Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I

Chương Ba: Môn (Dvāra)

Theo Môn

Khi tâm sanh lên, nó phụ thuộc vào những điều kiện khác nhau. Có bốn điều kiện để nhãn thức sanh lên. Đó là phải có con mắt, phải có cảnh sắc, phải có ánh sáng, và phải có sự chú ý. Cho nên, tâm phụ thuộc vào những điều kiện khác nhau để sanh lên. Một trong những điều kiện để tâm sanh lên được gọi là môn, tức là Dvāra. Như vậy, mắt, tai và vân vân được gọi là môn (Dvāra) trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Ở đây, nó được dùng với nghĩa là một cái cửa thông thường. Cái cửa là nơi mọi người đi vào và ra. Nếu chúng ta muốn đi ra khỏi nhà, chúng ta phải dùng cái cửa. Chúng ta đi xuyên qua cái cửa. Nếu chúng ta muốn vào nhà, chúng ta phải đi xuyên qua cái cửa. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm ý được gọi là cửa hay môn (Dvāra) trong Thắng Pháp (Abhidhamma) vì tâm sanh lên thông qua chúng. Nói một cách bóng bẩy, thì tâm thức đi xuyên qua mắt chúng ta, tai chúng ta và vân vân. Đối tượng va chạm vào tâm ý thông qua những cái cửa này. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là cửa hay môn.

Có sáu môn được dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Các bạn đã biết năm môn rồi. Môn thứ nhất là nhãn môn. Môn thứ hai là nhĩ môn. Môn thứ ba là tỷ môn. Môn thứ tư là thiệt môn. Môn thứ năm là thân môn. Nhãn môn có nghĩa là phần nhạy cảm trong con mắt. Nó được gọi là thần kinh nhãn. Nó không phải là toàn bộ con mắt. Nó là phần nhạy cảm của con mắt nơi mà cảnh sắc tác động vào. Nó có thể nằm trên võng mạc. Có nhiều phần tử vật chất ở trên đó. Chúng được gọi là thần kinh nhạy cảm.

Rồi thì nhĩ môn cũng không có nghĩa là toàn bộ lỗ tai, mà là phần bên trong tai. Đó là màn nhĩ nơi mà sóng âm tác động lên và làm cho chúng ta nghe được.

Tỷ môn cũng không phải là toàn bộ cái lỗ mũi, mà chỉ là những phần nhạy cảm trong mũi nơi mà chúng ta trải nghiệm mùi. Thiệt môn cũng có nghĩa là những phần nhạy cảm trên lưỡi nơi mà chúng ta trải nghiệm vị, tức là những tế bào cảm nhận vị chất.

Thân môn thì khác. Nhãn môn thì chỉ ở trong con mắt. Nhĩ môn thì chỉ ở trong lỗ tai. Tỷ môn thì chỉ ở trong lỗ mũi. Thiệt môn thì chỉ ở trên lưỡi. Nhưng thân môn thì có trên toàn bộ cơ thể ngoại trừ đầu của lông và tóc, trên móng và da khô. Tức là nó ở trên toàn bộ cơ thể. Đó là lý do tại sao khi bị đụng chạm vào bất kỳ nơi nào trên cơ thể, chúng ta cũng đều cảm nhận được sự đụng chạm.

Rồi thì chúng ta có ý môn. Ý môn thì khác. Ý môn là gì? Cẩm Nang CMA nói rằng tâm hữu phần (Bhavaṅga) là ý môn. Không giống như năm môn đầu tiên, ý môn thuộc về tinh thần chứ không phải vật chất. Nhãn môn thuộc về vật chất. Nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn đều thuộc về vật chất. Ý môn thì không thuộc về vật chất. Tâm ý là danh pháp (Nāma). Danh pháp (Nāma) này là cái gì? Ở đây, nó là tâm hữu phần (Bhavaṅga). Bao nhiêu tâm (Citta) có chức năng hữu phần hay hộ kiếp (Bhavaṅga)? Mười chín tâm có chức năng hữu phần (Bhavaṅga): hai tâm quan sát (Santīraṇa) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā), tám tâm quả dục giới tịnh  hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka), năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) và bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka). Chúng có những chức năng tục sinh, duy trì đời sống (hộ kiếp) và tử. Trong số đó, ý môn là hộ kiếp (Bhavaṅga). Cho nên, có mười chín tâm (Citta).

Khi cảnh quá khứ hay cảnh tương lai tác động vào tâm ý, thì nó đến thông qua ý môn này. Khi chúng ta suy nghĩ về một điều gì đó trong quá khứ, đối tượng đó đến với tâm ý của chúng ta tại ý môn này. Nó không đến thông qua con mắt, không thông qua lỗ tai bởi vì đối tượng đó không có hiện hữu bây giờ. Cho nên, chúng ta không thể thấy bằng mắt của chúng ta hay nghe bằng tai của chúng ta. Nhưng chúng ta thấy và chúng ta nghe bằng tâm trí của chúng ta. Khi chúng ta trải nghiệm những hiện tượng như vậy, thì những đối tượng đó được nắm bắt bằng ý môn này. Nguyên bản của cuốn Cẩm Nang này chỉ nói rằng hộ kiếp hay hữu phần (Bhavaṅga) là ý môn.

Một tài liệu Sớ Giải của cuốn Cẩm Nang này giải thích rằng nó là sát-na sau hữu phần (Bhavaṅga) rúng động. Tức là hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng. Cho nên, chúng ta phải hiểu hữu phần (Bhavaṅga) ở đây là hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng. Ý môn là sát-na hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng này. Nó sẽ dễ hiểu nếu các bạn nhớ tiến trình tâm thức. Giả sử chúng ta có cảnh sắc. Khi cảnh sắc đi vào tâm trí, trước hết là có hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, rồi thì đến hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và rồi đến hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng. Hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng có nghĩa là thời điểm mà dòng hữu phần (Bhavaṅga) chấm dứt hay dừng lại. Sớ Giải giải thích rằng hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng là thời điểm mà ngay sau đó tính chất hay bản chất của tâm thức (Citta) sẽ thay đổi. Cho đến thời điểm đó, bản chất của tâm (Citta) là không năng động. Và rồi với sự sanh lên của tâm hướng ngũ môn hay tâm hướng ý môn, bản chất của tâm (Citta) thay đổi thành năng động. Vị Sớ Giải đó giải thích rằng vì nó là cái cửa mà tại đó những đối tượng đi vào hay những loại tâm khác sanh lên, cho nên chúng ta phải xem rằng ý môn là hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng.

Nhưng có những giảng sư lại nghĩ khác. Ngài Leḍī Sayādaw và cũng như những giảng sư khác không cho là như vậy. Theo những giảng sư này, vì cuốn Cẩm Nang chỉ nói là hữu phần (Bhavaṅga) mà không nói rõ là hữu phần (Bhavaṅga)  dứt  dòng,  cho  nên  bất  kỳ  tâm  hữu  phần (Bhavaṅga)  nào, không  cần  phân  biệt,  đều  có  thể  là  ý môn (Mano-dvāra). Trong những Sớ Giải của bộ sách thứ hai của Thắng Pháp (Abhidhamma) và cũng trong Thanh Tịnh  Đạo  (Visuddhimagga),  có  một  câu  nói  của  Ngài Venerable  Buddhaghosa  rằng,  cửa  hay  môn  của  nhóm tâm  thứ  sáu  là  một  phần của  ý  xứ  (Manāyatana)  tức là hữu  phần  (Bhavaṅga)  (xem  Visuddhimagga,  XV,  §10, p.489).

