Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Năm: Nghiệp (Kamma) – Phần Hai

Tuần vừa rồi, chúng ta đã hoàn thành mười nghiệp (Kamma) bất thiện. Trước hết, có ba nhóm nghiệp (Kamma) bất thiện: nhóm thân nghiệp, nhóm ngữ nghiệp và nhóm ý nghiệp. Rồi thì có mười nghiệp (Kamma) bất thiện – sát sanh, trộm cướp và vân vân – tức là ba thân nghiệp, bốn ngữ nghiệp và ba ý nghiệp.

Hôm  nay,  chúng  ta  đi  đến  phần  “Phân  Chia  Theo Nhân Và Theo Tâm” (CMA, V, §23, p.208).

“Trong số chúng (tức là mười nghiệp (Kamma) bất thiện này), thì sát sanh, nói lời độc ác và sân hận sinh lên từ nhân sân; …” (CMA, V, §23, p.208)

Tức là khi một người sát sanh, hay nói lời độc ác, hay giận dữ, thì sự bất thiện (Akusala) đó được đi kèm theo bởi nhân sân (Dosa).

“…  tà  dâm,  tham  dục  và  tà  kiến  sanh  lên  từ  nhân tham; …” (CMA, V, §23, p.208)

Mọi người phạm tà dâm, có tham dục và tà kiến thông qua tham (Lobha). Bất cứ khi nào chúng ta có tà kiến, thì chúng ta có một loại dính mắc nào đó. Tà kiến thì luôn luôn được đi kèm theo bởi tham (Lobha).

“… bốn nghiệp còn lại sanh lên từ hai nhân.” (CMA, V, §23, p.208)

Những nghiệp còn lại có thể sanh lên từ tham (Lobha) hay sân (Dosa).

Nghiệp thứ nhất, sát sanh, có thể được gây ra do sân (Dosa).

“(Đôi lúc) tham có thể là động lực tiềm ẩn cho sát sanh  và  sân  có  thể  là  động  lực  tiềm  ẩn  cho  tà  dâm,  …” (CMA, V, Guide to §23, p.208)

Đôi lúc mọi người có thể trộm cướp để trả thù hay mọi người có thể phạm tà dâm để trả thù.

Nhưng  “Thắng  Pháp  (Abhidhamma)  chủ  trương rằng  sự  chủ  tâm cố ý  (tâm  sở  tư)  dẫn  đến  việc  cắt  đứt mạng sống  (mạng quyền) của một chúng sanh khác thì luôn luôn bắt nguồn từ sân, …” (CMA, V, Guide to §23, p.208)

Như vậy, sát sanh được định nghĩa là cắt đứt đi mạng sống (mạng quyền). Hành động cắt đứt đi mạng sống (mạng quyền) thì luôn luôn được đi kèm theo bởi sân (Dosa) hay sự không ưa thích đối với sự hiện hữu hay tồn tại liên tục của chúng sanh đó.

“… trong khi sự chủ tâm cố ý (tâm sở tư) dẫn đến hành động tà dâm thì luôn luôn bắt nguồn từ tham, tức là sự  khao  khát  được  tận  hưởng khoái  lạc  tình  dục  với người bạn tình  bất chánh. Sự chủ tâm  cố ý (tâm sở tư) dẫn  đến  bốn  hành  động  còn  lại  –  tức là  trộm  cướp, nói dối, nói lời chia rẽ và nói lời vô ích – thì có thể được đi kèm  theo  bởi tham  hay  sân.  Tất  cả  những  nghiệp  bất thiện  (Akusala)  thì  đều được  đi  kèm  theo  bởi  nhân  si (Moha).” (CMA, V, Guide to §23, p.208)

Luôn luôn có si (Moha), tức là chúng ta có tham (Lobha) và si (Moha), hay có sân (Dosa) và si (Moha), hay chỉ có si (Moha).

Cuốn Cẩm Nang nói rằng: “Tính theo các loại tâm thức, thì nghiệp (kamma) bất thiện này chia thành tất cả là mười hai.” (CMA, V, §23, p.208)

Chúng ta đã hiểu rằng nghiệp (Kamma) là tâm sở tư (Cetanā). Tác giả ở đây nói rằng tính theo các loại tâm thức thì nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) này chia thành tất cả là mười hai. Có nghĩa là mười hai tâm bất thiện (Akusala) sanh lên. Ở đây, thay vì chỉ nói đến một mình tâm sở tư (Cetanā), thì tác giả lại xem tâm (Citta), tức là toàn bộ cái tổng thể, là nghiệp (Kamma). Đôi lúc những tâm bất thiện (Akusala Citta) được gọi là nghiệp (Kamma). Đây chỉ là một cách sử dụng từ. Khi chúng ta nói tâm bất thiện (Akusala Citta) là nghiệp (Kamma), ý của chúng ta là muốn nói đến tâm bất thiện (Akusala) cùng với những tâm sở của nó, tức là bao gồm luôn cả tâm sở tư (Cetanā). Nhưng nói một cách chính xác, thì chỉ có tâm sở tư (Cetanā) là nghiệp (Kamma) như các bạn đã biết. Đôi lúc, tâm sở tư (Cetanā) cùng với những tâm sở khác và thậm chí là cùng với tâm thức (Citta), như ở đây, thì được gọi là nghiệp (Kamma). Nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) tính theo các loại tâm thì có mười hai. Tức là có mười hai tâm bất thiện (Akusala Citta).

Nghiệp Thiện Dục Giới (Kāmāvacara Kusala Kamma)

Tiếp theo, chúng ta sẽ học đến nghiệp thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Kamma). Các bạn hãy lưu ý là chỉ có một loại bất thiện (Akusala) mà thôi. Chúng ta không nói bất thiện dục giới (Kāmāvacara Akusala) vì bất thiện (Akusala) thì luôn luôn là dục giới (Kāmāvacara). Không có bất thiện sắc giới (Rūpāvacara Akusala) hay bất thiện vô sắc giới (Arūpāvacara Akusala). Còn đối với thiện (Kusala), thì chúng ta có thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala), thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala), thiện vô sắc giới (Arūpāvacara Kusala) và thiện Siêu thế (Lokuttara Kusala).

Thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) cũng có ba loại đó là thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp. Tác giả của cuốn Cẩm Nang đã không nhắc đến chúng là gì – tức là cái gì là thân nghiệp, cái gì là ngữ nghiệp và cái gì là ý nghiệp. Các vị giáo thọ sư cho rằng nó có nghĩa là những đối lập với mười bất thiện nghiệp (Akusala Kamma) mà chúng ta đã bàn đến. Trong khi những nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) là sát sanh, trộm cướp, tà dâm và vân vân, thì ở đây các nghiệp thiện (Kusala Kamma) được hiểu là sự ngăn tránh khỏi sát sanh, trộm cướp, tà dâm và vân vân. Ba điều đầu tiên – tức là sự ngăn tránh khỏi sát sanh, trộm cướp và tà dâm – là một phần của sự kiêng tránh (Virati). Có ba loại kiêng tránh:

  • chánh ngữ (Sammā-vācā),
  • chánh nghiệp (Sammā-kammanta),
  • chánh mạng (Sammā-ājīva)

Sự ngăn tránh khỏi sát sanh, trộm cướp và tà dâm là chánh nghiệp (Sammā-kammanta). Sự ngăn tránh khỏi nói dối, nói lời chia rẽ và vân vân là chánh ngữ (Sammā-vācā). Rồi ba điều cuối cùng là đối lập với tham, sân và tà kiến. Những sự đối lập là vô tham, vô sân và chánh kiến. Ba ý nghiệp cuối cùng này là vô tham (Alobha), vô sân (Adosa) và vô si (Amoha). Như vậy theo cách này, chúng ta có mười thiện nghiệp (Kusala Kamma) dục giới.

