Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Năm: Những Cảnh Giới Hiện Hữu

Hôm nay, chúng ta học đến chương thứ năm. Chương thứ năm được gọi là “Vīthimuttasaṅgaha” (Ngoại Lộ Tập Yếu). Chương này chủ yếu bàn về hay liên quan đến những cái được gọi là ngoại lộ hay tâm thức nằm ngoài lộ tâm (Vīthi). Nhưng thật ra, nó cũng sẽ có liên quan đến những đề tài khác nữa.

Chương này được chia ra làm bốn phần:

  • Phần đầu bàn về bốn cảnh giới hiện hữu;
  • Phần thứ hai bàn về bốn phương thức hay bốn chế độ tái sinh (Paṭisandhi);
  • Phần thứ ba bàn về bốn loại nghiệp (Kamma);
  • Phần thứ tư bàn về bốn loại tử, rồi thì tục sinh (Paṭisandhi) trong kiếp sống tiếp

Phần thứ nhất liên quan đến những cảnh giới hiện hữu. Có bốn cảnh giới hiện hữu hay nói chi tiết thì có 31 cảnh giới hiện hữu. Điều được ghi nhận là có 31 cảnh giới hiện hữu. Thật ra, chúng được kết nối với các loại tâm. Các bạn đã biết rằng một vài tâm có thể sanh lên trong dục giới (Kāmāvacara), một vài tâm có thể sanh lên trong sắc  giới  (Rūpāvacara)  và  một  vài  tâm  có  thể  sanh  lên trong vô sắc giới (Arūpāvacara). Do đó, theo Thắng Pháp (Abhidhamma) thì 31 cảnh giới thật sự có hiện hữu, tức là  chúng  có  sự  trải  nghiệm  khách  quan  và  riêng  biệt. Chúng giống như những ngôi nhà. Chúng sanh tái sanh vào  những  cảnh  giới  đó,  và  khi  họ  tái  sanh  vào  những cảnh giới đó, họ tái sanh bằng tâm quả nhất định nào đó mà được gọi là tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Không phải tất cả những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) đều có thể sanh lên trong mỗi một cảnh giới. Trong một vài cảnh giới, chỉ có thể có một loại tâm quả, nhưng trong những cảnh giới khác thì có thể có nhiều hơn một.

Trước hết, 31 cảnh giới hiện hữu có thể được chia ra thành  bốn:  những  đọa  xứ  (Apāya),  thiện  thú  dục  giới (Kāma-sugati),   sắc   giới   (Rūpāvacara)   và   vô   sắc   giới (Arūpāvacara).

Bốn Đọa Xứ (Apāya)

Bốn cảnh giới đầu tiên được gọi là Apāya. Chúng ta thường thường dịch Apāya là những trạng thái đau khổ vì không có hạnh phúc hay an lạc trong những cảnh giới đó. Cho nên, chúng được gọi là Apāya. Có nhiều ý nghĩa khác nhau dành cho từ Apāya, nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ chỉ đi theo sự hướng dẫn trong cuốn Cẩm Nang. “Apāya” có nghĩa là vắng bóng hạnh phúc. Trong những cảnh giới này, hầu như không có hạnh phúc hay an lạc gì cả. Vì hầu hết là đau khổ, cho nên chúng được gọi là Apāya. Từ này đến từ “Apa” và “Aya”. “Apa” có nghĩa là không có hay vắng bóng. “Aya” ở đây có nghĩa là hạnh phúc hay an lạc. Đây là những trạng thái hay cảnh giới mà sự đau khổ thống trị.

Có tất cả bốn cảnh giới khổ hay bốn đọa xứ (Apāya). Cảnh giới thứ nhất là Niraya. Niraya được dịch là địa ngục. Niraya và Apāya là như nhau. “Ni” và “Aya”: “Ni” ở đây cũng mang nghĩa phủ định, tức là không có hạnh phúc. Đây là cảnh giới hiện hữu thấp nhất.

Những ai làm việc ác thì tái sanh vào địa ngục (Niraya). Trong Phật giáo, địa ngục không phải là vĩnh hằng. Địa ngục thì giống như một trại tù. Các bạn phạm tội gì đó và rồi các bạn phải bị phạt bằng cách ở tù. Rồi thì các bạn sẽ ra tù sau khi án phạt kết thúc. Cũng theo cách đó, một người làm bất thiện (Akusala) tái sanh vào địa ngục hay vào những trạng thái khổ (Apāya) khác. Người đó sẽ chịu hình phạt trong một thời gian. Sau đó, người đó có thể thoát ra hay có thể tái sanh làm người hay thậm chí làm Thiên nhân (Deva). Chúng sanh có nguồn tích trữ về nghiệp thiện (Kusala) và nghiệp bất thiện (Akusala Kamma). Sau này, khi chúng ta nghiên cứu về nghiệp (Kamma), thì các bạn sẽ hiểu rằng có loại nghiệp (Kamma) cho quả ngay trong kiếp sống này, có loại nghiệp (Kamma) cho quả trong kiếp sống thứ nhất sau kiếp sống này, có loại nghiệp (Kamma) cho quả bắt đầu từ kiếp sống thứ hai sau kiếp sống này và vân vân. Một trong những nghiệp (Kamma) tích trữ này có thể giúp những chúng sanh trong những cảnh giới khổ (Apāya) này. Họ sẽ tái sanh trở lại làm người hay thậm chí làm Thiên nhân (Deva). Trong Phật giáo, địa ngục không phải là vĩnh cửu. Nó chỉ là tạm thời, nhưng cái “tạm thời” đó có thể là hàng triệu và hàng triệu năm.

Địa  ngục  (Niraya)  được  ghi  nhận  là  nằm  ở  trong lòng trái đất. Trái đất được xem là sâu 24.000 Yojana.

Ba đọa xứ còn lại là Tiracchāna-yoni, Pettivisaya và Asurakāya. Các bạn có thể xem bảng nêu trong sách (xem CMA, V, Table 5.1, p.187). “Tiracchāna-yoni” có nghĩa là bàng  sanh.  “Pettivisaya”  có  nghĩa  là  những  Peta.  Từ “Peta” được dịch là ngạ quỷ hay ma đói. “Asurakāya” có nghĩa  là  nhóm  của  những  Asura,  tức  là  A-tu-la.  A-tu-la (Asura) cũng là một loại Peta. Ở đây, chúng được phân biệt với ngạ quỷ (Peta). Ngạ quỷ luôn luôn đau khổ vì đói và khát. Kinh sách ghi lại rằng họ không thể có đầy đủ được. Họ luôn luôn đói và khát. Thậm chí khi một ai đó cho họ một cái gì đó để ăn và uống, thì do quả của nghiệp (Kamma)  quá  khứ  của  họ,  những  thứ  đó  sẽ  biến  thành lửa hay một thứ nào  khác chứ không còn  là thực phẩm nữa. Những hạng này được gọi là ngạ quỷ (Peta).

Bây giờ đến Asurakāya: có hai loại A-tu-la (Asura). Có A-tu-la thiên và A-tu-la quỷ. Ở đây muốn nói đến A- tu-la quỷ. Chúng giống như ngạ quỷ (Peta), nhưng có sự khác nhau ở chỗ là chúng đôi lúc có tận hưởng một dạng hạnh phúc nào đó và những lúc khác thì lại đau khổ; chúng có những dạng đau khổ khác. Cho nên, những chúng sanh tái sanh vào nhóm của những A-tu-la (Asurakāya) thì có thể không quá tệ như những chúng sanh tái sanh làm ngạ quỷ (Peta) và những chúng sanh tái sanh vào địa ngục (Niraya). Đôi lúc chúng có tận hưởng những điều tốt đẹp và những lúc khác thì chúng đau khổ.

Còn một loại A-tu-la (Asura) khác nữa. Họ được gọi là A-tu-la thiên (Deva Asura). Họ là những kẻ đối nghịch với các Thiên nhân (Deva). Các bạn có thể tìm thấy sự đấu chiến giữa Thiên chúng (Deva) và A-tu-la thiên (Asura) trong một vài bài kinh. Tôi nghĩ là các bạn quen thuộc với  bài  kinh  Đầu  Lá  Cờ1  (Dhajagga  Sutta).  Trong bài kinh Đầu Lá Cờ (Dhajagga Sutta), có nhắc đến Thiên chúng  (Deva)  và  A-tu-la  thiên (Asura)  đánh  nhau.  Đức trời Đế-thích đã nói với những tùy tùng của mình rằng: “Nếu các ngươi kinh  sợ, hãy  nhìn  lên lá  cờ  của ta. Hãy nhìn lên lá cờ của ta nếu các ngươi kinh sợ, và nỗi sợ hãi sẽ  tan  biến.”  Điều  được  ghi  nhận  lại  rằng,  trong cuộc chiến giữa Thiên  chúng (Deva) và A-tu-la thiên (Asura) thì  không  có  người thống  trị,  không  có  người  chiến thắng. Đôi lúc, Thiên chúng (Deva) thắng. Đôi lúc, A-tu- la  thiên  (Asura)  thắng.  Không  có  sự  tàn  sát.  Họ  chỉ  bỏ chạy. Đó là một câu chuyện khá dài. Tôi không thể kể hết cho các bạn ở đây được.

Ba cảnh giới này thuộc vào bốn đọa xứ (Apāya). Các bạn đã biết về bàng sanh (Tiracchāna-yoni). Những thú vật thì không có cõi hay nơi tồn tại riêng biệt. Chúng sống chung với loài người. Ma đói cũng sống trong cùng cõi với loài người. Những loài A-tu-la (Asurakāya) cũng vậy. Ba loài này không có nơi tồn tại hay cõi riêng biệt. Tức là chúng sống chung với loài người. Chúng sống trong rừng núi hay làng mạc hay thôn xóm. Bốn cảnh giới này được gọi là những đọa xứ (Apāya). Bốn đọa xứ thì luôn luôn đầy những đau khổ.

Cõi Nhân Loại

Cùng với những hạng ngạ quỷ (Peta), A-tu-la (Asura) và bàng sanh, thì có thêm nhân loại (Manussa). “Manussa” có nghĩa là nhân loại. Nhân loại được gọi là Manussa vì họ có tâm ý mạnh và sắc bén. Từ “Manussa” có nghĩa đen là những ai có tâm trí phát triển và sắc bén. Cho nên, nếu là tốt, nhân loại có thể đạt đến phẩm vị của Phật Toàn Giác, và nếu là xấu, họ có thể thực hiện bất kỳ tội lỗi ghê tởm nào và do đó, họ có thể đi xuống A-tỳ (Avīci) địa ngục, tức là nơi thấp nhất. Loài người có khả năng làm điều tốt nhất và làm điều xấu nhất. Điều được ghi nhận là chỉ có loài người mới có thể trở thành Phật; Thiên chúng và Phạm thiên không có khả năng đó. Loài người sống trên mặt đất.

Sáu Cõi Thiên Giới (Deva)

Ở phía trên cõi nhân loại có sáu cõi thiên giới (Deva). Cõi thứ nhất được gọi là cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā). Từ này đến từ “Catu” có nghĩa là bốn và “Mahārāja” có nghĩa là đại vương. Bốn thiên vương là những vị vua trời trong bốn phương.

Theo các Chánh Sớ thì một thế giới bao gồm những hòn đảo lớn hay bốn đại lục địa. Ngay giữa bốn đại lục địa này thì có cái được gọi là núi Meru (hay núi Sineru). Bốn vị vua này canh giữ bốn hướng. Vua Dhataraṭṭha ngự trị ở hướng đông. Vua Virūḷhaka ngự trị ở phía nam. Vua Virūpakkha ngự trị ở phía tây. Vua Vessavaṇa ngự trị ở phía bắc. Kinh sách ghi lại rằng các vị này là vua tương ứng của các loài: Gandhabba, Kumbhaṇḍa, Nāga và Yakkha. Gandhabba là những ca sĩ hay nhạc sĩ thiên giới. Kumbhaṇḍa là một loại thiên thần khác. Nāga là những con rắn hay những con rồng. Yakkha cũng là những loài phi nhân. Cảnh giới mà bốn vị thiên vương này và cư dân của họ sinh sống được gọi là cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā). Họ sống từ chân của núi Meru cho đến giữa chừng núi Meru.

Ở phía trên họ là cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa). Các bạn đã quen thuộc với cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa). Đó là nơi Đức Phật đã ngự đến và thuyết giảng Thắng Pháp (Abhidhamma) cho Thiên chúng.

Tāvatiṃsa được giải thích là đến từ từ “Ti-tiṃsa”, có nghĩa là 33. Ba mươi ba người này, khi còn là nhân loại, đã làm việc công đức cho cộng đồng. Họ đã làm và sửa chữa đường sá. Họ xây dựng nhà nghỉ. Họ giúp đỡ mọi người. Kết quả là họ đã tái sanh về Thiên giới. Cảnh giới họ tái sanh vào được gọi là cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa). Cho nên, từ “Ti-tiṃsa” đã đổi thành từ “Tāvatiṃsa”. Nhưng các Sớ Giải lại nói rằng đó chỉ là một cái tên bởi vì trong tất cả các thế giới khác cũng có cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) chứ không phải chỉ có trong thế giới này. Cho nên, Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) chỉ là cái tên của cõi đó, tức là cái nơi mà vua trời Sakka sinh sống. Cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) ngự trên đỉnh của núi Meru. Cho nên, những Thiên cung trong cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) nằm ngay trên núi và cũng có nằm trong không gian. Chúng sanh trong cõi này có thể được gọi là cả địa cư thiên và không cư thiên. Những Thiên nhân trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) là địa cư. Nhân loại (Manussa) cũng là địa cư.

Ở phía trên cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) là cõi Dạ Ma (Yāmā). Yāmā có nghĩa là hạnh phúc hay an vui tột độ. Vị vua của cõi đó được gọi là Suyāma.

Ở phía trên cõi Dạ Ma (Yāmā) là cõi Đấu Suất (Tusitā). Cõi Đấu Suất (Tusitā) thì rất quen thuộc đối với các bạn. Mẫu thân của Đức Phật ở đó. Bà đã qua đời bảy ngày sau khi hạ sinh ra Ngài. Bà đã tái sanh làm một Thiên nam ở cõi Đấu Suất (Tusitā). Cõi Đấu Suất (Tusitā) được xem là tốt nhất trong sáu cõi Thiên giới bởi vì các vị Bồ-tát (Bodhisatta) luôn luôn tái sanh vào cõi này trước khi các Ngài tái sanh vào cõi nhân loại. Cõi Đấu Suất (Tusitā) thì giống như là một nơi Pháp Bảo (Dhamma) cho Thiên chúng. Nhiều người ước nguyện được tái sanh vào cõi Đấu Suất (Tusitā), để họ có thể được lắng nghe Pháp Bảo thuyết giảng bởi các vị Bồ-tát (Bodhisatta). Các bạn có nhớ câu chuyện về người thiện nam tên là Dhammika khi ông ta gần qua đời không? Các Thiên nhân đã đến gặp ông và thỉnh ông tái sanh về cõi trời của họ. Rồi ông ta hỏi những người xung quanh là cõi nào thì tốt. Mọi người nói: “Cõi Đấu Suất (Tusitā) thì tốt.” Cho nên ông đã nói: “Nguyện cho vòng hoa này rơi và gắn vào cỗ xe từ cõi Đấu Suất (Tusitā).” Và vòng hoa đã gắn vào cỗ xe từ cõi Đấu Suất (Tusitā). Cõi Đấu Suất (Tusitā) là một cõi trời tốt để tái sanh vào.

