3.  Thân Hành Niệm

Bây giờ, chúng ta đi đến phần tiếp theo: Thân Hành Niệm. Nó bắt đầu với câu trích dẫn từ các bài Kinh (sutta) mà Đức Phật ca ngợi việc thực hành Thân Hành Niệm. “Này các tỳ-kheo, có một pháp khi được phát triển, được tu tập và được thực hành đi lại nhiều lần, nó (sẽ) dẫn đến cảm giác khẩn thiết cao tột, dẫn đến lợi ích tối thượng, dẫn đến sự đoạn tuyệt tối thượng của những ràng buộc, dẫn đến sự chánh niệm và nhận biết tối thượng, dẫn đến sự chứng đạt tri kiến, dẫn đến đời sống an lạc thực tại, dẫn đến sự chứng ngộ quả của minh và giải thoát. Pháp đó là gì? Đó là Thân Hành Niệm.”

Rồi có một câu trích từ một bài Kinh (sutta) khác: “Này các tỳ-kheo, những người tận hưởng Thân Hành Niệm là những người tận hưởng bất tử; những người không tận hưởng Thân Hành Niệm là những người không tận hưởng bất tử.”2

Điều này thật ra có nghĩa là khi các hành giả thực hành Thân Hành Niệm, họ không dừng lại chỉ ở Thân Hành Niệm. Sau khi thực hành Thân Hành Niệm, họ thực hành thiền quán (vipassanā). Đó là lý do tại sao các hành giả được gọi là tận hưởng bất tử hay Níp-bàn (Nibbāna).

“‘Những người đã tận hưởng Thân Hành Niệm là những người đã tận hưởng bất tử; những người chưa tận hưởng… Những người đã hờ hững… Những người đã không hờ hững… Những người đã bỏ lỡ… Những người đã tìm thấy Thân Hành Niệm là những người đã tìm thấy bất tử.’ Và rồi nó được miêu tả trong mười bốn phần trong đoạn văn bắt đầu với: ‘Và, này các tỳ-kheo, Thân Hành Niệm với quả to lớn, với lợi ích vô cùng được phát triển, được tu tập và được thực hành đi lại nhiều lần như thế nào?

Ở đây, này các tỳ-kheo, vị tu sĩ sau khi đi vào rừng’…” và vân vân.

Đây là những lời tuyên thuyết của Đức Phật ca ngợi Thân Hành Niệm. Chúng ta không nên hiểu rằng chỉ có Thân Hành Niệm là tốt nhất. Có những loại thiền khác nữa. Chúng ta đã học qua nhiều loại thiền. Bất kỳ loại thiền nào, nếu chúng ta thực hành một cách đúng đắn và thích đáng, đều sẽ đưa đến sự chứng đạt bất tử, tức là sự chứng đắc Níp-bàn (Nibbāna).

Nếu chúng ta chỉ ghi nhận lời tuyên thuyết này, chúng ta có lẽ muốn nói rằng chỉ có Thân Hành Niệm là pháp duy nhất để thực hành, chứ không phải những loại thiền khác, vì ở đây, Đức Phật đã nói rằng những ai tận hưởng Thân Hành Niệm thì tận hưởng bất tử. Thật ra, mọi loại thiền, thậm chí thiền chỉ tịnh (samatha) khi được dùng làm nền cho thiền minh sát (vipassanā) cũng có thể giúp mọi người chứng đạt sự giác ngộ. Bất kỳ loại thiền gì cũng tốt cho việc thực hành.

Thân Hành Niệm được miêu tả bao gồm trong mười bốn phần trong bài kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta). Có bốn niệm xứ. Chúng là thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ và pháp niệm xứ.

Thân niệm xứ được miêu tả bao gồm trong mười bốn phần trong bài kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta).

Tất cả chúng có thể được gọi là Thân Hành Niệm. Một vài phần hoặc một vài loại thiền có tên gọi riêng của chúng. Ví dụ, có thiền niệm hơi thở. Phần này của bài kinh (sutta) được gọi là ‘niệm hơi thở’ (ānāpānassati). Chúng ta không gọi nó là Thân Hành Niệm (kāyagātasati). Niệm thân bao gồm cả mười bốn phần này – hơi thở, các đại oai nghi, các tiểu oai nghi, 32 thể trược (Chúng ta sẽ học về chúng), tứ đại, và chín loại thiền về xác chết. Tất cả những loại này được miêu tả dưới đầu đề niệm thân.

“Và nó được miêu tả bao gồm trong mười bốn phần trong đoạn văn bắt đầu với: ‘Và, này các tỳ-kheo, Thân Hành Niệm với quả to lớn, với lợi ích vô cùng được phát triển, được tu tập và được thực hành đi lại nhiều lần như thế nào?’”1 Nguồn được trích dẫn là Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya). Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta) có thể được tìm thấy trong hai nơi: Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) và Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya). Kinh Đại Niệm Xứ xuất hiện hai lần trong Tam Tạng (Tipiṭaka).

