5. Niệm Sự An Lạc
Bây giờ chúng ta đi đến phần Niệm Sự An Lạc. ‘Niệm Sự An Lạc’ thật ra có nghĩa là Niệm Níp-bàn (Nibbāna). “Hành giả muốn tu tập Niệm Sự An Lạc, đề mục được nhắc đến tiếp theo sau Niệm Hơi Thở, nên ẩn cư và tưởng niệm những tích chất đặc biệt của Níp-bàn (Nibbāna), nói một cách khác là sự tĩnh lặng của tất cả khổ đau như sau: ‘Này các tỳ-khưu (bhikkhu), trong tất cả các pháp (dhamma), dầu là vô vi hay hữu vi, thì sự phai mờ đi được tuyên bố là tốt nhất, điều đó có nghĩa muốn nói, sự tỉnh ngộ về cái hư ảo, sự loại bỏ khao khát, sự loại trừ cái nương nhờ, sự đoạn diệt vòng quay, sự hủy bỏ tham ái, sự phai mờ đi, sự đoạn diệt, Níp-bàn (Nibbāna).”2 Những từ này sẽ được giải thích.
“Ở đây, ‘trong tất cả’ có nghĩa là ‘tính đến tất cả’. Các pháp (dhamma) [có nghĩa] là những đặc tính cá nhân.”3 Có một chú thích dài ở đây về thuật ngữ ‘dhamma’. Tôi đau đầu với những chú thích này vì trước hết, tôi phải tìm nguồn trong các Sớ Giải và rồi phải kiểm tra phần chuyển ngữ. Ngôn phong dùng trong các Sớ Giải làm cho việc chuyển ngữ rất khó thực hiện. Một vấn đề nữa là tiếng Anh lại không phải là ngôn ngữ bẩm sinh của tôi. Cho nên, điều này không dễ dàng.
Thuật ngữ ‘dhamma’ đến từ gốc từ ‘dhar’. ‘Dhar’ có nghĩa là nắm giữ. “Trong những đoạn văn như ‘Dhamma là những khái niệm’, thì thậm chí một yếu tố không có thực chất vẫn được gọi là ‘dhamma’.” ‘Dhamma’ có thể là bất cứ thứ gì trên thế gian này. Thậm chí những khái niệm cũng được gọi là ‘dhamma’. Tại sao chúng được gọi là ‘dhamma’? Vì chúng sanh ra và được xác nhận bởi kiến thức hay sự hiểu biết. Chúng được thừa nhận, được phê chuẩn hoặc được nắm giữ, ‘dhar’. Loại ‘dhamma’ đó thì không được tính ở đây khi nói rằng “‘Dhamma” có nghĩa là những đặc tính cá nhân.” Khi tác giả nói rằng ‘dhamma’ có nghĩa là những đặc tính cá nhân, thì tác giả muốn loại trừ những khái niệm ra khỏi những yếu tố được gọi là ‘dhamma’ ở đây. Ở đây, ‘dhamma’ có nghĩa là những pháp mà có các đặc tính cá nhân và không phải là những khái niệm. “Loại dhamma đó được loại trừ ra do bởi lời nói: ‘Dhamma [có nghĩa] là những đặc tính cá nhân.’.”
“Hành động trở thành vốn tạo lập nên sự hiện hữu theo nghĩa tuyệt đối là thực chất hay cốt lõi; nó là có cốt lõi, cho nên, nó là một đặc tính cá nhân.” Thuật ngữ Pāḷi ‘sabhāva’ là một từ quan trọng. Trước hết, từ ‘bhāva’ được định nghĩa. ‘Bhāva’ có nghĩa là trở thành. Hành động trở thành là bhāva. Một cái gì đó mà đi cùng với hành động trở thành được gọi là ‘sabhāva’. ‘Hành động trở thành’ có nghĩa là sự hiện hữu theo nghĩa tuyệt đối. Điều đó có nghĩa là có ba tiểu thời điểm hiện hữu – sanh, trụ và diệt. Những hiện tượng như vậy được gọi là ‘sabhāva’ vì chúng đi cùng hay có cùng với bhāva. Như vậy, trong từ này, ‘sa’ có nghĩa là ‘cùng, với’ và ‘bhāva’ có nghĩa là hoạt động trở thành hoặc chúng ta có thể nói là sự hiện hữu. Do đó, những thứ mà có sự hiện hữu riêng của chúng được gọi là ‘sabhāva’.
