PHẦN I: GIỚI

Chương Một: Miêu Tả Về Giới

1.  Giới Thiệu

Tựa đề của nguyên tác là Visuddhimagga, được dịch là Thanh Tịnh Đạo, có nghĩa là con đường dẫn đến sự thanh lọc hay sự thanh tịnh. ‘Magga’ có nghĩa là con đường. ‘Visuddhi’ có nghĩa là sự thanh lọc hay sự thanh tịnh.

Nguyên tác được viết bằng ngôn ngữ Pāḷi. Thật ra, Pāḷi không phải là tên gọi của ngôn ngữ đó. Nó là tên của một thể loại văn học Pāḷi vốn được gọi là ‘Chánh Văn’. Thuật ngữ ‘Pāḷi’ được sử dụng với mục đích để phân biệt với Aṭṭhakathā (Sớ Giải) và Ṭīkā (Phụ Sớ Giải). Về sau, ngôn ngữ đó được biết đến hay được ghi nhận thành Pāḷi. Từ ‘Pāḷi’ có thể có nghĩa là Chánh Văn và cũng là ngôn ngữ được dùng để lưu trữ lại các bài giảng dạy. Chánh Văn thì bao gồm Luật (Vinaya), Kinh (Sutta) và Thắng Pháp (Abhidhamma). Chúng được gọi là ‘Pāḷi’. Các Sớ Giải thì được gọi là ‘Aṭṭhakathā’ và các Phụ Sớ Giải thì được gọi là ‘Ṭīkā’.

Luận văn này thuộc vào thể loại Sớ Giải, tức là một trong các thể loại của văn học Pāḷi. Trước hết, chúng ta có Chánh Văn. Rồi theo sau đó là các Sớ Giải. Và sau đó nữa là các chú giải về các Sớ Giải, mà được gọi là ‘Phụ Sớ Giải’.

Tác giả của tài liệu này là ngài Buddhaghosa. Tên gọi được lưu truyền của ngài là Bhadantācariya Buddhaghosa. Thật ra, tên gọi cá nhân của ngài là Buddhaghosa. Danh hiệu ở phía trước là Bhadantācariya. ‘Bhadanta’ có nghĩa đáng kính trọng và ‘ācariya’ có nghĩa là vị thầy. Cho nên, ý nghĩa của tên gọi của ngài là vị thầy đáng kính trọng Buddhaghosa. Buddhaghosa là tên cá nhân. ‘Buddha’ có nghĩa là Đức Phật và ‘ghosa’ có nghĩa âm giọng hay tiếng nói. Cho nên ‘Buddhaghosa’ có nghĩa là âm giọng hay  tiếng nói của Đức Phật (ND: Phật tử Việt Nam đôi lúc gọi ngài là Phật Âm).

Ngài biên soạn rất nhiều Sớ Giải. Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) không phải là Sớ Giải duy nhất do ngài viết. Tài liệu này dường như là được soạn thảo trước và rồi các Sớ Giải khác được thực hiện sau đó. Chúng tôi không rõ là chúng đã được phát hành từng cuốn một hay ít nhiều là trong cùng một thời điểm. Các Sớ Giải khác thường hay nhắc đến Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) mỗi khi chúng trình bày một vấn đề gì đó một cách chi tiết. Cho nên, chúng ta có thể giả định rằng luận văn này đã được viết trước và rồi các Sớ Giải khác được thực hiện sau đó.

Mặc dầu tài liệu này được gọi là một ‘Sớ Giải’, nhưng nó không phải là Sớ Giải của một bài kinh (sutta) cụ thể nào, hay của một nhóm những bài kinh (sutta) cụ thể nào, hay của một tạng giáo lý (piṭaka) cụ thể nào. Nó được gọi  là ‘Sớ Giải chung của Giáo Lý’. Điều này có nghĩa là nó trích dẫn khá nhiều thông tin từ Chánh Văn và rồi giải thích những đoạn trích dẫn này một cách rất chi tiết. Cho nên, nó không phải là Sớ Giải của bất kỳ một bài kinh (sutta) cụ thể nào, hay của một nhóm những bài kinh (sutta) cụ thể nào, hay của một tạng giáo lý (piṭaka) cụ thể nào. Nó là Sớ Giải chung cho tất cả Giáo Lý.

Một lần nữa, tác giả của luận văn này là ngài Buddhaghosa. Ngài đã sống vào thế kỷ thứ năm tức là cách thời của Đức Phật khoảng 900 năm.

Các Sớ Giải của ngài viết thì không phải là các tác phẩm của tự chính ngài viết ra. Lý do là vì các Sớ Giải đã có tồn tại trong thời kỳ của Đức Phật. Những Sớ Giải này được khẩu truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Sau đó, chúng đã được viết xuống và được mang đến Sri Lanka (Tích Lan). Một vài trong số đó đã được dịch sang ngôn ngữ Sinhalese. Vào thế kỷ thứ năm, ngài Buddhaghosa, một người gốc Ấn Độ, đã đến Sri Lanka và đã làm việc với các tu sĩ tại ngôi đại tự viện ở Anurādhapura, nơi đây là trụ sở vững mạnh của Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda).