Như vậy, trong bộ sách thứ hai của Thắng Pháp (Abhidhamma) và trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Ngài Buddhaghosa chỉ nói hữu phần (Bhavaṅga). Ngài không nói nó là hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng hay hữu phần (Bhavaṅga) rúng động.

Nhưng trong Ṭīkā, Sớ Giải của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), tác giả giải thích rằng, vì không thể có sự hướng tâm (Āvajjana) mà không có hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, cho nên chúng ta phải hiểu rằng ở đây, nó có nghĩa là hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng. Vậy theo vị giảng sư này thì chúng ta có thể hiểu rằng hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng là ý môn (Mano-dvāra). Cho nên, chúng ta có thể lấy bất cứ cái nào mà chúng ta thích – tức là không có sự phân  biệt  nào,  cứ  lấy  tâm  hữu  phần  (Bhavaṅga)  làm  ý môn  (Mano-dvāra),  hay  lấy  tâm  hữu  phần (Bhavaṅga) dứt dòng làm ý môn (Mano-dvāra).

Trong Phật giáo hay trong Thắng Pháp (Abhidhamma), tâm sanh lên thông qua sáu môn. “Thông qua” thật ra có nghĩa là tâm “phụ thuộc vào” đó mà sanh lên. Như các bạn đã biết, tâm không phải được tồn trữ tại con mắt, không phải được tồn trữ tại cảnh sắc, không được tồn trữ tại đâu cả. Khi các điều kiện cùng xuất hiện đầy đủ, tâm sẽ sanh lên. Nó giống như khi các bạn đặt kính hiển vi dưới mặt trời. Khi những tia sáng từ mặt trời hội tụ lại và khi có nhiên liệu, lửa sẽ xuất hiện. Lửa không phải được tồn trữ trong nhiên liệu, trong kính hiển vi hay trong những tia sáng mặt trời. Cũng theo cách đó, tâm thức sanh lên khi các điều kiện cùng gặp nhau.

Có bốn điều kiện đối với nhãn thức. Cũng có bốn điều kiện đối với nhĩ thức. Như vậy, tâm sanh lên phụ thuộc vào sáu môn này.

Có sáu giác quan trong Thắng Pháp (Abhidhamma), chứ không phải chỉ có năm. Giác quan thứ sáu trong Thắng Pháp (Abhidhamma) thì khác với cái thông thường được hiểu là giác quan thứ sáu. Trong ngôn ngữ thông thường, giác quan thứ sáu có nghĩa là cái gì đó như là trực giác. Nhưng ở đây trong Thắng Pháp (Abhidhamma), giác quan thứ sáu là ý môn, tức là hữu phần (Bhavaṅga).

Bây giờ, chúng ta đã biết sáu môn. Chúng ta sẽ tìm xem  có  bao  nhiêu  tâm  sanh  lên  tại  từng  môn.  Nếu  các bạn nhớ tiến trình tâm thức, thì nó sẽ dễ dàng hơn (xem CMA, IV, Table 4.1, p.155). Tiến trình tâm thức diễn tiến như  thế  này:  Hữu  phần  (Bhavaṅga)  vừa  qua,  hữu  phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng  ngũ  môn  (Pañcadvārāvajjana),  nhãn  thức,  tâm tiếp thâu, tâm quan sát, tâm đoán định, và rồi bảy sát-na đổng lực (Javana) và hai sát-na na cảnh (Tadārammaṇa). Rồi thì hữu phần (Bhavaṅga) lại sanh lên. Đó là lộ nhãn thức. Lộ nhãn thức sanh lên tại nhãn môn.

Có  bao  nhiêu  tâm  (Citta)  sanh  lên  tại  nhãn  môn? Chúng  ta  hãy  nhìn  vào  bảng  nêu  trên  trang  133  trong cuốn  Cẩm  Nang  này  (xem  CMA, III,  Table  3.4,  p.133). Khi các bạn  có  bảng  nêu  này  rồi,  thì chẳng  cần  tôi  giải thích đâu. Các bạn đã biết rồi. Có bao nhiêu tâm (Citta) sanh lên tại nhãn môn? Trước hết, tâm hướng ngũ môn sanh  lên.  Các  bạn  phải  chỉ  ra  được  ngay  tâm  này  trên bảng nêu. Như vậy, chúng ta có tâm hướng ngũ môn và rồi  nhãn  thức.  Có  bao  nhiêu  nhãn  thức?  Có  hai  nhãn thức. Và rồi cái gì đến tiếp theo? Hai tâm tiếp thâu đến sau đó. Có hai tâm quan sát được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Có một tâm quan sát  được đi  kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Và rồi có một tâm đoán định. Rồi có những đổng lực (Javana), tức là những tâm dục giới tịnh hảo  (Kāmāvacara  Sobhana  Citta).  Như  vậy,  có  29  đổng lực  dục  giới  (Kāmāvacara  Javana):  tức là  mười  hai  bất thiện (Akusala), một tiếu sinh (Hasituppāda), tám thiện dục  giới  (Kāmāvacara  Kusala)  và  tám  duy  tác  dục  giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Kiriya). 29 tâm này được gọi là đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana). Và rồi đến cái gì? Rồi thì có những tâm quả, tức là tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka). Những tâm (Citta) này sanh lên tại nhãn môn. Như vậy, các bạn có tất cả là 46 tâm (Citta).

Để tôi chỉ cho các bạn một phương thức ngắn gọn để hiểu điều này. Câu trả lời là 54 tâm dục giới (Kāmāvacara Citta) trừ đi tám. Như vậy, cũng có 46 tâm sanh lên tại nhĩ môn. Các bạn chỉ thay thế nhãn thức bằng nhĩ thức. Thay vì lấy hai tâm đầu trong ngũ song thức, các bạn lấy hai tâm tiếp theo. Cho nên, có 46 tâm (Citta) sanh lên tại nhĩ môn. Tương tự cũng có 46 tâm (Citta) sanh lên tại tỷ môn, tại thiệt môn và tại thân môn.

Khi chúng ta nói có 46 tâm (Citta) sanh lên tại nhĩ môn, chúng ta không có ý nói là chúng sanh lên cùng một lúc. Một vài tâm có thể không sanh lên ở một lúc. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.

Chúng ta hãy lấy nhãn thức làm ví dụ. Hai nhãn thức không thể sanh lên cùng một thời điểm. Nếu các bạn thấy một đối tượng đáng hài lòng, tâm quả thiện (Kusala-vipāka) sẽ sanh lên. Nếu các bạn thấy một đối tượng không đáng hài lòng, tâm quả bất thiện (Akusala- vipāka) sẽ sanh lên. Nếu chúng ta tính tất cả những tâm (Citta) sanh lên tại nhãn môn, thì chúng ta có 46. Nhưng không phải tất cả 46 tâm (Citta) này sanh lên ở cùng một lúc.

