trên, khi mà tâm của hành giả định tĩnh thì thân cũng theo đó không làm việc nhiều, nên hơi thở trở nên lắng dịu. Bởi vì hơi thở được tạo ra bởi thân và tâm, đặc biệt khi thân có sự vận động mạnh hay là có sự thô nhiều hơn, có sự vận động thô mạnh cũng làm cho hơi thở thô, khi thân được ảnh hưởng bởi tâm, được tĩnh lặng thì thân cũng trở nên vi tế, nhờ vậy hơi thở cũng trở nên lắng dịu.

Liên quan đến kāyasaṅkhāraṃ ở đây có nghĩa là hơi thở được lắng dịu. Ở trong bộ Vô Ngại Giải Đạo, Ngài Sāriputta có đề cập đến 3 bước, bước thứ nhất, khi hành giả chưa có sự định tâm, tĩnh lặng thì hơi thở vẫn còn thô ráp, nhưng khi hành giả thực hành, tâm trở nên tĩnh lặng, tâm theo đó cũng lắng dịu, rồi đến khi tâm đạt đến sự an tịnh, thật sự tĩnh lặng, hơi thở cũng trở nên vi tế hơn, thậm chí hành giả không nhận biết được hơi thở. Đó là 3 bước liên quan đến hơi thở trong sự thực hành. Có 1 ví dụ để diễn tả 3 bước này liên quan đến sự lắng dịu của hơi thở – đó là tiếng chuông. Tiếng chuông khi mới được đánh thì âm thanh rất lớn, nhưng sau đó âm thanh nhỏ dần, cuối cùng âm thanh nhỏ đến nỗi chúng ta không thể nghe thấy được. Đó là ví dụ về tiếng chuông để so sánh với hơi thở của hành giả.

Trong các bước thiền hơi thở này, Ngài Tam Tạng tóm tắt lại là có 4 bước. Bước thứ nhất là hành giả quan sát hơi thở vào, bước thứ 2 hành giả quan sát hơi thở ngắn, bước thứ 3 hành giả quan sát toàn thân của hơi thở, đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của hơi thở tại điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi. Và khi hành giả trả qua 3 bước quan sát này, tâm của hành giả trở nên tĩnh lặng, hơi thở của hành giả theo đó cũng trở nên lắng dịu, và bước thứ 4 là hành giả quan sát hơi thở lắng dịu.

Liên quan đến hơi thở dài, hơi thở ngắn, Đức Phật có cho 1 ví dụ để so sánh với hành giả đang thiền hơi thở vào, hơi thở ra khi hành giả quan sát sự ngắn, sự dài của hơi thở. Đó là như 1 người thợ tiện lành nghề và học trò của ông ta, khi quay 1 vòng dài thì biết tôi quay 1 vòng dài, khi quay 1 vòng ngắn thì biết tôi quay 1 vòng ngắn. Đây là 1 nghề mà mang tính chất truyền thống thời Đức Phật, và khi Đức Phật ví dụ người thợ tiện này thì các hành giả cũng hiểu rõ thế nào là quay 1 vòng dài, và thế nào là quay 1 vòng ngắn. Nói tóm lại, khi hành giả quan sát hơi thở vào, hơi thở ra dài hay ngắn thì hành giả cũng biết rõ mình thở vào dài, mình thở vào ngắn theo tính chất về thời gian, chứ không phải dài ngắn theo độ dài. Cũng vậy, giống như người tiện lành nghề, họ quay 1 vòng dài thì họ biết quay 1 vòng dài, quay 1 vòng ngắn họ biết quay 1 vòng ngắn, ý thức được dài hay ngắn đối với công việc mình làm. Cũng vậy, hành giả ý thức được hơi thở của mình dài hay ngắn theo độ dài của thời gian, hơi thở dài biết được hơi thở dài, hơi thở ngắn biết được hơi thở ngắn.

Vì vậy vị Tỳ Khưu khi thở vào và thở ra, đặt tâm của mình ở trên điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, và vị Tỳ Khưu hay hành giả nhận biết hơi thở dài hoặc hơi thở ngắn tại điểm tiếp xúc đó mà thôi, trong lúc quan sát hơi thở.

Ở trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, Đức Phật chỉ đề cập 4 bước liên quan đến hơi thở vào, hơi thở ra, nhưng ở những bài kinh khác như bài kinh Sāmaññaphalasutta bài kinh thứ 2 thuộc Trường Bộ Kinh (kinh Sa Môn Quả), trong bài kinh này, Đức Phật trước khi giới thiệu những bước quan sát hơi thở vào, hơi thở ra này, Ngài cũng đề cập đến sự giữ giới, tu tập giới; sau khi đề cập đến 4 bước quan sát hơi thở vào, hơi thở ra, Đức Phật cũng đề cập đến các tầng thiền như nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Rồi sau đó Đức Phật cũng đề cập đến sự thực hành Vipassanā, nhưng ở trong bài kinh này thì Đức Phật chỉ dừng lại ở 4 bước của việc quan sát hơi thở vào hơi thở ra mà thôi.

Ở trong các bộ Chú Giải, đặc biệt là bộ Visuddhimagga Thanh Tịnh Đạo, sau khi trích dẫn 4 bước này thì các Ngài biên soạn Chú Giải, đặc biệt ở trong bộ Thanh Tinh Đạo thì ngài Phật Âm Buddhaghosa đã giải thích rất chi tiết về 4 bước này cho đến đạt đến các tầng thiền định. Nghĩa là 4 bước này được giải thích ở trong chú giải theo sự thực hành thiền định để giúp hành giả đạt đến những tầng thiền định như là nhất thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

Vào một dịp thuận lợi thì Ngài sẽ giải thích theo chú giải nhưng mà ở đây thì ngài Tam Tạng dựa vào kinh để Ngài giải thích và Ngài sẽ giải thích tóm tắt hơn chứ không có đi sâu vào Chú Giải nhiều mà ngài hẹn vào một cái dịp khác thuận lợi thì ngài sẽ giải thích chi tiết với phần tu tập thiền hơi thở vào, hơi thở ra để đạt đến an chỉ định như là từ nhất thiền đến tứ thiền.

