Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I

Chương Một: Tâm Dục Giới Tịnh Hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta)

Định Nghĩa Của Từ “Kāmāvacara”

Hôm nay chúng ta nghiên cứu những tâm dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta). Có 24 tâm (Citta) như   vậy.   Trước   tiên,   chúng   ta   hãy   nghiên   cứu   từ “Kāmāvacara”. Kāmāvacara có nghĩa là thứ mà hầu hết là xuất hiện hay sinh lên trong mười một cõi dục giới hay trong  dục  giới.  Có  mười  một  cõi  được  gọi  là  dục  giới (Kāmāvacara), bao gồm bốn cõi khổ, một cõi nhân loại và sáu cõi dục Thiên. Chúng được gọi là dục (Kāma). Những loại tâm mà hầu hết xuất hiện trong những cảnh giới này, xuất hiện trong những chúng sanh của những cảnh giới này, thì được gọi là Kāmāvacara. Nói ngắn gọn lại, chúng ta gọi những tâm này là tâm dục giới, tức là tâm sinh lên trong  dục  giới.  Dục  giới  có  nghĩa  là  mười  một  cõi  dục giới.

Tịnh Hảo (Sobhana)

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu từ “Sobhana”. “Sobhana” có nghĩa là đẹp. Ở đây đẹp có nghĩa là được đi kèm theo bởi ba nhân tốt. Có tất cả sáu nhân, bao gồm ba nhân tốt và ba nhân xấu. Những tâm này được gọi là tịnh hảo (Sobhana) bởi vì chúng được đi kèm theo bởi những nhân tốt, tức là vô tham, vô sân và vô si. Vô tham là sự rộng lượng, vô sân là lòng từ, và vô si là trí tuệ. Những tâm (Citta) được đi kèm theo bởi bất kỳ một nhân nào trong ba nhân này thì được gọi là tịnh hảo (Sobhana).

Tịnh hảo (Sobhana) thì rộng lớn hơn thiện (Kusala) bởi vì những tâm quả và tâm duy tác cũng được gọi là những tâm tịnh hảo (Sobhana Citta) vì chúng cũng được đi kèm theo bởi hai hay ba nhân tốt. Những tâm (Citta) này được gọi là tịnh hảo (Sobhana) bởi vì chúng được đi kèm theo bởi những nhân đẹp (Sobhana). Được gọi là dục giới (Kāmāvacara) bởi vì những tâm này hầu như sanh lên trong mười một cõi dục giới. Điều đó không có nghĩa là chúng không sanh lên trong sắc giới (tức là những thế giới của Phạm thiên (Brahma)) hay trong vô sắc giới. Một vài trong số những tâm này sanh lên trong những thế giới Phạm thiên (Brahma) hay trong vô sắc giới. Tuy rằng một vài trong số những tâm này sanh lên trong những cõi Phạm thiên (Brahma), nhưng nơi chúng thường xuyên xuất hiện là mười một cõi dục giới. Do vậy, chúng được gọi là những tâm dục giới (Kāmāvacara Citta). Khi kết hợp hai điều này (tức là tịnh hảo (Sobhana) và dục giới (Kāmāvacara)) với nhau, chúng ta có những tâm dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta).

Cho đến lúc này, chúng ta chỉ mới gặp những tâm bất tịnh hảo (Asobhana Citta), tức là những tâm (Citta) không đẹp hay là những tâm không được đi kèm theo bởi bất cứ nhân nào trong ba nhân đẹp này.

Trong   24   tâm   dục   giới   tịnh   hảo   (Kāmāvacara Sobhana   Citta),  có   tám   thiện   dục   giới   (Kāmāvacara Kusala Citta). Những tâm dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana  Citta)  có  thể  được  chia  ra  làm  ba nhóm.  Một nhóm  bao  gồm  những  tâm  thiện  (Kusala  Citta).  Nhóm thứ hai là những tâm quả (Vipāka Citta). Nhóm thứ ba là những tâm duy tác (Kiriya Citta).

Ý Nghĩa Của Từ “Kusala”

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu từ “Kusala”. Sớ Giải của Thắng Pháp (Abhidhamma) đã đưa ra bốn ý nghĩa cho từ “Kusala”. Ba trong số bốn ý nghĩa này thì được xem là thích hợp ở đây. “Kusala” có nghĩa là khỏe mạnh hay sự vắng mặt của bịnh hoạn. Đôi lúc, Kusala được sử dụng với ý nghĩa này. Khi một người muốn chào hỏi một người nào đó, từ Kusala có thể được dùng. Khi chúng tôi chào hỏi một người nào đó, chúng tôi không có nói “buổi sáng tốt lành” hay “buổi chiều tốt lành”, nhưng chúng tôi lại nói “bạn có khỏe không?” Khi những người Miến Điện chúng tôi gặp nhau, chúng tôi cũng không nói “buổi sáng tốt lành” hay “buổi chiều tốt lành”, nhưng chúng tôi lại nói “bạn có khỏe không?” Trong Pāḷi, các bạn có thể nói “bạn có Kusala không?” Cho nên, Kusala có nghĩa là khỏe mạnh hay bạn có khỏe không. Đó là một nghĩa.

Nghĩa thứ hai là vô tội hay không lỗi lầm. Cho nên, Kusala có nghĩa là không bị chê trách bởi những bậc Thượng nhân, hay không tỳ vết, không lỗi lầm.

Nghĩa thứ ba là đầy đủ kỹ năng. Chúng ta nói một người là Kusala trong việc làm đó. Khi một người được nói là có đầy đủ kỹ năng trong việc chơi guitar chẳng hạn, chúng ta nói anh ta là Kusala trong việc chơi guitar. Cho nên, Kusala có nghĩa là đầy đủ kỹ năng.

Nghĩa thứ tư là sản sinh ra những kết quả hạnh phúc hay những kết quả được khao khát. Đây là bốn ý nghĩa của từ “Kusala”. Trong ngôn ngữ Pāḷi, cả bốn nghĩa này được dùng. Cho nên, chúng ta phải hiểu nghĩa của từ này tùy theo ngữ cảnh.

Những Sớ Giải nói rằng trong những ý nghĩa này, thì ý nghĩa thứ nhất, khỏe mạnh, thứ hai, vô tội, và thứ tư, sản sinh ra những kết quả hạnh phúc, là thích hợp ở đây. Hiện nay, vẫn có nhiều người dịch Kusala là đầy đủ kỹ năng. Đôi lúc, tôi cũng dùng đầy đủ kỹ năng. Nhưng dịch Kusala là đầy đủ kỹ năng thì không đúng theo với các Sớ Giải. Tôi nghĩ bắt đầu từ nay trở đi, chúng ta nên tránh dịch Kusala là đầy đủ kỹ năng.

Bhikkhu  Bodhi  rất  là  điêu  luyện.  Ngài  đã  viết  về Kusala và Akusala ở trang 31 trong cuốn CMA như sau:

“Tâm đó được gọi là bất thiện bởi vì nó không lành mạnh  về  tinh  thần,  đáng  chê  trách  về  đạo  đức,  và  sản sinh  ra  những  kết  quả  đau  khổ.”  (CMA,  I,  Guide  to  §3, p.31)

Đó là cho Akusala.

“Tâm  thiện  (kusalacitta)  là  tâm  được  đi  kèm  theo bởi  những  nhân  thiện  –  vô  tham  hay  sự  rộng  lượng,  vô sân hay lòng từ, và vô si hay trí tuệ. Tâm này lành mạnh về tinh thần, không đáng bị chê trách về đạo đức, và sản sinh  ra  những  kết  quả  tốt  đẹp.”  (CMA,  I,  Guide  to  §3, p.31)

Vậy là Ngài chỉ dùng ba ý nghĩa đã được chấp nhận trong các Sớ Giải. Chúng ta cũng nên tránh dùng nghĩa “đầy đủ kỹ năng” khi chuyển ngữ từ “Kusala”.

