Phần I: Giới – Chương Một: Miêu Tả Về Giới – 2.6. Ô Nhiễm Và Thanh Lọc Giới

2.6.  Ô Nhiễm Và Thanh Lọc Giới

“Cái gì là việc làm cho nó ô nhiễm?” và “Cái gì là việc làm cho nó trong sạch?” Các tu sĩ được khuyến khích là phải giữ các giới điều cho được hoàn hảo, giữ giới hạnh cho được trong sạch. Điều lý tưởng là các giới điều phải không bị vi phạm ở bất cứ nơi nào. Điều đó được giải thích ở đây.

“Khi một người làm gãy vỡ quá trình tu học ở đoạn đầu hay ở đoạn cuối của bất kỳ giới điều nào thuộc bảy nhóm vi phạm, giới hạnh của vị đó được gọi là ‘bị rách’, giống như mảnh vải bị cắt ở rìa.” Giới hạnh của vị đó phải không nên bị rách. Nếu nó bị gãy vỡ ở phần đầu hay ở phần cuối, nó được gọi là ‘giới (sīla) bị rách’.

“Nhưng khi vị đó làm cho nó bị gãy vỡ ở đoạn giữa, nó được gọi là ‘bị thủng’, giống như mảnh vải bị thủng lỗ ở giữa. Khi vị đó làm cho nó bị gãy vỡ hai hay ba lần liên tiếp, nó được gọi là ‘bị đốm’, giống như con bò: cơ thể nó có màu đen hay đỏ với đốm khác màu xuất hiện trên lưng hay trên bụng. Khi vị đó làm cho nó gãy vỡ (nhiều) tại những vùng khác nhau, nó được gọi là ‘bị lốm đốm’, giống như còn bò bị lốm đốm (nhiều) với những vết có màu khác nhau tại nhiều vùng. Đây là điểm khởi đầu lý giải bằng cách nào sự vi phạm giới luật đưa đến sự bị rách nát, vốn  có lợi lộc, vân vân, làm nguyên nhân của nó.”

“Và cũng như vậy với bảy trói buộc của tình dục”2 – có nghĩa là bảy loại can dự, bảy loại dự phần, bảy loại quan hệ vào tình dục. “Ở đây, này bà-la-môn, một sa môn hay bà-la-môn nào đó tự xưng là đang sống đời sống phạm  hạnh một cách đúng đắn.”3 Cái này có một chút không chính xác. Nó phải được nói là “một sa môn hay bà-la-môn nào đó tự xưng là đang sống đời sống phạm hạnh một cách đúng đắn nhưng thật sự thì lại không.” Phải như vậy. “Một sa môn hay bà-la-nôm nào đó tự xưng là đang sống đời sống phạm hạnh một cách đúng đắn, vì vị đó không thực hiện việc hành dâm với phụ nữ. Tuy nhiên, vị ấy lại đồng ý để phụ nữ đấm bóp, thoa bóp, tắm rửa và chà xát cho mình.” Trong các quốc gia của chúng tôi, những điều này được gọi là ‘tình dục thứ yếu’. Đó không phải là hành dâm, nhưng chúng có liên quan đến tình dục. Cho nên, bảy việc này, đấm bóp, vân vân, được gọi là ‘tình dục thứ yếu’. Mặc dầu một người có thể là không phạm giới cấm hành dâm, nhưng nếu ông ta nghĩ về nó, thì giới (sīla) của ông ta được nói là ‘không trong sạch’. Giới đó không bị vi phạm, nhưng nó trở thành ô nhiễm vì ông ta nghĩ về những điều này. Ông ta hân hoan trong việc được đấm bóp, vân vân. Đó là một dạng tình dục. Những điều này được gọi là ‘tình dục thứ yếu’ tại các quốc gia của chúng tôi. Nếu chúng ta muốn giữ giới hạnh (sīla) trong sạch, thì chúng ta cũng phải tránh làm những việc này.

Trong đoạn văn 154 khoảng giữa đoạn: “do bởi sự không có giới hạnh đó, vị đó xấu như vải gai thô. Tiếp xúc với vị đó là đau khổ vì những ai cùng quan điểm với vị đó” – ‘cùng quan điểm với vị đó’ có nghĩa là gì? Học viên: Có nghĩa là đồng ý với vị đó.

