Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Bốn: Tiến Trình Nhận Thức: Lộ Trình Tâm (II)

Tuần trước, chúng ta đã học lộ tâm ngũ môn. Chúng ta đã học ba lộ tâm nhãn thức đầu tiên. Lộ thứ nhất là Atimahanta, tức là lộ tâm cảnh rất lớn. Rất lớn có nghĩa là mạnh đến nỗi chỉ cần một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua thì dòng hữu phần (Bhavaṅga) bị rúng động. Có nhiều cảnh khác không đủ mạnh như vậy. Cho nên, đối với chúng, phải cần hai hay ba hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua trước khi chúng mới có thể rung động dòng hữu phần (Bhavaṅga). Hai lộ tâm này là hai lộ tâm cảnh lớn (Mahanta). Trong lộ tâm cảnh lớn thứ nhất thì có tâm hữu phần (Bhavaṅga) sau bảy sát-na đổng lực (Javana). Trong lộ tâm cảnh lớn thứ hai thì không có tâm  hữu phần (Bhavaṅga) sau tâm đổng lực (Javana).

Đối tượng của lộ tâm này là cảnh sắc hiện tại. Đời sống của cảnh sắc hiện tại là mười bảy sát-na tâm. Một lộ tâm bao gồm mười bảy sát-na tâm. Nếu các bạn nhìn vào lộ tâm cảnh lớn (Mahanta) thứ nhất, chúng ta có một sát-na còn lại sau những đổng lực (Javana). Tâm na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên ở đó bởi vì kinh sách ghi lại rằng tâm na cảnh (Tadārammaṇa) luôn luôn sanh lên hai lần hoặc là không sanh lên. Cho nên, nếu chúng ta chỉ còn lại một sát-na tâm, thì tâm na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên tại đó. Vì tâm na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên, chúng ta có tâm hữu phần (Bhavaṅga). Như vậy, tâm hữu phần (Bhavaṅga) này được bao gồm trong lộ tâm.

Đối với lộ tâm cảnh lớn thứ hai, vì không còn sát-na tâm nào khác trong lộ tâm sau những đổng lực (Javana), cho nên chúng ta không có vấn đề gì ở đây. Trong trường hợp của lộ tâm cảnh lớn thứ nhất, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng, nếu tâm na cảnh (Tadārammaṇa) phải sanh lên hai lần, tại sao lại không để nó sanh lên hai lần? Nếu trường hợp đó xảy ra, thì một tâm na cảnh (Tadārammaṇa) sẽ ở trong lộ tâm và một tâm na cảnh sẽ ở ngoài lộ tâm. Điều này không thể xảy ra vì trong một lộ tâm (ngoại trừ lộ đắc Đạo và một số lộ tâm khác), đối tượng của các sát-na tâm phải là giống nhau. Cho nên, nếu chúng ta cho phép tâm na cảnh (Tadārammaṇa) sanh lên ở đó, thì tâm na cảnh (Tadārammaṇa) thứ nhất sẽ bắt cảnh hiện tại trong khi tâm na cảnh (Tadārammaṇa) thứ hai sẽ bắt cảnh quá khứ. Như vậy sẽ có sự khác biệt về cảnh trong lộ tâm. Đó là lý do tại sao tâm na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên ở đó mặc dầu vẫn còn vị trí cho một sát-na tâm nữa sanh lên trong lộ tâm.

Hôm nay, chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp những lộ tâm khác, tức là lộ tâm cảnh nhỏ và lộ tâm cảnh rất nhỏ.1  Đối tượng của sáu lộ tâm cảnh nhỏ này thì yếu hơn đối tượng của lộ tâm cảnh lớn (Mahanta). Yếu đến nỗi nó phải cần bốn hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua trước khi nó làm rúng động  dòng  hữu  phần  (Bhavaṅga).  Trong  trường  hợp  có bốn hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, chúng ta hãy tiếp tục xem và đi theo lộ trình tâm cho đến khi chúng ta đến sát- na thứ mười bảy. Bây giờ chúng ta có bao nhiêu tâm hữu phần ở phía cuối? Có bốn tâm hữu phần (Bhavaṅga) – và trước bốn  tâm  hữu  phần  (Bhavaṅga)  này  thì  có  ba  tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Trong cuốn Cẩm Nang có nói rằng  tâm  đoán  định  (Voṭṭhabbana)  có  thể  sanh  lên  hai hay  ba  lần  (xem  CMA,  IV,  8,  p.160).  Như  vậy,  ở  đây chúng ta có tâm đoán định (Voṭṭhabbana) sanh lên ba lần. Sau tâm đoán định (Voṭṭhabbana), còn bốn sát-na tâm nữa trong lộ tâm mười bảy sát-na. Bốn sát-na này được điền vào bởi những tâm hữu phần (Bhavaṅga). Cho nên, chúng ta có bốn sát-na hữu phần (Bhavaṅga) trước khi cảnh của lộ tâm này biến mất. Vì tâm đoán định (Voṭṭhabbana) có thể sanh lên hai hay ba lần và vì vẫn còn những sát-na tâm chưa được điền vào trong lộ tâm mười bảy sát-na sau khi tâm đoán định (Voṭṭhabbana) diệt đi, cho nên chúng ta có thể có những lộ tâm cảnh nhỏ khác nữa.

  • Lộ cảnh nhỏ (Paritta) thứ hai có bao nhiêu hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua? Có năm hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Vì nó có năm hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, cho nên chúng ta chỉ có ba hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối.
  • Rồi trong lộ cảnh nhỏ (Paritta) thứ ba, có sáu hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, cho nên chúng ta có hai hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối.
  • Lộ cảnh nhỏ (Paritta) thứ tư có bảy hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và chỉ có một hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối.
  • Lộ cảnh nhỏ (Paritta) thứ năm có tám hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, cho nên chúng ta không có hữu phần (Bhavaṅga) nào ở phía cuối sau ba sát- na tâm đoán định (Voṭṭhabbana).
  • Lộ cảnh nhỏ (Paritta) thứ sáu có chín hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và chỉ có hai tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Cảnh của lộ tâm này sẽ biến mất cùng với tâm đoán định (Voṭṭhabbana) thứ

Như vậy, chúng ta có sáu lộ tâm cảnh nhỏ (Paritta). Đối tượng của những lộ tâm cảnh nhỏ (Paritta) thì thật sự yếu, không có mạnh lắm. Ở đây, chỉ có tâm đoán định (Voṭṭhabbana) có thể sanh lên mà không có tâm đổng lực (Javana) nào.

Lại có cảnh yếu hơn cảnh trong những lộ tâm cảnh nhỏ (Paritta). Những lộ tâm này được gọi là lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) – “Ati” có nghĩa là rất và “Paritta” có nghĩa là nhỏ hay nhẹ. Đôi lúc, chúng ta nghĩ rằng chúng ta nghe một cái gì đó hay thấy một cái gì đó, rồi thì chúng ta mất nó đi. Nó là một cái gì đó như vậy – rất rất yếu. Thật ra, không có tâm khách quan (Vīthi) nào trong những lộ tâm này.

  • Do đó, lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) thứ nhất có mười hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và chỉ có hai tâm rúng động và rồi là những hữu phần (Bhavaṅga).

Vì không có sự dừng lại của dòng hữu phần (Bhavaṅga), cho nên chúng ta không gọi tâm hữu phần rúng động thứ hai là tâm hữu phần dứt dòng (Upaccheda Bhavaṅga). Dòng hữu phần vẫn tiếp tục trôi chảy. Cho nên, chúng ta chỉ có hai sát-na hữu phần rúng động (Bhavaṅga Calana) và rồi năm sát-na hữu phần (Bhavaṅga) thông thường. Trong lộ tâm này, dòng hữu phần chỉ bị rúng động một chút thôi và vẫn tiếp tục trôi chảy. Điều này cũng giống như ngủ mơ màng vậy. Như vậy, đối tượng của những lộ tâm này thì rất yếu.

  • Lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) thứ hai có mười một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hai hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và bốn sát-na hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối. Không có tâm đoán định (Voṭṭhabbana) ở đây; chỉ có sự rúng động của dòng hữu phần.
  • Lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) thứ ba có mười hai hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hai hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và ba sát-na hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối.
  • Lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) thứ tư có mười ba hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hai hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và chỉ có hai sát-na hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối.
  • Lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) thứ năm có mười bốn hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hai hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và chỉ có một sát-na hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối.
  • Và rồi lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) thứ sáu có mười lăm hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và hai hữu phần (Bhavaṅga) rúng động ở phía cuối.

Thật ra, không có tâm khách quan (Vīthi Citta) nào trong những lộ tâm này. Tâm khách quan (Vīthi Citta) tức là tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa) và vân vân. Ở đây chỉ có sự rúng động của dòng hữu phần (Bhavaṅga).

Như vậy, chúng ta có mười lăm lộ nhãn môn (một cảnh rất lớn, hai cảnh lớn, sáu cảnh nhỏ và sáu cảnh rất nhỏ). Chúng ta cũng có thể có mười lăm lộ tương tự cho mỗi sự nghe, sự ngửi và vân vân. Cho nên, chúng ta có tất cả là 75 lộ tâm ngũ môn (Pañcadvāravīthi).

