11.  Hạnh Sống Ngoài Trời

Hạnh đầu đà tiếp theo là hạnh sống ngoài trời. Không có tòa nhà, cây cối nào. Vị đó phải sống giữa trời. Điều này có lẽ chỉ có thể xảy ra tại những nước nhiệt đới ở châu Á, chứ không thể xảy ra tại quốc gia này (ND: Hoa Kỳ). Vị đó được phép đi vào ngôi nhà thực hành lễ Bố-tát (Uposatha). Đây là ngôi nhà mà các tu sĩ tụ họp lại hai lần một tháng để tụng đọc và lắng nghe các giới điều trong Giới Bổn Pāṭimokkha. “Vị hành hạnh sống ngoài trời được phép đi vào nhà thực hành lễ Bố-tát (Uposatha) với mục đích nghe Pháp (Dhamma) hoặc với mục đích tham dự lễ Bố-tát. Nếu trời mưa trong khi vị đó đang ở bên trong, vị đó có thể ở trong đó cho đến khi mưa tạnh rồi đi ra thay vì đi ra trong khi trời còn đang mưa. Vị đó được phép đi vào trai đường hoặc hỏa đường (Hỏa đường là phòng làm toát mồ hôi. Nó giống như là cái nhà tắm hơi) để thực hành các phận sự, hoặc đi vào bên dưới một mái che để trình hỏi các trưởng lão trong trai đường về một bữa ăn (để thỉnh mời các ngài đến một bữa ăn hoặc bạch hỏi xem các ngài muốn dùng gì), hoặc khi giảng dạy hay tham dự các lớp học, hoặc mang vào bên trong các giường, ghế, vân vân, bị bỏ bên ngoài không đúng cách.” Đối với những mục đích này thì vị đó có thể đi vào nơi có mái che.

“Nếu vị đó đang đi trên đường và có mang theo một nhu yếu phẩm của một trưởng lão và trời lại mưa” – tức là vị đó có mang theo một vài thứ đồ vật của một vị trưởng lão. Nếu vị đó ở trong trường hợp này – “vị đó được phép đi vào nhà nghỉ bên đường. Nếu vị đó không có mang gì theo trong mình, vị đó không được phép vội vã để đi vào nhà nghỉ; nhưng vị đó có thể đi với tốc độ bình thường vào nhà nghỉ và ở đó trong thời gian trời mưa.”

Ở đây cũng có ba cấp bậc. “Vị hành theo bậc thượng không được phép sống gần một cội cây, hoặc một tảng đá, hoặc một ngôi nhà.” Vị đó phải ở xa chúng. Vị đó không được sống gần những vật như vậy. “Vị đó nên làm một  ngôi lều bằng y vải giữa trời và sống trong đó.” Có nghĩa là ngôi lều được làm bằng vải hoặc y. Nó có thể được dùng để ngăn che gió, nhiệt và lạnh.

“Vị hành theo bậc trung được phép sống gần một cội cây, hoặc một tảng đá, hoặc một ngôi nhà miễn là vị đó không được che chở bởi chúng.”3 Như vậy, vị đó có thể sống gần những vật này.

“Vị hành theo bậc hạ được phép (dùng) những thứ như sau: một (tảng đá) che trên mà không có đường rãnh cắt ở trong nó (Nó giống như là cái hiên. Khi mưa rơi xuống, mưa sẽ chảy đi mà không rớt xuống vùng đó), một túp lều bằng các cành cây, vải làm cứng với bột, và túp lều bỏ hoang bởi những người trông ruộng, và vân vân.”4 Họ dựng lên một cái chòi như vậy. Và rồi khi họ đi, họ để lại cái chòi đó như vậy. Vị đó có thể sử dụng cái chòi đó.

12.  Hạnh Ở Nghĩa Trang

Hạnh đầu đà tiếp theo là hạnh ở nghĩa trang. “Vị hành hạnh đầu đà ở nghĩa trang không nên sống tại nơi mà được người xây dựng nên ngôi làng định danh là ‘nghĩa trang’, bởi vì nó không phải là nghĩa trang trừ phi một xác chết đã được thiêu tại đó.” Khi họ lập dựng nên ngôi làng lúc khởi đầu, họ dành riêng một phần đất làm nghĩa trang. Nếu chưa có xác chết nào được mai táng hoặc hỏa táng tại đó, thì nó chưa được gọi là nghĩa trang. “Ít nhất một xác chết đã phải được thiêu tại đó. Ngay khi một xác chết được thiêu tại đó, thì nó trở thành nghĩa trang. Thậm chí nó bị bỏ hoang cả chục năm, nó vẫn là nghĩa trang.”

Một vị sống trong nghĩa trang phải rất cẩn thận. Vị đó phải tuân theo một vài luật định. “Vị sống tại đó không nên cho xây dựng đường kinh hành, lều trại, vân vân, cho sắp đặt giường ghế, và cho soạn sẵn nước uống, tắm rửa và rồi thuyết giảng Pháp (Dhamma) (Vị đó phải không nên làm  tất cả những việc này); vì sự thực hành này là một việc vô cùng trọng yếu (Nó rất là quan trọng).”2

“Bất kỳ ai đến sống tại đó cũng nên tinh cần. Và trước hết vị đó nên thông báo cho vị trưởng lão của Tăng chúng hoặc cho người đại diện của nhà vua tại địa phương để  ngăn tránh các vấn đề phiền phức.”3 Đôi lúc các kẻ trộm cướp có thể lui tới nơi đó. Họ có thể tồn trữ một cái gì đó ở đó. Khi các chủ nhân đến và những kẻ trộm cướp đã đi mất, thì họ có thể nghi vị tỳ-kheo là kẻ trộm. Tức là sự nguy hiểm: bị cho là nghi phạm. Do đó, vị tỳ-kheo mà sẽ sống trong nghĩa trang thì nên báo cho vị trưởng lão tại tự viện và cũng nên báo cho chính quyền địa phương.

