Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I

Giới Thiệu: Giáo Lý Nhị Đế

Sự Thật Là Gì?

Chúng ta sẽ nghiên cứu hai sự thật được công nhận trong Phật giáo hay trong giáo lý của Đức Phật. Bất kỳ lúc nào mọi người nói về sự thật, họ nói là chỉ có duy nhất một sự thật. Những người khác nhau thì giải thích bằng những cách khác nhau. Nhưng chính vì điều đó, không thể có một sự thật được, mà phải có nhiều sự thật. Nếu các bạn hỏi một người theo Thiên Chúa giáo sự thật là gì, các bạn nhận được một câu trả lời. Nếu các bạn hỏi một người theo Hindu giáo sự thật là gì, các bạn sẽ nhận được một câu trả lời khác. Cho nên, sự thật có thể khác nhau tùy thuộc vào người mà các bạn hỏi.

Theo Phật giáo, sự thật đơn giản có nghĩa là một cái gì đó đúng và thật, hoặc là theo chế định hoặc là theo chân đế. Có một vài điều là thật chỉ theo chế định, do theo cách dùng hay theo cách diễn đạt của một nhóm người nào đó, hay là do được chấp nhận bởi công chúng. Trong khi đó, có một vài điều lại là thật theo chân đế. Bất chấp điều đó là thật theo chế định hay theo chân đế, nó đều được gọi là sự thật trong Phật giáo.

Bởi vì một cái gì đó đúng và thật, được gọi là sự thật, không có nghĩa sự thật phải là tốt đẹp. Sự thật không hẳn phải là cao thượng. Sự thật có thể là bất cứ cái gì, miễn là cái đó đúng như được miêu tả. Dẫn chứng là: Tham ái là một trạng thái tinh thần bất thiện và được Đức Phật dạy là Tập Đế trong Tứ Diệu Đế. Tập Đế là tham ái. Tham ái là một trạng thái tinh thần bất thiện  cho kết quả xấu, tức là xấu, không có cao thượng. Nhưng nó vẫn được gọi là sự thật trong Phật giáo. Cho nên sự thật không nhất thiết phải là tốt hay cao thượng. Sự thật có thể tốt hay có thể xấu, có thể cao thượng hay có thể hạ liệt, nhưng phải là thật. Khi tôi nói lửa thì cháy, thì sự cháy là sự thật về bản chất của lửa. Đó là sự thật. Cho nên trong Phật giáo, tham ái là sự thật. Tỉnh thức (Niệm) – tất cả các bạn đều thực hành thiền tỉnh thức – là sự thật. Trí tuệ là sự thật. Sự tập trung (Định) là sự thật. Trong Phật Giáo, sự thật không nhất thiết phải là tốt. Sự thật có thể là tốt hay xấu, cao thượng hay hạ liệt. Bất cứ cái gì đúng theo chế định hay theo chân đế, đều là sự thật.

Hai Sự Thật Được Chấp Nhận Trong Phật Giáo

Trong Phật Giáo, có hai sự thật được chấp nhận. Thứ nhất là sự thật chế định. Thứ hai là sự thật chân đế. Như vậy, sự thật chế định là cái gì đó thật theo nghĩa chế định, và sự thật chân đế là cái gì đó thật theo nghĩa chân đế. Hai sự thật này luôn luôn hiện hữu trên thế gian.

Sự Thật Chế Định

Sự thật chế định là cái gì? Sự thật chế định là cái phù hợp với quy ước hay điều luật của thế gian. Vào buổi sơ khai, tức là vào những ngày đầu tiên của loài người trên trái đất này, mọi vật đã được đặt tên với sự thỏa thuận và chấp nhận của mọi người. Đó là sự ra đời của các tên gọi. Ví dụ, một con vật đã được biết đến và được chỉ định là “con mèo”. Và điều đó đã được chấp nhận bởi tất cả mọi người. Nếu các bạn muốn đề cập đến con vật đó, các bạn phải nói từ “con mèo”. Đó là quy ước. Sự thật chế định là cái được chấp nhận bởi số đông mọi người, được chấp nhận bởi “sự đồng ý chung”. Trước đây tôi đã ngại dùng cái thành ngữ “sự đồng ý chung” này. Nhưng hôm qua, tôi có đọc một cuốn sách và cái thành ngữ này được dùng trong đó. Cho nên, tôi rất là vui. Trong cuốn sách đó có nói rằng: “Mọi người đã đơn giản có sự đồng ý chung rằng, một nhóm chữ viết hay một nhóm phát âm nào đó sẽ đại diện cho một vật hay một ý tưởng được chỉ định.” Chúng ta có sự đồng ý chung bởi tất cả mọi người rằng: Chúng ta hãy gọi cái này là một người đàn ông. Chúng ta hãy gọi cái này là một người đàn bà. Chúng ta hãy gọi cái này là một con mèo, một con chó và vân vân. Đó là sự thật chế định.

