Chương Bốn: Lộ Trình Tâm (iii) Và Sự Xác Định Loại Tâm Na Cảnh (tadārammaṇa-niyama)

Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Bốn: Lộ Trình Tâm (III) Và Sự Xác Định Loại Tâm Na Cảnh (Tadārammaṇa-niyama)

Tuần vừa qua, chúng ta đã học những lộ tâm ý môn. Chương này nghiên cứu những loại lộ tâm khác nhau. Chúng ta có những lộ ngũ môn. Lộ ngũ môn được chia ra làm cảnh rất lớn, cảnh lớn, cảnh nhỏ và cảnh rất nhỏ. Lộ ý môn trước hết được chia ra làm dục giới (Kāmāvacara) và kiên cố (Appanā). “Kiên cố (Appanā)” có nghĩa là đáo đại (Mahaggata) và Siêu thế (Lokuttara). Lộ ý môn dục giới (Kāmāvacara) được chia ra làm cảnh rõ rệt (Vibhūta) và cảnh mờ nhạt (Avibhūta). Lộ ý môn kiên cố cũng được chia ra thành thiền (Jhāna) và Đạo (Magga). Rồi cũng có thiền diệt (Nirodha). Lộ tâm thiền (Jhāna) được chia ra thành hai – lộ đắc thiền và lộ nhập thiền. Lộ tâm Đạo (Magga) ở đây là sự chứng đắc đầu tiên và rồi sau đó chứng đắc Quả (Phala).

Lộ Đắc Đạo

Hôm nay, chúng ta sẽ học lộ đắc Đạo. Thật ra, lộ đắc Đạo sẽ được miêu tả ở chương thứ chín. Trong chương này, lộ đắc Đạo chỉ được ám chỉ đến mà không được miêu tả một cách riêng biệt. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên học lộ đắc Đạo ở đây. Rồi khi học đến chương thứ chín, chúng ta sẽ học lại nó một lần nữa.

Lộ đắc Đạo sanh lên khi một người chứng đạt được sự giác ngộ. Giả sử hành giả thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Vị ấy chứng đạt từ tầng tuệ này đến tầng tuệ khác. Khi vị ấy thực hành thiền Minh sát (Vipassanā), có hàng triệu lộ tâm. Những lộ tâm này bắt những hành linh tinh làm đối tượng. “Những hành linh tinh” thật ra có nghĩa là những pháp hữu vi hay chỉ là danh và sắc. Khi các bạn thực hành thiền Minh sát (Vipassanā), các bạn bắt danh hay sắc làm đối tượng. Các bạn cố gắng để thấy được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của danh và sắc, sự sanh lên và hủy diệt của chúng và vân vân. Những đối tượng này của thiền Minh sát (Vipassanā) được gọi là những hành linh tinh, những pháp hành khác nhau, những pháp hữu vi (Saṅkhāra) khác nhau. Như vậy, khi hành giả thực hành thiền Minh sát (Vipassanā), những lộ ý môn của vị ấy bắt những hành linh tinh này, tức là danh hay sắc, làm đối tượng.

Giả sử thiền Minh sát (Vipassanā) của hành giả chín muồi. Hành giả sẽ chứng đạt sự giác ngộ. Tại thời điểm giác ngộ, lộ tâm Đạo sanh lên. Lộ tâm Đạo diễn tiến như sau: đầu tiên là hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga), rồi đến hữu phần rúng động (Calana Bhavaṅga), và rồi hữu phần dứt dòng (Upaccheda Bhavaṅga). Sau khi dòng hữu phần dừng lại, thì những tâm khách quan (Vīthi Citta) sanh lên. Có bốn sát-na đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana), giống như trong lộ tâm thiền (Jhāna). Trong lộ tâm thiền (Jhāna), có những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) gì? Có chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū). Trước những tâm này, thì có tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana). Sau khi tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana) hướng tâm ý về đối tượng, thì chúng ta có trước hết là chuẩn bị (Parikamma), rồi cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū). Bốn sát-na này đại diện cho những tâm  thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) hợp trí (Ñāṇa- sampayutta). Sát-na thứ nhất được gọi là chuẩn bị; sát- na thứ hai là cận hành (Upacāra); sát-na thứ ba được gọi là thuận thứ (Anuloma), tức là hòa đồng với cả những sát-na sau và trước; và sát-na thứ tư được gọi là chuyển tộc (Gotrabhū).

Tuần trước, tôi đã giải thích về chuyển tộc (Gotrabhū). Ý nghĩa của Gotrabhū là gì? Gotrabhū có nghĩa là chuyển đổi tộc tánh. “Gotra” có nghĩa là dòng dõi hay dòng tộc. “Bhū” có nghĩa là vượt qua hay bước vào. Gotrabhū ở đây có nghĩa là vượt qua dòng tộc phàm nhân (Puthujjana) bởi vì từ thời điểm Đạo (Magga) trở đi, hành giả sẽ trở thành một Thánh nhân (Ariya). Tại thời điểm của chuyển tộc (Gotrabhū), tộc tánh phàm nhân (Puthujjana) được vượt qua và hành giả bước vào tộc tánh Thánh nhân (Ariya). Vì vậy, nó được gọi là chuyển tộc (Gotrabhū).

Tuy rằng có bốn đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) – chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū) – nhưng chúng bắt đối tượng khác nhau. Các bạn thấy rằng chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra) và thuận thứ (Anuloma) bắt những hành linh tinh làm cảnh. Chuyển tộc (Gotrabhū) bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Trong chương thứ ba, phần về cảnh có nói những tâm bắt Níp- bàn (Nibbāna) làm cảnh là những tâm thiện dục giới hợp trí (Kāmāvacara Kusala Ñāṇa-sampayutta). Chúng có thể bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng, thật ra chỉ khi chúng làm chức năng chuyển tộc (Gotrabhū). Chúng có thể bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng chỉ tại một thời điểm đó, tức là tại thời điểm đầu tiên thấy Níp-bàn (Nibbāna) một cách trực tiếp đó. Cho đến thời điểm đó, Níp-bàn (Nibbāna) được đề cập đến thì không phải là Níp-bàn (Nibbāna) thật. Nó chỉ là Níp-bàn (Nibbāna) chế định hay một dạng khái niệm nào đó. Sát-na chuyển tộc (Gotrabhū) thật sự bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Đây là một trường hợp ngoại lệ. Trong lộ tâm này, đối tượng của những sát-na tâm thì khác nhau. Đối tượng của hướng ý môn (Manodvārāvajjana), chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra) và thuận thứ (Anuloma) là gì? Đó là những hành linh tinh hay những pháp hữu vi, tức là danh và sắc. Đối tượng của chuyển tộc (Gotrabhū) là Níp-bàn (Nibbāna).

Sau chuyển tộc (Gotrabhū) là đến tâm Đạo (Magga) và theo sau là hai sát-na tâm Quả (Phala). Rồi thì lộ tâm đó  chìm  vào  dòng  hữu  phần  (Bhavaṅga). Khi  nói  về  sự giác ngộ, chúng ta phải hiểu là liên quan đến lộ tâm này. Như  vậy,  chuẩn  bị  (Parikamma),  cận  hành  (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū) là những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta). Tâm Đạo (Magga)  là  tâm  gì?  Tâm  Đạo  (Magga)  là  tâm  Siêu  thế (Lokuttara  Citta).  Những  sát-na  Quả  (Phala)  cũng  là những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Tại thời điểm tâm Đạo  (Magga),  cái  gì  xảy  ra?  Có  sự đoạn  diệt  phiền  não (Kilesa).  Khi  chúng  ta  nói  những  phiền  não  được  đoạn diệt hay tẩy trừ, ý chúng ta là chúng bị đoạn diệt tại thời điểm của tâm Đạo (Magga).1  Đối tượng của tâm Đạo là gì?   Níp-bàn   (Nibbāna)   là   đối   tượng   của   tâm   Đạo (Magga).  Chức  năng  của  tâm  Đạo  (Magga)  là gì?  Tâm Đạo có chức năng là hủy diệt phiền não. Như vậy, cái mà chúng ta gọi là sự giác ngộ thì chỉ là cái này, tức là thời điểm  của  Đạo  (Magga).  Tâm Đạo  (Magga)  sanh  lên  lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh và có chức năng đoạn diệt phiền  não.  Tâm  Đạo  (Magga)  rất  là  mạnh  mẽ,  có  năng lực tẩy trừ những phiền não một cách trọn vẹn chỉ bằng một lần sanh lên và sẽ không sanh lên nữa.

