Nội Dung Chính
Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I
Chương Một: Tâm Vô Sắc Giới (Arūpāvacara Citta)
Bây giờ chúng ta hãy học phần tiếp theo, “tâm vô sắc giới (Arūpāvacara Citta)”. Chúng ta vừa mới học xong về tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta). Hôm nay, chúng ta sẽ nghiên cứu những tâm vô sắc giới (Arūpāvacara Citta). Có mười hai tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta). Chúng được chia thành thiện (Kusala), quả (Vipāka) và duy tác (Kiriya). Mỗi nhóm có bốn tâm (Citta). Cho nên, tổng cộng có mười hai Arūpāvacara Citta, tức là mười hai tâm vô sắc giới.
Ý Nghĩa Của Từ “Arūpāvacara”
Nghĩa của Arūpāvacara là gì? Arūpāvacara có nghĩa là cái mà hầu như là di chuyển hay đi lang thang trong bốn cõi vô sắc giới, hay có nghĩa là cái thuộc về vô sắc giới. Bây giờ thì các bạn đã biết rằng có hai mươi cõi Phạm thiên (Brahma). Mười sáu cõi thuộc sắc giới và bốn cõi thuộc vô sắc giới. Bốn cõi vô sắc là những cõi mà chỉ có tâm thức mà thôi. Không có sắc pháp ở đó. Chúng sanh ở đó là vô sắc hay chỉ có tâm thức mà thôi. Khi một chúng sanh tái sanh vào đó, chúng sanh này chỉ có tâm thức, tức là chỉ có tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika) sanh lên ở đó mà không có bất kỳ sắc pháp nào cả – không thân thể, không mắt, không mũi và vân vân.
Tâm Thiện Vô Sắc (Arūpāvacara Kusala Citta)
Để được tái sanh vào những cõi vô sắc, hành giả phải chứng đắc một trong bốn tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna). Hành giả phải làm thế nào để chứng đắc những tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna)? Để chứng đắc những tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna), hành giả đã phải có năm tầng thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna), tức là hành giả phải có khả năng nhập vào chúng. Hành giả phải rất thuần thục với năm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) này. Dựa trên năm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) này, mà đặc biệt là thiền (Jhāna) thứ năm, hành giả sẽ đi tiếp sâu vào những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna).
Những thiền (Jhāna) này là hiệp thế. Cho nên, chúng có thể được chứng đạt thậm chí vào thời không có những vị Phật. Chúng có thể được chứng đạt bởi những người không phải là Phật tử. Theo kinh sách thì nhiều người theo Hindu giáo và những người không phải là Phật tử có chứng đạt những thiền (Jhāna) này.
Có những người nhận thấy rằng xác thân này là không hoàn hảo. Họ nghĩ rằng chúng ta đau khổ vì chúng ta có xác thân này. Bởi vì có xác thân này, chúng ta có nhiều tật, bịnh, đau, nhức và vân vân. Và cũng vì xác thân này, chúng ta tranh cãi lẫn nhau do chúng ta làm đau khổ lẫn nhau và vân vân. Họ nghĩ rằng chúng ta có rất nhiều đau khổ bởi vì chúng ta có xác thân này. Nếu chúng ta có thể tồn tại mà không có xác thân này, chúng ta sẽ hạnh phúc rất nhiều. Cho nên, họ tìm thấy sự không hoàn hảo với xác thân này và với vật chất. Họ cố gắng loại bỏ hay từ bỏ xác thân này hay những thứ thuộc về vật chất.
Để từ bỏ xác thân này hay những thứ thuộc về vật chất, điều trước tiên họ phải làm là lấy một vật thuộc về vật chất làm đề mục thiền định. Rồi thì họ thực hành thiền định. Đầu tiên hành giả phải thuần thục trong việc sử dụng năm tầng thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna). Rồi thì hành giả nhập vào thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) thứ năm và xuất ra khỏi thiền (Jhāna) này. Và rồi hành giả tập trung vào khoảng không gian mà được hình thành từ việc dời bỏ đi cái quang tướng Kasiṇa. Khi các bạn thực hành thiền Kasiṇa, đầu tiên các bạn nhìn vào cái đĩa. Các bạn cố gắng ghi nhớ nó. Và rồi các bạn giữ lại được hình ảnh đó trong tâm trí của các bạn. Hình ảnh đầu tiên được gọi là thủ tướng. Và rồi các bạn chú tâm vào thủ tướng này nhiều lần cho đến khi nó trở nên vi tế hơn. Khi nó trở nên vi tế, nó không có dấu vết gì cả. Đây được gọi là quang tướng. Những ấn tướng này thật ra không phải là sự thật chân đế. Chúng là những khái niệm bởi vì chúng chỉ có trong trí nhớ và tâm trí của các bạn. Một người mà không thích vật chất hay những thứ mang tính vật chất cũng không thích những thứ mà giống vật chất hay giống những thứ mang tính chất vật chất. Cái đĩa Kasiṇa thật là vật chất, một vật thật. Nhưng quang tướng thì không phải là một thứ thuộc về vật chất, mà chỉ là một khái niệm. Nhưng nó vẫn giống một đối tượng mang tính vật chất. Cho nên người đó bắt lấy đối tượng đó.