Ngài đã được phép viết lại những Sớ Giải này và do đó, ngài đã viết chúng xuống cho Tăng chúng (Saṅgha) tại đó. Tất cả những gì ngài viết xuống đã được chấp nhận là các tác phẩm bình giải xác thực cho Chánh Văn, tức là cho Pāḷi.

Có một bản chú giải cho tài liệu này. Chúng ta gọi nó là bản ‘Phụ Sớ Giải’. Nó có tên gọi là Paramatthamañjūsā và có được nhắc đến trong phần giới thiệu của cuốn sách này1. Tài liệu Phụ Sớ Giải này được biên soạn bởi một vị tu sĩ có tên gọi là Venerable Dhammapāla. Tôi không rõ ngài thuộc vào thời đại nào, có lẽ là vào thế kỷ thứ bảy.

Như tựa đề của sách đã gợi ý, mục đích của việc viết ra tài liệu này là để vạch ra cho mọi người con đường dẫn đến sự thanh tịnh hay con đường dẫn đến sự thanh lọc: thanh tịnh đạo. ‘Thanh tịnh đạo’ có nghĩa là sự thanh lọc những tạp chất hay những phiền não khỏi tâm trí. Như vậy, thật ra đây là một tài liệu về thiền. Nó là một cẩm nang về thiền do một tu sĩ viết cho những tu sĩ.

Khi viết luận thư này, ngài giả định rằng độc giả đã  có kiến thức về Thắng Pháp (Abhidhamma). Cho nên, nếu không có kiến thức về Thắng Pháp (Abhidhamma) thì chúng ta sẽ không dễ dàng hiểu được một vài chỗ trong cuốn sách.

Mục đích của việc viết tài liệu này là chỉ để trợ giúp cho những ai muốn thực hành thiền. Nhiều  loại  thiền khác nhau được diễn giải trong tài liệu này. Ở một vài trường hợp, những sự giải thích được trình bày rất cặn kẽ và chi tiết.

Khi ngài viết tài liệu này, ngài đã theo sát cấu trúc được Đức Phật chỉ dạy trong một bài kinh (sutta). Cụ thể là ngài đã nhặt ra một đoạn kệ trong Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya) của Kinh Tạng (Sutta Piṭaka). Đoạn kệ đó có được trình bày trong phần đầu của cuốn sách. Ngài đã theo đoạn kệ đó hay nói cách khác là ngài đã theo công thức phát triển tâm linh vốn đã được Đức Phật chỉ dạy để hình thành nên cấu trúc cho luận văn này.

Đức Phật dạy rằng có ba giai đoạn trong tiến trình phát triển tâm linh. Thứ nhất là giới (sīla). Thứ hai là định (samādhi). Thứ ba là tuệ (paññā). Giới (sīla) là nền tảng để gầy dựng nên định (samādhi) và tuệ (paññā). Không có giới (sīla) thì không thể có định (samādhi). Không có định (samādhi) thì không thể có tuệ (paññā), tức là không thể có sự xuyên thấu vào bản chất của các pháp. Ba giai đoạn phát triển này phải nên được thực hành theo thứ tự. Ngài Buddhaghosa, tức là tác giả của luận văn này, đã theo sát cấu trúc này.

Giới (sīla) được miêu tả trong hai chương đầu tiên. Chương thứ nhất liên quan đến giới (sīla). Chương thứ hai có liên quan đến những vấn đề chúng ta gọi là ‘những sự thực hành kham khổ’1. Những sự thực hành kham khổ là với mục đích thanh lọc thêm nữa phần giới hạnh (sīla).

Từ chương thứ ba cho đến chương thứ 13, định (samādhi) được giải thích. Trong những chương này, 40 đề mục thiền chỉ tịnh được miêu tả một cách chi tiết. Hai chương cuối trong phần này trình bày lợi ích của  thiền  chỉ tịnh.

Từ chương thứ 14 cho đến chương thứ 23, tuệ (paññā) được miêu tả. Có tất cả 23 chương trong tài liệu này. Trong các chương thứ 14-17, kiến thức học thuyết về các uẩn, các xứ, các quyền, các nhân và vân vân được giải thích. Sự miêu tả về thiền minh sát (vipassanā) bắt đầu từ chương thứ 18 cho đến chương thứ 22. Chương cuối cùng (tức là chương thứ 23) giải thích các lợi ích của thiền minh sát (vipassanā).

Tài liệu này có hai phiên bản bằng tiếng Pāḷi được viết bằng ký tự Roman. Một phiên bản được hội Pali Text Society (PTS) ở London xuất bản. Phiên bản còn lại được Harvard University xuất bản. Phiên bản của PTS được xuất bản vào năm 1921. Nó già hơn tất cả mọi người chúng ta ở đây. Phiên bản Harvard được xuất bản vào năm 1950.

