Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Sáu: Phân Loại Sắc Pháp (Rūpa- vibhāga)

Phần tiếp theo được gọi là “Rūpa-vibhāga”, tức là “Phân Loại Sắc Pháp”. Sắc pháp được phân chia thành nhiều loại. Trước hết, sắc pháp thì chỉ có một. Nó chỉ là một do đặc tính của nó. Đặc tính của sắc pháp là gì? Sự thay đổi là đặc tính của sắc pháp. Dựa trên đặc tính đó thì chỉ có một sắc pháp (Rūpa).

Sắc pháp (Rūpa) đó được gọi là vô nhân (Ahetuka). Nó là hữu duyên (Sappaccaya). Hữu duyên có nghĩa là nó được tạo ra do duyên. Nó là hữu lậu (Sāsava): có nghĩa là có lậu (Āsava). Các bạn sẽ học về các lậu (Āsava) trong chương thứ bảy. Có bốn lậu (Āsava): Dục lậu (Kāmāsava), hữu lậu (Bhavāsava), kiến lậu (Diṭṭhāsava) và vô minh lậu (Avijjāsava). Rồi nó là hữu vi (Saṅkhata), có nghĩa là được duyên lên theo điều kiện – tức là do bốn nguyên nhân. Nó là hiệp thế (Lokiya), tức là còn nằm trong cõi sinh tử hay còn thuộc vào năm thủ uẩn. Và nó là dục giới (Kāmāvacara), tức là nó là đối tượng của dục ái. Và rồi nó là vô cảnh (Anārammaṇa), tức là nó không bắt đối tượng nào cả; nó không có khả năng bắt cảnh. Bắt cảnh là khả năng của tâm trí, chứ không phải của sắc pháp. Nó là bất ứng trừ (Appahātabba), tức là nó không thể bị loại trừ. Bị loại trừ có nghĩa là giống như loại trừ phiền não. Chúng ta không thể loại trừ sắc pháp (Rūpa) nào cả. Sắc pháp (Rūpa) không thể bị loại trừ. Chúng ta phải hiểu rằng sắc pháp (Rūpa) có những đặc tính như vậy.

Vô Nhân (Ahetuka)

Tính chất thứ nhất là vô nhân (Ahetuka). Sắc pháp (Rūpa) thì không có nhân.

“… nó không kết hợp với nhân thiện hay nhân bất thiện hay nhân trung lập nào, …” (CMA, VI, Guide to §6, p.243)

Vì nó là sắc pháp (Rūpa), cho nên không có tham (Lobha), sân (Dosa) hay si (Moha) với nó. Do đó, nó được gọi là vô nhân (Ahetuka).

“…  sự  kết  hợp  với  nhân  thì  được  dành  riêng  cho những hiện tượng mang tính tinh thần.” (CMA, VI, Guide to §6, p.243)

Chỉ có tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) mới có thể được nói là được kết hợp với nhân. Chúng ta có thể nói: “Tâm (Citta) này là hữu nhân; tâm (Citta) này là vô nhân; tâm sở (Cetasika) này là hữu nhân (ND: tức là đi cùng với nhân); tâm sở (Cetasika) này là vô nhân.” Nhưng điều này thì không đúng cho sắc pháp (Rūpa); sắc pháp (Rūpa) thì luôn luôn vô nhân (Ahetuka).

Hữu Duyên (Sappaccaya)

Rồi tính chất tiếp theo là hữu duyên (Sappaccaya), tức là sắc pháp thì phụ thuộc vào điều kiện, phụ thuộc vào bốn nguyên nhân. Chúng là nghiệp (Kamma), tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Phần tiếp theo sẽ bàn về chúng.

Hữu Lậu (Sāsava)

Tính chất tiếp theo là hữu lậu (Sāsava), tức là chúng là đối tượng của phiền não (Āsava). Có bốn lậu (Āsava), nhưng trong thực tế thì có ba: tham (Lobha), tà kiến (Diṭṭhi) và si (Moha). Sắc pháp là đối tượng của tham (Lobha), tà kiến (Diṭṭhi) và si (Moha). Cho nên, nó được gọi là hữu lậu (Sāsava).

Hữu Vi (Saṅkhata)

Tính chất tiếp theo là hữu vi (Saṅkhata), tức là cùng nghĩa với hữu duyên (Sappaccaya). Sắc pháp có nguyên nhân. Nó do nhân duyên mà thành. Sắc pháp (Rūpa) thì không bao giờ là vô vi (Asaṅkhata). Sắc pháp thì luôn luôn là hữu vi (Saṅkhata). Nó luôn luôn sanh lên phụ thuộc vào nhân duyên.