Ở trong phần chánh văn của bài kinh này sau khi Đức Phật trình bày bước thứ tư của thiền chánh niệm quan sát hơi thở vào hơi thở ra đó là “‘Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati” hành giả thực tập rằng mình sẽ thở vào làm cho hơi thở trở nên lắng dịu… rồi Ngài đến kết luận là như vậy là hành giả thực hành niệm thân như là thân.

Ở phần này Đức Phật giới thiệu có ba phần nhỏ đó là “như vậy Tỳ Khưu quan sát thân ở trong nội thân là phần thứ nhất, hay Tỳ Khưu quan sát thân trong ngoại thân đó là phần thứ 2, phần thứ ba là hay Tỳ Khưu quan sát thân trong nội thân và ngoại thân. Đây là phần chánh văn, thứ nhất đó là quan quan sát thân ở trong nội thân, thứ 2 là quan sát thân trong ngoại thân và thứ ba là quan sát thân trong cả nội thân và ngoại thân.

Liên quan đến ngoại thân thì ở đây được giải thích rằng giai đoạn mà hành giả thực hành ngoại thân là không phải thực hành hơi thở vào, hơi thở ra theo phương pháp để phát triển thiền định, không phải theo phương pháp thiền định mà là ở giai đoạn hành giả đang thực hành thiền quán. Bởi vì nếu như hành giả quan sát hơi thở ở trên thân người khác thì ngay cả học tưởng hay là quán tưởng cũng không thể định được chứ đừng nói gì là có thể nhập vào an chỉ định. Chính vì vậy mà ngoài thân ở đây là hành giả quan sát hơi thở theo phương pháp thực hành thiền quán.

Sau đó Đức Phật dạy tiếp rằng “Samudayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati, vayadhammānupassī vā kāyasmiṃ viharati…” có nghĩa là hành giả quan sát yếu tố sinh khởi của toàn thể hơi thở hay Tỳ Khưu quan sát yếu tố diệt tận, sự diệt tận của toàn thể hơi thở, hoặc vì Tỳ Khưu quan sát yếu tố sinh khởi và diệt tận, sự sinh khởi và sự diệt tận của toàn thể hơi thở. Ở đây chúng ta cần chú ý vào từ Samudayadhammānupassī và vayadhammānupassī. Từ thứ nhất đó là Samudayadhammānupassī – quan sát sự sinh khởi hoặc yếu tố sinh khởi của hơi thở. Có 2 khía cạnh mà thường các bản dịch ở bên Miến Điện bởi các ngài uyên thâm Phật Pháp, thì có 2 bản dịch mà được sử dụng nhiều nhất đó là bản dịch của Ngài ??? với bản dịch của Ngài ??? Sayādaw. Trong 2 bản dịch này đều dịch theo 2 khía cạnh, khía cạnh thứ nhất đó là yếu tố sinh khởi của hơi thở và khía cạnh thứ 2 là sự sinh khởi của hơi thở. Thì yếu tố sinh khởi ở đây đó là nguyên nhân sinh khởi của hơi thở, và sự sinh khởi đây là 2 khía cạnh khác nhau. Và trong trường hợp này chúng ta – hành giả cũng có thể thực hành theo 2 khía cạnh này. Thứ nhất là quan sát nguyên nhân sinh khởi của hơi thở và khía cạnh thứ 2 là quan sát sự sinh khởi của hơi thở. Cũng tương tự như vậy từ thứ 2 đó là vayadhammānupassī – vayadhammānupassī ở đây cũng có thể hiểu theo 2 khía cạnh tương tự như vậy. Đó là khía cạnh thứ nhất là yếu tố đoạn diệt hay là nguyên nhân đoạn diệt, và yếu tố thứ 2 là sự đoạn diệt của hơi thở. Và trong trường hợp này hành giả cũng có thể thực hành theo 2 khía cạnh này, thứ nhất đó là quan sát nguyên nhân đoạn diệt của hơi thở và quan sát sự đoạn diệt của hơi thở.

Liên quan đến khía cạnh thứ nhất của ý nghĩa yếu tố của hơi thở hay là nguyên nhân của hơi thở. Thì yếu tố tạo ra hơi thở (nói cách khác là nguyên nhân để cho hơi thở có mặt) đó là gì? Đó chính là thân, lỗ mũi và tâm. Thân, lỗ mũi và tâm là ba yếu tố tạo hơi thở, nói cách khác là ba nguyên nhân để hơi thở có mặt.

Ở trong kinh ví dụ những nguyên nhân này giống như một cái lò rèn để tạo ra sức nóng, giúp cho người thợ rèn có thể đốt nóng những thanh sắt. Vì trong lò rèn thường có một bộ phận phát hơi và một cái vòi, đồng thời phải có sức của người thợ rèn mới có thể tạo ra được hơi nóng cung cấp cho người thợ rèn. Ba bộ phận để tạo ra sức nóng giúp cho người thợ đèn đó là gì? Đó là cái bộ phận phát hơi, cái vòi để dẫn hơi và sử dụng sức của người thợ rèn thì khi đó mới tạo ra sức nóng. Cũng tương tự như vậy để hơi thở có mặt thì trước hết phải có sắc tạo ra bởi nghiệp và sắc tạo ra bởi nghiệp ở đây nghĩa là thân, thứ 2 đó là lỗ mũi và thứ ba là tâm. Đây là ba yếu tố, ba nguyên nhân để tạo ra hơi thở, để hơi thở có mặt. Cho nên khi hành giả quan sát nguyên nhân của hơi thở là hành giả nhận biết được ba cái yếu tố này là những nguyên nhân để hơi thở có mặt.

Khi hành giả có thể nhận biết được những nguyên nhân này, nhờ có những nguyên nhân này mà hơi thở có mặt. Cho nên hành giả không có sự hiểu lầm về sự có mặt của hơi thở là do một nhân tố nào đó một tạo hóa, một thượng đế… tạo ra. Mà là hơi thở có mặt là do ba nguyên nhân này. Hành giả hiểu được như vậy trong lúc hành giả đang thực hành thiền.