Chúng ta có “tức là, các phần về hơi thở, về các oai nghi, về bốn sự tỉnh giác, về chú tâm hướng đến sự uế trược (Đây là phần về 32 thể trược của cơ thể), về chú tâm hướng đến tứ đại, và về chín loại quán niệm tử thi.”

“Ở đây, ba phần, tức là phần về các oai nghi, về bốn sự tỉnh giác, và về chú tâm hướng đến tứ đại, như chúng được trình bày (trong bài kinh (sutta) đó) là bàn về hay có liên quan đến minh sát.”1 Chúng bàn về hay có liên quan đến thiền minh sát (vipassanā), phần về các oai nghi, phần về bốn loại tỉnh giác, và phần về chú tâm đến tứ đại.

“Rồi chín phần về những quán tưởng nghĩa trang, như được trình bày ở đó, bàn về hay có liên quan đến giai đoạn đặc biệt của tuệ minh sát, được gọi là Quán Tưởng Sự Nguy Hại.”2 Thật ra, tôi sẽ gọi là ‘Quán Tưởng Các Tật Lỗi hay Các Khuyết Điểm’, không hẳn là sự nguy hại. Khi chúng ta thực hành thiền quán tưởng nghĩa địa (tức là quán xác chết), chúng ta tìm khuyết điểm hay tật lỗi trong cơ thể của mình. Chúng ta có thể nghĩ rằng thân xác của chúng ta là đẹp, là xinh, là đáng được khao khát. Khi chúng ta thực hành loại thiền này, chúng ta tìm thấy khuyết điểm hay tật lỗi trong cơ thể của mình. Thân xác thì chỉ là một nhóm những vật dơ bẩn kết hợp lại với nhau. Nó là cái gì đó giống như vậy. Cho nên, loại này bàn về hay có liên quan đến thiền minh sát. Lúc ban đầu, nó có thể là thiền chỉ tịnh (samatha), nhưng cuối cùng nó trở thành thiền minh sát (vipassanā).

“Và bất kỳ sự phát triển định nào với đề mục thi thể trương phình, vân vân, mà có thể được hàm ý ở đó thì đã được giải thích trong Phần Miêu Tả Về Quán Bất Mỹ (Chương VI). Cho nên, chỉ còn hai phần, tức là phần về niệm hơi thở và phần hướng tâm đến sự uế trược như được trình bày ở đó, thì bàn về hoặc có liên quan đến định (‘Định’ ở đây có nghĩa là thiền chỉ tịnh (samatha)).” Theo sự trình bày này thì các phần về thiền niệm hơi thở và về thiền quán sự uế trược là thiền chỉ (samatha). Chúng được xem và được phân tích là thiền chỉ (samatha) trong Thanh Tịnh Đạo (Visudhimagga). “Trong hai phần này, phần về thiền niệm hơi thở là một đề tài thiền riêng biệt, có tên gọi là Niệm Hơi Thở.”1 Phần này sẽ được trình bày sau.

“Thân Hành Niệm ở đây là muốn nói đến 32 thể trược.”2 Theo loại thiền này thì có 32 thể trược. Người nhân loại chúng ta được tạo thành bởi 32 phần. Khi chúng ta  thực hành loại thiền này, chúng ta cố gắng ghi nhận 32 phần này là uế trược và vân vân. Mục đích là để từ bỏ sự dính mắc vào thân xác của mình cũng như sự dính mắc vào thân xác của những người khác.

Ba mươi hai thể trược của cơ thể được trình bày ở đây. “Lại nữa, này các tỳ-kheo, vị tu sĩ quán niệm thân xác này, từ gót chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống và được chứa đựng bên trong lớp da này là đủ nhiều thứ dơ bẩn như: Trong thân xác này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, dạ dày, thực phẩm chưa tiêu hóa, phẩn, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, bạch dịch, nước bọt, nước  mũi, dầu ở khớp xương, và nước tiểu, với não được bao gồm trong tủy ở phần trình bày này [như vậy chỉ có 31 thể trược].”3 Trong Chánh Văn chỉ có 31 bộ phận được nhắc đến, chứ không phải là 32 như chúng ta đã quen thuộc. Bộ phận thiếu đi trong Chánh Văn thì được nhắc đến trong bộ sách Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga). Bộ sách đó được cho là do ngài Sāriputta thuyết giảng, chứ không phải do Đức Phật.