Tiếp theo là cõi Hóa Lạc Thiên (Nimmānaratī). “Nimmāna” có nghĩa là sự tạo ra. “Rati” có nghĩa là khoái lạc. Cho nên, Nimmānaratī có nghĩa là sự khoái lạc trong những cái mình tự tạo ra. Tức là những chúng sanh này tạo ra niềm vui cho chính mình khi nào họ muốn tận hưởng. Họ thích thú với những sáng tạo này. Nếu các bạn muốn tận hưởng cái gì đó, các bạn không cần đi đến gặp người khác. Các bạn chỉ biến tạo ra niềm vui đó cho chính mình. Những chúng sanh như vậy được gọi là Nimmānaratī. Họ có năng lực tạo ra những sản phẩm dục lạc chỉ bằng tư tưởng của họ, tức là chỉ cần suy nghĩ đến những điều đó.

Rồi đến cõi thứ sáu, cõi cao nhất của những cảnh giới Thiên chúng (Deva), là cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī). “Para” có nghĩa là những người khác. “Nimmita” có nghĩa là được tạo ra. “Para-nimmita” có nghĩa là được tạo ra bởi những người khác. “Vasavattī” có nghĩa là khiến những người khác đi theo hay làm theo ước muốn của họ. Tức là họ có quyền lực trên thứ được tạo ra bởi những người khác.

Ở đây, trong CMA, có nói như sau: “Những  Thiên  nhân  trong  cõi  Tha  Hóa  Tự  Tại (Paranimmitavasavattī)  không  tự  tạo  ra  những  vật  như vậy, …” (CMA, V, Guide to §5, p.191)

Thật ra, nó có nghĩa là họ không tự tạo ra những vật để hưởng thụ, mà họ lại để cho những người khác, tức là những tùy tùng của họ, tạo ra những vật đó cho họ. Tôi nghĩ, không phải là họ không thể tự tạo ra, mà là họ không màng đến việc tạo ra hay họ không bận tâm tự tạo ra. Họ để những người khác tạo ra cho họ.

Những Thiên nhân (Deva) trong những cõi Thiên giới thứ năm và thứ sáu này thì khác nhau. Trong cõi Thiên giới thứ năm, những Thiên nhân (Deva) tạo ra vật dụng cho chính họ. Trong cõi Thiên giới thứ sáu, những Thiên nhân (Deva) thì lười nhác hơn. Họ không tự tạo ra vật dụng cho họ. Họ để cho những vị Thiên nhân khác thấp kém hơn tạo ra cho họ. Điều được ghi nhận là những vị Thiên nhân thấp kém hơn luôn luôn biết những vị Thiên nhân cao cấp này nghĩ và muốn gì, cho nên họ sẽ tạo ra thứ để thỏa mãn những vị Thiên nhân cao cấp. Nếu các bạn là một đầu bếp và các bạn đã phục vụ cho một người lâu năm, thì các bạn sẽ biết người đó thích món ăn này, món ăn kia. Mặc dầu người đó không nói gì cả, nhưng các bạn vẫn chế biến những thức ăn người đó thích. Cũng theo cách đó, những vị Thiên nhân thấp kém hơn đã ở lâu cùng với những Thiên nhân có quyền lực này, cho nên họ biết những vị này thích cái gì. Họ biến tạo ra những thứ dục lạc cho những vị này. Những Thiên nhân trong cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī) tận hưởng những dục lạc được tạo ra bởi những Thiên nhân thấp kém hơn. Sáu cõi trời này được gọi là sáu cõi Thiên giới (Deva Loka).

A-tu-la (Asura), ngạ quỷ (Peta) và bàng sanh thì sống trên cùng một cõi với nhân loại. Địa ngục (Niraya) thì được ghi nhận là ở phía trong trái đất. Thiên chúng ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā Deva) và nhân loại gọi là địa cư với ý nghĩa là họ được gắn liền với núi Meru, tức là nền móng vật chất trong vũ trụ quan của Phật giáo. Thiên chúng cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa Deva) được ghi nhận là sống trên đỉnh của núi Meru. Cho nên, họ là cả hai: địa cư và không cư. Những Thiên chúng cao hơn, tức là từ cõi Dạ Ma (Yāmā) trở lên, thì chỉ là không cư.

Thiện thú dục giới (Kāma-sugati) bắt đầu ở đâu? Nó bắt đầu với nhân loại (Manussa). Nhân loại và sáu cõi Thiên giới được gọi chung là thiện thú dục giới (Kāma- sugati), tức là những cảnh giới hạnh phúc. “Sugati” có nghĩa là cảnh giới hạnh phúc. “Gati” có nghĩa là cảnh giới để đi đến. Có bảy thiện thú dục giới (Kāma-sugati). Cảnh giới nhân loại (Manussa) được gọi là thiện thú (Sugati) vì nó có thể có nhiều an lạc và hạnh phúc nếu so sánh với bốn đọa xứ (Apāya). Cảnh giới nhân loại (Manussa) thì tốt hơn rất nhiều. Và khi so sánh với cảnh giới nhân loại (Manussa), thì cảnh giới Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) tốt hơn nhiều và vân vân.

Bốn đọa xứ (Apāya) và bảy thiện thú dục giới (Kāma-sugati): mười một cảnh giới này được gọi chung là dục giới (Kāmāvacara). Trong mười một cảnh giới dục này, bốn cảnh giới là những đọa xứ và bảy cảnh giới là những thiện thú (Kāma-sugati).

Bắt đầu với Dạ Ma (Yāmā), Đấu Suất (Tusitā), Hóa Lạc Thiên (Nimmānaratī), Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī): những cõi này ngự trong không gian hay trong hư không. Cho nên, những Thiên cung ở đó có thể trôi dạt chỗ này hay chỗ khác.

Mười Sáu Cõi Sắc Giới (Rūpāvacara)

Trên những cõi đó thì có những cõi Phạm thiên (Brahma). Trước hết là có những cõi Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma). Những cõi Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara) là từ cõi số mười hai (tức là cõi Phạm Chúng thiên (Brahmapārisajja)) cho đến cõi số hai mươi bảy (tức là cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha)). Ba cõi đầu tiên là:

  • Phạm Chúng thiên (Brahmapārisajja),
  • Phạm Phụ thiên (Brahmapurohita), và
  • Đại Phạm thiên (Mahābrahmā).

Cả ba cõi này nằm trên cùng một tầng. Brahmapārisajja: “Pārisajja” có nghĩa là hội đồng, cho nên từ này có nghĩa là hội chúng của Phạm thiên (Brahma). Pārisajja đến từ “Parisā” có nghĩa là hội chúng. Brahmapurohita: “Purohita” có nghĩa là vị quan chức hay cận thần, cho nên từ này có nghĩa là vị quan chức của Phạm thiên (Brahma). Và “Mahābrahmā” có nghĩa là một vị Đại Phạm thiên (Brahma). Ba cõi này nằm trên cùng một tầng trong không gian.

Rồi trên chúng thì có ba cõi nữa:

  • Thiểu Quang thiên (Parittābhā),
  • Vô Lượng Quang thiên (Appamāṇābhā), và
  • Quang Âm thiên (Ābhassara).

Parittābhā: “Ābhā” có nghĩa là sự tỏa sáng, ánh sáng; “Paritta” có nghĩa là yếu, cho nên từ này có nghĩa là ánh sáng yếu kém. “Appamāṇa” có nghĩa là vô hạn, vô lượng, không có giới hạn; cho nên từ này có nghĩa là ánh sáng vô lượng. “Ābhassara” có nghĩa là sự chói sáng, tức là ánh sáng chói sáng. Những Phạm thiên (Brahma) này thì luôn luôn là những chúng sanh chói sáng. Ba cõi này cũng nằm trên cùng một tầng.

Trên tầng tiếp theo có ba cõi:

  • Thiểu Tịnh thiên (Parittasubha),
  • Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha), và
  • Biến Tịnh thiên (Subhakiṇha).

Parittasubha là hào quang ít trong suốt, ít tinh vi; ở đây, nó cũng chiếu sáng. Appamāṇasubha là hào quang vô cùng trong suốt, vô cùng tinh vi. Subhakiṇha là hào quang trong suốt một cách vững chắc và cố định. “Subha” có nghĩa là tốt đẹp và “Kiṇha” có nghĩa là không thể bị ngờ vực. Cho nên, Subhakiṇha được dịch là hào quang trong suốt một cách vững chắc và cố định. Ở đây cũng có ba cõi. Như vậy, đến đây chúng ta đã có chín cõi Phạm thiên (Brahma).

Trên những cõi này là hai cõi:

  • Một là Quảng Quả thiên (Vehapphala), và
  • Một là Vô Tưởng thiên (Asañña-satta).

Vehapphala được dịch là kết quả vĩ đại hay kết quả to lớn. “Veha” có nghĩa là vĩ đại hay to lớn và “Phala” có nghĩa là kết quả. Cõi Phạm thiên (Brahma) thứ mười một là cõi Vô Tưởng (Asañña-satta). Ở đây, “Saññā” có nghĩa là tâm thức, chứ không phải chỉ là tưởng. Những ai không có tâm thức thì được gọi là Vô Tưởng (Asañña-satta). Cõi cư trú của họ cũng được gọi là Vô Tưởng (Asañña-satta).

Ở trên những cõi này là năm cõi được gọi là Tịnh Cư (Suddhāvāsa). “Suddha” có nghĩa là trong sạch. “Āvāsa” có nghĩa là nhà hay là nơi trú ngụ. “Suddhāvāsa” có nghĩa là nơi trú ngụ của những chúng sanh trong sạch. Đây là cõi hay cảnh giới của những chúng sanh trong sạch. Các Ngài là trong sạch vì các Ngài đều là những bậc Bất Lai (Anāgāmī). Chỉ có những bậc Bất Lai (Anāgāmī) mới tái sanh vào năm cõi Tịnh Cư này. Tên của những cõi này như sau:

  • Cõi thứ nhất là cõi Vô Phiền (Aviha) – nơi trú ngụ tịnh hảo. “Vihā” có nghĩa là từ bỏ, cho nên Aviha là không từ bỏ, tức là bền vững hay lâu dài.
  • Cõi thứ hai là cõi Vô Nhiệt (Atappā), tức là thanh thản hay êm đềm. “Atappā” thật ra có nghĩa là không thể được thỏa mãn.
  • Cõi thứ ba là cõi Thiện Hiện (Sudassā). “Sudassā” có nghĩa là những ngoại hình tốt đẹp.
  • Cõi thứ tư là cõi Thiện Kiến (Sudassī). “Sudassī” có nghĩa là có tầm nhìn rõ ràng.
  • Cõi thứ năm là cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha). “Akaniṭṭha” có nghĩa là nơi tịnh cư cao nhất. “Akaniṭṭha” có nghĩa là không non trẻ, không nhỏ bé. Cho nên, nó có nghĩa là vĩ đại và cao thượng nhất.

Đây là năm cõi mà chỉ có những vị Bất Lai (Anāgāmī) mới tái sanh vào.

Như vậy, chúng ta có mười sáu cõi sắc giới (Rūpāvacara):

  • Ba cõi đầu tiên được gọi là những cõi Sơ thiền.
  • Ba cõi tiếp theo (thứ hai) được gọi là những cõi Nhị thiền.
  • Ba cõi tiếp theo (thứ ba) được gọi là những cõi Tam thiền.
  • Cõi Quảng Quả (Vehapphala), cõi Vô Tưởng (Asañña-satta) và năm cõi Tịnh Cư (Saddhāvāsa) được gọi là những cõi Tứ thiền.

Mười sáu cõi sắc giới (Rūpāvacara) này được chia thành bốn tầng thiền (Jhāna). Ở đây, chúng ta đang theo phương pháp chia bốn, chứ không phải phương pháp chia năm khi đếm các tầng thiền (Jhāna).

Sau này, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu ai tái sanh vào những cõi đó và tái sanh bằng những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) nào.

Bốn Cõi Vô Sắc (Arūpāvacara)

Bây giờ chúng ta đến bốn cõi cuối cùng, đó là những cõi vô sắc (Arūpāvacara) dành cho những chúng sanh không có sắc pháp mà chỉ có danh pháp:

  • Cõi thứ nhất là cõi Hư Không Vô Biên (Ākāsānañcāyatana).
  • Cõi thứ hai là cõi Thức Vô Biên (Viññāṇañcāyatana).
  • Cõi thứ ba là cõi Vô Sở Hữu (Ākiñcaññāyatana).
  • Cõi thứ    tư    là    Phi    Tưởng    Phi    Phi    Tưởng (Nevasaññānāsaññāyatana).

Không có vật chất, không có xác thân, chỉ có tâm ý, tức là chỉ có tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) sanh lên và diệt đi trong bốn cõi này. Mặc dầu họ chỉ là tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika), nhưng họ vẫn cần một nơi chốn nào đó. Đó là lý do tại sao họ ngự ở phía trên những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa).

Như vậy, chúng ta có 31 cảnh giới hiện hữu (Bhūmi).

Có bao nhiêu cảnh giới là đọa xứ (Apāya)? Có bốn đọa xứ (Apāya).

Có bao nhiêu cảnh giới là dục giới thiện thú (Kāma- sugati)? Bảy cảnh giới được tìm thấy trong dục giới thiện thú (Kāma-sugati).

Bốn đọa xứ (Apāya) và bảy thiện thú (Sugati) – mười một cảnh giới này tạo nên dục giới (Kāmāvacara). Khi chúng ta nói dục giới (Kāmāvacara), ý của chúng ta là nói về bốn đọa xứ (Apāya), cõi nhân loại và sáu cõi Thiên chúng (Deva). Những cõi còn lại là những cõi Phạm thiên (Brahma) và được chia ra thành hai: Phạm thiên sắc giới (Rūpa Brahma) và Phạm thiên vô sắc (Arūpa Brahma). Những cõi Phạm thiên sắc giới (Rūpa Brahma) được chia ra làm bốn: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Ở tầng Tứ thiền thì có cõi Quảng Quả (Vehapphala), cõi Vô Tưởng (Asañña-satta) và các cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa). Cõi Quảng Quả (Vehapphala) và cõi Vô Tưởng (Asañña-satta) nằm trên cùng một tầng. Những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) thì ở phía trên và bắt đầu với cõi Vô Phiền (Aviha); các cõi Tịnh Cư nối tiếp nhau cõi này trên cõi kia. Sau những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) là bốn cõi vô sắc (Arūpāvacara). Như vậy, chúng ta có tất cả 31 cảnh giới hiện hữu.

Những cõi này thì luôn luôn được kết nối với những loại tâm thức (Citta) nào đó. Chúng ta vừa học xong về việc có bao nhiêu tâm (Citta) có thể sanh lên trong những cảnh giới này. Chúng ta cũng vừa học xong về những hạng người. Có mười hai hạng người.

Chúng Sanh Và Sanh Thú

Bây  giờ,  chúng  ta  sẽ  tìm  hiểu  về  việc  hạng  chúng sanh  nào  tái  sanh  vào  cõi nào.  Tại  Miến  Điện,  sự  hiểu biết về việc có bao nhiêu hạng chúng sanh có thể tái sanh vào bao nhiêu cõi là kiến thức phổ thông. Khi chúng tôi cộng  lại  hết,  thì  chúng tôi  có  214  loại  chúng  sanh.  Bây giờ, chúng ta phải tìm hiểu 214 loại chúng sanh này.

