2.5.  Các Loại Giới

Rồi tác giả trình bày các loại giới. Người Tây phương thường nói rằng người Đông phương rất thích các con số. Ở đây, giới được giải thích theo cách có một loại, có hai loại, có ba loại, có năm loại. Trước hết, tác giả chỉ liệt kê chúng. Rồi chúng được giải thích một cách chi tiết.

Chỉ có một loại giới (sīla) khi tính theo đặc tính. Khi chúng ta bàn xét theo đặc tính, thì chỉ có một loại giới – đặc tính của nó là điều phối các hoạt động thuộc về thân và  ngữ, và nâng đỡ con người.

Rồi có hai loại, ba loại và năm loại giới. Các bạn có thể tự đọc bảng liệt kê.

Tôi muốn chỉnh đổi một vài điều trong đoạn văn 41, phần 16. Tác giả giải thích về bốn loại giới. Ngài nhắc đến giới tự nhiên, giới theo tục lệ, giới tất yếu và giới do các nguyên nhân từ trước. Tôi nghĩ chúng ta nên nói là ‘giới vốn có’ hay ‘giới theo quy luật’ thay vì là ‘giới tất yếu’. Thuật ngữ Pāḷi là Dhammatā, có nghĩa là ‘vốn là như vậy’, tức là giới theo quy luật (tự nhiên) hay giới vốn có. Loại cuối cùng là giới do các nguyên nhân từ trước. Ở đây, ‘các nguyên nhân từ trước’ có nghĩa là các nguyên nhân trong những kiếp sống trước. Nhiều người có giới hạnh vì họ cũng đã có giới hạnh trong những kiếp sống quá khứ. Bản chất có giới hạnh này được truyền gửi (vào kiếp sống hiện tại) từ những kiếp sống quá khứ.

Phần giải thích chi tiết trong đoạn văn 26 – “Ở đây,  sự trì giữ được thành tựu nhờ bởi đức tin và sự tinh cần; còn sự tránh né thì (được thành tựu) do bởi đức tin và niệm.” Trong đoạn văn này có hai loại giới. Một là sự trì giữ và hai là sự tránh né. ‘Trì giữ’ có nghĩa là làm theo lời khuyên dạy rằng: điều này nên làm, và ‘tránh né’ có nghĩa là làm theo lời khuyên rằng: điều này không nên làm. Hầu hết các giới điều là về những việc không nên làm. Chúng ta không nên sát sanh, chúng ta không nên trộm cướp và vân vân. Đôi lúc, chúng ta nên làm điều này và đôi lúc, chúng  ta không nên làm điều kia. Nếu chúng ta không làm những điều này, chúng ta đi đến tình trạng thiếu vắng giới hạnh, tức là không trong sạch.

‘Việc trì giữ’ được thành tựu do bởi tín và tấn, tức là niềm tin và sự tinh cần. Ví dụ, có những điều luật nói rằng các tu sĩ phải thực hiện những việc cụ thể nào đó trong tu viện. Loại giới (sīla) này được thành tựu do niềm tin. Nếu các bạn có niềm tin vào Đức Phật, nếu các bạn có sự tinh cần, thì các bạn có thể trì hành loại giới (sīla) đó, tức là giữ các giới điều đó.

Bản dịch này2 ghi rằng ‘sự tránh né’ được thành tựu do bởi tín và niệm, tức là niềm tin và niệm. Trong phiên bản Pāḷi-Miến cũng như trong phiên bản của hội Pāḷi Text Society, không có từ nào để dịch là ‘niệm’ cả.3 Chúng ta nên gạch bỏ các từ ‘và niệm’ ở đây4. Chúng ta chỉ nên nói là “Sự tránh né được thành tựu do bởi tín hay bởi niềm tin.” Chỉ khi các bạn có niềm tin và khi các bạn có đức tin vào Đức Phật và vào các giới điều, các bạn mới có thể giữ mình khỏi vi phạm các điều luật. Điều này được thành tựu thông qua niềm tin, chứ không phải thông qua niệm. Chú giải của tài liệu này không có đề cập đến ‘niệm’. Chú giải đó được gọi là Phụ Sớ Giải. Trong Phụ Sớ Giải đó, chỉ có thuật ngữ ‘saddhā’ (tức là tín) được giải thích, chứ không có từ ‘sati’ hay ‘niệm’ trong đó. Ở đây, chúng ta nên nói là: “Sự tránh né được thành tựu do bởi tín.” Nếu các bạn có tín hay niềm tin vào Đức Phật và giáo lý của Ngài, thì các bạn có thể hành trì theo những giới điều vốn ngăn cấm các bạn làm những việc cụ thể nào đó.

Học viên: ‘Gìn giữ bằng sự tinh cần’ có nghĩa là gì?

Giảng sư: Các bạn phải làm một việc gì đó khi các bạn thực hành theo các điều luật nói rằng một điều gì đó phải được thực hiện. Ví dụ, có những trách nhiệm chúng tôi phải thực hiện đối với các vị giáo thọ sư. Chúng tôi phải thức dậy sớm vào buổi sáng trước khi vị giáo thọ thức dậy. Chúng tôi phải dâng nước cho ngài rửa mặt. Nếu có vật thực, chúng tôi phải dâng cúng cho ngài. Chúng tôi phải lo các công việc phục vụ cho ngài và vân vân. Cái này là loại giới thứ nhất: ‘gìn giữ’. Nếu chúng ta không có niềm tin và chúng ta không có sự tinh cần, chúng ta sẽ không hoàn thành được loại giới hạnh (sīla) này. Cho nên, ở đó phải có cả niềm tin và sự tinh cần. Ngăn trừ không làm việc gì đó thì chỉ cần niềm tin, chứ không cần niệm.