Giả sử có một con mèo ở đây. Rồi tôi nói, “Có một con mèo.” Tôi đang nói sự thật. Tôi không có nói dối với các bạn bởi vì con vật mà được chấp nhận là con mèo thì đang ở đây. Đó là một sự thật, mà được gọi là sự thật chế định. Hay chúng ta có thể lấy ví dụ về chiếc xe. Các bạn đến đây bằng cách nào? Các bạn đến đây bằng chiếc xe. Khi các bạn nói các bạn đến đây bằng chiếc xe, các bạn không nói dối với tôi. Các bạn đang nói sự thật, một sự thật chế định. Đúng là các bạn đến đây bằng chiếc xe. Cái sự thật chế định “chiếc xe” hay cái vật mà được đại diện bởi cái tên “chiếc xe” là một sự thật, một sự thật chế định. Điều đó cũng tương tự đối với cái nhà, người đàn ông, người đàn bà. Các bạn có thể nêu lên nhiều ví dụ khác nữa. Mọi thứ trên thế gian này, mà được định danh là một cái gì đó, đều có thể là một sự thật chế định.

Sự thật chế định được gọi là Sammuti-sacca trong Pāḷi. Tôi muốn các bạn quen thuộc với những từ này, Sammuti-sacca. “Sammuti” nghĩa là khái niệm chung hay là sự đồng ý chung. “Sacca” nghĩa là sự thật. Có lẽ các bạn đã gặp thành ngữ “Cattāri Ariyasaccāni”. Từ “Sacca” là sự thật. Ở đây sự thật này được gọi là Sammuti-sacca, tức là sự thật chế định.

Sự thật chế định (Sammuti-sacca) cũng còn được gọi là Paññatti. Paññatti được dịch là khái niệm. Trong bản dịch của cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Ngài Ñāṇamoli đã đưa ra một số thông tin về những khái niệm, tức là Paññatti. Ngài đã kết luận rằng:

“Tất cả điều này nói lên rằng, từ “paññatti” mang ý nghĩa của một trong hai: tên gọi hay khái niệm, hoặc cả hai,  và  rằng  không  có  từ  ngữ  nào là tương đương  tuyệt đối.” (Visuddhimagga, VII, n.11, p.781)

Thật vậy, không có từ ngữ nào thật sự tương đương với từ “Paññatti”. Chúng ta hãy chấp nhận từ “khái niệm” là chuyển nghĩa của từ này vậy.

Danh Chế Định (Nāma-paññatti)

Chế định (Paññatti) và chân đế (Paramattha) là đối ngược nhau.  Chân  đế  (Paramattha) sẽ  được đề  cập  đến sau. Ở đây, sự thật chế định cũng được gọi là Paññatti. Có  hai  loại  chế  định  hay  hai  loại  khái  niệm  (Paññatti). Tôi nghĩ các bạn chỉ cần hiểu chừng này là đủ rồi. Nếu các bạn không kiên nhẫn và muốn biết thêm về chế định (Paññatti),  các  bạn  có  thể  đọc  phần  cuối  trong  chương thứ tám của cuốn Abhidhammatthasaṅgaha (cũng có thể xem  CMA,  VIII,  §§29-32,  p.325-328).  Chương  đó  giảng giải về chế định (Paññatti) hay những khái niệm. Ở đây chúng ta chỉ cần hiểu hai loại Paññatti, tức là hai loại chế định. Loại thứ nhất được gọi là Nāma-paññatti. Nāma ở đây có nghĩa là danh. Từ “Nāma” có nghĩa là danh hay là ý, những hiện tượng mang tính tinh thần. Nhưng ở đây nó có nghĩa là danh. Cho nên, Nāma-paññatti có nghĩa là danh chế định. Danh chế định có nghĩa là những cái tên được đặt cho những đối tượng. Những cái tên này giúp cho mọi thứ được biết đến. Cho nên, chúng được gọi là “Nāma-paññatti” trong Pāḷi. Cái từ “Paññatti” có hai nghĩa. Một nghĩa là chủ động và một nghĩa là bị động. “Paññatti” có nghĩa là một cái gì đó mà giúp cho một cái khác được biết đến, ví dụ như một cái tên để làm cho cái mà nó ám chỉ được biết đến. Nāma-paññatti là những cái tên được gán cho những đối tượng. Ví dụ, khi chúng ta nói “chiếc xe”, cái tên “chiếc xe” giúp cho cái vật có bốn bánh được biết đến. Có hàng ngàn và hàng ngàn những khái niệm (Paññatti). Ở đây trong phòng này, các bạn thử xem có bao nhiêu khái niệm (Paññatti)? Các bạn có thể tìm thấy khoảng mười, hai mươi hay ba mươi cái. Người đàn ông, người đàn bà, cái nhà, cái máy quay phim, cái máy thâu âm, vân vân – chúng được gọi là danh chế định (Nāma-paññatti).