Ví dụ được đưa ra trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và cũng trong Aṭṭhasālinī là một người sợ ma. Người này cũng sẽ sợ bất cứ thứ gì giống ma. Ông ta có thể thấy một gốc cây vào ban đêm và nghĩ đó là ma. Cho nên, ông ta sẽ sợ nó. Đôi lúc, một người sợ rắn. Khi ông ta thấy một sợi dây thừng hay một vết nứt ở trên mặt đất, ông ta có thể nghĩ đó là một con rắn. Cho nên, ông ta sợ nó. Tương tự, một người không thích hoặc ghê tởm vật chất cũng theo cách như vậy. Ông ta không thích xác thân này. Khi ông ta không thích xác thân này, ông ta cũng không thích bất cứ cái gì giống xác thân này hay một vật thuộc về vật chất. Cho nên, ông ta cố gắng tách bỏ cái khái niệm đó khỏi tâm trí của mình. Để tách bỏ nó, trước hết ông ta phải làm hiển lộ ấn tướng này trong tâm trí của mình. Ông ta phải tập trung vào quang tướng này. Và rồi ông ta ngưng chú tâm vào ấn tướng này và chú tâm vào cái khoảng trống bị che phủ hay che lấp bởi ấn tướng này. Khi ông ta ngừng chú ý vào chính ấn tướng đó, ấn tướng đó biến mất. Trong vị trí của ấn tướng đó bây giờ chỉ còn lại một khoảng trống. Khoảng trống đó được gọi là khoảng không gian được hình thành từ việc dời bỏ đi cái quang tướng Kasiṇa. Khi hành giả tách bỏ ấn tướng Kasiṇa, ông ta không tách bỏ nó như là một người dời đi một cái chiếu hay lấy cái bánh khỏi cái chảo. Ông ta chỉ đơn giản không chú ý đến đối tượng đó, đến ấn tướng đó. Khi ông ta không chú ý đến nó, nó biến mất khỏi tâm trí của ông ta. Trong vị trí của nó, chỉ còn một khoảng trống. Khoảng không gian trống này trở thành đối tượng hay đề mục thiền của ông ta. Ông ta chú tâm vào và quán sát cái không gian này và niệm, “không gian vô tận, không gian vô tận, không gian vô tận.”
Ông ta có thể trải rộng khoảng không gian này trong tâm trí của mình, trải rộng nó ra bằng tâm trí tùy theo ý muốn của ông ta. Ông ta có thể trải rộng nó ra bằng cả một thế giới. Ông ta có thể trải rộng nó ra bằng một sân bóng đá hay bằng một tấm chiếu. Và rồi sau đó, ông ta chú tâm vào nó và niệm, “không gian vô tận, không gian vô tận, không gian vô tận.” Cái không gian đó được gọi là vô tận hay không giới hạn. Cái không gian này sanh ra do việc từ bỏ ấn tướng Kasiṇa. Cho nên, chúng ta có thể nghĩ rằng nó là có giới hạn. Nhưng hành giả phải quán niệm rằng “không gian vô tận, không gian vô tận hay không gian không giới hạn, không gian không giới hạn.” Ở đây, “không giới hạn” không có nghĩa là nó không có ranh giới hay cái gì đó tương tự như vậy. Nguyên nhân ở đây là vì nó là một khái niệm, bởi vì nó không phải là một sự thật chân đế, nó không có khởi đầu.
Cho nên nó không có kết thúc. Đó là lý do tại sao nó được gọi là không có giới hạn hay không có ranh giới hay vô tận. Nó là vô tận trong ý nghĩa là nó không có khởi sanh và không có sự biến mất. Những khái niệm không có khởi sanh và không có biến mất. Chúng xuất hiện trong tâm trí của chúng ta; cho nên, chúng ta không thể nói là chúng sanh lên tại lúc này và chúng biến mất tại lúc khác. Bởi vì cái khoảng không gian đạt được bằng sự loại bỏ đi của cái Kasiṇa chỉ là một vật mang tính chất khái niệm, nó không có sự khởi đầu và không có sự kết thúc. Cho nên, nó được gọi là vô tận. Nó không có điểm đầu và điểm cuối. Hành giả quán tưởng trên đối tượng này nhiều lần. Khi hành giả chú ý vào và quán tưởng trên đối tượng đó, những triền cái của hành giả trở nên đè nén và giảm nhẹ. Tâm trí của hành giả trở nên kiên định trở lại. Hành giả bám lấy đối tượng nhiều lần. Cuối cùng tâm vô sắc giới (Arūpāvacara) đầu tiên được sanh lên.
Khi tâm vô sắc giới (Arūpāvacara) thứ nhất sanh lên, hành giả được gọi là đã chứng đạt được thiền vô sắc giới (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất này lấy hình ảnh mang tính khái niệm đó, tức là khoảng không đó làm đối tượng. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Ākāsānañcāyatana trong Pāḷi. Tôi e rằng cái bạn phải ghi nhớ những cái tên này. Những sự chuyển dịch thì dài hơn những tên Pāḷi. “Ākāsa” có nghĩa là bầu trời hay không gian. “Ānañca” ở đây có nghĩa là không chấm dứt, không có sự kết thúc hay vô hạn. Chúng ta sẽ nói đến từ “Āyatana” sau. Cho nên, nó được gọi là Ākāsānañcāyatana. Nghĩa của nó là thiền (Jhāna) mà có không gian vô tận làm đề mục.
Trong bản dịch Path of Purification1 và trong cuốn cẩm nang này (xem CMA, I, Guide to §22, p.60), từ “xứ” được dùng đến. Tôi nghĩ nó không được chuẩn lắm. “Tâm thiện mà liên quan đến cái xứ không gian vô tận” được sử dụng. Các bạn phải hiểu từ “Āyatana” ở đây. Tầng thiền này là Ākāsānañcāyatana. Cái từ “Āyatana” được chuyển nghĩa là “xứ”, nhưng ở đây “xứ” thật ra chỉ đơn giản có nghĩa là đối tượng hay đề mục. Tức là cái tâm này có không gian vô tận làm đối tượng hay đề mục. Cho nên thay vì dùng xứ, tôi nghĩ chúng ta nên dùng đối tượng hay đề mục. Xứ có thể mang nghĩa một thứ khác.
Đây là tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. Với tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) này, có bao nhiêu chi thiền sanh lên? Chỉ có hai chi thiền sanh lên, đó là xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā). Những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) có cùng hai yếu tố của thiền (Jhāna) như thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) thứ năm có. Chúng có cùng một số các chi thiền.
