10.  Nới Rộng Quang Tướng

“Để hoàn thiện sự phát triển của tâm thiền, hành giả, bên cạnh đó, nên nới rộng quang tướng một cách tương ứng như được chứng đạt.”3 Sau khi tránh xa các chướng ngại của thiền (jhāna), hành giả phải nới rộng quang tướng. Khi một người chứng đạt thiền (jhāna), vị đó thực hành trên quang tướng. Nếu quang tướng có đường kính tám inch, thì nó cũng có cùng kích cỡ trong thiền (jhāna). Rồi Sớ Giải giảng rằng vị đó phải nới rộng quang tướng. Điều đó có nghĩa là vị đó phải tu tập khả năng thuần thục của mình đối với quang tướng. Vị đó nên nới rộng quang tướng. Việc nới rộng quang tướng có thể được thực hiện trong quá trình cận định hoặc khi vị đó đạt được an trú định (jhāna). Trước khi chứng đạt được thiền (jhāna) trong giai đoạn cận định, các bạn có thể nới rộng quang tướng hoặc các bạn có thể làm điều đó sau khi đã chứng đạt được thiền (jhāna).

“Hành giả không nên nới rộng ấn tướng như một cái bát bằng đất sét” và vân vân. Điều đó theo tôi nghĩ có nghĩa là khi các thợ gốm làm bình, họ không quyết định (trước) chẳng hạn như rằng họ muốn cái bình có đường kính năm inch. Họ làm cái bình và nới rộng nó ra từng chút một. Họ không định rõ cái bình sẽ có kích thước ra sao. Ý nghĩa ở đây muốn nói là cái gì đó giống như vậy.

Các bạn không nên làm giống như vậy. Khi các bạn nới rộng ấn tướng, các bạn phải có một diện tích hay một lãnh vực cụ thể, rõ ràng. Ví dụ, các bạn phải nới rộng khoảng một ngón tay, hai ngón tay, ba ngón tay, hoặc sẽ nới rộng nó thành kích cỡ của căn phòng, hoặc bằng kích cỡ của tòa nhà, hoặc bằng kích cỡ của thế gian và vân vân. Các bạn phải nới rộng ấn tướng để mà các bạn trở nên tinh thông trong việc xử lý quang tướng.

Trong đoạn văn 129: “Khi một hành giả sơ cơ (ND: tức là người chứng đắc thiền lần đầu tiên) đã đạt đến sơ thiền với ấn tướng này, vị đó nên nhập vào nó thường xuyên mà không nên xem xét lại (phản khán) nhiều.” Sau khi nới rộng ấn tướng, hành giả phải làm gì? Hành giả phải nhập vào thiền (jhāna) đi lại nhiều lần và hành giả phải không nên sử dụng nhiều thời gian xem xét lại nó, tức là phản khán. Sau khi nhập vào thiền (jhāna) hoặc sau lộ tâm thiền (jhāna), sẽ có một vài lộ tâm phản khán các chi thiền, tức là quan sát lại các chi thiền. Sớ Giải nói rằng không nên làm điều này nhiều, vì nếu các bạn quan sát lại quá nhiều, các chi thiền (sẽ) trở nên rất thô. Các chi thiền của hành giả, người mà xem xét lại chúng quá nhiều, thì rất là thô. Cho nên, các bạn đừng phản khán quá nhiều. Các bạn chỉ nhập thiền và xuất thiền và rồi nhập thiền trở lại và vân vân.

Học viên: ‘Phản khán’ có nghĩa là gì?

Giảng sư: ‘Phản khán’ có nghĩa là các bạn nhập vào thiền (jhāna); rồi các bạn xuất ra khỏi nó và tập trung vào các chi thiền, ví dụ như tầm (vitakka). Các bạn tập trung vào tầm (vitakka), rồi các bạn tập trung vào tứ (vicāra) và vân vân. Đó là phản khán các chi thiền. Các bạn đừng làm điều đó. Nếu các bạn làm điều đó, chúng sẽ trở nên thô. Nếu các bạn làm điều đó – “trong khi vị đó đang nỗ lực gắng sức cho tầng thiền (jhāna) [cao hơn] không quen thuộc, vị đó rớt khỏi sơ thiền và không đạt đến nhị thiền.”1 Điều đó thật ra không có nghĩa là ‘không quen thuộc’, mà đúng hơn là ‘chưa quen thuộc lắm’. Ở đây cũng không phải nói về ‘tầng thiền (jhāna) cao hơn’. Ở đây muốn nói về sơ thiền. Sau khi các bạn chứng đắc sơ thiền, các bạn chưa quen thuộc lắm với nó. Các bạn chỉ mới chứng đạt nó. Các bạn chưa quen thuộc lắm với tầng thiền (jhāna) đó. Các bạn phải làm cho mình quen thuộc nhiều với tầng thiền (jhāna) đó bằng cách nhập vào nó đi lại nhiều lần. Và các bạn phải không nên phản khán các chi thiền quá nhiều. Cho nên, câu văn đó phải là: “trong khi vị đó đang nỗ lực gắng sức cho sơ thiền vốn chưa quen thuộc lắm, vị đó rớt khỏi sơ thiền và không đạt đến nhị thiền.”