Trong đoạn văn tiếp theo, ‘hành vi tốt đẹp’ và ‘giai đoạn đầu hay chặng đầu của đời sống thanh tịnh’1 – đây là những từ được dịch thẳng ra từ Pāḷi.

Khoảng ở dòng thứ năm1 có nói: “Đây là từ chỉ cho giới mà có chánh mạng là chi thứ tám.”2 Một vài dòng trước đó có nói: “Đây là từ chỉ cho loại giới, khác với loại giới có chánh mạng là chi thứ tám.”3 Tám chi này được trình bày trong phần chú thích. Chúng là ngăn tránh khỏi ba tà thân nghiệp, ngăn tránh khỏi bốn tà ngữ nghiệp và ngăn tránh khỏi tà mạng. Những giới này tạo lập nên tám giới điều. Tám giới điều này thì khác với tám giới điều mà sẽ được nhắc đến một lúc sau. Tám giới điều này được gọi là nhóm tám giới có chánh mạng là chi thứ tám. Những giới khác thì lại khác.

“Đây là từ chỉ cho giới mà có chánh mạng là chi thứ tám. Nó là giai đoạn khởi đầu của đạo lộ vì nó thật ra cũng phải được làm thanh tịnh trong giai đoạn phía trước.” Tôi nghĩ trong nguyên tác Pāḷi không có từ ‘cũng’. Chúng ta nên bỏ từ ‘cũng’.

Giới (sīla) này phải được thành tựu trước khi chúng ta thực hành sự khởi đầu của đời sống thanh tịnh. Điều đó có nghĩa là trước khi chúng ta thực hành thiền, chúng ta phải thanh lọc giới hạnh của mình. Cho nên, nó phải được thành tựu hay được thanh lọc ở giai đoạn khởi đầu của đạo lộ. ‘Đạo lộ’ ở đây có nghĩa là việc hành thiền dẫn đến sự giác ngộ.

Trong đoạn văn 29, bốn loại giới được nhắc đến. “Có hai loại lệ thuộc – lệ thuộc thông qua ham muốn và lệ thuộc thông qua tà kiến.”1 Chính ham muốn là sự lệ thuộc ở đây. Chính tà kiến là sự lệ thuộc ở đây. Đôi lúc, chúng ta có sự dính mắc. Chúng ta có tham (lobha). Chúng ta muốn tái sanh vào một cảnh giới tốt đẹp hơn. Chúng ta muốn tái  sanh làm thiên nhân (deva). Hay chúng ta có thể muốn tái sanh làm người trong một gia đình tốt đẹp. Nó là cái gì đó giống như vậy. Chúng ta thực hành giới hạnh (sīla) để chúng ta có thể tái sanh vào một kiếp sống tốt đẹp hơn. Giới (sīla) như vậy là phụ thuộc vào ham muốn hay sự dính mắc. Vì chúng ta có sự dính mắc vào những kiếp sống này, chúng ta làm một điều gì đó để chúng ta được tái sanh vào đó. Như vậy, chính ham muốn là sự lệ thuộc. Cho nên, nó không phải là ‘lệ thuộc thông qua ham muốn’, mà chúng ta nên nói là ‘lệ thuộc ở dạng ham muốn’.

Đôi lúc, chúng ta có tà kiến rằng sự thanh tịnh hay sự thanh lọc thì (có được) thông qua giới hạnh. Điều này có nghĩa là chúng ta tin rằng chúng ta có thể trở nên thanh tịnh thông qua chỉ (một mình) giới hạnh (mà thôi). Đó là một quan kiến sai lầm vì chúng ta phải thực hành giới trước, rồi đến định và rồi đến tuệ. Chỉ một mình giới thôi sẽ không giúp chúng ta trở nên giác ngộ, không giúp chúng ta thanh tịnh. ‘Sự thanh tịnh’ hay ‘sự thanh lọc’ ở đây có nghĩa là sự thanh lọc tâm trí ở dạng hay ở hình thức giác ngộ. Sự giác ngộ chỉ có thể đạt được thông qua thiền minh sát (vipassanā), tức là chỉ thông qua trí tuệ. Sự thực hành trí tuệ này chỉ có thể khả thi khi có định, tức là sự tập trung. Và định chỉ có thể được tạo dựng trên sự thanh lọc hay sự thanh tịnh của giới hạnh. Chỉ một mình sự thanh tịnh hay sự thanh lọc của giới hạnh không thể dẫn đưa chúng ta đến sự giải thoát hay sự giác ngộ. Đây là một quan điểm sai lầm. Thông qua quan kiến sai lầm này, chúng ta thực hành giới (sīla). Ở đây, tà kiến là lệ thuộc của việc thực hành giới hạnh (sīla). Như vậy, có hai loại (lệ thuộc).

