Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Năm: Nghiệp (Kamma) – Phần Một

Lần trước, chúng ta đã hoàn thành bốn loại nghiệp (Kamma) đầu tiên:

  1. Sanh nghiệp,
  2. Trì nghiệp,
  3. Chướng nghiệp, và
  4. Đoạn nghiệp.

Bây giờ, chúng ta sẽ đi đến nhóm tiếp theo, đó là nhóm phân chia theo thứ tự cho quả. Tức là khi chúng ta có bốn loại nghiệp này, thì nghiệp thứ nhất sẽ cho quả trước. Nếu chỉ có ba loại và không có loại nghiệp thứ nhất, thì nghiệp thứ hai sẽ cho quả và vân vân. Bốn loại nghiệp này là:

  1. Loại thứ nhất được gọi là trọng nghiệp (Garuka- kamma).
  2. Loại thứ hai được gọi là cận tử nghiệp (Āsanna- kamma).
  3. Loại thứ ba là thường nghiệp (Āciṇṇa-kamma).
  4. Và loại thứ tư là khinh thiểu nghiệp (Kaṭattā- kamma).

Trọng Nghiệp (Garuka-kamma)

Trọng nghiệp là nghiệp (Kamma) có năng lực mạnh, có thể là rất xấu hay có thể là rất tốt. CMA giải thích về trọng nghiệp như sau:

“…  nó  không  thể  bị  thay  thế  bằng  một  nghiệp (kamma)  nào  khác  trong  việc  xác  định  sự  tái  sanh.” (CMA, V, Guide to §19, p.203)

Những nghiệp (Kamma) này cho quả đi tái sinh. Trọng nghiệp có năng lực lớn đến nỗi nó không thể bị thay thế bởi một nghiệp (Kamma) nào khác trong việc xác định sự tái sanh. Tức là nếu có một trọng nghiệp, thì nó chắc chắn sẽ cho quả trong kiếp sống kế tiếp.

Trong Sớ Giải của Abhidhammatthasaṅgaha, điều được ghi nhận là loại nghiệp (Kamma) này không thể bị thay thế hay ngăn chận bởi một nghiệp (Kamma) khác. Nhưng có một vài giáo thọ sư ở Miến Điện lại nghĩ rằng điều này không đúng. Các Ngài cho rằng một trọng nghiệp (Kamma) có thể thay thế một trọng nghiệp (Kamma) khác. Trong trường hợp đó, một trọng nghiệp (Kamma) có thể bị hay được thay thế bởi một trọng nghiệp (Kamma) khác, mà không phải bởi cận tử nghiệp (Kamma) hay thường nghiệp (Kamma) hay khinh thiểu nghiệp (Kamma).

Đối với bất thiện (Akusala), thì trọng nghiệp có nghĩa là năm đại tội: giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán (Arahant), làm cho máu đông tụ trong cơ thể của Đức Phật, và chia rẽ Tăng chúng. Nếu một ai đó phạm tất cả năm tội này (Thật ra thì không thể nào có thể làm cả năm.), thì tội cuối cùng có quyền ưu tiên. Nếu tội cuối cùng có quyền ưu tiên, thì những tội khác sẽ không cho quả. Điều này cũng như vậy đối với thiện nghiệp. Trong trường hợp thiện (Kusala), thì trọng nghiệp là những sự chứng đắc thiền (Jhāna). Nếu các bạn chứng đắc các tầng thiền (Jhāna), thì những tầng thiền (Jhāna) cao hơn có quyền ưu tiên trên những tầng thiền (Jhāna)  thấp  khi cho quả. Như vậy, đối với trọng nghiệp, thì một trọng nghiệp này có thể thay thế một trọng nghiệp khác trong việc xác định sự tái sanh. Nhưng chúng không thể bị thay thế bởi bất kỳ một loại nghiệp (Kamma) nào khác như cận tử nghiệp và vân vân.

“Ở bên phía bất thiện, thì đó là năm đại tội cùng với quan điểm cố chấp sai lầm từ chối những nền tảng đạo đức.” (CMA, V, Guide to §19, p.204)

Tức là tà kiến cho rằng không có nghiệp (Kamma), không có quả của nghiệp (Kamma) và vân vân.

“Nếu một ai đó thực hành và phát triển các tầng thiền (jhāna) và sau đó lại phạm vào một trong những (ác) trọng tội, thì nghiệp (kamma) tốt của người đó sẽ bị hoại bỏ đi do hành động tội lỗi đó, …” (CMA, V, Guide to 19, p.204)

Tất cả các bạn đều biết về Devadatta. Devadatta là anh em họ của Đức Phật. Ông đã không những chứng đắc các tầng thiền (Jhāna) mà còn chứng đạt những thần thông. Nhưng tất cả những thứ đó đã biến mất. Mặc dầu ông đã từng có thần thông, nhưng vì ông đã phạm hai trọng tội, cho nên sự chứng đắc thiền định (Jhāna) cùng với những thần thông của ông đã không thể cứu ông thoát khỏi việc tái sanh vào địa ngục. Năng lực thần thông không thể làm cho ông tái sanh vào thế giới của Phạm thiên (Brahma).

“Nhưng nếu một ai đó trước hết phạm một trong các trọng tội, thì người ấy sau này không thể đạt được sự chứng đắc đáo đại hay Siêu thế, …” (CMA, V, Guide to 19, p.204)

Nếu một ai đó đã thực hiện một trong các trọng tội, thì người ấy sẽ không đắc thiền (Jhāna) trong kiếp sống đó; người đó sẽ không giác ngộ trong kiếp sống đó.

Các bạn cũng đã biết Vua Ajātasattu. Ông đã giết cha của mình. Khoảng tám năm trước khi Đức Phật nhập diệt, ông đã đến viếng Đức Phật và thỉnh Ngài giảng cho ông nghe về lợi ích của việc làm một tu sĩ. Đức Phật đã giảng cho ông bài kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala Sutta). Mặc dầu ông có đủ duyên để trở thành vị Nhập Lưu (Sotāpanna), nhưng vì đã giết chết cha của mình, ông đã không thể chứng đắc quả vị Nhập Lưu (Sotāpanna). Sau khi ông từ giả, Đức Phật đã nói: “Nếu vị vua này đã không giết cha của mình, thì ông đã trở thành một vị Nhập Lưu (Sotāpanna) tại chỗ ngồi này.” Khi một người đã thực hiện những trọng tội này, thì người đó không thể mong đợi sự chứng đắc thiền định (Jhāna) cũng như sự giác ngộ trong đời sống đó. Những trọng nghiệp này có năng lực quá lớn đến nỗi không có nghiệp (Kamma) nào có thể can thiệp vào.

  • Ở bên thiện, thì đó là những sự chứng đắc Siêu thế, thiền định (Jhāna) và thần thông (Abhiññā).
  • Ở bên bất thiện, thì đó là năm nghịch đại tội.

Trong năm nghịch đại  tội này, thì có việc làm cho máu  bị  đông  tụ  lại trong  cơ  thể  của  Đức  Phật.  Ở  đây, trong  cuốn  CMA,  thành  ngữ được  dùng  là  “làm  tổn thương  đến  Đức  Phật”  (CMA,  V,  Guide  to §19,  p.204). Điều này có thể dẫn đến sự hiểu lầm. Trong Sớ Giải có giải thích rằng cơ thể của Đức Phật là bất khả xâm phạm. Tức  là  không  ai có  thể  làm  tổn  thương  đến  Đức  Phật. Không ai có thể làm da của Đức Phật bị cắt đứt hay trầy xước mà không có sự cho phép hay ước muốn của Ngài. Sớ Giải giải thích rằng cơ thể của Đức Phật không thể bị làm tổn thương hay bị làm chảy máu bởi một ai cả. Nhưng máu thì có thể tụ lại một nơi nào đó trong cơ thể. Đó là ý nghĩa của việc làm tổn thương đến Đức Phật ở đây.

