Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Bốn: Tiến Trình Nhận Thức: Lộ Trình Tâm (I)

Chúng ta đã học được ba chương về tâm, tâm sở và những chủ đề hỗn tạp – tức là thọ, nhân, sự, môn, cảnh và vật. Tôi hy vọng các bạn đã quen thuộc với ba chương này.

Bây giờ, chúng ta nghiên cứu chương thứ tư. Chương thứ tư liên quan đến lộ trình tâm. Trong chương này, Cẩm Nang CMA sẽ miêu tả những lộ tâm khác nhau. Và chương tiếp theo này cũng đề cập đến những thứ được gọi là tâm chủ quan – tức là tâm tử, tâm tục sinh và tâm hữu phần (Bhavaṅga).

Khi tâm sanh lên, nó sanh lên mỗi cái một thời điểm. Tâm sanh lên cùng với những tâm sở. Nhưng khi chúng ta nghiên cứu về tâm, chúng ta phải nghiên cứu theo chuỗi – chứ không phải chỉ một tâm riêng lẻ với những tâm sở. Nhưng trong thực tế, chỉ có một tâm tại mỗi thời điểm. Hãy lưu ý rằng các bạn sẽ không bao giờ thấy những tâm khác nhau sanh lên cùng một lúc, ví dụ, chẳng hạn là mười bảy sát-na tâm trong lộ tâm sanh lên cùng nhau. Chỉ có một tâm (Citta) tại mỗi thời điểm, tức là một sát-na tâm tại mỗi thời điểm, nhưng chúng ta phải nghiên cứu cả một chuỗi hay cả một lộ trình. Tôi nhắc lại, trong thực tế, không phải cả mười bảy sát-na tâm sanh lên cùng một lần, mà chỉ có một sát-na tâm tại mỗi thời điểm.

Khi chúng ta nghiên cứu sự sanh khởi của tâm hay lộ trình tâm, chúng ta phải áp dụng kiến thức mà chúng ta đã học từ những chương trước. Chúng ta sẽ phải miêu tả hay sẽ phải nêu lên những loại tâm nào có thể hiện hữu tại từng thời điểm, và rồi chúng có những thọ gì, chúng có bao nhiêu nhân, chúng làm những phận sự gì, chúng sanh lên tại những môn nào, chúng bắt những cảnh gì, và chúng phụ thuộc vào những vật nào. Chúng ta phải giải thích tất cả những chi tiết này. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là các bạn phải quen thuộc với ba chương trước.

Tâm Lộ (Vīthi)

Lộ trình tâm được gọi là Vīthi trong Pāḷi. Chương thứ tư được gọi là “Vīthi-saṅgahavibhāga”. “Vīthi” có nghĩ là lộ, con đường, hàng, chuỗi. Ở đây, nó có nghĩa là một chuỗi tâm hay một lộ tâm (Citta), tức là một hàng gồm những sát-na tâm.

Khi chúng ta nghiên cứu lộ trình tâm, chúng ta phải đặt tên cho những lộ trình tâm này. Chúng ta có thể đặt tên theo hai cách. Cách thứ nhất là theo môn mà chúng sanh lên, chẳng hạn, lộ nhãn môn, lộ nhĩ môn và vân vân. Chúng ta cũng có thể đặt tên chúng theo cái tâm quan trọng trong lộ tâm. Ví dụ, chúng ta nói lộ nhãn thức, lộ nhĩ thức, lộ tỷ thức và vân vân. Tóm lại, chúng ta có thể đặt tên lộ tâm theo môn hay theo tâm.

Vì có tất cả sáu môn, chúng ta có sáu lộ tâm: lộ nhãn môn, lộ nhĩ môn và vân vân. Tương tự, vì có sáu loại tâm (Viññāṇa), trong trường hợp này chúng ta cũng có lộ nhãn thức, lộ nhĩ thức và vân vân, và lộ ý thức. Ý thức hay Mano-viññāṇa có nghĩa là tất cả những tâm (Citta) ngoài ngũ song thức (Dvipañcaviññāṇa), tức là những tâm ngoài nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức.

Khi chúng ta nghiên cứu lộ trình tâm, chúng ta sẽ hiểu được thứ tự hay trật tự diễn tiến một cách có quy luật của tâm thức. Tức là một tâm sanh lên và được nối tiếp bởi một tâm khác, rồi được theo sau bởi một tâm khác, và một tâm khác và vân vân. Chúng sanh lên và diệt đi theo trật tự đó. Không có một ai hay một chủ thể nào ban phát cái trật tự này của những tâm thức (Citta); chúng chỉ sanh lên để làm những chức năng tương ứng của chúng.

Cẩm  Nang  CMA  có  trình  bày  những  điều  kiện  cần thiết cho mỗi lộ trình tâm. Tức là có những điều kiện cho sự  khởi  sanh  của  nhãn  thức,  nhĩ thức và  vân  vân  (xem CMA, IV, Guide to §4, p.151-152).

Cần có bốn điều kiện để lộ nhãn môn hay để tâm nhãn thức sanh lên. Tôi nghĩ các bạn đã quen thuộc với bốn điều kiện này. Bốn điều kiện cần thiết cho nhãn thức (tức là lộ nhãn môn) sanh lên là thần kinh thị giác, cảnh sắc, ánh sáng và sự chú ý. Chúng ta cần bốn điều kiện này để nhãn thức sanh lên. Chúng ta phải có mắt hay đúng ra là phần nhạy cảm trong mắt, tức là thần kinh thị giác. Phải có một cái gì đó để nhìn thấy, tức là cảnh sắc; nếu không có gì để nhìn thấy, thì sẽ không có nhãn thức. Rồi chúng ta phải cần ánh sáng. Nếu căn phòng quá tối, thì chúng ta sẽ không thấy gì cả. Cuối cùng là phải có sự chú ý. Ở đây, nó được gọi là Manasikāra. Thật ra, sự chú ý ở đây là Āvajjana – Pañcadvārāvajjana, tức là sự hướng ngũ môn.

Tương tự cũng có bốn điều kiện cho lộ nhĩ môn hay nhĩ thức. Ở đây, thay vì thần kinh thị giác, chúng ta có thần kinh thính giác. Rồi là cảnh thinh, không gian và sự chú ý. Khi không có cảnh thinh hay âm thanh, chúng ta không có gì để nghe. Khi không có khoảng trống, khi tai của chúng ta bị bịt kín, chúng ta không thể nghe được. Và khi không có sự chú ý, chúng ta cũng không nghe được.

Đối với lộ tỷ môn, thì có thần kinh khứu giác, cảnh khí, yếu tố gió và sự chú ý. Nếu chúng ta ở phía trên gió, ở phía trên nguồn gió, thì chúng ta không nhận được mùi. Chỉ khi nào chúng ta ở dưới nguồn gió, chúng ta mới nhận được mùi vì lúc đó có yếu tố gió hay không khí ở đó.

Để lộ thiệt môn hay thiệt thức sanh lên, chúng ta cần thần kinh vị giác, cảnh vị, yếu tố nước và sự chú ý.

Đối với thân thức, chúng ta cần thần kinh xúc giác, cảnh xúc1, yếu tố đất và sự chú ý.

