Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I

Chương Một: Tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta)

Ý Nghĩa Của Từ “Lokuttara”

Bây  giờ  chúng  ta  hãy  nghiên  cứu  Lokuttara  Citta, tức là những tâm Siêu thế. Chúng ta đã học xong 81 tâm hiệp thế. Hôm nay chúng ta nghiên cứu những tâm Siêu thế (Lokuttara). Từ Pāḷi “Lokuttara” được tạo thành bởi hai phần: “Loka” và “Uttara”. “Loka” có nghĩa là thế gian. Thế gian ở đây có nghĩa là ngũ uẩn, và “Uttara” có nghĩa là vượt qua, cho nên “Lokuttara” có nghĩa là vượt qua thế giới ngũ uẩn. Tức là vượt lên trên ngũ uẩn. Thật ra, điều này có nghĩa là đi ra ngoài Saṃsāra, tức là vượt ra ngoài vòng sanh tử này.

Tám Tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta)

Có tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Chúng được chia ra làm bốn thiện (Kusala) và bốn quả (Vipāka). Những tâm quả (Vipāka Citta) được gọi là những Phala Citta. Những tâm này sanh lên khi hành giả chứng đạt sự giác ngộ. Những tâm này thật ra là tâm giác ngộ.

Bốn Tâm Thiện Siêu Thế (Lokuttara Kusala Citta)

Hành giả thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) và tiến triển từ tầng tuệ này đến tầng tuệ khác trong thiền Minh sát (Vipassanā). Khi thiền Minh sát (Vipassanā) của hành giả trở nên chín mùi, hành giả sẽ giác ngộ. Khi sự giác ngộ xảy ra, một loại tâm sẽ sanh lên trong tâm trí của hành giả, một tâm mà hành giả chưa từng bao giờ trải nghiệm qua trước đây trong kiếp sống này cũng như trong những kiếp sống trong quá khứ. Tâm này sanh lên và lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng. Tâm này có chức năng là hủy diệt những phiền não. Cái mà chúng ta gọi là sự giác ngộ thì chỉ có vậy – sự sanh lên của tâm này. Và tâm này hủy diệt những phiền não. Tâm này được gọi là Magga, tức là tâm Đạo. Ngay lập tức theo sau tâm Đạo là hai hay ba sát-na của tâm Quả, tức là tâm Phala. Đó là tiến trình xảy ra trong thực tại. Nhưng ở đây trong sự liệt kê, thì những tâm Đạo (Magga Citta) được xếp chung với nhau và những tâm quả (Phala Citta) luôn đi theo những tâm Đạo (Magga Citta). Tâm Đạo (Magga Citta) sanh lên chỉ một lần và diệt đi. Ngay lập tức sau tâm Đạo (Magga Citta), có hai hay ba sát-na của tâm Quả (Phala Citta). Trong tâm Siêu thế, những tâm Quả (Phala), tức là những tâm quả (Vipāka Citta), sanh lên ngay sau những tâm (Citta) thiện. Nó không giống như trong dục giới (Kāmāvacara), sắc giới (Rūpāvacara) và vô sắc giới (Arūpāvacara). Ở đó, các bạn có thể phải chờ đợi nhiều năm rồi thì tâm quả mới sanh lên bởi vì chúng sanh lên trong những kiếp sống tiếp sau. Nhưng ở đây, tâm Quả (Phala), tức là tâm quả (Vipāka), sanh lên lập tức ngay sau tâm Đạo (Magga Citta). Đó là lý do tại sao tâm Đạo (Magga) được gọi là Akālika. Một trong những ân đức của Pháp bảo (Dhamma) là Akālika. “Akālika” có nghĩa là không có thời gian. Không có thời gian có nghĩa là cho kết quả ngay lập tức.

Khi hành giả đạt đến tầng thứ nhất, tầng này được gọi là Nhập Lưu (Sotāpatti). Tâm Đạo (Magga) sanh lên trong hành giả này được gọi là tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga Citta). Theo sau nó ngay lập tức là hai hay ba sát-na của tâm Nhập Lưu Quả (Sotāpatti-phala Citta). Và rồi chúng biến mất. Sau này, hành giả này có thể làm cho những tâm Quả (Phala Citta) sanh lên lại, nhưng tâm Đạo (Magga Citta) thì không thể sanh lên lại nữa. Tâm Đạo (Magga Citta) chỉ sanh lên một lần trong tâm trí của một người. Tâm Đạo (Magga Citta) không bao giờ lặp lại. Nhưng những tâm Quả (Phala Citta) thì có thể sanh lên lại sau này, đôi lúc có thể trong nhiều ngày liên tục không gián đoạn. Khi đạt đến tầng thứ nhất của sự giác ngộ, hành giả được gọi là bậc Nhập Lưu (Sotāpanna).

Chúng ta phải hiểu hai cá nhân hay hai loại người: một người ở ngay thời điểm của tâm Đạo (Magga Citta) và một người từ lúc sanh lên của Quả (Phala) cho đến lúc tâm Đạo (Magga Citta) kế tiếp và cao hơn sanh lên. Người thứ nhất được gọi là người Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga). Người thứ hai được gọi là người Nhập Lưu Quả (Sotāpatti-phala). Người Nhập Lưu Quả (Sotāpatti-phala) và bậc Nhập Lưu (Sotāpanna) là cùng một loại người. Người Đạo (Magga) là người đang giác ngộ, người Quả (Phala) là người đã giác ngộ. Mặc dầu những sát-na Đạo (Magga) và Quả (Phala) là rất ngắn ngủi, hầu như không thể nhận ra được, nhưng chúng ta vẫn phân chia thành hai loại người khác nhau. Sau này, chúng ta sẽ có tám bậc Thượng nhân hay tám bậc Giác Ngộ. Chỉ có bốn tầng giác ngộ nhưng có đến tám bậc Giác Ngộ. Người thứ nhất là tại thời điểm của Đạo (Magga). Người thứ hai là từ thời điểm của Quả (Phala) cho đến tầng kế tiếp cao hơn.

Sau khi trở thành bậc Nhập Lưu (Sotāpanna), hành giả thực hành thiền tiếp tục để đạt đến tầng thứ hai. Vậy là hành giả thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) và tâm Đạo (Magga Citta) thứ hai sẽ sanh lên. Ngay lập tức theo sau tâm Đạo (Magga Citta), có hai hay ba sát-na của tâm Quả (Phala Citta); cái chuỗi những sự kiện xảy ra cho hành giả trở thành bậc Nhất Lai (Sakadāgāmī) cũng giống như cho bậc Nhập Lưu (Sotāpanna). Tầng thứ hai được gọi là Nhất Lai (Sakadāgāmī). Tôi sẽ giải thích những  từ  này  sau.  Những  tâm  Nhất  Lai  (Sakadāgāmī Citta) được gọi là tâm Nhất Lai Đạo (Sakadāgāmī-magga Citta)  và  tâm  Nhất  Lai  Quả  (Sakadāgāmī-phala  Citta). Tại  thời  điểm  của  Nhất  Lai  Đạo  (Sakadāgāmī-magga), hành giả này được gọi là người Đạo (Magga). Từ tâm Quả (Phala Citta) thứ hai1 cho đến khi tầng thứ ba được chứng đắc,  hành  giả  này  được  gọi  là  người  Nhất  Lai  Quả (Sakadāgāmī-phala).

Rồi hành giả lại thực hành thiền ngay tiếp tục hay sau đó. Tầng thứ ba được gọi là Anāgāmī, Bất Lai. Tâm này được gọi là tâm Bất Lai Đạo (Anāgāmī-magga Citta). Ngay lập tức theo sau tâm Bất Lai Đạo (Anāgāmī-magga Citta) là hai hay ba sát-na của những tâm Bất Lai Quả (Anāgāmī-phala Citta). Tại thời điểm của tâm Đạo (Magga Citta), hành giả được gọi là người Bất Lai Đạo (Anāgāmī-magga). Từ thời điểm đầu tiên của Quả (Phala) cho đến khi đạt được tầng tiếp theo, hành giả được gọi là người Bất Lai Quả (Anāgāmī-phala).

Rồi hành giả lại thực hành và đạt đến tầng thứ tư, tức là Đạo Quả A-la-hán. Tâm A-la-hán Đạo (Arahatta- magga Citta) sanh lên và theo sau nó là hai hay ba sát-na của những tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala Citta). Từ thời điểm của tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala Citta), hành giả được gọi là một vị A-la-hán (Arahant). Tại thời điểm của tâm Đạo (Magga Citta), hành giả được gọi là người A-la-hán Đạo (Arahatta-magga).

