Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I
Chương Ba: Vật Tập Yếu (Vatthu-saṅgaha)
Chúng ta hãy nghiên cứu phần tiếp theo. Phần tiếp theo là về những vật (Vatthu). Sáu vật là gì? Chúng là nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật và ý vật. Nếu các bạn so sánh sáu vật với sáu môn, các bạn sẽ thấy rằng năm vật đầu tiên và năm môn đầu tiên là giống nhau. Thần kinh nhãn là cả môn và vật. Thần kinh nhĩ là cả môn và vật và vân vân.
Môn thứ sáu và vật thứ sáu thì lại khác nhau. Môn thứ sáu không phải là sắc pháp, tức không phải là Rūpa. Môn thứ sáu (Mano-dvāra) là gì? Ý môn là gì? Ý môn là những tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta). Ý môn không phải là sắc pháp (Rūpa). Nhưng vật thứ sáu là ý vật và là sắc pháp (Rūpa). Ở đây, tất cả những vật là sắc pháp. Năm môn đầu tiên là sắc pháp, nhưng môn thứ sáu thì không phải là sắc pháp. Nó là danh pháp.
Khi tâm sanh lên trong những chúng sanh ngũ uẩn, thì tâm luôn luôn cần một sự nương nhờ có tính vật chất để cho nó khởi sanh. Chúng ta hãy lấy nhãn thức làm ví dụ. Chỉ khi nào có con mắt hay thần kinh nhãn thì nhãn thức mới có thể sanh lên. Nhãn thức phụ thuộc vào thần kinh nhãn để sanh lên. Cho nên, thần kinh nhãn được gọi là nền tảng (tức là vật) hay sự nương nhờ của nhãn thức. Nhãn thức này sanh lên tại nhãn môn. Cho nên, thần kinh nhãn đóng vai trò là môn và cũng là sự nương nhờ mang tính vật chất đối với nhãn thức. Điều đó cũng đúng và tương tự đối với nhĩ thức và vân vân.
Sự khác nhau là gì khi chúng ta nói tâm sanh lên tại ý môn và khi chúng ta nói tâm phụ thuộc vào ý vật? Nếu các bạn nghĩ về lộ nhãn thức, thì tất cả các tâm trong lộ tâm đó sanh lên tại nhãn môn (xem CMA, IV, Table 4.1, p.155). Chúng dùng nhãn môn để sanh lên. Nhưng không phải tất cả chúng đều phụ thuộc vào thần kinh nhãn. Chỉ có một tâm trong số chúng phụ thuộc vào thần kinh nhãn. Những tâm còn lại thì phụ thuộc vào ý vật. Đó là sự khác nhau. Tất cả các tâm trong lộ nhãn môn sanh lên tại nhãn môn. Nhưng chỉ có một trong số chúng thì phụ thuộc vào con mắt để sanh lên. Những tâm còn lại thì phụ thuộc vào ý vật. Đó là sự khác nhau.
Vì những môn này là sắc pháp (Rūpa), cho nên chúng chỉ được tìm thấy trong những cõi có sắc uẩn (Rūpa). Sáu môn này được tìm thấy ở súc sanh, nhân loại, những Thiên nhân (Deva) và một vài trong số chúng cũng được tìm thấy ở những Phạm thiên (Brahma). Tất cả sáu vật có thể được tìm thấy ở Kāmāvacara Loka, tức là những cõi dục giới. Đó là bốn cõi khổ, cõi nhân loại và sáu cõi dục Thiên (Deva).