Tất cả chúng ta đều biết tại thời điểm của Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga) bao nhiêu phiền não (Kilesa) được đoạn diệt. Các bạn còn nhớ không? Tà kiến và hoài nghi được tẩy trừ. Nếu các bạn không nhớ, thì cũng đừng lo lắng. Khi chúng ta học đến chương thứ chín, thì các bạn sẽ hiểu. Tại thời điểm của Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti- magga), hai phiền não được tẩy trừ. Khi chúng bị đoạn diệt, thì chúng bị đoạn diệt một lần và mãi mãi. Chúng sẽ không bao giờ sanh lên lại trong vị Thánh nhân đó. Tâm Đạo (Magga) có năng lực đó. Đó là lý do tại sao sự từ bỏ hay đoạn diệt do tâm Đạo (Magga) được gọi là sự từ bỏ hoàn toàn. Có ba loại từ bỏ: trong giây phút, tạm thời và hoàn toàn.

Khi các bạn đang học Thắng Pháp (Abhidhamma) hay đang đảnh lễ Đức Phật, thì các bạn không có những phiền não. Đó là sự từ bỏ trong giây phút. Nếu các bạn chứng đắc thiền định (Jhāna) hay nếu các bạn thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) và các bạn có thể từ bỏ những phiền não trong một khoảng thời gian, thì đó được gọi là sự từ bỏ tạm thời. Khi các bạn đạt đến trạng thái của Đạo (Magga), các bạn có thể hủy diệt chúng một cách hoàn toàn. Trong Pāḷi, nó được gọi là Samuccheda, tức là cắt đứt. Nếu các bạn cắt đứt một cái gì đó, thì nó không thể được nối trở lại. Tại thời điểm Đạo (Magga), những phiền não tương ứng được đoạn diệt một lần và mãi mãi. Cho nên, chúng không bao giờ sanh lên trở lại trong vị đó.

Sát-na Đạo (Magga) đó trong lộ tâm được đi theo sau bởi hai sát-na Quả (Phala). Những sát-na Quả (Phala) là kết quả của sát-na Đạo (Magga). Không có gì khác can thiệp vào giữa Đạo (Magga) và Quả (Phala). Đạo (Magga) là nguyên nhân và Quả (Phala) là kết quả. Kết quả lập tức theo sau nguyên nhân.

Bây giờ chúng ta hãy nhớ lại những tính năng (hay ân đức) của Pháp Bảo (Dhamma). Một tính năng của Pháp Bảo (Dhamma) là gì? Akālika là một trong những tính năng của Pháp Bảo (Dhamma). Akālika được dịch là ngoại thời hay vượt thời gian, nhưng thật ra nó không dễ để hiểu. Akālika có nghĩa là nó không đợi chờ để cho kết quả. Tức là nó cho kết quả ngay lập tức. Ngay lập tức sau khi Đạo (Magga) diệt đi, thì Quả (Phala) sanh lên. Khi chúng ta nói Dhamma là Akālika, tức là Dhamma là không có thời gian, thì ý của chúng ta là: Dhamma là Đạo (Magga), chứ không phải là Quả (Phala), không phải là Níp-bàn (Nibbāna).

Như vậy, sát-na Đạo (Magga) được đi theo sau bởi hai sát-na Quả (Phala). Chức năng của những sát-na Quả (Phala) này là gì? Chức năng của Quả (Phala) là làm lặng yên thêm nữa những phiền não đã được đoạn diệt. Đạo (Magga) dập tắt lửa. Quả (Phala) đổ thêm nước vào lửa đã được dập tắt bởi Đạo (Magga), để cho nó không thể cháy trở lại. Đó là việc làm của những sát-na Quả. Trong Pāḷi, chúng được gọi là Paṭippassaddhi – làm lặng yên, làm yên bình một lần nữa. Tức là chúng làm cho những phiền não được đoạn diệt một cách thấu triệt, để chúng không thể sanh lên được nữa.

Có hai sát-na Quả (Phala) và rồi lộ tâm chìm vào dòng hữu phần (Bhavaṅga). Đây là lộ đắc Đạo (Magga). Luôn luôn có những sát-na Quả (Phala) trong lộ đắc Đạo, nhưng chúng ta gọi nó là lộ Đạo vì những sát-na Quả (Phala) luôn luôn được nối với sát-na Đạo (Magga). Sau đó, những sát-na hữu phần (Bhavaṅga) sanh lên và rồi lộ tâm phản khán sẽ theo sau. Đây là những lộ ý môn.

Sau khi chứng đạt Đạo (Magga) thứ nhất, giả sử hành giả muốn nhập vào nó một lần nữa. Như các bạn đã biết, tâm Đạo (Magga) không thể sanh lên nhiều  hơn một lần. Cho nên, cái mà bậc Giác ngộ đó nhập vào là những sát-na Quả (Phala). Để nhập vào những sát-na Quả (Phala) và tận hưởng hương vị giải thoát, hành giả lại thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Rồi lộ nhập thiền Quả (Phala) sanh lên.

Chúng  ta  hãy  nhìn  vào  cuốn  CMA,  IV,  Table  4.4, trang   169.   Lộ   tâm   thứ   nhất   là   cho   Nhập   Lưu   Đạo (Sotāpatti-magga).  Có  hai  loại  lộ tâm  Nhập  Lưu  Đạo (Sotāpatti-magga) – một lộ cho những vị độn căn và một lộ cho những vị lợi căn. Đối với những vị độn căn, thì có bốn    sát-na    dục  giới    (Kāmāvacara)    –    chuẩn    bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū) – Đạo (Magga) và rồi hai sát-na Quả (Phala). Nhưng đối với những vị lợi căn, thì chỉ có ba sát-na đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) – cận hành (Upacāra),    thuận    thứ  (Anuloma)  và    chuyển    tộc (Gotrabhū) – rồi Đạo (Magga) và ba sát-na Quả (Phala). Các bạn có biết tại sao có ba sát-na Quả (Phala) không? Các bạn không biết à. Ở đây, chúng ta cần bảy sát-na, cho nên,  chúng  ta  phải  có  cận  hành  (Upacāra),  thuận  thứ (Anuloma),  chuyển  tộc  (Gotrabhū),  Đạo  (Magga),  Quả (Phala), Quả (Phala), Quả (Phala). Cho nên, chúng ta có ba sát-na Quả (Phala) đối với những vị lợi căn.

Bây giờ, đối với những Đạo (Magga) cao hơn – Nhất Lai Đạo (Sakadāgāmī-magga), Bất Lai Đạo (Anāgāmī- magga) và A-la-hán Đạo (Arahatta-magga) – thì những lộ tâm cũng giống như vậy, chỉ có tên gọi khác cho sát-na chuyển tộc (Gotrabhū). Ở đây, nó được gọi là dũ tịnh (Vodāna). “Vodāna” có nghĩa là làm trong sạch. Sau khi chứng đắc Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga), hành giả đã là một bậc Thánh nhân, cho nên chuyển tộc (Gotrabhū) không thể sanh lên ở đó vì không có dòng tộc nào ở đây để khắc phục và bước vào. Do đó, sát-na đó được gọi là dũ tịnh (Vodāna) chứ không phải chuyển tộc (Gotrabhū). Nó cũng là một đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana). Như vậy, chúng ta có hướng ý môn (Manodvārāvajjana), chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma), dũ tịnh (Vodāna) và rồi Đạo (Magga) và hai sát-na Quả (Phala). Đó là cho những vị độn căn. Đối với những vị lợi căn, thì chúng ta bỏ chuẩn bị (Parikamma) và thêm vào một sát-na Quả (Phala) nữa. Những sát-na khác thì giống nhau. Tức là, chúng ta bỏ chuẩn bị (Parikamma), thêm vào một sát-na Quả (Phala) nữa và thay chuyển tộc (Gotrabhū) bằng dũ tịnh (Vodāna).

Trong lộ nhập thiền Quả (Phala) thì các bạn tìm thấy cái gì? Có bốn sát-na thuận thứ (Anuloma). Ở đây, bốn sát-na này được gọi là thuận thứ (Anuloma). Nó hơi khó hiểu và mập mờ. Cả bốn sát-na chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma), dũ tịnh (Vodāna) đều được gọi là thuận thứ (Anuloma) ở đây. Cho nên, có bốn sát-na thuận thứ (Anuloma). Ở đây, không có Đạo (Magga). Thay vì Đạo (Magga), thì chúng ta có Quả (Phala). Có Quả (Phala) với một loạt những dấu chấm ở phía sau. Tức là có rất nhiều sát-na Quả (Phala), hàng triệu sát-na Quả (Phala). Đó là lộ tâm dành cho những vị độn căn. Đối với những vị lợi căn, thì chúng ta bỏ sát-na chuẩn bị (Parikamma). Những sát-na khác thì giống như cũ. Đó là lộ nhập thiền Quả (Phala-samāpatti).

