Nội Dung Chính
Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp Tập I
Chương Hai: Tâm Sở (Cetasika)
Tâm sở (Cetasika)
Bây giờ, chúng ta sẽ đi vào chương hai, bàn về những tâm sở (Cetasika). Các bạn phải nhớ rằng có bốn sự thật chân đế. Sự thật chân đế thứ nhất là tâm (Citta). Sự thật chân đế thứ hai là tâm sở (Cetasika). Sự thật chân đế thứ ba là sắc pháp (Rūpa). Sự thật chân đế thứ tư là Níp-bàn (Nibbāna).
Chúng ta vừa mới kết thúc chương về sự thật chân đế thứ nhất, tức là tâm (Citta). Bây giờ, chúng ta sẽ đi vào sự thật chân đế thứ hai, tức là tâm sở (Cetasika). Tôi đã trình bày với các bạn về định nghĩa của tâm sở (Cetasika). Tâm sở (Cetasika) nghĩa là gì? Nó có nghĩa là những cái mà sanh lên cùng với tâm (Citta) hay những cái mà sanh lên phụ thuộc vào tâm (Citta). Những trạng thái tinh thần sanh lên phụ thuộc vào tâm (Citta) thì được gọi là những tâm sở (Cetasika). “Ceta” có nghĩa là tâm ý, và “Ika” có nghĩa là phụ thuộc vào. “Cetasika” có nghĩa là những cái mà phụ thuộc vào tâm (Citta) để sanh lên. Chỉ khi nào có tâm (Citta), mới có thể có những tâm sở (Cetasika). Những tâm sở (Cetasika) chỉ có thể sanh lên khi có Citta, tức là tâm.
Tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika) sanh lên cùng với nhau. Tâm (Citta) được gọi là người chạy trước hay là người dẫn đầu của những tâm sở (Cetasika). “Citta” có nghĩa là sự biết đối tượng. Nếu không có sự nhận thức đối tượng, thì không thể có sự xúc chạm (xúc) đối tượng. Không thể có sự trải nghiệm (thọ) đối tượng.
Không thể có sự hình dung (tưởng) đối tượng. Đó là lý do tại sao tâm (Citta) được gọi là người chạy trước hay là thủ lãnh của những tâm sở này. Tâm (Citta) là thủ lãnh tuy rằng tâm và những tâm sở cùng sanh lên một lần.
Những tâm sở (Cetasika) là những thứ làm cho tâm (Citta) có màu sắc. Thật ra tâm (Citta) chỉ có một – tức là sự biết cảnh. Những tâm sở (Cetasika) khác nhau sanh lên cùng với tâm (Citta). Nếu tâm (Citta) sanh lên cùng với những tâm sở (Cetasika) tốt đẹp, thì tâm (Citta) được gọi là tâm (Citta) tốt đẹp. Khi tâm (Citta) sanh lên với những tâm sở (Cetasika) bất thiện, thì nó được gọi là tâm (Citta) bất thiện. Thật ra, những tâm sở (Cetasika) là những thành phần giúp phân biệt tâm này với tâm khác.
Những Đặc Tính Của Tâm Sở (Cetasika)
Có những đặc tính của tâm sở (Cetasika) được ghi nhận trong cuốn Cẩm Nang CMA này. Tôi muốn các bạn nhìn vào chương hai của cuốn CMA này ở trang 77.
- Một đặc tính của tâm sở (Cetasika) là nó sanh lên cùng với tâm.
- Một đặc tính nữa là nó diệt đi hay biến mất cùng với tâm.
- Một đặc tính nữa là nó có cùng đối tượng với tâm.
- Một đặc tính nữa là nó có cùng vật với tâm.
Đây được gọi là bốn đặc tính của tâm sở (Cetasika). Để được gọi là một tâm sở (Cetasika), bốn đặc tính này phải được thỏa mãn.
Đặc tính thứ nhất là tâm sở (Cetasika) sanh lên cùng với tâm. Những tâm sở (Cetasika) phải sanh lên cùng một lúc với Citta. Tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika) chỉ tồn tại trong ba tiểu sát-na: sanh, diễn tiến (trụ) và diệt. Chúng cùng sanh lên. Những cái gì sanh lên cùng với tâm (Citta) thì được gọi là tâm sở (Cetasika). Những tâm sở (Cetasika) phải sanh lên cùng với tâm (Citta).
Nhưng như vậy chưa đủ bởi vì sắc pháp cũng sanh lên cùng lúc với tâm (Citta). Những sắc pháp do tâm (Citta) tạo, cũng như những sắc pháp do nghiệp (Kamma) tạo, sanh lên cùng lúc với tâm (Citta). Cho nên, đặc tính thứ nhất thôi thì không đủ để phân biệt những thứ như vậy với những tâm sở (Cetasika).
Đặc tính thứ hai nêu lên ở đây là cùng diệt đi với tâm. Tức là những tâm sở (Cetasika) biến mất cùng lúc với tâm. Kinh sách dạy rằng sắc pháp tồn tại suốt mười bảy sát-na tâm. Chúng có thể sanh lên cùng với tâm (Citta), nhưng chúng không diệt đi cùng với tâm (Citta). Chúng tồn tại cho đến sát-na tâm thứ mười bảy. Cho nên, khi đặc tính thứ hai được nêu lên ở đây, chúng ta biết rằng những sắc pháp này không phải là những tâm sở (Cetasika). Để khỏi nhầm những sắc pháp này là những tâm sở (Cetasika), đặc tính thứ hai được đưa ra. Tâm sở (Cetasika) phải sanh lên cùng với tâm (Citta) và diệt đi cùng với tâm (Citta).
Vậy vẫn chưa đủ. Các bạn sẽ hiểu điều này sau khi các bạn nghiên cứu chương thứ sáu. Thắng Pháp (Abhidhamma) thì giống như một trò chơi xếp hình. Bức hình sẽ không hoàn thành cho đến khi các bạn đặt vào mảnh cuối cùng. Nếu các bạn không hiểu những lời giải thích, đừng lo lắng. Sau chương thứ sáu, các bạn sẽ hiểu.