Đối với lộ ý môn, thì chỉ có ba điều kiện được trình bày ở đây. Thật ra là có bốn. Tác giả có lẽ đã không tìm thấy nó trong Aṭṭhasālinī. Cho nên cũng có bốn điều kiện đối với lộ ý môn: đó là ý vật, cảnh pháp, tâm hữu phần (Bhavaṅga) và sự chú ý. Sự chú ý không được nhắc đến ở đây. Những tâm sanh lên tại ý môn phải có trái tim làm chỗ nương tựa trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) và sắc giới (Rūpāvacara). Phải có cảnh pháp (Dhamma). Có sáu loại cảnh pháp (Dhamma). Rồi phải có tâm hữu phần (Bhavaṅga) tức là tâm ý bởi vì lộ ý môn sanh lên từ tâm hữu phần (Bhavaṅga). Phải có sự chú ý; ở đây, đó là tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana). Cho nên, chúng ta cần những điều kiện này cho sự thấy, sự nghe và vân vân– tức là để cho những lộ tâm này sanh lên.

Sáu Loại Cảnh

Cảnh được chia ra làm bao nhiêu loại? Có sáu loại cảnh. Ý của tôi không phải là cảnh sắc, cảnh thinh và vân vân. Ở đây, sự thể hiện hay cách hiện bày của cảnh là có sáu. Chúng là gì? Chúng là:

  • cảnh rất lớn (Atimahanta),
  • cảnh lớn (Mahanta),
  • cảnh nhỏ (Paritta),
  • cảnh rất nhỏ (Atiparitta). Những cảnh này dành cho lộ ngũ môn. Đối với lộ ý môn, thì có:
  • cảnh rõ ràng (Vibhūta), và
  • cảnh mờ nhạt (Ativibhūta).

Như vậy, có tất cả sáu loại cảnh hay sáu cách hiện bày của cảnh.

Ở đây, “lớn” không có nghĩa là cảnh lớn về kích thước hay thô thiển. Ở đây, nó có nghĩa là lực tác động của cảnh lên tâm thức là mạnh hay chúng ta có thể gọi nó là cảnh mạnh mẽ. Nó có thể là nhỏ bé, nhưng nó có năng lực đủ để tác động vào tâm trí và tồn tại suốt mười bảy sát-na tâm. Cảnh như vậy được gọi là cảnh rất lớn.

Cảnh có năng lực không mạnh bằng cảnh rất lớn thì được gọi là cảnh lớn. Những cảnh rất lớn chỉ cần một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Sau một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua thì nó có thể rúng động dòng hữu phần (Bhavaṅga). Cảnh lớn thì cần hai hay ba hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Những cảnh nhỏ và rất nhỏ thì cần nhiều hơn nữa những hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua (từ bốn đến mười lăm) trước khi sự rúng động xảy ra. Cường độ thì thay đổi. Cho nên, những lộ trình tâm cũng khác nhau cho những loại cảnh này.

“(Nó)  không  phải  là  kích  cỡ  của  cảnh,  mà  là  số lượng  tâm  khách  quan  (vīthicitta)  sanh  lên  từ  lúc  cảnh rơi vào vùng nắm bắt của (môn) giác quan cho đến khi sự hiện bày của cảnh đến cho tâm không còn nữa.” (CMA, IV, Guide to §5, p.153)

Tức là, khi chúng ta nghiên cứu lộ tâm thứ nhất, chúng ta sẽ thấy có mười bảy sát-na tâm. Cảnh sắc tác động vào tâm trí và rồi có một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Sau đó, cảnh sắc diệt đi cùng với sát-na tâm thứ mười bảy. Cảnh như vậy được gọi là cảnh rất lớn.

Bây giờ, ở đây, chúng ta phải hiểu hai vấn đề: tâm khách quan (Vīthi Citta) và tâm chủ quan (Vīthimutta Citta). Tâm hữu phần (Bhavaṅga) là tâm chủ quan. Những tâm khác trong lộ trình tâm thì được gọi là tâm khách quan (Vīthi Citta). Trong chương này, chúng ta sẽ học những tâm khách quan (Vīthi Citta). Nhưng khi chúng ta nghiên cứu tâm khách quan, chúng ta không thể chỉ nghiên cứu tâm khách quan. Chúng ta phải có những tâm hữu phần (Bhavaṅga) đi trước và theo sau mỗi lộ tâm. Những tâm hữu phần (Bhavaṅga) thì giống như là những vùng đệm giữa những lộ tâm khác nhau. Không có một lộ tâm nào đi theo sau ngay lập tức một lộ tâm khác. Ít nhất phải có một vài sát-na hữu phần (Bhavaṅga) xen kẽ vào giữa những lộ tâm.

Tuổi Thọ Của Sắc Pháp (Rūpa) Và Danh Pháp (Nāma)

Trước khi nghiên cứu lộ trình tâm một cách đúng đắn, chúng ta phải hiểu tuổi thọ của sắc pháp (Rūpa) và tuổi thọ của danh pháp (Nāma), tức là tuổi thọ của tâm (Citta). Tuổi thọ của sắc pháp được ghi nhận là bằng mười bảy lần tuổi thọ của tâm (Citta). Tuổi thọ của tâm (Citta) được gọi là một sát-na. Một sát-na đó được ghi nhận là rất ngắn ngủi. Trong thời gian các bạn búng ngón tay của mình hay trong thời gian các bạn chớp mắt, có hàng tỷ sát-na tâm sanh lên. Cho nên, các bạn có thể hiểu rằng một sát-na tâm thì rất ngắn ngủi.

Chưa hết, mỗi sát na lại gồm có ba tiểu sát-na. Ba tiểu sát-na này là:

  • thứ nhất được gọi là sanh (Uppāda),
  • thứ hai được gọi là trụ (Ṭhiti), và
  • thứ ba được gọi là diệt (Bhaṅga).

Có ba tiểu sát-na: sanh, trụ và diệt. Cái mà chúng ta gọi là hiện hữu hay tồn tại thực ra chỉ là ba tiểu sát-na này: sanh, trụ và diệt.

Sắc pháp sống lâu bằng mười bảy lần đời sống của tâm (Citta). Như vậy, đối với sắc pháp thì có bao nhiêu tiểu  sát-na?  Có  51  tiểu  sát-na.  Sắc  pháp cũng  có  khởi sanh,  hiện  hữu  và  hủy  diệt.  Sự  sanh  khởi  của  sắc pháp cũng giống như sự sanh khởi của tâm. Sự hủy diệt của sắc pháp cũng giống như sự hủy diệt của tâm. Nhưng sự hiện hữu  của sắc pháp thì  lâu hơn nhiều so với  sự hiện hữu của  tâm  (Citta).  Sự  hiện  hữu  của  sắc  pháp  kéo dài bao nhiêu  tiểu  sát-na?  49  tiểu  sát-na.  Như  vậy,  đối  với  sắc pháp, sự sanh khởi và hủy diệt thì giống như tâm (Citta). Nhưng sự hiện hữu của sắc pháp thì bằng 49 tiểu sát-na bởi vì đời sống của sắc pháp dài mười bảy sát-na tâm. Điểm đầu tiên là sự sanh khởi và điểm cuối cùng là sự hủy diệt. Và khoảng giữa có 49 tiểu sát-na. 49 tiểu sát-na này được gọi là giai đoạn tồn tại hay hiện hữu của sắc pháp. Như vậy, có ba tiểu sát-na trong mỗi sát-na tâm.