Trong những nơi khác hoặc trong chính chú thích này, ‘sabhāva’ được giải thích theo cách khác. Ở đó, ‘sa’ có nghĩa là sự sở hữu cá nhân và ‘bhāva’ có nghĩa là cốt lõi hay thực chất. Cho nên, ‘sabhāva’ có nghĩa là cốt lõi hay đặc tính của cá nhân. Hoặc nó có nghĩa là cốt lõi chung hoặc bản chất chung. Như vậy, ‘sabhāva’ có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo những văn cảnh khác nhau. Nếu nó được dùng như là một danh từ, thì nó có nghĩa là một cái gì đó có sự tồn tại riêng hoặc một cái gì đó có sự hiện hữu theo nghĩa tuyệt đối. Trong những nơi khác, nó có thể có nghĩa là bản chất riêng hay cốt lõi riêng của một yếu tố nào đó hoặc bản chất chung hoặc tính chất chung.
Có hai loại bản chất, riêng và chung. Tôi là người Miến (ND: ngài Sīlānanda). Cho nên, ‘là người Miến’ là bản chất riêng của tôi. Tôi là một người nhân loại. Điều này là bản chất chung của tôi, tức là chung với tất cả những người nhân loại khác. Như vậy, ‘sabhāva’ có thể có nghĩa là những yếu tố này.
Như vậy, ở đây, chúng ta không thể dịch nó là những cốt lõi riêng, mà phải dịch là những thứ mà có bản chất riêng. ‘Bản chất’ hay ‘cốt lõi’ là cái gì? Nó là một danh từ trừu tượng phải không? Nó không có nghĩa là một vật có thật. Một cái gì đó có bản chất riêng hoặc những cái gì đó có những cốt lõi riêng được gọi là ‘dhamma’ ở đây.
Ở đây chú thích 69 này hơi dài. “Đặc tính riêng biệt bao gồm, ví dụ như, sự cứng mềm của đất, hoặc sự xúc chạm của xúc, thì không phải là chung hay phổ biến cho tất cả các pháp (dhamma). Tính phổ thông hay tính tổng quát là đặc tính cá nhân có chung hay phổ biến cho tất cả, bao gồm tính vô thường, vân vân.” Giả sử chúng ta có yếu tố đất. Yếu tố đất có đặc tính riêng và đặc tính chung. Đặc tính riêng của nó là cứng hoặc mềm. Cứng hoặc mềm là đặc tính riêng của đất, không chia sẻ với những yếu tố khác hoặc những pháp (dhamma) khác. Yếu tố đất là vô thường. Tính vô thường của nó là đặc tính chung của nó (ND: tức là đặc tính mà những pháp hữu vi khác cũng có). Theo cách này, chúng ta có thể có đặc tính riêng và đặc tính chung.
Về thời gian, thì ngài Ñāṇamoli trích dẫn Phụ Sớ Giải (Mūla Ṭīkā) trong phần chú thích. “Mặc dầu thời gian được xác định bằng loại tâm [ví dụ, như được chỉ rõ trong đoạn văn đầu tiên của Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅganī)] và không có tồn tại khi tính theo đặc tính riêng biệt, tuy nhiên, với tư cách là một pháp không có thực thể trước và sau thời điểm mà tại đó những pháp [đồng sanh và đồng hữu] xảy ra, nó được gọi là ‘cái chứa đựng – adhikaraṇa’; nó chỉ được ghi nhận (được biểu tượng hóa) là trạng thái của một pháp chứa đựng (ādhāra-bhāva).” Tôi tự hỏi là không biết ngài có hiểu điều này không.
