4.  Cách Tu Tập

Và rồi nó nên được phát triển như thế nào? Đây là phần quan trọng của chương này. Để thực hành định, tác giả đã miêu tả chi tiết việc các bạn phải chuẩn bị như thế nào trước khi các bạn tiến hành việc thực hành thiền thật sự. Việc chuẩn bị phải nên được thực hiện với sự cẩn thận  tỉ mỉ.

Trong đoạn văn 28: “Định hiệp thế nên được phát triển hay được tu hành bởi người mà đã có giới hạnh được thanh lọc hay được làm cho trong sạch theo cách như đã được miêu tả.” Điều đầu tiên hành giả phải làm để chuẩn bị cho việc thực hành thiền là phải thanh lọc giới hạnh của mình, thanh lọc đạo đức của mình.

“Vị đó nên cắt đứt bất kỳ chướng ngại nào trong số mười chướng ngại.”2 Điều tiếp theo là cắt đứt các chướng ngại, từ bỏ các chướng ngại. Chúng được cho là có mười và chúng sẽ được miêu tả chi tiết.

Sau khi cắt đứt chướng ngại, vị đó nên làm gì? “Vị đó nên tiếp cận một Người Bạn Tốt.”3 Điều đó có nghĩa là vị đó phải tìm kiếm thầy, người mà có thể ban cho vị đó đề mục hành thiền, người mà có thể chỉ dạy cho vị đó đề mục hành thiền. Như vậy, vị đó phải tìm kiếm một người bạn tốt hay một vị thầy.

“Vị đó nên bắt giữ hay hiểu biết [một đề mục] từ trong 40 đề mục.”4 ‘Bắt giữ hay hiểu biết’ có nghĩa là vị đó nên chọn một đề mục. Vị đó nên chọn một đề mục từ trong 40 đề mục, mà thích hợp với cơ tánh của mình.

Mọi người có những cơ tánh khác nhau. Có những đề mục thiền đặc biệt thích hợp với một loại cơ tánh nhất định nào đó. Chúng sẽ được trình bày sau này. Cho nên, tốt là nên chọn một đề mục thích hợp nhất với cơ tánh của chính mình. Hành giả nên chọn lấy hay tìm hiểu, học hỏi đề mục mà thích hợp với cơ tánh của mình.

“Sau đó, vị đó nên tránh ngôi tự viện mà không thuận duyên cho việc phát triển thiền định.”1 Điều đó có nghĩa là vị đó phải tìm một trú xứ thích hợp cho việc hành thiền. Đối với một tu sĩ thì vị đó nên tránh những tự viện không thuận lợi và nên sống trong một tự viện thuận lợi (cho việc tu tập định).

“Vị đó nên cắt đứt những chướng ngại nhỏ hay thứ yếu.” Có những chướng ngại nhỏ hay thứ yếu như là có móng tay, móng chân dài, có y phục cần được may vá. Chúng được gọi là ‘những chướng ngại nhỏ hay thứ yếu’. Vị đó phải cắt bỏ những chướng ngại nhỏ và thứ yếu này.

Rồi tác giả tiến đến việc miêu tả việc hành thiền. Những điều này phải được thực hiện trước khi hành giả tiến vào việc thực hành thiền thật sự. Sự thanh lọc giới hạnh (sīla) đã được miêu tả trong chương thứ nhất và chương thứ hai.

4.1.  Các Chướng Ngại

Việc tiếp theo là từ bỏ những chướng ngại. Có mười chướng ngại được nhắc đến ở đây: “trú xứ, gia đình, lợi lộc, lớp họp và cũng như việc xây cất là thứ năm.”1 Từ Pāḷi là kamma. Nó giống với từ kamma chúng ta quen thuộc với, nhưng ‘kamma’ ở đây có nghĩa là công việc. Cho nên, ‘xây cất’ ở đây có nghĩa là công việc – xây cất tự viện, sửa chữa tự viện. Rồi những chướng ngại khác là du lịch, quyến thuộc, bệnh hoạn, học hành hoặc sách vở, và rồi là thần thông. Mười điều này được gọi là ‘các chướng ngại’. Một hành giả muốn thực hành thiền, sau khi thanh lọc giới hạnh, phải cắt bỏ những chướng ngại này để ông ta có thể thực hành thiền mà không có cản trở, không có chướng ngại. Điều đầu tiên là trú xứ. Tôi nghĩ những điều này không khó để hiểu.

