Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Sáu: Sự Xuất Hiện Của Sắc Pháp Và Níp-bàn
(Nibbāna)

Sự Xảy Ra Lần Cuối Và Sự Biến Mất Của Sắc Pháp

Cho đến bây giờ, chúng ta đã nghiên cứu xong việc sắc pháp sanh lên như thế nào tại thời điểm tục sinh và một vài thời điểm ngay sau khi tục sinh. Hôm nay, chúng ta sẽ học về sắc pháp (Rūpa) tại thời điểm tử. “Tại thời điểm tử” có nghĩa là tại thời điểm cận tử và cũng có thể là sau khi tử. Tại thời điểm tử, sắc pháp do nghiệp tạo (Kammaja-rūpa) không sanh lên nữa bắt đầu ở giai đoạn trụ của sát-na tâm thứ mười bảy trước tâm tử. Có ba tiểu sát-na của tâm tục sinh (Paṭisandhi), tức là sanh, trụ và diệt. Tại tiểu sát-na sanh của tâm tục sinh (Paṭisandhi), cái gì sanh lên? Sắc pháp do nghiệp tạo (Kammaja-rūpa) sanh lên. Đó là thời điểm sanh lên đầu tiên của sắc pháp do nghiệp tạo. Tại thời điểm trụ, tức là tiểu sát-na thứ hai của tâm tục sinh (Paṭisandhi), sắc pháp do nhiệt lượng tạo (Utuja-rūpa) sanh lên. Đó là sự sanh lên đầu tiên của sắc pháp do nhiệt lượng tạo (Utuja-rūpa). Và rồi tại tiểu sát-na đầu tiên của tâm hữu phần (Bhavaṅga) đầu tiên, sắc pháp do tâm tạo (Cittaja-rūpa) sanh lên. Cho nên, ở đây chúng ta có sự sanh lên đầu tiên của sắc pháp do nghiệp tạo, sắc pháp do nhiệt lượng tạo và sắc pháp do tâm tạo. Có ba thời điểm này. Sau đó, sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên tại mỗi tiểu sát-na trong suốt đời sống. Sắc pháp do nhiệt lượng tạo sanh lên khi sắc pháp (Rūpa) đạt đến giai đoạn trụ. Thật ra, từ thời điểm đó trở đi, sắc pháp do nhiệt lượng tạo sanh lên tại mỗi thời điểm. Rồi sắc pháp do tâm tạo chỉ sanh lên tại tiểu sát-na đầu tiên của mỗi sát-na tâm. Sắc pháp do tâm tạo sanh lên tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất, rồi tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ hai, và rồi tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ ba và vân vân. Sắc pháp do tâm tạo không sanh lên tại giai đoạn trụ hay giai đoạn diệt.

Sắc pháp do nghiệp tạo phải biến mất tại thời điểm kết thúc của một đời sống. Sắc pháp do nghiệp tạo không thể tiếp tục tồn tại sau khi tử. Các bạn đã biết là tuổi thọ của sắc pháp là mười bảy sát-na tâm. Cho nên, các bạn có thể tìm ra thời điểm sanh lên cuối cùng của sắc pháp do nghiệp tạo là khi nào. Nó phải biến mất cùng với tiểu sát- na cuối cùng của tâm tử (Cuti). Điều đó có nghĩa là các bạn phải đi ngược lại cho đến sát-na thứ mười bảy. “Mười bảy” có nghĩa là các bạn phải tính tâm tử (Cuti) là một trong số các sát-na. Khi các bạn đi ngược lại trong lộ tâm cụ thể này, các bạn sẽ đến tâm hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga). Tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm thứ mười bảy trước tâm tử (Cuti) đó, có sự sanh lên cuối cùng của sắc pháp do nghiệp tạo ra. Tức là sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên lần cuối cùng tại tiểu sát-na đó. Sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên tại thời điểm đó sẽ biến mất với tiểu sát-na thứ ba của tâm tử (Cuti). Tại tiểu sát-na thứ ba của tâm tử (Cuti) là sự hủy diệt cuối cùng của sắc pháp do nghiệp tạo ra. Sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên lần cuối tại sát-na tâm thứ mười bảy được tính ngược từ tâm tử (Cuti). Sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên tại thời điểm đó tiếp tục tồn tại cho đến tiểu sát-na cuối cùng hay tiểu sát- na thứ ba của tâm tử (Cuti). Với sự diệt đi của tâm tử (Cuti Citta), sắc pháp do nghiệp tạo cũng phải diệt. Không còn sắc pháp do nghiệp tạo nữa sau khi chết. Trong cuốn Cẩm Nang có nói:

“Nhưng  tại  thời  điểm  tử,  sắc  pháp  do  nghiệp  tạo không còn sanh lên nữa bắt đầu với giai đoạn trụ của tâm thứ mười bảy đi trước tâm tử.” (CMA, VI, §25, p.256)

Bắt đầu với tiểu sát-na trụ của sát-na tâm thứ mười bảy, sắc pháp do nghiệp tạo không sanh lên nữa.

“Sắc pháp do nghiệp tạo ra mà sanh lên ở trước …” (CMA, VI, §25, p.256)

Tức là chúng đã sanh lên tại tiểu sát-na thứ nhất của sát-na tâm thứ mười bảy.

“…  xảy  ra  cho  đến  thời  điểm  tử…”  (CMA,  VI,  §25, p.256)

Tức là tồn tại.

“… và rồi diệt đi.” (CMA, VI, §25, p.256)

Tức là cuối cùng nó diệt đi cùng với tâm tử (Cuti Citta).

“Theo sau đó, sắc pháp do tâm tạo và do dưỡng tố tạo cũng diệt đi.” (CMA, VI, §25, p.256)

Cuốn Cẩm Nang không nói khi nào cả. Chúng ta phải tìm ra khi nào. Nó chỉ đơn giản nói rằng sắc pháp do tâm tạo và do dưỡng tố tạo diệt đi sau đó hay theo sau đó. Để hiểu điều này, chúng ta trước hết phải hiểu sự sanh lên của sắc pháp do tâm tạo. Sắc pháp do tâm tạo sanh lên tại tiểu sát-na thứ nhất của mỗi sát-na tâm. Tức là tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm tử (Citta), sắc pháp do tâm tạo ra sanh lên. Vì tuổi thọ của sắc pháp (Rūpa) là mười bảy sát-na tâm, cho nên, nó phải tồn tại đủ mười bảy sát-na. Tâm tử (Cuti) là một sát-na. Tâm tục sinh (Paṭisandhi) là sát-na thứ hai. Và rồi mười lăm tâm hữu phần (Bhavaṅga) là thành mười bảy sát-na tâm. Tức là tại tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ mười lăm thì có đủ mười bảy sát-na tâm. Tại tiểu sát-na thứ ba của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ mười lăm thì sắc pháp do tâm thức tạo của kiếp sống trước diệt đi. Tức là có bao nhiêu tiểu sát-na tâm sau tâm tử (Cuti)? Bốn mươi tám. Bốn mươi tám tiểu sát-na sau tâm tử (Cuti) thì sắc pháp do tâm tạo của kiếp sống trước diệt đi.