Vật Chế Định (Attha-paññatti)

Loại thứ hai được gọi là Attha-paññatti. “Attha” ở đây có nghĩa là một vật thể. Attha-paññatti là vật chế định. Như vậy, những đối tượng được chuyển đạt bởi những cái tên hay những khái niệm là Attha-paññatti. Đó là những đối tượng được đại diện bởi những cái tên này. Chúng được gọi là khái niệm (Paññatti) bởi vì chúng được làm cho mọi người biết đến. Ở đây chúng ta lấy cái nghĩa bị động của từ “Paññatti”. Đôi lúc, một từ có hai nghĩa thì tốt. Nhưng có lúc điều đó lại khó hiểu bởi vì nó có thể có nghĩa cả hai thứ. Cho nên, chúng ta phải hiểu cái nghĩa nào được dùng trong ngữ cảnh được đưa ra. Trong “Attha-paññatti”, từ “Paññatti” có nghĩa là cái gì đó được làm cho mọi người biết đến, một cái gì đó được làm cho mọi người biết bởi một danh chế định (Nāma- paññatti), tức là bởi một cái tên. Chúng ta một lần nữa hãy lấy ví dụ chiếc xe. Chúng ta có cái tên “chiếc xe”. Và chúng ta có cái vật mà chúng ta gọi là “chiếc xe”. Cái được gọi là chiếc xe là Attha-paññatti, vật chế định. Cái tên “chiếc xe” là danh chế định (Nāma-paññatti). Trong hầu hết mọi trường hợp, luôn luôn có hai khái niệm (Paññatti) này đi cùng với nhau – danh chế định (Nāma- paññatti) và vật chế định (Attha-paññatti). Một cái nhà – cái tên “cái nhà” là danh chế định (Nāma-paññatti). Cái được gọi là cái nhà, là vật chế định (Attha-paññatti). Một người đàn ông – cái tên “đàn ông” là danh chế định (Nāma-paññatti). Cái vật thể được gọi là người đàn ông là vật chế định (Attha-paññatti). Trong hầu hết mọi trường hợp, chúng ta có thể có cả hai – danh chế định (Nāma-paññatti) và vật chế định (Attha-paññatti) cho những vật này.

Khi chúng ta nói đến các đối tượng, chúng ta muốn nói đến cả đối tượng vật chất và đối tượng tinh thần. Những trạng thái tinh thần là các đối tượng. Những trạng thái vật chất cũng là các đối tượng.

Phassa là cái tên được dùng để chỉ cho trạng thái tinh thần (tâm sở) được gọi là xúc. Nó là sự xúc chạm của tâm ý với đối tượng. Trong trường hợp này, chúng ta có thể có cả hai khái niệm (Paññatti), tức là cả danh chế định (Nāma-paññatti) và vật chế định (Attha-paññatti) không? Chúng ta chưa đề cập đến Paramattha, tức là sự thật chân đế. Xúc hay Phassa là một trong những sự thật chân đế. Cho nên, trong trường hợp của Xúc (Phassa), chúng ta có thể có danh chế định (Nāma-paññatti) bởi vì Xúc (Phassa) là một cái tên. Tuy nhiên, chính sự xúc chạm thì không được gọi là vật chế định (Attha- paññatti). Xúc (Phassa) là Paramattha, tức là sự thật chân đế. Đối với những cái tên được đặt cho những cái thuộc về chân đế, thì chúng ta có danh chế định (Nāma- paññatti) và Paramattha, tức là sự thật chân đế – chứ không phải danh chế định (Nāma-paññatti) và vật chế định (Attha-paññatti). Đối với những thứ khác, tức là những thứ mà không thuộc về sự thật chân đế, thì chúng ta có thể có cả hai khái niệm hay cả hai Paññatti, tức là danh chế định (Nāma-paññatti) và vật chế định (Attha- paññatti). Các bạn có thể thấy rất nhiều danh chế định (Nāma-paññatti) và vật chế định (Attha-paññatti) xung quanh các bạn.