Sau khi chứng đạt Không Vô Biên Xứ thiền (Ākāsānañcāyatana Jhāna), hành giả muốn bước lên tầng thiền (Jhāna) thứ hai, tức là Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana). Hành giả nghĩ rằng Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana) thì gần với những thứ mang tính vật chất. Nó không có vi tế, không có cao thượng như thiền (Jhāna) thứ hai, tức là Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana). Do nghĩ như vậy, hành giả mất đi sự yêu thích trong Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana). Hành giả trở nên mất hứng thú với tâm này. Hành giả muốn có được tâm cao thượng hơn. Để chứng đạt thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai, hành giả phải lấy tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất làm đề mục thiền của mình. Sau khi nhập vào thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất, hành giả xuất ra từ thiền (Jhāna) đó và lấy tâm thiền (Jhāna) đó làm đề mục thiền của mình, và niệm rằng “thức vô tận, thức vô tận.” Ở đây, vô tận có nghĩa là cái tâm mà bắt đối tượng là vô tận. Cho nên nó được gọi là thức vô tận. Và khi hành giả quán tưởng trên cái tâm này, hành giả phải bắt toàn bộ cái tâm, không phải chỉ một phần của nó. Không nên có giới hạn nào đối với đối tượng này. Đó là lý do tại sao hành giả quán tưởng trên cái tâm này là “thức vô tận, thức vô tận.” Nó là cái tâm mà bắt cái không gian vô tận làm cảnh và cũng nên được quán tưởng một cách vô tận. Cho nên hành giả quán tưởng là “thức, thức” hay “thức vô tận, thức vô tận”, và rồi những triền cái được đè nén. Tâm của hành giả trở nên tập trung và rồi tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ hai sanh lên trong hành giả.
Tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ hai này được gọi là Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana). “Viññāṇa” có nghĩa là tâm thức. “Ānañca” có nghĩa là vô tận. “Viññāṇa” ở đây có nghĩa là tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất, chứ không phải tâm thức nói chung. Hành giả lấy tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất này làm đối tượng. Khi thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai sanh lên, tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai này lấy tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất làm đối tượng. Đó là lý do tại sao thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai được gọi là Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana). “Viññāṇa” ở đây có nghĩa là tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. “Āyatana” ở đây có nghĩa là đối tượng hay xứ, nhưng được lấy theo nghĩa đối tượng.
Và rồi hành giả nghĩ rằng Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana) thì gần với Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana) tức là cũng gần với những đối tượng vật chất. Vô Sở Hữu Xứ (Ākiñcaññāyatana) thì tốt hơn. Cho nên, hành giả cố gắng chứng đắc Vô Sở Hữu Xứ (Ākiñcaññāyatana), tức là tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba. Lúc này, hành giả lấy sự vắng mặt hay là sự trống vắng của tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất làm đối tượng. Khi hành giả chứng đắc tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ hai, tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất đã biến mất. Hành giả lấy sự biến mất này, sự trống không này, sự vắng mặt của tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất này làm đối tượng hành thiền của mình. Khi thực hành thiền, hành giả niệm: “Chẳng có cái gì cả, chẳng có cái gì cả.” Trong Pāḷi, nó là “Natthi kiñci, natthi kiñci.” Hành giả thực tập theo cách này. Sự trống không là một khái niệm, không phải là một sự thật chân đế. Sự thật chân đế là tâm. Cái mà hành giả quán tưởng không phải là tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất, mà là sự vắng mặt của tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất. Nó không còn đó nữa. Hành giả lấy cái trống không đó, cái trống vắng đó làm đề mục hành thiền của mình.
Ví dụ, chúng ta nói, có một cái lọ và nó bị che phủ bởi một cái gì đó. Nếu cái bao dùng che phủ bị dời đi, ông ta thấy sự trống vắng tại đó. Nó giống như vậy đấy. Có nhiều người đang tập trung tại đây. Một người khác đến, thấy rất nhiều người ở đây và rồi đi một nơi nào khác. Sau khi lớp học tan, ông ta quay trở lại. Và rồi ông ta chẳng thấy ai cả. Ông ta chỉ thấy một phòng trống. Nó giống như vậy đấy. Hành giả thấy sự vắng mặt của tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. Đó là cái tâm của sự trống không. Hành giả lấy cái khái niệm trống không đó làm đối tượng. Hành giả thực tập thiền, quán tưởng rằng “không có gì cả, không có gì cả, không có gì cả.” Rồi thì những triền cái lắng dịu xuống. Tâm trí trở nên tập trung trở lại. Và kết quả của việc thực tập thiền của hành giả là tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba sanh lên. Tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba này được gọi là Vô Sở Hữu Xứ (Ākiñcaññāyatana). “Kiñca” có nghĩa một cái gì đó. “A” có nghĩa là không. Cho nên không có một cái gì đó, tức là sự vắng mặt. Āyatana ở đây là đối tượng như trước. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba này lấy cái gì làm đối tượng? Nó lấy sự trống không của tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất làm đối tượng. Đây là Vô Sở Hữu Xứ (Ākiñcaññāyatana).
Một lần nữa, hành giả lại muốn chứng đạt tầng thiền (Jhāna) cao hơn. Khi hành giả thực hành thiền để đạt đến thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư, hành giả lấy tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba làm đối tượng. Hành giả nhập vào thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba và rồi xuất ra khỏi thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) này. Hành giả lấy tâm của thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba này làm đề mục thiền của mình. Hành giả quán tưởng trên tâm này và niệm rằng: “Đây là an bình, đây là tốt đẹp.” Đây là an bình, đây là tốt đẹp vì nó có thể lấy sự trống không làm đối tượng. Thật sự rất khó để lấy sự trống không làm đối tượng. Tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba này rất cao cấp và vi tế; nó thậm chí có thể lấy sự trống không làm đối tượng. Nó rất là an bình, nó rất là tốt đẹp. Nó rất là cao thượng. Hành giả quán tưởng như thế này về tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba. Một lần nữa tâm hành giả trở nên tập trung. Những triền cái được đè nén. Và rồi tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ tư sanh lên trong hành giả.
