Nội Dung Chính
Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II
Chương Sáu: Những Nhóm Sắc Pháp
Hôm nay, chúng ta học đến phần “Những Nhóm Sắc Pháp”, trong Pāḷi là “Kalāpa-yojana”. Từ “Kalāpa” có nghĩa là một nhóm. Như vậy, nó rất gần với từ “câu lạc bộ”. Sắc pháp không sanh lên riêng lẻ, chúng sanh lên theo nhóm mà được biết đến là Rūpa-kalāpa. Khi những sắc pháp sanh lên, chúng sanh lên trong một nhóm. Có tất cả 21 nhóm như vậy. Chúng được chia thành:
- những nhóm được tạo ra do nghiệp (Kamma),
- những nhóm được tạo ra do tâm (Citta),
- những nhóm được tạo ra do nhiệt lượng (Utu), và
- những nhóm được tạo ra do dưỡng tố (Āhāra). Nền tảng của những nhóm này là tám sắc bất
Trước hết, các bạn phải quen thuộc với tám sắc bất ly này. Nếu các bạn nhìn vào bảng nêu (xem CMA, VI, Table 6.3, p.262), các bạn sẽ thấy chúng trong phần Phân Loại Sắc Pháp (Rūpa-vibhāga), ở cột gần chót. Tám sắc bất ly (Avinibbhoga) là bốn sắc tứ đại, sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa) và dưỡng tố (Āhāra). Tám sắc pháp này được gọi là những sắc bất ly (Avinibbhoga) trong phần Phân Loại Sắc Pháp (Rūpa-vibhāga). Chúng sẽ được gọi là Suddhaṭṭhaka trong những nhóm sinh ra do tâm (Cittaja), bốn nhóm sinh ra do nhiệt lượng (Utuja) và hai nhóm sinh ra do dưỡng tố (Āhāraja). Tám sắc bất ly này được gọi là Avinibbhoga hay Suddhaṭṭhaka hay chúng cũng có thể được gọi là Ojaṭṭhamaka, tức là một tên khác. Tám sắc pháp này là nền tảng để hình thành nên những nhóm (Kalāpa).
Các Nhóm Sắc (Kalāpa) Được Tạo Ra Do Nghiệp (Kamma)
Đối với chín nhóm (Kalāpa) được tạo ra do nghiệp (Kamma), thì chín sắc pháp bao gồm tám sắc bất ly cộng với sắc mạng quyền (Jīvita) là nền tảng cho chín nhóm này. Nếu các bạn cộng thần kinh thị giác vào chín sắc pháp này, các bạn có nhóm nhãn (Cakkhu-dasaka). “Dasaka” có nghĩa là một nhóm có mười. “Cakkhu” có nghĩa là thần kinh thị giác như các bạn đã biết. Như vậy, một nhóm gồm có mười sắc pháp được đánh dấu với thần kinh thị giác thì được gọi là nhóm nhãn (Cakkhu- dasaka). Mười sắc pháp này làm thành một nhóm được gọi là nhóm nhãn (Cakkhu-dasaka).
Nhóm tiếp theo là nhóm nhĩ (Sota-dasaka). Ở đây, các bạn thay thế thần kinh thị giác (Cakkhu) bằng thần kinh thính giác (Sota). Nhóm này có tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh thính giác và được gọi là nhóm nhĩ (Sota-dasaka).
Nhóm tiếp theo có tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh khứu giác. Nhóm mười sắc pháp này được gọi là nhóm tỷ (Ghāna-dasaka).
Nhóm tiếp theo có tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh vị giác (Jivhā). Mười sắc pháp này được gọi là nhóm thiệt (Jivhā-dasaka).
Nhóm tiếp theo có tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh xúc giác. Mười sắc pháp này được gọi là nhóm thân (Kāya-dasaka).
Nhóm tiếp theo là nhóm nữ (Itthi-bhāva-dasaka), gồm tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và sắc tố nữ (Itthi-bhāva). Mười sắc pháp này được gọi là nhóm nữ (Itthi-bhāva-dasaka).
Tiếp theo là nhóm nam (Pumbhāva-dasaka). Ở đây, có tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và sắc tố nam. Mười sắc pháp này được gọi là nhóm nam (Pumbhāva- dasaka).
Nhóm tiếp theo có tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và sắc ý vật. Mười sắc pháp này được gọi là nhóm ý vật (Vatthu-dasaka).
Nhưng nhóm cuối thì chỉ có chín sắc pháp. Chúng là tám sắc bất ly và sắc mạng quyền (Jīvita). Chín sắc pháp này được gọi là nhóm mạng quyền (Jīvita-navaka).
Chín nhóm (Kalāpa) này được tạo ra do nghiệp (Kamma). Chúng được gọi là các nhóm do nghiệp tạo (Kammaja-kalāpa).
Một lần nữa, nhóm thứ nhất là gì? Đó là nhóm nhãn (Cakkhu-dasaka). Mười sắc pháp đó là gì? Chúng là tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh thị giác.
Nhóm thứ hai là nhóm nhĩ (Sota-dasaka) bao gồm tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh thính giác.
Nhóm thứ ba là nhóm tỷ (Ghāna-dasaka) bao gồm tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh khứu giác.
Nhóm thứ tư là nhóm thiệt (Jivhā-dasaka) bao gồm tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh vị giác.
Nhóm tiếp theo là nhóm thân (Kāya-dasaka) bao gồm tám sắc bất ly, sắc mạng quyền (Jīvita) và thần kinh xúc giác.
Và rồi có nhóm nữ (Itthi-bhāva-dasaka) gồm có tám sắc bất ly cộng với sắc mạng quyền (Jīvita) và sắc tố nữ (Itthi-bhāva).
Nhóm tiếp theo là nhóm nam (Pumbhāva-dasaka). Mười sắc pháp là tám sắc bất ly cộng với sắc mạng quyền (Jīvita) cộng với sắc tố nam.
Và rồi nhóm tiếp theo là nhóm ý vật (Vatthu- dasaka). Vatthu ở đây là Hadaya-vatthu (sắc ý vật). Trong nhóm này có tám sắc bất ly, cộng với sắc mạng quyền (Jīvita), cộng với sắc ý vật (Hadaya).
Nhóm cuối cùng chỉ có chín, tức là tám sắc bất ly cộng với sắc mạng quyền (Jīvita).
Có tất cả chín nhóm được tạo ra do nghiệp (Kamma).
Các Nhóm Sắc (Kalāpa) Được Tạo Ra Do Tâm (Citta)
Các bạn hãy nhìn vào cột Nguyên Nhân Sanh Ra Sắc Pháp (Rūpa-samuṭṭhāna) (xem CMA, VI, Table 6.3, p.263). Các bạn sẽ thấy tất cả những nhóm do tâm sanh (Cittaja-kalāpa). Có bao nhiêu nhóm do tâm sanh (Cittaja-kalāpa)? Có sáu nhóm. Nhóm thứ nhất là Suddhaṭṭhaka. “Suddha” có nghĩa là tinh khiết hay thuần túy. “Aṭṭhaka” có nghĩa là một nhóm gồm có tám. Nó được gọi là một nhóm sắc thuần khiết gồm có tám. Suddhaṭṭhaka có nghĩa là tám sắc bất ly (bốn sắc tứ đại, sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị
(Rasa) và dưỡng tố (Āhāra)). Như vậy, nhóm thứ nhất là nhóm tám sắc bất ly; tức là chỉ có tám sắc pháp này được tìm thấy trong nhóm (Kalāpa) này.
Nhóm thứ hai là nhóm thân biểu tri (Kāya-viññatti- navaka). Trong nhóm (Kalāpa) này có tám sắc bất ly và thân biểu tri (Kāya-viññatti).
