Chương Sáu: Thiền Bất Mỹ

1.  Những Định Nghĩa

Chương tiếp theo này là một chương không dễ chịu lắm. Đây là chương về những bất mỹ, về những cái không đáng ưa thích của một xác chết. Nó cũng giảng về việc áp dụng tình trạng của một xác chết lên cơ thể đang còn sống của chúng ta. Đây là thiền bất mỹ, tức là thiền về sự uế trược của xác thân. Tôi nghĩ hầu hết mọi người Tây phương sợ loại thiền này.

Một thiện nam đã hỏi tôi rằng: “Khi về nhà, tôi có phải nói cho vợ tôi biết rằng là tôi đang tưởng tượng hay hình dung cô ta là một xác chết không?” Nếu các bạn thực hành loại thiền này, các bạn phải làm như vậy. Còn chuyện các bạn có nói cho vợ của mình biết không, thì đó lại là chuyện khác. Các bạn có thể làm hoặc không làm chuyện đó. Nhưng nếu các bạn thực hành loại thiền này, thì các bạn phải hình dung không chỉ vợ của mình mà còn tất cả mọi người bao gồm luôn cả chính các bạn là uế trược, là khiếm khuyết. Nếu các bạn không muốn như vậy, thì đừng thực hành nó. Không sao hết.

Thiền này rất có hiệu lực trong việc loại bỏ đi sự dính mắc vào cơ thể, và bản thân. Một khi các bạn nhìn thấy những điều kiện hay những trạng thái khác nhau của một xác chết, các bạn trở nên ít thích muốn vào cơ thể của mình hoặc vào xác thân của bất kỳ ai khác.

Mới hôm nay thôi, tôi có trò chuyện với một tu sĩ tại Los Angeles. Vị đó đã từng sống tại những thị trấn nhỏ trong một thời gian. Cho nên, đôi lúc vị đó có cơ hội thiêu đốt xác chết, xác chết của tu sĩ. Sau khi làm hai ba lần, vị đó đã trở nên kinh tởm với chính xác thân của mình.

Học viên: Loại thiền này đặc biệt được khuyến khích và hữu ích cho những người có cơ tánh tham.

Giảng sư: Đúng vậy, cho những người có sự dính mắc vào xác thân của chính mình và của những người khác.

Học viên: Còn những người với cơ tánh sân thì được khuyên là không nên thực hành.

Giảng sư: Không phải là khuyên không nên thực hành. Nhưng nó (đặc biệt) được khuyến khích cho những ai có sự dính mắc mạnh mẽ vào xác thân của họ, vào đời sống của họ.

Các bạn đã đọc hết phần này rồi, nên các bạn đã biết những đề mục thiền này là gì. Chúng là những giai đoạn thối rữa khác nhau của một xác chết. Sau hai hoặc ba ngày, nó trở nên trương sình lên. Rồi nó thối rữa hơn nữa trở thành tái xám, thối nát, đứt rời ra và vân vân.

Tôi muốn nói về loại thứ nhất, tức là xác chết bị trương sình lên. “Xác chết bị trương sình: nó bị trương sình (uddhumāta) vì bị trương sình bởi sự giãn nở dần dần và sự trương phồng sau (uddhaṃ) cái chết, như cái ống bể có gió. Cái mà bị trương sình (uddhumāta) là giống với ‘cái bị trương sình’ (uddhumātaka).” Các bạn có hiểu không? “Cái mà bị trương sình thì giống với ‘cái bị trương sình’.”

Các bạn hãy nhìn vào các từ Pāḷi. Từ đầu tiên là uddhumāta. Từ thứ hai là uddhumātaka. Như vậy, hậu tố ‘ka’ được cộng thêm vào. Điều Sớ Giải muốn chúng ta hiểu là ‘ka’ chỉ cho sự ghê tởm. Nếu các bạn nói uddhumāta, nó bị trương sình. Nếu các bạn nói uddhumātaka, thì nó là một cái xác bị trương sình ghê tởm. Hậu tố ‘ka’ được thêm vào để nêu lên rằng nó là ghê tởm. Đó là điều chúng ta nên hiểu. Rất khó để chuyển tải ý nghĩa này qua việc chuyển ngữ. Các bạn phải ghi chú thích vào. Tất cả mười loại thiền này đều có cộng thêm hậu tố ‘ka’ vào sự miêu tả của cái xác chết. Thứ nhất là uddhumātaka, thứ hai là vinīlaka, thứ ba là vipubbaka và vân vân.