Thiện nghiệp (Kusala Kamma) dục giới được nói là có ba. Chúng là:

  • Bố thí (Dāna),
  • Trì giới (Sīla), và
  • Tham thiền (Bhāvanā).

Tính theo loại tâm, thì chúng ta có tám. Tức là tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta). Ba khía cạnh này – bố thí (Dāna), trì giới (Sīla) và tham thiền (Bhāvanā) – được chia rộng ra thành mười nghiệp thiện (Kusala Kamma). Bố thí, trì giới, tham thiền, cung kỉnh và vân vân – mười điều này được gọi là mười nền tảng của thiện nghiệp (Kusala Kamma).

Thứ nhất là bố thí. Tất cả các bạn đều biết về bố thí (Dāna). Ở đây, tâm sở tư (Cetanā) mà một người dùng trong khi bố thí thì được gọi là Dāna, tâm sở tư (Cetanā) mà người đó dùng trong khi trì giới thì được gọi là Sīla, và vân vân. Dāna thì không chỉ là tâm sở tư (Cetanā) tại thời điểm bố thí. Nó cũng là tâm sở tư (Cetanā) đi trước và đi sau hành động bố thí. Trước khi thực hành bố thí (Dāna), các bạn phải cố gắng kiếm một cái gì đó, các bạn phải làm một cái gì đó, để rồi các bạn mới có thể ban tặng hay dâng cúng đến cho người khác. Việc tìm kiếm ra những vật dụng để ban tặng thì cũng được gọi là Dāna. Sau khi bố thí, bất cứ lúc nào các bạn nhớ lại, bất kỳ lúc nào các bạn ghi nhận lại sự bố thí (Dāna) đó, các bạn có cảm giác hạnh phúc. Sự ghi nhớ lại đó cũng được gọi là Dāna. Dāna không chỉ có nghĩa là sự chủ tâm cố ý (tâm sở tư) tại thời điểm bố thí mà còn là tại những thời điểm trước và sau thời điểm bố thí. Điều này cũng đúng cho trì giới (Sīla) và vân vân.

Trong Sớ Giải, bố thí được giải thích là sự ban tặng với lòng tôn trọng, tức là cho đi một cách tôn kính. Nếu các bạn ném liệng đi một thứ gì đó, thì đó không được gọi là bố thí (Dāna). Khi các bạn thực hiện một việc bố thí (Dāna), các bạn thực hiện một cách nghiêm túc, các bạn thực hiện với sự tôn trọng, với sự cung kính như khi các bạn dâng cúng một cái gì đó đến Đức Phật và vân vân.

Thứ hai là trì giới (Sīla). Đối với cư sĩ tại gia, thì có năm giới, tám giới và mười giới. Đối với tu sĩ, thì có 227 giới và vân vân. Thọ nhận và hành trì giới luật thì được gọi  là  trì  giới  (Sīla).  Nếu  một  người  không  thọ nhận những giới điều, nhưng khi có cơ hội để sát sanh và ông ta không sát sanh, thì đó có phải là trì giới (Sīla) không – tại thời điểm ngăn tránh đó? Đó là trì giới (Sīla) vì nó là chánh nghiệp. Khi các bạn kiêng trách không nói dối, thì đó là chánh ngữ. Mặc dầu một người không thọ nhận giới luật, nhưng nếu ông ta kiêng trách không sát sanh và vân vân khi cơ hội sanh lên, thì đó cũng được gọi là trì giới (Sīla).

Thứ ba là tham thiền (Bhāvanā), tức là sự thực hành 40 đề mục thiền chỉ và sự thực hành thiền Minh Sát (Vipassanā) cho đến thời điểm trước sát na chuyển tộc (Gotrabhū). Ở đây tham thiền (Bhāvanā) không bao gồm sự giác ngộ. Sự giác ngộ là sự giác ngộ. Trong khi đó, tham thiền chỉ là lối sống tinh thần dẫn đưa đến sự giác ngộ hay nó có thể là cái mà dẫn đến và bao gồm sự chứng đắc các tầng thiền (Jhāna) và những thần thông (Abhiññā).

Tiếp theo là cung kỉnh, tức là cung kính những người khác, cung kính những bậc trưởng thượng, cung kính các tu sĩ. Cung kính ở đây có nghĩa là, ví dụ như, khi một tu sĩ đến, các bạn đứng dậy, chào hỏi, mang cầm những vật dụng của vị đó, nhường chỗ ngồi cho vị đó. Việc như vậy được gọi là cung kính những bậc trưởng thượng, cha mẹ và thầy cô.

Thứ năm là phục vụ. Phục vụ là làm một cái gì đó cho những người đáng được nhận sự cung kính từ chúng ta. Phục vụ cũng được giải thích là chăm sóc cho người bệnh. Những tu sĩ chăm sóc cho những tu sĩ khác đang bị bệnh; đó cũng được gọi là phục vụ. Có nhiều loại phục vụ trong đời sống của cư sĩ tại gia: phục vụ cộng đồng, phục vụ cho phúc lợi của cộng đồng tôn giáo, phục vụ cho phúc lợi của tu viện, phục vụ cho phúc lợi của những hành giả; tất cả những cái này đều được gọi là phục vụ. Cho nên, khi các bạn làm một việc gì đó tại một khóa tu và các bạn giúp chuẩn bị thức ăn, rửa chén bát, lau chùi phòng ốc, thì đó là phục vụ đấy.

Thứ sáu là hồi hướng phước. Tất cả các bạn đã biết về điều này. Nó thật ra không phải là hồi hướng phước mà là chia sẻ phước. Từ Pāḷi là Pattidāna. Có nghĩa là cho cái mà mình đã đạt được. Trước hết, các bạn làm một phước thiện (Kusala) nào đó, ví dụ như bố thí. Do việc bố thí đó, các bạn đạt được quả phước. Cái đó được gọi là Patti trong Pāḷi. Rồi thì các bạn muốn chia sẻ quả phước đó. Các bạn muốn phổ biến quả phước đó đến cho những người khác. Như vậy là các bạn chia sẻ quả phước đến cho họ, cho những người khác. Hành động đó là cái mà được gọi là hồi hướng phước. Sự chuyển ngữ “hồi hướng phước” thì không hay lắm. “Hồi hướng” có nghĩa là thay đổi vị trí. Ở đây, như tất cả các bạn đã biết, quả phước không chuyển đổi từ người này sang người khác. Mà nó thì giống như là mồi đèn cầy từ một cây đèn cầy khác đang cháy sáng. Hồi hướng phước có nghĩa là ban cho người khác cơ hội tạo phước cho chính họ bằng cách hoan hỷ với phước của các bạn. Cho nên, khi các bạn thực hiện việc chia sẻ quả phước, các bạn nói là: “Nguyện cho các bạn chia sẻ quả phước của tôi” hay “Nguyện cho tất cả chúng sanh chia sẻ quả phước này” và vân vân.

