4.3.  Các Cơ Tánh

Hôm nay, chúng ta học đến phần về các cơ tánh. Trong đoạn văn 74: “Có sáu cơ tánh, đó là: cơ tánh tham, cơ tánh sân, cơ tánh si, cơ tánh tín, cơ tánh giác, cơ tánh tầm.”1 Trên bảng nêu này2, cột thứ hai trình bày sáu cơ tánh. Từ đầu tiên trong cột thứ hai là ‘carita’, có nghĩa là cơ tánh. Các cơ tánh là tham (rāga), sân (dosa), si (moha), tín (saddhā), giác (buddhi) và tầm (vitakka).

Cơ tánh tham là rāga. Cơ tánh sân là dosa. Cơ tánh si là moha. Cơ tánh tín là saddhā. Cơ tánh giác là buddhi. Buddhi là từ đồng nghĩa với ñāṇa hay paññā, tức là tuệ. Cơ tánh tầm là vitakka. Một vài giáo thọ sư cho rằng có nhiều hơn sáu cơ tánh cũng như có những sự trộn lẫn của chúng với nhau. Tuy nhiên, những loại đó không thú vị lắm vì chúng dễ nhầm lẫn. Chúng ta chỉ tìm hiểu sáu cơ tánh này theo như tác giả (ND: ngài Buddhaghosa) trình bày.

Ba trong số sáu cơ tánh này là tốt và ba cơ tánh còn lại là xấu. Có sự song song giữa các cơ tánh trong hai nhóm này. Cơ tánh tín thì tương tự với cơ tánh tham vì “khi hành động (kamma) thiện lành diễn ra trong người có cơ tánh tham, tín trở nên mạnh vì các đặc tính đặc biệt của nó gần với những đặc tính của tham.”3 Điều đó có nghĩa là tham  thì tương tự như tín (saddhā). “Vì, ở bên phía không có lợi ích, tham có tính cách biểu lộ sự trìu mến và không quá khắc chế, không quá cứng nhắc; và tín thì cũng như vậy ở bên phía có lợi ích.”

Thay vì nói ‘ở bên hướng không có lợi ích’, chúng ta nên nói là ‘ở bên phía các pháp bất thiện (akusala)’. Cho nên, nó có nghĩa là, ở trong những pháp bất thiện (akusala), tham có tính cách biểu lộ sự trìu mến và không quá khắc chế, không quá cứng nhắc. Trong số những pháp thiện (kusala), tín cũng có những đặc tính như vậy; tín có tính cách biểu bộ sự trìu mến và không quá khắc chế, không quá cứng nhắc. Cho nên, chúng tương tự nhau.

Điều này cũng đúng cho cơ tánh sân và cơ tánh giác. Chúng cũng tương tự. Một người có thói quen giận dữ có thể thuộc cơ tánh giác. Có những người nóng tính và những người dễ cáu giận chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt. Những người đó có thể thuộc cơ tánh giác. Chúng là những đặc tính tương tự hoặc song song.

Trong đoạn văn 76: “Và sân xảy ra trong phương thức chỉ trích hay kết tội (ND: từ tiếng Anh là ‘condemn’) chúng sanh.”2 Từ Pāḷi (parivajjana) ở đây là ‘tránh bỏ’ (ND: từ tiếng Anh là ‘avoid’). ‘Condemn’ (chỉ trích) có nghĩa là ‘avoid’ (tránh bỏ) phải không?

Học viên: Không ạ.

Giảng sư: “Và sân xảy ra trong phương thức tránh bỏ chúng sanh, trong khi giác xảy ra trong phương thức tránh bỏ các pháp hành.” ‘Các pháp hành’ có nghĩa là danh và sắc (saṅkhāra).

Cơ tánh tầm thì song song với cơ tánh si (moha).

Chúng tương tự với nhau.

Rồi chúng ta có cuộc bàn luận về nguồn gốc hay nguyên nhân của những cơ tánh này. Ở đây, tác giả (ND: tức là ngài Buddhaghosa) trình bày các nguyên nhân do các giáo thọ sư khác đưa ra. Ngài nói rằng tất cả những điều này là mập mờ, không có tính phán quyết.

Trong chú thích 19, “‘Có người’ ở đây muốn ám chỉ đến Trưởng lão Upatissa. Vì ngài đã trình bày vấn đề này như thế này trong Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga).” Có một tài liệu có tên gọi là Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga). Tài liệu này được viết trước thời của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Tài liệu đó được viết bằng ngôn ngữ Pāḷi bởi Trưởng lão Upatissa. Giáo sư Papat có viết một cuốn sách A Comparative Study of Visuddhimagga and Vimuttimagga3.