Devadatta đã cố gắng sát hại Đức Phật. Đức Phật đang đi bộ trên đồi Gijjhakūta. Devadatta đã đẩy một tảng đá lớn lăn xuống về phía Đức Phật. Tảng đá đó đã đụng một tảng đá khác. Một mảnh vỡ từ tảng đá đã đụng vào bàn chân của Đức Phật. Tại Miến Điện, chúng tôi cho là nó đã đụng vào ngón chân cái, nhưng trong Sớ Giải, từ “ngón chân cái” không được dùng đến mà chỉ là cạnh bàn chân thì được nhắc đến. Tức là nó có thể là ngón chân cái hay một nơi nào khác của bàn chân. Khi điều đó xảy ra, da của bàn chân không bị cắt, nhưng máu đã bị tụ lại trong bàn chân và Đức Phật phải chịu đau đớn. Khi Đức Phật bị đau, lương y Jīvaka đã cắt mở vết thương để máu chảy ra. Điều đó được xem là nghiệp (Kamma) đáng khen ngợi. Tôi đã nói ở trước là Đức Phật không thể bị cắt thương. Nhưng ở đây, lương y Jīvaka đã cắt vết thương và để máu chảy ra. Sớ Giải đã nói “bằng cách dùng dao cắt da của Đức Phật theo ước muốn của Đức Phật,” tức là với sự cho phép của Ngài. Nếu Đức Phật không cho phép, cơ thể của Ngài không thể bị cắt. Việc này có mục đích để cho máu tụ được chảy ra. Hành động của Devadatta là một trọng tội. Hành động của lương y Jīvaka là một nghiệp (Kamma) đáng tán thưởng.

Trọng tội cuối cùng là chia rẽ Tăng chúng. Điều này chỉ có thể được thực hiện bởi một tu sĩ. Cho nên, những tại gia cư sĩ như các bạn không phải lo lắng về chuyện chia rẽ Tăng chúng bởi vì nó không phải là chia rẽ các tu sĩ với nhau hay làm cho một nhóm tu sĩ này chống lại nhóm tu sĩ khác. Mặc dầu việc đó có thể là nghiệp nặng, nhưng nó không phải là chia rẽ Tăng chúng. Trọng tội này chỉ có thể được thực hiện bởi những tu sĩ bởi vì chia rẽ Tăng chúng chỉ xảy ra khi hai nhóm Tăng chúng trong một  Sima1  thực hiện  những  Tăng  sự.  Khi các tu  sĩ thực hành  những  Tăng  sự,  tất  cả  các tu  sĩ phải  tập  trung  lại một chỗ. Không nên có hai nhóm riêng biệt tách rời thực hành  Tăng  sự.  Ở  đây,  vị  tu sĩ  này  muốn  chia  rẽ  Tăng chúng.  Và  cho  nên  trong  trường  hợp này,  có  hai  nhóm tách rời nhau thực hành Tăng sự. Họ thực hành Tăng sự cùng  một  lúc.  Họ  thực  hành  Uposatha  cùng  một  lúc. Hành động này là cái được gọi là chia rẽ Tăng chúng. Chỉ có tu sĩ mới có thể làm được điều này chứ không phải cư sĩ  tại  gia.  Điều  đó  cũng được  cho  là  trọng  tội  lớn  nhất trong  năm  trọng  tội.  Devadatta  đã phạm  hai  trọng  tội: làm cho máu bị đông tụ trong bàn chân của Đức Phật và chia rẽ Tăng chúng.

Cận Tử Nghiệp (Āsanna-kamma)

Loại nghiệp tiếp theo là cận tử nghiệp (Āsanna- kamma). “Āsanna” có nghĩa là gần hay kế cận. Ở đây, “gần” có nghĩa là cận tử. Nghiệp này là nghiệp (Kamma) được nhớ lại hay được làm ngay trước khi chết. Một người có thể đã làm một nghiệp (Kamma) tốt trong quá khứ, có thể là cách đây vài năm. Nếu người đó nhớ lại nghiệp (Kamma) đó ngay trước khi chết, thì nghiệp (Kamma) đó trở thành nghiệp (Kamma) cho quả. Đôi lúc, nghiệp (Kamma) có thể được thực hiện ngay trước khi chết. Nghiệp (Kamma) như vậy được gọi là cận tử nghiệp. Nó được thực hiện ngay trước tiến trình đổng lực (Javana) cuối cùng – tức là ngay trước lộ tâm tử. Trước lộ tâm đó, có nhiều lộ tâm diễn tiến sanh diệt. Trong những Sima là nơi mà những tu sĩ thực hành những Tăng sự. 

Tôi đã kể cho các bạn nghe về một người thợ săn được người con của mình cho xuất gia lúc về già. Khi ông gần chết, những hình ảnh và dấu hiệu của địa ngục đã xuất hiện đến với ông. Cho nên, ông đã được mang đến phía trước một bảo tháp (Cetiya). Hoa đã được mang đến cho ông và ông đã được hướng dẫn cúng dường hoa đến Đức Phật, đến bảo tháp. Cận tử nghiệp (Kamma) đã thay đổi thú tướng của ông. Thay vì như trước, thì tại lúc đó ông đã thấy những thú tướng tốt đẹp.

Cận tử nghiệp (Kamma) rất quan trọng vì nó có thể xác định sự tái sinh là tốt hay xấu. Cho nên, thậm chí một người có thể là tốt trong suốt cuộc sống, nhưng nếu người đó nhớ lại một điều gì đó xấu lúc cận tử, thì nghiệp (Kamma) xấu đó sẽ có cơ hội cho quả. Cũng theo cách đó, nếu một người là xấu mọi lúc, nhưng nếu người đó nhớ lại một nghiệp (Kamma) tốt nào đó trong quá khứ hay làm một nghiệp (Kamma) tốt nào đó lúc cận tử, thì nghiệp (Kamma) đó trở thành cận tử nghiệp (Āsanna- kamma) và nó sẽ có cơ hội cho quả.

“Vì lý do này, chuyện thường xảy ra tại những quốc gia Phật giáo là nhắc nhở người gần chết nhớ lại những hành động tốt của mình hay thúc giục và khuyến khích người gần chết phát sinh những suy nghĩ tốt trong suốt những  giây  phút  cuối  cùng  của  cuộc  đời.”  (CMA,  V, Guide to §19, p.204)

Một người cần những thiện hữu tạo dựng nên những điều kiện và tình huống thuận lợi để ông ta có được những trạng thái tốt và nhớ về những hành động tốt, để rồi ông ta có thể qua đời với những suy nghĩ tốt ấy.

Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc này. Một trong số đó là về một vị vua ở Sri Lanka. Khi vị vua gần qua đời, ông đã mong đợi vị tướng quân của mình đến gặp ông. Vị tướng quân đã là một tu sĩ và đã chưa đến gặp ông. Cho nên, ông đã nói: “Vị tướng quân đã ở bên cạnh ta khi ta ở trong các trận chiến và chiến thắng. Bây giờ ông ta biết rằng ta sẽ thua trận chiến này với thần chết, cho nên ông ta không xuất hiện.” Vị tướng quân đã đến gặp vị vua và đã trò chuyện với ông về những phước lành mà ông đã tạo trong quá khứ. Rồi vị vua đã nhớ lại tất cả những phước lành của mình và cảm thấy phấn chấn. Trước khi chết, ông ta đã nói: “Vị tướng quân đã là một người bạn đồng hành tốt ở chiến trường cũng như trong trận chiến với tử thần.” Và như vậy, ông ta đã qua đời một cách bình an. Đây là cận tử nghiệp (Kamma).

Các bạn đừng hiểu lầm điều này. Nó không có nghĩa là các bạn có thể là quái ác cả đời, rồi thì chỉ làm một điều tốt trước khi chết. Nó không có nghĩa là tất cả những việc làm xấu của các bạn sẽ không có cơ hội cho quả. Chúng sẽ không có cơ hội cho quả trong kiếp sống kế tiếp, nhưng trong những kiếp sống tiếp theo sau đó, chúng sẽ có cơ hội cho quả hoặc là tốt hoặc là xấu. Đôi lúc, một người có thể là tốt cả cuộc đời, nhưng vì một lý do nào đó, người ấy đã có một suy nghĩ xấu vào lúc cận tử và rồi có thể tái sanh vào một khổ cảnh. Nhưng người ấy sẽ không tồn tại ở đó lâu. Người ấy chẳng mấy chốc sẽ thoát khỏi khổ cảnh đó. Tuy nhiên, kiếp sống liền kề ngay sau đó là xấu bởi do cận tử nghiệp (Kamma) xấu đó.

