Ngài Tam Tạng 10 thuyết: 10 cách giảm thiểu tâm sân, phát triển tâm từ cùng những bài học quý báu

Ngài Tam Tạng 10 thuyết: 10 cách giảm thiểu tâm sân, phát triển tâm từ cùng những bài học quý báu qua các tích truyện được kết tập trong Kinh Điển Tam Tạng, Sư Thiện Đức chuyển ngữ sang tiếng Việt 

 

Hôm nay là ngày 14/8/2022, với mục đích tâm từ lan tỏa nhiều nơi trên thế giới, trước hết là trong mỗi chúng ta rồi đến những người xung quanh và trên khắp thế giới, và trong dịp tháng tâm từ như là tháng này, tháng 7 cụ thể là rằm tháng 7 là ngày mà ở các nước Phật giáo xem như là ngày tình thương, ngày tâm từ. Cho nên hôm nay Ngài Tam Tạng thứ 10 sẽ tiếp tục ban bố, chia sẻ với chúng ta một bài pháp liên quan đến tâm từ, tiếp tục đề tài này với một chuỗi đề tài tâm từ trong 2 tuần qua.

Và trước hết mời tất cả đại chúng cùng nhau niệm ân Đức Phật là vị mà có tâm từ vô lượng đối với tất cả chúng sinh: Namo tassa bhagavato arahato sammasambuddhassa (3 lần).

Ngài Tam tạng có đề cập đến 5 hạng người mà một hành giả tu tập tâm từ cần hướng tới đấy là đối tượng để phát triển tâm từ đó là chính mình, người mình tôn kính, người mình thương yêu, người mình không thương cũng không ghét và người mà mình có sự bất mãn hay là kẻ thù của mình; đó là 5 hạng người mà một hành giả tu tập tâm từ cần phải lấy làm đối tượng, tu tập từ từ.

Đến giai đoạn hành giả tu tập tâm từ, phát triển tâm từ lấy đối tượng là kẻ thù mình hay là người không ưa thích mình thì sẽ gặp một số khó khăn và ở giai đoạn này để vượt qua những khó khăn này thì ở trong Thanh Tịnh đạo có đề cập những phương pháp cho chúng ta phát triển tâm từ, đặc biệt là trước hết cho hành giả làm giảm thiểu tâm bất mãn hay tâm sân đối với kẻ thù đó.

10 phương pháp mà hành giả cần phải quán tưởng hay thực tập để làm cho tâm sân có thể giảm thiểu đối với người mà bất mãn với mình hay là làm mình bất mãn, hận thù với mình:

  • Phương pháp thứ nhất: để có thể phát triển tâm từ đến cho người mà gọi là kẻ thù thì trước hết hành giả cần phải phát triển tâm từ đến người mình kính trọng, người mình thương yêu cho thật thuần thục, thì khi mà thuần thục đối với việc phát triển tâm từ đến cho 2 hạng người như là người mà mình kính trọng, người mà mình thương yêu rồi thì nhờ sự thuần thục đối với tâm từ đó mà hành giả có thể tiếp tục phát triển tâm từ đến cho kể thù mình thì khi đó tâm sân đã giảm thiểu đi rất nhiều đó là điều thứ nhất cần phải thuần thục phát triển tâm từ đến ngươi mình kính trọng, người mình thương yêu.
  • Phương pháp thứ 2 để làm giảm thiểu tâm sân hay là sự bất mãn đối với kẻ thù đó là phải quán sát hay là quán tưởng, quán tưởng rằng người mà mình bất mãn hay ghét khi mà nổi sân với mình thì không có lợi ích gì mà nếu như mình nổi sân lại, bất mãn lại với người đó thì cũng không có lợi ích gì và Đức Phật cũng không có ca ngợi, tán thán người mà nổi sân, người bất mãn giống như khi một người đi nổi sân đối với khúc củi ở trong lò thiêu thì không có lợi ích gì, thật là vô ích. Cũng vậy nếu nổi sân với người nổi sân với mình thì thật là vô ích, khi mà quán tưởng như vậy thì tâm sân ở trong hành giả nếu có sẽ được giảm thiểu.
  • Phương pháp thứ 3 đó là mỗi người đều có mặt tốt, mặt xấu của mình ngay cả kẻ thù cũng có mặt tốt cho nên để giảm thiểu tâm sân thì hành giả có thể nghĩ về những điều tốt, việc tốt mà kẻ thù đó đã làm dù là làm cho mình hay là cho người khác đi nữa cũng là một điều tốt đối với họ, thì khi mà nghĩ về điều tốt của người mà mình bất mãn hay là có cách nhìn tốt đối với người mình gọi là kẻ thù thì tâm sân sẽ giảm thiểu.
  • Phương pháp thứ 4 đó là hành giả cần quán tưởng rằng nếu như kẻ thù nổi sân với mình, làm hại mình mà mình nổi sân lại thì đó là cơ hội tốt để cho kẻ thù làm hại mình cho nên thay vì nổi sân hay bất mãn trở lại ta nên giữ tâm thật là trong sáng, thiện lành thì kẻ thù sẽ không hại được mình thì với cách quán tưởng như vậy tâm sân có thể giảm thiểu.
  • Phương pháp thứ 5 hành giả cần quán tưởng rằng nghiệp là tài sản của chúng sinh, là thai tạng của chúng sinh, kẻ thù của mình nếu như tạo nghiệp xấu thì đó là tài sản, thai tạng của họ không liên quan đến mình. Với sự quán tưởng nghiệp là tài sản, nghiệp là thai tạng như vậy thì tâm sân có thể giảm thiểu.
  • Phương pháp thứ 6 chúng ta là hành giả quán tưởng về sự tu tập, kham nhẫn ba la mật của Đức Bồ tát ở trong những kiếp quá khứ thông qua những câu chuyện ở trong túc sinh truyện tiền thân của Đức Phật thì với cách quán sát như vậy, quán sát rằng là trong nhiều kiếp từ khi Đức Bồ tát phát nguyện trở thành vị Phật thì trải qua 4 a tăng kỳ 100 ngàn đại kiếp, Đức Bồ tát thực hành Ba-la-mật với tâm từ, tâm kham nhẫn rất là lớn, thì nhờ tu tập Ba-la-mật tâm từ hay kham nhẫn đó thì Ngài mới có đủ điều kiện trở thành vị Phật toàn giác, cho nên với sự quán tưởng như vậy thì tâm sân có thể giảm thiểu. Với cách quán tưởng này hành giả có thể thấy được tâm vô sân hay là tâm kham nhẫn đối với Đức Bồ tát to lớn như thế nào qua những câu chuyện như là câu chuyện có tên là Silavajāṭaka hay là Khanṭivādījāṭaka hay là culladhammajāṭaka hay là cavi cataka đó là câu chuyện tiền thân của Đức Phật mà trong quá trình tu tập Ba-la-mật trong nhiều a tăng kỳ, nhiều đại kiếp trong quá khứ đã thực hành.
  • Phương pháp thứ 7 hành giả cần quán tưởng rằng Đức Phật dạy trong quá trình tử sinh luân hồi rất dài thì không ai đã từng là cha, là mẹ, là anh, là em của mình thì đối với người mà mình không ưa thích hay là người bất mãn với mình, có sự thù hận với mình cũng đã từng là cha, là mẹ, là anh, là em thì với sự quán tưởng như vậy thì tâm sân có thể giảm thiểu.
  • Phương pháp thứ 8, để làm cho tâm sân giảm thiểu đó là bằng cách quán tưởng 11 lợi ích của việc tu tập tâm từ.
  • Phương pháp thứ 9 để làm cho tâm sân được giảm thiểu đó là hành giả cần quán sát, phân tích thân, tâm này chỉ là danh pháp và sắc pháp. Thân chỉ có tứ đại đất, nước, lửa, gió. Đối với mình cũng chỉ có tứ đại và đối với người mà mình cho là thù mình hay là mình bất mãn thì cũng chỉ là đất, nước, lửa, gió hoặc chỉ có thân và tâm mà thôi chứ không có cái gì gọi là người thù hận mình, người ghét mình hay là người mà mình bất mãn cả, đó là cách thứ 9 mà hành giả quán tưởng làm cho tâm sân giảm thiểu.
  • Phương pháp thứ 10 là hành giả có thể chia sẻ, bố thí những gì mà mình có đến cho người bất mãn với mình hay là người đã có sự sân hận, thù hận với mình bằng nhiều phương tiện khác nhau, tùy duyên mà làm phước bố thí, chia sẻ với người đó thì với sự bố thí, chia sẻ làm cho tâm sân có thể giảm thiểu. 