Có hai bản dịch sang Anh ngữ. Bản thứ nhất được thực hiện bởi một cư sĩ người Miến có tên là Pe Maung Tin; vị này cũng là biên tập viên của bộ Sớ Giải đầu tiên của tạng Thắng Pháp (Abhidhamma), tức là tài liệu Aṭṭhasālinī. Bản tiếng Anh được gọi là The Expositor. Bản dịch của Pe Maung Tin ra mắt trước và được xuất bản vào năm 1923. Bản dịch Anh ngữ thứ hai được gọi là The Path of Purification được thực hiện bởi ngài Ñāṇamoli. Ngài là một người Anh, xuất gia sau chiến tranh. Khi là tu sĩ, ngài đã sống ở Sri Lanka. Khi ngài thực hiện bản dịch này thì tôi cũng đang ở Sri Lanka. Tôi có mặt ở đó vào năm 1956 khi bản dịch này được ra mắt. Như vậy là có hai bản dịch Anh ngữ. Nhiều người cho rằng bản dịch sau thì tốt hơn. Nhưng tôi không rõ. Chúng ta sẽ phải tìm hiểu xem.

Trong tám tuần chúng ta sẽ học chỉ có ba chương  thôi. Có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục học những chương khác vào năm sau. Trong phần này, có tất cả chỉ là 120 trang. Như vậy, chúng ta sẽ phải đọc khoảng mười lăm trang mỗi tuần. Điều đó có nghĩa là các bạn phải đọc ba trang mỗi ngày. Tôi muốn các bạn phải thật sự đọc tài liệu này trước khi các bạn đến lớp học vì tôi không thể giảng chi tiết được nếu chúng ta phải đọc từ đầu đến cuối tại lớp. Chúng ta sẽ không thể hoàn thành mười lăm trang trong vòng một tiếng đồng hồ vì tôi sẽ phải giải thích một vài chi tiết khó trong tài liệu này. Như vậy, chúng ta sẽ học ba chương trong vòng tám tuần.

Chương thứ nhất có liên quan đến giới (sīla). Điều không may mắn là ở đây chỉ đề cập và thảo luận về giới (sīla) của tu sĩ mà thôi. Luận văn này được viết cho các tu sĩ. Cho nên, chương đầu tiên có liên quan hoàn toàn đến giới (sīla) của tu sĩ. Sự thanh lọc về giới (sīla) được nhấn mạnh rất nhiều trong chương này.

Có một câu nói tại Miến Điện rằng, nếu một tu sĩ nghiên cứu Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), sau khi nghiên cứu xong, ông sẽ hoặc là sẽ xả y hoàn tục hoặc là sẽ đi vào rừng và thực hành thiền. Đó là vì giới (sīla) phải được gìn giữ vô cùng trong sạch và rất khó để giữ trong sạch tất cả những giới điều này. Cho nên, một vài tu sĩ có thể sẽ trở nên vỡ mộng hoặc trở nên bất an vì nhận ra rằng mình đang bị bất tịnh và có thể xả y. Hoặc nếu các bạn là một tu sĩ trong sạch và nghiêm túc, thì các bạn sẽ giữ giới (sīla) và các bạn sẽ đi vào rừng thực hành thiền.

Học viên: Hoặc là nghiên cứu nó?

Sayadaw: Đúng vậy. Thật ra tất cả các tu sĩ đều có học hỏi và nghiên cứu vì nếu các bạn thích thú với thiền, các bạn phải học hỏi và nghiên cứu nó. Những hướng dẫn về thiền được trình bày chi tiết trong tài liệu này. Mọi người hay mọi tu sĩ muốn hành thiền thì ít nhất phải quen thuộc một chút nào đó với luận thư này, mặc dầu họ có thể là không đọc hết toàn bộ cuốn sách. Nương tựa vào giáo thọ sư và đọc một vài phần trong cuốn sách, họ có thể tiến hành việc hành thiền. Đây là cẩm nang hành thiền dành cho cả các thiền sư cũng như dành cho các học viên.

Chương thứ nhất liên quan đến giới của các tu sĩ. Trước hết, tác giả1 trình bày cho chúng ta một đoạn kệ được trích ra từ Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya). Dựa vào đoạn kệ này, ngài lập ra dàn bài (kế hoạch) cho cuốn sách. Ngài đã viết dựa trên nền của đoạn kệ này, vốn miêu tả giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā).

“Khi một người có trí, (sau khi) được củng cố vững chắc trong giới luật,

(Tiến đến) phát triển tâm và tuệ,

Thì, với tư cách là một tu sĩ (bhikkhu) có nhiệt tâm và minh mẫn,

Ông ta thành công trong việc tháo gỡ được tình trạng rối rắm này.”1

Đây là đoạn kệ được trình bày ở phần đầu của cuốn sách.

Đoạn kệ này là câu trả lời của Đức Phật cho một thiên nhân.

Vị thiên nhân đã hỏi Đức Phật như sau:

“Sự rối rắm bên trong và sự rối rắm bên ngoài –

Thế hệ này bị vướng mắc vào tình trạng rối rắm. Vậy tôi hỏi Gotama câu hỏi này:

Ai thành công trong việc tháo gỡ được tình trạng rối rắm này?”2

Sự diễn giải của đoạn kệ này được trình bày ở bên dưới. Khi các bạn đọc cuốn sách này, các bạn ít nhất sẽ thấy được một chút cách các Sớ Giải Pāḷi được viết như thế nào. Việc này bao gồm những sự chú thích diễn giải và rồi là một vài lời bình về chúng. Khi các bạn thấy những từ viết nghiêng thì đó là những từ xuất hiện trong Chánh Văn Pāḷi nguyên thủy.

