Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Sáu: Sự Liệt Kê Sắc Pháp

Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ sáu. Cho đến bây giờ, tác giả, tức là Ngài Ācariya Anuruddha, đã giải thích và phân tích hai sự thật chân đế đầu tiên, tức là tâm   (Citta)   và   tâm   sở   (Cetasika),   theo  nhiều   cách. Chương đầu tiên liên quan đến tâm (Citta); chương thứ hai liên quan  đến tâm  sở  (Cetasika) và  sự kết hợp  giữa tâm  (Citta)  và tâm  sở  (Cetasika).  Chương  thứ  ba  liên quan đến những cách phân loại khác nhau về tâm (Citta). Chương  thứ  tư  liên  quan  đến  những lộ tâm  khác  nhau trong  đời  sống.  Chương  thứ  năm  liên  quan  đến 31 cõi hiện hữu, nghiệp (Kamma) và rồi những lộ tâm một cách chi  tiết. Chương  này  liên  quan  đến  hai  sự  thật  chân  đế còn lại, tức là sắc pháp (Rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).

Chương này được gọi là “Rūpa-saṅgahavibhāga”, có nghĩa là “Chương Về Sắc Pháp”. Níp-bàn (Nibbāna) cũng được trình bày trong chương này, nhưng chỉ rất vắn tắt. Như vậy, chương này liên quan đến sắc pháp (Rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).

Phần đầu liên quan đến sự liệt kê sắc pháp (Rūpa), tức là có tất cả bao nhiêu sắc pháp (Rūpa). Phần thứ hai liên quan đến sự phân loại sắc pháp. Phần thứ ba là về những nguyên nhân (sinh ra) sắc pháp (Rūpa). Phần thứ tư là về quá trình tổ chức và hiện hữu của chúng. Tức là khi nào chúng sanh lên lần đầu tiên, khi nào chúng sanh lên lần cuối cùng, chúng sanh lên như thế nào, và vân vân. Rồi trong phần kết thúc của chương, tác giả có đề cập đến sự thật chân đế thứ tư, tức là Níp-bàn (Nibbāna).

Định Nghĩa Sắc Pháp (Rūpa)

Từ Pāḷi của sắc pháp như các bạn đã biết là Rūpa. Rūpa được định nghĩa là cái trở nên bị biến dạng, bị khuấy nhiễu, bị đè nén, bị đỗ vỡ khi tiếp xúc hay kết nối với những điều kiện vật lý bất lợi như sự lạnh, sự đói, sự khát, sự cắn chích của côn trùng, vân vân. Nghĩa đơn giản của Rūpa là một cái gì đó thay đổi theo sức nóng, sự lạnh và vân vân.

Chính Đức Phật đã giải thích từ này ở một trong những bài kinh. Ngài đã nói như sau: “Tại sao các người lại gọi nó là sắc pháp (Rūpa)? Nó được gọi là sắc pháp (Rūpa) vì nó bị biến dạng, cho nên, nó được gọi là sắc pháp và vân vân. Bị biến dạng bởi cái gì?” Tức là bị thay đổi bởi cái gì? (Nó bị thay đổi) “Bởi sự lạnh, bởi sự đói, bởi nhiệt, bởi sự khát, bởi muỗi, gió, mặt trời, những vật bò-trườn.” Cho nên, một cái gì đó thay đổi thì được gọi là sắc pháp (Rūpa).

Ở đây, các bạn có thể hỏi là tại sao chúng ta không gọi tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) là Rūpa vì chúng thay đổi còn nhanh hơn là sắc pháp (Rūpa) thay đổi nữa. Nhưng ở đây, thay đổi có nghĩa là sự thay đổi hiện rõ, tức là sự thay đổi có thể phân biệt được. Sự thay đổi của danh pháp, tức là sự thay đổi của tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) thì không dễ dàng phân biệt được. Nhưng sự thay đổi của sắc pháp (Rūpa) thì hiện rõ, sự thay đổi của sắc pháp (Rūpa) thì dễ dàng thấy được. Chỉ có vật chất mới được gọi là Rūpa, chứ không phải tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika).

Sự thay đổi ở đây thật sự có nghĩa là sự sanh lên của một nhóm những sắc pháp khác thay vì một nhóm đã có trước đó. Thay đổi ở đây không có nghĩa là một sắc pháp (Rūpa) chuyển đổi thành một sắc pháp (Rūpa) khác.

Thật ra, thay đổi ở đây có nghĩa là có một nhóm những sắc pháp tại một thời điểm và rồi vào thời điểm tiếp theo thì có một nhóm những sắc pháp khác, tức là một sự diễn tiến khác của những sắc pháp. Sự sanh lên (hay hiện hữu) của một nhóm những sắc pháp khác là cái được gọi là sự thay đổi ở đây. Thay đổi không có nghĩa là một cái gì đó chuyển đổi thành một cái gì khác. Nếu chúng ta hiểu như vậy, thì chúng ta có thể là đang ủng hộ quan điểm cho rằng một cái gì đó tồn tại một thời gian hay rằng một cái gì đó tồn tại vĩnh viễn. Thay đổi ở đây chỉ có nghĩa là sự sanh lên của một nhóm gồm những sắc pháp khác.

Có 28 sắc pháp (Rūpa) như được liệt kê trên bảng nêu trong CMA (xem CMA, VI, Table 6.1, p.236). 28 sắc pháp này được phân chia thành nhiều thể loại hay thành nhiều thứ lớp.

Sắc Tứ Đại (Mahābhūta)

Trước  hết,  sắc  pháp  được  chia  thành  hai  nhóm. Nhóm thứ nhất là sắc tứ đại (Mahābhūta) và nhóm thứ hai là sắc y sinh (Upādārūpa). Các bạn hãy nhìn vào cuốn CMA, ở trang 235, khoảng giữa trang. Ở đó có đoạn văn Pāḷi:  “Cattāri  mahābhūtāni,  catunnañca  mahābhūtānaṃ upādāyarūpanti …”. Dựa vào điều đó, chúng ta gọi nó là sắc y  sinh (Upādārūpa).  Có  24  sắc y  sinh  (Upādārūpa). Có   bốn   sắc   tứ   đại  (Mahābhūta)   và   24   sắc   y   sinh (Upādārūpa).  Mahābhūta  có nghĩa là  một  cái  gì  đó  mà trở nên vĩ đại. Chúng là nền tảng cơ bản của tất cả các sắc pháp. Tất cả các sắc pháp khác phụ thuộc vào chúng để sanh lên  và  để  tồn  tại.  Cho  nên,  chúng  được  gọi  là Mahābhūta,  tức  là những  sắc  pháp  thiết  yếu  vĩ  đại. Chúng là:

  1. Địa đại (Pathavī-dhātu), đại.
  2. Thủy đại (Āpo-dhātu),
  3. Hỏa đại (Tejo-dhātu),
  4. Phong đại (Vāyo-dhātu).

Đây là bốn sắc tứ đại hay bốn sắc pháp thiết yếu vĩ

Địa Đại (Pathavī-dhātu)

Địa đại (Pathavī-dhātu): Ở đây, địa đại không có nghĩa là đất vật lý, mà là cái thuộc tính vốn có trong đất. Các bạn tìm thấy thuộc tính gì có trong đất? Khi các bạn đụng chạm đất, thì các bạn cảm nhận được sự cứng- mềm. Sự cứng-mềm đó là cái mà chúng ta gọi là địa đại (Pathavī-dhātu). Cái này được gọi là Pathavī vì nó giống như đất. Đất là nền tảng cơ bản để cây cối, núi non và vân vân được hiện hữu. Cũng theo cách đó, địa đại (Pathavī-dhātu) là nền tảng cho những sắc pháp phụ thuộc khác. Đó là lý do tại sao nó được gọi là địa đại (Pathavī-dhātu). Nó đóng vai trò làm sự hỗ trợ hay nền tảng cho những sắc pháp cùng tồn tại. Tức là những sắc pháp khác, đặc biệt là những sắc y sinh (Upādārūpa), phụ thuộc vào nó để sanh lên. Nếu không có những sắc tứ đại (Mahābhūta), thì những sắc y sinh (Upādārūpa) sẽ không sanh lên. Đất thì giãn nở. Cho nên, một số người chủ trương lấy sự giãn nở làm thuộc tính của địa đại (Pathavī-dhātu). Mặc dầu sự giãn nở được xem là một cách chuyển ngữ của Pathavī, nhưng thuộc tính của nó thật ra là sự cứng. Khi chúng ta có sự cứng, thì chúng ta cũng có sự mềm vì cứng và mềm là tương đối. Khi so sánh với một vật, các bạn gọi nó là cứng. Nếu các bạn so sánh nó với một vật khác, thì nó trở thành không còn cứng nữa. Nó trở thành mềm. Cho nên, cứng hay mềm là thuộc tính của địa đại.