Đây là bốn tầng giác ngộ. Có hai nhóm: một nhóm Đạo (Magga) và một nhóm Quả (Phala). Ngay tại thời điểm Đạo (Magga), chúng ta xem là một người, và từ thời điểm Quả (Phala) trở đi, chúng ta xem là một người khác. Chỉ có một người mà thôi, nhưng chúng ta lại gọi là hai người. Ví dụ, có một người đang phá kỷ lục và một người đã phá kỷ lục. Khi một vận đông viên đang chạm đứt sợi dây băng-rôn ở đích sau một cuộc chạy đua, ông ta đang trong quá trình phá kỷ lục. Không đến một giây sau đó, ông ta được gọi là người đã phá kỷ lục. Như vậy có hai người: một người đang phá kỷ lục và một người đã phá kỷ lục. Cũng theo cách ấy, có một người ở tại thời điểm Đạo (Magga) và một người khác ở thời điểm Quả (Phala). Cho nên có tám bậc Thượng nhân: có hai người tại mỗi tầng giác ngộ. Như vậy, có tất cả là tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta).

Đạo (Magga), Tâm Đạo (Magga Citta) Và Chi Đạo (Maggaṅga)

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào ý nghĩa của những từ này. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Đạo (Magga), của tâm Đạo (Magga Citta) và một từ khác nữa là chi Đạo (Maggaṅga). Tôi sẽ không nói nhiều về từ “chi Đạo (Maggaṅga)” ở đây vì nó không nằm trong chương này của cuốn Cẩm Nang. Ý nghĩa của ba từ này là Đạo, tâm Đạo và những chi Đạo. Đạo (Magga) có nghĩa là cái nhóm chung của tám yếu tố. Các bạn biết tám yếu tố này: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy và vân vân. Tám yếu tố này cùng nhau trong một nhóm được gọi là Đạo (Magga). Mỗi yếu tố được gọi là yếu tố của Đạo (Magga) hay chi Đạo. Trong Pāḷi, đó là Maggaṅga. Giống như trong thiền (Jhāna), chúng ta có chi thiền (Jhānaṅga). “Maggaṅga” có nghĩa là một phần, một chi hay một thành phần. “Magga Citta” có nghĩa là tâm được đi kèm theo bởi tám yếu tố này. Cho nên, có Magga, Maggaṅga và Magga Citta tức là Đạo, những yếu tố của Đạo và tâm Đạo.

Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga)

Tiếp theo là Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga). “Sota” ở đây có nghĩa là một dòng chảy. Ở đây, nó được dùng một cách ẩn dụ. Cho nên, dòng chảy có nghĩa là Con Đường có tính cao thượng (Ariya). Tức là chỉ cho tám yếu tố của Đạo hay còn gọi là Bát Thánh Đạo. Tám yếu tố này ở đây được gọi là Sota, một dòng chảy. Một khi các bạn bước vào dòng chảy này, các bạn chắc chắn sẽ đạt đến Níp-bàn (Nibbāna). Các bạn sẽ không đi ngược lại. Các bạn đã được gắn chặt vào đó. Các bạn chắc chắn sẽ đạt đến Níp-bàn (Nibbāna). “Āpatti” có nghĩa là đạt đến lần đầu tiên. “Ā” có nghĩa là lần đầu. “Patti” có nghĩa là đạt hay đến. Cho nên, “Āpatti” có nghĩa là đạt đến lần đầu tiên. Bước vào dòng chảy của Thánh Đạo lần đâu tiên được gọi là Nhập Lưu (Sotāpatti) bởi vì đây là lần đầu tiên hành giả bước vào dòng chảy để xuôi dòng tiến đến Níp-bàn (Nibbāna). Sau chỉ một vài kiếp sống nữa thôi, hành giả sẽ chứng đắc Níp-bàn (Nibbāna). Đó là Nhập Lưu (Sotāpatti). Tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti- magga Citta) có nghĩa là tâm đạt được thông qua việc bước vào dòng chảy của Thánh Đạo lần đầu tiên. Đây là tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga Citta). Tâm (Citta) này sanh lên ở tầng giác ngộ đầu tiên.

Nhất Lai (Sakadāgāmī)

Tầng thứ hai được gọi là Nhất Lai (Sakadāgāmī), tức là chúng sanh sẽ trở lại thế giới loài người chỉ một lần nữa. “Saka” có nghĩa là một lần nữa. “Āgāmī” có nghĩa là người trở lại. Cho nên, chúng ta có “Nhất Lai”, Người Trở Lại Một Lần Nữa. Trở lại cái gì? Trong Kinh Văn và thậm chí trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) nói rằng, đó là thế giới này. “Thế giới này” được giải thích là thế giới loài người này. Có sự khác nhau giữa ý kiến của những vị giáo thọ sư. Nhưng số đông cho rằng đó là thế giới loài người. Nhất Lai (Sakadāgāmī) là vị Thánh trở lại thế giới loài người này một lần nữa và rồi chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna). Các bạn phải chú ý rằng sự trở lại này có nghĩa là trở lại thế giới này, thế giới loài người này, chứ không phải chỉ là trở lại vòng sanh tử. Cái đó là khác. Điều này có nghĩa là hành giả sẽ trở thành Nhất Lai (Sakadāgāmī) với xác thân của nhân loại chẳng hạn. Sau kiếp sống làm nhân loại này, hành giả có thể tái sanh làm một Thiên nhân, tức là một Deva. Rồi thì Thiên nhân đó sẽ chết và sẽ tái sanh làm nhân loại. Người nhân loại đó sẽ chứng đắc Níp-bàn (Nibbāna) trong kiếp sống đó. Đó là lý do tại sao vị Thánh này được gọi là Nhất Lai, có nghĩa là Ngài sẽ trở lại đây một lần nữa. Để trở lại, Ngài phải tái sanh vào một thế giới khác và rồi trở lại đây và chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna) ở đây.

Bất Lai (Anāgāmī)

Tầng thứ ba được gọi là Bất Lai (Anāgāmī). “An” đến từ từ Pāḷi “Na” có nghĩa là không. “Āgāmī” có nghĩa là người trở lại. Anāgāmī có nghĩa là người không trở lại. “Người không trở lại” có nghĩa là người không trở lại thế giới này. Ở đây, thế giới được giải thích là không phải thế giới nhân loại mà là dục giới. Tức là cả thế giới nhân loại và thế giới của chư Thiên. Vị Thánh này không trở lại dục giới nhưng có thể trở lại vòng sanh tử. Nếu các bạn nói vị Thánh này không trở lại vòng sanh tử nữa, thì Ngài phải là một vị A-la-hán (Arahant). Cho nên, nếu nói một vị Bất Lai (Anāgāmī) không trở lại vòng sanh tử là sai. Ngài vẫn sẽ có nhiều lần tái sanh thành một Phạm thiên (Brahma). Ngài sẽ không còn tái sanh làm nhân loại hay Thiên nhân (Deva), nhưng Ngài sẽ còn tái sanh làm Phạm thiên (Brahma). Ngài sẽ không trở lại dục giới này nữa. Nếu các bạn trở thành Bất Lai (Anāgāmī) trong kiếp sống này, các bạn sẽ tái sanh vào thế giới của những Phạm thiên (Brahma), chứ không phải thế giới nhân loại hay thế giới của chư Thiên. Các bạn sẽ tái sanh làm Phạm thiên (Brahma). Và rồi các bạn có thể chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna) trong cõi thứ nhất. Nếu chưa, các bạn có thể chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna) trong cõi thứ hai, thứ ba hay thứ tư. Và nếu vẫn chưa, thì trong cõi thứ năm, các bạn chắc chắn sẽ chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna). Bất Lai (Anāgāmī) là một vị Thánh mà không tái sanh trở lại vào dục giới này, tức là không làm nhân loại hay Thiên nhân. Tâm Bất Lai Đạo (Anāgāmī-magga Citta) có nghĩa là tâm Đạo của một vị Thánh sẽ không trở lại dục giới này nữa.

A-la-hán (Arahatta)

Arahatta đến từ “Arahanta”. Arahatta là một danh từ trừu tượng, Arahanta là một danh từ chung. Arahatta có nghĩa là trạng thái làm một vị A-la-hán (Arahant). A- la-hán (Arahant) được giải thích có nhiều nghĩa. Các nhà Sớ Giải rất lão luyện trong việc chơi chữ. Họ nhìn vào những gốc từ, những tiền tố và suy ra nhiều ý nghĩa của một từ. Rất khó để biết từ nào thật sự là từ gốc thật của từ này. A-la-hán (Arahant) có rất nhiều nghĩa. Một ý nghĩa là, vị A-la-hán (Arahant) thì xứng đáng được nhận những vật cúng dường. Tức là nếu chúng ta cúng dường đến Ngài, chúng ta sẽ nhận nhiều quả tốt đẹp vì Ngài rất trong sáng và tinh khiết. Ngài giống như là một mảnh ruộng phì nhiêu. Một nghĩa khác của từ A-la-hán (Arahant) là một người đã tận diệt tất cả phiền não. Thật ra, nó có nghĩa là một người đã diệt trừ kẻ thù. Trong trường hợp này, Arahant đến từ “Ari” và “Han”. “Ari” có nghĩa là kẻ thù và “Han” có nghĩa là giết. Cho nên, một người giết kẻ thù được gọi là A-la-hán (Arahant). Ở đây, giết có nghĩa là hủy diệt. Kẻ thù có nghĩa là những phiền não. Như vậy, nó thật sự có nghĩa là một người đã phá hủy, loại bỏ, tận diệt tất cả những phiền não.

