Ngũ Nhãn Đức Thế Tôn – Tìm Hiểu Nhục Nhãn, Pháp Nhãn và Trí Nhãn – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết

1:30 Tác bạch và đảnh lễ Phật
8:24 Giới thiệu về ngũ nhãn của Đức Phật
12:12 Giải thích về danh từ Pali là cakkhu – con mắt
17:55 Giải giải về con mắt nhục nhãn maṃsacakkhu của Đức Phật và những câu chuyện liên quan
1:08:20 Giảng giải về dibbacakkhu – thiên nhãn là 1 trong 5 loại của con mắt trí tuệ paññācakkhu và những câu chuyện liên quan
1:43:22 Tiến trình chuyển đổi từ thiền chỉ sang ñāṇacakkhu – trí nhãn
1:52:02 Thực hành thiền
2:04:14 Lời chúc phúc từ Ngài tam tạng
2:06:59 Chia phước và hồi hướng

 

Hôm nay là ngày 10 tháng 7 năm 2022, nhằm ngày 12 tháng 6 âm lịch. Chỉ vài hôm nữa thôi là ngày mà Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân. Buổi hôm nay, Ngài tam tạng muốn chia sẻ với chúng ta về năm con mắt của Đức Phật gọi là ngũ nhãn của Đức Phật mà ở trong bài kinh Chuyển pháp luân – bài pháp đầu tiên, Đức Phật cũng có giới thiệu về một danh từ liên quan đến một trong ngũ nhãn này. Với mục đích để cho chúng ta hiểu biết thêm về Đức Phật, về trí tuệ của Đức Phật và nội dung bài kinh Chuyển pháp luân để chúng ta có thể tu tập, mang lại hạnh phúc an lạc cho bản thân và cuối cùng đạt đến sự giải thoát, giác ngộ.

Chúng ta là một phật tử, dù ở đâu Việt Nam, Myanmar hay là nơi nào khác cũng đều biết đến bài kinh Chuyển pháp luân là bài kinh đầu tiên mà Đức Phật thuyết ở trên thế gian, trong bài pháp đầu tiên này, Đức Phật có đề cập đến dhammacakkhu và ñāṇacakkhu. Cho nên bài pháp thoại hôm nay, nhân duyên liên quan đến bài kinh Chuyển pháp luân cùng với một bài kệ mà được thuyết ở trong một bộ kinh khác có đề cập đến Buddhacakkhu, samantacakkhu và dibbacakkhu cho nên Ngài tam tạng sẽ kết hợp hai bài kinh để nói về ngũ nhãn của Đức Phật.

Và để bắt đầu buổi pháp thoại hôm nay về ngũ nhãn của Đức Phật tất cả chúng ta cùng nhau niệm tưởng ân đức của Đức Phật:

Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)

Khi tìm hiểu về ngũ nhãn của Đức Phật, ở trong bộ kinh Suttanipāta và bộ kinh Mahāniddesapāḷi ở trong bài kinh Sāriputta chúng ta tìm thấy một bài kệ đó là:

Sadevakassa lokassa yathā dissati cakkhumā
sabbaṃ tamaṃ vinodetvā ekova ratimajjhagā

Nghĩa là Trên thế gian luôn với chư thiên (Sadevakassa lokassa) bậc Hữu nhãn được thấy như vậy (yathā dissati cakkhumā)
Là một người duy nhất thỏa thích sự xuất ly (ekova ratimajjhagā) sau khi xua tan tất cả bóng tối của phiền não (sabbaṃ tamaṃ vinodetvā).

Trong bài kinh này danh từ cakkhumā được tìm thấy và đây cakkhumā có nghĩa là bậc Hữu nhãn, có nghĩa là bậc có 05 con mắt như được giải thích ở trong quyển kinh Mahāniddesapāḷi.

Và trong bài kinh này, bài kinh Sāriputta thuộc bộ kinh Mahāniddesapāḷi khi giải thích từ cakkhumā có nghĩa là bậc Hữu nhãn, được giải thích là Đức Thế tôn là một vị mà có được thứ nhất là maṃsacakkhu – con bắt bằng xương bằng thịt, thứ hai dibbacakkhu – thiên nhãn, thứ ba là paññācakkhu – tuệ nhãn, thứ tư là buddhacakkhu – Phật nhãn, thứ năm là samantacakkhu – toàn nhãn hoặc là nhất thiết nhãn. Đó được gọi là năm con mắt ngũ nhãn của Đức Thế tôn.

Khi nói đến con mắt, danh từ Pali là cakkhu, dường như ai cũng có thể hình dung được con mắt như thế nào, nhưng thường chúng ta chỉ biết con mắt với một sự hiểu biết bình thường mà thôi. Ở trong tạng Vi diệu pháp, bộ sách đầu tiên đó là Dhammasaṅgani và bộ chú giải của bộ Dhammasaṅgani giải thích rất là rõ trên phương diện Vi diệu pháp, phân tích rất chi tiết. Và hôm nay Ngài sẽ chia sẻ với chúng ta trên phương diện Vi diệu pháp về con mắt và ý nghĩa con mắt mà chúng ta dường như ai cũng biết.

Ở trong bộ Vi diệu pháp Dhammasaṅgani và Dhammasaṅgani aṭṭhakathā – chú giải của bộ saṅgani, khi giải thích về từ cakkhu – con mắt, ở đây được giải thích rằng:

Thứ nhất đó là maṃsacakkhu – con bắt bằng da bằng thịt. Ở đây có 02 loại đó là cakkhupasāda – tịnh nhãn và sasambhāracakkhu – yếu tố liên quan.

Con mắt thứ hai đó là con mắt trí tuệ paññācakkhu. Paññācakkhu được giải thích chia rẽ ra bao gồm 05 loại: dibbacakkhu – thiên nhãn, dhammacakkhu – pháp nhãn, ñāṇacakkhu – trí nhãn, buddhacakkhu – Phật nhãn và samantacakkhu – toàn nhãn hoặc là nhất thiết nhãn.