Theo Sớ Giải thì từ “đầy đủ kỹ năng” là không thích hợp ở đây. Từ “đầy đủ kỹ năng” cũng có thể có một hàm ý xấu. Một người có thể giết một người khác một cách có kỹ năng và rồi trốn thoát. Đầy đủ kỹ năng cũng có nghĩa là xảo quyệt và mưu trá. Nó không phải là một từ thích hợp cho tâm thiện (Kusala Citta) và nghiệp thiện (Kusala Kamma). Lành mạnh về tinh thần, không đáng bị chê trách và sản sinh ra những kết quả tốt, hài lòng và được khao khát – đó được gọi là Kusala.

Khi giải thích những từ này, các Sớ Giải có thói quen đi sâu vào việc phân tích gốc từ bằng cách chia cắt những từ này theo cách này hay theo cách khác. Rồi thì dựa vào đó, ý nghĩa của những từ này được hình thành. Mặc dầu việc chia cắt này không có ích lợi lắm, nhưng tôi nghĩ tôi phải chỉ cho các bạn biết từ “Kusala” đã được giải thích như thế nào.

Giải Thích Thêm Về Nghĩa Của Từ “Kusala”

Kusala là một từ ghép của “Ku” và “Sala” hay là “Kusa” và “La”. Khi chúng ta chia nó thành “Ku” và “Sala”, thì “Ku” có nghĩa là Akusala tức là độc ác bởi vì chúng là đáng khinh, và “Sala” có nghĩa là rung chuyển hay hủy diệt. Cho nên, “Kusala” có nghĩa là cái gì đó rung lắc hay hủy diệt những điều xấu, hủy diệt những trạng thái đáng chê trách của tinh thần. Đó là một nghĩa của từ Kusala. Nhắc lại, trong ý nghĩa này, từ Kusala được chia thành “Ku” và “Sala”. “Ku” có nghĩa là đáng khinh hay đê tiện, tức là Akusala. “Sala” có nghĩa là rung chuyển. Rung chuyển có nghĩa là hủy diệt. Cho nên những trạng thái tinh thần mà rung chuyển hay hủy diệt những trạng thái tinh thần đáng khinh thì được gọi là Kusala.

Nghĩa thứ hai dựa trên từ Kusala được chia thành “Kusa” và “La”. Ở đây, “Kusa” được xem là có nghĩa Akusala. “La” có nghĩa là cắt đứt. Cho nên những trạng thái cắt đứt “Kusa” (đó là Akusala) thì được gọi là Kusala.

Trong ý nghĩa này, “Kusa” có nghĩa là Akusala (độc ác). Bởi vì chúng nằm trong tâm trí của chúng sanh một cách đê hèn, cho nên chúng được gọi là “Kusa”. Những trạng thái mà cắt đứt hay chặt bỏ những “Kusa” này thì được gọi là Kusala.

Nghĩa thứ ba cũng được dựa trên cách phân chia thành “Kusa” và “La”. Trong trường hợp này, “Kusa” có nghĩa là trí tuệ bởi vì trí tuệ có thể tận diệt những trạng thái tinh thần đáng khinh, tức là Akusala. Cho nên trí tuệ ở đây được gọi là “Kusa”. “La” có nghĩa là khiến cho sanh lên. “Kusala” có nghĩa là những trạng thái tinh thần được sinh ra bởi “Kusa”, hay sanh lên cùng với “Kusa”, tức là trí tuệ. Như vậy, sự phân chia ở đây là “Kusa” và “La”.

Vẫn còn một nghĩa khác nữa cũng dựa trên sự phân chia thành “Kusa” và “La”. Ở đây, “Kusa” có nghĩa là một loại cỏ, giống như cỏ cưa. Cỏ này có khứa bén ở cả hai bên. Nếu các bạn cầm cỏ cưa một cách không cẩn thận, các bạn có thể tự cắt tay của mình. Ở đây, những trạng thái Kusala này cắt giống như cỏ cưa. Cỏ cưa có thể cắt tay của các bạn ở hai nơi. Tức là các bạn có thể bị cắt trên mỗi khứa. Cũng theo cách như vậy, trạng thái Kusala có thể cắt những trạng thái bất thiện trong hai nơi: đã sanh lên và chưa sanh lên.

Như các bạn đã biết về những sự tinh cần tột đỉnh (Tứ Chánh Cần) được ghi nhận trong Bodhipakkhiya, tức là trong những yếu tố để giác ngộ, thì có hai loại tinh cần tột đỉnh liên quan đến bất thiện (Akusala) và hai loại tinh cần tột đỉnh liên quan đến thiện (Kusala). Tinh cần để từ bỏ bất thiện (Akusala) đã sinh khởi và tinh cần tránh xa những bất thiện (Akusala) chưa sinh khởi – trong hai cách này, thì Kusala cắt bỏ Akusala. Những trạng thái thiện được gọi là Kusala bởi vì chúng cắt bỏ giống như cỏ cưa. Chúng cắt Akusala tại hai nơi giống như cỏ cưa cắt tay tại hai nơi. Những ý nghĩa này được dựa trên sự phân tích gốc từ, đầu tiên là chia chẻ từ đó theo một cách, và rồi chia chẻ từ đó theo cách khác.

Chúng  ta  phải  ghi  nhận  ở  đây  rằng  Kusala  là  cái lành mạnh, là cái vô tội và là cái sản sinh ra những kết quả tốt và vui vẻ. Những cái này được gọi là những tâm thiện  (Kusala  Citta).  Tôi  cũng  muốn  nhắc  ở   đây  là Akusala  là  cái  trái  ngược  lại  với  những  ý  nghĩa  ở  trên. Các bạn có thể đọc những định nghĩa này trên trang 31 của cuốn CMA.

Tám Tâm Thiện Dục Giới (Kāmāvacara Kusala Citta)

Chúng ta hãy nghiên cứu tám tâm này. Tám tâm này rất dễ để học thuộc lòng, tức là không khó để nhớ, nếu như các bạn nhớ tám tâm tham (Lobhamūla Citta). Các bạn chỉ cần phải thay đổi một vài chỗ thôi. Cụ thể là ở trong tám tâm tham (Lobhamūla Citta), chúng ta có với thọ hỷ (Somanassa-sahagata) hay với thọ xả (Upekkhā-sahagata), với tà kiến hay không với tà kiến, không bị thúc đẩy hay bị thúc đẩy. Vậy thì ở đây, hãy thay thế tà kiến bằng trí tuệ (kiến thức). Cụ thể là, tâm (Citta) thứ nhất là với thọ hỷ, với trí tuệ, không bị thúc đẩy. Tâm (Citta) thứ nhất được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa Vedanā). Nó được đi kèm theo bởi trí tuệ (Ñāṇa). “Ñāṇa” có nghĩa là kiến thức, sự hiểu biết hay trí tuệ. “Ñāṇa” ở đây có nghĩa là hiểu biết bản chất thật của mọi vật, hiểu biết mọi vật như thật và cũng hiểu biết rằng có nghiệp (Kamma), rằng có kết quả của nghiệp (Kamma), rằng có kết quả của việc hiếu thảo với cha mẹ, rằng có kết quả của việc bất hiếu với cha mẹ và vân vân.

Cái đó được gọi là Ñāṇa hay sự hiểu biết. Điều đó có nghĩa là sự hiểu biết đúng đắn. Sự hiểu biết đúng đắn là sự hiểu biết rằng có nghiệp (Kamma) và có kết quả của nghiệp (Kamma). Asaṅkhārika – đôi lúc các bạn có thể làm một cái gì đó mà không bị thúc đẩy và một vài điều các bạn có thể làm mà bị thúc đẩy. Cho nên có hai tâm đi với trí tuệ. Một là không bị thúc đẩy và một là bị thúc đẩy.

Hai tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta) thứ ba và thứ tư cũng được đi kèm theo bởi thọ hỷ. Ở đây không có Ñāṇa, tức là không có sự hiểu biết hay không có kiến thức. Đôi lúc, chúng ta làm phước thiện mà không nghĩ nhiều về nó, có lẽ do không cẩn thận. Trong trường hợp này, có thể là không có trí tuệ (Ñāṇa). Đôi lúc chúng ta bố thí một cái gì đó và chúng ta không nghĩ về nó. Chúng ta chỉ cho vật đó đi. Cho nên trong trường hợp này, trí tuệ (Ñāṇa) có thể là không có cùng với hành động đó. Điều này có nghĩa là, chúng ta có Ñāṇa-vippayutta, tức là tâm thiện ly trí. Ở đây tâm này cũng có thể là vô trợ (Asaṅkhārika) hay hữu trợ (Sasaṅkhārika). Như vậy có tất cả bốn tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa).