“Sự rối rắm là một thuật ngữ dùng để chỉ cho mạng lưới của tham ái.”3 Thật ra, ở đây tham ái được so sánh với một mạng lưới. Khi chúng ta có tham ái, chúng ta bị vướng mắc vào nhiều thứ khác nhau.

Vị thiên nhân đã hỏi, sự rối rắm này có thể được tháo gỡ như thế nào. Đức Phật đã trả lời rằng, trước hết, các bạn đã phải thành tựu hay hành trì một cách tốt đẹp phần giới luật (sīla). Rồi các bạn (bắt đầu) phát triển hay tu tập tâm.  Ở đây, ‘tâm’ thật ra có nghĩa là định (samādhi). Định (samādhi) được miêu tả là tâm ở đây. Sau đó, các bạn phát triển hay tu tập tuệ (paññā).

“Thì, với tư cách của một tu sĩ (bhikkhu) có nhiệt tâm và minh mẫn,

Ông ta thành công trong việc tháo gỡ được tình trạng rối rắm này.”

Điều này có nghĩa là các bạn phát triển hay tu tập  định (samādhi). Các bạn thực hành thiền chỉ tịnh (samatha). Rồi các bạn phát triển tuệ. Tức là các bạn thực hành thiền minh sát (vipassanā). Nếu các bạn thực hành thiền minh sát (vipassanā), các bạn sẽ thành công trong việc tháo gỡ sự rối rắm này. Các bạn sẽ thành công trong việc tận diệt được tham ái này. Khi tham ái được tận diệt, khi tham ái được tẩy trừ, thì sẽ không còn sự rối rắm của tham ái. Như vậy, Đức Phật đã dạy vị thiên nhân này rằng, trước hết phải thành tựu giới luật, tức là hành trì giới luật một cách tốt đẹp. Rồi vị thiên nhân được dạy là phải thực hành thiền, tức là định (samādhi) và rồi vị đó được dạy là phải phát triển hay tu tập tuệ (paññā).

Thiền minh sát (vipassanā) và tuệ (paññā) là đồng nghĩa. Định (samādhi) và tâm (citta) ở đây là đồng nghĩa. Định (samādhi) và thiền chỉ tịnh (samatha) là đồng nghĩa. Rồi tác giả1 miêu tả cách ngài sẽ viết luận văn này như  thế nào.

“Tại đây, sự thanh tịnh nên được hiểu là Níp-bàn (Nibbāna).”1 ‘Sự thanh tịnh’ thật sự có nghĩa là Níp-bàn (Nibbāna). “Tại đây, sự thanh tịnh nên được hiểu là Níp- bàn (Nibbāna), tức là trống vắng tất cả những nhơ bẩn, do đó hoàn toàn thanh tịnh. Thanh Tịnh Đạo là đạo lộ dẫn đến sự thanh tịnh đó; nó là phương tiện tiếp cận mà được gọi là ‘con đường’.”

Có một vài điểm tôi muốn chỉnh sửa, tức là đề nghị nên dịch cách khác tốt hơn. Trong đoạn văn số 5 – “Thanh Tịnh Đạo là đạo lộ dẫn đến sự thanh tịnh đó; nó là phương tiện tiếp cận.” Tôi nghĩ chúng ta nên nói là “phương tiện chứng đắc mà được gọi là ‘con đường’”. Thuật ngữ Pāḷi ‘adhigama’ được dùng với nghĩa sự chứng đắc, việc đạt đến. Dịch như vậy thì tốt hơn là dịch “phương tiện tiếp cận mà được gọi là ‘con đường’”.

“Ý nghĩa là, tôi sẽ trình bày, sẽ thuyết giảng thanh tịnh đạo. Thanh tịnh đạo đó đôi lúc được giảng dạy chỉ bằng hoặc chỉ thông qua (ND: tức là chỉ bao gồm) thiền minh sát (vipassanā) mà thôi như được trình bày:”3 Các giáo thọ sư cổ xưa luôn rất lưu tâm và cẩn trọng trong việc trình bày bằng chứng đích xác cho những gì họ nói. Cho nên, ngài Buddhaghosa luôn luôn dẫn chứng hay trích dẫn những câu văn trong Chánh Văn, tức là trong các tài liệu Pāḷi. Ở đây, tác giả đã trích dẫn một câu văn từ các bài kinh (sutta) để làm dẫn chứng xác thực.

“Các pháp hành là vô thường:

Khi một ai nhìn thấy điều này với sự thấu hiểu Và tránh xa khỏi các tội lỗi và sai quấy,

Đó là con đường dẫn đến sự thanh tịnh.”

Thiền minh sát (vipasanā) được ngụ ý ở đây. Đôi lúc, thanh tịnh đạo được giảng dạy chỉ bằng hoặc chỉ thông qua thiền minh sát (vipassanā).