Giảng viên: Thuật ngữ Pāḷi có nghĩa là bắt chước vị đó, bắt chước hành xử của vị đó. Đôi lúc các từ Pāḷi có thể tạo ra sự hiểu lầm nếu các bạn không biết chính xác sự hình thành của chúng. Từ Pāḷi ở đây là diṭṭhānugati. Nó có thể là diṭṭhi + anugati hoặc diṭṭha + anugati. Ở đây, nó là diṭṭha + anugati, chứ không phải diṭṭhi + anugati. Ngài Ñāṇamoli lại cho nó là diṭṭhi + anugati. Đó là lý do tại sao các bạn thấy từ ‘quan điểm’ ở đây. ‘Diṭṭhi’ có nghĩa là tà kiến. Thật ra, từ diṭṭhānugati ở đây được chia thành diṭṭha + anugati. ‘Diṭṭha’ có nghĩa là cái được nhìn thấy hay điều được nhìn thấy, và ‘anugati’ có nghĩa là đi theo, làm theo. Cho nên, nó có nghĩa là đi theo, làm theo cái được nhìn thấy hay điều được nhìn thấy – tức là làm, thực hành theo hạnh kiểm của vị đó. Chúng ta nên dịch như thế nào?

Học viên: ‘Bắt chước’ ạ.

Giảng viên: Như vậy, ‘những ai bắt chước hạnh kiểm của vị đó phải chịu đau khổ lâu dài trong đọa xứ’.

“Vị đó giống như là khúc gỗ từ giàn hỏa.” Sự ghi chú ở đây là không đúng. Phải là ‘It 90’ chứ không phải ‘It 99’.

Các bạn có hiểu đoạn văn 155 không? “Bây giờ Đức Thế Tôn đã vạch ra rằng khi những người không có giới hạnh có tâm trí bị vướng mắc hay bị chi phối bởi sự thích thú và thỏa mãn trong việc tận hưởng năm dục trần, trong việc (tiếp nhận) sự chào đón, trong việc được cung kính, vân vân, thì kết quả của nghiệp (kamma) đó, vốn có thể được nhìn thấy trực tiếp theo mọi cách hay theo mọi hướng, là sự đau đớn tột cùng; với nghiệp (kamma) đó làm duyên, có khả năng dẫn đến thổ huyết nóng vì tạo ra sự đau đớn trong tim khi chỉ đơn giản nhớ về nó.”

Tôi dịch lại mới như sau: “Bây giờ, Đức Thế Tôn, người mà đã nhìn thấy trực tiếp kết quả của nghiệp (kamma) một cách tận tường (Đức Phật đã hiểu nghiệp (kamma) và quả của nó một cách tận tường) và muốn chỉ ra sự đau đớn tột cùng phải trải nghiệm bởi những người không có giới hạnh, những người mà tâm trí bị vướng mắc hay bị chi phối bởi sự thích thú và thỏa mãn như được đề cập đến ở trên, đã dạy như sau: (Rồi loại đau đớn gì?) sự đau đớn được tạo ra bởi sự thích thú và thỏa mãn trong việc tận hưởng năm dục trần (Khi một người hưởng thụ những khao khát dục trần này, đau khổ sẽ đến), được tạo ra bởi sự thích thú và thỏa mãn trong việc tiếp nhận sự chào đón.” Giả sử tôi là một tỳ-kheo và tôi đã vi phạm những điều luật quan trọng nhất. Như vậy, thật ra tôi không còn là tỳ-kheo nữa, nhưng tôi vẫn tự nhận mình là tỳ-kheo. Rồi tôi tiếp nhận sự chào đón và cung kỉnh từ các cư sĩ. Kết quả của việc này là tôi có thể sẽ chịu đau khổ trong địa ngục hay trong các đọa xứ khác. “Được tạo ra bởi sự thích thú và thỏa mãn trong việc tiếp nhận sự chào đón hay việc được cung kính, vân vân, thì kết quả của nghiệp (kamma) đó,  vốn có thể được nhìn thấy trực tiếp theo mọi cách hay theo mọi hướng, là sự đau đớn tột cùng; với nghiệp (kamma) đó làm duyên, có khả năng dẫn đến thổ huyết nóng vì tạo ra sự đau đớn trong tim khi chỉ đơn giản nhớ về sự không có giới hạnh.” Giả sử tôi không có giới hạnh. Khi tôi nghĩ về sự không có giới hạnh của mình, tôi sẽ có sự ân hận và sự trầm cảm. Việc này có thể làm cho tôi ói ra máu. Cho nên, nó có khả năng dẫn đến thổ huyết nóng vì tạo ra sự đau đớn trong tim khi chỉ đơn giản nhớ về sự không có giới hạnh. Loại khổ đau này, rất là đau đớn, được trải nghiệm bởi những người không có giới hạnh, những người mà tâm trí bị vướng mắc hay bị chi phối bởi sự thích thú và thỏa mãn như được đề cập đến ở trên. Nó phải được dịch như vậy mặc dầu hơi kỳ kỳ một chút.