Rồi  thì  sắc  pháp  do  dưỡng  tố  tạo  –  điều  được  ghi nhận là sắc pháp do dưỡng tố tạo có thể sanh lên thậm chí tại tiểu sát-na cuối của tâm tử (Cuti). Thời điểm sanh lên  cuối  cùng  của  sắc  pháp  do  dưỡng  tố  tạo  trong  một kiếp sống là tại tiểu sát-na thứ ba của tâm tử (Cuti). Rồi nó phải tồn tại trong 51 tiểu sát-na. Chúng ta chỉ có một sát-na tại tâm tử (Cuti). Khi chúng ta đạt đến giai đoạn trụ  của  tâm  hữu  phần (Bhavaṅga)  thứ  mười  sáu  thì chúng ta có đủ 51 tiểu sát-na. Và như vậy, tại thời điểm trụ  của  tâm  hữu  phần  (Bhavaṅga)  thứ  mười  sáu, sắc pháp do dưỡng tố tạo của kiếp sống trước diệt đi. Tức là một vài sắc pháp (Rūpa) từ kiếp sống này tiếp tục tồn tại thậm chí sau khi chết. Nhưng các bạn biết là mười  bảy sát-na tâm thì chẳng là gì cả khi bàn về sự trải nghiệm. Nó không tới một giây. Nhưng để chính xác và đúng đắn, chúng  ta  phải  nói  là  một  vài  sắc  pháp  tiếp  tục  tồn  tại, thậm  chí, sau  khi  chết.  Chúng  là  những  sắc  pháp  nào? Chúng là sắc pháp do tâm tạo và sắc pháp do dưỡng tố tạo, chứ không phải sắc pháp do nghiệp tạo. Sắc pháp do nghiệp tạo phải diệt đi cùng với sự biến mất của tâm tử (Cuti Citta) hay sự diệt đi của kiếp sống này.

“Sau  đó,  những  sắc  pháp  do  nhiệt  lượng  tạo  vẫn tiếp  tục  diễn  tiến  cho  đến  khi  nó  trở  thành  một  xác chết.”1 (CMA, VI, 25, p.257)

Ở đây, “cho đến khi nó trở thành một xác chết” không nên được hiểu theo nghĩa đen vì xác chết có thể phân hủy và thậm chí tại thời điểm đó, vẫn có sắc pháp do nhiệt lượng tạo ra sanh lên và diệt đi. Thật ra, nó sẽ tiếp tục diễn tiến cho đến tận cùng thế giới này, không chỉ tại lúc người đó được gọi là một xác chết. Giả sử người đó được đem đi chôn. Thì cơ thể phân hủy từ từ. Rồi tại thời điểm đó, cũng có sắc pháp do nhiệt lượng tạo sanh lên và diệt đi. Nó sẽ tiếp tục cho đến khi thế giới bị hủy diệt hoàn toàn. Nếu người đó bị hỏa táng thành tro, thì vẫn có sắc pháp do nhiệt lượng sanh lên và diệt đi. Trong số bốn loại sắc pháp, tức là do nghiệp tạo, do tâm tạo, do nhiệt lượng tạo và do dưỡng tố tạo, có ba loại vẫn còn tiếp tục tồn tại sau khi chết. Sắc pháp do nghiệp tạo thì diệt cùng một lúc với thời điểm cuối cùng của tâm tử (Cuti Citta). Đó là trình tự sanh lên và diệt đi của sắc pháp tại lúc chết hay tại thời điểm lân cận cái chết. Các bạn phải hiểu rằng sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên tại mỗi tiểu sát-na, rằng sắc pháp do tâm tạo chỉ sanh lên tại thời điểm sanh và rằng sắc pháp do nhiệt lượng tạo chỉ sanh lên tại thời điểm trụ. Nếu các bạn hiểu điều này, các bạn có thể tìm ra khi nào một loại sắc pháp cụ thể nào đó sanh lên lần cuối và khi nào nó biến mất.

 

Chúng ta hãy đi ngược trở lại. Khi nào sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên lần cuối? Tại tiểu sát-na đầu tiên của sát-na tâm thứ mười bảy được tính ngược từ tâm tử (Cuti Citta). Sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên tại sát-na tâm  thứ mười bảy này sẽ diệt đi tại tiểu sát-na thứ ba của tâm tử (Cuti Citta).

Còn sắc pháp do tâm tạo thì sao? Sắc pháp do tâm tạo có thể sanh lên thậm chí tại thời điểm đầu tiên của tâm tử (Cuti Citta). Nó sẽ tiếp tục tồn tại cho đến tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ mười lăm theo sau tâm tục sinh (Paṭisandhi). Tại thời điểm thứ ba của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ mười lăm, sắc pháp do tâm tạo của kiếp sống trước biến mất hoàn toàn.

Và  rồi  sắc  pháp  do  dưỡng  tố  tạo  –  điều  được  ghi nhận  là  nó  có thể  sanh  lên  thậm  chí tại  thời  điểm  cuối cùng của một kiếp sống. Như vậy, chúng ta hiểu rằng sắc pháp do dưỡng tố tạo sanh lên tại tiểu sát-na thứ ba của tâm tử (Cuti Citta). Nó phải tiếp tục tồn tại trong 51 tiểu sát-na. Khi nó tiến đến thời điểm trụ của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ mười sau, thì nó diệt đi hoàn toàn.

Đối với sắc pháp do nhiệt lượng tạo, thì nó tiếp tục diễn tiến cho đến tận cùng thế giới.

Kết Luận

Tại cuối chương thứ năm, có một sự miêu tả về tâm hữu phần (Bhavaṅga) đi theo tâm tục sinh (Paṭisandhi) và rồi tâm tử (Cuti), tâm tục sinh (Paṭisandhi), tâm hữu phần (Bhavaṅga) và vân vân, vòng tròn sanh tử. Đó là sự luân hồi về danh pháp (Nāma Saṃsāra), có tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) sanh lên từ kiếp này đến kiếp khác.

Ở đây, tiến trình sắc pháp (Rūpa) được chỉ định ra trong bài kệ trên trang 257 của cuốn CMA:

“Như  vậy,  đối  với  những  chúng  sanh  đã  chết,  thì trong  một  kiếp  sống  kế  tiếp,  sắc  pháp  lại  sanh  lên,  bắt đầu với tâm tục sinh, cũng theo cách đó.” (CMA, VI, §26, p.257)

Ngay tại lúc một chúng sanh tục sinh (Paṭisandhi) thì có sắc pháp (Rūpa) sanh lên. Rồi thì sắc pháp (Rūpa) sanh lên tại mỗi thời điểm hay tại thời điểm đầu tiên, hay khi sắc pháp (Rūpa) đạt đến thời điểm trụ cho đến khi chết hay một chút sau đó. Đây là sự sanh lên và diệt đi của sắc pháp (Rūpa) đối với chúng sanh dục giới (Kāmāvacara).

Trong Sắc Giới (Rūpāvacara Loka)

“Trong các cõi sắc giới, những nhóm tỷ, thiệt, thân, giới  tính  và  những nhóm  sắc  pháp  do  dưỡng  tố  tạo  thì không được tìm thấy.” (CMA, VI, §27, p.257)

Bây giờ, chúng ta đi ngược lại lúc tục sinh (Paṭisandhi). Trong sắc giới (Rūpāvacara Loka), các nhóm tỷ, thiệt, thân và giới tính không được tìm thấy vì chúng sanh ở đó không có mũi, lưỡi, thân và giới tính. Do đó, những nhóm sắc này không sanh lên cho họ. Trong thế giới của những chúng sanh sắc giới (Rūpāvacara), các nhóm tỷ, thiệt, thân và giới tính không được tìm thấy.

