Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập II

Chương Bốn: Phương Thức Hay Thủ Tục Của Đổng Lực (Javana-niyama)

Hôm nay, chúng ta học đến phần được gọi là “Tiến Trình  hay  Thủ  Tục  của  Đổng  Lực”  (Javana-niyama). Trước  khi  chúng  ta  học  phần  này,  tôi  sẽ  đi  ngược  lại chương thứ ba và ôn lại chương đó. Chương thứ ba bàn về tâm (Citta). Tâm được phân loại theo thọ, theo nhân, theo sự hay chức năng (Kicca), theo môn, theo đối tượng và  theo  vật.  Chương  thứ  ba  giải  thích  tâm  (Citta)  nào được đi kèm theo bởi thọ nào và tâm (Citta) nào có nhân nào. Để hiểu chương thứ ba, các bạn cũng cần phải quen thuộc với chương thứ nhất và chương thứ hai. Cho nên, các bạn hãy nhớ sẵn trong tâm mình 89 hay 121 tâm và rồi một vài tâm sở. Với chúng trong tay, chúng ta sẽ áp dụng những chức năng, môn, đối tượng và vật vào những lộ tâm hay vào những tâm có trong lộ tâm. Trong mỗi lộ tâm,  chúng  ta  phải  dùng  kiến  thức  của  chúng  ta  từ chương thứ nhất, thứ hai và thứ ba để xác định loại tâm (Citta) nào được đại diện ở đây, cảm thọ nào đi kèm với tâm (Citta) đó, nó đang thực hiện chức năng nào, nó sanh lên thông qua môn nào, nó bắt cảnh nào và nó phụ thuộc vào vật nào.

Trong  một  lộ  tâm  nhất  định  nào  đó,  chúng  ta  hãy lấy lộ tâm cảnh rất lớn làm ví dụ chẳng hạn, thì có mười bảy sát-na tâm. Với mỗi sát-na tâm, chúng ta phải có khả năng xác định rằng tâm nào trong 89 hay 121 tâm (Citta) xuất hiện tại sát-na tâm này và nó được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) hay thọ ưu (Domanassa) hay thọ xả (Upekkhā);  nếu  các  bạn  muốn  áp  dụng  thêm  kiến  thức của  mình  thì  các  bạn  có  thể  xác  định  thêm  tâm  (Citta) này có một hay hai nhân, nhưng điều đó thì không cần thiết  ở  đây.  Tuy  nhiên,  chúng  ta  phải  hiểu  những  tâm (Citta) này thực hiện những chức năng gì. Có bao nhiêu chức năng tất cả? Có mười bốn chức năng. Trong số chúng, có những chức năng như thấy, nghe và vân vân. Rồi có mười chín tâm (Citta) thực hiện chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Rồi có những tâm có chức năng đổng lực (Javana). Nói vắn tắt thì những đổng lực là gì? Thiện (Kusala), bất thiện (Akusala), Đạo (Magga), Quả (Phala) và duy tác (Kiriya) trừ hai tâm hướng môn (Āvajjana), tức là hai tâm làm việc hướng ngũ môn và hướng ý môn. Và rồi có chức năng na cảnh (Tadārammaṇa). Chức năng na cảnh (Tadārammaṇa) được thực hiện bởi bao nhiêu tâm (Citta)? Nó được thực hiện bởi mười một tâm (Citta) – ba tâm quan sát và tám tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) hay tám tâm đại quả (Mahāvipāka). Nếu đó là một lộ tâm nhãn môn, thì toàn bộ lộ tâm sanh lên thông qua nhãn môn. Nếu đó là một lộ tâm nhĩ môn, thì nó sanh lên thông qua nhĩ môn. Nếu đó là một lộ tâm ý môn, thì nó sanh lên thông qua ý môn. Các bạn cũng phải hiểu từng tâm (Citta) một nương vào vật nào. Ví dụ, những tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) và những cõi sắc giới (Rūpāvacara) thì nương vào vật nào? Chúng nương vào ý vật. Và tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) nương vào vật nào? Nó nương vào ý vật. Tâm nhãn thức nương vào vật nào? Nó nương vào nhãn vật. Tiếp theo là cái gì? Tâm tiếp thâu và vân vân nương vào vật nào? Chúng nương vào ý vật. Nếu các bạn không thông thuộc chương thứ ba, thì các bạn nên ôn lại.

Hôm  nay,  chúng  ta  học  đến  thủ  tục  hay  phương thức của đổng lực (Javana). Đó là sự ấn định hay sự áp đặt  của  những  đổng  lực  (Javana-niyama).  Các  bạn  hãy nhìn vào cuốn Cẩm Nang trên trang 176 của cuốn CMA.

“Trong  số  các  đổng  lực  (javana),  trong  một  tiến trình  đổng  lực  (javana)  giới  hạn,  thì  những  đổng  lực (javana) dục giới chỉ xuất hiện bảy hay sáu lần.” (CMA, IV, §21, p.176)

Tức là  trong lộ tâm  dục giới  (Kāmāvacara),  những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) sanh lên bảy lần hay sáu lần. Chúng ta đã quen thuộc với những đổng lực (Javana)  sanh  lên  bảy  lần,  nhưng  chúng  ta  chưa  thấy những đổng lực sanh lên sáu lần. Điều được ghi nhận là, nếu  đối  tượng  quá yếu  thì  thậm  chí  trong  những  điều kiện bình thường, chỉ có sáu đổng lực (Javana) sanh lên chứ  không  phải  bảy.  Trên  trang  154  của  cuốn  CMA, ở cuối trang có ghi:

“Đi  theo  sau  cái  này,  thì  bất  cứ  một  trong  số  29 đổng lực (javana) dục giới nào hội đủ duyên sẽ sanh lên, thường  hay  nói  chung  là  trong  bảy sát-na  tâm.”  (CMA, IV, §6, p.154)

Ở đây, từ “thường” hay “nói chung” được dùng. “Thường” hay “nói chung” có nghĩa là như vậy, tức là đôi lúc thì bảy đổng lực, đôi lúc thì sáu đổng lực (Javana) sẽ sanh lên. Ở đây, nó không được giải thích… tại sao từ “thường” được dùng đến. Ở đây, từ “thường” có nghĩa là đôi lúc thì bảy đổng lực (Javana) và đôi lúc trong những trường hợp hiếm hoi, thì sáu đổng lực (Javana) có thể sanh lên. Trong lộ tâm dục giới (Kāmāvacara), những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) có thể sanh lên bảy lần một cách thông thường, hay là sáu lần. Các bạn hãy lưu ý rằng, ở cuối phần này, chúng ta sẽ cố gắng tìm xem có bao nhiêu đổng lực (Javana) sanh lên chỉ một lần, có bao nhiêu đổng lực sanh lên hai lần và vân vân. Như vậy, ở đây, những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) sanh lên bảy lần hay sáu lần.

Nhưng trong trường hợp của một người yếu đuối, như tại thời điểm cận tử, vân vân, thì những đổng lực chỉ sanh lên năm lần. Trong lộ tâm tử, chỉ có năm đổng lực (Javana) bởi vì tâm thức (Citta) phải nương tựa vào những vật khác nhau. Tại thời điểm tử, toàn bộ cơ thể vật lý trở nên rất yếu. Vì vật yếu, cho nên tâm thức (Citta) cũng trở nên yếu. Nó không có năng lực để sanh lên sáu hay bảy lần. Tại thời điểm đó, đổng lực (Javana) chỉ có thể sanh lên năm lần. Thời điểm đó là thời điểm tử, vân vân. Thời điểm tử có nghĩa là thời điểm cận tử. “Vân vân” được xem là chỉ cho lúc khi các bạn bị xỉu hay đôi lúc khi một người bị say hay mê ngủ. Những trường hợp này được bao gồm trong từ “vân vân”. Không chỉ vào lúc cận tử, mà tại những thời điểm khác khi tâm ý bị yếu kém, thì những đổng lực (Javana) cũng chỉ có thể sanh lên năm lần. Cho nên, đổng lực (Javana) sanh lên năm lần tại lúc cận tử, lúc xỉu, vân vân. Chúng ta có bao nhiêu loại đổng lực (Javana) rồi? Ba loại đổng lực (Javana) – những đổng lực sanh lên bảy lần, những đổng lực sanh lên sáu lần và những đổng lực sanh lên năm lần.