Trong đoạn văn 158 có thiếu đi một từ. Từ ‘Do đó’ nên được thêm vào ở đầu đoạn văn. Tức là nó phải là “Do đó, người phá giới có sự vui thích gì”1 và vân vân. Lợi ích của việc có giới hạnh và bất lợi của việc không có giới hạnh, hai điều này được trình bày ở đây.

Gần cuối những câu thơ này: “Người đó không thoát khỏi bất kỳ sự kinh hãi hay sự khiếp sợ nào”.2 Nó nên được dịch là ‘bất kỳ sự nguy hại nào’. Tại dòng thứ tư của đoạn này có nói: “Người đó chắc chắn đang trên đường đến địa ngục”. Nếu địa ngục muốn ám chỉ các đọa xứ thì dịch như vậy là không sao. Bởi ý nghĩa ở đây không chỉ là địa ngục, mà còn ám chỉ các đọa xứ khác nữa. Có bốn đọa xứ tất cả.

Trong đoạn văn 159 ngay giữa có câu: “Không có những lậu hoặc nào tại đây và vào lúc này”. Nó nên được dịch là “Không có những nguy hại nào tại đây và vào lúc này”, chứ không phải là ‘những lậu hoặc’. “Không có những nguy hại nào tại đây và vào lúc này quấy rầy hoặc làm phiền người có giới cả.”

Tôi nghĩ như vậy là chúng ta đã hoàn thành chương thứ nhất. Các bạn đã thấy là hầu hết giới hạnh dành cho các tỳ-kheo hay các điều luật dành cho các tỳ-kheo là thứ được bàn đến và được phân tích trong chương này. Một vài lời khuyên dạy trong đó thì có thích hợp hoặc có phù hợp với giới hạnh của tại gia cư sĩ cũng như cho giới hạnh của các tỳ-kheo ni, và vân vân. Nhưng chủ yếu là dành cho các tỳ- kheo. Đối với tại gia cư sĩ, trì hành ngũ giới là đủ. Đức Phật dạy rằng một người tự xưng là đệ tử của Đức Phật thì phải nên giữ giới hạnh cho được trong sạch. Điều đó có nghĩa là người đó phải giữ ngũ giới. Nếu các bạn thọ trì ngũ giới trước khi thực hành thiền, thì điều đó là đủ.

Đối với tại gia cư sĩ, có được giới hạnh trong sạch hay sự thanh tịnh về giới thì dễ hơn so với các tu sĩ. Các tu sĩ có sự bất tiện ở đây. Các tỳ-kheo có nhiều giới luật phải trì giữ. Nếu các vị vi phạm các giới điều và không thực hiện việc xả bỏ những vi phạm đó, thì trạng thái đó có thể ngăn cản sự tập trung và tiến trình (tu học) của các vị. Các vị phải thú tội hoặc nếu những điều vi phạm là nghiêm trọng hơn, các vị phải thực hiện những việc như sống dưới sự kiểm soát và thử thách (ND: như tù treo) trong một khoảng thời gian. Cho nên, có giới hạnh trong sạch hoàn toàn là chuyện không dễ đối với các tu sĩ như đối với các cư sĩ.  Đối với các cư sĩ, mặc dầu họ có thể phạm giới trong quá khứ, nhưng trước khi hành thiền, nếu họ thọ trì giới và nghiêm túc trì hành, thì như vậy là đủ. Việc thanh lọc hay việc thanh tịnh giới hạnh để thực hành thiền thì dễ dàng cho các cư sĩ hơn là cho các tu sĩ.

Các bạn có câu hỏi nào không?

Học viên: Vậy tại sao người ta lại muốn trở thành tu sĩ?

Giảng sư: Tu sĩ có ít việc phải lo hơn. Tu sĩ có nhiều thời gian để cống hiến hoặc tập trung vào việc nghiên cứu và thực hành hơn. Đó là lý do tại sao trong một bài giảng trước đây tôi đã có nói rằng, các tu sĩ nghiên cứu Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) thì, hoặc là nên xả y, hoặc là đi vào rừng để thực hành thiền.

Tuần tới chúng ta sẽ học về các phương pháp thực hành kham khổ, tức là các hạnh đầu-đà.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app