Không cần ai phải nói cho các bạn đâu. Có hai sắc pháp được gọi là thân biểu tri và ngữ biểu tri. Thân biểu tri có nghĩa là bằng những cử chỉ, chúng ta làm cho những người khác biết được những ước muốn của chúng ta. Khi tôi dùng cử chỉ này ở Hoa Kỳ, các bạn biết là tôi đang gọi các bạn. Ở Miến Điện, cử chỉ đó thì có nghĩa khác. Đây là thân biểu tri. Hiện tại, tôi đang nói và các bạn đang lắng nghe. Việc nói của tôi được gọi là ngữ biểu tri. Thân biểu tri và ngữ biểu tri được cho là sanh lên và diệt đi cùng với tâm (Citta). Tức là chúng không tồn tại tới mười bảy sát- na tâm như những sắc pháp khác, mà chúng chỉ tồn tại trong một sát-na tâm.
Vì có hai đặc tính đầu tiên thôi thì không đủ, cho nên chúng ta có đặc tính thứ ba – tức là có cùng đối tượng với tâm. Những tâm sở (Cetasika) bắt cùng cảnh với tâm. Thân biểu tri và ngữ biểu tri thuộc vào sắc pháp. Vì chúng là sắc pháp, cho nên chúng là những đối tượng và không bắt cảnh. Chúng không hiểu biết đối tượng. Chúng không nhận thức. Khi chúng ta nói có cùng đối tượng với tâm, thì chúng ta loại trừ hai sắc pháp này khỏi những tâm sở (Cetasika). Nói cách khác, để không nhầm lẫn hai sắc pháp này với những tâm sở (Cetasika), chúng ta có đặc tính thứ ba này.
Vậy còn đặc tính thứ tư thì sao? Chúng ta không cần tiểu chuẩn nào khác để khỏi bị hiểu lầm những thứ khác được gọi là tâm sở (Cetasika). Khi sanh lên trong những chúng sanh ngũ uẩn, tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika) luôn luôn có cùng vật. Vật ở đây có nghĩa là con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi, thân xác và trái tim. Những thứ này được gọi là những vật để tâm thức nương tựa. Tâm thức phụ thuộc vào một trong những vật này để sanh lên. Ví dụ, nhãn thức phụ thuộc vào con mắt để sanh lên. Nếu chúng ta không có mắt, chúng ta không thể thấy và do đó, chúng ta không có nhãn thức. Nếu chúng ta không có lỗ tai, chúng ta không thể nghe. Cho nên, không có nhĩ thức và vân vân. Khi tâm sanh lên trong những cõi ngũ uẩn, trong những chúng sanh ngũ uẩn ví dụ như nhân loại, thì tâm luôn luôn có vật. Tâm (Citta) và những tâm sở (Cetasika) phải có cùng vật. Nếu tâm (Citta) phụ thuộc vào con mắt, thì những tâm sở (Cetasika) cũng phải phụ thuộc vào con mắt. Cho nên, chúng có cùng vật với tâm thức. Bốn điều này được gọi là những đặc tính hay dấu hiệu của những tâm sở (Cetasika). Để một trạng thái được gọi là tâm sở (Cetasika), nó phải thỏa mãn bốn điều kiện này. Thứ nhất là sanh lên cùng với tâm (Citta). Thứ hai là diệt đi cùng với tâm (Citta). Thứ ba là có cùng đối tượng với tâm (Citta). Thứ tư là có cùng vật với tâm (Citta). Những trạng thái như vậy được gọi là những tâm sở (Cetasika).
Có 52 tâm sở (Cetasika). 52 tâm sở (Cetasika) này được trình bày trong cuốn Cẩm Nang này rất có hệ thống. Thứ tự được trình bày trong cuốn Cẩm Nang này và thứ tự trong những bộ sách Thắng Pháp (Abhidhamma) và trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) thì khác nhau. Nhưng tôi nghĩ thứ tự đưa ra ở đây thì hay hơn bởi vì ở đây, những tâm sở (Cetasika) được nhóm lại cùng với bao nhiêu tâm (Citta) mà chúng cùng sanh lên và vân vân. Những tâm sở (Cetasika) này được đề cập đến trong bộ sách đầu tiên của Thắng Pháp (Abhidhamma) và có một Sớ Giải về bộ sách này. Những tâm sở (Cetasika) này cũng được nhắc đến trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Nếu các bạn muốn đọc thêm, các bạn có thể đọc Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) hay Sớ Giải của bộ sách thứ nhất của Thắng Pháp (Abhidhamma), được gọi là Expositor trong tiếng Anh. Tôi nghĩ có một lượng thông tin đáng kể được trình bày trong cuốn CMA này. Tôi nghĩ đọc cuốn CMA này cũng khá đủ, nhưng nếu các bạn muốn biết thêm, các bạn có thể đọc những tài liệu nêu trên.
Tâm Sở (Cetasika) Theo Nhóm
52 tâm sở (Cetasika) được chia ra thành nhiều nhóm. Nhóm thứ nhất được gọi là “Aññasamāna” trong Pāḷi. Có mười ba tâm sở (Cetasika) trong nhóm này. Những tâm sở (Cetasika) trong nhóm Aññasamāna được gọi là “tợ tha”. Chúng có thể kết hợp với những tâm thiện (Kusala Citta), những tâm bất thiện (Akusala Citta), những tâm quả (Vipāka Citta) hay những tâm duy tác (Kiriya Citta). Chúng có thể thay đổi.
Nhóm tiếp theo là bất thiện (Akusala). Các bạn đã quen thuộc với bất thiện (Akusala). Có mười bốn tâm sở (Cetasika) bất thiện.
Nhóm tiếp theo là những tâm sở tịnh hảo (Sobhana Cetasika). Có 25 tâm sở tịnh hảo (Sobhana Cetasika).
Như vậy, nhóm thứ nhất là Aññasamāna, tức là tợ tha, có mười ba. Nhóm tiếp theo là bất thiện (Akusala), có mười bốn. Và cuối cùng, có 25 tâm sở tịnh hảo (Sobhana Cetasika).