Chúng ta gọi Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) là một Sớ Giải. Nó không phải là Sớ Giải của một bài kinh (Sutta) cụ thể nào hoặc của một tập những bài kinh (Sutta) cụ thể nào cả. Nó là Sớ Giải chung cho tất cả các bài kinh (Sutta). Có một Phụ Sớ Giải dành cho Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Tên của vị Trưởng lão này cũng như tên của tài liệu đó được nhắc đến trong Phụ Sớ Giải. Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) thì không có nhắc đến gì cả. Mà chỉ nói là ‘có người nói’. ‘Có người nói’ là muốn chỉ đến Trưởng lão Upatissa, tác giả của Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga).

Trong tài liệu đó có nói như sau: “Với ba cơ tánh đầu tiên, chúng có nguồn gốc ở trong các thói quen từ trước, và chúng có nguồn gốc ở trong các yếu tố và các dịch chất.”1 ‘Các yếu tố’ có nghĩa là tứ đại – đất, nước, lửa và gió. Dịch chất – đây là cái gì? ‘Dịch chất’ ở đây có nghĩa là chất trong cơ thể – gió, đờm, máu. Chúng (các yếu tố, các dịch chất, và những thói quen từ trước) là các nguồn gốc của những cơ tánh này.

“Hiển nhiên, người có cơ tánh tham trước đây đã thực hiện hay đã làm nhiều việc đáng ưa thích, có sự thích thú, hoặc đã xuất hiện lại ở đây sau khi chết đi từ cõi trời.”2 ‘Xuất hiện lại ở đây’ có nghĩa là ‘tái sanh ở đây’. Một người vốn là thiên nhân chết đi và tái sanh ở đây có khuynh hướng có cơ tánh tham.

“Và người có cơ tánh sân trước đây đã thực hiện hay đã làm nhiều việc đâm chém và tra tấn, hoặc đã xuất hiện lại ở đây sau khi chết đi từ một trong các tầng địa ngục hay một trong các cõi rồng (nāga).”3 Chúng sanh sau khi chết đi từ địa ngục hoặc từ các cõi rồng đi tái sanh có khuynh hướng có cơ tánh sân.

“Và người có cơ tánh si trước đây đã uống các chất say và tránh bỏ việc học hỏi, hoặc đã xuất hiện lại ở đây  sau khi chết đi từ cảnh giới súc sinh.”1 Đây là theo thói quen từ trước.

Rồi các cơ tánh được giải thích dựa theo các yếu tố. “Một người có cơ tánh si vì yếu tố đất và yếu tố lửa vượt trội”2 và vân vân. Người có những yếu tố này vượt trội trong cơ thể thì có khuynh hướng có cơ tánh si và vân vân.

“Không phải tất cả những ai đã thực hiện hoặc đã làm nhiều việc đáng ưa thích với sự thích thú, hoặc đã xuất hiện lại ở đây sau khi chết đi từ cõi trời đều có cơ tánh tham”3 và vân vân. Như vậy, chúng không có tính chất quyết đoán, tức là không phải nhất định như vậy.

Rồi tác giả trình bày sự giảng giải từ những giáo thọ sư viết Sớ Giải. Tức là được ghi nhận theo truyền thống Thượng Tọa Bộ (Theravāda). “Việc những chúng sanh này có sự vượt trội về tham, sự vượt trội về sân, sự vượt trội về si, sự vượt trội về vô tham, sự vượt trội về vô sân, sự vượt trội về vô si, là bị chi phối hay bị ảnh hưởng bởi căn nguyên từ trước. Vì khi trong một người tại thời điểm của nghiệp (kamma) tích lũy, tức là nghiệp tạo nên tục sinh, tham mạnh và vô tham yếu, vô sân và vô si mạnh và sân và si yếu, nên (nhân) vô tham yếu kém của người đó không có khả năng lấn áp (nhân) tham của người đó, nhưng (nhân) vô sân và (nhân) vô si mạnh lại có khả năng lấn áp (nhân) sân và (nhân) si. Đó là lý do tại sao, vào lúc đi tái sinh thông qua sự tục sinh do bởi nghiệp (kamma) này, người đó có tham, bản chất tốt và không nóng giận, và sở hữu khả năng hiểu biết với trí tuệ, giống như tia chớp.”

