2.  Pháp Chế Định

Tuần vừa rồi chúng ta đã kết thúc phần niệm sự chết. Có một phần chú thích trong tài liệu tiếng Anh The Path of Purification trình bày thông tin về khái niệm (paññatti). Nó có liên quan với những câu thơ trong đoạn văn số 39. Đoạn thơ cuối là như sau:

“[Thế gian] không được sinh ra nếu [tâm] không  Được tạo ra; khi tâm có mặt, thì thế giới hiện hữu; Khi tâm diệt đi, thì thế giới là chết:

Khái niệm này sẽ (được) phép (hiểu hoặc dùng theo) ý nghĩa cao nhất.”

Thật ra, dòng cuối có nghĩa là, ở đây, khái niệm hầu như là sự thật theo nghĩa tuyệt đối hay theo nghĩa cao tột nhất. Từ Pāḷi của câu này là “paññatti paramatthiyā”. ‘Paññatti’ ở đây có nghĩa là ‘paramattha’. Đó là vì khi chúng ta nói ai đó sống hoặc ai đó chết, chúng ta thật sự đang nói về tâm sanh lên và diệt đi. Khi chúng ta nói về tâm, chúng ta đang nói về một sự thật chân đế. Ở đây, khái niệm thì cơ bản hoặc thật ra là chân đế.

Liên quan đến vấn đề này, dịch giả (ND: ngài Ñāṇamoli) đã cung cấp thông tin về khái niệm (paññatti). Ngài đã lấy thông tin này từ Sớ Giải của Bộ Nhân Chế  Định (Puggalapaññatti), tức là một bộ sách trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma). Có bảy bộ sách trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma). Nhân Chế Định (Puggalapaññatti) là một trong số chúng. Đây là một bộ sách của Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma), nhưng nó không có giống với Thắng Pháp (Abhidhamma). Thật ra,  nó được lấy ra từ Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) vì nó miêu tả những hạng chúng sanh khác nhau, những hạng người. Bộ sách này được gọi là Nhân Chế Định (Puggalapaññatti).

Thuật ngữ ‘paññatti’ trong Pāḷi có hai nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là thứ mà làm cho (thứ khác) được biết đến hay thứ mà chỉ định. Thứ mà làm cho (thứ khác) được biết đến hay thứ mà định danh thì được gọi là ‘danh chế  định’ (nāma paññatti). Điều đó có nghĩa là những từ ngữ định danh các vật thể. Những từ ngữ định danh các vật thể hoặc những tên gọi chúng ta gán đặt cho những vật thể khác nhau được gọi là ‘danh chế định’ (nāma paññatti). Đó là vì chúng làm cho những vật thể được biết đến. Khi tôi nói ‘cái bàn’, các bạn biết vật thể tôi nói đến, tức là cái bàn. Khi tôi nói ‘người đàn ông’, các bạn biết con người, tức là người đàn ông. Các tên gọi hay các từ ngữ ở đây được gọi là ‘chế định’ (paññatti).

Ý nghĩa thứ hai là thứ mà được làm cho biết đến, tức là thứ mà được chỉ định. Đó được gọi là ‘vật chế định’ hay ‘nghĩa chế định’ (attha paññatti). Như vậy, có hai khái niệm –   danh chế định và vật chế định. Từ ngữ hay tên gọi ‘người đàn ông’ là danh chế định. Con người, chính người đàn ông đó, là vật chế định. Con người, người đàn ông, được chỉ định bởi hay được làm cho biết đến bởi từ ngữ hay bởi tên gọi ‘người đàn ông’. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ cho trường hợp này. Khi chúng ta nói ‘xe hơi’, cái tên gọi ‘xe hơi’ là danh chế định và cái vật thể mà chúng ta gọi là xe hơi là vật chế định. Hôm nay, chúng ta hầu như sẽ học về các danh chế định. Trong bộ sách Thắng Pháp (Abhidhamma) này, trước hết sáu loại chế định được trình bày.

Những bài giảng tôi phát cho các bạn thì giống với phần chú thích trong cuốn sách này. Phần chú thích chữ nhỏ này trong sách hơi khó đọc. Để giúp cho việc đọc được dễ dàng, tôi soạn những bài giảng này. Nội dung thì không có gì mới.