Thắng Pháp (Abhidhamma) dạy rằng yếu tố đất này có thể được tìm thấy ở mọi nơi. Trong nước cũng có yếu tố đất. Trong lửa cũng có yếu tố đất. Trong gió cũng có yếu tố đất. Trong mọi thứ, trong mọi vật chất chúng ta thấy đều có yếu tố đất này.

Thủy Đại (Āpo-dhātu)

Thành phần thứ hai là thủy đại (Āpo-dhātu). Ở đây cũng vậy, Āpo-dhātu không có nghĩa là nước mà là thuộc tính vốn có của nước, và đó là tính lưu động hay sự kết dính. Thuộc tính của nó được ghi nhận là chảy ra hay rỉ ra. Tức là nhỏ giọt hay cái gì đó giống như vậy. Do nhờ thủy đại (Āpo-dhātu) này mà mọi vật được kết giữ lại với nhau. Nếu không có thủy đại (Āpo-dhātu), thì chúng ta không thể có những vật này. Chúng ta không thể có cuốn sách này hay cây bút này hay bất cứ cái gì cả vì những vật chất sẽ không dính kết vào nhau nếu không có yếu tố nước. Thủy đại là thứ kết giữ những vật chất lại với nhau.

Theo Thắng Pháp (Abhidhamma), thì chúng ta không thể đụng chạm được thủy đại (Āpo-dhātu). Trong cuốn CMA có ghi nhận như sau:

“Thắng   Pháp   (Abhidhamma)   chủ   trương   rằng, không giống như ba yếu tố thiết yếu còn lại, yếu tố nước không thể được cảm nhận bởi giác quan vật lý1  mà phải được biết  thông  qua  suy  luận  từ  tính chất kết  dính  của vật chất mà đang được quan sát.” (CMA, VI, Guide to §3, p.238)

Các bạn thấy một cái gì đó và các phần tử vật chất được gắn chặt lại với nhau. Và do đó, chúng ta suy luận rằng phải có một sự kết dính nào đó, tức là một dạng thủy đại (Āpo-dhātu) nào đó để cho vật đó hiện hữu như một vật thể xác định. Thủy đại (Āpo-dhātu) không thể được đụng chạm. Khi chúng ta học đến cảnh xúc (Phoṭṭhabba-rūpa) sau này, chúng ta sẽ thấy rằng thủy đại (Āpo) không được bao gồm trong đó.

Chúng ta phải hiểu rằng thủy đại (Āpo-dhātu) thì khác với nước. Các bạn có thể đụng chạm được nước. Mặc dầu chúng ta có thể đụng chạm được nước, nhưng chúng ta không đụng chạm được thủy đại. Chúng ta đụng vào nước và nói: “Nó lạnh; nó nóng”. Lạnh và nóng là yếu tố thứ ba, tức là hỏa đại (Tejo-dhātu). Các bạn có thể cảm nhận được sự cứng-mềm của nước và đó là địa đại. Cái mà các bạn cảm nhận thì không phải là thủy đại mà là địa đại hay hỏa đại. Các bạn cảm nhận sự nóng lạnh hay cứng-mềm. Như vậy, thủy đại (Āpo-dhātu) thì không thể đụng chạm được.

Hỏa Đại (Tejo-dhātu)

Yếu tố tiếp theo là hỏa đại (Tejo-dhātu). Ở đây cũng vậy, nóng và lạnh là tương đối. Hỏa đại (Tejo-dhātu) không có nghĩa là lửa mà là đặc tính có trong lửa. Tức là sức nóng hay là nhiệt độ. Thật ra, nhiệt độ là cái chúng ta gọi là hỏa đại (Tejo-dhātu). Cũng như cứng và mềm thì đều được gọi là địa đại (Pathavī-dhātu), cả nóng và lạnh cũng đều được gọi là hỏa đại (Tejo-dhātu).

Hôm  qua,  tôi  có  trao  đổi  với  một  cận  sự  nữ  tại Arizona vì tôi sẽ viếng thăm Arizona vào thứ Năm. Tôi có nói với cô ta là tôi có nghe là nhiệt độ bên đó vừa rồi là 120 độ Fahrenheit1. Cho nên, tôi đã hỏi cô ta là bây giờ nó như thế nào. Cô ta nói: “Dạ, nó đã mát xuống rồi ạ.” Tôi hỏi là nhiệt độ hiện tại là bao nhiêu và cô ta nói là:

“106 độ1  ạ.” Như vậy, đối với chúng ta, 106 độ là rất nóng ở  đây  tại  San  Francisco.  Nhưng  đối  với  họ,  nó  đã  mát xuống  rồi.  Cho  nên,  hỏa  đại  (Tejo-dhātu)  là  tương  đối. Nóng hay lạnh thì được gọi là hỏa đại (Tejo-dhātu).

Phong Đại (Vāyo-dhātu)

Yếu tố cuối cùng là phong đại (Vāyo-dhātu). Phong đại không có nghĩa là gió, mà là một cái gì đó thuộc về gió; đó là nguyên lý chuyển động và áp lực. Đặc tính của nó là sự trương phồng, căng cứng. Khi các bạn cho khí vào một cái bong bóng, thì cái bong bóng trở nên giãn nở ra. Sự giãn nở hay trương phồng đó là cái chúng ta gọi là phong đại (Vāyo-dhātu). Nó có bản chất chuyển động hay di chuyển. Cho nên, khi chúng ta di chuyển một vật gì đó, thì chúng ta có thể nói là có một sự dồi dào, phong phú của phong đại (Vāyo-dhātu). Do sự dồi dào, phong phú của phong đại (Vāyo-dhātu), chúng ta nói là có sự chuyển động. Thật ra không có sự chuyển động nào cả. Không có cái gì chuyển động cả. Cái mà chúng ta gọi là sự chuyển động chẳng qua là những sắc pháp sanh lên ở những thời điểm khác nhau. Một nhóm sắc pháp biến mất và một nhóm sắc pháp khác sanh lên. Nhưng chúng có thể sanh lên tại một vị trí cách xa một chút những sắc pháp đã biến mất. Chúng ta không thể thấy được sự sanh lên của những sắc pháp. Nhưng khi chúng ta thấy những sắc pháp sanh lên và biến mất tại những vị trí rất gần nhau nhưng khác nhau, thì chúng ta nói là có sự chuyển động, có sự dịch chuyển.

Các bạn có thể lấy phim ảnh làm ví dụ. Trên những khung ảnh có những bức hình. Những bức hình này không di chuyển. Bức hình trên khung hình này chỉ khác một chút với bức hình trên một khung hình khác. Nếu

các bạn bước một bước, thì phải cần khoảng 30 khung hình để ghi nhận một bước đi. Sẽ có 30 khung hình hay 30 bức hình trên phim. Mỗi khung hình thì chỉ khác đi một chút. Khi bộ phim được đặt vào máy và chiếu lên màn hình, thì chúng ta nghĩ là bức hình đang di chuyển. Nhưng thật ra, bức hình không di chuyển.