“Do  đó,  đối  với  những  chúng  sanh  này,  tại  thời điểm tục sinh, có bốn nhóm sắc pháp do nghiệp (kamma) tạo sanh lên …” (CMA, VI, §27, p.257)

Bốn nhóm sắc pháp do nghiệp tạo tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi) là nhóm nhãn (Cakkhu-dasaka), nhóm nhĩ (Sota-dasaka), nhóm ý vật (Vatthu-dasaka) và nhóm mạng quyền (Jīvita-navaka). Có bốn nhóm như vậy sanh lên tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi) cho những chúng sanh sắc giới (Rūpāvacara).

“Trong suốt thời gian hiện hữu, …” (CMA, VI, §27, p.257)

Tức là sau khi tục sinh (Paṭisandhi).

“… sắc pháp do tâm tạo và do nhiệt lượng tạo cũng được tìm thấy.” (CMA, VI, §27, p.257)

Các bạn phải cộng từ “cũng” vào đó. Nếu không có từ “cũng” thì nó sẽ có nghĩa khác. Tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), chỉ có bốn nhóm sắc. Nhưng trong đời sống, tức là trong suốt thời gian hiện hữu, có bốn nhóm sắc này cộng với những nhóm sắc do tâm tạo và những nhóm sắc do nhiệt lượng tạo. Có bao nhiêu nhóm sắc do tâm tạo? Có sáu nhóm sắc do tâm tạo. Có bao nhiêu nhóm sắc do nhiệt lượng tạo? Có bốn nhóm sắc do nhiệt lượng tạo. Như vậy, trong suốt thời gian hiện hữu, có sáu cộng bốn cộng bốn (nhóm nhãn, nhóm nhĩ, nhóm ý vật, nhóm mạng quyền), tức là tổng cộng có mười bốn nhóm sắc được tạo ra. Đó là cho những chúng sanh sắc giới (Rūpāvacara). “Những chúng sanh sắc giới (Rūpāvacara)” là ám chỉ đến tất cả những chúng sanh sắc giới (Rūpāvacara) trừ những chúng sanh vô tưởng. Đối với những chúng sanh vô tưởng thì có một sự khác biệt. Đối với những chúng sanh sắc giới (Rūpāvacara) thì có bốn nhóm sắc tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi): nhóm nhãn, nhóm nhĩ, nhóm ý vật và nhóm mạng quyền. Tức là có ba nhóm sắc với mười sắc pháp mỗi nhóm và một nhóm sắc với chín sắc pháp. Trong suốt thời gian hiện hữu, sáu nhóm sắc do tâm tạo và bốn nhóm sắc do nhiệt lượng tạo cũng được tìm thấy. Bốn nhóm được tìm thấy tại lúc tục sinh (Paṭisandhi) và mười bốn nhóm được tìm thấy trong suốt đời sống. Sau này, chúng ta sẽ phải tìm xem có bao nhiêu sắc pháp (Rūpa).

Những Chúng Sanh Vô Tưởng (Asañña-satta)

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu đến những chúng sanh vô tưởng (Asañña-satta).

“Trong  số  những  chúng  sanh  vô  tưởng,  thì  nhóm nhãn,  nhóm  nhĩ,  nhóm  ý  vật,  và  âm  thanh  cũng  không được tìm thấy.” (CMA, VI, §28, p.257)

Âm thanh không được tìm thấy.

“Tương  tự,  sắc  pháp  do  tâm  tạo  cũng  không  được tìm thấy.” (CMA, VI, §28, p.257)

Sắc pháp do tâm tạo (Cittaja-rūpa) không được tìm

thấy.

“Cho nên, tại thời điểm tục sinh của họ, chỉ có

nhóm mạng quyền sanh lên.” (CMA, VI, §28, p.257)

Như vậy, chỉ có một nhóm sắc tại thời điểm tục sinh đối với những chúng sanh vô tưởng (Asañña-satta).

“Trong suốt thời gian hiện hữu, sắc pháp do nhiệt lượng  tạo,  ngoại  trừ  âm  thanh,  tiếp  tục  được  sinh  ra.” (CMA, VI, §28, p.258)

Các bạn hãy nhìn vào những nhóm sắc do nhiệt lượng tạo. Có bao nhiêu nhóm? Có bốn nhóm. Trong bốn nhóm này, các bạn bỏ đi nhóm nào? Chúng ta bỏ ra hai nhóm. Chúng ta bỏ đi nhóm thứ hai, tức là nhóm cảnh thinh (Sadda-navaka) vì không có âm thanh. Chúng ta cũng phải bỏ đi nhóm thứ tư, tức là nhóm thinh đặc biệt (Sadda-lahutādi-dvādasaka). Trong bốn nhóm sắc do nhiệt lượng tạo, chỉ có nhóm thứ nhất và nhóm thứ ba là có trong thế giới của chúng sanh vô tưởng. Tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi) thì chỉ có một nhóm. Trong suốt đời sống thì có ba nhóm: nhóm mạng quyền (Jīvita- navaka), nhóm thuần khiết (Suddhaṭṭhaka) và nhóm đặc biệt (Lahutādekādasaka). Không có sắc pháp do tâm tạo và cũng không có sắc pháp do dưỡng tố tạo. Mặc dầu có dưỡng tố trong cơ thể của họ, nhưng họ không nhận dưỡng tố từ bên ngoài. Cho nên, không có sắc pháp do dưỡng tố tạo. Điều này thì giống với những Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma). Những Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma) khác cũng không có sắc pháp do dưỡng tố tạo. Điều được ghi nhận là họ không ăn cái gì cả. Họ sống bằng phỉ lạc (Pīti). Phỉ lạc (Pīti) là vật thực của họ. Vì họ không ăn cái gì cả, cho nên, họ không có sắc pháp do dưỡng tố tạo. Sắc pháp do dưỡng tố tạo thì cần phải có dưỡng tố (Āhāra) ngoại. Khi dưỡng tố (Āhāra) nội và dưỡng tố (Āhāra) ngoại gặp nhau, thì sắc pháp do dưỡng tố tạo sanh lên. Đối với những chúng sanh sắc giới (Rūpāvacara), cả hữu tưởng và vô tưởng thì không có sắc pháp do dưỡng tố tạo.

Chúng ta hãy đi đến phần cuối và rồi quay trở lại. “Như vậy, trong ba trường hợp của dục giới, sắc giới

và những chúng sanh vô tưởng, sự diễn tiến của sắc pháp

nên được hiểu là có hai: tại lúc tục sinh và trong suốt đời sống.” (CMA, VI, §29, p.258)

Có hai loại sanh lên của sắc pháp đối với những chúng sanh này: tại lúc tục sinh (Paṭisandhi) và trong suốt đời sống.

“Trong các cõi dục thì 28 sắc pháp được tìm thấy;

…” (CMA, VI, §29, p.258)

“… trong các cõi sắc giới thì 23 sắc pháp (được tìm thấy); …” (CMA, VI, §29, p.258)

Cái gì bị thiếu đi? Mũi, lưỡi, thân xác và hai sắc giới tính  thì  không  có. 28  trừ  năm  là  23.  Trong  sắc  giới (Rūpāvacara) ngoại trừ cõi vô tưởng (Asañña-satta), chỉ có 23 sắc pháp được tìm thấy. Mặc dầu họ không có thần kinh khứu giác, thần kinh vị giác và thần kinh xúc giác, nhưng họ vẫn có mũi, lưỡi và thân xác. Họ chỉ không có giác  quan. Mặc dầu  họ  không  có  giới  tính,  nhưng  điều được ghi nhận là họ giống đàn ông.