Tâm Sở Tợ Tha (Aññasamāna)
Tại sao chúng được gọi là Aññasamāna? “Aññasamāna” chuyển ngữ thành “tợ tha”. “Añña” có nghĩa là cái kia hay cái còn lại. “Samāna” có nghĩa là chung, thông dụng hay phổ biến. Cho nên, “Aññasamāna” có nghĩa là phổ biến hay chung với cái kia. Điều đó có nghĩa là gì? “Tợ tha” có nghĩa là chung hay phổ biến với cả thiện (Kusala), bất thiện (Akusala), quả (Vipāka) và duy tác (Kiriya). Chúng có thể kết hợp với cả thiện (Kusala) và bất thiện (Akusala), tuy rằng không cùng một lúc. Chúng được gọi là chung cho cả hai, chung cho cả nhiều loại. Bất cứ thứ gì có thể đi chung với cả hai thì được gọi là Aññasamāna. Có tất cả mười ba Aññasamāna, hay mười ba tâm sở tợ tha. Khi chúng đi cùng với thiện (Kusala), chúng có đặc tính của thiện (Kusala). Khi chúng đi cùng với bất thiện (Akusala), chúng có đặc tính của bất thiện (Akusala). Chúng có thể thay đổi khác biệt. Yếu tố xác định chất lượng của những tâm sở (Cetasika) này là bản chất bất thiện (Akusala) hay thiện (Kusala) của những tâm sở khác.
Tâm Sở Biến Hành (Sabbacitta-sādhāraṇa)
Mười ba tâm sở tợ tha (Aññasamāna Cetasika) được chia nhỏ ra làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất được gọi là “Sabbacitta-sādhāraṇa” trong Pāḷi. “Sabba” có nghĩa là tất cả. “Citta” có nghĩa là tâm. “Sādhāraṇa” có nghĩa là chung hay phổ biến. Cho nên, “Sabbacitta-sādhāraṇa” có nghĩa là những tâm sở (Cetasika) mà có chung cho tất cả các tâm (Citta), nhưng nghĩa đen thì chỉ đơn giản là chung cho tất cả tâm thức. “Sādhāraṇa” có nghĩa là chung hay phổ biến. Cho nên, “Sabbacitta-sādhāraṇa” có nghĩa là chung cho tất cả tâm thức. Vì vậy, chúng được chuyển nghĩa thành những tâm sở biến hành. Vì chúng là phổ biến, vì chúng là chung cho tất cả các tâm (Citta), cho nên chúng sẽ sanh lên với mỗi tâm (Citta). Bất kỳ tâm (Citta) nào sanh lên, chúng sẽ sanh lên với tâm (Citta) đó. Chúng là những tâm sở cần thiết cho việc nhận thức, tức là những tâm sở cần thiết để biết cảnh. Có tất cả bảy tâm sở biến hành. Chúng sanh lên với mọi tâm.
Xúc (Phassa)
Những tâm sở biến hành (Sabbacitta-sādhāraṇa) trong tiếng Pāḷi là Phassa, Vedanā, Saññā, Cetanā, Ekaggatā, Jīvitindriya và Manasikāra. Phassa là gì? Phassa có nghĩa là xúc. Xúc ở đây không có nghĩa là sự xúc chạm vật lý. Đây là sự xúc chạm mang tính tinh thần. Khi một đối tượng (cảnh) nào đó rơi vào tầm nắm bắt của những giác quan – mắt, tai hay những giác quan còn lại – thì có sự nhận thức về đối tượng. Và rồi sẽ có sự trải nghiệm cảnh đó một cách sinh động. Đó là cái được gọi là Phassa, tức là xúc. Đó là sự tác động của cảnh trên tâm ý. Xúc (Phassa) có nghĩa là đụng chạm. Tuy rằng từ “đụng chạm” được dùng ở đây, nhưng sự đụng chạm này là thuộc về tinh thần chứ không phải thuộc về vật lý. Mặc dầu chúng ta không phải lúc nào cũng có sự đụng chạm mang tính chất vật lý, nhưng chúng ta luôn luôn bị “đụng chạm” bởi một cái gì đó. Chúng ta thấy một cái gì đó, và rồi chúng ta hạnh phúc hay lo sợ hay buồn rầu. Xúc (Phassa) là như vậy đấy. Xúc (Phassa) hiển lộ rất rõ ràng khi chúng ta thấy một ai đó đang ăn những vật chua. Nước miếng sẽ tiết ra trong miệng của các bạn ngay. Điều này được gây ra do xúc (Phassa). Các bạn có lẽ đã từng đi xem xiếc. Khi người ta đi bộ trên những sợi dây thừng, ngực và tim của các bạn sẽ hồi hộp. Điều này được gây ra do xúc (Phassa). Đôi lúc, khi các bạn quá sợ hãi, các bạn tê cứng lại. Các bạn không thể làm gì được. Các bạn giống như là một người tàn tật. Điều này được gây ra bởi xúc (Phassa).
Khi còn nhỏ, tôi đã sống ở Sagaing Hills. Nơi đó là một thánh đường tôn giáo. Chỉ có những tu sĩ và nữ tu sĩ sống tại đó. Nó ở trên một ngọn đồi. Cho nên, có nhiều cây nhỏ, bụi và một khu rừng. Vào ban đêm, những con báo sẽ đi xuống sông uống nước. Khi những con chó nghe mùi của những con báo, chúng đơ cứng người hết lại. Chúng là những con mồi rất dễ bị những con báo bắt. Đó là xúc (Phassa). Chúng bị tê cứng lại. Mặc dầu không có sự đụng chạm vật lý, nhưng có sự xúc chạm mang tính tinh thần.
Nếu các bạn là một người sợ ma và các bạn thấy một cái gì đó trong bóng tối, các bạn sẽ nghĩ đó là ma. Và rồi các bạn run rẩy. Tất cả những cái này là những biểu hiện của xúc (Phassa). Bất kỳ khi nào một đối tượng rơi vào vùng nắm bắt của các giác quan, thì luôn luôn có xúc (Phassa).