Theo vũ trụ học trong quan điểm của Phật Giáo, thì chúng ta có những hạng chúng sanh như sau:

  • Người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka),
  • Người vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka),
  • Người nhị nhân (Dvihetuka),
  • Người phàm tam nhân (Tihetuka Puthujjana),
  • Người Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-maggaṭṭha),
  • Người Nhập Lưu Quả (Sotāpatti-phalaṭṭha),
  • Người Nhất Lai Đạo (Sakadāgāmī-maggaṭṭha),
  • Người Nhất Lai Quả (Sakadāgāmī-phalaṭṭha),
  • Người Bất Lai Đạo (Anāgāmī-maggaṭṭha),
  • Người Bất Lai Quả (Anāgāmī-phalaṭṭha),
  • Người A-la-hán Đạo (Arahatta-maggaṭṭha), và
  • Người A-la-hán Quả (Arahatta-phalaṭṭha). Như vậy, chúng ta có mười hai hạng người.

Bây giờ, những hạng người này có thể tái sanh về đâu? Chỉ có một hạng chúng sanh có thể tái sanh vào địa ngục (Niraya) và đó là người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka). Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu việc họ dùng tâm (Citta) gì đi tục sinh (Paṭisandhi) trong địa ngục (Niraya).

Rồi trong cảnh giới tiếp theo, tức là bàng sanh (Tiracchāna-yoni), thì chỉ có người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka) mới có thể sanh vào. Trong cảnh giới ngạ quỷ (Petti-visaya) và A-tu-la (Asurakāya), thì cũng chỉ có người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka) mới có thể sanh vào. Như vậy, chỉ có một hạng người có thể sanh vào trong mỗi cảnh giới của bốn đọa xứ này. Do đó, tính chung cho những đọa xứ (Apāya), chúng có bốn loại người.

Rồi đến cõi nhân loại: Có thể có bao nhiêu hạng người ở cảnh giới nhân loại? Mười một hạng người có thể có ở đó. Hạng người duy nhất không có là người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka). Vì họ là ác thú (Duggati), họ không thuộc vào cảnh giới nhân loại. Cho nên, có mười một hạng người trong cảnh giới nhân loại, ngoại trừ người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka).

Trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā), tức là cõi trời (Deva) thứ nhất, có mười một hạng người bắt đầu với người vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka) và vân vân.

Rồi trong cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa), có mười hạng người. Những chúng sanh vô nhân (Ahetuka) không thể có trong những tầng trời (Deva) cao hơn này. Cho nên, ở đây có người nhị nhân (Dvihetuka), người tam nhân (Tihetuka) và tám bậc Thánh.

Cũng có mười hạng người trong cõi Dạ Ma (Yāmā), cõi Đấu Suất (Tusitā), cõi Hóa Lạc Thiên (Nimmānaratī) và cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī). Trong năm tầng trời (Deva) cao hơn này, tại mỗi tầng chỉ có mười hạng người có thể ở đó. Không có người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka) và người vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka). Trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) và cảnh giới nhân loại, thì người vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka) có thể sanh vào. Chúng ta sẽ học về chúng sau này trong phần thứ hai.

Bây giờ, có bao nhiêu hạng người có thể có trong ba cõi   Sơ   thiền  (Brahmapārisajja,   Brahmapurohita   và Mahābrahmā)? Không có người nhị nhân (Dvihetuka) và những người vô nhân (Ahetuka). Chỉ có những người tam nhân (Tihetuka)  sanh  vào  đó.  Cho  nên,  có  chín  hạng người và chín nhân ba sẽ là 27.

Trong ba cõi Nhị thiền, cũng có chín hạng người (mỗi cõi). Trong ba cõi Tam thiền, cũng có chín hạng người (mỗi cõi). Rồi thì trong cõi Quảng Quả (Vehapphala), cũng có chín hạng người. Những cõi Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và cõi Quảng Quả (Vehapphala) có cùng số hạng người.

Nhưng cõi Vô Tưởng (Asañña-satta) chỉ có một hạng người, và đó là người vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka). Chúng ta tìm thấy người vô nhân (Ahetuka) trong những Phạm thiên (Brahma) vì đây chỉ là sắc pháp (Rūpa). Tức là không có nhân (Hetu) nào. Không chỉ không có nhân (Hetu) mà tất cả tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) cũng không có, cho nên họ được xếp vào loại người vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka) vì họ là thiện thú (Sugati) và không có nhân (Hetu). Do đó, họ được gọi là vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka). Đây là một hạng Phạm thiên (Brahma) được gọi là người vô nhân (Ahetuka).

Rồi trong năm cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa), thì chỉ có ba hạng người được tìm thấy ở đó. Đó là người Bất Lai Quả (Anāgāmī-phalaṭṭha), người A-la-hán Đạo (Arahatta-maggaṭṭha) và người A-la-hán Quả (Arahatta- phalaṭṭha). Không có người Bất Lai Đạo (Anāgāmī- maggaṭṭha) vì một người trước hết phải trở thành bậc Bất Lai (Anāgāmī) rồi mới được tái sanh vào đó. Cho nên, một người đã trở thành bậc Bất Lai (Anāgāmī) rồi và sẽ trở thành bậc A-la-hán (Arahant) khi tái vào những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa). Chúng ta phải hiểu rằng những vị A-la-hán (Arahant) không thể tái sanh vào đó. Khi chúng ta nói rằng có ba hạng người trong những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa), ý của chúng ta là chúng ta có thể tìm thấy họ ở đó. Cụ thể là, một vị Bất Lai (Anāgāmī) qua đời từ dục giới (Kāmāvacara) tái sanh vào một trong năm cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và là một người Bất Lai Quả (Anāgāmī-phalaṭṭha) ở đó. Rồi sau khi thực hành thiền, Ngài trở thành bậc A-la-hán (Arahant). Tại thời điểm của tâm A-la-hán Đạo (Arahant Magga), Ngài là người A-la- hán Đạo (Arahatta-maggaṭṭha). Và từ thời điểm của tâm A-la-hán Quả (Arahant Phala) đầu tiên trở đi, Ngài là một người A-la-hán Quả (Arahatta-phalaṭṭha). Tức là Ngài là bậc A-la-hán. Cho nên, khi chúng ta nói rằng có ba hạng người trong những cõi Tịnh Cư, ý của chúng ta không phải là các Ngài tái sanh vào đó bởi vì bậc A-la- hán (Arahant) không còn tái sanh vào đâu nữa.

Có bốn cõi vô sắc (Arūpāvacara). Không có người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka), không có người vô nhân thiện  thú  (Sugati  Ahetuka),  không  có  người  nhị  nhân (Dvihetuka), mà chỉ  có người tam nhân (Tihetuka) mới sanh ở đây. Nhưng không có người Nhập Lưu Đạo ở đây. Tôi nghĩ các bạn nhớ điều đó. Chúng sanh ở những cõi vô sắc không có tai. Một người cần phải nghe lời chỉ dẫn từ một vị Phật hay từ một người thầy để rồi mới có thể thực hành và trở nên giác ngộ. Sau khi trở thành vị Nhập Lưu (Sotāpanna), Ngài có thể tái sanh vào những cõi này và chứng đắc những tầng giác ngộ cao hơn. Do đó, không có người Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga). Như vậy, có bảy bậc  Thánh  còn  lại  và  người  phàm  tam  nhân  (Tihetuka Puthujjana), tức là có tám hạng người tất cả. Tám nhân cho bốn là 32. Nếu các bạn cộng lại tất cả những con số này,  thì  các  bạn  sẽ  có  214  loại  người.  Tại  Miến  Điện, chúng  tôi  phải  có  thể  nói  rõ  được  là  có  214  loại  người. Thật ra, các bạn phải nhân số hạng người có thể có trong những cõi nào đó với số cõi, rồi cộng lại thì các bạn sẽ có 214 loại người. Không có cảnh giới nào là có đầy đủ mười hai  hạng  người  cả.  Nhiều  nhất  là  mười  một,  như  trong cảnh   giới   nhân   loại   và   cõi   Tứ   Đại   Thiên   Vương (Cātummahārājikā).  Trong  những  cảnh  giới  này,  thì  có mười một hạng người, nhưng trong những cõi khác thì có mười, hay chín, hay một, vài cõi thì có ba, vài cõi thì có tám.

Tuổi Thọ

Bây giờ, chúng ta hãy bàn về tuổi thọ. Sau này, chúng ta sẽ quay lại những tâm (Citta) tục sinh. Chúng ta sẽ tìm hiểu về tuổi thọ của từng cảnh giới. Trong địa ngục (Niraya), không có tuổi thọ nhất định. Nếu một người tái sanh vào địa ngục (Niraya), ông ta sẽ chịu đau khổ tùy theo nghiệp (Kamma) của chính ông ta. Nếu nghiệp (Kamma) của ông ta là xấu, ông ta sẽ chịu đau khổ tại đó trong một thời gian dài. Nếu ông ta không tệ lắm, thì ông ta sẽ chịu đau khổ không lâu lắm. Cho nên, không có tuổi thọ cố định trong địa ngục (Niraya) cũng như cho bàng sanh, cho ngạ quỷ (Peta), cho A-tu-la (Asura) và cũng như cho nhân loại.

Điều được ghi nhận lại là nhân loại có thể sống hàng ngàn hàng vạn năm hoặc chỉ có thể sống mười năm. Tuổi thọ ngắn nhất của nhân loại là mười năm và lâu nhất là không thể đếm được. Tức là nhân loại có thể sống hàng ngàn năm. Tuổi thọ hiện tại của nhân loại được cho là trên dưới một trăm năm. Như vậy, bốn đọa xứ và cảnh giới nhân loại không có tuổi thọ nhất định. Các bạn không thể nói tuổi thọ của nhân loại là chỉ chừng này hay chừng kia. Nó thay đổi theo thời kỳ.

Nhưng từ cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) trở lên thì có tuổi thọ nhất  định. Tuổi thọ của những Thiên nhân trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) là bao nhiêu năm? Chín triệu năm. Tức là chín triệu năm nhân loại. Tuổi thọ cũng có thể được đo tính bằng năm của Thiên giới. Trước hết, chúng ta hãy tính theo năm nhân loại. Đối với cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā), tuổi thọ là chín triệu năm nhân loại. Đối với cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa), các bạn nhân thêm bốn, để có 36 triệu năm nhân loại.

Đối  với  cõi  Dạ  Ma  (Yāmā),  thì  có  144  triệu  năm  nhân loại. Đối với cõi Đấu Suất (Tusitā), thì có 576 triệu năm (nhân  loại).  Đối  với  cõi  Hóa  Lạc  Thiên  (Nimmānaratī), thì có hai tỷ 304 triệu năm nhân loại. Và đối với cõi Tha Hóa  Tự  Tại  (Paranimmitavasavattī),  thì  có  chín  tỷ  216 triệu năm nhân loại.

Còn nói về năm của Thiên giới thì sao? Các bạn có thể thấy những con số đó trên trang 197 của cuốn CMA (xem   Table   5.2).   Đối   với   cõi   Tứ   Đại   Thiên   Vương (Cātummahārājikā) tuổi thọ là năm trăm Thiên năm, đối với cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) tuổi thọ là một ngàn Thiên  năm,  đối  với  cõi  Dạ  Ma  (Yāmā)  tuổi  thọ là  hai ngàn Thiên năm, đối với cõi Đấu Suất (Tusitā) tuổi thọ là bốn   ngàn   Thiên  năm,   đối   với   cõi   Hóa   Lạc   Thiên (Nimmānaratī) tuổi thọ là tám ngàn Thiên năm, đối với cõi  Tha  Hóa  Tự  Tại  (Paranimmitavasavattī)  tuổi  thọ  là mười sáu ngàn Thiên năm. Cho nên, có sự khác nhau ở đây. Tính theo địa năm (tức là năm nhân loại), thì cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) có tuổi thọ là chín triệu năm. Mặc dầu theo suy nghĩ của nhân loại thì nó là chín triệu năm, nhưng theo suy nghĩ của Thiên chúng ở đó thì nó là năm trăm năm. Đối với cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa), nó là 36 triệu năm theo suy nghĩ của nhân loại, nhưng theo suy nghĩ của Thiên chúng ở đó thì nó chỉ là một ngàn năm.

Như vậy, các bạn thấy là tính theo địa năm thì nhân với bốn, nhưng tính theo Thiên năm thì nhân với hai. Tại sao? Nó hơi phức tạp một chút. Tuổi thọ của Thiên chúng ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā Deva) là năm trăm năm theo suy nghĩ của Thiên chúng tại đó. Tuổi thọ của Thiên chúng ở cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa Deva) là một ngàn năm theo suy nghĩ của Thiên chúng tại đó, chứ không phải theo suy nghĩ của Thiên chúng tại cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā). Theo suy nghĩ của Thiên chúng tại cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā), nó có thể là hai ngàn năm. Hai ngàn năm ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) bằng một ngàn năm ở cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa). Đó là lý do tại sao chúng được nhân hai mà không được nhân bốn.

Lượng thời gian của một ngày hay một năm (ND: trong các cõi khác nhau) thì khác nhau. Điều được ghi nhận là một ngày ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) thì bằng năm mươi năm ở cảnh giới nhân loại. Ở đây, chúng ta tính một tháng có ba mươi ngày và một năm có 360 ngày. Nếu các bạn nhân những con số đó với nhau, các bạn có chín triệu năm.

Khi chúng ta tính tuổi thọ ở những tầng trời (Deva) cao hơn, nếu dùng địa năm, thì chúng ta nhân với bốn. Nếu dùng Thiên năm, thì chúng ta nhân với hai. Tức là một ngày ở cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) thì dài bằng hai ngày ở  cõi Tứ Đại  Thiên Vương (Cātummahārājikā) và   vân   vân.   Một   ngày   ở   cõi   Tứ   Đại   Thiên  Vương (Cātummahārājikā) bằng năm mươi năm ở cõi nhân loại. Do   đó,   ba   mươi  ngày   ở   cõi   Tứ   Đại   Thiên   Vương (Cātummahārājikā) bằng 1500 ngày ở cõi nhân loại. 360 ngày   hay   một   năm   ở   cõi   Tứ   Đại   Thiên   Vương (Cātummahārājikā) bằng 18.000 năm ở cõi nhân loại. Và 500 ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) bằng chín triệu năm ở cõi nhân loại. Đây là cách tính thời gian ở sáu tầng trời.

Rồi cõi Phạm Chúng thiên (Brahmapārisajja) có tuổi thọ là một phần ba kiếp trái đất (Kappa). Kappa là từ Pāḷi có nghĩa là thế giới. “Thế giới” có nghĩa là độ dài của thời gian. Tức là một phần ba của chu kỳ thế giới (Kappa). Đối với cõi Phạm Phụ thiên (Brahmapurohita), tuổi thọ là một nửa kiếp trái đất (Kappa). Đối với cõi Đại Phạm thiên (Mahābrahmā), tuổi thọ là một kiếp trái đất (Kappa).

Rồi đối với cõi Thiểu Quang thiên (Parittābhā) tuổi thọ là hai kiếp trái đất (Kappa), đối với cõi Vô Lượng Quang thiên (Appamāṇābhā) tuổi thọ là bốn kiếp trái đất (Kappa), và đối với cõi Quang Âm thiên (Ābhassara) tuổi thọ là tám kiếp trái đất (Kappa). Như vậy, tuổi thọ ở cõi cao hơn thì gấp đôi tuổi thọ ở cõi thấp hơn.

Đối  với  cõi  Thiểu  Tịnh  thiên  (Parittasubha),  tuổi thọ  là  mười  sáu  kiếp  trái  đất (Kappa);  đối  với  cõi  Vô Lượng Tịnh thiên (Appamāṇasubha), tuổi thọ là 32 kiếp trái  đất   (Kappa);   và   đối   với   cõi   Biến   Tịnh   thiên (Subhakiṇha),   tuổi   thọ   là  64   kiếp   trái   đất   (Kappa). Nhưng,  đối  với  cõi  Quảng  Quả  (Vehapphala)  và  cõi Vô Tưởng  (Asañña-satta),  thì  tuổi  thọ  là  500  kiếp  trái  đất (Kappa).