Vì khi giải thích thì ở trong kinh và chú giải đã giải thích một cách đầy đủ, đã liệt kê toàn bộ những con mắt bao gồm mắt bằng da bằng thịt và con mắt trí tuệ. Đối với con mắt trí tuệ liên quan đến Đức Phật chỉ có hai con mắt đó là Phật nhãn và thứ hai là samantacakkhu – toàn nhãn hoặc là nhất thiết nhãn. Những con mắt còn lại như là pháp nhãn, thiên nhãn, trí nhãn thì các bậc Thánh đệ tử xuất gia hoặc tại gia, nếu tinh tấn tu tập có thể đạt được, chứ không chỉ có Đức Phật mới đạt được.

Sau khi chúng ta biết một cách tổng quát về con mắt bằng da bằng thịt và con mắt trí tuệ như vậy rồi, Ngài tam tạng sẽ giải thích cho chúng ta về con mắt đầu tiên đó là nhục nhãn – maṃsacakkhu là con mắt bằng da bằng thịt mà dường như ai trong chúng ta cũng đều biết.

Khi giải thích về nhục nhãn maṃsacakkhu ở trong Vi diệu pháp được giải thích theo nghĩa chân đế bao gồm hai loại đó là pasādacakkhu – nhãn tịnh sắc và thứ hai là sasambhāracakkhu. Sasambhāra bao gồm hai chữ là sa và sambhāra. Sambhāra ở đây nghĩa là những thành tố cấu tạo nên con mắt. Theo Vi diệu pháp những thành tố này được cấu tạo bởi các sắc chất vi tế bao gồm tứ đại đất nước lửa gió, mùi màu vị, dưỡng chất,.. bao gồm 14 sắc tố. Nói một cách chi tiết có 44 sắc tố hình thành nên con mắt mà chúng ta nhìn vào có thể thấy được.

Nằm ở giữa con mắt gọi là sasambhāracakkhu nghĩa là những thành tố hình thành nên con mắt mà chúng ta nhìn thấy là con mắt bình thường. Ở giữa con mắt này có một loại sắc chất gọi là pasāda – tịnh sắc, là một yếu tố sắc làm một cái chất dẫn, là nơi để cho nhãn thức sinh khởi. Ở trong tạng Vi diệu pháp bộ Paṭhana Duyên hệ, chúng ta nghe từ āyatanaṃ cakkhu viññāna dhātuya. Ở đây āyatanaṃ là để chỉ về yếu tố tịnh sắc này pasādacakkhu. Nói một cách dễ hiểu có thể gọi là thần kinh mắt, là một yếu tố rất là quan trọng để cho sự nhìn thấy nó sinh khởi.

Đối với Đức Phật trong kiếp chót, trải qua thời gian rất dài thực hành 10 phẩm hạnh ba la mật, cho nên vào kiếp cuối cùng 1 trong 32 tướng tốt của Đức Phật có 2 tướng tốt liên quan đến con mắt. Thứ nhất đó là con mắt có hình dáng tròn, rất đẹp. Và thứ hai là có mí mắt đẹp giống như là mí mắt của con bò con mới sinh ra, ở trong kinh diễn tả như vậy. Đó là 2 tướng tốt trong 32 tướng tốt của Đức Phật.

Ở trong bài kinh Lakkhana Sutta thuộc Trường bộ kinh, tập thứ ba Pāthikavagga có đề cập về nguyên nhân vì sao Đức Phật có được 02 tướng tốt liên quan đến con mắt. Ở trong bài kinh đó đề cập rằng, ở trong những kiếp quá khứ, thời gian rất là lâu, suốt 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp, trong quá trình Đức bồ tát thực hành ba la mật, dù như thế nào Ngài cũng nhìn với con mắt có tâm từ bi đó là piyacakkhu. Dù những chúng sinh khác, người khác có tâm hãm hại, có những hành động hãm hại đối với Ngài như thế nào, Ngài không có nhìn với cặp mắt sân hận giống như trợn mắt lên như con tôm, hay nhìn liếc qua liếc lại như những con quạ mà Ngài nhìn với con mắt đầy tình thương, dù người đó là kẻ thù muốn hãm hại Ngài hay là những người mà Ngài yêu thương, Ngài đều nhìn bằng con mắt đầy từ bi, cho nên qua nhiều kiếp thực hành như vậy, và kiếp cuối cùng 02 trong

32 tướng tốt của đức Phật có hai tướng tốt liên quan đến con mắt. Thứ nhất đó là mắt tròn đẹp, thứ hai là mí mặt cũng đẹp.
Vì trải qua nhiều đời nhiều kiếp thực hành ba la mật với cái nhìn đầy tình thương như vậy, không nhìn trợn mắt như con tôm, không nhìn với cặp mắt soi mói liếc qua liếc lại như con quạ, không nhìn với con mắt đầy sân hận. Đó là nghiệp duyên, làm nhân làm duyên để cho quả hiện tại vào kiếp cuối cùng đó là con mắt với vẻ đẹp mà ai nhìn vào cũng đều tỏ sự thỏa thích và kính trọng. Quả hiện tại cũng là cái duyên, và cái duyên đó gọi là vipākapaccayo là quả duyên và khi người khác nhìn vào cũng thỏa thích kính trọng và đầy lòng kính mến cũng gọi là vipākapaccayo quả duyên.

