Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II
Chương Năm: Tiến Trình Tử Và Tái Sanh – Phần Hai
Chúng ta sẽ đi ngược lại trang 223, phần §38 của cuốn CMA. Đó là phần về tiến trình tử. Trong lộ tâm tử, những đổng lực (Javana) chỉ xảy ra năm lần vì chúng rất yếu tại lúc đó.
“Khi sự chết xảy ra trong lúc những cảnh hiện tại đang diễn ra và rơi vào vùng nắm bắt của giác quan, thì tâm tục sinh và hộ kiếp (của kiếp sống mới) cũng bắt cảnh hiện tại.” (CMA, V, §38, p.223)
Đối tượng được bắt bởi lộ tâm cuối cùng, tức là lộ tâm tử, có thể là hiện tại hay quá khứ: Trong biểu đồ này (xem CMA, V, Table 5.6, p.225), cảnh là hiện tại. Biểu đồ này chỉ là một trong nhiều lộ tâm tử có thể xảy ra. Trong biểu đồ này, cảnh là nghiệp tướng (Kamma-nimitta) và là cảnh sắc hiện tại. Vì nó là cảnh sắc hiện tại, cho nên nó kéo dài hay tồn tại trong mười bảy sát-na. Nhưng nếu chúng ta đếm từ lúc nó khởi sanh, thì chỉ có mười bốn sát-na. Tức là chỉ có mười bốn sát-na trong kiếp sống số một. Chúng ta có thể gọi nó là kiếp sống hiện tại. Rồi sau cái chết (Cuti) trong kiếp sống đó, thì tâm tục sinh sanh lên. Trong lộ tâm này, hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) và những đổng lực (Javana) bắt đối tượng này, tức là đối tượng hiện tại này làm cảnh. Nhưng tâm tử (Cuti) thì bắt cảnh được bắt bởi tâm tục sinh (Paṭisandhi) và những tâm hộ kiếp (Bhavaṅga) trong kiếp sống này. Tức là tâm tử (Cuti) bắt cùng đối tượng như tâm tục sinh (Paṭisandhi) và tâm hữu phần (Bhavaṅga) bắt trong kiếp sống này – nghiệp (Kamma), nghiệp tướng (Kamma-nimitta) và thú tướng (Gati- nimitta). Nhưng tâm tục sinh (Paṭisandhi) trong kiếp sống kế tiếp ngay lập tức bắt cảnh hiện tại vì cảnh vẫn còn là hiện tại – tức là bắt đối tượng hiện tại làm cảnh. Không phải chỉ tâm tục sinh (Paṭisandhi) mà hai tâm hữu phần (Bhavaṅga) kế tiếp cũng bắt đối tượng hiện tại làm cảnh vì cảnh sắc hiện tại vẫn còn tồn tại cho đến tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ hai. Khi sự chết xảy ra, cảnh hiện tại mà đi vào vùng nắm bắt của những giác quan thì vẫn còn đang tồn tại. Cho nên, trong trường hợp này, cảnh sắc hiện tại được bắt bởi tâm tục sinh (Paṭisandhi) và hai tâm hữu phần (Bhavaṅga) đi theo sau là cảnh sắc hiện tại.
Sau tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ hai, cảnh hiện tại biến mất. Tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ ba bắt cảnh này, nhưng không phải là cảnh hiện tại. Nó là một cảnh quá khứ, cảnh sắc quá khứ. Bắt đầu với tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ ba cho đến tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ 16, thì đối tượng được bắt là cảnh sắc nhưng bây giờ là cảnh quá khứ.
Cho nên, đối tượng của tâm tục sinh dục giới (Kāmāvacara Paṭisandhi) là một thú tướng hay một nghiệp tướng mà có thể là hiện tại hay quá khứ và được bắt thông qua một trong sáu môn.
Sau tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ mười sáu, thì có một lộ tâm bắt đầu với hướng ý môn (Manodvārāvajjana) và rồi những đổng lực (Javana). Những đổng lực (Javana) này được gọi là Bhavanikanti, có nghĩa là sự nắm bắt hay bám víu vào sự sinh tồn hay sự tồn tại. Những đổng lực (Javana) này là những tâm tham (Lobhamūla Citta). Có bảy sát-na đổng lực (Javana) và rồi lại là tâm hữu phần (Bhavaṅga). Trong kiếp sống kế tiếp này, tâm tục sinh (Paṭisandhi) bắt cảnh sắc hiện tại làm cảnh. Những tâm hữu phần (Bhavaṅga), sau khi cảnh sắc hiện tại biến mất, thì bắt cảnh sắc quá khứ làm cảnh. Chúng ta có thể nói rằng đối tượng của tâm tục sinh (Paṭisandhi), tâm hộ kiếp (Bhavaṅga) và tâm tử (Cuti) là như nhau. Sự khác biệt duy nhất là: đối tượng là hiện tại đối với ba sát-na và là quá khứ đối với những sát- na còn lại.
Trong khi nghiệp tướng (Kamma-nimitta) và thú tướng (Gati-nimitta) có thể được hiện bày tại bất kỳ một trong số sáu môn và chúng có thể là hiện tại hay quá khứ, còn nghiệp (Kamma) thì luôn luôn là quá khứ và chỉ được hiện bày thông qua ý môn. Đó là sự khác biệt. Nhắc lại, nghiệp (Kamma) là quá khứ và nó được hiện bày tại ý môn. Còn nghiệp tướng (Kamma-nimitta) và thú tướng (Gati-nimitta) là bất kỳ một trong sáu cảnh được bắt qua sáu môn, và chúng có thể là hiện tại hay quá khứ.
Như vậy, tâm tục sinh (Paṭisandhi), tâm hữu phần (Bhavaṅga) và tâm tử (Cuti) của kiếp sống trước bắt cùng nghiệp (Kamma), nghiệp tướng (Kamma-nimitta) và thú tướng (Gati-nimitta) làm cảnh. Tâm tục sinh (Paṭisandhi) của kiếp sống sau, trong ví dụ này, bắt cảnh sắc hiện tại làm cảnh. Hai tâm hữu phần (Bhavaṅga) sau đó cũng bắt cảnh sắc hiện tại. Bắt đầu với tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ ba và tất cả những tâm hữu phần (Bhavaṅga) sau đó trong kiếp sống sau, bao gồm cả tâm tử (Cuti), tất cả những tâm (Citta) này bắt cảnh sắc quá khứ làm cảnh. Như vậy, đối tượng của tâm tử (Cuti) trong một kiếp sống thì không giống với đối tượng của tâm tục sinh (Paṭisandhi) trong kiếp sống kế tiếp.
Rồi thì tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana) và bảy sát-na đổng lực (Javana) bắt sự tục sinh (Paṭisandhi) làm cảnh. Sự tục sinh (Paṭisandhi) ở đây có nghĩa không chỉ là tâm tục sinh (Paṭisandhi) mà còn bao gồm cả những tâm sở (Cetasika) đi cùng với nó và sắc pháp (Rūpa) do nghiệp (Kamma) tạo. Trong chương thứ sáu, các bạn sẽ học về sắc pháp. Có những sắc pháp do nghiệp (Kamma) tạo, có những sắc pháp do tâm (Citta) tạo, có những sắc pháp do nhiệt lượng tạo và có những sắc pháp do dưỡng tố (Āhāra) tạo. Tại thời điểm thọ thai làm nhân loại chẳng hạn, tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sanh lên; đây là một tâm quả (Vipāka Citta): tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka) hay tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa), rồi thì những tâm sở (Cetasika) đi cùng với nó và rồi là ba mươi sắc pháp. Có ba mươi sắc pháp sanh lên. Do đó, sự tục sinh (Paṭisandhi) ở đây có nghĩa là tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta), những tâm sở (Cetasika) đi cùng với nó và sắc pháp (Rūpa) sanh lên do nghiệp (Kamma). Có ba mươi sắc pháp dành cho nhân loại cũng như những chúng sanh khác sanh ra theo cách thai sanh. Như vậy, trong kiếp sống mới, tiến trình đổng lực (Javana) đầu tiên bắt sự tục sinh (Paṭisandhi) làm cảnh. Những đổng lực (Javana) này thì luôn luôn là những tâm tham (Lobhamūla Citta).