Nếu các bạn hiểu bốn tâm đầu tiên này, các bạn sẽ hiểu bốn tâm sau. Chỉ thay thế thọ hỷ bằng thọ xả. Chỉ thay thế Somanassa bằng Upekkhā. Được đi kèm theo bởi thọ xả, với trí tuệ, và không bị thúc đẩy, tâm (Citta) thứ năm sanh lên. Được đi kèm theo bởi thọ xả, với trí tuệ, và bị thúc đẩy, tâm (Citta) thứ sáu sanh lên. Được đi kèm theo bởi thọ xả, không có trí tuệ, và không bị thúc đẩy, tâm (Citta) thứ bảy sanh lên. Được đi kèm theo bởi thọ xả, không có trí tuệ, và bị thúc đẩy, tâm (Citta) thứ tám sanh lên. Như vậy có tất cả tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta).

Những tâm (Citta) này sanh lên khi nào? Trong trang 48 của cuốn CMA có nói:

“Một người thực hiện một hành động quảng đại một cách vui vẻ không có sự thúc đẩy, hiểu rằng đó là một hành động thiện (hay hiểu rằng có nghiệp (Kamma) và có kết quả của nghiệp (Kamma)).” (CMA, I, Guide to 3, p.48)

Đó là tâm (Citta) thứ nhất.

“Một người (vui vẻ)1  thực hiện cùng một hành động tốt  với  sự  hiểu  biết,  sau  khi  đắn  đo  suy  nghĩ  hay  có  sự thúc đẩy của người khác.” (CMA, I, Guide to §3, p.48)

Đó là tâm (Citta) thứ hai.

“Một người thực hiện một hành động quảng đại một cách vui vẻ không có sự thúc đẩy, nhưng lại không hiểu rằng đó là một hành động thiện.” (CMA, I, Guide to 3, p.48)

Đó là tâm (Citta) thứ ba.

“Một người thực hiện một hành động quảng đại một cách vui vẻ không có sự hiểu biết, sau khi đắn đo suy nghĩ hay có sự thúc đẩy của người khác.” (CMA, I, Guide to §3, p.48)

Đó là tâm thứ tư.

Và rồi tâm thứ năm cho đến thứ tám.

“Những loại tâm này nên được hiểu giống như bốn tâm trước, nhưng với cảm thọ thản nhiên thay vì cảm thọ vui vẻ.” (CMA, I, Guide to §3, p.48)

“Tám tâm này được gọi là thiện hay đáng khen bởi vì chúng cản ngăn những phiền não và sản sinh ra những kết quả tốt.” (CMA, I, Guide to §3, p.48)

Khi những tâm này sanh lên trong tâm trí của  chúng ta, thì những trạng thái tinh thần bất thiện không có tồn tại. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là ngăn cản những trạng thái tinh thần bất thiện hay phiền não bất thiện. Và chúng sản sinh ra kết quả tốt.

“Chúng sanh lên trong phàm nhân (puthujjana) và những bậc hữu học (sekkha) …” (CMA, I, Guide to §3, p.48)

Những tâm thiện (Kusala Citta) này sinh lên trong phàm nhân (Puthujjana) – nghĩa là những người chưa giác ngộ. Và chúng cũng sanh lên trong những bậc Hữu học (Sekkha). Những bậc Hữu học này là ai? Những vị đệ tử cao quý (của Đức Phật) ở ba tầng Thánh thấp: Nhập Lưu, Nhất Lai và Bất Lai là những bậc Hữu học. Có bốn bậc giác ngộ: Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai và A-la-hán (Arahant). Những bậc Hữu học là những bậc chứng đạt một trong ba tầng giác ngộ thấp. Họ được gọi là những bậc Hữu học. Điều này nghe có vẻ hơi lạ. Họ là những bậc Giác ngộ, nhưng lại được gọi là những bậc Hữu học. Họ được gọi là những bậc Hữu học (Sekkha) bởi vì họ vẫn còn đang học hành. Họ vẫn còn những phiền não để từ bỏ cho được trọn vẹn. Cho nên, họ được gọi là những bậc Hữu học. Tám tâm này sanh lên trong những người chưa giác ngộ và trong ba tầng Thánh thấp này. Chúng không sanh lên trong những vị A-la-hán (Arahant). Có những loại tâm tương tự sanh lên trong những A-la-hán (Arahant), nhưng chúng không được gọi là thiện (Kusala). Chúng ta sẽ học đến những tâm đó sau.

Bất cứ khi nào chúng ta thực hiện một việc đáng tôn kính nào đó, dù là bằng thân, ngữ hay ý, thì một trong tám tâm này sanh lên. Các bạn đang học Thắng Pháp (Abhidhamma) và tôi đang giảng dạy Thắng Pháp (Abhidhamma). Nó sẽ là tâm nào? Các bạn có hạnh phúc hay không? Nếu các bạn hạnh phúc, nó sẽ là những tâm đầu tiên với trí tuệ. Các bạn có tự thúc đẩy mình đến đây không? Tâm đó có thể là bị thúc đẩy hay không bị thúc đẩy. Một trong những tâm này sanh lên tại những giây phút học và dạy này.

“Những   tâm   (Citta)   này   không   sanh   lên   trong những bậc A-la-hán (Arahant), bởi vì những hành động của các Ngài không có tiềm năng nghiệp lực (kamma).” (CMA, I, Guide to §13, p.48)

Vì chúng là thiện (Kusala), chúng không sanh lên trong những bậc A-la-hán (Arahant), những vị Phật Độc Giác (Pacceka), và những vị Phật Toàn Giác.

Tâm Quả Dục Giới Hữu Nhân (Sahetuka Kāmāvacara Vipāka Citta)

Bây giờ, nhóm thứ hai là những tâm quả dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Vipāka Citta). Nhóm này không phải là những tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka Citta) trơn, mà là có nhân (Sahetuka). Tại sao? Đó là vì trong mười tám tâm vô nhân, có những tâm quả (Vipāka Citta). Chúng là dục giới (Kāmāvacara) và là kết quả (Vipāka), nhưng chúng không có nhân. Để phân biệt với những  tâm vô nhân  (Ahetuka  Citta),  chúng  ta phải dùng từ “Sahetuka”. Nếu chúng ta không dùng từ “Sahetuka”, quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) có thể có nghĩa là tám tâm (Citta) này hay là tám tâm (Citta) trong số mười tám tâm vô nhân. Nếu chúng ta muốn nói về tám tâm này thôi, chúng ta phải dùng từ “Sahetuka”. Cho nên chúng ta phải nói là quả dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Vipāka).

Các bạn đã biết từ “Kāmācavara” và từ “Vipāka”. Vipāka có nghĩa là kết quả, tâm quả. Có tám tâm quả dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Vipāka). Đây là những kết quả của tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta).

Những tâm này chỉ sanh lên trong những cõi dục giới. Những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta) có thể sanh lên trong tâm trí của các Phạm thiên (Brahma), tức là chúng có thể sanh lên trong các cõi sắc giới và vô sắc giới. Nhưng tám tâm này không bao giờ sanh lên trong những cõi khác. Khi nói những cõi khác, tôi muốn nói về những cõi sắc giới và vô sắc giới. Chúng chỉ xuất hiện trong Kāmāvacara, tức là các cõi dục giới bởi vì chúng là kết quả của tám tâm thiện (Kusala Citta). Những tâm quả dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Vipāka) chỉ sanh lên trong những cõi dục giới, nhưng các tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta) thì có thể sanh lên trong cả những cõi dục giới và những cõi khác. Đó là sự khác nhau.

Học viên: Điều đó có phải là vì trong dục giới thì có nghiệp (Kamma) còn trong các cảnh giới khác thì không có?

Sayādaw: Không phải. Chính chúng là những tâm quả. Chúng không có năng lực nghiệp báo (Kamma).