Lộ tâm thứ nhất được gọi là lộ đuôi na cảnh (Tadārammaṇa), tức là lộ tâm kết thúc với na cảnh (Tadārammaṇa). Hai lộ tâm cảnh lớn (Mahanta) được gọi là lộ đuôi đổng lực (Javana) bởi vì chúng kết thúc với đổng lực (Javana). Sáu lộ tâm cảnh nhỏ (Paritta) kết thúc với tâm gì? Chúng kết thúc với tâm đoán định (Voṭṭhabbana), cho nên chúng được gọi là lộ đuôi đoán định (Voṭṭhabbana). Rồi sáu lộ tâm cảnh rất nhỏ (Atiparitta) được gọi là gì? Chúng được gọi là lộ đuôi hư thoát (Moghavāra) vì trong cả sáu lộ này không có tâm khách quan (Vīthi Citta) nào cả.

Những tâm sanh lên trong những lộ tâm này thì nằm trong 54 tâm dục giới (Kāmāvacara Citta). Cho nên, không có tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta), tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) hay tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) nào trong những lộ tâm này. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là những lộ tâm dục giới (Kāmāvacara). Những lộ tâm dục giới (Kāmāvacara) có hai nhóm – một là ngũ môn và hai là ý môn.

Tôi nghĩ bây giờ chúng ta có thể dùng ví dụ sau đây để miêu tả những hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga). Giả sử có một người đang ngủ và các bạn đập cửa. Khi các bạn đập cửa thật mạnh, ông ta sẽ thức giấc ngay hay là giấc ngủ của ông ta sẽ bị quấy nhiễu ngay sau một cú đập cửa. Nếu các bạn đập cửa không mạnh lắm, thì các bạn sẽ phải đập hai lần. Nếu các bạn đập thậm chí yếu hơn, các bạn sẽ phải đập ba lần. Bốn lần và cho đến mười lăm lần. Cho nên, khi đối tượng là mạnh (nó là lớn hay nhỏ không quan trọng), khi sự tác động của đối tượng là mạnh, thì nó chỉ cần một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Nếu nó yếu hơn, thì nó cần hai, ba hay bốn hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và vân vân.

Đối tượng của lộ cảnh rất nhỏ (Atiparitta) thì rất rất yếu. Hầu như là không có cảnh gì cả. Chúng chỉ có thể làm cho dòng hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và rồi dòng hữu phần (Bhavaṅga) tiếp tục trôi chảy. Chúng được gọi là đuôi hư thoát (Maghavāra).

Trong những lộ tâm này, đặc biệt là lộ thứ nhất, có bao nhiêu tâm khách quan (Vīthi Citta)? Có bảy tâm khách quan (Vīthi Citta):

  1. Hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana),

 

  1. Nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa),

 

  1. Tiếp thâu (Sampaṭicchana),

 

  1. Quan sát (Santīraṇa),

 

  1. Đoán định (Voṭṭhabbana),

 

  1. Đổng lực (Javana), và

 

  1. Na cảnh (Tadārammaṇa).

 

Có bao nhiêu sát-na tâm khách quan sanh lên? Có mười bốn. Như vậy, đối với những lộ tâm ngũ môn, chúng ta dùng tất cả 54 tâm dục giới (Kāmāvacara Citta). Tôi hy vọng các bạn nhớ cách áp dụng kiến thức của mình về vật (Vatthu), môn (Dvāra) và cảnh (Ārammaṇa) vào đây như thế nào.

Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang lộ tâm ý môn. Lộ tâm ý môn trong tài liệu Cẩm Nang này (xem CMA, IV, 12, p.163) thì rất đơn giản, nhưng các giáo thọ sư lại có nhiều vấn đề khác để bàn đến. Một vị có thể nói điều này và một vị  khác  lại  có  thể  nói  điều  khác.  Chúng  ta  có những khác biệt về quan điểm và có nhiều loại lộ tâm khác nhau. Trước hết, chúng ta hãy chú ý vào tài liệu Cẩm Nang này trước.

Khi lộ tâm ý môn sanh lên, nó không cần ngũ môn (tức là năm giác quan). Một đối tượng có thể tác động vào tâm ý sau tâm hữu phần (Bhavaṅga). Những đối tượng của những lộ ý môn hầu hết là cảnh quá khứ, cảnh tương lai hay những đối tượng vượt thời gian như những khái niệm hay Níp-bàn (Nibbāna). Những cảnh hiện tại cũng là đối tượng của những lộ ý môn.

Vì những đối tượng này chỉ sanh lên thông qua ý môn mà không sanh lên thông qua ngũ môn, cho nên những lộ tâm này được gọi là lộ ý môn thuần khiết (Suddha-mano-dvāra-vīthi). Các bạn có lẽ vẫn còn nhớ rằng, đối với những lộ ngũ môn, đối tượng thật ra tác động vào cả hai môn – tại nhãn môn (hay nhĩ môn, vân vân) và ý môn. Nhưng trong những lộ ý môn thì nó chỉ là thông qua ý môn hay dòng hữu phần (Bhavaṅga) nơi mà những lộ tâm này sanh lên.

Đối  tượng  có  thể  đi  vào  hay  tác  động  vào  ý  môn bằng nhiều cách khác nhau. Chúng được trình bày trong CMA trên trang 164. Cảnh hay đối tượng xuất hiện tại ý môn như thế nào – đoạn văn #2:

L ý môn đc lp xảy ra khi một trong sáu cảnh đi vào vùng nhận thức (của tâm ý) một cách hoàn toàn bởi tự  chính  nó,  chứ  không  phải  như  là  hệ  quả  của  một  lộ tâm  ngũ  môn  vừa  mới  xảy  ra  phía  trước.”  (CMA,  IV, Guide to §12, p.164)

Bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu những lộ tâm ý môn được trình bày trong CMA. Chúng ta cũng sẽ nghiên cứu những lộ ý môn được gọi là Tadanuvattikā trong Pāḷi. Tức là những lộ ý môn nối đuôi, theo sau những lộ ngũ môn. Ở đây, chúng ta đang nghiên cứu chỉ những lộ ý môn độc lập.

“Câu hỏi có thể được đưa ra là, làm thế nào một đối tượng có thể đi  vào vùng nắm bắt  của  ý môn một cách độc  lập  (không  thông  qua  hay  nương  vào)  một  sự  tác động gần gũi của một trong năm giác quan.” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Không có sự tác động thông qua năm giác quan; nhưng những đối tượng có thể sanh lên thông qua tâm ý hay những đối tượng có thể tự hiện bày đến tâm ý mà không cần sự giúp đỡ của năm giác quan.

“Ngài Leḍī Sayādaw dẫn chứng nhiều nguồn (tức là những bài kinh (Sutta)) khác nhau:” (CMA, IV, Guide to 12, p.164)

Thật ra, những nguồn dẫn này là từ Aṭṭhasālinī và Mūlaṭīkā, tức là Phụ Sớ Giải (Ṭīkā) của Aṭṭhasālinī.

Cho  nên,  cuốn  Cẩm  Nang  có  ghi  rằng,  “thông  qua cái đã được nhận thức một cách trực tiếp trước đây, …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Điều đó có nghĩa là các bạn đã trải nghiệm một điều gì đó trước đây. Sau này, các bạn gợi nhớ lại kinh nghiệm đó trong tâm trí của mình, và đối tượng đó xuất hiện trong tâm ý của các bạn. Ví dụ, hôm qua các bạn có thấy một cái gì đó. Bây giờ các bạn nhớ lại và thấy nó trong tâm ý của mình. Đối tượng quá khứ đó tự hiện bày đến tâm trí của các bạn. Đó là do năng lực tinh thần của các bạn. Có hai loại hiện bày khác nhau. Đối tượng của năm giác quan tác động vào ý môn và vào ngũ môn. Tại ngũ môn, năng lực của đối tượng là yếu tố làm dòng hữu phần (Bhavaṅga) rung động và những sát-na tâm khác sanh lên. Nhưng ở đây, năng lực của tâm trí của các bạn lại là yếu tố mang những đối tượng đến hay trình bày chúng trước tâm ý của các bạn. Những đối tượng hầu hết là quá khứ hay tương lai này xuất hiện trong tâm ý của các bạn không phải thông qua năng lực hay sức mạnh của chúng mà là thông qua năng lực của tâm trí của các bạn.

“Thông  qua  cái  đã  được  nhận  thức  một  cách  trực tiếp trước đây, …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Tức là thông qua cái mà các bạn đã trải nghiệm tại năm giác quan trước đây.

“… hay bằng sự suy luận từ cái đã được nhận thức một cách trực tiếp; …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Có nghĩa là cái mà các bạn đã thấy hay cái mà các bạn đã nghe và vân vân. Đối tượng cũng có thể xuất hiện trong tâm ý của các bạn hay đi vào vùng nhận thức bằng cách đó.

“… thông qua cái đã được học từ thông cáo truyền miệng, …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Có nghĩa là các bạn hiểu biết được một điều gì đó thông qua khẩu truyền. Các bạn không tự trải nghiệm nó, nhưng các bạn nghe một ai đó nói một điều gì đó về nó. Rồi thì các bạn nghĩ về nó và đối tượng đó xuất hiện trong tâm ý của các bạn.