Khi hành giả có thể nhận biết được ba nguyên nhân để tạo ra hơi thở bao gồm thân, lỗ mũi và tâm. Hành giả nhận biết được ở đây có danh pháp và sắc pháp, thân, lỗ mũi là sắc pháp, tâm là danh pháp. Sở dĩ hơi thở phát sinh là có những yếu tố danh pháp sắc pháp này. Danh pháp sắc pháp này là nhân, hơi thở là quả. Hành giả sẽ nhận biết được như vậy khi hành giả quan sát hơi thở khi quan sát ba nguyên nhân để hơi thở có mặt.

Trên đây là phương pháp thứ nhất, đó là hành giả nhận biết và quan sát những nguyên nhân để tạo ra hơi thở. Nếu như hành giả không quan sát như vậy thì hành giả có thể quan sát phương pháp thứ 2. Phương pháp thứ 2 đó là gì? Đó là hành giả quan sát sự sinh khởi của hơi thở. Sự sinh khởi ở đây là sự xuất hiện, sự có mặt của hơi thở.

Tương tự như vậy, về sự đoạn diệt của hơi thở thì hành giả cũng có thể quan sát theo 2 phương pháp tương tự. Phương pháp thứ nhất đó là vayadhammānupassī quan sát sự đoạn diệt, quan sát nguyên nhân đoạn diệt của hơi thở, và quan sát sự đoạn diệt của hơi thở, đó là 2 phương pháp. Phương pháp thứ nhất đó là quan sát nguyên nhân đoạn diệt của hơi thở, thì cũng giống như nguyên nhân sinh khởi của hơi thở, nguyên nhân đoạn diệt hơi thở ở đây cũng có ba nguyên nhân. Thứ nhất là thân, thứ 2 là lỗ mũi và thứ ba là tâm. Khi ba nguyên nhân này đoạn diệt, hành giả thấy rõ sự đoạn diệt của hơi thở thì hành giả thấy được sự đoạn diệt ba nguyên nhân này. Và cái yếu tố đoạn diệt của hơi thở phụ thuộc vào ba nguyên nhân để tạo ra hơi thở. Khi ba nguyên nhân này, ví dụ khi thân này tan rã, mũi này tan rã và tâm không còn hoạt động thì ba yếu tố này gọi là sự đoạn diệt. Và khi ba yếu tố này đoạn diệt thì hơi thở cũng đoạn diệt. Cho nên khi hành giả quan sát ba yếu tố đoạn diệt hơi thở thì hành giả cũng quan sát ba yếu tố giống như là ba yếu tố sinh khởi của hơi thở vậy.
Và trên đây đó là một cái sự hiểu biết liên tưởng, mặc dù khi cơ thể chưa đoạn diệt, khi lỗ mũi chưa đoạn diệt và tâm chưa đoạn diệt, nhưng hành giả có thể liên tưởng để biết rằng những yếu tố này đoạn diệt thì hơi thở đoạn diệt, đó là phương pháp thứ nhất.

Phương pháp thứ 2 đó là quan sát sự đoạn diệt của hơi thở. Quan sát sự đoạn diệt của hơi thở ở đây là hành giả thấy được sự chấm dứt, sự không có mặt của hơi thở.

Ở bên Myanmar có một quyển sách nói về tiểu sử của các bậc A-la-hán và các nhân cách đặc biệt, có đề cập đến một Ngài Đại Trưởng Lão, nói về sự quan sát đoạn diệt của hơi thở. Ngài nói rằng khi hành giả quan sát sự đoạn diệt của hơi thở là hành giả nhìn thấy sự chuyển động của yếu tố gió, khi hơi thở đi vào và đạt đến điểm cuối cùng của hơi thở thì hơi thở không còn nữa, khi đó hành giả nhận biết được sự đoạn diệt hơi thở. Và khi hơi thở đi ra đến cuối hơi thở và hơi thở không còn nữa, hành giả cũng nhận biết được sự đoạn diệt, sự không có mặt của hơi thở theo cách đó.

Ở trong đoạn kinh tiếp theo, Đức Phật dạy rằng hành giả quan sát yếu tố sinh khởi và yếu tố đoạn diệt của toàn thể hơi thở. Thì bước này không có nghĩa hành giả quan sát một lần vừa sanh khởi vừa đoạn diệt của hơi thở. Mà có nghĩa rằng có khi hành giả quan sát sự sinh khởi của hơi thở, có khi hành giả quan sát sự đoạn diệt của hơi thở. Hành giả không thể quan sát một lúc có thể thấy cả sinh diệt và đoạn diệt trong cùng một lúc. Mà sự sinh khởi sự đoạn diệt xảy ra 2 lúc khác nhau, và hành giả khi thì quan sát sự sinh khởi, khi thì hành giả quan sát sự đoạn diệt của hơi thở

Đức Phật tiếp tục dạy rằng “‘Atthi kāyo’ti vā panassa sati paccupaṭṭhitā hoti” nghĩa là Tỳ Khưu chánh niệm rằng chỉ có toàn thân hơi thở mà thôi, nghĩa là chỉ có thuần hơi thở mà thôi. Ở đây được giải thích rằng hành giả quan sát hơi thở và chỉ biết rằng đó là hơi thở, đó là sự chuyển động của gió mà thôi. Không phải là hơi thở của ta, hơi thở của người nam, của người nữ, hơi thở của mình mà chỉ nhận biết hơi thở là hơi thở mà thôi, hơi thở là sự chuyển động của gió mà thôi.

Sự hiểu biết hơi thở hay là thân hơi thở chỉ là hơi thở, chỉ là sự chuyển động của gió, mà không phải là của ta, là ta, là của người nam, của người nữ, là người nam, người nữ. Đó là một sự hiểu biết có trí tuệ. Khi hành giả có sự hiểu biết như vậy là hành giả đã có một cái sự hiểu biết trí tuệ thiền tuệ. Và bởi vì ở trong bài kinh này Đức Phật nhấn mạnh về chánh niệm, cho nên Ngài đã dạy rằng “yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati”. Và chánh niệm này cần được thiết lập để giúp cho sự phát triển trí tuệ và chánh niệm về sau. Đây là một yếu tố để nói về trí tuệ và chánh niệm liên quan đến hơi thở.