Nếu các bạn biết điều này, các bạn sẽ biết là trong tiến  trình  tâm  thức,  có  bao  nhiêu  tâm  (Citta)  được  đại diện tại mỗi sát-na tâm. Bao nhiêu tâm (Citta) được đại diện bởi tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana)? Chỉ có  một.  Bao  nhiêu  tâm  (Citta)  hoạt  động  như  là  nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa)? Có hai tâm bởi vì đối tượng có thể là đáng hài lòng hoặc không đáng hài lòng. Bao nhiêu tâm  có  thể  sanh  lên  như  là  tâm  tiếp  thâu?  Có hai  tâm. Tâm quan sát được đại diện bởi bao nhiêu tâm (Citta)? Ba  tâm  (Citta)  làm  phận  sự  quan  sát.  Bao  nhiêu  tâm (Citta)  hoạt  động  như  là những  đổng  lực  (Javana)?  29 tâm  (Citta)  hoạt  động  như  là  những  đổng  lực (Javana). Bao   nhiêu   tâm   (Citta)   hoạt   động   như   là   na   cảnh (Tadārammaṇa)?  Mười  một  tâm  (Citta)  làm  chức  năng na cảnh (hay đăng ký): đó là ba tâm quan sát và tám tâm quả  dục  giới  tịnh  hảo (Kāmāvacara  Sobhana  Vipāka). Cho  nên,  có  46  tâm  (Citta)  tại  nhãn  môn.  Có  46  tâm (Citta) tại tỷ môn. Tức là các bạn thay thế nhĩ thức bằng tỷ thức. Có 46 tâm tại thiệt môn. Và có 46 tâm tại thân môn. Những phần vừa rồi thì tương đối dễ.

Bây  giờ  chúng  ta  hãy  đến  ý  môn.  Khi  những  tâm sanh lên tại ý môn, thì chúng không sanh tại năm môn kia. Điều này xảy ra khi các bạn nhớ một cái gì đó hay khi các bạn nghĩ về một cái gì đó ở trong quá khứ hay trong tương lai và vân vân. Có bao nhiêu tâm (Citta) sanh lên tại ý môn? Có 67 tâm (Citta) sanh lên tại ý môn. Những tâm đầu tiên là gì? Hai tâm quan sát với thọ xả, rồi tâm quan sát được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Samanassa), và rồi tâm  đoán   định,   29   đổng   lực   dục   giới   (Kāmāvacara Javana)  (tức  là  mười  hai  bất  thiện  (Akusala),  một  tiếu sinh   (Hasituppāda),   tám   thiện  dục   giới   tịnh   hảo (Kāmāvacara  Sobhana  Kusala)  và  tám  duy  tác  dục  giới tịnh  hảo  (Kāmāvacara  Sobhana  Kiriya))  sanh  lên  trong những lộ tâm ý môn dục giới, và rồi 26 đổng lực (Javana) Đáo  đại  và  Siêu  thế  sanh  lên  tại  ý  môn  trong  những  lộ tâm ý môn Đáo đại và Siêu thế. Những đổng lực (Javana) Đáo  đại  và  Siêu  thế  là  năm  thiện  sắc  giới  (Rūpāvacara Kusala),  năm  duy  tác sắc giới  (Rūpāvacara  Kiriya),  bốn thiện  vô  sắc (Arūpāvacara  Kusala),  bốn  duy  tác  vô  sắc (Arūpāvacara  Kiriya)  và  tám  tâm  Siêu  thế  (Lokuttara Citta). Cho nên, có tất cả là 26 tâm.

Hãy  ghi chú  rằng  sau  này,  chúng  ta  sẽ  gọi  26  tâm (Citta) này là “Appanā”. Nếu chúng ta muốn đề cập đến chúng là một nhóm chung, thì chúng ta sẽ nói là những đổng  lực  kiên  cố  (Appanā  Javana),  tức  là  26  đổng  lực này.

Và rồi nhóm cuối cùng là tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka). Cho nên, chúng ta có tất cả là 67 tâm.

Chúng ta hãy nhìn vào biểu đồ của những tâm sanh lên tại ý môn (xem CMA, III, Table 3.4, p.133). Chúng ta đã chỉ ra những tâm này rồi. Chúng là tâm quan sát thọ xả, tâm quan sát thọ hỷ, tâm đoán định, những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana), rồi những đổng lực kiên cố (Appanā Javana) (tức là những đổng lực (Javana) Đáo đại  và  Siêu  thế),  và  rồi  tám  tâm  quả  dục  giới  tịnh  hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka). Cho nên, có tất cả là 67 tâm. 67 tâm này sanh lên tại ý môn.

Rồi thì có những tâm không phụ thuộc vào môn nào cả. Tức là chúng không sanh lên ở môn nào cả. Chúng không sanh lên tại nhãn môn, nhĩ môn và vân vân. Chúng sanh lên không dựa vào môn nào cả. Tại sao? Tâm thức có thể sanh lên không cần môn nào cả. Có mười chín tâm (Citta) có chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Chúng ta đã nói ý môn là hữu phần (Bhavaṅga). Chính chúng là những môn hay cửa. Cho nên, môn không thể sanh lên tại môn.

Có ba lý do được đưa ra trong những Sớ Giải. Nguyên nhân thứ nhất đưa ra đó là, vì những tâm (Citta) này sanh lên tại ý môn, cho nên chúng không sanh lên tại năm môn còn lại. Vì chính chúng là môn, cho nên chúng không cần môn nào khác. Chúng không bắt đối tượng đặc biệt nào cả. Chúng bắt cảnh được mang theo từ kiếp trước. Đối với điều này, các bạn phải hiểu nghiệp (Kamma), nghiệp tướng (Kamma-nimitta) và thú tướng (Gati-nimitta). Vì đối tượng của chúng là cảnh của đổng lực (Javana) trong lộ cận tử của kiếp quá khứ, cho nên chúng không bắt cảnh mới nào trong kiếp sống này. Vì chúng không bắt cảnh mới nào trong kiếp sống này, cho nên chúng không cần môn (Dvāra). Vì vậy, những tâm (Citta) có chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti) thì được nói là không cần môn. Có mười chín tâm (Citta) là không cần môn. Mười chín tâm (Citta) đó là những tâm nào? Hai tâm quan sát được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā), và rồi tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka), năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka), bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) (tức là chín quả Đáo đại (Mahaggata Vipāka)) là những tâm (Citta) không cần môn. Như vậy, có tất cả là mười chín tâm (Citta). Nếu các bạn quay ngược lại phần về chức năng, các bạn sẽ nhớ lại rằng mười chín tâm (Citta) này có chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti).

Phần kia giúp phần này. Đó là lý do tại sao tôi đã nói với các bạn là hãy quen thuộc với chương trước và những phần trước để các bạn có thể dễ dàng hiểu những điều được dạy tiếp theo.

Chúng ta hãy đi ngược lại những tâm sanh lên tại nhãn môn. Không phải tất cả 46 tâm (Citta) sẽ sanh lên tại một thời điểm. Các bạn đã biết điều đó. Chúng ta hãy lấy một vài ví dụ trong số những tâm (Citta) này. Trước hết là nhãn thức. Nếu đối tượng là không được hài lòng, thì tâm quả bất thiện (Akusala-vipāka) sẽ sanh lên. Nếu đối tượng là được hài lòng, thì tâm quả thiện (Kusala- vipāka) sẽ sanh lên. Cho nên, tùy thuộc vào chất lượng của đối tượng, những tâm này sẽ sanh lên từng cái một ở mỗi thời điểm. Lại nữa, nếu đối tượng là không được hài lòng, tâm tiếp thâu sẽ là quả bất thiện (Akusala-vipāka). Nếu đối tượng là được hài lòng, nó sẽ là quả thiện (Kusala-vipāka).

Chúng ta cũng có tâm quan sát. Với tâm quan sát  thì có một chút khác biệt. Nếu đối tượng là rất đáng hài lòng, thì tâm quan sát sẽ được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Nếu đối tượng chỉ là được hài lòng thông thường, thì tâm quan sát sẽ được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Tôi nghĩ tôi đã giải thích về vấn đề này trong chương thứ nhất.