Phong đại (Vāyo-dhātu) có bản chất di chuyển.

Thuộc tính của nó là sự trương phồng, giãn nở.

Bốn sắc tứ đại này được đặt nền tảng trên địa đại, được dính kết lại bởi thủy đại, được duy trì bởi hỏa đại và được làm căng nở lên do phong đại. Như vậy, chúng ta tìm thấy bốn thành phần này mọi nơi: sự mở rộng, sự kết dính, nhiệt lượng và sự căng nở.

Hỏa đại (Tejo-dhātu) được giải thích là làm trưởng thành hay làm chín mùi. Khi có nhiệt, mọi vật trở nên được nấu chín hay mọi vật trở nên chín mùi. Nó được xem là làm chín mùi những sắc pháp khác.

Sắc Y Sinh (Upādā-rūpa)

Bốn sắc pháp này (bốn sắc tứ đại) là nền tảng của tất cả những sắc pháp khác theo sau; tất cả những sắc pháp khác phụ thuộc vào bốn sắc pháp này để sanh lên thì được gọi là sắc y sinh (Upādā-rūpa). Các bạn hãy lưu ý rằng sắc y sinh không phải được phát sinh hay xuất phát từ sắc tứ đại. Chúng phụ thuộc vào sắc tứ đại.

Ví dụ, đây là một ngôi nhà. Mọi người sống trong đó. Sự tồn tại hay hiện hữu của mọi người sống ở đây thì được hỗ trợ bởi ngôi nhà này. Mọi người phụ thuộc vào ngôi nhà để sinh sống. Nhưng mọi người không phải là kết quả của ngôi nhà. Mọi người không phải được phát sinh ra từ ngôi nhà. Nhưng ngôi nhà này là nền tảng, sự hỗ trợ cho họ. Ở đây cũng vậy, những sắc pháp đề cập tiếp theo sau thì không phải được phát sinh ra từ sắc tứ đại, nhưng chúng phụ thuộc vào sắc tứ đại để sanh lên. Nếu không có sắc tứ đại, chúng không thể sanh lên. Cho nên, chúng được gọi là sắc y sinh (Upādā-rūpa).

Có  24  sắc  y  sinh,  và  chúng  được  phân  chia  thành nhóm.

Sắc Thần Kinh (Pasāda-rūpa)

Nhóm thứ nhất được gọi là nhóm sắc thần kinh (Pasāda-rūpa). Pasāda thật ra có nghĩa là trong suốt. Những sắc pháp trong suốt thì được gọi là Pasāda. Trong suốt ở đây có nghĩa là nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, mùi khí, vị chất và sự đụng chạm. Chúng được gọi là sắc thần kinh và có năm loại. Các bạn đã biết năm loại này.

Thần Kinh Thị Giác

Thần kinh thị giác hay thần kinh nhãn (Cakkhu- pasāda): chính con mắt, chính nhãn  cầu thì không phải là Cakkhu-pasāda. Cakkhu-pasāda là phần vật chất trên nhãn cầu, phần vật chất tồn tại trên võng mạc. Những phần tử vật chất nhỏ này là cái được gọi là thần kinh thị giác. Nhãn cầu thì được gọi là con mắt tổng hợp. Như vậy, có hai loại mắt: mắt tổng hợp và mắt (thần kinh) nhạy cảm. Khi cảnh sắc đi vào vùng nắm bắt của con mắt, thì các bạn biết là nó tác động lên con mắt. Điều này có nghĩa là nó tác động lên thần kinh thị giác, tức là lên phần vật chất được gọi là thần kinh nhãn. Rồi thì tâm nhãn thức được sinh ra. Khi chúng ta nói thần kinh thị giác, ý của chúng ta là những phần tử nhạy cảm trong mắt hay phần thần kinh nhạy cảm trong con mắt tổng hợp. Điều này cũng đúng đối với những thần kinh nhạy cảm khác. Ở đây, nó được gọi là thần kinh thị giác (Cakkhu-pasāda).

Thần Kinh Thính Giác

Loại thứ hai được gọi là thần kinh thính giác hay là thần kinh nhĩ (Sota-pasāda). Ở đây cũng vậy, toàn bộ lỗ tai thì không được gọi là thần kinh thính giác, mà thật ra là những phần tử nhạy cảm bên trong tai trong mới là thần kinh thính giác. Trong các Sớ Giải có giải thích như sau:

“… được tìm thấy ở phía trong lỗ tai, ‘trong cái phần có hình như một cái bọc ngón tay và được bao phủ bởi lông tơ màu nâu;’ …” (CMA, VI, Guide to §3, p.238)

Điều đó khá chính xác. Trong lỗ tai, có một bộ phận giống như là một chiếc nhẫn. Cái bọc ngón tay là cái gì? Tôi đã tra cứu và được biết là nó giống như một cái vỏ hay cái miếng bọc trên ngón tay được dùng khi các bạn có một vết thương hay vết cắt trên ngón tay. Nhưng thật ra, cái từ ở đây được dùng với nghĩa là một chiếc nhẫn. Nó là một đồ trang sức trên ngón tay, tức là như một chiếc nhẫn. Nhìn vào các sách y học, các bạn sẽ thấy là ở trong tai trong có bộ phận giống như vậy. Đó là cái được gọi là thần kinh thính giác. Tôi muốn gọi nó là chiếc nhẫn hơn là cái bọc ngón tay. Đó là thần kinh thính giác.

Thần Kinh Khứu Giác

Loại thứ ba là thần kinh khứu giác hay thần kinh tỷ (Ghāna-pasāda).

“Thần kinh khứu giác được tìm thấy trong khoang mũi (ở trong lỗ mũi), tức là phần vật chất tiếp nhận mùi.” (CMA, VI, Guide to §3, p.238)

Ngài Bhikkhu Bodhi không trình bày chi tiết về việc nó giống như thế nào. Tuy nhiên, điều này thì được ghi nhận trong Sớ Giải. Trong đó nói rằng thần kinh khứu giác thì giống như là cái móng của con dê, cái bàn chân của con dê. Chúng ta có hai ống mũi và có lẽ tại chỗ tận cùng thì nó là một cái gì đó giống như vậy. Đó là nơi khí hay mùi được tiếp nhận. Sắc pháp tại nơi đó thì được gọi là thần kinh khứu giác (Ghāna-pasāda).

Thần Kinh Vị Giác

Loại thứ tư là thần kinh vị giác hay thần kinh thiệt (Jivhā-pasāda).

“Thần kinh vị giác thì được tìm thấy là lan tỏa trên toàn cái lưỡi, với mục đích ghi nhận vị chất.” (CMA, VI, Guide to §3, p.238)

Khi các bạn biết được vị chất, thì điều đó có nghĩa là vị chất đã tiếp xúc với thần kinh vị giác. Ở đây cũng vậy, Sớ Giải đưa ra ví dụ về cái mũi của cánh sen. Đầu mũi của cánh hoa sen thì nhọn. Những vùng đó đây trên lưỡi nơi mà có những phần tử nhạy cảm này thì được gọi là thần kinh vị giác (Jivhā-pasāda). Y học hiện đại cho rằng những nơi khác nhau trên lưỡi thì trải nghiệm những vị khác nhau. Vị ngọt thì được trải nghiệm tại một nơi và vị chua thì được trải nghiệm tại một nơi khác. Chúng phân biệt những thứ khác nhau. Những vùng này thì được gọi là thần kinh vị giác.

Thần Kinh Xúc Giác

Loại thứ tư là thần kinh xúc giác hay thần kinh thân (Kāya-pasāda).

“Thần kinh xúc giác thì trải ra trên toàn bộ cơ thể hữu cơ…” (CMA, VI, Guide to §3, p.238)

Thần kinh xúc giác tồn tại trên toàn bộ cơ thể, trên cả cơ thể.