Chúng ta hãy đi ngược lại một chút. Các bạn có hiểu từ ‘Song Luật’ xuất hiện ở khoảng giữa đoạn văn 27 không– “điều được bao gồm trong Song Luật (giới bổn Pāṭimokkha của tỳ-kheo (bhikkhu) và của tỳ-kheo ni (bhikkhunī)).”1 Giới luật dành cho các tỳ-kheo và các tỳ- kheo ni theo chuyên môn được gọi là ‘Pāṭimokkha’. Thuật ngữ Pāṭimokkha được ghi kèm theo trong lời dịch. Vì là có hai, cho nên nó được gọi là ‘Song Luật’. Có 227 giới dành cho tỳ-kheo và 311 giới dành cho tỳ-kheo ni. Tỳ-kheo ni có nhiều giới hơn tỳ-kheo. Cả hai đều thuộc vào chặng đầu hay phần khởi đầu của đời sống thanh tịnh.

“Và phần được bao gồm trong các bổn phận hay trách nhiệm vốn được đặt riêng trong các Khandhaka của Tạng Luật (Vinaya)”2 – các bạn biết là có ba tạng giáo lý (Piṭaka). Thứ nhất là Tạng Luật (Vinaya Piṭaka). Tạng (Piṭaka) này bao gồm các điều luật dành cho các tu sĩ và  các nữ tu sĩ và vân vân. Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) chứa đựng 227 giới cho Tỳ-kheo, 311 giới cho Tỳ-kheo ni, các tích truyện dẫn đến việc chế định các học giới này và một vài chú thích về các thuật ngữ trong những giới điều.  Chúng được gọi là ‘Sutta Vibhaṅga’.

Rồi có những tập sách khác được gọi là ‘Khandhaka’. ‘Khandhaka’ chỉ có nghĩa là phần hay mục. Trong các Khandhaka, hầu hết các điều luật có liên quan đến ‘việc trì giữ’ được trình bày ở đây. Có những Khandhaka giảng về việc tổ chức và cử hành lễ xuất gia, các phẩm chất một người bắt buộc phải có để được phép xuất gia và vân vân. Trong một mục khác, các bổn phận được thực hiện bởi thầy, bởi trò, hoặc bởi khách tăng được nhắc đến. Những điều này được gọi là các ‘Khandhaka’. Bao gồm trong các nhiệm vụ hay bổn phận được đưa ra trong các Khandhaka, có phần về phẩm hạnh tốt đẹp. Các Khandhaka này được bao gồm trong hai tập sách. Một tập được gọi là ‘Đại Khandhaka’ và tập còn lại được gọi là ‘Tiểu Khandhaka’.

Đây là những tập sách rất thú vị nếu các bạn quan tâm hay tò mò muốn biết đời sống sinh hoạt vào thời của Đức Phật như thế nào. Các vị đã sử dụng những đồ dùng gì, các vị đã xây dựng liêu cốc như thế nào, tất cả những điều này được nhắc đến trong những tập sách này. Khi số lượng tu sĩ tăng lên, có nhiều và rất nhiều vấn đề xảy ra. Đôi lúc, những tu sĩ này giống như những đứa trẻ vậy. Các vị đến gặp Đức Phật và hỏi Ngài phải làm gì. Ví dụ, các tu sĩ phải chế biến thuốc nhuộm cho chính mình. Các vị phải luộc vỏ cây để lấy màu từ đó. Đôi lúc các nồi đun nấu bị tràn ra. Rồi các vị đến gặp Đức Phật và trình bạch lại việc đó đến Ngài. Các vị hỏi Ngài phải làm gì và rồi Ngài dạy là dùng cái lọc hay cái gì đó như vậy. Những tập sách này rất thú  vị. Các bổn phận, nhiệm vụ và những điều khác được bao gồm trong những tập sách này được gọi là ‘giới của phạm hạnh tốt đẹp’. Chúng được trình bày và diễn giải trong các Khandhaka.

Trong đoạn văn 32 – “Ở trong đôi thứ bảy, tất cả giới chịu sự ảnh hưởng hay dưới sự ảnh hưởng của các lậu hoặc là hiệp thế.”1 Tôi hy vọng các bạn hiểu ‘chịu sự ảnh hưởng của các lậu hoặc’ có nghĩa là gì. ‘Chịu sự ảnh hưởng của các lậu hoặc’ có nghĩa là gì? ‘Lậu hoặc’ có nghĩa là các phiền não. ‘Chịu sự ảnh hưởng của các lậu hoặc’ thật sự có nghĩa là đối tượng của các phiền não. Giới mà là đối tượng của các phiền não thì được gọi là ‘hiệp thế’ và giới mà không phải là đối tượng của các phiền não thì được gọi là ‘siêu thế’.

Trong đoạn văn tiếp theo – “Trong bộ ba đầu tiên, giới bậc hạ được tạo ra bởi dục, (sự thanh tịnh của) tâm,  cần và thẩm thấp kém.”2 Các bạn phải hiểu bốn chi pháp này. Thuật ngữ Pāḷi của từ ‘dục’ là ‘chanda’. Các bạn đã gặp ‘chanda’ trong 52 tâm sở. Nó là dục và có nghĩa là ước muốn thực hiện cái gì đó. Cái ước muốn đơn thuần đó được gọi là dục (chanda). Nó không phải là sự khao khát. Nó không phải là sự dính mắc. Nó chỉ là cái ước muốn thực hiện một điều gì đó. Ví dụ như các bạn muốn nhặt cuốn sách lên. Cái ước muốn nhặt cuốn sách lên được gọi là dục (chanda). Trong loại giới thứ nhất này, dục (chanda) đó là hạ liệt.