Từ “Phala” nghĩa là quả, sự cho quả hay kết quả. Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhất Lai (Sakadāgāmī) và Bất Lai (Anāgāmī) có nhiều loại khác nhau. Nếu các bạn thích, các bạn có thể đọc thêm trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Tôi sẽ không làm phiền các bạn với những chi tiết về những hạng khác nhau của Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhất Lai (Sakadāgāmī) và vân vân. Tôi nghĩ tại những lúc bắt đầu này, tốt nhất là các bạn nên hiểu những cái đơn giản trước. Rồi sau đó, các bạn có thể bàn đến những điều phức tạp sau.

Về bốn tầng giác ngộ này, chúng ta phải hiểu những yếu tố nào, những phiền não nào được diệt tận. Chúng ta phải hiểu kết quả của sự giác ngộ là gì và có những thay đổi gì sau khi giác ngộ.

Chúng  ta  hãy  xem  xét  sự  tận  diệt  những  kiết  sử (triền  phược)  bởi những  Đạo  (Magga)  khác  nhau  (xem CMA,  IX,  Table  9.3  Eradication of  Defilements  by  the Paths, p.360). Khi miêu tả những bậc Thượng nhân, Đức Phật  đã  dùng  mười  kiết  sử  (xem  CMA,  VII,  §§10-11, p.268-269).  Thật  ra  những  kiết  sử  và  những  phiền  não thì  trùng  lặp lẫn  nhau  (cũng  xem  CMA,  VII,  Table  7.1, p.270).  Những  gì  có trong  những  kiết  sử  thì  cũng  có trong những phiền não. Có mười kiết sử. Năm kiết sử đầu tiên  được gọi  là  những  hạ  phần  kiết  sử.  Đó  là  vì  chúng kéo các bạn xuống những hình thức hiện hữu thấp hơn. Năm kiết sử còn lại được gọi là những thượng phần kiết sử.

Ở tầng giải thoát thứ nhất (có nghĩa là Đạo (Magga) thứ nhất), cái gì được đoạn diệt hay cái gì được dứt bỏ? Kiết sử thứ nhất là Kāmarāga, tức là ái dục. Ái dục được dứt bỏ ở đây là loại ái dục có mức độ “mạnh”. “Mạnh” có nghĩa là đủ mạnh và đủ xấu để dẫn xuống những trạng thái đau khổ. Điều này có nghĩa là ở Đạo (Magga) thứ nhất, Kāmarāga hay ái dục được loại bỏ nhưng không phải toàn bộ, mà chỉ là ở một mức độ nào đó. Chúng ta dùng từ “mạnh” ở đây có nghĩa là những ái dục đủ mạnh để kéo các bạn xuống bốn khổ cảnh.

Tiếp theo là Paṭigha. Đây là sân hay giận dữ, tức là Dosa. Tầng giải thoát này dứt bỏ loại sân hận (Paṭigha) đủ mạnh dẫn xuống bốn khổ cảnh.

Kiết sử thứ ba là Sakkāya-diṭṭhi, tức là thân kiến. Đây là tà kiến cho rằng có một bản ngã hay niềm tin vào bản ngã. Nhập Lưu (Sotāpanna) đoạn diệt niềm tin này một cách hoàn toàn. Hoàn toàn có nghĩa là không còn dư sót, tất cả chứ không phải là một mức độ nào đó. Đạo (Magga) thứ nhất đoạn diệt thân kiến (Sakkāya-diṭṭhi) một cách trọn vẹn và nó sẽ không sanh lên nữa.

Kiết sử tiếp theo là Sīlabbata-parāmāsa, tức là sự chấp giữ/tuân thủ vào những thói quen và những thực hành. Chuyển ngữ thường dùng là sự chấp giữ/tuân thủ vào những nghi lễ (giới cấm thủ). Ở đây sự chấp giữ/tuân thủ vào những nghi lễ có nghĩa là tin tưởng rằng những nghi lễ này là con đường dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau. Nếu các bạn tin tưởng theo cách này, thì các bạn đang có giới cấm thủ (Sīlabbata-parāmāsa). Chấp giữ/tuân thủ vào những nghi lễ có nghĩa là cho rằng những sự thực hành này là con đường đúng để giải thoát. Thật ra, đây là tà kiến, tức là Diṭṭhi. Kiết sử này cũng được đoạn trừ một cách hoàn toàn bởi Đạo (Magga) thứ nhất.

Kiết sử khác là Vicikicchā, tức là hoài nghi về Đức Phật, Giáp pháp và Tăng chúng và vân vân. Đạo (Magga) thứ nhất đoạn trừ tất cả hoài nghi.

Như vậy Đạo (Magga) thứ nhất đoạn trừ thân kiến, giới cấm thủ và hoài nghi một cách hoàn toàn. Những kiết sử này sẽ không bao giờ sanh lên trong tâm trí của vị Nhập Lưu (Sotāpanna) nữa. Vị Nhập Lưu (Sotāpanna) sẽ không bao giờ có thân kiến, không bao giờ chấp giữ giới cấm thủ và sẽ không bao giờ có hoài nghi. Ngài vẫn còn ái dục và sân. Nhưng ái dục và sân của Ngài sẽ không đủ mạnh để dẫn Ngài xuống bốn cõi khổ. Đó là lý do tại sao vị Nhập Lưu (Sotāpanna) không tái sanh vào bốn cõi khổ. Vị Nhập Lưu (Sotāpanna) sẽ không bao giờ tái sanh vào bốn cõi khổ. Đó là vì Ngài không còn những phiền não đủ mạnh để dẫn Ngài xuống bốn khổ cảnh. Những bài kinh (Sutta) nói rằng, tất cả những bậc Thượng nhân, bắt đầu từ vị Nhập Lưu (Sotāpanna), luôn luôn giữ ngũ giới trong sạch. Vị Nhập Lưu (Sotāpanna) sẽ không phá bất kỳ một giới nào trong năm giới. Sự trong sạch về giới của Ngài được thành tựu ngay tại thời điểm giác ngộ. Vị Nhập Lưu (Sotāpanna) sẽ không bao giờ sát sanh, không bao giờ trộm cắp, không bao giờ nói dối và không bao giờ uống chất say. Kinh sách ghi lại rằng, nếu vị Nhập Lưu (Sotāpanna) không chứng đắc những tầng giác ngộ cao hơn cho đến kiếp thứ bảy, thì Ngài sẽ trở thành A-la-hán (Arahant) vào kiếp thứ bảy. Vì là Nhập Lưu (Sotāpanna), Ngài có thể tái sanh nhiều nhất là bảy lần. Trong kiếp thứ bảy, Ngài sẽ chắc chắn trở thành A-la-hán (Arahant). Ngài sẽ chứng đạt tất cả những tầng giác ngộ cao hơn. Kinh sách ghi lại rằng vị Nhập Lưu (Sotāpanna) chỉ có bảy lần tái sanh nữa thôi. Trong Kinh Châu Báu (Jewel Sutta), Đức Phật dạy rằng, “Họ không tái sanh lần thứ tám.” Như vậy, họ sẽ tái sanh bảy lần là nhiều nhất, nếu họ không chứng đắc những tầng giác ngộ cao hơn sớm hơn. Ví dụ, một người có thể trở thành Nhập Lưu (Sotāpanna) tại đây. Rồi giả sử, Ngài tái sanh làm một Thiên nhân (Deva). Khi làm Thiên nhân (Deva), Ngài có thể thực hành thiền và chứng đắc tầng giác ngộ thứ hai, thứ ba và vân vân. Nếu điều đó xảy ra, Ngài sẽ không còn là Nhập Lưu (Sotāpanna) nữa. Ngài trở thành Nhất Lai (Sakadāgāmī), Bất Lai (Anāgāmī) hay A-la-hán (Arahant). Khi chúng ta nói Ngài có nhiều nhất là bảy kiếp sống nữa, ý chúng ta muốn nói đến trường hợp Ngài không chứng đắc tầng giác ngộ nào cao hơn cho đến kiếp chót.