“…  trong  những  chúng  sanh  vô  tưởng  thì  17  (sắc pháp được tìm thấy); …” (CMA, VI, §29, p.258)

Trong những chúng sanh vô tưởng, những sắc pháp sau đây được tìm thấy: tứ đại, sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), sắc mạng quyền (Jīvita), dưỡng tố (Āhāra), sắc giao giới (Ākāsa), khinh (Lahutā), nhu (Mudutā), thích nghiệp  (Kammaññatā), sắc hình thành (Upacaya), sắc diễn tiến (Santati), sắc lão suy (Jaratā) và sắc vô thường (Aniccatā). Tất cả là mười bảy. Chỉ có mười bảy sắc pháp này được tìm thấy trong thế giới của những chúng sanh vô tưởng. Trong thế giới của những chúng sanh vô tưởng, có tứ đại. Có sắc cảnh sắc (Rūpa). Có sắc cảnh khí. Có sắc cảnh vị. Có sắc cảnh xúc. Mặc dầu không có thần kinh thân, nhưng họ có sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba). Có sắc mạng quyền, dưỡng tố, sắc giao giới, nhóm sắc nhẹ nhàng và vân vân, và các sắc tướng trạng.

“Tại  thời  điểm  tục  sinh,  âm  thanh,  những  sắc  đặc biệt, sắc lão suy và sắc vô thường không được tìm thấy.” (CMA, VI, §29, p.258)

Tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), không có sắc cảnh thinh; sắc cảnh thinh không thể sanh lên. Không có những sắc đặc biệt (Vikāra). Tức là không có thân biểu tri (Kāya-viññatti), ngữ biểu tri (Vacī-viññatti), khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā). Không có sắc lão suy (Jaratā). Ở đây, tại lúc tục sinh (Paṭisandhi) có nghĩa là tại tiểu sát-na đầu tiên nhất của tâm tục sinh (Paṭisandhi) do vì tại tiểu sát-na thứ hai thì có sắc lão suy (Jaratā). Sự tục sinh (Paṭisandhi) ở đây có nghĩa là tiểu sát-na đầu tiên của tâm tục sinh (Paṭisandhi). Và sắc vô thường thì không được tìm thấy. Những sắc pháp này không được tìm thấy tại thời điểm khởi đầu của kiếp sống.

“Trong  thời  gian  tồn  tại  (trong  suốt  đời  sống)  thì không có gì là không đạt được.” (CMA, VI, §29, p.258)

Tất cả 28 sắc pháp có thể sanh lên.

Bây giờ, các bạn đã biết sắc pháp sanh lên như thế nào và cuối cùng nó biến mất như thế nào trong một đời sống. Và như đã được ám chỉ trong câu kệ trên trang 257 của cuốn CMA, các giáo thọ sư cổ xưa người Miến Điện có tạo lập nên tiến trình sắc pháp (Rūpa-vīthi). Nó không được tìm thấy trong các Chánh Sớ. Đây là sản phẩm của các giáo thọ sư người Miến Điện. Nếu có tiến trình tâm thức thì cũng có thể có tiến trình sắc pháp. Họ đã thiết kế ra  điều  này.  Nó  khá  phức tạp  và  cũng  không  chính  xác lắm. Nó chỉ là một cái nhìn thoáng qua, chỉ là một mẫu trình bày sự diễn tiến của sắc pháp.

Tôi sẽ không đi qua những phần này. Nó quá phức tạp, nhưng hãy xem thử là chúng ta có thể hiểu được bao nhiêu. Mặc dầu có nhiều nhóm sắc sanh lên tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), ở đây, chúng ta chỉ lấy một nhóm thuần khiết (Suddhaṭṭhaka). Các nhóm khác có thể  hay không có thể sanh lên tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi). Nhóm bao gồm sắc cảnh thinh (Sadda) sẽ không bao giờ sanh  lên  tại  thời  điểm  tục  sinh (Paṭisandhi).  Ở  đây, chúng ta bàn đến nhóm thuần khiết (Suddhaṭṭhaka). Tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), có ba tiểu sát-na: sanh, trụ và diệt. Tại thời điểm đầu tiên đối với những chúng sanh  thai sanh,  như  người  nhân  loại  chẳng  hạn,  thì  có bao nhiêu nhóm (Kalāpa)? Có ba nhóm. Các bạn có nhớ ba nhóm này không? Chúng là nhóm thân (Kāya), nhóm giới  tính  (Bhāva)  và  nhóm  ý  vật  (Vatthu).

Ở cuối  trang 255 của cuốn CMA có ghi: “Đối  với  những  chúng  sanh  thai  sanh,  (tại  lúc  tái sanh) có ba nhóm sanh lên – nhóm thân, nhóm giới tính và nhóm ý vật (Kāya, Bhāva và Vatthu Dasaka).” (CMA, VI, §23, p.255)

Như vậy, tại thời điểm sanh tức là thời điểm sanh lên của tâm tục sinh (Paṭisandhi), ba nhóm (Kalāpa) sanh lên. Ba nhóm này sẽ tồn tại cho đến sát-na thứ mười bảy. Điều được ghi nhận là sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên tại mỗi tiểu sát-na. Tại giai đoạn trụ, ba nhóm này lại sanh lên, và như vậy là có sáu nhóm – ba nhóm mà đã sanh tại giai đoạn sanh thì tiếp tục tồn tại và tại thời điểm thứ hai, có thêm ba nhóm được cộng vào, và tại thời điểm thứ ba, tức là tại thời điểm diệt, có thêm ba nhóm được cộng vào. Do đó, có ba nhóm tại thời điểm sanh. Có sáu nhóm tại thời điểm trụ. Và có chín nhóm tại thời điểm diệt của tâm tục sinh (Paṭisandhi). Theo sau tâm tục sinh (Paṭisandhi) thì có tâm hữu phần (Bhavaṅga), nhiều tâm hữu phần (Bhavaṅga). Tại thời điểm sinh của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất, có mười hai nhóm. Tại thời điểm trụ, có mười hai cộng ba, cho nên là mười lăm. Tại thời điểm diệt, có mười lăm cộng ba, cho nên là mười tám. Như vậy, các bạn tiếp tục cộng ba  cho  đến  khi  các  bạn  đến  tâm  hướng  ý  môn (Manodvārāvajjana).      Từ      tâm      hướng      ý      môn (Manodvārāvajjana) trở đi, con số thì luôn luôn 153. Đó là vì ba nhóm sanh lên và ba nhóm diệt đi. Ba nhóm sanh lên tại thời điểm sanh của tâm tục sinh (Paṭisandhi) biến mất  tại  sát-na  hữu  phần  (Bhavaṅga) thứ  mười  sáu.  Tại thời      điểm      sanh      của      tâm      hướng     ý môn (Manodvārāvajjana),  có  ba  nhóm  được  cộng  vào.  Mặc dầu ba nhóm được cộng vào, nhưng vì có ba nhóm biến mất, cho nên con số vẫn như cũ. Con số vẫn như cũ vì có ba nhóm sanh lên và có ba nhóm diệt đi. Con số sẽ tiếp diễn  như  vậy.  Đây  là  những  nhóm  (Kalāpa) do nghiệp tạo.  Bây  giờ  các  bạn  đã  hiểu  chưa?  Để  hiểu  điều  này, trước hết, các bạn phải hiểu rằng sắc pháp do nghiệp tạo sanh lên tại mỗi tiểu sát-na. Chúng ta lấy người nhân loại làm ví dụ, thì tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), có ba nhóm (Kalāpa) sanh lên: nhóm thân, nhóm giới tính và nhóm ý vật. Ba nhóm sắc do nghiệp tạo sanh lên tại giai đoạn  sanh,  ba  nhóm  sanh  lên  tại  giai  đoạn  trụ  và  ba nhóm sanh lên tại giai đoạn diệt. Cho nên, chúng ta cộng ba, ba và ba cho đến khi chúng ta có đến 153. Sau đó, con số  được  giữ  nguyên.  Vì  vào  thời  điểm  theo  sau  đó,  ba nhóm sanh lên và ba nhóm diệt đi.