Bốn Khía Cạnh
Khi nghiên cứu những tâm sở này, các Sớ Giải trình bày cho chúng ta bốn khía cạnh của mỗi một tâm sở (Cetasika). Ba trong số bốn khía cạnh này có thể được nhìn thấy trong quá trình hành thiền. Nếu các bạn định tâm tốt và chú ý quan sát, các bạn sẽ nhận thấy chúng. Hiểu được bốn khía cạnh này thì rất tốt mặc dầu các bạn có thể không nhớ hết. Trong CMA ở trên trang 29, chúng được gọi là “bốn phương tiện mang tính định nghĩa mà thông qua chúng, tâm sở (Cetasika) này có thể được xác định.” Chúng là: 1. đặc tính, 2. chức năng, 3. biểu hiện, 4. nguyên nhân gần hay nguyên nhân chính. Hiểu được bốn khía cạnh này cho từng tâm sở thì rất tốt. Các Sớ Giải luôn luôn trình bày bốn khía cạnh này của mỗi tâm sở.
Khía cạnh thứ nhất được gọi là đặc tính hay tướng trạng. Bằng tướng trạng này, chúng ta biết rằng đó là xúc (Phassa). Bằng tướng trạng này, chúng ta biết rằng đó là cảm thọ (Vedanā) và vân vân. Tướng trạng này được gọi là Lakkhaṇa trong Pāḷi. Nó là dấu hiệu nổi bật của hiện tượng này. Nó là đặc tính cá nhân hay bản chất cá nhân.
Rồi có cái được gọi là Rasa trong Pāḷi. Rasa nếu chuyển nghĩa trực tiếp thì có nghĩa là hương vị, tức là hương vị của một trạng thái tinh thần. Rasa thật ra có hai loại. Một là Kicca, tức là chức năng. Hai là sự thành tựu (Sampatti) mục tiêu, tức là một kết quả nào đó. Cho nên, có hai loại Rasa: chức năng (Kicca) và sự chứng đạt hay thành tựu (Sampatti).
Khía cạnh thứ ba là biểu hiện. Ở đây cũng có hai. “Paccupaṭṭhāna” có nghĩa là biểu hiện trong tâm trí của hành giả. Khi quán tưởng trên xúc (Phassa) hay quan sát xúc (Phassa), hành giả sẽ thấy xúc (Phassa) xuất hiện trong tâm trí của mình như thế nào, tức là xúc (Phassa) biểu hiện ra trong tâm trí của hành giả như thế nào. Sự biểu hiện này được gọi là Paccupaṭṭhāna trong Pāḷi. Và kết quả cũng được gọi là Paccupaṭṭhāna. Như vậy, có hai loại Paccupaṭṭhāna: hình thức biểu hiện và kết quả.
Khía cạnh thứ tư là nguyên nhân gần hay nguyên nhân chính (Padaṭṭhāna), tức là cái nguyên nhân gần nhất của xúc (Phassa) và vân vân. Bốn khía cạnh này được trình bày hầu như cho tất cả những tâm sở (Cetasika) trong Expositor cũng như trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Trong cuốn CMA này, chúng cũng được trình bày. Đọc những nguồn tài liệu này thì rất tốt cho các bạn.
Các bạn hãy nhìn vào xúc (Phassa) trên trang 78 của cuốn CMA.
“Phân tích theo bốn phương tiện mang tính chất định nghĩa được dùng trong các Sớ Giải Pāḷi, thì xúc có đặc tính đụng chạm.” (CMA, II, Guide to §2, p.78)
Đây không phải là sự đụng chạm mang tính vật lý.
“Chức năng của nó là sự tác động, tức là nó làm cho tâm thức và đối tượng tác động lẫn nhau (đến và đụng vào nhau). Biểu hiện của nó là sự gặp gỡ của tâm thức, căn và đối tượng.” (CMA, II, Guide to §2, p.78)
Sự biểu hiện của xúc trong tâm trí của hành giả là sự hội ngộ của cả ba yếu tố này.
Chúng ta hãy lấy nhãn thức làm ví dụ. Có con mắt và có cảnh sắc. Khi cảnh sắc đi vào vùng nắm bắt của con mắt, thì nhãn thức sanh lên. Khi ba yếu tố này sanh lên, xúc (Phassa) cũng sanh lên. Xúc (Phassa) là sự đồng thời, sự hội ngộ của ba yếu tố này.
“Nguyên nhân gần của nó là cảnh xuất hiện rõ.” (CMA, II, Guide to §2, p.78)
Điều này có nghĩa là đối tượng rơi vào tiêu điểm của căn (nhãn căn trong trường hợp này), tức là đối tượng rơi vào vùng nắm bắt của con mắt hay nói đơn giản là ở phía trước mắt của chúng ta. Nếu cảnh sắc không rơi vào vùng nắm bắt của con mắt, chúng ta sẽ không thấy nó. Vì những bức tượng đang ở phía sau lưng của tôi, không rơi vào vùng nắm bắt của con mắt của tôi, cho nên tôi không thấy chúng và tôi không có nhãn thức. Tóm lại, xúc (Phassa) có sự đụng chạm hay sự xúc chạm là đặc tính của nó. Chức năng của nó là sự tác động. Biểu hiện của nó là sự hội ngộ của ba yếu tố: cảnh, căn và tâm thức. Nguyên nhân gần của nó là đối tượng. Bởi vì nếu không có đối tượng thì không thể có sự xúc chạm với đối tượng.
Thọ (Vedanā)
Tâm sở thứ hai là Vedanā. Các bạn đã rất quen thuộc với Vedanā. Vedanā là cảm thọ. Ở đây, cảm thọ là một tâm sở. Nó không phải mang tính vật lý. Đau có thể là một thứ mang tính vật lý. Sự trải nghiệm cái đau đó là cái mà chúng ta gọi là cảm thọ. Cảm thọ thật ra không phải ở trong cơ thể vật lý của các bạn mà là ở trong tâm trí của các bạn. Cảm thọ (Vedanā) chính là cảm giác thỏa mãn, không thỏa mãn hay bình thản khi trải nghiệm đối tượng.
Kinh sách ghi lại rằng những tâm sở khác cũng trải nghiệm cảnh, nhưng thọ (Vedanā) là yếu tố trải nghiệm cảnh ở mức độ đầy đủ. Đó là lý do tại sao một mình cảm thọ được gọi là Vedanā mà không phải những yếu tố tinh thần khác. Những yếu tố tinh thần khác cũng có một chút cảm giác nào đó về cảnh. Nhưng cảm giác của chúng về cảnh thì rất nhỏ, trong khi đó thọ (Vedanā) thì trải nghiệm hương vị của cảnh một cách đầy đủ. Cho nên, nó được gọi là thọ hay Vedanā.