Nhưng trong thế giới Phạm thiên (Brahma) hay sắc giới (Rūpāvacara Loka), có ba vật không tồn tại. Chúng là tỷ vật, thiệt vật và thân vật. Những ai thực hành thiền (Jhāna) phải tránh xa dục lạc. Những ai thực hành thiền (Jhāna) thật ra phải lạnh nhạt với dục lạc. Khi họ lạnh nhạt với dục lạc hay không thích thú trong dục lạc, thì họ sẽ không có sự thích thú trong những giác quan mà bắt những dục lạc đó làm cảnh. Thông thường thì chúng ta nói rằng họ không thích thú vào bất cứ dục lạc nào. Nhưng điều này không phải như vậy. Họ không thích thú vào tỷ thức, thiệt thức và thân thức vì chúng kéo dài hay duy trì sự phát triển của tham (Lobha), sân (Dosa) và si (Moha), tức là những phiền não. Họ vẫn thích thú vào việc nhìn, vào việc nghe vì với mắt, họ có thể thấy Đức Phật và với tai, họ có thể nghe Giáo pháp. Để được nhìn thấy Đức Phật và nghe Giáo pháp, họ vẫn còn mắt và tai nguyên vẹn. Khi họ tái sanh làm Phạm thiên (Brahma), ba sắc thần kinh (tỷ, thiệt và thân) kia không được sinh ra. Tức là họ tái sanh mà không có ba sắc thần kinh này. Điều này không có nghĩa là những Phạm thiên (Brahma) không có mũi, lưỡi và thân. Họ vẫn có mũi, lưỡi và thân, nhưng họ không có những thần kinh đó. Vì vậy, họ không trải nghiệm mùi. Họ không trải nghiệm vị. Họ không trải nghiệm sự đụng chạm. Họ có thân xác tương tự như loài người. Cho nên, họ có mũi. Họ có lưỡi; vì nếu không, thì họ không thể nói được. Họ có xác thân. Nhưng vì họ thiếu thần kinh nhạy cảm trong những giác quan này, họ không có cảm giác về mùi, vị và đụng chạm. Ba giác quan này không tồn tại trong những Phạm thiên (Brahma). Đó là những Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma).
Những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma) thì sao? Họ không có vật nào cả. Đó là vì họ là những chúng sanh chán ghét tất cả mọi sắc pháp (Rūpa) và những cái gì có liên quan đến sắc pháp (Rūpa). Cho nên, khi họ tái sanh, họ tái sanh chỉ với tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika). Do đó, sắc pháp (Rūpa) không sanh lên tại thời điểm tục sinh và trong suốt đời sống của họ. Không có vật nào trong sáu vật được tìm thấy trong những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma). Trong những cõi dục giới (Kāmāvacara Loka), tất cả sáu vật có thể được tìm thấy. Trong những cõi của những Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma), nhãn vật, nhĩ vật và ý vật được tìm thấy. Chỉ có ba vật được tìm thấy ở đó. Nhưng trong những cõi của những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma), thì không có vật nào được tìm thấy.
Trong những chúng sanh dục giới (Kāmāvacara), đôi lúc không phải tất cả sáu vật luôn được trọn vẹn. Những người mù bẩm sinh, những người điếc bẩm sinh có lẽ là bị khiếm khuyết về nhãn vật hay nhĩ vật và vân vân. Những người này có thể khác. Nhưng thông thường, một chúng sanh trong cõi dục giới (Kāmāvacara) thì sẽ có tất cả sáu vật.
Sáu vật này làm chỗ nương tựa vật chất cho tâm sanh lên. Những tâm khác nhau phụ thuộc vào những vật khác nhau. Bây giờ, vật thứ sáu được gọi là ý vật (nơi nương tại trái tim). Ý vật thì luôn luôn khó một chút. Chúng ta sẽ nói nhiều về nó khi chúng ta đến chương thứ sáu. Thậm chí ngay trong chánh văn của tạng Thắng Pháp (Abhidhamma), trong bộ sách thứ bảy của Thắng Pháp (Abhidhamma) tức là bộ sách được xem là tối thắng nhất, Đức Phật cũng đã không nhắc đến từ “trái tim”1. Ngài đã nói:
“Cái vật chất mà phụ thuộc vào đó ý giới và ý thức giới xảy ra.”
Ngài đã sử dụng thành ngữ như vậy trong Giáo Lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna). Tức là phụ thuộc vào hay nương vào một vật chất nhất định, một sắc pháp nhất định nào đó, ý giới và ý thức giới sanh lên. Đức Phật không nói phụ thuộc vào ý vật (tại trái tim). Ngài chỉ nói phụ thuộc vào một sắc pháp nhất định. Thành ngữ “một loại sắc pháp nhất định” được các Sớ Giải sư giải thích là trái tim. Tôi nghĩ trong thời của Đức Phật, có lẽ giả thuyết cho rằng trái tim là nơi nương của tâm thức đã được chấp nhận mà không có tranh cãi. Cho nên, các Sớ Giải sư đã hiểu “một loại sắc pháp nhất định” là ý vật (tại trái tim).
