Nội Dung Chính
- Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I
- Chương Một: Tâm Sắc Giới (Rūpāvacara Citta)
- Năm Chi Thiền
- Năm Loại Hỷ (Pīti)
- Hai Loại Thiền (Jhāna)
- Tâm Quả Sắc Giới (Rūpāvacara Vipāka Citta)
- Tâm Duy Tác Sắc Giới (Rūpāvacara Kiriya Citta)
- Những Tầng Thiền (Jhāna) Trong Kinh Văn
- Phương Pháp Chia Bốn Và Phương Pháp Chia Năm
- Giải Thích Thêm Về Những Chi Thiền
Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I
Chương Một: Tâm Sắc Giới (Rūpāvacara Citta)
Hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu Rūpāvacara Citta, tức là tâm sắc giới. Tôi đã giới thiệu cho các bạn về việc thiền (Jhāna) được chứng đạt như thế nào và phải thực tập cái gì, và tôi cũng đã có nói về sự khác nhau giữa thiền (Jhāna), chi thiền và tâm thiền. Trong mười Kasiṇa, tôi nghĩ Kasiṇa màu sắc thì dễ chế tạo hơn. Cho nên nếu các bạn muốn thực hành thiền Kasiṇa, các bạn có thể thử một trong những Kasiṇa màu. Đây là một Kasiṇa màu trắng. Các bạn có thể tạo một cái đĩa có đường kính khoảng chín hay mười inch như thế này, nếu các bạn muốn thực hành thiền Kasiṇa. Đừng có đặt màu xanh, đỏ hay vàng xung quanh nó bởi vì có bốn màu tất cả: xanh, đỏ, vàng và trắng. Đây là một Kasiṇa màu trắng. Nó nên được làm giống như thế này. Nó không nên nhỏ hơn thế này. Nếu nhỏ hơn, các bạn khó có thể chú tâm vào đó.
Năm Chi Thiền
Bằng cách hành thiền Kasiṇa hay một đề mục nào khác để đưa đến chứng đạt thiền (Jhāna), hành giả (Yogi) sẽ có được tâm thiền. Những tâm thiền khác nhau được đi kèm theo bởi những tâm sở khác nhau. Năm trong số những tâm sở này là những chi thiền. Thiền (Jhāna) đầu tiên được đi kèm theo bởi năm chi thiền, tức là tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Tôi muốn các bạn biết các chi thiền này bằng tiếng Pāḷi. Chúng là những tâm sở, cho nên chúng ta sẽ nghiên cứu chúng lại trong chương thứ hai.
Vitakka là gì? Vitakka được dịch là tầm, có nghĩa là sự hướng tâm ban đầu đến đối tượng. Trong Kinh tạng, từ “Vitakka” được dùng với nghĩa ý nghĩ. Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), nó không chỉ có nghĩa là ý nghĩ, mà là một yếu tố tinh thần gắn tâm lên cảnh, đưa tâm tới cảnh hay hướng tâm đến cảnh. Yếu tố tinh thần này được gọi là Vitakka trong Thắng Pháp (Abhidhamma) như là một từ chuyên môn. Trong những bài kinh (Sutta), các bạn có thể tìm thấy Vitakka được dùng với ý nghĩa là ý nghĩ, chẳng hạn như trong Vitakkasaṇṭhāna Sutta (Làm Thế Nào Để Gạt Bỏ Đi Những Ý Nghĩ Mông Lung). Tầm (Vittakka) là một yếu tố tinh thần đưa tâm (Citta) hay ý đến cảnh. Không có tầm (Vitakka), tâm (Citta) khó mà bắt được cảnh. Nhiều tâm (Citta) cần tầm (Vittakka) để hướng chúng đến cảnh. Nhưng cũng có một vài tâm không cần tầm (Vitakka). Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này sau.
“Vicāra” có nghĩa là nghiên cứu hay suy ngẫm hay cái gì đó tương tự như vậy. Ở đây, Vicāra không có nghĩa như vậy. Đây là một từ chuyên môn của Thắng Pháp (Abhidhamma). Vicāra là một tâm sở được dịch là tứ. Trước hết, tầm (Vitakka) đưa tâm đến đối tượng. Rồi thì tứ (Vicāra) giữ tâm tại đó. Cho nên tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) là hai yếu tố tinh thần khác nhau liên quan đến việc đưa tâm đến đối tượng và giữ nó tại đó. Có vẻ như tầm (Vitakka) đến trước và rồi tứ (Vicāra) theo sau. Nhưng thật ra trong thực tế, chúng sanh lên cùng một lúc. Ở đây, chúng sanh lên cùng một lúc với tâm thiền này.
Sự khác nhau giữa tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) được ghi nhận trong CMA ở trang 57 như sau:
“Những Sớ Giải đưa ra những ví dụ khác nhau để làm nổi bật lên sự khác nhau giữa hai yếu tố thiền này. Tầm (Vitakka) thì giống như một con chim giang cánh ra để bay, tứ (Vicāra) thì giống như con chim đó đang bay lượn với cánh giang rộng.” (CMA, I, Guide to §§18-20, p.57)
Tầm (Vitakka) thì giống như con chim đang cố gắng bay lên cao. Tứ (Vicāra) là con chim đó đang bay lượn trên cao với cánh giang rộng. Nếu chúng ta lấy một ví dụ hiện đại một chút, tôi nghĩ chúng ta có thể lấy máy bay làm ví dụ. Cất cánh là tầm (Vitakka). Máy bay đạt đến độ cao để bay là tứ (Vicāra).
“Tầm (Vitakka) thì giống như một con ong đang bay đến một bông hoa, tứ (Vicāra) thì giống như con ong đó đang lượn quanh trên bông hoa đó.” (CMA, I, Guide to §18-20, p.57)
Nếu có một cái đĩa dơ bẩn và các bạn muốn lau chùi nó, các bạn cầm nó lên bằng một tay và với tay còn lại cầm giẻ chùi, các bạn lau chùi nó. Tầm (Vitakka) thì giống như cái tay đang cầm cái đĩa. Tứ (Vicāra) thì giống như cái tay đang chùi cái đĩa. Các bạn có bao nhiêu ví dụ rồi? Ba ví dụ rồi: con chim, con ong và hai tay cầm và lau chùi cái đĩa.
Một ví dụ khác được ghi lại trong các Sớ Giải là, khi người thợ gốm làm một cái lọ, ông ta quay máy và chế tạo nó. Khi cái máy quay, ông sẽ giữ cục đất sét bằng một tay và với tay còn lại, ông sẽ tạo hình cái lọ. Tầm (Vitakka) thì giống như giữ cục đất sét bằng một tay và tứ (Vicāra) thì giống như tạo hình cái lọ bằng tay còn lại. Cũng vậy, khi các bạn muốn vẽ một vòng tròn trên mặt đất, các bạn cắm một cái mũi nhọn xuống đất ngay ở giữa và cột vào đó một sợi dây. Ở đầu cuối của sợi dây, các bạn gắn vào một mũi nhọn khác. Tầm (Vitakka) thì như là cái mũi nhọn ở giữa. Tứ (Vicāra) thì giống như cái mũi nhọn ở bên ngoài. Có rất nhiều ví dụ ghi lại trong những Sớ Giải giúp chúng ta hiểu sự khác nhau giữa tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra).
Chi thiền thứ ba là Pīti (hỷ). Chúng ta phải dùng Pāḷi cho từ này. Chuyển nghĩa nó sang ngôn ngữ khác không bao giờ được thỏa mãn. Trong tài liệu này (CMA), nó được dịch là sự hăng hái. Những tài liệu khác dịch nó là niềm vui, sung sướng, hạnh phúc, sở thích thú vị. Nói chung là có nhiều cách dịch cho từ “Pīti” này. Tuy nhiên, cứ giữ từ Pāḷi là thói quen tốt thậm chí khi chúng ta biết nghĩa của nó. Ví dụ, nếu chúng ta dùng từ “niềm vui” cho Pīti, chúng ta nên đặt từ “Pīti” trong móc ngoặc để cho mọi người khỏi hiểu lầm. Pīti xuất phát từ động từ “Pi” có nghĩa là làm cho tươi mới lại. Khi có Pīti, các bạn tươi mới trở lại. Đây là một sở thích thú vị trong đối tượng. Trong CMA có nói rằng:
“Từ này thường được dịch là sự hân hoan, một cách dịch tương đối thỏa mãn với chức năng của chi thiền đó, nhưng có lẽ không đủ rộng để bao gồm tất cả ý nghĩa của nó.” (CMA, I, Guide to §§18-20, p.57)
Cho nên tốt hơn thì nên dùng Pāḷi.
Năm Loại Hỷ (Pīti)
Có năm loại hỷ (Pīti) được ghi nhận trong các Sớ Giải. Chúng cũng được ghi lại trong CMA. Tôi muốn các bạn đọc chúng (Xem CMA, I, Guide to §§18-20, p.57). Các Sớ Giải phân biệt năm mức độ của hỷ (Pīti) sanh lên trong quá trình phát triển định:
- Thứ nhất là tiểu đản hỷ (Khuddaka Pīti) sanh lên khi phát triển định,
- Thứ hai là sát-na hỷ (Khaṇika Pīti),
- Thứ ba là hải triều hỷ (Okkantika Pīti),
- Thứ tư là khinh thăng hỷ (Ubbega Pīti), và
- Thứ năm là sung mãn hỷ (Pharaṇa Pīti). Đây là năm loại hỷ (Pīti).