Rồi thì chúng ta có hoan hỷ phước của người khác. Tức là bằng cách nói: “Sādhu, Sādhu, Sādhu”. Hiện nay, tại các quốc gia Phật giáo, nói “Sādhu, Sādhu, Sādhu” đã trở thành phong tục khi quả phước được chia sẻ. Khi một người hoan hỷ với phước của một người khác, thì ông ta đạt được quả phước. Ông ta có phước thiện (Kusala). Ở đây có một vấn đề. Chúng ta vẫn có thể nói “Sādhu” không, mặc dầu người đó không chia phước cho chúng ta? Ví dụ, chúng ta thấy ai đó đang làm từ thiện. Vậy chúng ta có thể hoan hỷ với quả phước đó và nhận được phước cho chính chúng ta không? Câu trả lời là có. Nhưng nếu quả phước đó là đặc biệt dành cho những ai vừa mới qua đời, tức là vừa mới chết, thì người thực hiện phước đó cần phải chia sẻ. Nếu không, thì người vừa mới chết không thể nhận được ích lợi tức thời của quả phước đó. Khi chúng ta chia phước đến những ai vừa mới qua đời và họ hoan hỷ với phước của chúng ta, thì chính họ sẽ có phước và kết quả sẽ là ngay lập tức. Khi những người nhân loại như chúng ta hoan hỷ với phước của những người khác, thì chúng ta sẽ không nhận được kết quả tức thì. Chúng ta chỉ có phước thiện (Kusala) mà thôi. Nếu phước được thực hiện đặc biệt dành cho những người mới qua đời, thì chúng ta cần phải chia phước cho họ. Và họ cũng cần phải hoan hỷ với phước của chúng ta. Có ba điều kiện cần được thỏa mãn để phước như vậy có hiệu quả ngay lập tức. Người làm phước phải chia đến đối tượng vừa qua đời. Người vừa qua đời phải hoan hỷ với quả phước đó. Và phải có một vị đáng kính tiếp nhận sự cúng dường, như Đức Phật, một vị A-la-hán (Arahant) hay một tu sĩ. Khi ba điều kiện này được thỏa mãn, thì người vừa mới qua đời sẽ nhận kết quả ngay lập tức. Hoan hỷ phước là sự hoan hỷ khi phước được chia sẻ và thậm chí sự hoan hỷ khi phước không được chia sẻ. Khi chúng ta thấy ai đang làm việc gì đó tốt đẹp và chúng ta nghĩ đó là thiện (Kusala), chúng ta có thể chỉ cần hoan hỷ với phước của họ. Chúng ta có thể chỉ cần nói với chính mình rằng: “Sādhu, Sādhu, Sādhu”. Tự chúng ta sẽ có phước.

Tiếp theo là thính Pháp (Dhamma), tức là lắng nghe những bài giảng Pháp (Dhamma). Ở đây, thính Pháp (Dhamma) hay lắng nghe các bài giảng Pháp (Dhamma) phải được thực hiện với một thiện ý trong sạch, chứ không phải để khoe khoang bản thân hay để có danh tiếng tốt. Chúng ta nên thính và lắng nghe Pháp bằng sự chân thật và nghiêm túc. Lắng nghe hay học hỏi với một tâm hồn hay ý tưởng trong sáng cũng có thể được bao gồm vào việc thính Pháp (Dhamma).

Dạy Pháp (Dhamma): một người dạy Pháp phải không có sự mong đợi, không có sự mong đợi là sẽ đạt được những lợi ích cá nhân nào cả, mà chỉ với ước muốn hay dự tính là sẽ làm cho những người khác hiểu biết Pháp (Dhamma) để họ nhận được những lợi ích  của Pháp (Dhamma) đó. Ở đây cũng vậy, chỉ dạy những người khác những kiến thức vô hại cũng được gọi là dạy Pháp (Dhamma).

Cuối cùng là chấn chỉnh tri kiến. Tức là có chánh kiến. Chánh kiến có nghĩa là: có nghiệp (Kamma), có quả của nghiệp (Kamma). Đó được gọi là chấn chỉnh tri kiến của mình.

Như vậy, có tất cả mười thiện nghiệp dục giới (Kāmāvacara Kusala Kamma). Đầu tiên, chúng ta có ba: bố thí (Dāna), trì giới (Sīla) và tham thiền (Bhāvanā). Bây giờ chúng ta có mười: bố thí (Dāna), trì giới (Sīla), tham thiền (Bhāvanā) và vân vân.

Cung kỉnh và phục vụ có thể được bao gồm trong trì giới vì cung kỉnh và phục vụ là một dạng thực hành. Cho nên, chúng có thể được bao gồm trong trì giới (Sīla).

Hồi hướng phước và hoan hỷ phước của người khác có thể được bao gồm trong bố thí. Hồi hướng phước là bố thí. Hoan hỷ phước của người khác thì không phải là bố thí. Bố thí là từ bỏ tham lam, tật đố (Issā) và xan lận (Macchariya). Cả hai hồi hướng phước và hoan hỷ phước của người khác là từ bỏ tật đố (Issā) và xan lận (Macchariya). Cho nên, cả hai có thể được bao gồm trong bố thí.

Thính Pháp (Dhamma), thuyết giảng Pháp (Dhamma) và chấn chỉnh tri kiến có thể được bao gồm trong tham thiền (Bhāvanā). Khi các bạn thính Pháp (Dhamma), các bạn đang tham thiền (Bhāvanā). Khi các bạn thuyết giảng Pháp (Dhamma), đàm luận Pháp (Dhamma), thì các bạn đang tham thiền (Bhāvanā).

Mười có thể trở thành ba hay ba có thể được mở rộng ra thành mười thiện nghiệp (Kusala Kamma).

Chấn chỉnh tri kiến được xem là có chung trong tất cả những nghiệp thiện khác vì nếu các bạn không có chánh kiến, các bạn sẽ không thực hành bố thí, các bạn sẽ không thọ trì giới luật (Sīla) và vân vân. Chấn chỉnh tri kiến thì giống như là bánh lái của con thuyền. Nó rất là quan trọng. Nó có thể thuộc vào bố thí, trì giới và tham thiền.

Chúng ta đang bàn luận về nghiệp dục giới (Kāmāvacara Kamma). Có mười hai nghiệp bất thiện (Akusala Kamma). Tức là tính theo tâm thức. Và có tám nghiệp  thiện  (Kusala  Kamma)  tính  theo  tâm  thức.  Như vậy có tất cả 20 nghiệp nếu tính cả thiện (Kusala) và bất thiện (Akusala). 20  loại  nghiệp  thiện  và  bất  thiện  này được gọi là nghiệp (Kamma) thuộc về dục giới. Tóm lại, có  20  nghiệp  dục  giới  (Kāmāvacara Kamma):  mười  hai nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) và tám nghiệp thiện (Kusala Kamma).

Nghiệp Thiện Sắc Giới (Rūpāvacara Kusala Kamma)

Tiếp đến, chúng ta có nghiệp thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala Kamma). Sắc giới (Rūpāvacara) và vô sắc giới (Arūpāvacara) thì đơn giản. Chỉ có một loại nghiệp thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala Kamma). Đó là ý nghiệp (Mano Kamma). Nghiệp sắc giới (Rūpāvacara Kusala) là năm tầng thiền định (Jhāna). Những  tầng thiền định (Jhāna) này thì không phải là thân nghiệp và cũng không phải là ngữ nghiệp, mà chúng là ý nghiệp. Chúng luôn luôn là ý nghiệp (Mano Kamma). Chúng chỉ là ý nghiệp (Mano Kamma). Chúng được chứng đạt thông qua tham thiền, chứ không phải như thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala). Các bạn có thể thành tựu thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) mà không cần tham thiền. Trong khi đó, các bạn phải hành thiền để đạt được thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala). Thiện sắc giới là nghiệp luôn luôn tiếp cận hay tiến đến sự an chỉ định hay sự kiên cố. Nói cách khác, chỉ khi nào có an chỉ định thì mới có thể có thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala). Thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala) được chia thành năm tính theo những chi thiền. Thiền (Jhāna) thứ nhất có  năm  chi thiền (tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā)). Thiền (Jhāna) thứ hai có bốn chi thiền (tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā)).

Thiền (Jhāna) thứ ba có ba chi thiền (hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā)). Thiền (Jhāna) thứ tư có hai chi thiền (lạc (Sukha) và định (Ekaggatā)). Thiền (Jhāna) thứ năm có hai chi thiền (xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā)). Do đó, dựa theo sự khác biệt của những chi thiền, chúng ta có năm loại nghiệp thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala Kamma).