Đạo (Magga) thứ hai loại trừ dục ái thô thiển và sân thô thiển. Thô thiển ở đây có nghĩa là không mạnh như “mạnh”. Những phiền não còn lại thì không còn mạnh nhưng vẫn còn thô thiển. Ở đây chúng ta phải hiểu rằng, có ba mức độ của dục ái và sân: một mức độ đủ mạnh để dẫn xuống bốn khổ cảnh, một mức độ không mạnh như vậy nhưng vẫn tệ hại, và một mức độ rất vi tế. Đạo (Magga) thứ hai không tẩy trừ thêm một phiền não nào nữa một cách hoàn toàn. Nhưng nó làm cho ái dục và sân giảm cường độ. Nó làm cho những kiết sử này yếu hơn. Chúng đã bị suy giảm một phần nào sau tầng giác ngộ thứ nhất. Sau tầng giác ngộ thứ hai, chúng bị giảm thiểu nhiều hơn. Có lẽ chỉ còn một chút ái dục và sân còn dư sót. Đạo (Magga) thứ hai không đoạn diệt thêm phiền não nào, nhưng nó làm cho ái dục và sân bị suy yếu. Vị Nhất Lai (Sakadāgāmī) có thể còn giận dữ, nhưng sự giận dữ này rất là nhẹ.

Khi một người đạt đến tầng giác ngộ thứ ba, Đạo (Magga) đó đoạn diệt đi ái dục và sân vi tế còn dư sót. Sau đó, không còn ái dục và sân nữa. Chúng ta có thể nói Đạo thứ ba hay Bất Lai Đạo (Anāgāmī-magga) đoạn diệt toàn bộ ái dục và sân. Cho nên, ái dục và sân sẽ không bao giờ sanh lên trong vị Bất Lai (Anāgāmī). Ái dục có nghĩa là khao khát những dục lạc. Nếu một cư sĩ trở thành Bất Lai (Anāgāmī), Ngài có thể tiếp tục sống như là một người lập gia đình không? Ngài không thể sống như là một người lập gia đình, mặc dầu Ngài vẫn có thể sống tại gia. Ngài không còn khả năng sống một đời sống có gia đình. Có một người thợ gốm tên là Katthikara trong thời của Đức Phật Kassapa. Ngài là một cư sĩ và là một vị Bất Lai (Anāgāmī). Ngài đã sống một đời sống không có gia đình. Cho nên, sau khi trở thành Bất Lai (Anāgāmī), một người không thể nào sống một cuộc sống có gia đình tuy rằng Ngài vẫn có thể là một cư sĩ. Kinh sách ghi lại rằng, như là bản chất của mình, vị Bất Lai (Anāgāmī) luôn luôn trì giữ tám giới. Ngài không bắt buộc phải giữ tám giới, nhưng Ngài sẽ làm như vậy. Điều hiển nhiên nhất trong những giới này là không thọ thực sau giờ ngọ. Vị Bất Lai (Anāgāmī) sẽ không thọ thực vào buổi chiều.

Và rồi Đạo (Magga) thứ tư là A-la-hán Đạo (Arahatta-magga). Khi một người trở thành A-la-hán (Arahant), Ngài dứt bỏ cái gì? Những kiết sử còn lại. Ái sắc – tức là sự dính mắc vào thế giới của Phạm thiên (Brahma), những cõi sắc giới. Arūparāga có nghĩa là ái vô sắc, tức là sự dính mắc vào vô sắc giới (Arūpāvacara). Ở tầng thứ tư này, Māna được đoạn trừ. Māna là ngã mạn. Với sự sanh lên của tâm A-la-hán Đạo (Arahatta-magga Citta), Uddhacca bị đoạn diệt. Uddhacca là phóng dật. Yếu tố bất thiện Avijjā bị đoạn diệt. Avijjā là vô minh. Năm kiết sử bị đoạn diệt bởi Đạo (Magga) thứ tư. Khi một người trở thành A-la-hán (Arahant), cả năm kiết sử này bị tẩy trừ. Những kiết sử khác đã bị đoạn diệt bởi ba Đạo (Magga) trước, và năm kiết sử này thì bị đoạn diệt bởi Đạo (Magga) thứ tư. Khi một người đạt đến Đạo (Magga) thứ tư, Ngài không còn kiết sử nào cả, tức là không còn phiền não nào cả. Vị A-la-hán (Arahant) hoàn toàn tự do, thoát khỏi những phiền não. Dù cho sự khiêu khích có kích động đến mức độ nào, Ngài vẫn không giận dữ. Dù cho đối tượng có đẹp đến mức nào, Ngài vẫn không dính mắc vào nó. Một người đã đạt đến tầng giác ngộ thứ tư thì hoàn toàn tự tại, thoát khỏi những phiền não.

Có mười loại phiền não. Các bạn sẽ tìm thấy chúng trong chương thứ bảy. Đối với những phiền não (Trong Pāḷi, chúng ta gọi chúng là những Kilesa), Đạo (Magga) thứ nhất đoạn diệt hoàn toàn tà kiến (Diṭṭhi) và  hoài nghi (Vicikicchā). Đạo (Magga) thứ hai không đoạn trừ thêm phiền não nào nữa. Vị Nhất Lai (Sakadāgāmī) chỉ làm giảm nhẹ những phiền não (Kilesa) còn lại. Đạo (Magga) thứ ba đoạn diệt sự tức giận (Dosa). Đạo (Magga) thứ tư đoạn diệt toàn bộ bảy phiền não còn lại. Vị Bất Lai (Anāgāmī) đoạn diệt sân hận, tức là Dosa, một cách hoàn toàn. Vị Bất Lai (Anāgāmī) không có khả năng tức giận nữa. Ngài không còn lo sợ điều gì nữa bởi vì sợ hãi được hiểu là một dạng của sân (Dosa). Nó là một hình thức thụ động của sân (Dosa). Khi một người đạt đến tầng giác ngộ thứ ba, Ngài sẽ không còn lo sợ bất cứ điều gì nữa. Ngài sẽ không sợ chết. Ngài giống vị A-la- hán (Arahant) ở điểm này.

Có mười hai tâm bất thiện (Akusala Citta). Đạo (Magga) thứ nhất đoạn diệt bao nhiêu tâm bất thiện (Akusala Citta)? Trước hết, các bạn phải hiểu những phiền não nào được đoạn trừ. Tà kiến và hoài nghi được đoạn trừ. Những tâm (Citta) nào được đi kèm theo bởi tà kiến? Bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi tà kiến? Bốn tâm được đi kèm theo bởi tà kiến và một tâm được đi kèm theo bởi hoài nghi. Cho nên, vị Nhập Lưu (Sotāpanna) đoạn diệt năm tâm. Bốn tâm được đi kèm theo bởi tà kiến (Diṭṭhi) và một tâm được đi kèm theo bởi hoài nghi sẽ không sanh lên trong vị Nhập Lưu (Sotāpanna) nữa. Vị Nhất Lai không tận diệt thêm phiền não nào nữa. Ở tầng giải thoát này, Ngài chỉ làm giảm nhẹ những phiền não còn dư sót, nhưng Ngài không đoạn trừ thêm yếu tố phiền não nào.

Khi một người đạt đến tầng giác ngộ thứ ba, Ngài loại bỏ ái dục và sân. Vậy Ngài loại trừ những tâm (Citta) nào? Hai tâm được đi kèm theo bởi sân (Dosa). Ngài vẫn còn một chút tham (Lobha). Ngài chưa hủy diệt được tham (Lobha) một cách hoàn toàn. Nhưng Ngài không còn sân (Dosa) nữa, cho nên Ngài đoạn diệt được hai tâm sân (Dosamūla Citta).

Và rồi, vị A-la-hán (Arahant) đoạn diệt tất cả những tâm bất thiện (Akusala Citta) còn lại. Bao nhiêu? Vị Nhập Lưu (Sotāpanna) đoạn diệt năm. Vị Bất Lai (Anāgāmī) đoạn diệt hai. Cho nên, vị A-la-hán (Arahant) đoạn diệt năm tâm còn lại. Năm tâm còn lại là những tâm nào? Những tâm không được đi kèm theo bởi tà kiến (Diṭṭhi) trong những tâm tham (Lobhamūla Citta). Có bao nhiêu? Có bốn tâm bất thiện (Akusala Citta) không được đi kèm theo bởi tà kiến và một tâm si (Mohamūla) được đi kèm theo bởi phóng dật (Uddhacca). Cho nên, bốn tâm được đi kèm theo bởi tham (Lobha) nhưng không có tà kiến và tâm si (Mohamūla Citta) được đi kèm theo bởi phóng dật thì được đoạn diệt bởi vị A-la-hán (Arahant). Trong mười hai tâm bất thiện (Akusala Citta), năm được đoạn diệt ở tầng giác ngộ thứ nhất. Hai được đoạn diệt ở tầng giác ngộ thứ ba. Năm còn lại được đoạn diệt ở tầng thứ tư.

Không Có Duy Tác (Kiriya) Trong Những Tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta)

Chúng ta chỉ tìm thấy có tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta), tức là chỉ có thiện (Kusala) và quả (Vipāka), nhưng không có duy tác (Kiriya). Trong những tâm sắc giới (Rūpāvacara), có năm thiện (Kusala), năm quả (Vipāka), và năm duy tác (Kiriya). Trong những tâm vô sắc (Arūpāvacara), cũng có bốn thiện (Kusala), bốn quả (Vipāka), và bốn duy tác (Kiriya). Tại sao không có duy tác (Kiriya) trong những tâm Siêu thế (Lokuttara)?