Đối với chư Phật thì Phật nhãn Buddhacakkhu hay là toàn nhãn samantacakkhu đều giống nhau. Nhưng đối với maṃsacakkhu khả năng nhìn với con mắt bình thường thì mỗi Ngài có sự khác nhau, tùy thuộc vào tuổi thọ và sự tu tập ba la mật ở trong quá khứ khác nhau nên khả năng nhìn của nhục nhãn – con mắt bình thường có sự khác nhau. Ví dụ đối với Đức Phật Vipassī là một vị Phật cách đây 91 ngàn đại kiếp, Đức Phật Vipassī khi mới sinh ra đã có con mắt rất là đặc biệt, có thể nhìn thấy rõ những vật trong vòng 1 yojana tương đương khoảng 12 cây số và Ngài có thể nhìn thấy cả ngày lẫn đêm. Muốn nhìn thấy vật nào ban ngày hoặc ban đêm trong cái diện tích khoảng 12km Ngài đều có thể nhìn thấy được, cũng vì Ngài nhìn thấy rõ mọi vật trong không gian rộng lớn như vậy, cho nên khi Ngài làm vua, xử lý quân vụ, Ngài đều nhìn thấy rõ những người nào là người tuân thủ luật pháp, người nào không tuân thủ luật pháp để Ngài cai trị. Cho nên khi ngài sinh ra mới được đặt là Vipassī có nghĩa là bậc nhìn thấy rõ.

Cho nên khi chúng ta biết được quả của sự nhìn thấy rất xa và sự nhìn thấy rõ ràng cả ngày lẫn đêm của Đức Phật Vipassī hay là những Đức Phật khác như vậy là do nguyên nhân ở trong quá khứ, các ngài nhìn với cặp mắt đầy tình thương, gọi là piyacakkhu, dù là người đó là kẻ thù hay thân quyến, Ngài luôn nhìn với con mắt đầy tình thương, chứ không có nhìn với con mắt đầy sân hận, con mắt trở ngược như con tôm hay liếc qua liếc lại như con quạ. Đó là sự vận hành nhân quả.

Mặc dù chúng ta không có những con mắt đẹp giống như là chư Phật nhưng chúng ta biết được những nhân nào dẫn đến con mắt đẹp thì chúng ta vẫn có thể biết được cách để làm cho con mắt đẹp và sáng. Vì nhân gì mà khiến con mắt không được đẹp và không được sáng thì cũng có nguyên nhân của nó. Như ở trong kinh Pháp cú bài kệ đầu tiên về tích truyện của Ngài Cakkhupāla. Sẵn đây Ngài tam tạng sẽ tóm tắt câu chuyện này để cho chúng ta hiểu thêm vì nguyên nhân gì mà có con mắt xấu, không sáng không đẹp.

Vào thời Đức Phật có một vị tỳ khưu tên là Cakkhupāla. Vào thời gian sắp nhập hạ vào mùa mưa, vị tỳ khưu Cakkhupāla cùng với những người bạn đã đi đến Đức Phật xin đề mục thiền từ Đức Phật để đi đến một ngôi làng khác nhập hạ ở đó. Và trong suốt thời gian tỳ khưu Cakkhupāla cùng với những người bạn đồng phạm hạnh tu tập suốt ba tháng mùa mưa tại ngôi làng. Mặc dù trải qua thời gian khá là khó nhọc và Ngài Cakkhupāla cũng đã có căn bệnh liên quan đến con mắt và dẫn đến sự mù lòa
Sau mãn hạ ba tháng mùa mưa, tỳ khưu Cakkhupāla được sự hỗ trợ của những vị đồng phạm hạnh đã hỗ trợ trở về nơi mà Đức Phật đang cư ngụ để đảnh lễ Đức Thế tôn.

Đến nơi Đức Phật đang cư ngụ Ngài Cakkhupāla được sắp xếp trong một cái cốc để ở. Vào một đêm nọ Ngài đi kinh hành, có lẽ ngài đi kinh hành với sự trợ giúp của một cây gậy. Vì buổi tối trời có mưa cho nên côn trùng ở trên đường cũng khá nhiều và tỳ khưu Cakkhupāla đã dẫm đạp lên những côn trùng đó. Sáng ngày hôm sau, vị tỳ khưu khác nhìn thấy như vậy mới bạch lên Đức Phật, sau đó Đức Phật cho mời gọi tỳ khưu Cakkhupāla vào hỏi, Ngài hỏi rằng có phải đêm qua ông đã đi kinh hành và dẫm đạp những con con trùng chết ở trên mặt đất hay không. Tỳ khưu Cakkhupāla mới thưa rằng: Bạch đức Thế tôn, con không có cố ý giết những con côn trùng đó. Bởi vì những vị tỳ khưu khác không biết rằng ngài Cakkhupāla là một bậc Thánh A ra hán không bao giờ giết hại những chúng sinh khác, nhưng vì nhìn thấy những con côn trùng chết ở trên mặt đất như vậy nên mới bạch lên Đức Thế tôn.

Khi đó Đức Thế tôn mới nói rằng, vị tỳ khưu Cakkhupāla là một bậc Thánh A ra hán cho nên không cố ý giết những con côn trùng như vậy, bởi vì một bậc Thánh A ra hán không bao giờ có tâm sát hại những chúng sinh khác. Những vị tỳ khưu khác nghe như vậy mới hỏi Đức Thế tôn: Bạch Đức Thế tôn, là một bậc Thánh A ra hán mà vì sao tỳ khưu Cakkhupāla bị mù lòa như vậy, có phải do tỳ khưu Cakkhupāla thực hành thiền quá nhiều mà bị mù lòa hay là do một nguyên nhân nào khác mới dẫn đến sự mù lòa. Đức Phật mới dạy rằng: Không phải do thực tập hành thiền quá thiền dẫn tới sự mù lòa mà do nguyên nhân ở trong một kiếp quá khứ khiến cho kiếp này tỳ khưu Cakkhupāla bị mù lòa như vậy.