Để thực hành loại thiền này, các bạn phải thực hiện nhiều sự chuẩn bị. Mọi thứ được miêu tả chi tiết trong tài liệu này. Ví dụ, các bạn không nên đi đến xem xác chết ngay khi các bạn nghe nói rằng có một xác chết tại nơi này nơi kia. Các bạn không nên đi thẳng đến đó. Điều được ghi nhận là đôi lúc có thú dại hoặc ma quỷ xung quanh xác chết. Mạng sống của các bạn có thể bị nguy hiểm.

Các bạn phải không nên đi ngay đến xác chết. Các bạn phải tìm hiểu đường đi đến đó và đường đi về từ nơi đó. Các bạn phải lưu tâm đến những thứ dọc đường đi. Mọi thứ phải được chú ý – những tảng đá ở chỗ này, tại nơi này con đường rẽ trái, tại nơi kia con đường rẽ phải. Các bạn phải ghi chú mọi thứ trên đường đến nơi đó.

Các bạn biết là loại thiền này rất đáng sợ. Các bạn phải đi một mình. Trong tài liệu có nói hai hay ba lần rằng “không có bạn đồng hành, không có bạn đồng hành”. Cho nên, các bạn phải thực hành một mình. Đôi lúc, khi các bạn ở một mình, các bạn cảm thấy kinh sợ. Thậm chí khi một nhành cây khô rơi xuống, các bạn cũng có thể giật mình run sợ. Các bạn có thể nghĩ đó là ma hay là cái gì đó. Cho nên, các bạn phải rất cẩn thận.

Các bạn phải báo cho vị trụ trì nơi các bạn đang ở rằng các bạn đang đi đến đó. Đó là vì các nghĩa trang thì không giống như ở đây. Tại quốc gia này (ND: Hoa Kỳ), các nghĩa trang là những nơi xinh đẹp. Tại phương Đông, đôi lúc những kẻ trộm cướp có thể lui tới nghĩa trang. Nó là nơi mà không có nhiều người đến. Nó là nơi vắng vẻ dành cho họ. Những kẻ trộm cướp có thể đến đó, bị theo dõi bởi những người khác. Rồi họ có thể dấu hoặc bỏ rơi thứ họ trộm cướp gần vị tu sĩ. Những người theo dõi họ có thể  thấy tài sản của họ gần vị tu sĩ và cho rằng vị tu sĩ là kẻ trộm cướp. Trong trường hợp đó, nếu vị tu sĩ có báo trước với vị trụ trì của tự viện, thì vị đó có thể minh oan với mọi người. Cho nên, các bạn phải thực hiện nhiều sự chuẩn bị nếu các bạn muốn thực hành loại thiền này.

Thậm chí tại quốc gia của chúng tôi, thực hành loại thiền này là bất khả thi. Các xác chết không được bỏ rơi trên mặt đất. Chúng hoặc là được thiêu hoặc là được chôn. Hầu như không thấy một xác chết trương sình nào cả.

Giả sử chúng ta nói rằng, việc thực hành này là khả thi. Thì rồi, các bạn không nên ngồi quá gần xác chết cũng không quá xa xác chết. Các bạn phải không nên ngồi ngược chiều gió. Các bạn phải ngồi theo hướng khác. Nếu các bạn ngồi ngược chiều gió, các bạn sẽ bị làm khó chịu bởi mùi của xác chết. Như vậy, có nhiều việc chi tiết mà các bạn phải lo liệu và chuẩn bị trước khi các bạn đi đến đó và thực hành.

Học viên: Ngài đã có cơ hội thực hành nó chưa?

Giảng sư: Chưa. Các bạn biết là nó là loại thiền rất đáng sợ. Không có nhiều người thực hành nó đâu. Các bạn phải có một sự can đảm nào đó.

Một điều tại quốc gia của chúng tôi là, cha mẹ hay dọa con cái bằng cách nói: “Có ma ở chỗ này, có ma ở chỗ kia.” Cho nên, chúng tôi sợ ma. Mặc dầu chúng tôi đã lớn, nhưng vẫn còn chút tàn dư về nỗi sợ hãi đó trong tâm trí của chúng tôi. Chúng tôi không thể rũ bỏ nó hoàn toàn khỏi bản thân mình. Điều này không giống như mọi người tại quốc gia này (ND: Hoa Kỳ). Mọi người ở đây không sợ ma. Họ còn thậm chí nói về ma quỷ. Họ thậm chí nhận nuôi ma quỷ nữa.