Rồi đối với cõi Vô Phiền (Aviha), tức là cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) thứ nhất, tuổi thọ là một ngàn kiếp trái đất (Kappa); cõi Vô Nhiệt (Atappā): hai ngàn kiếp trái đất (Kappa); cõi Thiện Hiện (Sudassā): bốn ngàn kiếp trái đất (Kappa); cõi Thiện Kiến (Sudassī): tám ngàn kiếp trái đất (Kappa); cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha): mười sáu ngàn kiếp trái đất (Kappa).

Và đối với cõi Không Vô Biên (Ākāsānañcāyatana), tuổi thọ là 20.000 kiếp trái đất (Kappa); đối với cõi Thức Vô Biên (Viññāṇañcāyatana), tuổi thọ là 40.000 kiếp trái đất (Kappa); đối với cõi Vô Sở Hữu (Ākiñcaññāyatana), tuổi thọ  là 60.000  kiếp  trái  đất (Kappa);  và  đối  với  cõi Phi  Tưởng  Phi  Phi  Tưởng  (Nevasaññānāsaññāyatana), tuổi thọ là 84.000 kiếp trái đất (Kappa). Một khi các bạn tái sinh vào đó, thì các bạn sẽ không thoát ra khỏi vòng luân hồi (Saṃsāra) trong một thời gian rất dài. Đó là lý do tại sao tôi đã nói, khi các bạn trở thành một bậc Nhất Lai (Sakadāgāmī) và tái sanh làm một Thiên nhân (Deva), thì các bạn sẽ trở lại làm người và sẽ thoát ra khỏi vòng luân hồi (Saṃsāra). Nếu các bạn tái sanh vào cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) thứ nhất, tức là cõi Vô Phiền (Aviha), thì các bạn sẽ ở đó một ngàn kiếp trái đất. Và nếu các bạn chưa trở thành A-la-hán (Arahant) tại đó, thì các bạn sẽ tiếp tục tái sanh vào cõi Vô Nhiệt (Atappā), cõi Thiện Hiện (Sudassā), cõi Thiện Kiến (Sudassī) và cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha), cho nên các bạn sẽ còn ở trong vòng luân hồi (Saṃsāra) trong một thời gian rất dài, dài hơn rất nhiều so với thời gian của một vị Nhất Lai (Sakadāgāmī).

Mặc dầu từ “Kappa” được dùng để chỉ cho tất cả những khoảng thời gian, nhưng nó không phải luôn luôn có nghĩa giống nhau. Thật ra, có ba loại Kappa: đại kiếp (Mahā Kappa), A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa) và trung gián kiếp (Antara Kappa). Để hiểu điều này, chúng ta phải hiểu thế giới bị hoại diệt như thế nào. Thế giới bị hoại diệt do ba nguyên nhân:

  • Lửa,
  • Nước, và
  • Gió.

Khi thế giới bị hoại bằng lửa, thì lửa hủy hoại mọi thứ cho đến hết ba cõi Sơ Thiền.

Khi thế giới bị hoại bằng nước, thì thêm ba cõi nữa bị hủy hoại.

Khi thế giới bị hoại bằng gió, thì thêm ba cõi nữa bị hủy hoại.

Khi nào thế giới bị hủy diệt? Có bốn giai đoạn trong đời sống của một thế giới (tức là một kiếp trái đất):

  1. Giai đoạn hoại,
  2. Giai đoạn diệt,
  3. Giai đoạn sanh, và
  4. Giai đoạn trụ.

Có bốn giai đoạn trong một chu kỳ thế giới. Chúng ta hãy lấy ví dụ rằng là thế giới đang bị hủy diệt. Tức là thế giới đang bị hủy diệt trong một khoảng thời gian dài chứ không phải chỉ trong vòng một ngày hay một tháng. Rồi sau đó, nó sẽ ở trong tình trạng đã bị hủy diệt trong suốt một giai đoạn khác. Rồi tiếp theo thì một thế giới khác được hình thành. Quá trình hình thành đó cũng diễn ra trong một thời gian lâu dài rất nhiều năm. Giai đoạn cuối cùng là khi chúng sanh sinh lên. Như vậy, có bốn giai đoạn trong một chu kỳ thế giới.

Điều được ghi nhận lại là khi thế giới bị hủy hoại bằng lửa, thì nó bị hoại lên đến và tính luôn cả ba cõi Phạm thiên (Brahma) đầu tiên. Tức là ba cõi Phạm thiên (Brahma) này không tồn tại hết cả một chu kỳ của thế giới (Kappa). Có bốn giai đoạn trong một chu kỳ của thế giới (Kappa). Thế giới bị hủy hoại sau khi một giai đoạn kết thúc. Cho nên, ba cõi Phạm thiên (Brahma) đầu tiên không tồn tại suốt cả một chu kỳ của thế giới (Kappa). Do đó, tuổi thọ tính theo kiếp (Kappa) của cõi Phạm Chúng thiên (Brahmapārisajja) và hai cõi tiếp theo thì không thể là đại kiếp (Mahā Kappa). Đơn vị tính đó phải là ngắn hơn. Đơn vị tuổi thọ ngắn hơn này được gọi là A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa).

Bắt đầu với cõi Thiểu Quang thiên (Parittābhā), thì chúng ta tính tuổi thọ của những chúng sanh này bằng đại kiếp (Mahā Kappa). Chúng ta phải hiểu rằng, thật ra, có ba loại kiếp (Kappa). Bây giờ các bạn đã biết hai loại rồi: đại kiếp (Mahā Kappa) và A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa). Còn một loại kiếp (Kappa) nữa các bạn cần phải hiểu. Nó được gọi là trung gián kiếp (Antara Kappa). Trung gián kiếp (Antara Kappa) được giải thích như sau: Ví dụ, loài người có tuổi thọ là mười năm. Từ mười năm, tuổi thọ sẽ tăng lên cho đến A-tăng-kỳ (Asaṅkheyya) năm. Rồi lúc đó, tuổi thọ sẽ giảm xuống lại còn mười năm. Khoảng thời gian tuổi thọ nhân loại tăng từ mười năm cho đến A-tăng-kỳ năm và rồi lại giảm xuống còn mười năm thì được gọi là một trung gián kiếp (Antara Kappa). Khoảng thời gian này có thể là rất lâu. Tuổi thọ hiện tại của nhân loại là khoảng một trăm năm. Tuổi thọ rồi có thể sẽ là 80 năm, 50 năm hay là mười năm. Và rồi tuổi thọ sẽ tăng lên. Một giai đoạn lên và xuống được gọi là trung gián kiếp (Antara Kappa). 64 trung gián kiếp (Antara Kappa) tạo thành một A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa). Và bốn A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa) tạo thành một đại kiếp (Mahā Kappa). Như vậy có ba loại kiếp (Kappa): trung gián kiếp (Antara Kappa), A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa) và đại kiếp (Mahā Kappa).

Tôi đang theo ý kiến chung của những giáo thọ sư. Có  một  vài  vị  giáo  thọ  sư  lại  nói  rằng  là  20  trung  gián kiếp   (Antara   Kappa)   tạo   nên   một   A-tăng-kỳ   kiếp (Asaṅkheyya Kappa), chứ không phải 64. Tôi nghĩ 64 là ý kiến  chung  của  những  giáo  thọ  sư.  Như  vậy,  64  trung gián  kiếp  (Antara  Kappa)  tạo  nên  một  A-tăng-kỳ  kiếp (Asaṅkheyya  Kappa).  Bốn  A-tăng-kỳ  kiếp  (Asaṅkheyya Kappa) tạo nên một đại kiếp (Mahā Kappa).

Bây  giờ,  thế  giới  bị  hủy  diệt  và  hình  thành  trở  lại trong  giai  đoạn  của  một  A-tăng-kỳ  kiếp  (Asaṅkheyya Kappa)1. Cho nên, ba cõi Phạm thiên (Brahma) đầu tiên không thể tồn tại trong suốt một đại kiếp (Mahā Kappa). Đó  là  lý  do  tại  sao  đơn  vị  kiếp  (Kappa)  cho  ba  cõi  đầu tiên không thể là đại kiếp (Mahā Kappa), mà phải được hiểu là A-tăng-kỳ kiếp  (Asaṅkheyya Kappa). Tức là, đời sống của cõi Phạm Chúng thiên (Brahmapārisajja) là ⅓ A-tăng-kỳ  kiếp  (Asaṅkheyya  Kappa).  Đời  sống  của  cõi Phạm Phụ thiên (Brahmapurohita) là ½ A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya  Kappa).  Đời  sống  của  cõi  Đại  Phạm  thiên (Mahābrahmā)   là   một   A-tăng-kỳ   kiếp   (Asaṅkheyya Kappa).    Chúng    sanh    ở    cõi    Thiểu    Quang    thiên (Parittābhā)  thì  có  thể  tồn  tại  cả  một  đại  kiếp  (Mahā Kappa). Từ cõi Phạm thiên (Brahma) thứ tư trở lên, tuổi thọ được tính bằng đại kiếp (Mahā Kappa). Đây là sự giải thích được ghi nhận trong những Phụ Sớ Giải. Thậm chí những Chánh Sớ Giải cũng không nói gì về điều đó. Tuổi thọ của những cõi này cũng được tìm thấy ở chương cuối cùng trong Bộ Phân Tích (Vibhaṅga), tức là bộ sách thứ hai của Tạng Thắng  Pháp (Abhidhamma). Nhưng trong đó  chỉ  có  nói  là  ⅓  kiếp  (Kappa),  ½  kiếp  (Kappa),  một kiếp  (Kappa),  hai  kiếp  (Kappa)  và  vân  vân.  Nhưng  vì chúng  ta  hiểu  được  rằng,  khi  thế  giới  bị  hủy  diệt  bằng lửa, thì nó bao gồm cả ba cõi Phạm thiên thấp nhất này, cho  nên  chúng  ta  biết  rằng  chúng  không  thể  tồn  tại  cả một đại kiếp (Mahā Kappa). Do đó, các giáo thọ sư đã điều chỉnh lại như vậy. Tức là, đối với ba cõi Phạm thiên (Brahma) đầu tiên, “kiếp (Kappa)” có nghĩa là A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa). Còn đối với cõi Thiểu Quang thiên (Parittābhā) trở lên đến cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññāyatana), thì “kiếp (Kappa)” có nghĩa là đại kiếp (Mahā Kappa).

Khi thế giới bị hủy diệt, nó có thể bị hủy diệt do ba nguyên nhân: lửa, nước và gió. Thế giới bị hủy diệt do ba nguyên nhân này theo một trật tự như sau:

  • Thế giới bị hủy diệt bằng lửa bảy lần.
  • Lần thứ tám, nó bị hủy diệt bằng nước.
  • Rồi nó lại bị hủy diệt bằng lửa bảy lần nữa.
  • Rồi lần thứ mười sáu, thì nó bị hủy diệt bằng nước.
  • Nó bị hủy diệt bằng lửa bảy lần nữa.
  • Rồi lần thứ 24, thì nó bị hủy diệt bằng nước.
  • Rồi thế giới bị hủy diệt bằng lửa bảy lần, và
  • Rồi vào lần thứ 32, nó bị hủy diệt bằng nước.
  • Nó bị hủy diệt bằng lửa bảy lần nữa, và
  • Thế giới bị hủy diệt bằng nước vào lần thứ
  • Nó lại bị hủy diệt bằng lửa bảy lần nữa,
  • Và vào lần thứ 48, thì nó bị hủy diệt bằng nước.
  • Nó bị hủy diệt bằng lửa bảy lần nữa, và
  • Lần thứ 56 thì nó bị hủy diệt bằng nước.
  • Nó bị hủy diệt bằng lửa bảy lần nữa, và
  • Khi đến lần thứ 64, thì nó bị hủy diệt bằng gió.

Như vậy, có 64 kiếp (Kappa). Thế giới bị hủy diệt bằng lửa bảy lần và cứ mỗi lần thứ tám thì bị hủy diệt bằng nước cho đến lần thứ 64. Rồi thì thế giới bị hủy diệt bằng gió. Đây là cách thức thế giới bị hoại diệt. Còn có nhiều điều khác để biết nữa.

Do Tuần (Yojana)

Rồi lại có những khoảng cách. Mặc dầu không được nhắc đến  hay  giải  thích  trong Chánh  Văn  hay  thậm  chí trong một vài Chánh Sớ, nhưng những Phụ Sớ và một vài Chánh Sớ khác có nhắc đến khoảng cách giữa những cõi. Đây chỉ là những thông tin để các bạn biết thêm. Các bạn có  thể  chấp  nhận  hay  có  thể  không  chấp  nhận. Những khoảng   cách   này   được  tính   bằng   do   tuần   (Yojana). Chúng tôi luôn luôn không chắc chắn về đơn vị tính này. Một do tuần (Yojana) là dài bao nhiêu? Theo một tài liệu, thì một do tuần (Yojana) dài khoảng mười hai hay mười ba dặm1. Ngày nay, mọi người lại cho rằng một do tuần (Yojana)  dài  khoảng  tám  dặm.  Ở  Ấn  Độ, có  hai  thành phố  được  gọi  là  Rājagaha  và  Nalanda.  Trong  những Chánh  Sớ  có nói  rằng  Rājagaha  và  Nalanda  cách  nhau một do tuần (Yojana). Hiện tại thì khoảng cách giữa hai thành phố được ghi nhận là tám dặm; cho nên, một do tuần (Yojana) được xem là bằng khoảng tám dặm.

Những  khoảng  cách  sẽ  được  đo  tính  và  ghi  nhận bằng do tuần (Yojana). Như tôi có nói từ trước, quả địa cầu  có  hai  tầng  lớp  phía  trong:  phần  bằng  đất  và  phần bằng  sắc  thép.  Phần  phía  trong  (ở  phía  dưới)  là  phần bằng sắc thép và phần phía ngoài (ở phía trên) là phần bằng  đất.  Tám  đại  địa  ngục  nằm  trong  phần bằng  sắc thép. Không chỉ có một địa ngục, mà có đến tám đại địa ngục.  Và  có  nhiều địa  ngục  nhỏ  khác  ở  xung  quanh chúng. Các bạn có thể tìm thấy khoảng 168 địa ngục hay thậm chí nhiều hơn nữa. Những địa ngục này được gọi là Sañjīva,  Kāḷasutta,   Sanghāta,   Roruva,   Mahā   Roruva, Tāpana,  Mahā  Tāpana  và  Avīci. Các bạn  đã  quen  thuộc với  địa  ngục  Avīci.  Ai  tái  sanh  vào  địa  ngục  Avīci? Devadatta  tái  sanh  vào  địa  ngục  Avīci.  Nếu  chúng  ta muốn nói một cái gì đó rất tồi tệ, rất xấu về một người, thì chúng ta sẽ nói là ông ta đang đi vào địa ngục Avīci. Và những địa ngục này cách lẫn nhau mười lăm ngàn do tuần (Yojana). Chúng ta bắt đầu từ địa ngục Avīci và đi lên.

Rồi chúng ta có cõi nhân loại. Khoảng cách giữa cõi nhân loại và cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) là 42 ngàn do tuần (Yojana). Rồi khoảng cách từ cõi nhân loại  đến  cõi  Tam  Thập  Tam  (Tāvatiṃsa)  là  84  ngàn  do tuần (Yojana), khoảng cách từ cõi nhân loại đến cõi Dạ Ma (Yāmā) là 126 ngàn và vân vân. Không có cách nào để chứng  minh  hay  phản  chứng  những  khoảng  cách  này. Chúng đều được nhắc đến đặc biệt là trong những tài liệu bằng  tiếng  Miến  Điện.  Chúng  được  dựa trên  những Chánh Sớ và một vài tác phẩm nhỏ bằng tiếng Pāḷi.