Học viên: Như vậy, tiến trình trở nên quen thuộc với sơ thiền là chỉ chạm vào năm chi thiền.

Giảng sư: Không. Nó phải là chỉ nhập vào thiền (jhāna) và để cho chúng sanh lên trong tâm trí của các bạn, không phản khán chúng, không nhìn ngắm chúng.

Học viên: Chúng ta chỉ để chúng tự hiện hữu một cách bình thường.

Giảng sư: Đúng vậy. Khi chúng tự hiện bày ở trong trạng thái mạnh mẽ, thì chúng được gọi là thiền (jhāna). Các bạn không an trú vào hoặc phân tích từng mỗi chi thiền. Các bạn chỉ nhập và xuất thiền.

“Do đó, hành giả nên chứng đạt sự tinh thông theo năm cách.” Đó là trong đoạn văn 131. Sau khi chứng đắc thiền (jhāna) và không phản khán nhiều, hành giả phải chứng đạt sự tinh thông theo năm cách. Có sự tinh thông trong việc hướng đến. Điều đó có nghĩa là trong việc phản khán các chi thiền. Có sự tinh thông trong việc chứng đạt. Đó là nhập thiền. Có sự tinh thông trong việc quyết tâm. Đó là việc xác định các bạn sẽ ở trong thiền (jhāna) bao lâu. Có sự tinh thông trong việc xuất ra. Đó là việc xuất thiền. Có sự tinh thông trong việc xem xét lại. Điều này thì giống với loại thứ nhất, tức là sự tinh thông trong việc hướng đến. Đây là năm loại tinh thông các bạn phải chứng đạt đối với tầng thiền (jhāna) các bạn đã chứng đắc.

Rồi có sự giải thích về năm loại tinh thông từng loại một. “Khi hành giả xuất từ sơ thiền, và trước hết, hướng tâm về tầm, rồi tiếp theo sự hướng tâm đó vốn sanh lên làm gián đoạn dòng tâm hữu phần, bốn hoặc năm đổng lực sanh lên nhanh chóng với tầm đó là đối tượng của chúng.”1 Khi các bạn phản khán các chi thiền, các đổng lực có thể sanh lên bảy lần. Khi các bạn phản khán một cách nhanh chóng từ chi thiền này đến chi thiền khác, thì các đổng lực không sanh lên sáu hay bảy lần mà chỉ bốn hay năm lần vì các bạn phải vội vã theo cách này.

“Rồi có hai tâm hữu phần (bhavaṅga). Rồi có sự hướng tâm với tứ làm đối tượng (tương tự với hỷ (pīti) và vân vân) và theo sau là các đổng lực theo cách như được trình bày. Khi hành giả có thể duy trì hay kéo dài tiến trình tâm thức của mình không gián đoạn theo cách này với năm chi thiền, thì hành giả thành công với sự tinh thông về hướng tâm. Nhưng sự tinh thông này đạt đến sự tột đỉnh lúc Đức Phật thị hiện Song Thông Lực, hoặc cho những hiện tượng khác trong những trường hợp đã nhắc đến ở trước. Không có sự tinh thông về hướng tâm nào khác có thể nhanh hơn như vậy cả.” Hướng tâm xảy ra chỉ với bốn hay năm đổng lực. Rồi có hai tâm hữu phần (bhavaṅga) chen vào. Rồi việc phản khán chi thiền tiếp theo xảy ra với bốn hay năm đổng lực và hai tâm hữu phần (bhavaṅga) chen vào và rồi chi thiền tiếp theo và vân vân.