Tôi cũng nghĩ, chắc phải có những nguyên nhân nào khác để họ lấy trái tim là nơi nương cho tâm thức. Khi các bạn tức giận, tim các bạn đập mạnh. Khi các bạn buồn, các bạn cảm thấy cái gì đó nặng nề ở tim. Điều đó có thể được gây ra do tâm trí ảnh hưởng nơi nương của nó. Cho nên, trái tim được suy giải là một loại sắc pháp nhất định.
Trong ngôn ngữ thường dùng hằng ngày, từ “trái tim” cũng hay được dùng để chỉ cho tâm hồn. Ví dụ chúng ta hay nói, người có trái tim nhân hậu. Trong những thời điểm đó, có sự kết nối giữa trái tim và tâm thức. Nhưng ngày nay, có những giảng sư cho rằng, vì Đức Phật không nói một cách rõ ràng rằng tâm thức phụ thuộc vào trái tim, cho nên chúng ta phải lấy bộ não làm nơi nương tựa mang tính vật chất của tâm thức. Đây là một vấn đề chưa ngã ngũ. Chúng ta không thể đi đến một kết luận rõ ràng.
Chúng ta hãy chấp nhận rằng có sáu vật, tức là sáu nơi nương cho tâm thức: nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật và ý vật. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm xem tâm nào phụ thuộc vào vật nào. Điều này không khó lắm đâu. Các bạn có thể nhìn vào bảng nêu (xem CMA, III, Table 3.8, p.147). Những tâm nào phụ thuộc vào ý vật? Các bạn đã biết điều này. Hai nhãn thức phụ thuộc vào nhãn vật. Hai nhĩ thức phụ thuộc vào nhĩ vật. Hai tỷ thức phụ thuộc vào tỷ vật. Hai thiệt thức phụ thuộc vào thiệt vật. Hai thân thức phụ thuộc vào thân vật. Cho đến bây giờ thì mọi điều là rất dễ.
Bây giờ, chúng ta nói đến ý vật. Một vài tâm (Citta) sanh lên luôn luôn phụ thuộc vào ý vật. Những tâm (Citta) khác sanh lên đôi lúc phụ thuộc vào ý vật (xem CMA, III, Table 3.8, p.147). Có những tâm (Citta) luôn luôn sanh lên với ý vật. Chúng ta tìm thấy những tâm nào? Chúng ta tìm thấy hai tâm sân (Dosamūla Citta). Hai tâm sân (Dosamūla Citta) sanh lên luôn luôn phụ thuộc vào ý vật. Tại sao? Nếu các bạn nhìn vào tất cả những tâm này (Có tất cả 33 tâm.), không có tâm nào sanh lên trong vô sắc giới (Arūpāvacara) cả. Những tâm không sanh lên trong vô sắc giới (Arūpāvacara) thì luôn luôn phụ thuộc vào ý vật. Cho nên, chúng ta phải tìm xem tại sao những tâm này không sanh lên trong vô sắc giới (Arūpāvacara). Hai tâm sân (Dosamūla Citta) không sanh lên trong vô sắc giới (Arūpāvacara). Sân (Dosa) là một triền cái nhất định. Để chứng đắc thiền (Jhāna), thậm chí là thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna), hành giả phải chế ngự năm triền cái mà trong đó có sân (Dosa). Đó là lý do tại sao thậm chí trong sắc giới (Rūpāvacara), hai tâm này cũng không sanh lên. Điều này không phải vì những Phạm thiên (Brahma) này đã đoạn diệt hoàn toàn hai tâm (Citta) này, nhưng vì các vị đó tái sanh làm Phạm thiên (Brahma) và bằng năng lực của thiền (Jhāna), hai tâm (Citta) này không sanh lên trong các vị đó nữa trong thời gian các vị đó trú ngụ tại đó làm Phạm thiên (Brahma). Nếu chết đi và tái sanh làm Thiên nhân (Deva) hay nhân loại, thì các vị đó có thể có những tâm sân (Dosamūla Citta) trở lại. Miễn là vẫn còn là Phạm thiên (Brahma), thì hai tâm (Citta) này sẽ không sanh lên trong các vị đó. Thậm chí trong tâm trí của những Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma), hai tâm (Citta) này cũng không sanh lên, huống gì là trong tâm trí của những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma). Vì hai tâm sân (Dosamūla Citta) không sanh lên trong tâm trí của những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma), cho nên chúng luôn luôn phải phụ thuộc vào ý vật.