Chúng ta hãy đi đến những đổng lực (Javana). Tại những đổng lực (Javana), chúng ta có thể có đổng lực thiện (Kusala Javana) hay đổng lực duy tác (Kiriya Javana) hay đổng lực bất thiện (Akusala Javana). Bất kỳ đối tượng là đáng hài lòng hay không đáng hài lòng, chúng ta đều có thể có đổng lực thiện (Kusala Javana) hay đổng lực bất thiện (Akusala Javana). Chúng ta có tâm thiện (Kusala), duy tác (Kiriya) hay bất thiện (Akusala) tùy thuộc vào cái gì? Điều này tùy thuộc vào thái độ của chúng ta về sự vật. Trong Pāḷi, nó được gọi là tác ý khéo (Yoniso-manasikāra). Nếu chúng ta có sự chú ý đúng đắn (tức là nếu chúng ta có thái độ đúng đắn về sự vật), thì chúng ta sẽ có thiện (Kusala) mặc dầu đối tượng có thể là không được hài lòng. Mặc dầu chúng ta thấy một cái gì đó xấu, mặc dầu chúng ta thấy điều mà chúng ta không muốn thấy, nhưng những sát-na đổng lực (Javana) vẫn có thể là thiện (Kusala) nếu chúng ta có tác ý khéo (Yoniso- manasikāra). Với sự hiện diện của tác ý khéo (Yoniso- manasikāra) hay do sự vắng mặt của tác ý khéo (Yoniso- manasikāra), mà đổng lực thiện (Kusala Javana) hay đổng lực bất thiện (Akusala Javana) sẽ hiện hữu.

Khi những tâm này sanh lên trong dục giới (Kāmāvacara), thì na cảnh (Tadārammaṇa) cũng sanh lên. Trong sắc giới (Rūpāvacara) và vô sắc giới (Arūpāvacara), những tâm na cảnh (Tadārammaṇa) không sanh lên. Trong trường hợp này, nhãn thức sẽ chỉ sanh lên trong sắc giới (Rūpāvacara) vì không có vật chất trong vô sắc giới (Arūpāvacara), nhưng sẽ không có na cảnh (Tadārammaṇa) trong những lộ trình tâm thức của những chúng sanh này.

Tùy thuộc vào chất lượng của cá nhân, nếu những tâm (Citta) này sanh lên trong tâm trí của những phàm nhân (Puthujjana) và ba Thánh nhân bậc thấp, thì những đổng lực (Javana) nào sẽ sanh lên: bất thiện (Akusala), thiện (Kusala) hay duy tác (Kiriya)? Những đổng lực thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala) sẽ sanh lên. Nhưng đối với những vị A-la-hán (Arahant), khi những tâm này sanh lên, thì chúng sẽ chỉ là những đổng lực duy tác (Kiriya Javana). Tùy thuộc vào đối tượng, tùy thuộc vào địa điểm (tức là trong cõi nào, trong giới nào những tâm này sanh lên, và những tâm này sanh lên trong những chúng sanh nào) và phụ thuộc vào sự hiện hữu hay vắng mặt của tác ý khéo (Yoniso-manasikāra), mà tâm sanh lên có thể khác nhau.

Chúng ta hãy đi đến ý môn. Có 67 tâm sanh lên tại ý môn. Các bạn hãy nhớ những chức năng. Tâm thứ nhất là tâm quan sát được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Tâm này sanh lên tại ý môn với chức năng gì? Trước hết các bạn phải biết tâm này có bao nhiêu chức năng. Nó có năm chức năng. Đó là tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga), tử (Cuti), quan sát (Santīraṇa) và na cảnh (Tadārammaṇa). Nhưng khi sanh lên tại ý môn, thì nó có bao nhiêu chức năng? Nó có giữ chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti) không? Không. Khi chúng ta nói rằng tâm quan sát thọ xả (Upekkhā) sanh lên tại ý môn, ý của chúng ta là lúc nó làm chức năng na cảnh. Khi nó hoạt động như là tâm quan sát (Santīraṇa), thì nó sanh lên tại năm môn còn lại.

Chúng ta hãy đi đến tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka). Những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta) có bao nhiêu chức năng? Chúng có bốn chức năng: tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga), tử (Cuti) và na cảnh (Tadārammaṇa). Ở đây cũng vậy, khi tám dục giới (Kāmāvacara Citta) này làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti), thì chúng không sanh lên tại ý môn. Chỉ khi nào có chức năng na cảnh, thì chúng mới sanh lên tại ý môn.

Có 67 tâm sanh lên tại ý môn, nhưng chúng ta phải hiểu dựa vào hay thông qua chức năng của chúng. Khi chúng ta nói tâm quan sát thọ xả sanh lên tại ý môn, ý của chúng ta là lúc chúng có chức năng đăng ký (na cảnh). Khi chúng hoạt động như là tâm quan sát (Santīraṇa), thì chúng lại sanh lên tại năm môn còn lại. Điều này cũng tương tự đối với những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta).

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào những tâm không phụ thuộc vào môn. Tâm quan sát thọ xả đôi lúc không phụ thuộc vào môn. Khi chúng không phụ thuộc vào môn, chúng có chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Mặc dầu những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta) có bốn chức năng, nhưng khi chúng không phụ thuộc vào môn, thì chúng có chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Tâm quan sát thọ xả và những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta) phải được hiểu theo chức năng của chúng. Những tâm cuối cùng là chín tâm quả Đáo đại. Chúng chỉ có ba chức năng, nhưng chúng luôn luôn là không phụ thuộc vào môn. Những tâm (Citta) quan sát được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) và những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta) đôi lúc là không phụ thuộc vào môn và đôi lúc chúng sanh lên tại một môn nào đó. Đôi lúc chúng sanh lên tại ý môn và đôi lúc không ở môn nào cả.

Bây giờ, chúng ta sẽ tìm xem những tâm (Citta) nào sanh lên chỉ tại một môn, những tâm (Citta) nào sanh lên tại năm môn, những tâm (Citta) nào sanh lên tại sáu  môn và những tâm (Citta) nào sanh lên không tại môn nào cả. Cuốn CMA nói như sau:

“36  tâm  sanh  lên  tại  một  môn,  …”  (CMA,  III,  §15, p.134)

Như vậy phải có 36 tâm sanh lên tại một môn. Các bạn có thể tìm ra chúng không? Có 36 tâm tất cả. 36 tâm này chỉ sanh lên tại một môn. Nhãn thức chỉ sanh lên tại nhãn môn. Nhĩ thức chỉ sanh lên tại nhĩ môn và vân vân. Thân  thức  chỉ  sanh  lên  tại  thân  môn.  Và  26  đổng  lực (Javana)  Đáo  đại  và Siêu  thế  chỉ  sanh  lên  tại  ý  môn. Chúng là những tâm (Citta) chỉ sanh lên tại một môn. Tuy rằng môn thì khác nhau đối với từng tâm, nhưng chúng sanh lên chỉ tại một môn – nhãn môn, nhĩ môn và vân vân. Có bao nhiêu tâm (Citta) sanh lên tại một môn? Có 36 tâm (Citta) sanh lên tại một môn. Có bao nhiêu tâm sanh lên tại hai môn? Không có tâm nào. Có bao nhiêu tâm sanh lên tại ba môn? Không có tâm nào. Tại bốn môn? Cũng không có tâm nào. Có bao nhiêu tâm (Citta) sanh lên tại năm môn? Chỉ có ba tâm sanh lên tại năm môn. Ba tâm này là gì? Chúng là tâm hướng ngũ môn và hai tâm tiếp thâu. Ba tâm này sanh lên tại năm môn.