Chúng ta khó có thể sống được mà không dùng những khái niệm hay những tập quán chế định này. Chúng ta không thể tránh khỏi việc sử dụng những từ ngữ chế định, ngôn ngữ chế định khi chúng ta giao tiếp với những người khác. Đó là vì chúng ta sống trong cái thế giới chế định này. Chúng ta phải dùng những thành ngữ quy ước này để những người khác hiểu chúng ta muốn nói gì. Nếu không, thì sẽ có sự nhầm lẫn lớn. Một người đàn ông thì được cấu thành bởi ngũ uẩn. Một người đàn bà cũng được cấu thành bởi ngũ uẩn. Nếu một ai đó nói rằng có một nhóm ngũ uẩn đến viếng chùa, các bạn không biết đó là một người đàn ông hay một người đàn bà. Cho nên, chúng ta không thể sống thiếu những từ ngữ quy ước khi chúng ta nói hoặc giao tiếp với nhau. Nhưng chúng ta phải hiểu chúng ta đang nói về sự thật chân đế nào khi chúng ta dùng những từ ngữ chế định này.

Chế Định (Paññatti) Là Vượt Thời Gian

Những cái này được gọi là những khái niệm. Những khái niệm được xem là không liên quan đến thời gian, vượt ngoài thời gian, không có thời gian. Có nhiều người muốn tranh cãi về điều này. Theo đúng nghĩa thì Paññatti hay chế định hay khái niệm là không có tồn tại. Khái niệm (Paññatti) là cái gì? Các bạn không thể nắm bắt nó trong tay của các bạn. Ví dụ, một cái tên – một cái tên là một cái tên. Chúng ta không thể nói một cái tên sinh lên, tồn tại một thời gian và rồi biến mất. Một cái tên là một cái tên bởi vì nó tồn tại trong tâm ý của chúng ta. Chúng là sản phẩm của trí óc tạo ra. Chúng ta nghĩ về chúng như là một cái gì đó và rồi chúng ta sử dụng cái chỉ định đó. Bởi vì khái niệm (Paññatti) chỉ tồn tại trong trí óc của chúng ta, cho nên nó thật sự không có thực tại, không có hiện hữu. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể nói khái niệm là quá khứ, khái niệm là hiện tại hay khái niệm là tương lai. Nó vượt ngoài khung thời gian. Đó là lý do tại sao khái niệm (Paññatti) được gọi là vượt thời gian. Chỉ có những hiện tượng mà có ba giai đoạn: một sự khởi đầu, một giai đoạn định trụ, và một sự biến mất, thì được gọi là có tồn tại. Những thứ không có ba giai đoạn tồn tại này – khởi sanh, lão hóa và chết – thì chúng ta không gọi chúng là tồn tại. Những sự vật và những cái tên được đặt cho chúng thì không tồn tại trong thực tại. Các bạn có thể tranh cải rằng: Các bạn tồn tại là một con người. Một con người là một sự chế định hay một khái niệm. Cái tên là một khái niệm và con người cũng là một khái niệm. Con người thật sự không có tồn tại. Cái mà thật sự tồn tại là ngũ uẩn. Nhưng chúng ta gọi cái nhóm ngũ uẩn này là một người đàn ông, một người đàn bà, một con người và vân vân. Một người đàn ông, một người đàn bà, một con vật hay một cái gì đó chỉ là những sự phóng chiếu hay những sự kiến tạo do đầu óc tạo ra. Chúng ta cho rằng chúng tồn tại mặc dầu thật sự chúng không tồn tại theo phương diện chân đế. Theo phương diện chế định, chúng tồn tại. Bởi vì những khái niệm không có sanh khởi, không có lão hóa và không có biến mất, cho nên chúng được gọi là vượt ngoài thời gian. Cho nên, khái niệm (Paññatti) được xem là vượt thời gian, giống như Níp-bàn (Nibbāna). Níp-bàn (Nibbāna) không có sự bắt đầu, không có sự sinh khởi. Do đó, nó không có sự biến mất, không có kết thúc. Đó là lý do tại sao Níp-bàn (Nibbāna) cũng được gọi là vượt thời gian. Cũng như vậy, khái niệm (Paññatti) được gọi là vượt thời gian.