Nhóm tiếp theo là nhóm ngữ biểu tri (Vacī-viññatti- dasaka). Khi các bạn lấy ngữ biểu tri (Vacī-viññatti), các bạn cũng lấy âm thanh (Sadda) vì không thể có ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) mà không có âm thanh. Khi chúng ta nói ngữ biểu tri (Vacī-viññatti), thì ý của chúng ta cũng là âm thanh. Cho nên, mặc dầu tên của nhóm là nhóm ngữ biểu tri (Vacī-viññatti-dasaka), nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng nó có nghĩa là nhóm thinh-ngữ biểu tri (Vacī-viññatti-sadda-dasaka). Nhưng chúng ta không gọi nó là nhóm thinh-ngữ biểu tri (Vacī-viññatti-sadda- dasaka). Chúng ta phải hiểu rằng âm thanh được bao gồm trong thuật ngữ nhóm ngữ biểu tri (Vacī-viññatti- dasaka). Nhóm ngữ biểu tri (Vacī-viññatti-dasaka) bao gồm tám sắc bất ly, âm thanh và ngữ biểu tri.
Nhóm tiếp theo là gì? Nhóm tiếp theo là nhóm đặc biệt (Lahutādekādasaka). “Ekādasa” có nghĩa là mười một. Lahutā có nghĩa là sắc khinh (Lahutā) và những sắc pháp khác. Thật ra, nó ám chỉ đến ba sắc pháp: khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā). Như vậy, nhóm đặc biệt (Lahutādekādasaka) bao gồm tám sắc bất ly cộng với sắc khinh (Lahutā), sắc nhu (Mudutā) và sắc thích nghiệp (Kammaññatā); cho nên, có mười một sắc pháp.
Nhóm tiếp theo là nhóm thân biểu tri đặc biệt (Kāya-viññatti-lahutādidvādasaka). Thân biểu tri (Kāya- viññatti) là một. Khinh và vân vân (Lahutādi) là ba. Cho nên, một cộng ba là bốn. Và bốn cộng với tám là mười hai. Mười hai được gọi là Dvādasa trong Pāḷi. Cho nên, chúng ta có nhóm thân biểu tri đặc biệt (Kāya-viññatti- lahutādi-dvādasaka), gồm mười hai sắc pháp với thân biểu tri (Kāya-viññatti), ba sắc đặc biệt và tám sắc bất ly.
Nhóm cuối cùng là nhóm thinh ngữ biểu tri đặc biệt (Vacī-viññatti-sadda-lahutādi-terasaka). Ở đây, âm thanh (Sadda) được dùng. Ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) là một. Sắc cảnh thinh (Sadda) là một. Khinh và vân vân (Lahutādi) là ba. Năm cộng với tám là mười ba. Mười ba được gọi là Terasa trong Pāḷi. Cho nên, tên của nhóm này là Vacī-viññatti-sadda-lahutādi-terasaka.
Có sáu nhóm được tạo ra do tâm (Citta) – thật ra, tất cả những nhóm này là những nhóm được tạo ra do tâm (Citta) trong Nguyên Nhân Sanh Ra Sắc Pháp (Rūpa-samuṭṭhāna). Chúng ta hãy ôn lại chúng một lần nữa.
- Nhóm thứ nhất là nhóm sắc thuần khiết (Suddhaṭṭhaka), chỉ có tám sắc pháp.
- Nhóm thứ hai là nhóm thân biểu tri (Kāya- viññatti-navaka). Tức là tám cộng với thân biểu tri (Kāya-viññatti).
- Nhóm thứ ba là nhóm ngữ biểu tri (Vacī- viññatti-dasaka). Tức là tám cộng với ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) cộng với sắc cảnh thinh (Sadda).
- Và rồi có nhóm đặc biệt (Lahutādekādasaka): có mười một, bao gồm tám cộng với khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā).
- Nhóm thứ năm là nhóm thân biểu tri đặc biệt (Kāya-viññatti-lahutādi-dvādasaka). Có thân biểu tri (Kāya-viññatti) và rồi khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā), và tám sắc bất ly.
- Nhóm cuối cùng là nhóm thinh-ngữ biểu tri (Vacī-viññatti-sadda-lahutādi-terasaka): tám sắc bất ly cộng với ngữ biểu tri, sắc cảnh thinh, cộng với khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā). Như vậy, có tất cả là mười ba sắc pháp.
Nếu các bạn có bảng nêu, các bạn có thể tìm thấy chúng rất dễ dàng (xem CMA, VI, Table 6.3, p.263). Nếu các bạn không có bảng nêu, các bạn phải ghi nhớ chúng. Tám sắc bất ly là nền tảng. Các bạn cộng thêm một sắc pháp nào đó vào tám sắc pháp này. Đối với những nhóm (Kalāpa) do nghiệp (Kamma) sanh, thì các bạn cộng thêm sắc mạng quyền (Jīvita) và lấy chín sắc pháp này làm nền tảng. Nhưng ở đây, đối với sắc do tâm thức sanh (Cittaja), thì các bạn lấy tám sắc bất ly làm nền tảng. Rồi các bạn cộng thêm thân biểu tri (Kāya-viññatti) thì các bạn có một nhóm (Navaka). Rồi các bạn cộng thêm ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) và sắc cảnh thinh thì các bạn có nhóm ngữ biểu tri (Vacī-viññatti-dasaka). Các bạn cộng thêm khinh sắc (Lahutā) và những sắc pháp khác thì các bạn có nhóm đặc biệt (Lahutādekādasaka). Và rồi các bạn cộng thêm thân biểu tri (Kāya-viññatti) và ba sắc khinh và vân vân (Lahutādi) thì các bạn có nhóm thân biểu tri đặc biệt (Kāya-viññatti-lahutādi-dvādasaka). Các bạn cộng thêm ngữ biểu tri, sắc cảnh thinh và ba sắc khinh và vân vân thì các bạn có nhóm thinh-ngữ biểu tri đặc biệt (Vacī-viññatti-sadda-lahutādi-terasaka).
Các Nhóm Sắc (Kalāpa) Được Tạo Ra Do Nhiệt Lượng (Utu)
Tiếp theo là bốn nhóm sắc (Kalāpa) được tạo ra do nhiệt lượng (Utu).
- Nhóm thứ nhất là nhóm thuần khiết (Suddhaṭṭhaka).
- Nhóm thứ hai là nhóm cảnh thinh (Sadda- navaka). Tức là tám sắc bất ly cộng với sắc cảnh thinh (Sadda).
- Nhóm thứ ba là nhóm đặc biệt (Lahutādekādasaka). Tức là có tám sắc bất ly cộng với khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā).
- Nhóm thứ tư là nhóm thinh đặc biệt (Sadda- lahutādi-dvādasaka). Tức là có sắc cảnh thinh và ba sắc khinh (Lahutā), nhu (Mudutā), thích nghiệp (Kammaññatā) và tám sắc bất
Đây là những nhóm sắc được tạo ra do nhiệt lượng.
Các Nhóm Sắc (Kalāpa) Được Tạo Ra Do Dưỡng Tố (Āhāra)
Có hai nhóm sắc (Kalāpa) được tạo ra do dưỡng tố (Āhāra).
- Nhóm thứ nhất cũng là nhóm thuần khiết (Suddhaṭṭhaka).
- Nhóm thứ hai là nhóm đặc biệt (Lahutādekādasaka). Ba sắc khinh, nhu và thích nghiệp cộng với tám sắc bất ly. Mười một sắc pháp này tạo nên nhóm sắc này.
Như vậy, tất cả có 21 nhóm sắc (Kalāpa): chín, sáu, bốn và hai.