Thường nghiệp (Āciṇṇa-kamma)

Loại nghiệp tiếp theo trong trình tự cho quả là thường nghiệp (Āciṇṇa-kamma). Thường nghiệp là nghiệp mà chúng ta thực hành thường lệ hàng ngày – như hành thiền, học hành, giảng dạy, lễ Phật, dâng cúng đến chư Tăng và vân vân. Khi một người thực hành một nghiệp (Kamma) tốt hay xấu một cách thường lệ, thì nó sẽ trở nên có năng lực. Khi vắng mặt trọng nghiệp (Kamma) và cận tử nghiệp (Kamma), thì loại nghiệp (Kamma) này sẽ nhận lãnh trách nhiệm cho tái sanh. Khi không có trọng nghiệp (Kamma) và khi không có cận tử nghiệp (Kamma), thì thường nghiệp (Kamma) này sẽ cho quả hay sẽ dẫn đi tái sanh trong kiếp sống tiếp theo. Thường nghiệp (Kamma) này cũng rất quan trọng vì đôi lúc chính thường nghiệp (Kamma) có thể trở thành cận tử nghiệp (Kamma). Nếu một người làm nghiệp thiện (Kusala Kamma) một cách liên tục, thì thường nghiệp (Kamma) này sẽ tự hiện ra trước người này lúc cận tử. Thường nghiệp (Kamma) thật ra cũng quan trọng như là cận tử nghiệp (Kamma).

Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và trong những Sớ Giải khác của Ngài Buddhaghosa, trình tự cho quả được đưa ra là trọng nghiệp (Kamma), thường nghiệp (Kamma) và cận tử nghiệp (Kamma). Trong cuốn Cẩm Nang này, thì trình tự lại là khác. Ở đây, trình tự là trọng nghiệp (Kamma), cận tử nghiệp (Kamma) và thường nghiệp (Kamma). Tức là có sự khác nhau giữa thứ tự của hai nghiệp này. Những Sớ Giải của Abhidhammatthasaṅgaha giải thích rằng thường nghiệp (Āciṇṇa-kamma) có năng lực rất lớn vì nó được thực hiện đi và lại nhiều lần, tức là rất thường xuyên.

Chúng ta hãy lấy ví dụ về gia súc. Khi gia súc được lùa vào chuồng trại vào buổi tối, một con trâu già có thể là con vật cuối cùng vào chuồng. Cho nên, nó sẽ ở gần cổng chuồng. Nhưng vào buổi sáng khi gia súc được thả ra khỏi chuồng, thì con trâu già đó có thể là con vật đầu tiên ra khỏi chuồng, đơn giản vì nó ở gần cổng. Cũng theo cách đó, cận tử nghiệp (Kamma) thì không có năng lực mạnh bằng thường nghiệp (Kamma), nhưng vì nó được thực hiện trước khi chết, cho nên nó có cơ hội cho quả. Đó là lý do tại sao cận tử nghiệp (Kamma) lại được cho quyền ưu tiên trước thường nghiệp (Kamma) trong luận thư Abhidhammatthasaṅgaha.

Khinh Thiểu Nghiệp (Kaṭattā-kamma)

Loại cuối cùng là khinh thiểu nghiệp (Kaṭattā- kamma). “Kaṭattā” có nghĩa là vì nó được thực hiện cho nên nó được gọi là nghiệp (Kamma). Nghiệp (Kamma) không được bao gồm trong ba loại nghiệp được nhắc đến ở trước thì được gọi là khinh thiểu nghiệp (Kamma). Khinh thiểu nghiệp (Kamma) thì không phải là trọng nghiệp, không phải là cận tử nghiệp, không phải là thường nghiệp, nhưng nó là một loại nghiệp nào đó có đủ tiềm năng dẫn đi tái sanh.

“Loại nghiệp (kamma) này trở nên có hiệu lực khi không  có  nghiệp (kamma)  nào  trong  ba  loại  trên  thực hiện chức năng này.” (CMA, V, Guide to §19, p.204)

Khi ba loại nghiệp (Kamma) khác không sanh lên, thì nghiệp (Kamma) này sẽ cho quả. Nghiệp (Kamma) này có thể là nghiệp (Kamma) đã được thực hiện trong kiếp này hay là nghiệp (Kamma) đã được thực hiện trong hững kiếp quá khứ. Cho nên, nó có thể là nghiệp (Kamma) không chỉ đã được làm trong kiếp này, mà còn trong những kiếp quá khứ nữa. Đôi lúc, chúng ta làm những phước thiện một cách không say mê. Đôi lúc, chúng ta chỉ làm một cách thoáng qua. Nghiệp (Kamma) như vậy có thể được gọi là khinh thiểu nghiệp (Kamma). Nó không phải là trọng nghiệp, không phải cận tử nghiệp, không phải là thường nghiệp, mà chỉ được làm một cách hời hợt hay không tận tâm lắm. Loại nghiệp này sẽ có cơ hội cho quả nếu ba loại nghiệp (Kamma) kia vắng mặt.

Nhóm chia này được sắp xếp theo thứ tự cho quả của nghiệp (Kamma), tức là sự chín muồi của nghiệp (Kamma); cho nên, chúng ta có trọng nghiệp (Kamma), cận tử nghiệp (Kamma), thường nghiệp (Kamma) và khinh thiểu nghiệp (Kamma).

Nhóm tiếp theo là dựa vào thời gian cho quả. Và chúng ta cũng có bốn loại nghiệp (Kamma). Tất cả các bạn đã quen thuộc với bốn loại nghiệp này. Chúng là:

  1. Hiện báo nghiệp (Diṭṭhadhammavedanīya- kamma),
  1. Sanh báo nghiệp (Upapajjavedanīya-kamma),
  1. Hậu báo nghiệp (Aparāpariyavedanīya-kamma), và
  1. Vô hiệu nghiệp (Ahosi-kamma).

Hiện Báo Nghiệp (Diṭṭhadhammavedanīya-kamma)

Từ Pāḷi cho loại nghiệp đầu tiên là Diṭṭhadhammavedanīya-kamma, có nghĩa là nghiệp mà quả của nó sẽ được trải nghiệm trong kiếp sống này. “Diṭṭhadhamma” có nghĩa là đời sống này; “Vedanīya” có nghĩa là được trải nghiệm. Cho nên, nghiệp (Kamma) mà quả sẽ được trải nghiệm trong kiếp này thì được gọi là Diṭṭhadhammavedanīya-kamma. Nó được dịch là hiện báo nghiệp. “Hiện báo” có nghĩa là có hiệu quả trong kiếp sống này, trong thời điểm tiếp theo, ngày mai hay ngày mốt. Nó có thể là ngay lập tức sau vài phút, ngày mai hay ngày mốt, nhưng nó phải cho quả trong kiếp sống này. “Hiện báo nghiệp” này có nghĩa là nghiệp (Kamma) cho quả trong cùng kiếp sống mà nó được thực hiện. Nếu nó không cho quả trong kiếp sống này vì thiếu duyên, thì nó sẽ trở nên vô hiệu.

“Theo Thắng Pháp (Abhidhamma), sát-na đổng lực (Javana) thứ nhất của bảy sát-na đổng lực (Javana) trong một tiến trình đổng lực (Javana) là đổng lực yếu nhất và tạo ra hiện báo nghiệp (Kamma).” (CMA, V, Guide to 20, p.205)

Các bạn đã học về những lộ tâm. Thông thường thì có bao nhiêu sát-na đổng lực (Javana) trong một lộ tâm? Có bảy sát-na đổng lực (Javana). Sát-na đổng lực (Javana) thứ nhất hay nói đúng hơn là nghiệp (Kamma) trong sát-na đổng lực (Javana) thứ nhất là hiện báo nghiệp (Kamma). Hiện báo nghiệp (Kamma) này được cho là yếu nhất trong tất cả các loại nghiệp.

Có nhiều câu chuyện về hiện báo nghiệp (Kamma) đặc biệt là trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada). Ví dụ một ai đó dâng cúng thực phẩm đến Ngài Mahā Kassapa. Rồi người đó đã lập tức trở thành một đại phú gia. Đó có phải là một kết quả cực lớn không? Kinh sách ghi lại rằng kết quả đó không có lớn. Đó là quả vô nhân. Các bạn sẽ có quả thiện (Kusala-vipāka) như là một kết quả của nghiệp (Kamma) này khi các bạn thấy sự giàu có, khi các bạn có tài sản. Khi các bạn thưởng thức nó, các bạn sẽ có quả thiện (Kusala-vipāka). Những sự giàu có cũng là kết quả của nghiệp (Kamma) này, nhưng không phải là quả trực tiếp. Hiện báo nghiệp (Kamma) chỉ cho những kết quả vô nhân (Ahetuka). Sắc pháp (Rūpa) cũng được gọi là vô nhân (Ahetuka). Cho nên, nó không có lớn lắm đâu. Các bạn hãy so sánh nó với một kết quả khác trong cảnh giới của Thiên chúng (Deva). Các bạn sẽ chọn cái nào: Làm nhân loại giàu có hay làm Thiên nhân? Các bạn sẽ chọn làm Thiên nhân (Deva). Cho nên, tái sanh làm Thiên nhân (Deva) thì là quả tốt hơn nhiều với việc làm nhân loại giàu có. Mặc dầu trong mắt của chúng ta, quả của hiện báo nghiệp (Kamma) là rất lớn, nhưng nếu chúng ta so sánh với kết quả của sanh báo nghiệp (Kamma), thì nó không có lớn lắm đâu. Nó được gọi là yếu nhất trong tất cả các loại nghiệp. Nó chỉ có thể cho quả trong kiếp sống này.