Tiểu đản hỷ có thể làm dựng đứng lông trên cơ thể. Đôi lúc, khi có hỷ (Pīti), các bạn có cảm giác nổi da gà. Tóc lông dựng đứng. Đó là tiểu đản hỷ, mức độ thấp nhất của hỷ (Pīti).
Tiếp theo là sát-na hỷ. Nó giống như tia sét chớp nhoáng. Lâu lâu, các bạn cảm nghiệm loại hỷ (Pīti) này trong thân và tâm của các bạn.
Tiếp theo là hải triều hỷ. Nó được cảm giác trong cơ thể nhiều lần như sóng vỡ bờ. Sát-na hỷ có thể lâu lâu mới xuất hiện một lần. Hải triều hỷ này thì có thể đến rất thường xuyên như sóng vỡ bờ.
Thứ tư là khinh thăng hỷ mà có thể làm cho cơ thể bay bổng. Các Sớ Giải có ghi lại hai câu chuyện. Một câu chuyện về một vị tu sĩ do năng lực của hỷ (Pīti) đã có thể bay đến ngôi chùa. Câu chuyện khác là về một tín nữ mang thai. Có một buỗi lễ tại chùa và cô tín nữ này muốn tham dự. Nhưng cha mẹ của cô bảo rằng vì đang mang thai, cô ta không nên đến dự. Họ đã để cô ta ở nhà. Tuy nhiên, cô ta vẫn có thể nghe thấy những sinh hoạt của buổi lễ và những lời tụng đọc của Tăng chúng từ xa. Cô ta quá hoan hỷ với những hình ảnh và âm thanh này đến nỗi khinh thăng hỷ xuất hiện trong cô. Cô bay đến chùa trước cả cha mẹ của cô và lắng nghe chư Tăng tụng đọc. Khi cha mẹ cô thấy cô, họ hỏi cô đến đó bằng cách nào. Cô trả lời là cô bay đến đó. Họ nói là, “Con không thể nào bay được, vì chỉ có những bậc A-la-hán (Arahant) mới có thể bay.” Cô ta trả lời, “Con không biết. Con chỉ nghĩ đến chùa và lễ hội ở đây, và rồi điều tiếp theo con biết là con bay và đáp xuống chùa.” Khinh thăng hỷ có thể làm cho cơ thể di chuyển và bay lên. Mặc dầu không dễ dàng cảm nghiệm được loại khinh thăng hỷ mà có thể làm bay bổng cơ thể của mình, nhưng các bạn có thể đã từng trải qua loại hỷ (Pīti) mà có thể nhấc cơ thể của các bạn lên một chút sang bên này hay bên kia. Đôi lúc, khi các bạn hành thiền và có hỷ (Pīti), cơ thể của các bạn có thể di chuyển một chút nào đó.
Loại tiếp theo được gọi là sung mãn hỷ. Nó ngập tràn toàn bộ cơ thể giống như nước lũ tràn ngập một hang động. Trong những quốc gia của chúng tôi, chúng tôi dùng ví dụ của bông gòn bỏ vào trong dầu. Những bông gòn có thể thấm dầu và thấm nước rất dễ dàng. Chúng ta thả bông gòn vào dầu hay vào nước và rồi thì dầu hay nước bị hút hết vào bông gòn. Loại hỷ (Pīti) này được cảm nghiệm bởi toàn bộ cơ thể. Cho nên, nó là sung mãn hỷ hay giống như nước lũ tràn ngập một hang động. Tất cả năm loại hỷ (Pīti) này được cảm nghiệm bởi những hành giả lúc này hay lúc khác trong quá trình hành thiền. Khi ở trong thiền (Jhāna), loại hỷ (Pīti) thứ năm được trải nghiệm. Một hành giả ở trong trạng thái thiền (Jhāna) thì cảm nghiệm sung mãn hỷ này.
Chi thiền tiếp theo là lạc (Sukha). Sukha được dịch là hạnh phúc. “Sukha” ở đây có nghĩa là thọ hỷ (Somanassa), chứ không phải thọ lạc (Sukha) như trong những tâm vô nhân (Ahetuka Citta). “Somanassa” là Vedanā. Cho nên nó là một cảm thọ. Lạc (Sukha) này được sinh ra từ sự tách bỏ khỏi những thú vui nhục dục. Để đạt được thiền (Jhāna), các bạn phải tránh xa những thú vui nhục dục. Cho nên, lạc (Sukha) này được giải thích là Nirāmisa-sukha, có nghĩa là sự hạnh phúc vượt trần tục hay mang tính thiêng liêng.
Chúng ta phải hiểu sự khác nhau giữa hỷ (Pīti) và lạc (Sukha). Chúng rất giống nhau. Chúng sanh lên cùng một lúc. Sự khác nhau của chúng thì rất khó hiểu. Các Sớ Giải có những ví dụ sau đây để giúp chúng ta hiểu.
“Mặc dầu hỷ (Pīti) và lạc (Sukha) có liên quan và rất gần gũi với nhau, nhưng chúng được phân biệt thông qua việc hỷ (Pīti) là một yếu tố hành động tức là thuộc vào hành uẩn (saṅkhārakkhandha), …” (CMA, I, Guide to §18-20, p.57) Hỷ (Pīti) không phải là một cảm thọ mặc dầu chúng ta nghĩ hỷ (Pīti) là cảm giác. Nó thuộc vào Saṅkhāra (hành uẩn).
“… trong khi lạc (Sukha) là một cảm thọ tức là thuộc vào thọ uẩn (vedanākkhandha).” (CMA, I, Guide to §18-20, p.57)
Hãy chú ý sự khác nhau này. Hỷ (Pīti) thuộc vào hành uẩn (Saṅkhārakkhandha) và lạc (Sukha) thuộc vào thọ uẩn (Vedanākkhandha). Đó là một sự khác nhau.
“Hỷ (Pīti) được so sánh như là một thú vui mà một hành khách mệt mỏi sẽ trải nghiệm khi đi băng qua một ốc đảo, trong khi lạc (Sukha) được so sánh như là sự hài lòng của ông ta sau khi được tắm rửa và ăn uống.”
Đó là lý do tại sao hỷ (Pīti) được chỉ định như là sở thích thú vị. Sở thích thú vị được kích hoạt khi ông ta thấy hay nghe một cái gì đó.
Ở đây, một khách bộ hành đang đi trên một cuộc hành trình hay có lẽ ở trong rừng, và ông ta rất mệt mỏi và có lẽ đang khát nước. Ông ta có thể gặp một người nào khác nói cho ông ta biết là sẽ có một ốc đảo phía trước hay có một khu rừng với một hồ nước phía trước. Đầu tiên, ông ta được mách bảo, rồi thì trong quá trình đến gần nơi đó, ông ta có thể nghe tiếng chim hót hay gặp nhiều người khác nữa đã từng đến đó. Trong suốt thời gian này, ông ta trải nghiệm hỷ (Pīti). Rồi thì ông ta đến được nơi đó. Ông ta tắm rửa tại cái hồ đó. Ông ta có thể ăn một cái gì đó tại đó. Và rồi ông ta có thể nghỉ ngơi dưới bóng cây. Tại lúc này, ông ta đang trải nghiệm lạc (Sukha). Cho nên hỷ (Pīti) và lạc (Sukha) thì khác nhau. Hỷ (Pīti) là trước khi thưởng thức. Lạc (Sukha) là thưởng thức. Trước khi thưởng thức, các bạn chỉ thấy và nghe về một cái gì đó. Đó là hỷ (Pīti). Khi các bạn thật sự thưởng thức nó, lạc (Sukha) xuất hiện. Đó là sự khác nhau giữa hỷ (Pīti) và lạc (Sukha), mặt dầu chúng hầu như sanh lên cùng một lúc, cùng một thời điểm, trong cùng một loại tâm.
Chi thiền cuối cùng được gọi là định (Ekaggatā). “Eka” nghĩa là một. “Agga” nghĩa là phần. “Ekagga” nghĩa là chỉ có một phần. Điều này có nghĩa là chỉ có một đối tượng. Cho nên, “Ekaggatā” nghĩa là cái trạng thái chỉ có một đối tượng. Đây cũng là một yếu tố tinh thần (tâm sở). Trong những nơi khác, nó còn được gọi là Samādhi (định). Khi chúng ta nói Samādhi, chúng ta muốn nói đến Ekaggatā.
Năm yếu tố này được phát triển cao khi chúng đạt đến trạng thái của thiền (Jhāna). Năm yếu tố này và những tâm sở khác cũng sanh lên trong những tâm dục giới (Kāmāvacara Citta). Ví dụ, với tâm bất thiện (Akusala Citta) đầu tiên, tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) sanh lên, nhưng chúng không có phát triển tại đó. Chúng không có mạnh. Còn ở đây, chúng mạnh và phát triển. Cho nên, chúng có thể giữ tâm trí vào đối tượng Kasiṇa, tức là đối tượng hành thiền.
Năm yếu tố này cần phải hoạt động một cách đúng đắn và cân bằng, tức là chúng không được vượt trội lẫn nhau. Khi chúng hoạt động một cách đúng đắn và hòa đồng, thì tâm trí trở nên vững chắc và kiên cố trên đối tượng. Và rồi thiền (Jhāna) có thể sinh lên. Nếu tầm (Vitakka) không đưa tâm đến cảnh, thì tứ (Vicāra) không thể giữ tâm trong cảnh. Cho nên không thể có hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Năm yếu tố này phải hỗ trợ lẫn nhau. Đây là năm chi thiền đi kèm với tâm thiền (Jhāna) đầu tiên. Cho nên, thiền (Jhāna) có nghĩa là sự kết hợp của năm yếu tố này. Những chi thiền có nghĩa là mỗi một yếu tố – tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), và vân vân. Tâm thiền (Jhāna) có nghĩa là tâm được đi kèm theo bởi năm chi thiền này. Như vậy, chúng ta có tâm thiền (Jhāna) thứ nhất.