Câu trả lời thứ nhất là bởi vì tâm Đạo (Magga Citta) chỉ sanh lên có một lần. Nếu tâm Đạo (Magga Citta) sanh lên nhiều hơn một lần, nó sẽ trở thành một chức năng của tâm duy tác (Kiriya). Nếu A-la-hán Đạo (Arahatta- magga), tức là sự giác ngộ lần thứ tư, có thể sanh lên trở lại trong vị A-la-hán (Arahant), nó sẽ trở thành tâm duy tác (Kiriya Citta). Nhưng tâm Đạo (Magga Citta) chỉ sanh lên trong tâm ý của một chúng sanh chỉ một lần. Nó không bao giờ lặp lại. Tại sao? Bởi vì tâm Đạo (Magga Citta) chỉ sanh lên một lần, cho nên không có tâm duy tác (Kiriya Citta) trong Siêu thế (Lokuttara). Tâm Đạo (Magga Citta) chỉ sanh lên một lần bởi vì nó có thể hoàn thành chức năng của nó với chỉ một lần sanh lên. Chức năng của nó là đoạn diệt phiền não. Nó có thể đoạn diệt được phiền não chỉ bằng một lần. Nó không phải sanh lên lại để đoạn trừ phiền não. Cho nên, nó có thể làm phận sự của nó bằng cách sanh lên chỉ một lần. Tâm Đạo (Magga Citta) không sanh lên lại. Đó là lý do tại sao không có duy tác (Kiriya) trong những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta).

Để sống hạnh phúc trong kiếp sống này – có nghĩa là tận hưởng sự giải thoát – đã có những tâm Quả (Phala Citta). Điều này có nghĩa là, nếu tâm Đạo (Magga Citta) có thể sanh lên nhiều lần (tâm Đạo (Magga Citta) lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng), nó có lẽ sẽ rất là thú vị. Rất thú vị khi tâm Đạo (Magga Citta) sanh lên vì nó bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Níp-bàn (Nibbāna) là sự vắng mặt của khổ đau. Cho nên, hành giả trải nghiệm Sukha thực sự, tức là hạnh phúc thật sự khi tâm Đạo (Magga Citta) sanh lên. Sau sự sanh khởi và diệt mất của tâm Đạo (Magga Citta) đó, nếu hành giả muốn tận hưởng lại hạnh phúc đó, hành giả phải nhập vào những tâm Quả (Phala Citta). Công việc đó, tức là trách nhiệm để tận hưởng hạnh phúc của sự giải thoát, được những tâm Quả (Phala Citta) nhận lãnh. Tâm Đạo (Magga Citta) không sanh lên nữa cho mục đích đó. Mục đích đó được thực hiện bởi những tâm Quả (Phala Citta). Đó là lý do tại sao tâm Đạo (Magga Citta) chỉ có thể sanh lên một lần. Vì tâm Đạo (Magga Citta) chỉ sanh lên một lần, cho nên không có duy tác (Kiriya) trong những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta).

Sau khi đã trở thành A-la-hán (Arahant), các Ngài muốn tận hưởng hạnh phúc. Sự tận hưởng hạnh phúc của các Ngài là việc khởi lên một chuỗi dài những tâm thức lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng. Khi tâm trí bắt cảnh Níp-bàn (Nibbāna), các Ngài cảm thấy rất an bình. Và những tâm Quả (Phala Citta) làm nhiệm vụ đó. Sau khi trở thành một bậc Giác Ngộ, tức là trở thành Nhập Lưu (Sotāpanna), hành giả có thể nhập vào sự chứng đạt Nhập Lưu Quả (Sotāpanna-phala) bất cứ lúc nào hành giả thích. Trong suốt thời gian Ngài quyết định là sẽ an trú vào đó – ví dụ, một ngày, hai ngày, ba ngày – thì chỉ có những tâm Quả (Phala Citta) sanh lên không gián đoạn. Giới hạn cho loài người là bảy ngày. Nhiệm vụ này được đảm trách bởi những tâm Quả (Phala Citta). Cho nên tâm Đạo (Magga Citta) không phải sanh lên nữa. Đó là lý do tại sao không có những tâm duy tác (Kiriya Citta) trong Siêu thế (Lokuttara). Chỉ có tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Tâm Đạo (Magga Citta) có thể thực hiện chức năng của nó, tức là đoạn trừ phiền não, bằng cách chỉ sanh lên một lần. Nếu nó có thể thực hiện chức năng này bằng cách sanh lên chỉ một lần, thì không có lợi ích gì để nó sanh lên lần nữa. Đó là lý do tại sao nó chỉ sanh lên một lần. Để sống hạnh phúc trong cuộc sống này – tức là tận hưởng hạnh phúc của sự giải thoát – thì đã có thiền Quả (Phala-samāpatti). Cho nên, tâm Đạo (Magga Citta) chỉ sanh lên một lần. Đó là lý do tại sao không có tâm duy tác (Kiriya Citta) trong tâm Siêu thế.

Ôn Lại Tâm (Citta)

Chúng  ta  đã  học  hết  89  tâm  (Citta)  –  81  tâm  hiệp thế và tám tâm Siêu thế. Cho nên, có tất cả là 89 tâm.

Chúng ta hãy đi ngược lại từ đầu. Có bao nhiêu tâm là bất thiện (Akusala)? Mười hai tâm (Citta) là bất thiện (Akusala). Bao nhiêu là thiện (Kusala)? Có tám thiện dục giới (Kāmāvaca Kusala), năm sắc giới (Rūpāvacara), bốn vô sắc (Arūpāvacara) và bốn Đạo (Magga). Tất cả là  tâm  thiện  (Kusala Citta).  Có  bao  nhiêu  tâm  quả (Vipāka Citta)? CMA nói là có 36. Có mười lăm trong vô nhân    (Ahetuka),    tám    trong    tịnh    hảo    dục    giới (Kāmāvacara      Sobhana),      năm      trong      sắc      giới (Rūpāvacara), bốn  trong  vô  sắc  (Arūpāvacara)  và  bốn trong Siêu thế (Lokuttara). Quả (Phala) và quả (Vipāka) là giống nhau. Cho nên có tất cả là 36. Có bao nhiêu tâm duy  tác  (Kiriya  Citta)?  Có  ba  trong  vô  nhân  (Ahetuka), tám trong tịnh hảo dục giới (Kāmāvacara Sobhana), năm trong   sắc   giới  (Rūpāvacara)   và   bốn   trong   vô   sắc (Arūpāvacara). Cho nên, chúng ta có 20. Vậy là chúng ta có  mười  hai  bất  thiện  (Akusala),  21  thiện (Kusala),  36 quả  (Vipāka)  và  20  duy  tác  (Kiriya).  Có  bao  nhiêu  tâm dục  giới  (Kāmāvacara  Citta),  tức  là  có  bao  nhiêu  tâm thuộc  vào  dục giới?  Có  54  tâm  dục  giới  (Kāmāvacara Citta). Có bao nhiêu tâm (Citta) là sắc giới (Rūpāvacara)? Có  mười  lăm  tâm  sắc  giới  (Rūpāvacara Citta). Có  bao nhiêu tâm (Citta) là vô sắc (Arūpāvacara)?  Chúng ta có mười hai tâm vô sắc (Arūpāvacara  Citta). Có bao nhiêu tâm (Citta) là Siêu thế (Lokuttara)? Có tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Cho nên, chúng ta có tất cả là 89 tâm. Chúng ta cũng có thể ôn lại bằng cách thông qua những cảm  thọ  –  có  bao  nhiêu  được  đi  kèm  theo  bởi  thọ  hỷ (Somanassa), bao  nhiêu  bởi  thọ  xả  (Upekkhā),  bởi  thọ lạc    (Sukha),    bởi    thọ  khổ    (Dukkha),    bởi    thọ    ưu (Domanassa).

Chúng ta hãy đi vào chi tiết một chút. Mười hai bất thiện (Akusala) – có tám được kết hợp với tham (Lobha). Có hai được kết hợp với sân (Dosa). Chỉ có hai được kết hợp với si (Moha).

Chúng ta hãy nói về vô nhân (Ahetuka). Nhóm thứ nhất là bảy tâm quả của bất thiện (Akusala). Nhóm thứ hai là tám tâm quả của thiện (Kusala). Nhóm thứ ba là ba tâm (Citta) duy tác. Tất cả có mười tám tâm (Citta). Chúng được gọi là Ahetuka, tức là vô nhân.

Nhóm tiếp theo là Kāmāvacara Sobhana, tức là dục giới tịnh hảo. Có tám thiện (Kusala), tám quả (Vipāka) và tám duy tác (Kiriya).

Nhóm tiếp theo là sắc giới (Rūpāvacara). Có năm thiện (Kusala), năm quả (Vipāka) và năm duy tác (Kiriya).