Trong cuốn CMA có ghi:
“Trong số chúng, hai nhóm sắc pháp được tạo ra bởi nhiệt lượng – nhóm thuần khiết và nhóm cảnh thinh – cũng được tìm thấy ở bên ngoài. Tất cả những nhóm còn lại thì tuyệt đối là ở bên trong.” (CMA, VI, §21, p.254)
Chúng ta phải hiểu điều này. Trong số 21 nhóm sắc (Kalāpa), chỉ có hai nhóm là có thể được tìm thấy ở bên ngoài những chúng sanh hữu tình. Ở bên ngoài có nghĩa là ở bên ngoài chúng sanh. Những nhóm khác thì luôn luôn là ở bên trong. Ở đây, nhóm thuần khiết và nhóm cảnh thinh cũng được tìm thấy ở bên ngoài. Chỉ có hai nhóm này có thể được tìm thấy cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng là nhóm thuần khiết và nhóm cảnh thinh. Một cục đá bao gồm những cái gì? Nó bao gồm chỉ có tám sắc bất ly. Khi các bạn thả cục đá xuống đất thì âm thanh được tạo ra. Đó là nhóm cảnh thinh. Chỉ có hai nhóm này được tìm thấy ở bên ngoài những chúng sanh hữu tình. Những nhóm khác thì luôn luôn là ở bên trong.
Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), cây cỏ, núi rừng và những vật khác tương tự thì được xem là ở bên ngoài, không bao giờ là bên trong. Cho nên, chúng ta không thể nói: có sắc mạng quyền (Jīvita) ở trong cây cỏ. Như các bạn thấy ở đây, sắc mạng quyền (Jīvita) chỉ sanh lên ở bên trong. Nhóm mạng quyền (Jīvita-navaka) và tất cả những nhóm sắc do nghiệp sanh (Kammaja) chỉ sanh lên ở bên trong. Cho nên, theo Thắng Pháp (Abhidhamma), sắc mạng quyền (Jīvita) không thể được tìm thấy bên ngoài những chúng sanh hữu tình. Thắng Pháp (Abhidhamma) xem cây cỏ và những thứ khác là những vật vô tri, không phải là những chúng sanh hữu tình. Như vậy, nói là có sắc mạng quyền (Jīvita) trong cây cỏ là sai. Chúng ta phải rất cẩn thận khi chúng ta nói về những vật này. Có thể có cái được gọi là đời sống trong cây cỏ, nhưng đời sống đó không phải là mạng quyền (Jīvita). Nó có thể là một cái gì đó mà được gọi là đời sống. Như vậy, tất cả 21 nhóm sắc có thể được tìm thấy ở bên trong và chỉ có hai nhóm là được tìm thấy ở bên ngoài. Khi nào chúng ta nghe sấm nổ, dầu cho nó có to như thế nào, thì nó cũng chỉ là nhóm cảnh thinh (Sadda-navaka).
Sắc giao giới (Ākāsa) và bốn sắc tướng trạng: hình thành (Upacaya), diễn tiếp (Santati), lão suy (Jaratā) và vô thường (Aniccatā) thì không thuộc vào những nhóm sắc (Kalāpa). Khi chúng ta nói về các nhóm sắc (Kalāpa), chúng ta không nói về những sắc pháp này. Chúng không được bao gồm trong những nhóm sắc (Kalāpa). Câu văn cuối giải thích điều này:
“Vì sắc giao giới tạo ranh giới, và các sắc tướng trạng chỉ biểu thị, cho nên, các bậc trí cho rằng chúng không phải là những thành phần của những nhóm sắc.” (CMA, VI, §22, p.254)
Tôi nghĩ ở đây bị thiếu một từ. “Vì sắc giao giới tạo ranh giới, và các sắc tướng trạng chỉ biểu thị các nhóm sắc (Kalāpa).” Chúng ta nên thêm vào các nhóm sắc. “Vì sắc giao giới tạo ranh giới, và các sắc tướng trạng chỉ biểu thị các nhóm sắc, cho nên, các bậc trí cho rằng chúng không phải là những thành phần của những nhóm sắc.”
Tại sao sắc giao giới và bốn sắc tướng trạng không được bao gồm trong những nhóm sắc (Kalāpa)? Chúng không được bao gồm trong những nhóm sắc (Kalāpa) vì sắc giao giới chỉ là sự ngăn cách giữa hai nhóm sắc (Kalāpa). Khi các nhóm sắc (Kalāpa) gặp nhau thì có sắc giao giới này. Đây là khoảng trống giữa hai nhóm sắc (Kalāpa). Khoảng trống chỉ có thể được tìm thấy giữa các nhóm sắc (Kalāpa) chứ không phải bên trong các nhóm sắc (Kalāpa). Đó là lý do tại sao sắc giao giới không được bao gồm trong những nhóm sắc (Kalāpa). Trong một nhóm sắc (Kalāpa), tất cả những sắc pháp bị nén chặt vào nhau, không có khoảng trống nào ở giữa chúng. Sắc giao giới chỉ được tìm thấy giữa một nhóm này với một nhóm khác. Các nhóm này có thể đụng chạm vào nhau, nhưng vẫn có một loại khoảng trống nào đó ở giữa hai nhóm này. Và rồi những đặc điểm thì chỉ là những tướng trạng hay những giai đoạn khác nhau của những sắc pháp này. Cho nên, chúng không được bao gồm trong những nhóm sắc (Kalāpa). Sắc giao giới thì không được bao gồm trong những nhóm sắc vì nó chỉ tạo ranh giới cho những nhóm sắc (Kalāpa). Các sắc tướng trạng không được bao gồm trong những nhóm sắc vì chúng chỉ biểu hiện những giai đoạn của sắc pháp: hình thành, diễn tiếp, lão suy và vô thường. Cho nên, chúng không phải là những thành phần của các nhóm sắc (Kalāpa).
Cột đầu tiên là sự liệt kê sắc pháp (Rūpa- samuddesa). Chương này bắt đầu với sự liệt kê sắc pháp (Rūpa-samuddesa). Chúng ta hãy nhìn vào sự liệt kê sắc pháp này. Có 28 sắc pháp (Rūpa). Các bạn có thể tìm thấy tên gọi của 28 sắc pháp này trong cuốn CMA (xem CMA, VI, Table 6.3, p.262-263). Chúng là địa đại (Pathavī), thủy đại (Āpo), hỏa đại (Tejo), phong đại (Vāyo). Rồi có thần kinh thị giác (Cakkhu), thần kinh thính giác (Sota), thần kinh khứu giác (Ghāna), thần kinh vị giác (Jivhā), thần kinh xúc giác (Kāya), sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh thinh (Sadda), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba). Sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba), thật ra, là sự kết hợp của ba sắc tứ đại. Sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) là sự kết hợp của ba sắc pháp nào? Sự kết hợp của địa đại (Pathavī), hỏa đại (Tejo) và phong đại (Vāyo) được xem là sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba). Đó là lý do tại sao sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) xuất hiện trong 28 sắc pháp, nhưng nó không được tính như là một sự thật chân đế riêng biệt vì các thành phần của nó là ba sắc tứ đại đã được tính rồi. Tiếp theo là sắc tố nữ (Itthi-bhāva), và rồi chúng ta có sắc tố nam (Pumbhāva), sắc ý vật (Hadaya), sắc mạng quyền (Jīvita), dưỡng tố (Āhāra), sắc giao giới (Ākāsa). Rồi có thân biểu tri (Kāya-viññatti), ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) và rồi khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā) và hình thành (Upacaya), diễn tiếp (Santati), lão suy (Jaratā), vô thường (Aniccatā). Aniccatā có nghĩa là tan rã hay chết. Như vậy, ở đây có 28 sắc pháp.
