Nội Dung Chính
Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II
Chương Sáu: Sắc Phi Thực Tính (Anipphanna-rūpa) Và Phân Loại Sắc Pháp (Rūpa-vibhāga)
Tuần trước, chúng ta đã học xong mười tám sắc chân đế (Nipphanna-rūpa), tức là sắc pháp được tạo ra một cách cụ thể. Hôm nay, chúng ta sẽ học những sắc pháp còn lại, tức là những sắc pháp phi thực tính (Anipphanna-rūpa). Mười tám sắc pháp đầu tiên là sắc pháp (Rūpa) thật. Những sắc pháp còn lại bắt đầu từ sắc giao giới thì không phải là sắc pháp (Rūpa) thật. Chúng được gọi là Anipphanna-rūpa trong Pāḷi, và được chuyển nghĩa là “sắc không được tạo ra một cách rõ ràng”. Điều đó có nghĩa là mười sắc pháp (Rūpa) này không sanh lên từ bốn nhân sanh ra sắc pháp. Chúng ta sẽ nghiên cứu bốn nguyên nhân sinh ra sắc pháp trong phần thứ ba. Mười sắc pháp bắt đầu với sắc giao giới này tồn tại như là những thuộc tính hay những chế độ của sắc pháp mà được tạo ra một cách cụ thể. Tức là chúng không phải là sắc pháp thật, mà chỉ là những tính chất, những thuộc tính của sắc pháp thật. Thật ra, chúng không được bao gồm trong những pháp chân đế (Paramattha Dhamma). Chúng không được bao gồm trong những đối tượng của thiền Minh sát (Vipassanā). Nếu các bạn nhìn vào phần đầu của chương thứ bảy, trên trang 264, các bạn sẽ tìm thấy phần “Guide to §1”:
“72 thực thể: Bốn sự thật chân đế được miêu tả trong sáu chương đầu tiên có thể được phân tích thành 72 thực thể riêng biệt, …” (CMA, VII, Guide to §1, p.264)
Như vậy, có 72 thực thể được gọi là Vatthu- dhamma, tức là những pháp tồn tại với bản chất nội tại. Do đó, chúng có sự hiện hữu riêng, bản chất nội tại riêng, thực tính riêng của chính chúng1. Chúng là tâm (được xem là một), 52 tâm sở (Cetasika), mười tám sắc pháp chân đế (Nipphanna-rūpa) và pháp cuối cùng là Níp-bàn (Nibbāna). Khi cộng lại, thì chúng ta có 72 pháp.
Sắc Giao Giới (Ākāsa-dhātu)
Có tất cả mười sắc phi thực tính (Anipphanna- rūpa). Sắc pháp thứ nhất được gọi là sắc giao giới. Tức là sắc pháp (Rūpa) này chia ranh giới giữa những nhóm sắc pháp (Rūpa). Sắc pháp sẽ được xử lý thành nhóm trong phần thứ tư của chương này. Sắc giao giới này chia ranh giới hay phân tách một nhóm này với một nhóm khác. Thật ra, khi những nhóm sắc pháp gặp nhau, tuy rằng chúng chạm vào nhau, nhưng vẫn có một khoảng trống ở giữa chúng, tức là sự chia cách giữa chúng. Sự chia cách giữa những nhóm sắc pháp đó thì được gọi là sắc giao giới (Ākāsa-rūpa). Nó không phải chỉ là không gian. Nó không được tạo ra bởi cái gì cả. Nó không có sự tồn tại thật sự. Sự trống rỗng hay sự trống vắng giữa hai hay nhiều nhóm sắc pháp thì được gọi là sắc giao giới hay sắc hư không (Ākāsa-rūpa).
Thật ra, có bốn loại không gian (Ākāsa):
- Không gian không bị vướng mắc (Ajjhattākāsa);
- Không gian bị giới hạn hay bị phân cách (Paricchinnākāsa);
- Khái niệm không gian vô tận (Ākāsānañcāyatana);
- Không gian giao giới (Ākāsa-dhātu).