Ngai Tam Tang 10 Tipitaka Sayadaw

Trên đây là 10 cách mà hành giả cần phải quán tưởng hay thực tập để làm cho tâm sân có thể giảm thiểu đối với người mà bất mãn với mình hay là làm mình bất mãn, hận thù với mình, thì đối với cách thứ 6 liên quan đến sự tu tập Ba-la-mật của tâm từ và tâm kham nhẫn thì Ngài Tam tạng sẽ chia sẻ với chúng ta một vài tích truyện tiền thân của Đức Phật, thông qua đó để cho chúng ta có thể hiểu thêm, có khả năng quán tưởng về những tích truyện đó, học hỏi sự kham nhẫn hay sự vô sân trong quá trình tu tập Ba-la-mật của Đức Bồ tát. Trước hết là tích truyện tiền thân của Đức Phật có tên là cavijāṭaka, liên quan đến một con khỉ chúa, thì một kiếp nọ Đức Bồ tát tái sinh làm con khỉ chúa và trong kiếp làm khỉ chúa đó thì cũng thực hành hạnh tâm từ Ba-la-mật. Qua sự khởi đầu của tích truyện này, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng khỉ mà có thực hành Ba-la-mật hay sao.

Thực ra có thể thực hành bởi vì đối với một vị Bồ tát đã qua nhiều kiếp thực hành 10 phẩm hạnh Ba-la-mật thì qua sự thực hành liên tục, nhiều kiếp như vậy cho nên có một năng lực phi thường liên quan đến đức tính Ba-la-mật đó cho nên mặc dù làm kiếp khỉ nhưng mà vẫn có những đức tín, năng lực của đức tín của những kiếp trước có thể dẫn dắt và nhắc nhở khiến cho làm một kiếp khỉ nhưng vẫn có năng lực tu tập thực hành tâm từ Ba-la-mật hay là kham nhẫn Ba-la-mật.

Trong câu chuyện có tên Mahākapijātaka nghĩa là con khỉ chúa thì cái nội dung của tích truyện này đó là vào một kiếp nọ khi vị vua Brahmadatta trị vì ở thành baranasi, có vị bà là môn đi vào trong rừng để chăn bò thì trong quá trình đi chăn bò bị lạc đường và đã đến nơi gần núi Hi mã lạp sơn, nơi mà con khỉ chúa đang ở. Khi mà đi vào trong khu rừng ở trong núi Hi mã lạp sơn thì đói bụng cho nên ông bà la môn đã trèo lên cây hái trái ăn nhưng do sự bất cẩn nên đã rơi xuống vực thẳm ở trong khe núi. Khi cố gắng để trèo lên khỏi vực thẳm nhưng không thể nào trèo lên được cuối cùng đã kiệt sức và cầu cứu, thì trong lúc con khỉ chúa đi hái trái để ăn ở trong khu rừng và nghe tiếng cầu cứu như vậy thì nghĩ rằng có người đang gặp nạn, con khỉ chúa đã khởi lên tâm thương cảm và muốn đến cứu bà la môn đang ở trong vực thẳm. Khi mà quyết định xuống cứu ông bà la môn, con khỉ chúa đã lao xuống vực thẳm và xem sức nặng của ông bà la môn này bao nhiêu, con khỉ chúa đã thử lấy một hòn đá bỏ lên vai và trèo lên khỏi vực thẳm, nếu trèo lên được với khối đá có trọng lượng bằng ông bà la môn thì con khỉ chúa sẽ xuống cứu người đàn ông đó và lần đầu tiên con khỉ chúa đã thành công khi vác khối đá có trọng lượng bằng ông bà la môn lên khỏi vực thẳm, lần thứ 2 thì con khỉ chúa xuống cứu ông bà la môn và sau 2 lần trèo xuống và trèo lên vực thẳm như vậy con khỉ chúa đã kiệt sức, rất là mệt.

Khi mà kiệt sức như vậy, con khỉ chúa đã nằm ngủ và ra dấu hiệu cho ông bà la môn là canh gác giùm nếu như có những con thú rừng đến để ăn thịt thì xin hãy đuổi đi và ông bà la môn không có biết ơn đối với con khỉ chúa đã cứu mình, thì khi con khỉ chúa đang ngủ như vậy thì ông bà la môn với ác ý suy nghĩ rằng nếu như mà bây giờ ta đi về cùng với con khỉ này sẽ tốt cho gia đình của ta cho nên ông ta đã dùng khối đá đến gần con khỉ và đập vào đầu con khỉ, thì với sự cảnh giác cao độ của con khỉ, con khỉ mặc dù có thể tránh được nhưng vẫn bị thương ở đầu, đã chạy thoát và trèo lên cây.

