Nội Dung Chính
Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II
Chương Sáu: Nguồn Gốc Của Sắc Pháp
Bốn Nguyên Nhân Của Sắc Pháp
Hôm nay, chúng ta học đến phần được gọi là “Nguồn Gốc Của Sắc Pháp” hay “Những Nguyên Nhân Của Sắc Pháp” (Rūpasamuṭṭhāna). Phật giáo thuyết giảng về nhân duyên của vạn vật hữu tình cũng như vô tri. Sắc pháp (Rūpa) có thể là hữu tình hay vô tri. Sắc pháp (Rūpa) phải có điều kiện và nguyên nhân để sanh lên. Có bốn nguyên nhân tạo sinh ra sắc pháp. Chúng là nghiệp (Kamma), tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Các bạn đã biết về nghiệp (Kamma) và tâm (Citta). Nghĩa đen của Utu là khí hậu hay thời tiết. Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), Utu có nghĩa là nóng hay lạnh hay nhiệt độ. Āhāra thông thường có nghĩa là vật thực. Dưỡng tố vốn có trong vật thực thì được gọi là Āhāra. Như vậy, có bốn nguyên nhân tạo sinh ra sắc pháp (Rūpa). Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu nguyên nhân nào tạo sinh ra sắc pháp (Rūpa) nào. Các bạn đã biết là có 28 sắc pháp.
Nghiệp (Kamma) Làm Nhân Duyên
Trước hết, chúng ta có nghiệp (Kamma). Trong trường hợp cụ thể này, thì nghiệp (Kamma) là gì? Trong cuốn Cẩm Nang có nói như sau:
“Trong đó, 25 loại nghiệp (kamma) thiện và bất thiện…” (CMA, VI, §10, p.247)
Như vậy, ở đây, nghiệp (Kamma) có nghĩa là 25 loại nghiệp (Kamma) thiện và bất thiện, chứ không phải tất cả các nghiệp (Kamma) vì chúng ta đang bàn về nghiệp (Kamma) sinh ra sắc pháp (Rūpa). Bây giờ, có bao nhiêu nghiệp (Kamma) thiện và bất thiện trong 25 loại nghiệp (Kamma) này? Có tám thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) và năm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala). Và rồi, có mười hai nghiệp bất thiện (Akusala Kamma). Như vậy, tất cả là 25.
Nghiệp (Kamma) có nghĩa là tâm sở tư (Cetanā) đi kèm theo 25 tâm này. Nghiệp (Kamma) đó được thực hiện trong quá khứ. Nghiệp (Kamma) đó sanh ra sắc pháp tại thời điểm nào? Nó bắt đầu với tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Có ba tiểu sát-na trong tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta): sanh, trụ và diệt. Ở đây, nó được nói là bắt đầu với sự tục sinh (Paṭisandhi), nghiệp (Kamma) tạo ra sắc pháp (Rūpa) tại từng sát-na một. Điều đó có nghĩa là sắc pháp (Rūpa) được sinh ra tại mỗi sát-na. Có ba tiểu sát-na trong sự tục sinh (Paṭisandhi). Và lại có ba tiểu sát-na trong tâm hữu phần (Bhavaṅga) và vân vân. Tại thời điểm sanh, nghiệp (Kamma) tạo ra sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) sinh. Rồi tại thời điểm trụ, nó lại tạo ra sắc pháp (Rūpa). Và tại thời điểm diệt, nó cũng lại tạo ra sắc pháp (Rūpa). Nghiệp (Kamma) tạo ra sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) sinh tại mỗi sát-na trong đời sống của chúng ta, thật ra, là tại mỗi tiểu sát- na. Nó tạo ra sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) sinh tại đâu? Nó tạo ra sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) sinh trong sự diễn tiến nội tại. Tức là nghiệp (Kamma) trong quá khứ của tôi sẽ tạo ra sắc pháp do nghiệp sinh (Kammaja-rūpa) ở trong tôi, không phải ở trong các bạn, không phải ở trong những người khác. Nghiệp (Kamma) hay tâm sở tư (Cetanā) đi kèm theo 25 tâm bất thiện (Akusala), thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) và thiện sắc giới (Rūpāvacara) này tạo ra sắc pháp do nghiệp sanh (Kammaja-rūpa) bắt đầu tại tiểu sát-na đầu tiên của sự tục sinh (Paṭisandhi) và trong suốt đời sống cho đến sát-na thứ mười bảy tính ngược lại từ cái chết. Điều này sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu tới phần về cách sắc pháp sanh lên và diệt đi như thế nào trong một kiếp sống. Sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) sinh phải diệt đi cùng với tâm tử (Cuti Citta). Đời sống của sắc pháp thì dài bao nhiêu sát-na? Đời sống của sắc pháp là mười bảy sát-na. Sát-na cuối cùng khi sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) tạo ra sanh lên trong một kiếp sống là sát-na thứ mười bảy tính ngược từ tâm tử (Cuti Citta). Điều đó sẽ trở nên rõ ràng về sau này. Đây là cách sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) tạo ra sanh lên như thế nào.
Khi chúng ta nói nghiệp (Kamma) ở đây, chúng ta không có ý muốn nói là tất cả các nghiệp (Kamma). Ý của chúng ta là tâm sở tư (Cetanā) được kết hợp với bất thiện (Akusala), thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) và thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala). Vô sắc (Arūpāvacara) không được bao gồm đơn giản vì không có sắc pháp (Rūpa) trong các cõi vô sắc (Arūpāvacara). Vì không có sắc pháp (Rūpa) trong các cõi vô sắc (Arūpāvacara), nghiệp vô sắc (Arūpāvacara Kamma) không thể sinh ra sắc pháp (Rūpa). Đây là nghiệp (Kamma) và sắc do nghiệp sanh (Kammaja-rūpa). Trong CMA ở phần “Guide to §10” có ghi: “Những tâm sở tư của những tâm thiện vô sắc tạo ra sự tái sanh trong cảnh giới vô sắc và do đó, không thể sản sanh ra sắc pháp bắt nguồn từ nghiệp (kamma).” (CMA, VI, Guide to §10, p.247)
Không có sắc pháp (Rūpa) trong những cõi vô sắc (Arūpāvacara).