Có bốn pháp được gọi là ‘tứ trưởng’ (adhipati). Các bạn hãy đọc chương bảy của cuốn sách The Manual of Abhidhamma. Trong chương này, các bạn sẽ tìm thấy tứ trưởng (adhipati). Chúng sanh lên cùng với những tâm sở khác và một trong số chúng chiếm ưu thế hay thống trị. Đôi lúc, dục (chanda) chiếm ưu thế. Đôi lúc, tâm (citta) chiếm ưu thế và vân vân. Chúng được gọi là tứ trưởng.

Yếu tố tiếp theo là (sự thanh tịnh của) tâm. Ở đây,  thật ra không cần thiết phải nói là ‘(sự thanh tịnh của) tâm’, mà chỉ là ‘tâm’. Rồi chúng ta có ‘cần’. Sau đó, chúng ta có ‘thẩm’. Thẩm có nghĩa là trí tuệ hay sự hiểu biết. Nó thật ra không phải là sự thẩm tra hay sự truy tìm vào một vấn đề gì đó. Thuật ngữ Pāḷi là vīmaṃsā, được dịch là thẩm. Nghĩa cơ bản hay đơn thuần của vīmaṃsā là thẩm. Đúng vậy. Nó là từ đồng nghĩa với từ Pāḷi ‘paññā’, tức là trí tuệ. Như vậy, ở đây, đôi lúc trí tuệ hay sự hiểu biết chiếm ưu thế hay thống trị.

Nếu một trong số bốn yếu tố này là hạ liệt, thì giới (sīla) đó được gọi là ‘giới (sīla) bậc hạ’. Khi chúng là trung bình, thì giới (sīla) là bậc trung. Khi chúng là siêu việt, thì giới (sīla) là bậc thượng. Các bạn hãy đọc chương 7 của The Manual of Abhidhamma để hiểu thêm về những trưởng này.

“Giới mà được thúc đẩy bởi hoặc có động lực là tham ái, tức là mục đích của (sự trì hành) giới này là để tận hưởng tái sanh tiếp tục, là bậc hạ.”1 Thật ra, ý nghĩa ở đây là để tận hưởng sanh thú tốt đẹp hơn và để tận hưởng tài sản hay một cái gì đó trong kiếp sống đó, chứ không phải là ‘tái sanh tiếp tục’. Nó là để tận hưởng kiếp sống tốt đẹp hơn và tận hưởng hạnh phúc trong kiếp sống đó.

Trong đoạn văn 35, hàng thứ ba – “giới mà được thực hành bởi phàm nhân hào hiệp hay cao thượng (magnanimous)…”1 – ‘phàm nhân hào hiệp hay cao thượng’ là gì? Thuật ngữ Pāḷi là puthujjana. Puthujjana là một người chưa đạt đến bất kỳ giai đoạn giác ngộ nào. Chúng ta có thể gọi ông ta là một người bình thường. Cách chuyển ngữ thông thường của từ này là ‘phàm nhân’.

Học viên: ‘Magnanimous’ có nghĩa là gì?

Giảng sư: ‘Magnanimous’ ở đây thật ra có nghĩa là ông ta có những thói quen đạo đức tốt đẹp và ông ta là người trí thức, có học hỏi. Nếu dịch sát nghĩa thì nó có nghĩa là ông ta nghe hiểu tốt. Vào thời của Đức Phật và sau đó một thời gian nữa thì không có sách, tức là các tài liệu ghi chép. Cho nên, bất cứ cái gì các bạn học hỏi, các bạn phải thực hiện trực tiếp từ một ai đó cụ thể (ND: chứ không phải từ việc đọc sách).

Tôi hy vọng các bạn đã đọc những trang này. Tôi sẽ chỉ đề cập đến những đoạn mà tôi muốn cung cấp thêm thông tin chi tiết cho các bạn. Các bạn hãy lật đến đoạn văn 40. “Trong bộ tứ thứ hai, có những học giới được công bố cho các tỳ-kheo phải trì giữ, không có liên hệ đến những gì được tuyên bố cho các tỳ-kheo ni.”2 ‘Không có liên hệ đến những gì được tuyên bố cho các tỳ-kheo ni’ – các bạn hiểu điều này như thế nào? Có 227 giới dành cho các tỳ-kheo và có 311 giới dành cho các tỳ-kheo ni. Có những giới là chung cho cả hai: tỳ-kheo và tỳ-kheo ni, và có những giới là không phải chung cho cả hai. Các tỳ-kheo phải giữ 227 giới và còn phải giữ thêm một vài giới khác nữa vốn được chế định cho các tỳ-kheo ni. Đó là ý nghĩa muốn nói đến ở đây. Như vậy, đối với các tỳ-kheo, không chỉ có 227 giới, mà còn một vài giới điều khác nữa vốn dành cho các tỳ- kheo ni. Các tỳ-kheo cũng phải giữ những giới này.

Ví dụ, không có điều luật nào trong 227 giới nói rằng các tỳ-kheo không được phép ca hát, hay nhảy múa, hay đi xem các buổi ca nhạc trình diễn và vân vân. Tuy nhiên, có giới điều như vậy dành cho các tỳ-kheo ni. Mặc dầu nó không được bao gồm trong 227 giới, nhưng các tỳ-kheo  vẫn phải trì giữ giới điều này. Các tỳ-kheo vẫn phải giữ những giới điều này mặc dầu chúng không phải là những giới điều dành cho họ. Có những giới là chung cho cả hai: tỳ-kheo và tỳ-kheo ni. Và có những giới khác nữa. Các tỳ- kheo cũng phải trì giữ những giới điều này.

