Nội Dung Chính
Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I
Chương Một: Tâm (Citta)
Định Nghĩa Tâm (Citta)
Như các bạn đã biết, tâm (Citta) là một trong bốn sự thực chân đế. Tôi vừa mới trình bày với các bạn rằng tâm (Citta) là sự nhận biết cảnh. Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), mỗi từ ngữ đều được định nghĩa một cách đầy đủ. Tâm (Citta) được định nghĩa là sự nhận biết cảnh. Khi định nghĩa những thuật ngữ của Thắng Pháp (Abhidhamma), những Sớ Giải cổ xưa đã dùng ba cách định nghĩa khác nhau. Điều này được giải thích trong CMA ở trang 27. Ở đây, các thuật ngữ Thắng Pháp (Abhidhamma) được định nghĩa như là tác nhân, như là công cụ và như là hoạt động đơn thuần hay thuần túy. Chúng ta hãy lấy tâm (Citta) làm ví dụ. Khi định nghĩa tâm (Citta), các Sớ Giải đã dùng ba cách như sau: Cách định nghĩa thứ nhất của tâm (Citta) trong những Sớ Giải cổ xưa là: tâm (Citta) là cái biết cảnh. Điều đó có nghĩa là tâm (Citta) là một vật chủ động làm một việc gì đó. Đó là định nghĩa “theo cách tác nhân”. Nói cách khác, tâm (Citta) là đối tượng làm việc. Cách định nghĩa thứ hai là “theo cách công cụ”. Điều đó có nghĩa là tâm (Citta) là cái gì đó mà với sự giúp đỡ của nó, các tâm sở biết cảnh. Ở đây, tâm (Citta) là một công cụ. Tâm (Citta) không thể thiếu được trong việc giúp cho các tâm sở biết cảnh hay nhận thức cảnh. Đó là bằng cách định nghĩa như là công cụ. Cách định nghĩa thứ ba là “theo cách hoạt động đơn thuần”, chỉ đơn thuần xảy ra. Đó là, tâm (Citta) là một sự biết cảnh. Khi định nghĩa theo cách này, các Sớ Giải đã dùng một danh từ trừu tượng. Như vậy, mỗi thuật ngữ trong Thắng Pháp (Abhidhamma) được định nghĩa hay giải thích theo ba cách này: như là tác nhân, như là công cụ hay như là hoạt động đơn thuần, tức là chỉ đơn thuần xảy ra. Trong ba cách trên, cách cuối cùng, định nghĩa như là hoạt động đơn thuần, là cách định nghĩa đầy đủ nhất của những thuật ngữ này.
Tại sao các Sớ Giải lại sử dụng hai cách kia? Lý do như sau: Các Phật tử luôn luôn quan tâm đến sự chối bỏ về cái được gọi là linh hồn. Có nhiều người nghĩ tâm (Citta) là một cái gì đó biết cảnh. Có một cái gì đó giống như là một linh hồn vĩnh cửu, tức là một linh hồn biết cảnh. Để bác bỏ hay loại trừ tri kiến sai lầm này, các Sớ Giải đã đưa ra định nghĩa đầu tiên. Không phải linh hồn (Atman) biết cảnh, mà là tâm (Citta) biết cảnh. Việc bác bỏ sự tồn tại của linh hồn (Atman) rất là quan trọng cho các Phật tử. Đôi lúc, mọi người lại nghĩ rằng khi chúng ta biết một cái gì đó, chúng ta biết với sự giúp đỡ của linh hồn (Atman). Linh hồn (Atman) giúp chúng ta biết mọi thứ, biết cảnh. Để bác bỏ niềm tin sai lầm đó, các Sớ Giải đã đưa ra định nghĩa thứ hai. Không, linh hồn (Atman) không phải là nhân tố giúp cho những cái cùng sanh lên (tức là các tâm sở (Cetasika)) biết cảnh. Tâm (Citta) mới là nhân tố giúp cho những cái cùng sanh lên biết cảnh. Tâm (Citta) là phương tiện giúp cho những cái cùng sanh lên biết cảnh. Nếu họ muốn định nghĩa một cách đầy đủ mà không cần chú ý đến những ý tưởng khác này, họ sẽ chỉ cần nói rằng, tâm (Citta) là sự biết cảnh. Tóm lại, luôn luôn có ba loại định nghĩa như vậy. Loại nào cũng được. Tâm (Citta) là cái biết cảnh; tâm (Citta) là cái mà với sự giúp đỡ của nó, những cái cùng sanh lên (tức là những tâm sở) biết cảnh; hay là tâm (Citta) chỉ là sự biết cảnh đơn thuần.
Sự Nhận Biết
Cái gì là sự nhận biết ở đây? Sự nhận biết ở đây chỉ là sự nhận thức – không phải là biết cái gì đó là thật, cái gì đó là tốt, cái gì đó là xấu, không phải loại hiểu biết đó. Ở đây, sự nhận biết chỉ đơn giản là sự nhận thức, sự nhận thức thuần túy, thậm chí không phải là sự chú ý đơn thuần chúng ta sử dụng trong những chỉ dẫn hành thiền. Sự nhận biết cảnh một cách đơn thuần này được gọi là tâm (Citta).