“… hay bằng suy luận từ cái đã được học qua thông cáo truyền miệng; …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Đó là bằng suy luận.

“… do niềm tin, …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164) Đôi lúc các bạn tin vào một cái gì đó và nghĩ về nó, thì đối tượng đó đi vào trong tâm ý của các bạn. Đôi lúc, do quan điểm của chính mình, các bạn có một ý kiến gì đó, và do đó, điều ấy xuất hiện trong tâm ý của các bạn. Đôi lúc lại do sự lý luận. Các bạn không chỉ nghĩ về nó. Các bạn đắn đo về điều đó trong tâm ý của mình, đưa ra nguyên nhân cho điều này điều kia và đi đến kết luận. Đối tượng có thể đi vào tâm ý của các bạn theo cách này.

“… hay sự chấp nhận có tính suy ngẫm về một quan điểm; …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Có nghĩa là các bạn chấp nhận một quan điểm nào đó sau khi nghĩ ngợi về nó. Khi các bạn chấp nhận, thì quan điểm đó xuất hiện trong tâm ý của các bạn.

“…  bằng  năng  lực  của  nghiệp  (kamma),  …”  (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Đôi lúc, khi các bạn gần qua đời, cảnh về nghiệp (Kamma), chẳng hạn, sẽ xuất hiện trong tâm ý của các bạn. Ở đây, đối tượng đó được hiện bày trong tâm ý của các bạn do năng lực của nghiệp (Kamma).

“… (và do) năng lực thần thông, …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Tức là, nếu các bạn có năng lực thần thông (Abhiññā) và những yếu tố khác, thì các bạn có thể bắt những đối tượng này trong tâm ý của các bạn.

“… sự nhiễu loạn của các chất dịch trong cơ thể, …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Đôi lúc, vì cơ thể của các bạn không được khỏe, đối tượng này sẽ xuất hiện. Chất dịch cơ thể là một thứ dịch trong cơ thể như là đờm, hơi và mật. Chúng được gọi là ba Dosa của cơ thể. Dosa ở đây không có nghĩa là sự giận dữ; “Dosa” ở đâu có nghĩa là ba thứ uế trược trong cơ thể. Chúng phải nên được cân bằng. Nếu chúng không ở vị trí cân bằng, các bạn sẽ bị một chứng bệnh gì đó. Nếu các bạn có quá nhiều đờm, các bạn có lẽ sẽ có một loại bệnh gì đó. Nếu các bạn có quá nhiều hơi, các bạn có lẽ sẽ có một loại bệnh gì khác. Và nếu các bạn có quá nhiều hay quá ít mật, các bạn sẽ có một loại bệnh khác. Những cái này được gọi là những chất dịch của cơ thể. Đôi lúc, chúng không được cân bằng. Cho nên, khi chúng không được cân bằng, thì một vài đối tượng có thể đi vào tâm ý của các bạn. Đôi lúc, các bạn có ác mộng vì thời tiết quá lạnh hay quá nóng hay vì các bạn bị bón hay những điều tương tự như vậy.

Rồi thì “… sự ảnh hưởng của những vị thần linh, …” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Đôi lúc, những vị thần linh có thể khiến cho các bạn có những giấc mơ hay là các bạn có những linh kiến gì đó. Chúng đều đến thông qua ý môn.

Rồi thì “… (có) sự lãnh hội, sự chứng đắc, vân vân.” (CMA, IV, Guide to §12, p.164)

Sự lãnh hội có nghĩa là thấy nó một cách trực tiếp. Ví dụ, chúng ta đã học và biết rằng, có Tứ Diệu Đế và có Níp-bàn (Nibbāna). Nhưng chúng ta sẽ không biết Níp- bàn (Nibbāna) một cách trực tiếp cho đến khi chúng ta chứng ngộ Níp-bàn (Nibbāna) bằng tâm Đạo (Magga Citta). Bây giờ, chúng ta nghĩ về Níp-bàn (Nibbāna). Níp- bàn (Nibbāna) là đối tượng. Níp-bàn (Nibbāna) đó được hiện bày cho chúng ta thông qua ý môn; hay tại thời điểm của chuyển tộc (Gotrabhū), sát-na chuyển tộc (Gotrabhū) có thể bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh, nhưng đó cũng là sự hướng đến chứ không phải là sự chứng ngộ. Sự chứng đắc đến tại thời điểm của Đạo (Magga). Tất cả những đối tượng này được hiểu thông qua ý môn, hay những đối tượng này đi vào vùng nhận thức thông qua ý môn.

Nhiều đối tượng có thể được hiện bày thông qua ý môn – quá khứ, hiện tại, vị lai và cũng như sự nhận thức ngoại thời (tức là vượt thời gian), và Níp-bàn (Nibbāna). Trong những lộ ý môn, cảnh được chia ra thành chỉ có hai loại:

  • Rõ (Vibhūta), và
  • Không rõ (Avibhūta).

“Vibhūta” có nghĩa là rõ ràng và “Avibhūta”  có  nghĩa là không rõ ràng. Chỉ có hai loại cảnh cho lộ ý môn

  • rõ ràng và không rõ ràng hay mờ nhạt. Vì nó được hiện bày tại ý môn, cho nên chúng ta không cần hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana); có bảy đổng lực (Javana) và rồi hai sát na đăng ký (na cảnh) và lại hữu phần (Bhavaṅga). Chúng ta không cần phải bận tâm về hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua cũng như mười bảy sát-na tâm bởi vì hầu hết những đối tượng của lộ ý môn là quá khứ, tương lai và không có tính chất thời gian. Đó là lý do tại sao ở đây không có hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga). Theo cuốn Cẩm Nang này (xem CMA, IV, 12, 163), lộ ý môn bao  gồm  hữu  phần  (Bhavaṅga)  rúng  động,  hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bảy đổng lực (Javana) và rồi hai na cảnh (Tadārammaṇa). Đối với cảnh mờ nhạt, chúng ta vẫn không cần hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga). Chúng ta có hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bảy đổng lực (Javana) và vậy thôi. Rồi thì hữu phần (Bhavaṅga) lại sanh lên. Sau này chúng ta sẽ thấy rằng tâm na cảnh chỉ có thể sanh lên với những cảnh rõ ràng. Sát-na na cảnh không sanh lên cho những cảnh mờ nhạt. Trong lộ tâm cho cảnh mờ nhạt, không có na cảnh (Tadārammaṇa), chỉ có bảy đổng lực (Javana) sanh lên và rồi lại có hữu phần (Bhavaṅga). Đây là hai lộ ý môn rất đơn giản – một cho cảnh rõ ràng và một cho cảnh mờ nhạt.

Như  tôi  đã  đề  cập  trước  đây,  những  giảng  sư  có những quan điểm khác nhau về điều đó. Họ tranh luận về trường hợp khi đối tượng là hiện tại. Nếu đối tượng là hiện tại, thì chúng ta có thể có mười bảy sát-na. Vì nó là cảnh  hiện  tại  và  nó  tồn  tại  suốt  mười  bảy  sát-na  tâm, chúng  ta  phải  có  hữu  phần  vừa  qua  (Atīta  Bhavaṅga). Theo ý kiến của những giảng sư này, chúng ta có năm lộ ý môn cảnh rõ ràng (Vibhūta) và hai lộ ý môn cảnh không rõ  ràng  (Avibhūta).  Nếu  điều  đó  quá  phức  tạp,  thì  các bạn đừng bận tâm  đến nó. Miễn là các bạn  quen thuộc với hai lộ tâm được miêu tả trong CMA và trong biểu đồ (xem CMA, IV, Table 4.3, p.166), thế là đủ rồi. Như vậy, theo ý kiến của những giảng sư này, có nhiều loại cảnh khác nhau, đặc biệt là những cảnh có đời sống dài mười bảy  sát-na  tâm  và  những  cảnh  có  đời  sống  ngắn  hơn mười bảy sát-na tâm. Đối với những cảnh có đời sống dài mười  bảy  sát-na  tâm,  chúng  ta  cần  hữu  phần  vừa  qua (Atīta Bhavaṅga). Cho nên, ở đây, đầu tiên có hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga), rồi hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bảy đổng lực (Javana) và rồi hai na cảnh (Tadārammaṇa) và bốn hữu phần (Bhavaṅga) ở phía cuối. Đối với lộ thứ hai, chúng ta cộng thêm một hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga) nữa, và đối với lộ thứ năm, chúng ta tiếp tục cộng hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga) cho đến khi tâm na cảnh thứ hai trong lộ tâm là sát-na thứ mười bảy.

Rồi đến cảnh mờ nhạt (Avibhūta) – ở đây, nếu cảnh mờ nhạt là đối tượng sắc pháp (Rūpa) có đời sống mười bảy sát-na tâm, thì chúng ta có sáu hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga) và rồi hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bảy đổng lực (Javana) và rồi hữu phần ở phía cuối. Lộ tâm thứ hai có thêm một hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga) nữa; những sát-na còn lại thì giống nhau và lộ tâm kết thúc với sát-na đổng lực (Javana) thứ bảy.