Chúng ta phải cẩn thận với sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba). Mặc dầu sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) được bao gồm trong một vài sự liệt kê, nhưng con số thì không thay đổi vì sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba) và ba sắc tứ đại là giống nhau. Vì chúng ta đã lấy bốn sắc tứ đại, cho nên, mặc dầu chúng ta có đề cập đến sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba), nhưng tổng số sắc pháp thì không tăng lên.
Nhóm thứ nhất là tứ đại (Mahābhūta). Những sắc còn lại là sắc y sinh (Upādā). Chúng ta có bốn sắc tứ đại và 24 sắc y sinh.
Tiếp theo là nội (Ajjhattika) và ngoại (Bāhira). Thần kinh thị giác (Cakkhu), thần kinh thính giác (Sota), thần kinh khứu giác (Ghāna), thần kinh vị giác (Jivhā) và thần kinh xúc giác (Kāya) là nội (Ajjhattika). Những sắc còn lại là ngoại (Bāhira).
Rồi thì có vật (Vatthu). Vật (Vatthu) có nghĩa là thần kinh thị giác (Cakkhu), thần kinh thính giác (Sota), thần kinh khứu giác (Ghāna), thần kinh vị giác (Jivhā), thần kinh xúc giác (Kāya) và sắc ý vật (Hadaya). Những sắc còn lại là phi vật (Avatthu).
Rồi thì có môn (Dvāra). Thần kinh thị giác (Cakkhu), thần kinh thính giác (Sota), thần kinh khứu giác (Ghāna), thần kinh vị giác (Jivhā), thần kinh xúc giác (Kāya), thân biểu tri (Kāya-viññatti) và ngữ biểu tri (Vacī-viññatti) được gọi là môn (Dvāra) vì chúng là những cửa của những nghiệp: thân nghiệp và ngữ nghiệp. Chúng không giống như môn (Dvāra) mà chúng ta quen thuộc trong chương thứ ba. Chúng được gọi là nghiệp môn (Kamma-dvāra). Vì chúng là môn (Dvāra), nên chúng được bao gồm ở đây. Có bảy môn (Dvāra) và những sắc pháp còn lại là phi môn (Advāra).
Nhóm tiếp theo là các quyền (Indriya). Các quyền (Indriya) là thần kinh thị giác (Cakkhu), thần kinh thính giác (Sota), thần kinh khứu giác (Ghāna), thần kinh vị giác (Jivhā), thần kinh xúc giác (Kāya), sắc tố nữ (Itthi- bhāva), sắc tố nam (Pumbhāva), sắc mạng quyền (Jīvita). Tám sắc pháp này được gọi là các quyền (Indriya). Những sắc pháp còn lại là phi quyền (Anindriya).
Rồi thô (Oḷārika) và vân vân, có mười hai. Thủy đại (Āpo) không được bao gồm trong đó. Những sắc pháp thô (Oḷārika) là địa đại (Paṭhavī-dhātu), hỏa đại (Tejo- dhātu), phong đại (Vāyo-dhātu), năm sắc thần kinh (Pasāda-rūpa) và những sắc cảnh giới (Gocara-rūpa). Những sắc pháp này được gọi là thô, gần và hữu đối chiếu. Những sắc còn lại được gọi là tế (Sukhuma), cũng như xa và phi đối chiếu. Thủy đại (Āpo) là tế (Sukhuma).
Nhóm tiếp theo là do thủ (Upādinna). Do thủ (Upādinna) là gì? Các bạn có nhớ không? Kammaja- upādinna và Kammaja là như nhau, tức là do nghiệp tạo. Có mười tám: bốn sắc tứ đại (Mahābhūta), năm sắc thần kinh (Pasāda-rūpa), sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba)1, và rồi sắc tố nữ (Itthi-bhāva), sắc tố nam (Pumbhāva), sắc ý vật (Hadaya), sắc mạng quyền (Jīvita), dưỡng tố (Āhāra) và sắc giao giới (Ākāsa). Tất cả có mười tám. Những sắc pháp còn lại là không do thủ (Anupādinna).
Và rồi tiếp theo là gì? Chỉ có một sắc hữu kiến (Sanidassana). Trong số 28 sắc pháp, chỉ có một sắc pháp là các bạn có thể thấy được. Những sắc pháp khác các bạn không thể thấy được bằng mắt. Các bạn nhìn những sắc pháp khác bằng tâm trí của các bạn.
Rồi có sắc nhiếp cảnh (Gocaraggāhika), tức là những sắc pháp tiếp nhận cảnh. Đó là năm sắc pháp: thần kinh thị giác (Cakkhu), thần kinh thính giác (Sota), thần kinh khứu giác (Ghāna), thần kinh vị giác (Jivhā) và thần kinh xúc giác (Kāya). Những sắc pháp khác là sắc vô nhiếp cảnh (Agocaraggāhika).
Rồi có tám sắc bất ly (Avinibbhoga). Những sắc pháp còn lại là sắc riêng biệt (Vinibbhoga).
Rồi chúng ta có những nguyên nhân sinh ra sắc pháp (Rūpa). Có mười tám sắc pháp do nghiệp sinh (Kammaja-rūpa). Chúng là tứ đại (Mahābhūta), năm sắc thần kinh (Pasāda-rūpa), sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba)1, và rồi sắc tố nữ (Itthi-bhāva), sắc tố nam (Pumbhāva), sắc ý vật (Hadaya), sắc mạng quyền (Jīvita), dưỡng tố (Āhāra) và sắc giao giới (Ākāsa).
Những sắc do tâm tạo (Cittaja-rūpa) là tứ đại (Mahābhūta), sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), dưỡng tố (Āhāra), sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba), và rồi sắc cảnh thinh (Sadda), sắc giao giới (Ākāsa), cộng với thân biểu tri (Kāya-viññatti), ngữ biểu tri (Vacī-viññatti), khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā).
Và những sắc pháp do nhiệt lượng tạo (Utuja-rūpa) là tứ đại (Mahābhūta), và rồi sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba), dưỡng tố (Āhāra), sắc cảnh thinh (Sadda), sắc giao giới (Ākāsa), khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā).
Những sắc pháp do dưỡng tố tạo (Āhāraja-rūpa) là tứ đại (Mahābhūta), và rồi sắc cảnh sắc (Rūpa), sắc cảnh khí (Gandha), sắc cảnh vị (Rasa), sắc cảnh xúc (Phoṭṭhabba), dưỡng tố (Āhāra), sắc giao giới (Ākāsa), và rồi khinh (Lahutā), nhu (Mudutā) và thích nghiệp (Kammaññatā).
Bây giờ, chúng ta đã quen thuộc với bốn phần đầu của luận thư Abhidhammatthasaṅgaha về sắc pháp (Rūpa): liệt kê (Samuddesa), phân loại (Vibhāga), nguyên nhân (Samuṭṭhāna) và các nhóm (Kalāpa).
Sự Sanh Lên Của Sắc Pháp
Chúng sẽ học đến phần tiếp theo. Phần tiếp theo là Sự Sanh Lên Của Sắc Pháp (Rūpa-pavattikkama). Tức là tiến trình diễn ra của những sắc pháp – khi chúng sanh lên, và thật ra là không chỉ có như vậy, mà còn là lúc nào là lúc chúng sanh lên lần cuối và biến mất lần cuối.
Trong Sự Liệt Kê Sắc Pháp (Rūpa-samuddesa), chúng ta đã học một chút về việc khi nào sắc pháp sanh lên trong một đời sống. Các bạn còn nhớ không? Khi nào thì sắc pháp do nghiệp tạo (Kammaja-rūpa) sanh lên? Nó sanh lên tại tiểu sát-na đầu tiên của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) và rồi tại mỗi tiểu sát-na trong suốt đời sống.