Sau khi thoát được khỏi tay của ông bà la môn thì con khỉ chúa đã trèo lên cây nhưng vì ông bà la môn không biết đường ra khỏi khu rừng đó, cho nên con khỉ không những không có sự hận thù đối với ông bà la môn mà vẫn có tâm giúp đỡ ông bà la môn đi ra khỏi khu rừng đó, bởi vì nếu như còn ở trong khu rừng đó sẽ gặp nguy hiểm cho nên với một ngôn ngữ mà ông bà la môn có thể hiểu được con khỉ mới dẫn dắt ông bà la môn ra khỏi khu rừng đó bằng cách chuyền từ cây này đến cây khác và bảo ông bà la môn phải theo những giọt máu chảy ra từ đầu mình để cho con khỉ dẫn dắt ra khỏi khu rừng đó.

Khi mà con khỉ chúa là tiền thân của Đức Phật làm như vậy là không phải vì tâm bất thiện mà làm với một tâm từ để giúp đỡ cho ông bà la môn thoát ra khỏi những đau khổ và với tâm nguyện là để trở thành một vị Phật toàn giác, thì với những tâm nguyện cao thượng như vậy cho nên tình thương của con khỉ chúa là tâm từ Ba-la-mật. 

Đó là câu chuyện liên quan đến tâm từ Ba-la-mật khi Đức Bồ tát là một con khỉ chúa.

Khi vào một kiếp nọ, vào những kiếp khác Đức Bồ tát là những con người, ở cõi người thì cũng có sự thực hành Ba-la-mật, tâm từ Ba-la-mật như vậy như là trong tích truyện Silava hay là tích truyện Ekarāja là kiếp mà đức bồ tát thực hành tâm từ Ba-la-mật. Trong câu chuyện liên quan đến vị vua tên là Ekarāja, vị vua này là tiền thân của Đức Phật là vị Bồ tát đang thực hành Ba-la-mật. Khi làm vua ở xứ Baranasi – Ba la nại trị vì đất nước với 10 điều của vị vua mang lại an lạc cho thần dân ở đất nước Ba la nại.

Ở gần đất nước Ba la nại có đất nước tên là Kosala thì với tâm từ của đức vua tên là Ekarāja không có làm hại bất cứ một chúng sinh nào và không có mang quân đi đánh chiếm những quốc độ khác nhưng mà ở xứ lân cận Kosala, vị vua của đất nước có tâm xâm chiếm đất nước của vua Ekarāja bởi vì tâm từ của đức vua Ekarāja cho nên vị vua ở xứ kosala xâm chiếm đất nước Baranasi thì vua Ekarāja đã ra lệnh không có chống lại bằng gươm đao để làm cho thần dân hay kẻ thù rơi máu sẽ bị nhiều tai ương, chết chóc cho nên vì khi ra lệnh như vậy thì quân đội của đất nước Baranasi không có chống lại để cho vua Kosala có thể xâm chiếm một cách dễ dàng, cuối cùng đã đến kinh đô của đất nước Baranasi và đã bắt được vua Ekarāja cùng với vị quan ở trong triều và sau khi bắt trói vua Ekarāja thì kẻ thù là vua của xứ Kosala bỏ vào trong một thùng và treo ngược lên để cho vị vua Ekarāja sẽ chết từ từ.

Mặc dù bị bắt và treo ngược như vậy nhưng mà vua Ekarāja là tiền thân của Đức Phật đã không có một gợn sóng của tâm bất mãn hay hận thù đối với kẻ thù của mình mà trong khi đó vua Ekarāja đã phát triển tâm từ của mình, phát triển tâm từ đến cho kẻ thù mình, đến cho những người mình thương yêu hay đến cho những người mình không thương cũng không ghét. Và với một tâm từ vô lượng không còn phân biệt giữa mình với kẻ thù, giữa kẻ thù với mình hay là với những người mình thương yêu, người mà mình không thương không ghét thì khi đó tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm khởi sinh lên trong tâm của vua Ekarāja đạt đến nhất thiền, nhị thiền, tam thiền và qua tu tập tâm từ đạt đến nhất thiền, nhị thiền, tam thiền như vậy thì vua Ekarāja đã phát triển được thần thông và cuối cùng đã thoát khỏi cảnh treo ngược như vậy, với thần thông của mình nhà vua có thể ngồi trên hư không để có thể nhìn xuống kẻ thù của mình. 

Danh từ Metta có nghĩa là tâm từ hay là từ ái thì không có trực tiếp bắt nguồn từ Tạng Vi Diệu Pháp mà trong Tạng vi diệu pháp chỉ có từ Adosa – vô sân. Đối tượng của tâm từ là gì, đó là các chúng sinh, khi hành giả phát triển tâm từ thì có chúng sinh làm đối tượng của người khác, làm đối tượng để cho hành giả hướng tâm của mình đến và cầu nguyện cho người đó gặp được sự an vui, thoát khỏi khổ thân, khổ tâm, v.v…Như các hành giả mà tu tập chánh niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra thì đối tượng của hành giả đó là gì, đó là hơi thở vào và hơi thở ra. Đối với những hành giả tu tập các đối tượng thiền, đề mục thiền như là thiền Kasina biến xứ, như là đất, nước v.v… thì đối tượng biến xứ Kasina là những hình tròn bằng đất hay là một can nước hình tròn, thì khi hành giả tu tập lấy đề mục biến xứ đất hay nước đó thì chính hình ảnh đất hay nước đó là đối tượng của tâm hành giả tu tập có đề mục thiền biến xứ Kasina cho nên chúng ta cần lưu ý là đối tượng và tâm lấy đối tượng đó làm đề mục là 2 cái khác nhau. Khi mà hiểu được đối tượng hay là đề mục thiền và tâm quan sát như vậy thì ở đây tâm từ và Adosa là vô sân và Khantī nghĩa là nhẫn nại, nhẫn nhục thì cũng giống nhau. Tâm từ cũng là vô sân và kham nhẫn là khanti cũng là vô sân, khi mà nói đến pháp chân đế thì tâm từ cũng là vô sân tâm sở và kham nhẫn cũng chính là vô sân tâm sở. 

Sở dĩ mà Ngài Tam tạng giải thích về ba chữ tâm từ, vô sân và kham nhẫn là ngài muốn liên hệ đến tích truyện Khantivādī. Vào trong một kiếp quá khứ có một vị vua trị vì ở xứ Ba la nại có tên là Kalābu. Khi đó đức bồ tát là một người thanh niên giàu có, sinh ra trong một gia đình giàu có và sau khi song thân của ngài qua đời mà những tài sản thừa kế ngài đã ban phát cho những dân làng và cuối cùng ngài đã đi vào núi rừng để tu tập làm một vị ẩn sĩ.