Chúng không thể cho kết quả. Chúng là kết quả của tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta). Chúng chỉ sanh lên trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) mà thôi, và không sanh lên trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara) và vô sắc giới (Arūpāvacara).

Tâm Duy Tác Dục Giới Hữu Nhân (Sahetuka Kāmāvacara Kiriya Citta)

Nhóm tiếp theo là những tâm duy tác dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Kiriya Citta). Ở đây chúng ta cũng phải dùng từ “Sahetuka” bởi vì có những tâm duy tác vô nhân (Ahetuka Kiriya Citta). Có bao nhiêu tâm duy tác vô nhân (Ahetuka Kiriya Citta)? Có ba: chúng là tâm hướng ngũ môn, tâm hướng ý môn và tâm tiếu sinh. Nếu chúng ta muốn chỉ rõ rằng chỉ những tâm (Citta) này thôi, chúng ta phải nói, “những tâm duy tác dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Kiriya Citta)”. Nếu chúng ta không nói “Sahetuka”, thì nó có thể là ba tâm vô nhân (Ahetuka Citta) kia. Những tâm này có nhân. Nhân ở đây có nghĩa là ba nhân Sobhana, tức là ba nhân tốt đẹp.

Chúng giống như tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta). Chúng sanh lên ở đâu? Chúng chỉ sanh lên trong những vị Phật Toàn Giác, những vị Phật Độc Giác (Pacceka) và những vị A-la-hán (Arahant). Thật ra, tám tâm duy tác (Kiriya Citta) này thì giống y như tám tâm thiện (Kusala Citta). Một vị A-la- hán (Arahant) làm một việc đáng kính; ví dụ, Ngài thực hành bố thí hay hành trì giới luật (Sīla). Với hành động đó, có lẽ tâm thọ hỷ và hợp trí (Ñāṇa) sẽ sanh lên. Tâm (Citta) của vị A-la-hán (Arahant) không có năng lực nghiệp báo (Kamma), tức là năng lực nghiệp báo để cho quả. Cho nên, tâm (Citta) của Ngài được gọi là duy tác (Kiriya). Nó hoạt động như là một tâm (Citta) và rồi nó biến mất. Nó không để lại tiềm năng cho quả nào cả. Đó là sự khác nhau giữa tâm thiện (Kusala) và tâm duy tác (Kiriya). Tại sao chúng không có tiềm năng này hay tại sao chúng không có khả năng cho kết quả? Đó là vì các vị Phật và các vị A-la-hán (Arahant) đã đoạn tận vô minh (Moha) và tham ái (Taṇhā). Các vị Phật và các vị A-la- hán (Arahant) không bị vô minh ngăn che tuệ nhãn của các Ngài. Các Ngài không có sự bám víu. Cho nên, các Ngài không có sự bám víu vào kết quả và vân vân. Những hoạt động của các Ngài trở thành chỉ là những hành động. Những hoạt động của các Ngài trở thành chỉ là sự nhận thức, sanh lên và diệt đi. Tâm (Citta) của các Ngài chỉ làm phận sự đó mà không có năng lực cho kết quả. Đó là lý do tại sao tâm (Citta) của các Ngài được gọi là tâm duy tác (Kiriya Citta). “Kiriya” dịch theo nghĩa đen có nghĩa là chỉ làm thôi. Làm ở đây có nghĩa là sanh lên rồi diệt đi.

“Chúng  chỉ  đơn  thuần  sanh  lên,  hoàn  thành  một chức năng nào đó, và rồi mất đi mà không để lại dư sót.” (CMA, I, Guide to §15, p.50)

Chúng ta hãy bàn về tâm gì sanh lên khi một người cười. Tùy thuộc vào việc người đó đã giác ngộ hay chưa, người đó có thể cười với những tâm khác nhau.

Kinh sách ghi lại rằng, những vị A-la-hán (Arahant) cười với năm tâm. Đó là bốn tâm (Citta) trong những tâm duy tác (Kiriya) dục giới tịnh hảo và một tâm (Citta) trong những tâm duy tác vô nhân, tức là tâm tiếu sinh (Hasituppāda). Người thông thường cười với bao nhiêu tâm? Họ có thể cười với tám tâm (Citta) (bốn tâm tham thọ hỷ (Somanassa Lobhamūla Citta) và bốn tâm thiện dục giới tịnh hảo thọ hỷ (Somanassa Kusala Kāmāvacara Sobhana Citta)). Người thông thường cười với tám tâm (Citta) còn những vị A-la-hán (Arahant) và những vị Phật thì cười với năm tâm (Citta).

Còn các vị Nhập Lưu (Sotāpanna) thì sao? Các vị Nhập Lưu (Sotāpanna) là những vị đã diệt trừ tà kiến hoàn toàn. Cho nên, các Ngài không có những tâm (Citta) mà được đi kèm theo bởi tà kiến. Vậy các Ngài sẽ cười với bao nhiêu tâm (Citta)? Các Ngài có thể cười bằng sáu tâm (Citta): hai tâm bất thiện (Akusala) ly tà và bốn tâm thiện dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Kusala Sobhana Citta). Đây chỉ là một sự luyện tập cho các bạn.

Hai Mươi Bốn Tâm Dục Giới Tịnh Hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta)

Như vậy chúng ta có tất cả là 24 tâm dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta). Tám tâm dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta) đầu tiên là những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta). Bốn tâm đầu tiên được đi kèm theo bởi thọ hỷ. Bốn tâm còn lại được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā).

Tại sao lại có tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta), tám tâm quả dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Vipāka Citta) và tám tâm duy tác dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Kiriya Citta)? Tại sao lại có tám mà không là có một, bởi vì tâm là sự nhận thức cảnh thì chỉ nên có một, đúng không? Tâm này ở đây trở thành tám vì nó phụ thuộc vào cảm thọ sanh lên cùng với nó, phụ thuộc vào việc nó có được đi kèm theo bởi trí tuệ hay không, và phụ thuộc vào việc nó sanh lên do được thúc đẩy hay không. Ba việc này chúng ta gọi là những yếu tố phân chia. Trong tài liệu này (CMA), thuật ngữ “lưỡng phân” đã được sử dụng. Đây là một từ lớn đấy. Dựa vào cảm thọ thì có hai (thọ hỷ (Somanassa) và thọ xả (Upekkhā)). Cho nên, tâm thiện (Kusala Citta) trở thành hai. Và hai tâm này có thể có trí tuệ hay không có trí tuệ, cho nên chúng thành bốn. Bốn tâm này có  thể bị thúc đẩy hay không bị thúc đẩy, cho nên chúng trở thành tám. Cho nên hai nhân hai nhân hai, chúng ta có tám tâm. Chỉ một tâm trở thành tám tâm do tùy thuộc vào những yếu tố phân chia.

Đối với những tâm bất thiện (Akusala Citta), chúng ta có cùng sự kiện này. Ở đó chúng ta có cảm thọ, tà kiến thay vì là trí tuệ, bị thúc đẩy và không bị thúc đẩy.

Cho nên có ba yếu tố phân chia. Bởi vì ba yếu tố phân chia này, nên có tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta), tám tâm quả dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Vipāka Citta) và tám tâm duy tác dục giới hữu nhân (Sahetuka Kāmāvacara Kiriya Citta).

Một vài chi tiết được trình bày ở trang 51 của cuốn CMA sẽ giúp các bạn dễ quen thuộc hơn với những tâm này.

“Có tất cả 54 tâm được trải nghiệm trong dục giới.” (CMA, I, Guide to §17, p.51)

Có  54  tâm  được  trải  nghiệm  hầu  như  chủ  yếu  ở những cõi dục giới. Các bạn  có thể nêu tên  54 tâm này không?  Đó  là  mười  hai  tâm  bất thiện  (Akusala  Citta), mười  tám  tâm  vô  nhân  (Ahetuka  Citta)  và  24 tâm  dục giới  tịnh  hảo  (Kāmāvacara  Sobhana  Citta).  Như  vậy  có tất cả là 54 tâm. 54 tâm này sanh lên chủ yếu cho chúng sanh trong mười một cõi dục giới.