Về lộ tâm đắc Đạo, chúng ta phải hiểu nó và phải hiểu thêm rằng nó lập tức được đi theo bởi sự phản khán, tức là những lộ tâm dục giới (Kāmāvacara). Chúng ta sẽ học về chúng trong chương thứ chín. Cũng có thể có những lộ nhập thiền Quả. Lộ tâm này là lộ đắc Đạo. Trong lộ nhập thiền Quả, không có tâm Đạo (Magga) sanh lên, nhưng thay vào đó là những sát-na Quả (Phala) sanh lên hàng triệu lần. Và một lần nữa, những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) đi ngay trước tâm Đạo (Magga) làm chức năng gì? Chúng làm những chức năng chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thức (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū). Ba đổng lực đầu tiên bắt những hành linh tinh làm cảnh và sát-na chuyển tộc (Gotrabhū) bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Rồi thì tâm Đạo (Magga) theo sau và hai sát-na Quả (Phala) đi theo tiếp sau đó.

Bây giờ có một câu hỏi thế này. Tôi không biết chúng ta nên thảo luận về nó ở đây hay là đợi cho đến khi chúng ta học đến chương thứ chín. Chúng ta có thể gọi chuyển tộc (Gotrabhū) là thiền Minh sát (Vipassanā) không? Tâm chuyển tộc (Gotrabhū) không bắt những hành linh tinh làm cảnh. Nó bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Nếu nó là thiền Minh sát (Vipassanā), thì nó phải bắt những hành linh tinh làm cảnh. Cho nên, thật ra tâm chuyển tộc (Gotrabhū) là ở ngoài thiền Minh sát (Vipassanā), nhưng các bạn có thể gọi nó là thiền Minh sát (Vipassanā) nếu các bạn muốn. Tuy nhiên, nói một cách chặt chẻ và chính xác, thì nó không phải là thiền Minh sát (Vipassanā). Nó là đỉnh cao hay phần tột đỉnh của thiền Minh sát (Vipassanā).

Những Tương Quan Trong Sự Thẩm Thấu

Bây  giờ chúng  ta  sẽ nghiên  cứu  “Những  Sự Tương Quan  trong  Sự  Thẩm  Thấu”  trong  chương  bốn  (xem CMA,  IV,  §15,  p.169).  Các  bạn  phải nhớ  tất  cả  các  tâm (Citta). Nếu các bạn đã đọc cuốn sách CMA này, thì các bạn đã biết về phần này. Tôi sẽ chỉ đọc lên từ trong sách.

“Ở đây, ngay lập tức sau một đổng lực (javana) được đi kèm theo bởi thọ hỷ, …” (CMA, IV, §15, p.169)

Tức là đổng lực thọ hỷ (Somanassa Javana). Ở đây, đổng lực thọ hỷ (Somanassa Javana) có nghĩa là đổng lực dục giới thọ hỷ (Somanassa Kāmāvacara Javana).

Như vậy, “Ở đây, ngay lập tức sau một đổng lực (javana) được đi kèm theo bởi thọ hỷ, sự thẩm thấu…”

Tức là thiền (Jhāna), Đạo (Magga) và Quả (Phala). “… sự thẩm thấu được đi kèm theo bởi thọ hỷ thì được mong đợi.” (CMA, IV, §15, p.169)

Tức là, sau đổng lực dục giới thọ hỷ (Somanassa Kāmāvacara Javana) là tâm kiên cố thọ hỷ (Somanassa Appanā).

“Ngay  lập  tức  sau  một  đổng  lực  (javana)  được  đi kèm theo bởi thọ xả, …” (CMA, IV, §15, p.169)

Tức là thọ xả (Upekkhā).

“… sự thẩm thấu (xảy ra) được đi kèm theo bởi thọ xả.” (CMA, IV, §15, p.169)

Đổng lực thọ xả (Upekkhā Javana) được đi theo sau bởi tâm kiên cố thọ xả (Upekkhā Appanā). Trong lộ tâm đắc thiền (Jhāna) hay trong lộ tâm đắc Đạo (Magga), những sát-na chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū) có thể là thọ hỷ (Somanassa) hay thọ xả (Upekkhā). Nếu chúng là thọ hỷ (Somanassa), thì tâm Đạo (Magga), tâm Quả (Phala) và tâm thiền (Jhāna) theo sau phải là thọ hỷ (Somanassa). Nếu chúng là thọ xả (Upekkhā), thì tâm Đạo (Magga), tâm Quả (Phala) và tâm thiền (Jhāna) theo sau phải là thọ xả (Upekkhā). Cho nên, những đổng lực thọ hỷ (Somanassa Javana) được đi theo sau bởi tâm kiên cố thọ hỷ (Somanassa Appanā) và những đổng lực thọ xả (Upekkhā Javana) được đi theo sau bởi tâm kiên cố thọ xả (Upekkhā Appanā).

“Ở  đây,  cũng  vậy,  ngay  lập  tức  sau  một  đổng  lực (javana) thiện, …” (CMA, IV, §15, p.169)

Tức là đổng lực thiện (Kusala Javana).

“…  sự  thẩm  thấu  xảy  ra  thông  qua  một  đổng  lực thiện và ba quả (phala) bậc thấp.” (CMA, IV, §15, p.169)

Tức là sau đổng lực thiện (Kusala Javana), những đổng lực kiên cố (Appanā Javana) là thiện (Kusala) và ba tâm Quả (Phala) bậc thấp. Nói cách khác, những đổng lực thiện (Kusala Javana) và ba tâm Quả (Phala) bậc thấp đi theo sau đổng lực thiện (Kusala Javana).

“Ngay lập tức sau một đổng lực (javana) duy tác, …” (CMA, IV, §15, p.169)

Tức là sau những đổng lực duy tác (Kiriya Javana).

“…  sự  thẩm  thấu  xảy  ra  thông  qua  một  đổng  lực (javana)  duy  tác  và  quả  của  sự  chứng  đắc  A-la-hán (Arahant).” (CMA, IV, §15, p.169)

Tức là những đổng lực duy tác (Kiriya Javana) và những đổng lực A-la-hán Quả (Arahatta-phala Javana) sẽ theo sau. Các bạn đã rõ chưa? Các bạn vẫn chưa rõ.

Chúng  ta  hãy  xem  xét  những  tâm  thiện  dục  giới (Kāmāvacara  Kusala)  –  có  bao  nhiêu  tâm?  Có  tám  tâm. Trong số đó, có bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa)? Bốn tâm được đi kèm theo  bởi thọ hỷ (Somanassa). Trong số chúng, có bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi trí tuệ? Hai tâm đầu tiên được đi kèm theo bởi  trí  tuệ.  Có  bao  nhiêu  đổng  lực  kiên  cố  (Appanā Javana)1? Có tất cả là 26, tức là chỉ tính tám tâm Siêu thế (Lokuttara).  Sau  hai  đổng  lực  dục  giới  (Kāmāvacara Javana) hợp trí đầu tiên, những tâm thiện (Kusala) thọ hỷ  (Somanassa)  có  thể  theo  sau.  Có  nghĩa  là  bốn  tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala), và tâm Đạo (Magga Citta) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa), và rồi ba sát-na tâm Quả (Phala) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa).  Như  vậy,  có  tất  cả  bao  nhiêu  tâm?  Có  32 tâm.  Nhắc  lại  một  lần  nữa,  sau  tâm  thiện  dục  giới (Kāmāvacara  Kusala)  hợp  trí,  có  32  đổng  lực  kiên  cố (Appanā Javana)  có  thể sanh  lên.  Chúng  là  bốn  tâm  từ những thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala), mười sáu tâm từ  những  tâm  Đạo  (Magga)  và  mười  hai  tâm  từ  những tâm Quả (Phala)2. Như vậy, các bạn có tất cả là 32.