Tôi sẽ nói một vài điều về đoạn văn 30 vào gần khúc cuối: “người có nhiều đồ đạc chất chứa ở đó, hoặc người có tâm trí bị vướng bận với một công việc gì đó.”2 Sự chuyển ngữ này có một chút không chính xác ở đây. Nó thật sự có nghĩa là ‘người có sự dính mắc, người có tâm trí bị vướng bận do một nguyên nhân nào đó’, chứ không phải ‘với một công việc gì đó’, bị vướng bận do bởi nguyên nhân là sự dính mắc vào trú xứ, vào tự viện. Còn đối với những việc khác thì nó không phải là một chướng ngại.

“Hai thành viên của một bộ tộc (hai người bạn) dường như đã rời khỏi Anurādhapura, và cuối cùng xuất gia tại Thūpārāma.”3 Thūpārāma là một ngôi chùa ngay bên ngoài thành phố Anurādhapura. Anurādhapura thì ở tại Sri Lanka.

“Một trong số họ đã học và quen thuộc với Hai Bộ Luật”1. Chúng ta đã gặp từ ‘Hai Bộ Luật’ này rồi. Các bạn có nhớ không? ‘Hai Bộ Luật’ có nghĩa là hai bộ luật, một dành cho tỳ-khưu và một dành cho tỳ-khưu ni. Chúng được gọi là ‘Hai Bộ Luật’. Các tỳ-khưu phải nghiên cứu luôn cả hai: luật dành cho tỳ-khưu và luật dành cho tỳ-khưu ni, vì họ cũng phải trì giữ một vài điều luật được đặt ra cho tỳ- khưu ni. ‘Hai Bộ Luật’ có nghĩa là hai Giới Bổn Pāṭimokkha.

Chú thích ở đây không có lợi ích cho lắm. Sớ Giải mà ngài (ND: tức là ngài Ñāṇamoli) trích dẫn ở đây thì không phải cho phần này, mà là cho phần khác. Ở đây, ‘Hai Bộ Luật’ chỉ có nghĩa là hai phần giới luật trong Tạng Luật (Vinaya). Ở một chỗ khác, cụm từ ‘những người trì giữ Những Điều Luật’ được Phụ Sớ Giải giải thích là những vị học và nghiên cứu cả những điều luật của Tạng Luật (Vinaya) và Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma). Ở phần đầu của Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka), có một phần được gọi là ‘Mātikā’. ‘Mātikā’ có nghĩa là mục lục hay một cái gì đó như là bảng liệt kê những chi pháp mà sẽ được giải thích chi tiết về sau. Từ ‘Mātikā’ có hai ý nghĩa. Một nghĩa là các điều luật dành cho các tỳ-khưu và các tỳ-khưu ni và một nghĩa khác là phần đầu của bộ sách Thắng Pháp (Abhidhamma) đầu tiên. Ở đây, sau khi xuất gia, sau khi trở thành các tỳ-khưu, những vị này đã học hai bộ luật này, tức là những điều luật dành cho các tỳ-khưu và những điều luật dành cho các tỳ-khưu ni. “Khi vị đó đạt được năm hạ, vị đó tham dự vào lễ Tự Tứ (Pavāraṇā) và rồi từ giã đi đến nơi được gọi là Pācīnakhaṇḍarājī”1 và vân vân. Ở đây, ‘Hai Bộ Luật’ có nghĩa là hai phần giới luật. Chú thích ở đây thì không thích hợp, tức là không đúng chỗ.

Về phần chú thích cho lễ Tự Tứ: “Lễ Tự Tứ (Pavāraṇā): Là buổi lễ được tổ chức sau mùa an cư (mùa mưa), trong suốt ba tháng của mùa này, các tỳ-kheo phải an cư tại một chỗ để tránh việc đi lại khi mà các vụ mùa đang phát triển. Buổi lễ này là một buổi gặp mặt bao gồm các tỳ- kheo sống chung với nhau trong mùa an cư; tại buổi lễ này, mỗi vị có mặt thỉnh mời Tăng chúng (hoặc các vị thỉnh mời lẫn nhau) chỉ ra những lỗi lầm, những vi phạm giới luật (Vinaya).” Dịch như vậy cho đến điểm này là đúng, là tốt đẹp. Rồi, lời giải thích tiếp theo là “đã được thực hiện trong suốt thời gian ba tháng vừa qua.” Điều này thì lại không đúng. Điều này không nằm trong các bộ sách của Luật (Vinaya). Đôi lúc, các tác giả cứ nói hay trình bày những gì họ nghĩ là như vậy, nhưng thật ra nó không phải là như vậy.