Những  tâm  thiện  dục  giới  (Kāmāvacara  Kusala), quả (Vipāka) và vô ký (Kiriya Citta) này được gọi là đại thiện (Mahākusala), đại quả (Mahāvipāka) và đại duy tác (Mahākiriya). Không ai biết rõ tại sao chúng lại được gọi là “đại (Mahā)” cả. Tác giả này giải thích thế này, tác giả kia giải thích thế khác. Nhưng ít nhất chúng ta phải hiểu rằng những tâm này được gọi là đại thiện (Mahākusala), đại quả (Mahāvipāka)  và đại duy tác (Mahākiriya). Cho nên, các bạn hãy chú ý điều này. Một vài người cho rằng chúng  được  gọi  là  Mahā  hay  vĩ  đại  hay  to  lớn  bởi  vì chúng có tất cả 24 tâm, tức là to lớn hơn hay nhiều hơn về số lượng.

“Theo loại: …” (CMA, I, Guide to §17, p.51)

Điều này có nghĩa là theo bản chất của chúng hay theo loài – tức là thiện, bất thiện và quả. Trong số 54 tâm (Citta),  có  bao  nhiêu  tâm  thiện (Kusala)?  Có  tám  tâm thiện. Bao  nhiêu tâm  là bất thiện? Mười hai  tâm là bất thiện. Bao nhiêu tâm là quả? Bảy cộng với tám cộng với tám, cho nên có 23 tâm quả. Có bảy tâm quả bất thiện. Có tám tâm quả thiện vô nhân và có tám tâm quả thiện hữu nhân. Ở đây chúng được gọi là vĩ đại hay Mahā. Có bao nhiêu tâm tâm duy tác (Kiriya Citta)? Có ba trong số những  tâm  vô  nhân  (Ahetuka  Citta)  và  tám  trong  số những  tâm  dục giới  tịnh  hảo  (Kāmāvacara  Sobhana). Cho nên có mười một tâm (Citta) duy tác. Như vậy, tổng cộng, chúng ta có 54 tâm.

Chúng  ta  hãy  nhắc  lại  một  lần  nữa.  Có  bao  nhiêu tâm  thiện (Kusala)?  Có  tám  tâm  thiện  (Kusala  Citta). Chúng ta có bao nhiêu tâm bất thiện (Akusala)? Có mười hai tâm bất thiện (Akusala Citta). Có bao nhiêu tâm quả? Có  23  tâm  quả.  Có  bao  nhiêu  tâm  duy  tác  (Kiriya)? Có mười một tâm duy tác (Kiriya Citta). Cho nên, chúng ta có tất cả là 54 tâm dục giới (Kāmāvacara). Đây là cách đếm theo loại hay theo loài.

“Theo cảm thọ: … (CMA, I, Guide to §17, p.52)

Bao  nhiêu  tâm  được  đi  kèm  theo  cùng  thọ  hỷ (Somanassa),  bao  nhiêu  cùng  thọ  xả  (Upekkhā),  bao nhiêu cùng thọ ưu (Domanassa), bao nhiêu cùng thọ khổ (Dukkha),  bao  nhiêu  cùng  thọ  lạc  (Sukha)?  Bao  nhiêu tâm (Citta) được đi kèm theo bởi Somanassa Vedanā, tức là thọ hỷ? Mười tám tâm (Citta) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Bao nhiêu được đi kèm theo bởi thọ xả? 32 tâm được đi kèm theo bởi thọ xả. Ở đây hai tâm được ghi nhận là đi cùng với sự không hài lòng (thọ ưu). Hai tâm  nào?  Hai  tâm  sân  (Dosamūla  Citta)  là  những  tâm (Citta) được đi kèm theo bởi thọ ưu (không hài lòng). Và rồi có một tâm (Citta) được đi kèm theo bởi thọ lạc hay Sukha.  Tâm  (Citta)  đó  là  thân  thức  thọ  lạc  (Sukha- sahagata  Kāya-viññāṇa).  Và  có  một  tâm (Citta)  được đi kèm  theo  bởi  thọ  khổ.  Tâm  (Citta)  đó  là  thân  thức  thọ khổ (Dukkha-sahagata Kāya-viññāṇa). Theo cảm thọ, thì chúng  ta  phân  chia  54  tâm  dục  giới  như  thế  này.  Bao nhiêu tâm đi với thọ hỷ (Somanassa)? Mười tám tâm kết hợp với thọ hỷ (Somanassa). Bao nhiêu tâm thì với thọ xả? Có 32 tâm kết hợp với thọ xả. Bao nhiêu tâm thì kết hợp với thọ ưu? Có hai tâm, đó là hai tâm sân (Dosamūla Citta). Bao nhiêu tâm thì kết hợp với thọ lạc? Chỉ có một tâm  (Citta)  thì  kết  hợp  với  thọ  lạc.  Bao  nhiêu  tâm  thì được đi theo cùng với thọ khổ? Chỉ có một tâm (Citta) thì được đi theo cùng thọ khổ.

Tiếp theo là cái gì? Chúng ta hãy nhìn vào những tâm này,

“Theo sự kết hợp với trí tuệ và tri kiến: …” (CMA, I, Guide to §17, p.52)

Tâm nào thì có kết hợp, tâm nào thì không kết hợp, tâm nào thì không kết hợp cũng không không kết hợp? Kết hợp ở đây nghĩa là kết hợp với tà kiến và cũng là kết hợp với trí tuệ. Ở đây nói có bao nhiêu? Có mười sáu. Các bạn phải chú ý và chọn tất cả những tâm kết hợp với tà kiến  và  những tâm  kết  hợp  với  trí  tuệ.  Có  bốn  tâm  kết hợp với tà kiến và có mười hai tâm kết hợp với trí tuệ. Có bao nhiêu tâm không kết hợp? Mười sáu tâm không kết hợp với tà kiến và với trí tuệ. Và rồi có 22 tâm không kết hợp mà cũng không không kết hợp. Tức là chúng không kết  hợp  với  tà  kiến  hay  trí  tuệ  và  chúng  cũng  không không kết hợp với tà kiến hay trí tuệ.

“Theo sự hỗ trợ: …” (CMA, I, Guide to §17, p.52)

Tâm  nào  thì hữu trợ và  tâm  nào  thì vô  trợ?  Mười bảy tâm thì hữu trợ. Mười bảy tâm thì vô trợ. 20 tâm thì không hữu trợ và cũng không vô trợ; chúng là những tâm vô nhân và những tâm si. Bằng cách này, chúng ta hãy cố gắng làm quen với 54 tâm này.

Khi chúng tôi học những điều này lần đầu tiên, chúng tôi đã phải học vào ban đêm không có đèn. Chúng tôi phải học thuộc lòng. Chúng tôi không thể nhìn thấy cái gì cả. Trước hết, chúng tôi phải học thuộc lòng bằng tiếng Pāḷi. Và rồi khi tụng đọc lại bằng Pāḷi, chúng tôi phải cố gắng tìm xem tâm nào là hữu trợ và tâm nào là vô trợ, vân vân.

“Phương   cách   dạy   Thắng   Pháp   (Abhidhamma) truyền  thống  tại các tu  viện  là  khuyến  khích  học  viên không  chỉ  xem  kỹ  mà  còn  phải học  thuộc  lòng  những bảng liệt kê này.” (CMA, I, Guide to §17, p.52)

Các bạn không phải là tu sĩ. Các bạn không cần thiết phải làm như vậy.