Hiệp Thế (Lokiya)

Tính chất tiếp theo là hiệp thế (Lokiya), tức là nó thuộc về thế giới của ngũ uẩn. Sắc pháp (Rūpa) thì không bao giờ là Siêu thế (Lokuttara) trong khi một vài tâm (Citta) là hiệp thế (Lokiya) và một vài tâm (Citta) là Siêu thế (Lokuttara). Sắc pháp (Rūpa) thì luôn luôn là hiệp  thế (Lokiya).

Dục Giới (Kāmāvacara)

Tính chất tiếp theo là dục giới (Kāmāvacara), có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) là đối tượng của dục ái. Dầu cho sắc pháp (Rūpa) có sanh lên trong thế giới Phạm thiên (Brahma) hay không, thì nó vẫn được gọi là dục giới (Kāmāvacara) vì nó là đối tượng của dục ái. Các bạn hãy nhớ lại sự phân loại cảnh: cảnh dục giới (Kāmāvacara), cảnh đáo đại (Mahaggata) và cảnh Siêu thế (Lokuttara). Ở đó, cảnh dục giới (Kāmāvacara) có nghĩa là những tâm (Citta), những tâm sở (Cetasika) và sắc pháp (Rūpa). Cho nên, sắc pháp (Rūpa) thuộc vào những cảnh dục giới (Kāmāvacara) vì nó là đối tượng của dục ái. Cho dầu sắc pháp (Rūpa) sanh lên trong cảnh giới nhân loại hay các cõi dục Thiên (Deva) hay cảnh giới Phạm thiên (Brahma), thì nó vẫn cứ được gọi là dục giới (Kāmāvacara).

Vô Cảnh (Anārammaṇa)

Tính chất tiếp theo là vô cảnh (Anārammaṇa), tức là nó không bắt cảnh. Nó không biết đối tượng. Nó không nhận thức đối tượng. Chính nó là đối tượng. Vì nó là đối tượng, vì nó không có năng lực nhận thức, cho nên nó được gọi là vô cảnh (Anārammaṇa). Đó cũng là sự khác nhau giữa sắc pháp (Rūpa) và danh pháp (Nāma). Danh pháp (Nāma) có thể là cả đối tượng và chủ thể (Chúng ta hãy tạm gọi như vậy). Danh pháp (Nāma) có thể bắt một danh pháp (Nāma) khác làm cảnh. Cho nên, danh pháp (Nāma) có thể đôi lúc là chủ thể và đôi lúc là đối tượng. Nhưng sắc pháp (Rūpa) thì luôn luôn là đối tượng. Nó không bao giờ là chủ thể vì nó không bắt cảnh. Nó không bao giờ biết cảnh. Sắc pháp (Rūpa) không bao giờ nhận thức cảnh.

Bất Ứng Trừ (Appahātabba)

Và tính chất tiếp theo là bất ứng trừ (Appahātabba), tức là nó không thể bị loại bỏ như những phiền não. Khi một người chứng đạt sự giác ngộ, khi một người chứng đạt tầng giác ngộ đầu tiên, thì người đó tẩy trừ một số phiền não: hoài nghi và tà kiến. Người đó không loại bỏ bất cứ sắc pháp (Rūpa) nào vì sắc pháp (Rūpa) không thể bị loại trừ. Thậm chí, khi một người trở thành A-la-hán (Arahant), thì sắc pháp (Rūpa) vẫn còn đó. Không có sắc pháp (Rūpa) nào bị loại bỏ cả. Do đó, sắc pháp (Rūpa) được gọi là bất ứng trừ (Appahātabba); nó không bao giờ có thể bị loại bỏ.

Như vậy, tính theo đặc tính thì chỉ có một sắc pháp (Rūpa); cũng vậy, tính theo tính chất như vô nhân (Ahetuka), hữu duyên (Sappaccaya) và vân vân, thì cũng chỉ có một sắc pháp (Rūpa). Sắc pháp có thể bao gồm nhiều loại nếu được nhận thức theo cách như nội và ngoại và vân vân. Từ thời điểm này trở đi, sắc pháp (Rūpa) sẽ được phân loại thành hai loại, ba loại và vân vân.

Nội Sắc (Ajjhattika-rūpa) Và Ngoại Sắc (Bāhira-rūpa)