“Tại thời điểm của nghiệp (kamma) tích lũy, tức là nghiệp tạo nên tục sinh, tham mạnh và vô tham yếu” – ở đây không có nghĩa là tham và vô tham sanh lên cùng một thời điểm. Tham là tâm sở bất thiện và vô tham là tâm sở thiện. Chúng không thể cùng sanh lên. Nghiệp (kamma) mà cho kết quả tục sinh làm người và vân vân là nghiệp (kamma) tốt, nghiệp (kamma) thiện. Nó không thể là nghiệp (kamma) bất thiện. Khi nghiệp thiện (kusala kamma) sanh lên trong tâm trí của chúng ta, tham không thể cùng sanh lên vào lúc đó. Người đó có tham trước và sau nghiệp (kamma) đó. Đó là ý nghĩa muốn nói đến ở đây trong ‘tại thời điểm của nghiệp (kamma) tích lũy của người đó’. Không phải là chúng sanh lên cùng một lúc, cùng một thời điểm, nhưng là nghiệp (kamma) đó bị ảnh hưởng bởi tham mạnh, vô tham thì yếu và vân vân. Khi, tại thời điểm của nghiệp (kamma) tích lũy, tham mạnh, vô tham yếu và vân vân, thì có sự khác nhau này về cơ tánh. Những điều này được giải thích dựa trên căn nguyên nào, nhân nào vượt trội hoặc mạnh hoặc yếu tại thời điểm của nghiệp (kamma) tích lũy tốt hay xấu, đặc biệt là nghiệp (kamma) tốt.

Rồi chúng ta đi đến phần làm sao biết được người này có cơ tánh tham và vân vân. Phần này thì giống như tâm lý học. Chúng ta đoán cơ tánh của một người thông qua tư thế của người đó, thông qua hành động của người đó, thông qua cách ăn uống của người đó, thông qua cách nhìn nhận của người đó, thông qua các trạng thái tinh thần xảy ra trong tâm trí của người đó. Những điều này được giải thích một cách chi tiết.

“Người có cơ tánh tham khi đi bộ một cách tự nhiên, một cách bình thường, người đó đi một cách cẩn thận (tức là người đó đi một cách thanh nhã, khoan dung), đặt chân xuống một cách từ tốn, chậm chạp, đặt nó xuống một cách cân bằng, nhấc nó lên một cách cân bằng, và bước chân thì như lò xo bật (springy).”

‘Như lò xo bật (springy)’ là gì? Học viên: Tức là nảy lên.

Giảng sư: Nảy lên. Ồ. Sự giải thích trong chú thích là – các bạn biết là khi Đức Phật để lại dấu chân của mình, dấu chân của Ngài là bằng phẳng. Những dấu chân của phàm nhân là không bằng phẳng lắm, tức là không chạm xuống đất bằng như nhau. ‘Springy’ có nghĩa là không chạm ở phần giữa. Đó là ‘springy’ ở đây.

Học viên: Bàn chân của Đức Phật là bằng phẳng sao ạ?

Giảng sư: Đúng vậy. “Người có cơ tánh sân đi bộ thì giống như là ông ta đang đào đất bằng những mũi chân của mình, đặt chân xuống một cách nhanh lẹ, nhấc chân lên một cách nhanh lẹ, và bước chân của ông ta thì được kéo lê thê.”

“Người có cơ tánh si đi bộ với dáng bối rối, đặt chân xuống một cách do dự, nhấc chân lên một cách do dự, và bước chân của ông ta thì được nhấn xuống một cách đột ngột.”2

Rồi có một đoạn kệ. Đây là phần liên quan đến nguồn gốc của bài kinh Māgaṇḍiya Sutta3. Tên của người thiện nam đó là Māgaṇḍiya. Ông có một người con gái xinh đẹp. Ông muốn trao tặng con gái của mình cho một người đàn ông xứng đáng, nhưng ông chưa tìm thấy được ai cả. Một ngày nọ, ông đã thấy được những dấu chân của Đức Phật. Ông biết rằng những dấu chân này là của một người siêu phàm. Ông lần theo những dấu chân của Đức Phật và đến gặp Ngài. Rồi ông dâng hiến con gái của mình đến Đức Phật. Ông đã thốt lên đoạn kệ này khi ông nhìn thấy những dấu chân của Đức Phật. Những dấu chân này không phải của người có cơ tánh tham, không phải của người có cơ tánh sân, không phải của người có cơ tánh si. Chúng phải thuộc vào một người siêu phàm.