Tôi muốn các bạn làm bài thực tập này. Chúng ta đã học rằng tuổi thọ của chúng sanh trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) là 500 thiên năm. Đối với cõi Tam Thập  Tam  (Tāvatiṃsa)  thì  tuổi  thọ  là  1.000  thiên năm. 1.000 thiên năm là theo suy nghĩ của cõi Tam Thập Tam  (Tāvatiṃsa).  Nhưng  theo  cõi  Tứ  Đại  Thiên Vương (Cātummahārājikā) thì nó sẽ là bao nhiêu thiên năm? Tôi muốn các bạn tìm ra điều đó. Các bạn đã biết mình cần phải  làm  gì.  500  thiên  năm  là  cho  cõi  Tứ  Đại  Thiên Vương (Cātummahārājikā) và 1.000 thiên năm là cho cõi Tam  Thập  Tam (Tāvatiṃsa). Nếu  chúng  ta  tính  1.000 thiên năm của cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) theo tuổi thọ của cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā), thì bao     nhiêu     năm     ở    cõi     Tứ     Đại     Thiên     Vương (Cātummahārājikā)  bằng  1.000  năm  ở  cõi  Tam Thập Tam  (Tāvatiṃsa)?  1.000  năm  ở  cõi  Tam  Thập  Tam (Tāvatiṃsa)  thì  bằng 2.000  năm  ở  cõi  Tứ  Đại  Thiên Vương  (Cātummahārājikā).  2.000  năm  ở  cõi  Dạ Ma (Yāmā)    bằng    4.000    năm    ở    cõi    Tam    Thập    Tam (Tāvatiṃsa)  và bằng  8.000  năm  ở  cõi  Tứ  Đại  Thiên Vương  (Cātummahārājikā)  và  vân  vân. Điều  này  chưa từng  được  làm.  Hôm  nay  tôi  có  ý  tưởng  đó.  Tôi  muốn kiểm tra cùng với các bạn. Các bạn hãy lập một bảng ghi và chúng ta sẽ so sánh với nhau vì toán học không phải là sở trường của tôi. Các bạn biết phải làm gì. Tuổi thọ của cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) là chín triệu năm theo suy nghĩ của nhân loại. Tôi muốn biết tuổi thọ của cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) theo suy nghĩ ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā), theo suy nghĩ ở cõi Dạ Ma (Yāmā), theo suy nghĩ ở cõi Đấu Suất (Tusitā), theo  suy  nghĩ  ở  cõi  Hóa  Lạc  Thiên  (Nimmānaratī)  và theo      suy      nghĩ      ở      cõi      Tha      Hóa      Tự      Tại (Paranimmitavasavattī).

Bốn Loại Tái Sanh (Paṭisandhi)

Tuần  trước,  chúng  ta  đã  học  về  31  cảnh  giới  hiện hữu và cũng như tuổi thọ của những cảnh giới này. Tuổi thọ của những cảnh giới này như tôi đã giảng vào tuần trước  bây  giờ  được  ghi  lại  trong  những  bảng  nêu  (xem CMA, V, Table 5.2, p.197) trong phần chúng ta học hôm nay.

Hôm nay, chúng ta sẽ đi vào phần thứ hai của chương thứ năm, tức là phần “Bốn Loại Tái Sanh (Paṭisandhi)”. Bây giờ, tất cả các bạn đã biết Paṭisandhi có nghĩa là tái sanh. Paṭisandhi thật ra là thời điểm (sát- na tâm) đầu tiên của một kiếp sống. Trước khi nghiên cứu về những loại tái sanh (Paṭisandhi) khác nhau, chúng ta nên gợi nhớ lại mười chín loại tâm làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Các bạn có còn nhớ mười chín tâm đó không? Chúng là:

  • Hai tâm quan sát thọ xả vô nhân (Ahetuka Upekkhā Santīraṇa): một tâm là quả của bất thiện (Akusala) và một tâm là quả của thiện (Kusala),
  • Tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka),
  • Năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka), và
  • Bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).

Mười chín tâm này làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti).

Các bạn hãy nhìn vào trang 194 của cuốn CMA. Việc tục sinh có bốn. Thứ nhất là tái sinh vào những cõi khổ. Nó được gọi là sự tục sinh trong khổ cảnh (Apāya Paṭisandhi). Thứ hai là tái sanh vào nhàn cảnh dục giới. Những cảnh giới thiện thú dục giới là gì? Có bảy cảnh giới thiện thú dục giới: nhân loại và sáu cõi trời. Chúng được gọi là những cảnh giới thiện thú dục giới (Kāma- sugati). Có mười một cảnh giới trong dục giới: bốn cảnh giới là khổ cảnh (Apāya) và bảy cảnh giới là nhàn cảnh. Thứ ba là tái sanh vào sắc giới (Rūpāvacara Paṭisandhi). Rồi thứ tư là tái sanh vào vô sắc giới (Arūpāvacara Paṭisandhi).

Trong những đọa xứ, khi một chúng sanh tái sinh vào địa ngục, hay làm bàng sanh, hay làm ngạ quỷ (Peta), hay làm A-tu-la (Asura), thì tâm tục sinh (Paṭisandhi) của chúng sanh đó là tâm quan sát thọ xả quả bất thiện (Akusala-vipāka Upekkhā-sahagata Santīraṇa). Tức là chúng sanh đó tái sinh (Paṭisandhi) vào bốn khổ cảnh bằng tâm đó. Cũng tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) đó sẽ làm chức năng hộ kiếp (Bhavaṅga) trong suốt đời sống. Tức là tâm (Citta) này sẽ lặp đi lặp lại hàng triệu lần trong suốt đời sống. Tại thời điểm cuối cùng của đời sống, nó làm chức năng của tâm tử. Đến lúc học xong lớp học này, chúng ta sẽ biết được rằng trong một đời sống, thì tâm tục sinh (Paṭisandhi), tâm hộ kiếp (Bhavaṅga) và tâm tử (Cuti) là cùng một loại tâm. Chúng cũng bắt cùng một đối tượng. Như vậy, có một tâm tục sinh (Paṭisandhi) sanh lên trong những khổ cảnh.

Rồi có sự tục sinh (Paṭisandhi) trong nhàn cảnh dục giới (Kāma-sugati). Trong dục giới thiện thú (Kāma- sugati), khi một chúng sanh sinh ra làm nhân loại hay một Thiên nhân (Deva) thấp kém, thì tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) của chúng sanh đó là tâm quan sát (Santīraṇa) thọ xả (Upekkhā) quả thiện (Kusala). Tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa Citta) này không phải dành cho tất cả mọi chúng sanh trong cảnh giới nhân loại. Tâm này dành cho những ai mù bẩm sinh, điếc bẩm sinh và vân vân. Những chúng sanh này là những người nhân loại dị tật và một vài loại Thiên nhân (Deva) khác.

Trên  trang  195  của  cuốn  CMA,  các  bạn  sẽ  thấy  sự giải thích:

“Như là những người mù bẩm sinh, vân vân: “Vân vân”  (ādi)  có  ý  bao  gồm  những người  điếc  bẩm  sinh, người câm bẩm sinh,  người bị bệnh tâm thần, người bị loạn trí,  hoạn  quan,  người  lưỡng  tính,  và  người  không xác  định  được  giới  tính.” (CMA,  V,  Guide  to  §§10-11, p.195)

Điều được ghi nhận lại là đối với những người này, tức là những người nhân loại này, sự tục sinh (Paṭisandhi) với tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa) là kết quả của thiện (Kusala). Khi chúng ta nói mù bẩm sinh, chúng ta phải hiểu rằng người mù bẩm sinh là người sinh ra với tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) mà không thể giúp thần kinh thị giác sanh lên tại thời điểm sinh khởi của nó. Đối với nhân loại, thần kinh thị giác sanh lên vào khoảng tuần lễ thứ mười một. Nếu tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) không có năng lực giúp thần kinh thị giác sanh lên vào thời điểm đó thì người đó được gọi là người mù bẩm sinh. Cho nên, người mù bẩm sinh không có nghĩa là tại lúc người đó sanh ra khỏi bụng me, mà là tại thời điểm còn là một thai bào và thần kinh thị giác đã không sanh lên như được ước tính. Những người này được sanh ra do kết quả của nghiệp thiện (Kusala Kamma), nhưng nghiệp thiện (Kusala Kamma) của họ quá yếu và quá kiếm khuyết, đã không có năng lực tạo nên thần kinh thị giác. Đôi lúc, một người tái sanh (Paṭisandhi) bằng một loại tâm khác, nhưng do tai nạn hay bệnh hoạn gì đó, người đó bị mù trong bụng mẹ và có thể sanh ra là người mù. Những người này thì không được bao gồm ở đây. Những người được bao gồm ở đây là những người có nghiệp (Kamma) quá yếu không có khả năng làm sanh khởi thần kinh thị giác tại thời điểm như được ước tính (tức là vào khoảng tuần thứ mười một trong bụng mẹ).

Nhưng đối với những chúng sanh hóa sanh thì có thể là khác. Một chúng sanh hóa sanh thì có thể bị khiếm khuyết thần kinh thị giác hay thần kinh thính giác, vân vân, tại thời điểm tục sinh (Paṭisandhi). Nhưng loài người nói chung thì không phải là hóa sanh trừ thời điểm khởi đầu của một chu kỳ thế giới. Cho nên, những người này là những người phước yếu đến nỗi thần kinh thị giác không thể sanh lên được tại thời điểm phù hợp và được ước định trước. Họ được gọi là mù bẩm sinh, điếc bẩm sinh và vân vân. Có những người sanh ra đần độn đến nỗi không thể phân biệt được đông và tây hay không thể phân biệt được ngày và đêm. Những người này cũng được cho là bao gồm trong nhóm này.

Rồi thì có những thiên thần thổ địa – ở đây có vấn đề về tài liệu. Điều được trình bày ở trong tài liệu này có khác biệt với những ấn bản  Abhidhammatthasaṅgaha của Miến Điện và của Pali Text Society. Tôi nghĩ tài liệu CMA này thì soạn theo ấn bản Sinhalese. Theo ấn bản Sinhalese cũng như trong tài liệu của Ngài Nārada, thì chúng ta có một ý nghĩa. Theo ấn bản của Miến Điện và của Pali Text Society, thì chúng ta có một nghĩa khác. Theo tài liệu CMA này, tức là theo sự giải thích ở đây, thì có hai hạng chúng sanh, tức là hai loại Thiên nhân bậc thấp: một là những Thiên nhân địa cầu và hai là những A-tu-la (Asura) bị rơi rớt. Tài liệu này xem hai loại chúng sanh này là khác nhau. Chúng ta sẽ giải thích theo cách phân chia này trước. Như vậy, những Thiên nhân địa cầu là những chúng sanh không trú ngụ tại những tầng trời cao hơn; họ sống trên cây, trên núi rừng, ở sông rạch gần gũi với nhân loại. Họ được gọi là Bhummadeva. Từ “Bhumma” đến từ “Bhūmi”, có nghĩa là quả đất. Cho nên, họ được gọi là chư Thiên địa cầu (Bhummadeva) vì họ sống gần với nhân loại chúng ta.

“Do  tái  sanh  bằng  những  tâm  nhị  nhân  hay  tam nhân,  những  Thiên  nhân  có  năng  lực  nhiều  hơn  trong giới này thường có những hội chúng đi kèm theo mà có thể bao gồm những Thiên nhân khác thiểu phước và phải duy trì đời sống một cách khó khăn.” (CMA, V, §§Guide to 10-11, p.195)

Cho nên, những Thiên nhân địa cầu này có thể có những Thiên nhân thiểu phước khác phục dịch hay làm hội chúng đi theo. Những chúng sanh này bị khiếm khuyết phước báu trong những kiếp quá khứ. Cho nên, mặc dầu họ tái sanh làm Thiên nhân, nhưng họ có thể không hạnh phúc hay không tốt đẹp bằng những Thiên nhân sanh vào những Thiên giới cao hơn. Những chúng sanh thiểu phước và gặp khó khăn trong việc duy trì đời sống của họ thì được gọi ở đây là chư Thiên địa cầu. Những Thiên nhân này tái sinh với tâm quan sát thọ xả quả thiện (Kusala-vipāka Upekkhā-sahagata Santīraṇa).

Rồi thì có một vài A-tu-la (Asura) được gọi là A-tu- la (Asura) bị rơi rớt, tức là bị rơi rớt khỏi hạnh phúc, khỏi sự an lạc. Những chúng sanh này được ghi nhận là trú ngụ trong làng mạc hay những khu vực lân cận, sống dựa vào những thực phẩm dư thừa bỏ đi từ những cư dân tại đó. Họ giống như ma quỷ nhưng lại không thuộc vào những loài ác thú (Apāya). Thật ra, họ thuộc vào cảnh giới Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā). Khi bị thiếu thốn thực phẩm, họ cũng ám ảnh hay đàn áp loài người. Khi họ không kiếm được thực phẩm, họ sẽ ám ảnh hay đàn áp các bạn và yêu cầu các bạn cung cấp thực phẩm. Họ được gọi là những A-tu-la (Asura) bị rơi rớt. Theo tài liệu này, thì chư Thiên địa cầu và những A-tu-la (Asura) bị rơi rớt là những loại chúng sanh khác nhau.

Trong những ấn bản của Miến Điện và Pali Text Society, thì lời văn có khác đi một chút. Theo những ấn bản đó thì chư Thiên địa cầu và những A-tu-la (Asura) bị rơi rớt là cùng một loại. “Chư Thiên địa cầu” thật ra có nghĩa là Bhummassita trong Pāḷi (Các bạn sẽ thấy từ Pāḷi này trong cuốn sách.). “Bhumma” có nghĩa là trái đất và “Sita” có nghĩa là nương vào hay dựa vào. Cho nên, “Bhummassita” ở đây có nghĩa là những Thiên nhân sanh ra trong vùng lân cận của trái đất, như những thọ thần ở trên cây, ở nơi sông núi và vân vân. Những Thiên nhân sống phụ thuộc vào những vị thần địa giới này thì được gọi là chư Thiên địa cầu (Bhummassita). Cho nên, ở đây Bhummassita có nghĩa là những chúng sanh sống phụ thuộc vào những vị thần đang trú ngụ trong vùng phụ cận của trái đất. Tức là những Thiên nhân thiểu phước sống dựa vào những thọ thần trên cây và vân vân. Họ thật ra là những A-tu-la (Asura) bị rơi rớt bởi vì họ không có đủ thực phẩm để sinh sống, họ không có đủ y phục để mặc và vân vân. Họ được gọi là những A-tu-la (Asura) bị rơi rớt vì họ rơi rớt từ sự an lạc. Trong tài liệu này, thì chư Thiên địa cầu (Bhummassita) và A-tu-la bị rơi rớt (Vinipātikāsura) là chỉ một loại Thiên chúng. Mặc dầu họ là những Thiên nhân, nhưng họ có thể không có hạnh phúc hay an lạc bằng một vài chúng sanh nhân loại. Những Thiên nhân này tái sanh với tâm quan sát thọ xả quả thiện (Kusala-vipāka Upekkhā-sahagata Santīraṇa).