Cho nên ở đoạn kinh này, Đức Phật đề cập đến 2 yếu tố đó là trí tuệ và chánh niệm. 2 yếu tố này là 2 yếu tố rất quan trọng khi hành giả thực hành. Và 2 yếu tố này cũng tương thích với ba yếu tố ở trong phần mở đầu của bài kinh mà Đức Phật đã đề cập đó là ātāpī sampajāno satimā – tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm. Tỉnh giác ở đây nghĩa là trí tuệ, chánh niệm đó là chánh niệm ở trong đoạn kinh gần cuối của phần niệm hơi thở vào hơi thở ra này.

Cho nên ở trong phần mở đầu của bài kinh, chữ tỉnh giác (sampajāno), thì tỉnh giác là yếu tố trí tuệ ở trong Bát Chánh Đạo, bao gồm Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Còn satimā chánh niệm ở trong phần sammāvāyāma sammāsati sammāsamādhi thì chánh niệm ở đây là trong định phần của Bát Chánh Đạo.

Ở trong đoạn cuối của phần niệm hơi thở, Đức Phật tiếp tục dạy rằng “na ca kiñci loke upādiyati” nghĩa là Tỳ Khưu không vì tham ái và tà kiến mà lệ thuộc hay dính mắc vào bất kỳ điều gì. Ở đây vì Tỳ Khưu không vì tham ái và không vì tà kiến mà lệ thuộc hay dính mắc bất kỳ điều gì. Tà kiến ở đây là Atta-diṭṭhi – tà kiến về cái bản ngã, cái tự ngã thường còn. Thì vị Tỳ Khưu không có tà kiến như vậy và cũng không có tham ái để lệ thuộc hay đánh mất bất cứ điều gì ở trên đời.

Và không có dính mắc điều gì ở trên đời ở đây cũng có nghĩa là vị Tỳ Khưu hay hành giả không vì tham ái và tà kiến mà dính mắc hay lệ thuộc vào ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức).

Và cuối cùng Đức Phật kết thúc phần niệm hơi thở với câu “Evampi kho, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati” – Như vậy các Tỳ Khưu, vị Tỳ Khưu quán sát thân như là thân.

Ở trong câu pali có chữ Evampi có nghĩa là cũng như vậy, evam nghĩa là như vậy, pi hay là api nghĩa là cũng. Cho nên chữ evampi nghĩa là cũng như vậy vị Tỳ Khưu quan sát thân như là thân. Thì cũng như vậy ở đây, đặc biệt là chữ cũng, nghĩa là sẽ có một thứ khác nữa. Ví dụ khi chúng ta nói người A cũng quét lá, người B cũng quét lá, thì chữ “cũng” ở đây không chỉ nói một người mà là liên hệ với người khác. Ở trong câu kinh này Đức Phật dùng chữ evampi cũng như vậy – ý Đức Phật muốn nói đây là một phương pháp thực hành chánh niệm thân như là thân, và ngoài phương pháp này thì sẽ có những phương pháp khác và sẽ được Ngài trình bày phía sau. Đó là ý nghĩa của chữ evampi.

Và đây Ngài Tam Tạng cũng muốn nhắc nhở chúng ta sự giống nhau ở trong phần quán niệm hơi thở với những phần quán niệm ở phía sau. Đó là về cách thực hành quan sát nội thân, ngoại thân, nội thân và ngoại thân. Có ba bước, trước hết là quan sát nội thân, thứ 2 là quan sát ngoại thân và thứ ba là quan sát vừa nội thân vừa ngoại thân. Thì trong trường hợp quan sát hơi thở ở trong phần niệm thân đầu tiên thì những phần niệm thân phía sau chúng ta cũng sẽ thấy ba bước này là quan sát nội thân, quan sát ngoại thân, quan sát vừa nội thân và ngoại thân – đó là điểm đầu tiên. Và đến phần niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp cũng có mặt ba cách niệm này, ba cách quan sát. Rồi đến phần quan sát sự sinh khởi và sự đoạn diệt trong phần quán niệm hơi thở sẽ giống với những phần quán niệm ở phía sau. Những phần niệm ở phía sau cũng sẽ có quán niệm sự sinh khởi, sự đoạn diệt.

Ở phần niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp cũng vậy, chúng ta cũng sẽ thấy sự quan sát sự sinh khởi và quan sát sự đoạn diệt. Chỉ khác nhau ở đây là hơi thở, ở đây là niệm thân và ở phía sau sẽ là niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Ở đây Ngài Tam Tạng muốn lưu ý với chúng ta trước như vậy.

Và Ngày Tam Tạng cũng muốn lưu ý với chúng ta thêm một điều nữa, đó là ở trong bài kinh này Đức Phật chỉ đề cập đến một cách tóm tắt theo tuần tự niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, và niệm pháp, có tất cả là 21 phần ở trong bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này. Còn ở trong Chú Giải khi giải thích bài kinh này thì các ngài Chú Giải đã phân chia thành 2 phần, đó là phần phát triển định và phần phát triển tuệ. Nói cách khác là phần thực hành thiền định và phần thực hành thiền quán. Đối với phần quán niệm hơi thở thì Chú Giải giải thích rằng hành giả có thể thực hành quán niệm hơi thở vào hơi thở ra và đạt đến tứ thiền, đây là phần phát triển định. Ở mục thứ 2 đó là phần quán tưởng sự bất tịnh của thân, cũng là thuộc phần niệm thân này, ở phía sau phần hơi thở, phía sau phần quán niệm tứ oai nghi và các đề mục phụ, các oai nghi phụ thì sẽ có phần niệm hay là quan sát sự bất tịnh. Thì đề mục này, đề mục bất tịnh của thân hành giả có thể thực hành phát triển định tâm đạt đến nhất thiền. Còn những đề mục khác còn lại thì hành giả có thể thực hành cả định và tuệ, nếu như thực hành định thiền giả đạt đến cận định mà thôi. Và một số đề mục thiền giả chỉ có thực hành quán. Và khi hành giả thực hành thiền quán thì định mà hành giả có thể đạt được đó là sát-na định.