Năm sắc thần kinh (Pasāda-rūpa), tức là thần kinh thị giác, thần kinh thính giác, thần kinh khứu giác, thần kinh vị giác và thần kinh xúc giác, được gọi là nội sắc (Ajjhattika-rūpa). Điều này hơi khó hiểu một chút. Tất cả những sắc pháp chúng ta có là bên trong; chúng ở bên trong chúng ta. Nhưng ở đây, chỉ có năm sắc này thì được gọi là nội sắc (Ajjhattika-rūpa). Đó là vì chúng có lợi ích rất nhiều cho chúng ta. Nếu chúng ta không có mắt, tai và vân vân, chúng ta không thể hoạt động như là một con người. Chúng ta sẽ chỉ là một khối thịt. Vì chúng rất có lợi ích đối với chúng ta, cho nên, chỉ có chúng mới được gọi là nội sắc. Nếu một ai đó rất có ích lợi đối với các bạn, thì các bạn có lẽ sẽ gọi ông ta là người nội bộ (tức là bên trong). Có nghĩa là ông ta thuộc vào đội ngũ của các bạn. Vì năm sắc thần kinh này rất hữu ích đối với đời sống của chúng ta, nên chúng ta gọi chúng là nội sắc. Những sắc pháp còn lại được gọi là ngoại sắc (Bāhira-rūpa). Ngoại không có nghĩa là ở bên ngoài cơ thể. Chúng vẫn ở bên trong cơ thể, nhưng chúng không có ích lợi nhiều như năm sắc thần kinh, cho nên chúng được gọi là ngoại sắc.

Vật Sắc (Vatthu-rūpa) Và Sắc Phi Vật (Avatthu-rūpa)

Năm  sắc  thần  kinh  (Pasāda-rūpa)  và  sắc  ý  vật (Hadaya-vatthu)  được  gọi  là  vật  sắc  (Vatthu-rūpa).  Các bạn đã quen thuộc với các vật. Có bao nhiêu vật? Có sáu vật. Các bạn đã học về vật trong chương thứ ba. Những sắc pháp này được gọi là vật sắc (Vatthu-rūpa) vì chúng là  nơi  nương  của  tâm  thức.  Thần  kinh  thị  giác  là  nơi nương cho tâm nhãn thức và vân vân. Như vậy, sáu sắc pháp  này  được  gọi  là  vật  sắc  (Vatthu-rūpa)  và  22  sắc pháp còn lại được gọi là sắc phi vật (Avatthu-rūpa).

Môn Sắc (Dvāra-rūpa) Và Sắc Phi Môn (Advāra-rūpa)

Năm sắc thần kinh và hai sắc biểu tri (thân biểu tri và ngữ biểu tri) được gọi là môn sắc (Dvāra-rūpa). Những sắc pháp còn lại được gọi là sắc phi môn (Advāra- rūpa). Các bạn đã biết là năm giác quan thì được gọi là các môn. Thông qua chúng, tâm trí, nhãn thức và những thức khác sanh lên. Hai sắc biểu tri được gọi là môn (Dvāra) vì chúng là cửa để nghiệp (Kamma) sanh lên. Thông qua thân biểu tri và ngữ biểu tri, chúng ta thu nhặt nghiệp (Kamma). Cho nên, chúng được gọi là môn (Dvāra) mặc dầu chúng không phải là nơi nương của tâm. Khi chúng ta làm một cái gì đó bằng thân, chúng ta có biểu tri (Viññatti) ở đó. Khi chúng ta nói dối, có một loại ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) ở đó. Cho nên, chúng là những cửa của nghiệp (Kamma); ở đây, chúng được gọi là môn sắc (Dvāra-rūpa).

Quyền Sắc (Indriya-rūpa) Và Sắc Phi Quyền (Anindriya-rūpa)

Năm sắc thần kinh, hai sắc giới tính và sắc mạng quyền (Jīvita) được gọi là quyền sắc (Indriya-rūpa). Quyền (Indriya) có nghĩa là có quyền lực bởi vì những sắc pháp này thiết lập quyền lực chủ đạo trong lãnh vực tương ứng của chúng. Điều đó có nghĩa là nếu các bạn không có mắt, thì các bạn không thể thấy. Nếu mắt các bạn yếu, thì nhãn thức sẽ yếu. Nếu mắt các bạn không tốt, thì nhãn thức sẽ không tốt. Nếu mắt các bạn tốt, thì nhãn thức sẽ tốt. Tức là thần kinh nhãn có năng lực điều khiển hay có quyền lực trong sự thấy. Điều đó cũng đúng cho sự nghe và vân vân.

Hai sắc giới tính (Bhāva-rūpa) thì điều khiển điểm nét và tính đặc trưng của nam hay nữ. Tức là khi một người là nam, thì sự di chuyển, cách sinh hoạt, cách ăn nói và vân vân là khác với một người nữ. Những căn quyền này điều khiển những đặc tính và đặc điểm của nam và nữ.