Tâm (Citta) Làm Nhân Duyên
Tiếp theo là tâm (Citta). Có 89 tâm (Citta), nhưng không phải tất cả 89 tâm (Citta) đều tạo ra sắc pháp (Rūpa). Một vài tâm phải được bỏ qua. Các bạn hãy nhìn vào cuốn Cẩm Nang: “Bảy mươi lăm tâm, ngoại trừ những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) và ngũ song thức (Dvipañcaviññāṇa)1, tạo ra sắc pháp bắt nguồn từ tâm …” (CMA, VI, §11, p.247)
Tâm (Citta) ở đây có nghĩa là 75 tâm (Citta). 75 tâm (Citta) đó là tất cả các tâm (Citta) trừ bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) và ngũ song thức. Như vậy, 89 trừ mười bốn là 75. 75 tâm (Citta) này sản sinh ra cái được gọi là sắc pháp (Rūpa) do tâm (Citta) tạo. Bắt đầu tại thời điểm nào? Chúng tạo ra sắc pháp (Rūpa) do tâm thức (Citta) sanh bắt đầu tại tâm hữu phần (Bhavaṅga) đầu tiên. Sau tâm tục sinh (Paṭisandhi), chúng ta có tâm hữu phần (Bhavaṅga). Bắt đầu tại tâm hữu phần (Bhavaṅga) đầu tiên đó, tâm (Citta) sản sinh ra sắc pháp do tâm (Citta) tạo. Khi nào chúng tạo ra sắc pháp? Chúng tạo ra sắc pháp do tâm (Citta) sanh chỉ tại thời điểm sanh lên, tức là tại tiểu sát-na sanh. Tâm thức (Citta) sản sinh ra sắc pháp do tâm (Citta) tạo tại tiểu sát-na đầu tiên của tâm hữu phần (Bhavaṅga) đầu tiên. Theo sau đó, thì tại mỗi tiểu sát-na sanh, tâm (Citta) sản sinh ra sắc pháp do tâm (Citta) tạo. Sắc pháp do tâm (Citta) tạo không được sản sinh ra tại tiểu sát-na trụ và tại tiểu sát-na diệt. Đó là sự khác nhau giữa sắc pháp do nghiệp (Kamma) tạo và sắc pháp do tâm (Citta) tạo. Sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) tạo thì được sản sinh ra tại mỗi tiểu sát-na trong đời sống. Sắc pháp (Rūpa) do tâm (Citta) tạo thì chỉ được sản sinh ra tại tiểu sát-na sanh của mỗi tâm (Citta), tức là nó không được sản sinh ra tại tiểu sát-na trụ và tiểu sát-na diệt của mỗi sát-na tâm.
Bây giờ, có một vài điều chúng ta cần phải hiểu. Tâm tục sinh và tâm tử có tạo ra sắc pháp không? Điều được ghi nhận là tâm tục sinh không tạo ra sắc pháp, không thể tạo ra sắc pháp vì nó phải phụ thuộc vào một vật yếu kém. Nó giống như là một vị khách. Nó chỉ mới xuất hiện trong một kiếp sống mới. Nó mới mẻ, cho nên nó không thể sản sinh ra sắc pháp do tâm (Citta) tạo tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi). Thật ra, tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), cái sanh lên là sắc pháp do nghiệp (Kamma) tạo. Vì sắc pháp do nghiệp (Kamma) sanh lên tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi), tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) không thể tạo ra sắc pháp do tâm (Citta) tạo tại thời điểm đó. Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) được loại trừ ra ở đây.
Rồi điều được ghi nhận trong các tài liệu là tâm tử (Cuti Citta) của một vị A-la-hán (Arahant) không tạo ra sắc pháp (Rūpa) nào. Nhưng tâm tử (Cuti Citta) của những chúng sanh khác có tạo ra sắc pháp (Rūpa). Ở đây, chúng ta cũng phải loại trừ ra tâm tử của những vị A-la-hán (Arahant). Mặc dầu chúng ta loại trừ chúng ra, nhưng số lượng tâm (Citta) vẫn là như nhau. Mặc dầu chúng ta loại bỏ tâm tục sinh, nhưng vẫn có tâm hữu phần (Bhavaṅga). Và cũng có tâm tử của những chúng sanh khác. Cho nên, số tâm (Citta) thì vẫn như cũ. Nhưng để chính xác hay nếu chúng ta muốn đi vào chi tiết, thì chúng ta phải loại trừ tâm tục sinh (ND: nói chung) và tâm tử của những vị A-la-hán (Arahant). Những tâm này không tạo ra sắc pháp (Rūpa) nào.
Những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) không tạo ra sắc pháp nào. Điều đó thì dễ hiểu. Nó đơn giản là vì không có sắc pháp (Rūpa) trong những cõi đó.
Còn ngũ song thức thì sao? Chúng không tạo ra sắc pháp (Rūpa). Tại sao? Điều được ghi nhận là, để là đủ mạnh để tạo ra sắc pháp, thì các tâm (Citta) cần phải được kết hợp với những yếu tố được gọi là chi thiền (Jhāna), chi Đạo (Magga) và nhân (Hetu). Mười tâm này (Dvipañcaviññāṇa) không được đi kèm theo bởi tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra). Chúng cũng không được đi kèm theo bởi những chi Đạo hay bất kỳ nhân nào. Như vậy, chúng không có những yếu tố này và không có năng lực tạo ra sắc pháp. Đó là lý do tại sao ở đây chúng bị loại trừ khỏi những tâm (Citta) có tạo ra sắc pháp. Bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) không tạo ra sắc pháp vì không có sắc pháp trong vô sắc giới (Arūpāvacara). Ngũ song thức (Dvipañcaviññāṇa) không tạo ra sắc pháp vì chúng quá yếu. Tại sao chúng lại quá yếu? Chúng quá yếu vì chúng không được đi kèm theo bởi những yếu tố của thiền (Jhāna), những yếu tố của Đạo (Magga) và những nhân (Hetu). Tâm tục sinh không tạo ra sắc pháp (Rūpa). Tâm tử của các vị A-la-hán (Arahant) cũng không tạo ra sắc pháp (Rūpa).
Bây giờ, chúng ta phải hiểu tại thời điểm nào thì danh pháp và sắc pháp là mạnh nhất. Điều được ghi nhận là danh pháp thì mạnh nhất tại tiểu sát-na sanh trong ba tiểu sát-na. Tức là tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) là mạnh nhất tại tiểu sát-na sanh. Đó là lý do tại sao tâm (Citta) tạo ra sắc pháp (Rūpa) tại tiểu sát-na đó mà không tại hai tiểu sát-na còn lại. Nhưng sắc pháp thì lại mạnh nhất tại thời điểm trụ. Các bạn đã biết tuổi thọ của sắc pháp là 51 tiểu sát-na. Thời gian trụ của nó sẽ là trong vòng 49 tiểu sát-na ở giữa. Khi chúng tồn tại trong thời gian lâu như vậy, chúng sẽ mạnh mẽ. Sắc pháp mạnh nhất trong thời gian trụ, tức là trong suốt 49 tiểu sát-na trụ. Tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) thì mạnh nhất tại thời điểm sanh.
Có một vài điều đặc biệt có liên quan đến tâm (Citta) tạo ra sắc pháp mà chúng ta cần phải hiểu. Đó là, chúng ta cần phải hiểu những đổng lực kiên cố hay đổng lực chuyên chú (Appanā Javana). Có bao nhiêu đổng lực kiên cố? Có 26 đổng lực kiên cố nếu các bạn xem những tâm Siêu thế (Lokuttara) là chỉ có tám. Những đổng lực kiên cố (Appanā) này cũng nâng đỡ những tư thế của cơ thể. Điều đó có nghĩa là, cùng với việc tạo nên sắc pháp, chúng còn nâng đỡ và duy trì những tư thế của cơ thể. Những đổng lực kiên cố (Appanā Javana) là những tâm nào? Chúng là những tâm thiện đáo đại (Mahaggata Kusala Citta), những tâm duy tác đáo đại (Mahaggata Kiriya Citta) và những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Những tâm (Citta) này tạo ra sắc pháp và cũng nâng đỡ và duy trì những tư thế. Khi một hành giả đang nhập thiền (Jhāna), hành giả có thể ngồi kiết già (tức là ngồi với chân đan chéo vào nhau) trong bảy ngày. Những đổng lực thiền (Jhāna Javana) thì mạnh cho nên chúng có thể duy trì được những tư thế đó. Sự duy trì và nâng đỡ tư thế của cơ thể thì được thực hiện bởi 26 đổng lực kiên cố (Appanā Javana).