Loại thứ nhất là không gian rộng mở. Từ Pāḷi là Ajjhattākāsa, có nghĩa là không gian không bị vướng mắc. Điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là không gian mở rộng: như hiện tại, chúng ta thấy không gian giữa trái đất và bầu trời. Những không gian mở rộng thì được gọi là Ajjhattākāsa.
Rồi thì loại tiếp theo được gọi là không gian bị giới hạn hay bị phân cách. Đó là không gian giữa những cửa sổ và những cánh cửa hay trong những cái lọ hay cái bình và vân vân. Không gian đó được gọi là không gian bị giới hạn (Paricchinnākāsa).
Loại không gian thứ ba là khái niệm về không gian làm đối tượng cho tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất; trong Pāḷi, nó được gọi là Ākāsānañcāyatana. Đối tượng của tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất là khái niệm không gian vô tận. Đó là cái không gian có được khi dời bỏ đi đối tượng Kasiṇa hay ấn tướng Kasiṇa.
Loại cuối cùng là không gian giao giới (Ākāsa- dhātu) này. Loại thứ hai và loại thứ tư thì khác nhau. Loại thứ hai là không gian bị giới hạn, tức là không gian bị giới hạn bởi những vật khác: như bởi một cánh cửa, một cái cửa sổ, một cái lọ, một cái bình, một cái lỗ. Khoảng không gian trong một cái lỗ thì được gọi là bị giới hạn. Loại thứ tư là không gian giao giới. Tức là nó ngăn chia hay tách rời những nhóm sắc pháp khác nhau. Cái này được gọi là sắc giao giới ở đây, tức là loại cuối cùng.
Sắc Biểu Tri (Viññatti-rūpa)
Hai sắc pháp tiếp theo được gọi là sắc biểu tri (Viññatti-rūpa). “Viññatti” có nghĩa là làm cho biết. Nó được chuyển ngữ thành sắc biểu tri. Nhờ thân biểu tri (Kāya-viññatti) và ngữ biểu tri (Vacī-viññatti), chúng ta làm cho những chủ ý, những khao khát của chúng ta được truyền đạt đến những người khác. Những cái đó được gọi là sắc biểu tri. Chúng ta giao tiếp bằng những sắc biểu tri này. Nó là một chế độ hay sự chuyển đổi trong những sắc pháp.
Thân Biểu Tri (Kāya-viññatti)
Loại đầu tiên là thân biểu tri (Kāya-viññatti). Tức là sự quảng bá bằng thân. Khi tôi làm cử chỉ như thế này, đặc biệt ở tại nước Hoa Kỳ này, thì các bạn biết là tôi muốn các bạn đến đây. Sự chuyển động của những ngón tay của tôi, sự chuyển động của bàn tay của tôi: có một dạng phương thức đặc biệt nào đó trong sự chuyển động này. Không phải tất cả mọi chuyển động đều được gọi là biểu tri (Viññatti). Ví dụ, chuyển động của cây cối chẳng làm cho chúng ta biết cái gì cả. Nó chỉ là sự chuyển động. Khi tôi di chuyển bàn tay tôi như thế này, thì các bạn biết là tôi muốn các bạn đến đây. Một phương thức nào đó trong sự chuyển động này là cái được gọi là thân biểu tri (Kāya-viññatti). Sự chuyển động này sanh lên vì trước hết tôi có dự tính di chuyển bàn tay. Trước khi di chuyển bàn tay, tôi có sự khao khát hay dự tính di chuyển bàn