Tiếp theo là những nhóm do tâm tạo. Sắc pháp do tâm tạo sanh lên khi nào? Nó sanh lên tại thời điểm đầu tiên của tâm hữu phần đầu tiên. Nó chỉ sanh lên tại tiểu sát-na thứ nhất, chứ không phải tại mỗi tiểu sát-na. Tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất, có một nhóm (Kalāpa) do tâm tạo. Nó tiếp tục tồn tại. Tại tiểu sát-na trụ và diệt của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất, không có sự cộng thêm nào. Nhưng tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm hữu phần (Bhavaṅga)  thứ hai, một nhóm sanh lên. Cho nên, bây giờ, có hai nhóm.  Và  tại  tiểu  sát-na trụ  và  diệt  của  tâm  hữu  phần (Bhavaṅga) thứ hai, không có sự cộng thêm nào. Tại tiểu sát-na  sanh  của  tâm  hữu  phần  (Bhavaṅga)  thứ ba,  một nhóm sắc pháp do tâm tạo được cộng thêm vào. Như vậy, chúng ta có một, một, một, hai, hai, hai, ba, ba, ba và vân vân.  Những nhóm  sắc  do  tâm  tạo  sanh  lên  được  cộng thêm vào cho đến khi nào thì thôi? Những nhóm sắc do tâm  tạo  sanh  lên  được cộng  thêm vào  cho  đến  tận  tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana). Sau đó thì con  số là không  đổi  –  17,  17,  17  do  vì  một  nhóm  sanh  lên  và  một nhóm diệt đi. Như vậy, một nhóm sanh lên và một nhóm diệt đi và cứ như thế. Từ thời điểm đó trở đi thì con số là không đổi.

Bây giờ, sắc pháp do nhiệt lượng tạo (Utuja) có thể sanh lên khi nào? Nó bắt đầu sanh lên tại thời điểm trụ của  tâm  tục  sinh  (Paṭisandhi). Điều  đó  có  nghĩa  là  ba nhóm sắc do nghiệp tạo (Kammaja-kalāpa) sanh lên tại thời điểm sanh của tâm tục sinh (Paṭisandhi) đạt đến giai đoạn trụ của chúng bắt đầu tại thời điểm trụ của tâm tục sinh (Paṭisandhi).  Khi  chúng  đạt  đến  giai  đoạn  đó  thì chúng  sản  sinh  ra ba  nhóm  do  nhiệt  lượng  tạo  (Utuja- kalāpa). Rồi thì những nhóm  do nghiệp tạo  (Kammaja- kalāpa)  sanh  lên  tại  thời  điểm  trụ  của  tâm tục  sinh (Paṭisandhi)  đạt  đến  giai  đoạn  trụ  của  chúng  tại  thời điểm diệt của tâm tục sinh (Paṭisandhi). Vì chúng đã đạt đến giai đoạn trụ của chúng, chúng tạo ra thêm ba nhóm sắc  nữa.  Như  vậy,  có  sáu  nhóm. Nó  hơi  phức  tạp  một chút. Ba nhóm do nghiệp tạo (Kammaja-kalāpa) sanh lên tại thời điểm sanh của tâm tục sinh (Paṭisandhi) sẽ tồn tại cho đến sát-na thứ mười bảy. Đời sống của sắc pháp (Rūpa) là 51 tiểu sát-na. Thời điểm đầu tiên là thời điểm sanh  của  chúng.  Thời  điểm  thứ 51 là  thời  điểm  tử  của chúng. 49 tiểu sát-na ở giữa là giai đoạn trụ của chúng. Những giai đoạn sanh và diệt của tâm (Citta) và sắc pháp (Rūpa) thì như nhau. Nhưng giai đoạn trụ của sắc pháp (Rūpa) và tâm (Citta) thì khác nhau. Ba nhóm sắc (Kalāpa) sanh lên tại thời điểm sanh của tâm tục sinh (Paṭisandhi) sẽ đạt đến giai đoạn trụ của chúng tại thời điểm trụ của tâm tục sinh (Paṭisandhi). Khi chúng đạt đến giai đoạn trụ của chúng, chúng trở nên mạnh mẽ. Và do đó, chúng tạo ra ba nhóm sắc (Kalāpa). Rồi thì ba nhóm sắc (Kalāpa) sanh lên tại thời điểm trụ của tâm tục sinh (Paṭisandhi) đạt đến giai đoạn trụ của chúng tại thời điểm diệt của tâm tục sinh (Paṭisandhi). Cho nên, chúng trở nên mạnh và chúng tạo ra ba nhóm nữa. Và ba nhóm (Kalāpa) sanh lên tại thời điểm diệt của tâm tục sinh (Paṭisandhi) đạt đến giai đoạn trụ của chúng tại thời điểm sanh của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất. Cho nên, chúng sinh ra ba nhóm nữa. Như vậy, các bạn cộng ba và có 3, 6, 9, và vân vân.

Rồi thì có 13, chứ không phải 12. Điều này không dễ hiểu tí nào. Tại sao chúng ta cộng bốn ở đây? Nhóm sắc do tâm tạo (Cittaja-kalāpa) sanh lên tại thời  điểm sanh của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất đạt đến giai đoạn trụ   của   nó   tại   thời   điểm   trụ   của   tâm   hữu   phần (Bhavaṅga)  thứ  nhất.  Tại  thời  điểm  trụ  của  tâm  hữu phần (Bhavaṅga)  thứ  nhất,  chúng  ta  cộng  bốn  nhóm (Kalāpa),  chứ không phải  ba.  Ba  thì  như  thường  từ  các nhóm  do  nghiệp  tạo (Kammaja-kalāpa).  Nhóm  do  tâm tạo  (Cittaja-kalāpa)  đạt  đến  giai  đoạn  trụ  tại thời  điểm trụ của tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) thứ nhất. Nhóm này tạo ra một nhóm khác. Cho nên, chúng ta cộng bốn chứ  không  phải ba:  ba  từ  các  nhóm  do  nghiệp  tạo (Kammaja-kalāpa) và một từ nhóm do tâm tạo (Cittaja- kalāpa).  Vì  chúng  ta  cộng  bốn  nhóm  sắc  (Kalāpa), cho nên,  có  13  chứ  không  phải  12.  Sau  đó,  chúng  ta  lại  chỉ cộng ba. Và tại mỗi thời điểm trụ, chúng ta lại cộng bốn vì  nhóm  do  tâm  tạo (Cittaja-kalāpa)  sanh  lên  tại  thời điểm sanh của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ hai đạt đến giai đoạn trụ của nó tại thời điểm trụ của tâm hữu phần (Bhavaṅga)  thứ  hai.  Cho  nên,  nó  tạo  ra  một  nhóm  sắc. Rồi chúng ta cộng bốn vào 19 và chúng ta có 23. Nó cứ tiếp  diễn  như vậy.  Như  vậy,  tại  thời  điểm  trụ,  các  bạn cộng bốn và tại những thời điểm khác, các bạn cộng ba.