Tâm đoán định (Voṭṭhabbana), những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) và hai tâm thông (Abhiññā) tạo ra sắc pháp, duy trì hay hỗ trợ các tư thế, và chúng cũng kích hoạt thân và ngữ biểu tri. Có bao nhiêu tâm (Citta)? Có 32 tâm (Citta). Ba mươi hai tâm (Citta) này tạo ra sắc pháp, duy trì các tư thế và tạo ra sắc biểu tri (Viññatti).
Và rồi điều lưu ý cuối cùng: mười ba đổng lực (Javana) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) thì tạo ra nụ cười. Mười ba tâm này là bốn tâm trong số những tâm tham (Lobhamūla), một tâm trong số những tâm vô nhân (Ahetuka), bốn tâm trong số những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) và bốn tâm trong số những tâm đại duy tác dục giới (Kāmāvacara Mahākiriya). Mười ba tâm này tạo ra sắc pháp, duy trì các tư thế, tạo ra thân và ngữ biểu tri, và cũng tạo ra nụ cười.
Những tâm (Citta) chỉ sanh ra sắc pháp (Rūpa) là hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana), ba tâm quan sát (Santīraṇa), tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka) và năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) (hãy xem CMA, VI, Table 6.2, p.249).
Chín tâm thiện đáo đại (Mahaggata Kusala), chín tâm duy tác đáo đại (Mahaggata Kiriya) và tám tâm Siêu thế (Lokuttara) tạo ra sắc pháp (Rūpa) và duy trì tư thế. Tôi nói là chúng duy trì hay hỗ trợ tư thế. Thật ra, chúng không có tạo ra tư thế. Chúng giữ cho những tư thế được nguyên vẹn, không thay đổi. Để có tư thế, thì phải có sắc biểu tri (Viññatti). Chúng không tạo ra sắc biểu tri (Viññatti). Cho nên, chúng không thể sinh ra hay tạo ra tư thế. Chúng chỉ duy trì hay hỗ trợ cái tư thế đã có sẵn đó. Những tâm chỉ hỗ trợ tư thế và tạo ra sắc pháp (Rūpa) là chín tâm thiện đáo đại (Mahaggata Kusala), chín tâm duy tác đáo đại (Mahaggata Kiriya) và tám tâm Siêu thế (Lokuttara). Và một lần nữa, những tâm (Citta) chỉ tạo ra sắc pháp (Rūpa) là hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana), ba tâm quan sát (Santīraṇa), tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), tám tâm quả dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Vipāka), và năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka).
Rồi có những tâm (Citta) chỉ tạo ra sắc pháp, hỗ trợ những tư thế và cũng tạo ra những sắc biểu tri. Những tâm (Citta) này là bốn tâm tham thọ xả (Lobhamūla Upekkhā), hai tâm sân (Dosamūla), hai tâm si (Mohamūla), tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bốn tâm thiện dục giới thọ xả (Kāmāvacara Kusala Upekkhā), bốn tâm đại duy tác dục giới thọ xả (Kāmāvacara Mahākiriya Upekkhā) và hai tâm thông (Abhiññā).
Và rồi có những tâm tạo ra sắc pháp (Rūpa), hỗ trợ những tư thế của cơ thể, tạo ra sắc biểu tri (Viññatti) và tạo ra nụ cười. Những tâm (Citta) đó là bốn tâm tham thọ hỷ (Lobhamūla Somanassa), tâm tiếu sinh (Hasituppāda), bốn tâm thiện dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Kusala Somanassa) và bốn tâm đại duy tác dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Mahākiriya Somanassa).
Thiền (Jhāna) thứ năm có thể là thiền (Jhāna) thứ năm thông thường hay thiền (Jhāna) thứ năm thần thông (Abhiññā). Nếu chúng là thông thường, thì chúng không tạo ra sắc biểu tri. Nhưng khi chúng là thần thông (Abhiññā), thì chúng cũng tạo ra sắc biểu tri. Khi chúng ta nói 26 đổng lực kiên cố (Appanā Javana), ý của chúng ta là thiền (Jhāna) thứ năm thông thường. Chúng ta không bao gồm thần thông (Abhiññā) ở đó. Khi chúng ta nói 26 đổng lực kiên cố (Appanā Javana) nâng đỡ những tư thế, ý của chúng ta là thiền (Jhāna) thứ năm thông thường. Khi chúng ta nói tâm đoán định (Voṭṭhabbana), những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) và thần thông (Abhiññā) tạo ra sắc pháp, nâng đỡ những tư thế và tạo ra sắc biểu tri thì ý của chúng ta là thiền (Jhāna) thứ năm thần thông (Abhiññā).
Có bao nhiêu tâm (Citta) tạo ra sắc pháp? 75 tâm (Citta) tạo ra sắc pháp, tức là tất cả mọi tâm (Citta) trừ ngũ song thức (Dvipañcaviññāṇa Citta) và bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta).
Có bao nhiêu tâm (Citta) hỗ trợ tư thế? Những tâm (Citta) hỗ trợ tư thế là chín tâm thiện đáo đại (Mahaggata Kusala), chín tâm duy tác đáo đại (Mahaggata Kiriya) và tám tâm Siêu thế (Lokuttara).
Có bao nhiêu tâm (Citta) tạo ra sắc pháp và hỗ trợ những tư thế? Những tâm (Citta) tạo ra sắc pháp và hỗ trợ những tư thế là chín tâm thiện đáo đại (Mahaggata Kusala), chín tâm duy tác đáo đại (Mahaggata Kiriya), tám tâm Siêu thế (Lokuttara), bốn tâm tham thọ xả (Lobhamūla Upekkhā), hai tâm sân (Dosamūla), hai tâm si (Mohamūla), tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bốn tâm thiện dục giới thọ xả (Kāmāvacara Kusala Upekkhā), bốn tâm đại duy tác dục giới thọ xả (Kāmāvacara Mahākiriya Upekkhā), hai tâm thông (Abhiññā), bốn tâm tham thọ hỷ (Lobhamūla Somanassa), tâm tiếu sinh (Hasituppāda), bốn tâm thiện dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Kusala Somanassa) và bốn tâm đại duy tác dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Mahākiriya Somanassa).
Có bao nhiêu tâm (Citta) tạo ra những sắc biểu tri (Viññatti)? Những tâm (Citta) tạo ra sắc biểu tri (Viññatti) là bốn tâm tham thọ xả (Lobhamūla Upekkhā), hai tâm sân (Dosamūla), hai tâm si (Mohamūla), tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana), bốn tâm thiện dục giới thọ xả (Kāmāvacara Kusala Upekkhā), bốn tâm đại duy tác dục giới thọ xả (Kāmāvacara Mahākiriya Upekkhā), hai tâm thông (Abhiññā), bốn tâm tham thọ hỷ (Lobhamūla Somanassa), tâm tiếu sinh (Hasituppāda), bốn tâm thiện dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Kusala Somanassa) và bốn tâm đại duy tác dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Mahākiriya Somanassa).
Có bao nhiêu tâm (Citta) cũng tạo ra nụ cười? Những tâm (Citta) tạo ra nụ cười là bốn tâm tham thọ hỷ (Lobhamūla Somanassa), tâm tiếu sinh (Hasituppāda), bốn tâm thiện dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Kusala Somanassa) và bốn tâm đại duy tác dục giới thọ hỷ (Kāmāvacara Mahākiriya Somanassa).