Tại cuối mùa an cư, chúng tôi có buổi lễ thỉnh mời Chư Tăng hoặc thỉnh mời lẫn nhau như thế này. Lời thỉnh mời này không phải chỉ dành cho những lỗi lầm bị vi phạm trong ba tháng vừa qua. Mà là cho bất kỳ lúc nào. Chúng  tôi thỉnh mời như sau: “Tôi xin thỉnh các tỳ-kheo, tôi xin thỉnh các vị đáng được tôn kính, nếu các vị thấy tôi vi phạm một điều luật, hoặc nếu các vị nghe tôi vi phạm một điều luật, hoặc nghi ngờ tôi vi phạm một điều luật, xin hãy nói cho tôi biết. Nếu tôi nhận thấy rằng đó là một sự vi phạm, tôi sẽ sửa chữa.” Điều đó muốn nói đến bất cứ lúc nào. Sau khi vị tỳ-kheo thỉnh nguyện theo cách này, vị đó có thể được những vị khác cho biết những lỗi vi phạm của vị đó từ bất cứ lúc nào. Nó không phải là lời thỉnh nguyện để biết về những lỗi lầm bị vi phạm trong suốt ba tháng vừa qua mà là về bất kỳ lúc nào. Mặc dầu buổi lễ được thực hiện vào cuối mùa an cư, tức là sau ba tháng của mùa an cư, nhưng nó không phải chỉ dành cho ba tháng.

Chúng tôi vừa mới thực hiện buổi lễ đó tại tự viện.  Nó được thực hiện vào ngày trăng tròn của tháng Mười (ND: theo Dương lịch). Tại các quốc gia của chúng tôi, chúng tôi có bốn tháng mùa mưa, chứ không phải ba. Tuy nhiên, các tu sĩ chỉ an cư mùa mưa trong khuôn viên của tự viện trong ba tháng mà thôi, chứ không phải bốn tháng. Sau ba tháng, có một buổi lễ thỉnh mời lẫn nhau. Các tu sĩ tự do và tự nguyện chỉ ra các lỗi lầm vi phạm của nhau. “Đã  được thực hiện trong suốt ba tháng vừa qua” là không đúng và nó không có trong Tạng Luật (Vinaya).

Học viên: Buổi lễ đó có được các tu sĩ hoan hỷ tiếp nhận không?

Giảng sư: Nó giống như là một hoạt động thường lệ. Cho dầu bạn có thật muốn hay không, các bạn phải thực hành nó. Các bạn được thỉnh mời đến dự để những vị tu sĩ khác có thể nói cho các bạn biết về những lỗi lầm của các bạn (đã vi phạm) vào bất kỳ lúc nào trước đó.

Học viên: Điều này có khó khăn không? Các ngài phải thực hiện nó, nhưng các ngài có sợ phải làm nó không?

Giảng sư: Ồ không. Nó không có đáng sợ gì đâu.

Học viên: Mọi người có nói những điều xấu xa về nhau không?

Giảng sư: Không. Một ai đó sẽ nói như sau: “Bạch ngài, ngài đã vi phạm điều luật này. Ngài nên sửa chữa lại. Ngài nên làm một cái gì đó để giải bỏ điều vi phạm này.” Cái gì đó giống như vậy. Bằng cách này, các tu sĩ giúp đỡ lẫn nhau để có giới hạnh tốt đẹp, để loại bỏ những vi phạm nếu có.

Đôi lúc một người có thể là không để ý hoặc không chú tâm đến những gì mình đang làm. Giả sử tôi đang thọ thực và tôi ăn cho đến 12:10 pm hoặc 12:15 pm. Có lẽ là tôi không để ý về điều đó. Rồi một vị tu sĩ khác có thể nói với tôi rằng: “Khi ngài thọ thực hôm nay, nó đã quá trưa rồi.” Giống như vậy đó. Tôi đã vi phạm điều luật trong trường hợp đó. Cho nên, tôi phải thú tội về điều đó.