Trong một thời gian tu tập ở trong khu rừng sống bằng trái cây, lá cây một thời gian như vậy ngài cảm thấy thiếu muối nên đã đi ra ngoài thành thị, đến kinh đô để khất thực muối và khi đến kinh đô có một nơi mà ngài được sắp xếp, cúng dường ở trong một nơi gần kinh thành. Khi mà vị ẩn sĩ đến trú xứ ở một nơi gần kinh thành, ở trong khu ngự lâm viên của nhà vua thì trong khi đó nhà vua Kalābu đang thưởng thức ca múa ở trong cung điện, trải qua một lúc thì nhà vua đã thiếp ngủ đi và đã kê đầu ở trên một người cung nữ, thì những người còn lại họ đã đi ra ngoài và thấy vị ẩn sĩ ở trong ngự lâm viên. Khi nhóm cung nữ nhìn thấy vị ẩn sĩ ở trong ngự lâm viên họ đã đi đến gần thăm hỏi và nghe vị ẩn sĩ thuyết pháp.

Khi mà nhà vua Kalābu đã thiếp đi ở trên đùi của một cung nữ một lúc thì người cung nữ cảm thấy rất mỏi nên đã thay đổi tư thế và khi mà người cung nữ thay đổi tư thế đã đánh thức nhà vua và khi nhà vua bị đánh thức như vậy, mở mắt ra không thấy các cung nữ còn lại mới hỏi là các cung nữ đã đi đâu hết rồi thì khi tìm hiểu mới biết rằng là các cung nữ đã đi ra ngoài ngự lâm viên và đang nghe một vị ẩn sĩ thuyết pháp và khi nhà vua nghe như vậy cảm thấy rất bực tức và không kiềm chế được sự bực tức của mình đã lấy một thanh kiếm đi ra ngoài chỗ vị đạo sĩ đang ngồi.

Khi nhà vua đi đến nơi đạo sĩ và đã hỏi vị đạo sĩ là tên gì, thì vị đạo sĩ mới tâu nhà vua rằng tâu đại vương, bần đạo tên là Khantivādī, nhà vua mới hỏi rằng Khantivādī nghĩa là gì thì vị đạo sĩ, vị ẩn sĩ mới tâu rằng nghĩa là người có thể chịu đựng lời nói, hành động của người khác dù lời nói hành động đó như thế nào, thì nhà vua mới bảo rằng vậy thì để thử xem có thể kham nhẫn như thế nào, sau khi nói như vậy thì nhà vua đã ra lệnh cho những người hành quyết ở trong hoàng cung đưa người đạo sĩ đi ra ngoài và hành hạ ông đạo sĩ. Sau khi những người hành quyết đã đánh đập vị ẩn sĩ như vậy thì vị ẩn sĩ vẫn không tỏ sự bất mãn hay là thù hận gì đối với nhà vui mà với một tâm nhẫn nại, chịu đựng sự đau đớn. Sau khi thấy như vậy, nhà vua đến lại gần và hỏi vậy thì bây giờ tên của ông là gì, vị đạo sĩ vẫn nói rằng tên của mình là Khantivādī thì ông vua mới bảo rằng vậy thì hãy thử tiếp tục kham nhẫn đi, và sau khi nói như vậy thì tiếp tục sai bảo những người hành quyết chặt 2 tay, chặt 2 chân của vị đạo sĩ. Sau đó nhà vua mới hỏi: vậy bây giờ tên của ông là gì, vị đạo sĩ vẫn nói rằng dù hành hạ bần đạo bao nhiêu đi nữa thì tên của bần đạo vẫn là Khantivādī là người có thể chịu đựng mọi hành động, lời nói mà không có sự sân hận hay bất mãn, nhà vua mới bảo rằng là vậy thì bây giờ ông bảo những người hành quyết là vậy bây giờ còn gì có thể cắt đứt vị ẩn sĩ hay không thì những người hành quyết mới trả lời rằng có 2 tai và lỗ mũi, nhà vua bảo rằng vậy thì cắt 2 tai và lỗ mũi nữa để xem ông có còn là người kham nhẫn nữa hay không. Khi đó vị ẩn sĩ đã không còn 2 tay, không còn 2 chân, không còn 2 tai và không còn 2 lỗ mũi nữa, đang nằm ở trên vũng máu thì vị ẩn sĩ vẫn nói rằng dù đại vương có chặt đứt bần đạo như thế nào đi thế nữa thì pháp kham nhẫn của bần đạo đại vương không thể nào làm hư hại được.

Khi nghe vị ẩn sĩ nói như vậy thì nhà vua càng bực tức và đã dùng chân của mình đá mạnh vào nơi ngực là nơi mà có trái tim của vị ẩn sĩ rồi sau đó nhà vua bỏ đi và khi mà đi một quãng đường không xa thì mặt đất đã chẻ ra làm 2 và nuốt chửng làm cho nhà vua rơi xuống khe hở ở trên mặt đất và nuốt chửng nhà vua xuống dưới lòng đất. Sau đó thì có một vị tướng quân đã đi đến vị ẩn sĩ Khantivādī và đã thưa vị ẩn sĩ rằng xin ẩn sĩ nếu như mà có bực tức, sân hận thì hãy bực tức và sân hận đối với nhà vua chứ xin ngài đừng có bực tức hay sân hận đối với những người còn lại ở trong hoàng cung, đối với những người bị sai bảo để chặt chân, chặt tay, khi đó vị ẩn sĩ mới trả lời rằng ta không có bất kỳ sự bực tức hay sân hận nào kể cả đối với nhà vua chứ đừng nói gì đến những người còn lại, những gì ta làm chỉ có sự nhẫn nhục, nhẫn nại mà thôi và sau đó thì vị ẩn sĩ đã qua đời. 

Ở đây đối với những người tu tập tâm từ lấy đối tượng là các chúng sinh thì khi mà khởi sinh lên tâm từ hay là Metta nói theo vi diệu pháp hay là khi mà nói đến pháp chân đế thì đó là vô sân-Adosa và đối với vị ẩn sĩ Khantivādī thì Khanti hay là kham nhẫn cũng là tâm vô sân, thì ở đây sự khác biệt giữa tâm từ và kham nhẫn là như thế nào dù pháp chân đế đều là vô sân-Adosa cả. Ở đây có sự khác biệt giữa tâm từ Metta và kham nhẫn hay là nhẫn nại Khanti, đối với những hành giả tu tập tâm từ có đối tượng là các chúng sinh với tâm mong muốn các chúng sinh đó có được hạnh phúc, an vui thì đối tượng đó là chính mình hay là người mình kính trọng, người mình thương yêu và kể cả kẻ thù của mình, còn đối với Khanti-kham nhẫn hay nhẫn nại thì đối tượng cũng là các chúng sinh nhưng mà các chúng sinh qua hành động hay lời nói đã tác động xấu vào mình thì với một tâm vô sân đối với những người mà làm hại mình thì tâm vô sân đó gọi là Khanti-kham nhẫn, còn với một tâm vô sân mong muốn người khác có sự hạnh phúc an vui thì tâm vô sân đó gọi là tâm từ Metta.