Sắc mạng quyền điều khiển những sắc pháp cùng tồn tại như là thuyền trưởng điều khiển một con tàu. Sắc mạng quyền được so sánh như cái gì? Nó được so sánh với nước ở trong cổ hoa sen. Khi có nước trong cổ hoa sen, thì nó giữ cho hoa sen tươi mới. Sắc mạng quyền (Jīvita) này điều khiển những sắc pháp cùng tồn tại. Sắc pháp không sanh lên một cách riêng lẻ. Sắc pháp sanh lên cùng với sắc mạng quyền (Jīvita). Sắc mạng quyền (Jīvita) sanh lên cùng với những sắc pháp khác. Khi sắc mạng quyền (Jīvita) và những sắc pháp khác sanh lên, sắc mạng quyền (Jīvita) duy trì chúng. Nó điều khiển chúng và giữ cho chúng tồn tại cho đến khi chúng diệt đi. Nó không giữ cho chúng tồn tại mãi mãi, nhưng nó giữ cho chúng tồn tại cho đến khi chúng diệt đi. Các bạn biết là  sắc pháp  có  tuổi  thọ  là  51  tiểu  sát-na.  Như  vậy,  sắc mạng quyền (Jīvita) giữ cho chúng tươi mới hay có sức sống cho đến tiểu sát-na thứ 50. Nó được so sánh như là một thuyền trưởng điều khiển một chiếc tàu. Nhưng tôi nghĩ  sự  so  sánh  như  vậy  không  lột  tả  được  hết  ý  nghĩa của nó như trong các Sớ Giải. Tôi nghĩ tôi đã trình bày với các bạn về điều này lần trước. Nếu sắc mạng quyền điều kiển những sắc pháp khác, thì cái gì điều khiển nó? Nếu  sắc  mạng  quyền  (Jīvita)  duy  trì những  sắc  pháp khác, thì cái gì bảo vệ sắc mạng quyền (Jīvita)? Trong các Sớ  Giải  có  đưa  ra  ví  dụ  về  chiếc  đò  và  người  lái  đò.  Ý nghĩa ở  đây  là  khi  người  lái  đò  đưa  những  người  khác trên  đò  qua sông,  thì  ông  ta  cũng  đưa  chính  mình  qua sông vì ông ta gắn liền với con đò. Mặc dầu ông ta không có  ý  đưa  mình  sang  sông,  nhưng vì  ông  ta  gắn  liền  với con đò, cho nên ông cũng sang sông cùng với con đò khi đưa  những  người  khác  qua  sông.  Cũng  cùng  theo  cách đó, sắc mạng quyền (Jīvita) duy trì những sắc pháp khác và  nó  cũng duy  trì  chính  nó  vì  nó  được  gắn  liền  với những  sắc  pháp  khác. Đó  là  ý  nghĩa  ở  đây.  Thuyền trưởng  điều  khiển  con  tàu  thì  không phải  là  một  ví  dụ chuẩn cho lắm.

Thô (Oḷārika), Tế (Sukhuma), Gần (Santike), Xa (Dūre), Hữu Đối Chiếu (Sappaṭigha), Phi Đối Chiếu (Appaṭigha)

Mười hai sắc pháp sau đây làm thành một nhóm: năm sắc thần kinh (thần kinh thị giác, thần kinh thính giác, thần kinh khứu giác, thần kinh vị giác và thần kinh xúc giác) và bảy sắc cảnh giới (sắc cảnh sắc, sắc cảnh thinh, sắc cảnh khí, sắc cảnh vị, đất, lửa và gió). Chúng được gọi là:

  • thô (Oḷārika),
  • gần (Santike),
  • hữu đối chiếu (Sappaṭigha), tức là có sự va chạm lẫn Những sắc còn lại được gọi là:
  • tế (Sukhuma),
  • xa (Dūre),
  • phi đối chiếu (Appaṭigha).

Những cơ quan giác quan (tức là những sắc thần kinh) và những đối tượng tương ứng (tức là những sắc cảnh giới) là chủ thể và đối tượng. Chúng được gọi là thô (Oḷārika). Thô ở đây không có nghĩa là thô thiển hay to lớn. Thô đơn giản có nghĩa là nó dễ nhìn thấy hơn, dễ nhận thức hơn, không khó để nhận biết. Khi các bạn thấy một cái gì đó, thì các bạn biết là có thần kinh thị giác và các bạn thấy sắc cảnh sắc. Không khó để thấy những sắc pháp này. Dễ dàng thấy và nhận thức được những sắc pháp này. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là thô, không có nghĩa là chúng to lớn hơn hay thô thiển hơn sắc tế. Ở đây, thô chỉ có nghĩa là dễ thấy hay dễ nhận thức được.

Cái gì gần thì dễ được nhận thấy. Cho nên, mười hai sắc pháp này được gọi là gần. Chúng có sự tác động. Điều đó có nghĩa là chúng va chạm vào nhau: thần kinh thị giác và sắc cảnh sắc, thần kinh thính giác và sắc cảnh thinh và vân vân, tức là có một loại va chạm. Chúng được gọi là sắc hữu đối chiếu (Sappaṭigha-rūpa). Những sắc pháp còn lại thì được gọi là sắc tế (Sukhuma-rūpa), tức là không dễ để thấy, không dễ để nhận thức. Thủy đại (Āpo) được gọi là sắc tế (Sukhuma-rūpa), tức là không dễ để thấy được. Chúng ta có thể thấy được nước, nhưng thật

không dễ nhận biết được thành phần hay đặc tính nhỏ giọt hay kết dính của thủy đại. So với những thành phần khác, thì nó không dễ dàng nhận thấy được. Cái gì khó nhận thấy được thì dường như là ở xa, cho nên nó được gọi là xa. Ở đây, chúng ta nên hiểu rằng sự xa cách không có nghĩa là nói về không gian mà chỉ là không dễ dàng nhận thấy được như những sắc pháp khác. Cho nên, chúng là xa. Và rồi, đối với những sắc pháp này thì không có sự va chạm vào nhau.