Có những giáo thọ sư đã cho rằng chỉ có hai tiểu sát- na thay vì ba. Họ đã nghĩ rằng chỉ có sanh lên và diệt đi. Nhiều giáo thọ sư khác đã không đồng ý với những vị này. Quan điểm chung là có ba tiểu sát-na trong mỗi sát- na tâm.

Lộ Tâm Nhãn Môn

Bây giờ, chúng ta hãy nghiên cứu lộ trình tâm. Biểu đồ  này  thì cho  lộ  tâm  nhãn  môn  (Xem  CMA,  IV,  Table 4.1, p.155). Tức là khi các bạn thấy một cái gì đó, thì lộ tâm này sẽ sanh lên trong tâm ý của các bạn. Cảnh ở đây là cảnh sắc hiện tại và nó sẽ tồn tại trong suốt mười bảy sát-na tâm.

Có những cái được gọi là những tâm hữu phần (Bhavaṅga). Các bạn biết tâm hữu phần (Bhavaṅga) là gì phải không? Tâm hữu phần (Bhavaṅga) là một trong mười chín tâm quả (Vipāka Citta). Nó cùng loại như tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta). Những tâm cùng loại với tâm tục sinh nhưng sanh lên sau tâm tục sinh thì được gọi là tâm hữu phần (Bhavaṅga). Tâm hữu phần (Bhavaṅga) sanh lên trong suốt đời sống của chúng ta khi không có cảnh nổi bật hay đặc biệt nào. Dòng hữu phần (Bhavaṅga) này tuôn chảy với một lực đẩy nhanh chóng.

Khi có một cảnh sắc đi vào vùng nắm bắt của con mắt, tức là khi cảnh sắc được hiện bày trước mắt của chúng ta, cảnh sắc này được nói là tác động lên mắt của chúng ta và cũng tác động lên dòng hữu phần (Bhavaṅga). Tâm hữu phần (Bhavaṅga) là môn gì? Nó là ý môn. Khi cảnh sắc tác động lên con mắt, thì cùng lúc, nó cũng tác động lên dòng hữu phần (Bhavaṅga). Như vậy, nó tác động lên dòng hữu phần (Bhavaṅga). Khi dòng hữu phần (Bhavaṅga) bị tác động bởi đối tượng, thì sự tác động này xảy ra tại một sát-na. Sát-na đó được gọi là sát-na vừa qua. Tức là một sát-na trôi qua trước khi dòng hữu phần (Bhavaṅga) rúng động. Đó thật ra là sự tác động đầu tiên của đối tượng lên giác quan ở trong con mắt và cũng là sự tác động đầu tiên lên dòng hữu phần (Bhavaṅga). Một tâm hữu phần (Bhavaṅga) trôi qua.

Sau sát-na đó, có hai sát-na hữu phần (Bhavaṅga) khác. Hai sát-na hữu phần này được gọi là hữu phần (Bhavaṅga) rúng động. Tức là chúng rung chuyển. Trong hai tâm này, tâm thứ nhất được gọi là hữu phần rúng động (Calana Bhavaṅga). Tâm thứ hai được gọi là hữu phần dứt dòng (Upaccheda Bhavaṅga), tức là hữu phần bị bắt giữ hay hữu phần bị cắt đứt. Thật ra, cả hai tâm này là những hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, nhưng vì dòng hữu phần dừng lại với tâm thứ hai, cho nên tâm thứ hai được gọi là hữu phần dứt dòng (Upaccheda Bhavaṅga). Khi đối tượng tác động vào dòng hữu phần (Bhavaṅga) và vào con mắt, dòng hữu phần (Bhavaṅga) không thể dừng lại một cách đột ngột. Dòng hữu phần phải trôi chảy một hay hai sát-na nữa, tức là một hay hai lần nữa trước khi nó dừng lại. Với cảnh rất lớn này, chúng ta cần một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và hai hữu phần (Bhavaṅga) rúng động. Như vậy, hữu phần (Bhavaṅga) thứ ba trong lộ tâm được gọi là hữu phần dứt dòng (Upaccheda Bhavaṅga). Dòng chảy của hữu phần (Bhavaṅga) sẽ dừng lại với sự tan hủy của hữu phần dứt dòng (Upaccheda Bhavaṅga).

Ngay sau sự chấm dứt của hữu phần dứt dòng (Upaccheda Bhavaṅga), tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) sẽ sanh lên. Các bạn đã quen thuộc với tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana). Nó được gọi là hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) vì nó sanh lên tại tất cả năm môn. Ở đây, nó sanh lên tại nhãn môn, nhưng nó cũng sẽ sanh lên tại nhĩ môn và vân vân. “Pañca” có nghĩa là năm. “Dvāra” có nghĩa là môn. Cho nên, Pañcadvārāvajjana có nghĩa là hướng ngũ môn. “Āvajjana” được gọi là hướng tâm. Từ “Āvajjana” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là chú ý vào đối tượng được trình bày đến tâm ý. Nó cũng hướng tâm ý đến đối tượng và từ thời điểm đó trở đi, một nhóm những tâm mới và năng động sanh lên. Ba sát-na đầu tiên là những hữu phần (Bhavaṅga), cho nên chúng là những tâm không năng động. Tại thời điểm sanh lên của tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), tính chất của tâm thức thay đổi. Lúc này là điểm chuyển đổi từ thụ động sang năng động. Đó cũng là điểm tâm ý hướng về đối tượng được hiện bày. Nó là điểm tâm ý ghi nhận đối tượng hay tâm ý chú ý đến đối tượng. Đó là lý do tại sao nó được gọi là hướng tâm (Āvajjana). Trong ví dụ này, nó xảy ra thông qua nhãn môn. Đối với những lộ tâm khác, nó có thể là nhĩ môn, tỷ môn và vân vân. Cho nên, tâm này được gọi là hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana).

Chúng ta sẽ có một tâm khác nữa, tức là tâm thứ hai được gọi là hướng ý môn (Manodvārāvajjana), khi chúng ta bàn đến lộ tâm ý môn. Nhưng trong lộ tâm ngũ môn, thì tâm trí hướng đến đối tượng thông qua sự sanh lên của tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana).

Sau tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), tức là tâm chú ý đến đối tượng, sát-na tiếp theo trong ví dụ này là nhãn thức, tức là Cakkhu-viññāṇa trong Pāḷi.

Nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa) sanh lên. Nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa) thấy cảnh sắc.

Sau khi thấy đối tượng, thì có tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana), tức là tâm tiếp nhận.

Sau tâm tiếp thâu, thì có tâm quan sát (Santīraṇa).

Sau tâm quan sát, thì có tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Theo tôi, thì có một vài vấn đề cần được làm rõ với tâm quan sát (Santīraṇa) và tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Nó quan sát như thế nào và nó đoán định như thế nào? Tôi không rõ. Tôi không tìm thấy lời giải thích rõ ràng trong những tài liệu bằng tiếng Pāḷi. Một vài tài liệu bằng tiếng Miến Điện nói rằng nó xác định đối tượng là gì, ví dụ, đây là cảnh sắc. Trong những tài liệu khác thì nói rằng, nó xác định đối tượng là đáng được khao khát hay không đáng được khao khát, hoặc đối tượng là được yêu thích hay đáng ghét.