Ở đây có 2 cách nhìn nhận, cách nhìn nhận thứ nhất cho rằng có 4 đề mục mà hành giả không thể thực hành thiền định được, không thể thực hành quán được, đó là đề mục sampajanna??? là các đề mục phụ, các oai nghi phụ. Rồi phần niệm pháp thì có phần về năm pháp chướng ngại nivāraṇa hành giả cũng không thể thực hành theo quán được – đó là một ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên ý kiến thứ 2 của ngài Mahaciva??? là một bậc Đại Trưởng Lão được Chư Tăng thời bấy giờ ở Tích Lan rất kính trọng. Ngài là một bậc vừa hướng dẫn pháp học vừa hướng dẫn pháp hành cho Chư Tăng thời bấy giờ thì cho rằng tất cả 21 phần quán niệm ở trong bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này hành giả đều có thể thực hành theo thiền quán. Và đều có thể đạt đến Thánh Đạo, Thánh Quả, A-la-hán.

Khi chúng ta đọc trong kinh hay là nghe trong kinh thường đề cập đến những sự thành tựu, những kết quả cao nhất. Ví dụ vào cuối bài kinh, có những vị chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, A-la-hán, hay là liên quan đến thiền định thì chứng đắc tứ thiền. Tuy nhiên Ngài Tam Tạng muốn nhắc nhở chúng ta rằng, khi đề cập trong kinh như vậy là đề cập đến sự thành tựu, chứng đắc ở bậc cao nhất. Nhưng để đạt đến những bậc cao nhất của thiền quán hay thiền định như vậy thì hành giả cũng cần trải qua những sự chứng đắc thấp hơn. Ví dụ trước khi đạt đến Thánh Đạo, Thánh Quả, A-la-hán thì hành giả cũng phải đạt qua Thánh Đạo, Thánh Quả, Nhập Lưu, rồi Thánh Đạo, Thánh Quả, Nhất Lai, rồi đến Thánh Đạo, Thánh Quả, Bất Lai rồi mới đến Thánh Đạo, Thánh Quả, A-la-hán. Cũng tương tự như vậy, liên quan đến các tầng thiền, để đạt đến Tứ Thiền, hành giả cũng phải trải qua các tầng thiền ở phía dưới thấp hơn là Nhất Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền rồi mới đến Tứ Thiền. Đối với thiền quán, để đạt đến Thánh Đạo, Thánh Quả, Nhập Lưu thì hành giả cũng cần có những trí tuệ của thiền tuệ, bắt đầu với trí tuệ thiền tuệ nền tảng là trí tuệ phân biệt danh pháp và sắc pháp – phải thấy biết rằng chỉ có danh pháp và sắc pháp mà thôi, không có chúng sinh, không có người nam, người nữ… Những tên gọi chúng sinh, người nam, người nữ… chỉ là những quy ước chế định chứ không có thật. Chỉ có sự hiểu biết danh pháp, sắc pháp, chỉ có danh pháp, sắc pháp mà thôi. Thì đó là nền tảng của trí tuệ. Nếu như không trải qua trí tuệ nền tảng như vậy thì hành giả không thể nào chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả, A-la-hán. Cho nên ở trong kinh thường Đức Phật nói tóm tắt hơn, để hiểu sâu sắc và chính xác thì chúng ta cần nghe giảng giải từ các bậc uyên thâm hoặc là cũng cần có sự tham khảo ở trong Chú Giải thì chúng ta mới có sự hiểu biết chính xác và sâu sắc hơn.

Và bây giờ cũng đã đến lúc để cho chúng ta thực tập, sau khi chúng ta đã lắng nghe và hiểu biết về phương pháp thực tập ở trong bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này. Và như thường lệ, chúng ta sẽ ngồi thiền với đề mục thiền hơi thở vào, hơi thở ra. Chúng ta ngồi với tư thế thoải mái, thư giãn, giữ lưng và cổ thẳng tự nhiên. Ngồi nhắm mắt, thư giãn, chú ý đến đề mục là hơi thở vào, hơi thở ra, nhận biết và quan sát hơi thở đi vào, hơi thở đi ra ở lỗ mũi với sự chánh niệm, hành giả biết rõ hơi thở đang đi vào, hơi thở đang đi ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi. Hành giả thở 1 cách tự nhiên, không cố gắng thở, không làm hơi thở mất tự nhiên mà chỉ để hơi thở tự nhiên, nhận biết và quan sát hơi thở mà thôi.

Để phát triển sự định tâm, khi hành giả nghe âm thanh, cảm nhận, ngứa, dễ chịu, khó chịu ở trên thân hay hành giả nhận biết tâm đang suy nghĩ thì đừng quan tâm đến đối tượng đó, mà chỉ quay lại nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra mà không phản ứng với những đối tượng đó, chỉ quay vào quan sát hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi.

Phần hỏi đáp

Câu hỏi 1: Thưa Ngài, cho con hỏi có cần học Tam Tạng Kinh Điển rồi mới thực hành không ạ?

Trả lời:
Ngài Tam Tạng trả lời rằng chúng ta không cần học hết Tam Tạng Kinh Điển rồi mới thực hành, không cần làm như vậy. Chúng ta chỉ cần: (1) có người hướng dẫn thiền cho chúng ta đúng đắn (2) phương pháp thực hành cũng cần đúng đắn (3) sự tinh tấn thực hành của hành giả. Đây là 3 yếu tố quan trọng để 1 hành giả có thể hành thiền, chứ không cần học hết Tam Tạng Kinh Điển rồi mới hành thiền.

Câu hỏi 2: Cho con hỏi, với người cư sĩ bận rộn nhiều công việc, rất khó để hành thiền. Vậy việc thực tập thiền áp dụng có hiệu quả không?

Trả lời:
Ngài Tam Tạng trả lời rằng, đối với 1 cư sĩ bận rộn công việc vẫn có thể hành thiền và hành thiền hiệu quả được. Cách đây khoảng 100 năm ở Myanmar có 1 Ngài Đại Trưởng Lão tinh thông về Pháp Học và Pháp Hành, đó là Trưởng Lão Ledi Sayadaw. Ngài Ledi Sayadaw viết rất nhiều sách liên quan đến nhiều lĩnh vực Phật học, kể cả những phương pháp hành thiền. Ngài là 1 vị rất nổi tiếng vào thời bấy giờ, Ngài cũng là 1 vị duy nhất được hoàng hậu Đinh Anh dâng tặng 1 danh hiệu cao quý. Và theo Ngài Ledi Sayadaw, đối với 1 cư sĩ hành thiền với nhiều công việc bận rộn, nhưng vẫn có thể hành thiền hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể chứng đắc các tầng thiền định, thì đối với 1 cư sĩ bận rộn nhiều việc, sống trong gia đình, trong những nơi có nhiều tiếng ồn thì rất khó để thực hành chứng đắc các tầng thiền định. Nhưng nếu thực hành thiền quán thì vẫn có thể thực hành được.

