4.4.  Các Đề Mục

Bây giờ chúng ta đi đến 40 đề mục thiền. Bốn mươi đề mục thiền được trình bày trong đoạn văn 104 và đoạn văn kế tiếp.

Thuật ngữ ‘kasiṇa’ có nghĩa là tròn hay hoàn toàn. Khi các bạn nhìn vào cái đĩa, các bạn nhìn vào toàn bộ cái đĩa, toàn bộ tổng thể hay tất cả. Có mười đề mục kasiṇa, mười đề mục bất mỹ, mười đề mục tùy niệm, bốn đề mục vô lượng tâm (bốn phạm trú), bốn đề mục vô sắc, một đề mục quán tưởng, một đề mục phân tích. Như vậy, có tất cả là 40 đề mục. Đây là 40 đề mục của thiền chỉ tịnh (samatha).

“Ở đây, mười đề mục kasiṇa là: kasiṇa đất, kasiṇa nước, kasiṇa lửa, kasiṇa gió, kasiṇa màu xanh (dương), kasiṇa màu vàng, kasiṇa màu đỏ, kasiṇa màu trắng, kasiṇa ánh sáng, và kasiṇa không gian (bị giới hạn).” Có mười đề mục kasiṇa, tức là mười đề mục hoàn tịnh. Cách làm hay cách chế tạo những kasiṇa này, và cách thực hành thì được giải thích trong chương tiếp theo.

“Mười đề mục bất mỹ là: xác chết trương sình, xác chết tái xám, xác chết đang nát thối, xác chết bị đứt lìa, xác chết bị ăn dở, xác chết bị vung vãi rời rạc thành từng mảng, xác chết bị băm nát thành nhiều mảnh, xác chết ướt đẫm máu, xác chết bị nhiễm dòi, bộ xương.”

“Mười đề mục tùy niệm là: niệm ân đức Phật, niệm  ân đức Pháp, niệm ân đức Tăng, niệm giới (tức là niệm giới hạnh (sīla) của chính mình), niệm thí, niệm Thiên, niệm sự chết, thân hành niệm, niệm hơi thở, và niệm sự an lạc.” ‘An lạc’ ở đây có nghĩa là Níp-bàn (Nibbāna). Đây là mười đề mục tùy niệm.

“Bốn phạm trú là: từ, bi, hỷ và xả.”

Bốn đề mục vô sắc thì chỉ là bốn tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna), tức là các tâm vô sắc. “Bốn đề mục vô sắc là: không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ.”

“Một đề mục quán tưởng là quán tưởng tính bất tịnh của vật thực.”

“Một đề mục phân tích là phân tích tứ đại.”6 Điều này có nghĩa là cố gắng thấy được tứ đại một cách rõ ràng, yếu tố này khác yếu tố kia. Đây là yếu tố đất. Đây là yếu tố nước và vân vân.

“Đây là cách sự trình bày nên được hiểu như thế nào ‘thông qua sự liệt kê’.”1 Đây là danh sách bốn mươi đề mục thiền chỉ tịnh (samatha).

“Về việc đề mục nào chỉ đưa đến cận định và đề mục nào đưa đến an trú định hay thẩm thấu định”2 – định (samādhi), nếu các bạn còn nhớ, được chia thành nhiều loại khác nhau – thành cận định và an trú định. Một vài đề mục thiền chỉ có thể đưa đến cận định, chứ không thể đưa đến  an trú định. Những đề mục khác thì có thể đưa đến cả cận định và an trú định. “Tám đề mục tùy niệm (ngoại trừ niệm thân hành và niệm hơi thở), đề mục quán tưởng tính bất tịnh của vật thực, và đề mục phân tích tứ đại là mười đề mục chỉ có thể mang lại cận định.”3 Các bạn có thể nhìn vào bảng nêu ở đây.4 Hãy nhìn vào cột về thiền (jhāna), tức là cột cuối cùng. Nếu chúng ta nói ‘không có thiền (jhāna)’, điều đó có nghĩa là chúng chỉ có thể đưa đến cận định. Chúng không thể dẫn đến định của thiền (jhāna). Nếu các bạn thực hành đề mục niệm ân đức Phật, các bạn có thể có được sự định tâm, nhưng các bạn sẽ không chứng đạt được thiền (jhāna) từ đề mục đó. Các ân đức của Đức Phật vô cùng cao thượng. Và có nhiều ân đức các bạn phải ghi nhận trong tâm trí. Những điều này không thể giúp các bạn đạt được sự định tâm thật sự, tức là chứng đạt được thiền (jhāna). Tám đề mục tùy niệm, đề mục quán tưởng tính bất tịnh của vật thực và đề mục phân tích tứ đại chỉ có thể đưa các bạn đến chứng đạt cận định. Các bạn sẽ không chứng đắc các tầng thiền (jhāna) nếu các bạn thực hành những đề mục này.

Trong bảng nêu, ‘AP’ có nghĩa là tiến trình thực hành thiền ở giai đoạn an trú (appanā). ‘P’ có nghĩa là tiến trình thực hành thiền ở giai đoạn chuẩn bị (parikamma). ‘UP’ có nghĩa là tiến trình thực hành thiền ở giai đoạn gần an trú (upacāra).

Ba mươi đề mục thiền còn lại mang lại an trú định. Nếu các bạn thực hành những đề mục thiền này, các bạn có thể đạt được sự an trú, tức là các tầng thiền (jhāna).