Còn những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) và có trí tuệ thì sao? Có hai tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) và có trí tuệ. Có bao nhiêu đổng lực kiên cố (Appanā Javana) có thể đi theo sau? Chúng phải là thọ xả (Upekkhā). Một tâm đến từ sắc giới (Rūpāvacara), bốn tâm đến từ vô sắc giới (Arūpāvacara), và có bốn tâm Đạo (Magga) và ba tâm Quả (Phala) bậc thấp. Cho nên có tất cả là mười hai. Mười hai đổng lực kiên cố (Appanā Javana) có thể đi theo sau hai đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) thọ xả (Upekkhā) hợp trí. Khi chúng ta nói về những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana), các bạn hãy hình dung hay nghĩ về lộ tâm đắc thiền (Jhāna) và lộ tâm đắc Đạo (Magga). Như vậy, trong lộ tâm đắc thiền, chúng ta có chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū), phải không? Chúng được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) và cũng bởi thọ xả (Upekkhā). Trong lộ đắc Đạo (Magga), chúng cũng có thể được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) và thọ xả (Upekkhā). Nếu chúng được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa), thì những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) (với thiền (Jhāna) thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư) và rồi những tâm Đạo (Magga Citta) (cũng với thiền (Jhāna) thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư) có thể đi theo sau. Nếu chúng được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā), thì tâm thiền thiện sắc giới (Rūpāvacara Jhāna Kusala) thứ năm, và rồi bốn tâm thiền thiện vô sắc giới (Arūpāvacara Jhāna Kusala), bốn Đạo (Magga) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) và ba Quả (Phala) thấp được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) có thể đi theo sau thiền cho mỗi tầng của bốn tầng Đạo (Magga). Mười hai tâm Quả (Phala) là bao gồm sơ thiền cho đến tứ thiền cho mỗi tầng của ba tầng Quả (Phala) thấp.

Như vậy là mười hai. Nói tóm lại, sau tâm thiện dục giới thọ hỷ hợp trí (Somanassa Kāmāvacara Kusala Ñāṇa- sampayutta), thì có 32 đổng lực kiên cố (Appanā Javana) đi theo sau. Sau tâm thiện dục giới thọ xả hợp trí (Upekkhā Kāmāvacara Kusala Ñāṇa-sampayutta), thì có mười hai đổng lực kiên cố (Appanā Javana) đi theo Điều này các bạn có thể tìm thấy được dựa vào sự trình bày ở đây. Đi theo sau đổng lực thọ hỷ (Somanassa Javana) là tâm kiên cố thọ hỷ (Somanassa Appanā). Đi theo sau đổng lực thọ xả (Upekkhā Javana) là tâm kiên cố thọ xả (Upekkhā Appanā). Đi theo sau đổng lực thiện (Kusala) là gì? Là đổng lực thiện (Kusala Javana) và ba Quả (Phala) bậc thấp. Đi theo sau những đổng lực duy tác hữu nhân (Sahetuka Kiriya Javana) là gì? Là những đổng lực duy tác (Kiriya Javana) và tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala).

Tiếp theo, chúng ta sẽ đi đến những đổng lực duy tác (Kiriya Javana). Có bao nhiêu đổng lực duy tác dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Kiriya Javana)? Có tám đổng lực duy tác dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Kiriya Javana). Bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa)? Bốn được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Bao nhiêu trong số này được đi kèm theo bởi trí tuệ? Hai tâm được đi kèm theo bởi trí tuệ. Bao nhiêu tâm có thể đi theo sau hai tâm này? Bốn tâm duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya), và rồi bốn A-la-hán Quả (Arahatta-phala) có thể đi theo sau hai tâm này. Đạo (Magga) và những Quả (Phala) khác không thể đi theo sau tâm duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya). Như vậy, sau tâm duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) và trí tuệ, chỉ có tám đổng lực kiên cố (Appanā Javana) đi theo – tức là bốn tâm trong những tâm sắc giới (Rūpāvacara) và bốn tâm trong những tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala).

Bây giờ chúng ta hãy đi đến thọ xả (Upekkhā). Có bao nhiêu tâm có thể đi theo sau hai tâm duy tác dục giới thọ xả (Upekkhā Kāmāvacara Kiriya Citta) hợp trí? Một tâm trong những tâm sắc giới (Rūpāvacara), bốn tâm trong những tâm vô sắc (Arūpāvacara) và một tâm trong những tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala) – cho nên, có tất cả sáu tâm.

Chúng ta hãy kiểm tra lại với cuốn Cẩm Nang trên trang 170 cuốn CMA.

“Theo  sau  tâm  thiện  thọ  hỷ,  32  (loại  đổng  lực (javana)  thẩm  thấu,  tức  là  đổng  lực  kiên  cố)  sanh  lên.” (CMA, IV, §16, p.170)

Ở trên, chúng ta đã nói đúng.

“Sau  (tâm  thiện)  thọ  xả,  mười  hai  (loại  đổng  lực (javana) thẩm thấu, tức là đổng lực kiên cố,  sanh lên).” (CMA, IV, §16, p.170)

Chúng được tìm thấy. Vậy là đúng rồi.

“Sau những tâm duy tác thọ hỷ, tám  loại sanh lên, và  sau  (những  tâm  duy  tác)  thọ  xả,  sáu  loại  sanh  lên.” (CMA, IV, §16, p.170)

Khi chúng tôi học Abhidhammatthasaṅgaha, chúng tôi còn rất nhỏ. Khi chúng tôi học đến chỗ này, nếu học viên nào có thể tự tìm ra những con số 32, 12, 8 và 6, thì học viên đó sẽ được tặng thưởng một cái gì đó – có thể là một bộ y hay một vài cuốn sách. Nếu học viên có thể tự suy ra mà không cần sự giúp đỡ của người thầy, thì học viên sẽ có quà thưởng.

Ở trong đoạn cuối cùng của phần này trên trang 171 của cuốn CMA có ghi:

“Trong trường hợp của những phàm nhân và những bậc hữu học đã chứng đắc ba tầng Đạo và Quả thấp, thì sau một trong bốn đổng lực (javana) thiện dục giới hợp trí,  một  trong  44  đổng  lực  (javana)  thẩm  thấu  (tức  là đổng lực kiên cố) sẽ sanh lên như đã được miêu tả ở trên (32 + 12 = 44).” (CMA, IV, Guide to §16, p.171)

Tức là 32 cộng cho mười hai.

“Sau bốn đổng lực (javana) duy tác dục giới hợp trí, một trong mười bốn đổng lực (javana) thẩm thấu (tức là đổng lực kiên cố) sẽ sanh lên cho vị A-la-hán (Arahant) (8 + 6 = 14).” (CMA, IV, Guide to §16, p.171)

Các bạn phải cộng tám với sáu. Đây là những lộ tâm kiên cố (Appanā).

Các bạn hãy nhớ Appanā (kiên cố hay chuyên chú) là  tên  của  cái  gì.  Ban  đầu,  nó  là  tên  của  tầm  (Vitakka). Rồi thì nó được áp dụng vào thiền (Jhāna) thứ nhất. Rồi nó được áp dụng vào tất cả các tầng thiền (Jhāna), Đạo (Magga) và Quả (Phala). Khi chúng ta nói đổng lực kiên cố (Appanā Javana), thì ý chúng ta muốn nói đến những đổng lực đáo đại (Mahaggata Javana) và những đổng lực Siêu thế (Lokuttara Javana). Nếu chúng ta xem là chỉ có tám tâm Siêu thế (Lokuttara), thì sẽ có tất cả là 26 đổng lực kiên cố (Appanā Javana).

Chúng ta vừa mới hoàn thành xong lộ tâm kiên cố (Appanā). Chúng ta sẽ học những lộ tâm ý môn khác về sau. Sau này tức là vào cuối chương thứ năm – lúc đó, chúng ta không chỉ nhất thiết sẽ học lộ tâm ý môn, mà nó có thể là ngũ môn và ý môn, lộ tâm tử. Rồi chúng ta sẽ học những lộ khác trong chương thứ chín.

Sự Xác Định Loại Tâm Na Cảnh (Tadārammaṇa-niyama)

Tiếp đến là thủ tục hay phương thức của sự tiếp nhận, tức là Tadārammaṇa-niyama. “Tadārammaṇa- niyama” có nghĩa là sự xác định loại tâm na cảnh (Tadārammaṇa), tức là tâm na cảnh (Tadārammaṇa) nào đi theo sau đổng lực (Javana) nào và tâm na cảnh (Tadārammaṇa) nào sanh lên tùy thuộc vào đối tượng nào.

Bây giờ, có ba loại đối tượng được đề cập đến ở đây. Chất lượng của đối tượng được xác định dựa trên tiêu chuẩn của hay cho những chúng sanh trung bình. Chúng ta sẽ bàn về điều đó sau. Những đối tượng được chia ra làm ba:

  • Thứ nhất là Aniṭṭha – những đối tượng không được khao khát.
  • Thứ hai là Iṭṭha hay Iṭṭhamajjhatta. Có nghĩa là đáng được khao khát một cách trung bình.
  • Cuối cùng là Ati-iṭṭha, tức là rất đáng được khao khát, được khao khát vô cùng.