Hai Loại Thiền (Jhāna)
Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu về thiền (Jhāna). Tuần trước, tôi đã có giảng một chút về thiền (Jhāna). Chúng ta cần phải hiểu về thiền (Jhāna) một chút nữa. Điều quan trọng là các bạn phải hiểu rằng, thiền (Jhāna) có hai phần:
- Thiền (Jhāna) là cái mà quán sát đối tượng một cách kỹ càng. “Jhāna” có nghĩa là quan sát kỹ càng, quán sát kỹ càng, suy ngẫm kỹ càng. Ở đây, chúng ta dùng nghĩa “quán sát kỹ càng”. Đó là nghĩa của từ “Jhāna”. “Cái mà quán sát đối tượng một cách kỹ càng” – đây làmột loại thiền (Jhāna). Trong Pāḷi, nó được gọi là Ārammaṇupanijjhāna.
- Và thiền (Jhāna) là cái mà quán sát những đặc tính một cách kỹ càng (Lakkhaṇupanijjhāna). Từ Pāḷi “Lakkhaṇa” được dịch là dấu vết hay đặc tính. Cho nên, nó là cái mà quán sát dấu vết hay đặc tính một cách kỹ càng. Trong Pāḷi, đó là Lakkhaṇupanijjhāna.
Đây là hai loại thiền (Jhāna), tức là thiền (Jhāna) về đối tượng (Ārammaṇa) và thiền (Jhāna) về đặc tính (Lakkhaṇa). Ārammaṇa là cái gì ở đây? “Ārammaṇa” ở đây có nghĩa là những đối tượng của thiền. Nó là những đối tượng của thiền chỉ tịnh (Samatha) như những cái đĩa Kasiṇa, những bộ phận của cơ thể, những xác chết và vân vân.
Tám sự chứng đắc (tức là bốn thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) và bốn thiền vô sắc giới (Arūpāvacara Jhāna)) được gọi là Ārammaṇupanijjhāna (tức là loại thiền thứ nhất), bởi vì chúng ghi nhận và quan sát kỹ càng hình tướng của đối tượng trong tâm trí, ví dụ đối tượng Kasiṇa đất chẳng hạn. Chú ý, không phải chính đối tượng Kasiṇa được quan sát, mà đối tượng được quan sát ở đây là hình ảnh của đối tượng Kasiṇa đó trong tâm trí. Tâm thiền (Jhāna) bắt cảnh thuộc về tinh thần. Chúng được gọi là Ārammaṇupanijjhāna bởi vì chúng quán sát những Ārammaṇa này một cách kỹ càng. Điều này có nghĩa là chúng bắt đối tượng này một cách mãnh liệt.
Thiền Minh sát (Vipassanā), Đạo (Magga) và Quả (Phala) được gọi là Lakkhaṇupanijjhāna. Điều này rất quan trọng. Bất cứ khi nào chúng ta tìm thấy từ “Jhāna”, chúng ta cứ nghĩ nó chỉ có nghĩa là thiền sắc giới (Rūpāvacara) và thiền vô sắc giới (Arūpāvacara). Đôi lúc thiền Minh sát (Vipassanā) có thể được gọi là Jhāna.
Magga có nghĩa là Đạo và có thể được gọi là Jhāna. Và Phala, tức là Quả, cũng có thể được gọi là Jhāna. Chúng ta có thể bối rối nếu chúng ta không biết loại thiền (Jhāna) nào đề cập đến trong văn cảnh cụ thể.
Vipassanā được gọi là Lakkhaṇupanijjhāna. Ở đây Lakkhaṇa, tức là đặc tính, được quán sát một cách kỷ càng. Vipassanā được gọi như vậy bởi vì nó quán sát một cách kỷ càng những đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Ba tính chất này là những đặc tính chung của các pháp hữu vi. Khi các bạn thực hành thiền Minh sát (Vipassanā), các bạn sẽ thấy những đặc tính này trong bất kỳ đối tượng nào các bạn đang quán sát tại thời điểm đó. Nhắc lại, thiền Minh sát (Vipassanā) có thể được gọi là thiền (Jhāna) bởi vì nó quán sát một cách kỷ càng ba đặc tính này. Chúng ta chưa học Đạo (Magga); nó thuộc vào tâm Siêu thế. Nhưng ở đây, Đạo (Magga) được gọi như vậy bởi vì sự tu tập bằng cách hành thiền Minh sát (Vipassanā) sẽ thành tựu, sẽ kết thúc thông qua Đạo (Magga). Khi Đạo (Magga) được chứng đạt, thì việc hành thiền Minh sát (Vipassanā) được hoàn thành. Đạo (Magga) thật ra là thành quả của việc thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Nhưng Đạo (Magga) không phải là một kết quả (Vipāka). Việc thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) kết thúc và đạt được kết quả khi Đạo (Magga) được thành tựu. Cho nên Đạo (Magga) được gọi là Lakkhaṇupanijjhāna. Tuy nhiên, Đạo (Magga) không lấy những đặc tính (Lakkhaṇa) làm cảnh mà lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Đạo (Magga) vẫn được gọi là Lakkhaṇupanijjhāna, tức là sự quán chiếu trên đặc tính (Lakkhaṇa), đơn giản bởi vì nhiệm vụ của thiền Minh sát (Vipassanā), tức là quán sát ba đặc tính (vô thường, khổ, vô ngã) một cách kỹ càng, đã được hoàn thành, đã đến điểm kết thúc. Cho nên, Đạo (Magga) cũng được gọi là Lakkhaṇupanijjhāna.
Quả (Phala), tức là kết quả (Vipāka) của Đạo (Magga), được gọi như vậy bởi vì nó quán sát Diệt Đế, tức là đặc tính của sự thật. Ở đây, Diệt Đế là Níp-bàn (Nibbāna). Quả (Phala) lấy Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Níp-bàn (Nibbāna) có đặc tính của sự thật. Cho nên, Quả (Phala) cũng được gọi là Lakkhaṇupanijjhāna. Ở đây, “Lakkhaṇa” nghĩa là đặc tính của Níp-bàn (Nibbāna), một sự thật. Chú ý, khi Lakkhaṇa liên quan tới thiền Minh sát (Vipassanā), thì nó có nghĩa là ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Nhưng đối với Quả (Phala) được gọi là Lakkhaṇupanijjhāna, thì “Lakkhaṇa” có nghĩa là đặc tính của Níp-bàn (Nibbāna), chứ không phải là vô thường và vân vân. Ở đây có sự khác biệt như vậy. Theo cách miêu tả này, thiền (Jhāna) có thể có nghĩa là bốn thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna), bốn thiền vô sắc giới (Arūpāvacara Jhāna) và thiền Minh sát (Vipassanā), Đạo (Magga) và Quả (Phala). Không phải ở bất cứ mọi nơi, thiền (Jhāna) cũng chỉ có nghĩa là thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) và thiền vô sắc giới (Arūpāvacara Jhāna).
Câu kệ #276 trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada) nói như sau:
“Các con phải tự nỗ lực cố gắng; Các Đấng Như Lai chỉ là những bậc thuyết giảng.
Những ai đã bước vào Con Đường và quán sát nó một cách kỷ càng bằng những thiền (Jhāna) sẽ thoát khỏi những trói buộc của Ác ma (Māra).”
Ở đây từ “Jhāna” được dùng. Thật ra thì từ Pāḷi “Jhāyino” được dùng, tức có nghĩa là người trải nghiệm thiền (Jhāna). Những ai thực hành thiền (Jhāna), trải nghiệm thiền (Jhāna), sẽ thoát khỏi những trói buộc của Ác ma (Māra). Có nghĩa là họ sẽ trở nên giác ngộ, họ sẽ trở thành những bậc A-la-hán (Arahant). Nếu chúng ta cho rằng thiền (Jhāna) chỉ là thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna) hay thiền vô sắc giới (Arūpāvacara Jhāna), thì nó sẽ không thích hợp ở đây bởi vì các bạn phải thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) để trở nên giác ngộ. Đó là lý do tại sao Sớ Giải nói rằng có hai loại thiền (Jhāna). “Các Đấng Như Lai chỉ là những bậc thuyết giảng. Cho nên những ai đã bước trên Con Đường đã được thuyết giảng bởi các Đấng Như Lai và quán sát một cách kỷ càng với hai loại Jhāna” – khi Sớ Giải nói hai loại thiền (Jhāna), chúng ta phải hiểu các Sớ Giải gia đề cập đến Ārammaṇupanijjhāna và Lakkhaṇupanijjhāna. Trong câu kệ này, chúng ta phải hiểu rằng người này thực hành cả hai loại: thiền chỉ tịnh (Samatha) và thiền Minh sát (Vipassanā). Nếu các bạn không hiểu như vậy, các bạn sẽ bối rối ở đây. Các bạn có thể nghĩ rằng tại sao họ lại dùng thiền (Jhāna) với nghĩa thiền Minh sát (Vipassanā). Cho nên, có đến hai loại thiền (Jhāna). Nhưng ở đây trong cuốn Cẩm Nang này và trong Thắng Pháp (Abhidhamma), thiền (Jhāna) sẽ chỉ có nghĩa là thiền sắc giới (Rūpāvacara) và thiền vô sắc giới (Arūpāvacara).