Ở trong bộ Paṭṭhāna – Duyên hệ của Tạng Vi diệu pháp có đề cập đến 6 nhân hetu có 3 nhân thiện đó là Adosa, Amoha, Alobha (vô tham, vô sân, vô si) và có 3 nhân bất thiện đó là tham, sân và si. Thì 3 nhân thiện vô tham, vô sân, vô si thường ở trong những tâm tịnh hảo có nghĩa là những tâm thiện lành bao gồm những tâm thiện, những tâm quả thiện hay là những tâm duy tác thì đều có tâm vô tham, vô sân, và vô si. Đối với tâm vô sân Adosa ở trong Vi diệu pháp bao trùm một lĩnh vực rất lớn, bao trùm cả tâm Từ, tâm Kham nhẫn hay là tâm Vô hận Akuddha, tâm từ là Metta, kham nhẫn là Khanti thì Adosa-vô sân là bao trùm tất cả những pháp đó cũng giống như là ở bên Myanmar có dòng sông lớn, xuyên suốt từ Bắc chí Nam đó là dòng sông Irrawaddy thì ở Việt nam cũng có dòng sông Mê kông hay là dòng sông Hồng là những dòng sông lớn mà thường những dòng sông lớn đều có nhánh nhỏ chảy ra từ dòng sông lớn đó thì cũng tương tự như vậy, tâm vô sân là một dòng sông lớn còn tâm từ, tâm kham nhẫn hay là tâm vô hận là những nhánh sông nhỏ bắt nguồn từ tâm vô sân.

Vừa rồi Ngài Tam tạng có đề cập đến từ Akuddha tạm dịch là không hận hay là không bất mãn thì Akuddha cũng là một trạng thái tâm vô sân nhưng mà ở đây thì có sự khác biệt với tâm từ, tâm kham nhẫn.

Đối với Kuddha hay là bất mãn thì ví dụ một người lớn sai một người nhỏ làm việc gì đó nhưng người nhỏ không có chịu làm hoặc không có làm đến nơi đến chốn thì người lớn có thể bất mãn thì tâm bất mãn đó gọi là Kuddha nhưng mà nếu như người lớn nhìn thấy người nhỏ không có nghe lời mình, không có làm theo những gì mình sai bảo và vẫn không có bất mãn thì tâm đó gọi là Akuddha cho nên Akuddha có một sự khác biệt nhỏ đối với Metta hay là Khanti.

Kuddha nghĩa là bất mãn thì là một lĩnh vực cũng tương đối rộng, ví dụ ở trong công ty một người Giám đốc bảo một nhân viên đi đánh máy nhưng người nhân viên không có hoàn thành công việc đó cho nên người Giám đốc có thể tỏ vẻ bất mãn, chính vì vậy thay vì bất mãn thì người Giám đốc có thể chịu đựng, chấp nhận sự sai sót của nhân viên mà không bất mãn thì đó là Akuddha hay là đối với một vị vua nghĩ rằng mình là người có quyền lực khi mà sai bảo những vị quan đại thần, v.v… nếu họ không hoàn thành công việc thì có thể dẫn đến sự bất mãn nhưng đối với một vị vua trong 10 pháp trị vì trong đó có một pháp không nên bất mãn cho nên khi làm vua thì một vị vua trị vì 10 pháp của một vị vua thì thường hay thu thúc, kiềm chế tâm mình để cho tâm mình không rơi vào trạng thái bất mãn hay trong đời sống hàng ngày của mình cũng vậy, trong gia đình thỉnh thoảng có sự bất mãn do công việc hay do những người ở trong nhà không làm theo ý mình thì rất dễ khởi lên tâm bất mãn, khi biết tâm bất mãn là 1 tâm sân thì chúng ta không có khởi lên tâm bất mãn, hãy kiềm chế và ghi nhận nó để cho nó dù có khởi sinh lên thì cũng tiếp tục không khởi sinh nữa. 

Qua những câu chuyện tiền thân của Đức Phật trên đây thì ta thấy câu chuyện Mahākapi và câu chuyện Ekarāja là 2 câu chuyện mà ở trong đó Đức Bồ tát thể hiện tâm từ của mình đối với những đối tượng mà làm hại mình nhưng mà vẫn luôn khởi lên tâm mong muốn, cầu chúc cho họ được an vui, hạnh phúc và cũng thông qua hành động để cho họ có sự an vui, hạnh phúc. Còn đối với câu chuyện Khantivādī thì Đức Bồ tát đã thể hiện sự kham nhẫn Ba-la-mật của mình dù cho kẻ thù có hại mình chặt tay, chặt chân, cắt hai tai và lỗ mũi đi nữa vẫn giữ tâm kham nhẫn, không có sân hận đối với người làm hại mình thì đó là sự thể hiện của tâm kham nhẫn cho nên giữa Tâm từ Ba-la-mật và Kham nhẫn Ba-la-mật có sự khác biệt như vậy, tuy mà khi mà nói đến pháp chân đế đều là vô sân tâm sở nhưng qua sự thể hiện thì có sự khác nhau. Qua những câu chuyện như vậy, chúng ta có thể quán tưởng để làm giảm thiểu tâm sân của mình đối với kẻ thù khi mà hành giả hướng tâm phát triển tâm từ đến cho người mà mình bất mãn hay là người mà đã từng làm mình đau khổ. 

Như vậy khi mà hành giả tu tập tâm từ theo tiến trình là người mà mình kính trọng, người mình thương yêu, người mình không thương không ghét và người mà mình cho là kẻ thù thì 4 hạng người như vậy hành giả có thể tu tập từng hạng người một theo tuần tự như vậy và khi mà chúng ta kết hợp hạng người thứ nhất đó là người mình kính trọng và hạng người thứ 2 là hạng người mà mình vô cùng thương yêu thành một hạng người đó là hạng người mình thương yêu. Khi mà hành giả tu tập thuần thục với 2 hạng người này trở thành một hạng người thương yêu và chính mình với 2 hạng người còn lại đó là hạng người không thương không ghét và hạng người kẻ thù.