Bắt  đầu  tại  giai  đoạn  trụ  của  tâm  hướng  ý  môn (Manodvārāvajjana) thì con số không tăng nữa – tất cả là 170, 170, 170. Tại sao? Ba nhóm được sinh ra do sắc pháp do  nghiệp  tạo  (Kammaja-rūpa)  biến  mất  tại  thời  điểm đó. Tức là ba nhóm biến mất và bốn nhóm sanh lên. Tức là chỉ có thêm một nhóm. Đó là lý do tại sao nó là 170 mà không phải 173. Như vậy, chỉ có thêm một nhóm nữa. Và sau này, có thêm một nhóm nữa và cứ như vậy. Đây chỉ là một cái nhìn lướt qua những gì chúng ta có thể khám phá thêm về sự sanh lên của sắc pháp trong một kiếp sống. Khi chúng ta nói ba nhóm (Kalāpa), sáu nhóm (Kalāpa), ý của chúng ta không phải chỉ là ba nhóm. Ý của chúng ta là ba loại nhóm đó vì có thể có rất nhiều những nhóm đó. Tức là khi bàn về loại nhóm sắc thì chỉ có ba nhóm này. Khi chúng ta nói ba nhóm (Kalāpa), chúng ta không có ý muốn nói là chỉ có ba nhóm mà chúng ta có ý muốn nói là có ba loại nhóm. Chẳng hạn như chúng ta nói: chúng là nhóm thân (Kāya), nhóm giới tính (Bhāva) và nhóm ý vật (Vatthu). Có thể có hàng ngàn nhóm thân (Kāya). Có thể có  hàng  ngàn  nhóm  giới  tính (Bhāva).  Có  thể  có  hàng ngàn nhóm ý vật (Vatthu). Nhưng chúng ta gọi chúng là ba nhóm vì có ba loại nhóm. Đây là tiến trình diễn tiến của sắc  pháp  (Rūpa-vīthi).  Nó  không  được  nhắc  đến trong bất kỳ Chánh Sớ nào. Tại Miến Điện, đặc biệt vào những ngày xa xưa, các học viên cũng phải học điều này. Thật ra, còn nhiều hơn nữa.

Níp-bàn (Nibbāna)

Bây giờ, chúng ta đến phần cuối cùng của chương thứ sáu và đó là về Níp-bàn (Nibbāna). Có bốn sự thật chân đế. Tâm (Citta), tức là sự thật thứ nhất, được nghiên cứu và giải thích trong chương thứ nhất. Tâm sở (Cetasika) được nghiên cứu trong chương thứ hai. Trong các chương thứ ba, thứ tư và thứ năm, cả hai tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) được nghiên cứu. Trong chương thứ sáu, sắc pháp (Rūpa) được nghiên cứu. Chỉ còn lại một sự thật chân đế – đó là Níp-bàn (Nibbāna). Đây là sự miêu tả rất ngắn về Níp-bàn (Nibbāna) trong tài liệu này.

Níp-bàn (Nibbāna) được xem là Siêu thế (Lokuttara). Các bạn đã biết Lokuttara – “Loka” và “Uttara”, tức là vượt qua khỏi thế giới. Loka ở đây có nghĩa là thế giới của năm thủ uẩn. Níp-bàn (Nibbāna) được gọi là Siêu thế (Lokuttara) vì nó vượt qua khỏi năm thủ uẩn, thế giới của ngũ uẩn.

Nó được chứng ngộ bằng trí tuệ của bốn Đạo. Níp- bàn (Nibbāna) không phải là sự trống không. Níp-bàn (Nibbāna) là một cái gì đó. Nó có thể được chứng ngộ bằng trí tuệ của bốn Đạo. Tức là Níp-bàn là một sự trải nghiệm trực tiếp cho những ai đã đạt được sự giác ngộ. Chỉ khi nào một người đạt được sự giác ngộ, thì tâm trí của người đó mới có thể bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Tại thời điểm giác ngộ, tâm Đạo (Magga Citta) sanh lên. Tâm Đạo (Magga Citta) đó bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Cho nên, những ai đã trải nghiệm Đạo (Magga) và Quả (Phala) thì có thể trải nghiệm Níp- bàn (Nibbāna) hay có thể bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh một cách trực tiếp. Nhưng đối với phàm nhân (Puthujjana), thì nó không phải là sự hiểu biết trực tiếp. Nó là sự hiểu biết suy luận. Nó chỉ được chứng ngộ bằng kiến thức hay trí tuệ của bốn Đạo. Điều đó có nghĩa là Níp-bàn (Nibbāna) là một sự trải nghiệp trực tiếp cho bất cứ ai đã đạt được một trong bốn trí Đạo.

“Nó  trở thành  đối  tượng  của  những  đạo  và những quả, …” (CMA, VI, §30, p.258)

Tức là nó là đối tượng của những tâm Đạo (Magga Citta) và những tâm Quả (Phala Citta). Chúng ta đã học về điều này trong chương thứ ba. Trong chương thứ ba, có một phần trình bày và bàn về các đối tượng. Tất cả những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Níp-bàn (Nibbāna) là đối tượng của Đạo (Magga) và Quả (Phala).

Với câu văn này, Sớ Giải giải thích rằng Níp-bàn (Nibbāna) là đối tượng của Đạo (Magga) và Quả (Phala); tác giả muốn chúng ta hiểu rằng: đối với phàm nhân thì nó được hiểu thông qua suy luận. Cái chúng ta hiểu về Níp-bàn (Nibbāna) không phải là sự hiểu biết trực tiếp mà là thông qua suy luận. Có cái được gọi là Đạo (Magga) và Quả (Phala) hay có cái được gọi là sự tự tại hay an lạc khỏi những phiền não. Mặc dầu ngày nay, chúng ta không thấy những vị A-la-hán (Arahant), nhưng trong những ngày xa xưa, họ có thể thấy những vị A-la-hán (Arahant). Và họ có thể thật sự thấy những vị giải thoát hoàn toàn khỏi những phiền não, như Đức Phật và vân vân. Khi chúng ta thấy cái được gọi là sự đoạn trừ những phiền não, thì chúng ta có thể suy luận rằng có một cái gì đó không phải là pháp hữu vi, và không phải là một khái niệm, nhưng lại là đối tượng của Đạo (Magga) và Quả (Phala). Đối tượng đó là Níp-bàn (Nibbāna). Do suy luận, những ai chưa chứng đạt sự giác ngộ có thể hiểu thông qua việc suy nghĩ theo cách này rằng Níp-bàn (Nibbāna) là đối tượng của Đạo (Magga) và Quả (Phala). Tôi nhắc lại. Khi chúng ta thấy hay hiểu sự đoạn trừ phiền não, thì chúng ta có thể suy luận rằng phải có một dạng trí tuệ nào đó có thể hoàn thành việc đoạn trừ những phiền não. Bất cứ tâm (Citta) nào hay loại hiểu biết nào bắt các pháp hữu vi hay những khái niệm làm cảnh thì không có khả năng hoàn thành việc đoạn trừ những phiền não. Chỉ có loại trí tuệ mà bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh thì mới có thể tẩy trừ những phiền não. Vì có sự tẩy trừ các phiền não, cho nên chúng ta có thể suy diễn rằng phải có một cái gì đó làm đối tượng của Đạo (Magga) và Quả (Phala) do bởi Đạo và Quả hoàn thành việc tẩy trừ những phiền não. Bằng một sự suy diễn như vậy, những ai chưa giác ngộ sẽ hiểu được Níp-bàn (Nibbāna). Níp-bàn (Nibbāna) là sự trải nghiệm trực tiếp cho những ai đã chứng đạt được sự giải thoát. Đối với những người khác, thì Níp- bàn (Nibbāna) nên được hiểu thông qua suy luận hay suy diễn.