Như vậy, những đối tượng có đời sống dài mười bảy sát-na tâm là những sắc pháp trừ hai sắc biểu tri và bốn sắc tướng. Kinh sách ghi lại rằng, hai sắc biểu tri sanh lên và diệt đi cùng với tâm (Citta). Cho nên, chúng không tồn tại đến mười bảy sát-na tâm. Nếu các bạn không biết bốn sắc tướng là gì, thì các bạn không hiểu điều này. Để hiểu điều này, các bạn phải quen thuộc với 28 sắc pháp. Trong 28 sắc pháp, có hai sắc pháp được gọi là sắc biểu tri, đó là thân biểu tri và ngữ biểu tri. Bây giờ, đây là thân biểu tri tôi đang làm một cái gì đó như thế này (Sayādaw thực hiện những chuyển động bằng tay). Tôi đang gọi các bạn đến đây. Các bạn hiểu tôi đang muốn cái gì. Do đó, đây là thân biểu tri, không phải là chính sự chuyển động, mà là cách thức chuyển động nào đó của bàn tay của tôi. Đó là thân biểu Ngữ biểu tri có nghĩa là sự phát ngôn của tôi. Các bạn hiểu tôi đang nói cái gì. Đó là thông qua ngữ biểu tri. Kinh sách ghi lại rằng, hai sắc biểu tri này chỉ tồn tại trong một sát-na tâm chứ không phải trong mười bảy sát-na, cho nên chúng bị loại trừ ra khỏi những đối tượng được đề cập ở đây cho những lộ ý môn này.

Bốn sắc tướng thì giống như vô thường (Anicca), khổ (Dukkha) và vô ngã (Anatta). Chúng là sanh khởi, diễn tiến và hủy diệt – cho nên chúng không tồn tại suốt mười bảy sát-na tâm. Chúng tồn tại chỉ trong vòng một sát-na, hay một vài loại thì tồn tại trong suốt 49 tiểu sát- na. Vì vậy, chúng không được bao gồm ở đây.

Rồi nếu cảnh là những đối tượng trộn lẫn hiện tại, quá  khứ,  tương  lai  và  ngoại  thời,  thì  có  hai  lộ  ý  môn: cảnh rõ ràng (Vibhūta) và cảnh mờ nhạt (Avibhūta). Đối với cảnh rõ ràng (Vibhūta),  thì cảnh  có thể là quá khứ, hiện   tại   và   tương   lai.   Chúng   là   54   tâm   dục   giới (Kāmāvacara Citta), 52 tâm sở (Cetasika), hai sắc biểu tri và bốn sắc tướng. Nếu chúng là quá khứ và tương lai, thì chúng  là  những  sắc pháp  (Rūpa)  khác.  Và đối  với cảnh mờ nhạt (Avibhūta), thì chúng có thể là quá khứ, hiện tại và tương lai và chúng là tất cả những tâm (Citta), tất cả những  tâm  sở  (Cetasika),  hai  sắc biểu  tri  và  bốn  sắc tướng. Và nếu chúng là quá khứ và tương lai, thì chúng là 22   sắc   pháp   (Rūpa)   còn   lại   và   những   khái   niệm (Paññatti) ngoại  thời.  Đây  là  những  lộ  tâm  được  cộng thêm  vào  bởi  những  giảng  sư  ở  Miến  Điện.  Cũng  có nhiều  lộ  ý  môn  khác  nữa.  Cho  nên,  nếu các  bạn  có  thể nghĩ ra một lộ ý môn nào, thì các bạn có lẽ nghĩ là chúng ta  nên  cộng  thêm  cái  này  hay  cái  kia.  Trong  cuốn  Cẩm Nang   này   và  cũng   trong   cuốn   sách   của   Ngài   Leḍī Sayādaw, có nhiều lộ ý môn khác nữa.

Bây giờ, chúng ta sẽ đi vào những lộ tâm nối đuôi, tức là những lộ tâm đi theo sau lộ ngũ môn. Chúng không được nhắc đến trong cuốn Cẩm Nang. Tại Miến Điện, những vị thầy của chúng tôi có quan điểm rằng, chỉ một mình lộ ngũ môn không đủ để chúng ta nói rằng: “Tôi thấy một hoa hồng”, “Tôi thấy một cuốn sách”, “Tôi thấy một người đàn ông”. Để chúng ta có thể nói: “Tôi thấy một hoa hồng; tôi thấy một người đàn ông”, chúng ta cần nhiều loại lộ tâm nữa.

Khi chúng ta nói: “Tôi thấy một hoa hồng”; trước hết, hoa hồng đó đi vào vùng nắm bắt của con mắt; đó là lộ tâm thứ nhất cảnh rất lớn (Atimahanta), tức là lộ nhãn môn. Lộ tâm này sanh lên và diệt đi. Nhưng ở cuối lộ tâm này, chúng ta chưa thấy hoa hồng đâu. Chúng ta chỉ thấy cảnh sắc. Tại thời điểm đó, chúng ta không biết đó là một hoa hồng; chúng ta chỉ biết nó là một cảnh sắc. Sau đó, một loại lộ ý môn sanh lên lấy đối tượng quá khứ làm cảnh. Đời sống của đối tượng cho lộ tâm này là mười bảy sát-na. Sau mười bảy sát-na, cảnh này biến mất. Thật ra, hình ảnh hoa hồng đã biến mất mặc dầu các bạn có thể vẫn tiếp tục thấy hoa hồng. Thật ra, hình ảnh hoa hồng các bạn đã thấy với lộ tâm thứ nhất đã biến mất. Khi nó biến mất, thì có một lộ tâm khác sanh lên tại ý môn. Lộ ý môn này bắt đối tượng quá khứ làm cảnh. Nó giống như là mang lại hình ảnh đó đến tâm ý của các bạn. Do đó, lộ tâm này sanh lên. Có thể có nhiều lộ tâm giống như vậy sanh lên. Lộ tâm này được gọi là “bắt cảnh quá khứ”, tức là lộ tâm bắt đối tượng quá khứ làm cảnh.

Rồi thì một lộ tâm khác sanh lên; lộ tâm này bắt cái tổng thể làm cảnh. Khi các bạn thấy một người đàn ông – ví dụ, các bạn thấy cái đầu trước tiên; thật ra, các bạn không thấy cái đầu ngay lập tức. Các bạn thấy cảnh sắc hay những phần tử vật chất. Như vậy, chúng ta có lộ nhãn môn và rồi lộ ý môn bắt cảnh quá khứ. Hai lộ tâm này sanh lên nhiều lần cho đến khi các bạn thấy tất cả những phần tử vật chất trong cái tổng thể của người đàn ông.

Với lộ tâm thứ ba, các bạn bắt tất cả, tức là tất cả những cảnh sắc làm đối tượng. Như vậy, lộ tâm thứ nhất bắt một cảnh sắc hay một phần nhỏ của cảnh sắc làm đối tượng. Lộ thứ hai bắt cảnh quá khứ làm đối tượng. Bây giờ, loại lộ tâm thứ ba bắt tất cả những cảnh sắc có trong một người đàn ông. Mặc dầu nó là tổng thể, nhưng nó được gọi là “Samūha” trong Pāḷi, tức là nhóm hay khối. Nó vẫn là sự thật chân đế. Nó vẫn chưa bước vào lãnh vực của khái niệm hay chế định đâu. Lộ tâm bắt cảnh quá khứ làm đối tượng và lộ tâm bắt cái tổng thể làm đối tượng đều là những sự thật chân đế, tức là Paramattha.

Theo sau là một lộ tâm khác nữa bắt con người làm đối tượng, tức là cái thực chất hay cái đối tượng con người đó làm đối tượng. Khi cảnh này sanh lên, các bạn đã bước vào lãnh vực của chế định (Paññatti). Bây giờ, nó trở thành một khái niệm. Với loại lộ tâm này, chúng ta nghĩ rằng: “Tôi thấy một người đàn ông”. Nhưng cái từ “người đàn ông” vẫn chưa xuất hiện trong tâm ý. Chúng ta thấy một nhóm sắc pháp trong hình thể của một người đàn ông.