Có tất cả 4 hạng người nếu như hành giả có thể tu tập tâm từ một cách thuần thục không còn phân biệt 4 hạng người này nữa, hạng người thương yêu, chính mình, người không thương không ghét và kẻ thù với một tâm gọi là sama citta là một tâm đồng đẳng không còn phân biệt giữa mình và người với mình và kẻ thù nữa, khi mà đạt đến tâm sama citta-tâm đồng đẳng như vậy thì hành giả được gọi là thành tựu trong việc phá vỡ ranh giới của tâm từ, cũng giống như khi sữa hòa với nước thì không còn phân biệt giữa sữa với nước nữa.

Đối với tâm của hành giả tu tập tâm từ mà không còn phân biệt giữa mình với người, giữa mình với kẻ thù thì tâm đó là tâm đồng đẳng, đối với những hành giả tu tập các đề mục khác như là đề mục hơi thở đạt đến quang tướng là ánh sáng, ánh sáng là quang tướng của hành giả tu tập thiền có đối tượng hơi thở vào, hơi thở ra còn đối với hành giả tu tập các đề mục thiền biến xứ như là biến xứ đất, biến xứ lửa, biến xứ nước, v.v… thì những hình ảnh là một dĩa đất hay là một ca nước hình tròn, một vòng lửa hình tròn khi có thể ghi nhận ở trong tâm mà không cần mở mắt nhìn hình ảnh dĩa đất hay là ca nước mà vẫn có thể thấy rõ hình ảnh dĩa đất hay là ca nước ở trong tâm của mình thì những hình ảnh xuất hiện trong tâm khi mắt đóng lại thì hình ảnh đó gọi là học tướng. Vẫn còn những dấu hiệu ví dụ giống như là ca nước thì vẫn còn những dấu hiệu là các gợn sóng hay là sự ghồ ghề của nước thì khi đó gọi là học tướng nhưng mà hành giả tiếp tục quan sát đến khi không còn những gợn sóng của nước nữa mà chỉ là một hình tròn nhẵn không có chút gợn sóng của nước thì hình ảnh đó gọi là quang tướng của đề mục nước trong kasina hay biến xứ thì như vậy hành giả tu tập tâm từ khi đạt đến tâm đồng đẳng sama citta không còn phân biệt giữa mình và người, mình và kẻ thù nữa thì hình ảnh đó cũng gọi là quang tướng trong đề mục thiền tâm từ.

Ngài nói thêm đối với hành giả tu tập thiền hơi thở vào, hơi thở ra thì khi nào hình ảnh ngôi sao, sáng như ngôi sao hoặc một đốm bông gòn sáng thì hình ảnh đó khi nào mà hợp lại với hơi thở nghĩa là nằm chung với hơi thở, không còn phân biệt giữa những hình ảnh đó với hơi thở nữa mà nhập chung lại với nhau thì với ánh sáng nhập chung với hơi thở đó gọi là quang tướng. Khi hành giả tu tập tâm từ có thể đạt đến trạng thái tâm đồng đẳng không còn phân biệt giữa mình và người, mình và kẻ thù nữa thì điều đó đồng nghĩa là quang tướng, gọi là những đề mục khác và khi mà với một trạng thái tâm như vậy thì các thiền chi như là tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm xuất hiện và mạnh mẽ ở trong tâm của hành giả và khi đó hành giả có thể được gọi là đạt đến nhất thiền với đầy đủ 5 thiền chi mạnh mẽ như vậy.

Đối với những hành giả mà có thể tu tập tâm từ trong một thời gian ngắn hay là trong một thời thiền có thể đạt đến nhất thiền là một điều rất tốt nhưng nếu như mà chưa đạt đến nhất thiền mặc dù đã đạt đến tâm đồng đẳng không còn phân biệt giữa mình và người, giữa mình với kẻ thù thì hành giả cần phải bảo vệ trạng thái tâm như vậy bằng cách tiếp tục tu tập tâm từ, thường xuyên tu tập tâm từ theo tuần tự như đã tu tập. Thì ở trong kinh ví những người tu tập tâm từ bảo vệ trạng thái tâm đồng đẳng sama citta được ví như là một người phụ nữ đang mang thai một vị hoàng tử sau này trở thành vị vua chuyển luân thánh vương cần phải có sự bảo vệ tốt và miên mật như vậy.

Khi mà nói đến sự bảo vệ những quang tướng thì những đề mục khác cũng vậy không chỉ riêng về tâm từ cần bảo vệ trạng thái tâm đồng đẳng mà đối với những đề mục khác như đề mục hơi thở hay là đề mục biến xứ đất, nước, lửa, gió, v.v… thì khi mà hành giả có quang tướng rồi thì cũng cần có sự bảo vệ quang tướng thật miên mật thông qua 7 sự thích hợp pali như là sự thích hợp trong việc thọ thực, sự thích hợp trong các tư thế đi đứng ngồi nằm, sự thích hợp trong việc giao tiếp với người khác, sự thích hợp trong việc nói chuyện. Đối với những sự việc như vừa nêu thì cần phải biết, sự thích hợp cần phải biết mức độ vừa phải đừng để cho những quang tướng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra hành giả cũng phải có sự thuần thục trong việc đạt đến sự an chỉ định nói cách khác trong việc nhập thiền thì trước hết hành giả cần có sự thuần thục. Có 10 sự thuần thục, trước hết phải giữ cho thân của mình ở bên trong và bên ngoài được sạch sẽ ví dụ như là cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho thân của mình và những nơi của mình đang ở cũng cần phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Thứ hai cần có sự quân bình giữa ngũ căn đó là tín, tấn, niệm, định và tuệ. Có nhiều trường hợp có đức tin rất là nhiều nhưng mà trí tuệ rất ít như là vào thời Đức Phật có vị tỳ khưu tên là Vakkali, vị này có sự tịnh tín đối với Đức Phật rất lớn cho nên cứ mỗi ngày như vậy chỉ ngồi để nhìn ngắm Đức Phật mà thôi, thì đối với vị tỳ khưu Vakkali niềm tin đối với Đức Phật rất là lớn nhưng trí tuệ không có nhiều.

Hay là có một vị khác tinh tấn rất lớn nhưng mà định không có nhiều như là trường hợp vị tỳ khưu Sona suốt đêm đi kinh hành rất là tinh tấn nhưng mà định yếu cho nên giữa định và tinh tấn không quân bình hay là giữa đức tin và trí tuệ cũng không có quân bình thì sự tu tập vẫn không có tiến bộ.