Hành giả đạt đến thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư này được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana). Đây là một cái tên khá dài. Tất cả những tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) có tên khá dài và những sự chuyển ngữ càng dài hơn. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana). “Neva” có nghĩa là không. “Saññā” có nghĩa là tưởng. Saññā là một trong những tâm sở (Cetasika). “Nāsaññā” không có nghĩa là Āsaññā. Các bạn hãy đọc sự chuyển ngữ của nó đi: “Thiền (Jhāna) với những tâm sở của nó; nó không đi với tưởng, cũng không đi với không tưởng (tức là sự vắng mặt của tưởng) và nó là một xứ.” Ở đây “Āyatana” không có nghĩa là đối tượng. Các bạn hãy chú ý điều này cẩn thận. Trong ba cái tên trước, “Āyatana” có nghĩa là đối tượng. Trong cái tên thứ tư này, Āyatana không có nghĩa là “đối tượng”. “Āyatana” ở đây có nghĩa là xứ. Có mười hai xứ được giảng dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Các bạn sẽ nghiên cứu về chúng trong chương thứ bảy. Thiền (Jhāna) này thì không đi với tưởng (Saññā) cũng không đi với vô tưởng (Āsaññā). Đây là một xứ. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana). Tâm là một trong những xứ. Tâm sở là một trong những xứ. Có nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và rồi sắc xứ, thinh xứ, khí xứ, vị xứ, xúc xứ. Hai xứ còn lại là ý xứ (hay là tâm xứ) và pháp xứ. Ở đây, Āyatana là với nghĩa xứ này. Nó là một xứ. Nó không có tưởng và không có vô tưởng.
Ở đây, tưởng không có nghĩa chỉ là tưởng. Tưởng ở đây đại diện cho tất cả những tâm sở, tức là tất cả những Cetasika. Chúng ta cũng có thể gọi nó là “phi thọ phi phi thọ (Nevavedanānāvedanā)” hay “phi xúc phi phi xúc (Nevaphassanāphassa)” và vân vân. Chúng ta có thể gọi nó như vậy nếu chúng ta muốn. Ở đây, tưởng (Saññā) được dùng. Tưởng (Saññā) không đại diện cho chỉ một tâm sở (Cetasika) cụ thể nào. Ở đây, tưởng (Saññā) đại diện cho tất cả những tâm sở (Cetasika). Thật ra, nó có nghĩa là hoạt động tinh thần.
Khi một người đạt đến thiền (Jhāna) này, hoạt động tinh thần trong thiền (Jhāna) này trở nên rất vi tế, rất tinh vi đến nỗi khó có thể gọi nó là hoạt động tinh thần. Nó rất là vi tế, hầu như là chẳng có gì cả. Mặc dầu rất là vi tế và hầu như là chẳng có gì, nó vẫn tồn tại cái chức năng của tưởng (Saññā), tức là chức năng của hoạt động tinh thần. Cho nên, nó không là tưởng (Saññā) và cũng không là vô tưởng. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññā). Có một cái gì đó rất là vi tế giống như một dấu vết của hoạt động tinh thần ở đó. Nó rất là vi tế đến nỗi hầu như nó chẳng có gì cả. Khi các bạn hỏi hành giả đó, “Có tưởng (Saññā) không?”, ông ta có thể trả lời, “Có” hay “Không.” Đó là lý do tại sao nó được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññā).
Có một ví dụ diễn tả điều này như sau. Các bạn có nhớ cái ví dụ đó không? Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññāyatana) – không có tưởng (Saññā); không có vô tưởng. Một tu sĩ và một sa-di đang trên đường du hành. Vị sa-di đi trước và thấy nước ở phía trước trên đường đi. Cho nên, vị sa-di bạch lại với vị tu sĩ, “Có nước ở phía trước ạ.” Khi nghe nói có nước, vị tu sĩ nói, “Hãy đưa cho ta cái y tắm. Ta muốn tắm.” Thì vị sa- di lại nói, “Bạch Ngài, không có nước đâu ạ.” Đầu tiên, vị sa-di nói là có nước bởi vì nước chỉ đủ để rửa chân. Và rồi vị sa-di lại nói là không có nước bởi vì nước không đủ để tắm. Cũng theo cách như vậy, có tưởng (Saññā) và không có tưởng. Chỉ có một dạng tưởng (Saññā) rất vi tế ở đây. Cho nên, nó được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññāyatana). Nó không thể được gọi là tưởng (Saññā) và cũng không thể được gọi là vô tưởng (Āsaññā). Cho nên, nó được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññā).
Có một ví dụ khác. Có một chút tàn dư của dầu trong bát của một tu sĩ. Cho nên vị tu sĩ nói, “Có dầu trong bát.” Rồi thì một tu sĩ khác nói, “Hãy cho tôi dầu đó đi. Tôi muốn dùng nó để bôi lên mũi của tôi.” Thì vị tu sĩ ban đầu lại nói, “Không có dầu trong bát đâu.” Tức là không đủ dầu để dùng làm thuốc xứt lên mũi, nhưng có một chút tàn dư nào đó trong bát. Cho nên, vị tu sĩ đã nói, “Có dầu và không có dầu.” Cũng theo cách đó, có tưởng (Saññā) và không có tưởng (Saññā).