tay. Cái chủ ý đó hay những sát-na tâm với chủ ý đó sanh lên và diệt đi hàng tỉ lần. Cái chủ ý đó, hay tâm thức được đi kèm theo bởi cái chủ ý đó, làm sinh ra những sắc pháp (Rūpa), đặc biệt là phong đại (Vāyo). Như vậy, nó sản sinh ra rất nhiều yếu tố phong đại (Vāyo). Cái mà chúng ta cho là sự chuyển động thì thật ra là sự gia tăng của phong đại (Vāyo). Những sắc pháp cũ biến mất và những sắc pháp mới sinh ra. Khi những sắc pháp cũ biến mất và những sắc pháp mới sinh ra, vị trí của những sắc pháp mới chỉ cách vị trí của những sắc pháp cũ đã biến mất một chút mà thôi. Sự sanh lên của những sắc pháp mới tại một vị trí mới làm cho chúng ta nghĩ rằng có sự di chuyển của bàn tay. Cho nên, trong những tài liệu có nói rằng sự thật chân đế thì không di chuyển. Không có sự chuyển động trong những sự thật chân đế. Điều này thì hơi khó hiểu. Tại sao chúng ta lại nghĩ là có sự chuyển động? Đó là vì sự gia tăng của phong đại (Vāyo-dhātu) trong bàn tay. Khi phong đại (Vāyo-dhātu) tăng lên, thì những sắc pháp khác, đặc biệt là ba sắc tứ đại còn lại, cũng gia tăng. Do sự gia tăng của chúng, chúng ta nghĩ rằng có sự di chuyển của bàn tay. Thật ra, không có cái gì di chuyển từ nơi này sang nơi khác cả. Những sắc pháp sanh lên ở đây và diệt đi ở đây, rồi những sắc pháp mới sanh lên và diệt đi, và rồi cứ tiếp diễn như vậy.
Nó giống như là một bộ phim điện ảnh. Trên các khung hình của bộ phim thì có hình ảnh. Một bức hình này chỉ khác với một bức hình kia một chút mà thôi. Tuy rằng sự khác nhau rất khó có thể nhận ra được, nhưng sự khác nhau thì luôn có giữa các bức hình. Nhưng khi những bức hình đó được phóng lên màn ảnh với tốc độ khoảng 30 khung hình trong một giây thì các bạn nghĩ là hình ảnh đó đang chuyển động. Thật ra, chúng ta không thấy những bức hình di chuyển. Chúng ta thấy những bức hình khác nhau ở những vị trí khác nhau. Rồi tâm trí của chúng ta kết nối những bức hình này làm thành một hình ảnh chuyển động. Cái chúng ta thấy không phải là một hình ảnh chuyển động, mà là nhiều bức hình tại những vị trí khác nhau. Khi tôi làm dấu hiệu này với bàn tay của tôi, thì có sự chuyển động của bàn tay của tôi. Sự chuyển động mà tôi làm với chủ ý để gọi các bạn lại đây thì được gọi là thân biểu tri (Kāya-viññatti). Có thân biểu tri (Kāya-viññatti) trong sự chuyển động khi tôi có chủ ý gọi ai đó hay khi tôi cố gắng muốn cho các bạn biết ý tưởng hay chủ ý của tôi thông qua sự chuyển động. Nhưng không phải mọi chuyển động đều là thân biểu tri (Kāya- viññatti). Khi chúng ta ngủ, cơ thể của chúng ta có di chuyển. Không ai biết ý của chúng ta lúc đó là gì. Cho nên, không có thân biểu tri (Kāya-viññatti) trong những chuyển động đó. Chuyển động với mục đích truyền đạt một cái gì đó thì được gọi là thân biểu tri (Kāya-viññatti).
