Chương Năm: Những Đề Mục Kasiṇa Còn Lại

Hôm nay chúng ta sẽ học hai chương, chương Năm  và chương Sáu vì cả hai chương đều ngắn, không như chương thứ tư. Chương thứ tư là một chương dài. Đến cuối chương thứ tư, chúng ta đã nghiên cứu xong cách hành giả thực hành đề mục thiền kasiṇa thứ nhất. Đó là thiền kasiṇa đất cho đến sự chứng đắc của các tầng thiền (jhāna). Rồi chúng ta sẽ tìm hiểu về người dùng các tầng thiền (jhāna) làm nền cho minh sát (vipassanā) và thực hành thiền minh sát (vipassanā) trên chúng và trở thành bậc A-la-hán (Arahant). Chỉ có các tầng thiền (jhāna) được nhắc đến ở đây, không có thiền minh sát (vipassanā) trong chương này.

Bốn tầng thiền (jhāna) – sơ, nhị, tam, tứ – được giải thích chi tiết trong chương thứ tư. Đó là sự giải thích về  bốn tầng thiền (jhāna) hoặc năm tầng thiền (jhāna) được chứng đắc thông qua sự thực hành thiền kasiṇa đất.

Các bạn có lẽ nhớ rằng có mười đối tượng kasiṇa để hành thiền, được nhắc đến ở phần đầu của chương Bốn. Chương Năm bàn về những đối tượng kasiṇa còn lại. Chúng ta có kasiṇa đất trong chương Bốn. Trong chương Năm, chúng ta sẽ có chín kasiṇa còn lại.

1.  Kasiṇa Nước

Kasiṇa tiếp theo là kasiṇa nước. Thuật ngữ ‘kasiṇa’ không thể dịch ra được. Nó rất là khó. Để thuận tiện, chúng ta dịch nó là thiền với cái đĩa. Tuy nhiên, không phải tất cả các đối tượng kasiṇa đều là những cái đĩa. Cho nên, chúng ta sẽ để nó như vậy không dịch và dùng từ ‘kasiṇa’. ‘Kasiṇa’ có nghĩa là toàn bộ hay bầu tròn. Khi các bạn thực hành với kasiṇa, các bạn bắt toàn bộ đối tượng, chứ không phải chỉ một phần của đối tượng. Đó là lý do tại sao nó được gọi là ‘kasiṇa’. Trong Pāḷi, ‘kasiṇa’ có nghĩa là toàn bộ hoặc bầu tròn.

Bây giờ chúng ta muốn thực hành kasiṇa nước.  Chúng ta nên làm gì? “Một người muốn phát triển hay tu luyện kasiṇa nước, giống như trong trường hợp của kasiṇa đất, nên tự ngồi một cách thoải mái và ghi nhận ấn tướng trong nước mà ‘được chế tạo ra hoặc không được chế tạo ra’.”1 Kasiṇa nước có thể được thực hành mà không cần dùng vật thể kasiṇa (được tạo ra). Hành giả có thể chỉ nhìn vào nước và thực hành thiền kasiṇa nước trên đó. Đó là dành cho những ai đã có kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là trong những kiếp sống quá khứ. Đối với những ai chưa có kinh nghiệm trước đây, thì họ sẽ phải chế tạo một kasiṇa nước.

“Người chưa thực hành trước đây nên cẩn thận với bốn lỗi của một kasiṇa.”2 Điều đó có nghĩa là nước phải  nên là nước sạch, tức là không có màu. Nó không nên là màu đỏ hoặc vàng, mà nó phải nên là nước sạch. ‘Bốn lỗi của một kasiṇa’ có nghĩa là nó không nên được trộn lẫn với màu sắc. Nếu nó bị trộn lẫn với màu sắc, nó sẽ trở thành kasiṇa màu sắc, chứ không còn là kasiṇa nước nữa. Nước phải là trong và sạch.

“Vị đó nên đổ nước vào bát hoặc vào chậu nước cao khoảng bốn feet lên đến miệng, dùng nước không bị dơ bẩn với đất, được lấy từ giữa trời qua cái lọc nước sạch, hoặc dùng bất kỳ loại nước sạch nào không bị đục. Vị đó nên đặt nó trong một nơi được che chắn ở phía ngoài rìa của tự viện như đã được miêu tả và ngồi một cách thoải mái. Vị đó không nên xem xét màu sắc của nó cũng như không ghi nhận hay lưu tâm đến đặc tính của nó.”1 Điều đó có nghĩa  là vị đó không nên quán tưởng trên màu sắc của nó vì (như vậy) nó sẽ là kasiṇa màu sắc, chứ không còn là kasiṇa nước. Vị đó không nên quán tưởng trên đặc tính của nước. Nước có đặc tính kết dính. Ở đây, các bạn phải xem nước là một khái niệm, chứ không phải là một sự thật chân đế.