Ba loại đối tượng được đề cập đến ở đây. Mặc dầu có hai dạng khác nhau cho đối tượng được khao khát, nhưng chỉ có một dạng cho đối tượng không được khao khát mà thôi. Bất kỳ đối tượng nào không được khao khát thì chỉ là không được khao khát. Nhưng những đối tượng được khao khát thì được chia ra làm hai loại: chỉ được khao khát bình thường và rất được khao khát. Đối với những Phật tử, thì Đức Phật là đối tượng rất được khao khát. Đối với một thanh niên, thì một thiếu nữ có thể là đối tượng rất được khao khát. Như vậy, có ba loại đối tượng này.

Ba loại đối tượng này được xác định hay được định đoạt bởi một người trung bình. Tức là, sẽ rất khó để quyết định cái gì là đáng được khao khát và không đáng được khao khát nếu chúng ta tính chung tất cả mọi người. Các bạn có thể thích một điều mà người khác không thích. Các bạn có thể khao khát một điều mà người khác không thích. Cho nên, làm sao chúng ta quyết định hay xác định được cái gì là đáng khao khát và cái gì là không đáng khao khát? Những Sớ Giải ghi lại rằng, chúng được xác định dựa theo hay do những người trung bình. Nếu các bạn là một vị vua hay là một người rất giàu có, thì những vật bình thường sẽ không đáng được khao khát đối với các bạn. Nếu các bạn là một người nghèo, thì thậm chí một vật nhỏ cũng sẽ là vật đáng được khao khát đối với các bạn. Cho nên, chúng ta không dựa trên suy tư và nhận định của những người giàu và những người nghèo, mà dựa vào những người trung bình hay tầng lớp trung lưu. Nếu nó là đáng được khao khát đối với người trung bình, thì nó được xem là đáng được khao khát. Nếu nó là không được khao khát đối với người trung bình, thì nó được xem là không được khao khát. Như vậy, có ba loại đối tượng.

Thậm chí nếu chúng ta quyết định dựa trên sự nhận định của người trung bình, thì vẫn còn nhiều yếu tố khác để xem xét. Một giảng sư đã nói rằng chúng ta nên xác định chất lượng của cảnh bằng tâm quả (Vipāka). Nói như vậy thì giống như là nói ngược lại hay nói vòng tròn. Nếu tâm thức là tâm quả bất thiện (Akusala-vipāka), thì đối tượng phải là không được khao khát. Nếu tâm thức là tâm quả thiện (Kusala-vipāka), thì đối tượng là được khao khát. Vị thầy đó đã nói như vậy.

Điều cũng được ghi nhận là chúng ta có thể xác định chất lượng của cảnh dựa vào môn. Ví dụ được đưa ra ở đây là phẩn. Phẩn thì không được khao khát đối với mắt. Các bạn không muốn thấy phẩn. Nó cũng không được khao khát đối với mũi. Nhưng nó thì lại tốt để đụng chạm vì nó mềm. Cho nên, nó là đáng được khao khát nếu là cảnh xúc, nhưng lại là không được khao khát nếu là cảnh sắc hay cảnh khí. Đôi lúc, các bạn phải quyết định dựa vào môn (Dvāra). Một ví dụ khác là bông hoa – đôi lúc có những loài hoa có mùi rất tệ. Cho nên, nó thì được khao khát đối với nhãn môn (Cakkhu-dvāra), nhưng trong trường hợp này lại là không được khao khát đối với tỷ môn.

Cũng như vậy, vào mùa hè thì sự mát lạnh là được khao khát. Khi chúng ta cảm thấy nóng, thì chúng ta sẽ bật quạt hay bật máy điều hòa. Chúng ta muốn sự mát lạnh. Nhưng vào mùa đông, thì chúng ta lại muốn sự ấm áp. Cho nên, sự mát lạnh thì được khao khát vào mùa hè nhưng lại là không được khao khát vào mùa đông. Nó tùy thuộc như vậy. Do đó, chất lượng của cảnh có thể thay đổi theo mùa và theo thời gian. Tất cả những điều này phải được xác định thông qua sự trải nghiệm của một người trung bình, chứ không phải một người rất giàu hay rất nghèo. Tóm lại, có ba loại đối tượng – không được khao khát, được khao khát một cách trung bình và rất được khao khát.

Bây giờ, nếu đối tượng là không được khao khát, thì tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana), tâm quan sát (Santīraṇa) và tâm na cảnh (Tadārammaṇa) là kết quả của bất thiện (Akusala).  Các  bạn  hãy  nhớ  lại  lộ  trình  tâm.  Khi  đối tượng là cảnh  không  được khao  khát, thì tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana),  tâm quan  sát  (Santīraṇa)  và  tâm  na cảnh  (Tadārammaṇa)  phải  là  quả  bất  thiện  (Akusala- vipāka). Tâm na cảnh (Tadārammaṇa) chỉ là những tâm quan sát (Santīraṇa). Nếu đối tượng là cảnh được khao khát    một    cách    trung    bình,    thì    tâm    tiếp    thâu (Sampaṭicchana),  tâm  quan  sát  (Santīraṇa) và  tâm  na cảnh  (Tadārammaṇa)  là  kết  quả  của  thiện  (Kusala). Trong một lộ tâm nào đó, chúng ta có thể nói rằng, nếu đối  tượng  là  không  được khao  khát,  thì  tâm  tiếp  thâu (Sampaṭicchana)  và  vân  vân  là  quả  bất  thiện  (Akusala- vipāka). Nếu đối tượng là được khao khát một cách trung bình, thì chúng là quả thiện (Kusala-vipāka) và được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Nhưng nếu cảnh là rất được    khao    khát    (Ati-iṭṭha),    thì    tâm   tiếp  thâu (Sampaṭicchana) cũng là tâm quả thiện (Kusala-vipāka)1 được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā), nhưng tâm quan sát (Santīraṇa) và tâm na cảnh (Tadārammaṇa) lại được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Ở đây, tâm na cảnh (Tadārammaṇa)  cũng  có  nghĩa  là  những  tâm  quả  dục giới  hữu nhân  (Kāmāvacara  Sahetuka  Vipāka).  Các bạn hãy  lưu  ý  điều  này.  Nếu  đối  tượng  là  không  được  khao khát,  thì  tâm  tiếp  thâu  (Sampaṭicchana) và  những  tâm khác là kết quả của bất thiện (Akusala)2. Nếu đối tượng là được khao khát một cách trung bình, thì chúng là kết quả của thiện (Kusala) và được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Nếu đối tượng là rất được khao khát, thì tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) là quả thiện (Kusala-vipāka) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Nhưng tâm quan sát (Santīraṇa) và tâm na cảnh (Tadārammaṇa) thì lại được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Đây là sự xác định đối tượng và những tâm (Citta) bắt chúng làm cảnh.

Bây giờ, hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana), tâm quan sát (Santīraṇa) và tâm na cảnh (Tadārammaṇa) đều được gọi là những tâm quả (Vipāka Citta) phải không? Không, tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) không phải, nhưng tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana), tâm quan sát (Santīraṇa) và tâm na cảnh (Tadārammaṇa) đều là những tâm quả (Vipāka).

Bây giờ, điều được ghi nhận là tâm quả (Vipāka) là cố định. Tức là, tâm quả (Vipāka) không thể đổi khác. Nếu đối tượng là không được khao khát, thì nó phải là quả bất thiện (Akusala-vipāka). Nếu đối tượng là được khao khát, thì nó phải là quả thiện (Kusala-vipāka). Không có sự chuyển đổi hay biến thể nào khác cho điều này. Cho nên, tâm quả (Vipāka) là cố định. Nó giống như khi các bạn nhìn vào chính mình trong gương. Sự phản chiếu là giống y không khác. Vì là kết quả của nghiệp (Kamma), tâm quả (Vipāka) không có sự thay đổi. Khi đối tượng là không được khao khát, nó phải luôn luôn là kết quả của bất thiện (Akusala). Khi đối tượng là được khao khát, nó phải luôn luôn là kết quả của thiện (Kusala). Những tâm quả (Vipāka) là cố định. Trong một lộ tâm nào đó, các bạn không thể thay đổi cảm thọ (Vedanā) của những tâm này. Nếu chúng là không được khao khát, các bạn phải đón nhận chúng bằng tâm quả bất thiện (Akusala-vipāka). Và nếu chúng là được khao khát, thì các bạn đón nhận chúng bằng tâm quả thiện (Kusala-vipāka).

Nhưng những đổng lực (Javana) lại có thể là khác. Không có quy luật cố định nào cho các đổng lực (Javana). Thậm chí cảnh là không được khao khát, thì đổng lực (Javana) vẫn có thể là thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala). Đổng lực (Javana) có thể là thọ hỷ (Somanassa) hay thọ xả (Upekkhā).