Các Sớ Giải giải thích rằng tưởng (Saññā) ở đây vi tế đến nỗi nó không thể thực hiện chức năng của nó một cách đầy đủ. Có hai chức năng của tưởng (Saññā). Một là chỉ đơn giản nhận ra đối tượng, tức là chỉ điểm đối tượng. Hai là được dùng như là một đối tượng cho thiền quán (Vipassanā) để mà hành giả trở nên lãnh đạm đối với đối tượng. Điều này quan trọng hơn. Chức năng này là cái được gọi là chức năng đầy đủ của tưởng (Saññā). Khi các bạn thực hành thiền quán (Vipassanā), và nếu các bạn có tất cả những tầng thiền (Jhāna) này, thì các bạn có thể lấy chúng làm đề mục cho thiền quán (Vipassanā). Các bạn có thể quán tưởng chúng và cố gắng thấy được chúng là vô thường và vân vân. Tưởng (Saññā) và bất kỳ tâm sở nào ở đây rất là vi tế đến nỗi nó không thể được dùng làm đối tượng của thiền quán (Vipassanā). Điều này có nghĩa là các bạn không thể thực hành thiền quán (Vipassanā) với tầng thiền (Jhāna) này. Nếu các bạn lấy tưởng (Saññā) trong những tầng thiền (Jhāna) khác làm đối tượng trong thiền quán (Vipassanā) của các bạn, các bạn sẽ thật sự thấy nó là vô thường và vân vân. Các bạn sẽ trở nên lãnh đạm đối với nó. Nhưng ở đây rất là khó và hầu như là không thể nào lấy tưởng (Saññā) làm đối tượng được. Thậm chí Ngài Sāriputta cũng không thể lấy tưởng (Saññā) này làm đối tượng của thiền. Nhưng nếu các bạn có kinh nghiệm trong việc quán tưởng những tâm sở này khi hành thiền quán (Vipassanā), thì giống như Ngài Sāriputta, các bạn có thể lấy chúng làm đối tượng, không phải từng cái một mà là phải lấy tất cả. Tức có nghĩa là các bạn hành thiền trên toàn bộ tâm thiền (Jhāna) này cùng với những tâm sở của nó. Các bạn có thể lấy toàn bộ chúng và quán tưởng chúng là vô thường và vân vân. Thậm chí Ngài Sāriputta cũng không thể lấy những tâm sở này từng cái một và quán chúng từng cái một là vô thường và vân vân bằng thiền quán (Vipassanā). Cho nên, nó được nói là không có đủ chức năng của tưởng (Saññā). Nó hầu như là rỗng không. Nó hầu như là vắng mặt. Nhưng vẫn còn lại một hình thức của tưởng (Saññā) rất vi tế. Nếu không có tưởng (Saññā), thì không thể có một chút hoạt động tinh thần nào. Cho nên vẫn còn lại một hình thức của tưởng (Saññā) rất vi tế. Tưởng (Saññā) này được gọi là một chút tàn dư của pháp hữu vi. Nó có nghĩa là tưởng (Saññā) được tinh chiết lại nhiều lần. Nó trở thành vi tế trong thiền (Jhāna) này đến nỗi chúng ta nghi ngờ về sự tồn tại của nó ở đây, nhưng thực ra nó vẫn tồn tại. Thiền (Jhāna) này được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana).
Āyatana ở đây có nghĩa là xứ, chứ không phải là đối tượng. Nó là một xứ dành cho Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (Nevasaññānāsaññā). Hay nó có thể được chuyển ngữ là thiền (Jhāna) cùng với những tâm sở của nó mà có một tưởng xứ là không tưởng cũng không vô tưởng. Đây là cách giải thích dựa vào văn phạm của từ này. Cho dù được giải thích là gì đi chăng nữa thì nó cũng chỉ có nghĩa là một xứ; nó là một tầng thiền (Jhāna) mà không thể được gọi là có tưởng (Saññā) hay không có tưởng (Saññā). Hoạt động mang tính tinh thần thì có ở đây nhưng nó vi tế đến nỗi nó hầu như là không tồn tại. Đó là nghĩa của Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana).
Khi hành giả hành thiền để đạt đến thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư, hành giả lấy thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba làm đối tượng. Rồi hành giả hành thiền như thế nào, niệm cái gì? “Nó thì an bình; nó thì an bình. Nó thì tốt đẹp; nó thì tốt đẹp.” Nếu hành giả quán tưởng nó là an bình và tốt đẹp, thì làm sao hành giả có thể vượt qua nó? Nếu các bạn nói: “cái này an bình, cái này tốt đẹp”, có nghĩa là các bạn thích nó. Các bạn dính mắc vào nó. Các bạn không muốn buông bỏ nó bởi vì nó tốt đẹp. Vậy thì hành giả làm sao có thể vượt qua đối tượng này? Ví dụ được đưa ra ở đây là có một vị vua đang đi dạo chơi trên một con voi và thấy những nghệ nhân. Ví dụ, nhà vua thấy một nghệ nhân làm ngà voi. Người nghệ nhân này có thể đang chế tạo những vật dụng đẹp và tinh xảo. Khi thấy những vật dụng này, nhà vua có thể khen ngợi và nói rằng, “Nhà ngươi rất tài năng và kỹ xảo; nhà ngươi có thể chế tạo ra được những nghệ phẩm đẹp như vậy.” Mặc dầu khen ngợi những nghệ nhân làm sản phẩm bằng ngà voi này, nhưng nhà vua không muốn mình trở thành một người như vậy. Khen ngợi những nghệ nhân này, nhưng nhà vua dĩ nhiên không muốn rời bỏ ngai vàng của mình để trở thành một nghệ nhân như vậy. Cho nên, mặc dầu hành giả thực hành quán tưởng tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba này là “Nó là tốt đẹp, nó là tốt đẹp, nó là an bình, nó là an bình”, nhưng hành giả không muốn nó cho chính mình. Hành giả chỉ quán tưởng trên sự thật là, nó là an bình và tốt đẹp. Mặc dầu hành giả quán tưởng nó là an bình và tốt đẹp, nhưng hành giả không muốn nó. Đó là lý do tại sao hành giả có thể vượt qua đối tượng này.
Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai lấy tâm của thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất làm đối tượng. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư lấy tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba làm đối tượng.
Tôi đã nói rằng, mặc dầu những hành giả lấy những đối tượng này làm cảnh, nhưng họ không muốn chúng. Nếu họ muốn chúng, họ sẽ không vượt qua được những đối tượng này. Họ sẽ không chứng đạt được thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai hay thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư. Các bạn giải thích điều đó như thế nào?
Có nhiều ví dụ được đưa ra trong các Sớ Giải. Các bạn phục dịch một vị vua. Vị vua này có thể ác và làm điều mà các bạn không thích. Mặc dầu các bạn không thích vị vua này, nhưng các bạn vẫn phải phục dịch ông ta vì các bạn không có nghề sinh sống nào khác. Vì các bạn không có nghề sinh sống nào khác, các bạn phải chịu đựng, phải phục dịch và phải chú tâm đến ông ấy. Cũng như vậy, mặc dầu hành giả không thích và không muốn thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất và thứ ba, hành giả vẫn phải lấy chúng làm đối tượng bởi vì không còn đối tượng nào khác để bắt cả. Đó là lý do tại sao hành giả có thể vượt qua những đối tượng này và đạt đến những tầng thiền (Jhāna) cao hơn.