Rồi đến phần “Về loại tầng thiền (jhāna): (Các bạn hãy nhìn vào cột tầng thiền (jhāna) trong bảng nêu2) trong số những đề mục mang lại sự an trú định, thì mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa) cùng với đề mục niệm hơi thở mang lại cả bốn tầng thiền (jhāna).”3 ‘Bốn’ ở đây có nghĩa là năm. Có hai cách miêu tả các tầng thiền (jhāna), theo phương pháp chia bốn và theo phương pháp chia năm. Chúng ta quen thuộc với phương pháp chia năm – sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và ngũ thiền. Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và nhiều bài kinh (sutta) chỉ nhắc đến phương pháp chia bốn. Cho nên, chúng ta phải thích ứng với điều này. ‘Mang lại tất cả bốn tầng thiền (jhāna)’ có nghĩa là mang lại tất cả năm tầng thiền (jhāna). Mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa) có thể mang lại (cả năm tầng thiền) hay nói cách khác, nếu các bạn thực hành một trong số mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), các bạn có thể đạt được sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền. Cho nên, các bạn có thể đạt được tất cả năm tầng thiền (jhāna). Rồi đề mục niệm hơi thở cũng mang lại cả năm tầng thiền (jhāna).

Học viên: Kāyagatāsati là gì?

Giảng sư: ‘Kāyagatāsati’ (thân hành niệm) có nghĩa là quán tưởng những bộ phận khác nhau của cơ thể, như tóc, lông, móng, răng, da và vân vân.

Học viên: Còn ānāpānassati là gì? Giảng sư: Đó là niệm hơi thở.

Học viên: Còn cái nào là niệm sự an lạc?

Giảng sư: Upasamānussati là niệm sự an lạc. Thứ tự trong bảng nêu này có một chút khác với thứ tự trong sách. Maraṇānussati là niệm sự chết.

“Mười đề mục bất mỹ cùng với thân hành niệm mang đến sơ thiền.”1 Mười đề mục bất mỹ (asubha) và đề mục thân hành niệm (kāyagatāsati) chỉ có thể dẫn đến sơ thiền vì đối tượng (của chúng) là thô. Cho nên, các bạn cần tầm (vitakka) để giữ tâm trí của các bạn trên đề mục. Không có tầm (vitakka), tâm trí của các bạn không thể trú trên những đối tượng này được.

Điều này được giải thích như khi các bạn đi ngược dòng. Các bạn cần một cây gậy chống để giữ cho con tàu đi tiếp. Cũng theo cách này, vì các đối tượng là thô, các bạn cần tầm (vitakka) để giữ tâm trí của các bạn ở trên đối tượng. Khi thực hành các đề mục thiền bất mỹ, các bạn  phải nhìn một tử thi. Cho nên, các đối tượng là thô. Do đó, chúng chỉ đưa đến sơ thiền.

“Ba phạm trú đầu tiên mang lại ba tầng thiền (jhāna).” Điều đó có nghĩa là bốn tầng thiền (jhāna) ở đây – sơ, nhị, tam, tứ thiền. Ba phạm trú này là từ (mettā), bi (karunā) và hỷ (muditā).

“Phạm trú thứ tư (upekkhā) và bốn trạng thái vô sắc (arūpāvacara) mang lại tứ thiền.” Điều này có nghĩa là ngũ thiền. Xả (Upekkhā) và cũng như bốn đề mục vô sắc này có thể dẫn đến ngũ thiền. Như vậy, tính theo loại tầng thiền (jhāna) thì chúng nên được hiểu theo cách này.

“Tính theo sự khắc phục” – ‘tính theo sự khắc phục’ có nghĩa là sự vượt qua. “Có hai loại khắc phục, tức là, sự khắc phục các yếu tố và sự khắc phục các đối tượng.”

Giả sử các bạn có sơ thiền. Nếu các bạn muốn chứng đắc nhị thiền, các bạn phải vượt qua hay các bạn phải loại trừ chi tầm (vitakka). ‘Khắc phục’ thật ra có nghĩa là loại bỏ. Bằng cách loại bỏ các yếu tố (chi thiền), các bạn chứng đắc các tầng thiền (jhāna) cao hơn. Khi các bạn chứng đắc sơ thiền, nó có năm chi. Khi các bạn chứng đắc nhị thiền, các bạn phải loại bỏ một chi thiền. Rồi khi các bạn muốn chứng đắc tam thiền, các bạn phải loại bỏ một chi thiền khác nữa và vân vân. Các tầng thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) là những tầng thiền khắc phục các chi thiền.

Các tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) là những tầng thiền khắc phục các đối tượng hay các đề mục. Trong tất cả các tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna), chỉ có hai chi thiền. Không có sự khác nhau về các chi thiền trong bốn tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna). Yếu tố làm cho chúng khác nhau là đối tượng mà chúng bắt lấy. Nếu các bạn muốn chứng đắc tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ nhất, các bạn phải vượt qua hay khắc phục ấn tướng kasiṇa vì ấn tướng kasiṇa là ấn tướng của các tầng thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna). Nếu các bạn muốn chứng đắc tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ hai, các bạn phải vượt qua tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ nhất1 và vân vân. Như vậy, ở đây, bằng cách khắc phục hay loại bỏ các đối tượng, chúng ta chứng đắc các tầng thiền (jhāna) cao hơn. Có hai loại khắc phục – khắc phục các chi thiền và khắc phục các đối tượng.

Học viên: Cơ bản thì những chương về định là về thiền chỉ (samatha). Những chương về tuệ là về thiền quán (vipassanā). Chúng đều về thiền. Vấn đề là khi tôi nghĩ về định (samādhi), thì tôi lại nghĩ định (samādhi) bao gồm luôn cả thiền quán (vipassanā).

Giảng sư: Rồi sao?

Học viên: Samādhi được dịch là định hay sự tập trung. Đây là lý do tôi bị rối. Tôi nghĩ chương này là về thiền, nhưng rồi phần thứ ba (của tài liệu này) cũng về thiền.