Bây giờ, chúng ta nói đến những tâm đại quả (Mahāvipāka), tức là tám tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka). Chúng làm nhiệm vụ tục sinh (Paṭisandhi) cho những ai tái sinh vào dục giới thiện thú (Kāma-sugati), tức là những chúng sanh tái sinh làm nhân loại không có khuyết tật và những chúng sanh tái sanh làm Thiên nhân ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) và vân vân. Đối với họ, tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là một trong tám tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka). Một người nhân loại không có khuyết tật có thể tái sanh bằng tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka Citta) thứ nhất, thứ hai, thứ ba hay thứ tư và vân vân tùy theo loại nghiệp (Kamma) nào cho quả. Như vậy, nhân loại sinh ra với một trong những tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka) này. Cũng vậy, những chúng sanh trong sáu cõi trời dục giới bắt đầu với cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) và vân vân sanh ra với một trong tám tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka) này. Những tâm quả (Vipāka) này cũng thực hiện chức năng hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti) cho những chúng sanh này. Khi một tâm (Citta) thực hiện chức năng tục sinh (Paṭisandhi), nó cũng thực hiện chức năng hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Có tất cả chín tâm tục sinh dục giới thiện thú (Kāma-sugati Paṭisandhi): một tâm dành cho những ai sanh ra với khuyết tật và cho những Thiên nhân hạ liệt, và tám tâm dành cho nhân loại toàn vẹn và những Thiên nhân (Deva). Như vậy, có chín tâm tục sinh dục giới thiện thú (Kāma-sugati Paṭisandhi). Chín cộng một, tức là tâm tục sinh trong khổ cảnh (Apāya Paṭisandhi), chúng ta có tất cả mười tâm tục sinh dục giới (Kāmāvacara Paṭisandhi). Có mười sự tục sinh dục giới (Kāmāvacara Paṭisandhi) bởi vì chúng ta tính tám tâm đại quả dục giới (Kāmāvacara Mahāvipāka) một cách riêng lẻ. Thật ra, có mười tâm làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti) trong dục giới (Kāmāvacara): tức là bốn đọa xứ (Apāya) và bảy cảnh giới thiện thú dục giới (Kāma-sugati).

Rồi  thì  tuổi  thọ  của  những  chúng  sanh  này  được bàn đến trong cuốn CMA (xem CMA, V, Table 5.2, p.197). Chúng ta đã học về tuổi thọ. Tuổi thọ của chư Thiên thật ra được  lấy  từ  bộ  sách  thứ  hai  trong  Tạng  Thắng  Pháp (Abhidhamma),  tức  là  Bộ Phân  Tích  (Vibhaṅga).  Trong Bộ  Phân  Tích  (Vibhaṅga),  điều  được  ghi  nhận  là một ngày  ở  cõi  Tứ  Đại  Thiên  Vương  (Cātummahārājikā)  thì bằng 50 năm ở cõi nhân loại. Như vậy, 30 ngày ở cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) thì bằng 1.500 năm ở  cõi  nhân  loại.  360  ngày  ở  cõi  Tứ  Đại  Thiên  Vương (Cātummahārājikā) thì bằng 18.000 năm ở cõi nhân loại. 50 năm như vậy dẫn đến chín triệu năm ở cõi nhân loại. Tuần  trước,  chúng  ta  đã  tính  toán  về  tuổi  thọ  của chư Thiên bằng cả địa năm và thiên năm.

Gần đây, tôi đã có nghĩ là thật tốt nếu chúng ta tính tuổi thọ của cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā) bằng cách sử dụng những đơn vị đo thời gian của những cảnh giới khác. Những thông tin này chưa có trong bất kỳ tài  liệu  nào.  Tuổi  thọ  của cõi  Tứ  Đại  Thiên  Vương (Cātummahārājikā)  là  500  năm  theo  suy  nghĩ  của  chư Thiên trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātummahārājikā). Nhưng theo suy nghĩ của chư Thiên trong cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa), thì nó chỉ là 250 năm. Theo cõi Dạ Ma (Yāmā),  thì  nó  chỉ  là  125  năm.  Theo  cõi  Đấu  Suất (Tusitā), thì nó chỉ là 62,5 năm. Theo cõi Hóa Lạc Thiên (Nimmānaratī), thì nó chỉ là 31,25 năm và theo cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavattī), thì nó chỉ là 15,625 năm. Tôi muốn kiểm tra lại với các bạn để xem điều đó có đúng không. Nếu điều đó quá khó, thì các bạn không cần bận tâm đến.

Bây  giờ,  chúng  ta  đi  đến  phần  “Tái  Sanh  Vào  Sắc Giới” (xem CMA, V, §13, p.197). Tái sanh trong sắc giới thì dễ thôi. Đối với sắc giới, chúng ta chỉ có năm loại tâm (Citta) tục sinh,  tức là năm  tâm  quả:  thiền  (Jhāna)  thứ nhất, thiền (Jhāna) thứ hai, thiền (Jhāna) thứ ba, thiền (Jhāna) thứ tư, thiền (Jhāna) thứ năm. Có bao nhiêu cõi trong sắc giới (Rūpāvacara)? Có bốn cõi: cõi sơ thiền, cõi nhị thiền, cõi tam thiền và cõi tứ thiền. Vậy thôi. Những cõi hay những cảnh giới thì được chia theo phương pháp chia bốn. Chúng ta sẽ phải điều chỉnh theo phương pháp chia bốn đó.

Tâm quả thiền (Jhāna Vipāka Citta) thứ nhất làm chức năng tục sanh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti) cho những ai tái sanh vào cõi sơ thiền. Rồi đối với những ai tái sanh vào cõi nhị thiền thì tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là tâm quả thiền (Jhāna Vipāka) thứ hai hay tâm quả thiền (Jhāna Vipāka) thứ ba. Đối với những ai tái sanh vào cõi tam thiền thì tâm tục sinh (Paṭisandhi) của họ là tâm quả thiền (Jhāna Vipāka) thứ tư. Đối với những ai tái sanh vào cõi tứ thiền, tức là cõi Quảng Quả thiên (Vehapphala) và những cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa), thì tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là tâm quả thiền (Jhāna Vipāka) thứ năm. Những loại tâm quả thiền (Jhāna Vipāka) này thực hiện những chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti) cho những ai tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma) này.

Có mười sáu cõi Phạm thiên (Brahma). Đối với những chúng sanh vô tưởng thì không có tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Nếu không có tâm ý, thì không thể có tâm (Citta) và tâm sở. Đối với những chúng sanh này, sắc pháp (Rūpa) làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi). Họ được gọi là những chúng sanh có sắc pháp (Rūpa) làm tục sinh (Paṭisandhi); những chúng sanh còn lại là những chúng sanh có tâm ý làm tục sinh (Paṭisandhi). Đối với những chúng sanh vô tưởng (Asañña-satta), thì sắc pháp (Rūpa) đó tiếp tục tồn tại trong 500 kiếp trái đất. Khi họ chết đi, thì những sắc pháp đó biến mất. Vì không có tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta), cho nên họ cũng không có tâm hộ kiếp (Bhavaṅga Citta) hay tâm tử (Cuti Citta). Do đó, đối với họ, toàn bộ đời sống chỉ là sắc pháp (Rūpa). Sắc pháp là gì thì chúng ta sẽ học trong chương thứ sáu. Như vậy, có tất cả sáu loại tục sinh sắc giới (Rūpāvacara Paṭisandhi). Tức là năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka) làm năm sự tục sinh sắc giới (Rūpāvacara Paṭisandhi) và sự tái sinh (Paṭisandhi) của những chúng sinh vô tưởng là sự tục sinh (Paṭisandhi) còn lại. Như vậy, có tất cả sáu phương thức tục sinh  (Paṭisandhi) trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara).

Sau đó, cuốn Cẩm Nang nói về tuổi thọ (xem CMA, V,  §14,  p.198).  Chúng  ta  đã bàn  về  tuổi  thọ  vào  tuần trước. Liên  quan  đến  tuổi  thọ  của  những  Phạm  thiên (Brahma),  đôi  lúc  chúng  ta  cần  phải  hiểu  một  chút  về những  chu  kỳ  của  thế giới,  tức  là  thế  giới  được  hình thành  và  bị  hủy  hoại  như  thế  nào.  Tôi  không thể  giảng cho các bạn về điều đó ở đây được vì nó rất dài. Trong Chánh Sớ có giải thích rằng một chu kỳ của thế giới (ND: tức   là   một   đại   kiếp)   bao   gồm   bốn  A-tăng-kỳ   kiếp (Asaṅkheyya  Kappa).  Một  A-tăng-kỳ  kiếp  (Asaṅkheyya Kappa) thì bằng 64 trung gián kiếp (Antara Kappa). Tôi đã nói về điều này vào tuần trước. Trong CMA, thì lại nói là  20  (ND:  thay  vì  64)  (xem  CMA,  §V,  Guide  to  14, p.198).

Bốn A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa) là những giai đoạn trong một đại kiếp (Mahā Kappa). Một chu kỳ của thế giới được chia thành bốn giai đoạn. Khi chúng ta nói về những A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya Kappa), thì chúng ta bắt đầu với sự hủy diệt, tức là giai đoạn khi sự hủy diệt của thế giới đang xảy ra. Nó có thể là rất lâu để một thế giới bị hủy diệt. Thế giới bị hủy diệt bằng lửa hay đôi lúc bằng nước hay đôi lúc bằng gió. Sẽ mất rất nhiều năm để thế giới bị hủy diệt một cách hoàn toàn. Giai đoạn này được gọi là “Saṃvaṭṭa Kappa” trong Pāḷi, tức là giai đoạn hủy diệt.

Rồi có một giai đoạn diễn ra tiếp theo sau đó; trong giai đoạn này, thế giới ở trong tình trạng đã bị hủy diệt. Không có cái gì xảy ra cả. Tức là, đầu tiên là một giai đoạn thế giới bị hủy diệt và rồi là một giai đoạn thế giới ở trong tình trạng đã bị hủy diệt.

Giai đoạn thứ ba theo sau đó; trong giai đoạn này, một thế giới mới được hình thành hay bắt đầu hình thành. Nó cũng cần một thời gian rất lâu để sông núi xuất hiện và để cho các cõi hình thành. Và thời gian này cũng rất lâu.

Rồi giai đoạn thứ tư xảy ra khi mà thế giới tồn tại như đã được hình thành. Chỉ trong giai đoạn này chúng sanh mới có thể tồn tại trong thế giới. Trong suốt thời gian hủy diệt, tất cả chúng sanh mất đi và tái sanh vào những cõi Phạm thiên (Brahma) khác không bị ảnh hưởng bởi sự hủy diệt. Trong suốt thời gian đó, không có chúng sanh nào. Khi thế giới đã bị hủy diệt, không có chúng sanh nào. Khi thế giới đang hình thành, không có chúng sanh nào. Cho nên, chúng sanh chỉ sanh lên và tồn tại trong một phần tư của một đại kiếp (Mahā Kappa).

Điều được ghi nhận lại là thế giới bị hủy diệt bằng lửa bảy lần. Rồi thế giới bị hủy diệt bằng nước. Rồi nó lại bị hoại bằng lửa bảy lần nữa và lần thứ mười sáu thì lại bị hoại bằng nước và vân vân. Cho đến lần thứ 64, thì thế giới bị hoại bằng gió.

Bây giờ có lẽ các bạn muốn biết sự hủy diệt xảy ra như thế nào và vân vân. Tôi sẽ chỉ cho các bạn đọc trong Thanh  Tịnh  Đạo  (Visuddhimagga).  Trong  chương  thứ mười ba của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), các bạn sẽ tìm thấy sự miêu tả về thế giới bị hoại và được hình thành. Những nhân loại đầu tiên xuất hiện như thế nào và rồi thế giới đã  được hình thành như thế  nào: những điều này rất thú vị. Cho nên, các bạn hãy tìm đọc chương mười ba của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) cũng để biết  thêm về  việc  nhớ  lại  những  kiếp  sống  quá  khứ. Chương  13  bàn  về  những  cái  được gọi  là  thần  thông (Abhiññā).

Chúng ta hãy đi đến phần “Tái Sinh Trong Vô Sắc Giới   (Arūpāvacara   Paṭisandhi)”  (xem   CMA,   V,   §15, p.199).    Tái    sanh    trong    vô    sắc    giới    (Arūpāvacara Paṭisandhi)  thì  rất  dễ.  Các  bạn  đã  biết  bốn  tâm  quả  vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta):

  1. Tâm quả không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatana Vipāka Citta),

 

  1. Tâm quả thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatana Vipāka Citta),

 

  1. Tâm quả vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatana Vipāka Citta), và

 

  1. Tâm quả     phi     tưởng     phi     phi     tưởng     xứ (Nevasaññānāsaññāyatana Vipāka Citta).

Đối  với  những  ai  tái  sanh  vào  cảnh  giới  không  vô biên    xứ  (Ākāsānañcāyatana)    tức    là    cõi    vô    sắc (Arūpāvacara)  thứ  nhất,  thì  tâm quả không  vô  biên  xứ (Ākāsānañcāyatana  Vipāka)  làm  chức năng  của  tâm  tục sinh (Paṭisandhi Citta) và rồi làm chức năng của hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Đối với những ai tái sanh vào cõi vô    sắc    (Arūpāvacara)    thứ    hai,    tâm    quả    vô  sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) thứ hai sẽ làm chức năng tục sinh  (Paṭisandhi),  hộ  kiếp (Bhavaṅga)  và  tử  (Cuti).  Đối với  những  ai  tái  sanh  vào  cõi  vô  sắc (Arūpāvacara)  thứ ba, thì tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) thứ ba sẽ   làm  chức   năng   tục   sinh   (Paṭisandhi),   hộ   kiếp (Bhavaṅga)  và  tử  (Cuti).1   Có nghĩa  là  một  người  hay Thiên   nhân   (Deva)   chứng   đắc   được   thiền   vô   sắc (Arūpāvacara Jhāna), rồi khi đi tái sanh, người đó sẽ tái sanh  vào  một  trong  bốn  cõi vô  sắc  (Arūpāvacara).  Khi người đó tái sanh vào đó, tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) sanh lên tương ứng với tầng thiền (Jhāna) vị ấy đã chứng đắc trong kiếp sống trước. Điều đó cũng đúng khi  một  người,  một  Thiên  nhân  (Deva)  hay  một  Phạm thiên chứng đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền hay ngũ thiền, thì người đó sẽ tái sanh vào thế giới của những Phạm thiên (Brahma) theo tầng thiền (Jhāna) tức là tầng thiền (Jhāna) cao nhất mà vị đó đã chứng đắc. Ví dụ,   nếu   một   người   chứng   đắc   tầng   thiền   vô   sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất tại đây, thì sau khi chết đi, vị đó sẽ tái sanh vào cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất. Rồi tuổi thọ của họ thì rất dài: 20 ngàn đại kiếp, 40 ngàn đại kiếp, 60 ngàn đại kiếp và 84 ngàn đại kiếp.

Trong bất kỳ một đời sống nào, tâm tục sinh (Paṭisandhi), tâm hộ kiếp (Bhavaṅga) và tâm tử (Cuti) là giống nhau. Chúng có cùng đối tượng. Tâm tục sinh (Paṭisandhi) bắt nghiệp (Kamma), nghiệp tướng (Kamma-nimitta) hay thú tướng (Gati-nimitta) làm cảnh. Nếu đối tượng của tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là nghiệp (Kamma), thì trong suốt đời sống, đối tượng của tâm hộ kiếp (Bhavaṅga Citta) sẽ là nghiệp (Kamma) và đối tượng của tâm tử (Cuti Citta) cũng sẽ là nghiệp (Kamma). Điều đó cũng đúng nếu tâm tục sinh (Paṭisandhi) bắt nghiệp tướng (Kamma-nimitta) hay thú tướng (Gati-nimitta) làm cảnh. Tức là tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) và tâm tử (Cuti Citta) cũng sẽ bắt nghiệp tướng (Kamma-nimitta) hay thú tướng (Gati- nimitta) một cách tương ứng.