Bây giờ chúng ta sẽ nói đến những đổng lực (Javana) sanh lên bốn hay năm lần.

“Đối với Đức Thế Tôn (tức là Đức Phật), họ cũng có nói  rằng,  ngay  lúc  Ngài  thể  hiện  song  thông  lực  hay những năng lực tương tự, khi mà tiến trình diễn ra quá nhanh, thì chỉ có bốn  hay năm tâm  phản khán  xảy ra.” (CMA, IV, §21, p.176)

“Họ cũng có nói rằng” có nghĩa là những Sớ Giải sư hay là những giáo thọ sư, tức là những vị giảng sư trước thời tác giả của cuốn Cẩm Nang này. Bây giờ, chúng ta hãy nói về song thông lực – Đức Phật thể hiện song thông lực một vài lần trong cuộc đời của Ngài. Lần đầu tiên xảy ra hầu như ngay sau khi giác ngộ, tức là bảy ngày sau khi Ngài giác ngộ. Đức Phật đã ngồi dưới cội cây trong bảy ngày không rời. Một vài Thiên nhân đã cho rằng Ngài có lẽ chưa thành Phật vì Ngài vẫn còn ngồi yên. Họ nghĩ rằng Ngài có lẽ vẫn còn việc cần làm. Họ hoài nghi. Cho nên, Đức Phật biết được sự hoài nghi đó và đã thể hiện song thông lực cho họ xem. Đức Phật cũng đã thể hiện song thông lực khi Ngài quay lại nơi sinh ra của mình tại buổi tụ họp của dòng tộc. Ngài cũng thể hiện song thông lực ngay trước khi Ngài ngự đến cõi Tam Thập Tam (Tāvatiṃsa) để thuyết giảng Thắng Pháp (Abhidhamma).

Song thông lực là gì? Đó là Yamakapāṭihāriya. “Pāṭihāriya” có nghĩa là điều kỳ diệu hay phép lạ và “Yamaka” có nghĩa là đôi hay song. Song thông lực có nghĩa là làm cho lửa và nước phóng ra từ cơ thể của Ngài; làm cho lửa và nước phóng ra từ cơ thể của Ngài thì được gọi là song thông lực. Song thông lực này được thực hiện bằng cách nhập vào những tầng thiền (Jhāna) bởi vì song thông lực chỉ có thể được thực hiện thông qua thần thông (Abhiññā). “Abhiññā” được dịch là kiến thức trực tiếp. Thần thông (Abhiññā) thật ra là thiền (Jhāna) thứ năm được phát triển một cách đặc biệt chứ không phải thiền (Jhāna) thứ năm thông thường. Sau khi hành giả đắc được thiền (Jhāna) thứ năm, thiền này được tu  luyện  một cách đặc biệt để trở thành thần thông (Abhiññā). Khi thiền (Jhāna) thứ năm trở nên thuần thục và phát triển, thì những phép lạ thần thông (Abhiññā) có thể được thực hiện. Đó là sự phát triển của những năng lực tâm linh như nhớ được những kiếp sống quá khứ, thấy chúng sanh chết từ kiếp sống này và tái sanh vào kiếp sống khác, hay thấy được tương lai, hay thực hiện những phép lạ như bay trong không trung và vân vân.

Bây giờ, có một loạt những lộ tâm sanh lên khi những phép lạ này được thực hiện hay khi những thần thông (Abhiññā) được chứng đạt. Hành giả muốn thể hiện các phép lạ thì phải có đủ chín tầng thiền (Jhāna). Hành giả phải đã chứng đắc tất cả chín tầng thiền (Jhāna). Trước hết, hành giả nhập vào thiền (Jhāna) thứ năm. Rồi hành giả xuất khỏi thiền (Jhāna) thứ năm và quán tưởng lại nội dung của tầng thiền (Jhāna) thứ năm đó. Có bao nhiêu chi thiền (Jhāna) trong thiền (Jhāna) thứ năm? Có hai chi thiền (Jhāna). Chúng là gì? Chúng là xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā). Hành giả quán tưởng hay xem xét lại những chi thiền (Jhāna) này. Sau đó, hành giả chú nguyện trong tâm thông qua một lộ tâm khác. Ví dụ, đối với Đức Phật trong trường hợp này – Đức Phật nhập vào thiền (Jhāna) thứ năm làm thiền (Jhāna) nền và xuất khỏi thiền (Jhāna) đó rồi quán tưởng trên nội dung của tầng thiền (Jhāna) đó. Tiếp theo, Đức Phật chú nguyện với một lộ tâm rằng – “Nguyện cho lửa phóng ra từ phần thân phía trên của ta” hay “Nguyện cho lửa phóng ra từ phần thân phía dưới của ta” và vân vân. Ngài chú nguyện như vậy với một lộ tâm. Rồi Ngài nhập lại vào thiền (Jhāna) thứ năm làm nền cho thần thông (Abhiññā). Rồi Ngài xuất khỏi thiền (Jhāna) thứ năm một lần nữa và quán tưởng trên nội dung của thiền (Jhāna) đó. Chỉ sau đó rồi lộ tâm thần thông (Abhiññā) mới sanh lên. Ngay lập tức sau lộ tâm đó, lửa phóng ra từ phần thân phía trên của Ngài và nước phóng ra từ phần thân phía dưới của Ngài.

Mọi người nghĩ rằng lửa và nước phóng ra từ thân Ngài cùng một lúc. Để thực hiện được phép lạ này, Đức Phật phải đi thông qua những lộ tâm này rất nhanh. Nếu không, lửa tại một thời điểm và nước tại một thời điểm khác thì sẽ chẳng phải là một phép lạ kỳ diệu. Đức Phật thể hiện phép lạ này để gây ấn tượng cho mọi người. Đức Phật có thể làm cho lửa phóng ra từ phần thân phía trên và nước phóng ra từ phần thân phía dưới; lửa phóng ra từ bên phải và nước phóng ra từ bên trái; lửa phóng ra từ mắt phải và nước phóng ra từ mắt trái; lửa phóng ra từ một lỗ chân lông và nước phóng ra từ một lỗ chân lông khác; và vân vân. Trong những trường hợp như vậy, những lộ tâm này phải sanh  diệt rất rất nhanh, đặc biệt là những lộ tâm phản khán hay quán tưởng.

Thông thường, trong những lộ tâm phản khán thì có bao nhiêu đổng lực (Javana)? Thông thường thì có bảy đổng lực (Javana). Ở đây, trong trường hợp này, chúng không thể sanh lên tới bảy sát-na. Như vậy sẽ là quá lâu. Cuốn Cẩm Nang này ghi nhận rằng, lộ tâm phản khán chỉ có bốn hay năm sát-na đổng lực. Những Chú Giải sư giảng về cuốn Cẩm Nang này nói rằng, bốn hay năm sát- na có thể được hiểu như sau: bốn sát-na dành cho những vị có trí tuệ siêu việt và năm sát-na dành cho những vị yếu hơn. Cho nên, sẽ có bốn sát-na đổng lực (Javana) đối với Đức Phật và năm sát-na đổng lực (Javana) đối với những vị đệ tử của Ngài. Như vậy, trong trường hợp này, khi Đức Phật thể hiện song thông lực, thì những đổng lực (Javana) phản khán không thể sanh lên bảy sát-na. Chúng chỉ có thể sanh lên bốn sát-na.

Để tiến đến lộ tâm thông (Abhiññā), tức là muốn thể hiện song thông lực, thì Đức Phật hay một ai đó phải trải qua bao nhiêu lộ tâm? Trước hết, chúng ta có thiền (Jhāna) nền. Rồi chúng ta có lộ phản khán. Rồi có lộ ước nguyện. Và rồi chúng ta lại có thiền (Jhāna) thứ năm. Rồi một lộ phản khán khác nữa. Như vậy, hành giả phải trải qua năm lộ tâm trước khi tiến đến lộ tâm thông (Abhiññā). Phải sau sáu lộ tâm này thì lửa mới phóng ra từ phần thân phía trên của Đức Phật, chẳng hạn. Rồi Ngài ước nguyện rằng nước sẽ phóng ra từ phần thân phía dưới của Ngài. Tức là Ngài lại phải đi qua sáu lộ tâm này. Trong những trường hợp này, những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) không thể sanh lên bảy sát-na như thông thường. Chúng chỉ sanh lên bốn sát-na đối với Đức Phật và năm sát-na đối với những vị đệ tử của Ngài.