Giảng sư: Thật ra, chúng ta mới bắt đầu bàn về thiền từ chương thứ ba. Chương thứ ba chỉ là sự chuẩn bị mà thôi. Các bạn chưa đi vào thiền đâu. Các bạn phải thanh lọc giới hạnh. Các bạn phải cắt đứt những chướng ngại, phải tìm một vị thầy, phải chọn một đề mục thiền. Các bạn đang chuẩn bị cho việc thực hành thiền trong chương này. Các bạn chưa đi đến việc thực hành thật sự đâu. Và loại thiền này là thiền chỉ tịnh (samatha). Có lẽ cho đến tận chương thứ mười ba…

Học viên: Chương thứ mười bốn là bắt đầu phần thứ ba ạ.

Giảng sư: Thật ra, chương thứ mười bốn vẫn chưa bàn về thiền quán (vipassanā), mà chỉ là những nền tảng cho thiền quán (vipassanā). Thiền quán (vipassanā) thật sự bắt đầu với kiến thanh tịnh, tức là chương thứ mười tám.  Từ đó trở đi, chúng ta mới có thiền minh sát hay thiền quán (vipassanā).

Học viên: Điều này luôn luôn làm tôi rối trí vì khi tôi nghĩ về thiền, tôi nghĩ về cả hai thiền chỉ tịnh (samatha) và thiền minh sát (vipassanā). Nhưng trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), khi họ nói về định (samādhi), họ lại chỉ đang nói về thiền chỉ tịnh (samatha) mà thôi.

Giảng sư: Đúng vậy. Có ba bước hay có ba giai đoạn – giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā). ‘Định’ (samādhi) ở đây đồng nghĩa với thiền chỉ tịnh (samatha). Nhưng chúng ta cũng cần định (samādhi) trong thiền minh sát (vipassanā). Là thuật ngữ chuyên môn, thì ‘định’ (samādhi) có nghĩa là thiền chỉ tịnh (samatha).

“Về sự trải rộng hay sự không trải rộng”1 – điều đó có nghĩa là các bạn có thể nới rộng ấn tướng của đối tượng mà các bạn có trong tâm trí của các bạn ra không, hoặc nó có khả thi hay có lợi ích để nới rộng ra không. Ví dụ, khi các bạn có được hình ảnh của đề mục kasiṇa trong tâm trí của mình, thì các bạn có thể trải rộng nó ra. Trước hết, đường kính của vật thể kasiṇa có lẽ chỉ là khoảng tám hoặc mười inch1. Các bạn nhìn vào nó và các bạn cố gắng hình dung ra được nó trong tâm trí của mình. Khi các bạn thật sự đã có được hình ảnh của nó trong tâm trí của mình và các bạn có thể thấy được nó với mắt nhắm, thì các bạn nên giữ nó trong tâm mình nhiều lần. Khi nó trở nên rõ ràng hơn, rất tinh nét, thì các bạn có thể nới rộng nó ra tùy theo ý các bạn thích.

Như vậy, một vài đề mục thiền có thể được trải rộng và một vài không thể. Trong số 40 đề mục thiền, mười đề mục kasiṇa cần được nới rộng. Điều đó có nghĩa là các bạn cần phải trải rộng chúng ra. Bằng cách trải rộng quang tướng ra, các bạn trở nên có thể nghe được những âm thanh hoặc thấy được những vật thể trong khu vực đó.

Giả sử các bạn đạt được hết năm tầng thiền (jhāna) và cũng như tất cả những tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna). Và cũng giả sử rằng các bạn có thể trải nghiệm  được cái mà chúng ta gọi là thần thông (abhiññā). Thần thông (abhiññā) là một loại ngũ thiền được phát triển hay được tu luyện một cách đặc biệt. Thần thông (abhiññā) là các phép lạ cho phép các hành giả nhìn thấy những vật ở xa và nghe được những âm thanh ở xa, hoặc thực hiện những điều kỳ diệu. Giả sử các bạn muốn nghe được những âm thanh ở xa. Nó phụ thuộc vào việc các bạn nới rộng ấn tướng kasiṇa ra được bao xa. Nếu các bạn nới rộng ấn tướng kasiṇa ra lớn rộng bằng thành phố San Francisco2, thì các bạn có thể nghe được các âm thanh trong thành phố San Francisco, nhưng không thể nghe được những âm thanh bên ngoài đó.

“Trong số 40 đề mục thiền, mười đề mục kasiṇa cần phải được trải rộng. Vì chỉ trong vòng khoảng không gian mà hành giả ước định (tức là khoảng không gian bao phủ, khoảng không gian trải rộng ra) với đề mục hay ấn tướng kasiṇa, hành giả có thể nghe được các âm thanh bằng thiên nhĩ, thấy được các cảnh sắc bằng thiên nhãn, và biết được tâm trí của những chúng sanh khác bằng tâm trí (của mình).”1 Trước khi các bạn trải nghiệm thần thông, các bạn phải trải rộng quang tướng ra. Điều đó có nghĩa là các bạn ước định ra khoảng không gian mà trong khu vực đó thần thông của các bạn có hiệu lực. Như vậy, các đề mục kasiṇa cần phải được trải rộng.

“Đề mục thân hành niệm và mười đề mục bất mỹ không cần phải được trải rộng. Tại sao? Vì chúng có một nơi chốn định rõ và vì không có lợi ích gì trong việc nới rộng chúng. Sự định rõ về nơi chốn của chúng sẽ trở nên rõ ràng khi phương pháp thực hành được giải thích.”2 Tác giả sẽ giải thích cách hành thiền quán đề mục tử thi như thế  nào và sự giải thích sẽ trở nên rõ ràng. “Nếu những đề mục bất mỹ được trải rộng, thì chỉ là số lượng của các tử thi được tăng lên.”3 Các bạn có thể nới rộng ra hoặc gia tăng số lượng của các tử thi trong tâm trí của mình, nhưng chẳng có lợi ích gì.