Có bao nhiêu sát-na tâm theo sau tâm đoán định? Có bảy sát-na đổng lực (Javana). Dưới những điều kiện bình thường, những đổng lực (Javana) được ghi nhận là sanh lên bảy lần trong bảy sát-na. Trong một vài trường hợp đặc biệt, chúng có thể sanh lên sáu lần, năm lần, bốn lần, ba lần, hai lần hay chỉ có một lần. Nhưng thông thường thì chúng ta có bảy đổng lực (Javana). Rất khó để chuyển nghĩa từ “Javana”. Tôi không nghĩ sự chuyển nghĩa thành “đổng lực” (impulse) thì có ích lợi gì nhiều cho chúng ta. Khi tôi nói “đổng lực”, mọi người chẳng hiểu gì cả. Chính tôi cũng không hiểu. “Javana” có nghĩa là vụt qua hay chạy vụt qua. Nó có năng lực, cho nên sự giải thích của tôi là sự trải nghiệm đối tượng một cách đầy đủ. Chỉ trong bảy sát-na tâm này, cảnh hay đối tượng mới được trải nghiệm một cách đầy đủ. Vì nó được trải nghiệm một cách đầy đủ, nó sẽ là thiện (Kusala), bất thiện (Akusala) hay duy tác (Kiriya).

Có một đoạn văn trong CMA chúng ta cần nên thảo luận:

“Đi theo sau cái này, một trong 29 đổng lực (javana) dục giới nào  có điều kiện thuận lợi (hay hợp duyên) sẽ sanh lên và thực hiện chức năng của nó, …” (CMA, IV, §6, p.154)

“Có điều kiện thuận lợi hay hợp duyên” không được giải thích ở đây trong CMA, tức là trong cuốn sách của Ngài Bhikkhu Bodhi. Điều này rất quan trọng. “Có điều kiện thuận lợi hay hợp duyên” có nghĩa là, do theo những điều kiện này, những đổng lực (Javana) sẽ là thiện (Kusala), bất thiện (Akusala) hay duy tác (Kiriya). Mấu chốt để cho đổng lực (Javana) là thiện (Kusala) hay là bất thiện (Akusala) là khéo tác ý (Yoniso-manasikāra) hay sự đối nghịch của nó, tức là tác ý không khéo (Ayoniso- manasikāra). Yoniso-manasikāra được chuyển nghĩa là sự chú ý khôn khéo hay thái độ đúng đắn đối với mọi vật. Ayoniso-manasikāra có nghĩa là sự chú ý không khôn khéo hay thái độ không đúng đắn đối với mọi vật. Nếu các bạn có thái độ đúng đắn đối với mọi vật, nếu các bạn có sự chú ý đúng đắn, thì đổng lực (Javana) của các bạn sẽ là thiện (Kusala). Nếu các bạn có sự chú ý không khôn khéo, thì đổng lực (Javana) sẽ là bất thiện (Akusala). Phẩm chất hay tính chất của các đổng lực (Javana), tức là chúng nên là thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala), thì được xác định hay được quyết định bởi sự chú ý của các bạn, đó là sự chú ý khôn khéo hay sự chú ý không khôn khéo. Khi có sự chú ý khôn khéo, thì đổng lực (Javana) sẽ là thiện (Kusala). Khi có sự chú ý không khôn khéo, thì đổng lực (Javana) sẽ là bất thiện (Akusala). Sự chú ý khôn khéo đó ở đây có thể là tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) hay nó cũng có thể là tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Cho nên, nếu chúng ta xem tâm đoán định (Voṭṭhabbana) chỉ có nhiệm vụ xác định rằng “đây là một đối tượng”, thì phẩm chất của những đổng lực (Javana) sẽ bị ảnh hưởng hay bị chi phối bởi tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana). Nhưng nếu chúng ta xem tâm đoán định (Voṭṭhabbana) là có nhiệm vụ xác định rằng “cái này là đáng được yêu thích, cái này đáng bị chê bỏ”, thì chúng ta có thể nói rằng tâm đoán định (Voṭṭhabbana) cũng xác định chất lượng của những đổng lực (Javana).

Bảy sát-na đổng lực sanh lên và diệt đi, và sau đó là hai sát-na na cảnh. “Tadārammaṇa” là một thuật ngữ Pāḷi. “Tad” có nghĩa là cái đó. “Ārammaṇa” có nghĩa là đối tượng. Cho nên, Tadārammaṇa có nghĩa là có đối tượng đó. Tức là bắt cùng đối tượng với những đổng lực (Javana). Như vậy, hai tâm na cảnh (Tadārammaṇa Citta) bắt cùng đối tượng với bảy sát-na đổng lực (Javana). Chúng được so sánh như nước theo sau con thuyền. Khi các bạn chèo thuyền, luôn luôn có một ít nước theo sau thuyền. Cũng theo cách đó, hai sát-na này đi theo sau những đổng lực (Javana). Chúng cũng được so sánh như là hương vị dư sót.

Sau khi hai sát-na na cảnh (Tadārammaṇa) diệt đi, tâm ý rơi vào dòng hữu phần (Bhavaṅga) trở lại. Như vậy trong lộ tâm này, tâm (Citta) đầu tiên là tâm hữu phần (Bhavaṅga) và tâm cuối cùng là tâm na cảnh (Tadārammaṇa) với tâm hữu phần (Bhavaṅga) theo sau. Điều này có nghĩa là trước tâm hữu phần (Bhavaṅga) đầu tiên trong lộ trình tâm đã có rất nhiều những sát-na hữu phần (Bhavaṅga). Sau tâm na cảnh (Tadārammaṇa) cuối cùng trong lộ trình tâm cũng có rất nhiều những sát-na hữu phần (Bhavaṅga). Cho nên, có thể có rất nhiều sát- na hữu phần (Bhavaṅga) trước và sau lộ tâm này.

Một lộ tâm bắt một trong năm cảnh dục (sắc, thinh, khí, vị, xúc) thì diễn tiến trong mười bảy sát-na. Nếu đó là cảnh sắc chẳng hạn, thì cảnh sắc đó sanh lên cùng lúc với tâm hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Cảnh sắc đó diệt đi  hay  biến  mất  cùng  lúc  với  tiểu  sát-na  cuối  cùng  của tâm (Citta) na cảnh thứ hai trong lộ tâm. Cảnh sắc biến mất và lộ tâm chấm dứt (Xem CMA, IV, Table 4.1, p.155). Rồi những lộ tâm khác sẽ sanh lên theo sau đó.