Một lộ tâm khác theo sau đó. Với lộ tâm này, cái tên “người đàn ông” xuất hiện trong tâm ý. Nó được gọi là định danh. Cho nên, có bốn lộ tâm theo sau lộ nhãn môn. Chúng ta cần tất cả năm loại lộ tâm để có thể nói rằng: “Tôi thấy một hoa hồng; tôi thấy một người đàn ông.” Những lộ tâm này có thể sanh lên lại hàng triệu lần. Bốn lộ tâm sanh lên sau lộ ngũ môn là gì? Thứ nhất là lộ bắt cảnh quá khứ, thứ hai là bắt cái tổng thể, thứ ba là bắt cái thực chất tức là sự vật hay con người, và thứ tư là bắt cái tên gọi. Chỉ sau bốn lộ tâm này, chúng mới có thể nói: “Tôi thấy một hoa hồng, tôi thấy một người đàn ông.” Như vậy, chúng ta thấy sự vật mọi giây phút và chúng ta nghĩ rằng đó là một trải nghiệm rất đơn giản, rằng chúng ta thấy hay nghe một cái gì đó, nhưng nếu chúng ta áp dụng kiến thức về Thắng Pháp (Abhidhamma) của chúng ta vào chỉ sự thấy không thôi, chúng ta mới biết rằng nó thật sự là rất phức tạp. Ở đây, chúng ta có thể giải thích được nhiều điều: chúng sanh lên như thế nào, chúng sanh lên thông qua môn nào, loại tâm gì thực hiện chức năng gì và cảnh nào được bắt và vân vân. Nó rất là phức tạp. Đối với thấy, ngửi, nếm và đụng, chúng ta cần bốn lộ tâm nối đuôi này, tức là tổng cộng có năm lộ theo thứ tự: thấy cảnh sắc hiện tại, ghi nhận cảnh quá khứ, bắt cảnh tổng thể, thấy đối tượng thực chất, định danh đối tượng. Trong tiến trình tâm thức liên quan đến sự thấy, cái tên gọi sẽ chỉ sanh lên khi các bạn biết tên gọi của nó. Nếu các bạn không biết tên gọi của nó, lộ tâm đó sẽ không sanh lên. Đôi lúc, chúng ta thấy một vật gì đó nhưng chúng ta không biết tên gọi của nó. Ngày nay, chúng ta đi vào một cửa tiệm và có thể thấy hàng ngàn vật thể trong đó. Các bạn không biết tên gọi của tất cả mọi thứ này. Do đó, nếu các bạn không biết tên gọi của một vật gì đó, thì mặc dầu các bạn thấy nó, nhưng lộ tâm định danh không thể sanh lên.

Còn khi các bạn nghe thì sao? Các bạn nghe giọng nói của tôi. Các bạn nghe những từ ngữ và các âm thanh. Chúng ta cũng cần bốn lộ tâm này, nhưng trật tự thì hơi khác một chút. Các bạn nghe giọng nói của tôi – chúng ta hãy lấy ví dụ có một âm tiết. Các bạn nghe từ “man” (người đàn ông), tức là một âm tiết. Như vậy, trước hết các bạn lấy âm thanh hiện tại làm cảnh. Thay vì nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa), chúng ta sẽ có nhĩ thức (Sota- viññāṇa). Rồi thì âm thanh đó biến mất rất nhanh, cho nên các bạn gợi nhớ lại âm thanh đó bằng lộ tâm lấy đối tượng quá khứ làm cảnh. Chúng ta có thể có lộ tâm thứ ba lấy cái tổng thể làm cảnh không? Vì chỉ có một âm tiết (“man”), cho nên sẽ không có lộ tâm bắt cái tổng thể. Tiếp theo là lộ tâm bắt tên gọi. Khái niệm về tên gọi đến trước; và chỉ sau đó rồi mới đến sự vật. Đó là sự khác nhau giữa những tiến trình tâm thức liên quan đến sự nghe và những sự còn lại. Trong tiến trình tâm thức liên quan đến sự nghe, các bạn có cảnh quá khứ, cái tổng thể, tên gọi và sự vật, nhưng nếu chỉ có một âm tiết, thì sẽ không có lộ tâm bắt cái tổng thể. Nếu có hai âm tiết, thì chúng ta sẽ phải có lộ tâm bắt cái tổng thể. Nếu có ba âm tiết, thì chúng ta cần một lộ tâm nữa. Nếu có bốn âm tiết, ví dụ như từ “dedication (sự cống hiến)”, thì lại có thêm một lộ tâm nữa. Khi các bạn nghe một cái gì đó – tức là những từ ngữ được nghe bởi một người nào đó – thì đầu tiên, các bạn nghe âm thanh đó bằng nhĩ thức (Sota- viññāṇa). Lộ tâm nhĩ thức (Sota-viññāṇa) đó bắt âm thanh hiện tại làm cảnh. Lộ ý môn (Mano-dvāra) bắt cảnh quá khứ đó làm đối tượng. Bây giờ, chúng ta lấy ví dụ có hai âm tiết. Thì tiếp theo, các bạn sẽ bắt tất cả, tức là cả hai âm tiết chung với nhau. Rồi thì trong lộ thứ tư, khái niệm tên gọi (danh chế định) đến với các bạn. Khi tôi nói từ “man (người đàn ông)”, thì cái tên hay cái danh từ “man” đến với tâm ý của các bạn. Chỉ sau đó, các bạn mới biết người đàn ông, tức là một con người. Ở đây, lộ tâm bắt khái niệm sự vật (vật chế định) đến cuối cùng.

Ở đây cũng vậy, nếu các bạn không biết ý nghĩa của âm thanh đó, thì lộ tâm cuối sẽ không sanh lên. Có khá nhiều từ các bạn không biết, phải không? Nếu chúng ta nghe những từ đó, chúng ta sẽ chẳng có ý tưởng gì cả. Chúng ta không biết nghĩa của chúng. Trong trường hợp đó, sẽ không có lộ tâm bắt vật chế định (Attha-paññatti) làm cảnh. Chúng ta không hiểu tiến trình đó. Để hiểu một người nào đó nói cái gì, chúng ta cần hai điều kiện. Một, chúng ta phải nghe nó, tức là đối tượng (hay cảnh thinh) phải xúc chạm vào tai của chúng ta. Rồi thì chúng ta phải đã từng biết ý nghĩa của âm thanh đó từ trước. Chỉ như vậy, chúng ta mới hiểu người khác nói gì.

Đôi lúc, chúng ta không hiểu. Đôi lúc, chúng ta nói qua nhanh. Kiến thức hay sự hiểu biết của chúng ta không hoàn hảo, cho nên chúng ta không nghe nhận những điều này và chúng ta không hiểu. Để hiểu được, chúng ta phải nghe từ đó một cách rõ ràng và chúng ta đã phải biết ý nghĩa của từ đó từ trước. Chỉ như vậy rồi chúng ta mới hiểu được.

Nếu chúng ta quen thuộc với ngôn ngữ, như tiếng mẹ đẻ của chúng ta chẳng hạn, thì mặc dầu chúng ta không nghe được những âm thanh một cách rõ  ràng minh bạch, nhưng chúng ta vẫn có thể đoán và thêm vào những âm thanh này vì chúng ta quá quen thuộc với ngôn ngữ của mình. Khi chúng ta trò chuyện với nhau – những người Việt với nhau – các bạn không cần phải phát âm một cách rõ ràng. Đôi lúc những âm thanh có thể mờ nhạt, nhưng các bạn vẫn hiểu. Nếu các bạn nói chuyện theo cách đó với một người không nói cùng ngôn ngữ từ lúc sinh thời, họ sẽ không hiểu. Họ sẽ nói: “Làm ơn hãy nói chậm và rõ ràng.” Chúng ta hay đề nghị những người Mỹ lặp lại những gì họ đã nói hay chúng ta nói là: “Tôi không hiểu ông đã nói gì.” Để hiểu, chúng ta cần hai điều kiện. Thứ nhất, chúng ta phải nghe nó và phải nghe một cách rõ ràng. Và rồi chúng ta phải đã biết nghĩa của nó từ trước. Chỉ như vậy rồi chúng ta mới hiểu. Với ngôn ngữ chúng ta quen thuộc, chúng ta có thể thêm hay điền vào những âm thanh không rõ ràng này bởi vì chúng ta biết thông thuộc ngôn ngữ này.

Có ít nhất là bốn lộ tâm, tức là bốn lộ ý môn theo sau một trong năm lộ ngũ môn. Chỉ sau năm lộ tâm này, chúng ta mới thật sự trải nghiệm đối tượng, tức là chúng ta mới thật sự thấy hay nghe và rồi hiểu. Sau lộ ngũ môn, tất cả những lộ tâm nối đuôi sanh lên tại ý môn. Những lộ ý môn nối đuôi không được nhắc đến trong cuốn Cẩm Nang.  Ý  của  tôi  là  cuốn  Cẩm  Nang  gốc,  tức  là  cuốn Abhidhammatthasaṅgaha.  Ở  đây,  trong  cuốn  CMA  của Ngài Bhikkhu Bodhi thì chúng có được nhắc đến. Những gì tôi vừa mới diễn giải cho các bạn là ý kiến chung của các  vị  thầy,  nhưng  những  gì  Ngài  Bhikkhu Bodhi  trình bày trong cuốn CMA thì hầu như là ý kiến của Ngài Leḍī Sayādaw (xem CMA, IV, Guide to §12, p.163-166).

Ngài  Leḍī  Sayādaw  rất  là  uyên  bác  và  rất  thông minh,  cho  nên  Ngài  đã  thêm  vào  những  lộ  ý  môn  khác như sự xác định và những lộ khác nữa – nhận biết về màu sắc    (Vaṇṇasallakkhaṇā);    nắm    bắt    cái     thực    thể (Vatthugāhikā),  vân  vân,  (xem  CMA,  IV,  Guide  to  §12, p.164). Chúng rất là thú vị, nhưng nếu chúng trở nên quá nhiều đối với các bạn, thì các bạn có thể đừng chú ý đến chúng.