Tại sao nó được gọi là yếu nhất? Nó là yếu nhất vì nó không có trùng dụng duyên (Āsevanapaccaya). “Āsevana” có nghĩa là sự lặp lại. Một đổng lực (Javana) được lặp lại bảy lần. Đổng lực đầu tiên đã không nhận được trùng dụng duyên (Āsevanapaccaya) nào từ sát-na tâm phía trước. Ngay phía trước đổng lực (Javana) là tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Tâm đoán định (Voṭṭhabbana) và đổng lực (Javana) là khác nhau. Tâm đoán định (Voṭṭhabbana) thì thuộc vào duy tác (Kiriya). Đổng lực (Javana) thì thuộc vào thiện (Kusala) hoặc bất thiện (Akusala). Cho nên, đổng lực (Javana) thứ nhất không nhận được trùng dụng duyên (Āsevanapaccaya) từ tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Đó là lý do tại sao nó được gọi là yếu nhất. Đối với đổng lực thứ hai, thứ ba, thứ tư và vân vân, thì chúng có được động lực vì sát-na này được hỗ trợ bởi sát-na khác và sát-na khác. Nghiệp (Kamma) hay tâm sở tư (Cetanā) của đổng lực (Javana) thứ nhất được xem là yếu nhất trong tất cả những đổng lực.

Đôi lúc, chúng ta muốn nhận được quả ngay trong kiếp sống này, phải không? Nếu chúng ta muốn có kết quả ngay trong kiếp sống này, thì nghiệp thiện (Kusala) của chúng ta phải được làm một cách rất có tổ chức và nó cũng phải thỏa mãn những điều kiện cần thiết. Trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada), chúng ta sẽ tìm thấy những điều kiện này: một người phải có một dụng ý (Cetanā) tốt và mạnh, vật cúng dường phải có được hay được làm ra bằng những phương tiện và phương cách chân chính, người nhận phải vừa mới xuất thiền diệt (Nirodha-samāpatti) hay thiền Quả (Phala-samāpatti) và vân vân. Thậm chí khi những điều kiện này được thỏa mãn, thì những kết quả nó cho cũng chỉ là vô nhân (Ahetuka).

Sanh Báo Nghiệp (Upapajjavedanīya-kamma)

Loại nghiệp (Kamma) tiếp theo là sanh báo nghiệp (Upapajjavedanīya-kamma). Tức là nghiệp (kamma) mà quả của nó thì được trải nghiệm trong kiếp sau.

“Nếu nghiệp là cho quả, thì nó phải cho quả trong kiếp sống ngay sau kiếp sống mà nghiệp này được thực hiện; …” (CMA, V, Guide to §20, p.205)

Nếu nghiệp (kamma) đó được thực hiện trong kiếp này, thì nó sẽ cho quả trong kiếp sau.

“… nếu không, nó sẽ trở thành vô hiệu.” (CMA, V, Guide to §20, p.205)

Nếu nó không cho kết quả trong kiếp sống tiếp theo, thì nó trở thành vô hiệu. Nó sẽ không cho quả gì cả.

“Loại nghiệp (kamma) này được tạo ra bởi sát-na đổng lực (Javana) cuối (tức là sát-na đổng lực (Javana) thứ bảy) trong một tiến trình đổng lực (Javana) và là yếu thứ nhì trong chuỗi những đổng lực.” (CMA, V, Guide to 20, p.205)

Việc xem đổng lực (Javana) thứ bảy là yếu thứ nhì là ý kiến của Ngài Leḍī Sayādaw. Nhưng có những giáo thọ sư khác không đồng ý với Ngài. Những giáo thọ sư khác cho rằng những đổng lực (Javana) sẽ càng nhận được nhiều lực đẩy hơn tính từ thứ nhất đến thứ bảy, cho nên, đổng lực (Javana) thứ bảy là mạnh nhất. Nhưng Ngài Leḍī Sayādaw cho rằng đổng lực thứ nhất thì không mạnh, đổng lực thứ hai thì mạnh hơn một chút, đổng lực thứ ba thì mạnh hơn một chút nữa, đổng lực thứ tư là mạnh nhất, rồi thì đổng lực thứ năm là yếu lại và giảm dần xuống đến đổng lực thứ sáu và thứ bảy. Ngài Leḍī Sayādaw cho rằng đổng lực (Javana) thứ bảy là yếu thứ nhì. Trong quan điểm của Ngài thì năm đổng lực (Javana) ở giữa là mạnh nhất.

Nghiệp (Kamma) này cho kết quả trong kiếp sống tiếp theo. Nếu là nghiệp (Kamma) tốt, thì nó sẽ đưa đi tái sanh làm nhân loại hay làm Thiên nhân (Deva); nếu là nghiệp bất thiện (Akusala Kamma), thì nó sẽ cho quả trong những đọa xứ.

Hậu Báo Nghiệp (Aparāpariyavedanīya-kamma)

Loại thứ ba là hậu báo nghiệp (Aparāpariyavedanīya-kamma). Tức là nghiệp (Kamma) mà những kết quả của nó thì được trải nghiệm trong những kiếp sống khác.

“Nghiệp (kamma) này là nghiệp (kamma) mà có thể chín muồi bất cứ lúc nào từ kiếp sống thứ hai trong tương lai  trở  đi,  bất  cứ  khi  nào  nó có được  cơ  hội  cho  quả.” (CMA, V, Guide to §20, p.205)

Điều  quan  trọng  phải  biết  là,  ở  đây,  nó  là  từ  kiếp sống thứ hai trở đi trong tương lai. Trong những tài liệu khác,  các bạn  sẽ  chỉ  tìm thấy  là  trong  những  kiếp  sống hay những kiếp tái sinh khác. Nhưng thật ra, nghĩa đúng phải hiểu ở đây là từ kiếp sống thứ hai trở đi trong tương lai.  Chúng  ta  hãy  gọi  “kiếp  sống  này”  là  kiếp  sống  thứ nhất và “kiếp sống tiếp theo” là kiếp sống thứ hai. Rồi sau kiếp  sống  tiếp theo  là  “kiếp  sống  thứ  ba”.  Cho  nên,  tại Miến  Điện,  chúng  tôi  nói hậu  báo  nghiệp  (Kamma)  là nghiệp (Kamma) cho quả từ kiếp sống thứ ba cho đến tận cùng  của  vòng  luân  hồi  (Saṃsāra).  Trong  Sớ Giải  được gọi  là  Vibhāvinī,  Abhidhammatthavibhāvinī-Ṭīkā,  tức là Sớ Giải của Abhidhammatthasaṅgaha, từ được dùng là từ kiếp sống này trở đi. Điều đó không đúng. Những Phụ Sớ Giải (Ṭīkā) của Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) và cũng   như   Phụ   Sớ   Giải   (Ṭīkā)   của   Thanh  Tịnh   Đạo (Visuddhimagga) nói rõ ràng rằng là từ kiếp sống sau đời sống này. Nghĩa là kiếp sống này, kiếp sống tiếp theo và kiếp  sống  sau đó.  Cho  nên,  nó  cũng  dẫn  đến  cùng  một điều1. Như vậy, đó là kiếp sống thứ hai trong tương lai, hay như chúng tôi nói ở Miến Điện là bắt đầu với kiếp sống thứ ba cho đến tận cùng của vòng luân hồi (Saṃsāra).

“… bất kỳ khi nào nó có cơ hội cho quả.” (CMA, V, Guide to §20, p.205)

Như vậy, nó sẽ cho quả trong suốt thời gian từ kiếp thứ ba cho đến tận cùng của vòng luân hồi (Saṃsāra). Ở đây, chúng ta cũng phải hiểu rằng nó sẽ không cho quả trở lại nhiều lần trong suốt thời gian đó. Nó sẽ chỉ cho quả một lần. Nếu nó đã cho quả, thì nó sẽ không còn cho quả nữa. Cho nên, khi chúng ta nói, nó sẽ cho quả từ kiếp sống thứ hai trở đi, điều đó có nghĩa là khi nó có cơ hội, nó sẽ cho quả trong khoảng thời gian đó. Và rồi, sau khi cho quả, thì nó chấm dứt. Nó sẽ không cho quả trở lại.