“Khi vị đó đi kinh hành tới lui, vị đó nên nhìn giàn hỏa thiêu với nửa con mắt.”1 Điều đó có nghĩa là vị đó nhìn giàn hỏa thiêu và nhìn đường đi kinh hành, nhìn qua nhìn lại như vậy.

“Trên đường đến nghĩa trang, vị đó nên tránh những đường chính và nên đi theo đường mòn. Vị đó nên xác định các đối tượng (ở đó) khi còn ban ngày.” Như vậy, vị đó phải đến đó vào ban ngày và ghi chú hay lưu ý mọi thứ, hay mọi vật, ở đó, vì nếu vị đó không ghi chú hay không lưu ý mọi vật ở đó và đi vào ban đêm, vị đó có thể cảm thấy kinh sợ đối với một vài thứ ở đó. Do đó, vị đó phải lưu ý ghi chú tất cả mọi vật – “để chúng sẽ không hiện ra thành những hình hài đáng sợ cho vị đó vào ban đêm. Thậm chí, nếu những phi nhân có lượn lờ kêu hú, vị đó cũng không được liệng ném hay đánh đập chúng với bất kỳ thứ gì.”2 Các nghĩa trang thường là những nơi cho ma quỷ và các vong nhân. Và chúng có thể la hú.

“Vị đó không được phép ngưng đi vào nghĩa trang dầu chỉ là một ngày. Các vị trùng tuyên Tăng Chi Bộ (Aṅguttara) nói rằng, sau khi trải qua canh giữa tại nghĩa trang, vị đó được phép rời nghĩa trang vào canh cuối.”1 Một đêm được chia ra làm ba canh – canh đầu, canh giữa và canh cuối. “Sau khi ở tại nghĩa trang vào canh giữa, vị đó được phép rời nghĩa trang vào canh cuối.” Như vậy, canh cuối là từ 2 giờ sáng cho đến 6 giờ sáng. Từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối là canh đầu và từ 10 giờ tối cho đến 2 giờ sáng là canh giữa.

“Vị đó không nên dùng các thực phẩm như bột mè, đậu hầm2, cá, thịt, sữa, dầu, đường, vân vân, những thứ mà được các phi nhân thích.”3 ‘Vị đó không nên dùng’ có nghĩa là không nên ăn những thứ này, chứ không có nghĩa là không ‘mang’ những thứ này vào nghĩa trang.4 Vị đó cũng không nên mang chúng vào nghĩa trang.

Học viên: Đậu hầm (pease pudding) là gì?

Giảng sư: Tôi không biết nó có nghĩa là gì. ‘Pease’ có nghĩa là gì?

Học viên: Một loại mè.

Giảng sư: Tôi nghĩ nó là đậu hoặc nó có thể là gạo trộn với đậu (māsabhatta). Tại quốc gia của chúng tôi, mọi người nấu gạo với đậu.

“Vị đó không nên đi vào nhà của mọi người.”1 Lý do được trình bày trong phần chú thích: “Vị đó không nên đi vào nhà của mọi người vì vị đó có mùi của người chết và bị những ngạ quỷ hay a-tu-la (pisāca) đi theo.”

“Vị hành bậc thượng nên sống tại nơi luôn có các  hoạt động mai táng, tức là nơi luôn có hỏa táng, các xác chết và sự than khóc của mọi người. Vị hành bậc trung được phép sống tại nơi có một trong ba điều này – hỏa táng, các xác chết và sự than khóc của mọi người. Vị hành bậc hạ được phép sống tại nơi mà chỉ có những đặc tính thuần của một nghĩa trang như đã được trình bày.”2 Nếu đó là nơi mà có ít nhất một xác chết đã được thiêu tại đó, thì đó là nơi dành cho vị đó.

Học viên: [không nghe rõ] có niệm để thấy các phi nhân?

Giảng sư: Chúng tôi tin rằng có các hạng phi nhân sống tại các nghĩa trang. Chúng có thể hiện hình ra cho các tu sĩ ở đó thấy. Chúng tôi tin rằng người bình thường không thể thấy ma quỷ được. Nhưng nếu ma quỷ muốn, chúng có thể hiện hình ra cho người nhân loại thấy. Chúng có thể hiện thành những hình hài đáng sợ và hù dọa người đó đi khỏi nghĩa trang.

Học viên: Trải nghiệm thật sự thì ra sao? Các tu sĩ có thật sự thấy các vong linh không?

Giảng sư: Chúng muốn dọa loài người đi khỏi nơi đó, nhưng vị tu sĩ phải cứng rắn và đừng sợ chúng. Nhưng vị đó cũng không nên tấn công chúng. Nếu vị đó muốn tấn công chúng, vị đó phải ‘tấn công’ chúng bằng tâm từ (mettā). Cho nên, có nhiều tâm từ là điều cần thiết cho những tu sĩ sống tại nghĩa trang. Việc này được trì hành như là một sự tu tập đặc biệt để rũ bỏ đi những phiền não.

Học viên: Ngài nói rằng đây là một sự tu tập đặc biệt. Trong ba loại cơ tánh, người có cơ tánh sân dường như không nên đi vào nghĩa trang. Có lẽ người có cơ tánh tham nên đi vào đó.

Giảng sư: Đúng vậy. Nó là nơi thích hợp nhất cho những ai có tánh ham muốn.

13.  Hạnh Ở Chỗ Nào Cũng Được

Hạnh đầu đà thứ mười hai là hạnh ở chỗ nào cũng được. ‘Chỗ nào’ ở đây có thể chỉ là một cái cốc nhỏ. Khi một khách tăng viếng thăm một ngôi tự viện nào đó, vị đó phải đi đến gặp vị tu sĩ trông coi việc phân chia phòng ốc cho các khách tăng. Nếu vị khách tăng được phân cho một cốc nhỏ, vị đó phải nhận cái cốc đó. Vị hành bậc thượng phải chỉ nhận như vậy; vị đó phải không được từ chối. Vị đó phải không được đi đến xem trước khi chấp nhận phòng. Nó được gọi là ‘hạnh đầu đà ở chỗ nào cũng được’.