Sắc Do Thủ (Upādinna-rūpa) Và Sắc Không Do Thủ (Anupādinna-rūpa)

Sắc pháp được sanh ra từ nghiệp (Kamma) thì được gọi là sắc do thủ (Upādinna-rūpa). Những sắc pháp khác thì được gọi là không do thủ (Anupādinna). Thuật ngữ này cần phải được hiểu một cách thích hợp và chính xác. Nhiều người mắc lỗi về thuật ngữ này. Từ “Upādinna” được tạo thành từ hai từ “Upa” và “Adinna”. “Upa” ở đây có nghĩa là nghiệp (Kamma), tức là đối tượng của tham ái và tà kiến. Thật ra, “Upa” có nghĩa là được tiếp cận hay bị tiếp cận, cho nên ở đây là nghiệp (Kamma) được tiếp cận bởi tham ái và tà kiến, là nghiệp (Kamma) mà là đối tượng của tham ái và tà kiến, hay là nghiệp (Kamma) đi cùng theo với tham ái và tà kiến. Thật ra, nó là đối tượng của tham ái và tà kiến. Nếu nó là nghiệp thiện (Kusala Kamma), thì chúng không cùng sanh lên, nhưng thiện nghiệp (Kusala Kamma) vẫn là đối tượng của tham ái và tà kiến. “Upa” có nghĩa là được tiếp cận hay bị tiếp cận bởi tham ái và tà kiến. “Adinna” có nghĩa là được bắt lấy. Được bắt lấy ở đây có nghĩa là cái gì đó giống như là chiếm giữ. Nó bị chiếm giữ hay được tuyên bố bởi nghiệp (Kamma) rằng nó là kết quả của nghiệp. Đó được gọi là do thủ (Upādinna), tức là một cái gì đó được nghiệp (Kamma) công bố rằng nó là kết quả của nghiệp. Điều này giống như là nghiệp (Kamma) bước lên phía trước và nói rằng: “Những sắc pháp này là quả của tôi, chúng là những kết quả do tôi làm ra.” Giống như vậy đó; những sắc pháp này được gọi là do thủ (Upādinna) và có nghĩa là những sắc pháp được sinh ra từ nghiệp (Kamma).

Những sắc pháp khác thì không phải do thủ (Upādinna); chúng được gọi là Anupādinna, tức là những sắc pháp không phải sanh ra từ nghiệp (Kamma). Nếu chúng không phải sanh ra từ nghiệp (Kamma) thì chúng sanh ra từ tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Những sắc pháp sanh ra từ nghiệp (Kamma) thì được gọi là do thủ (Upādinna) và những sắc pháp còn lại thì được gọi là không do thủ (Anupādinna).

Trong tài liệu CMA có ghi: “Điều cần phải được lưu ý  là,  không  giống  như  những  đôi  thuật  ngữ  khác  được dùng với mục đích phân loại, đôi thuật ngữ này “do thủ” và  “không  do  thủ”  thì  không  thiết  lập  một sự  phân  đôi loại trừ lẫn nhau, …” (CMA, VI, Guide to §7, p.245)

Các bạn sẽ hiểu rõ ràng hơn khi các bạn học đến phần tiếp theo.

“… vì chín loại sắc pháp sanh ra từ nghiệp (kamma) cũng  có  thể  xuất  nguồn  từ  những  nguyên  nhân  khác.” (CMA, VI, Guide to §7, p.245)

Có mười tám sắc pháp do nghiệp (Kamma) sinh ra. Chín loại1  trong số đó thì chỉ do nghiệp (Kamma) sinh ra và chín loại2  còn lại thì được sinh ra do nghiệp (Kamma) và những nguyên nhân khác1  nữa. Chúng không loại trừ lẫn nhau. Đó là một điều cần lưu ý.