Đây là Paṭhamajjhāna, tức là tâm thiền (Jhāna) đầu tiên. Được gọi là đầu tiên bởi vì nó được chứng đắc đầu tiên và Đức Phật dạy nó trước hết. Sự chứng đắc các tầng thiền (Jhāna) giống như việc đi học, tức là các bạn thi cử để được lên bậc cao hơn. Trước hết, các bạn muốn hoàn thành chương trung học phổ thông. Lúc đó có thể hoàn thành trung học phổ thông là đủ tốt theo suy nghĩ của các bạn. Nhưng sau khi hoàn thành trung học phổ thông, các bạn chẳng thấy nó vĩ đại gì cả. Các bạn muốn lên đại học. Rồi thì các bạn lên học đại học và lấy được bằng Cử nhân. Sau khi lấy được bằng Cử nhân, các bạn lại thấy nó cũng chẳng là gì cả. Các bạn muốn một bằng cấp cao hơn, bằng Thạc sĩ chẳng hạn. Sau khi có bằng Thạc sĩ, các bạn lại muốn hơn nữa với bằng Tiến sĩ. Cũng như vậy, hành giả đã chứng đạt tầng thiền (Jhāna) thứ nhất có thể không thỏa mãn chỉ với tầng thiền (Jhāna) thứ nhất, lại muốn chứng đạt tầng thiền (Jhāna) cao hơn.
Hành giả phải làm gì để chứng đạt tầng thiền (Jhāna) cao hơn? Trước hết hành giả phải thuần thục với tầng thiền (Jhāna) thứ nhất, tức là hành giả phải có khả năng nhập vào nó bất cứ lúc nào mình muốn. Và hành giả phải có khả năng an trú trong tầng thiền (Jhāna) này bao lâu cũng được – một phút hay có thể cả một ngày. Tức là hành giả phải trở nên điêu luyện với tầng thiền (Jhāna) này bằng cách thực hành đi thực hành lại. Sau khi trở nên thuần thục với tầng thiền (Jhāna) này, hành giả nhập thiền và xem xét lại các yếu tố thiền (tức là các chi thiền). Khi xem xét lại các yếu tố thiền, hành giả bắt đầu tìm thấy sự không hoàn hảo của tầm (Vitakka).
Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), bốn tầng thiền (Jhāna) được đề cập. Tức là tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) được đặt chung với nhau. Abhidhammatthasaṅgaha giải thích các tầng thiền (Jhāna) theo phương pháp chia làm năm, cho nên tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) được tách riêng ra. Tầm (Vitakka) thì thô thiển. Có nghĩa là, đối với hành giả thuần thục với tầng thiền (Jhāna) thứ nhất, tầm (Vitakka) trở nên thô thiển trong khi tứ (Vicāra) và các chi thiền khác lại là bình an. Khi thấy rằng tầm (Vitakka) là thô, hành giả cảm thấy trạng thái thiền định (Jhāna) thứ nhất này của mình quá gần gũi với những triền cái.
Cho nên, hành giả muốn từ bỏ hay tách rời khỏi tầm (Vitakka). Với khao khát từ bỏ tầm (Vitakka), hành giả lại thực hành thiền định trên đề mục của mình (ví dụ như niệm “đất, đất, đất”). Khi hành giả chứng đạt được tầng thiền (Jhāna) thứ hai theo như ước nguyện và như là kết quả của sự thực hành đó, tầm (Vitakka) bị loại bỏ. Tức là tầm (Vitakka) không có sanh lên cùng với thiền (Jhāna) thứ hai. Bây giờ chỉ còn lại bốn chi thiền. Những tầng thiền (Jhāna) cao hơn được chứng đạt bằng cách loại trừ những chi thiền thô hơn. Chúng ta gọi chúng là “thô” hay “tế”, nhưng thật ra những chi thiền này được phát triển rất tinh vi. Nó là thô đối với hành giả có thiền (Jhāna) bởi vì nó quá gần với những triền cái. Và vì nó dẫn tâm đến đối tượng, nó thuận tiện cho sự kích động. Chừng nào vẫn còn tầm (Vitakka), thì vẫn còn nguy hiểm rơi vào lại những triền cái và làm mất đi thiền (Jhāna) thứ nhất này. Cho nên, hành giả tìm thấy sự không hoàn hảo của tầm (Vitakka) và không còn thích thú trong tầm (Vitakka) nữa. Và rồi hành giả nghĩ rằng tứ (Vicāra) và những chi thiền khác là tốt hơn. Hành giả cố gắng gìn giữ những chi thiền này. Và với kết quả của việc hành thiền, khi thiền (Jhāna) sanh lên, tầm (Vitakka) không sanh lên nữa mà chỉ có bốn yếu tố còn lại sanh lên – tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā).
Sau khi đạt được thiền (Jhāna) thứ hai, hành giả lại tìm thấy sự không hoàn hảo của tứ (Vicāra). Tứ (Vicāra) là một người bạn tốt của tầm (Vitakka). Hai yếu tố này là những yếu tố kích động. Chừng nào vẫn còn hai yếu tố này, sự nguy hiểm vẫn luôn luôn có. Cho nên, hành giả muốn loại bỏ tứ (Vicāra). Hành giả lại thực hành thiền và kết quả là khi tâm thiền (Jhāna) tiếp theo sanh lên, tứ (Vicāra) không còn nữa. Chỉ còn hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Đây là tầng thiền (Jhāna) thứ ba.
Hỷ (Pīti) trong thiền (Jhāna) rất là tinh khiết. Nhưng hành giả vẫn tìm thấy sự không hoàn hảo. Hỷ (Pīti) cũng có khuynh hướng dẫn đến kích động. Khi các bạn có hỷ (Pīti), các bạn rung động. Hỷ (Pīti) làm cho tâm trí rung chuyển. Cho nên, hành giả cảm thấy hỷ (Pīti) không hoàn hảo. Lạc (Sukha) thì tốt hơn. Lạc (Sukha) bình yên hơn. Hành giả lại tiếp tục thực hành thiền. Và khi tâm thiền (Jhāna) tiếp theo sanh lên, hỷ (Pīti) không còn nữa. Bây giờ chỉ còn lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Lạc (Sukha) và định (Ekaggatā) này rất vi tế.
Nhưng lạc (Sukha) vẫn gần gũi với hỷ (Pīti). Hỷ (Pīti) gần gũi với tứ (Vicāra). Tứ (Vicāra) gần gũi với tầm (Vitakka). Tầm (Vitakka) gần gũi với những triền cái. Định (Ekaggatā) thì rất vững chắc và bình yên. Cho nên, hành giả không còn thích thú với lạc (Sukha) nữa. Hành giả lại tiếp tục hành thiền. Khi tâm thiền (Jhāna) tiếp theo sanh lên, tâm này được đi kèm theo bởi xả (Upekkhā), chứ không phải lạc (Sukha) tức là thọ hỷ (Somanassa). Hành giả tìm thấy sự không hoàn hảo của thọ hỷ (Somanassa). Ngày nay, chúng ta luôn luôn tìm kiếm thọ hỷ (Somanassa.) Chúng ta muốn được hạnh phúc. Bất kỳ chúng ta làm gì hay đi đâu hay ở trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng muốn hạnh phúc. Chúng ta đề cao hạnh phúc bởi vì chúng ta chưa từng trải nghiệm được cái hình thức cao tột hơn của hạnh phúc. Hành giả đã chứng đắc thiền (Jhāna) thứ tư vẫn tìm thấy sự không hoàn hảo của hạnh phúc. Hạnh phúc thì vẫn khuấy nhiễu. Hành giả nghĩ rằng, “Nếu hạnh phúc có ở đây, tâm trí vẫn có thể bị rung chuyển. Ta sẽ loại bỏ nó và thay vào đó, ta sẽ lấy xả (Upekkhā).” Khi thiền (Jhāna) thứ năm sanh lên, nó được đi kèm theo bởi xả (Upekkhā). Có bao nhiêu chi thiền đi kèm với nó? Có hai chi thiền. Thiền (Jhāna) thứ nhất được đi kèm theo bởi bao nhiêu yếu tố? Thiền (Jhāna) thứ nhất được đi kèm bởi năm yếu tố thiền. Thiền (Jhāna) thứ hai có bao nhiêu yếu tố? Thiền (Jhāna) thứ hai có bốn yếu tố thiền. Có bao nhiêu chi thiền trong thiền (Jhāna) thứ ba? Thiền (Jhāna) thứ ba có ba yếu tố thiền. Có bao nhiêu yếu tố thiền trong thiền (Jhāna) thứ tư? Thiền (Jhāna) thứ tư có hai yếu tố thiền (Jhāna), tức là lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Thiền (Jhāna) thứ năm có bao nhiêu yếu tố thiền? Nó có hai: xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā). Những yếu tố bị loại trừ từng chi một. Đối với thiền (Jhāna) thứ tư và thứ năm, mỗi tầng thiền (Jhāna) có hai yếu tố, nhưng chúng khác nhau. Trong thiền (Jhāna) thứ tư, có lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Trong thiền (Jhāna) thứ năm, có xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā).