Ở trang tiếp theo (Tôi cũng đã đề cập đến lần trước.) về phần thú tướng, có một sự khác biệt về quan điểm giữa những giáo thọ sư. Trong cuốn CMA có ghi nhận như sau:
“Trong trường hợp thú tướng (Gati-nimitta) làm cảnh, thì những giáo thọ sư khác nhau trình bày những sự giải thích mâu thuẫn với nhau. Một vài nhà chú giải bao gồm luôn cả tác giả của cuốn Vibhāvinī-Ṭīkā1 cho rằng thú tướng thì nhất thiết phải là cảnh sắc hiện tại được nhận bắt tại ý môn.” (CMA, V, Guide to §38, p.224)
Tài liệu Vibhāvinī-Ṭīkā đó cho rằng thú tướng chỉ có thể là cảnh sắc (Rūpa). Nó chỉ được hiện bày hay được bắt tại ý môn.
“Các ngài diễn giải lời văn của Ngài Ācariya Anuruddha trong chánh văn (tức là tài liệu Abhidhammatthasaṅgaha) như sau: ‘Khi đối tượng là một nghiệp tướng, thì nó có thể được ghi nhận tại bất kỳ một trong số sáu môn và có thể là hiện tại hay quá khứ; khi nó là một thú tướng, thì nó được ghi nhận tại ý môn và là hiện tại.’ ” (CMA, V, Guide to §38, p.224)
Câu văn như chúng ta tìm thấy thì có thể có nhiều nghĩa, không nhất thiết phải được giải thích như trong Vibhāvinī-Ṭīkā. Do đó, chúng ta có thể giải thích theo một cách khác. Những giáo thọ sư khác không chấp nhận cách giải thích đó.
“Những nhà sớ giải khác, bao gồm Ngài Leḍī Sayādaw, đã bác bỏ sự giải thích này vì cho rằng nó quá hẹp và bị ép buộc, gò bó. Các Ngài tranh luận là phải hiểu lời văn của Ngài Ācariya Anuruddha một cách rộng thoáng hơn rằng thú tướng có thể là quá khứ hay hiện tại và có thể xuất hiện tại bất kỳ một trong sáu môn.” (CMA, V, Guide to §38, p.224)
Đây là quan điểm được đưa ra bởi Ngài Leḍī Sayādaw cũng như những nhà Sớ Giải cổ xưa khác.
“Ngài Leḍī Sayādaw khẳng định rằng khi chánh văn Thắng Pháp (Abhidhamma) thông thường nói đến thú tướng là cảnh sắc hiện tại xuất hiện tại ý môn, thì đây chỉ là theo cách trình bày thường dùng…” (CMA, V, Guide to 38, p.224)
Ý của Sayādaw là nó phải nên được hiểu là một sự phát biểu mang tính chung chung.
“… mà không có nghĩa là nó không thể biểu lộ theo những cách khác, …” (CMA, V, Guide to §38, p.224)
Nghĩa là nó không chỉ là cảnh sắc (Rūpa).
“… ví dụ như là những tiếng than khóc của những chúng sanh trong địa ngục…” (CMA, V, Guide to §38, p.224)
Đó là âm thanh.
“… hay những tiếng nhạc hay mùi hương từ Thiên giới, vân vân.” (CMA, V, Guide to §38, p.224)
Theo Ngài Leḍī Sayādaw thì chúng cũng có thể là những thú tướng.
Trong câu chuyện về người cha của Sona mà tôi đã kể cho các bạn lần trước, thì đầu tiên là ông ta đã thấy những bông hoa. Đó là nghiệp tướng (Kamma-nimitta). Rồi sau đó, ông ta đã thấy những Thiên nhân. Và ông cũng đã có thể trải nghiệm hương thơm từ Thiên giới. Và cũng trong câu chuyện của Dhammika Upāsaka, thú tướng đã xuất hiện đến cho ông ta dưới dạng những Thiên nhân đến gặp ông trong những cỗ xe của họ. Cho nên, theo Ngài Leḍī Sayādaw, thú tướng có thể là bất cứ cảnh nào và được bắt tại bất kỳ môn nào trong sáu môn.
Đây là sự chết và sự tái sanh (Paṭisandhi) trong dục giới (Kāmāvacara). Tiếp theo là sự tục sinh trong sắc giới (Rūpāvacara Paṭisandhi).
“Trong trường hợp của việc tái sanh trong sắc giới, thì đối tượng là một khái niệm và luôn luôn là một nghiệp tướng.” (CMA, V, §39, p.224)
Khi một người thực hành thiền định để chứng đắc thiền (Jhāna), người đó lấy những đối tượng Kasiṇa, những xác chết hay những chúng sanh và vân vân làm đề mục thiền định. Khi hành giả bắt một trong số những đối tượng này làm cảnh, thì nó sau này trở thành cái được gọi là ấn tướng. Ấn tướng có nghĩa là bản sao chép chính xác của cái mà hành giả quán chiếu trên đó. Ví dụ trong trường hợp của Kasiṇa đất, trước hết nó là Kasiṇa đất thật. Hành giả quán chiếu trên nó niệm “đất, đất, đất” nhiều lần. Rồi sau một thời gian, hành giả có thể ghi nhớ được hình ảnh đó. Cho nên, hành giả có thể thấy được hình ảnh đó trong tâm trí mà không cần nhìn vào cái đĩa. Rồi hành giả niệm tưởng trên ấn tướng đó nhiều lần cho đến khi ấn tướng đó trở nên không còn một khuyết điểm nào, tức là bóng sáng như hình mặt trăng và vân vân. Tại lúc đó, nó trở thành một khái niệm (Paññatti). Đầu tiên, nó là một Kasiṇa đất; cho nên, khi hành giả niệm “đất, đất”, thì nó là một sự thật chân đế (Paramattha). Sau này, thì nó trở thành một hình ảnh. Thì nó là chế định (Paññatti). Niệm tưởng trên cái chế định (Paññatti) đó, bắt cái chế định (Paññatti) đó làm cảnh, rồi thiền định (Jhāna) sanh lên. Thiền (Jhāna) của hành giả bắt cái chế định (Paññatti) đó làm cảnh. Tại thời điểm tử, cái chế định (Paññatti) đó được bắt làm cảnh của lộ tâm tử. Trong trường hợp tục sinh ở sắc giới, thì đối tượng là một khái niệm. Như là quả của thiền (Jhāna) được chứng đắc trong kiếp sống này, đối tượng của thiền (Jhāna) đó xuất hiện trước hành giả vào lúc tử. Ngay lập tức sau khi chết, do quả của thiền (Jhāna) đó, hành giả tái sanh vào sắc giới (Rūpāvacara). Tâm tục sinh của hành giả là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka). Vì tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala) và tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) bắt cùng đối tượng, đối tượng của tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) tức là tâm tục sinh (Paṭisandhi) lúc đó cũng là khái niệm đó. Cho nên, trong trường hợp của sự tục sinh ở sắc giới (Rūpāvacara), đối tượng là một khái niệm. Nó thì luôn luôn là một nghiệp tướng. Đối tượng đó được gọi là nghiệp tướng, chứ không phải thú tướng cũng như không phải nghiệp (Kamma).
“Cũng như vậy, trong trường hợp tục sinh ở vô sắc giới, đối tượng – mà có thể là một trạng thái cao thượng hay một khái niệm tùy thuộc vào tầng thiền định – thì luôn luôn là một nghiệp tướng.” (CMA, V, §39, p.224)
Đối tượng của tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) thì cũng là một nghiệp tướng. Nhưng ở đây, nghiệp tướng có thể là sự thật chân đế hay là một khái niệm. Các bạn đã biết rằng đối tượng của tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) thứ nhất là khái niệm về không gian vô tận. Đối tượng của tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) thứ ba là sự trống vắng của tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) thứ nhất. Khi tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) sanh lên là quả của tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala), thì nó bắt cùng đối tượng. Đối tượng của tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) thứ nhất là khái niệm về không gian vô tận. Đối tượng của tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) thứ ba là khái niệm trống vắng của tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) thứ nhất. Trong trường hợp của hai tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) thứ nhất và thứ ba, thì đối tượng là khái niệm.