“Những bảng liệt kê này rất quan trọng khi học viên nghiên cứu những tâm sở được bao gồm trong những loại tâm (Citta) này, như sẽ được diễn giải trong chương tiếp theo và trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka).” (CMA, I, Guide to §17, p.52)

Những Nguyên Nhân Để Là Hợp Trí (Ñāṇa-sampayutta)

Có những nguyên nhân để là Ñāṇa-sampayutta, tức là có những nguyên nhân làm cho trí tuệ sanh lên. Đối với một vài người, tâm hợp trí sanh lên thường xuyên hơn so với những người khác. Tại sao điều này lại xảy ra? Nguyên nhân đầu tiên là do trong quá khứ, nghiệp (Kamma) dẫn đến việc sở hữu trí tuệ (Ñāṇa) đã được thực hiện. Điều này có nghĩa là, đôi lúc khi thực hiện một việc đáng kính trọng, các bạn ước nguyện rằng, “Nguyện cho tôi sẽ là một người khôn ngoan, nguyện cho tôi sẽ có trí tuệ trong tương lai.” Nếu các bạn làm một việc đáng kính trọng với một khát vọng như vậy, thì trong những kiếp sống tương lai, tâm thiện (Kusala) của các bạn sẽ hầu như luôn luôn được đi kèm theo với trí tuệ. Và nếu các bạn giúp truyền bá những lời chỉ dạy hay các bạn đóng góp tịnh tài để truyền bá Giáo pháp cũng như các bạn giảng dạy Giáo pháp, đó cũng là nghiệp (Kamma) dẫn đến việc sở hữu trí tuệ trong tương lai. Do nghiệp (Kamma) như vậy trong quá khứ, các bạn có thể thường xuyên có những tâm (Citta) hợp trí.

Nguyên nhân tiếp theo là tái sanh vào sắc giới (Rūpāvacara), tức là tái sanh làm những Phạm thiên (Brahma). Thế giới đó không có sân hận. Kinh sách ghi nhận rằng các Phạm thiên (Brahma) không có sự tức giận hay sân hận. Sự giận dữ là một trạng thái tinh thần làm yếu đi sự hiểu biết. Nếu các bạn muốn trở thành một người khôn ngoan, nếu các bạn muốn có sự hiểu biết, các bạn phải điều khiển sự giận dữ của mình. Đừng giận dữ thường xuyên lắm. Nếu các bạn giận dữ quá thường xuyên, thì sự hiểu biết của các bạn sẽ trở nên yếu kém. Cho nên các bạn sẽ không hiểu biết nhiều. Ở thế giới Phạm thiên (Brahmaloka), không có sân hận và tức giận. Những điều kiện cũng tốt hơn nhiều trong những tầng trời đó so với cõi nhân loại. Cho nên, các Phạm thiên (Brahma) có xu hướng có tâm đi kèm theo với trí tuệ nhiều hơn những chúng sanh khác.

Nguyên nhân thứ ba là sự trưởng thành của các căn quyền thuộc về tinh thần. Có năm loại căn quyền: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Khi những căn quyền này trở nên trưởng thành, các bạn có khuynh hướng có tâm đi kèm với trí tuệ.

Khi nào các căn quyền này trở nên trưởng thành? Chúng  ta  hãy  nhìn  vào mười  thập  niên  trong  cuộc  đời của một con người. Ở đây, chúng ta giả sử rằng con người sống đến 100 tuổi. Một người có thể không sống lâu đến như  vậy,  nhưng  100  tuổi  là  tuổi  thọ  vào  thời  của  Đức Phật và tôi nghĩ điều đó vẫn đúng hiện tại. Như vậy, cuộc đời  của  con  người  được chi  ra  làm  mười  giai  đoạn  hay mười thập niên. Giai đoạn đầu được gọi là thập niên dịu mềm.  Các  bạn  chỉ  là  trẻ  con  từ  lúc  mới  sinh  cho đến mười tuổi cho nên các bạn còn yếu. Giai đoạn thứ hai là thập niên của sự năng động của cơ thể, và nó chứa đựng những hạnh phúc và niềm vui. Giai đoạn thứ ba là thập niên  của  sắc  đẹp.  Sắc  đẹp  của  các bạn  nở rộ từ  20  cho đến 30 tuổi. Đây là giai đoạn mà mọi người trở nên xinh đẹp. Giai đoạn thứ tư là thập niên của sức mạnh. Từ 30 cho đến 40 tuổi, mọi người trở nên mạnh hơn. Từ 40 cho đến 50 là thập niên của sự khôn ngoan. Đây là thời điểm mà tuệ quyền của các bạn trưởng thành. Bất kỳ suy nghĩ cái gì, các bạn đều có những đáp án tốt và các bạn có kiến thức thâm sâu. Cho nên 40 đến 50 là thập niên của trí tuệ. Các bạn đã đến mốc này chưa? Nếu chưa thì tốt bởi vì các bạn có hy vọng là “Tôi sẽ trở nên trưởng thành hơn và sẽ có nhiều sự hiểu biết hơn khi tôi đến 40-50 tuổi.” Giai đoạn thứ sáu thì giảm thiểu. Điều này không tốt chút nào. Từ 50 đến 60, các bạn sẽ có sự giảm thiểu về sức khỏe thân xác cũng như trí óc. Các bạn có xu hướng quên nhiều và trở nên yếu đi. Thập niên thứ bảy thì còng lưng. Các bạn trở thành một người già. Giai đoạn thứ tám không những còng mà còn gập nữa. Giai đoạn thứ chín thì Momūha, tức là thập niên già yếu. Trong giai đoạn này, các bạn chẳng nhớ gì nhiều đâu. Các bạn không biết các bạn đang làm gì nữa, giống như là bị lẩm cẩm. Giai đoạn thứ mười thì các bạn nằm trên giường chờ chết. Đây là mười thập niên của một con người. Nguyên nhân thứ ba – tức là sự trưởng thành của các căn quyền thuộc về tinh thần – đề cập đến thập niên thứ năm, tức là thập niên của trí tuệ. Từ 40 đến 50 tuổi là thời điểm tốt nhất không chỉ để học hỏi mà còn để giảng dạy, để viết một cuốn sách và vân vân.

Nguyên nhân thứ tư là xa cách những phiền não nhờ vào thiền định. Nếu các bạn muốn là người hiểu biết nhiều, là người thông minh, thì đừng để phiền não có trong tâm trí của các bạn. Tránh xa chúng bằng sự hành thiền. Các bạn có thể tiêu diệt phiền não bằng sự hành thiền. Nếu các bạn không thể hủy diệt chúng một cách trọn vẹn bằng sự hành thiền, các bạn vẫn có thể làm cho chúng không khởi lên trong tâm trí của các bạn. Điều này rất quan trọng. Nếu các bạn muốn có nhiều  tâm (Citta) đi kèm theo bởi trí tuệ, các bạn phải thực hành thiền định. Nếu các bạn thực hành cả thiền quán (Vipassanā) và thiền chỉ, thì những phiền não sẽ không sanh khởi lên trong các bạn trong một thời gian.

Nguyên nhân cuối cùng là tái sanh với ba nhân thiện. Chúng ta vừa mới học tám tâm quả (Vipāka Citta). Tám tâm quả (Vipāka Citta) này có chức năng làm tâm tục sinh cho nhân loại và chư Thiên. Tục sinh với ba nhân thiện nghĩa là tâm tục sinh của các bạn là tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta) thứ nhất, thứ nhì, thứ năm hay thứ sáu; các bạn tái sinh với ba nhân thiện. Nếu các bạn tái sinh bằng một trong bốn tâm quả (Vipāka Citta) này, các bạn có khuynh hướng có nhiều tâm đi kèm theo với trí tuệ. Nhưng đây là kết quả của nghiệp (Kamma), các bạn chẳng thể làm gì được. Đây là những nguyên nhân làm cho một tâm được đi kèm theo hay không được đi kèm theo bởi trí tuệ.

Tâm Sắc Giới (Rūpāvacara Citta)

Tiếp theo là sắc giới (Rūpāvacara). Chúng ta có thể gọi những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) là những trạng thái tâm cao hơn. Những tâm này không được trải nghiệm bởi những ai không thực hành thiền định. Nói cách khác, chúng không được trải nghiệm bởi người thường. Tôi không có ý nói những phàm nhân (Puthujjana), mà chỉ nói đến những người thường. Những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) sanh lên hầu như trong các cõi Rūpāvacara, tức là những cõi sắc giới. Có mười lăm cõi sắc giới, nơi mà những loại tâm này sanh lên một cách thường xuyên. Cũng như trước, ở đây chúng ta phải hiểu rằng những tâm này không chỉ sanh lên ở trong những cõi này mà thôi, bởi vì chúng cũng có xuất hiện trong cõi nhân loại và những Thiên giới. Nhưng những cảnh giới chính cho chúng khởi sanh lên là mười lăm cõi sắc giới (Rūpāvacara).