Bây giờ, trong những lộ tâm này, thì lộ thiền (Jhāna) nền là lộ tâm thiền (Jhāna). Lộ tâm phản khán là lộ tâm dục giới (Kāmāvacara). Lộ tâm chú nguyện cũng là lộ tâm dục giới (Kāmāvacara). Lộ tâm thông (Abhiññā) thì thật ra là lộ tâm thiền (Jhāna) thứ năm. Như vậy, trong chuỗi những lộ tâm này, lộ tâm dục giới và lộ tâm thiền thay phiên nhau sanh lên. Đối với những vị Phật, thì chỉ có bốn sát-na tâm duy tác (Kiriya), trong khi đó, điều được ghi nhận là các vị đệ tử thì có năm. Những vị đệ tử như Ngài Sāriputta chẳng hạn, vẫn có trường hợp phải nhập thiền (Jhāna) và phản khán hay quán tưởng nhanh như vậy. Đối với các Ngài, lộ phản khán cũng không thể chậm, tức là không thể có bảy sát-na, mà phải chỉ có năm sát-na. Như vậy, bây giờ chúng ta đã có những đổng lực sanh lên bốn lần và sanh lên năm lần.

Khi một người chứng đắc thiền (Jhāna), chứng đắc Đạo (Magga) hay nhập thiền Quả (Phala), thì những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) có thể sanh lên ba hay bốn lần trước khi những đổng lực kiên cố (Appanā Javana) sanh lên. Đối với những vị lợi căn, thì ba đổng lực (Javana) sanh lên, tức là cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū) hay dũ tịnh (Vodāna). Đối với những vị độn căn, thì bốn đổng lực (Javana) sanh lên, tức là chuẩn bị (Parikamma),  cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma) và chuyển tộc (Gotrabhū) hay dũ tịnh (Vodāna). Cho nên, những đổng lực (Javana) có thể sanh lên ba hay bốn lần.

Những đổng lực (Javana) Đáo đại trong lộ tâm kiên cố  đầu  tiên  (tức  là  lộ  đắc  thiền)  của  hành  giả  sơ  cơ  và những đổng lực (Javana) thần thông chỉ luôn luôn sanh lên một lần. Bây giờ, chúng ta bàn đến những đổng lực (Javana) chỉ sanh lên một lần. Tại thời điểm chứng đắc thiền  (Jhāna)  lần  đầu tiên,  chỉ  có  một  sát-na  thiền (Jhāna). Tại thời điểm chứng đắc thiền (Jhāna) lần đầu tiên  cho  cả  thiền  sắc  giới  (Rūpāvacara)  và  thiền  vô  sắc (Arūpāvacara), tâm thiền (Jhāna) chỉ sanh lên một lần và rồi tâm hữu phần (Bhavaṅga) sẽ theo sau. Tại sao chỉ có một sát-na thiền (Jhāna)? Nguyên nhân được trình bày trên trang 177 của cuốn CMA:

“… một đổng lực (javana) đáo đại xảy ra chỉ một lần đơn độc do yếu kém vì thiếu sự lặp lại.” (CMA, IV, Guide to §22, p.177)

Thật ra, điều đó có nghĩa là tâm thiền (Jhāna) này sanh lên  chỉ một lần  ở lần đầu tiên. Nó giống như một đứa trẻ mới ra đời. Khi một đứa trẻ mới sinh ra, nó rất là bất lực; nó ốm yếu, không mạnh mẽ. Tâm thiền (Jhāna) đầu  tiên  đó  chỉ  sanh  lên  một  lần  và  rất  yếu  ớt.  Nó  yếu đến  nỗi  nó  không  thể làm  duyên  cho  một  tâm  thiền (Jhāna  Citta)  khác  sanh  lên.  Nếu  nó  có  thể  làm  duyên cho một tâm thiền (Jhāna Citta) khác sanh lên, thì chúng ta sẽ có trùng dụng duyên. Đó là một trong 24 mối quan hệ   nhân   duyên   được   dạy   trong   Giáo   Lý   Duyên   Hệ (Paṭṭhāna).  Khi  một  tâm  tự  lặp lại bảy  lần,  ví  dụ  như những đổng lực (Javana) trong lộ ý môn thông thường, thì  chúng  ta  nói  ở  đó  có  trùng  dụng  duyên  (Āsevana). Tức  là  một sát-na  thúc  đẩy  hay  tăng  cường  một  sát-na khác. Nhưng ở đây, tâm thiền (Jhāna) sanh lên lần đầu tiên và rất yếu, cho nên nó không thể làm duyên cho một tâm thiền (Jhāna) khác sanh lên. Vì thế, chỉ có một sát- na đổng lực thiền (Jhāna Javana) trong lộ đắc thiền.

Từ “hành giả sơ cơ” được dùng ở đây. Điều đó có nghĩa là sự chứng đắc lần đầu tiên. Bây giờ, một hành giả chứng đắc thiền (Jhāna) thứ nhất. Lần đầu tiên hành giả chứng đắc thiền (Jhāna) đó, hành giả là người sơ cơ trong thiền (Jhāna) thứ nhất. Rồi sau này, nếu hành giả quen thuộc với thiền (Jhāna) thứ nhất, thì hành giả có thể nhập thiền (Jhāna) thứ nhất bao lâu hay bao nhiêu lần cũng được, tùy theo sở thích. Hành giả không còn là người sơ cơ nữa. Lúc đó, hành giả trở thành lão luyện và tinh thông. Rồi hành giả lại thực hành thiền và chứng đắc thiền (Jhāna) thứ hai. Lần đầu tiên chứng đắc thiền (Jhāna) thứ hai, hành giả lại là người sơ cơ đối với thiền (Jhāna) thứ hai. Sau đó, hành giả thực hành thiền (Jhāna) nhiều hơn nữa để có thể nhập hay xuất thiền (Jhāna) thứ hai nhiều chừng nào tùy thích. Như vậy, hành giả sẽ trở nên lão luyện với thiền (Jhāna) thứ hai. Hành giả lại thực hành tiếp và chứng đắc thiền (Jhāna) thứ ba lần đầu tiên. Rồi thì hành giả lại là người sơ cơ đối với thiền (Jhāna) thứ ba và vân vân. Người sơ cơ ở đây không có nghĩa là người sơ cơ đối với thiền định (Jhāna) nói chung, mà là người sơ cơ đối với từng tầng thiền (Jhāna). Tức là tại lúc chứng đắc mỗi tầng thiền (Jhāna) lần đầu tiên. Lộ đắc thiền (Jhāna) thì diễn tiến giống nhau, nhưng chỉ có một đổng lực sắc giới (Rūpāvacara Javana) hay một đổng lực vô sắc (Arūpāvacara Javana). Sau này, trong lộ nhập thiền (Jhāna), thì tâm thiền (Jhāna) có thể sanh lên hàng triệu và hàng triệu lần. Chúng ta sẽ bàn đến điều đó ở cuối phần này.

Và rồi đổng lực (Javana) thần thông luôn luôn sanh lên một lần – những đổng lực thần thông (Abhiññā Javana) sanh lên chỉ một lần. Những đổng lực thần thông (Abhiññā Javana) phải có năng lực rất lớn bởi vì với thần thông (Abhiññā), một người có thể thực hiện được những phép lạ. Và những đổng lực thần thông (Abhiññā Javana) chỉ  sanh  lên  một  lần.  Sanh  lên  một  lần  đủ  để  nó  hoàn thành  chức  năng  của  mình.  Vì  vậy,  nó  không  cần  sanh lên hai, ba hay hàng triệu lần. Chỉ sanh lên một lần, nó có thể giúp một người thực hiện những phép lạ. Vì sanh lên một lần là đủ để nó hoàn thành chức năng của mình, cho nên nó chỉ sanh lên một lần. Do đó, có hai loại đổng lực (Javana) chỉ sanh lên một lần: thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) và thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) tại thời điểm đắc  thiền  và  đổng  lực thần  thông  (Abhiññā  Javana)  thì luôn luôn là như vậy dù cho là tại thời điểm đắc thiền hay lúc thể hiện thần thông.