Có một điều khác cần phải hiểu:

“Tuy  nhiên,  trong  môi trường  ít chuyên  môn  hơn, thì nói chung tất cả những vật chất hữu cơ trong cơ thể được xem là “do thủ”, trong khi những vật chất vô cơ thì được  gọi  là  “không  do  thủ”.”  (CMA,  VI,  Guide  to  §7, p.245)

Điều đó rất quan trọng. Từ “Upādinna” nói một cách nghiêm túc trong thuật ngữ của Thắng Pháp (Abhidhamma) có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) sanh ra từ nghiệp (Kamma). “Anupādinna” có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) không sanh ra từ nghiệp (Kamma), tức là sắc pháp (Rūpa) sanh ra từ ba nguyên nhân khác. Nhưng trong những nơi khác, “Upādinna” có nghĩa đơn giản là vật chất hữu cơ, tức là vật chất trong chúng sanh. “Anupādinna” có nghĩa là vật chất ở những vật bên ngoài. Các bạn phải hiểu điều đó. Nếu không, các bạn sẽ nhầm lẫn. Đặc biệt trong Tạng Luật (Vinaya), chúng ta tìm thấy những từ Upādinna và Anupādinna này rất nhiều lần. Ở đó, nếu các bạn dịch là “do thủ” hay “sanh ra từ nghiệp (Kamma)”, thì các bạn dịch sai. Ở đó, Upādinna có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) hữu tình và Anupādinna có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) vô tri, tức là sắc pháp bên ngoài cơ thể. Như vậy, chúng ta phải hiểu rằng Upādinna và Anupādinna mỗi từ có hai nghĩa:

  • Theo thuật ngữ của Thắng Pháp (Abhidhamma), thì Upādinna có nghĩa là sanh ra từ nghiệp (Kamma). Anupādinna có nghĩa là sanh ra  từ tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra).
  • Nhưng trong cách sử dụng thông thường, thì Upādinna có nghĩa là sắc hữu tình. Anupādinna có nghĩa là sắc vô tri

Các tu sĩ không được phép đụng chạm nữ giới. Nữ giới là sắc hữu tình (Upādinna). Chúng tôi có thể đụng chạm cái bàn vì nó là sắc vô tri (Anupādinna). Đụng chạm vào sắc vô tri (Anupādinna) thì không phải là hành động trái luật đối với chúng tôi. Nhưng đối với sắc hữu tình, thì chúng tôi không được phép đụng chạm nữ giới. Trong đó (Luật Tạng), những từ này được dùng. Các bạn phải hiểu rằng Upādinna có nghĩa là sắc hữu tình và vân vân. Bằng không, nếu các bạn cho rằng Upādinna chỉ có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) sanh ra từ nghiệp (Kamma), thì bạn sẽ bị sai ở đó. Cho nên, các bạn phải hiểu hai từ này: Upādinna và Anupādinna.

Sắc Hữu Kiến (Sanidassana- rūpa) Và Sắc Phi Hữu Kiến (Anidassana- rūpa)

Sắc cảnh sắc là có thể nhìn thấy được và những sắc pháp  còn  lại  là không  nhìn  thấy  được.  Trong  số  28  sắc pháp,  thì  chỉ  có  một  sắc pháp  là  nhìn  thấy  được  bằng mắt. Đó là sắc cảnh sắc (Rūpa). Nó được gọi là sắc hữu kiến (Sanidassana-rūpa). Những sắc pháp còn lại thì các bạn  không  thể  nhìn  thấy  được  bằng  mắt;  các  bạn  nhìn chúng bằng tâm trí của các bạn.

Sắc Nhiếp Viễn Cảnh (Asampattagāhika-rūpa) Và Sắc Nhiếp Cận Cảnh (Sampattagāhika-rūpa)

Mắt và tai được gọi là không tiếp cận (Asampatta) cảnh của chúng. Mũi, lưỡi và thân được gọi là tiếp cận (Sampatta) cảnh của chúng. Sampatta có nghĩa là tiếp cận, tức là đến với các bạn. Mắt và tai bắt đối tượng không tiếp cận chúng. Điều đó có nghĩa là chúng bắt đối tượng trước khi đối tượng đó tiếp cận chúng. Mắt và tai không vương ra và bắt đối tượng ở bên ngoài. Chúng ta có thể sử dụng ý nghĩa đó, nhưng ý nghĩa đúng là chúng bắt đối tượng chưa tiếp cận trực tiếp với chúng.

Ví dụ, chúng ta nói là sóng âm đến và tác động vào tai của chúng ta. Theo Thắng Pháp, thì chúng ta bắt âm thanh trước khi nó tác động vào lỗ tai. Nó có thể là gần lỗ tai, nhưng nó chưa chạm đến lỗ tai. Mắt và tai được gọi là không tiếp cận (Asampatta). Rồi thì chúng ta đặt từ “Gāhika” phía sau nó. Điều đó có nghĩa là bắt đối tượng mà chưa tiếp cận chúng. Nhưng mũi, lưỡi và thân thì được gọi là những giác quan bắt đối tượng đã tiếp cận chúng. Điều này thì dễ hiểu thôi. Khí-mùi khi chưa đụng chạm vào mũi của các bạn thì không sinh ra chất mùi cho các bạn cảm nhận. Vật xúc chạm và vị chất thì cũng giống như vậy. Cho nên, chúng được gọi là sắc nhiếp cận cảnh (Sampattagāhika).