“Và trong một vài trường hợp, bằng hoặc thông qua thiền (jhāna) và sự thấu hiểu như được trình bày:”2 – ở đây, thiền (jhāna) có nghĩa là thiền chỉ tịnh. ‘Sự thấu hiểu’ có nghĩa là thiền minh sát (vipassanā). Đôi lúc, đạo lộ được giảng dạy bằng hoặc thông qua thiền chỉ tịnh (samatha) và thiền minh sát (vipassanā).

“Người gần với Níp-bàn (Nibbāna)

Là người vốn có trong mình thiền (jhāna) và sự thấu hiểu.”

Đây là một câu trích dẫn từ Pháp Cú Kinh (Dhammapada). Một lần nữa, ở đây thiền (jhāna) có nghĩa là thiền chỉ tịnh (samatha). Điều này sẽ được miêu tả rất chi tiết trong các chương tiếp theo.

“Và trong một vài trường hợp, bằng nghiệp (kamma), vân vân, như được trình bày:

‘Do bởi các hành động (nghiệp), tầm nhìn và sự chính trực,

 

Do bởi giới hạnh, đời sống cao thượng –

Phàm chúng được thanh tịnh bởi những điều này,

Chứ không phải do dòng tộc và tài sản’.”1

Trong đoạn kệ này, nghiệp (kamma), sự sáng suốt, sự chính trực, giới hạnh và đời sống cao thượng được miêu tả là đạo lộ dẫn đến sự thanh tịnh. Khi Đức Phật giảng Pháp, Ngài thuyết giảng theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào hoặc thích ứng với khả năng của thính chúng.

“Và trong một vài trường hợp, bằng giới hạnh, vân vân, như được trình bày:

‘Người sở hữu giới hạnh,

Có sự hiểu biết, và tập trung,

Hăng hái tích cực (tức là người có nghị lực dũng mãnh hay người tinh cần nỗ lực) và chuyên cần,

Sẽ vượt bộc lưu vốn khó vượt qua’.”

“Và trong một vài trường hợp, bằng những nền tảng của chánh niệm (đôi lúc đạo lộ được miêu tả bởi các nền tảng của chánh niệm), vân vân, như được trình bày: ‘Này các tỳ-kheo, đạo lộ này là con đường duy nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh’.”

“Tương tự trong trường hợp của chánh tinh tấn và vân vân” – đạo lộ này được miêu tả đôi lúc thông qua chánh tinh tấn và đôi lúc thông qua những căn quyền và những pháp khác.

“Nhưng trong câu trả lời cho câu hỏi này, nó được trình bày, hướng dẫn hay chỉ dạy thông qua giới hạnh và hai pháp còn lại.”1 Ở đây, trong bài kệ này, tức là bài kệ ở ngay phía đầu của luận thư này, đạo lộ được miêu tả hay được giảng dạy thông qua giới, định và tuệ.

Rồi sự giảng giải chi tiết của đoạn kệ này được trình bày trong đoạn văn số 7 – “(sau khi) được củng cố vững chắc trong giới luật, một người có trí (tiến đến) phát triển định và tuệ” và vân vân. Bây giờ, chúng ta hãy xem từ ‘có trí’ được giải thích như thế nào. “Có trí: sở hữu loại hiểu biết được sanh lên do nghiệp thông qua tâm tục sinh tam nhân.”2 Các bạn đã quen thuộc với các nhân rồi: tham (lobha), sân (dosa), si (moha) và những đối nghịch của chúng là vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha). Tâm tục sinh có thể được đi kèm theo bởi hai nhân (vô tham (alobha) và vô sân (adosa) hoặc với ba nhân (vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha). Khi nó được đi kèm theo bởi ba nhân, người đó được gọi là ‘người tam nhân’. Chỉ có những người tam nhân này mới có thể trở nên giác ngộ trong kiếp sống cụ thể đó. Nếu tâm tục sinh của chúng ta chỉ được đi kèm theo bởi hai nhân, tức là vô tham và vô sân, chúng ta không thể hy vọng giác ngộ trong kiếp sống này. ‘Một người có trí’ có nghĩa là người sanh ra với ba nhân. Tâm tục sinh của người đó có tất cả ba nhân. Trí tuệ hay vô si (amoha) được bao gồm trong tâm tục sinh của ông ta.

Học viên: Lobha là sân phải không ạ?

Giảng sư: Lobha và tham. Dosa là sân. Moha là si. Những đối nghịch (của chúng) là alobha (vô tham), adosa (vô sân) và amoha (vô si). Chỉ có hai hoặc ba trong nhóm ba nhân sau mới đi cùng với tâm tục sinh (ND: tức là chỉ có vô tham và vô sân, hoặc cả ba – vô tham, vô sân và vô si).

Nếu các bạn nhớ biểu đồ của lộ trình tử và tục sinh, thì các bạn sẽ nhớ tâm tục sinh (paṭisandhi). Tâm này được đi cùng với một vài tâm sở. Trong số những tâm sở này, có thể có cả ba nhân tốt hoặc có thể chỉ có hai nhân tốt. Nếu một người tái sanh với tâm tục sinh được đi kèm bởi ba nhân, người đó được gọi là ‘có trí’ ở đây.