Bây giờ, giả sử chúng ta có một đối tượng rất được khao khát. Ví dụ, Đức Phật là một đối tượng rất được khao khát. Nhưng đối với những ai không có niềm tin vào Đức Phật, những ai không phải là Phật tử, thì họ vẫn có thể là không có những đổng lực thọ hỷ (Somanassa Javana). Họ có thể có những đổng lực thọ xả (Upekkhā Javana) bởi vì những người mà không phải là A-la-hán (Arahant) thì có thể có cái được gọi là tri kiến điên đảo. Trong Pāḷi, nó được gọi là Vipallāsa; đó là tưởng điên đảo (Saññā Vipallāsa). Những ai không phải là A-la-hán (Arahant) thì có tưởng điên đảo này, tức là sự nhận biết sai lầm về sự vật; thậm chí khi đối tượng là rất được khao khát, thì đổng lực (Javana) vẫn có thể được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā), mà không phải bởi thọ hỷ (Somanassa). Và đối với những kẻ đối nghịch với Đức Phật, thì khi bắt hình ảnh Đức Phật làm đối tượng, họ thậm chí có thể có những đổng lực sân (Domanassa Javana), tức là những tâm sân (Domanassa Citta). Cho nên, chất lượng của đổng lực (Javana) thì không nhất thiết cố định là phụ thuộc vào chất lượng của đối tượng. Nó phụ thuộc vào sự hiểu biết của người nhận cảnh, tác ý khéo (Yoniso-manasikāra) và vân vân.

Bây giờ, giả sử chúng ta có một đối tượng không được khao khát. Những ai có bản chất sâu lắng có thể nhìn vào đối tượng không được khao khát này, tức là đối tượng kinh tởm này, mà vẫn có những đổng lực thọ xả (Upekkhā Javana). Họ có thể hay có khả năng làm cho những đổng lực sân (Domanassa Javana), tức là những đổng lực bất thiện (Akusala Javana), không sanh lên. Bây giờ, khi các bạn thực hành thiền, ví dụ các bạn thực hành thiền quán tưởng xác chết (Asubha). Khi các bạn thực hành thiền quán tưởng xác chết (Asubha), các bạn nhìn vào một xác chết, tức là một đối tượng không được khao khát. Như vậy, các bạn có thể có những đổng lực thiện (Kusala Javana), thậm chí là những đổng lực thọ xả (Upekkhā Javana).

Phẩn là một đối tượng không được khao khát, nhưng đối với những con chó, thì đó lại là một đối tượng được khao khát. Cho nên, chúng có thể có những đổng lực thọ hỷ (Somanassa Javana) khi chúng thấy những thứ như vậy.

Đối với những ai chưa đoạn diệt tưởng điên đảo1, thì đổng  lực  có  thể  là  bất  cứ  cái  gì.  Đổng  lực  (Javana)  thì không được xác định do chất lượng của đối tượng. Nhưng những  tâm  quả  (Vipāka)  thì  cố  định  như  là  trong  việc tiếp nhận đối tượng. Nếu đối tượng là không được khao khát,  thì  tâm quả  (Vipāka)  phải  là  bất  thiện  (Akusala). Nếu đối tượng là được khao khát, thì tâm quả (Vipāka) phải là thiện (Kusala).  Nhưng những đổng lực (Javana) thì  có  thể  khác  biệt.  Những  đổng  lực  có  thể  là  thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala) hay chúng có thể là thọ hỷ (Somanassa) hay thọ xả (Upekkhā). Do đó, có một câu nói  rằng:  “Những  tâm  quả  (Vipāka)  thì  cố  định,  nhưng những đổng lực (Javana) thì thay đổi hay khác biệt.”

Bây  giờ,  các  bạn  hãy  nhìn  vào  trang  171  của  cuốn CMA ở đoạn cuối cùng.

“Trong sự nối kết này, cũng vậy, tại điểm kết thúc của  những  đổng  lực  (javana)  duy  tác  thọ  hỷ,  có  những sát-na  tâm  na  cảnh  thọ  hỷ  sanh  lên.”  (CMA,  IV,  §17, p.171)

Tức là những đổng lực duy tác thọ hỷ (Somanassa Kiriya Javana) được đi theo sau bởi những tâm na cảnh thọ hỷ (Somanassa Tadārammaṇa).

“Tại điểm kết thúc của những đổng lực (javana) duy tác  thọ  xả,  những  sát-na  tâm  na  cảnh  cũng  là  thọ  xả.” (CMA, IV, §17, p.171)

Như vậy, những đổng lực duy tác thọ xả (Upekkhā Kiriya Javana) được đi theo sau bởi những tâm na cảnh thọ xả (Upekkhā Tadārammaṇa). Tức là, thọ hỷ (Somanassa) thì được đi theo sau bởi thọ hỷ (Somanassa), và thọ xả (Upekkhā) thì được đi theo sau bởi thọ xả (Upekkhā).

Ở đây, cuốn Cẩm Nang không nói những tâm na cảnh (Tadārammaṇa) nào đi theo sau những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) và những tâm khác. Đoạn văn này chỉ nói về những đổng lực duy tác (Kiriya Javana). Những đổng lực duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya Javana) thọ xả (Upekkhā) – có bao nhiêu tất cả? Có bốn. Chúng có thể được đi theo sau bởi bốn tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka) thọ xả (Upekkhā) cộng với hai tâm quan sát (Santīraṇa) thọ xả (Upekkhā). Cho nên, chúng có thể được đi theo sau bởi tất cả là sáu tâm. Điều này là giống với hàng cuối cùng được trích từ cuốn Cẩm Nang. Bốn duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya) thọ hỷ (Somanassa) và tâm tiếu sinh (Hasituppāda) được đi theo sau bởi bốn tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka) thọ hỷ (Somanassa) cộng với tâm quan sát (Santīraṇa) thọ hỷ (Somanassa). Như vậy, năm đổng lực này được đi theo sau bởi năm tâm na cảnh (Tadārammaṇa). Tám tâm tham (Lobhamūla) và hai tâm si (Mohamūla) được đi theo sau bởi tất cả mười một tâm na cảnh (Tadārammaṇa) – ba tâm quan sát (Santīraṇa) và tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka). Tất cả tám tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) được đi theo sau bởi mười một tâm na cảnh (Tadārammaṇa).

Bây giờ còn thọ ưu (Domanassa), tức là hai tâm sân (Dosamūla Citta), thì sao? Chúng được đi theo sau bởi những tâm na cảnh (Tadārammaṇa) và tâm hữu phần (Bhavaṅga) thọ xả (Upekkhā). Chúng không thể được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) bởi vì thọ hỷ (Somanassa) và thọ ưu (Domanassa) thì khác nhau về bản chất. Thọ ưu (Domanassa) không thể được đi theo sau bởi thọ hỷ (Somanassa). Nó được đi theo sau bởi tâm na cảnh thọ xả (Upekkhā Tadārammaṇa) và tâm hữu phần thọ xả (Upekkhā Bhavaṅga). Những đổng lực sân (Domanassa Javana) có thể được đi theo sau bởi những tâm na cảnh thọ xả (Upekkhā Tadārammaṇa) và những tâm hữu phần (Bhavaṅga) cũng phải là thọ xả (Upekkhā). Các bạn hãy lưu ý điều này vì khi chúng ta đi đến lộ tâm có hữu phần (Bhavaṅga) khách, chúng ta phải hiểu. Những đổng lực sân (Domanassa Javana) chỉ có thể được đi theo sau bởi thọ xả (Upekkhā) – tâm na cảnh thọ xả (Upekkhā Tadārammaṇa) và tâm hữu phần thọ xả (Upekkhā Bhavaṅga). Các bạn có đổng lực sân (Domanassa Javana) và nếu có tâm na cảnh (Tadārammaṇa), thì nó phải là thọ xả (Upekkhā). Nếu không có tâm na cảnh (Tadārammaṇa), thì tâm hữu phần (Bhavaṅga) sẽ cũng là thọ xả (Upekkhā).