“… và được gọi là Níp-bàn (Nibbāna) vì nó là một sự tách rời khỏi tham ái mà là một sự trói buộc.” (CMA, VI, 30, p.258)

Từ “Nibbāna” được giải thích ở đây là được kết thành bởi hai từ “Ni” và “Vāna”. Các bạn phải hiểu văn phạm Pāḷi để hiểu tại sao “V” trở thành “B”. Đây thuộc về lãnh vực văn phạm. Từ Nibbāna được cấu thành bởi “Ni” và “Vāna”. Vāna được giải thích ở đây có nghĩa là sự mắc vướng hay đan dính vào nhau. Sự đan dính vào nhau này thì không là gì khác hơn ngoài tham ái. Lúc nào còn tham ái thì còn tái sanh. Tham ái thì giống như là cuộn chỉ kết nối vật này với vật khác. Sự đan dính hay cuộn chỉ đó được gọi là Vāna. “Ni” có nghĩa là thoát ra. “Nibbāna” có nghĩa là thoát ra khỏi tham ái. Thoát ra khỏi tham ái có nghĩa là Níp-bàn (Nibbāna) không thể là đối tượng của tham ái. Tham ái không thể lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Níp-bàn (Nibbāna) thì vượt ngoài tầm với của tham ái. Và cũng không có tham ái trong Níp-bàn (Nibbāna). Níp-bàn (Nibbāna) được nói là ở ngoài tham ái (Vāna). Đó là lý do tại sao nó được gọi là Níp-bàn (Nibbāna). “Ni” và “Vāna” được đặt chung với nhau và “V” được đổi thành “B”, cho nên chúng ta có “Nibbāna”. Đó là ý nghĩa được miêu tả trong cuốn CMA.

Một sự giải thích nữa được đưa ra trong phần hướng dẫn ở đây.

“Phân  tích  theo  gốc  từ  thì  từ  Nibbāna  –  từ  Pāḷi tương đương của từ Nirvāṇa trong Sanskrit – phát nguồn từ động từ “Nibbāti” có nghĩa là “bị dập tắt”. Do đó, nó biểu hiện cho sự dập tắt của những “đốm lửa” thế gian: tham, sân và si.” (CMA, VI, Guide to §30, p.259)

Đây là một nghĩa khác. Đây cũng là cách được giải thích trong những Chánh Sớ, nhưng lại không có trong cuốn Cẩm Nang này. Níp-bàn (Nibbāna) được gọi là Níp- bàn (Nibbāna) vì thông qua Níp-bàn (Nibbāna), lửa tham, sân và si bị dập tắt. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Níp-bàn (Nibbāna). Trong trường hợp đó, Níp-bàn (Nibbāna) được phát nguyên từ động từ “Nibbāti”, tức là bị dập tắt.

“Nhưng những nhà chú giải Pāḷi thì lại thích xem nó là sự phủ nhận hay “sự tách rời khỏi” (nikkhantatta) sự vướng mắc (vāna) của tham ái hơn, đó là sự phát nguyên được trình bày ở đây.” (CMA, VI, Guide to §30, p.259)

Thật ra, các nhà chú giải Pāḷi đưa ra cả hai nghĩa – bị dập tắt, tách rời khỏi, thoát khỏi tham ái.

“Vì lúc nào một người vẫn còn bị vướng mắc trong tham ái, thì người đó vẫn luẩn quẩn trong vòng luân hồi (saṃsāra), …” (CMA, VI, Guide to §30, p.259)

Nếu vẫn còn tham ái thì chúng ta không thể thoát  ra khỏi vòng luân hồi (Saṃsāra).

“… nhưng khi tất cả tham ái đã được đoạn tận, thì người  đó  chứng  đạt  Níp-bàn  (Nibbāna),  sự  giải  thoát khỏi vòng sanh tử.” (CMA, VI, Guide to §30, p.259)

Níp-bàn (Nibbāna) được phát nguyên theo hai cách. Sự dẫn nguồn ở đây trong cuốn CMA này là “Ni” cộng với “Vāna”, tức là thoát khỏi Vāna, thoát khỏi sự vướng mắc hay thoát khỏi tham ái. Một nghĩa khác là: Níp-bàn (Nibbāna) là thứ mà thông qua nó lửa tham, sân và si bị dập tắt.

Níp-bàn (Nibbāna) chỉ có một nếu nói theo  bản chất nội tại của nó và đó là sự an lạc.

“… (để phân biệt) dựa theo một nền tảng, thì nó có hai  loại,  tức  là  Níp-bàn  (Nibbāna)  hữu  dư  và  Níp-bàn (Nibbāna) vô dư.” (CMA, VI, §31, p.259)

Có hai loại Níp-bàn (Nibbāna). Trước hết, chúng ta phải hiểu là Níp-bàn (Nibbāna) thì chỉ có một nếu tính theo bản chất nội tại của nó vì Níp-bàn (Nibbāna) là sự an lạc. Nhưng chúng ta có thể nói có hai loại Níp-bàn (Nibbāna). Sự phân biệt đó là một nền tảng cho sự tham khảo. Sự phân biệt đó là những chúng sanh còn sự dư sót và những chúng sanh không còn sự dư sót. Khi chúng ta xem xét nó theo cách đó – chúng sanh còn dư sót và chúng sanh không còn dư sót – thì chúng ta có thể nói là có hai loại Níp-bàn (Nibbāna). Loại thứ nhất được gọi là “Sa-upādisesa”. Tôi muốn các bạn quen thuộc với những từ này. Các bạn có thể tìm thấy từ Sa-upādisesa này trong đoạn Pāḷi sau: “Tadetaṃ sabhāvato ekavidhampi saupādisesanibbānadhātu” (Abhidhammatthasaṅgaha, 6.63). Loại thứ hai là “Anupādisesa Nibbānadhātu”. Bây giờ, chúng ta có Sa-upādisesa. “Sesa” có nghĩa là dư sót. “Upādi” có nghĩa là các uẩn. “Sa” có nghĩa là với. Cho nên, ý nghĩa là còn dư sót các uẩn, hay hữu dư. Thành phần Níp-bàn (Nibbāna) còn dư sót các uẩn thì được gọi là Níp-bàn hữu dư (Sa-upādisesa). Anupādisesa có nghĩa là đối ngược lại với điều đó. Thành phần Níp-bàn (Nibbāna) không còn dư sót các uẩn là Níp-bàn vô dư (Anupādisesa). Nhìn theo cách này thì có hai loại Níp- bàn (Nibbāna).

  1. Loại thứ nhất là “Sa-upādisesa Nibbānadhātu”, tức là Níp-bàn hữu dư, và
  2. Loại thứ hai là “Anupādisesa Nibbānadhātu”, tức là Níp-bàn vô dư.