Và rồi khi nào sắc pháp do tâm tạo (Cittaja-rūpa) sanh lên? Nó sanh lên tại tiểu sát-na đầu tiên của tâm hữu phần (Bhavaṅga). Chúng ta có tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Rồi có tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất, tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ hai, tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ ba và vân vân. Tại sát-na đầu tiên của tâm hữu phần (Bhavaṅga) đầu tiên, sắc pháp do tâm tạo (Cittaja-rūpa) sanh lên. Và rồi sau đó, sắc pháp do tâm tạo (Cittaja-rūpa) chỉ được sanh ra tại mỗi tiểu sát-na sanh, chứ không tại những tiểu sát-na trụ và tiểu sát-na diệt.
Các bạn cũng có biết khi nào sắc pháp do nhiệt lượng tạo (Utuja-rūpa) sanh ra không? Nó sanh ra lần đầu tiên tại tiểu sát-na trụ của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Các bạn phải nhớ điều này trước khi các bạn học tiếp.
Chúng ta không biết sự sanh lên lần đầu tiên của sắc pháp do dưỡng tố tạo (Āhāraja-rūpa). Chúng ta không thể chỉ điểm rõ ràng khi nào nó sanh lên. Khi sự thụ thai xảy ra, chúng ta không biết khi nào sắc pháp do dưỡng tố tạo sanh lên ở đó. Đối với những chúng sanh sinh ra trong thai bào, thì họ có sắc pháp do dưỡng tố tạo (Āhāraja-rūpa) khi họ nhận dưỡng tố từ người mẹ thông qua dây rốn. Chúng ta không biết hay không thể nói chính xác khi nào sắc pháp do dưỡng tố tạo (Āhāraja- rūpa) sanh lên lần đầu tiên trong một kiếp sống.
Trong Dục Giới (Kāmāvacara Loka)
Trong Suốt Thời Gian Hiện Hữu
Bây giờ, chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp.
“Tất cả những sắc pháp này có được trọn vẹn (tức là không có khuyết điểm hay thiếu sót nào), tùy theo tình huống, trong suốt thời gian hiện hữu trong dục giới (Kāmāvacara Loka).” (CMA, VI, §23, p.255) 28 sắc pháp này có thể có được trong dục giới (Kāmāvacara Loka). Tất cả 28 sắc pháp đều có thể có được trong dục giới (Kāmāvacara Loka). Chúng ta cần phải hiểu “tùy theo tình huống” và “không có khuyết điểm hay thiếu sót nào”. “Không có khuyết điểm hay thiếu sót nào” có nghĩa là tất cả 28 sắc pháp này đều có thể có được. Nhưng “tùy theo tình huống” có nghĩa là nếu các bạn là nam thì các bạn chỉ có 27; nếu các bạn là nữ thì các bạn chỉ có 27. Các bạn không thể có tất cả 28 sắc pháp. Đó là lý do tại sao nó được nói là “tùy theo tình huống”. Nói chung thì tất cả 28 sắc pháp đều có thể có được trong cõi nhân loại. Nhưng cụ thể thì một người chỉ có thể có nhiều nhất là 27, chứ không phải 28.
Tại Lúc Tái Sinh
Tại lúc tái sinh (Paṭisandhi), có bốn loại tục sinh. Nếu các bạn lật đến trang 256 của cuốn CMA, các bạn sẽ thấy chúng được nêu lên ở đó.
“Theo Phật giáo thì có bốn loại tục sinh, tức là noãn sinh (aṇḍaja), …” (CMA, VI, Guide to §23, p.256)
Các bạn biết noãn sinh phải không? Chim và cá là những chúng sanh noãn sinh.
“… thai sinh (jaḷābuja), …” (CMA, VI, Guide to §23, p.256)
Tức là nhân loại, thú vật và những loài khác.
“… thấp sinh (saṃsedaja), …” (CMA, VI, Guide to 23, p.256)
Tức là côn trùng và vân vân. Cuối cùng là:
“… hóa sinh (opapātika).” (CMA, VI, Guide to §23, p.256)
Các Thiên nhân (Deva), Phạm thiên (Brahma), chúng sanh trong địa ngục, quỷ đói (Peta) và vân vân có thể tái sanh bằng cách này. Nó được gọi là hóa sinh vì những chúng sanh này không phát triển từ một thai bào. Khi họ tái sinh, họ đã là người trưởng thành. Khi các bạn tái sanh làm Thiên nhân (Deva), các bạn sanh ra tại đó là một chúng sanh khoảng mười sáu tuổi. Các bạn không phải làm một đứa bé và rồi lớn lên. Họ được gọi là hóa sinh. Có bốn loại tục sinh này.
Tác giả, tức là Ngài Ācariya Anuruddha, có nói ở đây rằng:
“Nhưng tại lúc tục sinh, đối với chúng sanh thấp sanh và hóa sanh, thì nhiều nhất là bảy nhóm sắc sanh lên…” (CMA, VI, §23, p.255)
Chúng ta hãy lấy một Thiên nhân (Deva) làm ví dụ. Một Thiên nhân (Deva) là hóa sinh. Khi chúng sanh đó tái sanh làm Thiên nhân (Deva), bảy nhóm sắc sẽ sanh lên tại thời điểm tục sinh. Chúng là nhóm nhãn, nhóm nhĩ, nhóm tỷ, nhóm thiệt, nhóm thân, nhóm giới tính và nhóm ý vật. Bảy nhóm này sanh lên tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi). Tức là bảy loại nhóm này, chứ không phải chỉ có bảy nhóm. Các bạn tái sanh ở đó làm một chúng sanh mười sáu tuổi. Cho nên, có hàng triệu và hàng triệu sắc pháp. Bảy nhóm có nghĩa là bảy loại nhóm, nhưng có thể có hàng triệu nhóm nhãn, hàng triệu nhóm nhĩ và vân vân. Và điều được ghi nhận là, nhiều nhất là có thể có bảy loại nhóm.
“Nếu nói tối thiểu, thì đôi lúc, các nhóm nhãn, nhĩ, tỷ và giới tính không phát sanh lên được.” (CMA, VI, §23, p.255)
Đối với những chúng sanh này, tức là đối với những chúng sanh thấp sanh và hóa sanh, thì nhóm nhãn, nhóm nhĩ, nhóm tỷ hay nhóm giới tính có thể bị khiếm khuyết hay thiếu sót. Một vài chúng sanh có thể sanh ra không có mắt, tai, mũi hay giới tính.
Chúng ta phải hiểu sự thiếu sót của những sắc pháp hay của những nhóm sắc thông qua những nhóm sắc này. Đôi lúc, nhóm nhĩ có thể bị thiếu. Trong trường hợp đó, sẽ chỉ có sáu nhóm. Đôi lúc, nhóm tỷ sẽ bị thiếu. Trong trường hợp đó, sẽ chỉ có sáu nhóm và vân vân. Mắt, tai, mũi và giới tính có thể bị thiếu trong những chúng sanh này, tức là những chúng sanh thấp sanh và hóa sanh.