Ngữ Biểu Tri (Vacī-viññatti)
Loại thứ hai là ngữ biểu tri (Vacī-viññatti). Tức là sự diễn đạt bằng lời nói. Tôi làm cho sự khao khát của tôi, cái chủ ý của tôi được các bạn biết đến thông qua sự diễn đạt bằng lời nói, bằng cách nói chuyện với các bạn. Tôi sẽ nói: “Hãy đến đây”. Các bạn biết là tôi muốn các bạn đến đây. Bằng những từ như vậy, bằng những âm thanh (Sadda) như vậy, tôi làm cho các bạn hiểu rằng tôi muốn các bạn đến đây với tôi. Sự việc nói “hãy đến đây” của tôi là cái được gọi là ngữ biểu tri (Vacī-viññatti). Ở đây cũng vậy, cái âm thanh “hãy đến đây” thì không phải là ngữ biểu tri (Vacī-viññatti), mà nó là một cái gì đó vốn có trong cái âm thanh đó. Tôi tạo ra âm thanh đó và nó làm cho các bạn biết rằng là tôi có chủ ý muốn các bạn đến đây. Cách thức đặc biệt đó của âm thanh trong miệng của tôi phát ra từ miệng của tôi là cái được gọi là ngữ biểu tri (Vacī-viññatti). Nó rất gần với âm thanh. Nếu tôi muốn nói một cái gì đó, thì tôi cũng có chủ ý tạo ra cái âm thanh đó. Cái đó sản sinh ra ở đây cái được gọi là địa đại (Pathavī-dhātu). Nó sản sinh ra địa đại (Pathavī-dhātu) trong cổ họng của tôi. Sự cọ xát đó làm cho âm thanh phát ra. Trong trường hợp này, yếu tố dư thừa, yếu tố vượt trội là địa đại (Pathavī-dhātu). Trong trường hợp của thân biểu tri (Kāya-viññatti), thì yếu tố dư thừa, tức là yếu tố nổi trội, là phong đại (Vāyo-dhātu). Trong thân biểu tri (Kāya-viññatti) có sự vượt trội của phong đại (Vāyo-dhātu). Trong ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) có sự vượt trội của địa đại (Pathavī-dhātu). Âm thanh chỉ là kết quả của sự va chạm giữa một thành phần này với những thành phần khác. Khi chúng ta nói một cái gì đó, chúng ta đang làm cho những người khác biết chúng ta muốn cái gì, hay chúng ta khao khát cái gì, hay chúng ta có chủ ý gì, hay ý của chúng ta là gì. Âm thanh đó, sự diễn đạt bằng lời nói đó là cái được gọi là ngữ biểu tri (Vacī- viññatti).
Đây cũng không phải là những sắc pháp riêng biệt. Thật ra, chúng là một phương thức, một sự chuyển đổi nào đó mà chúng ta phát hiện ra ở bàn tay hay ở âm thanh. Phương thức đặc biệt đó là cái chúng ta gọi là sắc biểu tri (Viññatti). Sắc biểu tri (Viññatti) được xem là không nhìn thấy được. Cái các bạn thấy thì không phải là sắc biểu tri (Viññatti) mà là sắc cảnh sắc của bàn tay. Nhưng từ sắc cảnh sắc này, các bạn suy diễn rằng người đó đang muốn các bạn đến gần ông ta. Thật ra, sắc biểu tri (Viññatti) thì không thể được nhìn thấy. Các bạn biết không, khi chúng ta phân loại các nhóm sắc pháp, thì các bạn sẽ thấy rằng trong số 28 sắc pháp, chỉ có một loại là có thể được nhìn thấy. Những loại khác thì chỉ có thể được nhìn thấy thông qua tâm trí mà thôi. Sắc biểu tri (Viññatti) là những sắc pháp không thể nhìn thấy được với mắt trần. Hai loại sắc pháp này được gọi là sắc biểu tri (Viññatti-rūpa).
Sắc Đặc Biệt (Vikāra-rūpa)
Nhóm tiếp theo được gọi là sắc có thể chuyển đổi (Vikāra-rūpa). Điều đó có nghĩa là sự thay đổi, hay ở đây có nghĩa là một tính chất đặc biệt, hay một chế độ đặc biệt của các pháp. Nhóm này có ba sắc pháp: khinh sắc (Rūpassa-lahutā), nhu sắc (Rūpassa-mudutā) và sắc thích nghiệp (Rūpassa-kammaññatā). Các bạn đã gặp ba từ Lahutā, Mudutā và Kammaññatā này ở trong 52 tâm sở (Cetasika). Ở đây, chúng cũng giống như vậy.
- “Lahutā” có nghĩa là sự nhẹ nhàng thanh thoát.
- “Mudutā” có nghĩa là sự mềm dịu hay sự nhu nhuyến.