“(Tiến đến) phát triển tâm và tuệ: phát triển cả định  và tuệ.”1 Có nghĩa là hành giả thực hành cả thiền chỉ tịnh (samatha) và thiền minh sát (vipassanā).

“Minh mẫn: nó là sự hiểu biết mà được gọi là sự thông minh, khôn ngoan; ý nghĩa ở đây là sở hữu cái hiểu biết đó. Thuật ngữ này chỉ cho sự hiểu biết mang tính che chở, hộ trì.”2 Thật ra ở đây, ‘sự hiểu biết’ có nghĩa là một dạng hiểu biết thông suốt nào đó. Sự hiểu biết thông suốt cái gì là có lợi ích và sự hiểu biết thông suốt cái gì là thích hợp: cái này là cái được gọi là ‘sự hiểu biết’ ở đây. Thay vì nói là ‘sự hiểu biết mang tính che chở, hộ trì’, chúng ta nên nói là ‘sự hiểu biết có liên quan đến việc duy trì thiền’. Điều này có nghĩa là khi các bạn hành thiền, các bạn phải biết cái gì là có lợi ích và cái gì là không có lợi ích, và cái gì là thích hợp và cái gì là không thích hợp. Các bạn phải luôn luôn giữ loại trí tuệ hay sự hiểu biết này bên cạnh mình khi các bạn hành thiền. Đó là ý nghĩa cần được hiểu  ở đây.

“Người thấy sự kinh sợ (bhayaṃ ikkhati) trong vòng sanh tử luân hồi, người như vậy là một tỳ-kheo (bhikkhu).”1 Từ ‘bhikkhu’ được dịch là tỳ-khưu, hoặc tỳ-kheo, hoặc tu sĩ. Hầu hết các bài pháp thoại (sutta) Đức Phật thuyết đều được hướng đến các tu sĩ. Cho nên, các bạn thường thấy Đức Phật gọi “Này các tỳ-kheo”. Trong một bài pháp thoại (sutta), cụ thể đó là bài kinh (sutta) về các nền tảng của chánh niệm, Sớ Giải đã giải thích rằng bất kỳ ai thực hành thiền và thấy được sự nguy hại trong sự hiện hữu đều có thể được gọi là ‘tỳ kheo’ (bhikkhu), tức là một tu sĩ. Thuật ngữ ‘bhikkhu’ xuất nguồn từ ‘bhi’ và ‘ikkhu’. ‘Bhi’ ở đây có nghĩa là sự kinh sợ hay sự nguy hại. ‘Ikkhu’ có nghĩa là thấy. Như vậy, ý nghĩa là người mà thấy được sự nguy hại trong sự hiện hữu thì có thể được gọi là ‘tỳ-kheo’ (bhikkhu). Như vậy, trường hợp này không chỉ nói đến những tu sĩ xuất gia, mà bất kỳ ai thấy được sự nguy hại trong sự hiện hữu hay trong sự tồn tại đều có thể được gọi là ‘tỳ-kheo’ (bhikkhu). Người như vậy sẽ có khả năng cắt đứt sự rối rắm này và trở thành vị A-la-hán (Arahant).

Với bài kệ này, Đức Phật đã chỉ ra nhiều điều – ba sự huấn luyện (ND: tam học), giáo pháp hoàn mỹ trong ba phương diện và vân vân. Tất cả những điều này sẽ được giải thích về sau.

Giáo pháp của Đức Phật được nói là hoàn mỹ ở chặng đầu, hoàn mỹ ở chặng giữa và hoàn mỹ ở chặng cuối. Tại sao nó lại là hoàn mỹ ở chặng đầu? “Vì do đoạn kinh: Cái gì là khởi điểm của những pháp hữu ích?”1 ‘Các pháp hữu ích’ ở đây có nghĩa là thiện (kusala). Các tác giả khác nhau chuyển ngữ từ Pāḷi ‘kusala’ khác nhau. Tôi thích dùng từ ‘thiện’ hơn. Ở đây, tác giả2 lại thích từ ‘hữu ích’. ‘Các pháp hữu ích’ có nghĩa là các pháp thiện.

“‘Không làm bất cứ điều ác nào’, giới luật là chặng đầu của giáo pháp.” Cho nên, giới luật (sīla) là chặng đầu của giáo pháp của Đức Phật, tức là Phật giáo.

“Và điều đó là tốt đẹp hay hoàn mỹ vì nó mang lại những phẩm chất đặc biệt như bất hối và vân vân.”4 Giới (sīla) hỗ trợ hay tạo điều kiện cho những cảm giác bất hối, vì khi một người có giới hạnh trong sạch, người đó tự tại, không có những cảm giác tội lỗi hay ân hận. Lợi ích của giới hạnh (sīla) trong sạch là bất hối.

“Và vân vân” có nghĩa là gì? Điều này dẫn đến hay đưa đến điều khác. Trong đoạn văn số 32, chúng ta sẽ tìm hiểu về điều này. “Giới luật có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho chế ngự sanh khởi, chế ngự có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho bất hối sanh khởi.” Khi chúng ta có sự chế ngự hay kiềm chế, chúng ta sẽ không có những hối tiếc; chúng ta tự tại không hối tiếc.