“Và điều này được ghi nhận trong câu trả lời cho câu hỏi của Sopāka: ‘Bạch Đức Thế Tôn, tưởng về các cảnh sắc thì khá rõ, còn tưởng về các bộ xương thì không rõ ạ’; ở đây, tưởng về các cảnh sắc được gọi là ‘khá rõ’ theo ý nghĩa trải rộng của ấn tướng, trong khi tưởng về các bộ xương được gọi là ‘không rõ lắm’ theo ý nghĩa không trải rộng của ấn tướng. Nhưng những từ: ‘Tôi chú tâm trên toàn bộ thế gian này với tưởng về một bộ xương’ là nói về cách ấn tướng thiền xuất hiện ra cho người đã đạt được tưởng đó.”1 Điều đó có nghĩa là người đã chứng đạt được tưởng đó từ trước và bây giờ vị đó trải rộng cái tưởng đó ra. Điều này thì không sao cả vì vị đó không phải đang thực hành để đạt được cái tưởng đó. Vị đó đã đạt được cái tưởng đó, cho nên vị đó có thể trải rộng nó ra.

“Vì giống như vào thời kỳ của Dhammāsoka, chim karavīka cất lên giọng hót ngọt ngào khi nó thấy hình phản chiếu của chính mình trong những tấm gương ở xung quanh và tưởng tượng ra những con chim karavīka ở mọi phương hướng, Trưởng lão Siṅgāla Pitar cũng vậy, thông qua sự chứng đắc của mình về tưởng bộ xương, khi thấy ấn tượng xuất hiện ở mọi hướng, đã nghĩ rằng toàn bộ thế gian được bao phủ bởi xương.”

Rồi có một chú thích về con chim karavīka. Điều này thì khá thú vị, nhưng nó hơi khó tin một chút. Đó là một loại chim và điều được ghi nhận là giọng của nó rất ngọt ngào. Vị hoàng hậu đã hỏi đại chúng rằng âm thanh nào là ngọt ngào nhất. Đại chúng đồng loạt trả lời rằng giọng của chim karavīka là ngọt ngào nhất. Cho nên, vị hoàng hậu đã muốn nghe giọng của chim karavīka. Bà đã thỉnh nguyện vua của mình, vua Asoka, mang lại cho bà một con chim karavīka. Rồi vua Asoka đã gửi đi một cái lồng. Các lồng bay trên không và đậu xuống gần con chim. Con chim đi vào lồng và rồi cái lồng bay về lại kinh thành. Sau khi về đến kinh thành, con chim chẳng cất lên một tiếng hót nào  cả vì nó bị trầm cảm. Nhà vua đã hỏi tại sao con chim không cất tiếng nào cả. Các quan cố vấn đã nói rằng nó không cất lên tiếng nào vì nó cô đơn. Nếu con chim có đồng bạn, nó sẽ cất tiếng. Cho nên, nhà vua đã cho đặt kiếng xung quanh nó. Con chim thấy hình bóng của mình trong kiếng và nghĩ rằng có những con chim khác nữa. Nó trở nên hạnh phúc và cất tiếng hót. Hoàng hậu rất hài lòng khi nghe được tiếng chim. Bà rất là hạnh phúc. Bà thực hành thiền trên sự hạnh phúc đó. Bà thực hành thiền minh sát (vipassanā) và đã trở thành vị Nhập Lưu. “Bà đã an trú trong Quả của Nhập Lưu.” Điều đó có nghĩa bà đã trở thành vị Nhập Lưu (Sotāpanna).

Đây chỉ là một ví dụ. Cho nên, cũng như con chim karavīka đã thấy nhiều con chim khác trong những tấm kiếng và rồi cất tiếng hót, vị Trưởng lão ở đây “Trưởng lão Siṅgāla Pitar cũng vậy, thông qua sự chứng đắc của mình về tưởng bộ xương, khi thấy ấn tượng xuất hiện ở mọi hướng, đã nghĩ rằng toàn bộ thế gian được bao phủ bởi xương.” Nó đã xuất hiện ra như vậy cho vị đó. Chứ không phải là vị đó đã trải rộng ấn tướng kasiṇa ra.

Trong đoạn văn 112: “Nếu nó là như vậy, thì cái được gọi là sự vô lượng của đối tượng của thiền (jhāna) được sinh ra trên sự bất mỹ có mâu thuẫn không?”1 Thiền (jhāna) được sinh ra trên sự bất mỹ được nhắc đến là vô lượng hoặc được nhắc đến là không có giới hạn hay không đo lường được.

Câu trả lời là khi một người nhìn vào một xác chết nhỏ, thì đối tượng của ông ta được nói là có giới hạn hay đo lường được. Nếu ông ta nhìn vào một xác chết lớn, thì đối tượng của ông ta được nói là không đo lường được mặc dầu nó thật sự không phải là không đo lường được. ‘Không đo lường được’ hay ‘vô hạn’ ở đây có nghĩa là lớn. Cho nên, có đối tượng lớn và đối tượng nhỏ.

Trong đoạn văn 115 có nói: “Đối với những trạng thái vô sắc làm các đối tượng”2. Nó phải được dịch là “Đối với các đối tượng của những trạng thái vô sắc”. Không phải là “đối với những trạng thái vô sắc làm đối tượng”, mà phải là “các đối tượng của những trạng thái vô sắc”.

“Không gian không cần được trải rộng vì nó chỉ đơn giản là sự dời bỏ đi đối tượng kasiṇa.”1 Đối với những đối tượng của những tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna), đối tượng của thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ nhất là không gian vô tận. Đối tượng này không thể làm trải rộng ra được vì nó không là cái gì cả. Nó có được thông qua việc dời bỏ đi đối tượng kasiṇa. ‘Dời bỏ đi đối tượng kasiṇa’ có nghĩa là không chú tâm đến ấn tướng kasiṇa nữa. Trước hết, hành giả có ấn tướng kasiṇa trong tâm trí của mình.  Rồi vị đó ngưng chú tâm đến ấn tướng kasiṇa. Cho nên, ấn tướng kasiṇa đó biến mất. Thay vào chỗ của ấn tướng kasiṇa đó chỉ là khoảng không gian. Khoảng không gian chỉ là không gian. Cho nên, nó không thể làm cho trải rộng được. “Nếu vị đó trải rộng nó thì chẳng có gì thêm xảy ra.”2 Như vậy, không có gì sẽ xảy ra.