Nghiệp Thiện Vô Sắc Giới (Arūpāvacara Kusala Kamma)

Thiện  vô  sắc  giới  (Arūpāvacara  Kusala)  có  bốn. Chúng  cũng  chỉ  là ý  nghiệp  (Mano  Kamma).  Chúng không  phải  là  thân  nghiệp.  Chúng không  phải  là  ngữ nghiệp.  Giống  như  thiện  sắc  giới  (Rūpāvacara Kusala), chúng   phải   được   chứng   đạt   thông   qua   tham   thiền (Bhāvanā). Chúng là những nghiệp tiếp cận hay tiến đến sự an chỉ định hay sự kiên cố. Chúng có bốn loại dựa vào sự  khác  biệt  của  đối tượng hay  cảnh.  Các  bạn  có  biết những đối tượng của bốn tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) không? Đối tượng của tâm thứ nhất là hư không vô tận. Đối  tượng  của  tâm  thứ  hai  là  tâm  vô  sắc  (Arūpāvacara Citta) thứ nhất. Tâm thứ ba lấy sự vắng mặt của tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta)  thứ nhất  làm  cảnh.  Tâm  thứ  tư lấy  tâm  vô  sắc (Arūpāvacara Citta)  thứ  ba  làm  cảnh.  Ở đây, sự khác biệt là đối tượng, chứ không phải chi thiền. Tất  cả  những  tâm  này  có  cùng  số  chi  thiền.  Những chi thiền đó là gì? Những chi thiền là xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā). Chúng ta đã hoàn thành việc liệt kê các loại nghiệp   (Kamma):   20  nghiệp   dục   giới   (Kāmāvacara Kamma),  năm  nghiệp  sắc giới (Rūpāvacara  Kamma)  và bốn nghiệp vô sắc giới (Arūpāvacara Kamma).

Quả Của Nghiệp (Kamma)

Bây giờ, chúng ta sẽ nghiên cứu kết quả của những nghiệp  (Kamma) này,  tức  là  nghiệp  (Kamma)  nào  cho quả nào. Bây  giờ,  các bạn hãy nhìn vào  bảng nêu (xem CMA,  V,  Table  5.4,  p.212).  Trước  hết,  quả của  nghiệp (Kamma) thì có hai loại: quả tại lúc tái sanh và quả trong thời bình nhật. Sẽ luôn luôn có hai loại quả này: quả tại lúc  tái  sanh (Paṭisandhi)  và  quả  trong  thời  bình  nhật (Pavatti). “Trong thời bình nhật” có nghĩa là sau khi tái sanh cho đến khi tử.

Trong bảng nêu, các bạn sẽ thấy những tâm sở tư dục giới. Chúng là nghiệp (Kamma). Rồi thì chúng ta có quả tại lúc tái sanh và trong thời bình nhật. Rồi thì chúng ta có những cảnh giới tồn tại. Đây là những cảnh giới mà những nghiệp này cho quả. Tiếp theo là chúng ta có những loại tâm mà là quả của những nghiệp (Kamma) tương ứng.

Mười một nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) – phóng dật bị loại bỏ khỏi từ mười hai nghiệp bất thiện (Akusala Kamma). Mười một loại nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) cho quả trong bốn đọa xứ tại lúc tái sanh. Khi chúng cho quả trong bốn đọa xứ, thì kết quả là ở dạng tâm quả tục sinh bất thiện, tức là tâm quan sát (Santīraṇa) thọ xả (Upekkhā) quả bất thiện (Akusala- vipāka). Tâm quan sát thọ xả quả bất thiện là quả của mười một tâm bất thiện (Akusala Citta) hay mười một nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) mà đưa đi tái sanh trong bốn đọa xứ. Nghiệp (Kamma) được đi kèm theo bởi phóng dật (Uddhacca) không thể cho quả đi tái sanh vì nó quá yếu. Nó không được đi kèm theo bởi những tâm sở (Cetasika) mạnh. Vì vậy, nó không có năng lực cho quả lúc tái sanh. Một sự giải thích khác là, nó không cho quả lúc tái sanh vì nó không bị đoạn diệt bởi Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga). Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti- magga) đoạn diệt tà kiến và hoài nghi. Một vị Nhập Lưu (Sotāpanna) không sanh vào bốn đọa xứ. Nhưng vị Nhập Lưu (Sotāpanna) không thể đoạn tận phóng dật (Uddhacca). Ngài vẫn còn phóng dật (Uddhacca) và Ngài sẽ không tái sanh vào bốn đọa xứ. Cho nên, phóng dật không thể cho quả trong bốn đọa xứ lúc tái sanh. Nhưng nó sẽ cho quả trong thời bình nhật.

Mười hai nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) cho quả trong thời bình nhật ở mười một cõi dục giới (Kāmāvacara) và mười lăm cõi sắc giới (Rūpāvacara). Trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) thì quả (Vipāka) sẽ ở dạng những tâm thức (Citta). Những tâm (Citta) đó là gì? Những tâm (Citta) đó là bảy tâm quả của những nghiệp bất thiện. Trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara), ba tâm trong số này sẽ bị thiếu đi bởi vì các Phạm thiên (Brahma) không có thần kinh khứu giác, thần kinh vị giác và thần kinh xúc giác. Chỉ có bốn tâm còn lại sẽ sanh lên: nhãn thức (đối với thần kinh thị giác), nhĩ thức (đối với thần kinh thính giác), tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) và tâm quan sát (Santīraṇa).

Khi một người, ví dụ một người nhân loại chẳng hạn, thấy một vật gì đó không được khao khát, thì ông ta sẽ có tâm nhãn thức quả bất thiện (Cakkhu-viññāṇa Akusala-vipāka). Nhãn thức bất thiện (Akusala Cakkhu- viññāṇa) đó là quả của nghiệp bất thiện quá khứ của ông ta. Thậm chí, những Phạm thiên (Brahma) cũng có thể có tâm nhãn thức là quả của bất thiện (Akusala). Khi họ xuống cõi nhân loại, họ có thể thấy những vật xấu xí hay thậm chí nếu họ không xuống cõi nhân loại, họ vẫn có thể thấy những vật xấu xí. Nếu họ nhìn xuống cõi nhân loại từ thế giới Phạm thiên (Brahma), họ sẽ thấy những đối tượng không hài lòng. Cho nên, bất thiện (Akusala) thậm chí có thể cho quả đến những Phạm thiên (Brahma).

Như vậy, mười một nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) có thể cho quả trong bốn đọa xứ tại lúc tái sanh với chỉ một loại tâm. Các bạn có biết tại sao chỉ có một loại tâm không? Đó là vì tâm đó là tâm duy nhất làm được chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Nhưng trong thời bình nhật, chúng không bắt buộc phải thực hiện chức năng như tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Do đó, trong thời bình nhật, tất cả mười hai tâm bất thiện (Akusala Citta), tất cả mười hai nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) cho tất cả bảy tâm trong các cõi dục giới (Kāmāvacara) và bốn tâm là quả trong các cõi sắc giới (Rūpāvaraca).

Bây giờ, nhóm tiếp theo là bốn tâm thiện ưu thắng tam nhân. Nếu các bạn nhìn vào tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala), thì hai tâm đầu được đi kèm theo bởi bao nhiêu nhân? Hai tâm đầu được đi kèm theo bởi ba nhân. Tâm thứ ba và tâm thứ tư được đi kèm theo bởi bao nhiêu nhân? Chúng được đi kèm theo bởi hai nhân. Tâm thứ năm và tâm thứ sáu được đi kèm theo bởi bao nhiêu nhân? Chúng được đi kèm theo bởi ba nhân. Bao nhiêu nhân đi kèm theo tâm thứ bảy và tâm thứ tám? Chúng được đi kèm theo bởi hai nhân. Như vậy, có bốn tâm tam nhân: thứ nhất, thứ hai, thứ năm và thứ sáu. Mỗi trong số những tâm hay nghiệp (Kamma) tam nhân này được chia thành ưu thắng và bình phàm.