Có những khái niệm về uẩn, xứ, giới, đế, căn quyền và chúng sanh. Đây là sáu loại khái niệm được bàn đến trong bộ sách Nhân Chế Định (Puggalapaññatti) của tạng Thắng Pháp (Abhidhamma).

Những ví dụ liên quan đến khái niệm về uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn và vân vân. Các ví dụ liên quan đến khái niệm về xứ là nhãn xứ, nhĩ xứ và vân vân. Các ví dụ liên quan đến khái niệm về giới là nhãn giới, nhĩ giới và vân vân. Khái niệm liên quan đến đế là Khổ Đế, Tập Đế và vân vân. Khái niệm liên quan đến căn quyền được minh  họa bởi nhãn căn, nhĩ căn và vân vân. Liên quan đến khái niệm về chúng sanh thì có nhiều loại người được nhắc đến trong bộ sách đó. Người mà ‘giải thoát khỏi các phiền não tại những thời điểm thích hợp’ là một trong số đó. Có nhiều loại người khác được nhắc đến trong bộ sách đó của tạng Thắng Pháp (Abhidhamma). Theo Chánh Văn, đây là những khái niệm.

Bên cạnh những khái niệm được nhắc đến trong Chánh Văn, còn có những loại khái niệm khác được nhắc đến trong các Sớ Giải. Chúng là ‘khái niệm về cái có tồn tại (danh chơn chế định)’, ‘khái niệm về cái không có tồn tại (phi danh chơn chế định)’, ‘khái niệm về cái không có tồn tại thông qua cái có tồn tại (danh chơn phi danh chơn chế định)’, ‘khái niệm về cái có tồn tại thông qua cái không có tồn tại (phi danh chơn danh chơn chế định)’, ‘khái niệm về cái có tồn tại thông qua cái có tồn tại (danh chơn danh chơn chế định)’ và ‘khái niệm về cái không có tồn tại thông qua cái không có tồn tại (phi danh chơn phi danh chơn chế định)’. Sáu loại này là quan trọng. Sáu loại này cũng được nhắc đến trong Abhidhammatthasaṅgaha. Chương tám của Abhidhammatthasaṅgaha có trình bày sáu loại này.

Ở đây, ‘cái có tồn tại’ có nghĩa là một cái gì đó mà có ba giai đoạn của sự tồn tại – sự sanh khởi, sự diễn tiến và  sự biến mất hay sự tan rã. Ba giai đoạn này hay ba tiểu thời điểm này được gọi là những đặc tính chung của các pháp hữu vi. Bất cứ cái gì được duyên lên (hữu vi)  phải có ba đặc tính này – sanh, trụ trong một thời gian, và rồi diệt (hoại). Bất cứ cái gì có ba giai đoạn của sự tồn tại này thì được gọi là ‘cái có tồn tại’. Bất cứ cái gì không có ba giai đoạn này thì được gọi là ‘không có tồn tại’.

Theo giáo lý Thắng Pháp (Abhidhamma), chỉ có những pháp được nhắc đến trong Thắng Pháp (Abhidhamma) như tâm, tâm sở, sắc pháp và Níp-bàn (Nibbāna) là có tồn tại. Những pháp khác là không có tồn tại. Cho nên, khái niệm (paññatti) thật ra không có tồn tại. Chỉ có những pháp chân đế mới có tồn tại.

Như vậy, khái niệm về cái có tồn tại (danh chơn chế định) là tên gọi của cái gì đó mà được xem là có tồn tại. Thiện (kusala) hay bất thiện (akusala): đây là những thuật ngữ dành cho tâm thiện hoặc tâm bất thiện. Những tên gọi này là những khái niệm về cái có tồn tại (danh chơn chế định).