Có bao nhiêu tâm (Citta) không tạo ra sắc pháp? Những tâm (Citta) không tạo ra sắc pháp là ngũ song thức (Dvipañcaviññāṇa) và bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta).
Có mười ba tâm cũng tạo ra nụ cười. Mọi người cười bằng những tâm (Citta) này.
Phàm nhân (Puthujjana) cười bằng bao nhiêu tâm (Citta)? Họ cười bằng bốn tâm tham (Lobhamūla) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) và bốn tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Phàm nhân (Puthujjana) cười bằng một trong tám tâm (Citta) này.
Còn những vị Thánh hữu học (Sekha)1 thì sao, các Ngài cười với bao nhiêu tâm (Citta)? Các Ngài cười bằng hai tâm trong số những tâm tham (Lobhamūla), tức là những tâm không được đi kèm theo bởi tà kiến2, và rồi bốn tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Các vị Thánh hữu học cười bằng một trong sáu tâm (Citta) này.
Còn các vị A-la-hán (Arahant) thì sao? Các Ngài cười bằng những tâm (Citta) nào? Các Ngài cười bằng năm tâm (Citta): tâm tiếu sinh (Hasituppāda) và bốn tâm đại duy tác dục giới (Kāmāvacara Mahākiriya) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa).
Như vậy, phàm nhân (Puthujjana) cười bằng tám tâm (Citta). Các vị Thánh hữu học cười bằng sáu tâm (Citta). Các vị A-la-hán (Arahant) cười bằng năm tâm (Citta).
Còn các vị Phật thì sao? Có một vài giáo thọ sư dạy rằng một vị Phật sẽ không cười bằng tâm tiếu sinh (Hasituppāda). Ý kiến chung của những giáo thọ sư thì không chấp nhận điều này. Những vị cho rằng Đức Phật không cười với tâm tiếu sinh (Hasituppāda) đưa ra lý do như sau: “Điều được ghi nhận là tất cả những thân nghiệp của Đức Phật đều đi theo sau trí tuệ (Ñāṇa). Tâm tiếu sinh (Hasituppāda) này không có trí tuệ (Ñāṇa) và thậm chí, không là nhân (Hetu). Vì nó là tâm vô nhân (Ahetuka Citta), cho nên nó không đi theo sau trí tuệ. Như vậy, vì điều được ghi nhận là tất cả những thân nghiệp của Đức Phật đều đi theo sau trí tuệ (Ñāṇa), cho nên Đức Phật sẽ không cười bằng tâm tiếu sinh (Hasituppāda Citta).” Quan điểm chung thì cho rằng các vị Phật có cười bằng tâm tiếu sinh (Hasituppāda Citta).
Khi Đức Phật nhìn ai đó và cười, Ngài có thể nhìn vào quá khứ của người đó bằng Túc Mạng Minh của Ngài. Hay Ngài có thể nhìn vào tương lai của người đó bằng thần thông của Ngài. Nhìn thấy quá khứ hay nhìn thấy vị lai thì luôn luôn được đi kèm theo bởi trí tuệ. Sau đó là đến nụ cười. Chúng ta có thể nói nụ cười thì đi theo sau trí tuệ. Những vị Phật có cười bằng tâm tiếu sinh (Hasituppāda Citta). Đây là ý kiến chung của các giáo thọ sư. Theo một vài vị, những vị Phật không cười bằng tâm tiếu sinh (Hasituppāda Citta) vì nó không có trí tuệ (Ñāṇa); nó không đi theo sau trí tuệ (Ñāṇa). Những vị khác thì cho rằng, khi Đức Phật cười, đầu tiên Ngài nhìn vào quá khứ của chúng sanh đó hay Ngài nhìn vào tương lai của chúng sanh đó. Những hành động đó thì được kết hợp với trí tuệ (Ñāṇa). Chỉ sau sự quan sát đó, Đức Phật mới cười. Mặc dầu nó không được đi kèm theo bởi trí tuệ (Ñāṇa), nhưng nó có đi theo sau trí tuệ. Cho nên, những vị Phật cũng có cười bằng tâm tiếu sinh (Hasituppāda). Như vậy, những vị Phật và những vị A-la-hán (Arahant) cười bằng năm tâm (Citta). Đây là ý kiến chung của các giáo thọ sư.
Những tâm (Citta) có nhân tham được đi kèm theo bởi thọ hỷ, tức là bốn tâm tham thọ hỷ (Lobhamūla Somanassa Citta), thì tạo ra sắc pháp, duy trì tư thế, tạo ra sắc biểu tri và tạo ra nụ cười.
Những tâm có nhân tham thọ xả, tức là bốn tâm tham (Lobhamūla Citta) còn lại, thì tạo ra sắc pháp, chúng duy trì tư thế, và chúng tạo ra sắc biểu tri nhưng không có tạo ra nụ cười.
Hai tâm sân (Dosamūla) tạo ra cái gì? Chúng tạo ra sắc pháp, tư thế và sắc biểu tri – chỉ có ba loại này.
Hai tâm có nhân si tạo ra cái gì? Cũng như vậy, chúng tạo ra sắc pháp, tư thế và sắc biểu tri, không có tạo ra nụ cười.
Ngũ song thức không tạo ra cái gì cả.
Rồi hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) tạo ra cái gì? Chúng chỉ tạo ra sắc pháp (Rūpa), không có tư thế, không có biểu tri và không có nụ cười.
Ba tâm (Citta) quan sát chỉ tạo ra sắc pháp (Rūpa).
Chúng không tạo ra tư thế, biểu tri và nụ cười.
Tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) chỉ tạo ra sắc pháp, không có tư thế và vân vân.
Rồi tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana) tạo ra cái gì? Nó tạo ra sắc pháp, tư thế và biểu tri.
Rồi tâm tiếu sinh (Hasituppāda) tạo ra cái gì? Nó tạo ra cả bốn loại.
Những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) tạo ra cả bốn loại: vật chất (sắc pháp), tư thế, biểu tri và nụ cười.
Những tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Citta) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) không tạo ra nụ cười, cho nên chúng chỉ tạo ra ba loại còn lại.
Rồi tất cả tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka) tạo ra cái gì? Chúng chỉ tạo ra sắc pháp (Rūpa) mà thôi. Chúng không tạo ra những tư thế oai nghi và vân vân.
Và rồi những tâm đại duy tác dục giới (Kāmāvacara Mahākiriya) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) thì tạo ra cái gì? Chúng tạo ra vật chất (sắc pháp), oai nghi, biểu tri và nụ cười.
Rồi những tâm đại duy tác dục giới (Kāmāvacara Mahākiriya) được đi kèm theo thọ xả thì tạo ra cái gì?
Chúng chỉ tạo ra ba loại: vật chất (sắc pháp), oai nghi và biểu tri; chúng không có tạo ra nụ cười.
Năm tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala) tạo ra cái gì? Chúng tạo ra vật chất (sắc pháp) và oai nghi, không có tạo ra biểu tri và nụ cười. Khi các bạn ở trong thiền (Jhāna), các bạn không di chuyển, các bạn giữ nguyên oai nghi. Cho nên, không có thân biểu tri (Kāya- viññatti) và ngữ biểu tri (Vacī-viññatti).