Đây là những loại tâm được trải nghiệm bởi những phàm nhân (Puthujjana) và những Thánh hữu học (Sekkha)1. Nếu một người chứng đạt một trong năm thiền (Jhāna) này và chết đi với thiền (Jhāna) này còn nguyên vẹn (Có nghĩa là người này có thể nhập vào thiền này một cách dễ dàng), thì người này sẽ tái sanh vào thế giới của những Phạm thiên (Brahma). Trong 31 cõi hiện hữu, mười một cõi đầu tiên thuộc về dục giới. Rồi thì có mười sáu cõi được gọi là Phạm thiên (Brahma) sắc giới. Trên đó nữa là bốn cõi được gọi là Phạm thiên (Brahma) vô sắc. Nếu một người chứng đắc thiền (Jhāna) thứ nhất ở đây và rồi chết đi với thiền (Jhāna) này được giữ nguyên vẹn, người này sẽ tái sanh làm một Phạm thiên (Brahma) sắc giới trong sắc giới (Rūpāvacara). Tại lúc tái sanh làm một Phạm thiên (Brahma), tâm tục sinh (tức là tâm đầu tiên sanh lên) tại đó là tâm quả của thiền (Jhāna) đầu tiên này. Thiền (Jhāna) đầu tiên thì cho thiền (Jhāna) quả đầu tiên. Thiền (Jhāna) thứ hai thì cho thiền (Jhāna) quả thứ hai và vân vân.
Tâm Quả Sắc Giới (Rūpāvacara Vipāka Citta)
Không giống như những tâm thiện dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Kusala Sobhana Citta), những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) thì cho những kết quả giống y hệt. Hãy nhớ rằng những tâm thiện dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Kusala Sobhana Citta) có thể cho những kết quả giống y hệt hay khác. Các bạn sẽ tìm hiểu về điều này nhiều hơn trong chương năm. Năm tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala Citta) này cho kết quả giống y hệt và bốn tâm thiện vô sắc giới (Arūpāvacara Kusala Citta) cũng vậy. Nếu một người chứng đắc thiền (Jhāna) thứ nhất ở đây và chết đi với thiền (Jhāna) này được giữ nguyên vẹn, tâm tục sinh thành một Phạm thiên (Brahma) sẽ là tâm quả thiền (Jhāna) thứ nhất. Đối với một người chứng đắc thiền (Jhāna) thứ hai, việc tái sinh cũng xảy ra tương tự như vậy và vân vân. Vì có năm loại tâm thiện sắc giới, chúng ta có năm loại tâm quả sắc giới. Mỗi tâm quả sắc giới có cùng số chi thiền giống như tâm thiện sắc giới tương ứng. Thiền thiện sắc giới (Jhāna Rūpāvacara Kusala) thứ nhất có những chi thiền tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Tương tự như vậy, thiền quả sắc giới (Jhāna Rūpāvacara Vipāka) thứ nhất cũng có những chi thiền tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Năm tâm quả này chỉ sanh lên ở những thế giới của những Phạm thiên (Brahma). Chúng không sanh lên ở dục giới. Cho nên, năm tâm quả này sẽ không sanh lên trong nhân loại. Chúng chỉ sanh lên trong tâm ý của những Phạm thiên (Brahma).
Tâm Duy Tác Sắc Giới (Rūpāvacara Kiriya Citta)
Năm tâm tiếp theo là những tâm duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya Citta). Duy tác (Kiriya) là gì? Chỉ xảy ra, chỉ hoạt động. Những tâm duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya Citta) chỉ có thể sanh lên trong những vị A-la-hán (Arahant). Một người, sau khi trở thành A-la-hán (Arahant), thực hành thiền Kasiṇa, thì Ngài có thể đạt được thiền (Jhāna) thứ nhất. Thiền (Jhāna) đó sẽ là duy tác sắc giới (Rūpāvacara Kiriya) thứ nhất. Cũng tương tự như vậy cho thiền (Jhāna) thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm. Những tâm duy tác (Kiriya Citta) thì chỉ dành cho những vị A-la-hán (Arahant). Tức là những tâm (Citta) này chỉ sanh lên trong những vị Phật Toàn Giác, những vị Phật Độc Giác (Pacceka) và những vị A-la-hán (Arahant). Như vậy, chúng ta có tất cả mười lăm tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta): năm tâm (Citta) thiện, năm tâm (Citta) quả và năm tâm (Citta) duy tác. Năm tâm (Citta) thiện có thể sanh lên trong dục giới và sắc giới. Năm tâm (Citta) quả chỉ có thể sanh lên trong sắc giới. Nhóm thứ ba, tức là những tâm duy tác (Kiriya Citta), có thể sanh lên trong dục giới và cũng trong sắc giới. Nhóm năm tâm (Citta) thứ ba này chỉ được trải nghiệm bởi những bậc A-la-hán (Arahant) mà thôi.
Trong Kinh Văn và cũng trong Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), khi miêu tả các thiền định (Jhāna), Đức Phật đã dùng cách miêu tả khác. Tôi muốn các bạn cũng quen thuộc với cách này. Trong cuốn Cẩm Nang này, các tầng thiền (Jhāna) được miêu tả thông qua những chi thiền của chúng. Khi Đức Phật miêu tả những tầng thiền (Jhāna) trong Kinh Văn – tức là trong những bài kinh và trong Thắng Pháp (Abhidhamma), Ngài đã miêu tả bằng cách khác. Trong cách miêu tả khác này, không phải tất cả những chi thiền được đề cập đến.
Những Tầng Thiền (Jhāna) Trong Kinh Văn
Đối với tầng thiền (Jhāna) thứ nhất, trong Kinh Văn ghi lại rằng: “Cách ly khỏi những khoái lạc giác quan, cách biệt khỏi những trạng thái bất thiện, tu sĩ chứng đạt và trú ngụ trong thiền (Jhāna) thứ nhất, mà được đi kèm theo bởi tầm (một chi thiền), được đi kèm theo bởi tứ (một chi thiền), được sinh lên từ sự cách ly, có hỷ (Pīti) và lạc (Sukha) hay nói cách khác là có hỷ, có lạc mà được sinh lên từ sự cách ly.” Vậy ở đây các bạn tìm thấy được bao nhiêu chi thiền? Có tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti) và lạc (Sukha). Định (Ekaggatā) không được nhắc đến ở đây. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, nếu không có định (Ekaggatā), thì không thể có thiền (Jhāna).
Thiền (Jhāna) thứ hai: “Với sự không có mặt của tầm và tứ” – ở đây, hành giả phải loại trừ cả hai yếu tố cùng một lúc. “Với sự không có mặt của tầm và tứ, tu sĩ chứng đạt và trú ngụ trong thiền (Jhāna) thứ hai, tức là nội tại, rõ ràng, làm cho sự nhất tâm phát triển, không có tầm và tứ, được sanh lên từ tâm thức, và có hỷ và lạc.” Ở đây hỷ (Pīti) và lạc (Sukha) được nhắc đến. Tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) được nhắc đến là bị loại bỏ.
Chúng ta hãy xem thiền (Jhāna) thứ ba. “Với sự nhàm chán hỷ (cùng với sự không có mặt của tầm và tứ), tu sĩ trú ngụ trong xả (Upekkhā) chánh niệm và hiểu biết rõ ràng, và tu sĩ trải nghiệm lạc (Sukha) trong thâm tâm, tu sĩ chứng đạt và trú ngụ trong thiền (Jhāna) thứ ba, tầng thiền mà các bậc thượng nhân tuyên bố là, “Hành giả xả niệm lạc trú”.” Ở đây các bạn tìm thấy được bao nhiêu chi thiền?
Một vài người nói một. Một vài nói hai. Một vài nói ba. Các bạn có tìm thấy lạc (Sukha) không? Có. Các bạn không tìm thấy hỷ. Hỷ được nhắc đến, nhưng nó bị loại bỏ. Chỉ có xả và lạc. Chỉ có vậy thôi. Xả ở đây không có nghĩa là cảm thọ xả. Nó là một tâm sở khác và sẽ được nhắc đến trong chương thứ hai. Từ “Upekkhā” được dùng cho cả cảm thọ xả và tâm sở đó. Tâm sở đó được gọi là hành xả bởi vì nó không rơi vào bên nào cả; nó ở ngay chính giữa. Trong Pāḷi, nó được gọi là Tatramajjhattatā. Nhắc lại, ở đây xả không có nghĩa là cảm thọ xả, mà là một loại Upekkhā khác. Như vậy, ở đây chúng ta chỉ tìm thấy một chi thiền.
Thiền (Jhāna) thứ tư: “Với việc từ bỏ sự khoái lạc và đau đớn và với sự biến mất từ trước của niềm vui và sự đau buồn, tu sĩ chứng đạt và trú ngụ trong thiền (Jhāna) thứ tư mà không được đi kèm theo bởi cả sự đau đớn lẫn khoái lạc, nhưng với sự thuần khiết của niệm được gây ra bởi xả.” Ở đây, xả cũng là hành xả (Tatramajjhattatā). Như vậy không có chi thiền nào được nhắc đến ở đây. Đây là cách Đức Phật miêu tả thiền (Jhāna) như thế nào trong các bài kinh và trong Thắng Pháp (Abhidhamma).