Bây giờ, nếu các bạn nhớ phần nói về đối tượng trong chương thứ ba, thì những hữu phần bắt nghiệp (Kamma), nghiệp tướng hay thú tướng làm cảnh. Ba sát- na đầu tiên – hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hữu phần (Bhavaṅga) rúng động và hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng không bắt cảnh sắc hiện tại. Ba sát na này bắt nghiệp (Kamma), nghiệp tướng (Kamma-nimitta) hay thú tướng (Gati-nimitta). Mặc dầu có cảnh sắc hiện hữu, nhưng chúng không bắt cảnh sắc làm đối tượng bởi vì những sát-na hữu phần (Bhavaṅga) luôn luôn bắt nghiệp (Kamma), nghiệp tướng hay thú tướng làm cảnh. Ba sát- na này không bắt cảnh sắc hiện tại.

Bắt đầu với tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana), những tâm theo sau đó cùng bắt cảnh sắc hiện tại làm cảnh, tức là những tâm nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa), tiếp thâu (Sampaṭicchana), quan sát (Santīraṇa), đoán định (Voṭṭhabbana), đổng lực (Javana) và na cảnh (Tadārammaṇa). Tâm hữu phần (Bhavaṅga) sau đó lại bắt nghiệp (Kamma), nghiệp tướng hay thú tướng làm cảnh.

Các bạn còn nhớ ví dụ về trái xoài không? Một người đàn ông nằm ngủ dưới một cây xoài. Một trái xoài rớt xuống gần mũi của ông ta. Ông ta hướng về trái xoài. Ông ta nhìn nó. Ông ta nhặt nó lên. Ông ta quan sát nó. Ông ta ngửi nó và cho rằng nó trông rất là ngon. Ông ta ăn nó. Cuối cùng thì ông ta nuốt những hương vị dư sót còn lại của trái xoài ở trong miệng. Rồi ông ta đi ngủ lại. Đó là một ví dụ rất hay về lộ trình tâm. Tôi sẽ không nhắc lại cụ thể vì tôi đã giảng giải về điều đó trong chương thứ nhất.

Bây giờ chúng ta sẽ phải áp dụng kiến thức của chúng ta trong chương thứ nhất và thứ ba vào lộ trình tâm thức.

Đây là lộ tâm nhãn môn hay lộ tâm nhãn thức hay lộ tâm thấy.

Đối Tượng Được Bắt

Lộ tâm nhãn môn này bắt cảnh sắc hiện tại làm cảnh. Nó kéo dài hay tồn tại mười bảy sát-na tâm. Cảnh sắc hiện tại này là một cảnh rất lớn.

Những Loại Tâm (Citta) Tương Thích

Ba tâm (Citta) đầu tiên trong lộ tâm này (xem CMA, IV, Table 4.1, p.155) được biểu hiện bởi những tâm nào? Chúng   được   thể   hiện   bởi   những  tâm  hữu   phần (Bhavaṅga  Citta).  Các  bạn  còn  nhớ  có  bao  nhiêu  tâm (Citta)  làm  chức  năng  tục  sinh  (Paṭisandhi),  hộ  kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti) không? Có mười chín tâm (Citta) làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Nhưng chúng ta có thể có tất cả mười chín tâm  ở đây  không?  Các  Phạm  thiên  (Brahma)  vô  sắc  có thể nhìn thấy được không? Họ không có mắt. Cho nên, chúng ta phải loại bỏ bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka). Như vậy, ba tâm (Citta) đầu tiên trong lộ tâm này có thể là một trong những tâm còn lại. Chúng là những tâm nào? Chúng là hai tâm quan sát (Santīraṇa) thọ xả (Upekkhā), tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka) và năm tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka). Ở đây, chúng ta phải áp dụng kiến thức của chúng ta từ những chương trước vào lộ tâm này.

Tâm (Citta) thứ tư trong lộ tâm này là hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana). Tâm (Citta) thứ năm trong lộ tâm này là nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa). Nếu cảnh sắc là đáng được khao khát, thì đó là kết quả của thiện (Kusala) cũng như tâm nhãn thức đang bắt cảnh đó. Nếu nó là đối tượng không được khao khát, thì nó là kết quả của bất thiện (Akusala). Nếu đối tượng là một cái gì đó các bạn không muốn thấy, thì tâm nhãn thức là quả bất thiện (Akusala-vipāka). Nếu nó là đối tượng các bạn muốn thấy, thì tâm nhãn thức là quả thiện (Kusala-vipāka).

Tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) là tâm (Citta) thứ sáu trong lộ tâm này. Nếu cảnh là đáng được khao khát, thì tâm này là quả thiện (Kusala-vipāka). Nếu cảnh không được khao khát, thì nó sẽ là quả bất thiện (Akusala-vipāka).

Tâm quan sát (Santīraṇa) thì cũng giống như vậy. Ở đây, có một sự phân biệt giữa cảnh rất được khao khát và cảnh chỉ được khao khát một cách trung bình. Nếu cảnh là rất được khao khát, nó phải là quả thiện (Kusala- vipāka) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Nếu cảnh chỉ là được khao khát một cách trung bình, thì tâm này phải là quả thiện (Kusala-vipāka) được đi kèm theo bởi thọ xả. Nếu cảnh là không được khao khát, thì tâm quả bất thiện (Akusala-vipāka) sẽ sanh lên.

Tâm (Citta) thứ tám trong lộ tâm này là tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Tâm đoán định (Voṭṭhabbana) là gì? Tâm nào được gọi là đoán định (Voṭṭhabbana)? Tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana) làm chức năng đoán định. Tâm hướng ý môn có hai chức năng, đó là đoán định (Voṭṭhabbana) và hướng tâm (Āvajjana). Khi nó sanh lên trong những lộ tâm ngũ môn, thì nó có chức năng đoán định (Voṭṭhabbana). Khi nó sanh lên trong những lộ tâm ý môn, thì nó có chức năng hướng tâm (Āvajjana).

Những  đổng lực (Javana)  –  tôi không  cần  phải  nói cho  các  bạn  biết  có  bao  nhiêu  tâm  làm  việc  đổng  lực (Javana) vì tài liệu CMA này đã nói cho các bạn rồi. Có 29 đổng lực (Javana) dục giới. Các bạn hãy cho tôi biết 29 đổng lực (Javana) dục giới này là gì. Chúng ta có mười hai bất thiện (Akusala), tám thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala),  tám  duy  tác  dục  giới  hữu  nhân  (Kāmāvacara Sahetuka  Kiriya)  và  một  tâm  tiếu  sinh  (Hasituppāda). Một trong 29 tâm này sẽ sanh lên tại bảy sát-na đổng lực (Javana). Chất lượng hay tính chất của những đổng lực (Javana) sẽ được xác định tùy thuộc vào việc các bạn có sự  chú  ý  khôn  khéo  (tức  là,  tác  ý  khéo)  hay  sự  chú  ý không khôn khéo (tức là, tác ý không khéo), hay nếu các bạn  là  một  vị  A-la-hán  (Arahant),  thì  những  đổng  lực (Javana) sẽ là duy tác (Kiriya). Như vậy có ba điều kiện hay ba trường hợp như sau:

  • tác ý không khéo thì sẽ dẫn đến đổng lực bất thiện (Akusala Javana),
  • tác ý khéo thì sẽ dẫn đến đổng lực thiện (Kusala Javana),
  • nếu các bạn là một vị A-la-hán (Arahant) thì đổng lực sẽ là duy tác (Kiriya Javana).