Giá như chúng ta đã học về lộ trình tâm tại ý môn thì mọi việc sẽ rõ ràng hơn. Trong tiến trình tâm thức tại ý môn, không có hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) và không có tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) (xem CMA, IV, Table 4.3, p.166). Cho nên, có ba tâm sanh  lên tại năm môn. Năm môn ở đây nghĩa là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân môn. Ba tâm này là hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) và hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana).

Ba tâm này được gọi chung là ý giới (Mano-dhātu). Các bạn hãy ghi nhận điều này. Sau này, chúng ta có thể dùng thuật ngữ này để chỉ cho ba tâm này. Khi chúng ta nói ý giới (Mano-dhātu), hãy hiểu rằng đó là ba tâm này – tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana Citta) và hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana Citta).

Rồi thì có những tâm sanh lên tại sáu môn. Ở đây chúng ta sẽ phân biệt những tâm luôn luôn sanh lên tại sáu môn và những tâm chỉ đôi lúc sanh lên tại sáu môn. Cuốn CMA nói như sau:

“36 tâm sanh lên tại một môn, ba tâm sanh lên tại năm  môn,  31  tâm  sanh  lên  tại  sáu  môn,  …”  (CMA,  III, 15, p.134)

Tức  là  31  tâm  (Citta)  luôn  luôn  sanh  lên  tại  sáu môn. Tâm quan sát thọ hỷ, tâm đoán định và 29 đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) thì luôn luôn sanh lên tại sáu  môn.  31  tâm  (Citta)  này  luôn  luôn  sanh  lên  tại  sáu môn.

Rồi thì có bao nhiêu tâm (Citta) đôi lúc sanh lên tại sáu môn? Tức là đôi lúc chúng sanh lên tại sáu môn và đôi lúc chúng là không phụ thuộc vào môn nào. Những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta) và những tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa Citta) đôi lúc sanh lên tại sáu môn.

Có bao nhiêu tâm (Citta) sanh lên không phụ thuộc vào môn nào cả? Lại nữa, ở đây, chúng ta phải phân biệt giữa đôi lúc và luôn luôn. Có bao nhiêu tâm đôi lúc sanh lên? Có mười tâm. Chúng là hai tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa) và tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka). Có bao nhiêu tâm (Citta) luôn luôn không phụ thuộc vào môn? Có chín tâm (Citta), đó là chín tâm quả Đáo đại, tức là những tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) và những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).

Chúng ta sẽ ôn lại một lần nữa. Có bao nhiêu tâm (Citta) sanh lên tại chỉ một môn? Có 36 tâm (Citta) sanh lên tại chỉ một môn. Có bao nhiêu tâm (Citta) sanh lên tại năm môn? Có ba tâm (Citta) sanh lên tại năm môn. Có bao nhiêu tâm (Citta) luôn luôn sanh lên tại sáu môn? 31  tâm  (Citta)  luôn  luôn  sanh lên  tại  sáu  môn.  Có  bao nhiêu tâm (Citta) đôi lúc sanh lên tại sáu môn? Có mười tâm  (Citta).  Có  bao  nhiêu  tâm  (Citta)  luôn  luôn  không phụ thuộc vào  môn  nào?  Có  chín  tâm  (Citta).  Có  bao nhiêu tâm (Citta) đôi lúc không phụ thuộc vào môn nào? Có mười tâm (Citta).

Chúng ta hãy nhìn vào tâm đoán định. Tâm đoán định sanh lên tại bao nhiêu môn? Nó sanh lên tại tất cả sáu môn. Tâm (Citta) đoán định là gì? Nó là tâm hướng ý môn. Nó có bao nhiêu chức năng? Nó có hai chức năng: hướng tâm và đoán định. Khi nó có chức năng hướng tâm, thì nó sanh lên tại ý môn. Đó là sự khác biệt. Mặc dầu chúng ta nói rằng nó sanh lên tại tất cả sáu môn, nhưng nó có sự khác biệt trong chức năng. Khi nó sanh lên tại năm môn còn lại (nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn), thì nó có chức năng đoán định.  Khi nó sanh lên tại ý môn, thì nó có chức năng hướng tâm, tức là nó nhận lãnh trách nhiệm của tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana). Trong tiến trình tâm thức tại ý môn, chúng ta không có tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana). Thay vào đó chúng ta lại có Manodvārāvajjana, tức là hướng ý môn.

Tốt. Có 36 tâm (Citta) sanh lên tại một môn. Các bạn có thể tìm ra chúng không? Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và rồi những đổng lực kiên cố (Appanā Javana) – tức là những đổng lực (Javana) Đáo đại và Siêu thế – là những tâm (Citta) sanh lên tại một môn. Như vậy, có tất cả là 36 tâm (Citta) sanh lên tại một môn.  Tức  là  ngũ  song  thức  (Dvipañcaviññāṇa)  và  26 đổng lực kiên cố (Appanā Javana).

Chỉ có ba tâm (Citta) sanh lên tại năm môn. Chúng là hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) và hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana).

Có  31  tâm  (Citta)  luôn  luôn  sanh  lên  tại  sáu  môn. Đó   là   tâm   quan   sát   thọ   hỷ,   tâm   hướng   ý   môn (Manodvārāvajjana)     và     29    đổng     lực     dục     giới (Kāmāvacana Javana).

Có mười tâm đôi lúc sanh lên tại sáu môn – hai tâm quan sát thọ xả và tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka).

Có chín tâm luôn luôn sanh lên không phụ thuộc vào môn nào. Chúng là năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) và bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).

Có mười tâm đôi lúc sanh lên không phụ thuộc vào môn nào. Chúng là hai tâm quan sát thọ xả và tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka).

Như vậy, chúng ta đã liệt kê tất cả những tâm (Citta) với môn (Dvāra) tương ứng của chúng. Đây là những cách tâm thức (Citta) được phân tích theo môn (Dvāra).

Theo Đối Tượng (Cảnh)

Bây giờ chúng ta hãy phân tích theo đối tượng. Sự phân tích theo môn thì không khó. Nó không phức tạp lắm. Nó rất dễ nếu các bạn nhớ được những gì đã học.

Điều quan trọng là các bạn phải nhớ lại những điều các bạn đã học. Trong phần phân tích về môn, chúng ta phải nhắc lại và đề cập đến những chức năng. Tức là để hiểu sự phân tích theo môn, chúng ta phải quen thuộc với những chức năng. Nếu chúng ta biết những chức năng thì phần về môn trở nên rất dễ dàng.

Phần tiếp theo là về đối tượng hay cảnh. Phân tích theo đối tượng hay theo cảnh thì phức tạp. Đối tượng hay cảnh được gọi là Ārammaṇa hay Ālambana. Hai từ này cùng nghĩa và có nghĩa là đối tượng. Các bạn có thể thấy từ “Ārammaṇa” trong cuốn Cẩm Nang CMA. Ārammaṇa có nghĩa là nơi mà những tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika) hân hoan hay vui mừng. Khi có đối tượng, thì tâm (Citta) luôn luôn sanh lên. Tâm (Citta) không thể không có đối tượng. Vì tâm (Citta) không thể sống mà không có đối tượng, cho nên nó được gọi là có sự hân hoan hay khoái lạc trong những đối tượng.