“…  giống  như  một  chất  lỏng  làm  ướt  đẫm  một miếng bông gòn.” (CMA, VI, Guide to §3, p.238)

Giả sử có một miếng bông gòn và các bạn đổ nước vào nó. Thì miếng bông gòn sẽ đẫm nước. Tức là nước tràn ngập miếng bông gòn.

“…  (nó)  có  nhiệm  vụ  ghi  nhận  những  xúc  giác.” (CMA, VI, Guide to §3, p.239)

Bất kỳ khi nào chúng ta biết sự đụng chạm, bất kỳ khi nào chúng ta trải nghiệm sự đụng chạm, thì có nghĩa là cảnh xúc đã tiếp xúc với thần kinh xúc giác trong cơ thể của chúng ta.

Thần kinh xúc giác trải ra trên toàn bộ cơ thể ngoại trừ đầu móng tay móng chân, đầu lông tóc và da khô. Khi da trở nên khô, thì các bạn không có cảm giác gì ở đó. Khi da bị khô, thì các bạn có thể cắt nó mà không gây nên đau đớn gì. Ngoại trừ những nơi đó, thì thần kinh xúc giác trải ra trên toàn bộ cơ thể.

Năm loại sắc pháp này thì được gọi là sắc thần kinh (Pasāda-rūpa). Chúng tương ứng với năm loại tâm thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức. Những sắc thần kinh này làm nơi nương (vật) cho những tâm thức này (nhãn thức và vân vân). Trong chương thứ ba, phần cuối bàn về vật (Vatthu). Ở đó, chúng ta có nhãn vật (Cakkhu-vatthu), nhĩ vật (Sota-vatthu), tỷ vật (Ghāna-vatthu), thiệt vật (Jivhā-vatthu), thân vật (Kāya- vatthu) và sắc ý vật (Hadaya-vatthu). Nhãn vật (Cakkhu- vatthu) và thần kinh thị giác (Cakkhu-pasāda) là cùng một thứ. Nhĩ vật (Sota-vatthu) và thần kinh thính giác (Sota-pasāda) là cùng một thứ và vân vân. Chúng ta sẽ bàn đến sắc ý vật (Hadaya-vatthu) sau. Năm loại sắc pháp này được gọi là sắc thần kinh (Pasāda-rūpa).

Sắc Cảnh Giới (Gocara-rūpa)

Nhóm tiếp theo được gọi là sắc cảnh giới (Gocara- rūpa hay Visaya-rūpa). Gocara có nghĩa là vùng hay nơi mà một người lang thang tại đó. Nói vắn tắt thì nó có nghĩa là một đối tượng. Gocara-rūpa có nghĩa là những hiện tượng vật chất khách quan làm cảnh, tức là đối tượng của thần kinh thị giác và vân vân. Tương ứng với năm sắc thần kinh, chúng ta có năm sắc cảnh giới (Gocara-rūpa). Chúng là sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh thinh (Sadda), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa) và sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba).

Loại đầu tiên là sắc cảnh sắc (Rūpa). Cái gì có thể thấy được thì gọi là sắc cảnh sắc (Rūpa). Cái chúng ta thấy thì chỉ là sắc cảnh sắc (Rūpa). Khi tôi nói: “Tôi thấy một người đàn ông”, thì tôi không thật sự thấy một người đàn ông. Cái mà tôi thấy là một sắc cảnh sắc của cái được gọi là một người đàn ông. Nhưng tâm trí của tôi lừa tôi vào việc tin rằng tôi đang thấy một người đàn ông. Thật ra, cái tôi thấy thì chỉ là một sắc cảnh sắc, tức là những phần tử của một vật thể có thể được nhìn thấy trên toàn bộ cơ thể đó.

Bây giờ, các bạn hãy lưu ý rằng từ “Rūpa” có ít nhất là hai nghĩa trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Nói chung thì Rūpa có nghĩa là sắc pháp khi muốn phân biệt với Nāma (danh pháp). Nhưng ở đây, khi nó có nghĩa là sắc cảnh sắc, thì nó lại khác mặc dầu chúng ta vẫn dùng từ Rūpa. Khi các bạn đọc sách về Thắng Pháp (Abhidhamma), điều rất quan trọng là các bạn phải hiểu từ “Rūpa” có nghĩa là sắc pháp nói chung hay là sắc cảnh sắc. Ở đây thì Rūpa có nghĩa là sắc cảnh sắc, tức là cái mà các bạn thấy.

Loại thứ hai là sắc cảnh thinh hay âm thanh (Sadda). Các bạn biết âm thanh là gì rồi. Nó là âm thanh hay là tiếng động. Thứ ba là sắc cảnh khí hay hương mùi (Gandha). Thứ tư là sắc cảnh vị hay vị chất (Rasa).

Loại thứ năm: sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) thì không được tính riêng vì thật ra, nó là sự kết hợp của ba sắc tứ đại. Sự kết hợp của địa đại (Pathavī), hỏa đại (Tejo) và phong đại (Vāyo) thì được gọi là sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba). Như vậy, không có sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) riêng biệt. Khi chúng ta nói sắc cảnh xúc, thì ý của chúng ta là sự kết hợp của ba sắc tứ đại này. Thủy đại (Āpo) thì không thể đụng chạm được. Nó không thể bị rờ đụng được, cho nên ở đây, nó bị loại ra.

Điều này có thể gây ra một sự lẫn lộn khi chúng ta liệt kê sắc pháp hay khi chúng ta muốn tìm xem có bao nhiêu sắc pháp. Chúng ta phải rất cẩn thận. Nếu có bốn sắc tứ đại và cũng có sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba), thì chúng ta không tăng số đếm lên gấp đôi. Chúng phải lấy chỉ bốn sắc tứ đại hay chỉ ba sắc tứ đại trong cảnh xúc. Như vậy, năm sắc pháp này được gọi là sắc cảnh giới (Gocara-rūpa), tức là đối tượng của năm sắc thần kinh. Sắc cảnh sắc (Rūpa) là đối tượng của con mắt và vân vân. Sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) là đối tượng của thần kinh xúc giác. Thật ra, chúng là đối tượng của tâm thức; chúng không phải là đối tượng của các sắc thần kinh, mà là đối tượng của tâm thức.

Bây giờ, các bạn đã biết năm sắc thần kinh (Pasāda) và năm đối tượng. Tương ứng với năm sắc thần kinh (Pasāda) và năm đối tượng này, chúng ta có năm tâm tiếp nhận giác quan (Pañca-viññāṇa). Chẳng hạn, khi thần kinh thị giác và sắc cảnh sắc tiếp xúc với nhau, tức là sắc cảnh sắc đi vào vùng nắm bắt của thần kinh thị giác, thì tâm nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa) sanh lên. Cho nên, tâm nhãn thức phụ thuộc vào ít nhất là hai yếu tố này: thần kinh thị giác và sắc cảnh sắc. Nó phụ thuộc vào hai yếu tố này, nhưng vẫn còn những điều kiện khác nữa. Những điều kiện khác là gì? Những điều kiện khác là ánh sáng và sự chú ý.

Những trường hợp khác thì cũng tương tự như vậy. Tức là, ví dụ, tâm thân thức sanh lên thông qua sự kết hợp hay sự tiếp xúc của sắc cảnh xúc và thần kinh xúc giác.

Sắc Giới Tính (Bhāva-rūpa)

Nhóm tiếp theo được gọi là sắc giới tính (Bhāva- rūpa). Thứ nhất là sắc tố nữ (Itthi-bhāva hay Itthatta). Có hai từ Pāḷi như vậy. Chúng có cùng một nghĩa là sắc tố nữ hay sắc nữ tính.

Tiếp theo là sắc tố nam (Pumbhāva hay Purisatta). Những sắc pháp này cũng được gọi là những căn quyền. Khi chúng ta học về 22 căn quyền trong chương thứ bảy, chúng ta sẽ tìm thấy hai yếu tố này ở đó.