Đức Phật mới kể rằng trong một kiếp quá khứ, tiền thân của tỳ khưu Cakkhupāla là một người thầy thuốc chuyên chữa trị về mắt, một lần nọ có một bệnh nhân gần bị mù mắt, cho nên vị thầy thuốc này đã đến chữa trị cho bệnh nhân này, và trước khi chữa trị bệnh nhân này đã hứa khả cho người thầy thuốc rất nhiều tiền, cho nên vị thầy thuốc đã chữa trị làm cho con mắt trở nên sáng lại. Mặc dù sau khi chữa trị trở lên sáng lại, bệnh nhân đã không theo lời hứa của mình, và không muốn trả tiền đúng như đã hứa, cho nên người thầy thuốc cảm thấy rất bực mình, với tâm sân như vậy ông ta đã có một suy nghĩ bây giờ ông không lấy tiền nhưng sẽ làm cho bệnh nhân này trở lại mù lòa. Với suy nghĩ đầy tâm sân hận như vậy, người thầy thuốc đã cho người bệnh nhân điểm thêm một loại thuốc mà người thầy thuốc nói rằng bây giờ ông hãy điểm thêm loại thuốc này sẽ làm con mắt trở lên sáng hơn. Người bệnh nhân đã nghe theo và dùng thuốc đó điểm thêm vào mắt và cuối cùng thì con mắt trở lên mù lòa hơn trước khi chữa trị. Vì sự sân hận và nói dối bệnh nhân đã khiến cho kết quả bệnh nhân bị mù lòa như vậy, cho nên kiếp này ngài mới bị quả mù lòa. Vì người thầy thuốc có tâm sân hận, cho nên đã nghĩ đến việc làm hại người bệnh trở lên mù lòa. Khi ông ta bào chế thuốc để cho bệnh nhân mù lòa cũng với tâm sân hận muốn hãm hại bệnh nhân, và khi cho bệnh nhân dùng thuốc ông ta không những có những tâm bất thiện mà còn biểu hiện ra bằng lời nói dối để người bệnh nhân sử dụng thuốc đó.

Vì những tâm bất thiện, những hạnh nghiệp bất thiện ở trong kiếp đó như vậy, cho nên trong kiếp hiện tại dù là một vị tỳ khưu, nhưng vì nhân quá khứ bất thiện đó nó cho kết quả bất thiện đau khổ ở trong kiếp hiện tại đó là mù lòa con mắt. Và cuối cùng Đức Phật mới kết luận rằng, sở dĩ vào kiếp quá khứ, người thầy thuốc không có kiềm chế được tâm mình, không có chánh niệm tỉnh giác để thu thúc tâm mình, cho nên mới dẫn đến sự hãm hại người khác như vậy. Và quả của sự hãm hại đó chính là quả trong hiện tại như vị tỳ khưu Cakkhupāla bị mù lòa trong kiếp hiện tại, vì nhân duyên đó cho nên Đức Phật mới thuyết một bài kệ: Manopubbaṅgamā dhammā manoseṭṭhā manomayā, …

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý bất tịnh
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo

Đó là bài kinh mà Đức Phật thuyết ở trong kinh Pháp cú liên quan đến vị tỳ khưu Cakkhupāla bị mù lòa đôi mắt.

Với một phàm nhân thường hay để tâm không có được thu thúc, thường để cho tâm chạy theo những âm thanh đáng ưa thích, những hình ảnh đáng ưu thích, những mùi vị đáng ưa thích, những sự xúc chạm đáng yêu thích,… Vì để tâm chạy theo ngũ dục như vậy cho nên tâm không có chánh niệm, tỉnh giác. Và vì tâm không có chánh niệm tỉnh giác cho nên tâm chạy theo ngũ dục ngũ trần. Và vì để tâm chạy theo ngũ dục ngũ trần cho nên tâm đã bị ô nhiễm với tham, sân và si. Với tâm ô nhiễm bởi tham, sân, si người ta có thể có những hành động như là sát sanh, trộm cắp, nói dối,.. Cuối cùng kết quả khiến cho người đó đến cảnh giới đau khổ, cảnh giới không an vui, đó là tiến trình vận hành nhân quả mà do tâm thiếu sự chánh niệm tỉnh giác.

Ở trong tương ưng bộ kinh và chú giải của tương ưng bộ kinh có đề cập đến 02 hạng người đó là hạng người chạy theo sự mong muốn của tâm và hạng người thứ hai là không đi theo sự mong muốn của tâm.

Hạng người thứ nhất là luôn chạy theo sự mong muốn dục lạc của tâm, là hạng người gọi là apariṇata. apariṇata được kết hợp bởi 02 chữ a và pariṇata. pariṇata là hạng người thấy biết rõ thế nào là danh pháp, thế nào là sắc pháp, và biết rõ những đặc tính chung của danh pháp và sắc pháp nghĩa là vô thường, khổ và vô ngã. Cho nên apariṇata là người mà không có sự hiểu biết thế nào là danh pháp, thế nào là sắc pháp, và không biết rõ vô thường, khổ và vô ngã là ba đặc tính chung của danh pháp và sắc pháp. Ở đây hạng người mà không có hiểu được thế nào là danh pháp, thế nào là sắc pháp và đặc tính chung vô thường, khổ và vô ngã của danh pháp là hạng người thường chạy theo sự mong muốn của tâm. Còn hạng người hiểu biết thế nào là danh pháp, thế nào là sắc pháp, thế nào là đặc tính chung của danh pháp và sắc pháp, hạng người đó sẽ không có chạy theo mong muốn, ước muốn và dục vọng của tâm. Cho nên điều quan trọng ở đây là để thu thúc tâm của mình không có chạy theo ý muốn dục vọng của nó thì cần phải biết rõ thế nào là danh pháp và sắc pháp và đặc tính vô thường khổ và vô ngã của danh pháp và sắc pháp.

