Chương Bảy: Sáu Tùy Niệm

Bỏ lại thiền bất mỹ sau lưng và đi đến phần các đề mục tùy niệm có lẽ là một sự giải tỏa (tinh thần). Sáu đề mục tùy niệm được nhắc đến trong chương này thì có chút gì đó giống như các loại thiền có tính cầu nguyện hay sùng tín. Chúng không giống với những loại thiền khác. Chúng không giống với thiền kasiṇa, thiền bất mỹ hoặc thiền minh sát (vipassanā). Trong những đề mục thiền này, các bạn phải thực hiện nhiều sự tưởng niệm. Các bạn thực hiện nhiều sự suy tưởng, suy nghĩ khi thực hành loại thiền này.

Có mười đề mục tùy niệm. Chúng được chia ra thành hai chương. Sáu đề mục được bàn đến trong chương này và bốn đề mục còn lại được bàn đến trong chương tiếp theo.

Từ Pāḷi cho thuật ngữ ‘tùy niệm’ là anussati. Khi các bạn đọc Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) hoặc những bản dịch khác, đôi lúc các bạn có thể thấy ngôn ngữ hơi lạ và chẳng giúp thêm nhiều vào sự hiểu biết gì mới cả. Đó là vì chúng đang giải thích thuật ngữ Pāḷi. Ở đây, các từ Pāḷi là ‘anu’ và ‘sati’. Các bạn đã biết ‘sati’. ‘Sati’ có nghĩa là niệm hoặc ghi nhớ. ‘Anu’ là một tiền tố. Cho nên, nó có nhiều hơn một nghĩa. Ở đây, tôi nghĩ hai ý nghĩa được trình bày. “Vì nó sanh lên đi lại nhiều lần”1 – đó là một ý nghĩa của ‘anu’. ‘Anu’ có thể có nghĩa là lặp lại nhiều lần. “Hoặc nghĩa khác là niệm (sati) mà thích hợp hoặc đúng đắn”2 – ‘anu’ cũng có thể có nghĩa là thích hợp, đúng đắn. “Nó là niệm thích hợp hay đúng đắn cho thiện gia nam tử đã xuất gia do niềm tin, vì nó chỉ xảy ra tại những thời điểm lúc mà nó nên xảy ra.”1 Cho nên, anussati được định nghĩa là niệm mà sanh lên đi lại nhiều lần hoặc là niệm thích hợp hay đúng đắn cho những ai xuất gia. Thật ra, nó là cho tất cả mọi người.

Học viên: Thiện gia nam tử là một tu sĩ, tức là một thành viên của Tăng đoàn (Saṅgha) phải không ạ?

Giảng sư: Trong tài liệu này, thiện gia nam tử có nghĩa là một tu sĩ. Nhưng từ Pāḷi ‘kulaputta’ có nghĩa là bất kỳ ai, tu sĩ hoặc cư sĩ.

1.  Giới Thiệu Chung

Loại tùy niệm thứ nhất là niệm Phật. Thật ra, nó là sự quán niệm về những ân đức của Đức Phật, chứ không phải chỉ là niệm Đức Phật. Tuy nhiên, nghĩa đen của từ này là niệm Phật. “Đây là thuật ngữ chỉ cho niệm với những đặc tính đặc biệt của Đức Phật làm đề mục.”2 Khi các bạn thực hành loại thiền này, các bạn tập trung hay quán tưởng trên các ân đức hoặc các đặc tính quan trọng của Đức Phật. Đối tượng của thiền quán niệm này là những ân đức của Đức Phật.

Tiếp theo là niệm Pháp. Ở đây cũng vậy, đó là quán niệm những ân đức của Pháp (Dhamma). Những ân đức này sẽ được trình bày chi tiết về sau.