Rồi năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) tạo ra cái gì? Chúng chỉ tạo ra sắc pháp (Rūpa).
Năm tâm duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya) tạo ra cái gì? Chúng tạo ra sắc pháp (Rūpa) và những tư thế oai nghi.
Bốn tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) tạo ra cái gì? Chúng tạo ra hai loại: vật chất và những oai nghi (Iriyāpatha).
Bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) tạo ra cái gì? Chúng không tạo ra cái gì cả.
Bốn tâm duy tác vô sắc (Arūpāvacara Kiriya) tạo ra cái gì? Chúng tạo ra sắc pháp (Rūpa) và những oai nghi (Iriyāpatha).
Tám tâm Siêu thế (Lokuttara) tạo ra cái gì? Chúng tạo ra sắc pháp (Rūpa) và những tư thế oai nghi, không có tạo ra biểu tri và nụ cười.
Hai tâm thông (tức là hai tâm thiền thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala) và duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya) thứ năm) tạo ra vật chất (sắc pháp), những oai nghi và biểu tri.
Nhiệt Lượng (Utu) Làm Nhân Duyên
Bây giờ, chúng ta đi đến sắc pháp (Rūpa) do nhiệt lượng tạo ra. Nhiệt lượng (Utu) ở đây là gì? Đó là hỏa đại (Tejo-dhātu). Trong số bốn sắc tứ đại, hỏa đại (Tejo- dhātu) được gọi là nhiệt lượng (Utu). Đó là sức nóng hay độ lạnh. Nó cũng được gọi là nhiệt độ.
“Hỏa đại bao gồm cả lạnh và nóng, khi đạt đến trạng thái trụ của nó (tức là tiểu sát-na thứ hai), thì do theo tình huống, sẽ tạo ra cả sắc pháp nội và ngoại bắt nguồn từ nhiệt lượng.” (CMA, VI, §12, p.250)
Hỏa đại (Tejo-dhātu) là sắc pháp (Rūpa). Cho nên, nó chỉ mạnh tại thời điểm trụ của nó. Tại thời điểm sanh lên, nó không tạo ra sắc pháp. Tại thời điểm trụ của nó, tức là trong suốt 49 tiểu sát-na trụ, nó tạo ra sắc pháp do nhiệt lượng sanh. Ở đâu? Nó tạo ra sắc pháp do nhiệt lượng sanh cả nội và ngoại.
“Bắt đầu từ giai đoạn trụ ở thời điểm tục sinh, hỏa đại nội được tìm thấy ở trong những nhóm sắc pháp sanh ra do nghiệp (kamma) kết hợp với hỏa đại ngoại và bắt đầu tạo ra sắc pháp hữu cơ bắt nguồn từ nhiệt lượng.” (CMA, VI, Guide to 12, p.250)
Tại tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) – có ba tiểu sát- na trong tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Tiểu sát-na thứ nhất là tiểu sát-na sanh. Nó không thể tạo ra được cái gì cả. Tại tiểu sát-na tiếp theo, tức là tiểu sát-na trụ của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta), thành phần hỏa đại nội kết hợp với hỏa đại ngoại. Điều được ghi nhận là hỏa đại nội không thể tạo ra sắc pháp (Rūpa) nếu nó không nhận được sự hỗ trợ của hỏa đại ngoại. Điều đó có nghĩa là nhiệt lượng nội chỉ có thể tạo ra sắc pháp (Rūpa) khi nó nhận được sự hỗ trợ của nhiệt lượng ngoại. Nhiệt lượng ngoại thì luôn luôn – chúng ta luôn luôn cảm nhận được nhiệt lượng ngoại đó. Nhiệt lượng ngoại thì luôn luôn có, thậm chí thông qua cơ thể của chúng ta, giống như những người mẹ, thông qua cơ thể của họ, nhiệt lượng ngoại truyền vào bên trong và hỗ trợ cho nhiệt lượng nội1. Nhiệt lượng nội đó được hỗ trợ bởi nhiệt lượng ngoại, tạo ra sắc pháp (Rūpa). Còn những vật ở bên ngoài thì sao? Bất cứ cái gì xảy ra bên ngoài những chúng sanh hữu tình thì được gọi là ngoại. Cũng có thành phần hỏa đại ngoại tạo ra những thay đổi về thời tiết và những chuyển đổi địa lý. Ở đó cũng có thời tiết (Utu) được tạo ra bởi nhiệt lượng. Nhiệt lượng (Utu) tạo ra sắc pháp chỉ tại thời điểm trụ. Bắt đầu tại thời điểm trụ của tâm tục sinh (Paṭisandhi), nhiệt lượng bắt đầu tạo ra sắc pháp (Rūpa). Nó sẽ tiếp tục tạo ra sắc pháp (Rūpa). Nhiệt lượng trong những nhóm sắc pháp được tạo ra từ bốn nguyên nhân sẽ tạo ra những vật chất hữu cơ được sinh ra từ nhiệt lượng trong suốt cuộc đời. Nói ngắn gọn là nhiệt lượng tạo ra sắc pháp (Rūpa) trong suốt cuộc đời. Nhiệt lượng có thể là ở trong những nhóm sắc pháp được tạo ra bởi bốn nguyên nhân. Nó ở trong tứ đại. Và tứ đại thì ở trong mỗi nhóm sắc pháp (Rūpa). Một lát nữa, chúng ta sẽ học về các nhóm sắc pháp (Rūpa). Nhiệt lượng (Utu) tạo ra sắc pháp (Rūpa) khi nó đạt đến trạng thái trụ của nó. Sắc pháp (Rūpa) được tạo ra tại giai đoạn trụ của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sẽ đạt đến giai đoạn trụ của nó tại thời điểm hoại của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Chúng ta có thể nói rằng sắc pháp được sinh ra từ nhiệt lượng thì được tạo ra tại hầu như mọi thời điểm. Một sắc pháp (Rūpa) khi đạt đến giai đoạn trụ của nó cũng tạo ra một sắc pháp (Rūpa) khác và vân vân. Thật ra, sắc pháp do nhiệt lượng tạo được sản sinh ra tại mọi thời điểm.
Dưỡng Tố (Āhāra) Làm Nhân Duyên
Nguyên nhân cuối cùng là dưỡng tố.
“Vật thực, được biết đến là dưỡng tố, khi đạt đến giai đoạn trụ của nó, thì tạo ra sắc pháp phát nguồn từ vật thực tại thời điểm nó được nuốt xuống.” (CMA, VI, 13, p.250)
Dưỡng tố được gọi là Ojā hay Āhāra trong Pāḷi. Āhāra được biết đến là dưỡng tố (Ojā). Cái mà chúng ta gọi là Āhāra trong Thắng Pháp (Abhidhamma) thì không phải là chính vật thực. Dưỡng tố trong vật thực thì được gọi là Āhāra. Dưỡng tố khi đạt đến giai đoạn trụ của nó thì tạo ra sắc pháp.
Khi tác giả nói: “tại thời điểm nó được nuốt xuống”, tác giả đang nói với từ ngữ chung chung và đang sử dụng ngôn ngữ thông thường. Nó không thật sự có nghĩa là tại thời điểm nuốt vật thực. Thậm chí, trước đó, trước khi nó chạm đến vị giác của các bạn, nó đã bắt đầu tạo ra sắc pháp do dưỡng tố sinh ra. “Tại thời điểm nó được nuốt xuống” chỉ là một cách diễn đạt. Thật ra, thậm chí trước khi nuốt thì sắc pháp (Rūpa) đã được tạo ra.