“Nghiệp (kamma) này, được tạo ra bởi năm sát-na đổng lực (javana) ở giữa trong một lộ tâm, sẽ không trở thành vô hiệu khi vòng sanh tử vẫn còn tiếp diễn.” (CMA, V, Guide to §20, p.205)

Như vậy, nó được tạo ra bởi năm sát-na đổng lực (Javana) ở giữa. Tức là những sát-na đổng lực (Javana) thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu.

“Không một ai, thậm chí cả Đức Phật hay một vị A- la-hán  (Arahant), được  miễn  hay  tránh  khỏi  việc  trải nghiệm  quả  của  hậu  báo nghiệp  (kamma).”  (CMA,  V, Guide to §20, p.205)

Đức Phật và các vị A-la-hán (Arahant) đã tẩy trừ hai nguồn gốc của sự hiện hữu: tham ái và vô minh. Vì tham ái và vô minh được đoạn diệt, nên các Ngài không tạo nên nghiệp (Kamma) mới. Nhưng các Ngài không được miễn hay không tránh khỏi được việc trải nghiệm quả của nghiệp (Kamma) tốt hay xấu của các Ngài trong quá khứ. Đó là lý do tại sao Đức Phật và các vị A-la-hán (Arahant) đôi lúc vẫn còn bị đau đớn và vân vân. Các Ngài trải nghiệm quả của nghiệp tốt hay xấu của mình trong quá khứ. Hậu báo nghiệp (Kamma) thì luôn luôn đi theo chúng sanh. Chúng sanh có nghiệp (Kamma) này được tồn trữ cho họ. Chúng sanh như chúng ta đôi lúc làm nghiệp (Kamma) tốt và đôi lúc làm nghiệp (Kamma) xấu. Nghiệp (Kamma) tốt hay xấu được tích trữ này là cái sẽ cho quả bất kỳ khi nào nó có cơ hội hay bất kỳ khi nào những điều kiện cần thiết sanh khởi. Đó là lý do tại sao một chúng sanh trong bốn đọa xứ có thể sanh lên cảnh giới nhân loại. Một chúng sanh là thú vật hay ở dưới địa ngục thì rất khó tạo nghiệp thiện (Kusala) ở những cảnh giới đó. Mặc dầu họ hầu như không tạo được nghiệp thiện (Kusala) tại đó, nhưng họ vẫn có thể tái sanh làm nhân loại hay thậm chí làm cả Thiên nhân (Deva) nhờ vào nguồn nghiệp (Kamma) tích trữ này, tức là hậu báo nghiệp (Kamma) này. Nguồn nghiệp (Kamma) tích trữ này là niềm hy vọng của chúng ta.

Loại nghiệp (Kamma) thứ nhất sẽ trở thành vô hiệu nếu nó không thể cho quả trong kiếp sống hiện tại. Loại nghiệp (Kamma) thứ hai sẽ trở thành vô hiệu nếu nó không thể cho quả trong kiếp sống tiếp theo, tức là kiếp sống thứ hai. Nhưng hậu báo nghiệp (Kamma) này sẽ trở thành vô hiệu chỉ khi nó đã cho quả hoặc là khi chúng sanh đó đã trở thành A-la-hán (Arahant) và vượt ra khỏi vòng luân hồi (Saṃsāra).

Các bạn đã biết Aṅgulimāla. Aṅgulimāla khi còn là kẻ cướp đã giết hàng ngàn người. Cho nên, Ngài đã tồn trữ rất nhiều nghiệp bất thiện (Akusala Kamma). Nhưng Ngài đã may mắn gặp được Đức Phật. Ngài đã trở thành đệ tử của Đức Phật và sau đó đã trở thành A-la-hán (Arahant). Khi Ngài viên tịch, Ngài đã vượt ra khỏi vòng luân hồi (Saṃsāra). Cho nên, những nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) đó, tức là việc giết chết nhiều người, đã không thể cho quả. Tất cả những nghiệp đó đã trở thành vô hiệu nghiệp (Kamma) khi Ngài viên tịch.

Vô Hiệu Nghiệp (Ahosi-kamma)

Loại nghiệp cuối được gọi là vô hiệu nghiệp (Ahosi- kamma). Từ Pāḷi là “Ahosi”. “Ahosi” có nghĩa là nó đã xảy ra, nó đã sanh lên. Nó chỉ sanh lên và nó không cho quả.

“Thuật ngữ này không chỉ định cho một loại nghiệp (kamma)  đặc  biệt nào  cả,  mà  chỉ  áp  dụng  cho  nghiệp (kamma) đã tới thời điểm chín muồi trong kiếp này hay kiếp sau, nhưng lại không hội đủ điều kiện để cho quả.” (CMA, V, Guide to §20, p.205)

Cho nên, đây không phải là một loại nghiệp (Kamma) đặc biệt. Khi ba loại nghiệp kia không cho quả trong những thời điểm tương ứng của chúng, thì chúng được gọi là vô hiệu nghiệp (Kamma).

“Trong trường hợp của những vị A-la-hán (Arahant), tất cả nghiệp (kamma) tích trữ của các Ngài từ quá khứ mà sẽ cho quả trong những kiếp vị lai sẽ trở thành vô hiệu khi các Ngài nhập diệt.” (CMA, V, Guide to 20, p.205)

Đôi lúc, tại Miến Điện, khi một vật gì đó bị phí bỏ, thì chúng tôi nói là nó đã trở thành vô hiệu nghiệp (Ahosi-kamma). Tức là có nghiệp (Kamma), nhưng không có kết quả.

Như vậy, nhóm bốn loại nghiệp này được sắp xếp theo thời gian cho quả:

  1. Loại nghiệp (Kamma) thứ nhất cho quả trong kiếp sống này.
  1. Loại nghiệp (Kamma) thứ hai cho quả trong kiếp sống tiếp
  1. Loại nghiệp (Kamma) thứ ba cho quả từ kiếp sống thứ ba cho đến khi vòng luân hồi (Saṃsāra) kết thúc.
  2. Loại thứ tư không cho quả. Loại này chẳng qua chỉ là ba loại trên khi chúng trở nên vô hiệu.

Ba nhóm phân chia đầu tiên được đưa ra dựa vào phương pháp phân chia theo Kinh Tạng (Suttanta). Nó thật ra không phải là Thắng Pháp (Abhidhamma). Nhóm cuối cùng thì theo Thắng Pháp (Abhidhamma). Những cách phân chia theo chức năng, phân chia theo cách cho quả và phân chia theo thời gian cho quả thì được giảng dạy theo phương pháp Kinh Tạng (Suttanta). Đó là lý do tại sao có sự khác nhau về quan điểm hay ý kiến giữa các giáo thọ sư. Đến đây, chúng ta đã học xong mười hai loại nghiệp (Kamma). Chúng có thể trùng lặp với nhau, ví dụ, đoạn nghiệp (Kamma) và trọng nghiệp (Kamma) có thể được xem là cùng một loại.

Bây giờ, chúng ta sẽ học đến nhóm chia cuối cùng, tức là phân chia theo cảnh giới cho quả, tức là cảnh giới của sự trổ quả. Những nghiệp này cho quả trong những cảnh giới nào? Tính theo cảnh giới cho quả, thì nghiệp lại được phân chia thành bốn loại. Đó là:

  1. Nghiệp bất thiện (Akusala Kamma),
  1. Nghiệp thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Kamma),
  1. Nghiệp thiện sắc giới (Rūpāvacara  Kusala Kamma), và
  1. Nghiệp thiện vô sắc giới (Arūpāvacara Kusala Kamma).

Loại thứ nhất là bất thiện (Akusala). Loại thứ hai là thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala). Loại thứ ba là thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala). Loại thứ tư là thiện vô sắc giới (Arūpāvacara Kusala). Chúng được sắp xếp theo cảnh giới cho quả.

Nghiệp Bất Thiện (Akusala Kamma)

Tất cả các bạn đã biết nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) cho quả ở đâu rồi phải không? Nghiệp bất thiện (Akusala Kamma) hầu hết cho quả làm tục sinh (Paṭisandhi) trong bốn đọa xứ. Khi là quả trong đời sống bình nhật, thì chúng cũng có thể cho quả trong cảnh giới nhân loại và Thiên giới (Deva). Khi chia theo cảnh giới cho quả, thì chúng ta có bốn loại nghiệp (Kamma).