Chướng ngại đầu tiên là trú xứ. Vị tỳ kheo đó có nhiều vật dụng mang theo bên mình khi vị đó viếng thăm Anurādhapura. Đây là những câu chuyện mang tính cảm hứng.

Trong đoạn văn 43: “Lợi lộc là bốn món vật dụng.”1 ‘Lợi lộc’ là những gì các tu sĩ có được từ sự cúng dường của các cư sĩ. Những món vật dụng hay nhu yếu phẩm này được gọi là ‘lợi lộc’.

Xuống một chút trong đoạn văn 43: “Lại nữa, thậm chí mới vào lúc rạng sáng, những vị đi bát vui thích với sự giàu sang quý phái đã đến và nói: ‘Bạch ngài, thiện nam này, tín nữ kia, đạo hữu này, con gái của đạo hữu kia’”2 – Từ đó không phải là ‘đạo hữu’. Nó phải là ‘bộ trưởng’. Tôi không biết tại sao ngài (ND: tức là ngài Ñāṇamoli) lại cho nó có nghĩa là đạo hữu hay người bạn. Từ Pāḷi là amacca. ‘Amacca’ có nghĩa là bộ trưởng (minister), người làm chính trị, chứ không phải mục sư tôn giáo. Thay vì ‘đạo hữu’, chúng ta phải nói là ‘bộ trưởng’. Và thay vì ‘con gái của đạo hữu’, chúng ta phải nói là ‘con gái của bộ trưởng’.

Học viên: Có lẽ từ ‘official’ (viên chức) sẽ tốt hơn, vì ‘minister’ ở đây thường được hiểu là mục sư.

Giảng sư: Ồ vậy à!

Bây giờ liên quan đến việc xây cất đối với từ ‘kamma’. ‘Kamma’ thật sự có nghĩa là công việc gì đó phải làm, chứ không phải là chính việc xây cất hoặc tòa nhà xây cất. Nó được gọi là ‘nava kamma’ ở đây. Do đó, nó là công việc mới phải thực hiện tại tự viện. Nó có nghĩa là sửa chữa một cái gì đó tại tự viện. Khi vị tu sĩ tham dự vào công việc, vị đó không thể thực hành thiền được vì vị đó phải bận tâm về những việc này.

“Du lịch có nghĩa là đi đâu xa. Nếu ai đó được mong đợi sẽ (tiến hành lễ) xuất gia một nơi nào khác”1 – thật ra nó có nghĩa là ‘nếu có ai đó muốn xuất gia’. Không phải là ‘được mong đợi sẽ (tiến hành lễ) xuất gia’. Cho nên, “nếu ai đó muốn xuất gia ở một nơi nào khác, hoặc nếu một món vật dụng hay nhu yếu phẩm nào đó có thể có được hoặc có thể đạt được tại nơi đó, và vị đó không thể yên lòng hay không thể thỏa mãn nếu không có nó, thì đó sẽ là một chướng ngại.”

‘Các nhiệm vụ của người tu kham khổ’ có nghĩa là sự thực hành các nhiệm vụ của tu sĩ. ‘Các nhiệm vụ’ ở đây có nghĩa là sự thực hành thiền. “Cho nên, vị nào ở trong trường hợp này, nên thực hiện các nhiệm vụ của người tu khổ hạnh chỉ sau khi đã hoàn thành chuyến đi xa và đã giải quyết công việc xong.” Từ ‘chỉ’ bị thiếu ở đây.

Trong đoạn văn 49: “Mẹ và cha thì nên được đối xử hay được phục vụ như là thầy tế độ.”2 Các tu sĩ được phép chia sẻ thuốc men cho cha mẹ của mình. “Nếu như họ sống trong cùng kinh thành và mong đợi sự giúp đỡ từ người con thì người con nên giúp đỡ. Thêm nữa, nếu họ không có thuốc men, vị đó nên cho họ thuốc men của mình. Nếu vị đó không có thì vị đó nên đi kiếm thuốc men theo kiểu khất thực và cho họ khi kiếm được. Nhưng trong trường hợp của anh chị em thì vị đó nên cho họ cái của họ.”

Các bạn có hiểu không? Vị tu sĩ nên cho họ cái của họ. Điều này có lý không?

Học viên: Thuốc men của riêng họ?