Ở đây có hai quan điểm. Quan điểm thông thường là dưỡng tố (Āhāra) ngoại tạo ra sắc pháp. Khi các bạn ăn một cái gì đó thì dưỡng tố là ở bên ngoài. Dưỡng tố (Āhāra) ngoại các bạn dùng đó tiếp xúc với dưỡng tố (Āhāra) nội. Nó nhận sự hỗ trợ của dưỡng tố (Āhāra) nội và tạo ra sắc pháp (Rūpa). Cái tạo ra sắc pháp là dưỡng tố (Āhāra) ngoại. Dưỡng tố ngoại tiếp xúc với cơ thể của chúng ta và tiếp xúc với dưỡng tố (Āhāra) nội. Rồi thì do được hỗ trợ bởi dưỡng tố (Āhāra) nội, dưỡng tố (Āhāra) ngoại tạo ra sắc pháp (Rūpa). Nếu các bạn nhớ nhiệt lượng tạo ra sắc pháp (Rūpa) như thế nào thì nó đi ngược lại ở đây. Đối với sắc pháp (Rūpa) do nhiệt lượng sinh ra thì nhiệt lượng nội tạo ra sắc pháp (Rūpa) khi nó nhận được sự hỗ trợ của nhiệt lượng ngoại. Như vậy, đối với sắc pháp (Rūpa) do nhiệt lượng sinh ra thì nhiệt lượng nội là cái tạo ra sắc pháp (Rūpa). Đối với sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố sinh ra, thì dưỡng tố ngoại là cái tạo ra sắc pháp với sự hỗ trợ của sắc pháp nội. Đó là sự khác nhau.
Một vị giáo thọ sư trong Phụ Sớ của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) có một quan điểm khác. Theo vị này thì dưỡng tố nội là cái tạo ra sắc pháp, chứ không phải dưỡng tố ngoại. Dưỡng tố ngoại chỉ là hỗ trợ.
Trong cuốn CMA này ở phần “Guide to §13”:
“Được hỗ trợ bởi dưỡng tố ngoại, dưỡng tố nội tạo ra sắc pháp tại thời điểm trụ bắt đầu từ thời điểm nó được nuốt xuống.” (CMA, VI, Guide to §13, p.250)
Câu văn đó là theo Phụ Sớ của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).
Những câu văn khác thì được lấy từ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).
“Dưỡng tố đã đạt đến giai đoạn trụ trong những nhóm sắc pháp bắt nguồn từ dưỡng tố thì tạo ra một nhóm tám sắc bất ly mới, và dưỡng tố trong nhóm tám sắc bất ly đó lại tạo ra một nhóm tám sắc bất ly mới nữa; như vậy, sự hiện ra của những nhóm tám sắc bất ly nối tiếp nhau tới mười hay mười hai lần.” (CMA, VI, Guide to §13, p.250)
Thật ra, đoạn văn này giải thích không chỉ về sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố sanh; đoạn văn này giải thích về sắc pháp (Rūpa) được tạo ra bởi dưỡng tố mà có dưỡng tố làm nhân tạo ra. Điều này thì hơi phức tạp một chút. Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), đôi lúc ghi nhận năm loại sắc pháp (Rūpa), đôi lúc ghi nhận sáu loại sắc pháp (Rūpa): sắc pháp (Rūpa) do tâm (Citta) sanh, sắc pháp (Rūpa) do nhiệt lượng (Utu) sanh, sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố (Āhāra) sanh và vân vân. Những sự phân chia là như sau: Dưỡng tố (Āhāra) là gì? Cái gì được tạo ra bởi dưỡng tố (Āhāra)? Cái gì có dưỡng tố (Āhāra) làm nhân sanh của nó? Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) tiếp tục sự trình bày về những sự phân chia theo cách này. Đoạn văn trên giải thích rằng một loại sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố (Āhāra) sanh tạo ra một loại sắc pháp (Rūpa) khác do dưỡng tố (Āhāra) sanh. Nó tiếp tục và tiếp tục như vậy. Nó không chỉ đơn giản là sự giải thích về sắc pháp (Rūpa) được sinh ra do dưỡng tố (Āhāra). Sự giải thích này là về sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố (Āhāra) sanh ra mà có dưỡng tố (Āhāra) làm nhân sinh của nó, tức là sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố (Āhāra) sanh tạo ra sắc pháp (Rūpa) do dưỡng tố (Āhāra) sanh.
“Dưỡng tố được tiêu thụ bởi người mẹ đang mang thai, lan tỏa vào cơ thể của thai bào, tạo ra sắc pháp trong đứa trẻ.” (CMA, VI, Guide to §13, p.250)
Người mẹ dùng vật thực gì thì người con sẽ lấy dưỡng tố (Āhāra) từ đó.
“Dưỡng tố trong những nhóm sắc nội sanh ra từ ba nguyên nhân kia cũng làm khởi sanh lên một vài sự xuất hiện liên tiếp của những nhóm tám sắc bất ly.” (CMA, VI, Guide to §13, p.250)
Nếu chúng ta không nghiên cứu những điều này một cách chi tiết thì các bạn có thể không hiểu được.
“Dưỡng tố được nhận vào trong một ngày có thể hỗ trợ cho cơ thể trong bảy ngày.” (CMA, VI, Guide to §13, p.251)
Đó là quan điểm của các giáo thọ sư, tức là, thực phẩm được tiêu thụ một lần có thể hỗ trợ cho cơ thể trong bảy ngày. Sau đó, cơ thể có thể được hỗ trợ bằng những nguồn khác hay những phương tiện khác. Một người có thể không dùng thực phẩm trong vòng không quá bảy ngày.
Đã có một vị tu sĩ ở Miến Điện biểu tình chống thực dân Anh. Ông đã bị bắt bỏ tù và ông đã tuyệt thực. Ông đã không dùng thực phẩm đến hơn 100 ngày. Cuối cùng thì ông đã chết. Cơ thể của ông ta có thể đã được nuôi dưỡng và duy trì bằng ý chí của ông ta hay bằng nước uống. Ông ta đã có rất ít dưỡng tố.
Các bạn có lẽ còn nhớ rằng khi các vị Thánh nhập thiền diệt (Nirodha-samāpatti) thì những vị mà là người nhân loại chỉ có thể nhập trong bảy ngày. Nguyên nhân được đưa ra là, với vật thực của một ngày thì cơ thể chỉ có thể tồn tại trong bảy ngày mà thôi. Có những con thú ngủ đông và không ăn gì cả trong một thời gian dài.
Bây giờ, chúng ta hãy đi đến phần sắc pháp nào được tạo ra bởi nguyên nhân nào. Sắc ý vật và tám quyền sắc (Indriya-rūpa) được tạo ra bởi nghiệp (Kamma). Các bạn có còn nhớ quyền sắc không? Chúng là những sắc pháp nào? Chúng là năm sắc thần kinh, hai sắc giới tính (Bhāva) và sắc mạng quyền (Jīvita). Chúng được gọi là quyền sắc (Indriya-rūpa). Tám sắc pháp này và sắc ý vật thì được tạo ra do nghiệp (Kamma) mà thôi.