Trong các bài kinh, hầu như luôn luôn bốn tầng thiền (Jhāna) được nhắc đến, chứ không phải năm. Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), cả bốn tầng thiền (Jhāna) và năm tầng thiền (Jhāna) đều được nhắc đến bởi vì Thắng Pháp (Abhidhamma) xử lý những cái gì có tồn tại và phải đầy đủ và hoàn tất. Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), có tồn tại cả phương pháp chia bốn (tức là bốn thiền (Jhāna) được nhắc đến) và năm tầng thiền (Jhāna) được nhắc đến. Trong những bài kinh, chỉ có bốn tầng thiền (Jhāna) được nhắc đến. Các bạn có lẽ đã đọc về những tầng thiền (Jhāna) trong những bài kinh và các bạn sẽ chỉ tìm thấy bốn tầng thiền mà thôi. Ví dụ, bài kinh thứ hai trong Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya), chỉ có bốn tầng thiền được nhắc đến.
Các bạn hãy lật tới trang 58 của cuốn CMA và chú ý vào đoạn văn cuối cùng.
“Mặc dầu không nhắc đến sự phân tích thiền (Jhāna) theo phương pháp chia năm một cách rõ ràng, nhưng các bài kinh (Sutta) có trình bày một cơ sở tiềm ẩn cho sự phân tích này thông qua lời dạy của Đức Phật về sự phân chia ra làm ba loại định: …” (CMA, I, Guide to §18-20, p.58)
Trong một vài bài kinh (Sutta), Đức Phật có nhắc đến ba loại định, tức là ba loại thiền định (Jhāna).
“… (Chúng là) định được đi kèm theo bởi cả tầm và tứ; định không có tầm nhưng có tứ; và định không có cả tầm và tứ.” (CMA, I, Guide to §§18-20, p.58)
Ba loại Samādhi hay ba loại định này được nhắc đến trong những bài kinh (Sutta).
“Loại thứ nhất thì hiển nhiên là thiền (Jhāna) thứ nhất trong cả hai hệ thống, …” (CMA, I, Guide to §§18- 20, p.59)
Không có vấn đề gì ở đây đối với định được đi kèm theo bởi cả hai, tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra).
Loại thứ ba có nghĩa là không có cả tầm và tứ. Những tầng thiền (Jhāna) nào thì không có tầm và tứ?
Chúng là tầng thiền (Jhāna) thứ ba, thứ tư và thứ năm. Trong phương pháp chia thành bốn, nó bao gồm tầng thiền (Jhāna) thứ hai, thứ ba và thứ tư. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau.
“Tuy nhiên, loại thứ hai không được diễn giải ở đâu cả trong chính những bài kinh (Sutta)…” (CMA, I, Guide to §§18-20, p.59)
Trong những bài kinh (Sutta), chỉ có bốn tầng thiền (Jhāna) được nhắc đến. Trong những bài kinh (Sutta), không có loại thiền định (Jhāna) nào phù hợp với sự miêu tả: “định không có tầm nhưng có tứ”. Cho nên, mặc dầu năm tầng thiền (Jhāna) không được nhắc đến một cách rõ ràng trong các bài kinh (Sutta), nhưng trong một vài bài kinh (Sutta), Đức Phật gián tiếp nhắc đến năm tầng thiền (Jhāna). Nếu chúng ta không chấp nhận thiền định (Jhāna) là có năm, thì loại định thứ hai sẽ là vô nghĩa. Bởi vì trong phương pháp chia bốn, tầng thiền (Jhāna) thứ nhất đi với tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra), và những tầng thiền (Jhāna) thứ hai, thứ ba và thứ tư không đi với tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra). Tức là, có thiền (Jhāna) đi với tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) và có thiền (Jhāna) không đi với cả tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra). Nhưng lại không có thiền (Jhāna) nào không đi với tầm (Vitakka) nhưng lại đi với tứ (Vicāra). Cho nên, mặc dầu Đức Phật không nhắc đến năm tầng thiền (Jhāna) từng cái một trong những bài kinh (Sutta), nhưng theo sự phân chia định (Samādhi) thành ba loại như trên, chắc chắn phải có cái được gọi là tầng thiền (Jhāna) thứ hai trong phương pháp chia năm.
Phương Pháp Chia Bốn Và Phương Pháp Chia Năm
Các bạn hãy lật sang trang có đề cập đến phương pháp chia thiền (Jhāna) thành bốn và năm (Xem CMA, I, Guide to §§18-20, p.58). Có hai phương pháp: phương pháp chia năm và phương pháp chia bốn. Phương pháp chia năm có năm tầng thiền (Jhāna). Phương pháp chia bốn có bốn tầng thiền (Jhāna). Chúng ta đang nghiên cứu cuốn Cẩm Nang này, cho nên chúng ta quen thuộc với phương pháp chia năm được dùng trong cuốn Cẩm Nang. Theo phương pháp này, thiền (Jhāna) thứ nhất có năm chi: tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Thiền (Jhāna) thứ hai có tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Thiền (Jhāna) thứ ba có hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Thiền (Jhāna) thứ tư có lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Thiền (Jhāna) thứ năm có xả (Upekkhā) và định (Ekaggatā).
Theo phương pháp chia bốn, thiền (Jhāna) thứ hai của phương pháp chia năm bị mất bởi vì trong phương pháp chia bốn, tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) bị loại bỏ cùng một lần, chứ không phải từng cái một. Khi tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra) bị loại bỏ từng cái một, chúng ta có năm tầng thiền (Jhāna). Có những hành giả có định (Samādhi) và tuệ mạnh đến nỗi họ có thể loại bỏ hai yếu tố cùng một lúc. Đối với những hành giả này thì chỉ có bốn tầng thiền (Jhāna). Tầng thiền (Jhāna) thứ hai của họ thì không có tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra). Tức là thiền (Jhāna) thứ hai của họ là thiền (Jhāna) thứ ba trong phương pháp chia năm. Và rồi thiền (Jhāna) thứ ba của họ là thiền (Jhāna) thứ tư trong phương pháp chia năm. Nói tóm lại, có hai phương pháp này: phương pháp chia bốn và phương pháp chia năm. Nếu các bạn hiểu được phương pháp chia năm, các bạn có thể dễ dàng hiểu được phương pháp chia bốn.
Trong những bài kinh (Sutta), chúng ta luôn luôn gặp phương pháp chia bốn. Phương pháp chia năm thì được hỗ trợ trong những bài kinh (Sutta) nơi mà định (Samādhi) được chia thành ba. Đức Phật có nói, “Có loại định mà không có tầm (Vitakka) nhưng có tứ (Vicāra)”. Định này không được tìm thấy trong phương pháp chia bốn. Tức là có một khoảng trống trong việc trình bày của phương pháp chia bốn bởi vì trong các bài kinh (Sutta), có nói đến loại định có tứ (Vicāra) nhưng không có tầm (Vitakka). Đó là tầng thiền (Jhāna) thứ hai trong phương pháp chia năm. Chúng ta có thể nói Đức Phật đã dạy cả hai phương pháp chia bốn và chia năm thậm chí trong những bài kinh (Sutta).
Những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) cao hơn là những tâm (Citta) đạt được bằng cách loại bỏ những chi thiền. Chúng ta sẽ nói về sự khác nhau giữa những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta) và những tâm vô sắc giới (Arūpāvacara Citta) sau, bởi vì những tâm vô sắc giới (Arūpāvacara Citta) thì không giống như vậy. Đối với những tâm sắc giới (Rūpāvacara Citta), để đạt được những tầng thiền (Jhāna) cao hơn, hành giả phải loại bỏ những chi thiền thô từng cái một, hay hai chi một lần như trong trường hợp của tầm (Vitakka) và tứ (Vicāra).
Đối tượng hay đề mục thì vẫn giữ nguyên trong những thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna). Có nghĩa là nếu hành giả chứng đắc thiền (Jhāna) thứ nhất với Kasiṇa đất, thì thiền (Jhāna) thứ hai của hành giả cũng sẽ lấy Kasiṇa đất làm đối tượng. Cho nên, nếu hành giả chứng đắc năm tầng thiền (Jhāna), thì những đối tượng sẽ là giống nhau cho tất cả các tầng thiền (Jhāna). Sự khác nhau giữa các tầng thiền (Jhāna) là những chi thiền. Nói cách khác, trong những tầng thiền sắc giới (Rūpāvacara Jhāna), sự khác nhau giữa chúng là số lượng những chi thiền. Trong khi đó, đối với những thiền (Jhāna) vô sắc, thì những đối tượng hay đề mục sẽ là khác nhau.
Khi hành giả ở trong trạng thái của thiền (Jhāna), hành giả rất an bình và ở trong hạnh phúc thật sự. Đức Phật đã giảng như sau trong một bài kinh (Sutta) của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya): “Trong dịp như vậy, hành giả không phấn đấu cho sự hoạn nạn/đau khổ của chính mình, hay cho sự hoạn nạn/đau khổ của một người khác, hay cho sự hoạn nạn/đau khổ của cả hai.” Khi hành giả ở trong thiền (Jhāna), hành giả không làm điều gì để hại chính mình, hay để hại người khác, hay để hại cả hai. “Trong dịp đó, hành giả chỉ cảm giác cái cảm thọ tự do khỏi hoạn nạn/đau khổ.” Cảm thọ duy nhất của hành giả là cảm thọ hỷ (Sukha hay Somanassa). “Khía cạnh cao nhất của sự vững mạnh trong trường hợp của cảm thọ là sự tự do khỏi hoạn nạn/đau khổ.” Điều này có nghĩa là sự tự do thoát khỏi hoạn nạn/đau khổ là loại cảm thọ tốt nhất. Đó là Sukha (thọ hỷ). Như các bạn đã biết, Upekkhā (thọ xả) thì cao tột hơn Sukha (thọ hỷ).