Giảng sư: Nếu họ đã có sẵn thuốc men của riêng họ, vị tu sĩ chẳng cần phải cho họ làm gì. Ý nghĩa ở đây là vị đó phải trộn lẫn các thành phần vào nhau và rồi cho họ cái thành phẩm. Đó là vì các tu sĩ biết cách chế biến thuốc. Mọi người có lẽ không biết, nhưng các cư sĩ thường có các thành phần (để chế biến thành thuốc men) tại nhà của họ.

Vị tu sĩ chỉ trộn lẫn các thành phần theo đúng liều lượng và rồi cho cái thành phẩm đó đến anh chị em của mình như là thuốc men. Cho nên, ‘cho họ cái của họ’ là thuốc men, sau khi vị tu sĩ đã trộn lẫn các thành phần với nhau. Các thành phần phải là của những anh chị em, chứ không phải của vị tu sĩ.

Đối với sách vở: “Sách vở có nghĩa là trách nhiệm hay bổn phận đối với kinh điển.”1 Khoảng một phần ba của đoạn văn: “Vị Trưởng lão hỏi vị đó: ‘Hiền giả nghiên cứu kinh điển như thế nào rồi?’ – ‘Bạch ngài, tôi đang nghiên cứu Trung Bộ (Majjhima) ạ’.”2 Từ Pāḷi ở đây có nghĩa là: “Tôi đã quen thuộc với Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) ạ”. Ở đây không phải chỉ là đang nghiên cứu hay đang học; mà là “Tôi đã quen thuộc với Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya).” Đi xuống thêm một chút nữa: “Khi một vị vẫn còn đang học thuộc lòng 50 bài kinh đầu tiên, vị đó lại phải đối mặt với 50 bài kinh ở giữa.”3 Từ Pāḷi có nghĩa là ‘tụng đọc’, cho nên, ‘tụng đọc 50 bài kinh đầu tiên’. “Và khi vị đó đang tụng đọc (chứ không phải học) thuộc lòng [50 bài kinh ở giữa] này, vị đó lại phải đối mặt với 50 bài kinh cuối.” Có tất cả là 150 bài kinh (sutta) trong Trung Bộ Kinh, thật ra thì có thêm ba bài nữa4. Chúng được chia thành ba nhóm – nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai và nhóm thứ ba. Khi các bạn tụng đọc nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai có thể hiện ra trong tâm trí của các bạn và các bạn sẽ trộn lẫn hay nhầm lẫn chúng với nhau. Khi các bạn tụng đọc nhóm thứ hai, nhóm thứ ba có thể hiện ra trong tâm trí của các bạn và các bạn sẽ trộn lẫn hay nhầm lẫn chúng với nhau. Cho nên, quen thuộc với Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) không phải là một việc dễ làm. Đó là ý nghĩa muốn nói đến ở đây. Nó không phải là học mà là tụng đọc.

Trong đoạn văn 52, “Rồi vị đó đã tụng đọc Dhātukathā (Bộ Chất Ngữ) cho các vị tỳ-kheo.”1 ‘Tụng đọc’ ở đây có nghĩa là vị đó dạy cho họ, chứ không phải chỉ là tụng đọc. Dhātukathā (Bộ Chất Ngữ) là bộ sách thứ ba của Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma).

Trong đoạn văn 53 khoảng mười dòng từ phía cuối: “Hãy đi và học nó từ những vị thầy của chúng ta/chúng tôi.”2 ‘Của chúng ta’ đúng ra phải là ‘của bạn/ông’ vì vị tu sĩ này (A) đã tuyên bố rằng ông (A) sẽ thuyết giảng Tam Tạng mà không cần các Sớ Giải. Vị tu sĩ khác (B) muốn làm cho vị tu sĩ này (A) nhận thức ra rằng ông không đủ trình độ và khả năng làm điều đó. Cho nên, vị tu sĩ đó (B) đã hỏi vị tu sĩ này (A) một câu hỏi và ông (A) đã trả lời. Rồi vị tu sĩ đó (B) nói ‘Hum’, tức là một dấu hiệu như muốn nói câu trả lời là không đúng. Rồi ba lần vị tu sĩ đó

(B) hỏi cùng câu hỏi này và cả ba lần vị đó (B) đều nói ‘Hum’. Vị tu sĩ này (A) đã trình bày những câu trả lời khác nhau tại những lần khác nhau. Cho nên, sau đó vị Trưởng lão (B) đã nói: “Câu trả lời đầu tiên ông trả lời là đúng, nhưng vì ông chưa học hỏi từ một vị thầy, cho nên ông không chắc về câu trả lời của mình. Khi tôi nói ‘Hum’, ông trình bày một câu trả lời và rồi một câu trả lời khác. Cho nên, hãy đi và học từ vị thầy của ông đi” – chứ không phải chỉ đọc sách suông. Nó là cái gì đó giống như vậy.