Đây là bốn tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna). Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất được gọi là Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana). Thiền (Jhāna) thứ hai được gọi là Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana). Thiền (Jhāna) thứ ba được gọi là Vô Sở Hữu Xứ (Ākiñcaññāyatana). Thiền (Jhāna) thứ tư được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana)1.
Các bạn thấy đó, để chứng đạt những tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna), các bạn phải vượt qua hay khắc phục đối tượng. Những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thì khác với những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna). Những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) phải khắc phục đối tượng. Điều đó có nghĩa là chúng phải làm một cái gì đó như là loại bỏ đối tượng, để đạt được thiền (Jhāna) cao hơn. Chúng không giống như những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna). Các bạn có thấy sự khác nhau giữa những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) và những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) không? Trong những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna), để đạt được tầng thiền (Jhāna) cao hơn, các bạn phải làm gì? Các bạn không từ bỏ đối tượng; các bạn từ bỏ chi thiền. Tức là, các bạn từ bỏ từng yếu tố để chứng đạt thiền (Jhāna) cao hơn. Nhưng trong thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna), thì chỉ có hai chi thiền. Các bạn không loại bỏ chúng. Ở đây, các bạn chứng đạt thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) bằng cách vượt qua hay loại bỏ đối tượng. Đó là sự khác nhau. Những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) là những thiền (Jhāna) loại bỏ yếu tố của thiền. Những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) là những thiền (Jhāna) khắc phục đối tượng. Đó là sự khác biệt. Sau này chúng ta sẽ tìm hiểu những đối tượng chúng bắt lấy và những đối tượng chúng vượt qua.
Tâm Quả Vô Sắc Giới (Arūpāvacara Vipāka Citta)
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với tâm quả (Vipāka). Những tâm quả (Vipāka Citta) thì giống y như những tâm (Citta) thiện. Cho nên chúng có cùng tên. Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana) và vân vân. Nếu các bạn chứng đạt thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất (tức là Ākāsānañcāyatana), và các bạn chết đi với tâm thiền (Jhāna) đó còn nguyên vẹn, thì các bạn sẽ tái sinh vào cõi của những Phạm thiên Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana Brahma). Ở đó, các bạn sẽ không có xác thân vật chất; chỉ có tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika) hoạt động ở đó. Tâm (Citta) đầu tiên sẽ sanh lên ở đó sẽ là tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) thứ nhất. Nếu các bạn chứng đạt thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai ở đây, thì khi các bạn tái sanh vào cõi vô sắc (Arūpāvacara) thứ hai, tâm đầu tiên của các bạn ở đó sẽ là tâm quả Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana Vipāka). Tương tự như vậy cho thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba và thứ tư. Bốn tâm quả vô sắc (Arūpāvacara Vipāka Citta) chỉ sanh lên trong cõi vô sắc. Chúng sẽ không sanh lên trong loài người, trong những Thiên nhân (Deva) và thậm chí trong những Phạm thiên sắc giới (Rūpāvacara Brahma). Chúng chỉ sanh lên trong những cõi vô sắc (Arūpāvacara).
Tâm Duy Tác Vô Sắc (Arūpāvacara Kiriya Citta)
Và rồi đến những tâm duy tác vô sắc (Arūpāvacara Kiriya Citta). Chỉ những vị A-la-hán (Arahant) mới có những tâm này. Sau khi trở thành một vị A-la-hán (Arahant), các bạn thực hành thiền trên những tầng thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna), thì những thiền chứng (Jhāna) của các bạn sẽ là duy tác (Kiriya). Các bạn sẽ có những tầng thiền (Jhāna) giống y đúc : Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana), Thức Vô Biên Xứ (Viññāṇañcāyatana), Vô Sở Hữu Xứ (Ākiñcaññāyatana) và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana).
Mười Hai Tâm Vô Sắc (Arūpāvacara Citta)
Có tất cả mười hai tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) : bốn thiện (Kusala), bốn quả (Vipāka), và bốn duy tác (Kiriya). Chúng kết hợp với cảm thọ gì? Chỉ với thọ xả (Upekkhā) bởi vì chỉ có hai chi thiền kết hợp với mười hai tâm (Citta) này. Chúng là xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā). Đó là lý do tại sao chúng được nói là thuộc vào thiền (Jhāna) thứ năm. Đôi lúc, chúng ta sẽ nói là có tất cả mười lăm tâm thiền (Jhāna Citta) thứ năm. Điều này có nghĩa là ba tâm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna Citta) thứ năm và mười hai tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna Citta). Sau này, các bạn sẽ học thêm rằng có thêm tám tâm trong số những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Như vậy, tất cả những tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Tất cả chúng cũng là hợp trí (Ñāṇa- sampayutta). Các bạn không thể chứng đạt những tầng thiền (Jhāna) mà không có trí tuệ hay sự hiểu biết. Cho nên, tất cả những tâm này được đi kèm theo bởi trí tuệ hay sự hiểu biết.
Liên quan đến những tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta), có hai nhóm đối tượng cần hiểu rõ. Ở đây có hai loại đối tượng : những đối tượng được tiếp nhận và những đối tượng được vượt qua (có nghĩa là những đối tượng bị từ bỏ)1 (xem CMA, I, Table 1.6, p.64)
Thiền (Jhāna) thứ nhất bắt đối tượng là cái không gian vô tận được hình thành sau khi dời đi ấn tướng Kasiṇa. Cho nên, thiền (Jhāna) thứ nhất lấy không gian vô tận làm đối tượng. Thiền (Jhāna) thứ hai lấy tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất làm đối tượng. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba lấy sự vắng mặt của thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất làm đối tượng. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư lấy tâm của thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba làm đối tượng. Đây là những đối tượng mà những tâm này bắt lấy.