Những tâm tiếp theo là gì? Những tâm tiếp theo là ba ý giới – tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) và hai tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana). Chúng sanh lên tại môn nào? Chúng sanh lên tại nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn. Chúng sanh lên tại năm môn này. Năm môn này là năm sắc pháp (Rūpa). Không có những sắc pháp (Rūpa) trong vô sắc giới (Arūpāvacara). Cho nên, chúng không sanh lên tại đó.
Còn tâm quan sát thì sao? Tâm quan sát có những chức năng khác nhau. Khi những tâm (Citta) này làm chức năng quan sát, chúng sanh lên tại năm môn. Khi chúng làm chức năng na cảnh (Tadārammaṇa), thì chúng cần đối tượng dục giới (Kāmāvacara), những đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana) và cảnh giới dục giới (Kāmāvacara). Cho nên, vô sắc (Arūpāvacara) thì không phải là dục giới (Kāmāvacara). Khi hai tâm quan sát thọ xả (Upekkhā Santīraṇa) làm những chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti), chúng chỉ sanh lên trong những cảnh giới dục giới (Kāmāvacara). Như vậy, chúng không sanh lên trong những cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara). Cho nên, chúng luôn luôn phụ thuộc vào ý vật.
Rồi tâm tiếu sinh thì rất dễ hiểu. Nếu các bạn không có sắc pháp (Rūpa), thì các bạn không thể cười được. Cho nên, những vị Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma) không thể cười.
Rồi tám tâm quả dục giới (Kāmāvacara Vipāka Citta) có những chức năng na cảnh (Tadārammaṇa), tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti). Khi chúng làm chức năng tục sinh (Paṭisandhi), hộ kiếp (Bhavaṅga) và tử (Cuti), chúng chỉ sanh lên trong những cõi dục giới (Kāmāvacara). Và cũng vậy, nếu chúng làm chức năng na cảnh (Tadārammaṇa), chúng sẽ chỉ sanh lên trong những cõi dục giới (Kāmāvacara). Các bạn sẽ tìm hiểu nhiều hơn về điều này trong chương tiếp theo. Có ba điều kiện để tâm na cảnh (Tadārammaṇa) sanh lên. Tức là phải có đổng lực dục giới (Kāmāvacara Javana), đối tượng dục giới (Kāmāvacara) và nó phải ở trong cảnh giới dục giới (Kāmāvacara).
Mười lăm tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) bắt những ấn tướng Kasiṇa và những cái đối tượng khác làm cảnh. Chúng bắt những khái niệm làm cảnh, nhưng những khái niệm này được kết nối với sắc pháp (Rūpa). Những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma) chán ghét sắc pháp (Rūpa). Khi họ chán ghét sắc pháp (Rūpa), họ cũng chán ghét những thứ kết nối với hay liên quan đến sắc pháp (Rūpa). Cho nên, họ cũng không muốn những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta). Những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) không thể sanh lên trong cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara). Sau khi các bạn tái sanh làm Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma), các bạn không thể nhập vào thiền (Jhāna) sắc giới thứ nhất, thiền (Jhāna) sắc giới thứ hai và vân vân. Cho nên, chúng luôn luôn phụ thuộc vào ý vật.
Tâm cuối cùng là tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti- magga Citta). Tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga Citta) không thể sanh lên trong cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara). Tại sao? Để trở thành Nhập Lưu (Sotāpanna), hành giả phải luôn luôn cần sự hướng dẫn từ một người khác: từ Đức Phật, từ một vị A-la-hán (Arahant) khác hay từ một vị thầy. Nếu không nhận được sự hướng dẫn, hành giả sẽ không biết hành thiền như thế nào. Rồi hành giả sẽ không trở thành Nhập Lưu (Sotāpanna). Để trở thành Nhập Lưu (Sotāpanna), hành giả luôn luôn cần một vị thầy; hành giả luôn luôn cần nghe lời chỉ dẫn từ một người thầy, từ một vị Phật hay A- la-hán (Arahant). Những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma) không có tai. Cho nên, các vị đó không thể nghe. Vì không thể nghe lời hướng dẫn, cho nên, nếu các vị đó sanh làm phàm nhân (Puthujjana) ở đó, thì họ sẽ không trở nên giác ngộ trong những cảnh giới đó.