Nhưng đối tượng của tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) thứ hai là tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) thứ nhất. Đối tượng của tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) thứ tư là tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala Citta) thứ ba. Trong trường hợp đó, đối tượng của tâm vô sắc (Arūpāvacara) là đáo đại (Mahaggata) vì những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) và tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) thì được gọi là những tâm đáo đại (Mahaggata Citta). Như vậy, trong trường hợp của những tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) thứ hai và thư tư, đối tượng là sự thật chân đế (Paramattha) và ở đây được gọi là đáo đại (Mahaggata). Đối tượng của tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) nói chung là một trạng thái đáo đại (Mahaggata) cho dù nó là sự thật chân đế hay là một khái niệm tùy thuộc vào trường hợp cụ thể. Nó luôn luôn là một nghiệp tướng (Kamma-nimitta). Đối tượng của tâm tục sinh sắc giới (Rūpāvacara Paṭisandhi) và tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) thì luôn luôn là nghiệp tướng (Kamma-nimitta). Đối tượng của tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) là một khái niệm nào đó hay là một sự thật chân đế (Paramattha) nào đó hay ở đây là một đối tượng đáo đại (Mahaggata) nào đó.
Bây giờ đến những chúng sanh vô tưởng: “Trong trường hợp của những chúng sanh vô tưởng, thì chỉ có nhóm sắc mạng quyền được hình thành dưới hình thức tái sanh.” (CMA, V, §39, p.226)
Tức là chỉ có nhóm sắc pháp (Rūpa) đó làm nên sự tái sanh (Paṭisandhi). Đối với họ, sự tục sinh (Paṭisandhi) thì không có tâm thức (Citta). Đối với những chúng sanh vô tưởng, sự tục sinh (Paṭisandhi) chỉ có nghĩa là chín sắc pháp này. Họ được gọi là “những chúng sanh có sắc pháp làm sự tái sanh (Paṭisandhi)”. Tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) không sanh lên cho những chúng sanh này. Họ tái sanh tại đó như những pho tượng. Sự khác biệt giữa một pho tượng và những chúng sanh này là, họ có sắc mạng quyền (Jīvita-rūpa) trong khi những pho tượng bình thường thì không có sắc mạng quyền.
“Những chúng sanh trong những cõi vô sắc thì được gọi là tái sinh có tính chất tinh thần.” (CMA, V, §39, p.226)
Đó là những chúng sanh trong vô sắc giới (Arūpāvacara); họ có sự tục sinh (Paṭisandhi) là vô sắc (Arūpa).
“Những chúng sanh còn lại thì được gọi là tái sinh có tính chất cả vật chất và tinh thần.” (CMA, V, §39, p.226)
Những chúng sanh còn lại, như là nhân loại và những Thiên nhân cõi dục (Deva), thì được gọi là đi tục sinh có tính chất cả vật chất lẫn tinh thần. Họ là những chúng sanh có cả sắc pháp (Rūpa) lẫn vô sắc (Arūpa) tại lúc tái sanh (Paṭisandhi). Có những chúng sanh có sự tục sinh (Paṭisandhi) chỉ bao gồm có danh pháp (Nāma). Có những chúng sanh có sự tục sinh (Paṭisandhi) chỉ bao gồm sắc pháp (Rūpa). Có những chúng sanh khác có sự tục sinh (Paṭisandhi) bao gồm cả danh (Nāma) và sắc (Rūpa).
Bây giờ, chúng ta sẽ học đến sự tái sanh nào đi theo sự chết (Cuti) nào, tức là chúng sanh từ những cảnh giới nhất định nào đó lúc chết thì có thể tái sanh vào đâu. Thông tin được ghi nhận trong cuốn Cẩm Nang (Ý của tôi là tài liệu gốc Pāḷi.) thì hơi chung chung. Nó không được trình bày một cách chi tiết.
Chúng tôi đã có tạo ra một bản nêu chi tiết (xem CMA, V, Table 5.7, p.230). Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu lời ghi nhận chung chung. Sự chuyển ngữ của câu văn đầu tiên thì không chuẩn lắm, nhưng tôi nghĩ như vậy là cũng được rồi.
“Khi một người chết đi từ một cảnh giới vô sắc, họ có thể tái sanh vào những cảnh giới vô sắc cao hơn chứ không vào những cảnh giới vô sắc thấp hơn, …” (CMA, V, 40, p.226)
Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là: Vậy còn chuyện cùng cảnh giới thì sao? Câu văn trên không nói gì về việc cùng cảnh giới cả. Nhưng trong phần chỉ dẫn (xem CMA, V, Guide to §40, p.227), tức là trong phần giải thích ở trang tiếp theo, thì lời giải đáp là đúng. Và hơn nữa ở đây một từ đã bị hiểu sai. Từ Pāḷi “Paraṃ” không có nghĩa là “siêu việt”. Nó có nghĩa là “sau” – tức là “sau tâm tử vô sắc (Arūpāvacara Cuti)”. Sau tâm tử vô sắc (Arūpāvacara Cuti) thì có những tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi), ngoại trừ những tâm tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) thấp hơn. Có nghĩa là những chúng sanh sinh vào những cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara) thì không tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma) thấp hơn. Họ có thể tái sanh vào cùng cảnh giới hay vào một cảnh giới cao hơn. Đó là dành cho những chúng sanh chết đi từ những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Tại sao? Vì khi họ chứng đắc những tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna), thì những tầng thiền (Jhāna) thấp hơn biến mất. Vì những tầng thiền (Jhāna) thấp hơn biến mất, cho nên một khi họ đã đến cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara), họ không chứng đắc được những tầng thiền (Jhāna) thấp hơn. Tại đó, họ không thể thực hành những tầng thiền (Jhāna) thấp hơn. Vì họ không chứng đạt được những tầng thiền (Jhāna) thấp hơn tại đó, cho nên họ không tái sanh vào những cảnh giới Phạm thiên (Brahma) thấp hơn. Nếu họ tái sanh, họ sẽ tái sanh lại vào cùng cảnh giới hay vào những cảnh giới cao hơn.
Và không chỉ là vậy, họ có thể tái sanh vào dục giới (Kāmāvacara) với sự tục sinh tam nhân (Tihetuka Paṭisandhi). Sau khi chết tại vô sắc giới (Arūpāvacara), thì sự tục sinh (Paṭisandhi) nào có thể xảy ra? Chúng ta sẽ học đến phần đó khi chúng ta đọc bảng nêu (xem CMA, V, Table 5.7, p.230). Như vậy, có bốn sự tục sinh vô sắc (Arūpāvacara Paṭisandhi) và rồi bốn sự tục sinh dục giới (Kāmāvacara Paṭisandhi) tam nhân.