Cho nên nếu như người thầy thuốc là tiền thân của tỳ khưu Cakkhupāla hiểu về thế nào là danh pháp, lá sắc pháp, hiểu rằng thuốc này chỉ là sắc pháp, hiểu rằng thân tâm này chỉ là danh pháp và sắc pháp và hiểu rằng bệnh nhân cũng chỉ là danh pháp và sắc pháp. Danh pháp và sắc pháp này luôn thay đổi biến hoại, không phải ta, không phải của ta. Nếu như người thầy thuốc có sự hiểu biết như vậy thì ông ta sẽ không khởi lên tâm sân hận bực mình để dẫn đến sự hãm hại mù lòa đôi mắt của bệnh nhân. Vì người thầy thuốc không có hiểu rõ danh pháp và sắc pháp và đặc tính của danh pháp và sắc pháp cho nên mới hiểu rằng: Đây là công lao chữa trị của ta, tiền này là tiền của ta, sau khi ta có tiền ta sẽ sống một cuộc sống sung sướng. Gia tài này là của ta. Vì ông thầy thuốc có tâm niệm sai lầm, có tham ái, có ngã mạn, có tà kiến như vậy cho nên kết quả là làm cho tâm của ông ta nổi sân và dẫn đến hãm hại bệnh nhân bị mù lòa đôi mắt. Cho nên đến kiếp hiện tại nghiệp lực đó đã theo ông ta cho đến kiếp cuối cùng, mặc dù khi trở thành vị tỳ khưu A ra hán rồi, nhưng mà quả xấu vẫn trổ do nghiệp xấu ở trong quá khứ.
Còn đối với Đức Phật của chúng ta, vì Ngài ở trong nhiều kiếp quá khứ đã thực hành tròn đủ mười pháp hạnh ba la mật, không những trì giới, xuất gia mà ngài thực hành hạnh nhẫn nhục rất là tốt. Điển hình ở trong tích truyện tiền thân, khi Ngài là một vị vua Sirī có những người họ đến để xin con mắt của ngài, không những một con mắt mà Ngài móc cả hai con mắt cho họ luôn. Và trong tích truyện Khantivādī là một trong 550 tích truyện tiền thân của Đức Phật, dù Đức Bồ tát bị chặt tay chặt chân nhưng tâm không có sân hận, vẫn nhẫn nại với tâm từ cho nên trải qua nhiều kiếp Ngài thực hành những phẩm hạnh ba la mật như vậy, kiếp cuối cùng không những con mắt của Ngài đẹp sáng mà những bộ phận khác trên cơ thể của ngài cũng đều rất đẹp cho nên mới gọi là 32 tướng tốt.

Trên đây Ngài tam tạng đã giải thích về nhục nhãn của Đức Phật, và nguyên nhân nào dẫn đến nhục nhãn hay con mắt bằng xương bằng thịt có vẻ đẹp như vậy. Và bây giờ Ngài tam tạng sẽ đề cập đến 05 loại mắt trí tuệ Paññācakkhu bao gồm dibbacakkhu – thiên nhãn, dhammacakkhu – pháp nhãn, ñāṇacakkhu – trí nhãn, buddhacakkhu – Phật nhãn và samantacakkhu – toàn nhãn. Đó là 05 con mắt trí tuệ.

Đối với con mắt trí tuệ đầu tiên là dibbacakkhu – thiên nhãn. Đối với con mắt trí tuệ thiên nhãn này thì không những Đức Phật mới có mà các đệ tử xuất gia hay tại gia thực hành thiền chỉ đạt đến các tầng thiền sắc giới, vô sắc giới và thần thông đều có thể có được con mắt trí tuệ dibbacakkhu – thiên nhãn này, nhưng khả năng trí tuệ liên quan đến dibbacakkhu – thiên nhãn này thì có sự sai khác. Đức Phật sẽ khác với các bậc Thánh đệ tử. Đối với Đức Phật để có được dibbacakkhu – thiên nhãn thì vào đêm rằng tháng tư Ngài đã ngồi thiền định dưới cội Bồ đề sau khi đạt đến Tứ thiền của đề mục ānāpānasati chánh niệm trên hơi thở vào và hơi thở ra, vào canh đầu tiên đạt được trí tuệ thứ nhất đó là thiên nhĩ thông, và qua canh hai ngài đạt được trí tuệ thiên nhãn thông. Với trí tuệ thiên nhãn thông này ngài thấy rõ sự sanh lên và mất đi của các chúng sinh như thế nào, tùy theo những hạnh nghiệp nào. Đó là con mắt trí tuệ gọi là thiên nhãn của Đức Phật.

Danh từ dibbacakkhu được kết hợp bởi hai từ đó là dibba và cakkhu. Dibba nghĩa là thiên hay là thuộc về chư thiên, cakkhu nghĩa là con mắt. Con mắt dibbacakkhu nghĩa đen là con mắt của chư thiên nghĩa là với con mắt của chư thiên thì có thể thấy những vật rất là xa, những vật rất là vi tế khó thấy, và một nghĩa khác của danh từ dibbacakkhu là sự hiểu biết thấy rõ sự sinh lên và mất đi của các chúng sinh ở trong tam giới, cho nên trí tuệ này cũng được gọi là Cutūpapātañāṇa = cuti (chết) + upapatti (sanh lên). Thấy rõ sự sinh lên và mất đi của các chúng sinh tùy theo những hạnh nghiệp, vì những hạnh nghiệp nào mà sinh nào những dòng họ cao sang, vì những hạnh nghiệp nào mà sinh vào những gia đình nghèo khó,.. Đó gọi là sự hiểu biết dibbacakkhu – thiên nhãn.

Vì trí tuệ này có sự thấy biết rõ đối với các chúng sinh sinh lên và mất đi tùy theo những hạnh nghiệp, vì những hạnh nghiệp nào mà các chúng sinh sinh vào cảnh giới nào, vì những hạnh nghiệp nào mà chúng sinh được sinh lên với tuổi thọ ngắn hay dài, đó là sự hiểu biết về hạnh nghiệp của tất cả chúng sinh ở trong tam giới khi họ chết đi và sinh lên tùy theo hạnh nghiệp của họ. Cho nên trí tuệ này cũng được gọi một cái tên khác là yathākammupaga – sự thấy biết tùy theo hạnh nghiệp và cũng có một tên khác nữa là Anāgataṃsañāṇa – sự hiểu biết về tương lai của các chúng sinh tùy vào hạnh nghiệp của họ. Đó là những tên gọi khác nhau của trí tuệ dibbacakkhu – thiên nhãn.