Bây giờ, sự sanh lên của mỗi tâm trong bốn tâm Đạo chỉ kéo dài trong một sát-na. Đạo (Magga) chỉ sanh lên một lần. Cùng một tâm Đạo (Magga) có thể sanh lên lần thứ hai hay lần thứ ba không? Không. Như vậy, tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga) sanh lên chỉ một lần. Lần tiếp theo sau đó khi Đạo (Magga) sanh lên, thì nó sẽ là tâm Nhất Lai Đạo (Sakadāgāmī-magga) và vân vân. Những tâm Đạo hay những đổng lực Đạo (Magga Javana) chỉ sanh lên một lần. Bởi vì Đạo chỉ sanh lên một lần, cho nên không có duy tác (Kiriya) trong những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Nếu Đạo sanh lên trở lại, tức là nhiều hơn một lần, thì sẽ có duy tác (Kiriya) trong những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Vì Đạo (Magga) chỉ sanh lên một lần, cho nên không thể có những tâm duy tác (Kiriya Citta) trong Siêu thế (Lokuttara).

“Sau đó, hai hay ba sát-na của tâm quả sanh lên tùy theo trường hợp.” (CMA, IV, §22, p.177)

Ngay lập tức sau Đạo (Magga) là có Quả, tức là những sát-na Quả (Phala). Có bao nhiêu sát-na Quả (Phala)? Có hai hay ba sát-na Quả (Phala). Sát-na Đạo (Magga) được đi theo sau bởi hai hay ba sát-na Quả (Phala). “Tùy trường hợp” có nghĩa là, nếu hành giả là lợi căn, thì ba sát-na Quả (Phala) sẽ sanh lên. Nếu vị đó là độn căn, thì hai sát-na Quả (Phala) sẽ sanh lên. Tại sao? Đó là do sự có mặt hay vắng mặt của tâm chuẩn bị (Parikamma). Trong một lộ tâm có nhiều nhất là bảy sát- na đổng lực (Javana). Nếu có bốn đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) – chuẩn bị (Parikamma), cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma), chuyển tộc (Gotrabhū) và một sát-na Đạo (Magga), thì năm sát-na đổng lực đã bị chiếm chỗ. Cho nên, chỉ có thể có hai đổng lực (Javana) nữa mà thôi. Đó là lý do tại sao có hai sát-na Quả (Phala). Nhưng khi chỉ có ba đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) – tức là không có sát-na chuẩn bị (Parikamma) mà chỉ có cận hành (Upacāra), thuận thứ (Anuloma), chuyển tộc (Gotrabhū) – và một sát-na Đạo (Magga), thì chúng ta chỉ mới có bốn sát-na. Để có đủ bảy sát-na đổng lực, thì chúng ta phải cần ba sát-na nữa. Đó là lý do tại sao lợi căn hay độn căn tạo nên sự khác nhau trong số sát-na Quả (Phala) sẽ sanh lên. Rồi thì tâm thức chìm vào dòng hữu phần, tức là tâm hữu phần (Bhavaṅga) sẽ sanh lên sau đó. Như vậy, trong đoạn văn này, chúng ta có những đổng lực (Javana) sanh lên một lần, hai lần, ba lần và bốn lần.

Tiếp theo là lộ nhập thiền diệt (Nirodha-samāpatti). Diệt ở đây là sự đoạn diệt của tâm thức (Citta), sở hữu tâm (Cetasika) và sắc pháp (Rūpa) do tâm (Citta) tạo.

“Tại thời điểm của sự chứng đắc thiền diệt, đổng lực thiền vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư sanh lên hai lần và rồi đụng chạm vào sự đoạn diệt.” (CMA, IV, §22, p.177)

Ngài Bhikkhu Bodhi quá bám sát từ ngữ ở đây. Từ Pāḷi là “Phusati”. Ngài dịch sát thành đụng chạm. Ở Miến Điện, chúng tôi dịch là đạt đến hay tiến đến. Như vậy, hành giả đạt đến sự đoạn diệt hay hành giả trải nghiệm sự đoạn diệt.

Sự nhập thiền diệt (Nirodha-samāpatti) ở đây được miêu tả rất ngắn gọn (xem CMA, IV, §22, p.177). Nếu có thể đợi được, thì tôi muốn đề nghị các bạn hãy đợi cho đến chương thứ chín. Tại cuối chương thứ chín sẽ có sự giải  thích  chi  tiết  về  sự  chứng  đắc  thiền  diệt  (Nirodha- samāpatti). Các bạn có thể đợi được không? Nếu các bạn không  thể  chờ  đợi  được,  thì  hãy  lật  đến  trang  363  của cuốn  CMA,  “Sự  Chứng  Đắc  Thiền  Diệt”  (xem  CMA,  IX, 43, p.363).

“Trong trường hợp này, hành giả lần lượt nhập vào những sự chứng đắc cao thượng bắt đầu với thiền (jhāna) thứ nhất, và rồi sau khi xuất khỏi chúng, hành giả quán tưởng bằng minh sát …” (CMA, IX, §43, p.363)

Tức là hành giả thực hành thiền Minh sát (Vipassanā).

“… những trạng thái hữu vi bên trong những sự chứng đắc này.” (CMA, IX, §43, p.363)

Để đạt được thiền diệt, hành giả phải có tất cả chín tầng thiền (Jhāna). Hành giả còn phải là bậc Bất Lai (Anāgāmī) hay bậc A-la-hán (Arahant), chứ không phải là phàm nhân hay Nhập Lưu (Sotāpanna) hay Nhất Lai (Sakadāgāmī). Thậm chí cũng không thể là Bất Lai (Anāgāmī) và A-la-hán (Arahant) mà không có thiền (Jhāna). Nói tóm lại, hành giả phải là A-la-hán (Arahant) hay Bất Lai (Anāgāmī) có thiền (Jhāna), không chỉ một hay hai mà phải có tất cả chín tầng thiền (Jhāna).

Rồi nếu những bậc Giác Ngộ này muốn nhập vào thiền diệt này, thì các Ngài phải nhập vào lần lượt…, tức là bắt đầu với thiền (Jhāna) thứ nhất. Tức là các Ngài nhập vào thiền (Jhāna) thứ nhất và rồi xuất khỏi thiền (Jhāna) thứ nhất đó. Rồi các Ngài thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên nội dung của thiền (Jhāna) đó. Ở đây, “những trạng thái hữu vi” được nói đến. “Những trạng thái hữu vi” có nghĩa là những tầng thiền (Jhāna) bao gồm những chi thiền hay yếu tố thiền (Jhāna); như vậy, những chi thiền này là những pháp hữu vi (Saṅkhāra), cho nên, các Ngài phải thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên những chi thiền.

Rồi hành giả phải nhập vào thiền (Jhāna) thứ hai và xuất khỏi thiền (Jhāna) thứ hai. Một lần nữa, hành giả lại phải thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên nội dung của thiền (Jhāna) này. Rồi hành giả nhập vào thiền (Jhāna) thứ ba, xuất khỏi thiền (Jhāna) thứ  ba,  thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên thiền (Jhāna) thứ ba đó và vân vân cho đến khi hành giả tiến đến thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba.

“Tiến hành như vậy cho đến thiền vô sở hữu xứ, …” (CMA, IX, §43, p.363)

Tức là hành giả phải đi qua những tầng thiền (Jhāna) này cho đến khi tiến đến thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba.

“… rồi thì hành giả thực hiện những thủ tục chuẩn bị như ước nguyện, vân vân, …” (CMA, IX, §43, p.363)

Tức là sau khi xuất khỏi thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba, hành giả không thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Thay vào đó, hành giả lại thực hành cái được gọi là những thủ tục chuẩn bị. Có bốn thủ tục chuẩn bị. Các bạn sẽ hiểu khi các bạn đọc chương thứ chín. Như vậy, hành giả phải làm những thủ tục chuẩn bị này.

Sau khi thực hiện những thủ tục chuẩn bị này,

“… (hành giả) nhập (vào) thiền phi tưởng phi phi tưởng.” (CMA, IX, §43, p.363)

Tức là hành giả nhập vào thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư.

“Sau hai sát-na đổng lực (javana) của thiền, …” (CMA, IX, §43, p.363-364)

Tức là hai sát-na thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư.