Còn những vị Phật Toàn Giác và những vị Phật Độc Giác (Pacceka) thì sao? Các Ngài có cần nghe một cái gì đó từ một người nào khác không? Không. Đúng là những vị Phật Toàn Giác và những vị Phật Độc Giác (Pacceka) không cần nghe cái gì cả từ một người nào khác, nhưng các Ngài chỉ sanh lên trong cõi nhân loại. Chỉ có nhân loại mới có thể trở thành Phật Toàn Giác và Phật Độc Giác (Pacceka). Những Thiên nhân (Deva) không thể trở thành Phật Toàn Giác và Phật Độc Giác (Pacceka). Những Phạm thiên (Brahma) không thể trở thành Phật Toàn Giác và Phật Độc Giác (Pacceka). Cho nên, tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga Citta) không thể sanh lên trong cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara).
Đó là lý do tại sao bốn cõi vô sắc (Arūpāvacara) được gọi là Akkhaṇa trong Pāḷi. Tức là một nơi không thích nghi hay không phù hợp. Nghĩa là nếu các bạn tái sanh làm Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma) và là một phàm nhân (Puthujjana), thì các bạn sẽ không trở thành một Thánh nhân (Ariya) ở đó. Những cảnh giới này được xem là không hay và không tốt để tái sanh vào.
33 tâm (Citta) này không thể sanh lên trong những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma). Chúng được nói là luôn luôn phụ thuộc vào ý vật. Khi nào chúng sanh lên, chúng phải lấy ý vật làm nơi nương của chúng.
Những tâm (Citta) khác mà đôi lúc lấy ý vật làm nơi nương thì có thể sanh lên trong những cõi vô sắc (Arūpāvacara) cũng như trong những cõi sắc giới (Rūpāvacara) và dục giới (Kāmāvacara). Chúng được gọi là đôi lúc phụ thuộc vào ý vật. Tức là khi chúng sanh lên trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) và sắc giới (Rūpāvacara), thì chúng sẽ phụ thuộc vào ý vật. Khi chúng sanh lên trong những cõi vô sắc (Arūpāvacara), chúng sẽ không phụ thuộc vào ý vật. Có tất cả 42 tâm đôi lúc phụ thuộc vào ý vật. Chúng là những tâm tham (Lobhamūla Citta), tâm si (Mohamūla Citta), hướng ý môn (Manodvārāvajjana), thiện dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Kusala), duy tác dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Kiriya), thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala), duy tác vô sắc (Arūpāvacara Kiriya) và những tâm (Citta) Siêu thế ngoại trừ tâm Nhập Lưu Đạo (Sotāpatti-magga). 42 tâm (Citta) này phụ thuộc vào ý vật khi chúng sanh lên trong những cõi dục giới (Kāmāvacara) và sắc giới (Rūpāvacara) và chúng không phụ thuộc vào ý vật khi chúng sanh lên trong những cõi vô sắc (Arūpāvacara).
Rồi nhóm cuối là không có vật. Những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) chỉ sanh lên trong những cảnh giới vô sắc (Arūpāvacara). Chúng không có vật nào cả. Những tâm thiện vô sắc (Arūpāvacara Kusala) và duy tác vô sắc (Arūpāvacara Kiriya) đôi lúc phụ thuộc vào ý vật khi chúng sanh lên trong nhân loại, những Thiên nhân (Deva) hay những Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma). Khi chúng sanh lên trong những Phạm thiên vô sắc (Arūpāvacara Brahma), thì chúng không phụ thuộc vào ý vật. Chỉ có bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) là không đi với vật nào cả đơn giản vì không có sắc pháp (Rūpa) nào.