Thậm chí vào thời đại này, chỉ đọc sách không thôi  thì không đủ. Ví dụ, đối với Thắng Pháp, các bạn phải cần một vị thầy hoặc một người bạn giúp các bạn. Nếu không, các bạn sẽ không hiểu được một cách đúng đắn. Cho nên, ở đây là “Hãy đi và học từ những vị thầy của ông.”

Tại cuối đoạn văn 54: “Bạch ngài, ngài đang nói gì vậy ạ, chẳng phải là con đã nghe học tất cả từ ngài rồi hay sao?”1 Sau khi giảng dạy cho vị tu sĩ học trò, vị tu sĩ giảng sư lại đã yêu cầu vị tu sĩ học trò chỉ dạy hoặc hướng dẫn cho ông một đề mục hành thiền. Cho nên, vị tu sĩ học trò đã nói: “Bạch ngài, ngài đang nói gì vậy ạ, chẳng phải là con đã nghe học tất cả từ ngài rồi hay sao?” Ngài đã dạy cho con những điều này và bây giờ ngài lại yêu cầu con chỉ cho ngài một đề mục hành thiền. “Con làm sao có thể giải thích cho ngài được điều gì mà ngài lại không biết?” Rồi vị Trưởng lão đã nói: “Con đường này thì khác cho người mà đã thật sự du hành qua.”3 Câu văn Pāḷi thật ra có nghĩa là: “Đây là con đường của người mà đã thật sự du hành qua.” Điều đó có nghĩa là tôi chỉ biết qua sách vở. Ông đã thực hành thiền và đã chứng đắc một tầng giác ngộ nào đó. Con đường này thì khác từ (khía cạnh của) tôi. Hãy dạy tôi hành thiền mặc dầu là tôi đã dạy cho ông các kinh kệ. Đó là ý nghĩa muốn nói ở đây. “Con đường này thì khác cho người mà đã thật sự du hành qua.” Hay nó có nghĩa là: “Đây là con đường của người mà đã thật sự du hành qua.” Những ai chưa du hành qua thì thật sự không biết con đường này. Và tôi chưa du hành (trên) con đường này, cho nên hãy dạy tôi hành thiền.

Đi xuống một chút nữa trong cùng đoạn văn: “A-la- hán đạo (thích) hợp với thầy của chúng ta.”1 Điều đó có nghĩa là sự chứng đắc quả vị A-la-hán. Vị thầy đã hành thiền và đã trở thành vị A-la-hán. Cho nên, vị học trò đã nói: “Quả vị A-la-hán (thích) hợp với thầy của chúng ta.”

Trong đoạn văn tiếp theo về thần thông: “Chúng rất khó duy trì, giống như một đứa bé nằm sấp hay giống như bắp non.”2 Trong sách của tôi lại ghi là nó giống như là một con thỏ con. Đứa trẻ nằm sấp (ND: từ tiếng Anh là ‘prone’) thì không đúng vì từ Pāḷi (uttānaseyyakadāraka) có nghĩa là nằm ngửa. Và giống như bắp non – có nghĩa là vụ mùa  mới, dễ gãy vỡ. Trong ấn bản đầu tiên (ND: tiếng Anh), ngài (ND: tức là ngài Ñāṇamoli) đã dịch là một con thỏ con vì ngài đã đọc nhầm. Từ Pāḷi là sassa, nhưng lần đầu, ngài đã đọc nhầm là sasa. ‘Sasa’ có nghĩa là con thỏ. ‘Sassa’ có nghĩa là vụ mùa, hay bắp, hay cái gì đó mọc lên. Các vị biên tập hay chính ngài đã sửa lại nó trong ấn bản thứ hai.

Thần thông chỉ là chướng ngại cho thiền minh sát (vipassanā). Các loại thần thông được chứng đạt thông qua sự thực hành định (samādhi). Cho nên, chúng không phải là một chướng ngại cho định (samādhi) hay cho thiền chỉ tịnh (samatha), nhưng đối với thiền minh sát (vipassanā) thì chúng là một chướng ngại.