Thọ (Vedanā) được so sánh như là một vị vua tận hưởng một cách đầy đủ thực phẩm được người đầu bếp dâng đến cho ông. Những tâm sở khác thì được so sánh như là người đầu bếp. Người đầu bếp phải nấu món ăn cho vị vua. Và rồi ông ta dâng đồ ăn đến cho vị vua và phải nếm thử một ít thức ăn để chắc là thức ăn không bị độc. Cho nên, ông ta có ăn một chút, nhưng sự hưởng thụ thức ăn của ông ta thì rất giới hạn. Chỉ có vị vua là người được ngồi xuống và tận hưởng thức ăn bao nhiêu cũng được tùy theo ý thích của ông. Cũng cùng cách đó, Vedanā hay cảm thọ là yếu tố tinh thần trải nghiệm cảnh một cách đầy đủ. (Tôi không muốn dùng từ “tận hưởng” bởi vì từ này chỉ dùng cho những vật được ưa thích thôi. Nhưng ở đây, thọ (Vedanā) trải nghiệm luôn cả những đối tượng không được ưa thích.)
“Đặc tính của thọ là bị (hay được) cảm giác.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Tôi nghĩ điều này không đúng lắm. Tác giả đã bị lừa bởi từ Pāḷi “Vedayita”. Vedayita có thể là chủ động hay bị động. Vedayita ở đây nên được hiểu theo nghĩa chủ động, nhưng tác giả lại dùng nghĩa bị động. Đặc tính của thọ không phải là bị (hay được) cảm giác, mà là cảm giác. Cảm giác hay trải nghiệm cảnh là đặc tính của thọ (Vedanā).
“Chức năng của nó là trải nghiệm, hay chức năng của nó là tận hưởng khía cạnh được khao khát của cảnh.” (CMA, II, Guide §2, p.80)
Điều này muốn nói cho loại cảm thọ vui vẻ. Nếu cảm thọ là khó chịu, thì chức năng của nó là trải nghiệm một cách đầy đủ khía cạnh không được khao khát của đối tượng.
“Biểu hiện của nó là sự hưởng thụ của những tâm sở được liên kết với nó.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Thọ (Vedanā) sanh lên cùng với những tâm sở khác. Nó cung cấp hương vị của đối tượng đến cho những tâm sở khác.
“Nguyên nhân gần của nó là sự tĩnh lặng.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Ở đây muốn nói đến là thọ lạc (Sukha). Đây chỉ là cho cảm thọ (Vedanā) tốt mà thôi. Đối với thọ khổ (Dukkha) thì khác. Sự tĩnh lặng ở đây có nghĩa là định (Samādhi). Điều này chỉ áp dụng cho thọ lạc (Sukha Vedanā) thôi. Đối với thọ khổ (Dukkha Vedanā) thì nó có thể là những thứ khác1. Các bạn có thể đọc về những đặc tính khác nhau của năm cảm thọ trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).
Tưởng (Saññā)
Tâm sở tiếp theo là Saññā. Saññā được chuyển ngữ là tưởng.
“Đặc tính của tưởng là sự nhận thức về những phẩm chất của đối tượng. Chức năng của nó là tạo nên một dấu hiệu hay một ấn tượng để làm điều kiện cho việc nhận dạng về sau rằng “cái này giống như cái đã gặp”…” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Tưởng thật ra là tạo nên những dấu vết. Khi các bạn trải nghiệm một đối tượng, tâm trí của các bạn ghi nhận dấu vết của nó. Để rồi khi các bạn gặp lại nó sau này, các bạn biết rằng các bạn đã từng trải nghiệm nó. Tưởng được so sánh như những người thợ mộc làm dấu trên gỗ, để rồi họ sẽ biết đặt tấm gỗ nào vào nơi nào. Cho nên, việc làm dấu là để nhận ra được nó khi các bạn gặp lại nó sau này. Tưởng (Saññā) thì giống như là tạo nên một dấu vết hay ghi lại sự lưu ý. Tưởng (Saññā) có thể đúng hoặc có thể sai. Đôi lúc chúng ta có tưởng (Saññā) sai. Khi tưởng (Saññā) là sai, thì chúng ta có những ý tưởng sai lầm. Chúng ta có quan điểm sai lầm. Có được tưởng (Saññā) đúng đắn thì rất quan trọng.
Chúng ta có tưởng (Saññā) sai lầm về chính chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng có một cái gì đó như là một con người hay như là một linh hồn. Cái tưởng (Saññā) này làm cho chúng ta tin rằng có một con người, có một linh hồn. Một khi tưởng (Saññā) để lại một dấu vết rằng một cái gì đó là thế này hay thế khác, nó sẽ giải thích vật đó theo cách của dấu vết đó. Sau này, khi thấy lại vật đó, tưởng (Saññā) sẽ giải thích vật đó theo cách đó. Một khi các bạn có tưởng (Saññā) sai lầm, các bạn sẽ giải thích dựa trên tưởng (Saññā) sai lầm đó.
“… hay chức năng của nó là nhận ra cái đã được nhận biết từ trước. Biểu hiện của nó là sự nhận dạng đối tượng thông qua những đặc tính đã được nắm bắt từ trước.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Nếu vật nắm bắt là đúng, thì đó là tưởng (Saññā) đúng đắn. Nếu vật nắm bắt là không đúng, chúng ta có tưởng (Saññā) sai lầm.
“Nguyên nhân gần của nó là đối tượng như được xuất hiện.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Cho nên, đối tượng như được xuất hiện trước chúng ta, như được xuất hiện trước tưởng (Saññā) là nguyên nhân gần của nó.
Những con thú nghĩ rằng bù nhìn là con người. Khi thấy bù nhìn, thì chúng sẽ chạy đi, vì chúng nghĩ bù nhìn là con người. Đó là tưởng (Saññā) sai lầm của chúng, tức là sự nắm bắt sai.
“Quy trình của nó được so sánh như là việc người thợ mộc nhận dạng từng loại gỗ dựa trên những dấu vết ông ta đã đánh dấu từ trước.”
Tưởng (Saññā) thì giống như vậy, tức là đánh dấu.