“Vị hành hạnh ở chỗ nào cũng được phải hài lòng với bất kỳ nơi nghỉ nào mà vị đó nhận được.” ‘Nơi nghỉ’ ở đây có nghĩa là nơi vị đó ở. “‘Cái này thuộc vào phần của hiền giả.’ Vị đó phải không được bắt/yêu cầu người khác dời chỗ.”1 Đôi lúc, các tỳ-kheo lớn tuổi hơn (ND: có lẽ có nghĩa là hạ hạp cao) có quyền lấy phòng ốc đã được phân phát cho vị tỳ-kheo nhỏ tuổi hơn (ND: có lẽ có nghĩa là hạ lạp thấp). Nếu vị đó thực hành hạnh đầu đà này, thì vị đó phải không được làm như vậy. Vị đó chỉ nhận cái gì phân chia cho vị đó hay cái gì thuộc vào phần của vị đó.

Có ba cấp bậc. “Ở đây, vị hành theo bậc thượng không được phép hỏi về nơi nghỉ thuộc về phần của mình như: ‘Nó có xa không?’ hoặc ‘Nó có gần không?’ hoặc ‘Nó có bị quấy phá bởi phi nhân, rắn và vân vân không?’1 hoặc ‘Nó có nóng không?’ hoặc ‘Nó có lạnh không?’.” Vị đó không được phép hỏi bất kỳ điều nào trong những điều này.

“Vị hành theo bậc trung được phép hỏi, nhưng không được đi xem và thẩm định. Vị hành theo bậc hạ được phép đi thẩm định và, nếu vị đó không thích, thì được chọn nơi khác.”

14.  Hạnh Ngồi

Bây giờ đến hạnh cuối cùng, hạnh ngồi. Điều đó có nghĩa là vị đó không nằm xuống bất kỳ lúc nào.

“Vị hành hạnh này có thể đứng dậy bất cứ lúc nào trong ba canh thuộc về đêm và đi tới đi lui: vì nằm xuống là oai nghi duy nhất không được phép (sử dụng).”

Ở đây cũng có ba cấp bậc. “Ở đây, vị hành theo bậc thượng không được phép dùng vật dựa lưng, hoặc băng vải, hoặc băng cột để tránh bị ngã xuống khi ngủ.”1 Vật dựa lưng thì rõ ràng. Không khó để hiểu. Băng vải và băng cột thì khó hiểu. Băng vải là loại vải mà các bạn đặt xung quanh cơ thể của mình khi các bạn ngồi. Nó giống như cái này này – một miếng vải hoặc một bộ y. Cái còn lại là một băng vải, không cần thiết là một miếng vải lớn, nhưng là một băng vải được quấn quanh cơ thể. Còn có một loại khác nữa, nhưng nó không được nhắc đến ở đây. Nó là băng tay. Điều đó có nghĩa là ngồi như thế này (Các cánh tay và các bàn tay đan vào nhau để hỗ trợ cho chân). Các tu sĩ không được phép làm điều đó.

Học viên: Trong thời gian hành thiền hay tại mọi lúc?

Giảng sư: Đối với tu sĩ thì không được phép bất cứ lúc nào.

Học viên: Theo truyền thống của chúng tôi, có cái được gọi là ‘cằm nghỉ’. Nó là một cây gậy để bạn có thể dựa cằm của mình lên đó.

Giảng sư: Không. Đây không phải là cái ‘cằm nghỉ’. Nó là một tấm vải dùng để quấn quanh người hoặc một băng vải.

“Vị hành theo bậc trung được phép dùng bất kỳ một trong ba loại này. Vị hành bậc hạ được phép dùng vật dựa lưng, băng vải, băng cột, gối nệm, cái ‘năm chi’, và cái  ‘bảy chi’. Cái ‘năm chi’ là (cái ghế) được tạo bởi (bốn chân và) phần dựa cho lưng. Cái ‘bảy chi’ là cái được tạo bởi (bốn chân,) phần dựa cho lưng và dựa (cho tay) ở mỗi bên.”1 Như vậy, hầu hết những cái ghế ngày nay là bảy chi – bốn chân, phần dựa cho lưng và dựa cho tay ở mỗi bên. Vị hành bậc hạ có thể sử dụng cái ghế để ngồi và ngủ trên đó (trong oai nghi ngồi). Vị đó được phép sử dụng gối nệm.

“Dường như họ đã làm cái ghế như vậy cho vị  Trưởng lão Pīṭhābhaya.”2 Một vài người đã tạo ra cái ghế như vậy, cái ghế có bảy chi dành cho vị Trưởng lão Pīṭhābhaya. Ngài thực hành hạnh đầu đà này cũng như thực hành thiền. Ngài đã trở thành vị Bất Lai và đã chứng đạt Níp-bàn (Nibbāna). Khi các bạn thực hành hạnh đầu đà này thì những vật như vậy là được phép sử dụng.

Tôi nghĩ các bạn đã có nghe về vị thầy (Sayadaw) tại Taungpulu, ngài là vị thành lập nên Tự viện Taungpulu ở Boulder Creek. Ngài đã luôn luôn thực hành hạnh đầu đà này. Ngài đã không bao giờ nằm xuống ngủ cho dầu bất kỳ lý do nào. Ngài luôn luôn ngủ trên ghế hoặc trên so-fa. Tất cả các đệ tử của ngài phải thực hành hạnh đầu đà này. Điều này không dễ chút nào.

Học viên: Luôn luôn?

Giảng sư: Đúng vậy, các bạn không thể tìm thấy cái giường nào tại Tự viện Taungpulu. Các bạn chỉ thấy ghế và những thứ tương tự như vậy. Các vị chỉ ngồi và ngủ theo cách đó, tức là nghỉ tựa vào phần lưng ghế.