Tại các quốc gia của chúng tôi, những bộ sách này được bao gồm trong Kinh Điển. Chúng được xem là thuộc vào Chánh Văn. Nhưng các nhà nghiên cứu và phê bình Tây phương lại muốn tách riêng chúng ra – đó là các bộ sách Milinda Vấn Đạo (Milindapañhā), Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga) và Đại Diễn Giải (Mahāniddesa). Chúng được gọi là Hậu Kinh Điển. Nhưng tại các quốc gia của chúng tôi, chúng tôi bao gồm chúng vào Chánh Văn vì chúng tôi tin rằng chúng được thuyết giảng trong thời của Đức Phật và rằng Đức Phật đã chấp nhận chúng là đáng tin cậy và xác thực. Cho nên, chúng cũng có giá trị như những lời dạy của Đức Phật. Chúng tôi chỉ cứ xem chúng là thuộc vào thể loại Chánh Văn.

Học viên: Đức Phật có 32 tướng tốt phải không ạ? Giảng sư: Đúng vậy.

Học viên: Những tướng tốt đó có chút gì tương thích với những bộ phận này không?

Giảng sư: Ồ, không. Những đặc tướng này là các dấu hiệu của một vĩ nhân. Do bởi những đặc tướng này mà các nhà tiên tri đã kết luận rằng cậu bé này sẽ thành Phật hoặc sẽ thành một vị chuyển luân vương. Điều được ghi nhận là những đặc tướng này đã được nhắc đến trong các tài liệu cổ xưa trước thời Đức Phật xuất hiện. Cho nên, chúng đã xuất hiện trong các kinh sách của đạo Bà-la-môn hoặc thậm chí trước đó nữa. Họ chỉ lấy ra từ những cuốn sách đó và ghi nhận lại trong các Chánh Văn.

Ba mươi hai bộ phận này là dành cho thiền quán thể trược. Chúng khác với những đặc tướng trên. Như vậy, tất cả những thể trược của xác thân được trình bày ở đây – tóc, lông, và vân vân.

Não thì không được Đức Phật nhắc đến trong các bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên, nó lại được nhắc đến trong Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga). Các Sớ Giải và các giáo thọ sư cổ xưa có bao gồm nó trong các bộ phận của cơ thể. Các ngài đặt não sau phẩn và trước mật. Tức là các ngài đặt não vào ngay giữa phẩn và mật.

Trong các bài kinh (sutta), 32 hoặc 31 bộ phận này được phân tích thành các yếu tố. Hai mươi bộ phận đầu tiên cho đến phẩn hoặc não thì được cho là thuộc vào yếu tố đất. Chúng có nhiều yếu tố đất hơn những yếu tố còn lại. Những bộ phận còn lại thì được cho là thuộc vào yếu tố nước – mật, đàm, mủ và vân vân. Nếu chúng ta thực hành thiền các yếu tố (ND: tức là thiền phân tích tứ đại), thì chúng ta nhìn quán chúng rằng, những bộ phận này thuộc vào yếu tố đất và những bộ phận này thuộc vào yếu tố nước.

Học viên: Tại sao ‘phổi’ (papphāsa) lại được dịch khác nhau trong nhiều tài liệu tiếng Anh khác nhau?1

Giảng viên: Điều này khó lắm vì đây là những thuật ngữ y khoa. Chúng ta sẽ thảo luận về chúng sau. Tôi không biết. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Những tác giả khác nhau dùng những thuật ngữ khác nhau. (Về sau, chúng tôi đã xác định rằng chúng là phổi) Nó là một bộ phận nội tạng của cơ thể. Chúng ta xem là có 32 bộ phận, mặc dầu trong các bài kinh (sutta) thì chỉ có nhắc đến 31 bộ phận mà thôi. Như vậy, chúng ta hãy chấp nhận rằng 32 bộ phận là con số tiêu chuẩn.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào các phần giải thích. “Thân xác này: thân xác dơ bẩn này được cấu thành từ bốn sắc tứ đại. Đi lên từ các lòng bàn chân: từ các lòng bàn  chân trở lên. Đi xuống từ đỉnh tóc: từ điểm cao nhất của tóc trở xuống. Được chứa đựng trong lớp da: được bao bọc quanh bởi lớp da. Quán sát… là đủ thứ dơ bẩn: hành giả nhìn thấy rằng cơ thể này chứa đựng những thứ dơ bẩn bắt đầu với tóc. Như thế nào? Trong thân xác này, có tóc”2 và vân vân. Loại thiền này được dạy tại mọi tự viện. Các sa-di được dạy là phải tụng đọc 32 thể trược này đi lại nhiều lần.

“Ở đây, ‘có’ có nghĩa là được tìm thấy ở đó. Trong (thân xác) này: trong (thân xác) này vốn được trình bày rằng ‘Đi lên từ các lòng bàn chân và đi xuống từ đỉnh tóc và được chứa đựng trong lớp da, là đầy những thứ dơ bẩn: Thân xác (kāya): cái xác (sarīra); do nó là cái xác vốn được gọi là ‘thân (kāya)’ bởi nó là sự kết tụ những dơ uế, bởi những thứ uế trược (kucchita) như tóc, vân vân, và hàng trăm thứ bệnh tật bắt đầu với bệnh mắt, có nó là nguồn cội (āya).”1 Cái xác (ND: từ tiếng Anh được dùng là ‘carcass’), đó có phải là một xác chết không?