Học viên: Dịch như vậy là không được chuẩn.

Giảng sư: Việc chuyển ngữ ở đây không được tốt lắm. Ý nghĩa của nó là như vậy. ‘Không có liên hệ’ là không đúng.

“Mười giới dành cho các sa-di và các sa-di ni là giới của những vị chưa hoàn toàn thuộc vào Tăng đoàn. Ngũ giới – thập giới khi có thể – là giới hành trì thường xuyên hay luôn luôn, tức là thường giới…”1 – ở đây cũng vậy, sự chuyển ngữ có một chút không chính xác. Ngũ giới là sự hành trì hay huấn luyện thường trực. Chúng được gọi là ‘niccasīla’ trong Pāḷi. Các bạn đã biết từ ‘anicca’ có nghĩa là vô thường. Cho nên, ‘nicca’ có nghĩa là thường hằng. Những giới điều này được gọi là ‘thường giới’. Điều đó có nghĩa là nếu các bạn cho rằng mình là Phật tử, các bạn phải trì giữ ngũ giới. Chúng phải luôn luôn đi cùng với các bạn.

Cho nên, chúng là giới hành trì thường xuyên và luôn luôn. Thập giới thì được hành trì khi nào các bạn có thể. Ngũ giới được xem là những giới điều phải được trì giữ thường trực, trong khi thập giới thì chỉ khi nào có thể hay có khả năng.

“Ngũ giới – thập giới khi có thể – là giới hành trì thường xuyên hay luôn luôn, tức là thường giới, và bát giới là các yếu tố của ngày Uposatha, dành cho thiện nam tín  nữ, là giới của cư sĩ.”2 Ở đây, chúng ta nên nói là “bát giới là các yếu tố của Uposatha”, chứ không phải của ‘ngày Uposatha’. Thuật ngữ Pāḷi ‘Uposatha’ có hai nghĩa – sự hành trì và ngày hành trì. Ở đây không có nghĩa là ngày hành trì. “Bát giới là các yếu tố của Uposatha” có nghĩa là tám giới – ngũ giới cộng với giới không ăn sau giờ ngọ, giới không dùng bông hoa, dầu thơm và vân vân, cũng như không múa hát, và giới không nằm ngồi ở những nơi cao sang. Những giới điều này được gọi là ‘các giới điều hay các yếu tố Uposatha’. Điều quan trọng nhất là không ăn sau giờ ngọ. Tám giới này được gọi là Uposatha. Khi chúng ta nói đến Uposatha dành cho cư sĩ, ý của chúng ta là tám giới này. Uposatha dành cho tu sĩ thì lại khác. Uposatha dành cho tu sĩ chỉ là sự tụng đọc lại 227 giới trong buổi tụ họp.

Như vậy, cư sĩ nên thọ nhận và luôn luôn trì giữ ngũ giới. Nếu có thể, họ nên giữ bát giới vào những ngày được định trước trong tháng. Những ngày các cư sĩ thường thọ trì bát giới là ngày 8, 15, 23 và 30 của mỗi tháng.

Chúng ta tính theo âm lịch. Một tháng được chia ra thành hai nửa – nửa sáng và nửa tối. Ngày chính giữa của nửa sáng là ngày thứ tám. Ngày chính giữa của nửa tối  cũng là ngày thứ tám. Ít nhất trong bốn ngày này, mọi người ở các nước Phật giáo như Miến Điện, Tích Lan và Thái Lan thọ trì Uposatha. Thường thì họ đến các tự viện  và thọ trì bát giới tại đó. Họ ở lại chùa và nghe các Pháp thoại, cúng dường thực phẩm hay cái gì đó đến chư Tăng  và hành thiền. Tại Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia, họ thậm chí ở lại chùa qua đêm. Họ chỉ về lại nhà vào sáng ngày hôm sau. Việc hành trì này được gọi là ‘Uposatha’. Đó là giới dành cho thiện nam tín nữ. Đối với các tu sĩ thì như tôi đã nói, họ tụ họp lại ở một nơi nhất định. Một vị trong số  họ sẽ tụng đọc lại giới bổn Pāṭimokkha và những vị còn lại sẽ cung kỉnh chăm chú lắng nghe.

Các bạn biết là vào những ngày cổ xưa, chẳng có sách đâu. Để không quên giới luật hay nói cách khác là để ghi nhớ các điều luật, các tu sĩ phải tụng đọc các điều luật theo cách này. Họ học thuộc lòng giới luật. Tại buổi Uposatha, một tỳ- kheo tụng đọc các điều luật và những vị còn lại chú tâm lắng nghe. Đây được gọi là ‘Uposatha dành cho các tu sĩ’.

Trong đoạn văn số 42, tác giả giải thích bốn loại giới (sīla) thường được nhắc đến trong các bài kinh (sutta). Đối với các tu sĩ, đây là những loại giới quan trọng. Những loại này sẽ được giải thích chi tiết hơn những loại khác. Tác giả trích dẫn các đoạn văn từ những bài kinh (sutta).