Rồi chúng ta có hai tâm na cảnh (Tadārammaṇa). Có bao nhiêu tâm (Citta) làm chức năng na cảnh (Tadārammaṇa)? Mười một tâm (Citta) làm chức năng na cảnh (Tadārammaṇa). Các bạn hãy cho tôi biết đó là những tâm nào. Chúng là ba tâm quan sát (Santīraṇa Citta) và tám tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka). Một trong mười một tâm (Citta) này sẽ xuất hiện tại những sát-na na cảnh (Tadārammaṇa).

Chức Năng Của Những Tâm (Citta) Này

Bây giờ chúng ta hãy chú ý vào những chức năng. Những chức năng thì không khó. Ba sát-na đầu tiên trong lộ tâm ngũ môn có chức năng gì? Nói chung thì tâm có bao nhiêu chức năng, các bạn còn nhớ không? Có mười bốn chức năng. Ba tâm (Citta) này có chức năng gì? Chúng có chức năng hộ kiếp (Bhavaṅga). Rồi tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) có chức năng gì? Chức năng của nó là hướng môn (Āvajjana). Nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa) có chức năng gì? Nó có chức năng nhìn thấy. Tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) có chức năng gì? Nó có chức năng tiếp nhận hay thâu nhận. Tâm quan sát (Santīraṇa) có chức năng gì? Nó có chức năng quan sát hay điều tra. Tâm đoán định (Voṭṭhabbana) có chức năng gì? Chức năng của nó là xác định. Bảy tâm (Citta) tiếp theo có chức năng gì? Chúng có chức năng đổng lực (Javana). Hai tâm cuối có chức năng gì? Na cảnh hay đăng ký hay ghi nhận (Tadārammaṇa) là chức năng của hai tâm (Citta) cuối.

Môn

Lộ tâm này sanh lên thông qua môn nào? Nó sanh lên thông qua nhãn môn. Đó là lý do tại sao nó được gọi là lộ nhãn môn. Tất cả những tâm bắt đầu từ tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) sanh lên thông qua nhãn môn.

Vật

Cái gì là vật nương hay chỗ dựa cho những tâm hữu phần (Bhavaṅga)? Ý vật là chỗ nương cho những tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) và sắc giới (Rūpāvacara). Tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) nương tại đâu? Nó nương tại ý vật. Tâm nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa) nương tại đâu? Nó nương tại nhãn vật. Tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) nương tại đâu? Nó nương tại ý vật. Tâm quan sát (Santīraṇa) nương tại đâu? Nó nương tại ý vật. Tâm đoán định (Voṭṭhabbana) nương tại đâu? Nó nương tại ý vật. Những tâm đổng lực (Javana) nương tại đâu? Chúng nương tại ý vật. Những tâm na cảnh (Tadārammaṇa) nương tại đâu? Chúng nương tại ý vật. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn, nhưng tôi sẽ không làm điều đó bây giờ để tránh làm cho các bạn khó hiểu. Chúng phụ thuộc vào thần kinh thị giác nào và ý vật nào – có những quan điểm khác nhau về những yếu tố này. Tôi sẽ không nói gì về những điều này ở đây. Sau chương thứ sáu, chúng ta có thể quay lại vấn đề này. Như vậy, chúng ta đã biết và hiểu về những vật rồi. Chúng ta có ý vật, rồi thì nhãn vật và những tâm còn lại thì phụ thuộc vào ý vật. Như vậy, chúng ta phải áp dụng kiến thức của chúng ta từ chương thư nhất và chương thứ ba vào những lộ tâm này. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Chúng ta phải tìm xem chúng sanh lên trong những loại chúng sanh nào và chúng sanh lên trong những cõi nào. Chúng ta sẽ nghiên cứu đến điều đó sau.

Bây giờ các bạn đã biết lộ nhãn môn bắt cảnh sắc hiện tại làm đối tượng. Ở đây, cảnh sắc hiện tại là một cảnh rất lớn. Cảnh này tồn tại suốt mười bảy sát-na tâm trùng hợp với mười bảy sát-na tâm bắt đầu từ tâm hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và vân vân.

Tâm Khách Quan (Vīthi Citta) Và Tâm Chủ Quan (Vīthimutta Citta)

Chúng ta phải phân biệt giữa tâm khách quan (Vīthi Citta) và tâm chủ quan (Vīthimutta Citta). Có bao nhiêu tâm khách quan (Vīthi Citta) và tâm chủ quan (Vīthimutta Citta)? Vīthimutta có nghĩa là không liên quan đến tiến trình tâm thức hay không được bao gồm trong lộ trình tâm (Vīthi). Ba sát-na đầu tiên trong lộ tâm này là chủ quan hay ngoại lộ (Vīthimutta) vì chúng không sanh lên thông qua môn nào cả. Những tâm còn lại được gọi là những tâm khách quan (Vīthi Citta), tức là những tâm có liên quan đến tiến trình tâm thức. Và rồi tâm hữu phần (Bhavaṅga) theo sau sát-na thứ mười bảy của lộ tâm và những tâm hữu phần (Bhavaṅga) theo sau đó nữa là những tâm chủ quan, tức là những tâm không liên quan đến tiến trình tâm thức. Có bao nhiêu tâm khách quan (Vīthi Citta) trong lộ tâm này? Có mười bốn tâm khách quan (Vīthi Citta) – có nghĩa là những tâm khách quan (Vīthi Citta) sanh lên mười bốn lần. Có bao nhiêu loại tâm khách quan (Vīthi Citta)? Hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) là một loại; nhãn thức là một loại; tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) là một loại; tâm quan sát (Santīraṇa) là một loại; tâm đoán định (Voṭṭhabbana) là một loại; đổng lực (Javana) là một loại và na cảnh (Tadārammaṇa) là một loại. Như vậy có bảy loại tâm khách quan (Vīthi Citta). Nhưng nếu chúng ta đếm số lần tâm khách quan (Vīthi Citta) sanh lên, thì chúng ta có mười bốn. Như vậy, có mười bốn tâm khách quan (Vīthi Citta) sanh lên và có bảy loại tâm (Citta).

Những Lộ Tâm Khác

Nếu đối tượng là cảnh thinh hiện tại, thì chúng ta phải thay thế nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa) bằng nhĩ thức (Sota-viññāṇa). Tất cả những tâm khác thì giống nhau. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ có hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng ngũ môn, rồi đến nhĩ thức (Sota-viññāṇa), và phần còn lại thì giống y như trong lộ nhãn môn.

Khi các bạn ngửi một cái gì đó, thì cũng những tâm đó sẽ sanh lên nhưng chúng ta lại có tỷ thức. Khi các bạn nếm một cái gì đó, thì cũng cùng tâm lộ đó sẽ sanh lên nhưng chúng ta lại có thiệt thức. Khi các bạn đụng chạm một cái gì đó, thì cũng cùng tâm lộ đó sẽ sanh lên nhưng chúng ta lại có thân thức. Ở đây, chúng ta có năm tâm lộ.

Nếu chúng ta lấy tất cả những tâm có thể sanh lên trong những lộ tâm ngũ môn này, thì chúng ta sẽ có bao nhiêu    tâm?    Chúng    ta    sẽ    có    54  tâm dục giới (Kāmāvacara). Tôi nghĩ điều này được nói trên trang 162 trong cuốn CMA.