Trước hết, chúng ta phải có một chút kiến thức về Thắng Pháp (Abhidhamma). Trong Thắng Pháp (Abhidhamma) có nói rằng, vào lúc đó, vào thời điểm đó, giả sử rằng tâm thiện (kusala citta) thứ nhất sanh lên. ‘Tại thời điểm như vậy’ (trong Pāḷi chỉ là một từ) được đặt trong nơi chốn cách. ‘Tại’ là nơi chốn cách. Từ Pāḷi được dùng ở đây là ‘samaya’. ‘Samaya’ có thể có nghĩa là thời gian hoặc nó cũng có thể có nghĩa là dịp, cơ hội, tình huống. Giả sử chúng ta cho rằng nó có nghĩa là thời gian. Tại sao thời gian là địa điểm của tâm? Tác giả đang giải thích điều này. ‘Cái chứa đựng’ chỉ có nghĩa là nơi chốn. Thời gian là không có tồn tại, không có hiện hữu theo Thắng Pháp (Abhidhamma).
“Mặc dầu thời gian được xác định bằng loại tâm và không có tồn tại khi tính theo đặc tính riêng biệt” – như vậy, theo thực tế, thời gian không có sự hiện hữu. Như vậy, thời gian là không hiện hữu, nhưng thời gian lại được xác định bằng tâm (citta). Điều đó có nghĩa là thời điểm mà một tâm (citta) nào đó sanh lên. Nó được xác định bằng tâm (citta). Như vậy, tại sao thời gian có thể là địa điểm của tâm (citta)? Thời gian là không có tồn tại. Làm sao nó có thể là địa điểm của tâm (citta)? Câu trả lời là, khi một tâm sanh lên (Trước khi nó sanh lên, chẳng có gì cả và sau khi nó diệt đi, chẳng có gì cả) trong suốt ba giai đoạn của sự hiện hữu, nó được gọi là có tồn tại hay có hiện hữu. Tại thời điểm đó, tâm là tồn tại. Như vậy, thời gian được xem là vị trí hay địa điểm chứa đựng của tâm. Thật ra, không có thời gian. Thời gian là không có tồn tại khi tính theo sự thật chân đế. Mặc dầu nó không có tồn tại, nhưng nó được xem là địa điểm/nơi chốn/trú xứ của tâm (citta). Trước sự sanh khởi của tâm (citta) thì không có tâm (citta), và sau sự tan rã của tâm (citta) thì không có tâm (citta). Đó là lý do tại sao thời gian được nói là địa điểm/nơi chốn/trú xứ của tâm (citta). Do đó, Đức Phật đã nói: “Tại thời điểm như vậy, tâm thiện (kusala citta) thứ nhất sanh lên” và vân vân.
Học viên: Còn không gian thì sao ạ?
Giảng sư: Không gian cũng được nhắc đến ở đây. Không gian và thời gian được cho là không có tồn tại theo Thắng Pháp (Abhidhamma). Như vậy, sự chuyển nghĩa ở đây là không đúng. Các bạn nên biết rằng chúng ta cần phải rất quen thuộc với ngôn ngữ vì tuy rằng nó giống như nhau, nhưng nó phải được hiểu khác đi. Chúng ta có hai từ ‘bhāva’ và ‘abhāva’. ‘Abhāva’ bị hiểu sai ở đây. Ngài (ND: ngài Ñāṇamoli) dịch ‘abhāva’ là vô thực thể, nhưng nó lại có nghĩa là không hiện hữu. Như vậy, thời gian có thể là nơi chốn hay địa điểm của tâm (citta) vì trước sự sanh khởi và sau sự tan rã của tâm (citta) và các tâm sở đi cùng, thì chúng không tồn tại. Do đó, nó giống như là một mốc tham khảo, tâm (citta) sanh lên tại lúc này hoặc lúc kia.
Bây giờ, trong phần chánh văn, phần giải thích những thuật ngữ khác nhau – sự phai mờ1, sự tỉnh ngộ về cái hư ảo2, và rồi ‘khi tiến đến nó’3 được sử dụng. ‘Khi tiến đến nó’, chúng được buông bỏ, chúng phai mờ đi và vân vân. ‘Khi tiến đến nó’ thật ra có nghĩa là ‘vì nó’ hoặc ‘khi bắt nó làm đối tượng’.