“Giới được miêu tả bởi Đức Phật như sau: ‘Ở đây vị tỳ-kheo sống chế ngự với sự chế ngự của Pāṭimokkha, đầy đủ hành xứ và phẩm hạnh đúng đắn, và với việc thấy sự sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt nhất, vị ấy tự tu luyện bằng cách hành trì những giới điều’ là giới thuộc sự chế ngự của Pāṭimokkha.”1 Đây là một loại giới (sīla). ‘Giới thuộc sự chế ngự của Pāṭimokkha’ chỉ đơn giản có nghĩa là trì giữ các giới điều trong Pāṭimokkha, tức là giữ 227 giới hay 311 giới, giữ cho chúng nguyên vẹn, không bị vi phạm.

Phần (b) của đoạn văn 42 trình bày sự chế ngự các căn quyền. Tức là sự chế ngự của mắt, tai và vân vân. Nói một cách đúng đắn, đây không phải là giới (sīla) vì nó không phải là trì giữ giới điều nào cả. Khi các bạn có sự chế ngự của các căn quyền, giới (sīla) của các bạn trên thực tế là trong sạch. Cho nên, điều này được bao gồm trong giới (sīla).

“Khi nhìn thấy cảnh sắc với mắt của mình, vị ấy không nắm giữ tướng chung cũng không nắm giữ tướng riêng, (bởi) thông qua những tướng trạng này, các trạng thái bất thiện như tham và ưu có thể sẽ sanh lên nếu vị ấy không phòng ngự nhãn căn; vị ấy tiến hành phương cách chế ngự, vị ấy phòng ngự nhãn căn, hành trì sự chế ngự nhãn căn.”2 Điều này có nghĩa là khi các bạn thấy một cái gì đó, các  bạn cố gắng không để bất thiện (akusala) sanh lên từ nó. Đó là ý nghĩa của sự chế ngự các căn quyền.

Ví dụ, các bạn có thể nhìn thấy một vật xinh đẹp. Nếu các bạn không có tác ý khéo, các bạn sẽ bị dính mắc vào vật đó và bất thiện (akusala) sẽ sanh lên. Để giữ cho mình khỏi có bất thiện (akusala), khỏi có những ý nghĩ không tốt đẹp, thật ra là các bạn thực hành chánh niệm. Việc thực hành chánh niệm là để ngăn chặn sự dính mắc vào những đối tượng này. Nó không có nghĩa là chúng ta phải nhắm mắt lại hay bịt tai lại và không nhìn hoặc không nghe. Nó không có nghĩa như vậy. Chúng ta sẽ vẫn nhìn các vật và sẽ vẫn nghe các âm thanh. Sự phòng ngự ở đây có nghĩa là không cho bất thiện (akusala) sanh lên khi chúng ta tiếp xúc với những đối tượng này.

Phần thứ ba ở phần (c) là giới về sự thanh tịnh của việc nuôi mạng. Đối với các tu sĩ ‘sự nuôi mạng thanh tịnh’ có nghĩa là thọ nhận tứ vật dụng thông qua các phương tiện chân chánh. Điều đó có nghĩa là các tu sĩ kiếm thực phẩm bằng việc khất thực. Bằng việc nhặt các mảnh vải, họ có thể may kết chúng thành y để mặc và vân vân. Đây là sự nuôi mạng tốt đẹp dành cho các tu sĩ. Nếu các tu sĩ không tuân theo những điều luật này, họ sẽ không có giới hạnh về sự thanh tịnh của việc nuôi mạng. Vấn đề này sẽ được giải thích chi tiết về sau.

“Việc kiêng tránh sự nuôi mạng bất chánh như sự vi phạm sáu giới điều có liên quan đến việc nuôi mạng và những pháp bất thiện bắt đầu với ‘lừa đảo, ba hoa, gợi ý, chê bai, tầm cầu lợi lộc’ là giới về sự thanh tịnh của việc nuôi mạng.”1 Nếu các bạn đọc qua chương này, các bạn sẽ biết những điều này là gì. Tôi e là các bạn sẽ biết nhiều hơn về những mánh khóe mà một số tu sĩ dùng để đạt được những gì họ muốn.

Chúng ta sẽ tìm thấy sáu giới điều trong đoạn văn 60. Trong đoạn văn 60, chúng được trình bày từng điều một. “Với sự nuôi mạng làm nguyên nhân, với sự nuôi mạng làm lý do, một người với những ước muốn tà ác, là con mồi cho các ước muốn, tự xưng là đạt được pháp thượng nhân vốn không có tồn tại, vốn không phải là sự thật, phạm vào tội Bất Cộng Trụ.”

Giả sử rằng tôi muốn giàu có. Tôi muốn sở hữu nhiều vật dụng. Tôi muốn sở hữu nhiều tài vật. Mặc dầu tôi chưa chứng đạt bất kỳ tầng mức giác ngộ nào, nhưng tôi sẽ nói là tôi đã giác ngộ hay cái gì đó tương tự như vậy. Điều này với mục đích để làm cho các bạn sẽ cung kính tôi và sẽ dâng cúng cho tôi nhiều thứ. Nó là một tình huống giống như vậy. Việc vi phạm luật như vậy được gây ra do bởi  việc nuôi mạng.

Hoặc có lẽ là tôi không muốn đi khất thực. Tôi muốn trong tự viện và chỉ để cho mọi người mang vật thực thượng vị đến cho tôi và vân vân. Đây cũng là sự nuôi mạng không trong sạch đối với các tu sĩ. Sáu giới điều này được đưa ra hay được định đặt có liên quan đến sự nuôi mạng của các tu sĩ.