Đây là mười ba hạnh đầu đà, được xem là để loại trừ các phiền não. Để loại trừ phiền não, các tu sĩ phải thực hành một, hai hoặc nhiều hơn những hạnh đầu đà này tùy khả năng và hợp thời.

15.  Phần Linh Tinh

Bây giờ, chúng ta đi đến phần giải thích về những khía cạnh linh tinh. Thứ nhất là phân tích các hạnh đầu đà theo Thắng Pháp (Abhidhamma). Điều đầu tiên là ‘Theo Tam Đề Thiện’1. Vấn đề này thì hơi khó hiểu. “Ở đây, theo Tam Đề Thiện: tất cả các hạnh đầu đà, tức muốn nói đến việc thực hành các hạnh đầu đà của các bậc Hữu học, phàm nhân và Vô học, có thể hoặc là thiện hoặc là (trong trường hợp của bậc A-la-hán (Arahant)) vô ký.”2 Trong phần mở đầu của Thắng Pháp (Abhidhamma), các sự thật chân đế được phân tích theo các đầu đề tam. Có 21 đầu đề tam như vậy. Đầu đề tam thứ nhất nói rằng: “Có những pháp là thiện (kusala), có những pháp là bất thiện (akusala) và có những pháp là không thiện (kusala) và cũng không bất thiện (akusala).” Nếu chúng ta phân loại những hạnh đầu đà này theo đầu đề tam này, thì điều được ghi nhận là chúng hoặc là thiện (kusala) hoặc là vô ký (tức là không thiện (kusala) và cũng không bất thiện (akusala)). Không thể có hạnh đầu đà bất thiện (akusala). Khi một thường nhân (puthujjana), tức là người chưa chứng đạt được bất kỳ tầng giác ngộ nào,  và cũng như những vị Hữu học (sekha), tức là những vị đã chứng đạt được những tầng giác ngộ khác nhau nhưng chưa phải là A-la-hán (Arahant), thực hành những hạnh đầu đà này, thì sự thực hành của các vị này được gọi là thuộc vào thiện (kusala). Khi các bậc A-la-hán (Arahant) thực hành những hạnh đầu đà này, sự thực hành của các ngài thuộc vào vô ký (abyākata), tức là không phải thiện (kusala) và cũng không phải bất thiện (akusala). Không thể có bất thiện (akusala) trong các hạnh đầu đà.

Nhưng có người hỏi: “Chúng ta có thể thực hành một trong những hạnh đầu đà này với một mục đích tội lỗi xấu xa hay không?” Tôi muốn nổi tiếng, được mọi người ngưỡng mộ. Tôi muốn nhận quà của họ. Tôi giả vờ thực hành những hạnh đầu đà này. Chẳng lẽ không thể có bất thiện (akusala) trong đó sao? Câu trả lời là ‘không’. Mặc dầu các bạn có thể sống trong rừng với một tâm ý bất thiện (akusala), nhưng chính sự thực hành hành đầu đà lại không thể là bất thiện (akusala).

‘Hạnh đầu đà’ có nghĩa là sự thực hành của một vị tu kham khổ. Vị tu kham khổ là người tẩy bỏ bất thiện (akusala). Người mà không tẩy bỏ bất thiện (akusala) thì không được gọi là ‘vị tu kham khổ’. Nếu vị đó không được gọi là ‘vị tu kham khổ’, thì sự thực hành của vị đó không thể được gọi là ‘sự thực hành của vị tu kham khổ’, tức là hạnh đầu đà. Cho nên, hạnh đầu đà không thể là bất thiện (akusala). Nó có thể là thiện (akusala) hoặc là vô ký (abyākata). Vô ký có nghĩa là không phải thiện (kusala) và cũng không phải bất thiện (akusala).

Hạnh đầu đà cũng được định nghĩa là trí tuệ. Trí tuệ được gọi là ‘hạnh đầu đà’. ‘Trí tuệ’ ở đây có nghĩa là paññā. ‘Paññā’ có nghĩa hoặc là thiện (kusala) hoặc là vô ký. Không thể có trí tuệ (paññā) trong bất thiện (akusala). Vì các hạnh đầu đà được xem là trí tuệ (paññā), chúng không thể là bất thiện (akusala). Do đó, các hạnh đầu đà chỉ có thể là thiện (kusala) hoặc là vô ký (abyākata).

Có một vài người cho rằng các hạnh đầu đà là ở ngoài đầu đề tam này. Chúng không thuộc vào đầu đề tam này. Các hạnh đầu đà không  thuộc  vào thiện  (kusala), bất thiện (akusala) hoặc vô ký (abyākata). Chúng ở ngoài ba pháp này.

Đã có một tự viện tại Anurādhapura ở Sri Lanka, vốn có những quan điểm khác với những quan điểm của đại tự viện. Các vị đó nói rằng những hạnh đầu đà không thuộc vào bất kỳ pháp nào trong ba pháp này – tức là không thuộc thiện (kusala), không thuộc bất thiện (akusala) và không thuộc vô ký (abyākata).

Ngài Buddhaghosa, nhà Sớ giải, nói rằng, nếu như vậy, thì nó phải là một khái niệm. Theo Phật giáo, ‘khái niệm’ thì không phải là sự thật tuyệt đối (paramattha). Nếu nó không phải là sự thật, làm sao nó có thể được thực hành. Cho nên, chúng ta không thể chấp nhận quan điểm của họ. Và hơn nữa, nếu chúng ta xem các hạnh đầu đà là khái niệm, là không có hiện hữu, thì sẽ có mâu thuẫn với những lời dạy của Đức Phật – “tiến đến hành trì những hạnh đầu đà”. Những hạnh đầu đà không nên được xem là khái niệm (paññatti). Các hạnh đầu đà nên được nhìn nhận và được thực hành như là thiện (kusala) hoặc vô ký (abyākata).