“Vị đó không nên xem xét màu sắc của nó cũng như không ghi nhận hay lưu tâm đến đặc tính của nó, ghi nhận màu sắc như là thuộc vào sự hỗ trợ hay sự nâng đỡ vật lý của nó.” Tính trong suốt là một loại màu sắc. Hành giả không nên lưu tâm đến nó mặc dầu hành giả có thể đang nhìn thấy nó. Nó giống như kasiṇa đất. Các bạn có thể thấy đất hay màu sắc của đất, nhưng các bạn không quán tưởng trên nó. Các bạn không giữ tâm trí trên màu sắc của đất mà là trên chính đối tượng đất. Cũng theo cách này ở đây, mặc dầu có thể có màu sắc trong nước, nhưng các bạn không chú ý đến màu sắc, mà các bạn (chỉ) chú ý đến cái vật chất được gọi là ‘nước’.

“Vị đó nên chú tâm vào cái tên gọi (danh chế định) như là dữ liệu tinh thần nổi bật nhất, và dùng bất kỳ tên gọi nào của nước (āpo) như mưa (ambu), dung dịch (udaka), sương (vāri), chất lỏng (salila), vị đó nên phát triển hoặc tu tập kasiṇa bằng việc nên dùng tên gọi hiển nhiên ‘nước, nước’.” Rồi phần chú thích có nói: “Tiếng Anh thật sự không thể dùng năm từ khác nhau để diễn tả nước.”1 Trong Pāḷi có nhiều từ đồng nghĩa với nước. Tác giả (ND: ngài Buddhaghosa) dạy chúng ta rằng chúng ta có thể dùng bất kỳ từ nào.

Học viên: Chúng ta không nên thay đổi mà chỉ nên chú tâm vào một từ thôi.

Giảng sư: Đúng vậy.

Học viên: Nước có nên tĩnh lặng không? Giảng sư: Nên tĩnh lặng.

Chúng ta có thể nói ‘nước, nước’ hoặc có thể nói ‘chất lỏng, chất lỏng’ hay cái gì đó tương tự như vậy. ‘Nước’ là từ chúng ta thường dùng khi chúng ta thấy loại vật chất đó.

Học viên: Vậy cái này tương tự như tụng đọng câu thần chú.

Giảng sư: Nó giống như vậy, nhưng hành giả không chú ý vào âm thanh của từ ‘nước’. Hành giả tập trung vào loại vật chất đó, tức là vào cái khái niệm đó. Đó là sự khác nhau.

Rồi hành giả phát triển hay tu tập thiền kasiṇa, nhìn vào nước và rồi nhắm mắt lại cố gắng hình dung ra nó, và rồi nhìn vào nước trở lại giống như hành giả đã thực hành với kasiṇa đất. Rồi hành giả chứng đạt sơ thiền, nhị thiền và vân vân như với kasiṇa đất.

Đây nói về thủ tướng và quang tướng – “Nếu nước có bong bóng bọt trộn lẫn với nó, thì thủ tướng cũng có cùng tướng mạo đó.”1 Nếu có bong bóng, hoặc bọt, hoặc bất cứ cái gì, thì học tướng hay thủ tướng cũng giống vậy vì học tướng hay thủ tướng là hình ảnh giống hệt của vật thật. Sau khi các bạn có được học tướng hay thủ tướng, các bạn có thể đi đến bất kỳ một nơi nào và ngồi xuống và tập trung vào thủ tướng đó. Rồi những khuyết điểm của học tướng đó sẽ dần đần biến mất và nó sẽ trở nên rất trong sáng.

“Học tướng có cùng tướng mạo, và nó hiện rõ như khuyết điểm trong kasiṇa. Nhưng quang tướng hiện ra phẳng lặng, giống như cái quạt lớn bằng thủy tinh trong không gian, giống như cái đĩa kính soi lớn bằng thủy tinh. Với sự xuất hiện của ấn tướng đó, hành giả tiến đến đạt cận định và các tầng thiền (theo phương pháp chia bốn và chia năm) như đã miêu tả.”2 Hành giả trú vào quang tướng nhiều lần và đạt được các tầng thiền – sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, hoặc năm tầng thiền. Điều đó có nghĩa là nếu hành giả loại bỏ tầm (vitakka) và tứ (vicāra) cùng một lúc, thì có bốn tầng thiền (jhāna). Nếu hành giả loại bỏ các chi thiền từng chi một, thì có năm tầng thiền (jhāna).