Loại thứ hai là nhập vào thiền (jhāna) một cách nhanh chóng. “Khả năng nhập vào thiền (jhāna) một cách nhanh chóng của ngài Mahā Moggallāna, như trong việc thuần phục rồng chúa Nandopananda, được gọi là tinh thông trong việc nhập thiền.”1 Có một con rồng (nāga) và nó rất là xấu xa, tội lỗi. Nó rất tức giận với Đức Phật vì Ngài đã đi ở phía trên nó và một ít bụi đã rơi xuống đầu nó. Nó cuộn quanh núi Tu-di (Meru) và sẵn sàng tấn công Đức Phật. Rồi ngài Mahā Moggallāna, đệ tử của Đức Phật, đã thỉnh ý Đức Phật cho phép ngài thuần phục nó. Đức Phật cho phép ngài đi vì ngài Mahā Moggallāna là đệ nhất trong những vị có thần thông. Vào lúc đó, ngài Moggallāna đi vào trong bụng của con rồng (nāga). Rồi ngài đi ra và đi vào trở lại. Và như vậy, khi ngài đang ở cửa miệng của nó, con rồng phun lửa ra để đốt cháy ngài. Tại thời điểm đó, ngài Moggallāna phải nhập vào thiền (jhāna) rất nhanh. Điều được ghi nhận là chỉ có ngài Mahā Moggallāna mới có thể làm được điều đó, còn những vị đệ tử khác thì không làm được. Cho nên, đó  là khả năng nhập vào thiền (jhāna) một cách nhanh chóng.

“Khả năng trụ trong thiền (jhāna) trong khoảng thời gian chính xác một búng tay hoặc chính xác mười búng tay thì được gọi là tinh thông trong việc quyết định.”2 ‘Quyết định’ ở đây chỉ có nghĩa là trụ ở trong thiền (jhāna), duy trì thiền (jhāna) trong khi đè nén tâm hữu phần (bhavaṅga).2 ND: TTD-TH dịch là: “Khả năng an trú trong thiền trong một khoảng khắc đúng như một đàn chỉ (búng tay) hay 10 đàn chỉ, gọi là ‘khả năng làm chủ sự quyết định’ (kéo dài bao lâu)” trong đoạn văn 134. 

Tức là không cho tâm hữu phần (bhavaṅga) sanh lên. Đó là duy trì thiền (jhāna) trong một khoảng thời gian – trong vòng một búng tay, hoặc mười búng tay, hoặc cả nguyên ngày.

“Khả năng xuất nhanh chóng theo cùng cách đó được gọi là tinh thông trong việc xuất thiền.”1 Đó là xuất ra khỏi thiền (jhāna).

“Câu chuyện về Trưởng lão Buddharakkhita có thể được nêu ra để minh họa cho cả hai sự tinh thông cuối cùng này.”2 Trưởng lão này có thể nhập vào thiền (jhāna) và xuất ra khỏi thiền cực kỳ nhanh. Ngài thấy một con supaṇṇa chúa. Supaṇṇa là gì?

Học viên: Nó được cho là một con quỷ.

Giảng sư: Các bạn có biết garuda không? Đó là một loài chim trong truyền thuyết. Garuda là supaṇṇa. Thật ra, nó có thể là một con chim ó. Nó là kẻ thù của loài rắn. Đây là loại chim đó.

“Ngài đã thấy một con supaṇṇa chúa đang lao xuống từ không trung với ý định bắt một con rồng chúa là thị giả vốn đang lấy cháo cho vị Trưởng lão. Vị Trưởng lão Buddharakkhita liền tạo nên một hòn đá (có thể là một hòn núi) vào ngay lúc đó, và với tay nắm lấy con rồng (nāga) chúa, ngài biến vào trong hòn đá cùng với con rồng (nāga).

Con supaṇṇa chúa thổi vào hòn đá một cái và biến mất. Vị Trưởng lão cao hạ đã nói: ‘Này các hiền giả, nếu Rakkhita không có ở đó, tất cả chúng ta đã bị bẽ mặt’.”1 Mặc dầu có nhiều tu sĩ với thần thông, nhưng không ai trong họ (ngoại trừ ngài Buddharakkhita) đã (nhanh chóng) có thể cứu được con rồng (nāga) khỏi bị con chim (supaṇṇa) bắt.

“Tinh thông trong việc phản khán được miêu tả giống như tinh thông trong hướng tâm; vì các đổng lực phản khán thật ra đi theo ngay sau sự hướng tâm được nhắc đến ở đó.”2 Tinh thông trong phản khán và tinh thông trong  hướng tâm có nghĩa cùng một thứ vì chúng ở trong cùng một lộ tâm. Tinh thông trong phản khán là việc xem xét lại của các đổng lực (javana) vốn ở trong lộ tâm đó. Như vậy, các đổng lực (javana) trong lộ tâm đó là sự tinh thông trong phản khán. Hướng tâm trong lộ tâm đó là sự tinh thông trong hướng tâm. Cho nên, chúng thật ra không khác nhau nhiều lắm.