Có thể chúng ta nói là nếu chúng ta gọi một cái gì đó bằng một cái tên thì nó sanh lên tại ngay lúc đó. Hãy lấy ví dụ chiếc xe. Đó là ví dụ mà tôi thích nhất. Một ai đó đã phát minh ra chiếc xe và rồi ông ta gọi cái đó là một chiếc xe. Có thể các bạn tranh luận rằng cái quy ước hay cái khái niệm “chiếc xe” sanh lên tại lúc đó. Thật ra, bởi vì cái khái niệm (Paññatti) đó chỉ là ở trong đầu óc của các bạn mà thôi và không phải là một vật chân đế, chúng ta không thể nói cái khái niệm (Paññatti) đó đã sanh lên tại thời điểm đó hay là có tồn tại.

Chúng ta có thể hiểu rõ hơn với ví dụ về tên gọi. Các bạn đặt tên cho một đứa trẻ. Các bạn gọi nó bằng cái tên đó. Nhưng chúng ta không thể nói cái tên đó khởi sanh lên lần đầu tiên vào lúc nào. Và rồi khi mọi người dùng cái  tên  đó,  nó  dường  như  là  hiện  hữu.  Khi  mọi  người quên cái tên đó đi, nó dường như là biến mất. Sau này, có một ai đó quay lại và nói rằng đã từng có một người có cái tên như vậy cách đây khoảng 100 năm. Thì chúng ta lại nhớ đến cái tên đó. Cho nên, cái tên đó là một khái niệm và vượt ngoài thời gian. Nó không phải là hiện tại, không phải là quá khứ và không phải là tương lai.

Sự Thật Chân Đế

Sự  thật  thứ  hai  là  sự  thật  chân  đế.  Chúng  ta  quan tâm  đến  sự  thật  chân  đế  nhiều  hơn  bởi  vì  Thắng  Pháp (Abhidhamma) đề cập và liên quan đến sự thật chân đế nhiều hơn. Sự thật chân đế là gì? Sự thật chân đế là cái tuân theo với thực tại. Trong luận thư này (Xem CMA, I, Guide to §2, p.25), điều sau đây đã được nói đến: nếu cái gì đó có thể được chia nhỏ ra, thì nó không phải là sự thật chân đế. Sự thật chân đế là cái không thể chia nhỏ ra được nữa. Sự thật chân đế là cái vật cuối cùng mà các bạn không thể chia nhỏ ra được nữa. Đó là sự thật chân đế. 

Một con người, hay chúng ta hãy lấy ví dụ một người đàn ông đi, cái tên “người đàn ông” là một danh chế định. Con người đó là một vật chế định. Cái thật trong con người đó là năm uẩn. Năm uẩn này có sự khởi đầu. Chúng cũng lão hóa. Và cuối cùng thì chúng diệt đi. Chúng có sự tồn tại riêng của chúng. Vì vậy, chúng được gọi là sự thật chân đế. Nếu chúng ta chia nhỏ cái chúng ta gọi là một con người ra thành những yếu tố không thể chia nhỏ được nữa, thì chúng ta có năm uẩn hay chúng ta có thể nói, chúng ta có danh và sắc. Ngũ uẩn này hay những thành phần của ngũ uẩn này được gọi là sự thật chân đế bởi vì chúng là thật. Chúng tồn tại thật sự và chúng tồn tại trong quyền hạn của chúng.

Tâm là Citta. Citta là một sự thật chân đế. Điều đó là thật sự như vậy. Tâm có đủ ba chặng tồn tại: khởi sinh, lão hóa và biến mất. Sau khi trải qua ba chặng hay ba giai đoạn này, một cái tâm sẽ biến mất và rồi một cái tâm khác sẽ sinh lên. Bởi vì tâm có sinh khởi, lão hóa và biến mất, chúng ta nói nó tồn tại theo nghĩa chân đế. Sự thật chân đế là cái tuân theo thực tại.

Sự thật chân đế được gọi là Paramattha-sacca trong Pāḷi. Paramattha được định nghĩa là sự thật tối thượng hay đúng đắn. Chúng ta có thể nói sự thật tối thượng hay sự thật đúng đắn. Tại sao? Bởi vì nó thật sự là vậy. Nó không có gì khác hơn như là đã được miêu tả. Nó không bị quay tròn. Nó không phải là cái đảo ngược của cái mà nó được miêu tả. Nó không phải là cái đối nghịch của cái mà người ta nói về nó. Nó không sai. Đó là cái mà chúng ta gọi là chân đế hay sự thật chân đế. Khi chúng ta nói về tâm thức, điều đó có thật. Tâm thật sự tồn tại. Cho nên, tâm được gọi là sự thật chân đế.