Có những người vào thời Ngài thực hành theo sự hướng dẫn của Ngài, mỗi ngày họ làm việc xong, họ về nhà sau khi công việc ở nhà hoàn chỉnh, họ có thể hành thiền. Trước hết theo hướng dẫn của Ngài Ledi Sayadaw cũng như Ngài Tam Tạng, sau khi công việc ở nhà xong, hành giả có thể chọn 1 nơi thích hợp, thanh vắng rồi phát nguyện giữ giới, sau đó phát triển tâm từ đến cho tất cả chúng sinh, rồi đảnh lễ Phật, bắt đầu ngồi thiền. Có thể chọn 1 đề mục thích hợp với mình, hoặc là đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, hoặc đề mục khác, thấy thích hợp với mình thì hành giả có thể thực hành. Sau khi hành giả có thể phát triển được sự định tâm ở 1 mức độ vừa phải, khi tâm tĩnh lặng hành giả có thể hướng tâm đến những đối tượng sắc pháp, danh pháp để phân biệt, để hiểu rõ danh pháp là thế nào, sắc pháp là thế nào. Và chỉ có danh pháp, sắc pháp mà thôi, không có ta. Nếu hành giả có thể phân biệt được danh sắc với sự hiểu biết trực tiếp như vậy, hành giả có được 1 sự hiểu biết, 1 trí tuệ thiền tuệ nền tảng. Từ đó hành giả có thể tiếp tục thực hành để phát triển các trí tuệ thiền tuệ tiếp theo. Cho nên theo Ngài Tam Tạng cũng như Ngài Ledi Sayadaw thì 1 cư sĩ với nhiều công việc vẫn có thể hành thiền và thực hành hiệu quả.

Ở phần niệm thân, mục số 5 đó là về đề mục tứ đại catudhātuvavatthāna là sự phân biệt về tứ đại, thì đây cũng là 1 đề mục mà 1 người cư sĩ bận rộn vẫn có thể thực hành được. Mục thứ 5 ở trong 6 mục của phần niệm thân chúng ta có thể sẽ học vào tuần sau, hoặc tuần sau nữa. Đối với 1 hành giả có nhiều việc bận rộn có thể thực hành đề mục này để phân biệt tứ đại. Phân biệt tứ đại là nhận biết tính chất của đất, nước, lửa, gió. Tính chất của đất là sự cứng, mềm ở trong thân, hay khi thân xúc chạm với 1 vật nào đó bên ngoài. Sự nóng, lạnh là đặc tính của yếu tố lửa, hành giả cũng có thể quan sát. Yếu tố chuyển động là đặc tính của gió, hành giả cũng có thể quan sát. Hành giả cũng có thể quan sát tính kết dính, tính lưu chảy là đặc tính của yếu tố nước. Khi hành giả có thể quan sát những đặc tính của tứ đại như vậy, hành giả có thể phát triển sự định tâm, và theo hướng của thiền định, hành giả sẽ có được quang tướng. Nếu như hành giả muốn tiếp tục để phát triển an chỉ định, thì hành giả có thể an trú tâm mình trên quang tướng để đạt đến nhất thiền. Tuy nhiên nếu như hành giả thực hành theo hướng thiền quán, thì từ đó hành giả có thể phân biệt được thế nào là danh pháp, thế nào là sắc pháp. Sắc pháp là tứ đại, là những đặc tính của tứ đại. Yếu tố nhận biết những đặc tính của tứ đại đó là tâm, còn gọi là danh pháp. Thì khi hành giả có thể phân biệt được danh pháp, sắc pháp thông qua thực hành quan sát và phân biệt tứ đại như vậy, hành giả có nền tảng trí tuệ, 1 trí tuệ nền tảng của thiền tuệ là trí tuệ phân biệt danh pháp và sắc pháp, chỉ có danh pháp và sắc pháp này mà thôi, ngoài ra không có chúng sinh, không có 1 bản ngã nào trường tồn. Đó là 1 trí tuệ nền tảng của thiền tuệ.

Nếu như chúng ta có nhiều công việc không thể tham gia những khóa thiền dài hạn hoặc là ta không thể thực hành một cách liên tục nhiều tiếng đồng hồ trong một ngày. Tuy nhiên nếu như một cư sĩ bận rộn có thể tranh thủ thực hành mỗi ngày một khoảng thời gian nhất định nào đó thì vẫn có thể thực hành một cách có hiệu quả. Như vào thời Đức Phật có nhiều trường hợp đó là bà Mātikamātā khi đang nấu cơm vẫn có thể thực hành và chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả.

Tuy nhiên đó là vào thời Đức Phật, còn vào thời nay thì chúng ta có thể không có khả năng chứng đắc như vậy, nhưng vẫn có thể thực hành để vun bồi ba-la-mật. Và nếu như một hành giả bận rộn công việc mà có thể thực hành mỗi ngày một chút, mỗi ngày một chút, như vậy thì một thời gian hành giả sẽ thuần thục trong việc thực hành của mình. Và nhờ vậy mà hành giả có thể đạt đến hiệu quả nhất định trong việc hành thiền của mình. Và Ngài Tam Tạng cũng khuyến khích những hàng giả nào đang bận rộn thì hãy cố gắng tranh thủ thời gian và duy trì sự thực hành của mình một cách đều đặn. Dù trong một thời gian ngắn nhưng nếu chúng ta thực hành đều đặn như vậy thì cũng sẽ có kết quả nhất định.