Học viên: Một vài người!

Giảng sư: Có điều là, khi các bạn được mời đến dự lễ táng, và nếu là tu sĩ thì các bạn phải đi ra nghĩa trang. Và nghĩa trang thì không phải là nơi tốt đẹp như ở đây. Nó đáng sợ lắm. Nó dơ bẩn. Và nó hôi thối. Họ không có đồ ướp xác. Hầu hết mọi người không có thứ đó. Cho nên, khi xác chết được mang ra nghĩa trang, nó có lẽ đã bị thối rữa. Và cái mùi đó kinh khủng lắm.

Tôi đã trải nghiệm qua chuyện đó. Một lần, tôi được mời và phải đi ra nghĩa trang. Rồi xác chết được đặt ngay trước mặt tôi, khoảng một thước rưỡi Anh. Rồi có mùi và những chất dịch nhỏ xuống từ xác chết. Luôn luôn có một cái mùi khó chịu tại nghĩa trang. Có những vị tu sĩ sống rất gần hoặc trong nghĩa trang. Họ xây những túp lều nhỏ và thực hành loại thiền này.

Xác chết phải không nên là khác phái. Điều đó được nhắc đến hai hoặc ba lần. Nam phải nhìn xác chết của nam. Nữ phải nhìn xác chết của nữ. Đó là vì thậm chí một xác chết vẫn có thể gây nên những hưng phấn tinh thần nào đó nếu nó chưa phải là xác chết lâu ngày hoặc chưa bị thối rữa. Một vài người có thể có những ý nghĩ tình dục thậm chí khi nhìn một xác chết. Vị tu sĩ được khuyên là không nên nhìn xác chết của phụ nữ.

Loại cuối cùng là một bộ xương. Các bạn có thể thực hành bằng cách nhìn nguyên một bộ xương hoặc các bạn có thể thực hành thông qua việc nhìn chỉ một khúc xương.

2.  Diễn Giải Chung

Trong đoạn văn 85: “Và tính riêng, xác chết trương sình thích hợp cho người tham về hình dáng vì nó làm hiện rõ sự biến hình của hình dáng cơ thể. Xác chết tái xám  thích hợp cho người tham về màu sắc của cơ thể vì nó làm hiện rõ sự biến đổi màu sắc của da. Xác chết đang thối nát thích hợp cho người tham về mùi của cơ thể được thoa ướp với hương, nước thơm, vân vân, vì nó làm hiện rõ những mùi uế trược gắn liền với cơ thể này. Xác chết bị đứt lìa thích hợp với người tham về sự rắn chắc của cơ thể, vì nó làm hiện rõ sự trống rỗng bên trong nó. Xác chết bị ăn dở thích hợp với người tham về sự tích lũy cơ bắp trong những bộ phận của cơ thể như ngực vì nó làm hiện rõ việc sự tích lũy cơ bắp đi đến cái chẳng còn gì. Xác chết bị vung vãi rời rạc thành từng miếng thích hợp cho người tham về sự duyên dáng của tay chân vì nó làm hiện rõ việc chân tay có thể bị rời rạc. Xác chết bị băm nát thành nhiều mảnh thích hợp cho người tham về cơ thể tốt đẹp khi nhìn tổng thể vì nó làm hiện rõ sự phân tán và chuyển đổi của cơ thể khi nhìn tổng thể. Xác chết ướt đẫm máu thích hợp cho người tham về sự thanh nhã do các đồ trang sức vì nó làm hiện rõ sự kinh tởm của nó khi bị trét dính đầy máu. Xác chết bị nhiễm dòi thích hợp cho người tham về sự sở hữu xác thân vì nó làm hiện rõ việc xác thân này bị chia sẻ với nhiều giống giun bọ như thế nào. Bộ xương thích hợp với người tham về răng đẹp vì nó làm hiện rõ sự kinh tởm của các khúc xương trong cơ thể. Đây là cách nên được hiểu về sự phân loại thành mười của sự bất mỹ theo sự chia chẻ nhỏ của cơ tánh tham.”

Khi một người thực hành thiền bất mỹ với bất kỳ đề mục nào, vị đó chỉ có thể chứng đạt sơ thiền, chứ không có những tầng thiền (jhāna) nào khác. Điều này được giải thích bằng một ví dụ.