Khái niệm về cái không có tồn tại (phi danh chơn chế định) có nghĩa là những tên gọi đặt hay gán cho những vật hay chúng sanh mà không có tồn tại theo quan điểm của Thắng Pháp (Abhidhamma). Một người đàn ông, một người đàn bà, một ngôi nhà, một cái bàn, hoặc bất cứ cái gì mà được xem là không có tồn tại theo nghĩa chân đế. Đó là vì không có người đàn bà nào ngoài các uẩn, không có người đàn ông nào ngoài các uẩn, không có ngôi nhà nào ngoài những bộ phận khác nhau như mái, tường, cửa và vân vân. Cho nên, chúng được xem là ‘không có tồn tại’. Cái tên gọi ‘đàn bà’, hoặc cái tên gọi ‘đàn ông’, hoặc cái tên gọi ‘ngôi nhà’ là những tên gọi của những chúng sanh không có tồn tại hoặc của vật thể không có tồn tại.

Đôi lúc, chúng ta kết hợp hai khái niệm này lại, tức là cái có tồn tại và cái không có tồn tại. Rồi chúng ta có thêm bốn khái niệm khác nữa.

Loại thứ ba là ‘khái niệm về cái không có tồn tại thông qua cái có tồn tại (danh chơn phi danh chơn chế định)’. Ví dụ như ‘người tam minh’. Các bạn phải hiểu từ Pāḷi ‘tivijjā’. Ở đây, ‘người’ là không có tồn tại. ‘Tam minh’ có nghĩa là trí tuệ, tức là thần thông (abhiññā). Tam minh thì có tồn tại vì chúng là trí tuệ (ñāṇa), tức là một trong 52 tâm sở. Đây là khái niệm hay sự định đặt về một cái không tồn tại thông qua cái có tồn tại.

Loại tiếp theo là khái niệm hay sự định đặt về cái có tồn tại thông qua cái không có tồn tại (phi danh chơn danh chơn chế định). ‘Sắc của một nữ nhân’ là một ví dụ. ‘Sắc’ ở đây là rūpa, chứ không phải là hình dáng hay cái gì đó như vậy. Sắc (rūpa) là có tồn tại vì nó có ba giai đoạn tồn tại  của chính nó – sanh khởi, diễn tiến và biến mất. ‘Nữ nhân’ hay ‘đàn bà’ thì không có tồn tại. Cho nên, ‘sắc của một nữ nhân’, cái tên gọi này, sự định đặt này là sự định đặt của cái có tồn tại thông qua cái không có tồn tại.

Loại tiếp theo là khái niệm về cái có tồn tại thông qua cái có tồn tại (danh chơn danh chơn chế định). Cả hai đều được tìm thấy trong Thắng Pháp (Abhidhamma). ‘Nhãn xúc’ là một ví dụ. ‘Nhãn’ ở đây có nghĩa là thần kinh thị giác. Nó là một trong 28 sắc pháp. Nó có tồn tại. ‘Xúc’ (phassa) là một trong 52 tâm sở. Cho nên, nó có tồn tại.

‘Nhãn xúc’ là một khái niệm về cái có tồn tại thông qua cái có tồn tại.

Loại cuối cùng là khái niệm về cái không có tồn tại thông qua cái không có tồn tại (phi danh chơn phi danh chơn chế định). Cả hai phải không có tồn tại tính theo chân đế. ‘Con trai của thương nhân’ là một ví dụ. ‘Người con trai’ là không có tồn tại và ‘thương nhân’ là cũng không có tồn tại. Đây là sự định đặt của cái không có tồn tại thông qua cái không có tồn tại. Đây là sáu loại khái niệm được nhắc đến trong các Sớ Giải.

Các bạn có thể tự mình cho ví dụ dựa theo những ví dụ này. Đối với cái không có tồn tại (phi danh chơn chế định), chúng ta có chiếc xe, cái nhà, ngọn đèn, ấm đun nước. Đối với cái không có tồn tại thông qua cái có tồn tại (danh chơn phi danh chơn chế định), chúng ta có ‘người  với sự nhìn nhận rõ ràng (tuệ)’, ‘người với sự ràng buộc (tham)’, ‘người với sự giận dữ (sân)’. Đối với cái có tồn tại thông qua cái không có tồn tại, chúng ta có ‘sắc của một nữ nhân’. Yếu tố đầu là phải có tồn tại và yếu tố sau là không có tồn tại.