“Và tâm thì không cần được trải rộng (Thật ra, tâm thì không nên hoặc không thể được trải rộng ra) vì nó là một trạng thái có thực tánh riêng.”3 Điều này có nghĩa là nó là một pháp chân đế (paramattha). Nó là một sự thật chân đế, một sự thật có đặc tính riêng của chính nó hay thực tánh riêng. Chỉ có khái niệm mới có thể được trải rộng, còn pháp chân đế thì không. Pháp chân đế là pháp chân đế và nó không thể hoặc không có khả năng được làm cho trải rộng được. Tâm vô sắc (arūpāvacara) thứ nhất không thể được trải rộng ra.

“Sự biến mất của tâm thức không cần được trải rộng.” Thật ra, nó là một khái niệm và nó thì không có tồn tại. Cái gì không có tồn tại thì không thể được trải rộng ra.

“Và phi tưởng phi phi tưởng xứ” – ở đây cũng vậy, nó phải nên là “Đối tượng của phi tưởng phi phi tưởng xứ không cần được trải rộng ra vì nó là một trạng thái có thực tánh riêng.” Các bạn có nhớ đối tượng của thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ tư không? Đối tượng của thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ tư là tâm thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) thứ ba. Cũng vậy, tâm thiền vô sắc (arūpāvacara) thứ ba là sự thật chân đế, có đặc tính riêng của chính nó, tức là thực tính riêng. Cho nên, nó không thể được trải rộng ra vì nó không phải là một khái niệm. Những đoạn văn này bàn về việc các đối tượng có thể được trải rộng ra hay không.

Rồi về phần đối tượng trong đoạn văn 117: “Trong số 40 đề mục thiền, 22 đề mục có các quang tướng làm đối tượng.” Trong bảng nêu, trong cột ấn tướng (nimitta), ‘Pt’ (Paṭibhāga nimitta) có nghĩa là quang tướng4. Trong tài liệu này nói rằng, 22 đề mục có quang tướng – mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), mười đề mục bất mỹ (asubha), đề mục thân hành niệm (kāyagatāsati) và đề mục niệm hơi thở (ānāpānassati). “Hai mười hai đề mục có các quang tướng làm đối tượng, đó là mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), mười đề mục bất mỹ, đề mục niệm hơi thở và đề mục thân hành niệm; những đề mục còn lại không có quang tướng làm đối tượng.”

“Rồi mười hai đề mục có đối tượng là các pháp có thực tính riêng, tức là tám trong số mười đề mục tùy niệm (ngoại trừ niệm hơi thở và thân hành niệm), đề mục quán  sự uế trược của vật thực, đề mục niệm tứ đại, đề mục thức vô biên xứ và đề mục phi tưởng phi phi tưởng xứ.” Chúng có sự thật chân đế làm đối tượng.

“Và 22 đề mục có các quang tướng làm đối tượng, tức là mười đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), mười đề mục bất mỹ, đề mục niệm hơi thở, và đề mục thân hành niệm; trong khi sáu đề mục còn lại có những đối tượng không thể được phân loại như vậy.”3 Đây là các miêu tả về các đề mục của thiền theo nhiều cách khác nhau.

“Rồi tám đề mục có các đối tượng có tính di động ở giai đoạn đầu mặc dầu quang tướng thì cố định hay vững chắc, tức là các đề mục xác chết đang thối rữa, xác chết bị đứt lìa, xác chết ướt đẫm máu, xác chết bị nhiễm dòi, niệm hơi thở, kasiṇa nước, kasiṇa lửa, kasiṇa gió, và trong  trường hợp của kasiṇa ánh sáng thì đối tượng bao gồm một vòng tròn ánh sáng mặt trời, vân vân.” Chúng là những đối tượng rung động. Chúng có thể là những đối tượng rung động. “Những đề mục còn lại có những đối tượng bất động.” Chúng có những đối tượng rung động chỉ trong giai đoạn chuẩn bị. Khi hành giả đạt đến giai đoạn của quang tướng, thì chúng là cố định hay vững chắc. Chỉ trong giai đoạn chuẩn bị, chúng có các đối tượng rung động.

“Về cõi (tức là 31 cõi hiện hữu): ở đây, mười hai đề mục, tức là mười đề mục bất mỹ, thân hành niệm, quán tưởng về tính bất tịnh của vật thực, không xảy ra cho thiên chúng.”

Học viên: Như vậy có nghĩa là hơi thở sẽ ngưng trong tứ thiền phải không ạ?

Giảng sư: Vâng, đúng vậy. Bạn hiểu đúng rồi đấy. Chúng ta sẽ học về điều đó trong phần miêu tả về thiền niệm hơi thở.

Rồi “Về việc nắm bắt hay ghi nhận (tức là về việc bắt các đối tượng thông qua thấy, thông qua nghe và vân vân), sự trình bày ở đây nên được hiểu theo thấy, theo đụng và theo tin nghe đồn lại (ở đây chỉ có nghĩa là nghe cái gì đó)2. Mười chín đề mục này, tức là chín đề mục kasiṇa, trừ kasiṇa gió, và mười đề mục bất mỹ, phải được ghi nhận, nắm bắt thông qua thấy.” Các bạn nhìn vào đối tượng tương ứng và thực hành thiền. “Ý nghĩa ở đây là vào giai đoạn ban đầu, ấn tướng của chúng phải được nắm bắt hay được ghi nhận thông qua việc nhìn liên tục bằng mắt.”1

“Trong trường hợp thân hành niệm, năm yếu tố đầu tiên, kết thúc với da, phải được nắm bắt hay được ghi nhận bằng nhìn thấy và những yếu tố còn lại thì bằng nghe.”2 Tóc, lông, móng, răng, da – những yếu tố này các bạn nhìn bằng mắt và thực hành thiền về chúng. Một vài yếu tố các bạn không thể thấy được như gan, ruột và những thứ khác. Những thứ đó các bạn thực hành thông qua nghe.