Có hai cấp bậc của thiện (Kusala) tam nhân: thiện (Kusala) tam nhân ưu thắng và thiện (Kusala) tam nhân bình phàm. Điều đó cũng đúng cho thiện (Kusala) nhị nhân: thiện (Kusala) nhị nhân ưu thắng và thiện (Kusala) nhị nhân bình phàm. Ưu thắng và bình phàm là cái gì? Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào tam nhân và nhị nhân. Khi các bạn thực hiện một nghiệp đáng tôn kính nào đó, nếu các bạn làm mà không có sự hiểu biết, không có sự thông suốt về nghiệp (Kamma) và quả của nghiệp, thì nó được xem là được thực hiện với hai nhân. Đôi lúc, chúng ta có thể làm thiện (Kusala) nhị nhân. Nếu chúng ta làm thiện (Kusala) một cách không cẩn trọng, thì thiện (Kusala) của chúng ta có thể là không được đi kèm theo bởi ba nhân. Đôi lúc chúng ta thực hành bố thí (Dāna). Chúng ta chỉ bố thí. Chúng ta không suy nghĩ nhiều về nó. Khi chúng ta không nghĩ nhiều về thiện (Kusala) của chúng ta, thì nó có thể là nhị nhân. Nếu một nghiệp thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Kamma) được đi kèm theo bởi sự hiểu biết về luật nhân quả, sự hiểu biết về nghiệp (Kamma) và quả của nó, thì nó được gọi là tam nhân. Nếu nó không được đi kèm theo bởi kiến thức hay sự hiểu biết như vậy, thì nó được gọi là nhị nhân.

Bây giờ, chúng ta hãy nói đến ưu thắng và bình phàm. Khi nghiệp thiện (Kusala Kamma) được đi trước và đi sau bởi những ý nghĩ thiện (Kusala), thì nó được gọi là ưu thắng. Nếu nó được người đó nhớ đi nhớ lại nhiều lần, thì nó được gọi là ưu thắng. Đôi lúc, mọi người làm những việc đáng tôn trọng, nhưng trước hành động đó, họ đã có thể có hành động hay suy nghĩ bất thiện (Akusala). Sau khi làm việc đáng tôn trọng đó, họ lại có thể có sự hối tiếc như: “Ồ, nếu như tôi đã không cho cái đó đi, tôi đã có thể sử dụng nó cho chính mình hay cho gia đình của mình.” Người đó có thể suy nghĩ như vậy, tức là có sự hối tiếc. Nếu có sự hối tiếc, thì nghiệp (Kamma) đó được gọi là bình phàm. Nghiệp thiện (Kusala Kamma) ưu thắng thì được đi trước và đi sau bởi thiện (Kusala). Có một câu nói rằng là, có ba loại tâm sở tư (Cetanā) liên quan đến bố thí (Dāna) và những nghiệp đáng  tôn  trọng  khác1.  Cho  nên,  khi  các bạn  sắp  bố  thí (Dāna),  các bạn  nên  có  những  tâm  thiện  (Kusala Citta) trước hành động bố thí đó. Và rồi sau khi bố thí, các bạn cũng nên hân hoan và đừng có hối tiếc. Nếu các bạn hối tiếc sau khi bố thí, các bạn sẽ nhận quả của nghiệp bố thí trong những kiếp sống tương lai, nhưng các bạn sẽ không muốn sử dụng hay tận hưởng những quả đó. Các bạn sẽ là một người rất keo kiệt và bủn xỉn. Mặc dầu có thể là một triệu  phú,  nhưng  các  bạn  không  muốn  sử  dụng những vật tốt đẹp và đắc giá. Mặc dầu các bạn giàu có, nhưng  các  bạn  lại  muốn  sử dụng  đồ  rẻ  tiền.  Cho  nên, điều quan trọng là khi làm thiện (Kusala), chúng ta nên chú ý để việc thiện đó được đi kèm theo bởi ba nhân và nó là  ưu  thắng.  Chỉ  có  nghiệp  (Kamma)  ưu  thắng  mới cho  quả  ưu thắng.  Nếu  nó  là  bình  phàm,  thì  nó  sẽ  cho quả  bình  phàm.  Nếu các  bạn  muốn  những  kết  quả  tốt nhất,  thì  các  bạn  nên  làm  việc thiện  (Kusala)  được  đi kèm theo bởi ba nhân và là ưu thắng.

Nghiệp thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Kamma) tam nhân ưu thắng có thể cho quả trong bảy cảnh giới thiện thú (Sugati) dục giới: sáu cõi dục thiên (Deva Loka) và cảnh giới nhân loại. Bốn nghiệp thiện tam nhân ưu thắng có thể cho quả lúc tái sanh trong bảy cảnh giới dục giới thiện thú (Kāma-sugati). Kết quả là ở dạng những tâm thức (Citta). Chúng là những tâm nào? Chúng là bốn tâm hợp trí (Ñāṇa).

Trong thời bình nhật, thì chúng cho quả trong tất cả những cõi dục giới (Kāmāvacara) dưới dạng tám tâm quả thiện vô nhân (Ahetuka Kusala-vipāka) và tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka). Như vậy, có tất cả là mười sáu tâm. Trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara),  thì  chúng  ta  loại  bớt  đi  ba  tâm  quả  vô nhân (Ahetuka),  tức  là  tâm  tỷ  thức  quả  thiện  vô  nhân (Ahetuka  Kusala-vipāka),  tâm  thiệt  thức  quả  thiện  vô nhân (Ahetuka Kusala-vipāka), tâm thân thức quả thiện vô nhân (Ahetuka Kusala-vipāka) không có trong những chúng   sanh   sắc   giới   (Rūpāvacara).   Những   tâm  quả (Vipāka)  là  năm  tâm  quả  (Vipāka)  được tìm  thấy  trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara).

Tiếp theo, tam nhân bình phàm và nhị nhân ưu thắng thì cho quả giống nhau. Mặc dầu là tam nhân, nhưng vì là bình phàm, cho nên nó không thể cho quả tam nhân. Điều đó rất quan trọng. Nếu chúng ta muốn có quả tam nhân, thì chúng ta phải đoan chắc rằng là việc thiện (Kusala) của chúng ta là tam nhân ưu thắng. Nếu nó là tam nhân bình phàm, tức là nó không được đi theo trước và sau bởi thiện (Kusala) tam nhân, thì nó  sẽ không cho quả tam nhân. Nó chỉ sẽ cho quả nhị nhân.

Tại thời điểm tái sanh trong bảy cõi dục giới thiện thú (Kāma-sugati), nghiệp (Kamma) như vậy sẽ cho quả là bốn tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka Citta) ly trí (Ñāṇa). Nhưng trong thời bình nhật, thì nghiệp (Kamma) này làm sanh lên mười hai tâm (Citta): bốn tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka Citta) ly trí và tám tâm quả thiện vô nhân (Ahetuka Kusala-vipāka). Trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara) thì quả sẽ chỉ là năm tâm vô nhân (Ahetuka).

Và nhị nhân ưu thắng: có nghĩa là khi một người thực hiện hay làm nghiệp (Kamma) này, chỉ có hai nhân hiện hữu. Có lẽ ông ta thực hiện một cách bất cẩn. Nhưng thiện (Kusala) nhị nhân của ông lại được đi theo trước và sau bởi thiện (Kusala) hay là ông ta nhớ đi nhớ lại việc làm đó với thiện (Kusala). Trong trường hợp đó, nó là nghiệp (Kamma) nhị nhân ưu thắng. Nghiệp (Kamma) nhị nhân ưu thắng cho quả nhị nhân, chứ không phải quả tam nhân.