Tại sao họ lại không tái sanh vào sắc giới (Rūpāvacara)? Điều này thì có thể hơi khó hiểu. Tức là ở đó họ đã mất đi những sự chứng đắc thiền định (Jhāna). Do quả của sự chứng đắc thiền (Jhāna) họ đã chứng đạt khi còn là nhân loại hay Thiên nhân dục giới (Deva), họ đã tái sanh về vô sắc giới (Arūpāvacara). Trong vô sắc giới (Arūpāvacara), họ mất đi những sự chứng đắc thiền định (Jhāna) của mình. Vì họ đã mất đi những sự chứng đắc thiền định (Jhāna) của mình, họ đã không thể tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma). Họ không thể tái sanh vào bất kỳ cõi Phạm thiên (Brahma) nào vì họ đã mất sự chứng đắc thiền định (Jhāna). Cho nên, họ trở lại xuống dục giới (Kāmāvacara). Khi họ trở lại xuống dục giới (Kāmāvacara), sự tái sinh của họ là một trong những sự tái sinh dục giới (Kāmāvacara) tam nhân, tức là một trong những tâm tam nhân (Tihetuka Citta). Tại sao họ không tái sanh làm người nhị nhân (Dvihetuka), tức là người có hai nhân? Phần giải thích nói rằng, nếu họ rơi xuống từ sự chứng đắc thiền định (Jhāna) của mình, tức là nếu họ mất thiền (Jhāna) tại đó, họ sẽ tái sanh vào dục giới do năng lực của sự cận định. Sự cận định này thì không phải ở trong vô sắc giới (Arūpāvacara). Sự cận định ở đây không có nghĩa là trong vô sắc giới (Arūpāvacara) vì nếu có cận định ở đó, thì luôn luôn sẽ có sự chứng đắc thiền (Jhāna). Nhưng tình huống ở đây là họ đã mất thiền (Jhāna) ở đó. Cận định được nhắc đến ở đây thuộc vào một kiếp sống trước. Như vậy, khi họ còn là nhân loại chẳng hạn và chứng đắc thiền (Jhāna), thì trong lộ đắc thiền (Jhāna), họ có chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū). Những tâm này được gọi là cận định. Những gì họ chứng đạt trước đó cũng được gọi là cận định. Do quả của những sát-na cận định này tức là quả của nghiệp (Kamma), họ tái sanh vào dục giới (Kāmāvacara) với tâm tục sinh (Paṭisandhi) tam nhân, chứ không phải nhị nhân. Đó là vì cận định mà họ đã chứng đắc trong những kiếp sống trước là rất mạnh. Trước khi họ tái sanh làm chúng sanh trong vô sắc giới (Arūpāvacara), họ đã thực hành thiền định và đã chứng đắc cận định. Sau khi chết đi từ vô sắc giới (Arūpāvacara), do năng lực của cận định đã được chứng đắc trong những kiếp sống trước khi tái sanh vào vô sắc giới (Arūpāvacara), họ sẽ tái sanh với ba nhân, chứ không phải với hai nhân cũng không phải không có nhân nào. Như vậy, chúng sanh từ vô sắc giới (Arūpāvacara) cũng có thể tái sanh vào dục giới với tâm tục sinh tam nhân.
“Khi một chúng sanh chết đi từ sắc giới (Rūpāvacara), thì chúng sanh đó sẽ không tái sanh mà không có nhân.” (CMA, V, §40, p.226)
Một Phạm thiên (Brahma) không thể tái sanh làm nhân loại hay Thiên nhân (Deva) với hai nhân. Và một Phạm thiên (Brahma) cũng không thể tái sanh mà không có nhân nào. Do đó, một Phạm thiên (Brahma) không thể trực tiếp tái sanh làm bàng sanh.
Có một câu chuyện trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) kể lại rằng Đức Phật đã mỉm cười khi Ngài thấy một con lợn. Ngài Ānanda đã bạch hỏi vì sao Đức Phật cười. Đức Phật trả lời: “Con lợn đó đã một lần làm Phạm thiên (Brahma).” Điều đó không có nghĩa là chúng sanh đó tái sanh làm con lợn ngay từ thế giới Phạm thiên (Brahma) mà là chúng sanh đó đã từng có mặt ở trên đó. Có nghĩa là chúng sanh đó có lẽ đã tái sanh làm người từ thế giới Phạm thiên (Brahma) và rồi sau đó tái sanh làm con lợn. Như vậy, một Phạm thiên (Brahma) không thể tái sanh từ những cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara) và sắc giới (Rūpāvacara) thẳng xuống cõi nhân loại thành người nhị nhân hay vô nhân. Và một Phạm thiên (Brahma) không thể tái sanh thẳng xuống bốn đọa xứ.
“Khi một chúng sanh chết đi từ sắc giới, chúng sanh đó không thể tái sanh mà không có nhân. Sau khi chết đi từ một kiếp sống tam nhân trong cõi dục, …” (CMA, V,40, p.226)
Đó là dục giới (Kāmāvacara).
Như vậy, điều đó có nghĩa là sau sự chết ở dục giới (Kāmāvacara Cuti) với tam nhân, “… chúng sanh có thể tái sanh bất kỳ nơi đâu.” (CMA, V, §40, p.226)
Đó là năng lực của người nhân loại. Một người nhân loại có thể tái sanh vào cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư, tức là cõi cao nhất hoặc vào cõi địa ngục thấp nhất, tức là địa ngục Avīci. Một người nhân loại với tâm tục sinh tam nhân có thể tái sanh bất kỳ nơi đâu trong 31 cõi. Chúng sanh đó có thể đi lên tận đỉnh của các cõi hay có thể đi xuống tận đáy của các cõi.
“Sau khi chết đi từ một kiếp sống tam nhân trong cõi dục, một chúng sanh có thể tái sanh bất kỳ nơi nào.” (CMA, V, §40, p.226)
“Những người còn lại (tức là những người chết đi với hai nhân và không có nhân nào) thì chỉ tái sanh vào những cõi dục giới.” (CMA, V, §40, p.226)
Ai là những người chết đi với hai nhân? Họ là một vài trong số những người nhân loại và Thiên chúng (Deva). Ai là những người chết đi mà không có nhân nào? Những chúng sanh chết đi từ bốn đọa xứ thì không có nhân nào1. Họ chỉ tái sanh được vào những cõi dục giới (Kāmāvacara). Họ chỉ có thể tái sanh với sự tục sinh (Paṭisandhi) nhị nhân hay tam nhân trong những cõi dục giới (Kāmāvacara).
Như vậy, đây chỉ là một sự trình bày vắn tắt. Nó không nhắc đến sự khác nhau giữa sự tục sinh (Paṭisandhi) của những chúng sanh là phàm nhân (Puthujjana) và của những vị đã giác ngộ, tức là những bậc Thánh (Ariya). Chúng ta phải tìm hiểu những khả năng tái sanh của phàm nhân (Puthujjana) và của những bậc giác ngộ.
“Trong trường hợp của những vị Thánh đệ tử, thì không có sự suy đồi từ một tâm tử cao thượng xuống một tâm tục sinh hạ liệt.” (CMA, V, Guide to §40, p.227)
Đối với những vị Thánh đệ tử, thì không thể có sự đi xuống. Cho nên, khi các Ngài tái sanh, tâm tục sinh của các Ngài sẽ là tâm tục sinh (Paṭisandhi) tam nhân.
“Tất cả các vị Thánh đệ tử chết đi với một tâm tử tam nhân, vì nếu không có tam nhân thì không thể nào chứng đắc đạo và quả.” (CMA, V, Guide to §40, p.227)
Tất cả những vị Thánh nhân, tức là những vị đã giác ngộ thì chết đi với tâm tử tam nhân.
“Những vị Thánh đệ tử hữu học…” (CMA, V, Guide to §40, p.227)
Tức là những vị Nhập Lưu (Sotāpanna), những vị Nhất Lai (Sakadāgāmī) và những vị Bất Lai (Anāgāmī).
“… sanh vào lại trong cùng cảnh giới hay lên một cảnh giới cao hơn;” (CMA, V, Guide to §40, p.227)
Các bạn nghĩ sao về điều này? Các bạn có đồng ý với nó không? Đối với các vị Nhất Lai (Sakadāgāmī) thì sao? Vị Nhất Lai qua đời tại đây và rồi tái sanh làm Thiên nhân (Deva) và rồi Ngài trở lại cõi nhân loại (Manussa Loka), ý của tôi là Ngài trở lại làm người nhân loại. Đó là lý do tại sao Ngài được gọi là Nhất Lai (Sakadāgāmī). Nhưng nếu các bạn xem việc tái sanh làm người và việc tái sanh làm Thiên nhân là như nhau, thì điều đó chấp nhận được. Thật ra câu văn này chỉ áp dụng cho những vị Phạm thiên (Brahma). Những vị Phạm thiên (Brahma) đã giác ngộ thì không tái sanh vào cõi thấp hơn.
Chúng ta phải cẩn thận. Khi nói đến cõi, đó là một chuyện. Khi nói đến tâm tục sinh, đó lại là một chuyện khác. Các Ngài sẽ có cùng loại tâm tục sinh hay một tâm cao thượng hơn. Đây là trường hợp dành cho các vị Thánh đệ tử.