Học viên: Thường là như vậy, nhưng không hẳn là như vậy ạ.

Giảng sư: Ở đây, nó không có nghĩa là một xác chết. Ở đây, nó chỉ là một thân xác (sarīra), không cần thiết phải là một xác chết.

Học viên: Nó (carcass) là thứ mà loài chim kên kên  ăn thịt. Nó cũng có thể chỉ là một bộ xương.

Giảng sư: Ở đây, nó chỉ là thân xác. Trong Pāḷi, thuật ngữ đó là ‘kāya’ và ‘kāya’ được định nghĩa bởi một thuật ngữ khác, đó là ‘sarīra’. ‘Sarīra’ là từ đồng nghĩa với ‘kāya’ trong Pāḷi. Mặc dầu, trong bản dịch tiếng Anh của ngài Ñāṇamoli dùng từ ‘carcass’, nhưng chúng ta nên hiểu nó không có nghĩa là một xác chết. Chúng ta cố gắng nhìn thấy rằng trong thân xác của chúng ta có tóc, lông và vân vân. Chúng ta cố gắng nhìn thấy ra sự kinh tởm của những bộ phận này vì những thứ uế trược như tóc, hàng trăm bệnh tật bắt đầu với bệnh mắt có nó là nguồn cội của chúng.

Thuật ngữ ‘kāya’ được giải thích là một từ ghép, ‘ku’ cộng với ‘āya’. Theo văn phạm Pāḷi, ‘ku’ cộng với ‘āya’ thành ‘kāya’. ‘Ku’ ở đây có nghĩa là uế trược hay đáng khinh. ‘Āya’ có nghĩa là nơi chốn hay ở đây có nghĩa là nguồn gốc, tức là nơi chốn của tóc, hàng trăm bệnh tật và vân vân. Đó là lý do tại sao thân xác được gọi là ‘kāya’ trong tiếng Pāḷi. Đây là sự giải thích của từ đó.

“Không một ai tìm kiếm trong toàn bộ tấm thân dài một trượng này, bắt đầu từ các lòng bàn chân trở lên, bắt đầu từ đỉnh đầu trở xuống, và bắt đầu từ lớp da đi vòng quanh tất cả, mà lại có thể tìm thấy được thậm chí một nguyên tử nhỏ bé nhất được xem là đẹp ở trong nó, như  một hạt trân châu, hoặc đá quý, hoặc ngọc bích, hoặc pha lê, hoặc xa cừ; trái lại, chỉ là đủ những thứ hôi thối, ghê tởm, bất tịnh bao gồm tóc, lông và những thứ còn lại.”

Khi các bạn muốn thực hành loại thiền này, điều trước tiên các bạn phải làm là tụng đọc đi lại nhiều lần. Các bạn phải học bảy kỹ năng trong việc tu học loại thiền này. Chúng là:

  1.   Tụng đọc ra ngôn từ,
  2.   Tụng đọc trong tâm,
  3.   Biết theo màu sắc,
  4.   Biết theo hình dáng,
  5.   Biết theo phương hướng, 
  6.   Biết theo địa điểm, và
  7.   Biết theo giới hạn.

Các bạn phải hiểu tất cả 32 thể trược này theo hay thông qua những khía cạnh này. Trước hết, các bạn học thuộc lòng những từ này – tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân và vân vân.

Học viên: Tôi đã tìm ra được định nghĩa của từ tiếng Anh ‘carcass’. Nghĩa thứ nhất là xác chết của một con vật. Nghĩa thứ hai là thân xác của một chúng sanh.

Giảng viên: Nghĩa thứ hai là ý nghĩa muốn nói đến ở đây.

Như vậy, điều trước tiên chúng ta phải làm là tụng đọc. “Thậm chí nếu hành giả là một vị thông thuộc Tam Tạng (Tipiṭaka), việc tụng đọc ra lời vẫn phải được tiến hành tại lúc chú ý đến đề mục.”1 Mặc dầu thậm chí các bạn rất quen thuộc với ba tạng kinh điển (Piṭaka), các bạn vẫn phải tụng đọc.

“Vì đề mục thiền chỉ có thể trở nên rõ ràng đối với một vài người thông qua sự tụng đọc, giống như trường hợp của hai vị trưởng lão học đề mục thiền từ trưởng lão Mahādeva tại vùng đồi núi (Malaya). Khi được hỏi về 32 thể trược, (trưởng lão) đã trả lời: ‘Tụng đọc (những thuật ngữ) này trong bốn tháng’.”2 Các bạn tụng đọc 32 thể trược trong bốn tháng.