Các bạn hãy đọc CMA. Ở trong đó có đề cập đến việc các tâm thiền (Jhāna Citta) có nên được xem là hữu trợ hay vô trợ không và vân vân (Xem CMA, I, Guide to 21, p.59). Tôi không muốn đi sâu vào đó bởi vì không có ai chắc chắn cả. Tác giả này nói điều này. Tác giả khác nói điều khác. Chúng ta không biết nên theo người nào. Cho nên, tốt hơn là lờ đi. Điều này không ảnh hưởng đến việc hiểu biết của chúng ta về thiền (Jhāna). Tôi muốn bỏ qua. Nếu các bạn muốn đọc thêm về chuyện hữu trợ và vô trợ, các bạn có thể đọc CMA.
Các bạn có câu hỏi nào không?
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Bất kỳ khi nào Đức Phật miêu tả một tu sĩ tiến triển trên con đường tu tập về tâm linh, Ngài luôn luôn nhắc đến những tầng thiền (Jhāna). Đó là lý do tại sao một vài người lấy điều đó cho rằng chúng ta trước hết phải thực hành thiền chỉ tịnh (Jhāna) trước khi thực hành thiền Minh sát (Vipassanā). Điều này không đúng. Mục đích của thiền chỉ tịnh (Jhāna) là để có định mạnh và để có một vài loại thần thông. Nếu có thiền định (Jhāna), một người có thể chuyển sang thiền quán (Vipassanā) rất dễ dàng vì ông ta đã thực hành định. Cho nên ông ta có sự tập trung tốt. Khi chuyển sang thiền quán (Vipassanā), ông ta có thể nắm bắt đối tượng một cách dễ dàng mà không bị phân tán tư tưởng bởi vì ông ta đã có kinh nghiệm trong việc giữ tâm trên đối tượng. Khi chúng ta thực hành thiền Minh sát (Vipassanā) lần đầu tiên như chúng ta làm ở đây, chúng ta phải phát triển loại định tâm này bởi vì tâm trí của chúng ta rất thường phân tán. Nếu chúng ta có thể chứng đạt tầng thiền (Jhāna) thứ nhất, thì rất dễ dàng chuyển sang thiền quán (Vipassanā). Chứng đắc thiền có thể cần một thời gian dài. Đó là lý do tại sao mọi người không thích thú trong việc chứng đắc thiền định (Jhāna) trước khi thực hành thiền quán (Vipassanā). Đạo và Quả có thể chứng đắc được mà không cần những tầng thiền (Jhāna). Có những hành giả chỉ thực hành thiền quán (Vipassanā) mà không thực hành thiền chỉ (Samatha). Những người khác thì thực hành cả hai, thiền chỉ (Samatha) và thiền quán (Vipassanā). Có một bài kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) giải thích rằng các bạn có thể thực hành thiền chỉ (Samatha) trước rồi đến thiền quán (Vipassanā), hay các bạn có thể thực hành thiền quán (Vipassanā), và trong thiền quán (Vipassanā) thì có một loại thiền chỉ (Samatha) trong đó.
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Những Kasiṇa được dùng làm những đề mục chủ yếu là cho thần thông. Những loại Kasiṇa khác nhau thì cho những kết quả khác nhau. Ví dụ, sau khi đạt được thần thông (Abhiññā), nếu các bạn muốn bay lên hư không, các bạn phải làm cho cơ thể của các bạn nhẹ hơn. Các bạn phải chứng đắc thiền (Jhāna) với đối tượng là Kasiṇa hư không hay Kasiṇa lửa. Nếu các bạn muốn phóng ra khói, các bạn phải nhập vào Kasiṇa lửa và vân vân. Trong trường hợp đó, thiền Kasiṇa và những loại thiền khác có kết quả khác nhau.
Học viên: Ý của Ngài là gì khi Ngài nói: “Nếu một người chết đi với thiền (Jhāna) của mình được nguyên vẹn”?
Sayādaw: “Nguyên vẹn” chỉ có nghĩa là ông ta có thể nhập vào thiền được. Đôi lúc, một người chứng đắc thiền một lúc nào đó trong đời của mình. Và rồi ông ta có thể từ bỏ nó. Ông ta có thể là không thực hành nữa. Và rồi vào lúc đó, ông ta không thể nhập vào thiền (Jhāna) được nữa. Một người như vậy được gọi là một người đã mất thiền (Jhāna) của mình.
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Tôi nghĩ chúng ta nên gọi nó là sự thực hành trong Phật giáo bởi vì Đức Phật đã nhắc đến nó nhiều lần. Nhiều người nghĩ rằng các tầng thiền (Jhāna) là thuộc Hindu giáo bởi vì họ có những bài kinh (Sutta) trong kinh sách Hindu (mà có nhắc đến những tầng thiền (Jhāna)). Có nhiều người thậm chí nói rằng Đức Phật đã không dạy về những tầng thiền (Jhāna). Chúng được thêm vào sau này do các tu sĩ hay vì sự ảnh hưởng của kinh sách Veda. Tôi không thể đồng ý với điều này. Các bạn đã đọc qua sự miêu tả về thiền (Jhāna) thứ nhất, thứ hai và vân vân. Tôi không nghĩ là một sự miêu tả chi tiết như vậy về những thiền (Jhāna) lại có trong những bài kinh Veda (Vedic Sutta). Trong đó có nhắc đến thiền (Jhāna), nhưng không có hệ thống và chi tiết như sự miêu tả về những tầng thiền (Jhāna) trong Phật giáo. Tôi nghi ngờ về việc cho rằng những sự phát triển trong kinh văn hay những bài kinh (Sutta) của Phật giáo là có trong những bộ sách Hindu. Khi Bồ Tát đến gặp Āḷāra và Uddaka, Ngài đã tiếp nhận sự hướng dẫn để thực hành và chứng đắc thiền vô sắc giới (Arūpāvacara Jhāna) thứ ba và thứ tư. Nhiều người cho rằng những những vị thầy này là những giáo sĩ Veda. Nhưng trong kinh sách, không có chỗ nào nhắc rằng họ là những giáo sĩ Veda. Họ chỉ là những giáo sĩ thôi. Chúng ta thật sự không biết và không chắc là họ thuộc vào tôn giáo Veda hay tôn giáo nào khác. Cho nên không chính xác khi nói rằng họ là những giáo sĩ Veda bởi điều đó có thể đúng hoặc không đúng.
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Sự khác nhau giữa thiền chỉ (Samatha) và thiền quán (Vipassanā) khi nói về đối tượng (hay đề mục) là, hầu hết thiền chỉ (Samatha) lấy khái niệm làm đối tượng trong khi thiền quán (Vipassanā) thì lấy sự thật (hay thực tại) làm đối tượng. Nếu một người ở đây chứng đạt tầng thiền (Jhāna) thứ nhất lấy Kasiṇa làm đối tượng, thì ông ta không thể lấy Kasiṇa đó làm đối tượng cho thiền quán (Vipassanā). Ông ta có thể lấy những yếu tố của thiền (tức là những chi thiền) hay chính tâm thiền (Jhāna) đó làm đối tượng cho thiền quán (Vipassanā).
Đó là sự khác nhau. Có lẽ có sự khác nhau về kỹ thuật hay cái gì đó tương tự như vậy.
Học viên: Tôi có nhớ là có một truyền thuyết về Đức Phật khi còn là một cậu bé xem cha cày ruộng và chứng đắc những tầng thiền (Jhāna). Ngài có thể nói thêm về chuyện này không?
Sayādaw: Kinh sách ghi nhận lại rằng khi Bồ Tát còn lại một mình, Ngài đã ngồi dậy và thực hành thiền niệm hơi thở, tức là thiền Ānāpānasati. Và Ngài chứng đắc tầng thiền (Jhāna) thứ nhất. Rồi thì Ngài từ bỏ và không nhớ đến nó nữa cho đến khi Ngài thực hành khổ hạnh trong rừng. Sau khi trải qua hơn sáu năm hành khổ hạnh mà không có tiến triển gì cả, Ngài đã xem lại cách tu tập của mình và nhận ra rằng thực hành khổ hạnh là sai. Lúc đó, Ngài nhớ lại sự kiện này. “Khi ta còn là một đứa trẻ và vào lúc cha của ta đang dự lễ hạ điền, ta đã phát triển sự thực hành này và lúc đó cảm thấy rất yên bình. Đó chắc phải là phương pháp đúng.” Và rồi Ngài quyết định thực hành thiền trở lại. Nhưng Ngài quá tiều tụy và quá yếu, cho nên Ngài cần phải thọ thực trước khi thực hành. Lúc đó là lúc mà các đệ tử đầu tiên của Ngài đã ghê tởm từ bỏ Ngài.
Học viên: [Không nghe rõ].