Học viên: Một tách (có) trà. Giảng sư: Không đúng.

Học viên: Việc thiện (kusala) của một tu sĩ.

Giảng sư: Đúng. Việc thiện (kusala) của một tu sĩ, việc bất thiện (akusala) của một sa môn, hoặc các bạn có thể nói âm thanh (lời nói) của một sa môn. Âm thanh (lời nói) là một trong 28 sắc pháp. Đối với loại tiếp theo, các bạn có thể thay thế nhãn xúc với một ví dụ khác như nhãn thức. Mắt là có tồn tại và thức cũng có tồn tại. Loại cuối cùng, con trai của thương nhân là cái không có tồn tại thông qua cái không có tồn tại.

Học viên: (không nghe rõ) Giấy dán trên đuôi xe.

Giảng sư: Đúng rồi. Đây là sáu khái niệm được nhắc đến trong các Sớ Giải. Danh sách của những khái niệm khác cũng được trình bày trong đó. Có những khái niệm (khác) do các vị giáo thọ sư trình bày. Chúng thậm chí không được tìm thấy trong các Sớ Giải, nhưng chúng được các vị giáo thọ sư nhắc đến. Có hai nhóm, mỗi nhóm có sáu khái niệm.

Một loại là khái niệm phát sinh. Điều này có nghĩa là tên gọi được hình thành, phụ thuộc vào một cái gì đó. Ví dụ, cái tên gọi ‘chúng sanh’ được định đặt ra phụ thuộc vào sự kết hợp của năm uẩn. Cái tên gọi ‘xe ngựa’ được định đặt ra phụ thuộc vào sự kết hợp của những bộ phận khác nhau. Những khái niệm như vậy được gọi là những khái niệm phát sinh.

Loại thứ hai là khái niệm mang tính lắp ghép vào. Loại này có những nhóm nhỏ. Chúng được trình bày tại phần cuối của danh sách. Chúng ta sẽ bàn về chúng sau. ‘Thứ hai’ và ‘thứ ba’ là những ví dụ của loại này. Khi chúng ta nói rằng đây là thứ hai, rồi cái khác là thứ ba. Khi chúng ta nói rằng cái khác là thứ ba, rồi các tiếp theo là thứ tư và vân vân. Đó là khái niệm mang tính lắp ghép.

Rồi chúng ta có loại khái niệm tổng hợp. Ví dụ như ‘cao tám thước Anh’, ‘khối tài sản’. Đây là những tên gọi cho những thứ tổng hợp.

Loại thứ tư là khái niệm mang tính cộng thêm vào. Tức là cộng thêm một vào. Ví dụ được trình bày là ‘hai, ba, bốn’. Không có ‘một’ vì ‘một’ thì không có gì được cộng thêm vào. Từ ‘hai’ trở đi, chúng ta có sự cộng thêm vào; cho nên, ‘hai, ba, bốn’. Trong Sớ Giải cũng ghi là ‘hai, ba, bốn’.

Rồi có loại khái niệm có vẻ như thật. Tức là tên gọi của những thứ được dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Những thứ như yếu tố đất, yếu tố nước, tâm, tâm sở là tất cả những ví dụ về loại khái niệm có vẻ như thật này.

Loại thứ sáu là khái niệm sự liên tục. Đó là tên gọi được đặt ra phụ thuộc vào sự liên tục hay sự diễn tiến của một chúng sanh. Ví dụ như cụ già thập bát niên, cụ già thập cửu niên và vân vân.

Theo các giáo thọ sư, có thêm một nhóm sáu khái niệm khác nữa. Theo các ngài, có hai nhóm như vậy.

Loại thứ nhất của nhóm thứ hai là khái niệm dựa theo chức năng. Các ví dụ được đưa ra là người thuyết giảng và Pháp sư. Đây là những tên gọi được định đặt dựa vào chức năng được thực hiện bởi người đó.

Loại tiếp theo là khái niệm dựa vào hình dáng. Ví dụ như là người ốm, người mập, người to lớn và vân vân.

Loại tiếp theo là khái niệm dựa theo giới tính. Đàn ông, phụ nữ là những khái niệm dựa theo giới tính.