“Những  căn  quyền  này  có  đặc  tính  của  nữ  giới  và nam  giới  một cách  tương  ứng.  Chức năng  của  chúng  là biểu  hiện  hay  thể  hiện tính  cách  nữ  giới  và  nam  giới.” (CMA, VI, Guide to §3, p.239)

Thật ra, sắc tố nam và sắc tố nữ không thể được nhìn thấy. Cái mà chúng ta thấy thì không phải là sắc tố nam và sắc tố nữ, mà lại là một cái gì đó giúp chúng ta biết đó là một người nam hay đó là một người nữ. Chúng là dấu hiệu, biểu hiện hay tính cách của người nam hay người nữ. Tức là cấu trúc sinh học của cơ thể của người nam và của người nữ thì khác nhau. Các bạn biết được một người là nam hay nữ do nhìn vào cấu trúc của cơ thể, do nhìn vào những đặc tính nam hay nữ.

Các bạn nhìn vào một khuôn mặt và các bạn biết được đó là khuôn mặt của một người nam hay của một người nữ. Đàn ông thì có râu và đàn bà thì không có râu. Và rồi là nghề nghiệp thích hợp hay phổ biến: đàn ông làm những công việc cố định nào đó và đàn bà thì làm những công việc khác. Trong những tài liệu này còn nói rằng chúng ta có thể biết được dựa vào cách họ chơi đùa khi họ còn nhỏ. Con gái thì chơi chén bát, nấu nướng và vân vân. Con trai thì chơi cung tên và những thứ khác. Tại quốc gia của chúng tôi (Miến Điện), con trai không bao giờ chơi với chén bát. Nhưng ở đây (Hoa Kỳ), mọi thứ đều có thể xảy ra. Ở đây, đàn ông phải nấu nướng.

Và cũng có cách cư xử và biểu hiện của nam và nữ, tức là cách đi đứng và làm việc. Nhìn vào cách họ làm việc, các bạn biết được đây là đàn ông hay đây là đàn bà. Thậm chí khi không có đủ ánh sáng, thậm chí nếu các bạn không thể thấy rõ, các bạn vẫn biết đây là đàn ông hay đây là đàn bà. Như vậy, có sự khác biệt này giữa đàn ông và đàn bà. Sự khác biệt này được biết đến hay được gọi là sắc tố nam và sắc tố nữ của họ. Điều đó thật ra không thể thấy được. Cái mà có thể thấy được là cấu trúc cơ thể của họ, những đặc tướng của họ, công việc của họ, cách cư xử của họ cũng như sự biểu hiện của họ.

Điều được ghi nhận là sắc giới tính (Bhāva-rūpa) trải rộng trên toàn bộ cơ thể. Nó không chỉ ở một vùng nào đó. Nó giống như sắc cảnh xúc; tức là nó có trên toàn bộ cơ thể. Cho nên, nếu các bạn nhìn vào một ngón tay, các bạn biết được nó là của nam hay của nữ.

Sắc Ý Vật (Hadaya-vatthu)

Bây giờ, chúng ta đi đến sắc ý vật (Hadaya-vatthu). Chúng ta đã gặp sắc ý vật ở chương thứ ba trong phần về vật.

“Sắc ý vật có đặc tính là làm nơi nương mang tính vật chất cho ý giới và ý thức giới.” (CMA, VI, Guide to §3, p.239)

Các bạn có còn nhớ ý giới và ý thức giới không? Ý giới (Mano-dhātu) bao gồm bao nhiêu tâm? Có ba tâm: hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) và hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana). Chúng được gọi là ý giới. Ý thức giới (Mano-viññāṇa-dhātu) thì có nghĩa là những tâm (Citta) khác ngoại trừ ngũ song thức và ý giới (Mano- dhātu). Sắc ý vật làm nhiệm vụ hỗ trợ hay giúp đỡ cho ý giới (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa-dhātu). Chức năng của nó là nâng đỡ chúng hay hoạt động như là một chỗ chứa đựng, như là một nơi nương tựa của chúng. Sắc ý vật được tìm thấy trong phần máu trong tim. Nó phụ thuộc vào phần máu đó. Chú ý là trái tim ở đây không được gọi là sắc ý vật (Hadaya-vatthu).

“Nó được tìm thấy là phụ thuộc vào phần máu bên trong trái tim, và được trợ giúp bởi bốn sắc tứ đại và được duy trì bởi sắc mạng quyền.” (CMA, VI, Guide to 3, p.239)

Có nhiều điều cần phải nói và tranh luận về sắc ý vật (Hadaya-vatthu) này. Sắc ý vật (Hadaya-vatthu) không có nghĩa là chính trái tim mà là một loại sắc pháp nào  đó  tồn  tại  phụ  thuộc vào  phần  máu  trong trái  tim. Sắc  ý  vật  (Hadaya-vatthu)  này  không  được  nhắc  đến trong   bộ   Pháp   Tụ   (Dhammasaṅgaṇī).   Bộ   Pháp   Tụ (Dhammasaṅgaṇī) là bộ sách mà trong đó tất cả những tâm (Citta), những tâm sở (Cetasika) và những sắc pháp (Rūpa) được nhắc đến. Nó là bộ sách đầu tiên của Tạng Thắng  Pháp  (Abhidhamma).  Là  bộ  sách đầu  tiên  của Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma), nó phải miêu tả tất cả những tâm (Citta), những tâm sở (Cetasika) và những sắc pháp (Rūpa). Nhưng trong bộ sách đó, sắc ý vật (Hadaya- vatthu) không được nhắc đến. Chỉ có 27 sắc pháp được trình bày ở trong đó.

Lập luận về sự tồn tại của sắc ý vật (Hadaya-vatthu) trong Sớ Giải là như sau: “Ý giới (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa-dhātu) phải phụ thuộc vào sắc pháp (Rūpa) (Rūpa ở đây có nghĩa là sắc pháp) khi chúng sanh lên trong dục (Kāma) giới và sắc (Rūpa) giới (Chúng sanh lên trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) và những cõi sắc giới (Rūpāvacara)). Sắc pháp (Rūpa) đó không thể là bốn sắc tứ đại (Mahābhūta) vì chúng đã bị phụ thuộc vào bởi những sắc y sinh (Upādārūpa). Cho nên, sắc pháp (Rūpa) đó phải là một sắc y sinh (Upādā- rūpa).” Các vị giáo thọ sư đã cho chúng ta những nguyên nhân để chấp nhận sự tồn tại của sắc ý vật (Hadaya- vatthu). Chúng ta có ý giới (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa-dhātu). Nếu chúng sanh lên trong dục giới (Kāmāvacara) và sắc giới (Rūpāvacara), thì chúng phải phụ thuộc vào một sắc pháp (Rūpa) nào đó. Nếu không có sắc pháp (Rūpa) nào để chúng nương tựa vào, thì chúng sẽ không sanh lên. Ví dụ, nhãn thức (Cakkhu- viññāṇa) thì phụ thuộc vào sắc cảnh sắc và thần kinh thị giác (Cakkhu-vatthu). Nhưng sắc pháp (Rūpa) mà chúng phụ thuộc hay nương tựa vào thì không thể là bốn sắc tứ đại vì bốn sắc tứ đại đã bị phụ thuộc vào bởi sắc y sinh (Upādā-rūpa). Tức là sắc y sinh (Upādā-rūpa) đã nương tựa  vào chúng  rồi.  Chúng  phải  đóng  vai  trò  là  một  nền tảng hay chỗ nương cho sắc y sinh (Upādā-rūpa). Ý giới (Mano-dhātu)   và   ý   thức  giới   (Mano-viññāṇa-dhātu) không thể phụ thuộc vào bốn sắc tứ đại. Điều này giống như  là  quy  luật  loại  trừ.  Chúng  ta  loại  trừ  từng yếu  tố một. Do đó, chúng ta đi đến yếu tố cuối cùng, và chúng ta sẽ chọn  lựa  nó.  Khi  ý  giới  (Mano-dhātu)  và  ý  thức  giới (Mano-viññāṇa-dhātu)  được  nói  là  phải  phụ  thuộc  vào một sắc pháp nào đó, thì chúng ta sẽ hỏi: “Chúng có phụ thuộc vào bốn sắc tứ đại không?” Câu trả lời sẽ là không. Tại sao? Vì bốn sắc tứ đại đã bị phụ thuộc vào bởi 24 sắc y sinh (Upādā-rūpa) và do đó, chúng không thể làm chỗ nương  cho  ý  giới  (Mano-dhātu)  và  ý  thức  giới  (Mano- viññāṇa-dhātu).