Có một sự khác nhau về quan điểm giữa các giáo thọ sư trước thời của các Sớ Giải. Trước các Sớ Giải, có tài liệu được gọi là Mahā Aṭṭhakathā, tức là Chánh Sớ nguyên gốc cổ xưa. Khi Ngài Buddhaghosa viết các Chánh Sớ, Ngài đã lấy khá nhiều từ Mahā Aṭṭhakathā. Những tác giả của Mahā Aṭṭhakathā cho rằng mắt và tai thì bắt đối tượng đã tiếp cận được chúng. Tức là có sự khác nhau về quan điểm ở đây. Quan điểm của Ngài Buddhaghosa và các trưởng lão tại Mahāvihāra ở Sri Lanka là quan điểm chiếm ưu thế. Những tác giả hay tu sĩ sau này theo bước của các Ngài. Ngài Anuruddha cũng theo bước của các Ngài. Cho nên, Ngài Anuruddha nói rằng mắt và tai bắt đối tượng chưa tiếp cận trực tiếp với chúng. Những giác quan khác thì bắt đối tượng đã tiếp cận được chúng. Chúng ta có thể đồng ý hay không đồng ý với điều đó.

Sắc Nhiếp Cảnh (Gocaraggāhika-rūpa) Và Sắc Vô Nhiếp Cảnh (Agocaraggāhika)

Năm sắc thần kinh được gọi là sắc nhiếp cảnh (Gocaraggāhika). “Gocara” có nghĩa là đối tượng và “Gāhika” có nghĩa là trạng thái. Năm sắc pháp này được gọi là những sắc pháp bắt đối tượng. Những sắc pháp còn lại được gọi là Agocaraggāhika, tức là những sắc pháp không bắt đối tượng.

 

Phần đầu của chương này nói rằng sắc pháp (Rūpa) là không bắt cảnh (Anārammaṇa). Ở đây lại nói rằng nó thì bắt cảnh. Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng, khi nói rằng những sắc pháp này bắt cảnh, ví dụ như con mắt và lỗ tai bắt cảnh, thì nó thật ra có nghĩa không phải là con mắt và lỗ tai, mà là tâm nhãn thức và tâm nhĩ thức sanh lên phụ thuộc vào chúng để bắt cảnh. Đó là lý do tại sao chúng được nói là bắt đối tượng. Thật ra, sắc pháp (Rūpa) không thể bắt đối tượng.

Sắc Bất Ly (Avinibbhoga) Và Sắc Riêng Biệt (Vinibbhoga)

Nhóm cuối cùng là những sắc bất ly. Chúng là sắc cảnh sắc (Vaṇṇa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), dưỡng tố, tức là sắc vật thực (Ojā), và bốn sắc tứ đại (Bhūta-catukka). Tám loại sắc pháp này là không thể tách rời được (Avinibbhoga). Những sắc pháp còn lại được gọi là sắc pháp có thể được tách rời (Vinibbhoga). Tám sắc pháp này thì ở mọi nơi. Trong mỗi phần tử vật chất, cho dù nó có nhỏ đến như thế nào, thì cũng có tám yếu tố sắc pháp này. Chúng ta có thể chia nhỏ những phần tử vật chất thành những nguyên tử nhỏ nhất hay là tiểu nguyên tử. Thì theo Thắng Pháp (Abhidhamma), tiểu nguyên tử đó có tám thành tố này: màu sắc, mùi và vân vân. Chúng không thể bị tách rời ra. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu được chúng; chúng ta có thể phân tách chúng ra bằng tâm trí của chúng ta. Chúng ta nói rằng có màu sắc, mùi, vị và vân vân, nhưng thật ra, chúng ta không thể tách rời chúng ra. Bốn sắc tứ đại không thể bị tách rời ra. Luôn luôn có tám sắc pháp này ở mọi nơi. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là những sắc bất ly. Những sắc pháp khác tồn tại riêng biệt và chúng có thể bị tách rời. Thần kinh thị giác và thần kinh thính giác không sanh lên cùng với nhau. Chúng là riêng biệt. Chúng ta biết là không có thần kinh thị giác trong thần kinh thính giác và không có thần kinh thính giác trong thần kinh thị giác. Nhưng trong một phần tử vật chất thì chúng ta nói là có màu, có mùi, có vị. Cho nên, những sắc pháp này được gọi là tám sắc bất ly. Những sắc pháp còn lại là những sắc pháp có thể được tách rời. Tám sắc pháp này được xem là nền tảng của vật chất. Rồi chúng ta sẽ cộng một, hai hay ba sắc pháp khác vào đó. Chúng ta sẽ nghiên cứu về chúng trong phần thứ ba. Tám thành phần này được biết đến là nhóm tám sắc pháp thuần túy (xem CMA, VI, Guide to §7, p.246). Trong Pāḷi, chúng  được  gọi  là Suddhaṭṭhaka.  “Suddha”  có  nghĩa  là thuần túy, tức là không bị trộn lẫn với những thứ khác. “Aṭṭhaka” có nghĩa là một nhóm có tám. Cho nên, ở đây nó là một nhóm gồm tám sắc pháp thuần túy.