Hữu Phần Khách (Āgantuka Bhavaṅga)

Ở đây có một vấn đề, tức là một vấn đề khó giải quyết. Giả sử các bạn đi tái sinh bằng sự tục sinh thọ hỷ (Somanassa Paṭisandhi). Nếu các bạn tái sinh bằng tâm tục sinh thọ hỷ (Somanassa Paṭisandhi), thì những tâm hữu phần (Bhavaṅga) của các bạn phải là thọ hỷ (Somanassa). Trong suốt đời sống của các bạn, những tâm hữu phần (Bhavaṅga) của các bạn phải là thọ hỷ (Somanassa). Chúng không thể là thọ xả (Upekkhā) bởi vì tâm tục sinh (Paṭisandhi), tâm hộ kiếp (Bhavaṅga) và tâm tử (Cuti) phải là giống nhau. Giả sử các bạn đi tái sinh bằng tâm tục sinh thọ hỷ (Somanassa Paṭisandhi), thì những tâm hữu phần (Bhavaṅga) của các bạn luôn luôn là thọ hỷ. Giả sử các bạn là kẻ đối nghịch với Đức Phật. Các bạn thấy Đức Phật và các bạn tức giận với Ngài. Cho nên, những đổng lực sân (Domanassa Javana) sanh lên. Nếu không có tâm na cảnh (Tadārammaṇa), thì những hữu phần (Bhavaṅga) phải theo sau. Loại tâm hữu phần (Bhavaṅga) nào phải theo sau? Sau thọ ưu (Domanassa), tâm hữu phần thọ hỷ (Somanassa Bhavaṅga) không thể theo sau được. Nhưng các bạn lại có tâm hữu phần thọ hỷ (Somanassa Bhavaṅga). Ở đây có một vấn đề khó giải quyết. Tôi sẽ lặp lại. Sau những đổng lực thọ ưu (Domanassa Javana), nếu tâm na cảnh (Tadārammaṇa) theo sau, thì đó phải là loại tâm na cảnh (Tadārammaṇa) nào? Sau đổng lực thọ ưu (Domanassa Javana), tâm na cảnh thọ xả (Upekkhā Tadārammaṇa) sẽ theo sau. Nhưng đối tượng là rất được khao khát. Khi đối tượng là rất được khao khát, tâm na cảnh (Tadārammaṇa)  phải  là  thọ  hỷ  (Somanassa).  Nếu  đối tượng là rất được khao khát (Ati-iṭṭha), thì tâm quan sát (Santīraṇa) và tâm na cảnh (Tadārammaṇa) phải là thọ hỷ. Khi đối tượng là rất được khao khát, thì tâm na cảnh (Tadārammaṇa)   phải   được   đi   kèm   theo   bởi   thọ   hỷ (Somanassa). Ở đây, đối tượng là rất được khao khát. Do đó phải có loại tâm hữu phần (Bhavaṅga) nào? Nó sẽ là thọ  hỷ  (Somanassa)  hay  thọ  xả  (Upekkhā)?  Sau  những đổng lực thọ ưu (Domanassa Javana), tâm hữu phần thọ hỷ (Somanassa Bhavaṅga) không thể đi theo. Nhưng các bạn  có  hữu  phần  thọ  hỷ  (Somanassa  Bhavaṅga)  suốt cuộc  đời  của  các  bạn.  Trong  tình  huống  khó  khăn  này, chúng  ta  có  hữu  phần  (Bhavaṅga)  khách.  Nó  sẽ  giúp chúng ta ở đây. Hữu phần (Bhavaṅga) này thật ra là tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa). Cho nên, tâm quan sát  thọ  xả  (Upekkhā  Santīraṇa)  lấy  chỗ  của  tâm  hữu phần thọ hỷ (Somanassa Bhavaṅga). Nó được gọi là hữu phần khách (Āgantuka Bhavaṅga). Trong cuốn sách của Ngài    Bhikkhu    Bodhi,    nó    được    gọi    là    hữu    phần (Bhavaṅga) ngẫu nhiên hay tình cờ (Xem CMA, IV, §18, p.174).  Tâm  hữu  phần  (Bhavaṅga)  đó  được  gọi  là  tâm hữu phần (Bhavaṅga) khách. Nó là thọ xả (Upekkhā). Vì là thọ xả (Upekkhā), cho nên nó tương thích với thọ ưu (Domanassa). Sau đó, những tâm hữu phần (Bhavaṅga) thông thường có thể theo sau. Đối với người đó, lộ tâm sẽ diễn tiến như sau: Hữu phần vừa qua (Atīta Bhavaṅga), hữu  phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt  dòng,  hướng  ngũ  môn,  nhãn  thức,  tiếp  thâu,  quan sát,  đoán  định  và  rồi  những  đổng  lực  sân  (Domanassa Javana).   Rồi   thì   những   đổng   lực   sân   (Domanassa Javana)  được  đi  theo  sau  bởi  một  tâm  quan  sát  thọ  xả (Upekkhā  Santīraṇa)  làm  chức  năng  hữu  phần  khách (Āgantuka  Bhavaṅga),  và  rồi  những  hữu  phần  thọ  hỷ (Somanassa Bhavaṅga) đi theo sau đó. Ở đây, trong lộ tâm này:

  • Những tâm hữu phần (Bhavaṅga) trước đó phải là thọ hỷ (Somanassa) vì các bạn có tâm tục sinh (Paṭisandhi) thọ hỷ (Somanassa). Cho nên, những tâm hữu phần này phải được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa).
  • Tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) không thể được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Nó luôn luôn là thọ xả (Upekkhā).
  • Tâm nhãn thức luôn luôn là thọ xả (Upekkhā).
  • Tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) luôn luôn là thọ xả (Upekkhā).
  • Ở đây, đối tượng là rất được khao khát, cho nên tâm quan sát (Santīraṇa) phải là thọ hỷ (Somanassa).
  • Rồi tâm đoán định (Voṭṭhabbana) là tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana), cho nên nó là thọ xả (Upekkhā).
  • Rồi những sát-na đổng lực (Javana) ở đây là thọ ưu (Domanassa).
  • Rồi tâm hữu phần (Bhavaṅga) khách là thọ xả (Upekkhā).
  • Và những hữu phần thọ hỷ (Somanassa Bhavaṅga) sanh lên lại.

Như vậy, tình huống khó khăn đó đã được giải quyết nhờ tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa) sanh lên làm chức năng hữu phần (Bhavaṅga) khách.

Trong Phụ Sớ Giải có phân tích về chức năng của tâm hữu phần (Bhavaṅga) khách này. Tâm hữu phần (Bhavaṅga) khách là tâm quan sát (Santīraṇa) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Thông thường thì nó có thể thực hiện được bao nhiêu chức năng? Nó làm được năm chức năng: tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga), tử (Cuti), quan sát (Santīraṇa) và na cảnh (Tadārammaṇa). Ở đây, nó có thể là tục sinh (Paṭisandhi) không? Không. Nó có thể là tử (Cuti) không? Không, các bạn chưa có chết. Nó có thể là quan sát (Santīraṇa) không? Nếu nó thực hiện chức năng quan sát (Santīraṇa), nó phải đang quan sát. Ở đây, nó không có đang quan sát. Nó là na cảnh (Tadārammaṇa) phải không? Không. Tâm na cảnh (Tadārammaṇa) đi theo sau đổng lực (Javana). Tâm na cảnh (Tadārammaṇa) phải bắt cùng cảnh với tâm đổng lực (Javana). Nếu nó là tâm na cảnh (Tadārammaṇa), thì nó phải có hai sát-na. Cho nên, chỉ còn một chức năng còn lại là hộ kiếp (Bhavaṅga). Tức là, nó làm chức năng hộ kiếp (Bhavaṅga). Đó là lý do tại sao nó được gọi là tâm hữu phần khách (Āgantuka Bhavaṅga). Đó là cho trường hợp cảnh rất lớn (Atimahanta).

Đối với cảnh lớn (Mahanta), vì nó là lớn (Mahanta), đối tượng đó có thể là bất cứ loại nào: rất được khao khát, được khao khát một cách trung bình hay không được khao khát. Trong lộ tâm này, chúng ta có hai hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và những tâm còn lại thì giống như trên. Những đổng lực (Javana) thì cũng vậy, tức là được đi theo sau bởi một hữu phần (Bhavaṅga) khách. Sự khác biệt duy nhất là tâm quan sát (Santīraṇa) có thể là thọ hỷ (Somanassa) hay thọ xả (Upekkhā) tùy thuộc vào việc đối tượng là được khao khát hay không được khao khát.

Bây giờ, một người có thể đã chứng đắc thiền (Jhāna). Rồi vì một lý do nào đó, vị đó mất thiền (Jhāna). Cho nên, vị đó hối tiếc hay trở nên trầm cảm về chuyện đó. Khi vị đó cảm thấy hối tiếc về chuyện đó, thì vị đó bắt những tầng thiền (Jhāna) đó làm cảnh. Những tầng thiền (Jhāna) đó là những cảnh Đáo đại (Mahaggata). Trong trường hợp đó, nó là một lộ tâm ý môn (Mano-dvāra). Nó không thể là lộ tâm ngũ môn. Đối với người có tâm tục sinh thọ hỷ (Somanassa Paṭisandhi), lộ tâm diễn tiến như sau: hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng ý môn (Manodvārāvajjana), và rồi những đổng lực thọ ưu (Domanassa Javana), hữu phần khách (Āgantuka Bhavaṅga) và rồi hữu phần (Bhavaṅga) thọ hỷ trở lại.