Rồi thì cuối cùng là nhị nhân bình phàm và nó có bốn. Bình phàm có nghĩa là không được đi theo trước và sau bởi thiện (Kusala). Nó là dạng thiện (Kusala) thấp nhất. Vì nó là nhị nhân bình phàm, nó không thể cho quả nhị nhân. Nó chỉ có thể cho quả vô nhân. Tại thời điểm tái sanh làm người và một vài loại Thiên nhân (trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā)), kết quả là tâm quan sát thọ xả quả thiện (Kusala-vipāka Upekkhā Santīraṇa). Nhưng trong thời bình nhật ở những cõi dục giới (Kāmāvacara) thì kết quả là ở dạng những tâm quả thiện vô nhân (Ahetuka Kusala-vipāka). Trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara) thì có năm tâm quả thiện vô nhân (Ahetuka Kusala-vipāka). Tâm tỷ thức, thiệt thức và thân thức bị loại bỏ.

Đây là nghiệp (Kamma) và quả của nghiệp dục giới (Kāmāvacara Kamma). Trong dục giới (Kāmāvacara), thì có nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) và nghiệp thiện (Kusala Kamma). Chúng ta chia bất thiện (Akusala) thành hai loại. Loại thứ nhất là không có phóng dật. Loại thứ hai là gồm tất cả mười hai tâm bất thiện (Akusala Citta). Loại thứ nhất là về quả lúc tục sinh. Loại thứ hai là về quả trong thời bình nhật. Rồi thì chúng ta chia thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) thành tam nhân ưu thắng, tam nhân bình phàm, nhị nhân ưu thắng và nhị nhân bình phàm. Chỉ có thiện (Kusala) tam nhân ưu thắng mới có thể cho quả tam nhân. Tam nhân bình phàm và nhị nhân ưu thắng cho quả nhị nhân. Nhị nhân bình phàm thậm chí không thể cho quả nhị nhân. Nó chỉ cho quả vô nhân. Tôi nghĩ như vậy là đã cụ thể và rõ ràng.

Sau  này,  chúng  ta  sẽ  tìm  hiểu  thêm  ý  kiến  của những  vị  giáo thọ sư  khác  (xem  CMA,  V,  Table  5.5, p.216). Bây giờ, chúng ta khoan bàn đến chuyện đó đã. Chúng ta sẽ đọc đến bảng nêu (xem CMA, V, Table 5.4, p.213) sau này. Nó không khó lắm đâu.

Nghiệp Thiện Sắc Giới (Rūpāvacara Kusala Kamma) Và Nghiệp Thiện Vô Sắc Giới (Arūpāvacara Kusala Kamma)

Bây giờ, chúng ta đi đến sắc giới (Rūpāvacara) và vô sắc giới (Arūpāvacara). Trước hết, thiền (Jhāna) ở đây cũng có bậc hạ, bậc trung và bậc thượng. Những tầng thiền (Jhāna) này có thể được phát triển hay tu tập trong ba cách. Bậc hạ hay có giới hạn có nghĩa là hành giả chỉ chứng đạt thiền (Jhāna) và đã không thực hành nó trở lại. Loại thiền (Jhāna) đó được gọi là sự chứng đắc hay thực hành có giới hạn hay bậc hạ. Sự chứng đắc hay thực hành bậc trung có nghĩa là hành giả an trú trong thiền (Jhāna) thường xuyên hơn, nhưng lại vẫn chưa thuần thục trong việc nhập xuất. Tức là hành giả chưa quen thuộc một cách hoàn toàn với tầng thiền (Jhāna) đó mặc dầu đã chứng đạt. Bậc thượng có nghĩa là hành giả rất thuần thục với tầng thiền (Jhāna) đó. Hành giả có thể xuất nhập bất cứ lúc nào muốn. Hành giả có thể an trú trong thiền (Jhāna) bao lâu tùy thích. Hơn  nữa,  nếu hành giả chứng đắc nhiều tầng thiền (Jhāna), thì hành giả có thể nhập vào bất cứ tầng thiền (Jhāna) nào mình thích, theo bất cứ trật tự nào chứ không nhất thiết phải theo trật tự được ghi lại trong kinh văn.

Như vậy, tầng thiền (Jhāna) thứ nhất được phát triển ở bậc hạ có thể cho quả trong cõi Phạm thiên (Brahma) thứ nhất, tức là cõi Phạm chúng thiên. Kết quả thì ở dưới dạng tâm quả thiền (Jhāna) thứ nhất. Nếu nó được phát triển ở bậc trung, thì kết quả là cùng tâm thức (Citta), nhưng cõi tái sanh là khác. Tức là cùng tâm (Citta) đó sanh lên trong cõi Phạm thiên (Brahma) thứ hai – Phạm phụ thiên. Nếu sự chứng đạt là ở bậc thượng, thì cùng tâm (Citta) đó sẽ sanh lên ở cõi Đại Phạm thiên. Thiền (Jhāna) thứ nhất được phát triển theo ba bậc trên sẽ cho quả trong ba cõi Phạm thiên (Brahma) thứ nhất. Mặc dầu cõi hay cảnh giới là ba, nhưng tâm quả là giống nhau, tức là tâm quả Sơ thiền.

Thiền (Jhāna) thứ hai cũng có thể được phát triển theo bậc hạ, bậc trung và bậc thượng và cho quả dưới dạng tâm quả thiền (Jhāna) thứ hai trong cõi Thiểu Quang thiên, Vô Lượng Quang thiên và Quan Âm thiên. Thiền (Jhāna) thứ ba theo phương pháp chia năm cũng sanh lên trong ba cõi này.

Thiền (Jhāna) thứ tư thì cũng được phát triển theo bậc hạ, bậc trung và bậc thượng. Nó cho quả trong cõi Thiểu Tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh thiên và Biến Tịnh thiên.

Ở đây, có một sự lẫn lộn không rõ ràng. Chúng ta đã quen thuộc với phương pháp chia năm của các tầng thiền (Jhāna), nhưng các cõi hay cảnh giới của thiền (Jhāna) thì lại được chia theo phương pháp chia bốn. Cả hai tầng thiền (Jhāna) thứ hai và thứ ba theo phương pháp chia năm đều cho quả trong những cõi hay cảnh giới thiền (Jhāna) thứ hai hay tức là cõi nhị thiền.

Thiền (Jhāna) thứ năm – không có cấp bậc trong thiền (Jhāna) thứ năm. Nó chỉ là bình thường. Thiền (Jhāna) thứ năm cho quả trong cõi Quảng Quả thiên (Vehapphala). Tâm quả là tâm ngũ thiền.

Có những chúng sanh tu chứng thiền (Jhāna) thứ năm với sự lãnh đạm về tâm thức – tức là những chúng sanh này có tư tưởng lầm lạc. Trong các Sớ Giải, họ được gọi là Diṭṭhiya, có nghĩa là họ có tà kiến, tức là tri kiến sai lầm. Có người nghĩ rằng vì chúng ta có tâm thức, cho nên chúng ta đau khổ, và nếu chúng ta không có tâm thức, thì chúng ta sẽ không đau khổ. Saññā ở đây không chỉ có nghĩa là tưởng. Tưởng ở đây là chỉ chung cho tất cả những tâm sở. Như vậy, khi họ thực hành thiền, họ niệm rằng: “Tâm thức là uế trược, tâm thức là uế trược” và vân vân. Kết quả của thiền định (Jhāna) của họ là khi họ chết đi, họ sẽ tái sanh vào cõi của những chúng sanh vô tưởng. Ở đó không có tâm quả nào. Tại thời điểm tục sinh, chỉ có những sắc pháp, tức là nhóm mạng quyền. Những Sớ Giải nói rằng họ sẽ tái sanh tại đó như là những pho tượng cùng tư thế với khi họ chết ở đây. Nếu họ chết đi lúc đang nằm, thì ở trên cõi đó họ sẽ tái sanh trong tư thế nằm. Nếu họ chết đi lúc đang ngồi ở đây, thì họ sẽ tái sanh trong tư thế ngồi trong vòng 500 kiếp trái đất (Kappa).

Và rồi thì có thiền (Jhāna) thứ năm của những vị Bất Lai (Anāgāmī). Những vị Bất Lai chỉ tái sanh vào những cõi tịnh cư. Tâm quả của các Ngài là tâm quả ngũ thiền.