Có ba loại nghiệp (Kamma) bất thiện: thân nghiệp bất thiện (Akusala Kāya Kamma), ngữ nghiệp bất thiện (Akusala Vacī Kamma) và ý nghiệp bất thiện (Akusala Mano Kamma). Chúng được chia ra theo môn hành động. Chúng ta sẽ giải thích môn ở đây là gì. Ở đây, môn không phải là mắt, tai và vân vân. Môn ở đây chỉ cho một thứ khác. Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng có ba loại nghiệp bất thiện (Akusala Kamma):

  • Thân nghiệp (Kāya Kamma),
  • Ngữ nghiệp (Vacī Kamma),
  • Ý nghiệp (Mano Kamma).

Tức là nghiệp (Kamma) được thực hiện chỉ thông qua thân, nghiệp (Kamma) được thực hiện chỉ thông qua ngữ, và nghiệp (Kamma) được thực hiện chỉ thông qua ý. Như vậy, có ba loại nghiệp (Kamma).

“Bằng cách nào? Sát sanh, trộm cướp và tà dâm là những hành động thuộc về thân thường xảy ra thông qua thân môn mà được biết đến như là thân biểu tri.” (CMA, V, §22, p.206)

Chưa học chương thứ sáu, thì các bạn có thể chưa hiểu rõ về thân biểu tri. Trong 28 sắc pháp,  có hai loại được gọi là những sắc biểu tri: thân biểu tri và ngữ biểu tri.  “Thân  biểu  tri”  đơn  giản  có  nghĩa  là  những  chuyển động của cơ thể hay những hoạt động của cơ thể. “Ngữ biểu tri” có nghĩa là diễn từ hay lời nói.

Ba loại nghiệp này – sát sanh, trộm cướp và tà dâm – được thực hiện thông qua thân môn, tức là được thực hiện thông qua hành động của cơ thể. Ở đây, môn (Dvāra) không có nghĩa là nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn và vân vân. Môn có nghĩa là thân biểu tri. Cho nên, ở đây thân biểu tri có nghĩa chỉ là những chuyển động của cơ thể. Sát sanh được thực hiện bằng thân. Trộm cướp được thực hiện bằng thân. Và tà dâm được thực hiện bằng thân.

Đối với những nghiệp (Kamma) này, có hai mức độ của nghiệp (Kamma) chúng ta cần nên hiểu: một loại chỉ là nghiệp (Kamma) và một loại trở thành nghiệp (Kamma) trọn vẹn, tức là loại nghiệp đầy đủ tiềm năng hay nghiệp (Kamma) cho tái sanh. Các bạn đã biết nghiệp (Kamma) là gì. Nghiệp là tâm sở tư (Cetanā). Bởi vì bất kỳ điều gì chúng ta làm, chúng ta đều làm với tâm sở tư (Cetanā), cho nên, chúng ta mới nói nghiệp (Kamma) có nghĩa là những việc làm hay những hành động. Thật ra, nghiệp (Kamma) có nghĩa là tâm sở tư (Cetanā).

“Dụng  ý  (tâm  sở  tư)  như  vậy  thì  là  một  nghiệp (kamma)  bất thiện,  không  cần  biết  hành  động  có  được hoàn thành hay không, nhưng nếu hành động được hoàn thành và nó đạt được mục đích (ví dụ như cái chết của nạn nhân, sự chiếm hữu tài sản của người khác, vân vân), thì  nó  trở  thành  nghiệp  trọn  vẹn  và  đầy  đủ.”  (CMA,  V, Guide to §22, p.207)

Khi hoạt động được hoàn thành, ví dụ như sát sanh tức là các bạn giết chết một chúng sanh. Chúng sanh đó bị giết và chết. Khi chúng sanh đó chết, thì nghiệp (Kamma) đó trở thành một hành động trọn vẹn, một nghiệp (Kamma) đầy đủ tiềm năng. Nhưng các bạn có thể chỉ muốn giết chúng sanh đó. Các bạn có thể cố gắng giết, nhưng các bạn lại không giết chết chúng sanh đó. Thì nó chỉ là nghiệp (Kamma), nhưng không phải là nghiệp (Kamma) trọn vẹn và đầy đủ.

Đó là sự khác nhau. Cũng vậy, các bạn cố gắng trộm cướp một cái gì đó, nhưng các bạn không thể lấy cắp được. Khi các bạn đã trộm cướp và đạt được vật sở hữu của một người khác, thì nó sẽ trở thành một nghiệp (Kamma) trọn vẹn và đầy đủ. Đó là sự khác nhau giữa nghiệp (Kamma) và nghiệp (Kamma) trọn vẹn và đầy đủ. Các bạn cố gắng trộm cướp nhưng không lấy được, thì nó không phải là nghiệp (Kamma) trọn vẹn và đầy đủ.

“Đặc tính của một hành động trọn vẹn và đầy đủ là một  nghiệp  (Kamma)  có  tiềm  năng  làm  nhiệm  vụ  hay chức năng tái sanh.” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Nếu nó trở thành một nghiệp (Kamma) trọn vẹn và đầy đủ, thì nó có thể cho quả là tái sanh. Nếu không, thì nó sẽ cho quả trong suốt đời sống, chứ không phải tại lúc tái sanh.

Khi chúng ta nói về quả, chúng ta phải hiểu hai loại quả: quả tại lúc tái sanh và quả trong suốt đời sống, tức là trong thời bình sinh. Quả tại lúc tái sanh được tạo ra bởi nghiệp (Kamma) mà đã trở thành hành động trọn vẹn và đầy đủ.

“Trong sự liên hệ với hành động, thì những môn (dvāra) là môi trường hay phương tiện mà thông qua đó nghiệp (kamma) được thực hiện. Thân môn là thân biểu tri (kāyaviññatti), tức là một dạng sắc pháp do tâm tạo mà một người dùng hay dựa vào đó (thông qua phương tiện xác thân) để diễn đạt một ý chí hay ý tưởng được sanh lên trong tâm trí (xem VI, §4).” (CMA, V, Guide to 22, p.207)

Nói đơn giản lại, thì nó có nghĩa là một sự chuyển động của xác thân.

“Nhóm từ “thường xảy ra” hay “nói chung là xảy ra” (bāhullavuttito) được dùng bởi vì những hành động như sát sanh và trộm cướp có thể được thực hiện bằng ngữ, …” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Nhóm từ “thường xảy ra” hay “nói chung là xảy ra” hay “thường xảy ra hay nói chung là xảy ra tại thân môn” được dùng vì những hành động như sát sanh và trộm cướp cũng có thể được thực thiện bằng ngữ, tức là bằng mệnh lệnh hay bằng văn bản.

“…  nhưng  thậm  chí  trong  những  trường  hợp  như vậy,  thì  những  hành  động  này  vẫn  được  xem  là  thân nghiệp (kamma).” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Sát sanh có thể được thực hiện bằng ngữ. Các bạn có thể ra lệnh cho một ai đó sát sanh hay các bạn có thể viết một lá thư cho một người khác ra lệnh cho họ sát sanh. Các bạn có thể dùng ngôn ngữ để làm cho người khác sát sanh hay trộm cướp, nhưng nó vẫn được gọi là thân nghiệp (Kamma). Hầu hết những nghiệp (Kamma) này được thực hiện thông qua thân hành.

Rồi tiếp theo là tà ngữ, tức là nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời độc ác và nói lời vô ích. Chúng là những ngữ hành mà thường xảy ra thông qua ngữ môn. Ở đây cũng vậy, ngữ môn có nghĩa là ngôn ngữ hay sự diễn đạt bằng ngôn ngữ mà được biết đến là ngữ biểu tri. Thông qua ngôn ngữ hay sự diễn đạt bằng ngôn ngữ của chúng ta mà mọi người biết được những ý định hay những chủ ý của chúng ta. Đó là lý do tại sao nó được gọi là ngữ biểu tri. Ở đây cũng vậy, nói dối, nói lời đâm thọc hay nói lời chia rẽ, nói lời độc ác và nói lời vô ích thì thường được thực thiện bằng ngôn ngữ nói, nhưng các bạn vẫn có thể viết xuống một cái gì đó để lừa dối những người khác. Cho nên, chúng cũng có thể được thực hiện bằng những hành động của xác thân.