Jhāna

Những tâm này được gọi là những Jhāna Citta. Jhāna thì tương đối khó để chuyển nghĩa. Một vài người dịch nó là sự ngây ngất. Một vài người dịch nó là thiền định. Và một vài người dịch nó là sự thẩm thấu. Không có từ nào là cùng nghĩa với nghĩa của từ “Jhāna” cả. Tốt hơn là nên dùng từ “Jhāna” khi nói đến những tâm này thay vì chuyển ngữ bởi vì chúng ta không thể chuyển ngữ một cách trọn vẹn ý nghĩa của từ này. Vì nếu dùng những chuyển ngữ có thể dẫn đến sự hiểu lầm, thì tốt hơn là chúng ta nên hãy dùng từ “Jhāna”.

Từ “Jhāna” là một từ Pāḷi. Từ Sanskrit tương đương là Dhyana. Các bạn có thể đã gặp từ này. Trong Sanskrit, nó được gọi là Dhyana và trong Pāḷi, chúng ta có Jhāna.

Sẽ có tâm thiền (Jhāna) thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm. Hãy chú ý rằng hầu hết mọi từ trong Pāḷi và Sanskrit đều xuất phát từ những ngữ căn. Từ “Jhāna” bắt nguồn từ gốc Pāḷi “Jhe” có nghĩa là suy nghiệm hay đốt cháy. Ở đây, suy nghiệm có nghĩa là nhìn kỹ vào. Cả hai nghĩa này đều được áp dụng cho loại tâm này.

“Cho nên những jhāna được gọi là như vậy bởi vì chúng ngắm nhìn kỹ vào đối tượng…” (CMA, I, Guide to §18-20, p.56)

Khi các bạn chứng đạt những tầng thiền (Jhāna), tâm trí của các bạn gắn chặt hay dính chặt vào đối tượng. Các bạn quan sát đối tượng một cách kỹ càng.

“… và bởi vì chúng thiêu đốt những trạng thái bất lợi và ngăn cản cho sự định tâm.” (CMA, I, Guide to §18-20, p.56)

Có những trạng thái đối nghịch được gọi là những triền cái. Kinh sách dạy rằng những tâm thiền (Jhāna) này thiêu đốt những triền cái này, tức là không cho phép những triền cái này sanh lên.

Cho nên, khi các bạn ở trong thiền (Jhāna), những triền cái này không thể sanh lên. Vì vậy, chúng được nói là thiêu đốt những triền cái, tức là những trạng thái bất lợi và ngăn cản cho sự định tâm.

Những Triền Cái (Nīvaraṇa)

Năm triền cái này được gọi là Nīvaraṇa trong Pāḷi. Các bạn nên học năm triền cái này vì chúng ta sẽ thảo luận đến chúng sau này. Năm triền cái này là gì? Thứ nhất là tham dục. Nó có nghĩa là sự khao khát những trần cảnh; nên nhớ rằng đây không hẳn phải là những cảnh khoái lạc. Ở đây, các bạn muốn nhìn một cái gì đó. Các bạn muốn nghe một cái gì đó. Các bạn dính mắc vào một cái gì đó mà các bạn vừa nghe. Các bạn dính mắc vào cái gì đó mà các bạn vừa thấy. Đó là tham dục.

Thứ hai là sân hận. Sân hận nghĩa là hận thù, giận dữ, trầm cảm, lo lắng, lo âu. Tất cả những cái này thì được bao gồm trong sân hận.

Thứ ba thật ra thì bao gồm có hai, hôn trầm và thụy miên. Hôn trầm là một thứ. Thụy miên là một thứ khác. Ở đây, chúng được xếp chung thành một triền cái. Đây là những tâm sở. Chúng ta sẽ gặp chúng trong chương thứ hai.

Thứ tư lại là một sự kết hợp khác của trạo cử và hối quá. Mặc dầu là hai trạng thái tinh thần (tâm sở) khác nhau, nhưng ở đây chúng được xem là một triền cái, tức là trạo hối cái.

Cuối cùng là hoài nghi. Đây là hoài nghi về Đức Phật, Giáo pháp, Tăng chúng và vân vân. Vậy, đây được gọi là năm triền cái bởi vì chúng cản trở sự định tâm, chúng cản trở thiền định (Jhāna). Chúng là những trở ngại cho sự định tâm và thiền định (Jhāna). Đó là lý do tại sao chúng được gọi là những triền cái. Tâm thiền (Jhāna) hay nói đúng hơn là những chi thiền (Jhāna) đè nén những triền cái này. Chúng ta sẽ bàn đến đó sau.

Cái gì xảy ra khi một tâm thiền (Jhāna) sanh lên hay chúng ta phải làm gì để có được tâm thiền (Jhāna)? Để có tâm thiền (Jhāna), chúng ta phải thực hành thiền Samatha, tức là thiền chỉ tịnh. Có 40 đề mục của thiền chỉ tịnh. Một vài đề mục trong số này thì không thể giúp chúng ta đắc những tầng thiền (Jhāna). Nhiều đề mục còn lại thì giúp chúng ta đắc những tầng thiền (Jhāna). Những đề mục thông dụng là những đề mục hoàn tịnh (Kasiṇa). Những Kasiṇa là những cái đĩa bằng đất, bằng nước, bằng lửa, bằng không khí và những đĩa với những màu sắc – xanh, vàng, đỏ và trắng.

Để phát triển thiền định (Jhāna), các bạn thực hành thiền  Kasiṇa.  Ở  đây,  chúng  ta  chỉ  đề  cập  thiền  Kasiṇa. Các  bạn  cũng  có  thể  thực  hành  những  loại  thiền  định khác. Khi các bạn thực hành thiền Kasiṇa, các bạn tự chế tạo ra một cái đĩa với đường kính khoảng chín hay mười inch1. Nếu các bạn muốn làm một cái Kasiṇa đất, các bạn tìm một ít đất sét và đặt nó trong một cái khung trên một miếng vải hay một cái gì đó tương tự như vậy. Rồi thì các bạn nhìn vào cái đĩa đó nhiều lần trong nhiều tiếng đồng hồ. Các bạn đặt cái đĩa đó phía trước mặt ở một khoảng cách vừa phải – không quá gần và cũng không quá xa. Và cũng không nên đặt nó quá cao hay quá thấp, nếu không các bạn sẽ bị đau cổ. Nó phải được đặt ở một vị trí vừa đúng. Rồi thì các bạn phải tập trung tuyệt đối vào cái đĩa này. Các bạn không được chú ý đến một thứ gì khác. Các bạn phải cố gắng đặt tâm ý của mình hoàn toàn vào cái Kasiṇa này.

Từ “Kasiṇa” có nghĩa là hoàn toàn hay trọn vẹn. Điều đó có nghĩa là tâm trí của các bạn phải được đặt trên toàn bộ cái Kasiṇa này. Rồi thì các bạn phải ghi nhớ nó. Các bạn nhìn vào cái đĩa đó. Chúng ta hãy lấy Kasiṇa đất làm ví dụ. Các bạn nhìn vào cái Kasiṇa đất đó. Và rồi các bạn niệm “đất, đất, đất” hàng ngàn lần. Rồi các bạn cố gắng ghi nhớ nó. Các bạn nhắm mắt lại và xem thử các bạn có thể thấy nó với mắt đang nhắm hay không. Nếu các bạn có thể thấy nó với mắt đang nhắm, thì các bạn hãy nhắm mắt lại và nhìn vào cái hình ảnh trong trí đó. Nếu hình ảnh đó biến mất, thì các bạn hãy mở mắt ra lại để nhìn và ghi nhớ lại. Các bạn mở mắt rồi nhắm lại, mở mắt rồi nhắm lại theo cách này và cuối cùng các bạn ghi nhớ hình ảnh đó.

Khi các bạn có thể thấy hình ảnh này với mắt nhắm, các bạn được xem là đã có thủ tướng. Tài liệu này gọi nó là học tướng (xem CMA, IX, §5, p.331). Tôi không thích từ “học tướng”. Từ Pāḷi “Uggaha” ở đây có nghĩa là nhặt lên, hay nắm vào, hay bám vào. Có nghĩa là các bạn đã bám vào cái hình tướng này. Các bạn đã có  hình tướng này trong tâm trí của các bạn. Khi các bạn có được hình tướng này, các bạn có thể thấy hình ảnh đó với mắt nhắm lại.