“Nhưng về mười loại bất mỹ, thì giống như nương nhờ vào bánh lái của nó” – Tôi không nghĩ nó là ‘bánh  lái’. ‘Bánh lái’ là cái gì?

Học viên: Là hệ thống điều khiển chuyển hướng. Giảng sư: Trong Pāḷi, từ đó có nghĩa là cái cột chống. Chúng ta dùng cái cột chống để đẩy con thuyền đi trong dòng chảy mạnh. “Thì giống như nương nhờ vào cột chống mà con thuyền (được) giữ vững trong dòng sông với nước xoáy và dòng chảy xiết, và nó không thể đứng vững nếu không có cột chống; cũng vậy, ở đây, vì sự bám giữ yếu ớt trên đối tượng, tâm thức khi được hợp nhất chỉ có thể giữ vững do nương nhờ vào tầm (vitakka), và nó không thể đứng vững nếu không có tầm (vitakka); đó là lý do tại sao chỉ có sơ thiền ở đây mà không có nhị thiền và những tầng thiền còn lại.”2 Các bạn chỉ có thể chứng đạt sơ thiền nếu các bạn thực hành thiền bất mỹ. Đó là vì các bạn cần tầm (vitakka) để cho tâm của các bạn ở trên đối tượng. Đối tượng là thô và do đó, các bạn cần tầm (vitakka) này để giữ tâm mình ở đó. Tầm (vitakka) thì chỉ có mặt trong sơ thiền. Nó không có mặt trong nhị thiền, tam thiền và vân vân. Do đó, các bạn chỉ có thể chứng đạt sơ thiền với loại thiền này.

Bây giờ đến đoạn văn 88: “Loại thiền bất mỹ này, trong khi có đến mười đề mục, nhưng chỉ có một đặc tính. Vì mặc dầu nó có mười loại, tuy nhiên, đặc tính của nó là chỉ là trạng thái bất tịnh, hôi thối, ghê tởm và đáng sợ của nó. Và sự bất mỹ với đặc tính này xuất hiện không chỉ  trong xác chết mà còn trong cơ thể còn sống nữa (Đó là điểm quan trọng ở đây), như nó đã xảy ra đối với Trưởng lão Mahā Tissa sống ở Cetiyapabbata, và đối với vị sa-di của Trưởng lão Saṅgharakkhita trong khi vị đó đang xem nhà vua cưỡi ngựa. Vì một cơ thể còn sống thì cũng chỉ bất mỹ như một xác chết, chỉ là đặc tính của sự bất mỹ không được hiển rõ trong cơ thể còn sống, vì bị che dấu bởi những việc làm đẹp ngẫu nhiên.”1 Chúng ta vệ sinh và tắm rửa hằng ngày. Vài người còn dùng mỹ phẩm, nước hoa và vân vân. Cho nên, đặc tính bất mỹ thì không hiện rõ trong một người đang sống, một cơ thể còn sống. Khi nó chết đi, thì đặc tính bất mỹ trở nên hiện rõ.

Nếu các bạn muốn chứng đắc thiền (jhāna) thông qua sự thực hành này, các bạn thật sự phải đi đến một nghĩa địa và quán nhìn một xác chết và thực hành thiền trên nó. Nhưng nếu các bạn chỉ muốn thực hành nó như là sự hành thiền chánh niệm về xác thân, thì các bạn không cần phải đi ra nghĩa trang. Các bạn có thể tưởng tượng hay hình dung ra một xác chết trong tâm trí của mình và áp dụng bản chất của xác chết đó vào chính cơ thể của mình. “Giống như cái xác này bị trương sình, thân xác của tôi cũng sẽ không thoát khỏi được tình trạng này.” Các bạn áp dụng bản chất của một xác chết lên cơ thể còn sống của chính mình. Theo cách đó, các bạn có thể thực hành thiền niệm xứ (Satipaṭṭhāna). Trong trường hợp đó, các bạn không phải đi tìm xác chết để nhìn và thực hành. Nhưng nếu các bạn muốn thực hành loại thiền chỉ (samatha) này để chứng đắc thiền (jhāna), các bạn phải đi tìm một xác chết ở nơi nào đó.

Điều này thì hầu như là bất khả thi tại quốc gia này (ND: Hoa Kỳ). Nhưng nếu các bạn đi vào một trường đại học y khoa nào đó, các bạn có thể thấy được các xác chết. Những người bên ngoài không được phép vào đó. Nếu các bạn là một vị khách đặc biệt, thì họ có lẽ cho phép các bạn xem các xác chết. Bằng không, họ sẽ không cho phép các bạn xem. Cho nên, ngày nay việc thực hành loại thiền này hầu như là bất khả thi, thậm chí tại quốc gia của chúng tôi.