Sở dĩ trí tuệ dibbacakkhu – thiên nhãn có những tên gọi khác nhau như vậy là bởi vì chức năng có sự khác nhau, ví dụ có một người trước khi mất người đó có những hành động thiện hay bất thiện như thế nào và người đó sau khi thân hoại mạng chung mới tái sinh vào những cảnh giới tương ứng. Và khi nhìn thấy những cảnh giới tương ứng đó. Ví dụ đối với một người làm thiện ở trong kiếp trước thì tái sinh vào cảnh giới chư thiên, hưởng những quả thiện lành ở cảnh giới chư thiên hay là đối với một người làm những điều bất thiện tái sinh vào những cảnh giới đau khổ như là địa ngục, ngã quỷ a tu la súc sinh sau khi chết và ở đó những chúng sinh đó chịu những cảnh khổ như thế nào. Với sự hiểu biết ở trong kiếp tái sinh như vậy thì trí tuệ dibbacakkhu mới gọi là yathākammupaga là sự thấy biết tùy theo hạnh nghiệp của các chúng sinh.

Như Ngài tam tạng đã trình bày, đối với những hành giả tu tập thiền định, chứng đắc tứ thiền sau đó có thể đạt đến thần thông dibbacakkhu – thiên nhãn thì có thể nhìn thấy những chúng sinh mất đi và sinh lên những cảnh giới khác nhau như thế nào, nhưng mà khả năng thấy biết thì có sự khác biệt giữa người này với người kia. Đối với Đức Phật là một vị Phật toàn giác thì với con mắt trí tuệ dibbacakkhu – thiên nhãn này, Ngài có thể nhìn thấy các chúng sinh mất đi và sinh lên vô hạn, nghĩa là bất cứ nơi đâu, bất cứ cảnh giới nào, Ngài hướng tâm đều có thể thấy được, hiểu được rất rõ những hạnh nghiệp của chúng sinh đó đã làm những hạnh nghiệp nào, tái sinh hưởng những quả thiện lành hay chịu những quả đau khổ như thế nào tùy theo những hạnh nghiệp đó. Còn đối với các hàng đệ tử thì vào thời Đức Phật ở phía tỳ khưu (bên phía chư Tăng) có ngài Anuruddha – đệ nhất về thiện nhãn, bên phía tỳ khưu ni thì có vị tỳ khưu ni tên là Sakulā – cũng đệ nhất về thiên nhãn. Đối với Ngài Anuruddha thì có thể nhìn thấy những chúng sinh mất đi và tái sinh ở những cảnh giới trong vòng 1.000 thái dương hệ. Những chúng sinh nào mất đi và tái sinh trong không gian của 1.000 Thái dương hệ đều nằm trong thiên nhãn của Ngài Anuruddha.

Đối với Đức Phật Gotama của chúng ta hiện tại, trước khi Ngài trở thành vị Phật toàn giác đạt được thiên nhãn của một vị Phật thì ngài đã có khả năng rất đặc biệt đó là Ngài có thể nhìn thấy và quán chiếu các chúng sinh trong thái dương hệ này với một trí tuệ không phải là nhìn thấy người nam hay người nữ mà Ngài nhìn thấy theo tiến trình thập nhị nhân duyên vô minh – hành – thức – danh sắc – lục nhập….. và Ngài có thể quán chiếu như vậy qua thái dương hệ thứ hai, thứ ba cho đến 100.000 thái dương hệ, và thấy rõ các chúng sinh ở những thái dương hệ đó theo nguyên lý thập nhị nhân duyên chứ không phải là theo tục đế đàn ông, đàn bà, chúng sinh này chúng sinh kia mà là theo tiến trình thập nhị nhân duyên vô minh – hành – thức – danh sắc – lục nhập … đủ 12 yếu tố.

Đối với Đức Phật khi còn là một vị bồ tát, Ngài đã có khả năng nhìn thấy, khả năng quán chiếu các chúng sinh trên phương diện 12 nhân duyên như vậy không những trong thái dương hệ này mà là 100.000 thái dương hệ. Và khả năng này gọi là ñāṇacakkhu – trí nhãn. Sự khác biệt giữa dibbacakkhu – thiên nhãn và ñāṇacakkhu – trí nhãn là như thế nào. Thật ra có sự bổ sung cho nhau. dibbacakkhu – thiên nhãn bổ sung và hỗ trợ cho ñāṇacakkhu – trí nhãn và ngược lại.

Sự hỗ trợ lẫn nhau giữa dibbacakkhu – thiên nhãn và ñāṇacakkhu – trí nhãn như thế nào đã được đề cập ở trong bộ kinh Buddhavamsa – Phật sự. Ở trong bộ kinh này có 01 ví dụ để diễn tả sự tương tác liên quan giữa hai trí tuệ này đó là. Có một người đàn ông đi vào trong khu rừng rậm và muốn đốn củi trong khu rừng rậm đó, người đàn ông phải có 02 thứ: Thứ nhất đó là con dao, thứ hai là viên đá mài. Khi đốn củi người đàn ông phải mài con dao ở trên viên đá mài, đốn củi đến một lúc con dao không còn sắc bén nữa, người đàn ông lại mài tiếp trên viên đá vài đó. Đó là sự hỗ trợ tương quan lẫn nhau, giữa trí tuệ thiên nhãn và trí tuệ trí nhãn cũng như vậy, cũng có sự tương tác qua lại hỗ trợ cho nhau.