Một từ khác là Ālambana. Nó có nghĩa là nắm vào hay bám vào. Không có đối tượng thì tâm (Citta) không thể sanh lên bởi vì tâm (Citta) được định nghĩa là sự nhận thức cảnh. Vì nó là sự nhận thức cảnh, nó không thể sanh lên mà không có cảnh. Vì nó cần đối tượng để bám vào để sanh lên, nên trong Pāḷi đối tượng được gọi là “Ālambana”. Nó được so sánh như là một cây gậy chống của một người già. Nếu các bạn không thể đi lại nhanh nhẹn được, thì các bạn phải dùng cây gậy để giúp đỡ các bạn. Hay nó được so sánh như một sợi dây thừng nối giữa hai vị trí. Đối với một người mù hay một người gặp khó khăn trong việc đi lại, thì người đó có thể nắm vào sợi dây thừng và đi lại. Cho nên, những đối tượng là những thứ mà tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) nắm bắt vào. Cho nên, chúng được gọi là Ālambana. Cả hai từ này được    dùng    trong   những   tài    liệu    Thắng    Pháp (Abhidhamma).

Theo  Thắng  Pháp  (Abhidhamma)  thì  có  sáu  đối tượng. Các bạn đã biết năm loại đầu tiên. Năm loại đầu tiên là gì? Chúng là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí (hay hương),  cảnh  vị  và  cảnh  xúc.  Cảnh  sắc  là  một  loại  sắc pháp. Có tất cả 28 sắc pháp được miêu tả trong chương thứ sáu. Cảnh sắc là một loại sắc pháp. Cảnh thinh là một loại sắc pháp. Cảnh khí (hay hương) là một loại sắc pháp. Cảnh vị là một loại sắc pháp. Cảnh xúc thì lại khác. Cảnh xúc thì được xem là bao gồm ba yếu tố trong Tứ Đại. Tứ Đại là đất, nước, lửa, gió. Trong Tứ Đại, thì nước không thể đụng chạm được. Các bạn không thể đụng chạm được yếu  tố  nước.  Cái  mà  chúng  ta  gọi  là  cảnh  xúc,  cái  mà chúng ta có thể đụng chạm được chỉ là sự kết hợp của ba yếu tố còn lại: đất, lửa và gió. Bất cứ khi nào chúng ta nói cảnh xúc, bất cứ khi nào chúng ta nói sự đụng chạm, thì ý của chúng ta là nói về ba yếu tố này. Ba yếu tố này được gọi là những yếu tố cơ bản hay những yếu tố thiết yếu. Những  sắc  pháp  còn  lại  (ngoài  Tứ  Đại)  thì  được  gọi  là Upādā-rūpa, tức là sắc y đại sinh, tức là những sắc phụ thuộc.  Cho  nên,  cảnh  sắc,  cảnh  thinh,  cảnh  khí  (hay hương) và cảnh vị là những sắc phụ thuộc. Nói cách khác, chúng thuộc vào 24 sắc y đại sinh. Nhưng cảnh xúc thì lại là sự kết hợp của ba yếu tố cơ bản. Và theo Thắng Pháp (Abhidhamma), thì yếu tố nước không thể bị đụng chạm được.

“… theo Thắng Pháp (Abhidhamma), (yếu tố nước) không thể được trải nghiệm như là một phần tử của cảnh xúc  mà  chỉ  có  thể  nhận  thức  được  thông  qua  ý  môn.” (CMA, III, Guide to §16, p.136)

Đặc tính của yếu tố nước là tan chảy hay gắn kết. Chúng ta không thể đụng chạm được sự tan chảy hay gắn kết đó. Khi chúng ta đưa tay chúng ta vào nước, chúng ta cảm giác sự xúc chạm của nước. Cái đó không phải là yếu tố nước mà là sự kết hợp của ba yếu tố còn lại của Tứ Đại. Chúng ta cảm giác nước là nóng hay lạnh. Cái đó là yếu tố lửa. Nhưng chúng ta không thể đụng chạm được yếu tố gắn kết. Yếu tố này chỉ có thể hiểu được bằng tâm ý mà thôi. Như vậy, bây giờ chúng ta có cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị và cảnh xúc. Năm đối tượng này chỉ là sắc pháp.

Đối tượng thứ sáu được gọi là “cảnh pháp (Dhamma)”. Trong cuốn cẩm nang CMA này, nó được chuyển ngữ là “cảnh thuộc về tinh thần”. Điều đó không chính xác, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể dùng nó nếu chúng ta định nghĩa “cảnh thuộc về tinh thần” ở đây là những cái khác ngoài năm đối tượng đã được đề cập trước. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể vẫn dùng cảnh thuộc về tinh thần. Nhưng tôi thích để nó như vậy không chuyển ngữ và chỉ gọi nó là cảnh pháp (Dhamma).

Cảnh pháp (Dhamma) thì không chỉ có một. Có bao nhiêu cảnh pháp (Dhamma)? Có sáu cảnh pháp (Dhamma). Loại thứ nhất được gọi là sắc thần kinh. Nhãn môn là sắc thần kinh. Nhãn môn có nghĩa là thần kinh nhãn. Như vậy, chúng ta có thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỷ, thần kinh thiệt, thần kinh thân. Chúng được gọi là những cảnh pháp (Dhamma). Thần kinh nhãn và vân vân không thể được nhìn thấy với con mắt. Chúng ta chỉ có thể trải nghiệm chúng thông qua tâm ý.

Rồi loại cảnh pháp (Dhamma) thứ hai là sắc tế.

Trong số 28 sắc pháp, mười hai sắc pháp được gọi là thô và mười sáu được gọi là tế. Một trong số chúng là yếu tố nước. Yếu tố nước được gọi là sắc tế. Sắc tố nam, sắc tố nữ, sắc ý vật, sắc dưỡng tố cũng là những sắc tế. Có mười sáu  sắc  tế  và  mười  hai  sắc  thô.  Ở  đây,  loại  cảnh  pháp (Dhamma) thứ hai là những sắc tế.

Và rồi tâm (Citta), tất cả tâm (Citta), là một cảnh pháp (Dhamma). Những loại sắc pháp khác nhau, dầu là thần kinh hay tế hay thô, thì luôn luôn là cảnh hay đối tượng. Chúng không thể bắt đối tượng bởi vì chính chúng là đối tượng và chúng không có khả năng nhận thức. Nhưng tâm (Citta) thì khác. Tâm (Citta) có thể bắt cảnh và cũng có thể là cảnh. Ở đây, tâm (Citta) được bao gồm trong những cảnh pháp (Dhamma). Vì tất cả các bạn là những người hành thiền, tôi không cần phải giải thích chi tiết. Các bạn thực hành thiền và các bạn cố gắng chánh niệm với những suy nghĩ của các bạn đang chạy chỗ này chỗ kia. Cho nên, một tâm (Citta) này là đối tượng của một tâm (Citta) khác. Và các bạn ghi nhận. Đó là một tâm (Citta), tức là tâm (Citta) ghi nhận. Và rồi tâm (Citta) được ghi nhận là một tâm (Citta) khác. Cho nên, tâm (Citta) có thể là cả tác nhân và đối tượng, nhưng dĩ nhiên không phải trong cùng một thời điểm. Một tâm (Citta) không thể vừa là tác nhân vừa là đối tượng tại cùng một thời điểm. Như vậy, tâm (Citta) được bao gồm trong những cảnh pháp (Dhamma) bởi vì nó không được bao gồm trong năm sắc cảnh (tức là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc).