Chúng  ta  đã  kết  thúc  phần  lộ  tâm  ý  môn  dục  giới (Kāmāvacara  Mano-dvāra).  Trong  những  lộ  tâm  ý  môn dục giới (Kāmāvacara Mano-dvāra), chỉ có ba tâm khách quan (Vīthi Citta) và mười sự sanh khởi của tâm (Citta). Trên trang 166 của cuốn CMA, phần §13 “Tóm Tắt”:

“Ba chế độ và mười trạng thái khác nhau …” (CMA, IV, §13, p.166)

Tức là ba tâm khách quan (Vīthi Citta) và mười sự sanh khởi của tâm (Citta). Ba tâm khách quan (Vīthi Citta) là gì? Chúng là hướng ý môn (Manodvārāvajjana), đổng lực (Javana) và na cảnh (Tadārammaṇa). Và mười tâm (Citta) riêng lẻ là gì? Chúng là hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bảy đổng lực (Javana) và hai na cảnh (Tadārammaṇa). Như vậy, khi được hỏi có bao nhiêu tâm khách quan (Vīthi Citta), chúng ta trả lời là ba. Có bao nhiêu tâm (Citta) riêng lẻ? Chúng ta trả lời là mười.

Lộ Tâm Kiên Cố (Appanā): Lộ Tâm Thiền (Jhāna)

Bây giờ, chúng ta hãy đi đến lộ tâm kiên cố (Appanā). Có nhiều loại kiên cố (Appanā). Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của từ “Appanā”. Nói một cách chính yếu, thì từ “Appanā” là đồng nghĩa với từ “Vitakka”. Chức năng của Vitakka (tầm) là gì? Chức năng của Vitakka (tầm) là đặt tâm (Citta) lên cảnh. Appanā có cùng nghĩa đó; nó có nghĩa là gắn tâm (Citta) lên đối tượng. Appanā là một từ đồng nghĩa với Vitakka. Trong những lộ tâm kiên cố (Appanā) này, Appanā không phải là Vitakka thông thường, mà là một loại Vitakka được phát triển một cách cao độ để nó có năng lực giữ tâm ý một cách chặt chẽ và vững chắc trên đối tượng.

Tầng thiền (Jhāna) thứ nhất cũng được gọi là Appanā bởi vì tầng thiền này có Vitakka (tầm), tức là Appanā. Đôi lúc, chúng ta có thể gọi một vật bằng một đặc tính nào đó của nó. Nói một cách chính yếu, thì Appanā có nghĩa là Vitakka. Bằng cách diễn giải rộng ra, thì Appanā có nghĩa là thiền (Jhāna) thứ nhất bởi  vì thiền (Jhāna) thứ nhất được đi kèm theo bởi Vitakka, tức là Appanā. Bằng cách diễn giải rộng hơn nữa, thì tất cả những tầng thiền (Jhāna), những Đạo (Magga) và Quả (Phala) có thể được gọi là Appanā bởi vì chúng giống thiền (Jhāna) thứ nhất ở điểm có khả năng áp chế những triền cái. Cho nên, ở đây Appanā có nghĩa là thiền định (Jhāna), Đạo (Magga) và Quả (Phala). Khi chúng ta nói lộ tâm kiên cố (Appanā), thì nó có thể là lộ tâm thiền (Jhāna), hoặc có thể là lộ tâm đắc Đạo (Magga), hoặc có thể thậm chí là lộ tâm nhập thiền Quả (Phala-samāpatti) hay lộ tâm nhập thiền diệt (Nirodha-samāpatti).

Trong lộ tâm kiên cố (Appanā), không có sự phân biệt giữa cảnh rõ rệt (Vibhūta) và cảnh mờ nhạt (Avibhūta). Tức là không có sự phân chia cảnh giữa rõ ràng và mờ nhạt bởi vì kiên cố (Appanā) có nghĩa là thiền (Jhāna) và Đạo (Magga). Nếu các bạn không có ấn tướng Kasiṇa một cách rõ ràng trong tâm ý của các bạn, thì các bạn không thể chứng đạt thiền (Jhāna). Có nghĩa là đối tượng thì luôn luôn rõ ràng. Không có sự phân chia giữa rõ ràng và mờ nhạt. Nó phải luôn luôn rõ ràng, tức là cảnh rõ rệt (Vibhūta).

Cũng vậy, trong những lộ tâm kiên cố (Appanā), không có sự sanh lên của na cảnh (Tadārammaṇa). Sau này, chúng ta sẽ thấy rằng na cảnh (Tadārammaṇa) chỉ có thể sanh lên đối với cảnh dục giới (Kāmāvacara), chỉ có cho chúng sanh dục giới (Kāmāvacara) và trong những cõi dục giới (Kāmāvacara). Nếu đối tượng không phải là cảnh dục giới (Kāmāvacara), thì na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên, cho dầu đối tượng có rõ ràng đến thế nào. Vì vậy, sẽ không có na cảnh (Tadārammaṇa) trong lộ tâm kiên cố (Appanā).

Vì lộ tâm kiên cố (Appanā) là một lộ tâm ý môn, cho nên chúng ta không cần bận tâm về mười bảy sát-na tâm. Chúng ta sẽ không có hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana). Thay vì hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), chúng ta sẽ có hướng ý môn (Manodvārāvajjana). Như vậy, một lộ tâm bắt đầu với một hữu phần rúng động, một hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng và rồi hướng ý môn (Manodvārāvajjana). Sau đó, có bốn sát-na đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana). Đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) có nghĩa là thiện (Kusala) và duy tác (Kiriya). Có bốn đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) hợp trí. Các bạn không thể chứng đắc thiền (Jhāna) và Đạo (Magga) với tâm ly trí. Cho nên, những đổng lực này phải là hợp trí (Ñāṇa- sampayutta). Chúng ta có tám tâm – bốn tâm từ những thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) và bốn tâm từ những duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya). Chúng ta hãy lấy một chúng sanh chưa phải là A-la-hán (Arahant) làm ví dụ. Vì chưa phải là A-la-hán (Arahant), một trong bốn tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) hợp trí sẽ sanh lên. Một trong bốn tâm này sẽ sanh lên bốn lần trong những lộ tâm này.

Đổng lực (Javana) đầu tiên trong lộ tâm kiên cố (Appanā) được gọi là chuẩn bị (Parikamma). Đổng lực (Javana) thứ hai được gọi là cận hành (Upacāra). Đổng lực thứ ba được gọi là thuận thứ (Anuloma). Đổng lực thứ tư được gọi là chuyển tộc (Gotrabhū). Bốn tâm này thật ra là những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana), tức là một trong tám tâm (Citta) thiện (Kusala) hay duy tác (Kiriya) dục giới (Kāmāvacara) được đi kèm theo bởi trí tuệ (Paññā). Đối với những vị không phải là A-la-hán (Arahant), thì một trong bốn thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) sẽ sanh lên và đối với những vị A-la-hán (Arahant), thì một trong bốn duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya) sẽ sanh lên. Như vậy, những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) sanh lên bốn lần. Sau đó, chúng ta có tâm thiền (Jhāna). Rồi thì tâm hữu phần (Bhavaṅga) đi theo liền sau. Đối với một vị không phải là A-la-hán (Arahant), tâm thiền (Jhāna) có thể là những tâm nào? Nó có thể là một trong chín tâm (Citta). Nếu vị đó là một bậc A-la-hán (Arahant), thì tâm thiền (Jhāna) đó có thể là bao nhiêu tâm (Citta)? Nó có thể là một trong chín tâm (Citta). Đây là cách lộ tâm sanh lên như thế nào tại thời điểm chứng đắc thiền (Jhāna) lần đầu tiên. Tại lúc chứng đắc thiền (Jhāna) lần đầu tiên, chỉ một sát-na thiền (Jhāna) sẽ sanh lên và rồi tâm thức sẽ chìm vào dòng hữu phần (Bhavaṅga).

Quá  trình  chứng  đắc thiền  diễn  tiến  như  sau.  Một hành giả thực hành thiền chỉ (Samatha). Ví dụ, vị ấy thực hành thiền Kasiṇa chẳng hạn. Hành giả làm hiển lộ hình ảnh của Kasiṇa đó trong trí óc của mình. Trước hết, hình ảnh đó được gọi là thủ tướng. Hành giả quán tưởng trên ấn tướng đó nhiều lần. Ấn tướng đó trở nên vi tế và trong sáng. Lúc đó, nó được gọi là quang tướng, tức là quang tướng  của  Kasiṇa  đó.  Hành  giả  quán  tưởng  trên  quang tướng  đó,  như  “đất,  đất”  chẳng  hạn.  Khi  hành  giả  thực hành  như  vậy,  tức  là  an  trú  trên  quang  tướng  đó,  thì những lộ tâm ý môn sanh lên trong tâm ý của vị ấy, tức là những  lộ  tâm  bắt  Kasiṇa  đó  làm  cảnh.  Rồi  sẽ  đến  lúc hành  giả  chứng  đắc  thiền  (Jhāna).  Khi  hành  giả  chứng đắc thiền (Jhāna), sẽ có một lộ tâm (hãy xem CMA, IV, Table 4.4, p.169). Lộ tâm đó sanh lên khi hành giả chứng đạt thiền (Jhāna) lần đầu tiên.