Loại thứ tư là khái niệm dựa theo vị trí hay địa điểm. Vị trí của cõi dục. Tâm (citta) này thuộc vào dục giới (kāmāvacara). Tâm (citta) này thuộc vào sắc giới (rūpāvacara). Hoặc chúng ta có ‘Kosalan’, tức là người dân của nước Kosala. Kosala là tên gọi của một quốc gia.

Rồi có loại khái niệm tên riêng. Đó là tên gọi của mọi người. Các ví dụ được trình bày ở đây là bằng tiếng Pāḷi – Tissa, Nāma, Sumana. Cho nên, các bạn có thể lấy bất kỳ tên nào các bạn muốn, hoặc dùng tên của chính mình làm ví dụ cũng được.

Loại cuối cùng là khái niệm về pháp vô vi. Đó là tên gọi của những pháp mà không có điều kiện, tức là không được duyên lên. Các ví dụ là sự đoạn diệt và Níp-bàn (Nibbāna).

Loại khái niệm mang tính lắp ghép vào thì được chia nhỏ thành tám loại. Có lẽ chúng ta có thể cộng thêm nhiều loại nhỏ nữa. Loại nhỏ thứ nhất là sự ghép nối quy chiếu. Loại này thì giống như: (nếu) quy chiếu theo cái thứ hai, thì cái khác được gọi là cái thứ ba. Rồi chúng ta có dài và ngắn. Điều này có nghĩa là, ví dụ, một mét là dài khi so sánh với năm tấc. Một mét là ngắn khi so sánh với hai mét và vân vân.1 Đây được gọi là sự ghép nối quy chiếu.

Loại nhỏ thứ hai là sự ghép nối của cái có trong tay. Nếu các bạn có một cái ô trong tay, các bạn được gọi là ‘người có cái ô trong tay’. Nếu các bạn có cái ấm đun nước trong tay, thì các bạn được gọi là ‘người có cái ấm đun nước trong tay’ và vân vân.

Rồi có sự ghép nối mang tính kết hợp hay mang tính liên kết. Ví dụ như ‘người mang bông tai’ hay ‘người mang áo ấm’. Các bạn có thể nêu lên rất nhiều ví dụ.

Rồi có sự ghép nối mang tính lân cận với ví dụ như ‘hang động Indasāla’. Indasāla là tên của một loại cây. Cho nên, ‘hang động Indasāla’ là một hang động gần cái cây đó. Một cái cây không thể là một cái hang động và một cái hang động không thể là một cái cây. Ở đây, ‘hang động Indasāla’ có nghĩa là một hang động gần với cây Indasāla. Ở đây, chúng ta có thể nói là ‘động Redwood’.

Loại tiếp theo là sự ghép nối mang tính so sánh. ‘So sánh’ thật ra có nghĩa là tương tự ở đây. Ví dụ như ‘có màu như vàng’. ‘Có màu như vàng’ có nghĩa là có màu sắc tương tự như màu của vàng.

Rồi có sự ghép nối mang tính số đông. Chúng ta có ví dụ của ‘cái hồ sen’. Có thể có những loại hoa khác trong hồ nữa. Nhưng vì hầu hết chúng là hoa sen, cho nên chúng ta nói là hồ sen. Trong các tài liệu kinh sách có ghi ‘làng Brahmana’, tức là làng của những người bà-la-môn. Trong làng, hầu hết mọi người là bà-la-môn (Brahmana), nhưng cũng có những hạng người khác nữa.

Cuối cùng, chúng ta có sự ghép nối mang tính đặc trưng. Điều đó có nghĩa là một cái gì đó đặc biệt về vật đó. Ví dụ như ‘vòng tay ngọc ru-bi’. Trong tài liệu này ghi là ‘chiếc nhẫn kim cương’, nhưng từ Pāḷi có nghĩa là vòng  tay, chứ không phải là chiếc nhẫn. Cho nên, ‘vòng tay ngọc ru-bi’ là đúng.