Những tâm sở (Cetasika) cũng có thể là những đối tượng của tâm (Citta). Khi chúng đi kèm theo tâm (Citta) ghi nhận, thì chúng thuộc vào tác nhân. Khi chúng thuộc vào tâm (Citta) được ghi nhận, thì chúng cũng là đối tượng. Khi các bạn thực hành thiền, các bạn nhận thức sự dính mắc hay sự giận dữ của các bạn, hay các bạn ghi nhận những cảm xúc hay cảm thọ nào đấy. Lúc đó, những tâm sở (Cetasika) trở thành đối tượng của tâm (Citta) của các bạn. Những tâm sở (Cetasika) cũng có thể được trải nghiệm tại ý môn.

Loại cảnh pháp (Dhamma) tiếp theo là Níp-bàn (Nibbāna). Níp-bàn (Nibbāna) chỉ có thể được nhận thấy tại ý môn. Nó cũng là một cảnh pháp (Dhamma).

Loại cảnh pháp (Dhamma) tiếp theo là những khái niệm. Tức là sự thật chế định như đàn ông, đàn bà, nhà, xe và vân vân. Tất cả những cái này được gọi là những khái niệm. Những khái niệm này cũng được trải nghiệm hay nhận biết tại ý môn, chứ không phải nhãn môn. Điều này thì hơi lạ. Tôi thấy cái này và tôi không thấy cái này. Tôi không thấy cái micro hay tôi thấy cái micro: cái nào đúng? Cả hai đều đúng. Trong nghĩa chế định thì đúng là tôi thấy cái micro. Nhưng trong nghĩa tuyệt đối thì không có micro nào cả mà chỉ là những phần tử vật chất. Cái micro chỉ là một khái niệm. Những khái niệm chỉ có thể được hiểu thông qua ý môn, chứ không phải nhãn môn.

Để thấy một cái gì đó, các bạn cần nhiều lộ trình tâm thức. Các bạn cần năm lộ tâm thức. Hai lộ đầu tiên lấy sự thật chân đế làm đối tượng. Ba lộ còn lại lấy khái niệm làm đối tượng. Chỉ sau năm lộ này hay chỉ tại thời điểm của lộ thứ năm các bạn mới biết: tôi thấy một cái micro; tôi thấy một chiếc xe; tôi thấy một người đàn ông. Những khái niệm về đàn ông, đàn bà, xe hay micro thì được biết thông qua ý môn, chứ không qua nhãn môn, nhĩ môn hay vân vân.

Sáu loại này được gọi là những cảnh pháp (Dhamma). Nếu các bạn muốn gọi chúng là cảnh thuộc về tinh thần cũng được, miễn là các bạn hiểu cảnh thuộc về tinh thần bao gồm là những cái gì. Một lần nữa, có bao nhiêu cảnh pháp (Dhamma)? Có sáu cảnh pháp (Dhamma). Chúng là sắc thần kinh, sắc tế, tâm (Citta), tâm sở (Cetasika), Níp-bàn (Nibbāna) và khái niệm.

Chúng ta hãy dừng tại đây. Có sáu đối tượng. Các bạn hãy hiểu sáu đối tượng này. Đối tượng thứ nhất là cảnh sắc. Các bạn biết chúng. Đối tượng thứ hai là cảnh thinh. Cái đó thì rõ ràng. Và rồi có cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc. Chúng rất dễ để hiểu. Rồi thì những cảnh pháp (Dhamma) là sắc thần kinh, sắc tế, tâm (Citta), tâm sở (Cetasika), Níp-bàn (Nibbāna) và những khái niệm. Tuần sau chúng ta sẽ học những tâm (Citta) nào bắt những cảnh nào.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Học viên: Chúng ta có mười chín tâm (Citta) thực hiện các chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Chúng ta có tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta), bốn hợp trí và bốn ly trí. Những Sớ Giải có nói thêm về điều gì xảy ra khi chúng ta có sự tục sinh (Paṭisandhi) hợp trí hay sự tục sinh (Paṭisandhi) ly trí không? Thêm nữa, chúng ta có hai tâm quan sát thọ xả (Upekkhā), một với thiện (Kusala) và một với bất thiện (Akusala), chúng ta có thể nói khi nào một người có sự tục sinh (Paṭisandhi) với thiện (Kusala) hay sự tục sinh (Paṭisandhi) với bất thiện (Akusala) không? Những Sớ Giải có đưa thêm chi tiết không?

Sayādaw: Các bạn có thể đợi không? Nếu các bạn không thể đợi, các bạn nên đọc chương thứ năm. Nó được giải thích ở đó. Nếu một chúng sanh sinh ra trong bốn khổ cảnh, thì tâm tục sinh (Paṭisandhi) của chúng sanh đó sẽ là tâm quan sát thọ xả quả bất thiện (Akusala- vipāka Upekkhā Santīraṇa). Nếu một chúng sanh sinh ra làm người nhưng mù hay điếc bẩm sinh hay cái gì tương tự như vậy, thì tâm tục sinh (Paṭisandhi) của chúng sanh đó có thể là tâm quan sát thọ xả quả thiện (Kusala-vipāka Upekkhā Santīraṇa). Những điều này đều được giải thích trong chương đó.

Học viên: Khi một người có một ký ức và người đó thấy nó trong tâm ý của mình, thì người đó không thấy nó tại nhãn môn phải không? Nhưng nếu chúng ta đang thấy nó – tôi không hiểu.

Sayādaw: Đúng. Bởi vì các bạn không thấy nó bằng mắt của các bạn. Thậm chí khi các bạn nhắm mắt lại, các bạn vẫn có thể thấy hình ảnh đó trong tâm trí của các bạn. Tức là các bạn không nhìn thấy bằng mắt của mình.

Học viên: Vậy thì người đó đang thấy cảnh nào trong sáu cảnh?

Sayādaw: Nó có thể là bất cứ cảnh nào. Các bạn có thể gợi lại trong tâm trí của các bạn một cái gì đó mà các bạn đã thấy hoặc đã nghe. Một người nào đó đã nói một cái gì đó, và bây giờ các bạn nghe nó không phải trong tai mà là trong tâm trí của các bạn. Thật ra, không có cảnh nào là không thể được trải nghiệm tại ý môn, ngoại trừ cảnh sắc hiện tại và vân vân. Chúng có thể được trải nghiệm tại năm giác quan và cả tại ý môn.

Học viên: [Không nghe rõ].

Sayādaw: Năm cảnh này thuộc vào ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cảnh hiện tại là cảnh của tiến trình tâm thức tại nhãn môn, tiến trình tâm thức tại nhĩ môn và vân vân. Cảnh sắc quá khứ hay cảnh sắc tương lai chẳng hạn, lại là những đối tượng của ý môn. Các bạn thấy hoặc nghe đối tượng tại ý môn. Khi những cảnh này được bắt tại ý môn, chúng hầu hết là quá khứ hay tương lai. Nhưng nếu các bạn có thần thông (Abhiññā), thì các bạn có thể thấy những hình ảnh ở xa bằng tâm trí của các bạn hay các bạn có thể nghe những âm thanh ở xa bằng tâm trí của các bạn. Trong trường hợp đó, cái mà các bạn thấy và cái mà các bạn nghe cũng là hiện tại. Đôi lúc những đối tượng là quá khứ hay tương lai, và đôi lúc chúng là hiện tại.