2.  Kasiṇa Lửa

Các kasiṇa còn lại nói chung là giống như vậy. Với kasiṇa lửa, các bạn nhìn vào lửa. “Ở đây, một ai đó có phước, đã có thực hành từ trước, khi ghi nhận/nắm bắt ấn tướng, nó (sẽ) sanh lên trong vị đó với bất kỳ dạng lửa nào, không được chế tạo, lúc vị đó nhìn vào lửa bật cháy của một ngọn đèn hay của một lò sưởi, hay tại nơi nung bát, hoặc trong đám lửa rừng, như trong trường hợp của Trưởng lão Cittagutta.”

“Ấn tướng đã sanh lên khi ngài nhìn vào lửa của ngọn đèn trong lúc đang ở trong nhà làm lễ Uposatha vào ngày thuyết giảng Pháp (Dhamma)”2. “Bất kỳ những ai khác thì nên tạo một kasiṇa.”3 Nếu một người chưa có thực hành từ trước, vị đó sẽ phải chế tạo một kasiṇa lửa.

Vị đó phải đốt lên một ngọn lửa. “Vị đó nên khoét hay cắt cái lỗ trên một miếng thảm, một tấm da hoặc một miếng vải – cái lỗ rộng khoảng một gang và bốn ngón tay.”4 Các bạn cắt một cái lỗ. Nó có lẽ có đường kính khoảng mười inch5. Rồi các bạn nhìn vào lửa xuyên qua cái lỗ đó. Các bạn niệm ‘lửa, lửa, lửa’. Có những từ đồng nghĩa với lửa. Các bạn có thể chọn bất kỳ từ nào trong số này. Cũng theo cách như trước, học tướng và quang tướng sẽ xuất hiện đến cho các bạn. Các bạn an trú trên quang tướng và thiền (jhāna) sẽ sanh lên. Rồi sơ, nhị, tam và tứ thiền sẽ đến.

3.  Kasiṇa Gió

Rồi có kasiṇa gió. Chúng ta thực hành kasiṇa gió như thế nào? Hành giả nên thực hành kasiṇa gió bằng cách nhìn vào một cái gì đó hoặc bằng cảm giác hay sự cảm nhận. Khi các bạn nhìn vào một cái cây đang rung chuyển trong gió, các bạn thấy được rằng đang có gió. Đó là gió. Hoặc như được nói trong tập sách này, các bạn có thể ngồi gần cửa sổ và cảm nhận gió đang đụng chạm vào cơ thể của mình. Các bạn có thể tập trung vào cảm giác gió đụng chạm trên cơ thể của mình hoặc sự chuyển động của gió trên các đỉnh cây. Có hai cách các bạn có thể thực hành thiền kasiṇa gió. Rồi các bạn niệm bất kỳ từ đồng nghĩa nào với gió.

“Ở đây, học tướng hiện ra di chuyển như cuộn hơi nóng trên cơm sôi mới lấy ra từ lò đun. Quang tướng thì yên lặng và bất động.” Quang tướng thì luôn luôn như vậy. Nó tinh vi hơn, êm dịu hơn, và có lẽ là nổi bật hoặc sáng chói hơn, còn học tướng thì chỉ là hình ảnh giống hệt với đối tượng.

4.  Kasiṇa Xanh Dương

Tiếp theo là kasina màu xanh dương. Từ Pāḷi của màu xanh dương là nīla. Từ này có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là màu xanh dương. Ví dụ, nó có thể có nghĩa là màu đen. Tóc được gọi là có màu nīla. Có lẽ không phải là màu của tóc của những người Tây phương. Ở đây tôi thấy có nhiều màu tóc khác nhau. Nó thì giống với màu tóc của người Đông phương, tức là màu đen. Tại Miến Điện, chúng tôi dịch nīla là nâu, chứ không phải xanh dương. Giữa nâu và đen, chúng tôi dịch là nīla. Loại hoa sen có tên gọi là ‘hoa sen xanh dương’, chúng tôi gọi nó là ‘hoa sen nâu’ trong tiếng Miến Điện mặc dầu nó là màu xanh dương.

Học viên: Nó có thể là màu xanh lục không?

Giảng sư: Được, nếu nó là rất sẫm tối. Cho nên ở đây chúng ta có bất kỳ màu nào gần với màu xanh dương – xanh dương, hoặc có thể là màu xanh lục tối sẫm, hoặc cái gì đó giống màu đen.

“Người đang thực hành kasiṇa xanh dương thì ghi nhận ấn tướng màu xanh dương, có thể trong một bông hoa, hoặc trong một tấm vải, hoặc trong một vật thể có màu (xanh).”1 ‘Vật thể có màu (xanh)’ đơn giản có nghĩa là sơn (xanh). Các bạn có thể sơn một tấm bảng màu xanh dương và thực hành trên đó.