‘Phai mờ đi’ không phải là Níp-bàn (Nibbāna), nhưng Níp-bàn (Nibbāna) được miêu tả với những từ mà có thể có nghĩa là phai mờ đi. Từ Pāḷi là ‘virāga’ được dùng ở đây cũng như những từ khác nữa. Vigāra đơn giản được dịch là phai mờ đi, nhưng hành động phai mờ đi thì không phải là Níp-bàn (Nibbāna). Níp-bàn (Nibbāna) thì không phai mờ đi. Níp-bàn (Nibbāna) là một cái gì đó. Mặc dầu Níp-bàn (Nibbāna) không có sự hiện hữu, nhưng nó là (tức là, nó tồn tại). Níp-bàn (Nibbāna) là một cái gì đó. Khi tâm đạo (Magga citta) sanh lên, nó tẩy trừ các phiền não. Nó làm cho các phiền não phai mờ đi. Tâm đạo (Magga citta) chỉ sanh lên khi nó bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Nếu nó không bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh thì nó không thể sanh lên. Như vậy, Níp-bàn (Nibbāna) là điều kiện cho tâm đạo (Magga citta) sanh lên. Níp-bàn (Nibbāna) được xem là quan trọng hay nền tảng trong việc làm cho các phiền não phai mờ đi thông qua Đạo (Magga). Tất cả những thuật ngữ này nên được hiểu theo cách này. Phai mờ đi, sự đoạn diệt vòng quay, sự tận diệt, bất kỳ thuật ngữ nào, nó chỉ có nghĩa rằng Níp-bàn (Nibbāna) là quan trọng hay nền tảng trong việc tận diệt sự khổ đau. Chúng phải nên được hiểu theo cách này. Chứ không phải Níp-bàn (Nibbāna) là sự phai mời đi, mà Níp-bàn (Nibbāna) là một cái gì đó quan trọng và là nền tảng trong việc làm cho các phiền não phai mờ đi thông qua Đạo (Magga).
Ngay giữa đoạn chú thích, có từ ‘chuyển tộc’. Điều mà tác giả của Phụ Sớ Giải đang nói là ‘tâm chuyển tộc’ sanh lên ngay trước tâm Đạo. Tâm (citta) đó được gọi là chuyển tộc. Tâm (citta) đó bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Níp-bàn (Nibbāna) mà được giác ngộ hay được nhìn thấy tại thời điểm chuyển tộc phải là thứ có tính sâu sắc vượt qua bản chất phụ thuộc vào ba thời. Níp-bàn (Nibbāna) là phi thời gian. Níp-bàn (Nibbāna) không thuộc vào hiện tại, quá khứ hoặc vị lai. Để cho Níp-bàn (Nibbāna) được giác ngộ bởi tâm chuyển tộc, nó phải không thuộc vào bất kỳ thời nào trong ba thời. Đó là ý nghĩa muốn nói đến ở đó.
Tốt rồi. Chúng ta đã kết thúc phần Niệm Sự An Lạc (Upasamānussati). Còn có những miêu tả khác dành cho Níp-bàn (Nibbāna) nữa. Các bạn có thể tìm thấy trong đoạn văn 248. “Này các tỳ-khưu (bhikkhu), ta sẽ dạy cho các ngươi về pháp vô vi… sự thật… pháp khó thấy được… pháp không suy hoại… pháp tồn tại lâu dài… pháp không đa dạng… pháp bất tử… pháp may mắn… sự an toàn… pháp tuyệt diệu… pháp toàn vẹn… pháp không bị ảnh hưởng, không bị tác động… pháp thanh tịnh… hòn đảo…nơi trú thân.”1 Còn có nhiều thuật ngữ hơn nữa trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya). Các bạn có thể chọn một vài thuật ngữ có tính tích cực từ trong nhóm này và nói rằng Níp-bàn (Nibbāna) là một pháp tích cực.
Rồi những lợi ích của việc quán tưởng về Níp-bàn (Nibbāna) hoặc quán tưởng về sự an lạc được trình bày. Chúng ta đã kết thúc chương này.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!