CHƯƠNG THỨ HAI 

Bạch Đức Thế Tôn, như tất cả nghề nghiệp đều có đem lại nhiều sự lợi ích hiện tại như là: nghề chăn voi, v.v… Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có thể chế định cho tôi thấy rõ sự lợi ích hiện tại của bậc xuất gia không?

Đức Phật bèn trả lời rằng: “Như Lai có thể tuyên bố được, vậy Như Lai xin hỏi Đại vương, Đại vương hiểu như thế nào xin nói như thế ấy, thí dụ như có vị quan lại hầu hạ Đại vương hết tất cả công việc triều chánh, rất vừa lòng đẹp ý, là người nói những lời đáng thương mến và rất tôn kính Đại vương. Người ấy lại suy nghĩ rằng: ‘Ồ lạ thay! Đây là sự hưởng báu của đức vua rõ rệt, vì Ngài cũng là người như ta, tại sao mà Ngài được hưởng mọi sự vui thú của cõi đời, có nhiều người hầu hạ như bậc Chư Thiên? Còn ta đây sao lại hầu hạ người vậy, đây chính là quả phước báu của Ngài đã tạo từ kiếp trước kia không sai, vậy ta cũng nên tạo phước báu như Ngài’. Suy nghĩ kỹ, y xin từ chức để xuất gia tu hành, y cạo râu tóc, mặc y ca-sa để xuất gia. Một lúc sau, người ấy đã hoàn toàn là một bậc xuất gia có đầy đủ sự thu thúc thân, khẩu, ý, có tri túc trong bốn món vật dụng, ưa thích nơi ở thanh vắng. Trong lúc ấy có người đến tâu cho Đại vương hay về người quan hầu ấy nay đã xuất gia có nhiều đức hạnh tốt đẹp. Tâu Đại vương, khi nghe tin ấy Đại vương có nên nói như thế này: ‘Người ấy phải trở lại hầu hạ Trẫm như trước không?’

– “Bạch Đức Thế Tôn, không nên biểu như vậy đâu, theo sự thật, chúng tôi nên tiếp đãi, đảnh lễ người ấy, nên mời ngồi, nên dâng cúng vật thực, chỗ ngụ, y phục và thuốc men, lại nên cho người chăm sóc, bảo bọc người ấy theo đúng lẽ phải”.

– “Tâu Đại vương, theo như chuyện ấy, Đại vương hiểu như thế nào, quả báo hay là sự lợi ích hiện tại của bậc sa-môn xuất gia có thấy rõ rệt không?”

– “Bạch Đức Thế Tôn, theo như câu chuyện này thì quả báo của sự xuất gia đã thấy rõ rệt vậy”.

– “Tâu Đại vương, đó Như Lai có thể chế định quả báo của sự xuất gia như thế ấy”.

– Đức Vua lại bạch thêm rằng: “Đức Thế Tôn có thể tuyên bố thêm quả báo của sự xuất gia khác cao thượng hơn đó nữa không?”

– “Tâu Đại vương, như có người cày ruộng vất vả để làm cho được có lúa gạo (sau khi suy nghĩ kỹ rồi cũng đi xuất gia… (cũng giống cách giải đoạn trên)…

Rồi Đức Phật lại giải thêm cho đức vua nghe rằng: “Tâu Đại vương, Như Lai giáng sanh trong cõi thế gian này là bậc đã xa lìa các tội lỗi, bậc Chánh đẳng Chánh giác, bậc đầy đủ minh và hạnh, bậc đã đi đến nơi an lạc Đại Niết-bàn, bậc thông suốt cả tam giới, bậc có nhiều đức hạnh, bậc dạy dỗ những người đáng dạy dỗ, bậc thầy cả Chư Thiên và nhân loại, bậc thông thấu lý tứ diệu đế, bậc không còn luân hồi lại nữa. Như Lai tự giác ngộ và làm cho tất cả Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, luôn cả chúng sanh trên thế giới và các bậc sa-môn, bà-la-môn cũng được giác ngộ theo, Như lai thuyết Pháp rất tốt đẹp khoản đầu, khoản giữa và khoản chót, đầy đủ ý nghĩa về triết hạnh, lúc ấy các bậc phú gia hoặc con của bậc phú gia hoặc người nào chẳng hạn được nghe pháp ấy rồi phát tâm trong sạch rất tin tưởng và suy nghĩ rằng:

‘Người tại gia rất bận rộn, tạo những điều tội lỗi và phiền não chảy vào, chỉ có xuất gia mới đầy đủ thời giờ rảnh rang, vì phạm hạnh ấy người tại gia khó gìn giữ được trong sạch trọn vẹn, trơn láng như ốc xà cừ, vậy ta nên xuất gia thì tốt hơn’. Một lúc sau, người ấy dứt bỏ của cải gia tài, thân bằng quyến thuộc ít nhiều chẳng hạn, rồi cạo tóc, râu, mặc y ca-sa đi xuất gia. Khi xuất gia xong, người ấy thu thúc theo giới bổn Pātimokkha trong tứ oai nghi đầy đủ hạnh kiểm, ghê sợ tội lỗi dầu nhỏ nhen chút ít, thọ trì các điều học, thân khẩu chân chánh, sự nuôi mạng trong sạch, là người đầy đủ giới hạnh, trang nghiêm, thu thúc lục căn, có tri túc, có sự ghi nhớ (sati) và biết mình (sampajañña).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app