Rồi có những giải thích về các thuật ngữ: ‘kham khổ’, ‘các hạnh đầu đà’, ‘những vị giảng về những hạnh đầu đà’ và vân vân. Những điều này thì không khó hiểu. Có một vài vị chính mình thực hành nhưng lại không khuyến khích những người khác thực hành. Có một vài vị lại chỉ khuyến khích những người khác thực hành nhưng lại không chính mình thực hành.

Các ví dụ, chẳng hạn như ngài Bakkula, được trình bày ở đây trong đoạn văn 82. “Vị đã tẩy trừ các phiền não bằng hạnh đầu đà nhưng không hướng dẫn và chỉ  dạy người khác hành hạnh đầu đà, như ngài Bakkula, là ‘kham khổ’ nhưng không phải là ‘vị giảng về những hạnh đầu đà’.” Chính vị đó tự thực hành, nhưng vị  đó không khích lệ những người khác thực hành.

Rồi một vị nữa là Upananda. Ngài khuyến khích những vị khác thực hành, nhưng chính ngài lại không thực hành. Rồi có một vị khác nữa đã không thực hành cũng không khuyến khích các vị khác thực hành.

Và cuối cùng là ‘dhammasenāpati’. Đó là ai? Đó là Tướng Quân Chánh Pháp. Các bạn có biết đó là ai không? Đó là ngài Sāriputta. Ngài Sāriputta luôn được gọi là ‘dhammasenāpati’ trong Pāḷi, tức là Tướng Quân Chánh Pháp. Ngài Ānanda được gọi là ‘Vị Thủ Kho Chánh Pháp’. Ngài là ‘Vị Giữ Gìn Chánh Pháp’.

“Các trạng thái kham khổ: năm trạng thái mà đi cùng với chủ ý của sự thực hành một hạnh đầu đà, tức là sự thiểu dục (ít ham muốn), tri túc (biết đủ), viễn ly, ẩn cư, và cái đặc tính đặc biệt hay cụ thể đó2, được gọi là ‘các trạng thái kham khổ’ do bởi các từ ‘Phụ thuộc hay nương tựa vào sự thiểu dục và vân vân’.” Tôi không đồng ý với sự chuyển ngữ thành ‘cái đặc tính đặc biệt hay cụ thể đó’. Thuật ngữ Pāḷi ở đây (idamatthitā) là một từ hơi lạ. Nó có nghĩa là sự khao khát (muốn thực hành) những hạnh đầu đà này, sự khao khát (muốn có) những pháp thiện này. Nó là sự khao khát thực hành hay sự khao khát có những thiện pháp này. Thật ra, nó là trí tuệ. Nó sẽ được giải thích sau trong đoạn văn 84.

Sự khao khát thực hành hay sự khao khát về những pháp thiện là trí tuệ. “Ở đây, do nhờ vô tham, một người từ bỏ sự ham muốn đối với những thứ ngăn cấm. Do nhờ vô si (trí tuệ), vị đó từ bỏ sự mê mờ hay ảo tưởng vốn che đậy những nguy hiểm có chứa đựng trong những thứ bị cấm như trên. Và do nhờ vô tham, vị đó từ bỏ đam mê khoái lạc dục trần vốn xảy ra khi sử dụng những gì được phép sử dụng.”

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại mười ba hạnh đầu đà và xem ai có thể thực hành hạnh gì. Chúng ta hãy xem hạnh nào thích hợp cho người nào. Chúng thích hợp cho người có cơ tánh tham và cho người có cơ tánh si. Có sáu cơ tánh. Chúng ta sẽ học về chúng trong chương tiếp theo.

“Vì việc tu tập những hạnh đầu đà này vừa là một tiến trình khó khăn (Thật ra nó có nghĩa là một sự thực hành khó khăn. Hành trì những hạnh đầu đà không phải là một việc dễ dàng) và vừa là một sự nương trú trong sự viễn ly; và bởi vì nó là một sự thực hành khó khăn, sự ham muốn sẽ được giảm thiểu, trong khi đó, do bởi tính viễn ly của nó, ảo tưởng sẽ được trừ bỏ trong những ai cần mẫn. Hoặc sự tu hành hạnh ở rừng và hạnh ở gốc cây ở đây là (cũng) thích hợp cho người có cơ tánh sân; vì sân cũng giảm thiểu trong vị hành giả sống tại đó do không có xung đột.”1 Vị đó sống một mình, nên không có tranh cãi với ai khác. Vị đó có thể tranh cãi với chính mình.

“Tính theo nhóm và cũng như riêng lẻ. Bây giờ tính theo nhóm: những hạnh đầu đà này thật ra chỉ có tám mà thôi, tức là có ba hạnh chính và năm hạnh đơn lẻ. Ở đây, ba hạnh chính là hạnh khất thực từng nhà, hạnh nhất tọa thực và hạnh ở ngoài trời. Vì vị thực hành hạnh khất thực từng nhà sẽ thực hành luôn hạnh khất thực và hạnh ăn bằng bát; và hạnh không nhận tàn thực sẽ được thực hành một cách tốt đẹp bởi vị thực hành hạnh nhất tọa thực.” Khi một hạnh được thực hành, thì những hạnh khác cơ bản cũng được thực hành.

“Và vị thực hành hạnh ở ngoài trời thì chẳng cần gì cả để thực hành hạnh ở gốc cây hoặc hạnh ở chỗ nào cũng được (ND: Tức là vị thực hành hạnh ở ngoài trời có thể dễ dàng hành luôn hạnh ở gốc cây và hạnh ở chỗ nào cũng được). Cho nên, có ba hạnh chính cùng với năm hạnh đơn lẻ, tức là hạnh ở rừng, hạnh y phấn tảo, hạnh tam y, hạnh ngồi và hạnh ở nghĩa trang, tạo nên chỉ có tám.”1 Như vậy, mười ba hạnh đầu đà có thể được tính thành tám thôi khi chúng ta chỉ tính những hạnh chính.