Ở đây, các bạn thấy có từ ‘bất cộng trụ’2. Đây là thuật ngữ chuyên môn. Điều này có nghĩa là nếu một tỳ-kheo phạm điều luật này, vị đó không còn là tỳ-kheo nữa. Vị đó không còn là tỳ-kheo nữa mặc dầu vị đó có thể là vẫn còn đang mặc y, mặc dầu vị ấy có thể vẫn tiếp tục tự nhận là một tỳ-kheo. Trong thực tế, vị đó không còn là tỳ-kheo nữa ngay giây phút vị đó phát biểu điều đó và một người nào khác hiểu được điều đó. Ở đây có sáu giới điều. Chúng ta sẽ trở lại sáu giới điều này sau.

Học viên: Nếu người nào khác đó không hiểu thì sao?

Giảng sư: Nếu người đối diện đó không hiểu tại thời điểm đó, thì vị Tỳ-kheo đó không vi phạm tội Bất Cộng Trụ. Nhưng nếu người đó tại thời điểm đó biết rằng vị này nói rằng ông ta đã giác ngộ và ông ta lại thật sự là không giác ngộ, thì tại đây có sự phạm tội.

Tôi nghĩ các bạn đã đọc về những cái gì là những hành xứ dành cho các tu sĩ và những cái gì không phải là những hành xứ dành cho các tu sĩ. ‘Những hành xứ’ là những thứ, hay những điều, mà các tu sĩ phải thực hiện và những thứ, hay những điều, mà các tu sĩ không được phép dự phần vào. Trong đoạn văn 44, ở khoảng giữa đoạn, các bạn sẽ tìm thấy: “Ở đây, một người nuôi mạng sống bằng việc đem cho tre, hoặc bằng việc đem cho lá, hoặc bằng việc đem cho hoa, trái, bột tắm, và tăm xỉa răng, hoặc bằng nịnh hót, tâng bốc, hoặc bằng hành xứ giống như canh đậu (các bạn có biết cái này là gì không?), hoặc bằng việc vuốt ve, mơn trớn”1 – tôi sẽ quay lại giải thích ‘hành xứ giống như canh đậu’ sau. ‘Bằng việc vuốt ve, mơn trớn’ thật sự có nghĩa là trông trẻ, tức là bồng bế và chăm sóc, chứ không phải chỉ là vuốt ve, đùa chơi. Việc này là trông trẻ. Một ai đó giao đứa trẻ cho vị tu sĩ, và nếu vị đó chăm sóc đứa trẻ để làm vừa lòng người đó, thì việc này được gọi là ‘vuốt ve, mơn trớn’.

Bây giờ đến ‘hành xứ giống như canh đậu’, tức là cách nuôi mạng sống mà giống như là canh đậu. Các bạn vẫn chưa hiểu phải không? Các bạn hãy lật đến đoạn văn 75. “Hành xứ như canh đậu có nghĩa là: giống như khi đậu được nấu, chỉ một ít là không bị nấu chín, còn toàn bộ phần còn lại là được nấu chín; cũng vậy, một người mà lời nói hay sự phát ngôn của vị đó chỉ có một chút ít là thật, còn lại đều là sai trái hay giả dối thì được gọi là ‘canh đậu’; trạng thái của vị đó là canh đậu.”1 Hầu hết những gì vị đó nói chỉ là những lời dối trá.

Nếu hầu như tất cả những gì tôi nói là không đúng và chỉ có một ít những gì tôi nói là đúng, thì tôi vi phạm vào giới điều ‘canh đậu’ này.

Trong đoạn văn 45, chúng ta có từ ‘hành xứ’. Chúng ta phải hiểu từ này một cách thích hợp. Có hành xứ thích hợp và hành xứ không thích hợp. “Ở đây, cái gì là hành xứ thích hợp? Ở đây, một vị có ‘kỹ nữ làm chỗ lui tới, hoặc vị đó có goá phụ, phụ nữ lớn tuổi, hoạn quan, các tỳ-kheo ni hoặc những quán rượu làm chỗ lui tới’.”2 ‘Lấy [những nơi đó] làm chỗ lui tới’ có nghĩa là làm bạn với họ, thân mật với họ, lui tới nơi trú ngụ của họ. Đó là ý nghĩa của ‘lấy [những nơi đó] làm chỗ lui tới’. Như vậy, có những nơi các tu sĩ phải luôn luôn tránh xa, tức là những nơi trú ngụ của những người này.

Rồi trong đoạn văn 49, lại có một loại hành xứ khác. “Hành xứ thích hợp thì có ba loại: hành xứ thích hợp làm việc hỗ trợ, hành xứ thích hợp làm việc phòng hộ, và hành xứ thích hợp làm việc giữ chặt.”

“Ở đây, hành xứ thích hợp làm việc hỗ trợ là gì? Một người bạn tốt nói mười loại câu chuyện (những loại này được trình bày trong phần chú thích)2, với sự có mặt của người này, chúng ta nghe những gì chưa được nghe”3 và vân vân. ‘Với sự có mặt của người này’ thật sự có nghĩa là phụ thuộc vào, nương tựa vào người này, không chỉ đơn thuần là sự hiện diện của ông ta. Điều đó có nghĩa là từ ông ta. Các bạn nghe một điều gì đó từ ông ta. Đó là ý nghĩa ở đây.