Thứ 3 đó là cần phải thiện xảo đối với quang tướng của mình, những cái hiện tượng xuất hiện ở trong tâm cũng cần nhận biết rõ và cần phải biết cách để giữ học tướng hay là quang tướng đối với hành giả tu tập tâm từ cũng vậy, khi mà đạt đến tâm đồng đẳng sama citta rồi tương đương quang tướng, hành giả cũng cần có sự thiện xảo để duy trì trạng thái tâm đồng đẳng đó.

Thứ 4 là khi mà trạng thái tâm bị tuột dốc, bị mất năng lượng hay là có khi tâm vượt quá sự tinh tấn, quá tăng động thì cũng cần biết cách để đối với tâm tăng động thì cần biết cách để giảm xuống hay đối với tâm bị mất năng lượng tuột dốc thì cần biết cách để nâng lên. Cho nên đối với những hành giả nào khi mà quá tinh tấn thì cần phải giảm bớt tinh tấn bởi vì nhiều tinh tấn sẽ dẫn đến tâm uddhacca phóng tâm, cho nên cũng cần phải biết rõ khi mà bị phóng tâm nghĩa là có thể tinh tấn hơi nhiều vì vậy cần phải giảm tinh tấn và cần phải phát triển thêm tâm định.

Còn khi tâm bị trùng xuống, bị mất năng lượng thì hành giả cần phải nâng đỡ tâm lên làm cho tâm phấn chấn lên bằng cách quán tưởng những câu chuyện liên quan đến sự đau khổ ví dụ như là tái sinh làm người, tái sinh làm súc sinh đặc biệt tái sinh vào cảnh khổ thì sẽ rất là khổ cho nên nếu như mà không có tinh tấn thì sẽ bị đọa vào cảnh khổ đó hay là có những câu chuyện mà cần phải hiểu để ta làm cho sự cố gắng, sự tinh tấn làm cho tâm phấn chấn trở lên rõ ràng hơn, làm cho tâm trở lên phấn chấn hơn. Khi mà tâm cần sự thư giãn thì hãy để tâm thư giãn nghĩa là khi mà ngũ căn tín, tấn, niệm, định và tuệ có sự quân bình thì hành giả không cần phải cố gắng, cũng không cần phải tăng thêm đức tin mà chỉ giữ trạng thái tâm thư giãn thì sẽ tốt hơn giống như một người đánh xe ngựa khi thấy 2 con ngựa chạy một cách đều đặn thì người đánh xe ngựa chỉ cần ngồi một cách thư giãn thoải mái và giữ dây cương mà thôi. Cũng tương tự như vậy đối với hành giả khi mà ngũ căn được quân bình rồi là lúc mà tâm cần thư giãn thì nên thư giãn, chỉ giữ chánh niệm trên đề mục mà thôi.

Điều tiếp theo đó là hành giả cần phải gần gũi, thân cận với người khác thì phải thân cận, gần gũi với người tĩnh lặng bởi vì trạng thái tĩnh lặng mới giúp tâm định tĩnh nếu như gần gũi với người thiếu sự tĩnh lặng mà luôn xôn xao việc này việc kia thì cũng có thể làm cho tâm hành giả trở lên tán loạn vì vậy cần phải gần gũi, thân cận người mà có tâm tĩnh lặng. Trên đây là 10 sự thiện xảo liên quan đến sự đạt đến các trạng thái an chỉ định cho nên đối với một hành giả tu tập tâm từ khi mà có được trạng thái tâm đồng đẳng Samacitta không còn phân biệt giữa mình với người, giữa mình và kẻ thù nữa thì trạng thái tâm đó tương đương với paṭibhāga nimitta quang tướng và nếu như hành giả chưa có thể đạt đến nhất thiền thì hành giả cần phải thực hành 7 sự thích hợp và 10 sự thuần thục trong việc đắc thiền như đã đề cập trên thì trong một thời gian sau hành giả có thể đạt đến nhất thiền khi mà 5 thiền chi tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất thiền trở lên mạnh mẽ ở trong tâm của hành giả. 

Ngài dạy rằng tuần sau Ngài sẽ tiếp tục giảng cho chúng ta về những lợi ích của tâm từ đồng thời Ngài cũng sẽ chia sẻ đề cập thêm về những hành giả, những vị thánh đệ tử ở trong giáo pháp vào thời Đức Phật đã thành tựu sự tu tập tâm từ như thế nào.

Còn ở đây vẫn còn thời gian, ngài sẽ tiếp tục chia sẻ một chút về cách khi mà một hành giả tu tập tâm từ rồi sau đó chuyển qua thực hành thiền Vipassana-thiền quán như thế nào. Đối với hành giả khi tu tập thiền quán có nền tảng là tâm từ nghĩa là phát triển đề mục tâm từ mới tu tập thiền quán thì những hành giả đó sau khi đạt đến những tầng thiền của thiền tâm từ hay là thông qua một trạng thái sau khi tu tập tâm từ rồi thì hành giả sẽ hướng đến những thiền chi của thiền tâm từ đó và quan sát thiền chi đó.

Cũng giống như là hành giả lấy nền tảng thiền định của đề mục khác như là đề mục hơi thở chẳng hạn cũng lấy các thiền chi và thông qua các tầng tuệ của thiền Vipassana thì sẽ đạt đến tầng tuệ là mutta-gamini nghĩa là hướng tới sự thoát khỏi. Từ mutta-gamini (hướng tới sự giải thoát) ở đây là chỉ 2 trí tuệ sankhāra-upekkha-trí tuệ hành xả nghĩa là tâm quân bình đối với các pháp hữu vi và anuloma nghĩa là trí tuệ thuận thứ. Đây là những danh từ chuyên và chúng ta cần hiều hướng đến sự thoát khỏi chỉ 2 trí tuệ cuối cùng trong chuỗi trí tuệ của thiền tuệ thì ở đây đối với hành giả tu tập thiền tâm từ chưa có chứng đắc các tầng thiền định thì khi mà chuyển qua tu tập thiền quán thì hành giả vẫn có thể quan sát các trạng thái tâm của mình và khi mà phân tích sắc thì cũng quan sát trạng thái sắc như là đát nước lửa gió và khi mà vị hành giả đó thực hành thiền vipassana thấy rõ trạng thái tâm và thấy rõ những sắc chất như đất nước lửa gió thông qua 3 trạng thái, 3 đặc tính chung đó là vô thường, khổ, vô ngã và đạt đến trí tuệ hành xả và thuần thứ sau đó đạt đến thánh đạo, thánh quả nhập lưu.