“Khi hành giả đã đạt được sự tinh thông theo năm cách này, thì vào lúc xuất ra từ sơ thiền, vốn quen thuộc vào lúc này, hành giả có thể xem hoặc ghi nhận các khuyết điểm của nó theo cách này.”1 Lúc này là gần đến nhị thiền. Chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp vào tuần đến.

Đây là sơ thiền. Các bạn cố gắng chứng đắc sơ thiền. Các bạn tu luyện hay phát triển nó để các bạn có thể nhập vào một cách nhanh chóng và xuất ra một cách nhanh chóng. Năm loại tinh thông này là với ý muốn hay với mục đích đi lên nhị thiền, tam thiền và vân vân. Do đó, trước hết, có sự cố gắng chứng đắc nó, rồi đạt được nó, duy trì nó, và rồi đi lên các tầng thiền cao hơn.

Học viên: Có bao nhiêu tầng thiền (jhāna)?

Giảng sư: Ở đây nhắc đến bốn hay năm tầng thiền (jhāna). Các bạn biết là có phương pháp chia bốn và có phương pháp chia năm. Chúng có nghĩa là cùng một thứ. Phương pháp chia bốn thường được nhắc đến trong các bài kinh (sutta). Chúng ta hiếm khi tìm thấy năm tầng thiền (jhāna) được nhắc đến trong các bài kinh (sutta). Bất kỳ khi nào Đức Phật nói về các tầng thiền (jhāna), ngài nhắc đến bốn tầng thiền (jhāna). Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), cả bốn và năm tầng thiền (jhāna) đều được nhắc đến.

Có bốn hoặc năm tầng thiền (jhāna) tùy thuộc vào khả năng của hành giả vượt qua các chi thiền. Có những người có trí tuệ dũng mãnh. Những người như vậy có thể loại bỏ hai chi thiền, tầm (vitakka) và tứ (vicāra), cùng một lúc. Đối với họ, chỉ có bốn tầng thiền (jhāna). Có những người khác chỉ có thể loại bỏ các chi thiền từng chi một mỗi lúc. Trước hết, họ từ bỏ tầm (vitakka). Rồi họ từ bỏ tứ (vicāra). Đối với họ, có năm tầng thiền (jhāna). Cám ơn các bạn.

Học viên: Cần bao lâu mới đắc được sơ thiền?

Giảng sư: Tôi không biết. Điều đó tùy thuộc vào kinh nghiệm của hành giả trong quá khứ. Nếu một người có kinh nghiệm trong quá khứ, nó có thể là không lâu lắm đâu. Các bạn biết là ngày nay, mọi người thực hành một dạng thiền kasiṇa nào đó. Thậm chí để đạt được cận định, họ phải thực hành khoảng sáu tháng, đôi lúc có thể là lâu hơn. Có những người thực hành thiền kasiṇa màu sắc. Có một tu sĩ tại Los Angeles1 nói rằng ông ta đã thực hành loại thiền này. Ông ta đã đạt được cận định, nhưng không có an trú định. Nó cũng có lẽ còn phụ thuộc vào việc các bạn thực hành chuyên cần như thế nào. Dĩ nhiên là có sự khác biệt nếu các bạn thực hành hai hay ba giờ mỗi ngày hoặc nếu các bạn thực hành tám hay chín giờ mỗi ngày.

Học viên: Dường như có những điều tốt đẹp và rồi chúng ta phải từ bỏ chúng. Chẳng hạn như có những điều tốt đẹp trong sơ thiền.