Hai sắc biểu tri được tạo ra do tâm (Citta) mà thôi. Khi tôi nói về tuổi thọ của sắc quyền (Rūpa-indriya), tôi luôn luôn dùng từ “nói chung”. Tuổi thọ của sắc pháp (Rūpa) là 51 tiểu sát-na. Điều đó có nghĩa là đời sống của sắc pháp (Rūpa) là 51 tiểu sát-na ngoại trừ hai sắc biểu tri (Viññatti) và bốn sắc tướng trạng. Tôi đã không nói cho các bạn điều này vì tôi đã không muốn làm rối trí các bạn. Sắc biểu tri (Viññatti) được sinh ra do tâm. Tức là chúng đi theo tâm. Chúng sanh lên và biến mất cùng với tâm. Chúng không tồn tại suốt 51 tiểu sát-na. Trong Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), chúng được nhắc đến là “Cittānuparivatti”. Có nghĩa là những thứ đi theo sau tâm (Citta). Khi chúng ta nói tuổi thọ của sắc pháp (Rūpa) là mười bảy sát-na tâm, ý của chúng ta là sắc pháp (Rūpa) ngoại trừ hai sắc biểu tri (Viññatti) và bốn sắc tướng trạng. Điều này là đúng đối với sắc tướng trạng (Lakkhaṇa-rūpa) vì bốn đặc tính đó chỉ là những tướng trạng của những sắc pháp (Rūpa) khác nhau. Cho nên, chúng thật ra không phải là sắc pháp (Rūpa). Những sắc biểu tri (Viññatti) thì luôn luôn đi theo sau tâm (Citta). Tức là chúng sanh lên và diệt đi theo cùng với tâm (Citta). Chúng không tồn tại suốt mười bảy sát-na tâm. Sắc biểu tri (Viññatti) được tạo ra do tâm (Citta) mà thôi.
Âm thanh thì được tạo ra do tâm (Citta) và nhiệt lượng (Utu). Đôi lúc, âm thanh được tạo ra do tâm (Citta). Đôi lúc, âm thanh được tạo ra do nhiệt lượng (Utu). Hiện tại, tôi đang nói và tôi đang tạo ra âm thanh. Âm thanh này được tạo ra do tâm (Citta). Rồi thì có thể có âm thanh nào đó trong cơ thể của tôi – ví dụ như bao tử của tôi tạo ra tiếng động và vân vân – cái đó không được tạo ra bởi tâm (Citta). Cái đó được tạo ra do nhiệt lượng (Utu). Và rồi ở bên ngoài, bất kỳ âm thanh nào ở bên ngoài đều được tạo ra do nhiệt lượng (Utu). Do đó, âm thanh được tạo ra do tâm (Citta) và nhiệt lượng (Utu). Tức là âm thanh được tạo ra đôi lúc do tâm (Citta) và đôi lúc do nhiệt lượng (Utu), không phải do cả hai.
Khinh sắc (Lahutā), nhu sắc (Mudutā) và sắc thích nghiệp (Kammaññatā) được tạo ra bởi nhiệt lượng, tâm và dưỡng tố. Ba sắc pháp này chỉ sanh lên đôi lúc mà thôi, chứ không phải mọi lúc. Đôi lúc, các bạn không có sự nhẹ nhàng của vật chất. Khi các bạn chán, khi các bạn buồn ngủ, khi các bạn bệnh, thì không có sự nhẹ nhàng, sự mềm dẽo hay sự thích nghi. Chúng không phải lúc nào cũng sanh lên hay lúc nào cũng tồn tại. Chúng chỉ đôi lúc sanh lên mà thôi. Chúng không thể là sản phẩm của nghiệp (Kamma). Vì nếu chúng là sản phẩm của nghiệp (Kamma) thì chúng phải sanh lên tại mọi thời điểm, chúng sẽ phải luôn luôn có với chúng ta. Chúng ta ước rằng chúng được tạo ra do nghiệp (Kamma). Thật tiếc là chúng không sanh lên do nghiệp (Kamma). Ba sắc pháp này được tạo ra do tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Khi các bạn có một tâm trí hạnh phúc, các bạn cảm thấy nhẹ nhàng trong cơ thể của các bạn. Khi thời tiết tốt, các bạn cảm thấy nhẹ nhàng. Khi các bạn dùng vật thực tốt và thích hợp, các bạn cảm thấy nhẹ nhàng và vân vân. Ba sắc pháp này được tạo ra do tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra).
Các bạn có còn nhớ tám sắc bất ly không? Chúng là bốn sắc tứ đại, sắc cảnh sắc, sắc cảnh khí, sắc cảnh vị và dưỡng tố (Āhāra). Tám sắc pháp này được gọi là những sắc bất ly. Tám sắc này và sắc giao giới (Ākāsa-dhātu) thì được tạo ra do cả bốn nguyên nhân: nghiệp (Kamma), tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Thật ra, sắc giao giới (Ākāsa) thì không được tạo ra bởi cái gì cả. Nhưng khi các nhóm vật chất được tạo ra, thì luôn luôn có sắc giao giới (Ākāsa) ở giữa những nhóm vật chất đó. Cho nên, nó được nói là được tạo ra do cả bốn nguyên nhân. Sắc giao giới (Ākāsa-dhātu) chỉ xuất hiện khi sắc pháp (Rūpa) được tạo ra do bốn nguyên nhân sanh lên. Không có những sắc pháp (Rūpa) này thì không thể có sắc giao giới (Ākāsa). Cho nên, chúng được nói là được tạo ra do bốn nguyên nhân.
Bốn sắc tướng trạng thì không được tạo ra bởi nguyên nhân nào cả. Thật ra, chúng không phải là sắc pháp (Rūpa) thật. Chúng không được tạo ra bởi cái gì cả. Tại sao các sắc tướng trạng lại sanh lên mà không có nguyên nhân? Trong cuốn Cẩm Nang có nói như sau:
“Điều được giải thích là các đặc tính (của sắc pháp) thì không được tạo ra bởi bất kỳ (nguyên nhân nào) vì bản chất vốn có của chúng hàm chứa trong những phẩm chất của việc được tạo ra, vân vân.” (CMA, VI, §15, p.252)
Điều đó có nghĩa là chúng là bản chất của những thứ được tạo ra. Khi một cái gì đó được tạo ra, thì có bốn tướng trạng này. Chúng không phải là những đặc tính vật chất riêng biệt, mà chúng là những phẩm chất của những đặc tính vật chất này. Tức là sự sanh lên, sự trụ vững trong một thời gian và sự biến mất của những vật chất này. Vì chúng là bản chất hay là thực chất của những đặc tính vật chất, cho nên chúng được nói là không được tạo ra bởi nguyên nhân nào cả. Bốn tướng trạng này là ở bên ngoài của những sắc pháp được tạo ra bởi bất kỳ một trong bốn nguyên nhân.
Tóm lại, những con số được đưa ra là 18, 15, 13 và 12 (xem CMA, VI, Guide to §15, p.252).
- Mười tám sắc pháp được tạo ra do nghiệp (Kamma).
- Mười lăm sắc pháp được tạo ra do tâm (Citta).
- Mười ba sắc pháp được tạo ra do nhiệt lượng (Utu).
- Và mười hai sắc pháp được tạo ra do dưỡng tố (Āhāra).