“Mặc dầu một vị đã thông thuộc hai tạng và một vị thông thuộc ba tạng (piṭaka)”1 – điều đó có nghĩa là các vị biết hai tạng và ba tạng (piṭaka). Tức là các vị là những vị thông suốt và hiểu biết. Nhưng vị trưởng lão này đã hướng dẫn họ phải tụng đọc 32 thể trược. Thật ra là các vị đã học và biết 32 thể trược này rồi, nhưng các vị vẫn tuân theo sự khuyên dạy của vị trưởng lão. “Mặc dầu các vị đã thông thuộc các tạng kinh điển (một vị hai tạng và một vị ba tạng), nhưng phải đến cuối bốn tháng sau khi tụng đọc đề mục, các vị mới trở thành các bậc Thánh Nhập Lưu.”2 Thật ra, nó có nghĩa là các ngài đã tụng đọc 32 thể trược và đã trở thành các bậc Thánh Nhập Lưu.

Các ngài trở thành các bậc Thánh Nhập Lưu không phải chỉ do việc tụng đọc. Trước hết, các ngài tụng đọc. Rồi các ngài quán tưởng mỗi bộ phận là uế trược hoặc dơ bẩn. Rồi các ngài phát triển hay tu tập thiền minh sát (vipassanā) trên đó. Nếu không có thiền minh sát (vipassanā) thì không thể có đạo quả Nhập Lưu. Mặc dầu ở đây ghi chép lại là các ngài chỉ tụng đọc và trở thành các bậc Nhập Lưu (Sotāpanna), nhưng chúng ta phải hiểu việc đó không phải là như vậy. Trong bốn tháng, các ngài tụng đọc đề mục đi lại nhiều lần. Rồi các ngài đạt được quang tướng và vân vân. Rồi các ngài đã trở thành các vị Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna) sau khi thực hành thiền minh sát (vipassanā) trên đề mục. Nếu không thực hành thiền minh sát (vipassanā) thì không thể có đạo quả Nhập Lưu.

“Với sự hiểu biết đúng đắn [lời kinh]” – đây không phải là sự chuyển ngữ (đúng) của từ Pāḷi. Thuật ngữ Pāḷi là ‘padakkhiṇaggāhitā’, tức là “do các vị tuân theo lời khuyên dạy với sự tôn kính”. ‘Padakkhiṇaggāhitā’ có nghĩa là ‘tiếp nhận với sự tôn kính’. Đây là hai vị tu sĩ thông thuộc (kinh điển). Nhưng khi vị thầy của các vị dạy rằng: “Các ông hãy tụng đọc 32 thể trược trong vòng bốn tháng”, các vị đã không nói lại rằng mình đã học thuộc đề mục đó rồi hoặc rằng mình không cần tụng đọc nó nữa. Các vị quá tôn kính vị thầy nên đã không từ chối lời dạy của thầy. Cho nên, làm theo lời hướng dẫn của vị thầy với lòng tôn kính, các vị đã tụng đọc trong vòng bốn tháng và các ngài đã trở thành các bậc Thánh Nhập Lưu trong thời gian đó. ‘Với sự hiểu biết đúng đắn [lời kinh]’ không phải là sự chuyển ngữ đúng của từ Pāḷi.

“Bây giờ, khi hành giả tụng đọc, vị đó nên chia chúng ra thành từng nhóm, tức là nhóm có năm bộ phận như tóc, lông, móng, răng, da, và rồi các nhóm khác vân vân, và tụng đọc theo chiều xuôi và theo chiều ngược.”2 Các bạn có thể nhìn vào những bản phát tay. Tôi phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ để đánh máy chúng đấy.

Phần đầu là 32 thể trược. Tóc, lông, móng, răng và da là nhóm đầu tiên với da là cuối cùng. Nhóm tiếp theo bao gồm thịt, gân, xương, tủy và thận. Đây là nhóm bao gồm năm bộ phận, kết thúc với thận. Rồi có nhóm năm kết thúc với phổi. Sau đó là có nhóm kết thúc với não. Và rồi có nhóm gồm có sáu bộ phận, kết thúc với mỡ. Nhóm cuối cùng có sáu, kết thúc với nước tiểu. Ba mươi hai thể trược được chia thành các nhóm gồm có năm, năm, năm, năm, sáu và sáu bộ phận. Sự tụng đọc nên được thực hiện theo cách này.

Có một tài liệu khác, tức là một Sớ Giải khác được viết bởi cùng tác giả (ND: tức là ngài Buddhaghosa). Đó là Sớ Giải của bộ sách Thắng Pháp (Abhidhamma) thứ hai. Trong bộ sách thứ hai của Thắng Pháp (Abhidhamma), có nhắc đến bốn nền tảng của chánh niệm. Những bộ phận hay những thể trược này cũng được nhắc đến trong đó.