Trong số 24 sắc y sinh (Upādā-rūpa), chúng có thể phụ  thuộc  vào  thần kinh  thị  giác  và  vân  vân  không? Không. Vì thần kinh thị giác là nơi nương cho nhãn thức và  vân  vân.  Như  vậy,  chúng  không  thể nương vào  năm sắc thần kinh.

Chúng có thể phụ thuộc vào sắc cảnh sắc không? Chúng cũng không thể nương vào sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh thinh (Sadda) và vân vân vì những sắc pháp này, tức là sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh thinh (Sadda) và vân vân, cũng có thể được tìm thấy ngoại phần. Sắc cảnh sắc (Rūpa) được tìm thấy nội phần và ngoại phần. Cây bút tôi thấy ở đây là sắc cảnh sắc (Rūpa) ngoại phần. Bàn tay tôi thấy ở đây là sắc cảnh sắc (Rūpa) nội phần. Cho nên, chúng cũng có thể được tìm thấy ngoại phần. Ý giới (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa-dhātu) không thể phụ thuộc vào sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh thinh (Sadda), sắc cảnh khí, sắc cảnh vị hay sắc cảnh xúc.

Còn sắc giới tính (Bhāva) thì sao? Ý giới (Mano- dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa-dhātu) có thể nương vào sắc giới tính (Bhāva) không? Câu trả lời là không. Chúng không thể phụ thuộc vào hai sắc giới tính bởi vì những giới (Dhātu) này sanh lên trong cả những ai không có sắc giới tính. Tức là những ai không phải nam cũng không phải nữ. Có những người không có giới tính. Ý giới (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa- dhātu) cũng có sanh lên trong những người đó. Cho nên, ý giới (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa- dhātu) không phụ thuộc vào hai sắc giới tính.

Còn gì khác nữa? Chúng có phụ thuộc vào sắc vật thực không (Āhāra)? Chúng không phụ thuộc vào sắc vật thực (Āhāra) do cùng nguyên nhân là sắc vật thực (Āhāra) cũng được tìm thấy ngoại phần.

“Điều cần phải được hiểu là phải có một sắc pháp (Rūpa) nào khác mà những giới (Dhātu) này phụ thuộc vào và chính sắc pháp (Rūpa) đó phải là sắc y sinh chứ không phải là sắc tứ đại (Mahābhūta).” Phải có một sắc pháp (Rūpa) nào đó mà ý giới (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa-dhātu) phụ thuộc vào. Sắc pháp đó phải là một sắc y sinh (Upādā-rūpa) chứ không phải là một sắc tứ đại (Mahābhūta).

“Sắc y sinh đó làm nơi nương cho những giới (Dhātu) này thì không là gì khác ngoài sắc ý vật (Hadaya- vatthu).” Điều này thì hơi tùy tiện, hơi độc đoán quá. Sự lập luận ban đầu thì rất hay, nhưng câu văn cuối cùng này, tức là sự kết luận này, thì hơi tùy tiện, hơi độc đoán. Nó phải là sắc ý vật (Hadaya-vatthu), cho nên chúng ta có sắc ý vật (Hadaya-vatthu).

Lý do tại sao nó không được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī) – bây giờ, có một câu hỏi. Nếu thật sự có sắc ý vật (Hadaya-vatthu) hay nếu sắc ý vật thật sự tồn tại, thì tại sao nó không được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī) trong khi tất cả các sắc pháp khác lại được nhắc đến? Câu trả lời là: “Nếu nó được nhắc đến trong đó, thì tính trôi chảy hay tính đồng nhất trong sự trình bày về vật nhị đề (Vatthu-duka) và cảnh nhị đề (Ārammaṇa-duka), một nhân tố rất quan trọng cho sự thấu hiểu giáo lý và việc giác ngộ Sự Thật của thính chúng, sẽ bị phá vỡ và do đó, sẽ làm hỏng đi mục đính quan trọng của giáo lý – đó là việc giác ngộ Sự Thật của thính chúng.”

Các bạn phải đọc bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī) để hiểu điều này. Trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), đặc biệt  trong  phần  đó,  những  vật (Vatthu)  được  nhắc  đến theo hai cách. Lời văn như sau: “Có sắc pháp (Rūpa) là cơ  sở  hay  nền  tảng  của/cho  nhãn  thức;  có  sắc  pháp (Rūpa) không là cơ sở hay nền tảng của/cho nhãn thức.” Đây là một nhị đề. Đôi tiếp theo là: “Có sắc pháp (Rūpa) là  cơ  sở  hay  nền  tảng của/cho  nhĩ  thức;  có  sắc  pháp (Rūpa) không là cơ sở  hay nền tảng của/cho nhĩ thức.” Theo cách này, sắc pháp (Rūpa) đã được xử lý trong phần đó ở trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī). Cho nên, năm đôi hay năm nhị đề 1-5 thì không có vấn đề gì. “Có sắc pháp (Rūpa) là cơ sở hay nền tảng của/cho thân thức; có sắc  pháp  (Rūpa)  không  là  cơ  sở  hay nền  tảng  của/cho thân thức” – vì các bạn có thể chỉ ra sắc pháp (Rūpa) là cơ sở  hay  nền  tảng  của/cho  thân  thức và  sắc pháp  (Rūpa) không là cơ sở hay nền tảng của/cho thân thức, tức là tất cả những sắc pháp (Rūpa) khác. Như vậy, các bạn có thể tìm  ra  những  sắc  pháp  (Rūpa) được  nhắc  đến  trong những câu văn trên.

Rồi chúng ta đi đến cảnh nhị đề (Ārammaṇa-duka) – tức là nói về đối tượng. “Có sắc pháp (Rūpa) là đối tượng của nhãn thức.” Các bạn có thể chỉ ra sắc pháp đó không? Đó là cái nào? Nó là số 10, tức là sắc cảnh sắc (Rūpa). “Có sắc pháp (Rūpa) không là đối tượng của nhãn thức.” Đúng vậy, đó là tất cả những sắc pháp khác. Đôi thứ hai cho đến đôi thứ năm thì cũng như vậy. Chúng ta hãy nói về đôi thứ năm. “Có sắc pháp (Rūpa) là đối tượng của thân thức.” Đó là cái nào? Sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) là đối tượng của thân thức. “Có sắc pháp (Rūpa) không là đối tượng của thân thức.” Tất cả những sắc pháp khác thì không phải là đối tượng của thân thức.

Giả sử chúng ta thành lập nhị đề thứ sáu như sau. Có sắc pháp (Rūpa) là cơ sở hay nơi nương cho ý thức (Mano-viññāṇa). Có sắc pháp (Rūpa) không là cơ sở hay nơi nương cho ý thức. Các bạn có thể chỉ ra những sắc pháp này không? Có sắc pháp (Rūpa) là nơi nương cho ý thức, và chúng ta có thể nói nó là sắc ý vật (Hadaya). Sắc pháp (Rūpa) nào thì không phải là nơi nương cho ý thức? Đó sẽ là những vật khác.

Bây giờ, chúng ta hãy nói đến cảnh nhị đề (Ārammaṇa-duka). Có sắc pháp (Rūpa) là đối tượng của ý thức. Đúng, có rất nhiều. Có sắc pháp (Rūpa) không phải là đối tượng của ý thức. Không, điều này không đúng vì không có sắc pháp nào cả. Như vậy, nhị đề này bị hỏng-vỡ tại đây.