Câu hỏi 3: Kính bạch Ngài cho con hỏi, con quen với việc thực hành phồng xẹp, để làm thế nào con chuyển qua hơi thở được, con xin Ngài từ bi chỉ dạy. Con tập trung vào hơi thở thì con hay bị nhớ đến những người làm con khổ, con cố gắng mà buông không được. Trong thời thiền 1 tiếng, con chỉ có thể tập trung được ít phút vào hơi thở. Con có cố gắng đem tâm về đề mục, nhưng lúc này rất khó với con.

Trả lời:
Ngài Tam Tạng dạy rằng, như chúng ta đã học trong phần đầu của bài kinh Đại Kinh Thiết Lập Niệm, thì Đức Phật dạy rằng “Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo” nghĩa là sự thiết lập niệm là con đường duy nhất dẫn đến sự thanh tịnh của chúng sinh… Chỉ có chánh niệm là con đường duy nhất, ngoài con đường chánh niệm không có con đường khác. Ở đây chỉ có 1 yếu tố chánh niệm, nhưng vì căn cơ, trình độ, căn tính của các chúng sinh khác nhau nên từ 1 chánh niệm duy nhất mà Ngài dạy 21 cách quan sát ở trong bài kinh Đại Thiết Lập Niệm này. Nên chúng ta tùy theo căn cơ, trình độ, căn tính của mình có thể chọn 1 trong 21 cách trong bài kinh này.

Ngài Tam Tạng dạy thêm rằng, nếu như hành giả thực hành thiền phồng xẹp quen rồi, thì có thể tiếp tục thực hành đề mục phồng xẹp. Nếu như hành giả thấy không hiệu quả khi quan sát hơi thở vào, hơi thở ra mà thấy sự phóng tâm, hay tâm phóng về lại sự phồng xẹp, tâm rất khó định tâm trên hơi thở, hoặc là khi hành giả quan sát hơi thở vào, hơi thở ra mà tâm vọng động nhớ đến những người từng làm khổ mình, tâm sân có thể sinh khởi, thì điều đó sẽ không tốt. Có lẽ hành giả không phù hợp với đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, vì vậy hành giả có thể chọn 1 phương pháp khác, 1 trong 21 cách mà Đức Phật trình bày trong bài kinh Đại Thiết Lập Niệm, hoặc hành giả có thể tiếp tục với đề mục quen với mình, dễ làm tâm mình tập trung quan sát hơn, thì có thể tiếp tục với đề mục đó.

Câu hỏi 4: Kính bạch Ngài, cho con hỏi về pháp học. Con là cư sĩ hiện chưa đủ nhân duyên để qua Miến học Pháp Học và Pháp Hành. Con chỉ có thể tự học thông qua các trang mạng của các ngài, các sư trong và ngoài nước. Con có một tâm nguyện là con muốn xin những tài liệu hay giáo trình mà các sư, các sư cô tu nữ đang theo học ở trường pháp học bên Miến để con tự học tại nhà, vì con đi làm lo cha mẹ nhưng thời gian rảnh con không đi chơi với bạn bè mà muốn được học chánh pháp. Kính xin quý ngài từ bi hướng dẫn các tài liệu để con cố gắng tự mình học tập.

Trả lời:
Liên quan đến câu hỏi này, Ngài Tam Tạng dạy rằng với những chương trình học Phật Pháp ở bên Myanmar mà các Sư, các cô Việt Nam sang đó học, là chương trình do các tổ chức Phật học phi chính phủ, cũng như chương trình Phật học do chính phủ và bộ Tôn Giáo Myanmar biên soạn, thông qua 1 ban cố vấn của Chư Tăng. Các tài liệu này rất nhiều, bằng tiếng Miến. Nên Ngài nói rằng, theo như Ngài biết có những bộ sách do Ngài Hộ Pháp biên soạn, trong những bộ sách đó có bộ Nền Tảng Phật Giáo cũng rất đầy đủ, được Ngài Hộ Pháp biên soạn từ cơ bản đến nâng cao. Nên muốn học Phật Pháp 1 cách hiệu quả, đầy đủ, thì có thể đọc bộ này của Ngài Hộ Pháp. Chứ không có điều kiện qua Myanmar học thì không thể tự học được, vì cần có người hướng dẫn mới học được, không tự học được.

Câu hỏi 5: Trong quá trình con hành thiền, thời gian càng lâu thì các suy nghĩ bất thiện càng hiện lên rõ ràng hơn. Kính xin Ngài hướng dẫn con vượt qua chướng ngại này.

Trả lời:
Ngài dạy rằng, khi hành thiền mà những tâm bất thiện xuất hiện như vậy, có khi có thể làm cho tâm của hành giả hướng về bất thiện nhiều hơn là quan sát để thấy rõ sự sinh diệt của chúng, thì làm thế nào để vượt qua chướng ngại như vậy? Thì Ngài Tam Tạng khuyên rằng trước hết hành giả không nên nhìn hay quan sát những tâm bất thiện đó, bởi khi chánh niệm định tâm chưa ổn định, chưa được thiết lập vững vàng thì rất khó để hành giả nhận biết sự sinh diệt của những tâm bất thiện đó. Mặc dù trong phần niệm tâm Đức Phật có dạy khi tâm tham sinh khởi, hành giả biết rõ tâm tham đang sinh khởi, khi tâm tham diệt tận, hành giả thấy rõ tâm tham diệt tận, cũng như vậy đối với tâm sân, và những tâm bất thiện khác. Tuy nhiên nếu như hành giả vẫn còn sơ cơ, niệm và định chưa vững vàng, thì hành giả không nên thực hành như vậy, vì nếu quan sát như vậy tâm hành giả sẽ cuốn theo điều bất thiện đó mà không thấy rõ sự sinh diệt của những tâm bất thiện đó.

Như trường hợp của vua Asokā, mặc dù đức vua kể từ sau khi quy y Tam Bảo rất có tín tâm để hộ độ Tam Bảo, hộ độ Chư Tăng. Nhà vua xây dựng 84.000 bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi, xây dựng tôn tạo 84.000 ngôi chùa để cúng dường Chư Tăng có nơi tu học, và các thiện pháp khác như bảo trợ cuộc kết tập Tam Tạng lần 3.