- “Kammaññatā” có nghĩa là sự thích
Những chữ này thì hơi khó hiểu, thậm chí cả trong tiếng Pāḷi. Lahutā thì không khó để hiểu. Nó có nghĩa là sự nhẹ nhàng thanh thoát, tức là sự nhẹ nhàng của sắc pháp (Rūpa). Khi khí hậu tốt, khi thời tiết tốt, chúng ta có cảm giác nhẹ nhàng trong cơ thể. Khi chúng ta có thực phẩm tốt hay khi chúng ta khỏe mạnh, thì chúng ta có cảm giác thanh thoát trong cơ thể. Đó là khinh sắc (Rūpassa-lahutā).
Nhu sắc (Rūpassa-mudutā) được so sánh với da đã được xử lý tốt. Tôi nghĩ là họ phải nén hay đập da để cho nó trở nên mềm dịu và rồi các bạn có thể chế tạo những vật dụng khác từ nó. Đó cũng là cái cảm giác chúng ta cảm nhận khi thời tiết tốt, khi chúng ta khỏe mạnh.
Sắc thích nghiệp (Rūpassa-kammaññatā) thì được so sánh với vàng được tinh chiết. Khi vàng đã thật sự được tinh chiết, thì các bạn có thể dùng nó để chế tạo bất kỳ đồ trang sức nào các bạn muốn. Kammaññatā là như vậy đấy.
Ba sắc pháp này thì luôn luôn có chung với nhau. Khi có Lahutā, thì cũng có Mudutā và Kammaññatā. Ba sắc pháp này chỉ được tìm thấy trong những chúng sanh hữu tình, chứ không được tìm thấy ở những vật chất bên ngoài. Hai sắc biểu tri (Viññatti) và ba sắc có thể thay đổi được này được gọi là sắc đặc biệt (Vikāra-rūpa). Như vậy, có năm sắc đặc biệt (Vikāra-rūpa): hai sắc biểu tri (Viññatti) và ba sắc có thể thay đổi. Chúng là những chế độ hay là những thuộc tính của sắc pháp có thực tính (tức là những sắc pháp mà được sản sinh ra một cách rõ ràng).
Sắc Tứ Tướng (Lakkhaṇa-rūpa)
Bây giờ, chúng ta đến nhóm cuối cùng. Chúng được gọi là sắc tướng trạng (Lakkhaṇa-rūpa), tức là những đặc tính của sắc pháp hay những tướng trạng của sắc pháp. Chúng ta đã quen thuộc với ba tướng. Ba tướng đó là gì? Đó là vô thường, khổ và vô ngã. Ở đây, các tướng trạng thì khác. Sự khởi đầu, giai đoạn giữa và sự kết thúc thì được gọi là những đặc tính của sắc pháp.
Loại thứ nhất được gọi là Rūpassa-upacaya. Nó được dịch là sự hình thành. Loại thứ hai là Rūpassa- santati, tức là sự diễn tiến, thật ra là sự hình thành của sắc pháp, sự diễn tiến của sắc pháp. Tiếp theo là Rūpassa-jaratā, tức là sự lão suy của sắc pháp, và cuối cùng là Rūpassa-aniccatā, tức là sự vô thường của sắc pháp. Sự vô thường ở đây có nghĩa là sự kết thúc hay cái chết hay sự tan rã của sắc pháp.
Hai sắc pháp đầu tiên, Upacaya và Santati, đều là những thuật ngữ chỉ cho sự sanh lên, sự khởi điểm hay sự hình thành của sắc pháp. Sự sanh lên của sắc pháp ở đây được gọi bằng hai tên: Upacaya và Santati. Các nhà Chú Giải cố gắng giải thích sự khác nhau giữa Upacaya và Santati. Trong từ “Upacaya”, từ “Upa” có hai nghĩa. Một là thứ nhất hay trước hết. Cho nên, Upacaya có nghĩa là sanh lên lần đầu hay sanh lên trước. Nghĩa còn lại là nghĩa đen của nó, đó là ở trên. Tức là về sau. Cho nên, sanh lên trước và sanh lên sau này, đó được gọi là Upacaya. Một sự sanh lên thì có hai chế độ ở đây: sanh lên lần đầu tiên và sanh lên sau này. Sau đó thì có sự diễn tiến liên tục của những sắc pháp sanh lên, đó là Santati.