Nhóm tiếp theo là vô sắc (Arūpāvacara). Có bốn thiện (Kusala), bốn quả (Vipāka) và bốn duy tác (Kiriya).

Có  bao  nhiêu  tâm  thiền  (Jhāna  Citta)  thứ  nhất trong 27 tâm Đáo đại (Mahaggata Citta)? Các bạn có còn nhớ    từ    “Mahaggata”    không?  Mười    lăm    sắc    giới (Rūpāvacara)  và  mười  hai  vô  sắc (Arūpāvacara) góp chung với nhau thành 27 tâm Đáo đại (Mahaggata Citta). Có ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ nhất. Có ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ hai. Có ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ ba.  Chúng  ta  có  ba  tâm  thiền  (Jhāna Citta) thứ  tư.  Và chúng ta có mười lăm tâm thiền (Jhāna Citta) thứ năm – ba trong sắc giới (Rūpāvacara) và mười hai trong vô sắc (Arūpāvacara). Khi chúng ta cộng tất cả chúng lại, chúng ta có 81 tâm. Chúng được gọi là Lokiya, tức là thuộc về thế gian, tức là thế giới ngũ uẩn.

Khi chúng ta vượt qua thế giới này, chúng ta đi vào những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Có bao nhiêu tâm Siêu thế (Lokuttara Citta)? Tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Bốn là thiện (Kusala) và bốn là quả (Vipāka). Những tâm thiện Siêu thế (Lokuttara Kusala Citta) được gọi là những tâm Đạo (Magga Citta). Những tâm quả Siêu thế (Lokuttara Vipāka Citta) được gọi là những tâm Quả (Phala Citta). Bốn tâm Đạo (Magga Citta) là gì? Bốn tâm Đạo (Magga Citta) (một tâm (Citta) ở mỗi tầng chứng đắc) được trải nghiệm bởi Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhất Lai (Sadakāgāmī), Bất Lai (Anāgāmī) và A-la-hán (Arahant). Những tâm Quả (Phala Citta) ngay lập tức đi theo sau tâm Đạo (Magga Citta). Những tâm Quả (Phala Citta) có thể sanh lên nhiều lần trong một vị Thánh.

Bốn Mươi Tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta)

Chúng ta đã kết thúc tám tâm Siêu thế (Lokuttara). Tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) có thể được đếm là Điều này tùy thuộc vào loại tâm Đạo (Magga Citta) nào sanh lên trong hành giả. Hiểu được điều này thì hơi phức tạp một chút. Trước hết chúng ta phải hiểu rằng, khi sanh lên, những tâm thiền (Jhāna Citta) cũng như những tâm Đạo (Magga Citta) được đi kèm theo bởi những tâm sở (Cetasika). Trong những tâm sở (Cetasika), có tám yếu tố của Đạo và năm yếu tố của thiền (Jhāna). Khi tâm Đạo (Magga Citta) sanh lên, có 36 tâm sở (Cetasika) cùng sanh lên với nó. Trong số đó là tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), thọ (Vedanā) (một trong hai thọ hỷ (Somanassa) và thọ xả (Upekkhā)) và định (Ekaggatā). Chúng hiện diện với tâm Đạo (Magga Citta). Chúng ta phải hiểu điều thứ nhất này.

Có nhiều loại người có được những tâm Đạo (Magga Citta) và tâm Quả (Phala Citta). Có những người chỉ thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) thôi. Những người này được gọi là những hành giả thiền Minh sát (Vipassanā) khô. Chúng ta là những hành giả thiền Minh sát (Vipassanā) khô. Chúng ta không thực hành thiền định (Jhāna). Chúng ta chỉ thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Đối với một người chỉ thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) mà thôi, tức là không có thiền định (Jhāna), khi Ngài chứng đắc Đạo (Magga) thứ nhất chẳng hạn, thì sẽ có 36 tâm sở (Cetasika) kết hợp với tâm Đạo đó. Trong những tâm sở (Cetasika) này, có tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Cho nên, tâm đạo (Magga Citta) của Ngài tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất của sắc giới

(Rūpāvacara). Tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) thứ nhất được đi kèm theo bởi bao nhiêu yếu tố của thiền (Jhāna)? Tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) thứ nhất được đi kèm theo bởi năm yếu tố của thiền (Jhāna). Tâm Đạo (Magga Citta) này cũng có năm yếu tố của thiền (Jhāna). Cho nên bằng cách phân loại theo những yếu tố của thiền (Jhāna), tâm Đạo (Magga Citta) này tương tự như tâm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna Citta) thứ nhất. Tâm Đạo (Magga Citta) này được gọi là tâm Đạo thiền (Jhāna Magga-citta) thứ nhất.

Đôi lúc, một người có thể đã chứng đạt những tầng thiền (Jhāna), nhưng khi hành thiền Minh sát (Vipassanā), hành giả ấy lại không sử dụng những tầng thiền (Jhāna) này. Vị ấy chỉ đơn giản thực hành trên cái được gọi là những hành linh tinh hay lẫn lộn. Điều đó có nghĩa là danh và sắc. Khi Ngài có được Đạo (Magga), thì Đạo (Magga) này sẽ được đi cùng với năm yếu tố. Cho nên, Đạo (Magga) của Ngài sẽ lại tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất. Trong trường hợp này, không có sự khác biệt về quan điểm, bởi vì đối với một hành giả hành thiền Minh sát (Vipassanā) khô, khi chứng đạt Đạo (Magga), Đạo (Magga) của Ngài sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất, tức là có tất cả năm yếu tố. Và một người có thiền (Jhāna) nhưng không dùng thiền (Jhāna) làm cơ sở cho thiền Minh sát (Vipassanā) mà chỉ quán tưởng trên những hành linh tinh để chứng đạt Đạo (Magga), thì Đạo (Magga) của Ngài cũng tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất. Cũng vậy, một người có thiền (Jhāna) và rồi xuất ra khỏi thiền (Jhāna) đó và quán tưởng trên những hành linh tinh, thì khi chứng đạt Đạo (Magga), Đạo (Magga) của Ngài cũng sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất. Tức là nó sẽ có năm yếu tố.

Đối với một người không quán tưởng trên những hành linh tinh, nhưng quán tưởng trên chính những tầng thiền (Jhāna) thì sao? Những tầng thiền (Jhāna) có thể làm đối tượng cho thiền Minh sát (Vipassanā). Nếu các bạn có thiền (Jhāna), các bạn có thể nhập vào thiền (Jhāna) trước. Rồi khi xuất ra khỏi thiền (Jhāna) đó, các bạn có thể lấy nó làm đối tượng cho thiền Minh sát (Vipassanā). Trong trường hợp này, thật không dễ để xác định người đó sẽ có loại Đạo (Magga) nào. Có ba ý kiến về vấn đề này. Chúng ta có thể gọi chúng là ba trường phái khác nhau. Có ba vị thầy có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Vị thầy thứ nhất cho rằng yếu tố quan trọng để xác định tầng cấp thiền (Jhāna) của tâm Đạo (Magga Citta) là thiền (Jhāna) nền. Thiền (Jhāna) nền có nghĩa là thiền (Jhāna) dùng làm cơ sở cho thiền Minh sát (Vipassanā). Tức là trước hết, hành giả nhập vào thiền định (Jhāna). Rồi thì hành giả xuất khỏi thiền (Jhāna). Hành giả có thể dùng thiền (Jhāna) đó hay thiền (Jhāna) khác làm đối tượng cho thiền Minh sát (Vipassanā). Hành giả cũng có thể dùng những hành linh tinh làm đối tượng cho thiền Minh sát (Vipassanā). Nhưng theo vị thầy thứ nhất này, cái quan trọng là thiền (Jhāna) làm cơ sở cho thiền Minh sát (Vipassanā). Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) nền. Nếu thiền (Jhāna) nền của hành giả là tầng thiền (Jhāna) thứ nhất, thì Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất. Nếu thiền (Jhāna) nền của hành giả là tầng thiền (Jhāna) thứ năm, thì Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ năm. Tức là ở trường hợp sau, khi tâm Đạo (Magga Citta) của hành giả sanh lên, thì sẽ không có tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti) và lạc (Sukha), mà chỉ có xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā). Đây là quan điểm của một vị thầy. Theo vị thầy này, cái quan trọng để xác định đẳng cấp của tâm Đạo (Magga Citta) là thiền (Jhāna) làm cơ sở cho thiền Minh sát (Vipassanā). Có nghĩa là tầng thiền (Jhāna) hành giả nhập vào trước hết.