Học viên: Bạch Ngài, chúng ta không giống như chúng ta bảy năm về trước. Theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta thay đổi khác đi. Tưởng của chúng ta có thể đúng hay có thể sai. Mỗi người trong chúng tôi ở đây khi thấy Ngài đều biết rằng đây là Venerable U Sīlānanda. Các gì đã cho chúng tôi sự nhận dạng rằng đây là Venerable U Sīlānanda?

Sayādaw: Đó là tưởng (Saññā). Tưởng (Saññā) được xác nhận là yếu tố giúp sự hiểu biết về sau. Tức là các bạn làm dấu trong tâm trí của các bạn. Với tưởng (Saññā) này, các bạn nhận ra ngay khi các bạn thấy lại nó sau này. Các bạn thấy tôi và các bạn làm dấu rằng khuôn mặt này, nét mặt này thuộc về U Sīlānanda. Tưởng (Saññā) này được truyền dẫn đi trong sự diễn tiến tâm trí của các bạn. Khi các bạn gặp lại tôi hay khi các bạn gợi nhớ lại tôi trong tâm trí của các bạn, các bạn nhận ra rằng đây là U Sīlānanda. Đây thật ra là việc làm của tưởng (Saññā).

Học viên: Hãy để tôi trình bày theo cách này. Giả sử tôi thấy một cái gì đó và tôi có tưởng (Saññā) sai lầm. Một cái gì đó là sợi dây thừng, nhưng tôi lại nghĩ nó là con rắn. Tức là tôi có tưởng (Saññā) sai lầm. Nhưng bạn của tôi lại có tưởng (Saññā) đúng đắn. Chúng ta không thể nói rằng đó chỉ là do tưởng (Saññā) mà thôi. Phải có một cái gì đó về đối tượng để chúng ta nhận ra nó. Câu hỏi của tôi là, đó là yếu tố gì trong đối tượng, chứ không phải chỉ là tưởng (Saññā) vì tưởng (Saññā) có thể sai hay đúng? Bất chấp chúng ta nhận thức vật đó như thế nào, vật đó vẫn là vật đó. Chúng ta biết vật đó đã thay đổi và không phải giống y như trước. Làm sao chúng ta có thể nhận ra vật đó bởi vì bây giờ nó đã khác, không còn giống y như trước nữa?

Sayādaw: Vật đó chỉ là một vật. Nhưng tưởng (Saññā) của chúng ta thì khác. Đây là một cái thẻ, nhưng tôi lại đang nghĩ nó là một chiếc lá. Tưởng (Saññā) của tôi làm cho tôi nghĩ rằng nó là một chiếc lá chứ không phải là một cái thẻ. Khi tôi gợi nhớ lại cái vật này trong tâm trí của tôi, tôi sẽ hiểu nó là một chiếc lá. Tôi đã tạo ra một cái gì đó trong tâm trí của tôi là một chiếc lá. Tưởng (Saññā) sai lầm này làm cho chúng ta nhớ lại những sự vật một cách sai lầm.

Học viên: Có phải tâm quả (Vipāka) đó đã làm cho tưởng (Saññā) của chúng ta bị sai lầm không?

Sayādaw: Cái đó không có liên quan đến quả (Vipāka). Đó là sự phản ứng của chúng ta đối với đối tượng. Chúng ta phản ứng một cách sai lầm. Mặc dầu nó là một tấm thẻ, nhưng chúng ta lại ứng xử đối với nó như là một chiếc lá. Cái phản ứng đó là cái được gây ra bởi tưởng (Saññā) ở đây. Cái hình ảnh đó đã được ghi khắc trong tâm trí của tôi là một chiếc lá. Cho nên, sau này khi tôi nghĩ về nó, cũng hình ảnh đó hiện lên trong tôi và cũng ý tưởng đó trở lại với tôi. Cho nên, tôi không nghĩ nguyên nhân là do đối tượng, bởi vì đối tượng thì luôn luôn như vậy bất chấp tưởng (Saññā) của các bạn là đúng hay sai. Hình ảnh chúng ta tạo nên trong tâm trí của chúng ta là cái đi cùng với chúng ta. Hình ảnh đó phụ thuộc vào tưởng (Saññā) của chúng ta.

Học viên: Bạch Ngài, tôi không hiểu rõ về tâm (Citta) theo phương diện là thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala). Để tôi đưa ra một ví dụ. Có một bản nhạc một người hay nghe chẳng hạn. Một lúc thì ông ta thích thú và muốn nghe. Nhưng một lúc khác thì ông ta lại không thích nghe; bởi vì ông ta không thích nghe, cho nên bản nhạc tạo ra một cảm giác không hài lòng. Nó vẫn là cùng một bản nhạc. Những cái này thì được gọi là những đối tượng hài lòng và không hài lòng, nhưng chúng ta lại có những phản ứng khác nhau cho cùng một đối tượng.

Sayādaw: Phẩm chất hay chất lượng của đối tượng được xác định trước hết bởi người trung bình. Nhưng một vài người có thể nghĩ rằng một đối tượng hài lòng ở mức trung bình là không hài lòng hay nghĩ rằng một đối tượng không hài lòng là hài lòng. Điều đó phụ thuộc vào sự phản ứng của chúng ta. Lúc này thì tôi thích nó. Nhưng lúc khác thì tôi chán ghét nó và không thích nó. Cho nên, lúc này thì nó là đáng hài lòng và tôi phản ứng bằng tham (Lobha). Nhưng lúc khác thì tôi không thích nó, cho nên tôi phản ứng bằng sự ác cảm. Do đó, tại những thời điểm khác nhau, những tâm (Citta) khác nhau có thể sanh lên. Tôi cũng có thể có tác ý khéo (Yoniso-manasikāra) nữa. Chất lượng của cảnh có thể khác nhau tùy vào người và tùy vào loại chúng sanh. Một vài đối tượng là hài lòng với súc vật nhưng lại không hài lòng với loài người. Đối tượng là hài lòng hay không hài lòng hầu hết phụ thuộc vào cá nhân. Sớ Giải nói rằng chất lượng của cảnh được xác định bởi người trung bình.

Học viên: Cái gì xác định sự ứng xử của tôi? Những trạng thái tinh thần quá khứ của tôi sẽ quyết định rằng tâm thiện (Kusala Citta) sẽ sanh lên thay vì tâm bất thiện (Akusala Citta) phải không?

Sayādaw: Tác ý khéo (Yoniso-manasikāra) sẽ quyết định những đổng lực (Javana) là thiện (Kusala) hay là bất thiện (Akusala). Đây là một vật đáng hài lòng. Nó là vật đáng hài lòng như được xác định bởi người trung bình. Nhưng tôi có thể không thích nó hay là tôi không thích nó. Tôi có một lộ trình nhãn thức. Những sát-na nhãn thức, tiếp thâu và quan sát và vân vân sẽ phụ thuộc vào chất lượng của cảnh, tức là chất lượng thật sự của cảnh hay chất lượng trung bình của cảnh. Những đổng lực (Javana) của tôi sẽ không phụ thuộc vào chất lượng thật của cảnh, nhưng lại phụ thuộc vào phản ứng của tôi đối với cảnh. Vào mùa đông, hơi ấm thì được hài lòng. Vào mùa hè, hơi ấm thì không được hài lòng – có thể là hài lòng tại San Francisco, nhưng thật sự không hài lòng tại những quốc gia của chúng tôi. Cho nên, nó cũng phụ thuộc vào thời gian nữa.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app