Tại lúc tục sinh của người nhân loại chẳng hạn, thì có 30 sắc pháp sanh lên. Sự sanh lên này được gọi là Upacaya, tức là sự hình thành. Chúng sẽ sanh lên từ thời điểm đó trở đi vì chúng được sanh ra do nghiệp (Kamma) và do đó, chúng sẽ sanh lên tại từng thời điểm. Tức là chúng sẽ lại sanh lên, và lại sanh lên. Khi chúng sanh lên và lại sanh lên, chúng vẫn là sắc hình thành (Upacaya) cho đến lúc tất cả sắc pháp trong một kiếp sống sanh lên đầy đủ. Theo các Sớ Giải thì điều đó có nghĩa là thai bào trong bụng mẹ có mắt, tai và vân vân sau khoảng mười một tuần kể từ lúc thụ thai. Như vậy, những sắc pháp này sanh lên cho đến tuần thứ mười một. Sự sanh lên đầu tiên của những sắc pháp tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi) là sắc hình thành (Upacaya) và sự sanh lên của chúng cho đến tuần lễ thứ mười một thì được gọi là sắc hình thành (Upacaya). Từ tuần thứ mười một trở đi, sự sanh lên của chúng thì được gọi là sắc thừa tiếp (Santati), cho đến tận mười bảy sát-na tâm trước tâm tử. Trong một kiếp sống, sắc hình thành (Upacaya) có thể được hiểu là xảy ra tại lúc tái sinh cho đến khoảng mười một tuần nếu đó là người nhân loại. Nhưng nếu đó là một Thiên nhân, thì họ có thể có tất cả những sắc pháp cần thiết ngay tại thời điểm tục sinh. Sự sanh lên của những sắc pháp tại lúc tục sinh thì được gọi là sắc hình thành (Upacaya). Những lọai (sanh lên) khác là sắc thừa tiếp (Santati). Như vậy, chỉ một sự sanh khởi ở đây lại được gọi bằng hai tên: sắc hình thành (Upacaya) và sắc thừa tiếp (Santati).
Jaratā: các bạn đã biết Jaratā, tức là sự suy đồi, trở nên già cỗi. Đời sống của sắc pháp (Rūpa) là bao lâu? Dài bao nhiêu sát-na tâm? Sắc pháp (Rūpa) có đời sống là mười bảy sát-na tâm hay 51 tiểu sát-na.
- Tiểu sát-na đầu tiên được gọi là sắc hình thành (Upacaya) hay sắc thừa tiếp (Santati) tùy theo trường hợp.
- Rồi 49 tiểu sát-na ở giữa thì được gọi là sắc lão suy (Jaratā).
- Tiểu sát-na thứ 51 thì được gọi là sắc vô thường (Aniccatā), tức là sự chết.
Những sắc pháp này thì không phải là sắc pháp chân đế. Chúng là những tướng trạng hay dấu hiện của sắc pháp chân đế. Đây là lúc sắc pháp chân đế sanh lên. Đây là lúc sắc pháp chân đế trở nên già cỗi. Đây là lúc nó mất đi. Vì chúng là những tướng trạng của sắc chân đế, cho nên chúng được gọi là sắc tướng trạng (Lakkhaṇa- rūpa). Có bốn loại sắc tướng trạng này: sắc hình thành, sắc thừa tiếp, sắc lão suy và sắc vô thường.
Như vậy, chúng ta đã đi hết 28 sắc pháp. 28 sắc pháp được chia thành mười một nhóm:
- Nhóm thứ nhất là bốn sắc tứ đại (Mahābhūta hay Bhūta-rūpa).
- Nhóm thứ hai là sắc thần kinh (Pasāda-rūpa).
- Nhóm thứ ba là sắc cảnh giới (Gocara-rūpa).
- Nhóm thứ tư là sắc giới tính (Bhāva-rūpa).
- Thứ năm là sắc ý vật (Hadaya-rūpa).
- Thứ sáu là sắc mạng quyền (Jīvita-rūpa).