Sayādaw: Trong thiền chỉ (Samatha), khi những hành giả đối diện với những thời điểm kinh sợ, có thể hành giả không biết phải làm gì. Vì vậy, hành giả có thể mất trí hay thậm chí trở nên điên khùng. Trong thiền quán (Vipassanā), chúng ta được chỉ dạy phải đối phó với những đối tượng này như thế nào. Chúng ta có thể chữa trị chúng bằng sự chánh niệm. Cho nên, chúng không có những hậu quả xấu cho tâm trí của chúng ta. Trong thiền chỉ (Samatha), không có sự chỉ dạy như vậy. Các bạn chỉ bám vào đối tượng và chú ý đến nó, chỉ vậy thôi. Cho nên, khi những thời điểm kinh sợ xuất hiện, hành giả không biết phải làm gì.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Chúng ta hãy chia phước báu. Đức Phật dạy rằng món quà vĩ đại nhất là món quà Pháp (Dhamma). Điều đó có nghĩa là cho và nhận Pháp (Dhamma) là một món quà vĩ đại. Cho nên, chúng ta hãy chia phước báu. Các bạn hãy lặp lại theo tôi:
“Cầu mong tất cả chúng sanh hãy nhận lấy phước báu này,
Mà chúng tôi đã tạo ra
Cho việc đạt được tất cả các loại hạnh phúc.”
“Cầu mong những chúng sanh sống trên hư không và trên trái đất,
Chư Thiên và những vị có năng lực tối thượng, Hãy nhận lấy phước báu này của chúng tôi.
Cầu mong các Ngài hãy bảo vệ trường tồn những giáo lý của Đức Phật!”
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Giải Thích Thêm Về Những Chi Thiền
Chúng ta vẫn còn một vài điều nữa để học về những chi thiền. Có năm yếu tố của thiền (Jhāna). Chúng là tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti), lạc (Sukha) và định (Ekaggatā). Câu hỏi là, tại sao chỉ có năm tâm sở (Cetasika) này được gọi là những yếu tố thiền (Jhāna) hay những chi thiền? Khi một tâm thiền (Jhāna) sanh lên, ví dụ thiền (Jhāna) thứ nhất, thì có đến 35 tâm sở (Cetasika) sanh lên cùng với tâm này. Tại sao chỉ có năm tâm sở này mới được gọi là những thành viên của thiền mà không phải những tâm sở khác? Chúng ta có xúc, tác ý và vân vân, nhưng chúng không được gọi là những yếu tố của thiền (Jhāna). Câu trả lời là bởi vì chỉ năm tâm sở (Cetasika) này thôi đủ khả năng quán tưởng hay xem xét kỹ càng đối tượng và cũng bởi vì chúng là những sự đối kháng trực tiếp của năm triền cái. Do hai nguyên nhân này, năm tâm sở (Cetasika) này được gọi là những yếu tố của thiền (Jhāna).
Tầm (Vitakka) đưa tâm đến đối tượng, đặt tâm trí vào đối tượng. Tứ (Vicāra) giữ tâm gắn chặt vào đó. Hỷ (Pīti) làm trong sạch tâm trí. Lạc (Sukha) làm tăng trưởng tâm trí. Được hỗ trợ bởi bốn tâm sở (Cetasika) này – đưa tâm vào đối tượng, giữ tâm ở đó, làm trong sạch và tăng trưởng tâm trí – Ekaggatā, tức là sự định tâm, sẽ đặt tâm trên đối tượng một cách thăng bằng và không phân tán. Định (Ekaggatā) có thể thực hiện phận sự này một cách đúng đắn chỉ khi nào nó được hỗ trợ bởi bốn tâm sở (Cetasika) kia – tầm (Vitakka), tứ (Vicāra), hỷ (Pīti) và lạc (Sukha). Khi định (Ekaggatā) đặt tâm trên đối tượng, nó làm như vậy một cách cân bằng. Có nghĩa là nó làm cho những căn quyền làm việc một cách hòa hợp, không có cái nào vượt trội cái nào. Và khi nó đặt tâm trên đối tượng, nó cũng không cho phép tâm phân tán đến những đối tượng khác. Thật vậy, định (Ekaggatā) là quan trọng nhất trong năm yếu tố này. Nó không thể thực hiện chức năng của nó một cách đúng đắn nếu nó không được hỗ trợ bởi bốn yếu tố kia. Năm yếu tố này sở hữu khả năng quan sát hay kiểm tra đối tượng một cách kỹ càng. Đó là lý do tại sao chỉ có chúng mới được gọi là những yếu tố của thiền (Jhāna) chứ không phải những tâm sở (Cetasika) khác đi kèm theo với tâm thiền (Jhāna). Đây là giải đáp cho một câu hỏi.
Câu hỏi khác xuất phát từ nguyên nhân thứ hai phía trên. Năm yếu tố của thiền (Jhāna) là những đối kháng trực tiếp của năm triền cái. Vậy cái nào đối kháng với cái nào? Tầm (Vitakka) là đối kháng của hôn trầm (Thina) và thụy miên (Middha). Tứ (Vicāra) là đối kháng của hoài nghi (Vicikicchā). Hỷ (Pīti) là đối kháng của sân hận (Byāpāda). Lạc (Sukha) và Xả (Upekkhā) là những đối kháng của trạo cử (Uddhacca) và hối quá (Kukkucca). Còn định (Ekaggatā) là đối kháng của tham dục (Kāmacchanda). Tất cả những yếu tố này chế ngự những đối nghịch của chúng.
Tầm (Vitakka) là đối kháng của hôn trầm (Thina) và thụy miên (Middha). Tầm (Vitakka) đưa các bạn đến đối tượng. Khi có tầm (Vitakka), thì có một loại hoạt động về tinh thần. Tầm (Vitakka) có bản chất rung động. Khi có tầm (Vitakka), thì hôn trầm (Thina) và thụy miên (Middha) không thể áp đảo tâm trí được. Đó là lý do tại sao đôi lúc chúng ta nói, “Tôi không thể đi ngủ được vì tôi có nhiều tầm (Vitakka) lắm.” Miễn là có tầm (Vitakka), thì hôn trầm (Thina) và thụy miên (Middha) sẽ bị chế ngự. Chúng là những đối nghịch của tầm (Vitakka).
Tứ (Vicāra) là đối kháng trực tiếp của hoài nghi (Vicikicchā). Tứ (Vicāra) thì quán sát đối tượng hay giữ tâm chặt trên đối tượng. Cho nên, nó giống như là tuệ (Paññā). Bởi vì giống như là tuệ (Paññā), nó là đối kháng của hoài nghi.
Hỷ (Pīti) là đối kháng của sân độc (Byāpāda). Điều này thì hiển nhiên. Khi có hỷ (Pīti), các bạn không thể có sân hận.
Lạc (Sukha) là đối kháng của trạo cử (Uddhacca) và hối quá (Kukkucca). Trạo cử ở đây có nghĩa là sự bồn chồn của tâm trí. Khi tâm trí bị bồn chồn, cơ thể có lẽ cũng không được yên tịnh. Trạo cử và hối quá là những đối nghịch trực tiếp của lạc (Sukha). Khi các bạn hạnh phúc – hạnh phúc ở đây có nghĩa là an bình – khi các bạn an bình, thì không có trạo cử và không có hối quá. Đây là hai trạng thái làm cho tâm trí lo âu. Lạc (Sukha) là an bình, cho nên nó là đối kháng của trạo cử (Uddhacca) và hối quá (Kukkucca).
Định (Ekaggatā) tức là sự định tâm, là đối kháng trực tiếp của tham dục (Kāmacchanda). Khi chúng ta có tham dục, chúng ta bị phân tâm đến những đối tượng khác. Chúng ta bị dính mắc vào những vật này. Tâm trí của chúng ta đi vòng vòng. Định (Ekaggatā) không cho phép tâm đi chỗ này chỗ kia. Nó giữ tâm ổn định và trên một đối tượng. Cho nên, nó là đối kháng của tham dục. Tôi nghĩ thông tin này thì tốt cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn phát triển định (Ekaggatā) (Ekaggatā là Samādhi), chúng ta nên giảm thiểu tham dục một cách tối đa. Chừng nào chúng ta có tham dục, chúng ta không thể hy vọng chứng đạt được Samādhi hay thiền định vì tâm trí của chúng ta sẽ luôn luôn bị dính mắc hay cuốn hút vào những đối tượng khác nhau. Nếu tâm trí luôn luôn chạy đuổi theo những đối tượng khác nhau, thì tâm trí không thể yên nghỉ được. Tâm trí không thể đứng yên được và cho nên, chúng ta không thể đạt được sự tập trung, tức là định. Chúng ta nên nhớ kỹ rằng phải cố gắng giảm thiểu tham dục càng nhiều càng tốt, để rồi chúng ta mới có thể phát triển định.
Xả (Upekkhā) có bản chất yên bình. Thật ra, xả (Upekkhā) thì yên bình hơn cả lạc (Sukha). Xả (Upekkhā) được xem là tương tự với lạc (Sukha). Cho nên, nó là đối kháng trực tiếp của trạo cử (Uddhacca) và hối quá (Kukkucca).
Bởi vì năm yếu tố này là những đối kháng của năm triền cái (Chú ý, xả (Upekkhā) và lạc (Sukha) được xem là một.), cho nên một mình chúng thôi được gọi là những thành viên của thiền (Jhāna), những chi thiền hay những yếu tố của thiền (Jhāna). Có hai nguyên nhân cho việc những yếu tố này được gọi là những yếu tố của thiền (Jhāna). Một là vì một mình chúng thôi sở hữu cái khả năng quan sát hay kiểm tra đối tượng một cách kỹ càng. Hai là vì một mình chúng thôi là những đối kháng trực tiếp của năm triền cái. Bất cứ khi nào những triền cái tồn tại trong tâm trí của chúng ta, thì chúng ta không thể hy vọng có được sự tập trung, chứ đừng nói đến thiền (Jhāna). Những triền cái được đè nén bởi những chi thiền này.