“Có  bảy  chế  độ  và  mười  bốn  loại  tâm  khác  nhau trong lộ tâm này. Tính chi tiết theo đó thì có 54 tâm sanh lên trong năm môn.” (CMA, IV, §11, p.162) 54 tâm đó là 54 tâm dục giới (Kāmāvacara).

Tiến trình tâm thức này cho chúng ta thấy rằng không có người nào hay cá nhân nào ở phía sau những sự sanh khởi của những sát-na tâm này. Mỗi sát-na tâm làm nhiệm vụ riêng của nó. Khi một sát-na sanh lên, làm nhiệm vụ của nó và diệt đi, thì sát-na tiếp theo sanh lên. Rồi sát-na này làm nhiệm vụ của nó và diệt đi và một sát- na khác lại sanh lên theo sau đó. Có một trình tự rõ ràng trong tiến trình tâm thức này. Ví dụ, tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) luôn luôn đi theo sau nhãn thức. Và rồi tâm quan sát (Santīraṇa) luôn luôn đi theo sau tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) và vân vân. Đây là một trật tự cố định của tâm thức. Trong lộ tâm này, chúng ta không tìm thấy một chủ thể nào hay một ai đó ra lệnh rằng: “Nhà ngươi là tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana), nhà ngươi là nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa), nhà ngươi là tâm quan sát (Santīraṇa)” và vân vân.

Như vậy, những tâm (Citta) tự sanh lên và diệt đi. Một sát-na sanh lên và diệt đi và rồi một sát-na khác theo sau. Khi một sát-na tâm diệt đi, nó làm duyên cho sát-na tâm tiếp theo sanh lên. Nếu nó không diệt đi, sát-na tiếp theo không thể sanh lên. Còn rất nhiều điều để hiểu và cần phải hiểu đối với lộ tâm này nếu chúng ta biết Giáo Lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna). Chúng ta có thể áp dụng kiến thức về Giáo Lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna) vào lộ trình tâm sau khi chúng ta học xong chương thứ tám. Bây giờ thì chưa phải lúc.

Cho nên, một việc dường như là một trải nghiệm rất đơn giản, như thấy một cái gì đó, thì thật ra lại là một trải nghiệm rất là phức tạp. Trong cái “trải nghiệm đơn giản” đó có bao gồm mười bảy sát-na tâm, một đối tượng, nhiều vật và nhiều chức năng. Chúng ta đã không nhắc đến những tâm sở (Cetasika). Các bạn có thể đưa những tâm sở (Cetasika) vào nếu các bạn muốn. Các bạn có thể xác định xem có bao nhiêu tâm sở (Cetasika) trong tâm hữu phần (Bhavaṅga) hay có bao nhiêu tâm sở (Cetasika) trong tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) hay có bao nhiêu trong nhãn thức và vân vân. Cho nên, khi chúng ta hiểu Thắng Pháp (Abhidhamma), chúng ta có thể hiểu rất chi tiết về những sự trải nghiệm của chúng ta. Một trải nghiệm dường như là vô cùng đơn giản lại trở thành một trải nghiệm vô cùng phức tạp. Thật ra, chỉ có tâm trí của Đức Phật mới có thể khám phá ra được tất cả những chi tiết nhỏ nhặt giữa những sát-na tâm khác nhau cũng như những mối quan hệ của chúng như thế nào đối với đối tượng, đối với những vật và giữa chúng lẫn nhau – tức là giữa những sát- na đi trước và những sát-na đi sau, vân vân. Nếu các bạn hiểu Thắng Pháp (Abhidhamma), thì các bạn sẽ biết rất nhiều về những trải nghiệm của chính mình.

Hôm nay chúng ta đã học xong năm lộ tâm. Năm lộ tâm đó bắt cảnh rất lớn làm đối tượng.

Lộ tâm nhãn môn này có mười bảy sát-na tâm và bắt cảnh sắc hiện tại. Cảnh sắc hiện tại này là cảnh rất lớn. Tức là khi nó tác động vào mắt và tâm ý, thì chỉ có một sát-na hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Sau một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, thì dòng hữu phần (Bhavaṅga) rúng động.

Cảnh Lớn (Mahanta)

Nhưng cũng có những đối tượng không mạnh như là những cảnh rất lớn đó. Chúng được gọi là cảnh lớn. Những đối tượng này cần không chỉ một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, mà là hai hay ba hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Khi chúng tác động vào mắt và tâm ý, thì nó cần hai hay ba hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua trước khi dòng hữu phần (Bhavaṅga) rúng động. Cho nên, đối với cảnh lớn, chúng ta có thể có hai lộ trình tâm. Các bạn có biết phân tích lộ tâm với cảnh lớn không? Với cảnh lớn, các bạn cần hai hay ba hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua. Cho nên, có hai lộ tâm bắt cảnh lớn. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta sẽ có hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua và vân vân. Na cảnh (Tadārammaṇa) có thể sanh lên trong lộ tâm này không? Điều được ghi nhận là na cảnh (Tadārammaṇa) phải sanh lên hai lần hoặc không sanh lên lần nào cả. Nếu nó sanh lên, thì nó phải sanh lên hai lần. Nếu chỉ có một sát- na còn lại, thì na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên. Nếu chúng ta thêm vào một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua (tức là Atīta) nữa ở đầu lộ tâm, thì chúng ta chỉ còn một sát-na cuối cùng dành cho na cảnh (Tadārammaṇa), nhưng như vậy, na cảnh (Tadārammaṇa) không thể sanh lên. Do đó, thay vì là tâm na cảnh (Tadārammaṇa), thì sẽ có thêm một tâm hữu phần (Bhavaṅga) nữa. Tâm hữu phần (Bhavaṅga) này là một phần của lộ tâm vì nó là sát-na thứ mười bảy. Trong trường hợp đó, lộ tâm bắt cảnh lớn bắt đầu với hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, một hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua nữa, rồi hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng và vân vân. Sau những đổng lực (Javana), những tâm hữu phần (Bhavaṅga) khác sanh lên. Tâm hữu phần (Bhavaṅga) thứ nhất sẽ được bao gồm trong lộ tâm này, và những tâm hữu phần tiếp theo sau đó thì không được bao gồm trong lộ tâm.

Còn trường hợp thứ hai thì như thế nào? Trong trường hợp này, chúng ta sẽ có ba hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua – tức là hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hữu phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng và vân vân. Trong trường hợp này, sát-na đổng lực (Javana) thứ bảy trùng với sát-na thứ mười bảy trong lộ tâm. Như vậy, kết thúc lộ tâm đó là sát-na đổng lực (Javana) thứ bảy. Sau bảy sát-na đổng lực (Javana), những tâm hộ kiếp (Bhavaṅga) như thường sẽ sanh lên. Cho nên, chúng ta có hai lộ tâm bắt cảnh lớn.