Người nhân loại tại thời điểm bắt đầu của một kiếp trái đất thì là hóa sanh. Họ không phải sanh vào lòng mẹ vì họ là những người nhân loại đầu tiên. Khi nhân loại xuất hiện trên thế gian lần đầu tiên, họ là hóa sanh. Họ rớt xuống từ thế giới Phạm thiên (Brahma) hay cái gì đó giống như vậy. Điều được ghi nhận là tại lúc khởi đầu đó, không có sự khác nhau về giới tính. Họ chỉ là người nhân loại. Nhóm sắc giới tính có thể bị thiếu cho những người nhân loại hóa sanh vào lúc khởi đầu của một kiếp trái đất. Chỉ sau này, giới tính và những sự dị biệt khác mới xảy ra. Tại những lúc khởi đầu của một kiếp trái đất, không có nam hay nữ, mà chỉ có người nhân loại. Nếu các bạn muốn đọc về điều đó, các bạn nên tham khảo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), sự khởi đầu và kết thúc của một kiếp trái đất được giải thích rõ. Đối với những chúng sanh thấp sanh và hóa sanh, thì có nhiều nhất là bảy nhóm sắc tại thời điểm tục sinh. Trong số chúng, những nhóm nhãn, nhĩ, tỷ và giới tính có thể bị thiếu sót. Nếu một nhóm bị thiếu sót thì sẽ còn sáu nhóm. Nếu hai nhóm bị thiếu sót thì sẽ còn năm nhóm và vân vân.
Đối Với Những Chúng Sanh Thai Sanh
Bây giờ, ở đoạn văn tiếp theo:
“Đối với những chúng sanh thai sanh (như nhân loại hay thú vật) thì ba nhóm sắc sanh lên (tại lúc tục sinh) …” (CMA, VI, §23, p.255)
Chỉ có ba nhóm sắc sanh lên tại lúc tục sinh, tức là tại lúc thọ thai trong bụng mẹ. Ba nhóm sắc này là nhóm thân, nhóm giới tính và nhóm ý vật.
“Tuy nhiên, đôi lúc, nhóm giới tính thì không có.” (CMA, VI, §23, p.255)
Một người có thể sanh ra không có giới tính. Họ được gọi là Nipuṃsika trong Pāḷi.
“Sau đó, trong suốt thời gian hiện hữu, …” (CMA, VI, §23, p.255)
Tức là sau sự tục sinh (Paṭisandhi), bắt đầu với thời điểm sau sự tục sinh (Paṭisandhi), nó được gọi là thời bình sinh.
“… dần dần có sự sanh lên của nhóm nhãn và vân vân.” (CMA, VI, §23, p.255)
Đó là cách chúng sanh phát triển như thế nào. Nhưng nó rất là thô sơ. Như vậy, theo sự trình bày ở đây, thì tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), chỉ có ba nhóm sắc. Ba nhóm sắc có nghĩa là ba mươi sắc pháp. Và rồi sau đó, dần dần nhóm nhãn và vân vân sanh lên.
Liên quan đến vấn đề này, chúng ta cũng nên biết Đức Phật đã nói gì về sự phát triển của thai bào.
“Paṭhamaṃ kalalaṃ hoti, kalalā hoti abbudaṃ; abbudā jāyate pesi, pesi nibbattatī ghano; ghanā pasākhā jāyanti, kesā lomā nakhāpi ca.” (Saṃyuttanikāya, Sagāthāvaggapāḷi, 10. Yakkhasaṃyuttaṃ, 1 Indakasuttaṃ, 235)
Đây là chánh văn Pāḷi trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya). Một lần nọ, có một Thiên nhân đến gặp Đức Phật và hỏi Ngài về chúng sanh. Đức Phật trả lời trong câu kệ này. “Trước hết thì có Kalala. (Chúng ta sẽ tìm hiểu nghĩa sau.) Sau Kalala thì có Abbuda. Sau Abbuda thì nó trở thành Pesi. (Tức là nó phát triển lên thành Pesi.) Pesi trở thành Ghana. Sau Ghana, những Pasākha sanh lên và cũng như tóc, lông và móng.” Đây là những gì Đức Phật giảng về sự phát triển của một thai bào.
Đức Phật không nói rằng Kalala phát triển trong một tuần và rồi sau đó Abbuda phát triển trong một tuần. Thời gian một tuần này thì được thêm vào trong những Sớ Giải. Trong các Sớ Giải có nói: “Cùng với tâm tục sinh đầu tiên thì không có cái gì đáng để nêu tên như Tissa hay Phussa.” Đó là vì nó chỉ là một dấu vết nhỏ xíu của sắc pháp. Chỉ có ba mươi sắc pháp. “Nhưng có Kalala, không nhiều hơn một giọt dầu treo trên đầu của một sợi chỉ được tạo ra bởi ba cọng lông của một đứa trẻ sơ sinh.” Ở đây, đứa trẻ có nghĩa là một con dê con mới sinh. “Với sự tham khảo như vậy, nó được nói là: ‘Giống như một giọt dầu mè, (hay của) kem bơ trong suốt, Kalala được nói là có diện mạo như vậy đấy.’”
Như vậy, trước hết chúng ta có Kalala. Ý nghĩa đơn giản của Kalala là bùn. Nó có thể là cái gì đó giống như bùn mỏng mềm. Kalala được giải thích là sắc pháp (Rūpa) trong giống như nước. Kích cỡ của Kalala này thì như thế nào? “Không nhiều hơn một giọt dầu treo trên đầu của một sợi chỉ được tạo ra bởi ba cọng lông của một đứa trẻ sơ sinh.” Lông của một đứa trẻ mới sinh thì rất là tế, mềm và nhỏ. Các bạn lấy ba sợi lông và làm thành một sợi chỉ. Rồi các bạn nhúng nó vào dầu và đưa nó lên cao. Dầu sẽ nhỏ giọt xuống. Và giọt cuối cùng, tức là rất rất ít, có kích cỡ của một Kalala. Đó là thứ mà Chánh Sớ nói ở đây. “Có Kalala, không nhiều hơn một giọt dầu treo trên đầu của một sợi chỉ được tạo ra bởi ba cọng lông của một đứa trẻ sơ sinh.” Với sự tham khảo như vậy, nó được nói là: “Như vậy, Kalala thì giống như giọt dầu mè đó hay giống như một giọt kem bơ trong suốt.” Bơ thì trong. Nó là bơ được làm tinh khiết, nên nó trong suốt. Điều đó có nghĩa là Kalala thì rất nhỏ. Chúng ta không thể nói nhỏ như thế nào. Nó chỉ là một phần vật chất rất nhỏ.
“Sau Kalala thì có Abbuda: sau một tuần từ giai đoạn Kalala đó,” – ở đây các Chánh Sớ nói rằng Kalala phát triển trong một tuần và rồi trong tuần thứ hai, Kalala đó chuyển đổi thành Abbuda, hay phát triển thành Abbuda. “Nó trở thành Abbuda có diện mạo như nước đã rửa thịt.” Các bạn phụ nữ có thể biết điều này rõ hơn các bạn nam giới. Các bạn có lẽ đã rửa thịt nhiều lần. Tôi không biết nước đã rửa thịt thì nhìn giống như thế nào. Có lẽ nó có nhiều bong bóng hay có màu đỏ. Như vậy, Kalala phát triển thành Abbuda. Khi nó trở thành Abbuda, cái tên Kalala biến mất. Khi nó trở thành Abbuda thì các bạn không gọi nó là Kalala nữa. Các bạn gọi nó là Abbuda. Đây là giai đoạn thứ hai của sự phát triển.
Sau Abbuda thì nó trở thành Pesi. “Sau Abbuda, nó trở thành Pesi. Cũng từ giai đoạn Abbuda đó, sau một tuần,” – Chánh Sớ luôn luôn gán cho mỗi giai đoạn phát triển một tuần. “Nó được đặt tên là Pesi vì giống như chì nóng chảy.” Pesi có nghĩa là một miếng thịt. Nó trở nên đặc hơn một chút. Kalala thì chỉ là dầu trong suốt hay nước. Abbuda có thể có màu sắc hơn một chút nhưng vẫn là chất lỏng. Khi nó trở thành Pesi thì cái tên Abbuda không còn nữa.