Hai nhị đề này thật ra không có trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī). Đó là lý do tại sao cái đầu đề này được xem là vật nhị đề (Vatthu-duka) đáng khen ngợi. Nếu chúng ta thành lập nhị đề thứ sáu, thì nó sẽ giống như thế này. Vật nhị đề (Vatthu-duka) thì tốt đẹp vì các bạn có thể chỉ ra những sắc pháp (Rūpa) được nhắc đến trong những câu văn. Nhưng khi chúng ta đi đến cảnh nhị đề (Ārammaṇa-duka), thì nó bị gãy-vỡ. Chỉ có câu trả lời cho chi đầu trong nhị đề. Tức là có sắc pháp làm đối tượng cho ý thức: tất cả các tâm (Citta), những tâm sở (Cetasika), những sắc pháp (Rūpa) và vân vân. Có sắc pháp (Rūpa) không làm đối tượng của ý thức – không. Không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Chúng ta không thể tìm ra bất cứ cái gì làm câu trả lời cho câu hỏi đó. Như vậy, nhị đề này sẽ bị gãy-vỡ. Nếu nhị đề bị gãy-vỡ, thì thính chúng sẽ thấy khó chịu. Họ có thể không theo dõi được lời giảng của Đức Phật và họ có thể không chứng đạt sự giác ngộ sự thật. Để không làm cho họ bị khó chịu, Đức Phật đã bỏ rơi sắc ý vật (Hadaya-vatthu) ra khỏi danh sách những sắc pháp trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī). Đó là lý do tại sao nó không được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī).

Thậm chí nếu chúng ta có nói rằng giáo lý Thắng Pháp (Abhidhamma) thì rất chính xác và nội dung cũng như cách trình bày giáo lý này không dựa trên việc mọi người có thích nó hay không, nhưng chúng ta phải lưu ý rằng mục đích của việc giảng dạy của Đức Phật không phải là để khoe khoang trí tuệ của Ngài mà là giúp mọi người nhận thức được sự thật, giúp mọi người đạt đến sự giác ngộ. Cho nên, giả sử nếu Đức Phật có nhắc đến sắc ý vật (Hadaya-vatthu) trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), thì Ngài cũng có lẽ sẽ phải nói đến những nhị đề này. Những nhị đề này không hoàn thiện và một trong số chúng thì bị gãy-vỡ. Như vậy, bài giảng không còn lưu thông hay thông suốt nữa. Sự thông hiểu của thính chúng có thể bị ảnh hưởng. Để giúp cho họ khỏi bị khó hiểu và mập mờ, sắc ý vật (Hadaya-vatthu) đã không được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī). Nó không được nhắc đến không có nghĩa là nó không tồn tại. Giả sử nếu nó có được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), thì nó cũng sẽ chẳng giúp thính chúng giác ngộ được sự thật. Đó là lý do tại sao nó không được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī). Đó là một câu hỏi.

Nếu nó không được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), thì nó được nhắc đến ở đâu? Câu trả lời là nó được nhắc đến trong bộ sách thứ bảy của Thắng Pháp (Abhidhamma), tức là bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna). Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề đâu. Mặc dầu điều được ghi nhận là sắc ý vật (Hadaya-vatthu) thì được nhắc đến trong bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna), nhưng khi chúng ta tìm đến và đọc bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna), thì chúng ta chẳng tìm thấy sắc ý vật (Hadaya) trong đó. Tại đó, Đức Phật dùng một từ rất chung chung để chỉ cho sắc ý vật (Hadaya-vatthu). “Dựa vào một sắc pháp nhất định (nào đó), ý thức (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano-viññāṇa- dhātu) sanh lên.” Chỉ như vậy. “Dựa vào một sắc pháp nhất định” – Đức Phật không nói là dựa vào sắc ý vật (Hadaya-vatthu). Các giáo thọ sư, các nhà Chú Giải, chấp nhận điều đó có nghĩa là sắc ý vật (Hadaya-vatthu). Lập luận của họ là ý thức (Mano-dhātu) và ý thức giới (Mano- viññāṇa-dhātu) phải phụ thuộc vào một sắc pháp nào đó và vân vân. Dù chúng ta có giải thích như thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng không thể nào giải quyết được vấn đề một cách thỏa đáng.

Tại sao nó không được nhắc đến trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī)? Nó không được nhắc đến vì Đức Phật đã muốn bài giảng của Ngài được trôi chảy một cách thông suốt. Nó được nhắc đến ở đâu? Nó được nhắc đến trong bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna). Nhưng chúng ta không tìm thấy nó trong bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna), mà chúng ta chỉ tìm thấy một lời trình bày chung chung ở đó. Dù nó là như thế nào đi nữa, thì tác giả của tài liệu này vẫn cho rằng điều đó có nghĩa là sắc ý vật (Hadaya-vatthu). Điều đó thì hơi tùy tiện một chút.

Tại sao các nhà Chú Giải lại giải thích như vậy mặc dầu sắc ý vật (Hadaya-vatthu) không được nhắc  đến bằng tên gọi rõ ràng trong cả bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī) và bộ Duyên Hệ (Paṭṭhāna)? Tôi nghĩ điều đó là vì khi các bạn hạnh phúc hay khi các bạn buồn, thì các bạn có cảm giác một cái gì đó trong tim, trong ngực. Khi các bạn lo sợ, tim các bạn đập mạnh. Cho nên, mọi người cho rằng tâm thức thì phụ thuộc vào nơi tim. Từ “Hadaya”, giống như từ “trái tim” trong tiếng Việt, cũng là từ đồng nghĩa với từ “Citta”. Trong ngôn ngữ, các bạn cũng dùng từ “trái tim” để diễn tả tâm trí. Các bạn nói: “Anh ta có một trái tim rất tốt” hay cái gì đó như vậy. Tôi nghĩ vào những ngày cổ xưa, thì tâm trí được chấp nhận rộng rãi là phụ thuộc vào trái tim. Chỉ gần đây, khoảng một trăm năm trở lại, thì người ta nói rằng tâm trí phụ thuộc vào bộ não, tức là bộ não là chỗ trú ngụ của tâm trí. Chúng ta không thể nói điều nào là có lý hơn. Ngay vào lúc hiện tại, người ta cũng không chắc chắn rằng tâm trí thì thật sự phụ thuộc vào bộ não. Họ vẫn còn ở trong giai đoạn thử nghiệm. Chúng ta không thể ngã về bên nào cả hay là chúng ta có thể chọn đi theo những giáo thọ sư cổ xưa của chúng ta. Như vậy, chúng ta lấy trái tim hay những vật chất ở trong máu trong trái tim làm chỗ trú của ý giới (Mano-dhātu).

Có một đoạn văn ở trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) liên quan đến sắc ý vật, nhưng bản dịch tiếng Anh thì lại có lỗi.

“Sắc ý vật (ở tim) có đặc tính là làm chỗ nương vật lý hay là sự hỗ trợ cho ý giới và ý thức giới. Chức năng của nó là quan sát chúng.” (Visuddhimagga, XIV, §60, p.447)

Tôi nghĩ điều đó không đúng. Chức năng của nó là làm  chỗ  nương  của chúng  hay  làm  nơi  chứa  đựng  của chúng.  Từ  Pāḷi  “Ādhāra”  không thể  có  nghĩa  là  “quan sát”. Ngài Bhikkhu Bodhi không dùng từ “quan sát” trong phần hướng dẫn. Ở đó, lời văn của Ngài là: “Chức năng của nó là nâng đỡ chúng.” (Xem CMA, VI, Guide to §3, p.329) Tôi nghĩ đó là một sự chuyển ngữ đúng.