“Hành giả nên lấy những bông hoa như các hoa sen xanh, các hoa đậu biếc (girikaṇṇikā), vân vân, và rải chúng ra đầy khắp một cái khay hay một cái giỏ trẹt không cho thấy cuống hay cọng mà chỉ thấy cánh hoa. Hoặc vị đó có thể bỏ đầy nó với những vải xanh bó lại với nhau; hoặc vị đó có thể cột chặt vải trên vành của cái khay hoặc cái giỏ giống như làm mặt trống. Hoặc vị đó có thể làm cái đĩa kasiṇa, có thể mang đi theo bên mình được như đã miêu tả trong trường hợp của kasiṇa đất hoặc là ở trên tường, với một trong các màu như xanh bạc, xanh lục, màu đen của thuốc mỡ añjana”2. Thuốc mỡ añjana là loại kem trang sức mà phụ nữ dùng để trang điểm mắt của mình. Các bạn gọi cái đó là gì?

Hoặc dùng những mảnh vải xanh bó lại để đầy rổ như một cái mặt trống. Có thể làm Kasina bằng một cái đĩa tròn để mang theo hay cố định, như đã nói ở kasina đất, bằng một trong những màu lục, xanh lá cây v.v…” trong đoạn văn số 13.

Học viên: Phấn hoặc kem bôi lên mi mắt. Giảng sư: Đúng rồi. Nó có thể là màu gì? Học viên: Thường thường là màu tối ạ.

Giảng sư: Đúng rồi, nó phải là màu tối. Như vậy, bất kỳ một trong những màu này là được. Hành giả viền xung quanh nó bằng một màu khác. Giả sử rằng các bạn muốn làm một kasiṇa xanh dương. Hình tròn nên là màu xanh dương và màu trên viền không nên là màu đỏ, vàng hoặc trắng, mà phải là một màu nào khác. Không nên có sự lẫn lộn với những màu của những kasiṇa khác. “Sau đó, hành giả ghi nhận nó vào tâm trí là ‘xanh, xanh’.”1 Hành giả nhìn vào nó và niệm ‘xanh, xanh’. Phần còn lại thì tương tự như những đối tượng kasiṇa trước.

5.  Kasiṇa Vàng

Với kasiṇa vàng, hành giả sử dụng vải vàng, hoa vàng hoặc sơn vàng. Điều khác duy nhất là màu vàng.

6.  Kasiṇa Đỏ

Với kasiṇa đỏ, các bạn sử dụng màu đỏ – hoa đỏ, vải đỏ hoặc sơn đỏ.

7.  Kasiṇa Trắng

Với kasiṇa trắng, các bạn sử dụng hoa trắng, vải trắng hoặc sơn trắng.

8.  Kasiṇa Ánh Sáng

Tiếp theo là kasiṇa ánh sáng. “Người đang thực hành kasiṇa ánh sáng ghi nhận ấn tướng về ánh sáng trong một cái lỗ trên tường, hoặc trong lỗ khóa, hoặc qua cửa sổ.”1 Như vậy, nó là ánh sáng đi vào xuyên qua một cái lỗ.

“Như vậy, trước hết, đối với hành giả có phước lành, đã có thực hành trước đây, ấn tướng sanh lên trong vị đó khi vị đó thấy hình tròn hiện lên trên tường hay trên sàn nhà bởi ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng mặt trăng đi vào xuyên qua một cái lỗ trên tường, vân vân, hoặc khi vị đó thấy hình tròn hiện lên trên mặt đất bởi ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng mặt trăng đi xuyên qua một khoảng hở giữa những nhành cây của một cây sum sê lá hoặc thông qua một khoảng hở trong một túp lều được làm bằng những nhành cây đặt chồng lên nhau.”

“Bất kỳ ai khác thì nên dùng cùng loại hình tròn ánh sáng như được miêu tả, thực hành hoặc tu luyện là ‘ánh sáng, ánh sáng’. Nếu vị đó không thể làm như vậy, thì vị đó có thể thắp một ngọn đèn trong một cái bình, đậy nắm lại, khoét một cái lỗ và đặt nó với cái lỗ quay mặt vào tường. Ánh sáng đi ra từ cái lỗ chiếu thành một hình tròn trên tường.”3 Vị đó nhìn vào vòng tròn đó và niệm “ánh sáng, ánh sáng”.

“Loại này duy trì được lâu hơn những loại khác.”1 Điều đó có nghĩa là ánh sáng mặt trăng hay ánh sáng mặt trời có thể thay đổi. Chúng có thể không tồn tại lâu, nhưng ngọn đèn trong cái bình và ánh sáng ở trên tường sẽ tồn tại lâu hơn.

“Học tướng thì giống như hình tròn hiện trên tường hoặc trên mặt đất. Quang tướng thì giống như một chùm ánh sáng chói sáng dày đặc. Phần còn lại thì giống như trước.”

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app