Có tất cả bao nhiêu loại tái sanh? Có mười loại tái sanh  cho  dục  giới  (Kāmāvacara), sáu  loại  cho  sắc  giới (Rūpāvacara) và bốn loại cho vô sắc giới (Arūpāvacara). Như vậy, có tất cả là 20.  Các bạn đã biết tâm (Citta) nào làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi) trong cảnh giới nào.

Chúng ta hãy đi ngược lại từ đầu.

Đối với những chúng sanh tái sanh vào bốn đọa xứ, thì tâm tục sinh là gì? Tâm quan sát thọ xả quả bất thiện (Akusala-vipāka Upekkhā-sahagata Santīraṇa) là tâm tục sinh vào bốn đọa xứ.

Đối với những chúng sanh tái sanh làm nhân loại khiếm khuyết và cũng như những Thiên nhân thấp kém, thì tâm tục sinh là gì? Tâm quan sát thọ xả quả thiện (Kusala-vipāka Upekkhā-sahagata Santīraṇa) là tâm tục sinh cho nhân loại khiếm khuyết và chư Thiên thấp kém.

Đối với nhân loại toàn vẹn và đối với sáu cõi trời, thì tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là gì? Có bao nhiêu tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta)? Có tám tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta), tức là tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka Citta). Tất cả chúng ta là nhân loại, cho nên tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) của chúng ta có thể là một trong tám tâm đó. Tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) của Đức Phật cũng là một trong số đó.

Rồi đối với những chúng sanh tái sanh vào những cõi sắc giới (Rūpāvacara), thì những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là gì? Có năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka Citta) và cũng có một sắc pháp dành cho những chúng sanh vô tưởng.

Rồi đối với những chúng sanh tái sanh vào bốn cõi vô sắc (Arūpāvacara), thì những tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) là gì? Chúng là bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka).

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu loại thiện (Kusala) gì cho kết quả gì đến loại quả (Vipāka) nào. Phần tiếp theo thì rất là thú vị vì nó bàn về nghiệp (Kamma). Khi bàn về nghiệp (Kamma), chúng ta có thể liên hệ đến bản thân của chúng ta một chút nào đó. Những phần khác thì rất mang tính lý thuyết.

Bốn Loại Nghiệp (Kamma)

Phần tiếp theo được gọi là “Kamma-catukka”, có nghĩa là “Bốn Loại Nghiệp (Kamma)”. Có tất cả là mười sáu loại nghiệp (Kamma), được chia thành bốn nhóm với mỗi nhóm có bốn loại. Trong phần này, mười sáu loại nghiệp (Kamma) sẽ được phân tích. Nhóm thứ nhất bao gồm:

  1. Sanh nghiệp (Janaka-kamma),
  2. Trì nghiệp (Upatthambhaka-kamma),
  3. Chướng nghiệp (Upapīḷaka-kamma),
  4. Đoạn nghiệp (Upaghātaka-kamma).

Ở đây có bốn loại nghiệp (Kamma). Nghiệp (Kamma) là gì? Nếu các bạn đã cùng học với tôi, thì các bạn biết nghiệp (Kamma) là gì. Nghiệp (Kamma) là tâm sở tư (Cetanā). Nói một cách chuyên môn, thì nghiệp (Kamma) có nghĩa là tâm sở tư (Cetanā) đi kèm theo những hành động bằng thân, bằng ngữ và bằng ý. Thông thường thì chúng ta sẽ nói rằng, nghiệp (Kamma) có nghĩa là những hành động hay những việc làm. Nhưng nói chính xác và nói một cách chuyên môn, thì chúng ta phải nói là, nghiệp (Kamma) là tâm sở tư đi kèm theo những hành động hay việc làm đó. Tất cả những tâm sở tư (Cetanā) là nghiệp (Kamma) hay đều trở thành nghiệp (Kamma) ngoại trừ những tâm sở tư của Chư Phật và các vị A-la-hán (Arahant). Chư Phật và các vị A-la-hán (Arahant) không tạo nghiệp (Kamma).

“Chư Phật và các vị A-la-hán (Arahant) không tích trữ  nghiệp  (kamma)  vì  các  Ngài đã  tẩy  trừ  vô  minh  và tham  ái,  tức  là  những  cội  nguồn  của  nghiệp  (kamma).” (CMA, V, Guide to §18, p.200)

Miễn là tham ái và vô minh còn tồn tại, thì chúng ta sẽ luôn luôn làm một cái gì đó mà sẽ cho quả trong tương lai. Vì Chư Phật và các vị A-la-hán (Arahant) không còn vô minh và tham ái, cho nên những hành động của các Ngài chỉ là những hành động; những việc làm, những tâm sở tư (Cetanā) của các Ngài không dẫn đến nghiệp (Kamma) cho kết quả.

“Tuy  nhiên,  thậm  chí  Chư  Phật  và  các vị  A-la-hán (Arahant)  vẫn  trải  nghiệm  sự chín  muồi  của  nghiệp (kamma) quá khứ khi mà cơ thể tâm sinh lý của các Ngài vẫn còn, tức là cho đến khi các Ngài viên tịch thì thôi.” (CMA, V, Guide to §18, p.200)

Như vậy, Chư Phật và các vị A-la-hán (Arahant) không tạo nghiệp (Kamma) mới. Các Ngài có thể làm những việc làm tốt, nhưng việc thực hiện các việc tốt của các Ngài không phải là thiện (Kusala). Các Ngài không tạo nên nghiệp (Kamma) mới sau khi đã trở thành Phật hay A-la-hán (Arahant). Nhưng các Ngài vẫn chịu ảnh hưởng của kết quả của nghiệp (Kamma) quá khứ. Thậm chí, Chư Phật và các vị A-la-hán (Arahant) đôi lúc vẫn chịu đau khổ bởi kết quả của nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) trong quá khứ của các Ngài.

Ví dụ, Đức Phật đã thường bị đau lưng hay đau đầu. Ngài cũng bị đau đớn khi một mảnh đá đụng vào chân của Ngài. Các vị A-la-hán (Arahant) cũng bị đau đớn. Cho nên, mặc dầu các Ngài đã trở thành Phật và A-la- hán (Arahant), mặc dầu các Ngài đã tẩy trừ tất cả phiền não và các Ngài không tích trữ nghiệp (Kamma) mới, nhưng các Ngài vẫn đau khổ, và các Ngài vẫn tận hưởng những kết quả của nghiệp (Kamma) quá khứ.

“Quy luật của nghiệp (kammaniyāma) là hoạt động một cách tự duy trì, đảm bảo rằng những việc làm có sự chú tâm sẽ sản sinh ra kết quả tùy thuộc vào chất lượng đạo đức của chúng, cũng giống như hạt sẽ cho ra quả tùy thuộc vào loài giống.” (CMA, V, Guide to §18, p.200)

Quy luật của nghiệp (Kamma) thật ra không phải do Đức Phật tạo ra mà là do Đức Phật khám phá ra. Nó thật ra là quy luật của tự nhiên. Đức Phật khám phá ra quy luật của nghiệp (Kamma) và thấy hiểu được sự vận hành của nghiệp (Kamma) khi Ngài chứng đắc Sanh Tử Minh (tức là thần thông thấy được chúng sanh chết từ kiếp sống này và tái sanh vào kiếp sống khác) trong canh hai của đêm Ngài giác ngộ. Ví dụ, Ngài có thể thấy rằng chúng sanh này tái sanh vào địa ngục vì đã làm một điều bất thiện (Akusala) nào đó trong một kiếp quá khứ. Chúng sanh khác tái sanh vào nhàn cảnh vì đã thực hiện một điều thiện (Kusala) nào đó trong một kiếp quá khứ. Như vậy, quy luật của nghiệp (Kamma) được Đức Phật thuyết giảng là do Ngài khám phá và nhận thấy. Nó không phải dựa trên lý luận hay chỉ bằng suy tư, mà nó dựa trên sự thực chứng và nhận thấy.

Những kết quả trực tiếp của nghiệp (Kamma) là những tâm quả và những tâm sở phụ thuộc tương ứng. Bây giờ chúng ta hãy nói về từ “Vipāka”, các bạn đã gặp từ “Vipāka” nhiều lần rồi. Chúng ta đã gặp nó trong chương thứ nhất. Vipāka là tên gọi dành cho những kết quả giống y đúc như nghiệp (Kamma) về mặt bản chất. “Vipāka” có nghĩa là một kết quả mà phải giống y đúc với nghiệp (Kamma) hay là nguyên nhân.

Kết quả của nghiệp (Kamma) thì không chỉ là tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika). Có những sắc pháp cũng là kết quả của nghiệp (Kamma). Khi học đến chương thứ sáu, chúng ta sẽ tìm hiểu những sắc pháp được tạo ra bởi nghiệp (Kamma) và vân vân. Cái tên “Vipāka” chỉ được dùng để chỉ cho những thứ giống y đúc với nguyên nhân về mặt bản chất. Tức là chỉ có tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) mới được gọi là Vipāka. Những sắc pháp không được gọi là Vipāka, mặc dầu một vài sắc pháp là kết quả của nghiệp (Kamma). Trong cuốn Cẩm Nang này, chúng được gọi là Kammasamuṭṭhāna hay Kammaja-rūpa (sắc pháp do nghiệp tạo).

Ví dụ, tại thời điểm tái sanh làm nhân loại, một trong tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka Citta) sanh lên cùng với những tâm sở (Cetasika) tương ứng. Tâm (Citta) đó cùng với những tâm sở (Cetasika) được gọi là quả (Vipāka) của nghiệp thiện (Kusala Kamma) quá khứ. Cùng với tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika) đó, ba mươi sắc pháp cũng sanh lên cho nhân loại. Chúng là những kết quả của nghiệp (Kamma) quá khứ, nhưng chúng không được gọi là Vipāka. Chúng được gọi là Kammasamuṭṭhāna Rūpa (sắc pháp do nghiệp tạo). Khi chúng ta nói nghiệp (Kamma) cho kết quả, thì chúng ta phải hiểu rằng nó không chỉ cho kết quả là tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) mà còn là sắc pháp (Rūpa) nữa.

Sanh Nghiệp (Janaka-kamma)

Bốn loại nghiệp này, tức là sanh nghiệp (Janaka- kamma) và vân vân, được nhóm chung lại theo chức năng của chúng hay nói cách khác là theo việc chúng làm. Loại thứ nhất được gọi là sanh nghiệp (Janaka- kamma). “Sanh nghiệp” có nghĩa là nghiệp (Kamma) cho kết quả tại thời điểm tái sanh (Paṭisandhi) và trong suốt đời sống. Nghiệp cho quả tại thời điểm tái sanh (Paṭisandhi) và trong suốt thời gian tồn tại thì được gọi là sanh nghiệp (Janaka-kamma). Sanh nghiệp (Janaka- kamma) này có thể là thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala). Và như tôi đã nói, khi nó cho quả, thì nó sản sanh ra tâm, tâm sở và sắc pháp do nghiệp (Kamma) tạo.

“Trong quá trình tồn tại, nó sản sinh ra những tâm quả khác và những sự diễn tiến của sắc pháp do nghiệp tạo, …” (CMA, V, Guide to §18, p.201)

Khi chúng ta tìm hiểu về kết quả của nghiệp (Kamma), chúng ta phải tìm hiểu về những kết quả này tại lúc tái sanh và những kết quả trong suốt đời sống tức là trong thời bình sinh bởi vì chúng là khác nhau. Tại lúc tái sanh (Paṭisandhi), chúng sản sinh ra tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta), những tâm sở (Cetasika) và sắc pháp do nghiệp tạo (Kammaja-rūpa). Trong thời bình sinh, thì chúng sản sinh ra tâm quả (Vipāka) và sắc pháp do nghiệp tạo.

“Chỉ có nghiệp (kamma) mà đạt đến tình trạng hoạt động một cách đầy đủ…” (CMA, V, Guide to §18, p.201)

Tức là chỉ có nghiệp (Kamma) mà phát triển toàn diện mới có thể có chức năng sản sinh ra tâm tục sinh.

“… nhưng tất cả những nghiệp (kamma) thiện và ác (không có trường hợp ngoại lệ nào) đều có thể sản sinh ra kết quả trong suốt thời gian tồn tại.” (CMA, V, Guide to §18, p.201)

Sanh nghiệp (Janaka-kamma) là nghiệp tự sản sinh ra kết quả. Nó không cần có sự giúp đỡ của ai khác. Nó tự cho kết quả.

Trì Nghiệp (Upatthambhaka-kamma)

Tiếp theo là trì nghiệp (Upatthambhaka-kamma).

Điều được ghi nhận là:

“(Trì nghiệp) thì không có cơ hội để sản sinh ra kết quả của chính nó, …” (CMA, V, Guide to §18, p.201)

Nó không cho kết quả của chính nó.

“…  nhưng  (trì  nghiệp)  hỗ  trợ  (sanh  nghiệp)  bằng cách làm cho nó có khả năng sản sinh ra những kết quả êm dịu hay đau đớn trong một khoảng thời gian dài mà không bị cản trở, hoặc là làm vững mạnh hay duy trì sự trôi chảy liên tục của ngũ uẩn do nghiệp (kamma) khác sanh ra.” (CMA, V, Guide to §18, p.201)

Nó chỉ hỗ trợ những kết quả của một sanh nghiệp (Janaka-kamma) nào đó.

Ví dụ được đưa ra ở đây là: “khi một chúng sanh tái sanh làm nhân loại do kết quả của một thiện sanh nghiệp, …” (CMA, V, Guide to 18, p.201)

Tức là một chúng sanh sinh ra làm người do kết quả của sanh nghiệp (Janaka-kamma).

“… trì nghiệp (kamma) có thể góp phần vào việc kéo dài tuổi thọ của người đó và đảm bảo rằng người đó được mạnh  khỏe  và  sung  túc  với  những  nhu  cầu  của  cuộc sống.” (CMA, V, Guide to 18, p.201)

Chúng ta nhận được những kết quả này là do sự hỗ trợ của trì nghiệp (Upatthambhaka-kamma). Trì nghiệp không thể tự cho quả mà chỉ trợ giúp kết quả của những nghiệp khác.

“Khi một nghiệp (kamma) bất thiện cho quả sanh thời của nó thông qua việc tạo ra một căn bịnh trầm kha, thì những nghiệp (kamma) bất thiện khác có thể hỗ trợ nó bằng cách ngăn cản thuốc men làm việc một cách có hiệu quả, tức là sẽ làm cho căn bịnh bị kéo dài.” (CMA, V, Guide to §18, p.201)

Trì nghiệp (Upatthambhaka-kamma) chỉ kéo  dài kết quả của những nghiệp (Kamma) khác.

“Khi nghiệp bất thiện dẫn một chúng sanh tái sanh làm thú vật, …” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Ở đây, do kết quả của nghiệp bất thiện (Akusala Kamma), một chúng sanh tái sanh làm thú vật.

“… trì nghiệp (kamma) có thể hỗ trợ làm cho những bất  thiện  nghiệp  khác  chín  muồi  đưa  đến  kết  quả  đau khổ,  và  cũng  có  thể  dẫn  đến  việc  tăng  dài  tuổi  thọ  để chúng sanh đó tiếp tục thọ nhận những kết quả bất thiện đó.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Như vậy, trì nghiệp (Upatthambhaka-kamma) thì chỉ là nghiệp hỗ trợ hay kéo dài kết quả của những sanh nghiệp (Janaka-kamma) khác.