“Đề mục niệm hơi thở phải được nắm bắt hay được ghi nhận thông qua đụng chạm.”3 Khi các bạn thực hành thiền niệm hơi thở, các bạn giữ tâm trí của mình tại đây (ND: tại chót mũi hoặc tại môi trên) và ghi nhận cảm giác đụng chạm ở đây, tức là gió đi vào và đi ra lỗ mũi.

“Đề mục kasiṇa gió thì bằng thấy và bằng đụng chạm”4 – nó sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta đến phần miêu tả cách thực hành đề mục kasiṇa gió như thế nào. Đôi lúc, các bạn nhìn vào một cái gì đó di động, ví dụ như những cành cây hay một dải băng-rôn trong gió. Các bạn thực hành kasiṇa gió trên đó. Gió có thể thổi ngược lên cơ thể của các bạn và rồi có cảm giác về đụng chạm ở đó. Các bạn tập trung lên yếu tố gió ở đó. Trong trường hợp đó, các bạn thực hành thông qua cảm giác đụng chạm.

“Mười tám đề mục còn lại thì thông qua nghe.”1 Tức là chỉ thông qua nghe mà thôi.

“Đề mục tâm xả và bốn đề mục vô sắc không được nắm bắt hay không được ghi nhận bởi người sơ cơ, khởi đầu.”2 Các bạn không thể thực hành tâm xả (upekkhā) và bốn tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) vào lúc khởi đầu vì để chứng đắc được các tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna), các bạn phải đã chứng đắc năm tầng thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna). Và để thực hành tâm xả phạm trú (upekkhā brahma vihāra), các bạn phải đã thực hành ba phạm trú (brahma vihāra) đầu tiên – tâm từ, tâm bi và tâm hỉ. Khi được xem là một phạm trú thì tâm xả không thể được thực hành vào lúc khởi đầu. Chỉ khi nào các bạn đã thực hành ba phạm trú kia rồi, các bạn mới có thể thực  hành tâm xả.

“Về nhân duyên hay về điều kiện: trong số những đề mục này, chín đề mục hoàn tịnh (kasiṇa), trừ đề mục kasiṇa không gian, làm duyên hay điều kiện cho các trạng thái vô sắc.” Điều đó có nghĩa là nếu các bạn muốn chứng đắc các tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna), các bạn phải thực hành một trong chín đề mục kasiṇa, ngoại trừ đề mục kasiṇa không gian. Đó là vì các bạn phải thực hành việc dời bỏ đi ấn tướng kasiṇa và rồi ghi nhận khoảng không gian bị chiếm giữ. Nhưng không gian thì không thể bị dời bỏ đi.

Không gian là không gian. Cho nên, kasiṇa không gian được bỏ qua, và không là duyên hay điều kiện cho các trạng thái vô sắc hay các tầng thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna).

“Mười đề mục kasiṇa là các điều kiện hay duyên cho các loại thần thông.”1 Cho nên, nếu các bạn muốn chứng đạt thần thông (abhiññā), thì các bạn trước hết phải thực hành một trong số mười đề mục kasiṇa. Thật ra, nếu các bạn muốn chứng đạt nhiều kết quả (loại thần thông) khác nhau, các bạn phải thực hành những đề mục kasiṇa khác nhau.

Giả sử các bạn muốn lay chuyển một cái gì đó. Giả sử các bạn muốn lay chuyển tòa thị chính bằng năng lực siêu phàm của mình. Thì trước hết, các bạn phải thực hành kasiṇa nước hoặc kasiṇa gió, chứ không phải kasiṇa đất. Nếu các bạn thực hành kasiṇa đất và cố lay chuyển nó, nó sẽ không bị lay chuyển đâu.

Có một câu chuyện về một vị sa-di đi tuốt lên một tầng trời. Vị đó tuyên bố rằng: “Tôi sẽ lay chuyển tòa lâu đài của các ông.” Vị đó cố sức lay chuyển nhưng không thể làm được. Cho nên, các thiên nhân đã trêu chọc vị đó. Vị  đó xấu hổ và đi đến gặp thầy của mình. Vị đó kể lại cho thầy nghe là vị đó đã bị các thiên nhân chế giễu do không thể lay chuyển được lâu đài của họ. Vị đó hỏi thầy tại sao điều đó lại xảy ra. Vị thầy trả lời: “Hãy nhìn cái đó ở đằng kia kìa.” Phân bò đang trôi trên dòng sông. Vị đó đã hiểu được sự gợi ý. Lần sau đó, khi viếng thăm tầng trời trở lại, vị đó trước hết thực hành đề mục kasiṇa nước. Rồi vị đó đã có thể làm lay chuyển tòa lâu đài. Cho nên, các bạn thực hành những đề mục kasiṇa khác nhau tùy thuộc vào cái gì các bạn muốn từ đề mục kasiṇa đó. Chúng được nhắc đến trong những chương về sau. “Mười đề mục kasiṇa là duyên hay là điều kiện cho những loại thần thông.”

“Ba phạm trú (đầu tiên) là các điều kiện hay duyên cho phạm trú thứ tư.”1 Phạm trú thứ tư không thể được thực hành vào lúc ban đầu, mà chỉ có thể được thực hành sau ba phạm trú đầu tiên.