Giả sử có một người chưa chứng đạt tầng thiền (Jhāna) nào, tức là một hành giả hoàn toàn sơ cơ. Vị ấy thực hành thiền và chứng đắc thiền (Jhāna) thứ nhất. Tại thời điểm chứng đắc thiền (Jhāna), lộ tâm sanh lên diễn tiến như thế này: hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng ý môn (Manodvārāvajjana), chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma), chuyển tộc (Gotrabhū). Các bạn phải ghi nhớ những tên gọi này. Các bạn có thể xem  trong  cuốn  CMA  (xem  CMA,  IV,  Guide  to  §14, p.168).  Sau  khi  chuyển  tộc  (Gotrabhū)  sanh  lên,  tâm thiền (Jhāna Citta) sanh lên chỉ một lần. Rồi thì nó chìm vào dòng hữu phần (Bhavaṅga). Đó là cho sự chứng đắc thiền (Jhāna) lần đầu tiên. Đổng lực đầu tiên trong bốn đổng   lực   (Javana)   được   gọi   là   gì?   Nó   được   gọi   là Parikamma, tức là chuẩn bị.

Bốn sát-na tâm này nhiều lúc được gọi bằng những tên khác nhau. Trong các Sớ Giải, ba sát-na đầu tiên được gọi bằng bất cứ tên nào trong ba tên đó. Ví dụ, sát- na đầu tiên có thể được gọi là chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra) hay thuận thứ (Anuloma). Có một chút hơi khó hiểu. Ở đây trong cuốn Cẩm Nang này, mỗi sát- na được gọi chỉ bằng một tên, cho nên tôi nghĩ như vậy thì tốt hơn cho chúng ta. Sau này các bạn sẽ hiểu.

Sát-na thứ nhất trong bốn đổng lực này là chuẩn bị (Parikamma). Nó chuẩn bị dòng tâm thức cho việc chứng đắc sẽ xảy ra. Sát-na tiếp theo được gọi là cận hành (Upacāra). “Upacāra” có nghĩa là vùng lân cận. Sát-na thứ ba được gọi là thuận thứ (Anuloma). “Anuloma” có nghĩa là sự phù hợp. Nó tương hợp với cả những tâm đi trước và những tâm theo sau. “Những tâm đi trước” ở đây có nghĩa là tâm (Citta) này – tức là sát-na thuận thứ – tương thích không chỉ với những tâm (Citta) trong lộ tâm này mà còn với những tâm (Citta) trong những lộ tâm đã sanh lên ở trước. Khi các bạn đang thực hành để chứng đắc thiền (Jhāna), các bạn có nhiều lộ tâm bắt ấn tướng Kasiṇa làm cảnh. Cho nên, những tâm đi trước ở đây có nghĩa không chỉ là những tâm trong lộ tâm này mà còn là những tâm trong những lộ tâm trước đó nữa. Nó được gọi là sự tương thích.

Sát-na thứ tư được gọi là chuyển tộc (Gotrabhū). “Gotra” có nghĩa là dòng tộc. “Bhū” có hai nghĩa. Một nghĩa là khắc phục hay vượt qua. Nghĩa khác là bước vào. Như vậy, từ Gotrabhū có hai nghĩa. Khi hành giả chứng đắc thiền (Jhāna), tâm thiền (Jhāna) thuộc vào đáo đại (Mahaggata), hay chúng ta có thể gọi là dòng dõi đáo đại (Mahaggata). Chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū) thuộc vào dục giới (Kāmāvacara). Cho nên, khi tâm chuyển tộc (Gotrabhū) sanh lên, nó chế ngự dòng dõi dục giới (Kāmāvacara). Nó bước vào dòng dõi đáo đại (Mahaggata). Do đó, tâm (Citta) này được nói là có hai ý nghĩa: vượt qua dòng dõi dục giới (Kāmāvacara) và bước vào dòng dõi đáo đại (Mahaggata). Do đó, nó được gọi là chuyển tộc (Gotrabhū).

Trong lộ tâm Đạo (Magga), chúng ta cũng sẽ tìm thấy bốn tâm này. Ở đó, chuyển tộc (Gotrabhū) nên được giải thích là vượt qua dòng tộc phàm nhân (Puthujjana) và bước vào dòng tộc Thánh nhân (Ariya). Nếu nó là một lộ tâm Đạo (Magga), thì cho đến tâm chuyển tộc (Gotrabhū), người đó vẫn còn là một phàm nhân (Puthujjana). Rồi bắt đầu với sát-na Đạo (Magga), người đó là một Thánh nhân (Ariya). Do đó, ở đây, nó giống như là một sự chuyển đổi. Trong trường hợp này, nó được gọi là chuyển tộc (Gotrabhū) bởi vì nó chế ngự dòng tộc phàm nhân (Puthujjana) và bước vào dòng tộc Thánh nhân (Ariya). Còn trong lộ tâm thiền (Jhāna), thì tâm chuyển tộc (Gotrabhū) chế ngự dòng dõi dục giới (Kāmāvacara) và bước vào dòng dõi đáo đại (Mahaggata).

Ở đây có hai hạng người: một người độn căn và một người lợi căn – tức là một người không được sáng suốt cho lắm và một người rất là sáng suốt. Người thứ nhất được gọi là độn căn mặc dầu người đó chứng đắc thiền (Jhāna), cho nên vị đó thật ra là sáng suốt, nhưng khi so sánh với người lợi căn, thì vị đó không được sáng suốt cho lắm. Đối với hạng người thứ nhất này, chúng ta cần có bốn đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana): chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū). Nhưng đối với người lợi căn, tức là rất sáng suốt, thì vị này chỉ cần ba đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana). Đổng lực đầu tiên bị loại bỏ, không cần thiết. Tức là chỉ còn ba sát-na: cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū). Không có gì thay đổi về thiền (Jhāna), chỉ loại bỏ sát-na chuẩn bị (Parikamma). Đối với lộ đắc Đạo (Magga), thì chúng ta sẽ thấy là chúng ta sẽ làm gì. Như vậy, có hai hạng người: người độn căn và người lợi căn. Đối với người độn căn, có bốn sát-na đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana). Đối với người lợi căn, có ba sát-na đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana). Tức là sát-na đầu tiên – chuẩn bị (Parikamma) – bị loại bỏ, cho nên chỉ có cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū). Nếu đây là lộ tâm thiền (Jhāna), thì chỉ có một sát-na thiền (Jhāna) và rồi nó rơi trở lại vào dòng hữu phần (Bhavaṅga).

Trong  cuốn  Cẩm  Nang,  ở  giữa  trang  167  của  cuốn CMA, có đoạn văn:

“… bất kỳ một đổng lực nào trong 26 đổng lực đáo đại hay siêu thế bước vào tiến trình chứng đạt …” (CMA, IV, §14, p.167)

Nếu  các bạn  lấy  đổng  lực (Javana)  chỉ là  đổng  lực kiên cố (Appanā Javana), thì chúng ta có 26.

“… theo cách tâm trí được truyền dẫn.” (CMA, IV, 14, p.167)

Điều  đó  có  nghĩa  là  gì?  Nếu  các  bạn  hướng  tâm  ý của các bạn đến việc chứng đắc thiền (Jhāna), thì sẽ có những  sát-na  thiền  (Jhāna).  Nếu  các bạn  hướng  tâm  ý của  các  bạn  đến  việc  chứng  đắc  Níp-bàn  (Nibbāna)  và thực  hành  thiền  Minh  sát  (Vipassanā),  thì  những  đổng lực kiên  cố (Appanā Javana)  sẽ là  Đạo  (Magga)  và  Quả (Phala). Cho nên, “theo cách tâm trí được truyền dẫn” có nghĩa là theo cách các bạn hướng dẫn tâm ý của các bạn. Đôi lúc, các bạn muốn chứng đắc thiền (Jhāna), cho nên các bạn hướng dẫn tâm ý của các bạn đến việc chứng đắc thiền (Jhāna) và thực hành thiền chỉ (Samatha). Đôi lúc, các bạn muốn chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna); cho nên để chứng đạt, các bạn thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) và hướng tâm ý của các bạn đến sự chứng đắc Níp-bàn (Nibbāna).  Trong  trường  hợp  đó  và  nếu  các  bạn  thành công, thì những đổng lực kiên cố (Appanā Javana) sẽ là Đạo   (Magga)   và   Quả   (Phala).   26   đổng   lực   đáo   đại (Mahaggata)  và  Siêu  thế  (Lokuttara)  sanh  lên  tùy  theo cách các bạn hướng dẫn tâm ý của các bạn.