Phần tụng đọc tôi trình bày trong những bản phát tay là sự kết hợp của những điều trình bày được tìm thấy trong cả hai Sớ Giải, tức là trong Thanh Tịnh Đạo và trong Sammohavinodanī. Trong Thanh Tịnh Đạo thì không có nhắc đến việc các bạn phải tụng đọc mỗi nhóm bao nhiêu ngày, cũng không có nhắc đến việc tụng đọc theo chiều thuận và theo chiều nghịch như thế nào, và vân vân. Những điều này lại được nhắc đến trong Sớ Giải kia. Cho nên, tôi kết hợp cả hai tài liệu vào một.

Nó đòi hỏi bao nhiêu ngày? 165 ngày tụng đọc. Như vậy, các bạn phải mất năm tháng rưỡi để tụng đọc ra lời. Loại thiền này sẽ mất nhiều thời gian.

Đối với nhóm thứ nhất, chúng ta tụng: “Tóc, lông, móng, răng, da.” Các bạn tụng đọc theo chiều thuận này trong năm ngày. “Tóc, lông, móng, răng, da”, các bạn tụng như vậy hàng ngàn lần.

Rồi năm ngày tiếp theo, các bạn tụng đọc theo chiều ngược. Các bạn tụng: “Da, răng, móng, lông, tóc; da, răng, móng, lông, tóc.”

Học viên: Chỉ tụng đọc ra lời vậy thôi sao ạ?

Giảng sư: Đúng vậy, chỉ tụng đọc ra lời. Nhưng khi các bạn tụng đọc ra lời, các bạn cũng phải biết ý nghĩa của các từ ngữ đó. Ý nghĩa đó phải thấm nhuần trong tâm trí của các bạn. Sau đó mới đến tụng thầm trong tâm. Chỉ việc tụng đọc ra lời sẽ mất hết 165 ngày.

Rồi các bạn phải tụng theo chiều thuận và theo chiều nghịch. Tức là các bạn tụng: “Tóc, lông, móc, răng, da; da, răng, móng, lông, tóc.” Các bạn đi ngược và xuôi, ngược và xuôi trong năm ngày. Như vậy nhóm năm bộ phận kết thúc với da sẽ mất mười lăm ngày.

Tiếp theo là nhóm năm bộ phận kết thúc với thận. Các bạn tụng: “Thịt, gân, xương, tủy, thận” theo chiều thuận trong năm ngày. Tuy nhiên, khi các bạn tụng theo chiều ngược, các bạn không chỉ tụng năm bộ phận này, mà phải bao gồm cả năm bộ phận trước nữa. Tức là đối với nhóm năm này, tụng ngược phải là: “Thận, tủy, xương, gân, thịt, da, răng, móng, lông, tóc.” Nếu các bạn nhìn vào các bảng phát tay, các bạn sẽ thấy các con số (vì gõ đi gõ lại cùng các chữ thì rất tẻ nhạt, thậm chí các con số cũng vậy). Phần tụng đọc của nhóm năm bao gồm thận cho năm ngày cuối là “6, 7, 8, 9, 10, 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1.”

Rồi sau (khi tụng đọc riêng biệt) hai nhóm năm này, các bạn gom chúng và tụng đọc chúng trong mười lăm ngày. Năm ngày đầu, các bạn tụng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9

  1. Đó là theo chiều thuận. Trong năm ngày tiếp theo, các bạn tụng theo chiều ngược 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1. Trong năm ngày cuối, các bạn tụng đọc theo chiều thuận và theo chiều nghịch 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1. Như vậy là mười lăm ngày.

Rồi nhóm năm tiếp theo, các bạn tụng 11, 12, 13, 14, 15 trong năm ngày đầu tiên. Rồi các bạn đi theo chiều nghịch cho đến số 1. Như vậy, các bạn tụng trong năm ngày liên tục 15, 14, 13, 12, 11, 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1. Trong năm ngày cuối, các bạn tụng theo chiều thuận và theo chiều nghịch.

Sau mỗi nhóm năm, các bạn kết hợp nó với những nhóm năm trước. Như vậy, các bạn kết hợp hai nhóm năm, ba nhóm năm, bốn nhóm năm, năm nhóm chung với nhau, và sáu nhóm chung với nhau. Nếu các bạn thực hành như vậy, nó sẽ mất tổng cộng 165 ngày.

Học viên: Chúng ta phải thực hành như vậy cả ngày hay sao?