Một vị thầy khác lại nói rằng, thiền (Jhāna) làm cơ sở cho thiền Minh sát (Vipassanā) thì không quan trọng, thiền (Jhāna) làm đối tượng của thiền Minh sát (Vipassanā) mới là cái quan trọng. Hành giả có thể nhập vào tầng thiền (Jhāna) thứ nhất. Rồi hành giả xuất khỏi thiền (Jhāna) đó. Và hành giả có thể hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên thiền (Jhāna) thứ hai, thứ ba, thứ tư hay thứ năm. Vậy thì Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) nào? Ví dụ, hành giả nhập vào tầng thiền (Jhāna) thứ nhất. Rồi hành giả xuất khởi thiền (Jhāna) đó. Tiếp theo, hành giả hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên thiền (Jhāna) thứ hai. Theo vị thầy thứ hai này, Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ hai. Theo vị thầy thứ nhất, Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất. Bây giờ thì các bạn đã thấy sự khác biệt giữa những quan điểm rồi phải không? Vị thầy thứ nhất cho rằng thiền (Jhāna) nền là quan trọng và là nhân tố quyết định. Vị thầy thứ hai cho rằng thiền (Jhāna) được quán tưởng thì quan trọng hơn. Đó là nhân tố quyết định. Các bạn thích quan điểm nào?

Và rồi vị thầy thứ ba cho rằng khi thiền (Jhāna) nền và thiền (Jhāna) được quán tưởng là khác nhau, thì cái quan trọng và xác định Đạo (Magga) của hành giả là ước muốn của hành giả. Hành giả nhập vào thiền (Jhāna) thứ nhất. Rồi hành giả xuất khỏi thiền (Jhāna) thứ nhất và quán tưởng trên thiền (Jhāna) thứ hai. Nhưng nếu hành giả ước muốn thiền (Jhāna) thứ nhất, thì Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất. Nếu hành giả ước muốn thiền (Jhāna) thứ hai, tức là thiền (Jhāna) được quán tưởng, thì Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ hai. Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) nền hay thiền (Jhāna) được quán tưởng tùy thuộc vào ước muốn của hành giả.

Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu hành giả không có ước muốn cụ thể? Thì Đạo (Magga) sẽ tương tự như tầng thiền (Jhāna) cao hơn. Nếu hành giả lấy thiền (Jhāna) thứ nhất làm cơ sở và thiền (Jhāna) thứ hai làm đối tượng quán tưởng và hành giả không có ước muốn cụ thể, thì Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ hai bởi vì thiền (Jhāna) thứ hai  cao  hơn thiền (Jhāna) thứ nhất.

Bây giờ thì các bạn đã hiểu rồi đó. Chúng ta hãy xem xét những tâm Đạo (Magga Citta) tương tự như những thiền (Jhāna) như thế nào. Tôi nghĩ tôi đã nói với các bạn trước đây rằng những tâm Đạo (Magga Citta) và những tâm Quả (Phala Citta) cũng được gọi là thiền (Jhāna). Lý do là vì những tâm (Citta) này quán sát kỹ càng những đặc tính, và đặc biệt đối với những tâm Quả (Phala Citta), thì chúng quán sát kỹ càng những đặc tính thật của Níp-bàn (Nibbāna). Cho nên, những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) cũng có thể được gọi là thiền (Jhāna) bởi vì chúng quán sát những đặc tính một cách kỹ càng. Đỉnh cao của việc quán sát những đặc tính này được thực hiện tại Đạo (Magga).

Một sự giải thích khác là, vì chúng tương tự như những tầng thiền (Jhāna). Đó là lý do tại sao chúng được gọi là thiền (Jhāna). Chúng ta phải hiểu tâm Đạo (Magga Citta) và tâm thiền (Jhāna Citta). Tâm Đạo (Magga Citta) thì không phải là tâm thiền (Jhāna Citta). Thật ra, tâm thiền (Jhāna Citta) thì không phải là Đạo (Magga). Ở đây, tâm Đạo (Magga Citta) được gọi là tâm Đạo thiền (Jhāna Magga-citta) thứ nhất hay tâm Đạo sơ thiền. Chúng ta dùng cả hai: tâm Đạo nhị thiền, tâm Đạo tam thiền và vân vân. Ở đây, chúng ta kết hợp thiền (Jhāna) và đạo (Magga). Khi chúng ta kết hợp hai cái này với nhau và gọi tâm Đạo thiền (Jhāna Magga-citta) thứ nhất hay tâm Đạo sơ thiền, ý của chúng ta là tâm Đạo (Magga Citta) tương tự như tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) thứ nhất. Tâm này không phải là thiền (Jhāna). Vì nếu nó là thiền (Jhāna), nó phải lấy một khái niệm làm đối tượng, như một ấn tướng Kasiṇa chẳng hạn. Nếu nó là tâm Đạo (Magga Citta), nó phải lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng. Cho nên, chúng khác nhau. Tôi nhắc lại, nếu nó là thiền (Jhāna), nó phải lấy khái niệm hay những cái đối tượng khác làm cảnh. Nếu nó là tâm Đạo (Magga Citta), nó phải lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng. Khi chúng ta nói tâm Đạo sơ thiền, ý của chúng ta là tâm Đạo (Magga Citta) tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất ở những yếu tố của thiền (Jhāna).

Chúng ta có bốn thành phần để chú ý ở đây: thiền (Jhāna) nền, thiền (Jhāna) được quán tưởng, ước muốn của hành giả và sự sanh lên của Đạo (Magga). Giả sử một người lấy tầng thiền (Jhāna) thứ nhất làm thiền (Jhāna) nền. Có nghĩa là vị ấy nhập vào thiền (Jhāna) thứ nhất. Rồi sau khi xuất khỏi thiền (Jhāna) này, vị ấy quán tưởng (tức là thực hành thiền Minh sát (Vipassanā)) trên những hành linh tinh. Những hành linh tinh là danh và sắc. Nó có thể là sự phồng và xẹp của bụng, hơi thở ra vào, sự đau nhức hay tiếng động. Những cái này được gọi là những hành linh tinh. Vị ấy không có ước muốn gì cả. Thì Đạo (Magga) sanh lên sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất. Tất cả năm chi thiền (Jhāna) sẽ có mặt với tâm Đạo (Magga Citta) này bởi vì hành giả này không nhàm chán bất cứ yếu tố thiền (Jhāna) nào.

Trường hợp thứ hai là không có thiền (Jhāna) nền. Hành giả quán tưởng trên thiền (Jhāna) thứ nhất và không có ước muốn cụ thể nào cả. Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất.

Trường hợp tiếp theo là với tầng thiền (Jhāna) thứ nhất làm thiền (Jhāna) nền. Thiền (Jhāna) được quán tưởng là tầng thiền (Jhāna) thứ hai. Nếu hành giả ước muốn thiền (Jhāna) thứ nhất (có nghĩa là hành giả ước muốn rằng Đạo (Magga) của mình tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất), thì do theo ước muốn đó, Đạo (Magga) của hành giả sẽ giống thiền (Jhāna) thứ nhất.

Trường hợp tiếp theo là với tầng thiền (Jhāna) thứ nhất làm thiền (Jhāna) nền. Thiền (Jhāna) được quán tưởng là tầng thiền (Jhāna) thứ hai. Lần này, hành giả lại muốn thiền (Jhāna) cao hơn. Cho nên theo ước muốn của mình, Đạo (Magga) của hành giả sẽ là Đạo thiền (Jhāna Magga) thứ hai hay là Đạo nhị thiền.

Rồi thì hành giả lấy tầng thiền (Jhāna) thứ nhất làm thiền (Jhāna) nền của mình và tầng thiền (Jhāna) thứ hai làm thiền (Jhāna) được quán tưởng. Hành giả không có ước muốn gì cả. Vậy Đạo (Magga) của Ngài sẽ tương tự với thiền nào? Tương tự như thiền (Jhāna) thứ hai vì thiền (Jhāna) thứ hai cao hơn thiền (Jhāna) thứ nhất.

Tiếp theo hành giả lấy thiền (Jhāna) thứ hai làm thiền (Jhāna) nền của mình. Thiền (Jhāna) thứ nhất là thiền (Jhāna) được quán tưởng của mình. Không có ước muốn cụ thể nào. Đạo (Magga) đạt được sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ hai.

Và rồi không có gì cả – tức là hành giả không chứng đạt tầng thiền (Jhāna) nào. Người này là một hành giả thiền Minh sát (Vipassanā) khô. Hành giả này thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên những hành linh tinh và không có ước muốn gì cả. Vì không có thiền (Jhāna), Đạo (Magga) của hành giả này sẽ giống Đạo sơ thiền, tức là Đạo thiền (Jhāna Magga) thứ nhất.

Tiếp đến, có hành giả chứng đắc những tầng thiền (Jhāna), nhưng lại không dùng bất kỳ tầng thiền (Jhāna) nào làm cơ sở cho thiền Minh sát (Vipassanā) hay làm đối tượng của sự quán tưởng trong thiền Minh sát (Vipassanā). Thay vào đó, hành giả lại quán tưởng trên những hành linh tinh. Hành giả không có ước muốn cụ thể nào. Đạo (Magga) của hành giả này sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ nhất.