Cũng giống như người đàn ông đi vào khu rừng để đốn củi dùng con dao và viên đá mài thì hành giả cũng vậy mà Đức Bồ tát cũng vậy, để đoạn trừ 1.500 loại tham ái ở trong khu rừng tham ái, đức Bồ tát phải dùng con dao trí tuệ đó là vipassanāñāṇa – trí tuệ minh sát, trí tuệ thiền tuệ. Và viên đá mài đó là ānāpānasati – chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra. Trí tuệ thiên nhãn dibbacakkhu cũng được phát triển dựa trên chánh niệm hơi thở vào hơi thở ra. Cho nên hơi thở vào hơi thở ra là nền tảng cho các trí tuệ kể cả trí tuệ thiền tuệ, trí tuệ thiên nhãn hay là các trí tuệ khác mà Đức Bồ tát phát triển, tu tập. Đối với Đức bồ tát, để đoạn trừ 1.500 tham ái trong khu rừng tham ái ở dưới cội bồ đề, trước hết ngài sử dụng đề mục hơi thở vào hơi thở ra để đạt đến tứ thiền, sau đó ngài xuất ra khỏi tứ thiền, quan sát những yếu tố chi thiền và những sắc pháp để phát triển trí tuệ thiền tuệ.

Khi ngài quan sát như vậy, một lúc Ngài lại nhập vòa thiền hơi thở vào hơi thở ra, sau đó Ngài xuất ra tiếp tục quan sát những chi thiền thuộc về danh pháp và những yếu tố sắc pháp ở trong cơ thể và cuối cùng Ngài mới đạt được thiên nhãn, đạt được đến trí tuệ cuối cùng gọi là nhất thiết lậu hoặc là trí tuệ đoạn trừ được tất cả lậu hoặc phiền não tham ái ở trong tâm.
Viên đá mài mà được gọi là ānāpānasati – chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra vô cùng hữu dụng bởi vì Đức bồ tát đã sử dụng để mài trí tuệ thiền tuệ của mình, qua đó đã phát triển trí nhãn ñāṇacakkhu nghĩa là Ngài đã phát triển, thấy rõ thế nào là danh pháp, là sắc pháp, thấy rõ sự sinh diệt của danh pháp và sắc pháp, thấy rõ và đạt đến những trí tuệ sau đó trí tuệ của thiền tuệ cho đến trí tuệ thuận thứ anulomañāṇa. Những trí tuệ này gọi là ñāṇacakkhu – trí nhãn. Và khi đạt đến trí tuệ Nhập lưu Thánh đạo sotāpattimagga thì khi đó pháp nhãn hay là dhammacakkhu phát sinh. Một người mà đạt đến Thánh quả Nhập lưu sotāpattimagga thì người đó có được pháp nhãn. Đối với Đức Phật ở trong bộ kinh Mahāniddesapāḷi thì hai trí tuệ gọi là ñāṇacakkhu – trí nhãn và dhammacakkhu – pháp nhãn được gộp chung lại, gọi một cái tên khác là paññācakkhu tuệ nhãn mà thôi.

Cho nên ở trong bộ kinh Mahāniddesa chỉ đề cập đến ngũ nhãn của Đức Phật trong đó nhãn đầu tiên là maṃsacakkhu – nhục nhãn – con mắt bằng xương bằng thịt từ khi mới sinh ra là ngài đã có con mắt bằng xương bằng thịt này và đặc biệt hơn những người khác vì những phước báu trong quá khứ, đã trải qua quá trình thực hành những phẩm hạnh ba la mật lâu dài trong nhiều đời nhiều kiếp. Ngoài ra có bốn con mắt khác gọi chung là con mắt trí tuệ và ở trong bộ kinh Mahāniddesa – Đại diễn giải có đề cập: con mắt trí hay tuệ nhãn dibbacakkhu – thiên nhãn, paññācakkhu – tuệ nhãn, buddhacakkhu – Phật nhãn và samantacakkhu – toàn nhãn hoặc là nhất thiết nhãn. Cho nên Đức Phật mới được gọi là cakkhumā là một bậc có đầy đủ con mắt bằng xương bằng thịt và con mắt trí tuệ. Còn trong bộ chú giải dhammasaṅgani thuộc tạng Vi diệu pháp thì đề cập chung những trí tuệ hay là những con mắt trí tuệ cũng như con mắt bằng xương bằng thịt đầy đủ bao gồm cả Đức Phật lẫn những người khác – những người có khả năng tu tập đạt đến những trí tuệ gọi là tuệ nhãn này.

Vừa rồi Ngài tam tạng đã giới thiệu và giải thích một phần nào về ngũ nhãn của Đức Phật, tuần sau Ngài sẽ giải thích tiếp và rộng hơn như là tiến trình mà Ngài Anuruddha đạt đến thiên nhãn như thế nào, tiến trình mà tỳ khưu ni Sakulā đạt đến thiên nhãn như thế nào và Ngài cũng sẽ giải thích thêm những trí tuệ mà hôm nay Ngài chưa có giải thích hết.

Và để kết luận bài pháp thoại ngày hôm nay, Ngài sẽ nói thêm về tiến trình sự chuyển đổi từ thiền chỉ sang trí tuệ gọi là ñāṇacakkhu – trí nhãn như thế nào để cho chúng ta có thể hiểu về pháp hành và thực tập.