Có bốn đối tượng mà bốn thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) này phải vượt qua. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất phải vượt qua quang tướng. Nếu hành giả dính mắc vào quang tướng này, hành giả không thể chứng đạt được thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất phải vượt qua quang tướng này, tức là cái hình ảnh của đối tượng Kasiṇa trong tâm. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai phải vượt qua hay từ bỏ không gian vô tận. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba phải từ bỏ hay vượt qua tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. Thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư phải vượt qua sự vắng mặt của tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất. Như vậy, trước hết các hành giả phải lấy những vật này làm đối tượng và rồi các hành giả phải từ bỏ hay vượt qua chúng. Họ phải lấy những thứ này làm đối tượng thiền của mình. Khi thiền của họ thành công và họ chứng đạt thiền (Jhāna), những đối tượng này không còn ở đó nữa. Những đối tượng này được vượt qua. Cho nên, có hai nhóm đối tượng liên quan đến bốn thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna). Có những đối tượng chúng bắt lấy và có những đối tượng chúng vượt qua.
Hôm nay, chúng ta đã kết thúc những tâm hiệp thế tức là những Lokiya Citta. Có bao nhiêu tâm hiệp thế? Có 54 tâm dục giới, mười lăm tâm sắc giới (Rūpāvacara) và mười hai tâm vô sắc (Arūpāvacara). Như vậy có bao nhiêu tâm hiệp thế (Lokiya Citta)? Có 81 tâm hiệp thế (Lokiya Citta).
Mười lăm tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) và mười hai tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta) được gọi chung là đáo đại (Mahaggata). Sau này, nếu chúng ta muốn đề cập chung đến 27 tâm này, chúng ta sẽ nói 27 tâm đáo đại (Mahaggata Citta). Mahaggata có nghĩa là trở thành vĩ đại, cao thượng hay cao cả (đáo đại). Như vậy, có 27 tâm đáo đại (Mahaggata Citta).
Cho nên, 54 tâm (Citta) dục giới và 27 tâm đáo đại (Mahaggata Citta) là 81 tâm hiệp thế hay Lokiya Citta.
Một Chút Thực Tập
Chúng ta hãy tập luyện một chút. Có bao nhiêu tâm hiệp thế (Lokiya Citta)? Có 81 tâm hiệp thế (Lokiya Citta). Chúng được chia rộng ra như thế nào? Chúng được chia ra thành tâm dục giới và tâm đáo đại (Mahaggata). Có bao nhiêu tâm dục giới? Có 54 tâm (Citta) dục giới. Có bao nhiêu tâm đáo đại (Mahaggata Citta)? Có 27 tâm đáo đại (Mahaggata Citta). 54 tâm dục giới (Kāmāvacara) được chia như thế nào? Có mười hai tâm bất thiện (Akusala Citta), mười tám tâm vô nhân (Ahetuka Citta), 24 tâm dục giới tịnh hảo. Mười lăm tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) được chia như thế nào? Chúng ta hãy chia theo thiền (Jhāna) thứ nhất, thiền (Jhāna) thứ hai, thiền (Jhāna) thứ ba và vân vân. Có ba tâm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna Citta) thứ nhất. Có ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ hai. Có ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ ba, ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ tư và ba tâm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna Citta) thứ năm. Đối với tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna), thì có ba tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất, tức là Không Vô Biên Xứ (Ākāsānañcāyatana). Có ba tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ hai; có ba tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba; có ba tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư. Đối với mười lăm tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta), bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa)? Có mười hai : ba thiền (Jhāna) thứ nhất, ba thiền (Jhāna) thứ hai, ba thiền (Jhāna) thứ ba và ba thiền (Jhāna) thứ tư. Bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā)? Có ba, tức là ba tâm thiền (Jhāna Citta) thứ năm được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Trong mười hai tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta), bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa)? Không có tâm nào được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā)? Tất cả mười hai tâm được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā). Trong 27 tâm đáo đại (Mahaggata Citta), bao nhiêu tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa)? Mười hai tâm được đi kèm theo bởi thọ hỷ (Somanassa). Bao nhiêu được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā)? Mười lăm tâm được đi kèm theo bởi thọ xả (Upekkhā) : ba tâm thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna Citta) và mười hai tâm vô sắc (Arūpāvacara Citta).
Những tâm này được gọi là những tâm (Citta) hiệp thế. Có nghĩa là chúng thuộc vào ba giới: dục giới (Kāmāvacara), sắc giới (Rūpāvacara) và vô sắc giới (Arūpāvacara). Sau này chúng ta sẽ vượt qua thế gian (Loka) để đến những tâm Siêu thế (Lokuttara Citta). Điều này sẽ đến sau. Hôm nay chúng ta đã hoàn thành 81 tâm hiệp thế. Các bạn hãy cố gắng làm quen với những cái tên gọi. Cố gắng nhớ những cái tên này. Những cái tên rất là quan trọng. Nếu các bạn không nhớ những cái tên, thì rất khó để nhận dạng chúng.
Có một bản nêu trong cuốn Cẩm Nang CMA này trên trang 64 (xem CMA, I, Table 1.6, p.64). Trong bản này, các bạn sẽ thấy: Tâm (Citta), Đối Tượng Trực Tiếp, Đối Tượng Được Vượt Qua. Số một là Không Vô Biên Xứ, tức là Ākāsānañcāyatana (Cuốn Cẩm Nang CMA này dùng ‘xứ’). Đối tượng trực tiếp nghĩa là đối tượng được bắt. Đó là khái niệm về không gian. Và rồi đối tượng được vượt qua là khái niệm của Kasiṇa, tức là ấn tướng Kasiṇa hay quang tướng.
Số hai là Thức Vô Biên Xứ, tức là tâm thiền (Jhāna Citta) thứ hai. Đối tượng trực tiếp là tâm của Không Vô Biên Xứ, tức là tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất. Đối tượng được vượt qua là khái niệm về không gian hay không gian vô tận. Chúng là như nhau.