Rồi có hai hạnh liên quan đến y, năm hạnh liên quan đến vật thực, năm hạnh liên quan đến trú xứ và vân vân. Điều thú vị và quan trọng là vị nào có thể hành những hạnh đầu đà nào.

Trong đoạn văn 90 có nói: “Đơn lẻ: với mười ba hạnh đối với các tỳ-kheo (Các tỳ-kheo có thể thực hành tất cả mười ba hạnh đầu đà), tám hạnh đối với các tỳ-kheo ni  (Các tỳ-kheo ni có thể thực hành tám hạnh đầu đà), mười hai hạnh đối với các sa-di (Các sa-di (sāmaṇera) có thể thực hành mười hai hạnh đầu đà), bảy hạnh đối với các tịnh nữ và các sa-di ni.”2 Đối với nữ, trước khi trở thành tỳ-kheo ni, có hai hạng người – tịnh nữ và sa-di ni. Nếu một thiếu nữ hay phụ nữ muốn trở thành tỳ-kheo ni, vị đó phải trải qua một thời gian thử thách, khoảng hai năm chỉ trì giữ sáu  giới. Rồi vị đó trở thành sa-di ni (sāmaṇerī). Sau đó, vị đó trở thành tỳ-kheo ni (bhikkhunī). Đối với những vị đó, bảy hạnh đầu đà được cho phép. “Và hai hạnh (được cho phép) đối với thiện nam và tín nữ.”3 Các cư sĩ cũng có thể thực hành một vài hạnh đầu đà và có hai hạnh họ có thể thực hành được. Tất cả là có 42 sự thực hành.

“Nếu có một nghĩa trang ở giữa trời mà thỏa mãn mọi yếu tố của hạnh ở rừng, thì một tu sĩ có thể thực hành một lúc tất cả các hạnh đầu đà.”1 Như vậy, một tỳ-kheo có thể thực hành tất cả mười ba hạnh đầu đà nếu có một nghĩa trang ở giữa trời và nó cách xa ngôi làng khoảng 1.000 thước Anh. Vị tỳ-kheo sống ở đó có thể thực hành tất cả mười ba hạnh đầu đà cùng một lúc.

“Nhưng có hai hạnh đầu đà, tức là hạnh ở rừng và hạnh không nhận tàn thực, thì các tỳ-kheo ni không được phép thực hành do bởi giới luật.” Các tỳ-kheo ni phải trì hạnh những giới luật, nên họ không thể thực hành hai hạnh đầu đà này. Các tỳ-kheo ni không được phép sống tự lập. Họ phải sống không quá gần, nhưng phải gần với các tỳ- kheo. Cho nên, họ không thể thực hành hạnh ở rừng. “Rất khó cho họ thực hành ba hạnh đầu đà, tức là hạnh ở ngoài trời, hạnh ở gốc cây và hạnh ở nghĩa trang, vì vị tỳ-kheo ni không được phép sống mà không có bạn hữu.”3 Vị tỳ-kheo ni không được phép sống một mình. Vị đó phải có bạn hữu. “Và rất khó tìm được một bạn hữu là nữ nhi với cùng ước muốn sống tại một nơi như vậy, và thậm chí nếu có tìm được, vị đó cũng không tránh được việc sống cùng với người khác.”4 Mục đích của việc thực hành những hạnh đầu đà này là tận hưởng sự ẩn cư. Nếu các bạn phải sống với một người khác, thì các bạn mất đi sự ẩn cư đó. “Mục đích của việc thực hành hạnh đầu đà sẽ hầu như không được thành tựu. Lý do là vì số lượng các hạnh đầu đà bị giảm đi năm hạnh bởi tính không khả thi và cho nên được hiểu là chỉ còn lại tám dành cho các tỳ-kheo ni.”1 Như vậy, các tỳ- kheo ni có thể thực hành tám hạnh đầu đà (trong số mười  ba hạnh).

“Ngoài trừ hạnh tam y, tất cả mười hai hạnh còn lại như được trình bày nên được hiểu là (có thể được thực hành) đối với các sa-di.”2 Như vậy, các sa-di có thể thực hành mười hai hạnh đầu đà. Các sa-di không thể sử dụng y tăng-già-lê, tức là y hai lớp. Loại y này chỉ được dùng hay chỉ được phép dùng bởi các tỳ-kheo mà thôi. Các sa-di (sāmaṇera) không sử dụng y thứ ba này. Cho nên, họ có thể thực hành tất cả, chỉ loại trừ hạnh tam y.

“Tất cả bảy hạnh còn lại (thì được thực hành) đối với các tịnh nữ và các sa-di ni.”3 Như vậy, các tịnh nữ hoặc các sa-di ni có thể thực hành bảy trong số tám hạnh đầu đà  dành cho các tỳ-kheo ni.

“Hai hạnh đầu đà, tức là hạnh nhất tọa thực và hạnh ăn bằng bát, là thích hợp cho các cư sĩ nam nữ thực hành.”4 Các cư sĩ có thể thực hành hạnh nhất tọa thực (tức là ăn chỉ trong một lần ngồi) hoặc hạnh ăn bằng bát (tức là ăn chỉ trong một bát). Hai hạnh này các cư sĩ có thể thực hành. “Theo cách này, có hai loại thực hành hạnh đầu đà. Đây là sự chú thích ‘tính theo nhóm và cũng như riêng lẻ’.”

Ngày nay, mười ba hạnh đầu đà này không được thực hành nhiều. Những vị sống trong làng hoặc thị trấn không thể thực hành hầu hết những hạnh này. Những vị sống  trong các tự viện trong rừng có thể thực hành nhiều hạnh. Vẫn có những vị tỳ-kheo thực hành những hạnh như hạnh ở nghĩa trang, hạnh ở cội cây, hạnh ăn bằng bát, hạnh ngồi,  và hạnh tam y.