“Bất hối có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho hân hoan sanh khởi.” Khi có bất hối, chúng ta trở nên hân hoan. “Hân hoan có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho hạnh phúc sanh khởi.” Hân hoan là một dạng thấp hay yếu của hạnh phúc, còn hạnh phúc thì cao hơn, mạnh hơn hân hoan.

Hạnh phúc này dẫn đến an tịnh. Chỉ khi nào có hạnh phúc, tức là cả hạnh phúc của tâm (‘hạnh phúc’ cũng có nghĩa là an vui, thoải mái) và sự an vui, thoải mái của thân, thì an tịnh mới sanh lên.

“An tịnh có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho lạc (sukha) sanh khởi.” ‘Sukha’ ở đây được dịch là lạc. An tịnh là passaddhi. Các bạn sẽ gặp những thuật ngữ này trong 52 tâm sở – tĩnh tánh (kāya-passaddhi) và tĩnh tâm (citta-passaddhi).

“An tịnh có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho lạc sanh khởi, và lạc có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho định sanh khởi; định có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho chánh tri kiến sanh khởi.”1 Để có định hay để cho định sanh khởi, chúng ta cần lạc. ‘Lạc’ ở đây có nghĩa là sự an lạc. Khi không có sự an lạc, chúng ta không thể có định. Như vậy, từng bước một, tiến trình này cuối cùng dẫn đến sự giải thoát khỏi mọi khổ đau, đến sự tận diệt mọi khổ đau và đến sự tận diệt mọi phiền não.

Định là chặng giữa của giáo pháp của Đức Phật. “Vì do đoạn văn bắt đầu với ‘Thực hành những điều hữu ích’” – ở đây cũng vậy, sự chuyển ngữ thường gặp là vun bồi những gì là thiện, những gì là tốt. Các bạn có nhớ đoạn kệ mà tôi đã đề cập đến trong bài giảng Thắng Pháp (Abhidhamma) thứ nhất hay thứ nhì gì đó không? Có một đoạn kệ trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) miêu tả một cách vắn tắt những lời giảng dạy của Đức Phật. Đó là: “Không làm việc ác, vun bồi việc thiện, thanh lọc tâm trí – đây là những lời dạy của Chư Phật.” Tác giả2 ở đây muốn nói đến đoạn kệ này.

‘Thực hành những điều hữu ích’ có nghĩa là vun bồi những gì là thiện. Đây là chặng giữa của giáo pháp vì nó có nghĩa là định.

“Điều đó là tốt đẹp vì nó mang lại những phẩm chất đặc biệt như thần thông và vân vân.”3 Khi các bạn có định, các bạn có thể chứng đạt các tầng thiền (jhāna) và cũng như thần thông.

“Sự hoàn mỹ ở chặng cuối được thể hiện thông qua sự hiểu biết hay trí tuệ.”4 Sự hiểu biết, sự thông hiểu hay trí tuệ là giai đoạn cao nhất hay tầng mức cao nhất. “Vì do đoạn văn ‘Thanh lọc tâm trí – đây là những lời dạy của Chư Phật’ và vì tuệ hay sự hiểu biết là cực điểm của giáo pháp, tuệ hay sự hiểu biết là chặng cuối của giáo pháp.”1 ‘Tuệ  hay sự hiểu biết’ ở đây có nghĩa là sự xuyên thấu vào Tứ Thánh Đế.

Bây giờ đến đoạn văn 11 – “Cũng vậy, điều kiện cần thiết cho (hoặc để có) tam minh được ghi nhận ở giới.”2 Các bạn có biết tam minh là gì không? Giới (sīla) là điều kiện cần thiết cho (hoặc để có) tam minh. Tam minh là túc mạng minh (tức là nhớ lại những kiếp sống quá khứ), thiên nhãn minh hay sanh tử minh (tức là biết được sự tử sanh của chúng sanh) và lậu tận minh (tức là tuệ đoạn trừ các phiền não). Ba loại tuệ này được gọi là tam minh. Thật ra, chúng là thần thông. Chúng thuộc về thần thông, tức là kiến thức siêu phàm.

“Điều kiện cần thiết cho (hoặc để có) lục thông được ghi nhận ở định.”3 Lục thông được trình bày trong phần chú thích. Ba trong số chúng là tam minh. Chúng là thần túc thông (tức là hành giả có khả năng thực hiện một số việc kỳ diệu), thiên nhĩ thông, tha tâm thông (tức là đọc được tâm trí của người khác), túc mạng thông, sanh tử thông và lậu tận thông.

“Điều kiện cần thiết cho (hoặc để có) tứ tuệ phân tích được ghi nhận ở tuệ.”4 Tứ tuệ phân tích là gì, các bạn có hiểu không? Thật ra đây là một dạng trí tuệ. Chúng ta hãy nhìn vào phần chú thích. Đó là nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải (ND: Bản tiếng Anh của ngài Ñāṇamoli dùng từ ‘law’ có nghĩa là quy luật. Ngài Sīlānanda giải thích rằng ‘law’ (quy luật) có nghĩa là ‘dhamma’ (pháp)), từ vô ngại giải (tức là ngôn ngữ) và biện tài vô ngại giải (tức là trí tuệ và sự thông minh). Bốn tuệ này được gọi là tứ tuệ phân tích trong Vô Ngại Giải (Paṭisambhidā).