Sự thật chân đế không phải như những thứ được thấy tại những buổi trình diễn ảo thuật hay phản chiếu từ trong gương. Tại những buổi trình diễn ảo thuật, người ta biến ra những thứ từ hư không. Chúng ta nghĩ là người ta đang tạo ra một thứ gì đó thật sự. Nhưng thật ra chúng là những mánh khóe. Đôi lúc, chúng dường như là thật đến nỗi mà chúng ta muốn tin là người ta đang biến hóa ra những thứ đó thật. Nhưng thật ra những thứ đó là không thật. Chúng chỉ là những ảo tưởng. Cũng như vậy, cái mà chúng ta gọi là một người đàn ông, hoặc một người đàn bà, hoặc là một chiếc xe, hoặc là một ngôi nhà chỉ là ảo tưởng mà thôi. Những cái đó không phải thật. Cái thật là những cái được bao gồm và chứa đựng trong những cái chế định này.

Tôi đoán là các bạn đã từng thấy một ảo ảnh. Cái đó giống như nước. Từ xa, mọi người nhìn thì cứ tưởng là có nước. Rồi họ đi theo cái đó, nhưng họ chẳng bao giờ đến được cái đó. Cái đó đi theo cùng với họ. Trong Pāḷi, cái đó được gọi là “sự khát vọng của những con hươu”. Những con hươu thấy cái ảo ảnh từ xa. Khi chúng khát nước, chúng sẽ đi theo cái ảo ảnh đó cho đến khi chúng ngã gục và chết. Một ảo ảnh là một cái không có thật. Nếu các bạn đã từng thấy cái này, các bạn sẽ thấy nó giống như thật. Giống như là có nước ở đó. Khi bạn cố gắng đến gần, nó lại càng đi xa ra hơn. Đó là một ảo tưởng.

Paramattha, hay vật tối thượng, thì không phải như vậy. Chân đế (Paramattha) là thật và thật sự hiện hữu. Đó là lý do tại sao nó được gọi là vật tối thượng.

Một nghĩa khác của chân đế (Paramattha) là hiện tượng hay sự vật có thể được nhìn thấy bởi chính tự bản thân chúng ta. Có nghĩa là điều đó có thể được nhận ra hay trải nghiệm bởi chính tự bản thân chúng ta.

Những sự thật chân đế thì không giống như những thứ được biết bởi tin đồn, tức là có thể là thật hay không thật. Khi chúng ta nghe một cái gì đó về một ai đó từ một nguời nào đó, thì điều đó có thể là thật hay là không, bởi vì đó chỉ là tin đồn. Chúng ta không thể chắc là nó thật sự đúng bởi điều đó có thể sai. Chính chúng ta chưa thấy điều đó. Một khi chính chúng ta thấy nó, và chúng ta biết nó thật sự là như vậy, rồi thì chúng ta mới kết luận điều đó là thật. Những thứ mà chúng ta nghe từ tin đồn hay do thông tin từ những người khác thì có thể đúng hay không đúng. Những thứ như vậy không được gọi là chân đế (Paramattha). Để được gọi là chân đế (Paramattha), chúng phải được trải nghiệm bởi chính tự chúng ta.

Chúng ta hãy lấy tâm thức làm ví dụ. Đặc biệt khi các bạn hành thiền, các bạn biết tâm có thật. Các bạn biết là tâm trí của các bạn nghĩ tới chỗ này nghĩ tới chỗ kia. Các bạn có thể kinh nghiệm hay thấy điều đó cho chính mình. Các bạn thấy điều đó không phải thông qua sách vở hay từ các buổi thuyết giảng hay bằng suy luận, mà là bằng chính kinh nghiệm của các bạn. Một vài sự việc, vốn được trải nghiệm bởi chính chúng ta, thì được gọi là những sự thật chân đế.

Một ví dụ khác là cảm thọ – rất là thật. Các bạn ngồi hành thiền và sau một thời gian, các bạn bị đau nhức. Đôi lúc sự đau nhức trở nên quá sức chịu đựng, các bạn phải từ bỏ. Điều này rất là thật. Các bạn có thể trải nghiệm điều đó. Các bạn biết rằng cảm thọ là có thật. Các bạn biết có cảm thọ đau đớn. Hay nếu các bạn hạnh phúc, các bạn biết có cảm thọ hân hoan. Chính các bạn tự biết bởi vì chính các bạn đã từng trải nghiệm điều đó. Các bạn không phải đi đến gặp một ai khác để xác nhận điều này. Cái gì mà các bạn trực tiếp trải nghiệm bởi chính bản thân thì được gọi là sự thật chân đế. Nói một cách khác, sự thật chân đế có thể được xác nhận bằng chính kinh nghiệm cá nhân.