Chúng cũng được gọi là Ojaṭṭhamaka, tức là một nhóm có dưỡng tố là thành phần thứ tám. Trong số tám sắc pháp này có sắc dưỡng tố: màu sắc, mùi hương, vị chất và dưỡng tố. Cho nên, chúng được gọi là Ojaṭṭhamaka. Nếu các bạn đọc các Sớ Giải bằng Pāḷi, các bạn sẽ gặp những thuật ngữ này ở chỗ này chỗ kia. Suddhaṭṭhaka và Ojaṭṭhamaka có nghĩa cùng một thứ, tức là nhóm tám sắc pháp. Tám sắc pháp này không thể bị tách rời. Chúng luôn luôn có trong mọi phần tử vật chất.

Hai mươi tám sắc pháp này có thể được phân chia theo nhiều cách: nội và ngoại, vật và phi vật, môn và phi môn, và vân vân.

Nền tảng của sự phân chia này là năm sắc thần kinh. Năm sắc thần kinh là nội và những sắc pháp còn lại là ngoại.

Cộng thêm sắc ý vật vào thì chúng được gọi là vật sắc (Vatthu-rūpa) và những sắc còn lại là sắc phi vật (Avatthu-rūpa).

Rồi chúng ta cộng hai sắc biểu tri (Viññatti), thì bảy sắc pháp này là môn sắc (Dvāra-rūpa) và những sắc còn lại là sắc phi môn (Advāra-rūpa).

Rồi chúng ta cộng ba sắc pháp vào chúng. Ba sắc pháp này là gì? Chúng là hai sắc giới tính (Bhāva) và sắc mạng quyền (Jīvita). Trong Pāḷi, các bạn có thể nói là Pasāda (sắc thần kinh), Bhāva (sắc giới tính) và Jīvita (sắc mạng quyền). Do đó, có tất cả là tám. Chúng được gọi là quyền sắc (Indriya-rūpa). Những sắc còn lại là sắc phi quyền (Anindriya-rūpa).

Rồi chúng ta có nhóm mười hai sắc pháp. Chúng là những sắc pháp nào? Chúng là sắc thần kinh (Pasāda) và sắc cảnh giới (Visaya), tức là bao gồm năm sắc thần kinh (Pasāda) và bảy sắc cảnh giới (Gocara hay Visaya). Ở đây, từ Visaya được dùng. Như vậy, có mười hai sắc pháp. Chúng là thô, gần và hữu đối chiếu. Những sắc pháp còn lại được gọi là tế, xa và phi đối chiếu.

Và rồi, có những sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) sanh ra. Chúng có mười tám. Chúng ta sẽ nghiên cứu về chúng sau. Chúng được gọi là do thủ (Upādinna) và những sắc pháp còn lại thì được gọi là không do thủ (Anupādinna). Các bạn cũng phải hiểu những ý nghĩa khác nhau của Upādinna và Anupādinna: hữu tình và vô tri, sanh ra từ nghiệp (Kamma) và không sanh ra từ nghiệp (Kamma).

Và chỉ có một sắc cảnh sắc (Rūpa) là có thể thấy được. Những sắc pháp khác thì không thể nhìn thấy được. Ở đây, chúng được gọi là hữu kiến và phi hữu kiến.

Rồi có những sắc pháp bắt cảnh chưa tiếp cận đến chúng. Đó là những sắc pháp nào? Chúng là mắt và tai. Và rồi có những sắc pháp bắt cảnh đã tiếp cận trực tiếp với chúng: mũi, lưỡi và thân. Năm sắc pháp này được gọi là sắc nhiếp cảnh (Gocaraggāhika-rūpa).

Rồi có những sắc pháp không thể bị tách rời (Avinibbhoga). Chúng gồm có bao nhiêu? Có tám. Chúng là màu sắc, mùi, vị, dưỡng tố và tứ đại. Tám sắc pháp này được gọi là những sắc bất ly (Avinibbhoga). Những sắc pháp còn lại được gọi là sắc riêng biệt (Vinibbhoga). Các bạn có thể cho tôi biết tên gọi Pāḷi khác của những sắc bất ly (Avinibbhoga-rūpa) không? Những tên gọi khác là Suddhaṭṭhaka và Ojaṭṭhamaka. Như vậy, có ba tên gọi: Avinibbhoga, Suddhaṭṭhaka và Ojaṭṭhamaka. Chúng ta sẽ tìm thấy từ Suddhaṭṭhaka trong phần thứ tư.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app