Rồi thì chúng ta có thiền không vô biên xứ. Đó là tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. Nó cho quả trong cõi Không Vô Biên. Tâm quả là tâm vô sắc giới (Arūpāvacara) thứ nhất.

Rồi tâm thiền thứ hai là thức vô biên xứ. Tâm thiền thứ ba là vô sở hữu xứ. Tâm thiền thứ tư là phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chúng cho quả trong những cõi vô sắc (Arūpāvacara) tương ứng. Những tâm là bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka). Nói tóm lại, tâm thiện thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna Kusala) cho quả trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara). Những tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) cho quả trong những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Có năm tâm thiền (Jhāna) sắc giới và bốn tầng thiền (Jhāna) sắc giới. Tâm thiền (Jhāna) thứ hai và thứ ba cho quả trong tầng thiền (Jhāna) sắc giới thứ hai.

Bây  giờ,  chúng  ta  đi  đến  quan  điểm  của  một  vài giáo  thọ  sư liên quan  đến  thiện  dục  giới  (Kāmāvacara Kusala).    Chúng    ta    đã  học    rằng    thiện    dục    giới (Kāmāvacara Kusala) cho quả. Có bao nhiêu tâm là quả của  thiện  dục  giới  (Kāmāvacara  Kusala)?  Có  mười sáu: tám tâm vô nhân (Ahetuka) và tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara  Sahetuka  Vipāka).  Có  một  vài  giáo thọ  sư  cho  rằng vô  trợ  không  cho  kết  quả  hữu  trợ.  Và nghiệp hữu trợ không cho kết quả vô trợ. Các Ngài đưa ra lý do là hình ảnh trong gương phải giống y hệt như con người  thật.  Con  người  thật  và  hình  ảnh  phải  là  giống y nhau. Cũng theo cách đó, điều này cũng đúng cho nghiệp (Kamma) và quả của nó; chúng phải là như nhau. Tức là hữu trợ chỉ sẽ cho quả hữu trợ và vô trợ sẽ cho quả vô trợ. Đây là quan điểm của các Ngài. Quan điểm này được chủ trương bởi Ngài Mahā Dhammarakkhita Thera, một Luận sư tại tu viện cổ Moravāpi tại Sri Lanka (xem CMA, V, Guide to §30, p.215). Trong Aṭṭhasālinī, thì tên của vị chủ  trương  quan  điểm  này  là Mahadatta  thay  vì  Mahā Dhammarakkhita.    Một    vài    giáo    thọ  sư    cho    rằng Vibhāvinī-Ṭīkā  thì  không  đúng  trong  việc  nêu  tên Ngài Mahā   Dhammarakkhita   vì   tên   được   đưa   ra   trong Aṭṭhasālinī là Ngài Mahadatta. Nếu chúng ta muốn hòa hợp hay dung hòa hai vấn đề này, thì chúng ta có thể cho rằng Dhammarakkhita là một tên gọi khác của Ngài Mahadatta.

Quan điểm này đã không được chấp nhận bởi nhiều giáo  thọ  sư  vì tâm tục  sinh  là  hữu  trợ  hay  vô  trợ  thì không phụ thuộc vào nghiệp (Kamma) là hữu trợ hay vô trợ.  Nó  phụ  thuộc  vào  việc  nghiệp (Kamma),  nghiệp tướng  (Kamma-nimitta)  hay  thú  tướng  (Gati-nimitta) được hiện bày trước tâm trí của một người chết như thế nào. Nếu ba hiện tượng này được trình bày một cách tự phát mà không có sự can thiệp của một người khác, thì tâm tục sinh sẽ là vô trợ. Nếu một trong ba hiện tượng này xuất hiện trước người chết với sự giúp đỡ của thân nhân và vân vân, thì tâm tục sinh sẽ trở thành hữu trợ. Việc  hữu trợ  hay  vô  trợ  của  tâm  tục  sinh  không  phụ thuộc vào việc nghiệp (Kamma) đó là hữu trợ hay vô trợ. Quan điểm này đã được ghi nhận là “Kece”  tức là “một vài” hay “nào đó”. Tôi đã từng có đề cập đến chuyện này. Khi những tác giả dùng từ “nào đó”, thì điều đó có nghĩa là họ không thích quan điểm này hay họ nghĩ quan điểm này không chuẩn. Theo những giáo thọ sư đó, thì quả có thể là khác nhau. Theo một vài giáo thọ sư, thì vô trợ có thể cho quả vô trợ và hữu trợ chỉ có thể cho quả hữu trợ. Các  bạn  hãy  xem  bảng  nêu  (xem  CMA,  V,  Table  5.5, p.216).  Ở  đây,  chúng  ta  có  ưu  thắng  thứ  nhất  và  bình phàm thứ nhất, ưu thắng thứ hai và bình phàm thứ hai, ưu  thắng  thứ  ba  và bình phàm  thứ  ba  và  vân  vân.  Ưu thắng thứ nhất và bình phàm thứ nhất là vô trợ. Nhóm hai tâm tiếp theo là hữu trợ và nhóm hai tâm tiếp theo là vô trợ. Hai tâm sau đó là hữu trợ và vân vân.

Theo quan điểm chung thì tâm thứ nhất – tâm tam nhân ưu thắng – cho quả là những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka) 1 cho đến 8. Nhưng theo quan điểm của một vài vị khác, thì vì nó là vô trợ, nó chỉ có thể cho quả vô trợ. Cho nên, theo các vị này, tâm này  làm  sanh  lên  những  tâm  quả  dục  giới  tịnh  hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka) 1, 3, 5, 7.

Rồi thì tâm dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta) tam nhân bình phàm thứ nhất chỉ có thể cho quả nhị nhân. Đó là tâm quả 3, 4, 7 và 8. Nó là vô trợ. Nhưng theo một vài vị, thì nó chỉ cho quả là tâm quả 3 và 7.

Rồi tâm thiện (Kusala Citta) tam nhân ưu thắng thứ hai cho cả tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Citta) vì nó là ưu thắng và tam nhân. Ở đây, 1 cho đến 8 có nghĩa là cả lúc tái sanh và thời bình nhật. Chúng được trộn lẫn với nhau. Nhưng theo một vài vị thì, vì nó là hữu trợ, cho nên chỉ có những tâm quả hữu trợ mới là quả của nó mà thôi, do đó, các vị chỉ lấy tâm 2, 4, 6, và 8.

Rồi thì tâm thiện (Kusala Citta) tam nhân bình phàm thứ hai không được đi theo trước và sau bởi những tâm (Citta) hợp trí cũng chỉ có thể cho những quả nhị nhân. Đây là những tâm quả 3, 4, 7 và 8. Nhưng theo một vài vị, thì do nó là hữu trợ, cho nên chỉ có tâm 4 và 8 mới có thể sanh lên.

Rồi thì tâm (Citta) thứ ba – tâm (Citta) ưu thắng thứ ba – chỉ có hai nhân. Theo quan điểm chung, thì nó sẽ có những quả nhị nhân, tức là tâm 3, 4, 7 và 8. Theo một vài vị, thì do nó là vô trợ, cho nên những tâm quả sẽ là 3 và 7.

Rồi thì tâm dục giới tịnh hảo bình phàm thứ ba có hai nhân, nhưng nó không được đi theo trước hay sau bởi những tâm (Citta) nhị nhân. Cho nên, tâm (Citta) đó cho những quả tục sinh vô nhân. Không có quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka), mà chỉ có quả (Vipāka) vô nhân sanh lên.

Rồi thì tâm (Citta) thứ tư – tâm (Citta) thứ tư là gì? Nó có hai nhân. Cho nên nó cho những quả nhị nhân: tâm quả 3, 4, 7 và 8. Theo một vài vị, thì do nó là hữu trợ, cho nên nó chỉ cho quả là tâm 4 và 8.

Tâm bình phàm thứ tư chỉ cho những quả vô nhân. Cho nên, không có những tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta).