4.2.  Thiện Hữu

“Tiếp cận Thiện Hữu, người chỉ dạy cho một đề mục thiền.” Như vậy, các bạn phải tìm một vị thầy, người có thể chỉ dạy cho các bạn một đề mục thiền. Việc tiếp cận một vị thầy được miêu tả một cách chi tiết. Điều này rất khác với việc thực hành tại quốc gia này, tức là tại Tây phương. Các vị thầy ở Tây phương muốn thu hút hay lôi cuốn học trò. Họ rất sẵn lòng và rất hăng hái chỉ dạy. (Trong khi đó, như trong tài liệu này miêu tả, thì) người muốn thực hành thiền phải tiếp cận vị thầy một cách rất cẩn thận, không nên xúc phạm vị thầy và vân vân. Cho nên, rất là khác. Ở đây (ND: tức là ở Hoa Kỳ), các thầy giáo lại muốn làm hài lòng những ai đến học với họ.

Việc thực hành tâm từ được nhắc đến ở đây. “‘Nguyện cho họ được an vui và tránh khỏi những khổ đau.’ Rồi vị đó nên phát triển hay trải rộng nó đến tất cả phi nhân trong khuôn viên.”1 ‘Khuôn viên’ có nghĩa là trong vòng khuôn viên của tự viện. Từ Pāḷi được dùng ở đây là ‘sīmā’. Nó cũng có nghĩa là một nơi được xác nhận, được tuyên thệ để các Tăng sự được thực hiện tại đó, nhưng ở đây nó đơn giản chỉ có nghĩa là một khuôn viên, lãnh địa của ngôi tự viện. Như vậy, “đó là rải tâm từ đến những tu sĩ đang sống trong tự viện, như là – ‘Nguyện cho họ được an vui và tránh khỏi những khổ đau.’ Rồi vị đó nên phát triển hay trải rộng nó đến tất cả những phi nhân trong khuôn viên, trong tự viện. Rồi vị đó nên phát triển hay trải rộng nó đến những nhân vật chính yếu trong làng nơi mà vị đó đi khất thực hằng ngày. Rồi vị đó nên phát triển hay trải rộng tâm từ đến [tất cả mọi người tại đó và đến] tất cả chúng sanh phụ thuộc vào loài người.”1 Ở đây có một từ Pāḷi bị hiểu nhầm. Ý nghĩa thật sự muốn nói ở đây là tất cả chúng sanh bắt đầu với loài người. Sau khi rải tâm từ đến những nhân vật chính yếu trong làng (tức là trưởng làng hay vị quan chức trong làng), vị đó rải đến tất cả chúng sanh, bắt đầu với loài người. Cho nên, “Nguyện cho loài người được mạnh khỏe, hạnh phúc và an vui. Nguyện cho tất cả chúng sanh được mạnh khỏe, hạnh phúc và an vui.” Do đó, nó không phải là ‘rải đến tất cả mọi người ở đó và đến tất cả chúng sanh phụ thuộc vào loài người’. Không phải là như vậy. Phần chuyển ngữ phải nên là: “Rồi đến tất cả chúng sanh, bắt đầu với loài người.”

Học viên: ‘Đến tất cả những phi nhân’ nghĩa là gì?

Giảng sư: Ở đây muốn chỉ đến những vong linh, các thổ thần, các vị thiên nhân ở các cội cây trong khuôn viên của tự viện. Phật tử chúng tôi tin rằng có những phi nhân sống chung quanh – các thiên nhân ở các cội cây, các thổ thần, thiên nhân hộ trì tự viện, thiên nhân hộ trì bản thân và vân vân. Cho nên, chúng tôi rải tâm từ đến cho họ.

Trong đoạn văn tiếp theo: “Với quán niệm về sự chết, nghĩ rằng ‘Tôi sẽ phải chết’, vị đó từ bỏ những tầm cầu không chính đáng, và với cảm giác cấp bách gia tăng, vị đó trở nên sống không bám víu.”1 Thật ra, câu văn đó phải là “vị đó trở nên sống không biếng nhác,” chứ không phải là không bám víu. Khi có cảm giác cấp bách, khi có suy nghĩ rằng tôi có thể chết (bất kỳ lúc nào), thì tôi không thể lười biếng. Tôi không thể biếng nhác. Tôi phải thực hành thiền. Tôi phải nỗ lực. Cho nên, từ ở đây không phải là ‘bám víu’, mà phải là ‘biếng nhác’. Tức là sống khẩn trương, năng nổ trong việc hành thiền.