Trong đoạn văn 89 khoảng ở giữa: “Ông ta ngủ một cách tự tin.”4 Thật ra, ông ta ngủ một cách vui vẻ dễ thương, tức là dễ chịu khi nhìn thấy, chứ không phải tự tin. Đi xuống thêm một chút nữa cũng trong đoạn văn này: 

“Với cơ thể gieo xuống, ông ta ngủ với một vẻ mặt cau có (scowl).” ‘Scowl’ nghĩa là gì?

Học viên: Nhăn nhó.

Giảng sư: Đúng rồi, với một vẻ mặt nhăn nhó. Đúng vậy. Rồi xuống thêm hai hàng nữa: “Người với cơ tánh si trải giường chiếu xiên xẹo và ngủ thường là ngủ sấp với cơ thể trườn dài ra. Khi thức giấc, người đó thức dậy một cách chậm chạp và nói ‘Hum’.”

Đây là nói theo oai nghi hay cách đi đứng. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào các hành động. “Cũng như trong các hoạt động quét dọn, vân vân, người với cơ tánh tham nắm cây chổi vững vàng, và ông ta quét sạch và đều, không hấp tấp hoặc không hất tung cát lên, giống như là ông đang rắc hoa sinduvāra.” Chúng ta có thể phỏng đoán cơ tánh của người đó thông qua việc ông ta quét dọn như thế nào. Điều này thì không khả thi ở quốc gia này (ND: Hoa Kỳ) vì chúng ta dùng máy hút bụi ở đây.

Rồi thông qua việc ăn uống: “Người với cơ tánh tham thích ăn đồ ngọt.” Những ai thích đồ ngọt thì được cho là có cơ tánh tham.

“Người với cơ tánh sân thích ăn đồ chua và cứng.” Cho nên, nếu các bạn thích đồ chua, các bạn có lẽ có cơ tánh sân.

Nếu các bạn phân vân hoặc không có sự chọn lựa rõ ràng, thì các bạn có cơ tánh si. Các bạn thích cái gì? Tôi thì thích đồ chua.

Rồi thông qua việc nhìn nhận và vân vân: “Khi người với cơ tánh tham thấy một vật, thậm chí chỉ có một chút xíu đáng hài lòng thôi, ông ta lại nhìn lâu giống như là rất ngạc nhiên, ông ta chăm chút những đặc tính hiển nhiên tầm thường của nó, bỏ qua những khuyết điểm, và khi từ giã, ông ta ra đi với sự tiếc nuối giống như là không muốn rời.” ‘Với sự tiếc nuối’ – thật sự từ được dùng là ‘với sự bám víu’. Ông có sự bám víu hay giống như là sự lo lắng quan tâm đến vật đó.

“Khi người có cơ tánh sân thấy một vật thậm chí chỉ có một chút đáng phật lòng thôi, ông ta tránh nhìn nó lâu giống như là ông ta mệt mỏi, ông chỉ ra những khuyết điểm hiển nhiên tầm thường, bỏ qua những đặc tính tốt, thật, và khi từ giã, ông ta ra đi không tiếc nuối (hay không bám víu) giống như là hăm hở hoặc mong đợi việc từ bỏ nó, xa lánh nó.”

Rồi đối với người với cơ tánh si: “Nếu ông ta nghe người khác chỉ trích, ông cũng chỉ trích; nếu ông ta nghe người khác khen ngợi, ông cũng khen ngợi; nhưng thật ra, chính ông ta lại cảm thấy bình thản.”1 Tôi muốn dùng từ ‘hờ hững’ hay ‘lãnh đạm’ thay vì là ‘bình thản’. Như vậy, “thật ra, chính ông ta lại cảm thấy hờ hững hay lãnh đạm – sự hờ hững, lãnh đạm của sự không hiểu biết.” Ở đây, ‘hờ hững’ hay ‘lãnh đạm’ có nghĩa là không hiểu biết (moha). “Đối với âm thanh cũng vậy, và vân vân.”

“Bởi thông qua các pháp hay các trạng thái xảy ra: trong người với cơ tánh tham, thường có sự xảy ra của các trạng thái như lừa dối, gian lận, kiêu mạn, ác dục, đa dục, bất mãn, chưng diện và tự cao tự đại.”