Rồi thì tâm thứ năm tam nhân ưu thắng cho quả là tâm quả 1 đến 8 theo  quan điểm  chung, hay  theo quan điểm của một vài vị thì chỉ cho quả là tâm quả 1, 3, 5 và 7 vì nó là vô trợ.1

Và  tâm  dục  giới  tịnh  hảo  (Kāmāvacara  Sobhana Citta) thứ năm bình phàm cho quả là những tâm quả tịnh hảo (Sobhana Vipāka Citta) nhị nhân 3, 4, 7 và 8. Vì nó là vô trợ, cho nên theo một vài vị, thì nó cho quả là tâm quả tịnh hảo (Sobhana Vipāka Citta) 3 và 7.2

Tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta) tam nhân  ưu  thắng  thứ sáu  cho  quả  là  những  tâm  quả  tịnh hảo  (Sobhana  Vipāka  Citta) 1 đến  8.  Vì  nó  là  hữu  trợ (Sasaṅkhārika), cho nên theo một vài vị giáo thọ sư, thì những tâm quả tịnh hảo (Sobhana Vipāka Citta) 2, 4, 6 và 8 sẽ là những kết quả.

Và tâm (Citta) thứ sáu bình phàm cho những quả nhị nhân là những tâm quả tịnh hảo (Sobhana Vipāka Citta) 3, 4, 7 và 8. Vì nó là hữu trợ, một vài vị cho rằng kết quả là 4 và 8.

Quả của tâm (Citta) nhị nhân ưu thắng thứ bảy là 3, 4, 7 và 8. Nó là vô trợ, cho nên 3 và 7 là quả theo ý kiến của một vài vị giáo thọ sư.

Tâm bình phàm thứ bảy có quả vô nhân. Tức là không có quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana) nào.

Tâm ưu thắng thứ tám có quả nhị nhân, cho nên chúng là những tâm quả tịnh hảo (Sobhana Vipāka Citta) 3, 4, 7 và 8. Vì nó là hữu trợ, cho nên theo một vài vị, thì quả là những tâm quả tịnh hảo (Sobhana Vipāka Citta) 4 và 8.

Tâm bình phàm thứ tám chỉ cho quả vô nhân vì nó là bình phàm. Tức là không có tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka Citta) nào.

Những tâm quả vô nhân thì có cho tất cả. Cho nên, nó hơi phức tạp một chút.

Điều chính yếu cần phải ghi nhớ là theo “một vài vị”, chỉ có quả vô trợ sanh lên từ thiện (Kusala) vô trợ và chỉ có quả hữu trợ sanh lên từ thiện (Kusala) hữu trợ.

Bây giờ, có một điều quan trọng cần phải được lưu ý về những vị Bất Lai (Anāgāmī). Các bạn hãy lật đến trang 218  của  cuốn  CMA.  Những  vị Bất  Lai  thì  tái  sanh  vào những cõi Tịnh Cư. Tất cả các bạn đều biết rằng đối với vị Bất Lai, Ngài sẽ không trở lại dục giới (Kāmāvacara) này nữa. Ngài sẽ tái sanh vào một trong ngũ Tịnh Cư. Kinh sách ghi lại rằng sự tái sanh của những vị Bất Lai vào trong ngũ Tịnh Cư thì được xác định dựa vào căn quyền vượt trội của mỗi vị. Có năm căn quyền: tín (Saddhā), tấn (Vīriya), niệm (Sati), định (Samādhi) và tuệ (Paññā). Nếu tín quyền (Saddhā) của vị đó vượt trội, thì vị đó sẽ tái sanh vào cõi Tịnh Cư thứ nhất. Nếu tấn quyền (Vīriya) của vị đó vượt trội, thì vị đó sẽ tái sanh vào cõi Tịnh Cư thứ hai và vân vân. Những vị Bất Lai có tín quyền vượt trội thì tái sanh vào cõi Vô Phiền (Aviha); những vị có tấn quyền vượt trội thì tái sanh vào cõi Vô Nhiệt (Atappā) và vân vân.

“Mặc  dầu  không  ai  ngoại  trừ  những  vị  Bất  Lai  tái sanh vào những cõi Tịnh Cư, …” (CMA, V, Guide to §31, p.218)

Như vậy, chỉ có những vị Bất Lai (Anāgāmī) mới tái sanh vào những cõi Tịnh Cư.

“… nhưng không có quy luật nhất định nào nói rằng tất cả những vị Bất Lai phải tái sanh vào đó.” (CMA, V, Guide to §31, p.218)

Chỉ có những vị Bất Lai mới tái sanh vào những cõi Tịnh Cư. Những vị Bất Lai cũng vẫn có thể tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma) khác, chứ không phải chỉ là những cõi Tịnh Cư. Nếu một vị Bất Lai chỉ chứng đắc thiền (Jhāna) thứ nhất, thì Ngài sẽ tái sanh vào cõi Sơ Thiền. Chỉ khi nào Ngài chứng đắc thiền (Jhāna) thứ năm, thì Ngài mới sẽ tái sanh vào một trong ngũ Tịnh Cư. Khi chúng ta nói những vị Bất Lai có thể tái sanh vào những cõi Tịnh Cư, ý của chúng ta là các Ngài có thể tái sanh vào những cõi Tịnh Cư, nhưng các Ngài vẫn có thể tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma) khác. Những vị Bất Lai không thể tái sanh vào dục giới (Kāmāvacara) bởi vì các Ngài đã từ bỏ sự bám víu vào hay sự khao khát về dục giới (Kāmāvacara).

“Điều  xảy  ra  là  những  cõi  Tịnh  Cư  chỉ  tiếp  nhận những  vị  Bất Lai có  chứng  đắc  thiền  (jhāna)  thứ  năm, trong khi những vị Bất Lai chứng đắc tầng thiền (jhāna) thấp hơn thì sẽ tái sanh ở nơi khác trong sắc giới.” (CMA, V, Guide to §31, p.218)

Các Ngài sẽ tái sanh vào những cảnh giới hay cõi thiền (Jhāna) thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư.

“Tất cả những vị Bất Lai phải tái sanh vào sắc giới vì các  Ngài  đã  đoạn tận  dục  ái  (kāmarāga),  tức  là  kiết  sử dẫn đến tái sanh trong dục giới.”

Có ba cảnh giới cao tột. Chúng là Quảng Quả (Vehapphala), Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha) và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana). Những Thánh nhân tái sanh vào trong ba cõi này sẽ không tái sanh vào cảnh giới nào khác nữa. Các Ngài sẽ trở thành A-la-hán (Arahant) tại đó và chấm dứt vòng luân hồi (Saṃsāra).

Những Thánh nhân tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma) sẽ không tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma) thấp hơn. Các Ngài có thể đi lên cao hơn và cao hơn, nhưng các Ngài sẽ không đi xuống. Chúng ta đã kết thúc phần “Bốn Loại Nghiệp (Kamma-catukka)”.

Nghiệp thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) cho cả quả giống hệt và quả không giống. Những quả giống hệt của thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) là tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka). Nghiệp thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) có cả quả giống hệt và không giống hệt. Nhưng nghiệp thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala) và nghiệp thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) chỉ cho quả giống hệt. Chúng không cho quả không giống hệt.

Chúng ta có câu kệ kết thúc như sau:

“Cho nên, phước thiện đáo đại, được xác định theo cõi, thì cho quả tương tự…” (CMA, V, §33, p.219)

Tức là quả giống hệt.

“…  ở  (cả)  lúc  tái  sanh  và  trong  thời  bình  nhật.” (CMA, V, §33, p.219)

Bất kỳ là tại lúc tái sanh hay trong thời bình nhật, chúng chỉ cho quả tương tự. Nhưng những nghiệp dục giới (Kāmāvacara Kamma) có thể cho cả quả giống hệt và quả không giống hệt.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app