“Pesi trở thành Ghana: từ Pesi đó, sau một tuần, nó có tên là Ghana và trở thành một cục thịt giống như một cái trứng gà.” Nó không lớn bằng một cái trứng gà, nhưng có lẽ nó có hình dạng của một cái trứng gà. Ghana có nghĩa là cứng. Thai bào bây giờ trở nên cứng hơn một chút.
Sau Ghana, các Pasākha sanh lên. Pasākha có nghĩa là nhánh. Các nhánh có nghĩa là năm khối nhu trong thai bào để phát triển thành hai tay, hai chân và cái đầu. Như vậy, có năm khối nhu trong cục thịt đó.
Từ đây, bỏ đi tuần thứ sáu, thứ bảy và các tuần khác để cô đọng bài giảng, Đức Phật đã thuyết: “Kesa, vân vân.” – tức là Đức Phật đã nói tóc, lông, móng. Nếu các bạn chỉ đọc bài kệ chánh văn, các bạn có thể nghĩ rằng sau các Pasākha, thì tóc, lông, móng, vân vân sẽ theo sau ngay lập tức. Ở đây, Chánh Sớ giải thích rằng Đức Phật bỏ đi các tuần thứ sáu, thứ bảy và các tuần khác vì Ngài muốn cô đọng bài giảng. Rồi Ngài nói đến tuần thứ 42. Tại lúc đó, Đức Phật nói tóc, lông và móng xuất hiện. Theo giải thích của Chánh Sớ này, thì tóc, lông và móng xuất hiện vào tuần 42 sau khi thụ thai. Có 52 tuần trong một năm. Sau 42 tuần thì có tóc, lông và móng. Đây là từ Chánh Sớ của Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya).
Trong Chánh Sớ của Bộ Ngữ Tông (Kathāvatthu) cũng có nói: “Đối với những ai sinh ra trong bụng mẹ, thì trong các nội xứ (Āyatana) chỉ có ý xứ (Manāyatana) và thân xứ (Kāyāyatana) sanh lên tại thời điểm tục sinh.” Tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), chỉ có ý xứ (Manāyatana) và thân xứ (Kāyāyatana) sanh lên, tức là chỉ hai trong số sáu xứ xuất hiện. Và rồi “Phần còn lại, tức là bốn xứ: nhãn (Cakkhu), nhĩ (Sota), tỷ (Ghāna) và thiệt (Jivhā), xuất hiện tại thời điểm thứ 77” – nó có thể là ngày thứ 70-77. Trong suốt thời gian đó, nhãn (Cakkhu), nhĩ (Sota), tỷ (Ghāna) và thiệt (Jivhā) xuất hiện theo giảng giải trong Chánh Sớ của Bộ Ngữ Tông (Kathāvatthu). Các Chánh Sớ được viết bởi Ngài Buddhaghosa. Theo Ngài Buddhaghosa, thần kinh thị giác, thần kinh thính giác, vân vân, sanh lên sau khoảng 70-77 ngày từ lúc thụ thai.
Bây giờ, các bạn hãy lật sang trang khác.
Học viên: Tại sao vị Thiên nhân đó hỏi Đức Phật câu hỏi này?
Sayādaw: Vì vị Thiên nhân đó đã tin vào bản ngã (Atman). Đây là cách các bạn có thể giải thích mà không ám chỉ đến bản ngã (Atman). Cho nên, Đức Phật đã giảng như vậy.
Ở trang tiếp theo, chúng ta có sự phát triển của thai bào trong bụng mẹ được giải thích bởi Ngài Buddhaghosa và theo Abhidhammatthavibhāvinī (tức là Phụ Sớ của Abhidhammatthasaṅgaha). Theo Ngài Buddhaghosa, tuần đầu tiên là thời gian của Kalala, tức là sắc pháp (Rūpa) trong suốt như nước. Lúc đó, có ba nhóm sắc hay 30 sắc pháp (Rūpa). Các bạn đã biết 30 sắc pháp (Rūpa) này hay ba nhóm sắc này: nhóm thân (Kāya), nhóm giới tính (Bhāva) và nhóm ý vật (Vatthu).
Trong tuần thứ hai, chúng ta có Abbuda, tức là sắc pháp (Rūpa) giống như bọt. Trong tuần thứ ba thì có Pesi, một cục thịt. Trong tuần thứ tư thì có Ghana, sắc pháp (Rūpa) rắn chắc. Và trong tuần thứ năm, có năm chỗ lồi: một cho cái đầu, hai cho hai cái tay, và hai cho hai cái chân. Chúng ta không biết về tuần thứ sáu, thứ bảy và vân vân. Trong tuần thứ mười một, thần kinh thị giác, thần kinh thính giác, thần kinh khứu giác và thần kinh vị giác sanh lên theo lời giải thích của Chánh Sớ. Rồi những tuần khác bị bỏ qua cho đến tuần thứ 42. Trong suốt tuần này, tóc, lông và vân vân, xuất hiện trong thai bào. Đây là dựa theo những Chánh Sớ hay dựa theo Ngài Buddhaghosa.
Abhidhammatthavibhāvinī là Phụ Sớ của Abhidhammatthasaṅgaha. Vị giáo thọ sư đó lại nói khác. Theo Ngài, tuần thứ nhất cho đến tuần thứ năm thì vẫn giống như vậy. Cho nên, sẽ có sắc pháp (Rūpa) trong suốt giống như nước, sắc pháp (Rūpa) giống như bọt, một cục thịt, sắc pháp (Rūpa) rắn chắc và năm chỗ lồi. Nhưng Ngài lại nói là tại tuần thứ bảy, nhóm nhãn sanh lên. Trong suốt tuần thứ tám, thần kinh thính giác sanh lên. Trong tuần thứ chín, thần kinh khứu giác sanh lên. Và trong tuần thứ mười, thần kinh vị giác sanh lên. Như vậy, có sự khác nhau giữa Ngài Buddhaghosa và tác giả của tài liệu Abhidhammatthavibhāvinī. Các bạn sẽ theo ai? Ngài Buddhaghosa có uy tín và thẩm quyền hơn. Cho nên, chúng ta sẽ theo Ngài Buddhaghosa. Có một nguyên nhân, giải thích tại sao tài liệu Abhidhammatthavibhāvinī lại khác với Ngài Buddhaghosa. Nhưng nếu các bạn không biết Pāḷi thì điều này hơi khó giải thích. Những vị thầy người Miến của chúng tôi đã nghĩ ra nguyên nhân của sự khác nhau này. Theo những vị thầy người Miến thì tác giả của tài liệu Abhidhammatthavibhāvinī Ṭīkā đã đọc bản không chính xác của một cuốn Chánh Sớ. Ngài đã gặp bản không chính xác đó, nhưng Ngài lại cho là đúng. Dựa trên bản không chính xác đó, Ngài đã nói là tại tuần thứ bảy, chúng ta có thần kinh thị giác, tại tuần thứ tám, chúng ta có thần kinh thính giác và vân vân.
Điều này có thể dễ dàng xảy ra trong Pāḷi vì “Satta Sattati” là 77. Nhưng nếu bản ghi chép thiếu phần cuối “ti”, thì nó sẽ trở thành “Satta Satta”, tức là 7 nhân 7. Tức là 49, chứ không phải 77. Bốn chín có nghĩa là tuần thứ bảy. Đôi lúc, chuyện này có thể xảy ra. Vào thời cổ xưa đó, rất khó để so sánh hai bản sao chép của cùng một bản thảo. Thậm chí, một bản thảo đã là rất khó để có được. Các vị thầy người Miến đã giải thích rằng tác giả của cuốn Abhidhammatthavibhāvinī có lẽ đã đọc bản không chính xác của bản Chánh Sớ đó. Cho nên, Ngài đã có quan điểm như vậy. Những vị thầy sau này đã không đi theo quan điểm của tác giả của cuốn Abhidhammatthavibhāvinī. Chúng ta cũng sẽ chỉ theo những gì Ngài Buddhaghosa đã ghi lại. Tại tuần thứ mười một, mắt và vân vân sẽ sanh lên. Tại tuần thứ 42, tóc và những thứ khác sanh lên.