Nhận dạng vật về sau cũng là một chức năng của tưởng (Saññā).
Tư (Cetanā)
Tâm sở tiếp theo là Cetanā. Các bạn cũng đã quen thuộc với Cetanā. Cetanā là nghiệp (Kamma). Các bạn đã rất quen thuộc với nghiệp (Kamma). Cetanā được chuyển ngữ là tâm sở tư và tương đối khó giải thích.
“… (Nó) liên quan đến việc hiện thực hóa của mục tiêu, có nghĩa là, cái khía cạnh thực hiện và ý chí của sự nhận thức.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Tư (Cetanā) điều hợp những tâm sở đi cùng trong việc ứng xử với đối tượng. Nó kích hoạt những tâm sở cùng sanh lên với nó hướng vào đối tượng. Nó giúp đỡ hay thúc đẩy những tâm sở khác tham gia vào việc hoạt động đối với cảnh.
Tư (Cetanā) được so sánh như là một lớp trưởng. Lớp trưởng tự học và cũng giúp đỡ những học viên khác cùng học. Lớp trưởng tự học và cũng khuyến khích những học viên khác cùng học. Tư (Cetanā) thì giống như vậy. Nó làm cho những tâm sở khác tham gia vào việc hoạt động đối với cảnh. Nó cũng tham gia vào việc đó.
“Tâm sở tư là yếu tố tinh thần quan trọng nhất trong việc tạo nghiệp (kamma), …” (CMA, II, Guide to 2, p.80)
Thật ra tâm sở tư là nghiệp (Kamma). Đức Phật có một lần đã nói,
“Cetanā ahaṃ, bhikkhave, Kammaṃ vadāmi” (AN/Chakkanipātapāḷi/6.Mahāvaggo/9.Nibbedhikasutta ṃ).
“Này các Tỳ khưu, ta gọi tâm sở tư (Cetanā) là nghiệp (Kamma).” Cái tôi gọi là nghiệp (Kamma) đơn giản là tâm sở tư (Cetanā). Cho nên, thật ra tâm sở tư (Cetanā) là nghiệp (Kamma).
“… (Nghiệp này) xác định phẩm chất đạo đức của hành động.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Tức là, nếu nó là nghiệp (Kamma) tốt, thì nó là hành động tốt. Nếu nó là nghiệp (Kamma) xấu, thì nó là hành động xấu. Dựa vào phẩm chất của tư (Cetanā), chúng ta xác định một tâm là thiện (Kusala) hay bất thiện (Akusala).
Tư (Cetanā) cũng được gọi bằng những tên khác. Nó được gọi là nghiệp (Kamma). Nó được gọi là hành (Saṅkhāra) trong Lý Duyên Khởi. Đôi lúc, nó được gọi là nghiệp (Kamma) và đôi lúc nó được gọi là hành (Saṅkhāra). Chúng đều có nghĩa một thứ, tức là tư (Cetanā).
Nhất Thống (Ekaggatā)
Tâm sở tiếp theo là Ekaggatā. Các bạn đã gặp Ekaggatā chưa? Câu trả lời phải là gặp rồi. Nó là một trong năm yếu tố của thiền (Jhāna), tức là năm chi thiền. Một tên khác của nhất thống (Ekaggatā) là định (Samādhi). Định và nhất thống (Ekaggatā) là một.
“Đây là sự nhất thống của tâm trí trên đối tượng của nó.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
“Eka” có nghĩa là một. “Agga” có nghĩa là đối tượng. Cho nên, ý nghĩa ở đây là có một đối tượng. Tức là ở trên một đối tượng.
Nhất thống (Ekaggatā) này trở nên nổi bật trong những thiền (Jhāna). Nó có thể được phát triển trở thành một yếu tố của thiền (Jhāna). Tức là một dạng rất mạnh của nhất thống (Ekaggatā), hay là sự tập trung rất mạnh. Đây là một tâm sở (Cetasika) phổ biến; tức là nó sanh lên trong mọi tâm. Đôi lúc, chúng ta không có tập trung. Có lẽ chúng ta đang làm bất thiện (Akusala). Cho nên, không có sự tập trung. Nhưng thật ra nhất thống (Ekaggatā) này có tồn tại trong mọi loại tâm. Nhất thống (Ekaggatā) thì cần thiết để cho tâm (Citta) trở nên tập trung và tham gia với cảnh. Nó có thể là rất yếu, nhưng vẫn phải có nhất thống (Ekaggatā). Nó đi theo với mọi tâm. Luôn luôn có một sự tập trung nào đó trong mỗi một tâm, cho nên nhất thống đi theo với mọi tâm.
“Sự nhất tâm này có sự không lang thang hay sự không mất tập trung làm đặc tính của nó.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Điều này có nghĩa là nó không bị phân tâm đến một đối tượng nào khác.
“Chức năng của nó là kết tụ hay đoàn kết những trạng thái có liên quan.” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Nó được so sánh với nước giữ các hạt bột phấn lại với nhau. Khi các bạn làm bột, các bạn đổ nước vào bột phấn và lăn nhồi, kết quả là nó trở thành bột. Khi nó trở thành bột, thì tất cả các phần tử của bột phấn được liên kết lại với nhau. Chức năng của nó là kết tụ hay liên kết những trạng thái có liên quan. Nó giữ những tâm sở cùng sanh lên ở chung với nhau. Đó là chức năng của nó.
“Biểu hiện của nó là sự an bình, …” (CMA, II, Guide to §2, p.80)
Tức là sự tĩnh lặng. Nó giống như là đứng yên. Nó được so sánh với ngọn lửa trong nơi không có gió, không có luồng khí. Chẳng hạn như trong một căn phòng. Nó giống như ngọn lửa trên cây nến. Ngọn lửa đứng yên khi không có gió. Sự nhất thống được so sánh với ngọn lửa như vậy khi không có luồng khí.