“Mặc dầu những hành  động như nói  dối, vân vân, cũng  có  thể  được thực  hiện  bằng  thân,  ví  dụ  như  viết xuống hay bằng cử chỉ của tay, nhưng vì môi trường hay phương tiện thực hiện chính là ngữ môn, cho nên chúng vẫn được xem là ngữ nghiệp (kamma).” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Các bạn muốn dọa đuổi những con quạ đi. Cho nên, các bạn giả vờ ném đá đến chúng. Đó là nói dối (Musāvāda). Các bạn đâu có ném đá đâu. Các bạn giả vờ ném đá, cho nên chúng bay đi. Đó là nói dối (Musāvāda). Nói dối và những tà ngữ khác cũng có thể được thực hiện bằng những hành động thuộc về thân. Nhưng vì phương tiện hay môi trường thực hiện chính là ngôn ngữ, cho nên chúng được gọi là ngữ nghiệp (Vacī Kamma).

Nhóm thứ ba, bao gồm tham dục, sân hận và tà kiến, là những hành động thuộc về tinh thần, thường chỉ xảy ra trong tâm trí mà không có thân và ngữ biểu tri. Tham dục là gì?

“(Nó) là tâm sở tham (Lobha), được sanh lên như là ước muốn chiếm đoạt tài sản của người khác.” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Khi chúng ta thấy một ai đó lái chiếc Mercedes, chúng ta muốn nó là của chúng ta. Nó giống như vậy đó. Cái đó được gọi là tham dục (Abhijjhā).

“Mặc dầu sự ham muốn tài sản của người khác sanh lên, nhưng nó chưa trở thành nghiệp toàn vẹn và đầy đủ, ngoại trừ trường hợp người đó khởi lên ước muốn sở hữu tài sản đó.” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Các bạn có một ước muốn mạnh mẽ, một khao khát mạnh mẽ được sở hữu tài sản đó. Thì nó trở thành tham dục. Nhưng nếu nó không mạnh mẽ như vậy, thì nó không trở thành nghiệp (Kamma) trọn vẹn và hoàn toàn. Nó không phải chỉ là tham (Lobha) bình thường. Nó được gọi là tham không đều (Visama Lobha).

Tiếp theo là sân hận (Vyāpāda).

“(Nó)  là  tâm  sở  sân  (Dosa),  mà  trở  thành  nghiệp trọn vẹn và đầy đủ khi sanh lên với ước muốn rằng một chúng sanh khác sẽ gặp tổn hại và hoạn nạn.” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Những suy nghĩ như “Cầu nguyện cho nó gặp tử thần” hay “Cầu nguyện cho tai nạn đổ lên đầu nó” là sân hận (Vyāpāda). Những điều giống như vậy. Khi các bạn suy nghĩ một điều gì đó giống như vậy, thì đó là đối nghịch với tâm từ (Mettā). Và nó sẽ trở thành nghiệp trọn vẹn và đầy đủ theo cách đó.

“Tà  kiến  (micchādiṭṭhi)  trở  thành  nghiệp  trọn  vẹn và đầy đủ khi nó được thể hiện dưới dạng của một trong những chủ thuyết hư vô, tức là chối bỏ tính cách đạo đức và tinh thần nghiệp báo.” (CMA, V, Guide to §22, p.207)

Có ba loại tà kiến được nhắc đến ở đây.

“Ba loại tà kiến như vậy thường được nhắc đến trong Kinh Tạng (Sutta Piṭaka):

  1. Vô hữu kiến (natthika-diṭṭhi), tức là chối bỏ sự sống sót hay tồn tại của nhân phẩm trong bất kỳ hình thức nào sau khi chết, dẫn đến việc bác bỏ sự quan trọng về mặt đạo đức của những hành động;” (CMA, V, Guide to 22, p.207-208). Chúng sanh với loại tà kiến này tin rằng không có quả trong tương lai. Khi chúng ta chối bỏ quả tương lai, thì chúng ta cũng phủ nhận nghiệp (Kamma) hiện tại. Thật ra, họ chối bỏ cả nghiệp (Kamma) lẫn quả. Điều được ghi nhận là vô hữu kiến (Natthika-diṭṭhi) thì chối bỏ quả.
  1. “Vô hành kiến (akiriya-diṭṭhi), tức là cho rằng những hành động không có công hiệu cho quả và dẫn đến việc phủ nhận sự phân biệt thiện ác; và” (CMA, V, Guide to 22, p.208) Vô hành kiến (Akiriya-diṭṭhi) là loại tà kiến phủ nhận nguyên nhân, tức là phủ nhận nghiệp (Kamma). Không có nghiệp (Kamma) để rồi sẽ cho quả.
  1. “Vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi), tức là cho rằng không có nhân duyên đưa đến sự ô nhiễm hay sự thanh tịnh của chúng sanh, tức là chúng sanh bị ô nhiễm hay được thanh lọc do ngẫu nhiên, do định mệnh hay do nhu cầu.” (CMA, V, Guide to 22, p.208)

Quan điểm này thì được xem là phủ nhận cả nhân và quả. Khi một người nắm giữ một trong những quan điểm này và quan điểm đó được giữ kéo dài đến đổng lực (Javana) thứ bảy, thì nó trở thành tà kiến (Micchā-diṭṭhi) thật sự. Ba loại này – tham dục (Abhijjhā), sân hận (Vyāpāda) và tà kiến (Micchā-diṭṭhi) – chỉ xảy ra trong tâm trí mà thôi, không có liên quan đến thân biểu tri và ngữ biểu tri. Chúng là ý nghiệp (Mano Kamma).

Như vậy, chúng ta có thân nghiệp (Kāya Kamma), ngữ nghiệp (Vacī Kamma) và ý nghiệp (Mano Kamma).

Có bao nhiêu thân nghiệp (Kāya Kamma)? Có ba, đó là sát sanh, trộm cướp và tà dâm.

Có bao nhiêu ngữ nghiệp (Vacī Kamma)? Có bốn, đó là nói dối, nói chia rẽ, nói độc ác và nói vô ích.

Và có bao nhiêu ý nghiệp (Mano Kamma)? Có ba, đó là tham dục, sân hận và tà kiến.

Đối với nghiệp thứ nhất, tức là sát sanh (Pāṇātipāta), khi một người hay một chúng sanh bị giết chết thật sự, thì nó trở thành nghiệp hoàn toàn và đầy đủ. Đối với trộm cướp, khi một người cướp đoạt và lấy được tài sản của một người khác, thì nó trở thành nghiệp hoàn toàn và đầy đủ. Và đối với tà dâm (Kāmesu Micchācāra), khi một người thật sự quan hệ tình dục bất hợp pháp, thì nó trở thành nghiệp hoàn toàn và đầy đủ.

Còn nói dối (Musāvāda), các bạn có thể tránh khỏi nói dối không? Để thật lòng 100% thì rất là khó trong xã hội ngày nay vì chúng ta có cái được gọi là những lời nói dối hiển nhiên và vô tội. Chúng ta thường nói: “Chúc bạn một ngày vui vẻ” hay tương tự như vậy. Chúng ta có thể không có thực ý như vậy. Hay chúng ta có thể nói: “Rất vui khi gặp bạn.” Có thật như vậy không? Nhưng nó trở thành nghiệp hoàn toàn và đầy  đủ chỉ khi nó gây ra sự tổn thương và mất mát đến một người khác. Cho nên, lời nói  dối  hiển  nhiên  và  vô  tội  có  thể  là  không  trở thành nghiệp (Kamma) hoàn toàn và đầy đủ. Mặc dầu nó là nói dối, nhưng nó sẽ không đưa đến kết quả tái sanh. Nhưng nếu nó gây ra tổn thương cho những người khác hay nếu nó gây ra sự mất mát cho những người khác, thì nó trở thành nghiệp hoàn toàn và đầy đủ.

Rồi đến nói lời chia rẽ. Tiếng Pāḷi là Pisuṇa Vācā, có nghĩa là chia rẽ hai người. Tôi nói một cái gì đó xấu về anh ta cho bạn nghe. Rồi tôi nói một cái gì đó xấu về bạn cho anh ta nghe, để rồi hai người chia rẽ nhau. Đó là cái được gọi là nói chia rẽ (Pisuṇa Vācā). “Pisuṇa” có nghĩa là nghiền nát. Pisuṇa Vācā là nghiền nát tình bạn giữa hai người. Đó là cái được gọi là nói chia rẽ (Pisuṇa Vācā). Nói đâm thọc không hẳn là nói chia rẽ (Pisuṇa Vācā). Các bạn có thể nói xấu một người sau lưng anh ta, nhưng đó không phải là nói chia rẽ (Pisuṇa Vācā). Nói chia rẽ (Pisuṇa Vācā) được thực hiện với dự định hủy hoại tình bạn giữa hai người hay giữa hai nhóm. Nếu nó trở thành nghiệp hoàn toàn và đầy đủ thì họ trở thành thật sự chia rẽ. Nếu họ không trở nên chia rẽ, thì nó chỉ là nói chia rẽ (Pisuṇa Vācā) mà không phải là nghiệp hoàn toàn và đầy đủ.