“Trong người với cơ tánh tín, thường có sự xảy ra của các trạng thái như tính hào phóng tự do, khao khát được thấy các bậc Thượng Nhân, khao khát được nghe Diệu Pháp, sự hân hoan lớn lao.” Trong nguyên tác Pāḷi, nó có nghĩa là sự hân hoan thường xuyên (pāmojjabahulatā). Người đó trải nghiệm sự hân hoan một cách thường xuyên; không nhất thiết phải là sự hân hoan lớn lao.

Trong đoạn văn 97 có bàn về cái gì là thích hợp cho những người với các cơ tánh khác nhau. “Trú xứ thích hợp cho người với cơ tánh tham có ngưỡng cửa không lau chùi và có nền ngang bằng với mặt đất, và nó có thể là một (tảng đá) nhô ra (với một máng xối) không được làm hoặc không được chuẩn bị chu đáo, một túp lều cỏ, hay một ngôi nhà lá, vân vân, nó phải nên là dính bụi bặm, đầy dơi, hư nát, quá cao hoặc quá thấp.”1 Cái này là trái ngược với cơ tánh của người đó. Người này có cơ tánh tham. Nên trú xứ xấu tệ là thích hợp cho ông ta.

Rồi về phần bình bát, vì ngài (ND: ngài Buddhaghosa) đang nói về các tu sĩ: “Và bình bát đúng loại cho vị đó là một cái bát bằng đất nung xấu xí, bị biến hình do bởi những vá nối, hoặc một cái bát bằng sắt nặng và dị hình, chẳng đáng thèm khát chút nào như là một cái sọ người.”2 Một vài từ đã bị đặt không đúng chỗ trong câu này. “Và bình bát đúng loại cho vị đó là một cái bát bằng đất nung xấu xí hoặc một cái bát bằng sắt nặng và dị hình, bị biến hình do bởi những vá nối.” Nếu một cái bát bằng  đất nung xấu xí có những lỗi hay những khuyết điểm, vị đó phải liệng nó đi. Nó có thể là bị nứt và sẽ khó sửa lại được. Một cái bát bằng sắt nếu có lỗ hoặc cái gì đó như vậy, các bạn có thể vá hoặc nối để giữ cái bát còn nguyên. Cho nên, ‘bị biến hình do bởi những vá nối’ phải là chỉ cho ‘cái bát bằng sắt nặng và dị hình’.

Trong đoạn văn 101: “Trú xứ thích hợp hay đúng cho vị có cơ tánh si có quang cảnh và không bị ngăn bít, nơi mà vị đó có thể thấy cả bốn hướng khi ngồi đó.”1 Vị đó có cơ tánh si, nên vị đó cần không gian.

“Về các tư thế, thì đi là thích hợp, tức là đúng. Đối tượng đúng loại cho vị đó quán tưởng thì không nhỏ, tức muốn nói, là bằng kích cỡ của cái rổ sảy lúa hoặc bằng kích cỡ của cái đĩa.”2 Điều này có nghĩa là vị đó không nên hành thiền trên đối tượng có kích cỡ của một cái rổ sảy lúa hoặc của một cái đĩa. Những vật này là nhỏ. Người có cơ tánh si cần những đối tượng lớn hơn.

Giả sử vị đó muốn thực hành thiền chỉ tịnh với đề mục kasiṇa (hoàn tịnh) đất, tức là nhìn vào một cái đĩa bằng đất hoặc nhìn vào đất. Nếu vị đó có cơ tánh si, vị đó cần phải có một khoảng đất lớn hoặc cái gì đó như vậy để nhìn, chứ không phải chỉ là một cái đĩa nhỏ bằng đất. Tâm trí của vị đó cần nhìn vào một vật thể hay đối tượng lớn hơn. Đối tượng để quán tưởng của vị đó phải là không nhỏ. Nó không phải là kích cỡ của cái rổ sảy lúa hoặc một cái đĩa. “Vì tâm trí của vị đó trở nên bối rối hơn trong một không gian gò bó, cho nên loại đề mục thích hợp hay đúng là một kasiṇa rỗng lớn.” Có lẽ nó nên bằng kích cỡ của một sân tennis hoặc một sân bóng đá.

Đối với vị có cơ tánh tầm, một đối tượng nhỏ thì thích hợp, tức là đúng cho vị đó. Người có tánh tầm (vitakka) thì hay suy tư. Vị đó muốn nghĩ đến nhiều việc. Một đối tượng nhỏ thì thích hợp, khoảng kích cỡ của cái rổ sảy lúa hoặc của một cái đĩa.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app