“Điều hiển nhiên là những vị đã đạt được Đạo và Quả A-la-hán (Arahant) thì không tái sanh vào bất kỳ cảnh giới nào nữa sau khi nhập diệt.” (CMA, V, Guide to 40, p.227)
Có một câu văn trong những Sớ Giải và trong các luận thư khác rằng, trong 31 cõi hiện hữu thì có ba cõi được gọi là cảnh giới cao thượng (Seṭṭha Bhāva). Có ba cảnh giới cao thượng trong 31 cõi hiện hữu. Chúng là cõi Quảng Quả (Vehapphala), cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha) và cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññāyatana). Ba cõi này được gọi là những cõi cao thượng. Điều được ghi nhận là một vị Thánh nhân sanh vào đó sẽ không tái sanh vào một cõi nào khác. Ví dụ, một vị Thánh nhân tái sanh vào cõi Quảng Quả sẽ không tái sanh vào một cõi nào khác. Nếu Ngài sẽ còn tái sanh, thì Ngài sẽ tái sanh vào chính cõi đó. Ngài sẽ chắc chắn trở thành A-la-hán (Arahant) và chứng đạt vô dư Níp-bàn (Parinibbāna). Cũng vậy, một vị Thánh nhân tái sanh vào cõi cao nhất sẽ không tái sanh nữa. Do đó, chúng được gọi là ba cõi cao thượng hay ba cảnh giới hiện hữu cao thượng.
Trong ngũ tịnh cư (Suddhāvāsa), các vị Bất Lai (Anāgāmī) sẽ không tái sanh trở lại trong cõi của mình. Các Ngài sẽ tái sanh lên các cõi cao hơn.
Có một điều được nhắc đến trong Sammohavinodanī rằng: đối với các vị Nhập Lưu (Sotāpanna) và Nhất Lai (Sakadāgāmī), khi các Ngài tái sanh vào sắc giới (Rūpāvacara) thì các Ngài sẽ không trở lại dục giới (Kāmāvacara). Các Ngài sẽ chứng đạt vô dư Níp-bàn (Parinibbāna) ở đó trên sắc giới (Rūpāvacara). Cho nên, mặc dầu các vị Nhập Lưu (Sotāpanna) có bảy lần tái sanh nữa và các vị Nhất Lai (Sakadāgāmī) còn một hoặc hai lần tái sanh nữa chẳng hạn, nhưng nếu các Ngài tái sanh vào sắc giới (Rūpāvacara), thì các Ngài sẽ không quay trở lại đây. Vị Nhập Lưu (Sotāpanna) tái sanh vào sắc giới (Rūpāvacara), Ngài có lẽ sẽ tiếp tục đi lên. Ngài sẽ không đi xuống dục giới (Kāmāvacara) nữa. Các Ngài được gọi là những vị Thiền Bất Lai (Jhāna Anāgāmī). Các Ngài không xuống đây trở lại do năng lực của thiền định (Jhāna). Các Ngài không phải là những vị Bất Lai (Anāgāmī) thật sự, nhưng các Ngài được gọi là những vị Thiền Bất Lai (Jhāna Anāgāmī).
Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào bảng nêu (xem CMA, V, Table 5.7, p.230). Bảng nêu này rất chi tiết. Những bảng nêu này chỉ ra những tâm tử (Cuti) và rồi tâm tục sinh (Paṭisandhi) nào có thể đi theo sau. Một vài trang đầu tiên thì nói về phàm nhân (Puthujjana). Một phàm nhân (Puthujjana) chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư thì có thể tái sanh vào chính cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư và cũng có thể tái sanh vào cõi nhân loại hay sáu cõi dục Thiên (Deva). Như vậy, một người chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư thì không thể tái sanh làm Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma). Ông ta sẽ tái sanh vào cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư hay, nếu bị mất thiền (Jhāna), thì ông ta sẽ tái sanh vào dục giới (Kāmāvacara), những cõi dục giới thiện thú (Kāma-sugati), tức là từ cõi nhân loại cho đến cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī), số 5-11. Bảng nêu này ghi “Bhūmi hiện tại”, tức là trong kiếp sống này, và tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là trong kiếp sống mới kế tiếp.
Bây giờ, đến cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba: một người chết từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba với tâm tử vô sắc (Arūpāvacara Cuti Citta) thứ ba. Người này có thể tái sanh vào cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba và thứ tư. Cũng vậy, nếu người này mất thiền (Jhāna), ông ta có thể tái sanh vào những cõi dục giới thiện thú (Kāma-sugati), tức là từ cõi nhân loại cho đến cõi Tha Hóa Tự Tại, số 5- 11. Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sẽ là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ ba, tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ tư hay tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) được đi kèm theo bởi ba nhân.
Một người chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ hai với tâm tử (Cuti Citta) là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ hai. Ông ta có thể tái sanh với tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ hai, thứ ba và thứ tư làm tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) hay ông ta có thể tái sanh vào những cõi dục giới thiện thú (Kāmāvacara Sugati) với tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) tam nhân làm tâm tục sinh (Paṭisandhi).
Bây giờ đến cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất: một người chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất bằng tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ nhất. Ông ta có thể tái sanh với một trong cả bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) vì ông ta có thể tái sanh vào cùng cảnh giới hay những cảnh giới cao hơn. Ông ta có thể tái sanh vào tất cả bốn cõi vô sắc (Arūpāvacara) hay ông ta có thể tái sanh vào dục giới thiện thú (Kāma-sugati). Những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là tâm quả vô sắc giới (Arūpāvacara Vipāka) thứ nhất cho đến thứ tư và bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) được đi kèm theo bởi ba nhân.
Các cõi 23-27 (tức là Ngũ Tịnh Cư – Suddhāvāsa) thì không thích hợp. Chúng không được đề cập đến trong những tài liệu này. Tôi đã muốn bao gồm tất cả 31 cõi, nhưng những cõi này thì không thích hợp ở đây. Chỉ có những vị Bất Lai (Anāgāmī) mới tái sanh vào những cõi này. Không có phàm nhân (Puthujjana). Bây giờ chúng ta đang nói về phàm nhân (Puthujjana), cho nên chúng không thích hợp ở đây.
Số 22: chúng sanh vô tưởng (Asañña-satta) – họ không có tâm tử. Sự chết của họ chỉ là sắc pháp. Họ có thể tái sanh vào dục giới thiện thú (Kāma-sugati). Tâm tục sinh (Paṭisandhi) của họ có thể là tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) nhị nhân hay tam nhân. Họ sẽ không tái sanh với tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) vô nhân do năng lực của thiền định (Jhāna) của họ. Họ không tái sanh vào bốn đọa xứ và họ không tái sanh làm nhân loại1 với sự tục sinh (Paṭisandhi) vô nhân.
Bây giờ đến cõi Quảng Quả (Vehapphala) – khi các Phạm thiên (Brahma) chết đi từ cõi Quảng Quả (Vehapphala), tâm tử của họ là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ năm. Họ có thể tái sanh vào tất cả các cõi trừ bốn đọa xứ. Nếu họ vẫn còn là phàm nhân (Puthujjana), thì họ không thể tái sanh vào Ngũ Tịnh Cư, vì chỉ có các vị Bất Lai (Anāgāmī) mới tái sanh vào những cõi đó. Là phàm nhân (Puthujjana), họ có thể phát triển các tầng thiền định (Jhāna) và tái sanh làm những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma) hay phát triển thiền (Jhāna) thứ năm một cách đặc biệt và tái sanh làm chúng sanh vô tưởng (Asañña-satta).