Những hạnh đầu đà này có mục đích tránh xa những phiền não. Chúng ta không thể tẩy trừ phiền não một cách hoàn toàn do việc thực hành những hạnh đầu đà này. Chúng ta có thể làm giảm thiểu chúng. Chúng ta có thể gột bỏ chúng từ từ, từng chút một bằng cách thực hành những hạnh đầu đà này.

Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), vị tỳ-kheo trước hết phải thanh lọc giới hạnh của mình. Vị tỳ-kheo phải có giới hạnh (sīla) thanh tịnh. Rồi vị đó phải thực hành một vài hạnh đầu đà. Tiếp theo là vị đó sẽ thực hành thiền. Như vậy, hai chương này bàn về những sự thực hành cơ bản hay nền tảng trước khi hành giả thực hành thiền chỉ tịnh (samatha) và thiền minh sát (vipassanā).

Tốt. Tuần đến, chúng ta sẽ học sang phần định. Có nhiều hướng dẫn rất chi tiết về việc tiến hành thực hành thiền.

Học viên: Những hạnh đầu đà này và giới hạnh, vân vân, có phải là những yêu cầu hay những điều kiện tiên quyết trước khi một người có thể tiến đến hành thiền, tức là bước kế tiếp? Chúng có phải là những nền tảng? Chúng quan trọng như thế nào? Đặc biệt đối với những người bình thường, chúng có thích đáng không?

Giảng sư: Giới thanh tịnh là tuyệt đối cần thiết vì nếu giới luật không được thanh tịnh, các bạn không thể đạt được sự tập trung, tức là định, khi các bạn hành thiền. Nhưng các hạnh đầu đà thì chỉ là những sự thực hành phụ trợ. Cho nên, thậm chí nếu các bạn là một tu sĩ và các bạn không thực hành các hạnh đầu đà, các bạn vẫn có thể thực hành thiền với điều kiện là các bạn có giới hạnh trong sạch. Giới thanh tịnh là điều tất yếu cho việc hành thiền. Lý do là vì nếu không có giới thanh tịnh, chúng ta bị dày vò bởi sự ân hận hay cảm giác tội lỗi.

Giả sử giới hạnh (sīla) của tôi không trong sạch. Khi giới hạnh (sīla) của tôi không trong sạch, tôi có cảm giác  tội lỗi. Mọi người có thể nghĩ rằng tôi là một tu sĩ tốt, nhưng thật ra tôi là xấu. Khi tôi cố gắng thực hành thiền, suy nghĩ này cứ sanh lên trong tôi và hành hạ tôi.

Khi cảm giác tội lỗi này có mặt, hạnh phúc hay hỷ lạc không thể có mặt. Không thể có an tịnh, định và vân vân. Trong một bài kinh (sutta) có trình bày các giai đoạn ghi nhận hay các tầng mức cảm nhận tiếp nối. Trước hết là giới thanh tịnh. Giới thanh tịnh giúp chúng ta thoát khỏi sự ân hận. Việc không có sự ân hận dẫn đến hỷ. Hỷ đưa đến lạc. Lạc đưa đến an tịnh. An tịnh đưa đến một loại an lạc hay hạnh phúc khác. Và rồi sự an lạc thân và tâm đưa đến định (samādhi). Để có được định, các bạn cần một dạng thoải mái hay hạnh phúc, hạnh phúc theo nghĩa bình an. Cho nên, giới thanh tịnh là rất quan trọng.

Các hạnh đầu đà là những sự thực hành phụ trội.  Đối với cư sĩ, có được giới thanh tịnh thì không khó. Mặc dầu các hành vi đạo đức của họ có thể là không trong sạch trong quá khứ, nhưng nếu trước khi hành thiền, họ xác định tư tưởng rằng họ sẽ không vi phạm các giới điều trong tương lai, rằng họ sẽ giữ giới hạnh trong sạch và trì giữ các giới điều, thì đó là tất cả những gì họ cần làm.

Nhưng đối với các tu sĩ thì không dễ dàng vì có một vài vi phạm không thể xóa bỏ đơn giản chỉ bằng cách thú tội. Một vài điều luật khi vi phạm đòi hỏi chỉ cần thú tội là xong. Một vài điều luật khi vi phạm đòi hỏi thú tội và xả bỏ những vật dụng có liên quan trong các điều vi phạm đó. Rồi có một vài điều luật khi vi phạm đòi hỏi người vi phạm phải sống trong thử thách (ND: giống như tù treo) một thời gian dài bằng thời gian che dấu sự phạm tội.

Giả sử tôi đụng chạm một nữ nhân với những tư tưởng dục lạc. Đó là một sự phạm tội. Nếu trong mười ngày, tôi không thú nhận sự vi phạm này với một vị tu sĩ khác, tôi sẽ phải bị sống dưới thử thách trong mười ngày. Nếu tôi che dấu sự vi phạm đó trong một tháng, tôi sẽ phải sống dưới thử thách trong một tháng và vân vân. Thêm nữa, tôi phải cần Chư Tăng tụ họp lại và thực hành Tăng sự để tôi có thể được gia nhập lại vào Tăng đoàn. Những vi phạm như vậy thì không dễ xóa bỏ. Cho nên, vị tỳ-kheo thì khó có được giới thanh tịnh hơn so với vị cư sĩ.

Học viên: Có phải vì các giới điều dành cho cư sĩ thì ít hơn?

Giảng sư: Đúng, giới dành cho cư sĩ thì ít hơn. Tiêu chuẩn tối thiểu dành cho cư sĩ là ngũ giới – không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Đây là năm giới. Một số người có thể phạm một hoặc hai giới. Nhưng nếu trước khi hành thiền, họ thực tâm quyết định tránh vi phạm những giới điều này trong tương lai và sẽ giữ giới hạnh trong sạch trong suốt thời gian hành thiền, thì như vậy là đủ cho họ. Họ được xem là trong sạch về phần giới hạnh. Vị tu sĩ thì phải thực hiện những việc khác nữa ngoài việc xác định tư tưởng và thú tội. Cho nên, vị tu sĩ thì khó đạt được giới thanh tịnh hơn là cư sĩ.