Cái hình ảnh đó thật ra chỉ là một khái niệm. Nó không còn là thực tại nữa. Khi các bạn nhìn vào cái Kasiṇa, đó là thực tại, nhưng khi các bạn có hình ảnh trong tâm trí của các bạn, thì nó đã trở thành một khái niệm. Sau khi có được khái niệm này, sau khi có được hình tướng này, các bạn có thể dẹp bỏ đối tượng Kasiṇa đó.

Và rồi vào lúc đó, các bạn có thể thực hành bất cứ nơi nào bởi vì đối tượng đó đã có trong tâm trí của các bạn. Các bạn cố gắng thực hành đi và thực hành lại, tập trung vào hình ảnh đó nhiều lần. Những triền cái sẽ trở nên yếu dần. Và rồi chúng sẽ bị ngăn chận. Chúng sẽ bị đè nén. Điều này giống như đất lắng đọng lại trong nước: những triền cái này sẽ lắng xuống và tâm trí của các bạn sẽ trở nên trong sáng hơn. Khi tâm trí của các bạn trở nên trong sáng hơn, hình ảnh đó sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Ấn tướng đầu tiên (tức là thủ tướng) các bạn thấy sẽ hiện ra như hình ảnh thật. Tức là, nếu cái đĩa có những khuyết điểm, các bạn sẽ thấy những khuyết điểm đó trong tâm trí của các bạn. Khi các bạn làm cái đĩa, các bạn có thể để lại những dấu tay của mình trên đó hay cái đĩa không được trơn láng cho lắm. Ở giai đoạn đầu tiên này, các bạn sẽ thấy thủ tướng với những khuyết tật đó. Nhưng với tâm trí của các bạn trở nên trong sáng hơn, thì hình cảnh cái đĩa cũng trở nên trong sáng hơn. Những khuyết tật đó sẽ biến mất. Hình tướng xuất hiện trong tâm trí của các bạn bây giờ sẽ như là một tấm gương đã được lau chùi sạch. Hình tướng này được gọi là quang tướng. Sau khi các bạn có được quang tướng, các bạn thực hành thiền định với ấn tướng này – tức là chỉ nhìn thấy nó trong tâm trí của các bạn và niệm “đất, đất, đất”. Bây giờ tâm trí của các bạn đã trở nên trong sáng và những triền cái đã được lắng xuống.

Sau một lúc, tâm thiền (Jhāna) sẽ sanh lên trong tâm trí của các bạn. Khi tâm thiền (Jhāna) sanh lên, tâm trí của các bạn đang ở trên quang tướng đó. Các bạn đã chính thức nắm giữ quang tướng này. Tâm này được gọi là tâm thiền (Jhāna). Nó không phải là tâm dục giới (Kāmāvacara) mà là tâm sắc giới (Rūpāvacara). Đó là lý do tại sao chúng ta có thể gọi nó là tâm cao thượng hơn.

Năm Tâm Thiện Sắc Giới (Rūpāvacara Kusala Citta): Năm Tâm Thiền (Jhāna Citta)

Thiền này hay Jhāna này có năm. Cho nên, chúng ta có năm tầng thiền (Jhāna). Chúng được miêu tả trong cuốn Cẩm Nang này thông qua năm yếu tố thiền (Jhāna) tương ứng (tức là năm chi thiền).

Tâm thiền (Jhāna) thứ nhất được đi kèm theo bởi Vitakka (tầm), Vicāra (tứ), Pīti (hỷ), Sukha (lạc) và Ekaggatā (định). Đây là năm chi thiền. Tâm thiền (Jhāna) thứ hai được đi kèm theo bởi bốn chi thiền. Tâm thiền (Jhāna) thứ ba được đi kèm theo bởi ba chi thiền. Tâm thiền (Jhāna) thứ tư được đi kèm theo bởi hai chi thiền. Và tâm thiền (Jhāna) thứ năm được đi kèm theo bởi hai chi thiền. Như vậy, có năm tầng thiền hay năm tâm thiền (Jhāna), tầng thiền (Jhāna) sau cao hơn và tốt đẹp hơn tầng thiền (Jhāna) trước. Thấp nhất  là  tầng thiền (Jhāna) thứ nhất và cao nhất là tầng thiền (Jhāna) thứ năm.

Trong Kinh tạng, những tầng thiền (Jhāna) không được miêu tả theo những chi thiền này, mà được miêu tả theo cách khác. Tôi sẽ dẫn chứng những bài kinh đó sau.

Ở đây, trong Thắng Pháp (Abhidhamma) và cuốn Cẩm Nang này, những tâm thiền (Jhāna) được miêu tả dựa trên những chi thiền sanh lên cùng với chúng. Tâm thiền (Jhāna) được đi kèm theo bởi một vài chi thiền hay bởi tất cả năm chi thiền này.

Chúng ta phải hiểu một cách rõ ràng ba vấn đề sau đây  khi  chúng  ta  nói về  thiền  (Jhāna)  cũng  như  khi chúng  ta  nói  về  Đạo  (Magga)  sau này  –  đó  là  thiền (Jhāna),  chi  thiền  và  tâm  thiền.  Chúng  ta  phải hiểu  ý chúng  ta  muốn  nói  gì  khi  dùng  những  thuật  ngữ  này. “Jhāna”  có  nghĩa  là  sự  kết  hợp  của  những  yếu  tố  này  – năm yếu tố, hay bốn, hay ba, hay hai, hay hai. Tức là một nhóm của những yếu tố này (5, 4, 3, 2, 2) thì được gọi là Jhāna.  Như  vậy,  Jhāna  là  một  danh  từ ghép  giống  như nhóm hay liên đoàn. Ví dụ, cái nhóm của năm yếu tố này được gọi là Jhāna. Một trong những yếu tố này thì được gọi  là  một  chi thiền.  Tâm  mà  được  đi  kèm  theo  bởi những  yếu  tố  này  thì  được gọi  là  tâm  thiền.  Chúng  ta phải hiểu rõ những thuật ngữ này:

  • Thiền (Jhāna),
  • Yếu tố thiền hay chi thiền, và
  • Tâm thiền.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhắc lại: Cái gì là thiền (Jhāna)? Đó là một nhóm của những yếu tố thiền hay những chi thiền. Cái gì là chi thiền? Đó là những yếu tố đơn lập và riêng biệt. Cái gì là tâm thiền? Đó là tâm được đi kèm theo bởi một vài hay tất cả năm yếu tố thiền.

Các bạn là những thành viên của một liên đoàn. Khi các bạn hội họp lại với nhau, các bạn là một liên đoàn. Mỗi người trong số các bạn là một thành viên. Cho nên mỗi người trong số các bạn là một yếu tố thiền. Liên đoàn kết hợp của các bạn là thiền (Jhāna). Nó giống như vậy. Cho nên, chúng ta có thiền (Jhāna), chi thiền, và tâm thiền.

Đôi lúc, chúng ta không có rõ ràng và chính xác trong việc dùng từ “Jhāna”. Cho nên đôi lúc, chúng ta có thể gọi tâm là thiền (Jhāna), nhưng thật ra, nếu nói một cách chính xác và theo chuyên môn, thiền (Jhāna) có nghĩa là sự kết hợp của những yếu tố thiền hay những trạng thái tinh thần này. Và tâm thiền có nghĩa là tâm được đi kèm theo bởi thiền (Jhāna).

Thiền (Jhāna) thứ nhất được đi kèm theo bởi tầm (Vitakka),  tứ  (Vicāra), hỷ  (Pīti),  lạc  (Sukha)  và  định (Ekaggatā).  “Sahita”1  có  nghĩa  là  cùng chung  với  nhau. Thiền (Jhāna) thứ nhất được đi kèm theo bởi năm yếu tố này. Chúng ta sẽ có cơ hội nghiên cứu những yếu tố này trong  chương thứ hai vì  đây  là  những  yếu  tố  tinh  thần. Tức  là,  chúng  là  những  tâm sở  (Cetasika).  Chúng  ta  sẽ nghiên cứu sau.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app