Như Ngài đã trình bày hồi nãy về sự thực hành của Đức bồ tát từ khi đạt đến tứ thiền, đạt đến thần thông và sau đó xuất ra khỏi tứ thiền để quan sát danh sắc, phát triển trí tuệ của thiền tuệ gọi là ñāṇacakkhu – trí nhãn. Ở trong bài kinh Sa môn quả Sāmaññaphala sutta có một ví dụ đó là có một viên ngọc và một sợi dây. Có một người chủ nhân của viên ngọc và sợi dây này buộc sợi dây vào viên ngọc, bỏ vào trong túi, với con mắt sáng người này có thể phân biệt rõ đây là sợi dây, đây là viên ngọc, cũng tương tự như vậy đối với người sau khi phát triển thiền định đạt đến tứ thiền ở trên một đề mục hơi thở hay một đề mục khác, sau đó xuất ra khỏi tứ thiền và quan sát danh pháp và sắc pháp, người đó cũng có thể nhìn thấy rõ đây là danh pháp, đây là sắc pháp một cách rõ ràng giống như người kia có thể thấy rõ và phân biệt đây là sợi dây, đây là viên ngọc vậy. Đối với một người có khả năng thực hành thiền định có thể đạt đến các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới, đặc biệt là các tầng thiền sắc giới và tầng thiền cao nhất là tứ thiền thì hẳn nhiên rất là tốt.

Đây là cách chuyển đổi từ thiền định qua thiền tuệ cao nhất là sau khi đạt được tứ thiền rồi xuất ra khỏi tứ thiền và bắt đầu quan sát danh pháp và sắc pháp. Đây là cách cao nhất nhất nhưng mà đòi hỏi phải đầu tư thời gian rất lâu dài. Nếu như những người có ba la mật quá khứ thì có thể trong một thời gian ngắn, nhưng đối với những người, những hành giả chưa từng có ba la mật, chưa từng thực hành thiền định thì không biết là khi nào có thể đạt đến an chỉ định, nhất thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền,… Cho nên cách đây 100 năm trước có ngày Sayadaw tên là Ledi, Ngài Ledi Sayadaw là một vị uyên thâm về Phật pháp và đặc biệt rất là giỏi pháp hành, Ngài đã dạy một phương pháp để chuyển đổi từ thiền định qua thiền tuệ mà không cần phải đắc đến các định an chỉ như là thiền vô sắc hay là sắc giới. Ngài dạy rằng một người khi tu tập định, nếu như không đạt đến an chỉ định mà chỉ đạt đến cận định hay là sát na định làm cho tâm có thể an trú trên đề mục trong từng sát na thôi, thì cũng có thể thực hành thiền tuệ, điều quan trọng là phải quan sát để có thể thấy rõ danh pháp chỉ là danh pháp, sắc pháp chỉ là sắc pháp và thấy rõ những đặc tính vô thường luôn thay đổi biến hoại, đặc tính khổ bất toại nguyện, và đặc tính vô ngã không phải ta, không phải của ta thì hành giả có thể phát triển những trí tuệ thiền tuệ và đạt đến Thánh đạo Thánh quả. Như trong thời gian vừa qua do dịch bệnh Covid, trong thời gian dịch bệnh Covid hành giả có thời gian để tu tập nhưng mà khi tu tập thiền định thì có thể không biết khi nào đạt đến cận định hoặc là an chỉ định, mà nếu như dành hết thời gian, có thể là vài năm hay là hết kiếp người thực hành thiền định thôi mà không thực hành thiền quán thì thật là uổng phí khi chúng ta gặp giáo pháp của Đức Phật ở trong kiếp này nếu như không thực hành thiền quán.

Và ngay bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu thực hành chánh niệm ở trên đề mục hơi thở vào, hơi thở ra là một đề mục làm nền tảng để phát triển dibbacakkhu – thiên nhãn và cũng là nền tảng để phát triển ñāṇacakkhu – trí nhãn.

Bây giờ tất cả ngồi với tư thế thoải mái, nhắm mắt ngậm miệng, giữ lưng và cổ thẳng đứng một cách tự nhiên, không gồng mình, thư giãn toàn thân, chú ý đến hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc giữa hơi thở và lỗ mũi. An trú chánh niệm tâm của mình ở trên hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc đó. Khi hơi thở đi vào hãy nhận biết và quan sát hơi thở đang đi vào từ đầu đến cuối hơi thở, khi hơi thở đi ra cũng nhận biết và quan sát hơi thở đi ra từ đầu đến cuối hơi thở tại điểm tiếp xúc của hơi thở tại lỗ mũi. Nói cách khác là chúng ta hãy quan sát hơi thở đi vào hơi thở đi ra ngay nơi lỗ mũi, không có cố gắng để thở, hãy để hơi thở một cách tự nhiên, chỉ cần chú tâm và quan sát hơi thở vào, hơi thở ra ngay tại lỗ mũi mà thôi. Khi nghe một âm thanh hay có cảm giác gì ở trên thân ngứa nhức mỏi,… hoặc có những suy nghĩ những hình ảnh những tư tưởng xuất hiện ở trong tâm cũng đừng chú ý đến những đối tượng đó mà hãy hướng tâm trở về hơi thở ở điểm tiếp xúc ngay tại lỗ mũi và tiếp tục quan sát hơi thở vào, hơi thở ra từ đầu đến cuối hơi thở. Không phản ứng hay không thích đối với những đối tượng phát sinh ở trên thân và ở trong tâm mà chỉ quay trở về hơi thở vào hơi thở ra ngay sau khi phát hiện tâm của mình hướng đến những đối tượng đó. Chú ý quay trở về hơi thở ở trên lỗ mũi một cách nhẹ nhàng, thư giãn và tiếp tục quan sát hơi thở vào hơi thở ra ở tại điểm tiếp xúc ở ngay lỗ mũi mà thôi.

Để kết thúc bài pháp thoại ngày hôm nay, ngài sẽ đọc một bài kệ để chúc phúc đến cho tất cả chúng ta, chúc phúc cho ban tổ chức, chúc phúc cho những người nghe pháp thoại cùng với thân quyến gia đình cũng như đến cho tất cả chúng sinh ở trên thế giới được nhiều sức khỏe an vui, thuận duyên trong cuộc sống trong công việc và đặc biệt là sớm chứng ngộ Niết bàn, pháp giải thoát tử sinh luân hồi trong tam giới.

Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồnBuddasasanam ciram titthatu (3 lần)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app