Sắc Mạng Quyền (Jīvita-rūpa)

Tiếp theo là gì? Sắc mạng quyền (Jīvita-rūpa). Các bạn đã gặp tâm sở (Cetasika) danh mạng quyền (Jīvitindriya). Sắc mạng quyền là bản sao của tâm sở (Cetasika) đó. Tâm sở (Cetasika) đó được gọi là danh mạng quyền và sắc pháp này được gọi là sắc mạng quyền. Nó duy trì những sắc pháp cùng sanh lên. Nó sanh lên cùng với những sắc pháp khác và duy trì chúng. Chừng nào chúng (còn) tồn tại, thì nó giúp cho chúng tồn tại.

“Sắc  mạng  quyền  có  đặc  tính  duy  trì  những  sắc pháp  cùng  tồn  tại  vào  thời  điểm  hiện  hữu  của  chúng. Chức năng của nó là làm cho chúng hiện khởi hay xảy ra. Biểu hiện của nó là việc thiết lập sự hiện hữu của chúng. Nguyên nhân gần là bốn sắc tứ đại mà phải hay cần được duy trì.” (CMA, VI, Guide to §3, p.239)

Có một câu hỏi như sau: Nếu sắc mạng quyền duy trì những sắc pháp khác, thì cái gì duy trì nó? Câu trả lời là nó duy trì chính nó cùng với những sắc pháp khác. Ví dụ về người lái đò được trình bày trong những Sớ Giải. Khi một người lái đò đưa những người khác sang sông, thì ông ta cũng đưa ông ta sang sông vì ông ta gắn liền với con đò. Cũng theo cách đó, sắc mạng quyền gắn liền với những căn quyền khác nó đang duy trì. Cho nên, cùng với chúng, nó cũng duy trì chính nó.

Sắc Vật Thực (Āhāra-rūpa)

Rồi đến sắc vật thực (Āhāra-rūpa): tức là dưỡng tố trong thực phẩm chúng ta ăn. Thật ra, nó ở mọi nơi. Dưỡng tố này được tìm thấy ngoại phần cũng như nội phần.

Sắc Pháp Được Tạo Ra Một Cách Cụ Thể (Nipphanna-rūpa)

Mười tám sắc pháp kể trên được gọi là sắc chân đế (Nipphanna-rūpa), tức là sắc pháp được tạo ra một cách cụ thể. “Sắc pháp được tạo ra một cách cụ thể” có nghĩa là được tạo ra bởi bốn nhân sinh sắc pháp: nghiệp (Kamma), tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Trong phần thứ ba, bốn nhân sanh sắc pháp này sẽ được bàn đến. Những sắc pháp là sản phẩm trực tiếp của bốn nhân này thì được gọi là sắc chân đế (Nipphanna-rūpa). Tức là chúng là sắc pháp (Rūpa) thật sự. Chúng là sắc pháp (Rūpa) trọng yếu.

Sắc Chân Đế (Sabhāva-rūpa)

Chúng cũng được gọi là sắc chân đế (Sabhāva- rūpa), tức là sắc pháp có bản chất nội tại. Chúng có những thuộc tính của riêng chúng. “Bản chất nội tại” có nghĩa là chúng có những thuộc tính riêng biệt.

“… mỗi loại có một bản chất khách quan riêng biệt như  tính  cứng-mềm  trong  trường  hợp  của  địa  đại,  vân vân.” (CMA, VI, Guide to §3, p.240)

Sắc Hữu Tướng (Salakkhaṇa- rūpa)

Chúng cũng được gọi là sắc hữu tướng (Salakkhaṇa- rūpa). “Lakkhaṇa” có nghĩa là dấu hiệu hay tướng trạng và “Sa” có nghĩa là cùng nhau. Tức là chúng có những tướng trạng. Ở đây, “tướng trạng” có nghĩa là ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta cũng có thể nói rằng chúng có ba đặc tính: sanh lên, hiện hữu và biến mất hay chết. Những sắc pháp khác bắt đầu từ sắc giao giới thì không giống như vậy. Cho nên, chỉ có mười tám sắc pháp này mới được gọi là sắc hữu tướng (Salakkhaṇa-rūpa), tức là những sắc pháp có đặc tính riêng của chúng. Tức là vô thường và vân vân, cũng như sanh lên và vân vân.

Sắc Sắc (Rūpa-rūpa)

Chúng được gọi là sắc sắc (Rūpa-rūpa). Tức là sắc pháp (Rūpa) thật. Khi các bạn lặp lại một cái gì đó, các bạn muốn nhấn mạnh nó. Sắc sắc (Rūpa-rūpa) có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) mà là sắc pháp (Rūpa) thật. Chúng là sắc pháp (Rūpa) thật. Mười sắc pháp (Rūpa) còn lại là những sắc pháp (Rūpa) không thật. Mười tám sắc pháp (Rūpa) này là sắc pháp (Rūpa) thật, tức là sắc sắc (Rūpa- rūpa),

“bởi vì chúng sở hữu đặc tính thiết yếu của sắc pháp, đó là đang chịu sự biến dạng.” (CMA, VI, Guide to 3, p.240)

Sắc Quán Tưởng (Sammasana- rūpa)

Chúng cũng được gọi là sắc quán tưởng (Sammasana-rūpa), “vì chúng được xem là những đối tượng của sự quán tưởng trong thiền Minh sát dựa trên ba đặc tính.” (CMA, VI, Guide to §3, p.240)

Các bạn có hiểu điều đó không? Các bạn là những hành giả, cho nên các bạn phải hiểu điều đó. Điều đó có nghĩa  là  các  bạn  có  thể  chỉ  thực hành  thiền  Minh  sát (Vipassanā) trên mười tám sắc pháp này, chứ không phải trên mười sắc pháp còn lại. Điều đó là vì mười tám sắc pháp này có đặc tính vô thường và vân vân. Khi các bạn thực hành  thiền Minh  sát  (Vipassanā),  các bạn  cố  gắng nhìn thấy được ba đặc tính này. Để thấy được ba đặc tính này, các bạn phải ghi nhận và chú ý mười tám sắc pháp này  chứ  không  phải  mười  sắc  pháp  kia.  Mười  sắc pháp kia   không   phải   là   đối   tượng   của   thiền   Minh   sát (Vipassanā). Do đó, mười tám sắc pháp này được gọi là sắc  quán tưởng (Sammasana-rūpa).  “Sammasana”  có nghĩa  là  sự  quán  tưởng.  Như vậy,  những  sắc  pháp  này được dùng cho sự quán tưởng. Sự quán tưởng ở đây có nghĩa là sự hành thiền Minh sát (Vipassanā). Trong số 28 sắc  pháp  (Rūpa),  chỉ  có  mười  tám  sắc  pháp  này  là  đối tượng  của thiền  Minh  sát  (Vipassanā).  Các  bạn  có  thể thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên mười tám sắc pháp  này  chứ  không  phải  trên mười  sắc  phi  thực  tính (Anipphanna-rūpa).

Các bạn hãy nhìn vào bảng nêu một lần nữa (xem CMA,  VI,  Table  6.1, p.236).  Có  28  sắc  pháp  (Rūpa). Chúng được chia thành bốn sắc tứ đại (Mahābhūta) và 24 sắc   y   sinh   (Upādā-rūpa).   Rồi   thì   những  sắc   y   sinh (Upādā-rūpa)  được  chia  thành  sắc  thần  kinh  (Pasāda- rūpa), sắc cảnh giới (Gocara-rūpa), sắc giới tính (Bhāva- rūpa), sắc ý vật (Hadaya-rūpa), sắc mạng quyền (Jīvita- rūpa)  và  sắc  vật  thực (Āhāra-rūpa).  Chúng  ta  chưa  học hết tất cả các sắc pháp. Vẫn còn một vài nhóm khác nữa.

Mười tám sắc pháp bắt đầu với những sắc tứ đại (Mahābhūta) này thì được gọi là sắc chân đế (Nipphanna-rūpa), tức là sắc pháp được tạo ra một cách cụ thể. Điều đó có nghĩa là sắc pháp được tạo ra do bốn nguyên nhân: nghiệp (Kamma), tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Phần còn lại chúng ta sẽ bàn đến vào tuần sau.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app