Mặc dù có nhiều phước thiện như vậy, nhưng vào cuối đời sau khi trao ngôi vua cho con cháu, những người con cháu đó dường như không có sự kính trọng với nhà vua nữa. Khi nằm trên giường bệnh sắp lâm chung, nhà vua đã bảo 1 người cận thần đem cho nhà vua 1 quá táo, nhưng thay vì được 1 quả táo, nhà vua chỉ được 1 phần của quả táo. Nhà vua mới suy nghĩ rằng bây giờ ta không thể cúng dường làm phước đến Chư Tăng như trước kia nữa, mà chỉ có 1 phần của quả táo, thì bây giờ ta vẫn có thể cúng dường phần quả táo này, nhưng sự cúng dường này không được như mong muốn của ta. Với suy nghĩ như vậy, nhà vua có sự ưu sầu – 1 dạng của tâm sân. Và khi lâm chung nhà vua đã suy nghĩ về sự ưu sầu đó, nên đã tái sinh làm 1 con trăn.

Đây là 1 sự kiện được diễn tả trong bộ Mahāvaṃsa Đại Sử. Qua câu chuyện này, Ngài muốn nhắc nhở rằng khi 1 tâm sân sinh khởi, nếu như chưa có niệm và định vững vàng, cũng như chưa thuần thục với sự quan sát thì không nên quan sát những tâm bất thiện, nghĩ về những tâm bất thiện như trường hợp vua Asokā. Mặc dù vua làm rất nhiều phước thiện, nhưng nhà vua không thuần thục trong việc quan sát danh pháp, sắc pháp, chưa có thuần thục và thường xuyên quan sát, nhận biết tam tướng vô thường, khổ, vô ngã của danh pháp, sắc pháp, cho nên nhà vua nhớ lại những suy nghĩ bất thiện, vì vậy đã tái sinh làm một con trăn.

Ở đây Ngài Tam Tạng muốn nhắc nhở thiền giả, thay vì quan sát những tâm bất thiện, thì hành giả hãy cố gắng chuyển qua một đề mục khác như quan sát đề mục hơi thở, hay đề mục tứ đại để có thể phân biệt thế nào là danh pháp, thế nào là sắc pháp. Khi quan sát phân biệt được danh pháp, sắc pháp, chỉ có danh pháp, sắc pháp mà thôi, không có ta hay của ta, hay là bất kì cái gì liên quan đến cái ta ảo tưởng, thì khi đó hành giả mới có thể vượt qua những tâm bất thiện khác. Nói cách khác hành giả không chú ý đến những suy nghĩ bất thiện đó mà chú ý đến đề mục khác để quan sát, phân biệt được danh pháp, sắc pháp, để thấy rằng ngoài danh pháp, sắc pháp thì không có gì là ta, là của ta.

Đó là 1 cách. 1 cách thứ 2 là hành giả có thể học tập về tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Ví dụ hành giả học tập bằng cách khi quan sát, hay nhớ nghĩ về 1 điều gì đó thì hành giả niệm thầm ở trong tâm, hoặc với 1 ý nghĩ ở trong tâm “tất cả là vô thường, khổ, vô ngã, các pháp hữu vi có điều kiện thuộc về thân hay tâm đều là vô thường, khổ, vô ngã”. Nếu hành giả có thể nhớ nghĩ và tưởng niệm đến vô thường, khổ, vô ngã dù bằng lời nói hay là bằng sự hiểu biết, thông qua lời nói đó thì hành giả huân tập được thói quen để tưởng nhớ đến những đặc tính này, liên quan đến các pháp hữu vi, liên quan đến thân và tâm. Thì liên quan đến việc nhớ, nghĩ vô thường, khổ, vô ngã, hành giả có thể giúp tâm của mình trú trên đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của các pháp hữu vi, của thân tâm, ngũ uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi hành giả có thể hiểu được những đặc tính đó thì cũng giúp hành giả hiểu 1 cách trực tiếp khi hành giả thực sự tiến hành thiền tuệ, và trực tiếp quan sát danh sắc, và có thể thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã của danh sắc. Thì đó cũng là một cách giúp hành giả vượt qua tâm bất thiện.

Và Ngài Tam Tạng cũng lưu ý thêm 1 điều nữa, đó là khi có một đối tượng nào đó làm cho hành giả nổi sân, hoặc khởi sinh lên tâm tham ái, dính mắc, thì hành giả không nên tiếp tục quan sát hay nhớ về đối tượng đó. Nếu như hành giả quan sát hay nhớ về đối tượng làm khởi lên tâm sân, tâm dính mắc, thì tâm sân, dính mắc theo đó sẽ tăng trưởng. Vì vậy trong bộ Thanh Tịnh Đạo, khi thực tập về phương pháp phát triển tâm từ được hướng dẫn rất kỹ. Trước hết, để phát triển tâm từ hành giả không nên nhớ và phát triển tâm từ đến các đối tượng đã làm hành giả khởi lên tâm sân hay tâm tham dục, dính mắc, mà trước hết là phải hướng tâm nhớ đến phát triển tâm từ đến những người có công ơn với mình, như thầy tổ, cha mẹ.

Và ở đây Ngài Tam Tạng nhắc nhở, khi tâm bất thiện sinh lên, đừng nhớ về đối tượng làm mình khởi lên tâm sân như cách Ngài hướng dẫn lúc nãy, là hướng tâm qua đề mục khác, để phát triển định tâm thấy rõ danh pháp, sắc pháp, thấy rõ chỉ có danh pháp, sắc pháp mà không có ta, cái gì là của ta… Khi thấy được như vậy thì những tâm bất thiện sẽ được đoạn diệt, sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

Ngài Tam Tạng nói rằng đến đây cũng vừa đủ, những câu còn lại Ngài sẽ tiếp tục trả lời và chia sẻ trong những tuần sau.

Và để kết thúc buổi pháp thoại ngày hôm nay, Ngài sẽ đọc một bài kinh chúc phúc ngắn để những thiện nam tín nữ trong zoom, cũng như các nền tảng khác được thân tâm an lạc. Và qua sự học tập, thực hành chánh niệm, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết cũng như sự quan sát đúng đắn, nhờ vậy chúng ta cũng thuận lợi trong cuộc sống, trong công việc, hỗ trợ cho chúng ta được thân tâm an lạc.

(phần text do bạn hữu Vũ Thái Bình tốc ký)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app