“Đây là thuật ngữ chỉ cho niệm với những đặc tính đặc biệt như Luật được thuyết giảng một cách tốt đẹp, vân vân, làm đề mục.” Pháp (Dhamma) ở đây được dịch là Luật. Nó sẽ được giải thích tại nơi thích hợp. Pháp (Dhamma) có nghĩa là Bốn Đạo, Bốn Quả, Níp-bàn (Nibbāna) và cũng như những lời giáo huấn hoặc kinh sách. Có mười loại Pháp (Dhamma) – Bốn Đạo, Bốn Quả, Níp- bàn (Nibbāna) và giáo lý. Một vài ân đức có liên quan đến cả mười loại và một vài không liên quan đến tất cả. Chúng sẽ được giải thích sau.

Thứ ba là niệm Tăng (Saṅgha). Tăng (Saṅgha) ở đây có nghĩa là Tăng đoàn tức là những vị thực hành theo lời dạy của Đức Phật và đã chứng đạt sự giác ngộ.

“Đây là thuật ngữ chỉ cho niệm với những đặc tính đặc biệt của Tăng đoàn như đi vào con đường chánh, vân vân, làm đề mục.”2 Khi các bạn thực hành loại thiền này, các bạn tập trung vào các ân đức của Tăng (Saṅgha). Tăng (Saṅgha) thì hành xử tốt đẹp và vân vân.

Tiếp theo là niệm giới, tức là quán niệm về giới hạnh trong sạch của mình. “Đây là thuật ngữ chỉ cho niệm với các đặc tính đặc biệt về giới như không rách, không chắp vá vân vân, làm đề mục.”

Tiếp theo là niệm thí. Nó là quán chiếu việc bố thí của chính mình và trở nên hoan hỷ và hạnh phúc. “Đây là thuật ngữ chỉ cho niệm với những đặc tính đặc biệt của thí như xả thí, vân vân, làm đề mục.” ‘Xả thí’ là gì? ‘Xả thí’ có nghĩa là bố thí mà không mong cầu gì cả, không mong đợi gì ngược lại. Đó được gọi là “xả thí” trong Pāḷi. Từ Pāḷi là muttacāga. ‘Cāga’ có nghĩa là bố thí và ‘mutta’ có nghĩa là xả bỏ. Khi các bạn bố thí, các bạn chỉ bố thí mà thôi. Các bạn không mong đợi kết quả gì từ sự bố thí đó.

Học viên: Vậy thì nó khác với chỉ bố thí như thế nào?

Giảng sư: Có phải nó chỉ là cho ra không thôi, hay là các bạn có thể mong đợi những kết quả tốt đẹp nào đó từ hành động đó, chẳng hạn như danh thơm hay một cái gì đó trong tương lai? Ở đây, các bạn chỉ cho ra thôi, vì nó là một hành động tốt để làm. Các bạn không mong đợi gì cả từ sự bố thí này.

Tiếp theo là niệm Thiên. Tức là quán niệm về những đặc tính của chư Thiên. Trước khi họ tái sanh làm chư Thiên, họ đã là người nhân loại. Họ có những đặc tính như giới, thí và vân vân. Hành giả quán niệm rằng những đặc tính này có trong tôi. Cho nên, tôi cũng tốt đẹp như chư Thiên. So sánh với chư Thiên hay lấy chư Thiên làm chứng nhân, hành giả quán niệm trên những đặc tính tốt của mình. Cái này không phải là tự hào về chính mình mà là hoan hỷ với những đặc tính tốt của mình như rộng lượng (bố thí), có đạo đức (giới hạnh) và vân vân.

Tiếp theo là niệm chết. “Đây là thuật ngữ chỉ cho niệm với sự kết thúc của mạng quyền làm đề mục.”2 Nó đơn giản có nghĩa là chết. ‘Sự kết thúc của mạng quyền’ là một thuật ngữ chuyên môn. Nó thật ra có nghĩa là chết.