Giảng sư: Đúng vậy. Những điều này được nhắc đến như lạc (sukha). Đức Phật nói rằng, trước hết, có loại hạnh phúc mọi người đạt được từ việc tận hưởng các khoái lạc dục trần. Đó là một dạng hạnh phúc, mặc dầu nó không phải theo nghĩa tuyệt đối, tức là theo ý nghĩa tối hậu. So với cái hạnh phúc các bạn đạt được từ những đối tượng giác quan, thì hạnh phúc của sơ thiền là tốt đẹp hơn nhiều vì không có tham dục. Các bạn thật sự tĩnh lặng và hạnh phúc. Rồi hạnh phúc của nhị thiền thì tốt đẹp hơn hạnh phúc của sơ thiền. Không có tầm và tứ làm nhiễu loạn sự quân bình của tâm trí. Rồi tam thiền thì tốt đẹp hơn nhị thiền và vân vân. Từng bước một, Đức Phật chỉ ra rằng có nhiều loại hạnh phúc. Thậm chí tầng thiền (jhāna) cao nhất, tức là thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna), vẫn chưa hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau vì vẫn có sự kết thúc hoặc sự chấm dứt của thiền (jhāna). Thiền (jhāna) không tồn tại mãi mãi. Tâm thiền (jhāna) sanh lên và rồi nó phải biến mất. Rồi nó lại sanh lên và diệt đi. Thậm chí cái dạng hạnh phúc rất cao đó cũng có sự khởi đầu và sự kết thúc. Nó cũng không phải là hạnh phúc tối hậu. Hạnh phúc tối hậu là sự giải thoát khỏi các pháp hành. Cho nên, dạng hạnh phúc cao nhất là hạnh phúc của Níp-bàn (Nibbāna), sự đoạn tuyệt tất cả những phiền não. Đức Phật trình bày cho chúng ta những dạng hạnh phúc khác nhau, cái này ở trên cái kia. Hạnh phúc của thiền (jhāna) là một hạnh phúc tốt đẹp, nhưng nó vẫn chưa đủ đối với Đức Phật.

Học viên: Sự chứng đắc các tầng thiền (jhāna) một cách tuần tự là đạo lộ đi đến sự tận diệt tất cả những phiền não phải không ạ?

Giảng sư: Nó không phải là con đường tất yếu. Nếu các bạn đọc cái bài kinh (sutta), thì nó dường như là như vậy. Các bạn đi qua các tầng thiên (jhāna) từng giai đoạn một. Rồi các bạn chuyển sang thiền minh sát (vipassanā). Khi Đức Phật miêu tả sự chứng đắc quả vị Phật của chính mình, Ngài đã nói rằng Ngài hành thiền niệm hơi thở trước hết. Rồi Ngài đắc sơ, nhị, tam và tứ thiền. Rồi Ngài chứng đắc túc mạng minh (tức là loại thần thông nhớ lại các kiếp sống quá khứ) và vân vân. Chỉ sau khi chứng đắc hai loại thần thông (tức là túc mạng minh và sanh tử minh), Ngài mới hành thiền minh sát (vipassanā). Tức là chỉ đến lúc đó, Ngài mới chuyển sang thiền minh sát (vipassanā). Trước đó, Ngài thực hành thiền chỉ tịnh (samatha) và chứng đắc các tầng thiền (jhāna). Rồi trong canh cuối của đêm đó, Ngài chuyển sang (hành) thiền minh sát (vipassanā).

Học viên: Đó là lúc Ngài thấy Lý Duyên Khởi phải không ạ?

Giảng sư: Đúng vậy. Ngay lập tức trước khi chứng đạt quả vị Phật, Ngài quán tưởng tên mười hai mối nối của Lý Duyên Khởi và các mối quan hệ của chúng.

Học viên: Vậy thì thấy được các kiếp sống quá khứ và vân vân là có liên quan đến thiền chỉ tịnh (samatha) sao?

Giảng sư: Đúng vậy. Khả năng thấy được các kiếp sống quá khứ là đến từ thiền chỉ tịnh (samatha). Chỉ sau khi chứng đắc các tầng thiền (jhāna), hành giả mới có thể đạt được những loại thần thông này. Chúng ta có thể gọi chúng là những dạng đặc biệt của thiền (jhāna). Thật ra, chúng là một dạng khác của ngũ thiền hoặc tứ thiền. Sau khi chứng đắc ngũ thiền, các bạn phải tu luyện hay phát triển nó một cách đặc biệt để chứng đạt được những loại thần thông này. Cho nên, khi các bạn đọc các bài kinh (sutta), thì giống như là trước hết các bạn thực hành thiền chỉ tịnh (samatha) và rồi các bạn chuyển sang thiền minh sát (vipassanā). Nhưng những Sớ Giải về sau này nói rằng các bạn có thể bỏ qua thiền chỉ tịnh (samatha) và thực hành ngay thiền minh sát (vipassanā). Những người thực hành theo cách này được gọi là “những hành giả thiền minh sát (vipassanā) khô”. Điều đó có nghĩa là họ không thực hành thiền chỉ tịnh (samatha).

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app