Đây là cách sự phát triển của thai bào được trình bày trong các tài liệu Phật giáo. Đức Phật chỉ nêu lên những giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng Đức Phật không chỉ rõ phải mất bao nhiêu ngày để đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Các Chánh Sớ nói là một giai đoạn kéo dài một tuần. Khoảng thời gian một tuần thì không được nói rõ ràng ra bởi Đức Phật. Các Chánh Sớ giải thích nó có nghĩa là một tuần: Kalala là một tuần, Abbuda là một tuần và vân vân. Điều này có thể không nhất thiết phù hợp với những gì y học hiện đại đã tìm ra. Nó có thể không chính xác trong từng mỗi chi tiết. Không ai có thể thật sự đi vào trong bụng người mẹ và nhìn vào thai bào. Ngày nay, có những thiết bị chụp hình thai bào.
Có những bức hình của thai bào ở một tuần tuổi, hai tuần tuổi và vân vân. Nó có thể là những gì y học hiện đại tìm thấy hay có thể là không phải. Nhưng ít nhất, chúng ta biết rằng sự phát triển của thai bào có được miêu tả trong những tài liệu Phật giáo. Điều đó ít nhiều tương ứng với những gì con người biết về thai bào ngày nay.
Đó là liên quan đến người nhân loại. Mặc dầu thú vật sanh ra từ bụng me, nhưng chúng có thể cần nhiều thời gian hơn nhân loại để ra đời. Hầu hết mọi thú vật thì không ra đời sau mười tháng kể từ ngày thụ thai. Sự trình bày ở trên: Kalala trong một tuần, Abbuda trong một tuần và vân vân là cho nhân loại, chứ không phải cho thú vật.
“Sau đó, trong suốt thời gian hiện hữu, nhóm nhãn và vân vân dần dần sanh lên.” (CMA, VI, §23, p.255)
“Cho nên, sự diễn tiến liên tục của các nhóm sắc pháp được tạo ra theo bốn cách – tức là, do nghiệp (kamma) tạo từ lúc tục sinh, do tâm tạo từ thời điểm thứ hai của tâm thức, do nhiệt lượng tạo ra từ thời điểm của giai đoạn trụ, và do dưỡng tố tạo ra từ thời điểm phát tán của dưỡng tố – trôi chảy không gián đoạn trong dục giới cho đến lúc tử…” (CMA, VI, §24, p.256)
Sự trôi chảy của sắc pháp diễn tiến liên tục cho đến lúc chết.
“… giống như ngọn lửa của cây đèn cầy hay dòng chảy của một con sông.” (CMA, VI, §24, p.256)
Các bạn đốt một ngọn đèn cầy và thấy ngọn lửa ở đó. Các bạn nghĩ là ngọn lửa diễn tiến liên tục. Thật ra, tại mỗi thời điểm có một ngọn lửa mới. Điều đó cũng như vậy đối với dòng chảy của một con sông. Khi các bạn nhìn một dòng sông, các bạn nghĩ rằng nó là như nhau mọi lúc, nhưng tại mỗi thời điểm thì có nước mới chảy qua. Cũng theo cách đó, trong dục giới, cho đến lúc tử, thì những nhóm sắc pháp được tạo ra bằng bốn cách trôi chảy liên tục không ngừng.
Như vậy, ở đây, “sắc do nghiệp (kamma) tạo ra từ lúc tục sinh” có nghĩa là sắc pháp do nghiệp (Kamma) tạo ra sanh lên từ thời điểm của tiểu sát-na đầu tiên của tâm tục sinh. Và “sắc do tâm tạo ra từ thời điểm thứ hai của tâm thức” có nghĩa là sắc pháp do tâm tạo ra sanh lên tại tiểu sát-na đầu tiên của tâm thứ hai trong một kiếp sống. Tức là tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất, từ thời điểm của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất, sắc pháp do tâm tạo ra (Cittaja-rūpa) sanh lên. Điều đó có nghĩa là sắc pháp do tâm (Citta) tạo ra sanh lên từ tiểu sát-na đầu tiên của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất. Rồi “sắc do dưỡng tố tạo ra từ thời điểm phát tán của dưỡng tố” – cho nên, chúng ta không biết khi nào sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố tạo ra sanh lên lần đầu tiên. Đối với những chúng sanh hóa sanh, nó có thể bắt đầu khi người đó nuốt chính nước bọt của họ. Từ thời điểm đó, người đó có sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố tạo ra. Nhưng đối với những ai sống trong bụng me, thì họ có thể có sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố tạo ra từ người mẹ. Người mẹ ăn một cái gì đó và rồi thai bào nhận dưỡng tố thông qua dây rốn.
Điều chúng ta nên hiểu ở đây là tại chính xác thời điểm nào sắc pháp do nghiệp tạo (Kammaja-rūpa) sanh lên, tại chính xác thời điểm nào sắc pháp do tâm tạo (Cittaja-rūpa) sanh lên lần đầu tiên, và tại chính xác thời điểm nào sắc pháp do nhiệt lượng (Utuja-rūpa) sanh lên. Từ tiểu sát-na thứ hai của tâm tục sinh (Paṭisandhi), sắc pháp do nhiệt lượng (Utuja-rūpa) sanh lên. Từ lúc đó trở đi, sắc pháp do nhiệt lượng tạo ra sanh lên hầu như tại mỗi thời điểm bởi vì nhiệt lượng (Utu) sanh lên tại tiểu sát-na thứ hai của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sẽ đạt đến thời điểm trụ tại tiểu sát-na thứ ba của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Các bạn hãy hình dung ra ba tiểu sát- na của tâm tục sinh (Paṭisandhi): một, hai và ba. Tại tiểu sát-na thứ nhất của tâm tục sinh (Paṭisandhi), sắc pháp do nghiệp tạo ra (Kammaja-rūpa) sanh lên. Tại tiểu sát- na thứ hai của tâm tục sinh (Paṭisandhi), sắc pháp do nhiệt lượng tạo ra (Utuja-rūpa) sanh lên. Tại tiểu sát-na thứ hai của tâm tục sinh (Paṭisandhi), đó là tiểu sát-na thứ nhất của sắc pháp do nhiệt lượng tạo ra (Utuja- rūpa). Bây giờ, nó tiếp cận tiểu sát-na tiếp theo của sắc pháp do nhiệt lượng tạo ra (Utuja-rūpa). Tiểu sát-na tiếp theo là tiểu sát-na thứ ba của tâm tục sinh (Paṭisandhi) nhưng lại là tiểu sát-na thứ hai của sắc pháp do nhiệt lượng tạo ra (Utuja-rūpa). Từ tiểu sát-na thứ hai của tâm tục sinh (Paṭisandhi) trở đi, tại mỗi thời điểm, sắc pháp do nhiệt lượng tạo ra (Utuja-rūpa) sanh lên. Ở đây, đoạn văn trên chỉ ra lúc chúng sanh lên lần đầu tiên.
Khi nào chúng sanh lên lần cuối cùng trong một kiếp sống và khi nào chúng biến mất toàn bộ, chúng ta sẽ học đến vào tuần tới.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!