Định nghĩa này chỉ ra rằng nếu chính bản thân chúng ta chưa trải nghiệm chúng, thì chúng chưa phải là sự thật chân đế đối với chúng ta. Chúng ta có thể lấy Níp- bàn (Nibbāna) làm ví dụ. Níp-bàn (Nibbāna) là điều cao thượng nhất trong những sự thật chân đế. Vì chúng ta chưa trải nghiệm Níp-bàn (Nibbāna), cho nên Níp-bàn (Nibbāna) chưa phải là một sự thật chân đế đối  với chúng ta. Tôi có thể nói, “Ước mong cho tôi chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna)” hay là “Ước mong cho các bạn chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna)” hay là “Tôi làm việc công đức này để cho tôi có thể chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna).” Chúng ta luôn luôn nói như vậy. Khi chúng ta nói “Níp- bàn (Nibbāna)”, cái Níp-bàn (Nibbāna) mà chúng ta tưởng tượng trong tâm trí của chúng ta không phải là cái Níp-bàn (Nibbāna) thật. Nó chỉ là danh chế định, Níp- bàn (Nibbāna). Nhưng khi chính chúng ta trải nghiệm Níp-bàn (Nibbāna), khi chính chúng ta trải nghiệm sự giác ngộ của chúng ta, thì chúng ta sẽ biết Níp-bàn (Nibbāna) thông qua kinh nghiệm trực tiếp đó. Chỉ đến lúc đó, Níp-bàn (Nibbāna) mới trở thành sự thật chân đế cho bản thân chúng ta. Cho nên, vì chúng ta chưa đạt đến giai đoạn đó, Níp-bàn (Nibbāna) chưa phải là một sự thật chân đế cho chúng ta, mặc dầu nó là một sự thật chân đế.

Để một cái gì đó trở thành một sự thật chân đế, nó phải là thật như đã được tuyên bố. Nó không được phép khác đi một chút nào so với cái đã được tuyên bố. Nếu như tâm thức được nói rằng là có tồn tại, thì tâm thức là có tồn tại. Hơn nữa, tâm thức cũng phải được trải nghiệm hay nhận thức trực tiếp bằng tự chính bản thân.

Có những ví dụ để giải thích sự thật chân đế và sự thật chế định. Cái ví dụ hiển nhiên nhất là một ngôi nhà. Cái mà chúng ta gọi là một ngôi nhà thì không phải là sự thật chân đế. Sự thật chân đế là những bộ phận. Không có những bộ phận này thì không thể có ngôi nhà được. Nếu các bạn gỡ bỏ từ từ những bộ phận này đi, các bạn sẽ không còn một ngôi nhà nữa.

Điều này cũng tương tự cho một người đàn ông. Nếu các bạn cắt người đàn ông đó thành những mảnh nhỏ, các bạn sẽ mất đi người đàn ông đó. Đó chỉ là một đống những phần khác nhau của cơ thể đó. Cái này chỉ là một ví dụ thôi. Cái thật trong một người đàn ông chỉ là những bộ phận chứ không phải là cái tổng thể. Không có những bộ phận thì không có cái tổng thể đó.

Một ví dụ khác là một vòng tròn lửa. Cái này thì rất hiển nhiên. Một vòng tròn lửa có thật sự tồn tại không? Nếu tôi nhặt lên một cây đuốc và quay nó vòng vòng, các bạn sẽ nói là các bạn thấy một vòng tròn lửa. Nhưng các bạn biết là không có vòng tròn lửa nào cả. Cái tồn tại là lửa ở những điểm khác nhau trên chu vi của một vòng tròn. Trí óc của bạn đã kết nối những điểm đó và tạo nên một vòng tròn. Thực sự là không có cái vòng tròn lửa. Mọi người đều biết điều đó. Cái vòng tròn lửa là một khái niệm (Paññatti), không có tồn tại. Cái thật sự tồn tại là ánh sáng của ngọn lửa tại những điểm khác nhau, mỗi cái riêng biệt và mỗi cái tại mỗi thời điểm. Chúng ta rất tinh thông trong việc tạo ra những ý tưởng này, kết hợp những hình ảnh riêng biệt tạo ra một cái tổng thể để rồi chúng ta nghĩ là chúng ta thấy một vòng tròn lửa. Nhưng thật ra, chúng ta không thấy một vòng tròn lửa.