“Mỗi trạng thái vô sắc thấp hơn là duyên hay điều kiện cho tầng kế cao hơn. Phi tưởng phi phi tưởng xứ là duyên hay điều kiện cho thiền diệt thọ tưởng.”2 Có nghĩa là sự chấm dứt các hoạt động tâm thức, sự chấm dứt thọ và tưởng. Thật ra, nó là sự chấm dứt các hoạt động tâm thức.

“Tất cả là duyên hay các điều kiện cho việc sống trong hạnh phúc (tức là sống trong hạnh phúc trong chính kiếp sống này), cho minh sát và cho những sanh thú may mắn (tức là cho một đời sống tốt đẹp trong tương lai).”3

“Về sự thích hợp với cơ tánh” – những điều này là quan trọng – “ở đây sự trình bày nên được hiểu theo đề  mục nào thì thích hợp cho cơ tánh nào.”4 Nó miêu tả đề mục thiền nào thích hợp với cơ tánh nào.

Học viên: Ngài nói là ba phạm trú (đầu tiên) làm duyên cho phạm trú thứ tư. Vậy chúng ta có thể thực hành phạm trú thứ ba (ND: tức là hỷ) trước phạm trú thứ nhất (ND: tức là từ) hoặc phạm trú thứ hai (ND: tức là bi) trước phạm trú thứ nhất được không? Trong này không nói là chúng ta phải thực hành tất cả.

Giảng sư: Đúng vậy. Nhưng tiến trình thông thường thì chúng ta nên thực hành tâm từ trước. Rồi chúng ta thực hành phạm trú thứ hai (ND: tức là bi) và phạm trú thứ ba (ND: tức là tâm hỷ). Điều này có nghĩa là các bạn thực hành để mà các bạn chứng đắc thiền (jhāna)  từ sự thực hành này. Nếu các bạn đạt đến trạng thái của thiền (jhāna) với những đề mục này, thì các bạn có thể thậm chí thực hành tâm xả. Ở đây, nó chỉ muốn nói đến thiền (jhāna). Tâm xả dẫn đến ngũ thiền. Để có được ngũ thiền, các bạn cần phải có sơ, nhị, tam, tứ thiền. Những tầng thiền này (ND: từ sơ cho đến tứ thiền) có thể đạt được thông qua việc thực hành ba loại phạm trú còn lại (ND: tức là từ, bi và hỷ).

Học viên: Nhưng chúng ta không đạt đến thiền (jhāna) thông qua ba phạm trú này (ND: tức là từ, bi và hỷ) phải không ạ?

Giảng sư: Các bạn đạt đến thiền (jhāna), nhưng không phải đến ngũ thiền. Các bạn chỉ đạt đến tứ thiền. Bằng việc thực hành tâm xả, các bạn đạt đến ngũ thiền.

Bây giờ, về những loại thực hành khác nhau thích hợp với những cơ tánh khác nhau – “Tất cả những điều này được trình bày theo dạng trực tiếp đối nghịch và hoàn toàn thích hợp.”1 Điều đó có nghĩa là nếu ngài (ND: ngài Buddhaghosa) nói rằng loại thiền này thích hợp cho loại cơ tánh này, thì nó có nghĩa là loại thiền này là đối nghịch trực tiếp với cơ tánh đó và nó rất thích hợp cho cơ tánh đó.

Nhưng nó không có nghĩa là các bạn không thể thực hành loại thiền khác. “Nhưng thật ra không có loại thực hành nào lại không có lợi ích trong việc đè nén tham, vân vân, và trong việc giúp tăng trưởng đức tin và vân vân.”1 Thật vậy, các bạn có thể thực hành bất kỳ loại thiền nào. Ở đây các đề mục thiền và các cơ tánh được trình bày (chỉ) để minh họa đề mục nào và cơ tánh nào là đối nghịch và là thích hợp với nhau nhất.

Giả sử tôi có cơ tánh si. Thì loại thiền thích hợp nhất cho tôi là thiền niệm hơi thở. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không thể thực hành bất kỳ đề mục nào khác. Đó là vì bất kỳ sự thực hành nào (ND: với bất kỳ đề mục nào) cũng sẽ giúp tôi đè nén các phiền não và phát triển hay làm tăng trưởng những trạng thái tinh thần tốt đẹp, thiện lành.

Thậm chí trong các bài kinh (sutta), Đức Phật đã khuyên dạy ngài Rāhula và những vị khác nên thực hành thiền, không chỉ một đề mục mà là nhiều loại thiền (nhiều đề mục) khác nhau. Bất kỳ loại thiền nào (đề mục nào) cũng có thể được thực hành bởi bất kỳ người nào. Nếu các bạn muốn có được kết quả tốt nhất nhanh nhất, thì các bạn chọn loại thiền (đề mục) thích hợp nhất với cơ tánh của mình.

Học viên: Tất cả các kasiṇa khi là đối tượng thì có ngụ ý chỉ cho tâm nhãn thức phải không ạ?

Giảng sư: Các kasiṇa nên được thực hành trước hết bằng cách nhìn vào chúng. Khi các bạn nhìn vào chúng, thì các bạn có tâm nhãn thức. Rồi các bạn cố gắng ghi nhớ chúng hoặc ghi nhận chúng vào tâm trí của mình. Điều đó có nghĩa là các bạn nhắm mắt lại và cố gắng ghi nhận hình ảnh đó. Khi các bạn có thể ghi nhận được hình ảnh đó một cách rõ ràng trong tâm trí của mình, thì các bạn đã có học tướng hay thủ tướng trong tâm trí của các bạn. Sau khi các bạn có được học tướng hay thủ tướng, thì các bạn không cần cái đĩa kasiṇa thực sự nữa, tức là đối tượng thật. Các bạn an trú trên ấn tướng mà các bạn đã đạt được trong tâm trí của mình. Từ lúc đó trở đi, nó không còn là tâm nhãn thức nữa. Nó là thông qua ý môn (manodvāra), chứ không phải thông qua nhãn môn. Trước hết, thông qua nhãn môn, các bạn nhìn vào đối tượng kasiṇa và thực hành thiền. Sau khi các bạn có được thủ tướng, thì sự thực hành của các bạn là thông qua ý môn. Các bạn thấy thông qua tâm ý chứ không phải thông qua mắt.