Những chúng sanh trong cõi Biến Tịnh thiên chết với tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ tư. Ở đây cũng vậy, họ không thể tái sanh vào những cõi 23-27, tức là Ngũ Tịnh Cư (Suddhāvāsa). Họ có thể tái sanh vào các cõi 5-22 (nhân loại, dục Thiên (Deva) và Phạm thiên (Brahma)), và các cõi 28-31 (bốn cõi vô sắc)1. Cõi Vô Lượng Tịnh thiên cũng như vậy. Tất cả các cõi bắt đầu với cõi Phạm Chúng thiên (Brahmapārisajja) cũng như vậy. Những chúng sanh này có thể sanh vào những cõi 5- 22 (nhân loại, dục Thiên (Deva) và Phạm thiên (Brahma)), hay các cõi 28-31 (bốn cõi vô sắc)2. Sự khác nhau chỉ là tâm tử (Cuti). Cõi số 20: Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha), cõi số 19: Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha) và cõi số 18: Thiểu Tịnh thiên (Parittasubha) có tâm tử (Cuti) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ tư. Chúng sanh trong các cõi số 17: Quang Âm thiên (Ābhassara), cõi số 16: Vô Lượng Quang thiên (Appamāṇābhā) và cõi số 15: Thiểu Quang thiên (Parittābhā) có tâm tử (Cuti) là những tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka Citta) thứ hai và thứ ba. Cõi số 12: Phạm Chúng thiên (Brahma-pārisajja), cõi số 13: Phạm Phụ thiên (Brahma-purohita) và cõi số 14: Đại Phạm thiên (Mahābrahmā) có tâm tử (Cuti) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ nhất. Những cõi (Bhūmi) tái sanh mới là 5-22 (nhân loại, dục Thiên (Deva) và Phạm thiên (Brahma)), hay các cõi 28-31 (bốn cõi vô sắc).
Bây giờ đến cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī), đây là cõi cao nhất trong sáu cõi dục Thiên (Deva). Những ai chết với tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) nhị nhân, tức là tâm quả không được đi kèm theo bởi trí tuệ, thì có thể tái sanh vào những cõi 1-11 (bốn đọa xứ, cảnh giới nhân loại và các cõi dục Thiên (Deva)), tức là tất cả các cõi dục giới (Kāmāvacara). Những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) có thể là hai tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa), hay tám tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) với hai hoặc ba nhân. Sau bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) tam nhân, thì họ có thể tái sanh vào tất cả mọi cõi trừ Ngũ Tịnh Cư (Suddhāvāsa) vì họ có tâm tử dục giới (Kāmāvacara Cuti) tam nhân. Sau những tâm tử dục giới (Kāmāvacara Cuti) tam nhân, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Những cõi còn lại trở xuống đến cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) (không tính cõi này) thì cũng giống như vậy. Sau tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) nhị nhân, thì cõi (Bhūmi) tái sanh mới là tất cả những cõi dục giới (Kāmāvacara Bhūmi). Và tâm tục sinh (Paṭisandhi) là hai tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa), hoặc bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) nhị nhân, hoặc bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) tam nhân. Đối với phàm nhân (Puthujjana), sau bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) với ba nhân, thì mọi trường hợp có thể xảy ra trừ việc tái sanh vào những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa).
Đối với những Thiên nhân ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) và người nhân loại chết bằng tâm quan sát quả thiện (Kusala-vipāka Santīraṇa), tức là tâm tử (Cuti) vô nhân, thì họ có thể tái sanh vào những cõi 1-11 (tất cả những cõi dục giới (Kāmāvacara)). Họ có thể tái sanh với những tâm tục sinh (Paṭisandhi) là hai tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa) và tám tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka). Sau tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) nhị nhân, thì có cùng những khả năng xảy ra như tâm tử (Cuti) vô nhân. Đối với những phàm nhân (Puthujjana) chết bằng những tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka Citta) tam nhân, thì sự tục sinh (Paṭisandhi) trong tất cả các cõi ngoại trừ những cõi Tịnh Cư là đều có thể xảy ra.
Những điều trình bày ở trên nói chung là đúng. Bảng nêu được miêu tả thì chỉ dành cho phàm nhân thôi, cho nên những cõi 23-27: những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) phải nên được loại ra trong những trường hợp mà câu văn nói là mọi khả năng đều có thể xảy ra.
Bây giờ, A-tu-la (Asurakāya) là một trong bốn đọa xứ. Tâm tử (Cuti Citta) của những chúng sanh này là tâm quan sát quả bất thiện (Akusala-vipāka Santīraṇa) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Họ có thể tái sanh vào những cõi 1-11 (tức là tất cả những cõi dục giới (Kāmāvacara)). Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) của họ có thể là hai tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa) và tám tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka). Điều này cũng đúng cho ba đọa xứ còn lại: Ngạ quỷ (Petti-visaya), bàng sanh (Tiracchāna-yoni) và địa ngục (Niraya).
Bằng cách tham khảo bảng nêu này, chúng ta có thể hiểu tâm tục sinh (Paṭisandhi) nào có thể đi theo tâm tử (Cuti) nào. Chúng ta cũng có thể hiểu chúng sanh có thể tái sanh ở đâu. Một chúng sanh ở trong địa ngục có thể tái sanh vào địa ngục trở lại hay vào những đọa xứ khác, hay vào cảnh giới nhân loại hay vào một trong sáu cõi dục Thiên (Deva). Một chúng sanh ở trong địa ngục có thể đi tái sanh lên thậm chí đến cảnh giới dục Thiên (Deva). Bảng nêu này dành cho những phàm nhân (Puthujjana).
Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào bảng nêu dành cho những Thánh nhân (Ariya) (xem CMA, V, Table 5.7, p.232). Một vị giác ngộ chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư có thể tái sanh trở lại trong cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư hay vị đó sẽ trở thành A-la-hán (Arahant) và không tái sanh vào trong cảnh giới nào nữa. Ngài có thể chỉ tái sanh vào cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư, cho nên tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sẽ chỉ là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ tư.
Một vị Thánh nhân (Ariya) chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba với tâm tử (Cuti Citta) là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ ba. Ngài có thể tái sanh vào cõi 30: cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba hay cõi 31: cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư. Những tâm tục sinh (Paṭisandhi) tương ứng ở đó là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) thứ ba và thứ tư.
Một vị Thánh nhân (Ariya) chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ hai với tâm tử (Cuti Citta) là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ hai thì có thể tái sanh vào những cõi 29-31 (tức là những cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ hai, thứ ba và thứ tư). Những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) tương ứng là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Một vị Thánh nhân (Ariya) chết đi từ cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất có tâm tử (Cuti) là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) thứ nhất. Ngài có thể tái sanh vào những cõi 28-31 (tức là những cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư). Và do đó, những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thứ nhất cho đến thứ tư.
Không có sự tái sanh (Paṭisandhi) từ cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha). Vị Thánh chết đi từ cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha) có tâm tử (Cuti) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ năm. Ngài không còn tái sanh nữa. Ngài trở thành A-la-hán (Arahant) trong cõi đó.
Đối với một vị Thánh từ cõi Thiện Kiến (Sudassī), tâm tử (Cuti Citta) của Ngài là tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) thứ năm. Ngài có thể tái sanh vào một cõi cao hơn, tức là cõi 27: Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha). Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ năm.
Đối với một vị Thánh từ cõi Thiện Hiện (Sudassā), thì tâm tử (Cuti Citta) của Ngài là tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) thứ năm và Ngài có thể tái sanh vào hai cõi cao hơn, đó là 26: Thiện Kiến (Sudassī) và 27: Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha). Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ năm.
Và cõi Vô Nhiệt (Atappā): một vị Thánh chết đi từ cõi Vô Nhiệt (Attappā) thì có thể tái sanh vào những cõi 25, 26 và 27: Thiện Hiện (Sudassā), Thiện Kiến (Sudassī) và Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha). Tâm tử (Cuti Citta) và tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sẽ là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ năm.
Vị Thánh chết đi từ cõi Vô Phiền (Aviha) có thể tái sanh vào các cõi 24-27: Vô Nhiệt (Atappā), Thiện Hiện (Sudassā), Thiện Kiến (Sudassī) và Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha). Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) của Ngài là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ năm.
Cõi Vô Tưởng (Asañña-satta) thì không thích hợp ở đây vì không có Thánh nhân trong cõi đó.
Một vị Thánh nhân (Ariya) chết đi từ cõi Quảng Quả (Vehapphala) thì chỉ có thể tái sanh vào cõi Quảng Quả (Vehapphala) vì nó là một trong những cõi tối thượng. Điều được ghi nhận là một vị Thánh nhân tái sanh vào cõi Quảng Quả (Vehapphala), cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha) và cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư thì không tái sanh đi cõi nào khác. Như vậy, ở đây, Ngài chỉ có thể tái sanh trong chính cõi Quảng Quả (Vehapphala).