Đó là vì đầu óc của chúng ta làm việc rất nhanh. Chúng ta không nhận ra điều đó khi chúng ta đang nói và trò chuyện một cách bình thường. Khi chúng ta quan sát một đứa trẻ tập đọc, chúng ta có thể thấy trí óc làm việc nhanh như thế nào. Khi một đứa trẻ học nói, nó phải đánh vần. Nó không thể đọc ngay lập tức được. Ví dụ nó phải đánh vần cái từ “two” (hai). Rồi thì nó mới biết đó là từ “two” (hai), nhưng các bạn thì lại biết từ “two” (hai) ngay lập tức. Các bạn không cần phải nghĩ gì cả. Các bạn nghĩ là các bạn không cần phải xây dựng cái từ đó. Nó trở thành bản năng tự nhiên đối với các bạn. Các bạn chỉ đọc lên cái từ đó, cái từ “two” (hai) hay một từ dài hơn như là “comprehension” (sự lãnh hội) hay “meditation” (sự hành thiền). Để đọc một từ dài như là “comprehension” (sự lãnh hội), các bạn phải đọc tất cả những chữ cái. Rồi thì trí óc của các bạn xây dựng hay kết hợp những chữ cái đó thành một từ. Đối với một đứa trẻ, nó có thể cần đến hai giây đồng hồ, nhưng các bạn cần không đến một giây. Sự suy nghĩ này luôn luôn có trong chúng ta, nhưng đối với những thứ quen thuộc với chúng ta, chúng ta không để ý đến sự suy nghĩ này. Đối với những thứ không quen thuộc với chúng ta, thì sự suy nghĩ này hiển lộ ra rõ ràng.

Lấy ví dụ một đàn kiến. Có thật sự là có một đàn kiến không? Nếu các bạn tách riêng từng con kiến ra, các bạn mất đi cái tổ chức đó (tức là mất đi đàn kiến). Thực sự không có đàn kiến. Nhưng mọi người nói, “Tôi thấy một đàn kiến.” Trí óc của chúng ta xây dựng lên cái tổ chức đó, nhưng thực sự không có đàn kiến. Một đàn hay một dãy chỉ là một ảo tưởng. Chỉ có những con kiến riêng lẻ mới là thật.

Một đoạn dây thừng thì được tạo bởi những sợi chỉ và những sợi cáp. Nếu các bạn lấy đi những sợi chỉ từng sợi một, các bạn sẽ không có sợi dây thừng. Cái thật sự tồn tại chỉ là những sợi chỉ nhỏ, hay chỉ là những sợi cáp nhỏ. Nếu các bạn bện chúng lại với nhau, thì các bạn cho có một sợi dây thừng. Cái mà các bạn gọi là một sợi dây thừng thật ra chỉ là một ảo tưởng. Những cái thật sự tồn tại là những sợi chỉ nhỏ.

Các bạn nhìn một dòng sông và các bạn nghĩ là nước luôn luôn đứng một chỗ. Nhưng thật sự thì các bạn biết là cứ mỗi giây thì có nước mới chảy qua. Có nhiều ví dụ để chứng minh sự thật chân đế và sự thật chế định. Những cái này chỉ là một vài ví dụ. Ví dụ, đối với chiếc xe, chúng ta nói chiếc xe là một sự thật chế định và các bộ phận của nó là sự thật chân đế. Dĩ nhiên, thậm chí những bộ phận cũng không phải là sự thật chân đế. Nếu các bạn chia nhỏ những bộ phận ra nữa cho đến phần tử nhỏ nhất, thì cái phần tử đó mới là sự thật chân đế. Cho nên, những phần tử nhỏ nhất của vật chất là sự thật chân đế.

Có hai sự thật: sự thật chế định và sự thật chân đế. Thắng Pháp (Abhidhamma) phần lớn phân tích và giải thích về sự thật chân đế. Tôi nói “phần lớn” bởi vì có bảy bộ sách trong Thắng Pháp (Abhidhamma) và chỉ có một bộ là liên quan đến những khái niệm. Nhân Chế Định (Puggalapaññatti) – bộ sách này không phân tích và giải thích về sự thật chân đế. Bộ sách này đề cập về các loại người. Cho nên như tôi đã nói, Thắng Pháp (Abhidhamma) phần lớn phân tích và giải thích về sự thật chân đế.

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app