“Sau  đó,  tại  điểm  kết  thúc  của  sự  thẩm  thấu  (ND: trong thiền và Đạo Quả), có sự chìm vào dòng hữu phần.” (CMA, IV, §14, p.167)

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu “tại điểm kết thúc của  sự  thẩm  thấu”.  Sự  giải  thích  trong  CMA  trên  trang 169  thì  không  đầy  đủ  lắm.  “Tại  điểm kết  thúc  của  sự thẩm  thấu”  –  thành  ngữ  này  rất  quan  trọng ở đây.  Nếu được  ghi  lại  rằng:  “Sau  đó,  có  sự  chìm  vào  dòng  hữu phần”, thì có thể có sự hiểu nhầm bởi vì chúng ta sẽ có thể hiểu là: với bất kỳ lộ tâm kiên cố nào, tâm hữu phần luôn luôn đi theo sau sát-na tâm kiên cố thứ nhất. Nếu nó  được  ghi  nhận  theo  cách  đó,  thì  sẽ  không  có  sát-na Quả (Phala) nào có thể đi theo sau tâm Đạo (Magga), và không có những sát-na Thiền (Jhāna) và Quả (Phala) nối tiếp theo nhau trong những lộ tâm nhập thiền (thiền chỉ và thiền Quả tương ứng). Đó là lý do tại sao thành ngữ này được đặt ở đó. “Tại điểm kết thúc của sự thẩm thấu ” có   nghĩa   là   tại   điểm   kết   thúc   của   những   đổng   lực (Javana) thẩm thấu, tức là những đổng lực kiên cố. Ví dụ, trong   lộ   tâm   đắc   Đạo   (Magga),   có   một   sát-na   Đạo (Magga) và hai hay ba sát-na Quả (Phala). Chỉ sau tất cả những  đổng  lực kiên  cố  (Appanā  Javana),  thì  tâm  hữu phần mới sẽ sanh lên. Để cho chúng ta biết điều đó, tác giả  đã  dùng  thành  ngữ  “tại  điểm  kết  thúc  của  sự thẩm thấu” này. Tâm hữu phần (Bhavaṅga) chỉ sẽ sanh lên sau những đổng lực (Javana) kiên cố, chứ không phải sau chỉ một đổng lực kiên cố (Appanā Javana). Nếu có hai đổng lực kiên cố (Appanā Javana), thì sau hai đổng lực kiên cố (Appanā Javana), tâm hữu phần (Bhavaṅga) sẽ sanh lên. Nếu có 1.000 đổng lực kiên cố (Appanā Javana), thì chỉ sau 1.000 đổng lực kiên cố (Appanā Javana) sẽ có những sát-na hữu phần (Bhavaṅga).

“…  không  có  sự  xảy  ra  của  những  tâm  (citta)  na cảnh.” (CMA, IV, Guide to §14, p.169)

Chúng ta không cần bàn về điều này ở đây nữa vì nó đã được đề cập đến ở trước. Không có sự sanh lên của tâm na cảnh trong những lộ tâm kiên cố (Appanā). Cho nên, ở đây “có sự chìm vào dòng hữu phần tại sự kết thúc của sự thẩm thấu” có nghĩa là có tâm hữu phần (Bhavaṅga) tại sự kết thúc của tất cả những đổng lực kiên cố (Appanā Javana). Sự không xuất hiện của tâm na cảnh đã được nhắc đến ở trên.

Trong lộ tâm được gọi là nhập thiền (Samāpajjana), thì có hàng ngàn sát-na thiền (Jhāna). Trước hết, hành giả chứng đắc thiền (Jhāna). Sau đó, hành giả  muốn nhập thiền (Jhāna). Hành giả thực hành thiền trở lại để đạt đến tầng thiền (Jhāna) đó. Hành giả có thể ước nguyện như sau: “Nguyện cho tôi nhập vào thiền (Jhāna)” hay “Nguyện cho những tâm thiền (Jhāna Citta) sanh lên lại trong suốt một giờ, hai giờ hay trong suốt một ngày hay hai ngày”. Với ước nguyện đó trong tâm, hành giả thực hành thiền và lộ tâm đó sanh lên. Trong lộ tâm này, có hàng triệu sát-na thiền (Jhāna). Đây được gọi là nhập thiền; nó thật ra là cách tận hưởng thiền (Jhāna). Trước hết, các bạn chứng đắc thiền (Jhāna). Rồi thì các bạn muốn tận hưởng nó. Các bạn muốn tận  hưởng thiền (Jhāna) vì khi ở trong thiền (Jhāna), tâm ý của các bạn rất tĩnh lặng. Tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā) rất mạnh mẽ, cho nên các bạn rất hạnh phúc và an bình trong suốt thời gian đó. Do đó, các bạn muốn tận hưởng sự an bình của thiền (Jhāna). Cho nên, các bạn muốn nhập thiền (Jhāna) trở lại. Trong trường hợp đó, vì các bạn muốn có nhiều sát-na thiền (Jhāna), sẽ có hàng ngàn sát-na thiền (Jhāna). Ở đây, trong lộ nhập thiền này, có hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, và rồi hướng ý môn (Manodvārāvajjana), chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma), chuyển tộc (Gotrabhū) (Thật ra, ở đây nó là tâm dũ tịnh (Vodāna)), và rồi rất nhiều sát-na  thiền, hàng triệu sát-na thiền.

Đến thời điểm đã định trước, hành giả sẽ xuất thiền (Jhāna). Tức là những sát-na hữu phần (Bhavaṅga) sẽ sanh lên. Hành giả có thể nhập thiền (an trú trong lộ nhập thiền này) bao lâu tùy theo ước muốn. Nếu hành giả ước nguyện: “Nguyện cho tôi an trú trong thiền trong vòng một giờ”, thì hành giả sẽ an trú trong thiền một tiếng đồng hồ. Sau đúng một tiếng đồng hồ, tâm hữu phần (Bhavaṅga) sẽ tự động sanh lên. Đó là cái chúng ta gọi là xuất thiền (Jhāna). Nếu hành giả nguyện: “Nguyện cho tôi an trú trong thiền trong vòng ba ngày”, thì hành giả sẽ an trú trong thiền (Jhāna) ba ngày. Sau đúng ba ngày, tâm hữu phần (Bhavaṅga) sẽ tự động sanh lên.

Ở đây, người độn căn và người lợi căn chỉ khác nhau một sát-na. Còn lại tất cả nhưng sát-na khác đều giống nhau. Sát-na chuẩn bị (Parikamma) sẽ không sanh lên cho người lợi căn.

Về lộ tâm thiền (Jhāna), thì có hai loại – lộ đắc thiền và lộ nhập thiền. Lộ đắc thiền được gọi là Adikammika1. “Adi”  có  nghĩa  là  lần  đầu  tiên.  “Kamma”  có  nghĩa  là nghiệp.  Cho  nên,  nó  có  nghĩa  là  hành  giả  tham  dự  vào hoạt  động  lần  đầu  tiên,  tức là  người  bắt  đầu  hay  người khởi đầu. Lộ nhập thiền thì được gọi là Samāpajjana. Các bạn   đã   quen   thuộc   với   từ   Samāpatti.   Samāpatti   và Samāpajjana có cùng gốc từ. Thật ra, chúng chỉ cho cùng một  thứ  và  chúng  ta  gọi  nó  là  lộ  nhập  thiền  (Jhāna- samāpatti Vīthi).

Những sát-na thiền (Jhāna) có thể là một trong năm tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala) và bốn tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) nếu hành giả không phải là A-la-hán (Arahant). Nếu hành giả là A-ra-hán (Arahant), những sát-na thiền (Jhāna) sẽ là một trong năm tâm duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya) và bốn tâm duy tác vô sắc (Arūpāvacara Kiriya).

Đối  tượng  của  lộ  tâm  này  là  gì?  Các  bạn  hãy  đi ngược lại  đến  phần  về  cảnh  (Ārammaṇa)  trong  chương thứ  ba.  Bây  giờ  chúng  ta  hãy quay lại  trang  142  (xem CMA,  IV,  Table  3.6,  p.142).  Chúng  ta  hãy  lấy  thiền (Jhāna) thứ nhất làm ví dụ. Đối tượng của lộ tâm kiên cố (Appanā)   hay  thiền   (Jhāna)   thứ   nhất   là   chế   định (Paññatti). Có bao nhiêu loại chế định? Các bạn hãy nhìn vào biểu đồ. 25 loại chế định có thể làm cảnh cho ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ nhất. Như vậy, đối tượng của lộ tâm  thiền  (Jhāna)  thứ  nhất  là  một  trong  25  khái  niệm này.  Chúng  là  mười  khái  niệm Kasiṇa,  mười  khái  niệm bất mỹ và rồi một đề mục thân hành niệm (có nghĩa là tóc, lông, móng, răng, da và vân vân), và rồi hơi thở ra vào,  và  rồi chúng  sanh  là  đề  mục  của  tâm  từ  (Mettā), chúng  sanh  là  đề  mục  của  tâm  bi  (Karuṇā),  và  chúng sanh là đề mục của tâm hỷ (Muditā). Tất cả chúng ta có 25 khái niệm này là đối tượng của lộ đắc thiền (Jhāna) này.  Đối  tượng  của  lộ  nhập  thiền  cũng giống như vậy, tức là một trong 25 khái niệm (Paññatti) này.  Nếu  các bạn  muốn  hiểu  những  đối  tượng  này  một cách chi tiết, các bạn hãy đi ngược lại đến Table 3.6 này (xem CMA, IV, Table 3.6, p.142).

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app