Giảng sư: Đó là một câu hỏi khá thú vị. Hầu như là cả ngày. Nếu các bạn là tu sĩ, các bạn phải đi khất thực. Tuy nhiên, các bạn vẫn có thể niệm trong tâm. Các tu sĩ được hướng dẫn hay được chỉ dạy là phải luôn hành thiền khi đi khất thực trong làng hoặc trong thành phố. Nếu vị tu sĩ đi lại mà không có thiền, thì vị đó không được xem là vị tu sĩ có thực hành. Các bạn (phải) đi vào làng hay đi vào thành phố với một loại thiền nào đó. Đôi lúc, các bạn thực hành chánh niệm và đôi lúc, các bạn thực hành loại thiền này. Như vậy, các bạn thực hành hầu như là cả ngày vì đây là sự thực hành tích cực. Không phải là chỉ tụng đọc một vài  phút và rồi ngưng.

Đây là cách tụng đọc ra lời. “Việc tụng đọc nên được thực hiện ra lời theo cách này một trăm lần, một ngàn lần, thậm chí một trăm ngàn lần. Vì chính thông qua việc tụng đọc ra lời này, đề mục thiền sẽ trở nên quen thuộc (Nếu các bạn thực hành như vậy 165 ngày thì nó không thể nào là không trở thành quen thuộc), và từ đó, tâm trí sẽ tránh được việc phân tán nơi này nơi kia, các bộ phận sẽ trở nên hiện rõ và giống như là [các ngón tay của] hai bàn tay đan vào nhau, giống như một hàng những cọc hàng rào.”

“Việc tụng đọc thầm hay đọc trong tâm cũng nên được thực hiện giống như việc tụng đọc to ra lời. Vì việc tụng đọc ra lời là duyên hay làm điều kiện cho việc tụng đọc thầm, và việc tụng đọc thầm là duyên hay làm điều  kiện cho việc xuyên thấu vào đặc tính [uế trược].”2 Khi các bạn tụng đọc đi lại nhiều lần, ấn tướng của sự uế trược sẽ trở nên hiện rõ ra trong tâm trí của mình.

Rồi các bạn phải quán tưởng chúng theo màu sắc. “Màu của tóc, vân vân, nên được định nghĩa hay được ghi nhận rõ.”3 Nó là màu đen hoặc màu vàng, nâu, và đỏ nữa.

Học viên: Và gần đây, có màu xanh lá cây nữa ạ.

Giảng viên: Đúng vậy, thời nay các bạn có thể làm màu gì cũng được.

Rồi “Về hình dáng: hình dáng của chúng cũng nên được định nghĩa hay được ghi nhận rõ.”4 Chúng sẽ được giải thích chi tiết về sau.

“Về phương hướng: trong thân xác này, tính từ lỗ rốn trở lên là hướng trên (phần trên của cơ thể), và tính từ lỗ rốn trở xuống là hướng dưới (phần dưới của cơ thể).”1 Lỗ rốn được xem là điểm giữa của cơ thể. “Như vậy, phương hướng nên được xác định như vầy: Bộ phận này nằm theo hay thuộc về hướng này.”

“Về địa điểm (tức là nơi chốn của chúng): địa điểm của bộ phận này hoặc của bộ phận kia nên được xác định như vầy: Bộ phận này được thiết lập hay được định vị tại nơi này.”

“Về giới hạn: có hai loại giới hạn, tức là giới hạn tương đồng và giới hạn bất tương đồng. Ở đây, giới hạn tương đồng nên được hiểu như vầy: Bộ phận này được giới hạn hay được ngăn cách ở trên, ở dưới và ở xung quanh bởi cái này.”4 Cái này được gọi là ‘giới hạn tương đồng’. Nó giống như nói rằng cái tách này được ngăn cách hay được giới hạn bởi cái ấm đun nước ở bên này và nó được ngăn cách hay được giới hạn bởi cái micro ở bên kia. Nó là cái gì đó giống như vậy. Đó được gọi là ‘giới hạn tương đồng’. Giới hạn bất tương đồng là như ví dụ sau: Đây là tóc, chứ không phải lông. Và khi các bạn niệm đến lông, thì các bạn ghi nhận: Đây là lông, chứ không phải tóc. Giới hạn theo cách đó được gọi là ‘giới hạn bất tương đồng’.

‘Bất tương đồng’ ở đây chỉ có nghĩa là ‘không tương đồng’. Nó không có nghĩa là đối nghịch. “Giới hạn bất tương đồng nên được hiểu là sự không được trộn lẫn với nhau theo cách như thế này: Tóc thì không phải là lông, và lông thì không phải là tóc.”

“Khi chỉ dạy kỹ năng trong việc tu học theo bảy cách như vậy, vị thầy nên hiểu biết rằng trong những bài kinh (sutta) cụ thể nào đó, đề mục thiền này được trình bày hay được thuyết giảng dưới quan điểm hay từ cái nhìn về sự uế trược, và trong những bài kinh (sutta) cụ thể khác thì dưới quan điểm hay từ cái nhìn về các yếu tố (tức là tứ đại). Trong bài kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta), nó chỉ được thuyết giảng là sự uế trược.”2 Thiền về ba mươi hai thể trược của thân xác được trình bày ở đó để phát triển sự cảm nhận về sự uế trược.