“… dòng tâm thức bị dừng lại.” (CMA, IX, §43, p.364)

Cho nên, tâm thức biến mất. Khi tâm thức biến mất, thì không có tâm sở và không có sắc pháp do tâm tạo. Đó là cái được gọi là thiền diệt. Khi hành giả nhập thiền diệt, hành giả không có bất kỳ hoạt động tinh thần nào. Tại thời điểm đó, hành giả không có tâm (Citta), không có tâm sở (Cetasika) và không có sắc pháp (Rūpa) tâm (Citta) tạo. Một người ở trong thiền diệt (Nirodha- samāpatti) thì giống như một bức tượng. Sự khác nhau giữa bức tượng và vị ấy là vị ấy vẫn còn sống mặc dầu vị ấy đã ngừng thở, mặc dầu vị ấy không còn những hoạt động tinh thần, nhưng cơ thể của vị ấy vẫn đang sống; cơ thể của vị ấy vẫn còn mạng quyền (Jīvitindriya) và vẫn còn hơi nóng trong cơ thể.

Đây là cách hành giả nhập thiền diệt như thế nào. Để đi vào thiền diệt, hành giả phải đi qua tất cả những tầng thiền (Jhāna) cho đến thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư. Sau hai sát-na của thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư, thì sẽ có sự dừng lại của những hoạt động tinh thần.

Điều được ghi nhận lại là nếu hành giả không thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên nội dung của thiền (Jhāna), nếu hành giả chỉ hành thiền chỉ (Samatha), thì hành giả sẽ không thể vượt qua đến thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư. Hành giả sẽ luôn luôn đi ngược trở lại thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba. Sẽ không có sự đoạn diệt của tâm thức (Citta). Nếu hành giả chỉ thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) mà không có thiền chỉ (Samatha), thì hành giả sẽ đi vào thiền quả (Phala-samāpatti) thay vì thiền diệt (Nirodha- samāpatti). Đó là lý do tại sao hành giả phải thực hành cả thiền chỉ (Samatha) và thiền Minh sát (Vipassanā).

Như vậy, đầu tiên, hành giả nhập vào thiền (Jhāna) thứ nhất. Đó là thiền chỉ (Samatha). Rồi thì hành giả xuất khỏi thiền (Jhāna) đó và thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) trên nội dung của thiền (Jhāna) đó, tức là nhận thấy những tâm sở là vô thường, khổ và vô ngã. Cho nên, thiền Minh sát (Vipassanā) và thiền chỉ (Samatha) đi theo cặp, tức là đi cùng nhau như những cặp đôi.

Trong lộ thiền diệt này, những sát-na tâm cuối cùng là hai sát-na thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư. Tức là tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư sanh lên hai lần tại lúc chứng đắc thiền diệt.

“Tại thời điểm chứng đắc sự đoạn diệt, tâm đổng lực (javana) vô sắc thứ tư sanh lên hai lần và rồi đụng chạm vào sự đoạn diệt. Khi xuất (từ sự đoạn diệt), thì hoặc là tâm  quả  Bất  Lai  hoặc  là  tâm  quả  A-la-hán  tương  ứng sanh lên trong một sát-na.” (CMA, IV, §22, p.177)

Như vậy, khi hành giả xuất khỏi thiền diệt, tâm đầu tiên sanh lên là tâm Quả Bất Lai (Anāgāmī-phala) hay tâm Quả A-la-hán (Arahatta-phala) tùy thuộc vào sự chứng đắc của vị đó. Nếu vị đó là bậc Bất Lai (Anāgāmī), thì tâm Quả Bất Lai (Anāgāmī-phala) sẽ sanh lên. Nếu vị đó là bậc A-la-hán (Arahant), thì tâm Quả A-la-hán (Arahatta-phala) sẽ sanh lên. Tâm Quả sẽ sanh lên bao nhiêu lần? Nó sẽ chỉ sanh lên một lần. Rồi tâm hữu phần (Bhavaṅga) sẽ sanh lên. Tức là có sự chìm vào dòng hữu phần. Trong lộ nhập thiền diệt (Nirodha-samāpatti), chúng ta có những đổng lực (Javana) sanh lên trong hai sát-na và rồi chúng ta có một đổng lực (Javana) sanh lên chỉ một sát-na, tức là đổng lực (Javana) lúc xuất khỏi thiền diệt (Nirodha-samāpatti).

Rồi chúng ta có những cái được gọi là nhập thiền Quả (Phala-samāpatti) và nhập thiền chỉ (Jhāna- samāpatti). Trong những lộ nhập thiền chỉ (Jhāna) và thiền Quả (Phala),

“Trong những lộ tâm nhập thiền, thì cũng như dòng chảy hữu phần, không có phương thức cố định về những tiến trình này.” (CMA, IV, §22, p.177)

Tức là không có những lời chỉ dạy rằng tâm thiền (Jhāna) phải sanh lên bao nhiêu lần, hay tâm Quả (Phala) phải sanh lên một trăm lần hay một ngàn lần. Không có giới hạn, không có lời chỉ dạy.

“Chúng ta nên hiểu rằng thậm chí có nhiều đổng lực (javana) (đáo đại và siêu thế) sanh lên (liên tiếp nhau).” (CMA, IV, §22, p.177)

Như vậy, đoạn văn này nói về những lộ tâm nhập định (Samāpatti Vīthi). Có hai loại lộ trình tâm nhập định (Samāpatti Vīthi) – một là lộ nhập thiền chỉ (Jhāna- samāpatti)   và   một  là   lộ   nhập    thiền   quả    (Phala- samāpatti).

Nếu một người đắc thiền (Jhāna) thứ nhất lần đầu tiên, thì chỉ có một sát-na thiền (Jhāna) và rồi sẽ là sự chìm vào dòng hữu phần (Bhavaṅga). Sau này, hành giả lại thực hành để nhập vào thiền (Jhāna) đó. Hành giả phải thực hành để trở nên quen thuộc một cách thuần thục với thiền (Jhāna) đó. Tức là hành giả phải có khả năng nhập vào thiền (Jhāna) đó bất cứ lúc nào hành giả thích; hành giả phải có khả năng nhập vào một cách nhanh chóng; hành giả phải có khả năng xuất ra khỏi thiền (Jhāna) đó lúc hành giả muốn. Để đạt được sự tinh thông lão luyện đó, hành giả phải nhập đi nhập lại vào thiền (Jhāna). Sau này, khi hành giả muốn nhập thiền (Jhāna), thì hành giả thực hành thiền trở lại và lần này, những sát-na thiền (Jhāna) sanh lên vô số lần. Hành giả có thể an trú trong thiền (Jhāna) đó bao lâu tùy theo hành giả muốn. Tức là trong giới hạn chịu đựng được của cơ thể loài người. Kinh sách ghi lại rằng cơ thể loài người có thể sống sót bảy ngày không cần vật thực. Cho nên, hành giả có thể an trú trong sự nhập định (Samāpatti) đó trong bảy ngày hay sáu ngày, bốn ngày hay một giờ hay hai giờ – bao lâu tùy theo ý thích của hành giả. Trong suốt thời gian khi hành giả an trú trong sự nhập định (Jhāna-samāpatti), chỉ có những sát-na thiền (Jhāna) sanh lên kế tiếp nhau. Vì trong một cái búng tay thì có hàng tỉ sát-na tâm, cho nên các bạn có thể tưởng tượng là có bao nhiêu sát-na thiền (Jhāna) sanh lên trong một lộ tâm nhập định (Samāpatti).