Bây giờ các bạn đã biết những vật. Trong chương thứ nhất khi chúng ta học về những tâm vô nhân (Ahetuka Citta), tôi có giải thích cho các bạn là tại sao hai nhãn thức được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Các bạn có nhớ không? Nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức cũng được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Hai thân thức thì được đi kèm theo bởi thọ lạc (Sukha) hay thọ khổ (Dukkha). Tôi nghĩ tôi đã giải thích điều đó. Tôi có giải thích cho các bạn tại sao hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā), và tại sao hai tâm quan sát (Santīraṇa) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) và một tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) không? Tôi không nhớ. Tôi nghĩ là tôi chưa giải thích vì để hiểu được điều này, các bạn phải hiểu các vật.
Nếu các bạn nhớ tiến trình tâm thức, thì các bạn sẽ nhớ rằng trước hết có ba sát-na hữu phần (Bhavaṅga). Ngay sau những sát-na hữu phần (Bhavaṅga), thì có tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) và rồi nhãn thức, tiếp thâu, quan sát, đoán định và những tâm đổng lực (Javana Citta). Những tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) nương tựa vào vật nào? Những tâm hữu phần (Bhavaṅga Citta) dựa vào ý vật. Hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) nương tựa vào vật nào? Hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) cũng dựa vào ý vật. Nhãn thức nương tựa vào vật nào? Nhãn thức dựa vào nhãn vật. Tâm tiếp thâu, tâm quan sát và vân vân nương tựa vào vật nào? Chúng dựa vào ý vật. Tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana Citta) và nhãn thức không phụ thuộc vào cùng một vật. Chúng phụ thuộc vào những vật khác nhau. Khi một tâm (Citta) phải hỗ trợ một tâm (Citta) khác, thì nó chỉ mạnh nếu nó hỗ trợ một tâm (Citta) khác nương vào cùng một vật. Nếu nó phải hỗ trợ một tâm (Citta) nương vào một vật khác, thì nó được gọi là yếu. Cho nên, sự bám vào cảnh của hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) là yếu. Vì nó yếu, nó không thể có thọ hỷ (Somanassa) hay thọ ưu (Domanassa), mà chỉ có thọ xả (Upekkhā). Ngay sau hữu phần (Bhavaṅga), nó xuất hiện trước tiên và phải bắt cảnh mới. Như vậy, có ba lý do tại sao hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Thứ nhất, nó phải sanh lên trước tiên. Khi các bạn đến một nơi nào đó đầu tiên, các bạn chưa có vững chắc. Rồi các bạn phải bắt một đối tượng mới. Cũng vậy, khi các bạn đến một nơi mới, thì các bạn không vững chắc. Rồi các bạn phải hỗ trợ một tâm (Citta) nương tựa vào một vật khác. Nó giống như hỗ trợ cho một người của một quốc gia khác hay cái gì đó tương tự như vậy. Vì ba nguyên nhân này, tâm hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) không thể được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Nó phải được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā).
Rồi sau hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) thì có nhãn thức (Cakkhu-viññāṇa). Nhãn thức (Cakkhu- viññāṇa) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Tôi đã giải thích điều này. Tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) nương vào ý vật. Nhãn thức nương vào nhãn vật. Chúng nương vào những vật khác nhau. Sự hỗ trợ của một người từ một người khác không cùng chủng tộc thì không được mạnh mẽ lắm. Cho nên, tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Nó không thể được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) hay thọ ưu (Domanassa). Nó không nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ vì tâm đi trước nó phụ thuộc vào một vật khác.
Còn tâm quan sát (Santīraṇa) thì sao? Nếu đối tượng là rất được khao khát, thì tâm quan sát (Santīraṇa) được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Nếu đối tượng là chỉ được khao khát một cách thông thường, thì nó được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Tâm quan sát (Santīraṇa) cũng phụ thuộc vào ý vật. Tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) cũng phụ thuộc vào ý vật. Cho nên, nó mạnh hơn một chút. Nó nhận sự hỗ trợ từ tâm tiếp thâu (Sampaṭicchana) vốn nương cùng một vật, cho nên nó mạnh hơn một chút. Khi nó là quả của bất thiện (Akusala), thì nó được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Khi nó là quả của thiện (Kusala), thì nó được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa) hay thọ xả (Upekkhā).