Hiểu được điều này thì quan trọng. Khi nói về định (Samādhi), chúng ta nói rằng định (Samādhi) là khả năng của tâm ý bám trên đối tượng, ở trên đối tượng trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Nhưng thật ra, tâm biến mất sau mỗi ba tiểu sát-na. Và sự nhất thống của tâm cũng biến mất sau mỗi ba tiểu sát-na. Mặc dầu chúng ta nói rằng có định tồn tại, nhưng tâm trí và định không tồn tại kéo dài hơn ba tiểu sát-na. Vậy, ý nghĩa ở đây là, sự tập trung hay định đó thì giống như ngọn lửa. Khi các bạn nhìn ngọn lửa, các bạn nghĩ rằng nó luôn luôn là như vậy. Nhưng thật ra, tại mỗi thời điểm, ngọn lửa thì không luôn là như vậy. Cũng theo cách đó, khi chúng ta nói tâm trí bám ở trên cảnh trong một thời gian dài, ý chúng ta là cùng một loại tâm sanh lên lại nhiều lần. Nếu đối tượng thuộc về sắc pháp, thì đối tượng đó cũng sẽ thay đổi sau mỗi sát-na tâm thứ mười bảy. Khi chúng ta nói, chúng ta có định (Samādhi) hay tâm trí của chúng ta bám ở trên đối tượng trong một thời gian dài, điều đó không có nghĩa là tâm (Citta) đó tồn tại suốt một thời gian dài. Bản chất của tâm (Citta) là sanh lên và diệt đi sau mỗi ba tiểu sát-na. Tuy nhiên, tâm (Citta) tiếp theo sanh lên và bám vào cùng đối tượng hay đối tượng cùng loại. Tương tự như vậy, một tâm sở nhất thống nữa sanh lên bám vào một đối tượng tương tự. Chúng ta phải hiểu định (Samādhi) theo cách này. Cho nên, nó giống như là ngọn lửa ở nơi mà không có luồng không khí.
Mạng Quyền (Jīvitindriya)
Tâm sở tiếp theo là Jīvitindriya, tức là danh mạng quyền. “Jīvita” có nghĩa là đời sống. “Indriya” có nghĩa là quyền. Cho nên, nó được gọi là mạng quyền. Có hai loại mạng quyền. Một thuộc về sắc pháp (vật chất) và một thuộc về danh pháp (tinh thần). Ở đây, chúng ta đề cập đến danh mạng quyền. Chúng ta sẽ tìm thấy sắc mạng quyền trong chương thứ sáu. Như vậy, tâm sở này là thuộc về tinh thần (danh pháp).
“Nó có đặc tính là duy trì những trạng thái tinh thần được kết hợp với nó, …” (CMA, II, Guide to §2, p81)
Những trạng thái tinh thần được kết hợp với nó sanh lên, tồn tại một thời gian nào đó và rồi biến mất. Khi chúng trải qua ba giai đoạn tồn tại này, danh mạng quyền giữ chúng tồn tại và sống sót. Tức là danh mạng quyền không để cho chúng biến mất trước khi chúng trải qua cả ba giai đoạn. Danh mạng quyền (Jīvitindriya) chỉ duy trì những trạng thái tinh thần mà thôi, chứ không phải làm cho chúng sanh lên.
“… (Jīvitindriya có) chức năng là làm cho chúng xảy ra, …” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Jīvitindriya hay danh mạng quyền không phải sản sanh ra những trạng thái tinh thần có liên quan. “Làm cho chúng xảy ra” có nghĩa là làm cho chúng tồn tại cho đến cuối cuộc đời của chúng. Cuộc sống đó là ba tiểu sát- na rất ngắn ngủi.
“… sự biểu hiện của nó là thiết lập sự hiện diện của chúng, và nguyên nhân gần của nó là những trạng thái tinh thần được duy trì.” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Danh mạng quyền được so sánh với nước trong ống hoa sen. Nước trong ống hoa sen duy trì sự sống cho hoa sen. Nó cũng được so sánh với người lái đò. Có một câu hỏi như vầy: Nếu danh mạng quyền duy trì những trạng thái tinh thần khác có liên quan, thì cái gì duy trì nó? Câu trả lời là, nó duy trì chính mình cùng với những trạng thái tinh thần khác có liên quan. Cho nên, nó được so sánh với một người lái đò. Người lái đò chèo thuyền đưa mọi người đến bến. Trong quá trình đưa mọi người đến bến, ông ta cũng được bao gồm trong đó. Cũng theo cách đó, danh mạng quyền (Jīvitindriya) tự duy trì trong quá trình duy trì những yếu tố tinh thần khác được kết hợp với nó. Như vậy có hai ví dụ, nước trong ống hoa sen và ông lái đò.
Tác Ý (Manasikāra)
Tâm sở cuối cùng được gọi là Manasikāra. “Manasi” có nghĩa là tâm trí. “Kāra” có nghĩa là làm ra hay tạo ra.
“Nghĩa đen của từ Pāḷi là “làm hay chế tạo trong tâm trí”.” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Đó là sự chú ý.
“Tác ý là yếu tố tinh thần có tránh nhiệm cho việc tâm chú ý đến đối tượng, …” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Tức là nó hướng tâm đến đối tượng. Nó giữ cho tâm hướng thẳng vào đối tượng. Đó là chức năng của nó. Đó là cái chúng ta gọi là sự chú ý.
“Đặc tính của nó là chỉ đạo (sāraṇa) những yếu tố tinh thần có liên quan hướng về cảnh.” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Khi không có sự chú ý, tâm trí của các bạn không có mục đích. Nó chạy nơi này nơi khác, như một chiếc tàu không có bánh lái. Khi có bánh lái, thì các bạn có thể hướng chiếc tàu đến nơi các bạn muốn đến. Cũng như vậy, khi có sự chú ý, thì tâm sở tác ý (tức là tâm sở mang chức năng chú ý này) giữ tâm trí hướng đến đối tượng.
Có sự khác nhau giữa tâm sở này và tầm (Vitakka). “Tác ý (manasikāra) nên được phân biệt với tầm
(vitakka): Tác ý (manasikāra) hướng những thứ đi kèm với nó đến đối tượng, trong khi tầm (vitakka) áp đặt chúng vào/lên đối tượng.” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Điều này khá là mập mờ. Cho nên, thật là tuyệt diệu khi Đức Phật có thể phân biệt những trạng thái tinh thần này. Trước hết, rất khó để nhận biết rằng có tầm (Vitakka) và có tác ý (Manasikāra). Để biết chúng hoạt động như thế nào khi chúng sanh lên cùng một lần lại khó hơn nữa. Như vậy, tầm (Vitakka) và tác ý (Manasikāra) sanh lên cùng một lần, nhưng chúng có những chức năng khác nhau. Có sự khác biệt không rõ ràng giữa chúng. Một tâm sở thì hướng tâm đến đối tượng. Tâm sở còn lại thì gắn tâm vào đối tượng. Hai tâm sở thật ra là khác nhau. Tác ý (Manasikāra) hướng những cái tâm sở đi kèm với nó đến đối tượng, trong khi tầm (Vitakka) lại áp đặt chúng vào/lên đối tượng.