Cũng có sự nhập thiền Quả (Phala-samāpatti). Hành giả không thể nhập vào Đạo (Magga). Khi hành giả muốn tận hưởng sự an lạc của sự giải thoát, thì hành giả muốn có những sát-na Quả (Phala) sanh lên lại. Hành giả muốn có những sát-na Quả (Phala) sanh lên lại bởi vì khi tâm Quả (Phala Citta) sanh lên trong tâm ý của mình, hành giả sẽ rất an bình. Tâm Quả (Phala Citta) bắt Níp- bàn (Nibbāna) làm cảnh. Níp-bàn (Nibbāna) thì an lạc. Khi tâm thức (Citta) bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh, thì tâm thức (Citta) cũng được an lạc. Điều này giống như là hành giả đang tận hưởng một kỳ nghỉ. Khi các bạn mệt mỏi với những hoạt động hằng ngày hay với công việc, thì các bạn sẽ muốn có một kỳ nghỉ. Những bậc Giác Ngộ này luôn luôn mệt mỏi với những pháp hữu vi, với ngũ uẩn. Đối với các Ngài, ngũ uẩn này là những thứ ghê tởm và đáng bị chán bỏ. Và như là một sự trốn thoát khỏi những đau khổ của ngũ uẩn này, các Ngài nhập vào thiền Quả (Phala-samāpatti). Khi các Ngài muốn nhập vào thiền Quả (Phala-samāpatti), các Ngài lại thực hành  thiền Minh sát (Vipassanā). Rồi thay vì tâm Đạo (Magga), thì có rất nhiều sát-na Quả (Phala) sanh lên. Ở đây cũng vậy, hành giả có thể an trú trong thiền Quả (Phala-samāpatti) bao lâu tùy theo ước muốn của mình. Nếu hành giả là loài người, thì nhiều nhất là bảy ngày.

Trong  những  lộ  nhập  định  (Samāpatti)  –  tức  là những lộ nhập thiền chỉ (Jhāna) và những lộ nhập thiền Quả (Phala) – không có số lượng cố định những tâm thiền (Jhāna) và tâm Quả (Phala) sanh lên. Có thể có hàng tỉ những  sát-na thiền  (Jhāna)  và  sát-na Quả  (Phala)  sanh lên. Đoạn văn này chỉ ra rằng có một vài loại tâm (Citta) có thể sanh lên rất nhiều lần (xem CMA, IV, §22, p.177- 178).

Bây giờ, chúng ta hãy tìm xem những đổng lực (Javana) nào sanh lên chỉ một lần, rồi hai lần, ba lần, bốn lần, năm lần, sáu lần, bảy lần và nhiều lần.

Những đổng lực (Javana) nào sanh lên một lần? Chúng là những tâm thiền sắc giới (Rūpāvacara) và những tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara) trong những lộ đắc thiền. Tâm thông (Abhiññā) cũng chỉ sanh lên một lần. Tâm Đạo (Magga) sanh lên chỉ một lần. Và rồi cái gì khác sanh lên chỉ một lần? Còn một trường hợp nữa. Các bạn hãy nhìn vào lộ nhập thiền diệt. Khi xuất khỏi thiền diệt, tâm Bất Lai Quả (Anāgāmī-phala) hay tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala) xuất hiện chỉ một lần. Tất cả những đổng lực (Javana) này xuất hiện chỉ một lần.

Những đổng lực nào sanh lên hai lần? Các bạn hãy nhìn vào lộ tâm nhập thiền diệt. Những tâm thiền vô sắc (Arūpāvaraca Jhāna) thứ tư sanh lên hai lần trong lộ nhập thiền diệt. Còn cái nào khác không? Các bạn hãy nhớ là chúng ta có thể có hai hay ba sát-na Quả (Phala), tức là những đổng lực Quả (Phala Javana) sau tâm Đạo (Magga). Chúng sanh lên hai lần đối với loại chúng sanh nào? Đối với những vị độn căn, thì chúng sanh lên hai lần. Đối với những vị lợi căn, thì tâm Quả (Phala) sanh lên ba lần.

Khi  nào  thì  những  đổng  lực  (Javana)  sanh  lên  ba lần? Tâm Quả (Phala) sẽ sanh lên ba lần sau sát-na Đạo (Magga) đối với những vị lợi căn. Có ba sát-na đổng lực thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Javana) đi trước sát- na Đạo (Magga) đối với những vị lợi căn. Cũng vậy, có ba sát-na  thiện  dục  giới (Kāmāvacara  Kusala)  đi  trước  sự nhập  thiền  Quả  (Phala-samāpatti)  và  sự  nhập  thiền  chỉ (Jhāna-samāpatti) đối với những vị lợi căn1. Có ba sát-na duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya) đi trước những sự chứng  đắc  kiên  cố  (Appanā)  của  những  vị  A-la-hán (Arahant) lợi căn1.

Khi nào thì những đổng lực (Javana) sanh lên bốn lần?  Trong  song  thông  lực,  những  đổng  lực  (Javana) phản    khán    (chúng    là    những    đổng    lực    dục    giới (Kāmāvacara Javana)) sẽ sanh lên bốn lần. Có bốn sát-na đổng lực thiện dục giới (Kāmāvacara  Kusala Javana) đi trước  tâm  Đạo  (Magga)  đối  với  những  vị  độn  căn.  Bốn sát-na  đổng  lực  dục  giới  (Kāmāvacara  Javana)  đi  trước sự sanh lên của sự nhập thiền Quả (Phala-samāpatti) và sự nhập thiền chỉ (Jhāna) đối với những vị độn căn2. Bốn sát-na  duy  tác  dục  giới  (Kāmāvacara  Kiriya)  đi  trước những sự chứng đắc kiên cố (Appanā) của những vị A-la- hán (Arahant) độn căn3.

Khi nào thì những đổng lực (Javana) sanh lên năm lần? Những đổng lực (Javana) phản khán trong những trường hợp tương tự sanh lên năm lần. Song thông lực thì chỉ Đức Phật mới thị hiện được. Có những dịp những vị A-la-hán (Arahant) cũng phải quán tưởng lại rất nhanh. Cho nên, những vị đệ tử này có những đổng lực (Javana) phản khán sanh lên trong năm sát-na. Và những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) tại thời điểm tử, tại thời điểm ngất xỉu và vân vân cũng sanh lên năm lần.

Khi nào thì những đổng lực (Javana) sanh lên sáu lần? Khi là những đổng lực (Kāmāvacara Javana) dục giới thông thường, chúng có thể sanh lên sáu lần.

Khi nào thì chúng sanh lên bảy lần? Chúng thường thì sanh lên bảy lần khi là những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) thông thường.

Khi nào thì chúng sanh lên nhiều lần? Chúng sanh lên nhiều lần khi là những đổng lực thiền (Jhāna) và Quả (Phala) trong những lộ nhập định (Samāpatti Vīthi).

Chúng ta hãy đi thông qua lại một lần nữa.

Khi nào những đổng lực (Javana) sanh lên một lần? Chúng sanh lên một lần khi là những đổng lực sắc giới (Rūpāvacara) và vô sắc giới (Arūpāvacara) trong những lộ đắc thiền, những đổng lực Đạo (Magga Javana), và tâm Bất Lai Quả (Anāgāmī-phala) và tâm A-la-hán Quả (Arahatta-phala) khi xuất khỏi thiền diệt (Nirodha- samāpatti).

Khi nào chúng sanh lên hai lần? Chúng sanh lên hai lần khi là thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư trong lộ nhập thiền diệt (Nirodha-samāpatti) và là những đổng lực Quả (Phala Javana) sau tâm Đạo (Magga) đối với hành giả độn căn.

Khi nào những đổng lực (Javana) sanh lên ba lần? Chúng sanh lên ba lần khi là những đổng lực Quả (Phala Javana) sau tâm Đạo (Magga) đối với những vị lợi căn. Có ba sát-na đổng lực thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala Javana) đi trước tâm Đạo (Magga) đối với những vị lợi căn. Cũng có ba sát-na thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) đi trước sự nhập thiền Quả (Phala-samāpatti) và sự nhập thiền chỉ (Jhāna-samāpatti) đối với những vị lợi căn. Có ba sát-na duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya) đi trước những sự chứng đắc kiên cố (Appanā) của những vị A-la-hán (Arahant) lợi căn1.

Khi  nào  chúng  sanh  lên  bốn  lần?  Chúng  sanh  lên bốn  lần  khi  là  những  đổng  lực  (Javana)  phản  khán  đối với Đức Phật lúc thị hiện song thông lực và những phép lạ   khác.   Có   bốn   sát-na   đổng   lực   thiện   dục   giới (Kāmāvacara Kusala Javana) đi trước tâm Đạo (Magga) đối  với  những  vị độn  căn.  Có  bốn  sát-na  đổng  lực  dục giới (Kāmāvacara Javana) đi trước việc sanh khởi của sự an  trú  trong  thiền  Quả  (Phala-samāpatti)  và  sự an trú trong thiền chỉ (Jhāna-samāpatti) đối với những vị độn căn. Có bốn sát-na duy tác dục giới (Kāmāvacara Kiriya) đi trước những sự chứng đắc kiên cố (Appanā) của những vị A-la-hán (Arahant) độn căn2.