Như vậy, đến lúc này, chúng ta đã có ba lộ tâm. Lộ tâm  thứ  nhất  được  trình  bày  trong  biểu  đồ  (xem  CMA, IV,  Table  4.1,  p.155)  và  hai  lộ  còn lại  thì  được  ghi  nhớ trong tâm trí của các bạn. Các bạn có thể nhắc lại hai lộ tâm  sau  không?  Chúng  ta  có  hữu  phần  (Bhavaṅga)  vừa qua,    hữu  phần    (Bhavaṅga)    vừa    qua,    hữu    phần (Bhavaṅga) rúng động, hữu phần (Bhavaṅga) dứt dòng, hướng  ngũ  môn,  nhãn  thức,  tiếp  thâu,  quan sát,  đoán định,    bảy    đổng    lực    (Javana)    và    một    hữu    phần (Bhavaṅga). Đó là những tâm (Citta) trong một lộ. Trong lộ còn lại, chúng ta có hữu phần (Bhavaṅga) vừa qua, hữu phần  (Bhavaṅga)  vừa  qua,  hữu  phần  (Bhavaṅga)  vừa qua,   hữu   phần   (Bhavaṅga)   rúng   động,   hữu   phần (Bhavaṅga)  dứt  dòng,  hướng  ngũ  môn,  nhãn  thức,  tiếp thâu, quan sát, đoán định, bảy đổng lực (Javana).

Trong tài liệu CMA (xem CMA, IV, Table 4.1, p.155), những tiểu sát-na được vẽ bằng những ngôi sao. Nhưng trong  những  tài  liệu  khác,  chúng  được vẽ  bằng  những vòng  tròn  trống  rỗng.  Tại  Miến  Điện,  chúng  tôi  dùng những vòng tròn trống rỗng để vẽ những tiểu sát-na tâm. Các bạn có biết tại sao không? Vòng tròn trống rỗng có nghĩa là không có gì cả. Cho nên, chúng tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã (tức là không  có  Atta).  Để  chỉ  rõ  bản  chất  trống  rỗng  của những tâm thức (Citta), chúng tôi dùng những vòng tròn trống rỗng để vẽ những sát-na thay vì dùng những ngôi sao hay một cái gì khác. Khi các bạn thấy những vòng tròn trống rỗng này, các bạn biết chúng chẳng là cái gì cả. Tức là, chúng vô thường, chúng là bất toại nguyện – chúng không phải là những yếu tố thường hằng – chúng không phải là linh hồn trường tồn vĩnh cữu (Atman).

Đây là ba lộ tâm đầu tiên. Tuần sau, chúng ta sẽ học những lộ tâm khác bắt cảnh nhỏ và cảnh rất nhỏ. Một khi các bạn đã hiểu những lộ tâm đầu tiên này, những lộ tâm tiếp theo không khó hiểu lắm đâu.

Các bạn có câu hỏi nào không?

Học viên: Tiến trình tâm thức này đại diện cho một lộ tâm tồn tại trong thời gian một phần tỉ của một giây. Nó có bao giờ chuyển sang một lộ tâm khác ngay lập tức mà không có những tâm hữu phần (Bhavaṅga) chen vào giữa không?

Sayādaw: Sau lộ tâm này sẽ luôn luôn có những sát- na hữu phần (Bhavaṅga). Có bao nhiêu sát-na thì chúng tôi không biết. Lộ tâm này sẽ được đi theo sau bởi những lộ tâm ý môn, nhiều lộ tâm ý môn khác nhau. Chúng ta chưa  thấy  gì  cả  đâu.  Với  lộ  tâm  này,  chúng  ta  chỉ  thấy một cảnh sắc. Ví dụ, chúng ta đang nhìn một hoa hồng. Thì  với  lộ  tâm  này,  chúng  ta  chưa  thấy  hoa  hồng  đâu; chúng ta chỉ mới thấy một cảnh sắc, tức là một đối tượng chung chung. Chúng ta chưa đi đến kết luận rằng đó là một hoa hồng đâu; điều đó sẽ đến sau này. Để biết rằng hay  để  có  thể  nói  rằng  “Đây là màu  đỏ”,  “Đây  là  màu vàng”, hay “Đây là một hoa hồng”, chúng ta cần nhiều lộ tâm khác nữa. Chúng được gọi là những lộ tâm chuyển tiếp và được giải thích trong CMA (xem CMA, IV, Guide to  §12,  p.163-164).  Tóm  lại,  chúng  ta  cần  nhiều  lộ  tâm nữa trước khi chúng ta có thể nói: “Đây là một hoa hồng” hay “Đây là một quyển sách”. Đây chỉ là sự tiếp xúc sơ khởi với đối tượng. Nó chưa đủ để chúng ta có thể nói: “Tôi thấy một hoa hồng”. Các bạn phải đợi bởi vì hiện tại chúng ta đang học những lộ ngũ môn. Sau này chúng ta sẽ học tới lộ ý môn.

Lộ tâm ý môn được trình bày và phân tích rất ngắn gọn trong tài liệu Cẩm Nang này. Tại Miến Điện, những vị thầy khác nhau có những tư tưởng và ý kiến khác nhau, cho nên có rất nhiều loại lộ ý môn. Trong cuốn sách của Ngài Leḍī Sayādaw, có rất nhiều lộ ý môn. Chúng ta sẽ nghiên cứu một vài lộ tâm đó.

Các  bạn  có  thể  kiểm  tra  trong  cuốn  CMA  (xem CMA, IV, Table 4.1, p.155), “mười bốn hoạt động của tâm khách  quan”  có  nghĩa  là  những  tâm khách  quan  (Vīthi Citta), tức là sự sanh lên của mười bốn tâm khách quan (Vīthi  Citta)  –  sát-na  tâm  thứ  4,  tức  là  tâm  hướng  ngũ môn (Pañcadvārāvajjana)  cho  đến  sát-na  thứ  17,  tức  là tâm na cảnh (Tadārammaṇa) – trong lộ tâm này.

Số loại tâm khách quan (Vīthi Citta) thì chỉ có bảy. Học  viên:  Mời  Ngài  nhìn  vào  trang  161  của  cuốn CMA (xem CMA, IV, Table 4.2, p.161). Trong lộ tâm bắt cảnh lớn và kết thúc với tâm hữu phần (Bhavaṅga), tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) đó bắt cảnh gì?

Sayādaw: Đối tượng của tâm hữu phần (Bhavaṅga) thì luôn luôn là nghiệp (Kamma), nghiệp tướng (Kamma-nimitta) hay thú tướng (Gati-nimitta).

Học viên: [Không nghe rõ]

Sayādaw: Bất kỳ đối tượng nào chúng ta trải nghiệm trong kiếp sống này, dầu là đáng được khao khát hay không được khao khát, thì nó cũng bị ảnh hưởng bởi nghiệp (Kamma) quá khứ. Kết quả của nghiệp (Kamma) quá khứ là tâm thức – tâm quả thiện (Kusala-vipāka) hay tâm quả bất thiện (Akusala-vipāka). Tâm đó là kết quả (Vipāka) thật sự của nghiệp (Kamma) quá khứ. Những vật chất chúng ta bắt gặp trong đời sống thì không phải là kết quả trực tiếp của nghiệp (Kamma) tuy rằng nghiệp (Kamma) có thể có một chút ảnh hưởng nào đó đến chúng. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này sau. Chúng ta sẽ nói về nghiệp (Kamma) và kết quả của nghiệp (Kamma) trong chương thứ năm.

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app