Khi một người chứng đạt hay giác ngộ Níp-bàn (Nibbāna), hay chúng ta lấy ví dụ của một vị A-la-hán (Arahant), thì Ngài dập tắt tất cả phiền não. Tất cả phiền não đã biến mất đối với Ngài. Phần còn dư sót là xác thân của Ngài và những tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) khác. Một vị A-la-hán (Arahant) vẫn còn xác thân vật lý và một vài tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika). Chúng được gọi là “còn dư sót”, vì khi các phiền não được tẩy trừ thì chúng vẫn còn tồn tại. Danh và sắc của một vị A-la-hán (Arahant) ở đây được gọi là Upādi-sesa (các uẩn còn dư sót), tức là còn dư sót sau sự tẩy trừ phiền não. Níp-bàn (Nibbāna) mà một người giác ngộ trong khi vẫn còn thân tâm này thì được gọi là hữu dư (Sa-upādisesa). Có loại Níp-bàn (Nibbāna) mà trở nên hiển nhiên sau sự viên tịch của vị A-la-hán (Arahant). Khi một vị A-la-hán (Arahant) viên tịch, thân xác và tâm trí của Ngài biến mất tất cả. Không còn sự sanh lên của thân xác và tâm trí. Loại Níp-bàn (Nibbāna) đó được gọi là Níp-bàn (Nibbāna) vô dư. Tức là loại Níp-bàn (Nibbāna) sau sự viên tịch của Đức Phật hay một vị A-la-hán (Arahant). Do đó, có hai loại Níp-bàn (Nibbāna).

Loại Níp-bàn (Nibbāna) thứ nhất cũng được gọi là phiền não Níp-bàn (Kilesa Parinibbāna). Nó có nghĩa là sự dập tắt những phiền não (Kilesa). Loại Níp-bàn (Nibbāna) thứ hai cũng được gọi là ngũ uẩn Níp-bàn (Khandha Parinibbāna), tức là sự dập tắt những nhóm uẩn còn dư sót. Do đó, chúng ta có:

  1. Kilesa Parinibbāna (phiền não Níp-bàn), và
  2. Khandha Parinibbāna (ngũ uẩn Níp-bàn).

Phiền não Níp-bàn (Kilesa Parinibbāna) thì giống với hữu dư y Níp-bàn (Sa-upādisesa Parinibbāna). Ngũ uẩn Níp-bàn (Khandha Parinibbāna) thì giống với vô dư y Níp-bàn (Anupādisesa Parinibbāna). Sự có mặt hay sự vắng mặt của các uẩn là nền tảng để nói là có hai loại Níp-bàn (Nibbāna).

“Nó có ba loại nếu được tính theo những khía cạnh khác  nhau  của  nó, tức  là  trống  rỗng,  vô  tướng,  và  vô nguyện.” (CMA, VI, 31, p.259)

Nó cũng có thể được miêu tả là có ba loại Níp-bàn (Nibbāna) tính theo những khía cạnh khác nhau của nó. Chúng ta gọi ba khía cạnh này là ba loại Níp-bàn (Nibbāna). Loại thứ nhất là trống rỗng, trong Pāḷi là Suñña hay Suññata. Ở đây, “Suñña” có nghĩa là không có tham, sân và si. Nó cũng được gọi là Suñña vì nó trống vắng tất cả những gì được gọi là hữu vi. Hai sự giải thích được đưa ra cho từ “trống rỗng” hay từ Suñña. Suñña có nghĩa là trống rỗng; nó không có tham, sân và si. Nó trống vắng tất cả những pháp hữu vi. Không có cái gì là hữu vi trong Níp-bàn (Nibbāna) và chính Níp-bàn (Nibbāna) là vô vi.

Cái tên thứ hai là vô tướng. Tham, sân và si được gọi là một dấu hiệu hay tướng trạng. Hữu vi thì được gọi là một tướng trạng. Níp-bàn (Nibbāna) được gọi là vô tướng vì nó tự tại khỏi các tướng trạng tham, sân và si, và nó cũng tự tại khỏi tướng trạng của các pháp hữu vi. Đây là cùng một sự giải thích.

Nó được gọi là vô nguyện vì nó giải thoát khỏi sự khao khát của tham, sân và si và cũng vì nó không được ước muốn bởi tham ái. Không được khao khát bởi tham ái có nghĩa là nó không phải là đối tượng của tham ái. Do theo những khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng có ba loại Níp-bàn (Nibbāna). Thật ra, chỉ có một Níp-bàn (Nibbāna) được biết đến bằng bản chất vốn có của nó, tức là sự an lạc.

Trước hết, có một Níp-bàn (Nibbāna). Rồi thì có hai loại Níp-bàn (Nibbāna) tùy thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các uẩn. Nó cũng có thể được xem là có ba loại tùy thuộc vào những khía cạnh của nó. Ba khía cạnh này là gì? Chúng là trống rỗng (Suñña), vô tướng (Animitta) và vô nguyện (Appaṇihita).

Chúng ta đã hoàn thành chương này.

“Những bật thiện trí vĩ đại đã giải thoát khỏi tham ái  tuyên  bố  rằng  Níp-bàn  (Nibbāna)  là  một  trạng  thái khách quan…” (CMA, VI, §32, p.260)

Níp-bàn (Nibbāna) là một trạng thái có thật. Nó không phải là sự trống không.

“… là bất tử, …” (CMA, VI, §32, p.260)

Nó bất tử vì nó không có sự khởi đầu. Nếu có sự khởi đầu thì có sự kết thúc. Chúng ta phải hiểu điều này một cách rõ ràng. Hầu như mọi lúc, chúng ta không công bằng trong những ước muốn hay khao khát của chúng ta. Chúng ta không muốn sự kết thúc, nhưng chúng ta lại muốn sự bắt đầu. Nếu các bạn không muốn sự kết thúc thì các bạn phải không muốn sự bắt đầu. Cho nên, nếu các bạn không muốn tử thì các bạn phải không muốn sanh. Khi có sanh thì ắt có tử. Đó là quy luật tự nhiên. Ở đây, Níp-bàn được nói là bất tử vì nó không có sự khởi đầu. Chúng ta không thể nói khi nào Níp-bàn sanh lên hay khi nào nó biến mất. Nó tuyệt đối không có sự kết thúc. Không có sự kết thúc đơn giản vì không có sự bắt đầu. Nó là vô vi, tức là không được duyên lên. Danh (Nāma) và sắc (Rūpa) được tạo nên bởi danh (Nāma) và sắc (Rūpa) khác. Nhưng Níp-bàn (Nibbāna) thì vô điều kiện. Níp-bàn (Nibbāna) thì không bao giờ là kết quả của một cái gì cả. Níp-bàn (Nibbāna) thì không bao giờ được tạo nên do nhân duyên nào. Nó không bị vượt qua. Điều đó có nghĩa là không có cái gì ngang bằng với nó.

Có một sự chơi chữ trong câu kệ Pāḷi. Những bậc thiện trí vĩ đại đã giải thoát khỏi tham ái thì được gọi là Vānamuttā – tác giả dùng từ “Vāna” trong từ Nibbāna. Nibbāna đến từ “Ni” và “Vāna”. Vāna được dùng ở đây để miêu tả những vị giải thoát khỏi tham ái. Cho nên, những vị giải thoát khỏi tham ái là Vānamuttā. Đây là phong cách của những tác giả. Các Ngài có thể dùng những từ tương tự, những từ có phát âm tương tự.

“Như vậy, các bậc Như Lai (Tathāgata) làm hiện bày ra bốn sự thật chân đế như thế…” (CMA, VI, §32, p.260)

Những vị Phật làm hiện bày ra những sự thật chân đế là có bốn. Chúng là tâm, tâm sở, sắc pháp và Níp-bàn (Nibbāna). Đến đây đã kết thúc phần về Níp-bàn (Nibbāna) và đã kết thúc chương thứ sáu. Và đây cũng kết thúc sự bàn luận về bốn sự thật chân đế. Cho nên, chúng ta có thể dừng ở đây nếu chúng ta muốn vì chúng ta đã học xong bốn sự thật chân đế.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app