Bởi vì được định nghĩa là sự nhận biết cảnh, tâm (Citta) không bao giờ có thể sanh lên mà không có cảnh. Bất cứ khi nào có tâm (Citta), thì phải có cảnh của nó. Đôi lúc cảnh có thể là sinh động. Đôi lúc cảnh có thể là mờ nhạt. Nhưng luôn luôn phải có cảnh để tâm (Citta) sanh lên. Nói cách khác, tâm (Citta) phụ thuộc vào cảnh để sanh lên.
Những Sự Phân Loại Tâm (Citta)
Tâm (Citta) được phân tích trong Thắng Pháp (Abhidhamma) bằng nhiều cách khác nhau. Trong Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), tâm (Citta) được phân loại dựa theo bản chất của nó (chúng ta gọi là loại). Đó là sự phân loại dựa trên việc tâm (Citta) là thiện, bất thiện hay vô ký. Đây là thứ tự như đã được trình bày trong bộ sách đầu tiên của Thắng Pháp (Abhidhamma).
Ở đây, trong cuốn Cẩm Nang này, sự sắp xếp có hơi khác một chút. Trong đó, sự sắp xếp thì dựa theo các cõi. Để hiểu cách phân chia như thế, trước hết các bạn phải hiểu các cõi là gì. Những điều này được đề cập đến trong chương thứ năm của cuốn Cẩm Nang này (hãy xem CMA, V, Table 5.1, p.186). Nói một cách vắn tắt, có 31 cõi. Mười một cõi thuộc vào dục giới. Mười sáu cõi thuộc vào sắc giới. Bốn cõi thuộc vào vô sắc giới. Tất cả là có 31 cõi. Loài người và các Thiên chúng thấp thì thuộc vào mười một cõi dục giới.
Tâm thường xuất hiện trong những cõi này thì được gọi là tâm dục giới, tức là Kāmāvacara trong Pāḷi. Điều này không có nghĩa là những tâm này không sanh lên ở những cõi khác. Chúng có sanh lên ở những cõi khác, nhưng những cõi dục giới là nơi chủ yếu để chúng sanh lên. Chúng còn được gọi là những tâm (Citta) liên quan đến cõi dục giới.
Có những tâm khác được gọi là những tâm thiền (Jhāna), sanh lên chủ yếu trong mười lăm cõi sắc giới. Ban đầu thì tôi nói mười sáu. Bây giờ tôi lại nói mười lăm. Trong mười sáu cõi sắc giới có một cõi là nơi trú ngụ của những chúng sanh vô tưởng. Kinh sách ghi lại rằng, danh pháp không tồn tại trong cõi đó. Chúng ta đang nghiên cứu tâm thức, tức là thuộc về danh pháp. Cho nên, cõi đó phải được trừ ra. Những loại tâm mà chủ yếu sinh lên trong mười lăm cõi này thì được phân loại là tâm sắc giới. Chúng ta sẽ sử dụng những từ ngữ Pāḷi sau.
Có những loại tâm cao hơn chủ yếu xuất hiện hay thuộc vào bốn cõi vô sắc. Như vậy, chúng ta có ba nhóm: nhóm thứ nhất thuộc vào dục giới, nhóm thứ hai thuộc vào sắc giới và nhóm thứ ba thuộc vào vô sắc giới.
Có một giới khác nữa được gọi là Siêu thế. Giới này vượt ngoài ba giới kia.
Trong cuốn Cẩm Nang này, tâm (Citta) được phân loại theo cõi. Chúng ta gọi những sự phân loại ấy là những cõi tâm thức. Các bạn sẽ tìm thấy từ “cõi tâm thức” trong cuốn cẩm nang này (cũng xem CMA, I, Guide to §3, p.29).
Có tất cả bao nhiêu tâm? Có 89 hay 121. Các bạn có thể xem lướt qua tất cả 89 hay 121 tâm ở trang 28 của cuốn CMA (xem CMA, Table 1.1, p.28). Các bạn sẽ thấy đầu tiên là 81 tâm (Citta) hiệp thế. Sau đó, nếu các bạn đi xuống cuối trang, các bạn sẽ thấy 8 hay 40 tâm (Citta) siêu thế. Đây là sự phân chia đầu tiên. Tâm (Citta) thật ra là chỉ có một, nếu nói theo đặc tính nhận biết cảnh. Nhưng vì được đi kèm theo bởi những tâm sở khác nhau, cho nên tâm (Citta) trở thành nhiều như vậy. Đầu tiên, tâm (Citta) được phân chia ra thành hiệp thế và siêu thế.
Rồi thì những tâm (Citta) hiệp thế được phân nhỏ ra thành những tâm (Citta) dục giới: có bao nhiêu? 54. Tiếp đến, có những tâm (Citta) sắc giới: mười lăm. Sau đó, những tâm (Citta) vô sắc giới: mười hai.
Những tâm (Citta) dục giới lại được phân chia ra thành những nhóm nhỏ. Những tâm (Citta) bất thiện: mười hai, những tâm (Citta) vô nhân: mười tám, và những tâm (Citta) thiện dục giới: 24. Vậy chúng ta có tất cả là 81 tâm (Citta) hiệp thế.
Rồi những tâm (Citta) siêu thế được chia nhỏ ra làm hai. Đầu tiên là có những tâm (Citta) thiện Siêu thế: bốn hay là 20. Tiếp theo là có những tâm (Citta) quả Siêu thế: bốn hay là 20. Cho nên có tất cả là 89 hay 121 tâm.