Thứ nhất là nghĩa. Chỉ có nghĩa được ghi nhận trong phần chú thích. Thật ra, nó là kiến thức hay sự hiểu biết rằng một cái gì đó sanh lên hay sanh ra từ một cái gì khác. Một cái gì đó sanh lên phụ thuộc vào một cái gì khác. Nó là kết quả hay hậu quả. Thay vì là quy luật (law), chúng ta có thể lý giải nó có nghĩa là nguyên nhân và cũng là những ngôn từ của Đức Phật. Ngôn ngữ thì chỉ là ngôn ngữ. Ở đây, trường phái Thượng Tọa Bộ (Theravāda) lý giải nó có nghĩa là ngôn ngữ Pāḷi.

Các bạn biết là ai cũng muốn ngôn ngữ của mình là ngôn ngữ khởi nguồn của nhân loại. Cho nên, những người sanh trưởng trong truyền thống ngôn ngữ Pāḷi thì  có khuynh hướng cho rằng Pāḷi là ngôn ngữ khởi nguồn. Họ có khuynh hướng cho rằng Pāḷi là ngôn ngữ được dùng bởi những người đầu tiên xuất hiện trên thế gian. Những người sanh trưởng trong truyền thống Sanskrit thì lại nói rằng Sanskrit là ngôn ngữ khởi nguồn của nhân loại. Cho nên, ở đây, ‘ngôn ngữ’ hay ‘từ’ ở đây có nghĩa là ngôn ngữ Pāḷi. ‘Biện tài’ hay ‘sự tinh thông’ chỉ có nghĩa là sự hiểu biết hay trí tuệ.

Khá nhiều ý nghĩa được diễn giải thông qua chỉ một đoạn kệ này. Chúng ta không chắc là Đức Phật thật sự đã có ý nói tất cả những điều này. Các nhà chú giải rất thích diễn giải một câu pháp hay một câu kệ của Đức Phật theo nhiều cách.

Trong đoạn văn 12, “Cũng vậy, phương tiện để vượt qua các đọa xứ được ghi nhận ở giới.”1 ‘Các đọa xứ’ là bốn đọa xứ (apāya): súc sanh, địa ngục, a-tu-la và ngạ quỷ.

“Phương tiện để vượt qua lãnh vực hay yếu tố của các khao khát dục trần được ghi nhận ở định…”2 – các bạn có biết lãnh vực hay yếu tố của những khao khát dục trần là gì không? Các bạn hiểu về điều này như thế nào? “Lãnh vực hay yếu tố của những khao khát dục trần” có nghĩa là dục giới, tức là thế giới của những khao khát dục trần (kāmāvacara loka). Từ Pāḷi được dùng ở đây là ‘dhātu’. ‘Dhātu’ thường được dịch là ‘giới’. Cho nên, tác giả  chuyển ngữ nó thành ‘giới của những khao khát dục trần’, nhưng như vậy lại không chuyển tải được ý nghĩa muốn nói ở đây. Trong Pāḷi, chúng ta có dục giới (kāmadhātu), sắc giới (rūpadhātu) và vô sắc giới (arūpadhātu). ‘Kāmadhātu’ có nghĩa là các cõi của những khao khát dục trần. Tức là  cõi nhân loại, sáu cõi trời dục giới và bốn đọa xứ. Cho nên, ở đây, tôi nghĩ chúng ta nên nói là dục giới, tức là thế giới của những khao khát dục trần. Như vậy, ý nghĩa sẽ rõ ràng hơn.

Học viên: Bạch ngài U Sīlānanda, tôi muốn đọc lại câu hỏi và câu trả lời cho những ai không có sách trong buổi học hôm nay. Câu hỏi mà Sớ Giải trả lời là: “Sự rối rắm bên trong và sự rối rắm bên ngoài, thế hệ này bị vướng mắc vào tình trạng rối rắm. Vậy, tôi hỏi Gotama câu hỏi này: Ai thành công trong việc tháo gỡ được tình trạng rối rắm này?” Câu trả lời là: “Khi một người có trí, (sau khi) được củng cố vững chắc trong giới luật, (tiến đến) phát triển định và tuệ, thì với tư cách của một tu sĩ (bhikkhu) có nhiệt tâm và minh mẫn, ông ta thành công trong việc tháo gỡ được tình trạng rối rắm này.”

Giảng sư: Tôi nghĩ, tốt hơn là vào những lần sau, các bạn nên đọc trước những đoạn kinh này. Hôm nay, vì không quen thuộc với những đoạn kinh, các bạn có lẽ đã không hiểu rõ được một vài chỗ.

Đây chỉ là phần trình bày mang tính giới thiệu trước khi tác giả1 thật sự đi vào giảng giải giới là gì, ý nghĩa của giới (sīla) và vân vân. Ngài tiến hành theo cách thức này. Trước hết, ngài đặt những câu hỏi. Rồi ngài trình bày những câu trả lời, từng câu một.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app