Và rồi số ba là Vô Sở Hữu Xứ, tức là tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba. Đối tượng trực tiếp (được bắt) là khái niệm của sự không hiện hữu hay sự trống không. Đối tượng được vượt qua là tâm của Không Vô Biên Xứ, tức là tâm thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ nhất.
Số bốn là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Trong thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thứ tư này, đối tượng trực tiếp (được bắt) là tâm Vô Sở Hữu Xứ, tức là tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ ba. Đối tượng được vượt qua là khái niệm của sự không hiện hữu, tức là sự vắng mặt của tâm vô sắc (Arūpāvacara) thứ nhất. Sự vắng mặt không phải là một sự thật chân đế. Sự vắng mặt này hay sự trống không này là một khái niệm. Khi chúng ta nói sự vắng mặt, chúng ta phải hiểu rằng nó là một khái niệm. Trong Pāḷi, chúng ta nói, “Natthi Bhāva Paññatti.” Ở đây, nó được xem là khái niệm của sự không hiện hữu, tức là khái niệm của sự không tồn tại của tâm thiền (Jhāna) thứ nhất.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Vậy thì những vị A-la-hán (Arahant) hay những đệ tử của Đức Phật chứng đắc những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) thì sao nếu họ không có tà kiến như vậy về sắc phắp (Rūpa) và vân vân? Đặc biệt những vị đã giác ngộ thì không có tà kiến về sắc pháp (Rūpa), hay về việc cho rằng nếu chúng ta loại bỏ sắc pháp (Rūpa) thì chúng ta sẽ thật sự hạnh phúc.1 Thật ra những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) này thì cần thiết hay thiết yếu cho việc chứng đắc cái được gọi là Abhiññā, tức là thần thông, ví dụ như nhớ những kiếp sống quá khứ, thấy được những chúng sanh hay là có thiên nhãn, và thực hiện những điều kỳ diệu và vân vân. Những điều này được gọi là Abhiññā. Những thần thông (Abhiññā) này chỉ có thể đạt được nếu hành giả chứng đạt tất cả tám hay chín tầng thiền (Jhāna). Những đệ tử của Đức Phật bao gồm cả những vị A-la-hán (Arahant) cố gắng chứng đạt những tầng thiền (Jhāna) này bởi vì các Ngài muốn chúng làm cơ sở cho sự chứng đạt những thần thông (Abhiññā). Và thêm vào đó, tôi nghĩ chứng đạt những tầng thiền này giúp cho việc chứng đạt sự chấm dứt (tức là Diệt Thọ Tưởng Định) của những vị Bất Lai (Anāgāmī) và A-la-hán (Arahant). Các bạn sẽ hiểu về điều này sau. Diệt Thọ Tưởng có nghĩa là không có một chút hoạt động tinh thần nào trong một khoảng thời gian. Trong suốt thời gian này, các bạn giống như là một pho tượng. Hoạt động tinh thần của các bạn bị gián đoạn hay bị đình chỉ bao lâu tùy theo ý muốn của các bạn cho đến tận bảy ngày. Để nhập vào Diệt Thọ Tưởng, các bạn cũng phải cần tất cả chín tầng thiền (Jhāna). Kinh sách ghi lại rằng, khi các bạn ở trong Diệt Thọ Tưởng, nó giống như là Níp- bàn (Nibbāna). Thật ra là các bạn tạm thời không còn tồn tại. Cơ thể của các bạn hoạt động một cách độc lập với tâm trí và những hoạt động tinh thần của các bạn. Khi tâm thức tạm thời bị gián đoạn, họ trải nghiệm hạnh phúc hay sự an lạc một cách tột bực. Những vị Bất Lai (Anāgāmī) và A-la-hán (Arahant) muốn hưởng thụ cái hạnh phúc đó khi nhập vào Diệt Thọ Tưởng. Để có thể nhập vào Diệt Thọ Tưởng, họ phải cần tám hay chín tầng thiền (Jhāna); những tầng thiền (Jhāna) này là cơ sở cho những chứng đạt cao hơn này. Như vậy, họ thực hành và chứng đạt những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) không phải vì với quan điểm sai trái cho rằng, nếu không có xác thân thì họ sẽ thật sự hạnh phúc. Đây là câu hỏi rất hay.
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Những vị A-la-hán (Arahant) có thể nhập vào cái được gọi là sự chứng đắc Quả (Phala) – tức là Thiền Quả. Việc này tương tự với Diệt Thọ Tưởng. Khi ở trong Thiền Quả, tâm vẫn còn. Chừng nào có tâm, thì vẫn có sanh và diệt, đến và đi. Khi còn đến và đi, sanh và diệt, đó là biểu hiện của khổ (Dukkha). Khổ (Dukkha) có nghĩa là bị áp chế bởi sanh và diệt. Đó vẫn là một loại khổ mặc dầu tất cả chúng ta rất muốn có được cái khổ đó. Những vị A-la-hán (Arahant) vẫn còn khổ. Để được an vui hơn, các Ngài nhập vào Thiền Quả (Phala) hoặc là Diệt Thọ Tưởng Định. Ở trong đó, các Ngài không có cảm giác gì cả trong một thời gian. Đó là cái mà các Ngài gọi là hạnh phúc hay sự bình yên (Sukha).
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Đây là thiền chỉ (Samatha). Sự thực hành những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) và những thiền vô sắc (Arūpāvacara Jhāna) cũng sẽ được giải thích trong chương thứ chín. Chúng ta sẽ trở lại những tầng thiền (Jhāna) này trong chương đó. Tôi đã có ý đợi đến đó rồi sẽ giải thích, nhưng tôi không thể dấu những thông tin này. Cho nên, tôi đã đề cập đến một vài điều này ở đây. Tôi có thể sẽ lặp lại chúng khi chúng ta đến chương thứ chín. Nếu các bạn có thể và nếu các bạn có tài liệu “Path of Purification” (Thanh Tịnh Đạo), thì hãy đọc chương mười để hiểu thêm về thiền vô sắc (Arūpāvacara).