“Trong bài kinh Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (Mahā Hatthipadopama Sutta) của Trung Bộ, trong bài kinh Đại Kinh Giáo Giới La-hầu-la (Mahā Rāhulovāda Sutta) của Trung Bộ, và trong bài kinh Giới Phân Biệt (Dhātuvibhaṅga) của Trung Bộ, nó được thuyết giảng là  các yếu tố (tức là tứ đại).”3 Thật ra, chúng được phân chia thành hai sắc tứ đại. Hai mươi thể trược đầu tiên thuộc về yếu tố đất và những thể trược còn lại thuộc về yếu tố nước. Chúng được nhắc đến ở đó dựa theo các yếu tố (trong tứ đại).

“Tuy nhiên, trong bài kinh Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati Sutta) của Trung Bộ, bốn tầng thiền (jhāna) được thuyết giảng dựa trên (sự tu tập của) vị hành giả, người mà đề mục này hiện ra cho vị đó như là một (kasiṇa) màu sắc.”1 Khi các bạn thực hành thiền 32 thể trược của thân xác, các bạn không thể chứng đạt nhị thiền và vân vân. Các bạn chỉ có thể chứng đắc sơ thiền. Nhưng trong bài kinh này, bốn tầng thiền (jhāna) lại được nhắc đến. Bốn tầng thiền (jhāna) được nhắc đến vì đối với vị tu sĩ đó, những thể trược này xuất hiện ra là những màu sắc, chứ không phải là những bộ phận của cơ thể. Khi chúng hiện ra là những màu sắc cho vị đó, vị đó tiến hành triển khai thiền kasiṇa màu sắc. Thiền kasiṇa màu sắc có thể đưa đến chứng đắc tất cả bốn hoặc năm tầng thiền. Đó là lý do tại sao ở đây nói “bốn tầng thiền (jhāna) được thuyết giảng dựa trên (sự tu tập của) vị hành giả, người mà đề mục này hiện ra cho vị đó như là một (kasiṇa) màu sắc.”

Trong một vài loại thiền có trình bày rằng, các bạn không nên chú tâm vào màu sắc, đúng không? Nếu các bạn chú tâm vào màu sắc, nó sẽ trở thành thiền kasiṇa màu sắc.

“Ở đây, nó là thiền minh sát khi được thuyết giảng là các yếu tố (tức là tứ đại) và là thiền chỉ tịnh khi được thuyết giảng là sự uế trược.”2 Nó là thiền minh sát khi được thuyết giảng là các yếu tố (của tứ đại); nếu chúng ta chia nó ra thành hai loại sắc tứ đại và cố gắng quán tưởng trên những sắc tứ đại này, thì nó là thiền minh sát. Nó là thiền chỉ tịnh khi được thuyết giảng là sự uế trược. Khi các bạn cố gắng nhìn thấy sự uế trược của các bộ phận, nó là thiền chỉ tịnh.

“Do đó, chỉ có thiền chỉ tịnh (là thích hợp) ở đây.”1 Trong phần này của luận thư, chỉ có thiền chỉ tịnh được nhắc đến. Chúng ta nên hiểu chủ đề thiền ở đây là thiền chỉ tịnh (samatha).

Tiếp theo, chúng ta có mười kỹ năng giúp cho hay tạo nên sự chú tâm. Tôi nghĩ chúng ta sẽ bàn về chúng vào tuần đến. Chúng ta sẽ nói đến phần niệm hơi thở.

Học viên: Theo truyền thống Trung Quốc thì có những viên ngọc quý được tìm thấy khi các xác thân được thiêu đốt. Trong truyền thống Thượng Tọa Bộ (Theravāda) có chuyện giống như vậy không ạ? Chúng thường được xem là xá-lợi. Tôi không biết nhiều về chuyện này.

Giảng sư: Tại Miến Điện, tro được gom lại và được đặt thờ trong bảo tháp.

Học viên: Đôi lúc, trong tro, còn có những hạt cứng giống như các viên ngọc quý.

Giảng sư: Trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ (Theravāda), chỉ có các bậc A-la-hán (Arahant), sau khi thiêu, mới có xá-lợi. Những viên xá-lợi này giống như những viên đá hay những hạt giống nhỏ. Điều được ghi nhận là xá-lợi của các vị A-la-hán (Arahant) thì có kích cỡ lớn hơn xá-lợi của Đức Phật. Xá-lợi của Đức Phật có ba kích cỡ: cỡ hạt mù-tạt, cỡ hạt gạo vỡ, và cỡ hạt đậu. Đây là ba kích cỡ của xá-lợi của Đức Phật. Xá-lợi của các vị A-la-hán được ghi nhận là có kích cỡ lớn hơn xá-lợi của Đức Phật.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app