Phần chú thích số 111 có một chút vấn đề liên quan đến việc chuyển ngữ. Đối với sự ghép nối mang tính số đông, ví dụ về ‘làng Padumassara-Brahman’ được nêu ra ở đây. ‘Padumassara’ là một từ và ‘Brahman’ là một từ khác. Chúng không phải là một từ ghép. Chúng là hai từ riêng biệt. ‘Padumassara’ có nghĩa là hồ sen. ‘Làng Brahman’ có nghĩa là làng của các Brahma. Đây là hai ví dụ. Dịch giả đã nhầm lẫn ở đây.

Đây là những loại khái niệm khác nhau được giảng trong Chánh Tạng, Sớ Giải và cũng được dạy bởi các giáo thọ sư. Theo giáo lý Thắng Pháp (Abhidhamma), các khái niệm không có ba giai đoạn tồn tại. Chúng ta không thể nói rằng một khái niệm là có thời gian. Nó không có tồn tại, tức là không có thực tại. Nó chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta.

Điều này có lẽ tương tự như việc các nhà hóa học nói rằng nước thật ra là không có, mà chẳng qua là sự kết hợp của hai nguyên tố. Theo Hóa học thì không có nước, mà chỉ có oxygen và hydrogen. Như vậy, nước chỉ là một khái niệm. Hydrogen và oxygen là những sự thật tuyệt đối theo Hóa học. Theo Hóa học, nước không có sự hiện hữu của chính nó. Nó chỉ là sự kết hợp của hai nguyên tố. Cũng theo cách đó, đàn ông hay đàn bà không có sự tồn tại thật sự. Họ chỉ tồn tại trong tâm trí của con người.

Trong phần chú thích số 12 có nói: “Khái niệm là pháp (Dhamma) không có bản chất cá nhân.” Chúng ta không thể nói rằng khái niệm có bản chất cá nhân này, đặc tính này hay bản chất cá nhân đó, đặc tính đó. Chúng chỉ là những khái niệm. Chúng chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta. Chúng không phải là sự thật chân đế. Đây là những khái niệm.

Chúng ta phải hiểu hai loại sự thật – sự thật chế định và sự thật chân đế. Ở mức chế định, chúng ta sử dụng những từ diễn đạt những khái niệm như đàn ông, phụ nữ, cái bàn, cái nhà. Ở mức chân đế, chúng ta dùng những từ như tâm, xúc, thọ và vân vân. Có hai loại sự thật, sự thật chế định và sự thật chân đế. ‘Sự thật chế định’ được gọi là paññatti trong Pāḷi. Nó có nhiều phân loại. Danh chế định và vật chế định là hai phân loại chính. Tất cả những gì chúng ta thấy xung quanh mình, bao gồm cả chúng ta, là khái niệm. Những thứ mà chúng ta và các vật khác được cấu thành nên từ chúng, những thứ mà chúng ta được tạo thành nên từ chúng, là những sự thật chân đế. Ngũ uẩn là sự thật chân đế, nhưng đàn ông hoặc phụ nữ thì không phải là sự thật chân đế, mà là sự thật chế định. Đây là những loại khái niệm khác nhau được giảng dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma).

Học viên: Có thể có bao nhiêu khái niệm khác nữa về pháp vô vi? Có lẽ không có nhiều lắm phải không ạ?

Giảng sư: Sự đoạn diệt, Níp-bàn (Nibbāna), bất tử – mọi thứ chỉ cho Níp-bàn (Nibbāna). Chúng ta phải hiểu rằng pháp vô vi và pháp siêu thế là khác nhau. Có nhiều loại tâm thuộc vào tầng mức siêu thế như tâm Đạo và tâm Quả. Mặc dầu chúng là siêu thế, nhưng chúng vẫn là hữu

  1. Chúng cần có duyên hoặc điều kiện để sanh khởi. Chúng không phải là vô vi mặc dầu chúng bắt pháp vô vi làm đối tượng, pháp vô vi tức là Níp-bàn (Nibbāna) làm cảnh. Cho nên, nếu chúng ta muốn đưa ra nhiều ví dụ hơn nữa, chúng ta phải tìm những tên gọi khác dành cho Níp- bàn (Nibbāna), ví dụ như sự biến mất khổ đau, sự đoạn tận các lậu hoặc, những tên gọi như vậy.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app