Nếu một người bắt một trong những khái niệm hay chế định làm cảnh và có đổng lực thọ ưu (Domanassa Javana), thì cùng lộ tâm như vậy sẽ sanh lên. Ở đây, không có vần đề gì về tâm na cảnh (Tadārammaṇa) bởi vì tâm na cảnh (Tadārammaṇa) chỉ sanh lên khi nó là cảnh dục giới (Kāmāvacara), chúng sanh là chúng sanh dục giới (Kāmāvacara) và theo sau đổng lực dục giới (Kāmāvacara). Điều đó được nhắc đến ở cuối phần này. Đây là lộ tâm với hữu phần (Bhavaṅga) khách. Nếu khác đi, tôi chẳng biết cái gì sẽ xảy ra nếu không có hữu phần khách chen vào ở đây.

Trên  trang  175  của  cuốn  CMA  trong  phần  §19  tới phần §20: “Cũng vậy, họ cho rằng sự ghi nhận, tức là tâm na cảnh, (chỉ) xảy ra ở tại sự kết thúc của  những đổng lực (javana) dục giới, …” (CMA, IV, §19, p.175)

Như vậy, tâm na cảnh (Tadārammaṇa) xảy ra tại sự kết thúc của những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana).

“… (chỉ) cho những chúng sanh dục giới, …” (CMA, IV, §19, p.175)

Nó chỉ sanh lên trong những chúng sanh dục giới (Kāmāvacara).

“… chỉ khi những hiện tượng dục giới trở thành đối tượng.” (CMA, IV, §19, p.175)

Tức là những cảnh dục giới (Kāmāvacara). Khi đối tượng là Đáo đại (Mahaggata) hay chế định (Paññatti), thì không có vấn đề về tâm na cảnh (Tadārammaṇa) ở đó. Đối với cảnh lớn (Mahanta), thì cũng không có vấn đề về tâm na cảnh (Tadārammaṇa) ở đó vì những cảnh lớn (Mahanta) không tồn tại kéo dài đến sát-na na cảnh (Tadārammaṇa) thứ hai. Như vậy, đối với cảnh rất lớn (Atimahanta), thì có thể có khả năng xảy ra của tâm na cảnh (Tadārammaṇa). Nhưng ở đây trong lộ tâm cụ thể này, thì tâm na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên. Nếu tâm na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên, thì tâm hữu phần (Bhavaṅga) phải sanh lên – sẽ có vấn khó khăn cho tâm hữu phần (Bhavaṅga) đó bởi vì nếu để phù hợp với đối tượng, thì nó phải là thọ hỷ (Somanassa), nhưng thọ hỷ (Somanassa) thì không thể lập tức theo sau thọ ưu (Domanassa). Cho nên, chúng ta có hữu phần (Bhavaṅga) khách.

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào sự ấn định hay sự áp đặt của tâm na cảnh (Tadārammaṇa). Tâm na cảnh thọ hỷ (Somanassa  Tadārammaṇa)  đi  theo sau những  đổng lực  thọ  hỷ  (Somanassa  Javana),  và  tâm  na  cảnh  thọ  xả (Upekkhā  Tadārammaṇa)  đi  theo  sau  những  đổng  lực (Javana)   thọ   xả  (Upekkhā)   và   thọ   ưu   (Domanassa). Không  có  sự  áp  đặt  gì  về  việc  hợp  trí  hay  ly  trí  (Ñāṇa- sampayutta Javana và Ñāṇa-vippayutta Javana). Đôi lúc, một người có sự quen thuộc với những đổng lực bất thiện (Akusala Javana). Đối với người này, những đổng lực bất thiện  (Akusala  Javana) thường  xuyên  sanh  lên.  Đối  với người  này,  thậm  chí  sau  những  đổng  lực  thiện  (Kusala Javana), tâm na cảnh vô nhân (Ahetuka Tadārammaṇa) vẫn có thể sanh lên bởi vì khi người này có đổng lực bất thiện (Akusala Javana), thì tâm na cảnh (Tadārammaṇa) là vô nhân (Ahetuka). Tương tự cho người quen thuộc với việc sanh lên của những đổng lực thiện (Kusala Javana) – đối với người này, những đổng lực thiện (Kusala) sẽ sanh lên  vô  số. Cho nên,  thậm  chí  sau  những  đổng  lực  bất thiện  (Akusala  Javana),  vẫn  có  thể  có  tâm  na  cảnh (Tadārammaṇa) hợp trí (Ñāṇa). Trong trường hợp này, thì không có ấn định hay sự áp đặt nào. Về việc thọ hỷ (Somanassa), thọ ưu (Domanassa) và thọ xả (Upekkhā), thì  có  sự  ấn  định  hay  sự  áp  đặt. Đổng  lực  thọ  hỷ (Somanassa  Javana)  phải  được  đi  theo  sau  bởi  tâm  na cảnh  thọ  hỷ  (Somanassa  Tadārammaṇa).  Những  đổng lực  (Javana) thọ  xả  (Upekkhā)  và  thọ  ưu  (Domanassa) phải được đi theo sau bởi thọ xả (Upekkhā). Nhưng về trí tuệ1, thì nó không cố định.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Nó có khó hiểu không? Hôm nay, trước hết các bạn phải hiểu sự ấn định hay sự áp đặt của tâm na cảnh (Tadārammaṇa) – tâm na cảnh (Tadārammaṇa) nào đi theo sau những đổng lực (Javana) nào – đó là quy luật chung. Sau khi hiểu được quy luật chung, thì có trường hợp ngoại lệ này liên quan đến hữu phần (Bhavaṅga) khách. Trước hết, các bạn phải hiểu rằng thọ ưu (Domanassa) không thể được đi theo sau bởi thọ hỷ (Somanassa). Rồi thì có vấn đề ở đây: nếu tâm tục sinh (Paṭisandhi) của các bạn được đi kèm theo bởi thọ hỷ thì không có tâm hữu phần (Bhavaṅga) thông thường nào có thể đi theo sau đổng lực sân (Domanassa Javana). Cho nên, chúng ta có tâm hữu phần (Bhavaṅga) ngẫu nhiên hay tâm hữu phần khách. Các bạn có câu hỏi nào không?

Học viên: [Không nghe rõ].

Sayādaw: Cái đó thì được xác định bởi đối tượng. Vì đối tượng là rất được khao khát, nó phải là thọ hỷ (Somanassa). Hữu phần (Bhavaṅga) khách thì được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Vì nó là rất được khao khát, cho nên nó là quả thiện (Kusala-vipāka).

Học viên: [Không nghe rõ].

Sayādaw: Khi chúng ta nói Nhất Lai Đạo (Sakadāgāmī-magga) không đoạn diệt thêm phiền não (Kilesa) nào, ý của chúng ta là nó không đoạn diệt tất cả những phiền não (Kilesa) tương ứng, mọi khía cạnh của những phiền não (Kilesa) đó. Nhưng có những tầng lớp hay mức độ nặng nhẹ trong những phiền não (Kilesa). Có những phiền não (Kilesa) làm cho các bạn tái sanh vào bốn khổ cảnh và có những phiền não (Kilesa) không dẫn các bạn vào bốn khổ cảnh. Khi chúng ta nói rằng Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga) đoạn diệt tà kiến và hoài nghi, ý của chúng ta là nó tẩy trừ tận gốc tà kiến và hoài nghi. Nó tẩy trừ tham (Lobha), sân (Dosa) và si (Moha), tức là tham (Lobha), sân (Dosa) và si (Moha) dẫn đến bốn khổ cảnh. Trong suốt giai đoạn thứ hai, hành giả tẩy trừ thêm một vài mức độ nữa của tham (Lobha), sân (Dosa) và si (Moha). Mặc dầu không có thêm phiền não (Kilesa) nào được đoạn diệt một cách hoàn toàn, nhưng chúng bị làm cho giảm yếu đi. Những tầng lớp hay mức độ nào đó của những phiền não này được đoạn diệt bởi Đạo (Magga) thứ hai. Bây giờ, Đạo (Magga) thứ nhất đoạn diệt hai phiền não (Kilesa) một cách hoàn toàn và những phiền não khác mà có thể dẫn các bạn xuống bốn khổ cảnh. Đạo (Magga) thứ hai tẩy trừ một vài mức độ hay tầng lớp của những phiền não còn lại, hay cụ thể là tham dục và sân hận như được đề cập đến trong những tài liệu. Cho nên, mức độ hay tầng lớp đó của những phiền não (Kilesa) này thì được đoạn diệt một lần và mãi mãi, nhưng tầng lớp hay mức độ vi tế thì vẫn còn. Mức độ vi tế đó thì được tẩy trừ bởi Đạo (Magga) thứ ba và thứ tư.

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app