Rồi đến đoạn văn 61 về người bạn tốt: “Vị đó được kính trọng và được yêu mến,

Và là người thuyết giảng và biết lắng nghe;

Lời nói của vị đó là cao thâm,

Vị đó không khuyến khích hay thúc đẩy vô cớ.”2

Tức là vị đó không khuyến khích hay thúc đẩy làm những việc không thích hợp.

“Vị đó hoàn toàn quan tâm đến sự an lạc và thiên hướng về sự tiến bộ.”

“Thiên hướng về sự tiến bộ” nghĩa là gì?

Học viên: “Thiên hướng về (partial)” thường có nghĩa là thiên về hay thích thú.

Giảng sư: Ý nghĩa ở đây là vị đó ở về bên phía tiến bộ. Tức là vị đó có tiến triển, có tiến bộ. Tôi có tra ý nghĩa của từ này (partial) trong từ điển và nó có nghĩa là ‘thích thú’. Nhưng ở đây nó không có nghĩa là ‘thích thú’, mà nó có nghĩa là vị đó ở về bên phía tiến bộ.

Học viên: Như vậy nó là ‘tiến triển’. Giảng sư: Đúng, ‘tiến triển’.

Và ở cuối đoạn văn 62: “Và đã đạt đến sự tận diệt các lậu hoặc do làm tăng trưởng minh sát”1 – điều này có nghĩa là do thực hành thiền minh sát.

Trong đoạn văn 63: “‘Tôi là người đã đoạn tận những lậu hoặc.’ Tại sao không? Vị đó tự tuyên bố khi vị đó biết rằng các chỉ dẫn của mình sẽ được thi hành.”2 Thật ra, vị đó biết rằng người khác đó thực hành; chứ không phải là các chỉ dẫn của vị đó sẽ được thi hành. Nếu các bạn biết rằng người khác đó là một hành giả, các bạn có thể nói với họ những gì các bạn đã chứng đắc. Thường thì các tu sĩ không thổ lộ sự chứng đắc của mình cho người khác biết.

Học viên: Như vậy, nó phải nên là ‘sự thực hành được thực hiện’?

Giảng sư: Không phải là ‘các chỉ dẫn’. Vị đó biết rằng người khác đó là một hành giả. Vị đó biết rằng người khác đó thực hành thiền.

Trong đoạn văn 70 khoảng bốn dòng trở xuống: “Nếu người thầy không cho phép thi hành khi được thỉnh nguyện, thì những phận sự đó vẫn có thể được thực hiện khi có cơ hội. Khi người học trò thi hành những phận sự đó thì ba cái tăm xỉa răng nên được mang đến.”1 Thay vì ‘được mang đến’, ở đây phải nên dịch là ‘nên được dâng đến cho vị đó (ND: vị thầy)’.

Trong đoạn văn 72: “Nếu vị thầy không hỏi nhưng vẫn đồng ý cho phép (vị học trò, tức là vị muốn học thiền) thực hiện các nghĩa vụ, thì sau mười ngày hoặc nửa tháng, vị học trò (tức là vị muốn học thiền) nên tạo cơ hội bằng cách ở lại (thêm) một ngày (nữa) mặc dầu đã đến lúc phải ra đi.”2 Điều này có nghĩa là mặc dầu vị học trò đã bị cho lui hoặc đã bị yêu cầu đi khỏi, nhưng vị đó vẫn nên xin phép và tuyên bố mục đích của việc mình đến đây gặp vị thầy. ‘Tạo cơ hội’ – tôi không biết nó có nghĩa là gì. Cụm từ Pāḷi (okāsaṃ kāretvā) có nghĩa là ‘xin phép’. Cho nên, khi bị cho lui hay khi bị yêu cầu đi khỏi, vị học trò phải không nên từ bỏ, thối lui hoặc đi khỏi. Vị đó phải xin phép, vị đó phải trình bày với vị thầy rằng vị đó đến đây với mục đích hành thiền. Đó là cách tiếp cận vị thầy.

Tốt rồi. Chúng ta sẽ nói về các cơ tánh vào tuần sau. Sự diễn giải về các cơ tánh thì rất thú vị.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app