Chúng ta phải tìm ra những con số này.
Mười tám sắc pháp nào được tạo ra do nghiệp (Kamma)? Chín được tạo ra chỉ do nghiệp (Kamma) và chín được tạo ra bởi cả bốn nguyên nhân. Các bạn sẽ phải tìm ra mười tám sắc pháp được tạo ra do nghiệp (Kamma). Tạo ra do nghiệp (Kamma) không có nghĩa nhất thiết là chỉ do nghiệp (Kamma). Nếu nghiệp (Kamma) là trong số những nguyên nhân thì chúng ta nói là nó được tạo ra do nghiệp (Kamma). Có mười tám sắc pháp (Rūpa) được tạo ra do nghiệp (Kamma). Mười tám sắc pháp đó là những sắc pháp nào? Chúng là tám sắc bất ly (Suddhaṭṭhaka), tám quyền sắc (Indriya), sắc ý vật (Hadaya-vatthu) và sắc giao giới (Ākāsa).
Có mười lăm sắc pháp được tạo ra do tâm (Citta). Mười lăm sắc pháp đó là gì? Chúng là tám sắc bất ly, hai sắc biểu tri (Viññatti), khinh sắc (Lahutā), nhu sắc (Mudutā), sắc thích nghiệp (Kammaññatā), âm thanh và sắc giao giới. Đó là mười lăm.
Mười ba sắc pháp được tạo ra do nhiệt lượng (Utu). Chúng là tám sắc bất ly, khinh sắc (Lahutā), nhu sắc (Mudutā), sắc thích nghiệp (Kammaññatā), âm thanh và sắc giao giới.
Mười hai sắc pháp được tạo ra do dưỡng tố (Āhāra). Chúng là tám sắc bất ly, khinh sắc (Lahutā), nhu sắc (Mudutā), sắc thích nghiệp (Kammaññatā) và sắc giao giới.
18, 15, 13, 12: 18 sắc pháp được tạo ra do nghiệp (Kamma), 15 sắc pháp được tạo ra do tâm (Citta), 13 sắc pháp được tạo ra do nhiệt lượng (Utu) và 12 sắc pháp được tạo ra do dưỡng tố (Āhāra). Trên trang 252 của cuốn CMA, các bạn có thể tìm thấy câu trả lời ở đó.
“Mười tám sắc pháp sanh lên từ nghiệp (Kamma) là: tám sắc bất ly, tám quyền sắc, sắc ý vật và sắc giao giới.” (CMA, VI, Guide to §15, p.252)
Đó chỉ là một cách đếm khác.
“Mười lăm sắc pháp sanh lên từ tâm là: tám sắc bất ly, năm sắc đặc biệt (tức là hai sắc biểu tri, khinh sắc và vân vân), âm thanh và sắc giao giới.” (CMA, VI, Guide to 15, p.252)
“Mười ba sắc pháp sanh lên từ nhiệt lượng là: tám sắc bất ly, ba sắc khinh, nhu và thích nghiệp, âm thanh và sắc giao giới.” (CMA, VI, Guide to §15, p.252)
“Mười hai sắc pháp sanh lên từ dưỡng tố là: tám sắc bất ly, ba sắc khinh, nhu và thích nghiệp và sắc giao giới.” (CMA, VI, Guide to §15, p.252)
Hai mươi tám sắc pháp có thể được phân loại thêm dựa theo số nguyên nhân sinh ra chúng như sau (cũng xem CMA, VI, Guide to §15, p.252):
Những sắc pháp sanh lên do chỉ một nguyên nhân là có bao nhiêu? Có mười một sắc pháp sanh lên thông qua chỉ một nguyên nhân. Tám quyền sắc sanh lên do nghiệp (Kamma). Sắc ý vật sanh lên do nghiệp (Kamma). Hai sắc biểu tri (Viññatti) sanh lên do tâm (Citta). Tất cả những sắc pháp này được tạo ra do một nguyên nhân tuy rằng những nguyên nhân là khác nhau.
Những sắc pháp nào có hai nguyên nhân? Âm thanh có hai nguyên nhân. Hai nguyên nhân đó là gì? Chúng là tâm thức (Citta) và nhiệt lượng (Utu).
Những sắc pháp nào có ba nguyên nhân? Ba sắc khinh, nhu và thích nghiệp có ba nguyên nhân. Chúng được tạo ra bởi tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra). Chúng không được tạo ra từ nghiệp (Kamma) vì chúng không phải luôn luôn tồn tại.
Những sắc pháp nào có bốn nguyên nhân? Tám sắc bất ly và sắc giao giới có bốn nguyên nhân.
Những sắc pháp nào không có nguyên nhân nào?
Bốn sắc tướng trạng không có nguyên nhân nào.
Bốn nguyên nhân sinh ra sắc pháp (Rūpa) là gì? Chúng là nghiệp (Kamma), tâm (Citta), nhiệt lượng (Utu) và dưỡng tố (Āhāra).
Nghiệp (Kamma) là gì? Nghiệp (Kamma) là tâm sở tư (Cetanā). Ở đây, nó là tâm sở tư (Cetanā) được kết hợp với 25 tâm (Citta).
Nghiệp (Kamma) được kết hợp với 25 tâm (Citta) nào? Nó được kết hợp với những tâm bất thiện (Akusala), thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) và thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala).
Bảy mươi lăm tâm (Citta) tạo ra sắc pháp (Rūpa). Các bạn loại bỏ những tâm nào? Ngũ song thức (Dvipañcaviññāṇa) và bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) bị loại bỏ.
Nhiệt lượng (Utu) là gì? Nó là hỏa đại trong tứ đại. Āhāra là gì? Āhāra là dưỡng tố. Dưỡng tố (Āhāra) được tìm thấy trong mọi thứ vì dưỡng tố là một trong tám sắc bất ly. Thậm chí trong một cục đá cũng có dưỡng tố (Āhāra).
Bao nhiêu sắc pháp được tạo ra do nghiệp (Kamma)? Mười tám sắc pháp (Rūpa) được tạo ra do nghiệp (Kamma).
Bao nhiêu sắc pháp được tạo ra do tâm (Citta)?
Mười lăm sắc pháp (Rūpa) được tạo ra do tâm (Citta).
Bao nhiêu sắc pháp được tạo ra do nhiệt lượng (Utu)? Mười ba sắc pháp (Rūpa) được tạo ra do nhiệt lượng (Utu).
Bao nhiêu sắc pháp được tạo ra do dưỡng tố (Āhāra)? Mười hai sắc pháp (Rūpa) được tạo ra do dưỡng tố (Āhāra).
Bao nhiêu sắc pháp không có nguyên nhân nào?
Bốn sắc pháp không có nguyên nhân nào.
Những sắc pháp được tạo ra do chỉ một nguyên nhân thì có bao nhiêu? Có mười một.
Bao nhiêu sắc pháp sanh lên thông qua hai nguyên nhân? Chỉ có một: âm thanh sanh lên thông qua hai nguyên nhân.
Bao nhiêu sắc pháp sanh lên thông qua ba nguyên nhân? Ba sắc pháp sanh lên thông qua ba nguyên nhân.
Bao nhiêu sắc pháp sanh lên thông qua bốn nguyên nhân? Có chín sắc pháp.
Bao nhiêu sắc pháp không có nguyên nhân nào?
Bốn sắc pháp không có nguyên nhân nào.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!