Một vị Thánh nhân (Ariya) chết đi từ cõi Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha) thì có tâm tử (Cuti Citta) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka)1 thứ tư. Ngài có thể tái sanh vào những cõi 20: Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha), cõi 21: Quảng Quả (Vehapphala), cõi 23-31: tức là các cõi Tịnh Cư và tất cả những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sẽ là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ tư hay thứ năm, hay nó sẽ là một trong số bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).
Cõi Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha): một vị Thánh nhân chết đi từ cõi Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha) có thể tái sanh vào cõi Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha) trở lại và cũng như những cõi cao hơn, tức là cõi 19-21: Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha), Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha), Quảng Quả (Vehapphala), 23-31: những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Những vị Thánh nhân không tái sanh vào cõi 22: Vô Tưởng (Asañña-satta). Tâm tục sinh (Paṭisandhi) của Ngài sẽ là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka Citta) thứ tư hay thứ năm, hay nó sẽ là một trong số bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta).
Một vị Thánh nhân chết đi từ cõi Thiểu Tịnh thiên (Parittasubha) có tâm tử (Cuti) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ tư. Ngài có thể tái sanh vào chính cõi Thiểu Tịnh thiên (Parittasubha) và cũng như các cõi 19-21: Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha), Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha), Quảng Quả (Vehapphala), và rồi các cõi 23-31: những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và những cõi vô sắc (Arūpāvacara).
Một vị Thánh nhân (Ariya) chết đi từ cõi Quang Âm thiên (Ābhassara) có thể có tâm tử (Cuti Citta) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ hai hay thứ ba. Ngài có thể tái sanh vào các cõi 17-21: Quang Âm thiên (Ābhassara), Thiểu Tịnh thiên (Parittasubha), Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha), Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha), Quảng Quả (Vehapphala), và các cõi 23- 31: những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là những tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ hai cho đến thứ năm, hay chúng có thể là bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta).
Cõi Vô Lượng Quang thiên (Appamāṇābhā): Một vị Thánh nhân (Ariya) chết đi từ cõi Vô Lượng Quang thiên (Appamāṇābhā) với tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ hai hay thứ ba. Ngài có thể tái sanh vào những cõi 16-21: Vô Lượng Quang thiên (Appamāṇābhā), Quang Âm thiên (Ābhassara), Thiểu Tịnh thiên (Parittasubha), Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha), Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha), Quảng Quả (Vehapphala), và những cõi 23-31: những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là những tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ hai cho đến thứ năm và bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta).
Một vị Thánh nhân chết đi từ cõi Thiểu Quang thiên (Parittābhā) có thể có tâm tử (Cuti Citta) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ hai hay thứ ba. Ngài có thể tái sanh vào cõi Thiểu Quang thiên (Parittābhā) trở lại hay vào những cõi cao hơn trừ cõi Vô Tưởng (Asañña- satta).
Và cõi Đại Phạm thiên (Mahābrahmā): Một vị Thánh nhân chết đi từ cõi Đại Phạm thiên (Mahābrahmā) sẽ có tâm tử (Cuti) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ nhất. Ngài có thể tái sanh vào cõi 14, tức là cõi Đại Phạm thiên (Mahābrahmā) trở lại và rồi những cõi cao hơn ngoại trừ cõi Vô Tưởng (Asañña- satta). Tâm tục sinh (Paṭisandhi) của Ngài là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ nhất cho đến thứ năm, hay bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).
Cõi Phạm Phụ thiên (Brahmapurohita): Những vị chết đi từ cõi Phạm Phụ thiên (Brahmapurohita) có thể tái sanh lại vào cõi đó, tức là cõi 13, hay vào những cõi cao hơn trừ cõi Vô Tưởng (Asañña-satta).
Những vị chết đi từ cõi Phạm Chúng thiên (Brahmapārisajja) có thể tái sanh trở lại cõi đó, tức là cõi 12, hay vào những cõi cao hơn trừ cõi Vô Tưởng (Asañña- satta). Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) thứ nhất cho đến thứ năm, hay bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).
Bây giờ, đến cõi cao nhất của những cõi dục Thiên (Deva): cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī) – vì các Ngài là Thánh nhân (Ariya), các Ngài chỉ chết bằng tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) tam nhân; các Ngài sẽ không có những tâm nhị nhân. Các Ngài có thể tái sanh vào cõi số 5, tức là cảnh giới nhân loại và rồi vào những cõi 6-21: những cõi dục Thiên (Deva) và những cõi sắc giới (Rūpāvacara), và cũng như những cõi 23-31: những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Tâm tục sinh (Paṭisandhi) của các Ngài có thể là bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) tam nhân, năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka), hay bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).
Điều này cũng đúng cho những cõi dục Thiên (Deva) thấp hơn xuống đến cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā).
Và rồi các vị Thánh nhân là người nhân loại: tâm tử (Cuti) của các Ngài là bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) tam nhân. Các Ngài có thể tái sanh làm người nhân loại hay vào những cõi 6-21: những cõi dục Thiên (Deva) và những cõi sắc giới (Rūpāvacara), và cũng như những cõi 23-31: những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và những cõi vô sắc (Arūpāvacara). Tâm tục sinh (Paṭisandhi) của các Ngài là bốn tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) tam nhân, năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka), và bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka). Bốn đọa xứ không thích hợp ở đây vì đây chỉ dành cho những bậc Thánh mà thôi.
Đây là những tâm tử (Cuti) và những tâm tục sinh (Paṭisandhi) có thể đi theo sau. Dựa vào bảng nêu này, chúng ta có thể biết một người có thể tái sanh về đâu.
Chúng ta hãy đi đến trang 228, phần §41 trong cuốn CMA, phần “Sự Diễn Tiến Liên Tục Của Tâm Thức”. Đoạn văn này chỉ ra rằng dòng chảy của tâm thức thì diễn tiến liên tục như bánh của một chiếc xe đẩy.
“Cho nên, đối với những ai đã tái sanh như vậy, thì từ thời điểm ngay theo sau sự hủy diệt của tâm tục sinh, cùng loại tâm đó bắt cùng cảnh như vậy trôi chảy không bị gián đoạn…” (CMA, V, §41, p.228)
Tức là nếu tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka) thứ nhất, thì chính tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka) thứ nhất đó được lặp lại và bắt cùng cảnh với tâm tục sinh (Paṭisandhi).
“… (nó) trôi chảy không bị gián đoạn như dòng chảy của một con sông, …” (CMA, V, §41, p.228)
Nó tiếp tục trôi chảy như dòng chảy của một con sông.
“… và nó làm như vậy cho đến khi tâm tử sanh lên,
…” (CMA, V, §41, p.228)
Như vậy, dòng tâm hộ kiếp hay hữu phần (Bhavaṅga) trôi chảy cho đến khi chết.
“… nếu không có một lộ tâm sanh lên hay xảy ra.” (CMA, V, §41, p.228)
Thật ra, dòng hữu phần (Bhavaṅga) không trôi chảy một cách không bị gián đoạn. Khi dòng hữu phần (Bhavaṅga) trôi chảy, nó trôi chảy một cách không bị gián đoạn, nhưng có những lộ tâm năng động sanh lên giữa những dòng chảy của dòng hữu phần (Bhavaṅga). Mặc dầu, điều được ghi nhận là: “nó trôi chảy không bị gián đoạn như dòng chảy của một con sông”, nhưng thật ra có sự gián đoạn. Bất cứ khi nào có tâm lộ sanh lên, tức là bất kỳ khi nào có những tâm khách quan (Vīthi Citta), thì dòng chảy hữu phần (Bhavaṅga) dừng lại. Sau khi những tâm khách quan (Vīthi Citta) diệt đi, thì dòng hữu phần (Bhavaṅga) lại hiện khởi lên. Trong một kiếp sống, chúng ta có những tâm hữu phần (Bhavaṅga) và chúng ta có những tâm khách quan (Vīthi Citta) ở trong những lộ tâm – rồi thì những tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta), những tâm khách quan (Vīthi Citta), những tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) và vân vân.