Tiếp theo, chúng ta có tâm đoán định (Voṭṭhabbana). Tâm đoán định (Voṭṭhabbana) là tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana). Khi nó là tâm hướng ý môn (Manodvārāvajjana), nó phải bắt cảnh trước tiên. Trong lộ ý môn, chúng ta có hướng ý môn (Manodvārāvajjana) thay vì hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana). Nó phải đến trước và bắt cảnh đầu tiên. Sau hướng ý môn (Manodvārāvajjana) là đổng lực (Javana). Mặc dầu chúng phụ thuộc vào cùng một vật, nhưng chúng thuộc vào những loại khác nhau. Hướng ý môn (Manodvārāvajjana) thuộc vào vô nhân (Ahetuka). Những đổng lực (Javana) thuộc vào thiện (Kusala), bất thiện (Akusala) và duy tác (Kiriya). Cho nên, nó hơi ngại khi hỗ trợ tâm đi theo sau thuộc một loại khác. Nó không cùng chủng loại. Cho nên, nó không được mạnh lắm. Nó cũng được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Cả hai hướng ý môn (Manodvārāvajjana) và hướng ngũ môn (Pañcadvārāvajjana) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Để hiểu những lời giải thích này, các bạn cần phải hiểu những vật.
Trong cuốn CMA trên trang 148:
“Chúng ta phải biết rằng trong dục giới, bảy giới phụ thuộc vào sáu vật, …” (CMA, III, §22, p.148)
Những tâm (Citta) được chia thành những giới: nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới và ý thức giới. Hơi lạ là chúng ta có ý giới và ý thức giới, nhưng đó là cách chúng được gọi tên. Cho nên, có bảy giới, trong Pāḷi được gọi là Viññāṇa- dhātu. Những từ này thường được sử dụng, cho nên quen thuộc với chúng thì tốt. Hai nhãn thức được gọi là nhãn thức giới. Tương tự cho nhĩ, tỷ, thiệt và thân. Chúng ta biết rằng có ba tâm trong ý giới. 76 tâm còn lại được gọi chung là ý thức giới. Thuật ngữ Pāḷi là Cakkhu-viññāṇa- dhātu, Sota-viññāṇa-dhātu, Ghāna-viññāṇa-dhātu, Jivhā-viññāṇa-dhātu, Kāya-viññāṇa-dhātu, Mano- dhādu, và Mano-viññāṇa-dhātu. Bảy giới này phụ thuộc vào sáu vật. Đây chỉ là một câu phát biểu chung. Ý muốn nói rằng tất cả các tâm phụ thuộc vào sáu vật.
“… trong sắc giới, bốn (giới) phụ thuộc vào ba vật,
…” (CMA, III, §22, p.148)
Bốn giới phụ thuộc vào ba vật. Ba vật ở đây là gì? Các Phạm thiên (Brahma) có nhãn vật, nhĩ vật và ý vật. Bốn giới là gì? Bốn giới là nhãn thức giới, nhĩ thức giới, ý giới và ý thức giới. Trong sắc giới, bốn giới phụ thuộc vào ba vật.
“… trong vô sắc giới, chỉ một giới duy nhất không phụ thuộc vào cái gì cả.” (CMA, III, §22, p.148)
Một giới duy nhất là gì? Đó là ý thức giới. Và nó không phụ thuộc vào cái gì cả. Cho nên, không có vật nào.
“43 (tâm) sanh lên phụ thuộc vào một vật.” (CMA, III, §22. p.148)
Một vật có thể là nhãn vật, nhĩ vật và vân vân. 43 tâm là những tâm nào? 43 tâm là nhãn thức, nhĩ thức, vân vân và 33 tâm phụ thuộc vào ý vật.
“42 (tâm) sanh lên với một vật hay không với vật nào.” (CMA, III, §22, p.148)
Tức là 42 tâm đôi lúc sanh lên dựa vào ý vật (xem CMA, III, Table 3.8, p.147).
“Những tâm quả vô sắc sanh lên không dựa vào vật nào.” (CMA, III, §22, p.148)
Những tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka) thì không phụ thuộc vào vật nào.
Như vậy chúng ta đã kết thúc chương thứ ba. Chương thứ ba liên quan đến những thọ (Vedanā), nhân (Hetu), sự (Kicca), môn (Dvāra), cảnh (Ārammaṇa) và vật (Vatthu).
Sādhu! Sādhu! Sādhu!