Còn những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thì sao? Các bạn hãy hiểu rằng những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) là những thiền (Jhāna) thứ năm. Nếu thiền (Jhāna) nền của hành giả là thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna), thiền (Jhāna) được quán  tưởng  của hành giả là thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) và hành giả không có ước muốn gì cụ thể, thì Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ năm. Trường hợp tiếp theo là hành giả lấy thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) làm thiền (Jhāna) nền của mình. Hành giả quán tưởng trên bất kỳ thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) nào hay là trên những hành  linh tinh. Hành giả không có ước muốn nào cụ thể. Trong trường hợp này, thiền (Jhāna) nào cao hơn sẽ thắng.

Rồi trường hợp cuối cùng: bất kỳ thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) nào hay hành linh tinh là cơ sở. Sự quán tưởng là trên thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna). Hành giả không có ước muốn nào cụ thể. Đạo (Magga) của hành giả sẽ tương tự như thiền (Jhāna) thứ năm.

Sự bàn thảo này thì không được hoàn chỉnh. Chúng ta có thể có rất nhiều trường hợp ở đây. Các bạn hãy hiểu rằng, phải có thiền (Jhāna) nền, thiền (Jhāna) được quán tưởng và ước muốn của hành giả. Nếu không có ước muốn, thì thiền (Jhāna) cao hơn sẽ thắng. Nếu có ước muốn, thì Đạo (Magga) sẽ tương tự với thiền (Jhāna) thứ nhất và vân vân (tùy theo ước muốn).

Vì  Đạo  (Magga)  có thể  tương  tự  với  thiền  (Jhāna) thứ  nhất,  thiền (Jhāna)  thứ  hai,  thiền  (Jhāna)  thứ  ba, thiền (Jhāna) thứ tư và thiền (Jhāna) thứ năm, cho nên chúng  ta  có  năm  tâm  Nhập  Lưu  Đạo (Sotāpatti-magga Citta). Tương tự, có năm tâm Nhất Lai Đạo (Sakadāgāmī- magga  Citta),  năm  tâm  Bất  Lai  Đạo  (Anāgāmī-magga Citta) và năm tâm A-la-hán Đạo (Arahatta-magga Citta). Cho  nên,  chúng  ta  có  20 tâm thiện  Siêu  thế  (Lokuttara Kusala Citta).

Điều này cũng đúng đối với những tâm Quả (Phala Citta).  Tức  là,  có năm tâm  Nhập  Lưu  Quả  (Sotāpatti- phala Citta), năm tâm Nhất Lai Quả (Sakadāgāmī-phala Citta),  năm  tâm  Bất  Lai  Quả  (Anāgāmī-phala  Citta) và năm tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala Citta). Như vậy, chúng  ta  có 20 tâm  Quả  (Phala  Citta).  Nếu  cộng  hai nhóm này lại, thì chúng ta có 40 tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) trở thành 40 tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) bởi vì mỗi tâm trong tám tâm Siêu thế (Lokuttara Citta) có thể tương tự với từng tâm một trong những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) theo những yếu tố của thiền (Jhāna). Nếu chúng ta cộng 40 với 81, chúng ta có 121 tâm. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn luôn nói 89 hay 121 tâm. Điều này hơi khó hiểu cho những người mới bắt đầu. Tại sao lại nói là 89 hay là 121 mà lại không nói cả hai? Chúng ta phải nói như vậy. Theo một cách, chúng ta phải nói là 89; theo cách khác, chúng ta phải nói là có 121 tâm. Nếu các bạn thích nghiên cứu  thêm  về thiền  (Jhāna)  nền  và  thiền  (Jhāna)  được quán   tưởng,   các   bạn   có  thể   đọc   Thanh   Tịnh   Đạo (Visuddhimagga)  hay  Aṭṭhasālinī. Aṭṭhasālinī  là  Sớ  Giải của  bộ  sách  đầu  tiên  của  Thắng  Pháp (Abhidhamma). Bản dịch tiếng Anh là Expositor.

Nếu    các    bạn    muốn    đọc    Thanh    Tịnh    Đạo (Visuddhimagga),  Aṭṭhasālinī     hay     Bộ     Pháp     Tụ (Dhammasaṅgaṇī)  để  hiểu  thêm về  từng  loại  tâm  này, các bạn có thể lấy tài liệu tham khảo cho 89 hay 121 tâm ở cuối cuốn cẩm nang CMA này trên trang 376, Appendix One, Textual Sources. Nếu các bạn muốn đọc về tâm bất thiện (Akusala Citta) thứ nhất có nhân tham, các bạn sẽ đọc  Bộ  Pháp  Tụ  (Dhammasaṅgaṇī) ở đoạn  #365  hay Thanh  Tịnh  Đạo  (Visuddhimagga)  chương  14  ở những đoạn  #90  và  #91.  Và  các bạn  có  thể  đọc  Expositor  hay Aṭṭhasālinī ở trang  336.  Nếu  các  bạn  muốn  tham  cứu chính  Chánh  Kinh,  các bạn có  thể  dùng  những  bộ  sách này.  Bản  ghi  này  rất  có  ích  trong  việc tìm  những  tâm (Citta) này trong Chánh Kinh.

Thứ tự trình bày trong cuốn Cẩm Nang CMA này và trong những bộ sách Thắng Pháp (Abhidhamma) là khác nhau. Thứ tự trong những bộ sách Thắng Pháp (Abhidhamma) thì bắt đầu với thiện (Kusala), rồi đến những tâm bất thiện (Akusala Citta), những tâm quả (Vipāka Citta) và những tâm duy tác (Kiriya Citta). Cho nên các bạn có thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala), thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala), thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) trước. Rồi đến bất thiện (Akusala). Rồi có quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka), quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) và quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka). Rồi có duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya) và vân vân. Thứ tự trình bày trong cuốn CMA và trong những bộ sách Thắng Pháp (Abhidhamma) thì khác nhau. Bản nêu này thì rất hữu ích (xem CMA, Appendix I-II, p.376-380). Bây giờ các bạn có thể tìm thấy chúng rất dễ dàng. Các bạn có thể dùng những tài liệu tham khảo như Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) (hay Path of Purification bằng Tiếng Anh do Venerable Ñāṇamoli chuyển dịch), Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī) và Aṭṭhasālinī. Các đoạn văn bằng cả tiếng Pāḷi và tiếng Anh được đánh số. Chỉ dẫn dùng trong Aṭṭhasālinī thì theo vị trí của số trang. Cho nên các bạn có thể đọc Expositor bằng tiếng Anh để hiểu thêm về những tâm này.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

Học viên: [Không nghe rõ].

Sayādaw: Từ Pāḷi được dùng là Suññata. Tôi nghĩ Suññata trong Thượng Tọa Bộ (Theravāda) thì khác với Suññata trong Đại Thừa (Mahāyāna). Trong Thượng Tọa Bộ (Theravāda), “Suññata” có nghĩa là không có dấu hiệu của sự thường tồn, không có dấu hiệu của sự thỏa mãn, và sự trống vắng của một linh hồn. Không tánh (Suññata) trong Pāḷi thật sự có nghĩa là trống vắng của vô thường (Anicca), khổ (Dukkha) và vô ngã (Anatta). Nó không có nghĩa là trống vắng, hư vô, trống không. Chúng ta sẽ nghiên cứu vấn đề này ở chương thứ chín. Khi mọi người thực hành thiền Minh sát (Vipassanā), một vài người thấy bản chất vô thường rõ hơn. Một vài người thấy bản chất khổ rõ hơn. Một vài người thấy bản chất vô ngã rõ hơn. Tùy thuộc vào đặc tính mà họ quán tưởng vào lúc cuối cùng là gì, Đạo (Magga) của họ sẽ được mang tên là không tánh đạo (Suññata-magga). Các bạn có thể dịch nó là trống vắng, trống không hay là bất cứ cái gì. Rồi thì chúng ta có Appaṇihita (không ham muốn) và Animitta (vô tướng) và vân vân: chúng là những cái tên được đặt cho Đạo (Magga) phụ thuộc vào chất lượng của thiền Minh sát (Vipassanā) hay phụ thuộc vào khía cạnh của thiền Minh sát (Vipassanā). Mỗi lần khi các bạn thực hành thiền Minh sát (Vipassanā), các bạn chỉ có thể chú tâm vào một đặc tính vì tại mỗi thời điểm, tâm trí chỉ có thể bắt một đối tượng mà thôi. Nếu các bạn có kinh nghiệm với vô thường (Anicca) hơn hai đặc tính còn lại, Đạo (Magga) của các bạn được gọi là vô tướng (Animitta). Đây là những tên của Đạo (Magga), được xác định bởi chất lượng của thiền Minh sát (Vipassanā). Không tánh (Suññata) ở đây không cùng nghĩa với cái được nói đến trong Đại Thừa (Mahāyāna). Ở đây, nó có nghĩa là trống vắng sự thường hằng (tức là không có dấu vết của sự thường hằng), trống vắng sự thỏa mãn và trống vắng của linh hồn.

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app