“Sửa sai những gì đã được nghe, loại bỏ nghi hoặc, chỉnh sửa tri kiến cho đúng đắn và đạt được niềm tin…”4 – đây là những lợi ích của việc thính Pháp. Đức Phật dạy trong một bài kinh (sutta) rằng có năm lợi ích đạt được từ việc thính Pháp. Thứ nhất là các bạn được nghe những gì các bạn chưa từng nghe trước đây. Tức là có thông tin mới lạ. Rồi các bạn sửa sai những gì các bạn đã nghe. Tức là  các bạn có thể làm sáng rõ những gì các bạn đã nghe từ trước. Khi các bạn nghe lại nó, thì các bạn loại bỏ được hoài nghi. Đây là lợi ích thứ ba. Các bạn có thể chỉnh sửa tri kiến cho đúng đắn. Nếu các bạn có một tà kiến, các bạn có thể chỉnh sửa nó lại khi các bạn thính Pháp. Các bạn đạt được niềm tin. Tức là tâm trí của các bạn trở nên có đầy đủ niềm tin. Đây là năm lợi ích đạt được từ việc thính Pháp.

“… Hoặc do bởi học hỏi dưới sự chỉ dẫn của người này…” – thật ra không phải là “do bởi học hỏi dưới sự chỉ dẫn của người này”1, mà là “do bởi noi gương người này”. Cho nên, nó phải nên được dịch là “hoặc do bởi việc noi gương người này, chúng ta trưởng thành hay được tăng trưởng về tín, giới, văn, bố thí và trí tuệ – đây được gọi là hành xứ (thích hợp) làm việc hỗ trợ.”

Đoạn văn tiếp theo nói như sau: “Cái gì là hành xứ (thích hợp) làm việc phòng hộ? Ở đây ‘một vị tỳ kheo, sau khi đi vào một ngôi nhà, sau khi đi vào một con đường’…”3 Dịch giả (ám chỉ cho ngài Ñāṇamoli) luôn luôn mắc lỗi này. Thuật ngữ Pāḷi là ‘antaraghara’. ‘Ghara’ có nghĩa là nhà, ngôi nhà. ‘Antara’ có nghĩa là ở trong, ở giữa hay ở trong vòng (khu vực đó). Ngài đã dịch ‘antaraghara’ là ‘bên trong ngôi nhà’ vì ‘antara’ có thể có nghĩa là ‘bên trong’ và ‘ghara’ có nghĩa là ‘nhà’. Nhưng ý nghĩa thật là một nơi chốn có những ngôi nhà trong đó. Như vậy, nó có nghĩa là một ngôi làng. Do đó, “một vị tỳ-kheo, khi đi vào một ngôi làng, khi đi vào một con đường, đi với mắt nhìn xuống phía trước với khoảng cách tầm một ách (ND: công cụ được dùng trong cày bừa).” Như vậy, nó không phải là ‘ở trong một ngôi nhà’. Các tu sĩ phải nhìn xuống khi đi vào làng  hoặc đi vào thị trấn, chứ không phải chỉ ở trong một ngôi nhà. Thuật ngữ Pāḷi này không được dịch đúng nghĩa ở đây.

“Nhìn xuống phía trước với khoảng cách tầm một ách”1 – thật ra nó không phải là một ách. Nó là một cán xe ngựa, dài khoảng bốn cánh tay, tức là khoảng sáu feet2. Như vậy, vị tỳ-kheo phải nhìn phía trước mặt đất khoảng sáu feet. Vị đó không nên nhìn lên hoặc nhìn qua hai bên.

Điều này có thể khả thi ở những nơi không đông đúc. Nó sẽ không khả thi tại các thành phố hiện đại. Các bạn phải chú ý nhìn xung quanh. Nếu các bạn chỉ đi và nhìn xuống, các bạn sẽ bị xe và các vật khác đụng. Nhưng các tu sĩ được chỉ dạy và được hướng dẫn là phải giữ mắt nhìn xuống – “không nhìn con voi, con ngựa, cỗ xe, người bộ hành, đàn bà, đàn ông…”3 và vân vân.

“Thấy kinh sợ trong lỗi nhỏ nhặt nhất”4 có nghĩa là thấy nguy hiểm trong lỗi nhỏ nhặt nhất. Thậm chí một lỗi lầm hay một vi phạm rất nhỏ cũng có thể mang lại tai hại cho các bạn. Đặc biệt khi các bạn thực hành thiền, điều này có thể là một chứng ngại lớn cho sự tiến triển hay sự định tâm của các bạn. Tu sĩ được hướng dẫn là phải giữ giới luật trong sạch, không phạm luật. Thậm chí, nếu vị đó phạm phải một giới điều không quan trọng và vị đó lại cố ý phạm điều đó, thì cảm giác tội lỗi sẽ luôn luôn đi theo hoặc có trong vị đó. Cái cảm giác tội lỗi này sẽ hành hạ vị đó khi vị đó hành thiền. Cho nên, có nguy hiểm thậm chí trong việc vi phạm giới luật nhỏ nhất. Thấy được nguy hại trong việc vi phạm giới luật nhỏ nhất, vị đó trì giữ giới luật (sīla) của mình thật trong sạch.

Như vậy, hôm nay chúng ta đã hoàn thành phần giới luật Pāṭimokkha. Chúng ta còn bao nhiêu trang nữa phải học trong chương thứ nhất? 58 trang. Như vậy, chúng ta có lẽ sẽ hoàn thành xong chương thứ nhất sau bốn tuần. Các bạn hãy đọc trước càng nhiều càng tốt.

Sādhu! Sādhu! Sādhu!

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app