4.5.  Sự Dâng Hiến

Rồi dâng hiến chính mình đến Đức Phật hoặc đến vị thầy – điều đó có nghĩa là buông bỏ đi chính bản thân  mình. Dâng hiến đến Đức Phật là việc đáng làm. Nhưng dâng hiến đến vị thầy thì tôi không khuyến khích cho lắm vì không phải tất cả các vị thầy đều được tin cậy nếu các bạn nhìn nhận những gì xảy ra ngày nay. Trong đoạn văn 126: “Khi vị đó dâng hiến chính mình đến cho vị thầy, vị đó nói: ‘Tôi dâng hiến thân xác này của tôi đến ngài’.”1 Như vậy, vị đó đang nói là: tôi dâng hiến chính tôi đến cho ngài. Điều này có thể là nguy hiểm nếu vị thầy có những động cơ ẩn giấu. Cho nên, tốt hơn thì dâng hiến chính mình đến Đức Phật, chứ không nên dâng hiến đến vị thầy vào thời nay.

Trong đoạn văn 128: “Vì người với thiên hướng chân thật như vậy là người đạt đến một trong ba loại giác ngộ.”1 Ba loại giác ngộ là sự giác ngộ của vị Phật Chánh Giác, sự giác ngộ của vị Phật Độc Giác và sự giác ngộ của vị A-la- hán (Arahant).

“Sáu loại thiên hướng dẫn đến sự chín muồi về giác ngộ của những vị Bồ tát (Bodhisatta).”2 Đây có lẽ là cái gì đó giống như những pāramitā được tìm thấy trong  Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna). Những thiên hướng này là vô tham, vô sân, vô si và vân vân. Đây là sáu tính cách hay sáu đặc tính mà các vị Bồ tát (Bodhisatta) chuyên tu luyện hay phát triển.

“Với thiên hướng vô tham, các vị Bồ tát (Bodhisatta) thấy được lỗi lầm trong tham. Với thiên hướng vô sân, các vị Bồ tát (Bodhisatta) thấy được lỗi lầm trong sân hận”3 và vân vân. Mặc dầu nó là một câu trích dẫn, nhưng ngày nay, chúng ta không thể truy tìm ra nguồn của câu trích này trong bất kỳ Chánh Văn nào. Cho nên, một vài văn bản Chánh Văn có lẽ đã bị thất lạc hoặc có thể là nó chỉ về những nguồn nào đó không thuộc vào Chánh Văn của trường phái Thượng Tọa Bộ (Theravāda).

4.6.  Các Cách Thuyết Giảng

Trong đoạn văn 132: “Nắm bắt hay hiểu rõ dấu hiệu”  –  từ Pāḷi ‘nimitta’ (ND: tiếng Anh là ‘sign’) có nhiều nghĩa. ‘Nắm bắt hay hiểu rõ dấu hiệu’ ở đây chỉ có nghĩa là lưu tâm hay chú ý kỹ vào những gì các bạn nghe được từ người thầy. “Đây là mệnh đề trước, đây là mệnh đề sau, đây là ý nghĩa, đây là ý định, đây là ví dụ”2 và vân vân. Cho nên, trước hết lưu tâm hay chú ý kỹ và nghe những lời dạy của vị thầy, và rồi cố gắng hiểu chúng, được gọi là ‘nắm bắt hay hiểu rõ dấu hiệu’ ở đây. Nó thì không giống như ‘nắm bắt hay hiểu rõ ấn tướng’ khi các bạn thực hành thiền. ‘Hiểu rõ hay nắm bắt ấn tướng’ trong thiền sẽ được trình bày và giải thích sau trong chương thứ tư. Ở đây, ‘nắm bắt hay hiểu rõ dấu hiệu’ có nghĩa là lưu tâm hay chú ý kỹ vào những gì vị thầy dạy.

“Khi vị đó chú ý lắng nghe, nắm bắt hay hiểu rõ dấu hiệu theo cách này, đề mục thiền của vị đó (sẽ) được nắm bắt hay được hiểu rõ một cách tốt đẹp.”3 Vị đó biết được mình nên làm gì để thực hành.

“Rồi, và do bởi điều đó, vị đó chứng đắc sự xuất chúng một cách thành công.”4 ‘Chứng đắc sự xuất chúng’ có nghĩa là chứng đắc thiền (jhāna), chứng đắc thần thông, chứng đắc sự giác ngộ.

Tiếp theo là “chứ không phải những người khác”, chứ không phải “chứ không phải cách nào khác”. Vị đó sẽ chứng đắc sự xuất chúng một cách thành công, chứ không phải những người khác vốn không chú ý lắng nghe và không nắm bắt hay không hiểu rõ dấu hiệu và vân vân. ‘Cách nào khác’ nên được sửa thành ‘những người khác’. Nó không phải là ‘cách nào khác’. “Vị đó chứng đắc sự xuất chúng một cách thành công, chứ không phải những người khác.”

Tốt rồi. Chúng ta đã kết thúc chương thứ ba. Như vậy, chúng ta vẫn đang chuẩn bị. Việc chuẩn bị vẫn chưa hoàn tất. Các bạn phải tránh mười tám loại tự viện có khuyết điểm và phải tìm một nơi thích hợp để hành thiền. Xin cảm ơn các bạn rất nhiều.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app