- Thứ bảy là sắc vật thực (Āhāra).
- Thứ tám là sắc giao giới (Pariccheda-rūpa).
- Nhóm thứ chín là sắc biểu tri (Viññatti-rūpa).
- Nhóm thứ mười là sắc có thể biến đổi (Vikāra- rūpa).
- Nhóm thứ mười một là sắc tướng trạng (Lakkhaṇa-rūpa).
Nếu đếm theo nhóm thì có mười một và nếu đếm riêng lẻ thì có 28 sắc pháp. Trong số chúng:
- Mười tám sắc pháp đầu tiên được gọi là Nipphanna-rūpa, tức là sắc pháp được tạo ra một cách rõ ràng.
- Mười sắc còn lại thì được gọi là Anipphanna- rūpa, tức là sắc không được tạo ra một cách rõ ràng.
Hai mươi tám sắc pháp này có thể được so sánh với bảng phân loại nguyên tố trong hóa học. Ở đó, các nhà khoa học cũng sắp xếp các nguyên tố theo một trật tự nhất định. Cũng như các nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học là những thành phần của cái mà chúng ta gọi là vật chất, thì ở đây theo Thắng Pháp (Abhidhamma), 28 sắc pháp này là những khối xây dựng nên cái mà chúng ta gọi là những vật chất bao gồm cả những vật hữu tình.
Một lần nữa, 28 sắc pháp có thể được chia thành hai nhóm. Hai nhóm đó là gì?
- Bốn sắc tứ đại, và
- 24 sắc y
Sắc y sinh có nghĩa là những sắc pháp phụ thuộc vào bốn sắc tứ đại để sanh lên. Chỉ khi nào có bốn sắc tứ đại, thì chúng mới có thể sanh lên. Nếu không có bốn sắc tứ đại, thì chúng không thể sanh lên. Cho nên, chúng được gọi là sắc y sinh. Trong Pāḷi, chúng được gọi là Bhūta-rūpa và Upādā-rūpa. Các bạn phải quen thuộc với những thuật ngữ này. Khi các bạn học đến phần Duyên hệ (Paṭṭhāna), các bạn sẽ tìm thấy những thuật ngữ này rất nhiều lần. Như vậy, có bốn sắc tứ đại (Bhūta-rūpa) và 24 sắc y sinh (Upādā-rūpa).
Trong số 24 sắc y sinh (Upādā-rūpa), chúng ta có thần kinh thị giác và vân vân, có sắc cảnh giới (Gocara-rūpa) và vân vân, và rồi sắc tố nữ, sắc tố nam, sắc ý vật, sắc mạng quyền và sắc vật thực. Rồi trong số những sắc pháp phi thực tính, chúng ta có sắc giao giới, sắc biểu tri, sắc đặc biệt và sắc tứ tướng.
Chúng ta hãy quay ngược lại từ đầu. Có bao nhiêu sắc tứ đại? Có bốn.
Có bao nhiêu sắc thần kinh (Pasāda-rūpa)? Có năm.
Có bao nhiêu sắc cảnh giới? Có bảy vì sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) bao gồm địa đại (Pathavī), hỏa đại (Tejo) và phong đại (Vāyo).
Rồi thì sắc giới tính (Bhāva-rūpa) có bao nhiêu loại? Có hai.
Sắc ý vật thì sao? Chỉ có một.
Sắc mạng quyền thì sao? Chỉ có một. Sắc vật thực thì sao? Chỉ có một.
Sắc giao giới thì sao? Chỉ có một. Sắc biểu tri thì sao? Có hai.
Sắc đặc biệt hay sắc có thể chuyển đổi thì sao? Có ba hay năm; thật ra là năm vì có bao gồm luôn cả hai sắc biểu tri.
Sắc tướng trạng thì sao? Có bốn.
Như vậy, chúng ta có 28 sắc pháp. Những pháp này thì sẽ giống như là 89 loại tâm. Các bạn có thể vẽ biểu đồ để chỉ ra 28 sắc pháp này nếu các bạn muốn.