Khi nào những đổng lực (Javana) sanh lên năm lần? Chúng sanh lên năm lần trong những sự phản khán đối với những vị Thánh đệ tử và chúng cũng sanh lên năm lần khi là những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) lúc cận tử, ngất xỉu và vân vân.

Khi nào những đổng lực (Javana) sanh lên sáu hay bảy lần? Chúng sanh lên sáu hay bảy lần một cách bình thường khi là những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) thông thường.

Khi nào chúng sanh lên nhiều lần? Chúng sanh lên nhiều lần khi là những đổng lực sắc giới (Rūpāvacara), đổng lực vô sắc (Arūpāvacara) và đổng lực Quả (Phala) trong những lộ nhập định (Samāpatti Vīthi).

Những đổng lực có thể sanh lên chỉ một lần, hai lần, ba lần và vân vân. Cho dầu sanh lên chỉ một lần hay hai lần, chúng luôn luôn trải nghiệm hay luôn luôn tận hưởng hương vị của cảnh một cách đầy đủ. Mặc dầu chúng chỉ sanh lên một lần, nhưng chúng vẫn có thể thực hiện trách nhiệm của chúng một cách thỏa đáng và phù hợp. Đây là phương thức của đổng lực (Javana).

Bây giờ là sự tổng kết lại:

“Chúng   ta   phải   nên   biết   rằng   những   đổng   lực (javana)  giới  hạn  sanh  lên  bảy  lần,  …”  (CMA,  IV,  §23, p.178)

“Những đổng lực (javana) giới hạn” có nghĩa là những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana).

“… đạo và thông sanh lên chỉ một lần, những đổng lực  còn  lại  (đáo  đại  và  siêu  thế)  sanh  lên  nhiều  lần.” (CMA, IV, §23, p.178)

Đây thật sự là một sự tóm tắt quá ngắn và không hoàn chỉnh. Chúng ta phải hiểu một lần, hai lần, ba lần và vân vân. Tôi nghĩ điều đó không quá khó. Vì chúng ta đang bàn về những đổng lực (Javana), chúng ta chỉ phải ghi nhận và chú ý về chức năng đổng lực (Javana).

Các bạn có muốn ôn lại không? Hãy nghĩ về 121 tâm và tìm ra những đổng lực (Javana). Nếu chúng ta chỉ tính tám tâm Siêu thế (Lokuttara), thì có bao nhiêu đổng lực (Javana)? Có 55 tâm. 55 tâm đó là gì? Chúng là mười hai tâm    bất    thiện    (Akusala    Citta);    tâm    tiếu    sinh (Hasituppāda) tức là tâm duy tác (Kiriya). Có ba tâm duy tác  vô  nhân  (Ahetuka  Kiriya  Citta)  nhưng  hai  tâm  đầu tiên không có chức năng đổng lực (Javana). Rồi có tám tâm  thiện  dục  giới  (Kāmāvacara  Kusala),  tám  tâm  duy tác dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Kiriya), năm tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala), năm tâm duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya), bốn tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala), bốn tâm duy tác vô sắc (Arūpāvacara Kiriya), tám Siêu thế (Lokuttara). Như vậy, có tất cả là 55 đổng lực (Javana).

Chúng ta hãy bàn về những đổng lực bất thiện (Akusala Javana); chúng có thể sanh lên bao nhiêu lần? Chúng có thể sanh lên một lần không? Không. Hai lần – không. Ba lần – không. Bốn lần – không. Những đổng lực bất thiện (Akusala Javana) có thể sanh lên năm lần, tức  là khi chúng xảy ra trong lộ cận tử. Cho nên, câu trả lời là có. Chúng có thể sanh lên sáu lần. Chúng cũng có thể sanh lên bảy lần.

Còn tâm tiếu sinh (Hasituppāda) thì sao? Nó chỉ có thể sanh lên bảy lần.

Còn các tâm thiện dục giới (Kāmāvacara Kusala) thì sao? Chúng có thể sanh lên một lần không? Không. Hai lần? Không. Ba lần? Có. Bốn lần? Có. Năm lần? Có. Sáu lần? Có. Bảy lần? Có.

Còn các tâm đại duy tác dục giới (Kāmāvacara Mahākiriya) thì sao? Chúng có thể sanh lên ba lần, bốn lần, năm lần, sáu lần hay bảy lần như thông thường.

Những đổng lực sắc giới (Rūpāvacara Javana) có thể sanh lên một lần không? Có. Chúng có thể sanh lên hai lần không? Không. Chúng có thể sanh lên bảy lần không? Không. Chúng có thể sanh lên nhiều lần không? Có.

Những tâm duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya) thì giống như vậy, tức là, chúng có thể sanh lên một lần hay nhiều lần.

Tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất sanh lên một lần trong lộ đắc thiền. Nó có thể sanh lên hai lần không? Không. Nó có thể sanh lên ba lần không? Không. Nó có thể sanh lên bốn lần không? Không. Nó có thể sanh lên năm lần không? Không. Còn sáu hay bảy lần thì sao? Không. Nó có thể sanh lên nhiều lần không? Có.

Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai có thể sanh lên một lần hay nhiều lần.

Thiên vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba có thể sanh lên một lần hay nhiều lần.

Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư có thể sanh lên một lần không? Có. Nó có thể sanh lên hai lần không? Có. Trong lộ nhập thiền diệt, nó có thể sanh lên hai lần. Nó có thể sanh lên ba lần không? Không. Nó có thể sanh lên bốn lần không? Không. Nó có thể sanh lên năm lần không? Không. Nó có thể sanh lên sáu lần không? Không. Nó có thể sanh lên bảy lần không? Không. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư có thể sanh lên nhiều lần không? Có.

Những tâm thiền duy tác vô sắc (Arūpāvacara Kiriya Jhāna) thì giống như vậy.

Bây giờ chúng ta hãy bàn đến những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Chúng ta sẽ xem như chỉ có tám tâm (thay vì 40). Tâm Đạo (Magga) thứ nhất chỉ sanh lên một lần. Tâm Đạo (Magga) thứ hai chỉ sanh lên một lần. Tâm Đạo (Magga) thứ ba chỉ sanh lên một lần. Tâm Đạo (Magga) thứ tư chỉ sanh lên một lần. Tâm Quả (Phala) thứ nhất chỉ sanh lên hai lần, ba lần hay nhiều lần. Tâm Quả (Phala) thứ hai chỉ sanh lên hai lần, ba lần hay nhiều lần. Tâm Quả (Phala) thứ ba sanh lên một lần khi xuất ra khỏi thiền diệt (Nirodha-samāpatti), hai lần, ba lần hay nhiều lần. Tâm Quả (Phala) thứ tư sanh lên một lần khi xuất ra khỏi thiền diệt (Nirodha-samāpatti), hai lần, ba lần hay nhiều lần trong lộ nhập thiền Quả (Phala- samāpatti).

Bây giờ, các bạn đã hiểu về những đổng lực (Javana) và chúng sanh lên bao nhiêu lần, và các bạn cũng có thể nói chúng sanh lên trong lộ tâm nào, trong trường hợp nào và bao nhiêu lần. Tôi nghĩ chúng ta đã hiểu hầu như tất cả về đổng lực (Javana). Tức là chúng ta đã hiểu những đổng lực (Javana) trong những lộ tâm khác nhau, chúng sanh lên bao nhiêu lần và trong trường hợp nào.

Phân Tích Theo Hạng Người (Puggala-bheda)

Phần tiếp theo là “Phân Tích Theo Hạng Người (Puggala-bheda)”. Từ Pāḷi có nghĩa là sự phân chia theo hạng người. Có mười hai hạng người. Trước hết, tôi nghĩ chúng ta nên quen thuộc với mười hai hạng người này. Rồi chúng ta sẽ tìm xem những tâm (Citta) nào thuộc vào hạng người nào.