Pharusa Vācā là nói lời độc ác. Chỉ khi nào dự định của nó là ác độc thì nó mới trở thành nói lời độc ác (Pharusa Vācā). Tức là đôi lúc những người mẹ có thể la mắng con cái. Họ có thể nói: “Mong cho chuyện gì đó xấu xa xảy ra cho mày” hay cái gì đó như vậy vì họ giận dữ. Nhưng trong tâm của họ, họ không muốn bất kỳ điều gì xấu xảy ra cho con cái của họ. Họ không có ý như vậy. Họ chỉ nói như vậy thôi. Cái đó không phải là nói lời độc ác (Pharusa Vācā). Cái đó không được tính vào nói lời độc ác bởi vì mục đính hay dự định là trong sạch và tốt. Ngược lại, thậm chí các bạn có thể mỉm cười và ngôn từ là nhẹ nhàng, nhưng nếu các bạn có ý định hay dự định xấu, thì nó vẫn là nói lời độc ác. Ví dụ, vị vua khi ban tội chết cho một tội phạm, đôi lúc ông ta có thể cười và nói rằng: “Hãy làm cho nó ngủ đi” hay cái gì đó tương tự như vậy. Đó lại là nói lời độc ác (Pharusa Vācā).

Trong Chánh Sớ có một câu chuyện rằng, một ngày nọ, một người mẹ không thể dạy bảo được con mình. Cho nên, bà đã nói: “Ước gì một con trâu rừng tấn công mày!” Rồi thì người con đi vào rừng và có một con trâu rừng đi theo ông ta. Rồi ông ta đã nói: “Nếu mẹ tôi thật sự có ý như vậy, thì hãy để cho con trâu rừng tấn công tôi, còn nếu không phải, thì cầu cho nó đi khỏi đây đi.” Rồi con trâu rừng đã bỏ đi. Nếu dự tính là độc ác, thì nó trở thành nói lời độc ác. Nếu dự tính là không độc ác, thì nó không được tính vào nói lời độc ác.

Rồi thì đến nói chuyện phù phiếm (Samphappalāpa). Khi trình bày về việc nói chuyện phù phiếm (Samphappalāpa), Phật tử chúng ta có thể là không công bằng. Có những câu chuyện thần thoại như Rāmayāna và Mahābharata. Đối với những người theo đạo Hindu, thì đây là những câu chuyện thật và rất thi ca. Nhưng những tác giả trong Phật giáo thì cho rằng những câu chuyện này không có thật. Họ cho rằng chúng là bịa đặt. Cho nên, bất cứ lúc nào những Sớ Giải bàn về việc nói chuyện phù phiếm, thì nó được so sánh với “nói như là trong Rāmayāna và Mahābharata”. Nếu những người theo đạo Hindu biết điều này, chắc họ sẽ rất giận dữ đối với chúng ta. “Nói chuyện phù phiếm” này có nghĩa là nói chuyện vô ích. Ở đây cũng ghi nhận rằng khi người đối diện thật sự tin vào những câu chuyện đó, thì nó mới trở thành nói chuyện phù phiếm (Samphappalāpa) thật sự. Đôi lúc, các bạn có thể nói một cái gì đó với một người khác, nhưng ông ta không tin vào điều đó. Thì nó không phải là nói chuyện phù phiếm (Samphappalāpa).

Rồi thì chúng ta có ý nghiệp (Mano Kamma). Khi các bạn có một sự khao khát thật sự muốn sở hữu tài sản của một người khác, muốn lấy tài sản của người khác làm tài sản của các bạn, thì sự khao khát mạnh mẽ đó là tham dục (Abhijjhā).

Khi các bạn có khao khát mạnh mẽ rằng một người khác bị giết chết hay gặp tai nạn, thì đó là sân hận (Vyāpāda). Và Micchā-diṭṭhi là tà kiến.

Như vậy, mười điều này được gọi là mười bất thiện nghiệp (Akusala Kamma). Chúng ta có thể có chỉ là nghiệp (Kamma) và có thể có nghiệp (Kamma) hoàn toàn và đầy đủ.

Tôi nghĩ chúng ta sẽ dừng ở đây. Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Theo những người theo đạo Hindu, thì những Phật tử chúng ta là vô hữu kiến (Natthika-diṭṭhi) bởi vì Phật tử chúng ta không tin vào sự tồn tại của bản ngã (Atta). Đối với họ, “Natthi” có nghĩa là không bản ngã (Atta). Cho nên, những người theo đạo Hindu gọi chúng ta là vô hữu kiến (Natthika-diṭṭhi). Theo những Phật tử chúng ta, thì “vô hữu kiến (Natthika-diṭṭhi)” có nghĩa là những ai không tin vào quả của nghiệp (Kamma), tức là không có quả của nghiệp (Kamma).

Học viên: Sự khác nhau giữa nói dối và nói vô ích là gì?

Sayādaw: Nói dối là nói với ý định lừa dối và cũng với ý định gây tổn thương và mất mát cho những người khác. Nói vô ích là nói không có ý nghĩa gì, không thực, không dẫn đến mục đích gì, không dẫn đến việc giảm thiểu sự ham muốn. Đó là nói mà không dẫn đến việc thực hành Pháp (Dhamma). Nói như vậy là nói vô ích (Samphappalāpa). Trong Chánh Kinh cũng như trong Chánh Sớ có nói rằng, có những đề tài thảo luận được xem là của thú vật. Đó là nói về vua chúa, nói về trộm cướp, nói về chính trị hay những thứ như vậy. Tất cả những sự bàn luận và trao đổi đó được xem là của thú vật. Chánh Sớ thì rất thông cảm và thông hiểu về vấn đề này. Mặc dầu các bạn có thể nói về vua chúa, nhưng nếu các bạn kết thúc cuộc nói chuyện bằng một nhìn nhận rằng “tất cả những cái này bây giờ đã trôi qua và đều là vô thường”, thì chúng không được xếp vào là của thú vật. Các bạn có thể nói về chính trị, nhưng khi kết thúc, các bạn nên nói rằng tất cả những cái này là vô thường.

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Khi các bạn thực hiện một nghiệp (Kamma) gì đó, thì có bảy sát-na đổng lực (Javana). Đổng lực (Javana) thứ nhất cho quả tại đây trong kiếp sống này. Đổng lực (Javana) cuối cùng cho quả trong kiếp sống tiếp theo. Rồi những sát-na đổng lực (Javana) ở giữa có thể cho quả, nhưng chúng ta không biết khi nào. Ví dụ, một chúng sanh tái sanh vào địa ngục và rồi thoát khỏi địa ngục và tái sanh làm nhân loại. Việc tái sanh làm nhân loại của chúng sanh đó là quả của hậu báo nghiệp (Kamma), tức là nghiệp (Kamma) chúng sanh đó đã làm trước khi vào địa ngục chứ không phải nghiệp (Kamma) chúng sanh đó làm ở trong địa ngục. Điều này cũng có thể xảy ra trong Thiên giới (Deva). Một chúng sanh làm Thiên nhân cũng có thể rơi vào địa ngục do kết quả của hậu báo nghiệp (Kamma).

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Khi chúng ta nói tái sinh làm nhân loại, ý của chúng ta là lúc thụ tinh. Tại thời điểm thụ tinh, có sự kết hợp của tâm (Citta), những tâm sở và những sắc pháp. Khi chúng ta nói tục sinh, ý của chúng ta là ba thứ đó. Những thứ này là kết quả của nghiệp (Kamma) quá khứ.

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Ở một mức độ rộng lớn. Nghiệp (Kamma) có năng lực rất lớn đến nỗi khi nó tạo ra tâm (Citta) tục sinh, thì tâm (Citta) tục sinh đó sanh lên lại rất nhiều lần trong suốt kiếp sống. Những sắc pháp do nghiệp (Kamma) tạo cũng sanh lên tại từng thời điểm trong kiếp sống đó. Nhưng khi tâm tục sinh đó sanh lên lại, chúng ta không gọi nó là tâm tục sinh nữa mà chúng ta gọi nó là tâm hộ kiếp (Bhavaṅga). Nhưng như các bạn đã biết, thật ra chúng giống hệt nhau. Chúng ta sẽ có dịp nói về tử và tái sanh khi chúng ta học đến phần cuối của chương này.

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app