“Là một nhân tố tất yếu cho sự tồn tại (hay đời sống), tâm này được gọi là hộ kiếp.” (CMA, V, §41, p.228)
Cái tâm (Citta) mà chúng ta nói là sanh lên không bị gián đoạn trong suốt đời sống – tức là khi mà không có những lộ tâm – tiến trình đó được gọi là hộ kiếp bởi vì nó là một nhân tố tất yếu của sự tồn tại. Tức là nếu nó không sanh lên, thì sự tồn tại hay đời sống sẽ phải chấm dứt. Đó là lý do tại sao nó được gọi là hữu phần. Từ Pāḷi là Bhavaṅga. “Bhava” có nghĩa là đời sống và “Aṅga” có nghĩa là một bộ phận. Do đó, nó là hữu phần. Tức là nếu nó không sanh lên, thì đời sống sẽ phải lập tức kết thúc ngay sau tâm tục sinh (Paṭisandhi). Như vậy, cái này được gọi là tâm hữu phần (Bhavaṅga).
“Tại điểm kết thúc đời sống, sau khi trở thành tâm tử vào lúc chết, …” (CMA, V, §41, p.228)
Tức là có chức năng tử, thực hiện chức năng của tâm tử. Mặc dầu câu văn là: “trở thành tâm tử”, nhưng thật ra tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) không trở thành tâm tử. Tâm tử là một tâm khác, chỉ là cùng loại. Ở đây, câu văn là “trở thành tâm tử”. Điều đó không có nghĩa là tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) trở thành tâm tử. Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) sanh lên và diệt đi. Và rồi cùng một loại tâm sanh lên làm chức năng hộ kiếp (Bhavaṅga) trong suốt đời sống. Rồi thì, tại điểm cuối khi sự chết xảy đến, tâm này lại sanh lên. Tại lúc đó, nó không được gọi là tục sinh (Paṭisandhi) hay hữu phần (Bhavaṅga), mà được gọi là tử (Cuti). Cho nên, không phải là tâm tục sinh (Paṭisandhi) trở thành tâm tử (Cuti Citta), mà chỉ là cùng một loại tâm sanh lên và bây giờ thực hiện chức năng tử.
“… sau khi trở thành tâm tử vào lúc chết, rồi thì nó diệt đi.” (CMA, V, §41, p.228)
Nó sanh lên làm tâm tử và rồi diệt đi.
“Sau đó, tâm tục sinh và những tâm khác tiếp tục sanh lên, …” (CMA, V, §41, p.228)
Và rồi, theo sau sự chết lại là sự tục sinh.
“… quay tròn theo dãy thứ tự định trước như cái bánh xe của một chiếc xe đẩy.” (CMA, V, §41, p.228)
Nó cứ diễn tiến và diễn tiến. Trong một kiếp sống thì có tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta), rồi những tâm hữu phần (Bhavaṅga), những tâm khách quan (Vīthi Citta) và tâm tử (Cuti). Ngay lập tức theo sau tâm tử (Cuti), thì có tâm tục sinh (Paṭisandhi) của một kiếp sống khác, những tâm hữu phần (Bhavaṅga) và tâm tử (Cuti), và rồi một đời sống khác và tâm tục sinh (Paṭisandhi), những tâm hữu phần (Bhavaṅga) và tâm tử (Cuti). Cứ theo như vậy, vòng tròn sanh tử cứ diễn tiến và tiếp tục cho đến khi người đó trở thành một vị Phật hay một vị A-la-hán (Arahant).
“Lộ tâm này, lộ tâm đầu tiên trong kiếp sống mới, bắt tâm tục sinh làm cảnh; những đổng lực (javana) thì bao gồm những tâm dục giới có nhân tham, …” (CMA, V, Guide to §41, p.228)
Ngay lập tức theo sau tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) thì có những tâm hữu phần (Bhavaṅga). Ngay theo sau mười sáu tâm hữu phần (Bhavaṅga) thì có một lộ tâm. Trong lộ tâm đó, có bảy đổng lực (Javana) sanh lên. Bảy đổng lực (Javana) này thì luôn luôn có nhân tham (Lobha).
“… (chúng là) ly tà và vô trợ.” (CMA, V, Guide to 41, p.228)
Như vậy, chúng là ly tà và vô trợ (Diṭṭhigata- vippayutta Asaṅkhārika). Điều này tuy rằng không được nhắc đến trong nguyên văn Pāḷi, tức là trong nguyên bản của cuốn Cẩm Nang, nhưng nó thì phải đúng là như vậy.
“Khi lộ tâm này kết thúc, thì tâm hữu phần (Bhavaṅga) lại sanh lên và diệt đi, và cứ tiếp tục như vậy nếu không có sự can thiệp của một lộ tâm (khách quan). Theo cách này, dòng tâm thức cứ tuôn chảy từ lúc thọ thai cho đến chết, và từ chết lại đến tục sinh vào đời sống mới ‘quay tròn như cái bánh xe của một chiếc xe đẩy.’ ” (CMA, V, Guide to §41, p.228)
Nó cứ diễn tiến và tiếp tục. Đây là vòng luân hồi (Saṃsāra).
“Cũng như ở đây, và lại như vậy trong kiếp sống kế tiếp, tâm tục sinh sanh lên, rồi tâm hữu phần, những lộ tâm thức và rồi tâm tử. Và lại như vậy, với sự tục sinh và tâm hữu phần, dòng chảy tâm thức này chạy vòng tròn.” (CMA, V, §42, p.229)
Tức là nó cứ tiếp tục và diễn tiến. Điều này thì giống như đoạn văn phía trên.
Đoạn văn tiếp theo là sự bẻ gãy vòng luân hồi (Saṃsāra).
“Bậc thiện trí, tự nghiêm trì huấn luyện chính mình lâu dài, hiểu được sự vô thường (của đời sống), …” (CMA, V, §42, p.229)
Bậc thiện trí hiểu được sự vô thường của đời sống, cho nên họ nghiêm trì huấn luyện chính tự bản thân lâu dài, tức là họ thực hành thiền trong một thời gian dài.
“… (họ) chứng ngộ trạng thái bất tử, …” (CMA, V, 42, p.229)
Họ chứng ngộ Níp-bàn (Nibbāna).
“… và cắt đứt hoàn toàn những kiết sử trói buộc, …” (CMA, V, §42, p.229)
Khi họ giác ngộ Trạng Thái Bất Tử, thì họ hoàn toàn cắt đứt những kiết sử trói buộc. Tức là họ hoàn toàn hủy diệt những phiền não.
Và, “… chứng đạt sự an lạc.” (CMA, V, §42, p.229)
Thật ra, bản Pāḷi có dùng từ “Samamessanti”. Nó có nghĩa là sẽ chứng đạt sự an lạc, tức là, do hiểu được rằng vòng tròn tái sanh này hay hiểu được rằng danh (Nāma) và sắc (Rūpa) có liên quan trong sự tái sanh là vô thường, nên mọi người sẽ cố gắng nghiêm trì huấn luyện chính mình trong một thời gian dài, và rồi kết quả của sự thực hành thiền là họ sẽ giác ngộ Trạng Thái Bất Tử hay họ sẽ chứng ngộ Níp-bàn (Nibbāna).
“… và hoàn toàn cắt đứt những kiết sử trói buộc, …” (CMA, V, §42, p.229)
Tại thời điểm giác ngộ, những kiết sử trói buộc, hay thật ra không chỉ là những kiết sử trói buộc, mà là tất cả những phiền não được cắt đứt hay tẩy trừ một cách hoàn toàn.
Như vậy, chương thứ tư và thứ năm có liên quan đến những lộ tâm, cả trong đời sống và tại lúc tử. Chương thứ năm còn miêu tả những loại nghiệp (Kamma) và quả của nghiệp (Kamma) và cũng như hệ thống vũ trụ được giảng dạy trong Phật giáo. Chương thứ năm kết thúc với sự miêu tả về vòng luân hồi (Saṃsāra) và rồi cuối cùng là sự bẻ gãy vòng sanh tử và giác ngộ Trạng Thái Bất Tử tức là Níp-bàn (Nibbāna).
Vào cuối chương tiếp theo, chúng ta sẽ biết một chút gì đó về Níp-bàn (Nibbāna).
[Kết Thúc Chương Năm]