Trước hết, có sự phân chia những chúng sanh thành vô nhân (Ahetuka), nhị nhân (Dvihetuka) và tam nhân (Tihetuka). Những chúng sanh vô nhân (Ahetuka) là những chúng sanh có tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) thuộc vào những tâm vô nhân (Ahetuka Citta). Có bao nhiêu tâm (Citta) làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi)? Có mười chín tâm (Citta) làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi). Có bao nhiêu trong số chúng là vô nhân (Ahetuka)? Hai tâm quan sát (Santīraṇa) đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) là vô nhân (Ahetuka). Nếu một chúng sanh tái sanh vào địa ngục hay tái sanh làm súc sanh, thì tâm tục sinh của chúng sanh đó phải là tâm quả bất thiện (Akusala-vipāka). Chúng sanh đó được gọi là người vô nhân (Ahetuka). Và một chúng sanh cũng có thể sanh làm người, nhưng lại bị mù, điếc và vân vân. Trong trường hợp đó, tâm tục sinh (Paṭisandhi Citta) của chúng sanh đó là tâm quả thiện vô nhân (Ahetuka Kusala- vipāka). Vì chúng sanh này tái sanh làm người, cho nên chúng sanh này thuộc vào thiện thú hay nhàn cảnh (Sugati). Chúng sanh mà tái sanh vào địa ngục hay làm thú vật hay làm ma đói thì được gọi là người ác thú (Duggati). Như vậy, trước hết, có hai hạng người tái sanh với những tâm tục sinh vô nhân (Ahetuka Paṭisandhi Citta).

Rồi có những người tái sanh bằng những tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka Citta) nhị nhân. Họ được gọi là nhị nhân (Dvihetuka). Và có những chúng sanh tái sanh bằng những tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka Citta) tam nhân, hay những tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka Citta), hay những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta). Họ được gọi là những người tam nhân. Nói ngắn gọn thì chúng ta có người vô nhân, người nhị nhân và người tam nhân.

Người vô nhân thì có hai loại – một loại tái sanh trong ác thú (Duggati), tức là bốn đọa xứ, và một loại tái sinh làm người nhưng mù bẩm sinh và vân vân. Loại thứ nhất được gọi là người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka). Loại thứ hai được gọi là người vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka). Như vậy, chúng ta có hai hạng người vô nhân (Ahetuka) – vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka) và vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka). Rồi còn người nhị nhân (Dvihetuka) thì sao – có thể có ác thú (Duggati) và thiện thú (Sugati) không? Không. Nếu là nhị nhân (Dvihetuka), thì chúng sanh đó chỉ thuộc vào thiện thú (Sugati). Không có sự tục sinh nhị nhân (Dvihetuka Paṭisandhi) trong bốn đọa xứ. Cho nên, nhị nhân (Dvihetuka) chỉ thuộc vào thiện thú (Sugati), tức là những cảnh giới hạnh phúc.

Còn những chúng sanh tam nhân (Tihetuka)  thì sao? Họ chỉ thuộc vào thiện thú (Sugati). Những người tam nhân có thể được chia nhỏ ra làm bao nhiêu loại? Chúng ta hãy tìm hiểu xem. Có những người tam nhân là phàm nhân (Puthujjana), có những người tam nhân là những người Đạo (Magga), và có những người tam nhân là những người Quả (Phala). Vì có bốn Đạo (Magga) và bốn Quả (Phala), cho nên chúng ta có tám. Cộng thêm phàm nhân (Puthujjana), thì chúng ta có chín hạng người. Như vậy, có chín người tam nhân (Tihetuka), một người nhị nhân (Dvihetuka) và hai người vô nhân (Ahetuka). Tất cả có mười hai hạng người (Puggala). Một lần nữa, mười hai hạng người là vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka), vô nhân thiện thú (Sugati Ahetuka), nhị nhân (Dvihetuka) – chúng ta không nói thiện thú (Sugati) ở đây vì nếu là nhị nhân (Dvihetuka) thì đó là thiện thú (Sugati) – và rồi có người phàm tam nhân (Tihetuka Puthujjana), người Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga), người Nhập Lưu Quả (Sotāpatti-phala) và vân vân. Khi chúng ta nói đến các vị Thánh, chúng ta không cần dùng từ tam nhân (Tihetuka). Điều đó được hiểu ngầm vì những ai đắc Đạo (Magga) và Quả (Phala) đều là người tam nhân (Tihetuka). Như vậy, có chín hạng người tam nhân (Tihetuka), bao gồm một phàm nhân (Puthujjana) và tám bậc Thánh. Tóm lại, có tất cả mười hai hạng người (Puggala): chín người tam nhân (Tihetuka), một người nhị nhân (Dvihetuka) và hai người vô nhân (Ahetuka).

“Ở đây, đối với những chúng sanh với (tâm tục sinh) nhị nhân và vô nhân, …” (CMA, IV, §24, p.179)

Tức là đối với những người nhị nhân (Dvihetuka) và người vô nhân (Ahetuka).

“… những đổng lực (javana) duy tác và những đổng lực  (javana)  thẩm  thấu  (tức  là  đổng  lực  kiên  cố)  không sanh lên.” (CMA, IV, §24, p.179)

Những  đổng  lực  duy  tác  là  Kiriya  Javana.  Những đổng  lực  thẩm  thấu hay  kiên  cố  là  Appanā  Javana.  Các bạn  có  nhớ  những  đổng  lực  kiên cố  (Appanā  Javana) không? Chúng là những tâm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna), những tâm thiền vô sắc (Arūpāvaraca Jhāna) và những  tâm  Siêu thế  (Lokuttara  Citta);  những  tâm  này được  gọi  là  những  đổng  lực  kiên  cố  (Appanā  Javana). Chúng  có  tất  cả  bao  nhiêu?  Có  26  đổng  lực kiên  cố (Appanā Javana). Như vậy, đối với những ai là nhị nhân (Dvihetuka) và vô nhân (Ahetuka) – tức là hai hạng người vô nhân (Ahetuka) và người nhị nhân (Dvihetuka)  – thì không có những đổng lực (Javana) duy tác và không có Đạo (Magga) và Quả (Phala)1.

“Cũng  giống  như  vậy,  trong  cõi  lạc  thú,  …”  (CMA, IV, §24, p.179)

Cõi lạc thú có nghĩa là thiện thú (Sugati).

“Cũng giống như vậy, trong cõi lạc thú, những tâm quả hợp trí cũng không sanh lên.” (CMA, IV, §24, p.179)

“Những tâm quả hợp trí” – bốn tâm từ những tâm quả dục giới (Kāmāvacara), năm tâm từ những tâm quả sắc giới (Rūpāvacara) và bốn tâm từ những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara) và bốn tâm Quả (Phala Citta). Cùng với những tâm đã được nhắc đến ở trước, thì những tâm này không sanh lên “trong cõi lạc thú” – tức là vô nhân lạc thú (Sugati Ahetuka).

“Nhưng  trong  cõi  khổ,  những  tâm  đại  quả  ly  trí không được tìm thấy.” (CMA, IV, §24, p.179)

Tức là không có tâm đại quả ly trí nào sanh lên cho người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka). Thật ra, đối với người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka), thì không có tâm quả dục giới hữu nhân (Kāmāvacara Sahetuka Vipāka) và cũng không có tâm sắc giới (Rūpāvacara), tâm vô sắc (Arūpāvacara) và Siêu thế (Lokuttara). Một lần nữa, đối với những người nhị nhân và tục sinh vô nhân (Ahetuka Paṭisandhi), thì họ không thể trải nghiệm những tâm (Citta) nào? Họ không thể trải nghiệm những đổng lực duy tác (Kiriya Javana) và những đổng lực kiên cố (Appanā Javana). “Trong cõi lạc thú” – điều đó có nghĩa là những tâm quả hợp trí thiện thú (Sugati Ñāṇa- sampayutta Vipāka), tức là bốn tâm từ những tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka) và rồi những tâm quả sắc giới (Rūpāvacara), những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara) và những tâm Siêu thế (Lokuttara), những tâm này không sanh lên. Và đối với người vô nhân ác thú (Duggati Ahetuka), thì thậm chí bốn tâm quả ly trí (Ñāṇa-vippayutta Vipāka) cũng không sanh lên.

Tôi nghĩ tôi sẽ dừng ở đây. Các bạn hãy tiếp tục đọc và cố tự tìm hiểu.

* Bài viết được trích từ cuốn Cấm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp - Tập I (Handbook of Abhidhamma Studies, Volume One); Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda; Pháp Triều dịch Việt.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app