Chướng Nghiệp (Upapīḷaka-kamma)

Loại thứ ba là chướng nghiệp (Upapīḷaka-kamma). “Chướng nghiệp là nghiệp (kamma) không thể tự cho quả nhưng lại cản trở hay gây khó khăn cho một nghiệp (kamma) khác nào đó, tức là chống lại hiệu quả của nó hay làm ngắn lại đời sống của những kết quả êm dịu hay đau khổ của nó.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Loại nghiệp (Kamma) này cũng không cho kết quả của chính nó mà thật ra chỉ can thiệp vào kết quả của những nghiệp (Kamma) khác.

“Mặc  dầu  sanh  nghiệp  (kamma)  có  thể  mạnh  tại thời   điểm   nó   được   vun  bồi,   nhưng   chướng   nghiệp (kamma) đối nghịch trực tiếp với nó lại có thể chống lại nó làm cho nó trở nên vô hiệu trong việc cho quả. Ví dụ, một  thiện  nghiệp  (kamma) có  khuynh  hướng  cho  tái sanh  vào  một  cảnh  giới  cao  có  thể  bị  cản  trở  bởi một chướng nghiệp (kamma) dẫn đến tái sanh vào một cảnh giới thấp.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Nghiệp thiện (Kusala Kamma) thì đủ mạnh cho kết quả tái sanh vào một cảnh giới cao, nhưng một chướng nghiệp (Kamma) có thể can thiệp vào việc đó dẫn đến sự tái sanh vào một cảnh giới thấp hơn.

“Một nghiệp (kamma) có khuynh hướng đưa đến tái sanh vào những gia đình thượng lưu lại dẫn đến tái sanh vào  những  gia  đình  hạ  lưu;  …”  (CMA,  V,  Guide  to  §18, p.202)

Đó là vì nó bị cản trở bởi chướng nghiệp (Kamma) này.

“… Nghiệp (Kamma) có khuynh hướng đưa đến thọ mạng lâu dài lại có khuynh hướng dẫn đến yểu thọ; …” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Đó là vì sự ngăn trở của chướng nghiệp (Kamma) này.

“… Nghiệp (Kamma) có khuynh hướng cho sắc đẹp lại dẫn đến diện mạo tầm thường, vân vân.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Như vậy, loại chướng nghiệp (Kamma) này can thiệp vào hay ngăn trở kết quả của những nghiệp (Kamma) khác.

“Ngược   lại,   một   nghiệp   (kamma)   bất   thiện   có khuynh hướng dẫn đến tái sanh vào những địa ngục nặng có  thể  bị  chống  lại  bởi  một  chướng  nghiệp (kamma) thiện  và  dẫn  đến  tái  sanh  vào  những  địa  ngục  nhẹ  hay làm ngạ quỷ (peta).” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Một người đã làm rất nhiều điều bất thiện (Akusala) hay một đại bất thiện (Akusala) nghiệp. Thông thường thì nó sẽ đưa người này tái sanh vào địa ngục nặng. Nhưng sau khi thực hiện đại bất thiện (Akusala) nghiệp đó, thì người này có thể đã làm nhiều thiện (Kusala) nghiệp. Những thiện nghiệp (Kusala Kamma) đó có thể làm chướng ngại hay can thiệp vào đại bất thiện nghiệp (Akusala Kamma), làm cho kết quả của đại bất thiện nghiệp (Akusala Kamma) đó không còn nặng và xấu như nó lẽ ra phải là.

Các  bạn  đã  biết  Ajātasattu.  Ajātasattu  đã  giết  cha của  mình.  Thật  ra,  ông  đã phải  tái  sanh  vào  địa  ngục Avīci.  Sau  khi  lắng  nghe  Đức  Phật  thuyết  bài  Kinh Sa- môn  Quả  (Sāmaññaphala  Sutta)  (dī.  ni.  1.150),  ông  đã trở thành đệ tử của Đức Phật. Ông rất tôn trọng và tận tâm  cống  hiến  đến  Đức  Phật.  Do  đó,  ông  đã thâu  thập được  nhiều  phước  thiện  (Kusala).  Khi  ông  chết  và  tái sanh, ông đã không tái sanh vào địa ngục Avīci, mà chỉ tái sanh vào địa ngục nhỏ hơn gần địa ngục Avīci. Do đó, một  nghiệp  (Kamma)  này  có  thể  làm  chướng  ngại  cho một  nghiệp (Kamma)  khác.  Nghiệp  (Kamma)  thiện  có thể làm chướng ngại cho nghiệp (Kamma) bất thiện. Nghiệp (Kamma) bất thiện có thể làm chướng ngại cho nghiệp (Kamma) thiện.

“Trong quá trình hiện hữu hay tồn tại, chúng ta có thể  tìm  thấy  nhiều  ví  dụ  cho thấy  sự  hoạt  động  của chướng  nghiệp  (kamma).  Ví  dụ,  trong  cõi  nhân  loại, những nghiệp (kamma) như vậy sẽ làm chướng ngại cho sự diễn tiến của ngũ uẩn do nghiệp (kamma) sanh, hỗ trợ sự chín muồi của nghiệp (kamma) gây ra đau khổ, và tạo ra những sự thất bại về tài sản và của cải hay gia đình và bạn bè, vân vân. Trong những cảnh giới thấp, thì chướng nghiệp (kamma) có thể chống lại sanh nghiệp, giúp tạo ra những cơ hội cho sự dễ chịu và hạnh phúc sanh lên.” (CMA, V, Guide to 18, p.202)

Ví dụ, mặc dầu một chúng sanh có thể tái sanh làm súc sanh, nhưng một chướng nghiệp thiện (Kusala Kamma) có thể giúp chúng sanh đó có được hạnh phúc và sự thoải mái trong đời sống đó.

Đoạn Nghiệp (Upaghātaka-kamma)

Bây giờ, loại cuối cùng là đoạn nghiệp (Upaghātaka-kamma). Nó cũng có thể là thiện hay bất thiện.

“(Nó)  thế  chỗ  của  một  nghiệp  (kamma)  yếu  khác nào đó, ngăn chặn không cho nó trổ quả, và thay vào đó là cho quả của chính nó.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Nó được gọi là đoạn nghiệp. Nó ngăn chặn kết quả của nghiệp (Kamma) khác và cho quả của chính nó như đã được giải thích ở trên.

“Ví dụ, một chúng sanh nào đó tái sanh làm người và  do  sanh  nghiệp  (kamma)  của  mình  đã  có  thể  có  thọ mạng  lâu  dài,  nhưng  một  đoạn  nghiệp  (kamma)  có  thể sanh lên và làm cho người đó yểu thọ.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Một ví dụ minh họa cho loại nghiệp này là Devadatta; người đã bị đất rút vào địa ngục Avīci. Trước đó, ông đã có những năng lực thần thông. Nhưng những năng lực đó đã biến mất khi ông bắt đầu có kế hoạch chống lại Đức Phật. Rồi khi ông chết, ông đã bị đất rút và tái sanh vào địa ngục Avīci. Những trọng nghiệp của ông ta là làm cho máu bị đông tụ lại trong cơ thể của Đức Phật và làm chia rẽ Tăng chúng. Những đoạn nghiệp này lớn đến nỗi chúng triệt tiêu đi kết quả của những thiện nghiệp (Kusala Kamma) và lập tức đưa ông ta vào địa ngục.

“Tại thời điểm cận tử, trước hết một thú tướng xấu có thể xuất hiện do năng lực của nghiệp (kamma) ác, …” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Do năng lực của nghiệp bất thiện (Akusala Kamma), một thú tướng xấu có thể xuất hiện đến cho người đang chết. Tức là người đó sẽ tái sanh vào khổ cảnh.

“… rồi một nghiệp (kamma) tốt có thể hiện ra, …” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Nghiệp (Kamma) tốt có thể tự hiện ra hay xuất hiện do sự trợ giúp của những người cận kề bên người đang chết.

“(Nghiệp  đó)  đánh  đuổi  đi  nghiệp  (kamma)  ác,  và làm cho một thú tướng tốt xuất hiện dẫn đến tái sanh vào Thiên giới.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Đó cũng là đoạn nghiệp (Kamma).

Các bạn đã biết câu chuyện về một người thọ săn mà đã trở thành một tu sĩ vào lúc tuổi già. Khi ông gần chết, ông bắt gặp những thú tướng xấu. Con trai của ông là một vị A-la-hán đã mang ông đến chùa và đưa hoa cho ông để ông dâng đến Đức Phật. Rồi thì thú tướng tốt đẹp đã xuất hiện đến cho ông. Sự cúng dường hoa đến Đức Phật là một đoạn nghiệp (Kamma). Nó ngăn cản sự cho quả của nghiệp (Kamma) xấu và thay vào đó là cho quả tốt. Sự cho quả của nghiệp (Kamma) xấu đã bị cản trở và thay vào đó thì đoạn nghiệp (Kamma) đã cho quả tốt. Sau khi chết, người tu sĩ già đó đã tái sanh vào Thiên giới.

“Ở mặt khác,  một nghiệp (kamma) xấu có thể đột ngột  sanh  lên  cắt  đứt  đi  tiềm năng  cho  quả  của  một nghiệp (kamma) tốt và dẫn đến tái sanh vào khổ cảnh.” (CMA, V, Guide to §18, p.202)

Đây là trường hợp ngược lại. Một người trước hết có thể có một thú tướng tốt, nhưng sau đó một nghiệp (Kamma) xấu có thể sanh lên và hiện bày ra cho ông một thú tướng xấu, cho nên nó sẽ dẫn ông xuống khổ cảnh.

Đoạn nghiệp (Kamma) có thể là cả thiện (Kusala) và bất thiện (Akusala). Nó cắt đứt kết quả của những nghiệp (Kamma) khác và cho kết quả của chính nó.

Đôi lúc, đoạn nghiệp (Kamma) không cho kết quả. Đôi lúc, nó chỉ cắt đứt kết quả của một nghiệp (Kamma) khác. Tất cả các bạn đều biết câu chuyện của Ngài Cakkhupāla. Ngài Cakkhupāla bị mù. Đoạn nghiệp (Kamma) làm cho Ngài bị mù. Đoạn nghiệp (Kamma) đó không làm cho Ngài tái sanh vào địa ngục. Thật ra, Ngài Cakkhupāla đã là một vị A-la-hán cho nên nghiệp đó không thể cho kết quả. Đôi lúc, nó thay thế cho nghiệp (Kamma) yếu hơn và tự cho kết quả. Đôi khi, nó chỉ thay thế cho nghiệp (Kamma) yếu hơn và không cho kết quả. Nó có thể biểu hiện ở cả hai cách.

“Vibhāvinī-Ṭīkā    phân    biệt    giữa    sanh    nghiệp (kamma) và đoạn nghiệp (kamma) dựa trên nền tảng là: sanh nghiệp (kamma) cho quả mà không cắt bỏ quả của những  nghiệp  (kamma)  khác  trong  khi  đoạn  nghiệp (kamma)  cho  quả  sau  khi  đã  cắt  bỏ  quả  của  những nghiệp (kamma) khác.” (CMA, V, Guide to §18, p.203)

Đây là sự khác nhau được giải thích trong Phụ Sớ Giải (Ṭīkā), tức là Sớ Giải của cuốn Cẩm Nang này.

“Nhưng  những  giáo  thọ  sư  khác,  như  được  dẫn chứng   trong   Vibhāvinī,   thì  cho   rằng   đoạn   nghiệp (kamma)  không  tự  cho  quả  gì  cả;  nó  chỉ  hoàn  toàn cắt đứt quả của một nghiệp (kamma) khác và tạo điều kiện hay  cơ  hội  cho  một nghiệp  (kamma)  thứ  ba  được  trổ quả.” (CMA, V, Guide to §18, p.203)

Vậy thì cái gì đang xảy ra ở đây? Chúng ta mong đợi và luôn cho rằng giáo lý Thắng Pháp (Abhidhamma) phải là rất chính xác, nhưng ở đây các giáo thọ sư lại có những quan điểm khác nhau và chúng ta thì không chắc ai là đúng. Sự giải thích ở đây là, trong bốn nhóm phân chia nghiệp (Kamma) này, ba nhóm đầu tiên được trình bày ở đây dựa vào phương pháp phân chia theo Kinh Tạng (Suttanta) chứ không phải dựa vào phương pháp phân chia theo Thắng Pháp (Abhidhamma). Chỉ có nhóm cuối cùng, tức là nhóm được phân chia “theo nơi cho quả”, thì là phương pháp phân chia theo Thắng Pháp (Abhidhamma). Đó là lý do tại sao lại có sự khác biệt về quan điểm.

Bốn  loại  nghiệp  này  là  nhóm  phân  chia  thứ  nhất trong   bốn   nhóm   phân  chia  thành   bốn   loại   nghiệp (Kamma) được phân tích trong phần này (xem CMA, V, Table   5.3,   p.201).   Sau   khi   nêu   tên   các   loại   nghiệp (Kamma),  phần  này sẽ trình  bày  cho  chúng  ta  nghiệp (Kamma) gì cho quả gì.

Chúng ta sẽ tiếp tục những nhóm phân chia tiếp theo vào tuần sau. Các bạn có câu hỏi gì không? Tôi nghĩ là các bạn có thể có rất nhiều câu hỏi.

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Tôi nghĩ nó có thể là cả chướng nghiệp và đoạn nghiệp vì người đó đã làm bất thiện (Akusala). Rồi thì ông ta lại làm nhiều nghiệp thiện (Kusala). Một nghiệp thiện nào đó trong đó có thể thế chỗ cho nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) đó. Nó có thể là cả đoạn nghiệp và chướng nghiệp.

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Đúng ở một mức độ nào đó. Nếu chúng ta có nhiều chướng nghiệp, ví dụ như nhiều thiện nghiệp (Kusala Kamma) chẳng hạn, thì nó có thể làm chướng ngại cho bất thiện nghiệp (Akusala Kamma), tức là quả của nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) sẽ bị cản trở. Cho nên, nghiệp thiện (Kusala Kamma) hay nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) có thể làm chướng ngại cho nghiệp thiện (Kusala Kamma) hay nghiệp bất thiện (Akusala Kamma). Đó là lý do tại sao chúng ta luôn được khuyến khích là hãy làm nhiều điều thiện (Kusala). Ít nhất thì chúng ta có thể cản trở những kết quả của nghiệp bất thiện (Akusala Kamma).

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Các Ngài thuộc vào cùng một kiếp trái đất (Kappa). Các bạn đã biết là sẽ có năm vị Phật trong kiếp trái đất (Kappa) này. Đức Phật Kassapa, tức là Đức Phật ngay trước Đức Phật Gotama, đã thuộc vào kiếp trái đất (Kappa) này. Một vị Bất Lai (Anāgāmī) đã hiện xuống (từ cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa)) và thỉnh Đức Phật (ND: Đức Phật Gotama) thuyết pháp. Vị đó là một vị Bất Lai (Anāgāmī). Có thể có nhiều vị Bất Lai (Anāgāmī), không chỉ từ thời Đức Phật Kassapa mà còn từ thời nhiều Đức Phật khác nữa.

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Một đại kiếp (Mahā Kappa) – Tôi nghĩ tôi đã giải thích cho các bạn rằng có bốn giai đoạn trong một Đại Kiếp. Đức Phật đã dạy rằng nó không thể được đo lường theo năm hay theo thế kỷ. Cho nên, nó rất là lâu. Ví dụ Ngài đưa ra là giả sử có một tảng đá lớn dài một do-tuần, rộng một do-tuần và cao một do-tuần. Cứ mỗi một hay hai trăm năm, một người đi đến và quét nó bằng một tấm vải mỏng. Tảng đá sẽ mòn nhưng một đại kiếp vẫn chưa kết thúc. Cho nên, nó rất là lâu.

Học viên: Một do-tuần là dài bao nhiêu? Sayādaw: Nó dài khoảng tám dặm.

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app