“Tác ý (Manasikāra) là một yếu tố nhận thức không thể thiếu được trong tất cả những trạng thái tâm thức; …” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Nếu không có tác ý (Manasikāra), tâm trí của chúng ta không thể ở trên đối tượng. Tác ý (Manasikāra) hướng tâm trí của chúng ta đến đối tượng này và đối tượng kia.
“… tầm (Vitakka) là một yếu tố chuyên môn vốn không phải là nhất thiết cho sự nhận thức.” (CMA, II, Guide to §2, p.81)
Điều này có nghĩa là có một vài tâm sanh lên mà không có tầm (Vitakka). Chúng ta sẽ nghiên cứu về điều này sau. Có bao nhiêu tâm sanh lên cùng với tầm (Vitakka)? Trong số 121 tâm, chỉ có 55 tâm sanh lên cùng với tầm (Vitakka). Có những tâm có thể bắt cảnh mà không cần sự giúp đỡ của tầm (Vitakka). Nhưng khi không có sự giúp đỡ của tác ý (Manasikāra), thì không có tâm (Citta) nào có thể bắt được đối tượng. Tác ý (Manasikāra) là một yếu tố nhận thức không thể thiếu được trong tất cả những trạng thái tâm thức. Tầm (Vitakka) là một yếu tố chuyên môn không phải là nhất thiết. Đó là lý do tại sao có những tâm không cần tầm (Vitakka) đưa chúng đến đối tượng.
Đây là bảy tâm sở (Cetasika) phổ biến hay bảy tâm sở tợ tha, có chung trong tất cả 121 tâm. Chúng sẽ sanh lên với mọi tâm. Sau này, chúng ta sẽ nghiên cứu có bao nhiêu tâm sở (Cetasika) sanh lên với từng tâm (Citta) một. Bảy tâm sở này luôn luôn có mặt với tất cả các tâm (Citta).
Hôm nay, chúng ta đã học bảy tâm sở tợ tha (Sabbacitta-sādhāraṇa). Tôi muốn các bạn trở nên quen thuộc với những từ Pāḷi: Phassa, Vedanā, Saññā, Cetanā, Ekaggatā, Jīvitindriya và Manasikāra.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Học viên: Khi Ngài nói Đức Phật dạy rằng, “Cetanā là Kamma”, vậy tâm sở tư (Cetanā) là nghiệp (Kamma) hay nghiệp (Kamma) là tâm sở tư (Cetanā)?
Sayādaw: Nghiệp (Kamma) là tâm sở tư (Cetanā) đi theo những tâm thiện (Kusala Citta) và tâm bất thiện (Akusala Citta). Như các bạn đã biết rồi đó, tâm sở tư (Cetanā) đi theo với tất cả các tâm. Ví dụ, tâm sở tư (Cetanā) đi theo những tâm quả thì không được gọi là nghiệp (Kamma). Chỉ có tâm sở tư (Cetanā) đi theo với thiện (Kusala) và bất thiện (Akusala) mới được gọi là nghiệp (Kamma). Có sự khác nhau trong trường hợp này.
Trong Giáo Lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna), có hai loại nghiệp (Kamma). Một là nghiệp đồng sanh (Sahajāta Kamma) và một là nghiệp dị thời (Nānākkhaṇika Kamma). Nghiệp dị thời có nghĩa là nghiệp (Kamma) của những thời điểm khác nhau. Nghiệp đồng sanh có nghĩa là có tâm sở tư (Cetanā) với tất cả các tâm. Chúng ta lấy ví dụ như, khi tâm sở tư (Cetanā) đi với tâm bất thiện (Akusala Citta), nó có thể là nghiệp dị thời hay nó có thể là nghiệp đồng sanh. Nhưng khi nó đi cùng với những tâm quả (Vipāka Citta), nó không thể là nghiệp dị thời. Các bạn không hiểu ư? Có hai loại nghiệp duyên trong Giáo Lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna). Một là nghiệp đồng sanh. Hai là nghiệp dị thời. “Dị thời” có nghĩa là các bạn thực hiện nghiệp (Kamma) bây giờ và kết quả có thể sẽ ở trong những kiếp sống vị lai. Chúng thuộc vào những thời điểm khác nhau. Chúng ta có “nghiệp cùng thời” và “nghiệp khác thời”. Khi tâm sở tư (Cetanā) đi cùng với tâm bất thiện (Akusala Citta), nó có thể là cả hai – “nghiệp cùng thời” và “nghiệp khác thời”. Ở đây, nó thật sự là nghiệp (Kamma). Khi tâm sở tư (Cetanā) đi cùng với nhãn thức, nó chỉ là “nghiệp cùng thời”, chứ không phải “nghiệp khác thời” bởi vì nhãn thức là một tâm quả.
Trong trường hợp này, tuy rằng chúng ta gọi nó là nghiệp (Kamma) theo như trong Giáo Lý Duyên Hệ (Paṭṭhāna), nhưng nó không phải là loại nghiệp (Kamma) cho quả. Nó chỉ là nghiệp (Kamma) thôi.
Học viên: Tâm (Citta) nhận thức cảnh hay nó chỉ có thể nhận thức cảnh khi các yếu tố khác có mặt?
Sayādaw: Thật ra, tâm (Citta) là sự nhận thức cảnh. Khi có sự nhận thức, thì những tâm sở (Cetasika) khác cùng tham dự vào tiến trình. Khi không có sự nhận thức cảnh, thì không có sự trải nghiệm cảnh. Không có sự xúc chạm với cảnh. Mặc dầu chúng sanh lên cùng một lần, nhưng những tâm sở được xem là phụ thuộc vào tâm (Citta).