Đối với hành giả đạt đến thánh đạo, thánh quả nhập lưu tương ứng với nhất thiền, còn đối với những hành giả sau khi đắc được nhất thiền rồi xuất ra khỏi nhất thiền và tu tập thiền quán dù là quan sát các chi thiền như là tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm với 3 đặc tính vô thường, khổ, vô ngã hay là không quan sát các chi thiền đó mà vẫn có thể phát triển các tầng thiền tuệ và đạt đến thánh đạo, thánh quả nhập lưu thì tâm thánh đạo, thánh quả nhập lưu này cũng tương ứng là nhất thiền. Đối với hạng người thứ 3 gọi là sukkha-vipassaka nghĩa là thuần thiền quán thì đối với những hành giả này khi mà có tâm tương đối ổn định có thể gọi là định sát na, định trong chốc lát rồi hướng tâm đến các danh pháp, sắc pháp là những đối tượng của thiền quán thì khi mà phát triển thiền quán đạt đến các tầng tuệ của thiền quán và cuối cùng đạt đến thánh đạo, thánh quả nhập lưu thì đối với hành giả này thánh đạo, thánh quả nhập lưu cũng tương ứng với nhất thiền có nghĩa là tâm thánh đạo, thánh quả nhập lưu cũng có tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm, cũng giống như là các chi thiền ở trong nhất thiền. Như vậy thì chúng ta cần biết và ghi nhận có 3 hạng người, có 3 loại thánh đạo, thánh quả nhập lưu mà thánh đạo, thánh quả nhập lưu này cũng tương đương với nhất thiền nghĩa là trong tâm thánh đạo, thánh quả nhập lưu này cũng có 5 chi thiền tầm, tứ, hỉ, lạc và nhất tâm.

Và bây giờ như thường lệ chúng ta sẽ bắt đầu thực tập thiền. Chúng ta ngồi với tư thế thoải mái, ngồi xếp bằng kiết già hoặc bán già, để 2 tay trên 2 đầu gối hoặc trên 2 bàn chân của mình giữ lưng và cổ thẳng đứng, thư giãn, thong thả, nhắm mắt và ngậm miệng, thư giãn toàn thân, tâm hướng đến ở phía trước và giữ chánh niệm nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra tại điểm tiếp xúc của hơi thở. Khi hơi thở vào biết rõ hơi thở đang đi vào, khi hơi thở ra biết rõ hơi thở đang đi ra tại điểm tiếp xúc ở 2 lỗ mũi, nhận biết từ đầu đến cuối hơi thở. Khi nghe một âm thanh, khi nhận biết một cảm giác hay khi nhận biết một suy nghĩ ở trong đầu thì hành giả đừng quan tâm và để ý đến đối tượng đó chỉ cần hướng tâm trở về lại ở lỗ mũi và tiếp tục quan sát biết rõ hơi thở đang đi vào, hơi thở đang đi ra. Hành giả cần thường xuyên nhìn lại tâm mình xem có chánh niệm trên hơi thở hay không.

Ngài Tam tạng sẽ có một bài kinh ngắn chúc phúc đến cho các phật tử chúng ta và cầu chúc cho tất cả mọi người được nhiều sức khỏe, thuận duyên trong công việc, có niềm vui hạnh phúc bên gia đình đặc biệt thuận duyên trong tu tập giáo pháp và sớm chứng ngộ niết bàn.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Và để kết thúc thời pháp thoại ngày hôm nay mời tất cả đại chúng cùng nhau phát nguyện: Nguyện cho phật giáo được trường tồn:

Budhasasanam ciram titthatu! (3 lần)

Sādhu sādhu sādhu!

Ngai Tam Tang 10 Su Thien Duc

Dạ chúng con thành kính tri ân Ngài Tam Tạng 10 và Sư Thiện Đức và xin mời quý đại chúng cùng nhau chắp tay cung kính đảnh lễ Ngài Tam Tạng 10, Sư Thiện Đức, quý Chư Tăng và quý Sư Cô. Và để tăng trưởng thêm phước thiện chúng con xin cung thỉnh Sư Thiện Đức hướng dẫn chúng con phần chia phước và hồi hướng. Dạ kính bạch Sư!

Mời đại chúng cùng nhau tác ý phước thiện mà chúng ta đã làm, mời đại chúng cùng nhau đọc theo Sư:

Idaṃ me puññaṁ nibbanassa paccayo hotu

Nguyện những phước thiện mà chúng con đã làm, phước thiện chắp tay đảnh lễ cung kính đến Ngài Tam tạng thứ 10 và Chư Đại đức tăng, phước thiện nghe pháp, phước thiện nghe kinh, phước thiện hành thiền và những phước thiện mà chúng con đã làm hãy là duyên lành, hãy là nhân lành dẫn dắt chúng con thành tựu những pháp thế gian như sống lâu, sắc tốt, an vui, sức khỏe và có trí tuệ cũng như những phước thiện xuất thế gian thành tựu chánh trí, thành tựu niết bàn, đoạn tận khổ ưu, luân hồi trong tam giới.

Imaṃ puññabhāgaṃ mātāpitu-ācariya-ñati-mittānañceva sesa sabba sattānañca devatānañca ārakkhadevatanañca gunṇavantānañca dema sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu dukkhā muccantu sabbadhā

Chúng con xin thành tâm hồi hướng và chia sẻ những phần phước thiện thanh cao này đến cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, thầy tổ và thân quyến, bạn bè và đạo hữu cũng với tất cả chúng sinh nhất là Chư thiên hộ trì mỗi chúng con, Chư thiện hộ trì tư gia chúng con, Chư thiên hộ trì phật giáo, và đến các bậc hữu ân sau khi hoan hỉ thọ nhận những phần phước thiện thanh cao này rồi được an lạc, tiến hóa và lợi ích lâu dài và cầu mong quý ngài hoan hỉ mách bảo cho tất cả thân quyến của chúng con đã quá vãng từ nhiều đời, nhiều kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại hãy biết hoan hỉ và thọ nhận những phần phước thiện thanh cao này rồi được thoát khỏi mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài và cầu mong quý ngài hoan hỉ hộ trì cho tất cả chúng con và thân quyến của chúng con tránh khỏi mọi điều rủi ro, tai hại để thành tựu những hạnh phúc: hạnh phúc ở cõi người manussasampatti, hạnh phúc ở cõi trời saggasampatti và hạnh phúc cao thượng niết bàn nibbānasampatti, nguyện mong tất cả hoan hỉ phước thiện này đồng đều nhau cả thảy.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

(bài Pháp được Ngài Tam Tạng 10 Sundara Sayadaw thuyết giảng ngày 14/08/2022, Sư Thiện Đức chuyển ngữ tiếng Việt, bạn Học Nguyễn gõ text, anh Chu Quang kiểm tra chỉnh sửa và bổ sung phần Pali)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app