Học viên: Điều đó không được hợp lý lắm. Nếu cư sĩ chỉ cần xác định tư tưởng (sẽ không vi phạm giới luật) và rồi có thể có được sự an lạc tâm trí trong khi hành thiền, thì tại sao tu sĩ lại không thể làm tương tự như vậy?

Giảng sư: Tu sĩ vi phạm giới điều do Đức Phật chế định. Ngũ giới thì không phải do Đức Phật chế đặt. Chúng là những giới điều phổ thông. Nhưng các giới luật mà các tỳ-kheo phải hành trì là do Đức Phật chế đặt. Khi tôi vi phạm một giới điều, tôi đã có sự bất tôn kính đối với Đức Phật, người mà đã ban hành điều luật đó. Như vậy, trong trường hợp này có đến hai lỗi – vi phạm giới điều đó là  một lỗi và bất tôn kính đối với Đức Phật là một lỗi khác.  Có đến hai vấn đề. Cho nên, các tu sĩ phải xả bỏ những vi phạm đó thông qua một thủ tục nhất định. Vị tu sĩ có thể   xả bỏ một vài vi phạm bằng cách chỉ thú tội với một vị tu  sĩ khác. Những vi phạm khác thì đòi hỏi phải sống dưới  thử thách (ND: giống như tù treo) trong vài ngày hoặc vài tháng. Cho nên, các tu sĩ thì khó có được giới thanh tịnh hơn là các cư sĩ.

Học viên: ‘Sống dưới thử thách’ nghĩa là gì?

Giảng sư: Điều đó có nghĩa là, trước hết, các bạn phải thỉnh cầu Tăng chúng hội họp lại. Rồi Tăng chúng phải chính thức xác nhận hay ghi nhận rằng các bạn đang sống dưới thử thách. Khi các bạn đang sống dưới thử thách, các bạn không được phép tận hưởng việc được tôn kính của những tỳ-kheo thấp hạ. Tại trai đường, các bạn phải ngồi phía cuối hàng mặc dầu các bạn có thể là vị cao hạ nhất tại đó. Điều này giống như là một hình phạt. Sau thời gian sống dưới thử thách, các bạn phải cần 20 vị tỳ-kheo tụ họp lại và thực hành Tăng sự để tiếp nhận các bạn lại vào Tăng đoàn. Trong thời gian các bạn sống dưới thử thách, các bạn không được tận hưởng những đặc ân của một tỳ-kheo. Các bạn không được phép nhận sự tôn kính từ những tỳ-kheo thấp hạ hơn. Các bạn không được phép ngủ cùng phòng với một vị tỳ-kheo khác. Cho nên, trước khi hành thiền, vị tỳ- kheo khó đạt được giới thanh tịnh hơn là vị cư sĩ.

Học viên: Tôi có một câu hỏi khác về ‘ý tưởng khái niệm’. Có phải sự tranh luận hay nghi hoặc đó sanh lên là do có một vài dạng thực hành, tương tự như các hạnh đầu đà, được thực hiện chỉ với mục đích chứng đạt một dạng năng lực nào đó, các loại thần thông, các năng lực kỳ diệu, và vân vân, nhưng người thực hành những hạnh đó lại có thể là không có giới hạnh, có thể là muốn chứng đạt năng lực mang tính thế tục? Có thể dạng thực hành đó bị nhầm lẫn với các hạnh đầu đà được nhắc đến ở đây không? Theo định nghĩa, nếu nó không được thực hành với một tâm thiện, thì nó không phải là hạnh đầu đà.

Giảng sư: Tôi nghĩ sự khác biệt về quan điểm là, các hạnh đầu đà có được bao gồm trong các thể loại thiện, bất thiện hay vô ký không. Những người xem các hạnh đầu đà là ở ngoài ba thể loại này thì cho đó chỉ là một khái niệm. Cho nên, chẳng có sự thật (tuyệt đối) nào ghi nhận những hạnh đầu đà này. Theo quan điểm của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và cũng như quan điểm chung của các vị Trưởng lão, hạnh đầu đà là sự thật (tuyệt đối). Khi các bạn thực hành những hạnh đầu đà này, các bạn có chủ ý trong tâm của mình, tức là sự hiểu biết (trí tuệ) về chúng. Chúng là các phần tử của sự thật (tuyệt đối) (paramattha). Những vị tu sĩ khác ghi nhận những hạnh đầu đà này chỉ là những khái niệm. Luận cứ từ phía ngài Buddhaghosa là, nếu  chúng là khái niệm, thì khái niệm không có sự hiện hữu của chính nó. Nó chỉ tồn tại trong tâm trí, trong sự tưởng tượng. Cho nên, chúng (ND: tức là những khái niệm) không thể là những sự thật (tuyệt đối). Nhưng các hạnh đầu đà lại thuộc vào sự thật (tuyệt đối), thuộc vào bốn sự thật tuyệt đối – tâm, tâm sở, sắc pháp và Níp-bàn (Nibbāna). Do đó, các hạnh đầu đà không phải là các khái niệm. Chúng là những sự thật (tuyệt đối). Như vậy, chúng thuộc vào thiện hoặc vô ký (abyākata). Chúng không thể là bất thiện, và chúng cũng không thể ở bên ngoài thiện, bất thiện và vô ký.

Học viên: Theo lịch sử, có tồn tại những hạnh tu mà người ta thực hành những việc rất giống với những hạnh đầu đà để chứng đắc những trạng thái siêu phàm không?

Giảng sư: Đúng. Nhưng chúng không thể được gọi là ‘các hạnh đầu đà’ vì chúng nâng cao hay quảng bá những phiền não. Chúng đề cao sự ham muốn hay một dạng dính mắc nào đó và vân vân.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! [Kết thúc Chương Hai]

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app