Học viên: Chúng ta có thể xem những giai đoạn này ở thú vật.

Giảng sư: Thậm chí điều đó cũng không phổ biến vì các tiêu chuẩn sức khỏe. Họ sẽ không để xác chết ở trong tình trạng như vậy. Chúng ta có thể chụp hình các xác chết, nhưng thậm chí chụp hình cũng khó khăn. Các bạn có thể nhìn vào bức hình và thực hành hay phát triển thiền trên nó.

Đây là thiền bất mỹ về thân xác. Tại quốc gia của chúng tôi, khi một người chết, họ sẽ gửi các thiệp mời. Trong thiệp mời có nói, hãy đến nơi này hoặc nơi kia để thực hành thiền bất mỹ (asubha). Họ không được mời đến dự lễ an táng hoặc đi theo đưa tiễn xác chết đến nghĩa  trang. Họ được mời để thực hành thiền bất mỹ về xác thân cùng với chúng tôi.

Tôi đến Los Angeles lần này để tổ chức một lễ tang. Một trong những thiện tín thân quen của tôi mới chết. Tôi nói (với những người đến dự lễ tang) rằng: “Bạn được mời đến đây không phải chỉ để nói ‘Ồ, tội nghiệp bà ấy quá’, mà phải nhìn vào bà ta và thực hành thiền bất mỹ và một loại thiền khác nữa, tức là thiền niệm sự chết.” Mọi người nên thực hành ít nhất hai loại thiền này khi đến dự một lễ tang.

Đây là cách tham dự một lễ tang. Chúng ta không nói rằng chúng ta tụ họp lại để tỏ lòng tôn kính đến người đã mất, mà chúng ta đến đây để thực hành loại thiền này và áp dụng bản chất này của con người này vào chính chúng ta để giảm bớt đi sự dính mắc vào chính mình.

Rồi còn một điều khác nữa. Đó là chia phước cho người chết. Đó là mục đích khi mọi người đến dự đám tang. Hầu hết mọi người thật ra không biết phải làm gì và tại sao họ lại được mời. Để là những Phật tử đúng nghĩa, chúng ta phải nên làm như thế này. Chúng ta nên đi đến đám tang và thực hành theo cách này và rồi chia phước cho người chết.

Học viên: ‘Chia phước’ có nghĩa là gì?

Giảng sư: Đó có nghĩa là tôi nói với người đó “Tôi chia phước của tôi cho bạn”. Các bạn nói với người đó (như vậy) với sự hiểu biết rằng người đó có thể đang ở đâu đó xung quanh là ma hoặc là một thiên nhân cõi thấp.

Học viên: Đó có giống như một sự cầu may (cho người đó) không?

Giảng sư: Không phải là một sự cầu may. Chúng ta có thể gọi nó là một sự cầu may không? Không. Việc làm này thật sự đang giúp đỡ người đó trong kiếp sống hiện tại. Theo giáo lý của Đức Phật, một người có thể tái sanh làm bất kỳ hạng chúng sanh nào. Mặc dầu một người có thể là tốt cả đời, nhưng nếu người đó có những suy nghĩ xấu vào thời điểm tử, thì người đó có thể tái sanh vào cảnh giới thấp hơn. Cho nên, những chúng sanh tái sanh làm ma quỷ, ma đói và những thiên nhân cõi thấp có thể được trợ giúp bởi những người trong kiếp sống này. Đó là nền tảng hay điều cơ bản của một lễ tang trong Phật giáo Nam Truyền (Theravāda). Khi chúng ta chia phước với người đó và người đó hoan hỷ với phước báu, thì chính người đó có phước báu do bởi sự hoan hỷ. Chính phước báu đó của người đó thật sự giúp người đó trong đời sống của họ. Nó không phải là phước báu của những người ở đây trực tiếp cho người đó những kết quả. Giáo lý của Đức Phật dạy  rằng các bạn phải tự mình làm để được nhận kết quả. Không ai có thể cho các bạn kết quả của họ. Phước của những người chia sẻ trở thành nền tảng cho phước của những người nhận. Cho nên, khi chúng ta đi đến một lễ tang, điều quan trọng là thực hành thiền bất mỹ và quán niệm sự chết. Như vậy thôi. Cảm ơn các bạn.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app