Thân hành niệm – các bạn phải hiểu thuật ngữ Pāḷi ở đây. Từ Pāḷi là kāyagatāsati. Thật ra, có ba từ trong này. Ba từ này được gom lại hay được kết nối lại thành một từ. Trong số ba từ này có từ ‘gata’. ‘Gata’ có nghĩa là ‘đã đi’ hoặc ‘gata’ có nghĩa là ‘ở một nơi nào đó’. Như vậy, trong Pāḷi, có sự khác nhau giữa ‘đã đi đến thân xác’ hoặc ‘nó ở trên thân xác’. Cho nên, nó được giải thích theo hai cách. “Nó (ND: tức là niệm) đã đi đến thân xác mà được phân tích thành tóc, vân vân.” “Hoặc nó (ND: tức là niệm) đã đi vào thân xác”1 – Tôi không thích điều này. Tôi muốn nói là “Nó (ND: tức là niệm) là trên thân xác.” Điều đó có nghĩa là tâm trí của các bạn ở trên (ND: tức là chú tâm ghi nhận) những phần khác nhau của thân xác khi các bạn thực hành loại thiền này. Về ngữ nghĩa, từ ‘gata’ có nghĩa là đã đi đến một cái gì đó. Nó có một nghĩa khác có nghĩa là ‘là’. Như vậy, nó là niệm đã đi đến các bộ phận của cơ thể hoặc niệm trên những bộ phận của cơ thể. Chúng có nghĩa giống nhau.

Học viên: Như vậy, ‘gata’ là giống với như trong từ ‘Tathāgata’ (Như Lai)?

Giảng sư: Đúng vậy!

Học viên: Vậy nó có thể có nghĩa là ‘đã đi đến một cách tốt đẹp’ không?

Giảng sư: Ở đây, nó là ‘đã đi đến’. Từ đó là ‘kāyagatāsati’, tức là niệm (sati) đã đi đến thân xác (kāya) hoặc niệm (sati) ở trên thân xác (kāya).

Học viên: ‘Tathāgata’ (Như Lai) có nghĩa là gì? Giảng sư: ‘Tathā’ có nghĩa là như vậy, theo cách đó. ‘Gata’ có nghĩa là ‘đến’ hoặc ‘là’.

Học viên: Như vậy, nó có thể có nghĩa là ‘đến như thế’ hoặc ‘đi như thế’?

Giảng sư: Đúng vậy. Các bạn biết là với những từ này, các nhà Chú Giải có trí tưởng tượng rất phong phú. Các ngài trình bày nhiều ý nghĩa cho một từ. Các bạn sẽ tìm thấy điều này hôm nay. Đôi lúc, mọi người cho rằng nhà Chú Giải không chắc nghĩa nào là đúng vì ngài trình bày đến bảy hoặc tám nghĩa cho một từ. Đó là khả năng chia chẻ từ thành nhiều phần và giải thích chúng. Chúng có thể là không bình thường, nhưng việc làm này khá thú vị đặc biệt khi nó liên quan đến việc tìm hiểu và giải thích những tên gọi của Đức Phật hoặc những từ miêu tả Đức Phật.

Chúng ta đi xuống một chút nữa: “Nhưng thay vì làm ngắn (nguyên âm) lại như cách thường làm, ‘niệm đi đến thân xác’ (kāyagatā sati)” – điều đó có nghĩa là, theo ngữ pháp Pāḷi, nguyên âm ở giữa từ ghép có thể được làm ngắn lại. Nếu nó được làm ngắn lại, thì nó sẽ là kāyagatasati, chứ không phải kāyagatāsati. Nhà Chú giải đang giải thích điều này. Ở đây, trường âm không bị làm ngắn lại. Cho nên, nó là kāyagatāsati, chứ không phải kāyagatasati.

Tiếp theo là niệm hơi thở. Điều này thì quá rõ ràng.

Loại cuối cùng là ‘sự quán niệm sanh lên có cảm hứng từ sự bình an là sự quán niệm về Níp-bàn (Nibbāna).’ Điều này thật ra có nghĩa là sự quán niệm về các ân đức của Níp-bàn (Nibbāna). Nó không bắt Níp-bàn (Nibbāna) làm đối tượng trực tiếp, nhưng nó an trú trên các ân đức của Níp-bàn (Nibbāna).

Có sáu loại tùy niệm được bàn đến trong chương này. Trước khi đi vào loại thứ nhất, chúng ta phải hiểu công  thức hoặc những từ ngữ miêu tả Đức Phật.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app